LÊ thị khánh ly quan hệ CỦa vưƠng quốc ryukyu với các quốc gia đÔng á thế KỶ XV – XIX chuyên ngành: LỊch sử thế giới cận hiệN ĐẠI



tải về 175.4 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu14.06.2018
Kích175.4 Kb.
#39999
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-------------------------

LÊ THỊ KHÁNH LY

QUAN HỆ CỦA VƯƠNG QUỐC RYUKYU

VỚI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG Á THẾ KỶ XV – XIX

Chuyên ngành: LỊCH SỬ THẾ GIỚI CẬN HIỆN ĐẠI

Mã số: 62 22 50 05

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN LỊCH SỬ

Hà Nội – 2015

Công trình được hoàn thành tại khoa Lịch sử

trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội

-------------------------

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Nguyễn Văn Kim
Giới thiệu 1: ……………………………………….
Giới thiệu 2: ……………………………………….

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp cơ sở chấm Luận án tiến sĩ họp tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, vào hồi.......giờ.......phút, ngày.......tháng.......năm 2015.



Có thể tìm hiểu Luận án tại:

- Thư viện Quốc gia Việt Nam

- Trung tâm Thông tin thư viện - Đại học Quốc gia Hà Nội

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu


Ryukyu1 tồn tại như một vương quốc độc lập trong khoảng thời gian 1429 - 1879, nằm ở phía tây nam Nhật Bản. Thế kỷ XIV - XVI, vương quốc Ryukyu nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước ở khu vực Đông Á. Mối quan hệ đó có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của vương quốc Ryukyu, trong đó, quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản được triều đình Ryukyu đặc biệt coi trọng. Từ những mối bang giao đó, Ryukyu vươn lên trở thành một Vương quốc thương nghiệp trong thế giới Đông Á, đạt được sự phát triển phồn thịnh nhờ vào chính sách đối ngoại năng động, linh hoạt, duy trì vai trò cầu nối thương mại giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Dưới tác động của mối quan hệ đa chiều với Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á, Ryukyu trở thành một “Thể chế biển” (Marine polity) với những đặc tính văn hóa, hoạt động kinh tế, thể chế chính trị đều mang đậm sắc thái biển. Ryukyu nhanh chóng thúc đẩy thương mại biển phát triển mạnh mẽ, trở thành một "trường hợp độc đáo" trong nền hải thương của khu vực.

Là một vương quốc nhỏ bé, tài nguyên thiên nhiên không thực sự thuận lợi, luôn chịu áp lực chính trị từ Trung Quốc và Nhật Bản, tại sao Ryukyu có thể có những bước phát triển nhanh chóng để trở thành một “vương quốc thương mại” trong khu vực như vậy? Ryukyu có những chính sách gì trước những biến chuyển lớn của khu vực để vừa giữ được chủ quyền vừa phát triển đến cực thịnh ở thế kỷ XV - XVI? Những câu hỏi đó khiến Ryukyu trở thành đề tài nghiên cứu hấp dẫn trong nghiên cứu so sánh khu vực và nghiên cứu về hệ thống thương mại châu Á thời kỳ này. Tìm hiểu về lịch sử Ryukyu và quan hệ của nước này với các quốc gia Đông Á có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn những vấn đề có tính quy luật về sự tồn tại và phát triển của các nước nhỏ bên cạnh các nước lớn trong thế giới châu Á. Thông qua đó, cũng cho thấy bối cảnh chung về kinh tế và chính trị của các quốc gia trong khu vực thời kỳ này.

Cuối thế kỷ XVIII, Ryukyu dần suy yếu do những yếu tố có tính quy luật của lịch sử khu vực. Năm 1879, sau nhiều cố gắng duy trì nền độc lập tương đối, vương quốc Ryukyu sụp đổ hoàn toàn sau cuộc cải cách hành chính của chính quyền Minh Trị. Số phận cuối cùng của vương quốc Ryukyu đặt ra những vấn đề cần tìm hiểu và nhìn nhận sâu hơn về lịch sử khu vực ở một số khía cạnh như: số phận của các tiểu quốc trước âm mưu bành trướng của các nước lớn trong khu vực, sự khôn khéo trong chính sách đối ngoại có thể tạo ra sự phát triển bền vững thực sự cho các quốc gia nhỏ hay không?...

Cho đến nay, Ryukyu vẫn là một địa danh tương đối xa lạ đối với nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam. Nghiên cứu về lịch sử phát triển Ryukyu trong mối quan hệ bang giao với các quốc gia Đông Á đồng thời cũng góp phần khỏa lấp khoảng trống trong nhận thức về quốc đảo Ryukyu trong giới sử học trong nước hiện nay.

Với những lí do như vậy, nghiên cứu sinh đã lựa chọn đề tài "Quan hệ của vương quốc Ryukyu với khu vực Đông Á thế kỷ XV - XIX" làm đề tài nghiên cứu cho luận án Tiến sĩ của mình.

2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục tiêu nghiên cứu


Luận án tập trung làm rõ quá trình hình thành, phát triển của vương quốc Ryukyu cùng với quan hệ ngoại giao, quan hệ thương mại của Ryukyu với một số quốc gia trong khu vực Đông Á. Trên cơ sở đó, luận án chỉ ra những vấn đề có tính lý luận về hệ thống thương mại Đông Á thế kỷ XV – XIX.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu


Luận án đặt ra một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Trên cơ sở phân tích bối cảnh quốc tế và khu vực tác động đến quá trình hình thành, phát triển của vương quốc Ryukyu, luận án đi sâu tìm hiểu tầm nhìn, chính sách của vương quốc Ryukyu trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại, bang giao với các nước

2. Luận án phân tích những tác động của hệ thống thương mại ở châu Á đến hoạt động thương mại của vương quốc Ryukyu, những thay đổi trong tính chất của những mối quan hệ ấy trong bối cảnh khu vực, đặc biệt là mối quan hệ với Nhật Bản và Trung Quốc.

3. Trọng tâm của luận án là khảo cứu về quan hệ bang giao và thương mại của Ryukyu, luận án đặt Ryukyu trong sự so sánh với các quốc gia khác để tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt của Ryukyu với các nước trong khu vực Đông Á trong cùng thời gian và sự thay đổi tương ứng của mối quan hệ ấy qua các thời kỳ khác nhau.

4. Luận án cũng đưa ra những minh chứng xác thực về lịch sử quan hệ Việt Nam và Nhật Bản sớm hơn khoảng một thế kỷ so với quan niệm phổ biến của các nhà nghiên cứu hiện nay (thường cho rằng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được thiết lập vào cuối thế kỷ XVI).

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu


Luận án tập trung nghiên cứu về vương quốc Ryukyu và mối quan hệ của đảo quốc này với các quốc gia trong khu vực Đông Á, lấy các vương quốc đại diện như Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước, khu vực lãnh thổ tiêu biểu ở Đông Nam Á làm đối tượng nghiên cứu chuyên sâu.Trong quá trình nghiên cứu, luận án tập trung khảo cứu hoạt động kinh tế hải thương của Ryukyu trong quá trình lịch sử cùng những ứng biến và đối sách của vương quốc này trước những biến đổi lớn về kinh tế và chính trị khu vực.

3.2. Phạm vi nghiên cứu


Luận án giới hạn trong phạm vi nghiên cứu về vương quốc Ryukyunhững mối quan hệ bang giao của vương quốc này với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Khung thời gian của luận án: phạm vi thời gian của đề tài luận án nằm trong khoảng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX.

4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tài liệu

4.1. Phương pháp nghiên cứu


Luận án sử dụng các phương pháp chính trong nghiên cứu lịch sử như Phương pháp logic; Phương pháp phân tích, tổng hợp; Phương pháp nghiên cứu so sánh,... Phương pháp nghiên cứu liên ngành, Phương pháp nghiên cứu hệ thống cấu trúc, Phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế, Phương pháp nghiên cứu trường hợp là những phương pháp hỗ trợ đặc biệt cho việc triển khai luận án.

4.2. Nguồn tài liệu


Luận án khai thác tối đa các nguồn tư liệu sẵn có trong nước: từ các sách, báo, tạp chí, chuyên đề nghiên cứu, luận án đã hoàn thành liên quan đến đề tài.

Tuy nhiên, vì đây là một đề tài mới, hầu như chưa có những công trình khảo cứu chuyên sâu về các vấn đề liên quan trực tiếp đến đề tài nên luận án khai thác tối đa các tư liệu nước ngoài từ nhiều nguồn khác nhau: sách từ các thư viện nước ngoài, tạp chí nước ngoài, các chuyên đề nghiên cứu, công trình nghiên cứu của các trường đại học trên thế giới, các bài viết từ các hội thảo khoa học quốc tế,... và nguồn tài liệu Internet về các vấn đề có liên quan.


5. Đóng góp của luận án


Luận án tái hiện khái quát lịch sử vương quốc Ryukyu từ khi hình thành cho đến khi suy tàn (1429 - 1879) và trở thành một phần của Nhật Bản trong chính sách bành trướng của Nhật Bản thời Cận đại. Sự suy yếu, nguyên nhân và quá trình suy vong của vương quốc Ryukyu cho thấy rõ một số vấn đề về quy luật phát triển chung của các quốc gia châu Á thời kỳ này.

Các kết quả nghiên cứu của luận án góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp vốn có giữa hai dân tộc Việt - Nhật, củng cố cho chính sách đối ngoại giữa Việt Nam - Nhật Bản ngày càng thân thiện hơn, đồng thời đặt ra một vấn đề mới trong hoạt động nghiên cứu về lịch sử bang giao hai nước. Luận án đưa ra những vấn đề có tính chất lý luận về hoạt động của Hệ thống thương mại Đông Á và tác động của hệ thống này đối với sự phát triển kinh tế và chính trị của các nước trong khu vực nói chung.

6. Bố cục của luận án


Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, luận án gồm có 5 chương nội dung:

Chương 1: Tổng quan nghiên cứu.

Chương 2: Ryukyu trong bối cảnh Đông Á thế kỷ XV - XIX.



Chương 3: Quan hệ giữa vương quốc Ryukyu với khu vực Đông Bắc Á.

Chương 4: Quan hệ của vương quốc Ryukyu với các quốc gia Đông Nam Á.

Chương 5: Một số nhận xét về các mối bang giao và giao lưu kinh tế của vương quốc Ryukyu với các quốc gia Đông Á.

CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.1. Các bộ sử và công trình nghiên cứu ở Việt Nam


Ở Việt Nam, tài liệu viết về Ryukyu và quan hệ bang giao giữa vương quốc Ryukyu với các quốc gia trong khu vực không có nhiều, đặc biệt là tài liệu tiếng Việt. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có hai lần Lưu Cầu (Ryukyu) đã được nhắc đến là sự kiện năm 1499 và năm 1572. Tuy nhiên, sự xuất hiện đó không mang chính trị hoặc ngoại giao. Trong tác phẩm “Kiến văn tiểu lục”, có hai lần Lê Quý Đôn nhắc đến Ryukyu với ấn tượng đặc biệt về tinh thần cầu thị học tập và thái độ khiêm nhường của con người đất nước Lưu Cầu khi ông đang đi sứ ở Trung Quốc. Đầu thế kỷ XX, trong tác phẩm “Lưu Cầu huyết lệ tân thư” (1903) của nhà yêu nước Phan Bội Châu có nhắc đến việc mất nước bi đát của nhân dân Lưu Cầu (bị Nhật Bản chiếm vào năm 1879). Lưu Cầu được sử dụng như một bài học về sự mất nước để khuyến cáo và thức tỉnh tinh thần dân tộc của nhân dân ta. Các ghi chép về Ryukyu ở Việt Nam thời phong kiến rất sơ sài.

Đầu năm 1999, GS Trần Quốc Vượng đã có sự chú ý đặc biệt đến sự thiếu thốn các nghiên cứu về Ryukyu2 và mối quan hệ giữa Ryukyu và Đại Việt trong giới nghiên cứu Việt Nam. Vì vậy, tháng 12-1999, nhà nghiên cứu Kin Seiki công có bài viết: “Mậu dịch với Đông Nam Á của vương quốc Ryukyu (Lưu Cầu) và đồ gốm sứ Việt Nam phát hiện được ở Okinawa” đã tạo được sự chú ý lớn. Tháng 2-2003, Tạp chí Xưa & Nay đã công bố một công trình nữa về Ryukyu của giáo sư Vĩnh Sính: “Một văn thư vương quốc Lưu Cầu gửi sang Việt Nam vào đầu thế kỷ XVI” số 134, thể hiện sự quan tâm của học giả Việt Nam về mối quan hệ Ryukyu – Đại Việt.

Hai công trình nghiên cứu “Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỷ XV - XVII” và “Nhật Bản với châu Á - Những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế - xã hội” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Kim xuất bản năm 2013 đã đánh dấu quá trình tìm hiểu về đề tài Ryukyu ở Việt Nam được nâng lên một bước cao hơn. Các nghiên cứu về Ryukyu và quan hệ của Ryukyu với các quốc gia trong khu vực như trở thành một đề tài quen thuộc hơn với nhiều công trình được công bố từ đó như: “Quan hệ thương mại Nhật Bản - Siam thế kỉ XVI-XVII; “Quan hệ thương mại của vương quốc Ryukyu với các nước Đông Nam Á thế kỉ XV-XVI; “Quan hệ của Đại Việt với vương quốc Ryukyu thế kỉ XVI-XVIII qua một số nguồn tư liệu”; “Ryukyu trong quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản thời cận thế”; “Quan hệ giữa vương quốc Ryukyu với Triều Tiên thế kỉ XV-XVII” … Có thể nói, địa danh Ryukyu (Lưu Cầu) đã phần nào quen thuộc với các nhà nghiên cứu lịch sử và kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoàn toàn chưa có những nghiên cứu sâu về lịch sử phát triển, vai trò, vị trí của vương quốc Ryukyu với quy mô là một công trình nghiên cứu chuyên biệt về vương quốc này. Những nghiên cứu đó đặt nền tảng quan trọng cho nghiên cứu sinh triển khai hướng nghiên cứu của luận án.

1.2. Các bộ sử và công trình nghiên cứu trên thế giới

1.2.1. Các bộ chính sử (tài liệu gốc)


- Reikidai hoan - Lịch đại bảo án (Precious Documents of Successive Generations - “Bộ tài liệu quý giá cho đời sau”):

Rekidai hoan là một tập hợp các văn bản ngoại giao liên quan đến mối quan hệ giữa Ryukyu với Trung Quốc, Triều Tiên, và các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á trong 444 năm, từ năm 1424-1867. Các tài liệu này ghi chép lại tỉ mỉ chi tiết hoạt động của các phái bộ ngoại giao Ryukyu đến các nước như: ngày gửi, mục đích, lộ trình, tên và cấp bậc của các thành viên phái bộ, số lượng hàng hóa, danh sách các quà tặng,… và rất nhiều các loại thông tin khác liên quan đến phái bộ. Những tài liệu này được coi là vô giá cho việc nghiên cứu lịch sử và lịch sử ngoại giao của Ryukyu thời độc lập.

- Minh Thực lục (Ming Shi-lu): Minh thực lục (hoặc Hoàng Minh thực lục) là một bộ sử biên niên đồ sộ dưới thời 13 triều vua nhà Minh (1368-1644) của Trung Quốc, từ Minh Thái Tổ đến Minh Hy Tông. Ryukyu trở thành một cái tên thường xuyên xuất hiện trong bộ sử nổi tiếng này. Thông qua đó, chúng ta cũng có thể chắt lọc được nhiều thông tin về chính sách ngoại giao và kinh tế - xã hội của vương quốc này.


1.2.2. Các công trình nghiên cứu, sách, báo tạp chí


Trên thế giới, đề tài Ryukyu được quan tâm sớm hơn và cẩn thận hơn ngay từ những năm 1960 - 1970. Năm 1963, nhà nghiên cứu Shunzo Sakamaki đã công bố chuyên khảo về “Reikidai hoan” trên Journal of the American Oriental Socienty với những thông tin quý giá về quá trình ra đời và lưu giữ bộ sử này ở nhiều nước trên thế giới.

- Năm 1962-1963, Viện nghiên cứu và Phát triển thuộc Trung tâm Đông -Tây Honolulu (Hawai - Hoa Kỳ) đã tổ chức biên soạn và dịch Reikidai hoan sang Anh ngữ và được xuất bản thành cuốn sách “Ryukyuan Relations with Korea and South Sea Countries” của hai tác giả Nhật Bản Atsushi Kotaba và Mitsugu Matsuda năm 1969.

- “Life Under Satsuma and Qing China through to Annexation by Japan in 1879”- (Harvard University Press, 1968) và "Ryukyu's Tribute - tax to Satsuma during the Tokugawa period" (Misugu Sakihara, 1972) là hai công trình này nghiên cứu rất kĩ về chính sách cai trị dưới hình thức đánh thuế của lãnh địa Satsuma đối với chính quyền Ryukyu trong những năm 1603 - 1879.

Ngoài ra, có thể kể đến một số chuyên khảo của các nhà nghiên cứu uy tín như: "Ryukyu and Southest Asia” của Shunzo Sakamaki, (1964); “Relation between Ayutthaya and Ryukyu”, Piyada Chonlaworn (2004); "The Satsuma - Ryukyu trade and Tokugawa Seclution Policy", Robert Sakai (1964); “Sources of Ryukyuan history and Culture in European collections” Josef Kreiner (1996); Okinawa the history of an Island people George H.Kerr (1960); hay Vision of Ryukyu của Gregory Smith (1999)…

Trong hai ngày 29, 30/10/2004, tại Naha (Okinawa - Nhật Bản), các nhà nghiên cứu đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn về thương mại khu vực Đông Á. “Northeast Asia in maritime perspective: a dialogue with Southeast Asia”. Hội thảo đã dành sự quan tâm đặc biệt đến Ryukyu và vai trò của vương quốc này trong hệ thống thương mại khu vực. Tuy vậy, hầu hết các nghiên cứu vẫn mang tính chất chia nhỏ, tập trung vào một lĩnh vực hoặc vấn đề nào đó mà chưa xây dựng được một bức tranh toàn diện và hệ thống về mảng đề tài này. Dựa trên những nguồn tài liệu đó, luận án sẽ tận dụng kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế để giải quyết các mục tiêu đặt ra của luận án.
CHƯƠNG 2

RYUKYU TRONG BỐI CẢNH ĐÔNG Á THẾ KỶ XV - XIX

2.1. Quá trình thống nhất của vương quốc Ryukyu

2.1.1. Ryukyu trước khi thống nhất


Quần đảo Ryukyu nằm trong hệ thống quần đảo Nansei (Nansei Shoto / Nam Tây chư đảo), là một hệ thống các đảo ở phía Tây Thái Bình Dương, nằm gần bờ phía Đông của biển Hoa Đông, Trung Quốc. Các bộ sử Ryukyu thường đề cập đến khái niệm Ryūkyū Rettō (琉球列島 - Lưu Cầu liệt đảo) để nói đến vương quốc Ryukyu thống nhất tồn tại trong khoảng thời gian 1429 – 1879, chỉ bao gồm các quần đảo Amami (thuộc nam Satsuma), quần đảo Myiako, quần đảo Yaeyama, đảo Senkaku và đảo chính Okinawa.

Khoảng 32.000 năm trước, con người xuất hiện ở quần đảo Ryukyu và hình thành một nền văn hóa bản địa mang sắc thái “văn hóa biển” rõ nét. Qua quá trình lịch sử, Ryukyu dần phát triển tạo cho mình những dấu ấn riêng, với những giá trị văn hóa và quy luật lịch sử riêng trong khu vực dưới sự ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản và Đông Nam Á cổ đại.


2.1.2. Quá trình thống nhất của vương quốc Ryukyu


Ghi chép về lịch sử Ryukyu rất hạn chế. Thế kỷ XIV, các phiên nhỏ rải rác trên đảo Okinawa được thống nhất thành ba lãnh địa chính: Hokuzan (Bắc Sơn), Chuzan (Trung Sơn) và Nanzan (Nam Sơn). Sử sách Ryukyu gọi đó là thời kỳ Shanzan3. Năm 1416 (có tư liệu ghi là năm 1422), vương quốc Bắc Sơn bị Trung Sơn tiêu diệt. 13 năm sau, Nam Sơn cũng bị Trung Sơn chinh phục (năm 1429). Ryukyu chính thức trở thành một vương quốc thống nhất do vua Trung Sơn đứng đầu.

2.2. Vương quốc Ryukyu trong các mối bang giao khu vực (1429 - 1879)

2.2.1. Những nhân tố ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Ryukyu


Sự hưng thịnh của vương quốc Ryukyu được quyết định bởi các điều kiện tự nhiên và đặc biệt là vị trí địa lý của vương quốc này. Ryukyu có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế bằng việc hoà nhập vào hệ thống thương mại trong khu vực, làm cầu nối hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, tạo lực đẩy cho nền kinh tế thương nghiệp biển hướng ra bên ngoài.

Là một vương quốc nhỏ, nằm cạnh những nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản luôn có tư tưởng bành trướng lãnh thổ và khẳng định uy quyền chi phối với các nước xung quanh, sự phát triển của Ryukyu chịu sự tác động sâu sắc bởi những chính sách và quan hệ bang giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản.


2.2.2. Thời hoàng kim của vương quốc Ryukyu: mở rộng quan hệ với “thế giới Đông Á” (1429 - 1608)


Đứng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Ryukyu nhanh chóng chấp nhận thần phục cả hai nước, thực hiện triều cống đối với cả hai quốc gia, khéo léo lợi dụng mâu thuẫn ngoại giao giữa hai nước để bảo vệ nền độc lập và phát triển mạnh về kinh tế. Cùng thời điểm đó, Ryukyu mở rộng quan hệ bang giao và thương mại tới nhiều quốc gia Đông Nam Á như Ayutthaya, Malacca, Palembang, Sumatra, Pantani, Sunda-Karapa và Đại Việt… Hoạt động bang giao và hải thương của Ryukyu thế kỷ XV - XVI là động lực chính đưa Ryukyu phát triển đến thời kỳ hưng thịnh nhất dưới thời cầm quyền của hoàng đế Sho Shin (cq:1477 - 1526). Ryukyu phát triển trở thành một Vương quốc thương mại có vị trí cầu nối quan trọng trong thế giới Đông Á.

2.2.3. Chính sách đối ngoại giữ vững nền độc lập tương đối (1609 - 1879)


Năm 1609, Ryukyu bị lãnh địa Satsuma (Nhật Bản) chinh phục và đánh mất một phần nền độc lập. Sự khéo léo và nhạy bén trong đường lối đối ngoại của Ryukyu với Trung Quốc và Nhật Bản thời kỳ này là một trong những điều kiện chính để Ryukyu có thể bảo vệ nền độc lập tương đối và để lại dấu ấn đặc biệt của mình trong quá trình lựa chọn con đường phát triển độc đáo trong khu vực Đông Bắc Á.

2.3. Sự suy vong của vương quốc Ryukyu


Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, hầu hết các quốc gia châu Á đều đã và đang phải đối diện với sức ép nặng nề của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Trong khoảng thời gian từ năm 1797 - 1853, hàng loạt các quốc gia phương Tây đã, bằng nhiều cách, xâm nhập thị trường Ryukyu. Năm 1872, chính quyền Nhật Bản đơn phương tuyên bố phủ nhận sự tồn tại độc lập của vương triều Sho. Năm 1874, Ryukyu cũng chấm dứt quan hệ thần thuộc với chính quyền nhà Thanh. Năm 1879, Nhật Bản tiến hành cuộc cải cách hành chính, Ryukyu bị sáp nhập hoàn toàn vào Nhật Bản và trở thành tỉnh Okinawa cho đến hiện nay.

CHƯƠNG 3

QUAN HỆ GIỮA VƯƠNG QUỐC RYUKYU VỚI

KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á

3.1. Chính sách đối ngoại của Ryukyu với các quốc gia Đông Bắc Á


Xác định chính xác vị thế đất nước, Ryukyu thực hiện một chính sách đối ngoại rộng mở, lấy ngoại thương làm phương tiện thúc đẩy chính trị đa phương. Trong thời kỳ phát triển cực thịnh (thế kỷ XIV- XVI), Ryukyu có 3 mục tiêu đối ngoại quan trọng nhất là Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

3.2. Quan hệ giữa Ryukyu - Trung Quốc thế kỷ XV - XIX

3.2.1. Ryukyu và chính sách đối ngoại mềm dẻo với Trung Quốc


Trung Quốc là nước có quan hệ bang giao chính thức với Ryukyu sớm nhất. Mối quan hệ với Trung Quốc có tính chất bảo hộ cho nhiều hoạt động bang giao khác của Ryukyu. Đó là mối quan hệ hai chiều, có tính chất “đôi bên cùng có lợi”. Đứng trước nhiều biến động lớn của khu vực, Ryukyu đã “tận dụng” khá hiệu quả vị thế “được Trung Quốc bảo hộ” để đưa đất nước vượt qua các sức ép chính trị và kinh tế khác trong khu vực.

3.2.2. Quan hệ giao thương giữa Ryukyu với Trung Quốc


Hệ thống triều cống – thương mại có ý nghĩa thúc đẩy hoạt động giao thương giữa Ryukyu và Trung Quốc mạnh mẽ. Các phái bộ và tàu thuyền của Ryukyu thường xuyên được phái đến Trung Quốc vừa để dâng cống vật vừa để tiến hành các hoạt động thương mại. Đó là mối quan hệ xuất phát từ nhu cầu của cả hai phía. Mối quan hệ đó diễn ra sôi nổi, thường xuyên và có nhiều hình thức khác nhau.

3.2.3. Tiếp thu văn hóa và giáo dục Trung Quốc


Bên cạnh quan hệ ngoại giao chính trị và kinh tế, quan hệ giữa Ryukyu và Trung Quốc còn có hoạt động khá quan trọng là “trao đổi giáo dục”. Đó là hiện tượng Ryukyu luôn cố gắng gửi người của triều đình sang Trung Quốc học tập và nghiên cứu, gọi là Chương trình Kansho. Chương trình này được chính quyền Ryukyu đặc biệt quan tâm và duy trì thường đến thế kỷ XVIII với số lượng du học sinh đáng kể. Từ đó, văn hóa Ryukyu có xu hướng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền giáo dục và văn hóa Trung Hoa. Đây là một trong những điều kiện góp phần thúc đẩy quá trình văn minh và hội nhập khu vực của vương quốc Ryukyu.

3.2.4. Vai trò của người Hoa trong lịch sử Ryukyu


Ảnh hưởng của thương nhân Trung Quốc đóng vai trò quyết định đến thương nghiệp biển của Ryukyu.Tranh thủ sự bảo hộ của chính quyền Trung Quốc cho hoạt động thương mại của mình, Ryukyu đã khai thác triệt để “nhân tố Trung Quốc” nhằm thúc đẩy sự phát triển đất nước ở nhiều góc độ: kinh tế, chính trị, văn hóa.

3.3. Quan hệ giữa Ryukyu - Nhật Bản thế kỷ XV – XIX

3.3.1. Chính sách “thần thuộc chiếu lệ” trong quan hệ Ryukyu - Nhật Bản (1415 - 1609)


Năm 1415, lần đầu tiên Nhật Bản tiếp nhận những quà tặng của triều đình Shuri gửi tới và ghi nhận đó là “quà triều cống” đánh dấu Ryukyu bắt đầu thực hiện chính sách thần phục với Nhật Bản. Nhưng nhờ có “mối quan hệ đặc biệt” với triều đình nhà Minh, chế độ thần phục của Ryukyu chỉ là chế độ “thần thuộc chiếu lệ” với Mạc phủ.

3.3.2. Chính sách ngoại giao trung lập Nhật Bản (1609 - 1879)


Tháng 2/1609, Ryukyu không thể cản trở được âm mưu thôn tính của các shogundaimyo với mình và đã bị lãnh địa Satsuma chinh phục. Chấp nhận quan hệ thần thuộc, nhưng vị thế của Ryukyu trong quan hệ với hai nước khác hẳn nhau: với Trung Quốc, Ryukyu thực hiện chế độ thần phục trực tiếp hoàng đế nhà Minh, còn với Nhật Bản là chế độ thần phục gián tiếp (thông qua lãnh địa Satsuma).

3.3.3. Chính sách cai trị Ryukyu của Nhật Bản: thuế và hàng hóa


Với tư cách là một lãnh địa được giao quyền quản lý Ryukyu, Satsuma đã nhanh chóng xây dựng một chính sách cai trị nhằm khai thác triệt để nguồn lợi trên quần đảo Ryukyu bằng các loại thuế; Đồng thời, Satsuma cũng phải thực hiện những chính sách đảm bảo cho nền kinh tế của Ryukyu phát triển một cách ổn định, thúc đẩy hoạt động trao đổi hàng hóa xuất phát từ nhu cầu hai phía.

CHƯƠNG 4

QUAN HỆ CỦA VƯƠNG QUỐC RYUKYU

VỚI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á THẾ KỶ XV - XIX

4.1. Sự thiết lập mối quan hệ bang giao của Ryukyu với khu vực Đông Nam Á

4.1.1. Nhu cầu mở rộng bang giao với khu vực Đông Nam Á

Để giữ được vai trò “cầu nối” giữa hai khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, Ryukyu cần từ các quốc gia Đông Nam Á một khối lượng lớn hàng hoá gồm các sản vật địa phương ở khu vực này để cung cấp cho Trung Quốc, Nhật Bản (và Triều Tiên). Vì vậy, phát triển quan hệ kinh tế thương mại sang khu vực Đông Nam Á trở thành một nhu cầu tất yếu và cần thiết để Ryukyu thực hiện thành công đường lối đối ngoại “trung lập - thần phục” của mình với Nhật Bản và Trung Quốc thời kỳ này.

4.1.2. Ryukyu thiết lập quan hệ bang giao với các nước Đông Nam Á


Thế kỷ XV-XVI là thời kỳ Ryukyu đã mở rộng quan hệ bang giao với các quốc gia Đông Nam Á. Thậm chí, xét trong lịch sử Ryukyu thì chưa bao giờ Ryukyu lại có chính sách mở rộng ngoại giao như ở giai đoạn này.

Trong khoảng thời gian từ 1425-1570, Ryukyu đã cử 53 chuyến thuyền shissho4 đến Ayutthaya, 6 chuyến đến Java (1430-1442), 8 chuyến đến Palembang (1428-1440), 11 chuyến đến Malacca (1463-1511), 8 chuyến đến Patani (1515-1543), 3 chuyến đến Sumatra (1461-1468), 2 chuyến đến Sunda-Karapa (1513-1518) và 1 chuyến đến Đại Việt.

Người có vai trò đặc biệt trong chính sách mở rộng bang giao xuống khu vực Đông Nam Á của Ryukyu chính là Sho Hashi (Thượng Bá Chí, cq: 1422 - 1429).

4.2. Mức độ quan hệ của Ryukyu với các quốc gia Đông Nam Á


Trong số tất cả các quốc gia Đông Nam Á, quan hệ thương mại của Ryukyu với vương quốc Ayutthaya là thường xuyên và lâu dài hơn cả. Quan hệ giữa Rykyu với Malacca giữ mức độ thường xuyên và thân thiện thứ hai. Mối quan hệ giữa Ryukyu và Palembang có nhiều điểm khác biệt so với các nước Đông Nam Á khác trong khi quan hệ giữa Ryukyu và Sumatra, Sunda-Karapa diễn ra muộn hơn so với các quốc gia Ðông Nam Á khác.

4.3. Quan hệ giữa Ryukyu với Đại Việt


Trong số gần 100 văn bản ngoại giao có trong Reikidai hoan chỉ có duy nhất một văn bản nói về quan hệ giữa Đại Việt và Ryukyu. Văn bản đó đề ngày 9 tháng 10 năm Chính Đức thứ 4 (nhà Minh), tức là ngày 20 tháng 11 năm 1509.Đây là một cơ sở khoa học quan trọng giúp chúng ta có thể xác định thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước sớm hơn khoảng một thế kỷ so với quan niệm phổ biến của chúng ta trước đây.

4.4. Hàng hoá trao đổi giữa Ryukyu và Đông Nam Á

4.4.1. Hàng hoá đưa từ Ryukyu đến các quốc gia Đông Nam Á


Thương nhân Ryukyu là những người rất giàu có và khác biệt so với thương nhân ở các nơi khác. Họ là những người sống rất nghiêm túc và có nguyên tắc. Trước hết, họ là những người có rất nhiều hàng hoá. Hàng hoá trao đổi giữa Ryukyu và Đông Nam Á có hai hình thức chính: tặng phẩm ngoại giao của Ryukyu gửi tới các nước; và hàng hoá buôn bán.

4.4.1.1. Tặng phẩm ngoại giao


Phân nhóm các loại hàng hoá trong bộ phận hàng hoá - quà biếu sẽ có 2 loại chính gồm: hàng xa xỉ (vải vóc, hàng thủ công mĩ nghệ và gốm sứ) và hàng quân nhu.

* Hàng xa xỉ: vải vóc, gốm sứ, hàng thủ công mĩ nghệ, ...



* Hàng quân nhu: Hàng quân nhu có nhiều loại, nhưng hàng của Ryukyu tập chú yếu vào nguyên liệu quân sự và các loại vũ khí khác nhau chủ yếu là những sản phẩm truyền thống và có giá trị cao của khu vực Đông Bắc Á như kiếm, dao và lưu huỳnh...

4.4.1.2. Hàng hoá buôn bán


Loại hàng này thường tồn tại dưới danh nghĩa “sản vật địa phương” (“local productions”). Thương nhân Ryukyu vẫn thường mang đến các nước Đông Nam Á các sản phẩm truyền thống như gốm sứ, tơ lụa, satin, tiền đồng, sắt,... từ Trung Quốc; kiếm, đồ sơn mài, áo giáp, cung tên... từ Nhật Bản; và bằng việc trao đổi những hàng hoá đó, họ mang về Ryukyu các loại hàng hoá có giá trị xuất khẩu cao sang Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên như hồ tiêu, đàn hương, hương liệu, dược liệu quý hiếm, ngà voi, sừng tê,...

4.4.2. Những nguồn hàng từ phương Nam


Ryukyu đóng vai trò như một “trạm trung chuyển” hàng hoá giữa hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Ryukyu đã tạo ra dòng hàng hoá chảy theo hai chiều Đông Bắc Á - Đông Nam Á và ngược lại. Qua thống kê hàng hoá trong quan hệ thương mại giữa Ryukyu và các quốc gia Đông Nam Á, có thể thấy hàng hoá lưu chuyển trong hệ thống thương mại biển Đông vẫn là những loại hàng đặc trưng cho “Con đường tơ lụa trên biển” như: gốm sứ, vải vóc, hương liệu (hồ tiêu, tô mộc, trầm hương,...), vũ khí, hàng thủ công...
CHƯƠNG 5

MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ LỊCH SỬ VÀ BANG GIAO CỦA

VƯƠNG QUỐC RYUKYU THẾ KỶ XV - XIX

5.1. Con đường phát triển của Ryukyu trong thế giới Đông Á


Thế kỉ XV-XVI là thời kỳ Ryukyu phát triển mạnh mẽ nhờ chú trọng phát triển kinh tế ngoại thương. Đó là một tốc độ phát triển hiếm có trong khu vực Đông Á. Lựa chọn con đường phát triển như thế nào, làm sao để có thể đạt được sự phát triển đặc biệt như vậy, Ryukyu trở thành một đối tượng nghiên cứu thú vị trong lịch sử khu vực Đông Á.

Xác định chính xác tình thế và địa vị chính trị của mình, Ryukyu lựa chọn chính sách đối ngoại khôn khéo và rộng mở đối với các quốc gia trong khu vực Đông Á, lấy kinh tế hải thương làm nền tảng phát triển chính của đất nước.

Hình thành đất nước trong bối cảnh sôi động của hải thương sớm ở Đông Á là một điều kiện vô cùng thuận lợi cho Ryukyu phát triển. Ryukyu thực sự đã ra đời “đúng thời điểm” để tìm kiếm những cơ hội hiếm có, tạo ra sự phát triển độc đáo trong thế giới Đông Á. Chưa bao giờ, trong lịch sử Đông Bắc Á, lại có một quốc gia nhỏ có thể mở rộng quan hệ ngoại giao với một mạng lưới kinh tế và chính trị rộng lớn đến như vậy. Sự hình thành “Thể chế biển Ryukyu” là một ví dụ điển hình cho hoạt động hiệu quả của hệ thống thương mại Biển Đông trong thế giới châu Á thời trung đại.

Thế cờ ngoại giao nước đôilựa chọn hải thương làm nền tảng kinh tế có thể coi là một lời giải hoàn hảo cho tình thế của Ryukyu trong nhu cầu phát triển và duy trì độc lập dân tộc trước những uy hiếp chính trị liên tục từ các nước lớn. Nhờ đó, Ryukyu vừa khẳng định được vị thế vương quốc trong khu vực, đồng thời, bảo vệ một cách tương đối an toàn chủ quyền quốc gia cho đến giữa thế kỷ XIX.


5.2. Vai trò chuyển giao kinh tế của Ryukyu trong nền hải thương Đông Á


Bằng chính sách ngoại giao rộng mở, Ryukyu nhanh chóng gia nhập và hoạt động tích cực trong hệ thống thương mại Biển Đông. Khai thác tối đa những “lợi thế sẵn có”, Ryukyu nắm giữ vị thế “cầu nối” giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á, và phát huy vị thế đó vô cùng hiệu quả.

Ryukyu thực sự đã trở thành một “căn cứ điểm mậu dịch” trung chuyển giữa Trung Quốc với Đông Nam Á và giữa Trung Quốc với Nhật Bản. Ryukyu nhanh chóng nắm giữ vai trò thương cảng trung chuyển hàng hóa (entrepôt) quan trọng, nâng cao vị thế chính trị của mình trong chính trường khu vực. Thậm chí, đã có lúc Ryukyu có một quyền hạn tương đương với vai trò độc quyền trong quan hệ buôn bán giữa thế giới Đông Bắc Á với Đông Nam Á, đặc biệt là trong mối quan hệ với Siam và Malacca.

Kinh tế thương mại Ryukyu không dựa chủ yếu vào kinh tế khai thác - trao đổi như các nước khác mà là kinh tế buôn bán - vận chuyển “kiếm lời” (lợi nhuận ở đây không chỉ là lợi ích về kinh tế mà cả lợi ích về chính trị). Điều thú vị là bằng việc biến mình thành “nhà phân phối hàng hóa” giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á, Ryukyu đã khẳng định được nền độc lập, có vị thế chính trị và quân sự riêng trong khu vực, thoát khỏi nanh vuốt và nguy cơ thường xuyên bị các nước lớn “uy hiếp chính trị” trong thời kỳ này.

5.3. Sự thăng trầm của Ryukyu - những yếu tố nội sinh và ngoại sinh


Vương quốc Ryukyu đã tận dụng "mạng lưới triều cống" của Trung Quốc để triển khai các hoạt động giao thương hàng hải, mang lại lợi ích kinh tế và chính trị cho đất nước.

Sự kiện sáp nhập Ryukyu vào Nhật Bản trong cuộc cải cách năm 1879 khẳng định Ryukyu đã xác định số phận của mình (dù tự nguyện hay bị cưỡng chế) bị sáp nhập vào Nhật Bản cuối thế kỷ XIX cũng là một xu thế không tránh khỏi. Vương quốc biển Ryukyu không còn vị thế là một vương quốc thương mại nữa, nhưng sự phát triển của nó trong hai thế kỷ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử thương mại châu Á.

Ryukyu là một trường hợp khá độc đáo và đặc sắc trong khu vực Đông Bắc Á, xét cả về kinh tế và chính trị. Sự hưng thịnh và sụp đổ của vương quốc Ryukyu đều gắn liền với thuận lợi và những cơ hội trong thương mại của vương quốc này./.

KẾT LUẬN


1. Quá trình hình thành, phát triển, hưng thịnh và suy vong của vương quốc Ryukyu (1429 - 1879) gắn liền với chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa độc đáo trong khu vực Đông Á. Là một vương quốc một nước nhỏ, nằm bên cạnh những nước lớn, triều đình Shuri đã nhạy bén nắm bắt những cơ hội, hội nhập với sự biến chuyển và phát triển của hệ thống thương mại châu Á. Trong bối cảnh khu vực có nhiều thay đổi liên tục, Ryukyu lựa chọn con đường mở rộng bang giao, tận dụng tối đa mâu thuẫn giữa các nước lớn trong khu vực, phát huy vai trò cầu nối trong bang giao và kinh tế của mình nhằm phát triển kinh tế, bảo vệ nền độc lập, nâng cao vị thế đất nước trong khu vực. chính sách đối ngoại mềm dẻo với Trung Quốc, trung lập với Nhật Bản, mở rộng quan hệ với khu vực Đông Nam Á thể hiện một tầm nhìn độc đáo của triều đình Shuri. Chính sách đối ngoại mềm dẻo, ứng biến linh hoạt, nhạy bén chờ thời là điểm đặc biệt trong quan hệ bang giao của triều đình Shuri với các quốc gia trong khu vực Đông Á từ thế kỷ XV – XIX và là một trong những cơ sở đưa Ryukyu phát triển đến giai đoạn hưng thịnh nhất trong hai thế kỷ XV - XVI.

Chính sách đối ngoại của Ryukyu có ba mục tiêu chính: Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đó là một chính sách ngoại giao rộng mở, đa chiều, đa dạng, nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, mục tiêu mở rộng tối đa quan hệ bang giao với các nước Đông Nam Á là một nhiệm vụ quan trọng của đối ngoại Ryukyu thời kỳ này. Chưa bao giờ, trong lịch sử các nước Đông Bắc Á, có một nước mở rộng quan hệ sâu rộng với thế giới phương Nam đến vậy. Đó là một thành công đặc biệt trong đường lối ngoại giao khôn khéo của triều đình Ryukyu.

Tuy vậy, tính chất và mức độ bang giao của Ryukyu đối với từng nước trong khu vực Đông Á có sự khác nhau rất rõ ràng. Đó là một chính sách ngoại giao đa phương hóa có chọn lọc. Ở Đông Nam Á, Ryukyu chủ yếu tập trung vào một số cảng thị trung tâm, có hoạt động buôn bán sôi nổi, tập trung nhiều loại hàng hóa như Ayutthaya, Malacca…hoặc một số cảng thị có loại hàng đặc trưng mà Ryukyu cần như Palembang (ngựa), Java (gia vị)… Thật dễ dàng để nhận ra sự nhạy bén trong việc lựa chọn đối tượng buôn bán và tìm nguồn hàng nhanh chóng của Ryukyu trong chính sách này. Điều đó giải thích tại sao Ryukyu với có được một lượng hàng hóa đa dạng và phong phú hơn hẳn các nước khác trong khu vực thời kỳ này. Hiển nhiên, Ryukyu đạt được nhiều lợi ích, cả kể kinh tế và chính trị từ sựa lựa chọn đó.

Sự “hiện diện” của yếu tố Trung Quốc và Nhật Bản trong lịch sử phát triển của vương quốc Ryukyu là biểu hiện những tác động mạnh mẽ của một cuộc giằng co quyền lực giữa các nước lớn tới số phận của các nước nhỏ láng giềng trong quá trình khẳng định vị thế của mình trong khu vực. Cuộc đấu tranh đó kéo dài buộc các nước luôn phải thận trọng và nhạy bén nắm bắt thời cuộc để tìm được con đường phát triển vững vàng. Điều đó càng cho ta thấy rõ hơn sự sáng suốt và khôn khéo của triều đình Ryukyu trong việc lựa chọn đường lối đối ngoại đảm bảo cho phát triển kinh tế và giữ vững nền độc lập lâu dài của đất nước.

2. Thế kỷ XV, các nước Đông Á bắt đầu bước vào thời kỳ hưng thịnh của “kỉ nguyên thương mại sớm” ở Đông Á. Tồn tại và phát triển trong bối cảnh phải chịu tác động mạnh mẽ của những mối quan hệ kinh tế, chính trị và mâu thuẫn chồng chéo của các nước lớn, bên cạnh đường lối đối ngoại rộng mở, chính quyền Ryukyu đã khôn ngoan lựa chọn con đường phát triển lấy hải thương làm động lực chính cho sự phát triển đất nước cả về chính trị và kinh tế. Phát triển kinh tế thương mại là xu thế của các nước Đông Á lúc đó, nhưng con đường hội nhập của Ryukyu vào hệ thống hải thương khu vực là một con đường đặc biệt: Ryukyu không tham gia hệ thống bằng những mặt hàng đặc trưng sẵn có như những nước khác, mà sử dụng vị trí của mình thành lợi thế buôn bán, tự biến mình thành cầu nối trung chuyển, phân phối hàng hóa trong khu vực, phát triển thương nghiệp trở thành nhân tố quyết định đến sự tồn vong của đất nước. Trên cơ sở đó, Ryukyu nhanh chóng hòa nhập vào hệ thống thương mại Đông Á, phát triển trở thành một Thể chế biển đặc thù, nắm giữ được vị trí trọng yếu trong hoạt động thương nghiệp ở cả hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Con đường đó đã đưa Ryukyu trở thành một “Vương quốc biển”, có nền kinh tế hải thương nhộn nhịp và sầm uất bậc nhất trong khu vực, phát triển lên đến đỉnh cao với một tốc độ nhanh chóng. Ryukyu đã bảo vệ được nền độc lập lâu dài của đất nước, trước những sức ép lớn từ những nước lớn láng giềng trong khu vực. Dựa vào kinh tế thương nghiệp, Ryukyu đã đạt được một tốc độ phát triển chưa từng có trong thế giới Đông Á, làm nên sự phát triển độc đáo trong khu vực.

3. Nhắc tới Ryukyu, chúng có thể nhắc tới một số sản vật đặc trưng như san hô, ngọc trai, gỗ quý, rong biển,… Tuy vậy, trữ lượng hàng hóa sẵn có không nhiều, Ryukyu không có được điều kiện hàng hóa thuận lợi như các nước khác trong hệ thống buôn bán Đông Á. Vì thế, các đoàn thuyền từ Ryukyu luôn hướng về phương nam để tìm kiếm thêm các loại hàng hóa vải vóc, tơ lụa, sản vật tự nhiên (hương liệu, gia vị, đồi mồi, ngọc trai…), ngựa, lưu huỳnh... Ryukyu mang sản phẩm đó lên thị trường Đông Bắc Á đổi lấy những đồ xa xỉ phẩm như gốm sứ, tơ lụa, dược liệu, đồ sơn mài..., biến chúng thành những mặt hàng có giá gấp hai, gấp ba đến hàng chục lần, đem lại nguồn lợi lớn cho kinh tế hải thương của đảo quốc này. Có thể nói, với vai trò điều tiết và luân chuyển, Ryukyu đã điều khiển thành công hai dòng hàng hóa chảy liên tục từ Đông Bắc Á sang Đông Nam Á và ngược lại.

Trở thành trạm trung chuyển hàng hóa, lịch sử thương mại Ryukyu thành độc đáo trong khu vực khi là một nước không sản xuất được hàng hóa nhưng lại thành một vương quốc thương mại, có vai trò quan trọng trong hoạt động hải thương khu vực. Tính hàng hóa và thị trường của nền hải thương Ryukyu rõ nét hơn hẳn các nước trong khu vực vốn phát triển ngoại thương dựa trên một số mặt hàng thủ công đặc trưng hoặc sản vật tự nhiên có giá trị buôn bán cao. Điều đó cho thấy một điểm độc đáo trong đặc tính phát triển của các quốc gia châu Á thời kỳ này.



4. Trong quá trình khảo cứu về quan hệ bang giao của Ryukyu với thế giới Đông Nam Á, phát hiện về quan hệ Ryukyu - Đại Việt có ý nghĩa đặc biệt trong việc nghiên cứu về lịch sử quan hệ ngoại giữa Việt Nam và Nhật Bản. Quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam vẫn được các nhà nghiên cứu chọn mốc bắt đầu bằng những sự kiện cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII với vai trò của các các chúa Nguyễn Đàng Trong và các Châu Ấn thuyền của Nhật Bản.

Tuy nhiên, nếu xét Ryukyu là một bộ phận của Nhật Bản hiện nay, ta có thể đẩy mốc thời gian bắt đầu mối quan hệ Việt - Nhật sớm hơn khoảng một thế kỷ. Reikidai hoan lưu giữ một văn bản cho thấy đã có những cuộc giao tiếp ngoại giao giữa Ryukyu và triều Lê sơ ở Đại Việt vào năm 1509 (và có thể trước đó). Mặc dù chúng ta không thấy có ghi chép nào về quan hệ bang giao chính thức của Ryukyu với Đại Việt trong nền sử học Việt Nam, nhưng rõ ràng, tư liệu về cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Nhật Bản trong tình huống này là không thể phủ nhận. Dựa vào đó, có thể khẳng định quan hệ Việt - Nhật có thể được xác định vào đầu thế kỷ XVI (không phải đầu thế kỷ XVII theo quan niệm truyền thống).

5. Sau hai thế kỷ phát triển thịnh vượng, cuối thế kỷ XVI, kinh tế ngoại thương của Ryukyu bắt đầu có sự suy giảm. Các đoàn thương thuyền của Ryukyu không còn có mặt trong khu vực Đông Nam Á thường xuyên như trước, hoạt động thương mại của Ryukyu được thu nhỏ lại trong thế giới Đông Bắc Á với vai trò cầu nối ngoại giao và kinh tế giữa Trung Quốc, Nhật Bản và một số vùng lãnh thổ khác như Triều Tiên và Đài Loan. Ryukyu cũng mất đi sự hưng thịnh nhất và bắt đầu bước vào giai đoạn suy thoái.

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự suy yếu của Ryukyu: sự xuất hiện của các đoàn thương thuyền châu Âu từ giữa thế kỷ XVI, chính sách “hải cấm” của Trung Quốc được hủy bỏ, sự hoạt động của các Châu Ấn thuyền Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á... Nhưng trên hết, nguyên nhân sâu xa là do kinh tế hải thương của Ryukyu được đặt trên một nền tảng không thực sự bền vững (không có hàng hóa đặc sản, không có tàu thuyền hiện đại, luôn chịu sức ép và phụ thuộc vào thái độ bang giao của các nước lớn…). Do đó, sức cạnh tranh của thương mại Ryukyu không cao, khi các nước lớn thay đổi chính sách hoặc có một nhân tố mới tác động bên ngoài, nền ngoại thương Ryukyu nhanh chóng bị tê liệt, không thể giữ được vị thế “Vương quốc thương mại” trong khu vực.

Trong khi đó, nền độc lập của Ryukyu phụ thuộc rất nhiều vào nền hải thương đất nước và chính sách đối ngoại của các nước lớn. Thế kỷ XVII, Nhật Bản bước vào thời kỳ thống nhất hoàn toàn, sức mạnh quân sự và ý chí kiên cường khiến Nhật Bản có thể nuôi dưỡng và thực hiện những tham vọng bành trướng lớn lao, nhằm cạnh tranh với “thế giới Trung Quốc”. Ryukyu trở thành mục tiêu tất yếu của Nhật Bản do vị trí địa lý và những liên hệ lịch sử vốn có. Sau một thời gian dài cố gắng bảo vệ nền độc lập, nhưng không thành công, năm 1879, Ryukyu bị sáp nhập vào Nhật Bản như một kết quả không thể tránh khỏi trong số phận của đất nước này.

Theo quy luật chung của xã hội châu Á, nông nghiệp vẫn là nền tảng kinh tế lâu đời và chi phối chính đến sự phát triển chung các nước trong khu vực. Vì vậy, kinh tế thương nghiệp biển của Ryukyu chỉ có thể phát huy được vai trò trong những hoàn cảnh thuận lợi nhất định, một khoảng thời gian có giới hạn. Khi những điều kiện thuận lợi không còn, sự suy yếu của vương quốc này cũng diễn ra nhanh chóng như khi hưng thịnh. Đó là một quy luật tất yếu của nền hải thương châu Á.

6. Kinh tế thương nghiệp là một loại hình kinh tế đặc biệt, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của các quốc gia. Ryukyu và sự phát triển của nền hải thương Ryukyu là một chứng minh thuyết phục cho nhận định đó. Khảo cứu lịch sử phát triển của vương quốc này, trong mối quan hệ bang giao và kinh tế với các quốc gia Đông Á, cho thấy quan điểm truyền thống về xã hội “khép kín”, “thuần nông” của thế giới phương Đông là quan điểm không thực sự khách quan, đặc biệt là ở các nước Đông Á thế kỷ XV - XIX.

Hoạt động tích cực của Ryukyu trong hệ thống buôn bán Đông Á hàm chứa trong đó một thế giới Đông Á khác: thế giới năng động, nhộn nhịp, nhạy bén trong hoạt động hải thương, kinh tế thương mại thực sự phát triển và tác động mạnh mẽ đến các quốc gia. Nhân tố thương nghiệp trở thành nhân tố nối kết thống nhất dân tộc, buôn bán hàng hóa không chỉ hình thành thị trường, nối kết mạng lưới chính trị giữa các quốc gia mà còn củng cố và nâng cao hơn năng lực tổ chức và tư tưởng bành trướng của các nước lớn trong khu vực.

Tuy vậy, nền kinh tế thương nghiệp chỉ có thể hình thành, phát triển trong hệ thống và dựa vào hệ thống mà không thể phát triển đơn lẻ, tách rời nhau giữa các thành viên trong hệ thống đó. Nước nào nắm được nguồn cung cấp hàng hóa, thị trường tiêu thụ sản phẩm, các kênh phân phối hàng hóa… nước đó sẽ đạt kết quả tốt đẹp nhất khi tham gia hệ thống buôn bán. Tuy Ryukyu không có “sản vật tự nhiên” phù hợp với nhu cầu thị trường, nhưng thương nhân Ryukyu biết biến sản vật các nước thành “hàng hóa độc đáo” cho mình, và sử dụng các loại hàng hóa đó một cách hiệu quả nhất trong toàn bộ hệ thống, xây dựng một thể chế biển độc đáo, tạo nên sự đa dạng của lịch sử khu vực Đông Á thời trung - cận đại.

Nghiên cứu về Ryukyu và quan hệ bang giao của Ryukyu với khu vực Đông Á mở ra nhiều vấn đề lịch sử rất thú vị trong khu vực. Thông qua đó, chúng ta không chỉ thấy được lịch sử của một vương quốc đặc biệt, mà còn thấy được bức tranh tương đối toàn diện về kinh tế, chính trị trong khu vực Đông Á với những quan hệ bang giao phức tạp, chồng chéo. Sự hưng thịnh của Ryukyu là một hiện tượng độc đáo trong khu vực. Thông qua đó, ta thấy được tầm quan trọng đặc biệt của chính sách ngoại giao trong chiến lược phát triển đất nước: dù là nước nhỏ, không có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng nếu có được chiến lược phát triển phù hợp, biết mở rộng quan hệ với các quốc gia khác, tận dụng những cơ hội (dù rất hiếm hoi) một cách hiệu quả, mỗi quốc gia vẫn có thể đạt được sự phát triển và hưng thịnh nổi bật, như Ryukyu đã từng đạt được trong lịch sử ./.


DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN




  1. Lê Thị Khánh Ly (2015), “Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc tới Ryukyu thế kỷ XIV - XVIII”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc (8), tr.60-69.

  2. Lê Thị Khánh Ly (2015), “Quan hệ thương mại của vương quốc Ryukyu với Trung Quốc thời trung đại”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á (4), tr.57 -65.

  3. Lê Thị Khánh Ly (2011), “Từ một văn bản ngoại giao giữa Ryukyu và Đại Việt đầu thế kỷ XVI nhìn về chính sách ngoại giao văn hóa của Việt Nam hiện nay” – Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế: Văn hóa đối ngoại trong thế giới hội nhập, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tr.315 - 322.

  4. Lê Thị Khánh Ly (2010), Phát hiện mới về quan hệ văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản”, Thông báo khoa học trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tr.38 - 45.

  5. Lê Thị Khánh Ly (2008), “Quan hệ của Ryukyu với các quốc gia Đông Nam Á thế kỷ XIV - XVI”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Việt Nam trong hệ thống thương mại biển Đông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.196 - 221.

  6. Lê Thị Khánh Ly (2006), “Quan hệ của Ryukyu với Siam thế kỷ XIV - XVI”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (2), tr. 41-47

  7. Lê Thị Khánh Ly (2006), “Ryukyu một trường hợp phát triển độc đáo trong khu vực Đông Á thế kỷ XV - XVI”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (4), tr. 27-38.




1 Ở Việt Nam còn gọi là nước Lưu Cầu.

2 GS Trần Quốc Vượng sử dụng cách phiên âm “Riukyu” và “Riukyuko” trong bài viết này.

3 “Tam Sơn đỉnh lập

4 Là loại thuyền được chính quyền Ryukyu cấp giấy phép buôn bán ở các cảng thị trong khu vực Đông Á.


Каталог: userfile -> User -> songtran -> files
files -> Phan thành nhâm quan niệm về nhà NƯỚc và XÃ HỘi dân sự trong triết học pháp quyền của g. W. F. Hegel
files -> Chuyên ngành: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam Mã số: 62 22 56 01
files -> TRẦn thị ngọc thúY ĐẢng lãnh đẠo cuộc vậN ĐỘng quốc tế chống đẾ quốc mỹ XÂm lưỢc việt nam
files -> Mã số: 62. 22. 50. 05 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ SỬ HỌC
files -> Mã số: 62. 32. 01. 01 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ BÁo chí
files -> ­­­­­­­­­­­­ nguyễn công oánh nhân học kitô giáo và vai trò CỦa nó trong đỜi sống đẠO
files -> TRƯỜng đẠi học khoa học xã HỘi và nhân văN ­­­­­­­­­­­­ nguyễn thúy thơM
files -> HÀ NỘI – 2015 CÔng trình đƯỢc hoàn thàNH
files -> Mã số : 62 22 03 08 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ triết họC
files -> Mã số : 62 22 03 08 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ triết họC

tải về 175.4 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương