Kinh ngày chúa nhật hôm nay



tải về 232.23 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích232.23 Kb.
#13306
  1   2   3   4
Giới thiệu Tác phẩm Giáo lý năm 1969 của Đức Cha Simon - Hoà Hiền
GIẢI NGHĨA KINH

NGÀY CHÚA NHẬT HÔM NAY
KINH NGÀY CHÚA NHẬT HÔM NAY

Ngày Chúa nhật hôm nay; chúng con hiệp nhau kính lạy thờ phượng Chúa, khong khen cảm tạ ơn Chúa về mọi ơn lành Chúa đã ban cho chúng con, và phạt tạ Chúa vì những tội lỗi chúng con đã phạm mất lòng Chúa; thì chúng con dám xin Chúa hãy khấng ban những ơn cần kíp cho chúng con đặng rỗi linh hồn.

Nên chúng con cả lòng tin vững vàng mọi điều Đạo Thánh Chúa dạy, nhất là những điều cần kíp này: là có một Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng dựng nên trời đất, mà Người có Ba Ngôi: Ngôi Thứ Nhất là Cha, Ngôi Thứ Hai là Con, Ngôi Thứ Ba là Thánh Thần: Ba Ngôi cũng một tính một phép, cho nên Ba Ngôi cũng một Chúa mà thôi.

Chúng con tin Ngôi Thứ Hai ra đời làm người, sinh bởi Bà Maria Đồng trinh, đặt tên là Giêsu; ở thế gian ba mươi ba năm, đoạn chịu chết trên cây Thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ: đến ngày thứ ba Người sống lại, khỏi bốn mươi ngày lên trời; đủ mười ngày lại cho Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các thánh Tông Đồ và Hội Thánh mới lập; ai chẳng thông công cùng Hội Thánh ấy thì chẳng đặng rỗi linh hồn. Mà linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết đặng; và đến ngày tận thế xác loài người ta sẽ sống lại mà chịu phán xét; kẻ lành lên thiên đàng hưởng phước đời đời, kẻ dữ sa hoả ngục chịu phạt vô cùng.

Mà chúng con tin các sự ấy mà thôi thì chưa đủ cho đặng lên thiên đàng; song phải giữ mười điều răn Đức Chúa Trời cùng sáu luật điều Hội Thánh, và làm những việc lành phước đức. Nhân vì sự ấy chúng con hằng phải sợ hãi, và trốn lánh các tội lỗi nhất là bảy mối tội đầu là căn nguyên mọi tội lỗi khác. Vậy chúng con phải ân cần lo lắng, mà năng chịu các phép Bí tích Đức Chúa Giêsu đã truyền, là những phương linh nghiệm cho chúng con đặng nên thánh.

Cả bảy phép Bí tích mà thôi; song phép Rửa tội, phép Mình Thánh Chúa, cùng phép Giải tội, là ba phép cần kíp hơn cho chúng con đặng rỗi. Ấy vậy chúng con hằng phải ra sức lo lắng thể nào, mà chịu các phép trọng ấy cho nên, cùng tin thật vững vàng mà giữ cẩn thận các điều trước này, thì mới đặng hưởng phước thanh nhàn đời đời kiếp kiếp. Amen.

*******************




BẢN TÓM NHỮNG MỤC ĐỀ TRONG

KINH NGÀY CHÚA NHẬT HÔM NAY

Kinh ngày Chúa nhật hôm nay lược bày 5 đề tài căn bản trong Đạo Thánh: PHỤNG VỤ - ĐỨC TIN - SỐNG ĐẠO - PHƯƠNG THẾ - TỨ CHUNG.



1. - Phụng vụ: Nhơn đức công bình buộc ta “Của ai phải trả cho nấy”. (Mt 22,21; Mc 12,17; Lc 20,25; Rm 13,7). Vạn sự đều do Thiên Chúa tạo dựng. Ta có lý trí, cần phải nhìn nhận cao rao danh Chúa: ấy là đức Thờ phượng, dưới hai hình thức tư công. Vậy ta phải chung cùng với nhau thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa, cầu khẩn ơn Người: thứ tha tội lỗi, ban bố những điều cần thiết cho ta vâng giữ Luật Người cho trọn.

2. - Đức tin: Ta có phận sự phải kính tin lời Chúa phán truyền. Những tín điều căn bản là: có một Thiên Chúa công bình thưởng phạt - Người có Ba Ngôi – Ngôi Hai giáng trần, chịu chết để cứu nhân loại, đã sống lại, lên trời, gởi Chúa Thánh Thần ở với Giáo Hội. Ngày tận thế, Người sẽ cho mọi người sống lại, hồn nhập với xác cũ, lãnh thưởng, chịu phạt đời đời tuỳ tội phước.

3. - Sống đạo: “Ai mến Thầy, giữ trọn luật Thầy” (Ga 14,21-23). Tin chưa đủ, vì ma quỷ cũng tin có Chúa. Cần phải sống theo đức tin mà vâng giữ luật Chúa, gồm tóm trong mười điều răn Chúa, in khắc vào lòng sáu luật Hội Thánh; hãm dẹp tính xấu xa lánh tội lỗi, do bảy mối tội đầu gây nên – làm tròn bổn phận riêng mình.

4. – Phương thế: “Không có Thầy, chúng con chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Ơn Chúa thường ban qua bảy phép Bí tích, nên ta phải ân cần chịu lấy, nhất là những phép cân hơn: Rửa tội, Giải tội, Mình Thánh. Siêng năng cầu nguyện, làm nhiều việc lành.

5. - Tứ chung: Cuối đường đời trần gian, giờ chết đón chờ và định đoạt vận mạng muôn kiếp: mỗi người sẽ nghe tuyên án chí công, thiên đàng hay hoả ngục. Đến ngày tận thế, mọi người sống lại, cùng nhau ra mặt trước công toà Chúa Giêsu, nhận lãnh tuyệt án sinh tử đời đời.

Lời dẫn đường

Ở xứ ta, tuy dầu sách đạo chưa được phong phú dồi dào, nhưng giáo hữu ta rất giàu trí nhớ và ân cần đọc kinh, nên thuộc được rất nhiều nhờ sự đọc chung, lời kinh thấm thía dần dần, in sâu vào tâm khảm; đến lúc hữu sự, biết cách hành động theo những nguyên tắc đạo lý.

Vì vậy, nếu người tín hữu hiểu rành ý nghĩa những mầu nhiệm nguyên căn Đạo Thánh, thì nó gây được những lý lẽ thâm trầm, chỉ vẽ đường lối phải đi, biết đàng cầu xin những ơn cần thiết; đức tin sẽ đâm rễ sâu xa, tâm tình chóng nên cao thượng, sự cầu nguyện trở nên một việc khoái thích; sẽ tránh được sự bơ thờ trong giờ tụng niệm, không còn đọc như cưỡng sáo.

Kẻ thuộc kinh, sẽ nhờ đó mà ôn lại những điều đã nghe đã học; lúc cần phải dạy, biết dựa vào các kinh, sẵn có một chương trình thứ tự dễ nhớ, chẳng khác chi như có sườn nhà, chỉ cần xây bao vách tường móc lợp thêm ngói vào thôi.

Trong các kinh giáo hữu quen đọc, có kinh: “NGÀY CHÚA NHẬT HÔM NAY” lược tóm bổn phận con người, phải thờ phượng Chúa, phải tin kính Người, vâng giữ luật Người, dùng những phương thế Chúa chỉ, ngõ hầu làm tôi Chúa cho trọn.

Tôi soạn ra đây ít lời vắn tắt và đơn sơ giải thích kinh ấy, trước là nên như chương trình bài giảng quanh năm; sau là giúp ích cho những người dạy dỗ tân tòng, sẵn có tài liệu về những vấn đề căn bản trong đạo.

Để hợp lực bổ túc, tôi yêu cầu ai dùng đến bản giải thích này, cho biết những câu khó hiểu, những điểm nào cần phải giải rộng, những kiểu nói hợp với tâm lý tinh thần hiện đại.

Tôi hết lòng đa tạ; cầu mong cho tập nhỏ này, mang lại cho ai nấy lòng mộ đạo, ham muốn học đạo, sống đạo, dạy đạo hơn.



SIMON-HOÀ HIỀN

19-III-1963
*******************
GIẢI NGHĨA KINH “NGÀY CHÚA NHẬT HÔM NAY”

I. – NGÀY CHÚA NHẬT HÔM NAY

1). Ngày Chúa nhật là ngày nào?

Ngày Chúa Nhật là Ngày của Chúa, dành riêng kính Chúa, để thờ phượng, làm tôi Người cách đặc biệt hơn.

Trong sách Sáng thế, Thiên Chúa muốn cho nhân loại dành riêng một ngày để kính thờ Người, nên dạy tác giả thuật lại việc tạo dựng thế gian, phân ra sáu khoảng, gọi là sáu ngày, và ngày thứ bảy, Chúa nghỉ việc.

Làm thế, có ý dạy ta mọi ngày trong tuần, chăm lo làm việc nuôi mình, song phải dừng lại, dành riêng một ngày để thờ phượng, đội ơn Chúa (x. St 1-2).



2). Tại sao không mừng ngày thứ bảy, mà giữ ngày Chúa Nhật?

Từ đầu Giáo Hội, các Thánh Tông đồ và tín hữu, vào chiều thứ bảy, rạng sáng Chúa nhật, quen hội họp nhau, nghe đọc Thánh Kinh, cầu nguyện, hát xướng, ngợi khen Chúa Cha, vì đã cho Con Một Người là Đức Giêsu Kitô chịu chết vì ta, và sống lại sớm ngày thứ nhất trong tuần; cùng nhau bẻ bánh, làm lại việc tế lễ Mình Máu Chúa Giêsu như Người làm trong nhà tiệc ly hôm thứ năm trước khi chịu nạn. Đồng thời, chuẩn bị mong chờ Chúa Giêsu đến cải thiện đời sống ta và đón ta về ở với Người.

Như vậy, ngày thứ nhất trong tuần thay thế ngày thứ bảy cuối tuần, biến thành ngày dâng kính Thiên Chúa: ta quen gọi ngày Chúa nhật (x. Kh 1,10).

Lời nhắn nhủ:

1) “Các người hãy tôn trọng ngày của Chúa” (Tv 117,24; Gr 17,22; Xh 16,23). “Rạng ngày thứ nhất trong tuần, các Bà mang thuốc thơm ra mồ”. (Mt 28,1; Mc 16,9; Ga 20,1).

2) Hết lòng tôn trọng Ngày của Chúa, chớ bơ thờ, kể như các ngày khác trong tuần; chớ lạm dụng, quá ham tích của, hoặc uổng phí thì giờ, lo ăn chơi, làm mất lòng Chúa vì không giữ Ngày Chúa Nhật.

II. – CHÚNG CON HIỆP NHAU

1) Chúng con là ai?

Chúng con là người có đạo; người có đạo tin Chúa Giêsu, Đức Chúa Cha sai đến, chỉ dạy đường ngay nẻo chính, ban trả sự sống đời đời: vì tin, nên chịu phép Thánh Tẩy, được tháp nhập vào Chúa Giêsu sống lại, làm phần tử của Giáo Hội. Phần đông các nước, chiếu theo lời tuyên ngôn của các dân tộc, trong hiến chương đều có mục đề “tự do tín ngưỡng tôn giáo”; thật ra người ta hữu ý hay vô tình, tự nhiên lưu ý đến điểm dị đồng: “Người đó có đạo mà!” Vừa đây một linh mục Do Thái tên là Daniel, xin Chính phủ Israel, cho mình hưởng quyền lợi nước ấy; họ trả lời: “Ông là người dân Do Thái, nhưng không có đạo Do Thái!”

Ở nước ta, biết bao nhiêu người bị bách hại hành hung, đè nén, bóp nghẹt, chỉ vì là người có đạo! Xung quanh ta, bao giờ ai bị tội tình, nếu là người có đạo thì càng dễ bị chỉ trích hơn người ngoại đạo! Phải chăng người ta tự nhiên cảm nghĩ “Người Công Giáo phải lành thánh hơn!”

Dầu muốn dầu không, hễ là người có đạo, tốt xấu, đều được liệt vào hạng người đặc biệt: “có đạo”. Hễ có đạo, tất nhiên thuộc về một đoàn thể tôn giáo riêng biệt, chung sống trong tinh thần tập thể, với sứ mệnh chứng minh Chúa Giêsu trước mặt thế gian.

Nhờ đức tin và Phép Rửa tội, chúng ta có đạo, được liên kết với nhau, thành một đại gia đình, mà Cha chung là Đức Chúa Cha, Anh Trưởng là Chúa Giêsu, dây thương mến ràng buộc nhau lại là Chúa Thánh Thần; sống nhờ một ơn thánh, là nhựa sống thiêng, do bửu huyết Chúa Giêsu sắm tạo, thông chuyển qua khắp các phần tử. Tôi ở Việt Nam, tuy không biết các người Âu-Mỹ, nhưng hễ là có đạo, đều là anh em một nhà. Việc người lành hay dữ, đều có ảnh hưởng tốt xấu trên tất cả mọi người.

2) Chúng ta hiệp nhau làm gì?

Con người cả xác cả hồn, với mọi sự trong ngoài trước sau, hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, vận mạng sinh tử đều do bởi tay Người; mỗi người có phận sự phải thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng con người không phải đứng riêng lẻ loi, song hợp thành đoàn thể xã hội lớn bé như: gia đình, xứ sở, nước nhà, dân tộc, quốc gia, Giáo Hội; những xã hội này thảy đều do bản tính con người, theo lề luật Chúa, hiệp thành đoàn thể; vì thế việc thờ phượng Thiên Chúa, phải là việc cá nhân, một trật là việc đoàn thể. Với các anh em trong họ, cùng giáo hữu trong toàn Địa phận, một ý một lòng, cùng tín đồ khắp thế giới, chúng tôi hiệp nhau với vị linh mục đại diện của Chúa, dùng danh nghĩa và quyền phép Chúa ban, mà dâng thánh lễ, làm một với lời cầu nguyện, ngợi khen, và các việc lành tất cả nhân loại, thượng tiến trước toà Đức Chúa Cha.

Chúng tôi tin chắc việc cộng đồng này, rất đẹp lòng Thiên Chúa, kéo nhiều ơn ích cho chúng ta, vì chính Chúa Giêsu đã phán: “Ở đâu có hai, ba người họp mặt, thì có Ta ở giữa”. (Mt 18,20).

Lời nhắn nhủ:


  1. Ngày Chúa nhật, giáo hữu tập hợp, chung nhau bẻ bánh. (Act. 2,46).

2) Hãy khuyến khích nhau, tập trung tại nhà thờ, để thờ phượng Chúa trong ngày Chúa nhật, và đua nhau học thêm lẽ đạo. Những nơi không có Thánh Lễ, nhà thờ, hãy tập hợp nơi một địa điểm thuận tiện, đọc kinh chung, nghe giảng sách, để cùng nhau thờ phượng Chúa.

III. – KÍNH LẠY THỜ PHƯỢNG CHÚA - CẢM TẠ CHÚA

  1. Tại sao “Kính lạy thờ phượng Chúa”?

Đứng trước một vị thần linh, hay biến cố dữ dằn, con người khép nép run sợ. Chúa tể càn khôn, tạo dựng muôn loài, quyền phép vô biên, phán một lời liền có trời đất muôn vật. Trời đất mênh mông, với vô số thụ tạo, từ các vị Thiên Thần, cho đến một nguyên tử nhỏ bé, thảy đều bởi tay Người tạo dựng, các vẻ thiện mỹ trong mỗi vật lớn bé, đều do Thiên Chúa thông ban. Con người có hồn thiêng như thần linh, có thể xác như loài vật, chiếm một địa vị ưu tú, trong hàng ngũ thụ tạo. Thiên Chúa phó giao một sứ mệnh lớn lao: “Hãy sinh sản đông đúc, khai thác và cai quản vũ trụ”. (Gen. 28). Trong địa vị cao quý này, thân xác con người, đứng trước vũ trụ, thật là nhỏ hơn cát bụi, sức khoẻ dồi dào bao nhiêu, như lưỡi gươm treo vào sợi tơ mỏng manh: một vi trùng nhỏ bé, một viên đạn vô tình, một mũi kim trái thuốc, có thể huỷ phá sự sống tức khắc; đứng trước vị Thần linh tối cao vô địch, toàn năng toàn thiện, con người có lý trí, phải nhận chân mình là nhỏ bé hèn hạ, phải phủ phục mà thờ lạy Người, ngẩn trí khi suy đến sự cao cả của Người; ngợi khen những thần đức vô hạn của Người, ca tụng lòng Người chiếu cố thương xem đến từng vật thụ tạo.

Hơn nữa, Thiên Chúa đã ban Con một mình xuống, mặc lốt phàm trần, để đưa nhân loại lên làm con Chúa. Lòng từ bi vô hạn Chúa, đòi buộc chúng ta phải thờ lạy, ngợi khen, theo như những điều ta được biết thêm về bản tính Thiên Chúa, nhờ Người mạc khải cho ta.



  1. Cảm tạ Chúa vì lý do nào?

Phép lịch sự xã giao, buộc ta phải cám ơn, khi lãnh nhận vật gì. Hơn nữa, khi kẻ trao ban, là một người có địa vị thể thống, dầu ta có quyền đòi của ấy, thì ta cũng phải tỏ lòng biết ơn. Ơn sinh thành, ơn cứu chuộc, muôn vàn ơn khác ta lãnh, nhờ bởi tay Chúa rộng lượng thương ban, ta phải nhận mình hoàn toàn bất xứng; hằng giây phút, phải biết chắp tay cúi đầu cảm tạ. Nhiều điều xảy ra, chẳng vừa ý ta, như rủi ro bệnh tật, có thể là những ơn quý trọng Chúa ban, để nhắc như cảnh cáo. Trong hết mọi sự, ta hãy cám đội ơn Người, chớ dám phàn nàn kêu trách, mà phụ lòng Chúa; ta phải hiệp cùng bà con anh em đồng loại, cùng với vạn vật, dâng lời cảm tạ lòng nhân từ Chúa, không nỡ để ta đời đời trong sự hư không, cho ta đặng làm người, cùng hằng gìn giữ ta, lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người, chuộc tội chịu chết vì ta, lại cho ta được đạo thánh Đức Chúa Trời, cùng chịu nhiều ơn nhiều phép, đang khi muôn vàn kẻ khác, chưa được những hạnh phúc lớn lao dường ấy. Ta hãy hiệp nhau, đứng kế cạnh Chúa Giêsu, xin Người đội ơn Đức Chúa Cha, thay thế cho ta; chắc hẳn lời cảm tạ Người đẹp lòng Chúa Cha, cân xứng với những ơn lành ta được.

Lời nhắn nhủ:

1) “Anh em hãy nhờ Chúa Giêsu mà đội ơn Đức Chúa Cha trong hết mọi sự” (1 Tx 5,18). “Ta hãy đội ơn Chúa vì sự vinh hiển cao trọng của Người”. (Kinh Vinh Danh).

2) Khi gặp buồn vui may rủi, ta phải lập lại câu này: “Con cám ơn Chúa”.

IV. - PHẠT TẠ CHÚA VÌ NHỮNG TỘI LỖI


  1. Phạt tạ nghĩa là gì?

Con cái hiếu thảo làm mất lòng cha mẹ, phải buồn phiền hối hận, mau mau xin lỗi; người dưới phạm đến kẻ trên, nhất là quyền thế, có thể sửa phạt thẳng tay, hoặc đại ân nhân, có quyền trừu lại ơn lành, thì kẻ ấy lo sợ, lanh chơn tìm cách thú phạt xin lỗi, chạy chữa nhờ kẻ cầu bầu. Chúng ta là thụ tạo thấp hèn, cả gan phạm đến Chúa cả trời đất; chúng ta nô lệ ma quỷ, được Chúa thương nhận vào sổ con cái; chúng ta đầy tràn tội lỗi, được Chúa lấy bửu huyết rửa sạch, chữa cho lành đã, chúng ta nghèo nàn, thiếu thốn mọi sự, được Chúa ban ơn dư dật phủ phê. Thế mà chúng ta cả lòng bội phản với Chúa, coi luật Chúa chẳng bằng ý riêng ta; phủ nhận các ơn của Chúa, dám ngộ nhận tài năng sức lực, là của riêng mình, cố tình lạm dụng mà phản bội cùng Chúa, hầu thoả mãn dục tình: đành lòng chà đạp Máu thánh của Chúa, đặt mình làm trung điểm mọi sự; cả gan khiêu khích phép công thẳng Chúa, không sợ Người trừng phạt thẳng tay. Rủi ta phạm tội, hãy kíp mở mắt nhận nhìn việc tai quái phản bội, vô ơn của ta, xin thú phạt trước mặt Chúa, nhờ Đức Mẹ, các Thánh cầu cùng Chúa thứ tha; hãy hối tiếc, vì đã lỡ dại. Nài xin Chúa giúp ta sau này chẳng còn tái phạm; quyết tâm xua trừ những duyên cớ sinh dịp tội, làm ta sa ngã. Ta hãy cố sức làm nhiều việc lành, lãnh nhận mọi thử thách, hiệp cùng sự thương khó Chúa mà đền tội ta.

  1. Vì mọi tội lỗi... tội là gì?

Một đứa con biết rõ hoặc hồ nghi điều gì làm phật lòng cha mẹ, mà cứ liều làm, không đếm xỉa tình thương cha mẹ, thì lỗi phạm với cha mẹ. Một người dân, biết rõ luật lệ, ích lợi quốc gia; nếu mình vi phạm, có hại đến quyền lợi kẻ khác, mà cứ liều lĩnh, kẻ ấy lỗi phạm đến nước nhà. Tôi biết luật Chúa, cả dám làm trái ngược, để theo ý riêng, thoả thích dục tình, thì tôi quá khinh rẻ quyền phép của Người, quá chuộng yêu mình tôi, lẽ nào khỏi mất lòng Chúa? Lề luật càng trọng, tôi càng cố tình vi phạm, thì tội tôi càng nặng, đáng cho Chúa khai trừ tôi ra, trầm luân xuống hoả ngục đời đời! Nếu là luật nhẹ, hoặc tôi không hiểu rõ, hay là vì tính nhẹ dạ, thì Chúa dễ bề tha thứ, không đành phạt nặng như các tội trước. Nhưng dầu trọng nhẹ, thì cũng xấu xa vô cùng, đáng cho ta ghê gớm sợ hãi trên hết mọi sự, vì phạm đến Đấng cao cả vô biên.

Các Thánh hiểu rõ, tội lỗi là quái vật xấu xa nên thà chịu chết ngàn lần, chẳng thà phạm tội. Tội riêng cá nhân, tội chung xã hội, kẻ này xô đẩy kẻ khác, tội các dân tộc, các quốc gia, gạt bỏ Thiên Chúa, phủ nhận luật Người, quá ham mê vui sướng tạm bợ, thảy đều phải đền hết cả. Chúng ta tài hèn bất lực, nương tựa vào Chúa Giêsu, dâng mình trong Thánh Lễ, mới trông phạt tạ Thiên Chúa cho cân xứng được.



Lời nhắn nhủ:

1) “Lạy Chúa, xin thương con là kẻ tội lỗi”. (Lc 18,13) “Xin tha thứ chúng con, khỏi cơn thạnh nộ đời đời”. (Joel 1,17; Ps 84,4; Lời Nguyện Mùa Chay).

2) Mỗi khi phạm tội trọng, tội nhẹ, vội vàng thú lỗi với Chúa. Xin Chúa khấng tha cho con. Năng đi xưng tội. Trước khi đi ngủ tất cả gia đình quỳ xin lỗi Chúa.

V. – XIN CHÚA KHẤNG BAN NHỮNG ƠN CẦN KÍP...

1) Ta cần những gì?

Đứa con cần cơm ăn áo mặc, nó liền kêu xin cha mẹ; một người ăn xin, thiếu hụt, đói khát, đi gõ cửa từng nhà. Một người mù quáng ngồi bên lề đường, cứ chấp tay cúi đầu: “Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại...” (Thren 1,12). Chúng ta thiếu hết mọi sự cần phải van nài, cầu xin Chúa ban: Phần xác hằng ngày dùng đủ, vì nếu quá thiếu hụt đói rách, sẽ khó bề giữ đạo sốt sắng; kiếm được công ăn việc làm, ta hãy xin cho ta hồn an xác mạnh; rủi lâm cơn bệnh ngặt nghèo, sa vào cảnh thất nghiệp, ta hãy kêu xin cứu vớt; nhược bằng Chúa muốn điều ấy ích lợi cho ta hơn, hãy cầu khẩn, xin ơn chịu khó, vâng trọn ý Cha. Trong gia đình, làng nước, ta hãy xin những ơn ấy cho hết mọi người. Ta năng hoài tưởng đến vô số người trong thế gian, đang lâm tình trạng đói nghèo đau khổ, gặp cảnh tai nạn tản cư, nhiều gia đình không còn sum hợp, vợ xa chồng, cha mẹ lìa con cái; vô số người tật bệnh già nua, không thiếu kẻ bị câu lưu cấm cố, ta hãy cầu nguyện cho họ và tìm cách nâng đỡ họ tuỳ sức, ít ra với những người kế cận bên ta.

Một thứ ơn khác trọng vọng, cần thiết hơn cả luôn luôn ta phải cầu xin cho mình và cho mọi người thảy thảy, là ơn biết và mến Chúa, làm tôi giữ trọn luật Người, bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa, đưa dẫn nhiều người trở lại với Chúa. Được ơn ấy, là được hết mọi sự, vì sống đời này chỉ là sống tạm: sinh ký tử quy: đời sau mới là sống thật, sống đời đời. Nếu ta chết trong ơn nghĩa, đời đời ta được hưởng phúc thanh nhàn với Chúa. Giờ chết đến như kẻ trộm, luôn luôn ta phải sống trong ơn Thánh Chúa.



2) Ta phải xin làm sao cho đắt lời?

Ta hãy nghe lời Chúa Giêsu dạy ta tin tưởng vào lòng từ bi quảng đại của Chúa khoan hồng: “Chim trời không gieo, không gặt, mà chẳng con nào chết đói”. (Mt 6,26). Ta chớ bôn chôn về việc đời này: “Hãy tìm nước Chúa trước đã, vạn sự khác, Chúa sẽ gia tăng”. (Mt 6,33).

Phải cầu nguyện liên lỉ, chớ có sờn lòng nản chí bao giờ. Bà goá kia kêu hoài, quan toà bực mình, xử kiện cho xong. Đàn bà xứ Cananéa kêu nài Chúa lắm, mới được Chúa trừ quỷ khỏi con của bà. Hãy cầu xin với lòng khiêm nhượng, như Đại uý thành Caphanaum: “Lạy Chúa, tôi chẳng đáng Chúa vào nhà tôi”. (Mt 8,8). Thiên Chúa nguồn mạch chủ tể mọi ơn, Người muốn ban ơn gì, cho ai, khi nào, cách nào, mặc thánh ý Người, chẳng có ai có quyền đòi hỏi hạch xách. Chúng ta chỉ được quyền xin vô hạn bất cứ cho ai, những gì, bất kỳ khi nào ta muốn, vì Chúa đã hứa; “hãy xin, sẽ được; hãy gõ sẽ mở”. (Mt 7,7; Lc 11,9; Mc 11,24).

Lời nhắn nhủ:

1) “Chúng con vì danh Thầy, hãy xin Đức Chúa Cha bất cứ sự gì, Người sẽ ban cho chúng con tất cả”. (Ga 16,23).

2) Ta hãy xin mọi ngày những ơn hồn xác cho mình, cha mẹ, bà con, nước nhà, giáo hội cùng cả thế giới. Chớ quên cầu cho những người hấp hối, buồn phiền và những người quá cố.

VI. – TIN NHỮNG ĐIỀU CẦN KÍP NẦY... TIN LÀ LÀM SAO?


  1. Nghe ai thuật truyện gì lạ, tôi liền bật hỏi trong trí: “Có thật không?” (Sap 2,17).

Nếu thật, thì tôi mới nhận điều ấy là có; bằng không, tôi không lưu ý tới. Khi tôi nhận thật lời ai nói, thì tôi tôn trọng chính người ấy, kể họ không phải là người gian ngoa lếu láo; và nếu điều ấy liên hệ đến đời sống tôi, thì tôi dựa vào lời ấy mà hành động. Nếu tôi tin ai, ấy là dấu tôi tín nhiệm kẻ nói với tôi; và tuy tôi không hiểu rõ điều ấy toàn diện, vì kính cẩn họ, thì trí tôi nhận chân điều họ quả quyết, lòng tôi nghiêng chịu buộc mình làm theo. Tôi tin Thiên Chúa phán dạy, thì tôi tỏ lòng kính cẩn, vâng phục Người; tuy những điều ấy vượt quá sức tôi, và tầm trí mọi loài, thì tôi cũng bắt ép trí lòng tôi nhận đó là chân lý bất dịch, không một mảy sai lầm. Tôi tin như vậy không phải tự sức riêng tôi, song nhờ ánh sáng Chúa soi, và ơn Chúa thúc đẩy bên trong, tôi mới vững vàng cương quyết nhận chân những điều Chúa dạy, tôi sấp mình trước mặt Chúa, bắt trí lòng tuân phục và trịnh trọng kính cẩn thưa với Người rằng: “Lạy Chúa con tin, xin Chúa gia tăng đức tin vào lòng con”. (Mc 9,23; Lc 17,5). Như thế là ta vui lòng hy sinh tính tự ái ta, tế lễ tự do tư tưởng ta: thật là của lễ tốt đẹp!

Tôi vững vàng kính tin lời Chúa, nên tôi cố sức uốn nắn đời sống tôi ăn nhịp với lời Chúa dạy, để tỏ lòng hoàn toàn kính trọng tôn thờ mến yêu Người.



  1. Vì sao tôi tin như vậy?

Lần kia một học sinh hô to: “con bò bay!” Một anh chạy ra xem, chúng bạn cười rầm lên cả! Anh ta đáp lại: “bò bay, có thể có được; nhưng một học sinh nói láo, tôi cho là điều quái dị!” Những tin rung động, thiên hạ truyền miệng với nhau, dựa vào một cột báo, một trang sách; nay mai báo khác lại cải chính việc đó! Thế mà dân chúng cứ đua nhau tin nhảm! Tin lời nói hành bỏ vạ, thơ rơi, rất dễ! Mách lại và tìm cách phổ biến phá hại người ta! Nhưng khi Thiên Chúa phán dạy ta lại không muốn tin, hoặc tin mà không vâng giữ! Thật tệ bạc bất công!

Thiên Chúa là chính sự thật, nguồn mạch mọi điều mỹ thiện, thông suốt mọi sự chân chính, không thể lầm sai, phỉnh gạt bao giờ. Nếu Người phán dạy điều gì, ta phải kính cẩn tin nhận, chẳng chút hoài nghi. Chân lý ấy còn chắc thật hơn những chân lý rõ rệt hiển nhiên, vì trí khôn thụ tạo, còn có thể sai lầm. Đức tin không dựa vào lý lẽ tự nhiên, song đứng vững trong thanh thế của Thiên Chúa, vô cùng thông minh chân thật. Điều tôi cần phải tìm biết cho chắc, là Thiên Chúa đã phán cùng nhân loại những gì, thánh ý Người quyết định cho tôi tin giữ làm sao, để tôi triệt để tin phục như vậy. Thời xưa Chúa dùng miệng các Tổ phụ tiên tri, mà truyện vãn cùng nhân loại; cuối cùng Người đã sai Con một xuống thế, dạy dỗ mọi lẽ chân chính, và truyền dạy các Thánh Tông Đồ, rao giảng khắp thế. Hội Thánh tiếp tục công việc Chúa Kitô, lãnh sứ mệnh bảo vệ đức tin, và giải thích cho tín đồ biết rõ, những điều Thiên Chúa truyền dạy, Hội Thánh không có thẩm quyền tạo nên một chân lý mới nào, chỉ có phận sự trình bày giải thích bảo tồn đức tin Chúa đã giao phó cho đúng ý nghĩa mà thôi.



Lời nhắn nhủ:

1) “Lạy Chúa con tin Chúa. Xin thêm đức tin cho con”. (Mc 9,23; Lc 17,5). “Đức tin không có việc làm, là đức tin chết”. (Jac 2,17,26).

2) Cố sức học hỏi những lời Chúa phán, ra công truyền bá đức tin cho kẻ xa gần. Phán đoán sự việc với cặp mắt đức tin, chớ theo lý đời mà thôi.

VII. – CÓ MỘT ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN TRỜI ĐẤT


  1. Làm sao mà biết có một Đức Chúa Trời?

Một ngôi nhà, cắm giữa cánh đồng hoang vu, tất nhiên phải có chủ nào dựng lên đó. Một vườn hoa nhiều màu sinh đẹp, cần phải có một tay khôn khéo trồng tỉa xếp đặt. Một đoàn thể có trật tự, chắc hẳn phải có những vị chỉ huy tài tình. Vạn vật trong vũ trụ, dầu thuộc về hạng nào, cũng không hoàn toàn cần thiết: có thể mặc lấy thiên hình vạn trạng, có cũng được không cũng thôi; tự mình chưa có, không thể tự tạo nên mình, cần phải nhờ ai tác tạo nó mới có. Nhìn kỹ vũ trụ, ta dễ nhận thấy thứ tự lớp lang: mỗi vật lớn bé, đều có định luật riêng mình, (như nước chảy đọng chỗ thấp, lửa hồng đốt thiêu cháy nóng). Phải có một tay nào tài giỏi làm ra, một trí não thông minh định luật, một vị nào khôn khéo điều khiển. Đấng ấy ta gọi là Thiên Chúa, có một không hai, vì Người phải có toàn năng toàn thiện, vô cùng trọn hảo, không ai sánh kịp bao giờ. Nếu có hai vị Thiên Chúa, tất không có vị nào vô cùng tuyệt đối; vị này hạn chế vị kia! Ở xứ ta, khi gặp gian truân nguy hiểm tay ta chắp lại miệng ta van nài: “Lạy ông trời, xin cứu độ tôi với”. Khi đe dọa ai, ta thường nghe nói: “trời đánh loã đầu”. Như vậy thiên hạ tin thật có vị Chủ tể trời đất, xưng danh: “Ông Trời, Ngọc Hoàng, Thượng đế”. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu. (Lưới trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt!)

  1. Dựng nên trời đất là làm sao?

Khoa học triết lý, chỉ tìm hiểu bản chất và hình thức, đặc tính các sự vật, không thể nào vạch ra cho biết nguồn gốc đầu tiên của nó. Thiên Chúa truyền dạy cho ta được biết: chính Người, vì thương, bởi không làm ra mọi sự cho có. Thiên Chúa hoàn toàn tự do: trong muôn vàn sự vật có thể hiện xuất, Người đã chọn lấy một số, mà ban cho nó được sự thực thể hiện hữu, định luật cho mỗi vật, theo bản tính của mình; bảo tồn, quan phòng điều khiển mọi sự, cho danh Người được thêm cả sáng. Trên mặt đất này, Người đã phó thác tất cả sự vật cho nhân loại sử dụng quản cai, khai thác: chúng ta được quyền hưởng dùng tất cả, để phụng sự Người và đại diện chúng, mà cảm tạ khong khen Người mãi mãi.


Каталог: tulieu
tulieu -> Lm. Giuse nguyeãn höÕu trieáT 08/07/2013
tulieu -> -
tulieu -> TỰ do nội tâm jacques Philippe Người dịch, Lm. Minh Anh (Gp. Huế) TỰ do nội tâM
tulieu -> Lm. Giuse nguyeãn höÕu trieáT 01/02/2013
tulieu -> Céng hßa x· héi chñ nghÜa viªt nam §éc lËp Tù do H¹nh phóc
tulieu -> LƯỢc sử giáo phận huế khai sinh và phát triểN 50 NĂm qua (1960-2010) I. LỊch sử KHAI SINH giáo phận huế
tulieu -> TỔng giáo phận huế khai sinh và phát triển I. LỊch sử khai sinh giáo phận huế
tulieu -> BÁo cáo về hoạT ĐỘng của bộ TƯ pháp trong ba tháng đẦu năM 1948 ĐẠi hội nghị TƯ pháp toàn quốc lần thứ nhất các cuộC Đi kinh lý
tulieu -> CÁc trậN ĐỘng đẤt từ NĂM 1500 ĐẾn năM 2005
tulieu -> LUẬt công đOÀN 1990 VÀ 2012 ĐỐi chiếU

tải về 232.23 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương