Kinh tứ thập nhị chưƠng tt. Thích Viên Giác Dịch



tải về 59.29 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích59.29 Kb.
#25921
KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG

TT.Thích Viên Giác Dịch

Trường Cơ Bản Phật Học Long An 1995

--- o0o ---



Nguồn

www.quangduc.com

Chuyển sang ebook 18 – 8 - 2009

Người thực hiện : Nam Thiên – namthien@gmail.com

Link Audio Tại Website http://www.phatphaponline.org
Mục Lục

Chương Mở Ðầu:

Chương 1:

Chương 2:

Chương 3:

Chương 4:

Chương 8:

Chương 9:

Chương 10:

Chương 11:

Chương 12:

Chương 13:

Chương 14:

Chương 15:

Chương 17:

Chương 18:

Chương 20:

Chương 21:

Chương 22:

Chương 23:

Chương 24:

Chương 25:

Chương 26:

Chương 27:

Chương 28:

Chương 30:

Chương 31:

Chương 33:

Chương 34:

Chương 36:

Chương 37:

Chương 38:

Chương 39:

Chương 40:

Chương 41:

Chương 42:


Chương Mở Ðầu:

Sau khi Ðức Thế Tôn thành đạo, Ngài suy nghĩ rằng: "Con đường ly dục là con đường tốt nhất để đạt được sự thanh tịnh. An trú trong đại thiền định mới hàng phục được chúng ma".


Ở tại vườn Lộc Uyển, Ngài chuyển bánh xe pháp về 4 chân lý độ cho 5 anh em Kiếu Trần Như đều chứng được đạo quả. Mỗi khi có những thầy Tý Kheo nào nêu lên những điều chưa rõ, cầu Phật chỉ giáo, Ðức Thế Tôn giảng giải làm cho tất cả đếu được khai ngộ, chấp tay cung kính theo lời Phật dạy.

Chương 1:

Từ giã cha mẹ đi xuất gia học Ðạo, thấu rõ nguồn tâm, hiểu vô vi pháp, được gọi là bậc Sa môn, thường giữ gìn 250 giới, sống đời thanh tịnh, thực hành 4 chân đạo, thành tựu quả vị A La Hán.


Vị chứng quả A La Hán có thể phi hành, biến hoá, kéo dài mạng sống, ở đời động cả trời đất. Thứ đến là quả A Na Hàm. Vị chứng A Na Hàm, khi tuổi thọ hết, thần thức sẽ sinh lên cõi trời thứ 19 thì chứng quả A La Hán. Thứ đến là quả Tư Ðà Hàm, người chứng quả Tư Ðà Hàm, một lần sanh lên cõi trời, một lần sanh xuống cõi người thì chứng quả A La Hán. Kế đến là quả Tu Ðà Hoàn. Người chứng quả Tu Ðà Hoàn phải 7 lần sanh, 7 lần tử mới chứng quả A La Hán. Người chứng quả A La Hán là người đã đoạn tận ái dục, như tay chân bị chặt không thể sử dụng trở lại được.

Chương 2:

Ðức Phật dạy rằng: "Người xuất gia làm Sa môn thì phải từ bỏ ái dục, biết được nguồn tâm, thấu triệt giáo pháp của Phật, hiểu pháp vô vi. Bên trong không có cái để được, bên ngoài không có chổ để cầu. Tâm không chấp thủ nơi Ðạo, cũng không hệ lụy bởi nghiệp, không có suy tưởng, không có tạo tác, không có tu, không có chứng, chẳng cần trải qua các thành vị mà tự thành cao tột, gọi đó là Ðạo".



Chương 3:

Ðức Phật dạy: "Cạo bỏ râu tóc để trở thành vị Sa môn, lãnh thọ giáo pháp của Phật thì phải xả bỏ của cải thế gian, mong cầu vừa đủ, giữa ngày ăn một bửa, dưới gốc cây ở một đêm, cẩn thận không trở lại lần thứ hai. Ðiều làm cho người ta ngu muội là ái dục."



Chương 4:

Ðức Phật dạy: "Chúng sanh lấy 10 việc làm điều thiện, cũng lấy 10 việc làm điều ác. Mười việc ấy là gì? Thân có 3, miệng có 4, ý có 3. Thân có 3 là: giết hại, trộm cắp, dâm dục. Lưỡi có 4 là: nói hai lưỡi, nói độc ác, nói dối trá, nói hoa mỹ. Ý có 3 là: tật đố, sân hận, ngu si. Mười điều ấy không phù hợp với con đường của bậc Thánh, gọi là hành vi ác. Nếu mười điều ác nấy được đình chỉ thì gọi là 10 điều thiện vậy".

Chương 5:
Ðức Phật dạy: "Người có lầm lỗi mà không tự sám hối để mau chấm dứt tâm tạo tội ấy, thì tội lỗi càng chồng chất vào thân như nước chảy về biển, dần dần trở nên sâu rộng. Nếu người có tội mà tự nhận biết tội, bỏ ác làm lành thì tội lỗi tự diệt, như bệnh được đổ mồ hôi, dần dần sẽ khỏi bệnh".

Chương 6:


Ðức Phật dạy rằng: "Người ác nghe nói ai làm điều thiện thì đến để phá hoại. Khi gặp người như vậy, các ông phải tự chủ, đừng có tức giận trách móc. Bởi vì, kẻ nào mang điều ác đến thì họ sẽ lãnh thọ điều ác đó".

Chương 7:


Ðức Phật dạy: "Có người nghe ta giữ đạo, thực hành tâm đại nhân từ, nên đến mắng ta; ta im lặng không phản ứng. Người kia mắng xong, ta liền hỏi: 'Ông đem lễ vật biếu người khác, người kia không nhận thì lễ vật ấy trở về với ông không?'. Ðáp: 'Về chứ''. Ta bảo: 'Nay ông mắng ta, ta không nhận thì tự ông rước họa vào thân, giống như vạng theo tiếng, bóng theo hình, rốt cuộc không rời nhau được.' Vậy, hãy cẩn thận, đừng làm điều ác".

Chương 8:

Ðức Phật dạy: "Kẻ ác hại người hiền giống như ngước mặt lên trời mà nhổ nước miếng rơi xuống mặt mình. Ngược gió tung bụi, bụi chẳng đến người khác, trở lại dơ thân mình. Người hiền không thể hại mà còn bị họa diệt thân".



Chương 9:

Ðức Phật dạy: "Học rộng, nghe nhiều, mến đạo thì đạo khó gặp. Thủ chí hành đạo thì đạo rất lớn".



Chương 10:

Ðức Phật dạy rằng: "Thấy người thực hành bố thí, hoan hỉ giúp đỡ thì được phước rất lớn".


Có vị Sa môn hỏi Phật: "Phước này có hết không?" Phật đáp: "Ví như lửa của ngọn đuốc, vài trăm ngàn người đem đuốc đến mồi lửa về để nấu ăn hay để thắp sáng, lửa ngọn đuốc nầy vẫn như cũ. Phước của người hoan hỷ hổ trợ cho người thực hành bố thí cũng vậy".

Chương 11:

"Cho một trăm người ác ăn không bằng cho một người thiện ăn. Cho một ngàn người thiện ăn không bằng cho một người thọ ngũ giới ăn. Cho một vạn người thọ ngũ giới ăn không bằng cho một vị Tu Ðà Hoàn ăn. Cho một mười vạn vị Tu Ðà Hoàn ăn không bằng cho một vị Tư Ðà Hàm ăn. Cho một ngàn vạn vị Tư Ðà Hám ăn không bằng cho một vị A Na Hàm ăn. Cho một ức vị A Na Hàm ăn không bằng cho một vị A La Hán ăn. Cho mười ức vị A La Hán ăn không bằng cho một vị Bích Chi Phật ăn. Cho một trăm ức vị Bích Chi Phật ăn không bằng cho một vị Phật ba đời ăn (Tam Thế Phật). Cho một ngàn ức vị Phật ba đời ăn không bằng cho một vị Vô niệm, Vô trụ, Vô tu, Vô chứng ăn".



Chương 12:

Ðức Phật dạy: "Làm người có 20 điều khó: Nghèo nàn bố thí là khó - Giàu sang học đạo là khó - Bỏ thân mạng quyết chết là khó - Thấy được kinh Phật là khó - Sanh vào thời có Phật là khó - Nhẫn sắc nhẫn dục là khó - Thấy tốt không cầu là khó - Bị nhục không tức là khó - Có thế lực không dựa là khó - Gặp việc vô tâm là khó - Học rộng nghiên cứu sâu là khó - Diệt trừ ngã mạn là khó - Không khinh người chưa học là khó - Thực hành tâm bình đẳng là khó - Không nói chuyện phải, trái là khó - Gặp được thiện tri thức là khó - Thấy tánh học đạo là khó - Tùy duyên hóa độ người là khó - Thấy cảnh tâm bất động là khó - Khéo biết phương tiện là khó".



Chương 13:

Có vị Sa Môn hỏi Phật: "Do nguyên nhân gì mà biết được đời trước và đạt được sự cao tột của Ðạo?" Ðức Phật dạy: "Ðoạn trừ tham dục, lòng không mong cầu thì sẽ có khả năng biết được đời trước. Thanh tịnh tâm tư, giữ vững ý chí thì có thể đạt được chỗ cao tột của Ðạo, như lau gương hết bụi thì ánh sáng hiển lộ".



Chương 14:

Có vị Sa môn hỏi Phật: "Ðiều gì là thiện? Ðiều gì là lớn?". Ðức Phật dạy: "Thực hành chánh đạo, giữ sự chân thật là thiện. Chí nguyện hợp với Ðạo là lớn".



Chương 15:

Có vị Sa môn hỏi Ðức Phật: "Ðiều gì là mạnh nhất? Ðiều gì là sáng nhất?". Ðức Phật dạy: "Nhẫn nhục là mạnh nhất vì không chứa ác tâm nên tăng sự an ổn. Người nhẫn nhục không làm điều ác, được mọi người tôn kính. Tâm ô nhiễm đã được đoạn tận, không còn dấu vết gọi là sáng nhất, vì tất cả mọi vật trong mười phương, từ vô thỉ thuở chưa có trời đất, cho đến ngày nay không vật gì là không thấy, không vật gì là không biết, không vật gì là không nghe, đạt được Nhất Thiết Trí, như vậy được gọi là sáng nhất".

Chương 16:
Ðức Phật dạy: "Người giữ ái dục ở trong lòng thì không thấy được Ðạo. Thí dụ như nước trong mà lấy tay khuấy động, người ta đến soi không thấy bóng của mình. Người đó vì ái dục khuấy động mà trong tâm ô nhiễm nổi lên, nên không thấy được Ðạo. Các thầy Sa môn cần phải xả ly ái dục. Ái dục hết rồi, có thể thấy Ðạo được".

Chương 17:

Ðức Phật dạy: "Người thấy được Ðạo cũng như cầm đuốc vào trong nhà tối, bóng tối liền mất, còn lại ánh sáng. Người học đạo mà thấy được chân lý thì vô minh liền diệt, chỉ còn trí huệ".



Chương 18:

Ðức Phật dạy: "Pháp của ta là Niệm mà không còn chủ thể niệm và đối tượng niệm, Làm mà không cón chủ thể làm và đối tượng làm, Nói mà không có chủ thể nói và đối tượng nói, Tu mà không còn chủ thể tu và đối tượng tu. Người hiểu biết thì rất gần, kẻ mê thì rất xa. Ðứt đường ngôn ngữ, không vật nào ràng buộc. Sai chỉ một hào ly là mất tức khắc".

Chương 19:
Ðức Phật dạy: "Quán trời đất nghĩ là vô thường, quán thế giới nghĩ là vô thường, quán linh giác tức là Bồ Ðề. Hiểu biết như vậy thì chóng đắc đạo".

Chương 20:

Ðức Phật dạy: "Phải biết rằng bốn đại ở trong thân thể, mỗi đại có một cái tên (Ðịa, Thủy, Hỏa, Phong - Ðất, Nước, Gió, Lửa) đều là không có Ngã, cái Ngã đã không có, thì cái Có chỉ như ảo hóa mà thôi".



Chương 21:

Ðức Phật dạy: "Người thuận theo lòng dục để mong được danh tiếng, khi danh tiếng vừa nổi, thì thân đã mất rồi. Ham muốn cái danh tiếng thường tình mà không lo học đạo chỉ uổng công mệt sức mà thôi. Giống như đốt hương, khi người ta ngửi được mùi thơm, thì cây hương đã tàn rồi. Lửa (tham danh tiếng) tác hại thân còn di lụy về sau".



Chương 22:

Ðức Phật dạy: "Tiền tài và sắc đẹp đối với con người rất khó buông xả. (Tiền tài và sắc đẹp ấy) Giống như chút mật trên lưởi dao, không đủ cho bửa ăn ngon, thế mà kẻ liếm vào thì bị nạn đứt lưỡi".



Chương 23:

Ðức Phật dạy: "Người bị vợ con, nhà cửa ràng buộc còn hơn là lao ngục. Lao ngục có kỳ hạn được phóng thích còn đối với vợ con không có ý tưởng xa rời. Khi đã đam mê sắc đẹp, đâu có sợ gì cho dù tai họa nơi miệng cọp, lòng vẫn cam chịu, tự đắm mình vào chốn bùn lầy. Vì vậy nên gọi là phàm phu. Nếu ai thấu rõ lẽ này sẽ là kẻ xuất trần A La Hán".



Chương 24:

Ðức Phật dạy: "Trong các thứ ái dục, không gì bằng sắc dục. Sự tham muốn sắc dục mạnh hơn mọi thứ khác. Chỉ có một sắc dục như vậy, nếu có cái thứ hai giống như sắc dục thì người trong thiên hạ không có ai có thể tu tập theo đạo".



Chương 25:

Ðức Phật dạy: "Người đam mê ái dục giống như người cầm đuốc đi ngược gió, chắc chắn sẽ bị tai họa cháy tay".



Chương 26:

Thiên thần dâng cho Ðức Phật một ngọc nữ với ý đồ phá hoại tâm ý của Phật. Phật bảo: "Túi da ô uế, người đến đây làm gì? Ði đi, ta không dùng đâu". Thiên thần càng thêm kính trọng, do đó mà hỏi về ý của Ðạo. Ðức Phật vì ông mà giảng pháp. Ông nghe xong, đắc quả Tu Ðà Hoàn.



Chương 27:

Ðức Phật dạy: "Người thực hành theo Ðạo như khúc gỗ trên mặt nước trôi theo dòng nước. Nếu không bị người ta vớt, không bị quỷ thần ngăn trở, không bị nước xoáy làm cho dừng lại và không bị hư nát, ta bảo đảm rằng khúc cây ấy sẽ ra đến biển. Người học đạo nếu không bị tình dục mê hoặc, không bị tà kiến làm rối loạn, tinh tấn tu tập đạo giải thoát, ta bảo đảm người nầy sẽ đắc đạo".



Chương 28:

Ðức Phật dạy: "Phải thận trọng đừng chủ quan với tâm ý của ông. Tâm ý của ông không thể tin được, (vì vậy) hãy thận trọng đừng gần nữ sắc. Gần gũi với nữ sắc thì tai họa phát sinh. Khi nào chứng quả A La Hán rồi mới có thể tin vào tâm ý của ông".

Chương 29:
Ðức Phật dạy: "Phải thận trọng đừng nên nhìn ngắm nữ sắc, cũng đừng nói chuyện với nữ nhân. Nếu (bắt buộc) phải nói chuyện với họ thì phải giữ tâm chánh trực và suy nghĩ rằng: "Ta làm Sa môn sống giữa cuộc đời ô nhiễm, phải như hoa sen không bị bùn làm ô nhiễm. Nghĩ rằng người (nữ) già như mẹ, người (nữ) lớn tuổi (hơn mình) như chị, người (nữ) nhỏ (hơn mình) như em gái, đứa bé (gái) như con, sinh khởi tâm cứu độ họ được giãi thoát. Như vậy liền diệt được ý niệm xấu đối với nữ nhân".

Chương 30:

Ðức Phật dạy: "Là người tu hành phải coi mình giống như kẻ mang cỏ khô, thấy lửa đến phải tránh, người học đạo thấy các đối tượng dục lạc phải tránh xa".



Chương 31:

Ðức Phật dạy: "Có người lo lắng vì lòng dâm dục không dứt nên muốn đoạn âm". Phật dạy rằng: "Ðoạn âm không bằng đoạn tâm. Tâm như vị công tào, công tào nếu ngừng thì kẻ tùng sự đều ngưng, tâm tà không ngưng thì đoạn âm có ích gì?". Phật vì ông mà nói kệ:


"Dục sinh từ nơi ý.

Ý do tư tưởng sanh,

Hai tâm đều tịch lặng,

Không mê sắc cũng không hành dâm".


Phật dạy: "Bài kệ này do Ðức Phật Ca Diếp nói".

Chương 32:


Ðức Phật dạy: "Con người do ái dục mà sinh sầu ưu, do sầu ưu mà sinh sợ hãi. Nếu thoát ly ái dục, thì có gì mà sầu ưu, có gì mà sợ hãi?"

Chương 33:

Ðức Phật dạy: "Người tu hành theo đạo như một người chiến đấu với vạn người. Mặc áo giáp ra cửa, tâm ý hoặc khiếp nhược, hoặc đi nửa đường thối lui, hoặc chiến đấu đến chết, hoặc đắc thắng mà về. Người Sa môn học đạo (cũng vậy) phải có ý chí kiên cường, dũng mãnh tiến lên, không sợ cảnh tượng trước mặt (làm chướng ngại), phá tan các loài ma để đắc đạo thành đạo quả".



Chương 34:

Có một thầy Sa môn ban đêm tụng kinh Di Giáo của Ðức Phật Ca Diếp, tiếng ông ấy buồn bã, như tiếc nuối thối lui. Ðức Phật mới hỏi: "Xưa kia, khi ở nhà ông thường làm nghề gì?". Ðáp rằng: "Thích chơi đàn cầm". Ðức Phật hỏi: "Khi dây đàn chùng thì sao?". Ðáp rằng: "Không kêu được". Hỏi: "Giây đàn căng quá thì sao?". Ðáp rằng: "Tiếng bị mất". Hỏi: "Không căng không chùng thì sao?". Ðáp: "Các âm thanh đầy đủ".


Ðức Phật dạy: "Người Sa môn học đạo cũng như vậy, tâm lý được quân bình thì mới có thể đắc Ðạo. Ðối với sự tu đạo mà căng thẳng quá làm cho thân mệt mõi, khi thân mệt mõi thì tâm ý sẽ sinh phiền não. Tâm ý đã sanh phiền não thì công hạnh sẽ thối lui. Khi công hạnh đã thối lui, thì tội lỗi tăng trưởng. Chỉ có sự thanh tịnh và an lạc, đạo mới không mất được".

Chương 35:


Ðức Phật dạy: "Như người luyện sắt gạn lọc phần cặn bã còn lại sắt tinh luyện, chế tạo đồ dùng một cách tinh xảo. Người học đạo phải loại bỏ tâm ý ô nhiễm đi thì công hạnh trở nên thanh tịnh".

Chương 36:

Ðức Phật dạy: "Kẻ rời bỏ ác đạo được làm con người là khó. Làm con người rồi mà tránh được thân nữ, làm được thân nam là khó. Làm được thân nam rồi mà sáu giác quan đầy đủ là khó. Sáu giác quan đủ rồi mà được sinh sống ở nơi văn minh là khó. Sinh sống ở nơi văn minh rồi mà được gặp Phật ở đời là khó. Ðã gặp thời Phật rồi mà được gặp Phật Pháp là khó. Gặp được Phật Pháp rồi mà khởi được niềm tin là khó. Khởi được niềm tin rồi mà phát tâm Bồ Ðề là khó. Phát tâm Bồ Ðề rồi mà đạt đến chổ vô tu vô chứng là khó".



Chương 37:

Ðức Phật dạy: "Ðệ tử của ta tuy ở xa ta vài nghìn dặm, luôn nghĩ đến giới pháp của ta thì chắc chắn sẽ chứng được đạo quả. Ở gần bên ta, tuy thường gặp mà không thực hành theo giới pháp của ta, cuối cùng vẫn không chứng được đạo".



Chương 38:

Ðức Phật hỏi một vị Sa môn: "Sinh mạng của con người tồn tại bao lâu?". Ðáp rằng: "Trong vài ngày". Phật nói: "Ông chưa hiểu đạo".


Ðức Phật lại hỏi một vị Sa môn khác: "Sinh mạng con người tồn tại bao lâu?". Ðáp: "Khoảng một bữa ăn". Phật nói: "Ông chưa hiểu đạo".
Ðức Phật lại hỏi một vị Sa môn khác nữa: "Sinh mạng con người tồn tại bao lâu?". Ðáp: "Khoảng một hơi thở". Phật khen: "Hay lắm! Ông là người hiểu Ðạo".

Chương 39:

Ðức Phật dạy: "Người tu học theo con đường của Phật thì phải tin tưởng và thực hành những lời Phật dạy. Thí dụ như ăn mật, ở giữa hay chung quanh bát đều ngọt. Giáo pháp của ta cũng vậy" (đều có vị ngọt giải thoát).



Chương 40:

Ðức Phật dạy: "Sa môn hành đạo đừng như con trâu kéo vất vả; thân tuy có tu tập mà tâm không tu tập. Nếu tâm có tu tập thì không cần thân tu tập (theo hình thức bên ngoài)".



Chương 41:

Ðức Phật dạy: "Người hành đạo giống như con trâu chở nặng đi trong bùn sâu, mệt lắm mà không dám nhìn hai bên, ra khỏi bùn lầy rồi mới có thể nghỉ ngơi. Người Sa môn phải luôn quán chiếu tình dục còn hơn bùn lầy, một lòng nhớ đạo mới có thể khỏi bị khổ vậy".


Chương 42:

Ðức Phật dạy: "Ta xem địa vị vương hầu như bụi qua kẻ hở, xem vàng ngọc quý giá như ngói gạch, xem y phục tơ lụa như giẽ rách, xem đại thiên thế giới như một hạt cải, xem nước ao A nậu như dầu thoa chân, xem cửa phương tiện như các vật quý giá hoá hiện, xem pháp vô thượng thừa như mộng thấy vàng bạc lụa là, xem Phật đạo như hoa đốm trước mắt, xem thiền định như núi Tu di, xem Niết bàn như ngày đêm đều thức, xem phải trái như sáu con rồng múa, xem pháp bình đẳng như nhất chơn địa, xem sự thịnh suy như cây cỏ bốn mùa".


Thích Viên Giác Dịch

Trường Cơ Bản Phật Học Long An, 1995


-ooOoo-
1. Chân thành cám ơn anh Tiểu Ðăng, 1slight@fishnet.net, đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bản kinh nầy (trích từ diễn đàn vn-buddhism@saigon.com , tháng 11-1997)
2. Kinh Tứ Thập Nhị Chương là bản kinh Phật giáo đầu tiên được dịch sang tiếng Hán. Bản dịch thông dụng nhất hiện nay được nhiều người cho là do ngài Ca Diếp Ma Ðằng và Trúc Pháp Lan dịch trong thời vua Minh Ðế nhà Hậu Hán. Ðây không phải là bản kinh thuần túy ghi lại một bài giảng của Ðức Phật, mà chỉ là một tuyển tập, trích dịch ngắn gọn các lời dạy của Ðức Phật từ nhiều bản kinh Phạn ngữ khác nhau, không biết nguồn gốc xuất xứ. Theo thầy Thích Nhất Hạnh (Nguyễn Lang, Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, Quyển 1, Chương 2), trải qua nhiều đời lưu truyền, nội dung và văn thể bản kinh nầy có nhiều thay đổi, các tư tưởng mới trong Thiền tông Ðại thừa Trung Hoa đã được pha trộn thêm vào trong bản kinh nguyên thủy đầu tiên (chẳng hạn như các quan niệm về "vô niệm, kiến tánh học đạo, vô tu vô chứng",...).
Bình Anson, Tháng 12, 1998
--- o0o ---

Hết
Каталог: downloads -> giang-kinh
giang-kinh -> Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức
giang-kinh -> Chú Giải Kinh Kim Cang Và Chánh Pháp Chưa Từng Có ht. Huyền VI
giang-kinh -> GIỚi thiệu kinh trung a hàM Điền Quang Liệt Định Huệ Dịch Nguồn
giang-kinh -> Kinh đẠi phậT ĐẢnh như lai mật nhơn tu chứng liễu nghĩA
giang-kinh -> Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao
giang-kinh -> PHẬt thuyết a di đÀ kinh yếu giải giảng ký 佛說阿彌陀經 要解講記
giang-kinh -> ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa
giang-kinh -> VỊ trí thánh ðIỂn hoa văn trên phật giáo thế giớI
giang-kinh -> Bàn Về Bốn Bộ a-hàm Lương Khải Siêu
giang-kinh -> Sự Thành Lập Kinh Điển Phật Giáo Daisaku Ikeda (The First Mileage of Buddhism) Nguyên Hảo dịch Nguồn

tải về 59.29 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương