Khuyến khích doanh nghiệp nuôi dưỡng tinh thần nghiệp chủ suy ngẫm và khuyến nghị



tải về 67.15 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích67.15 Kb.
#13652

KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP

KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP

Nuôi dưỡng tinh thần nghiệp chủ - suy ngẫm và khuyến nghị


Ông Tan Wee Liang

Đại học Quản lý Singapore

 

Hiện nay, nhiều quốc gia đang rất quan tâm đến việc nuôi dưỡng tinh thần nghiệp chủ. Các tổ chức cũng thường quan tâm đến vấn đề này nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới và tinh thần nghiệp chủ tại tổ chức. Các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh phát triển cũng mong muốn điều này đối với tổ chức của chính mình. Chính vì vậy, những nhà quản trị xuất sắc đều muốn những ý tưởng sáng tạo của mình được tiếp tục phát triển ngay cả khi họ không còn gắn bó với tổ chức nữa. Các nhà điều hành chủ chốt trong những tập đoàn và các tổ chức lớn đang say mê với việc tập trung vào nguồn vốn con người trong tổ chức. Họ bắt đầu để ý đến tiếng gọi của việc thực hiện cái gọi là tinh thần nghiệp chủ trong nội bộ tổ chức.



 

Tôi xin tập trung vào 3 đối tượng quan tâm đến vấn đề này hiện nay là: nhà hoạch định chính sách, các nhà doanh nghiệp và các nhà quản lý hay quản trị tổ chức. Ba nhóm người này có thể quan tâm đến việc nuôi dưỡng phát triển tinh thần nghiệp chủ.

Trong phạm vi này, tôi sẽ đề cập đến những vấn đề sau: (1) Loại tinh thần nghiệp chủ nào cần được khuyến khích?; (2) Cần có những yếu tố gì để nuôi dưỡng và phát triển tinh thần nghiệp chủ?; (3) Chúng ta có thể làm gì đối với nhân tố chủ đạo - con người?

 

1. Loại tinh thần nghiệp chủ nào cần được khuyến khích?

Hiện nay, trên thế giới chưa có định nghĩa chính thức nào về tinh thần nghiệp chủ. Đây được coi là  một phạm trù được thiết lập và đã được kiểm chứng. Hầu hết các nhà đào tạo sẽ đồng ý rằng thuật ngữ này đề cập đến một sự kết hợp giữa các đặc tính cá nhân với kỹ năng kinh doanh. Phần lớn các chương trình về doanh nghiệp định nghĩa khái niệm này trong phạm trù kinh doanh: một hình thức kinh doanh mới, sự phát triển doanh nghiệp hoặc giới doanh nghiệp trong một loại hình kinh doanh. Shane & Venkataraman (2000) cho rằng giới doanh nghiệp, với tư cách là một lĩnh vực nghiên cứu, cần tập trung vào cách thức và đối tượng cũng như những yếu tố ảnh hưởng mà từ đó các cơ hội tạo ra hàng hoá và dịch vụ trong tương lai được khám phá, đánh giá và khai thác. Từ nhận thức này, việc đánh giá các cơ hội và động cơ khởi nguồn doanh nghiệp được quan tâm đáng kể.

 

 Kao (1993) đã chấp nhận một khái niệm mới mà ông đã đề cập trong cuốn sách của mình "Tinh thần nghiệp chủ: tạo ra sự thịnh vượng và quá trình gia tăng giá trị" (1995). Ông định nghĩa rằng “doanh nghiệp là một quá trình tạo ra cái mới (sáng tạo) và sự khác biệt (đổi mới) với mục đích tạo ra sự thịnh vượng cho mỗi cá nhân và gia tăng giá trị cho xã hội". Định nghĩa của Kao cung cấp cho việc ứng dụng toàn cầu một khái niệm nhà doanh nghiệp không bị hạn chế trong phạm trù kinh doanh (Tan 1994). Thuyết động lực của nhà doanh nghiệp không bị bó hẹp trong thế giới kinh doanh. Nó được mở rộng sang cả lĩnh vực công cộng trong các dịch vụ dân sự như những cuốn sách về chủ đề xác định việc phát minh lại chính phủ (Osborne 1993). Osborne đã cung cấp những ví dụ về việc các chính phủ cũng cần có tinh thần nghiệp chủ. Đồng thời nó cũng được sử dụng để chỉ giới doanh nghiệp xã hội nhằm mình hoạ cho sự tương tác giữa các mục tiêu xã hội với mục tiêu kinh doanh. Cần hiểu định nghĩa này theo nghĩa rộng để bao hàm cả những đối tượng từ mọi khía cạnh theo nghĩa "tinh thần doanh nghiệp" không bó hẹp trong phạm vi khởi sự doanh nghiệp. Do vậy, nên hiểu định nghĩa này như một quá trình có giá trị. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào một quá trình. Một khi bạn đã quyết định làm điều gì đó, bạn đã tham gia vào một quá trình và hiểu theo một cách nào đó bạn đang tham gia vào giới  nghiệp chủ. Có thể tạm chấp nhận khái niệm nghiệp chủ là một ý thức hệ (Tan 2002). Khái niệm này có thể học và ghi nhớ.



 

Việc định nghĩa tinh thần nghiệp chủ là rất cần thiết để xem xét các khía cạnh về giá trị doanh nghiệp. Giá trị của các hoạt động doanh nghiệp không nên chỉ được xem xét ở lĩnh vực lợi nhuận. Quá trình sáng tạo và đổi mới không chỉ đơn thuần thuộc phạm trù "lợi nhuận đơn thuần" hoặc lời lãi. Theo ý nghĩa thời thượng của "tinh thần doanh nghiệp", từ "doanh nghiệp" nên tập trung vào giá trị của hoạt động doanh nghiệp. Giá trị này nên bao hàm tất cả các hoạt động của doanh nghiệp. Từ "giá trị" được lựa chọn để tránh việc liên hệ đến ý nghĩa "lợi nhuận". Ông này cũng đã bổ sung yếu tố "gia tăng giá trị cho xã hội" mà không bao hàm thêm các yếu tố kết hợp khác.

 

Bản thân từ "giá trị" đã bao hàm một ý nghĩa tích cực. Chúng ta sử dụng từ này trong mối quan hệ với các giá trị của quốc gia và tổ chức. Về bản chất, nếu chỉ có ý nghĩa cho một phía, tức là chỉ có giá trị cho một bên thì giá trị của một hoạt động sẽ không được công nhận. Một tên ăn trộm không phải là nghiệp chủ bởi anh ta sẽ không cung cấp giá trị. Trong một ví dụ khác, một cá nhân nếu tối đa khai thác lợi nhuận cho riêng mình thì sẽ không mang lại giá trị hoặc có đóng góp đối với xã hội. Theo ý nghĩa này, hiện đang có sự tranh cãi cho rằng xã hội với những chuẩn mực của mình đã phân loại các giá trị được coi là giá trị doanh nghiệp. Xã hội đang kêu gọi hành vi có trách nhiệm trong đó bao gồm trách nhiệm của doanh nghiệp về môi trường và phát triển bền vững. Đây còn được gọi là hành vi mang tính đạo đức.



 

Những doanh nhân tương lai (những doanh nhân trẻ), chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người chủ tương lai của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và chính bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ có rất nhiều việc phải làm nếu họ muốn tạo dựng, phát triển và lớn mạnh. Sự trợ giúp cho các chủ doanh nghiệp và các công ty vừa và nhỏ có thể dưới hình thức các phương tiện hỗ trợ thuộc mạng lưới trợ giúp. Ở đây, mạng lưới trợ giúp được đề cập đến như cơ sở hạ tầng cho quá trình nghiệp chủ..

 

Cho dù khái niệm nào được chấp nhận, điều quan trọng là ta phải hiểu rõ sự mong đợi của mình. Nếu không có sự rõ ràng, ta sẽ dễ bị rơi vào tình trạng khẩu hiệu xáo rỗng, do vậy cần xác định mục đích cụ thể. Tuy nhiên, nếu ta muốn cụ thể hoá mục đích, cần phải xác định ngụ ý của mình với khái niệm doanh nghiệp bằng cách xác định các bước hành động cần thực hiện để cung cấp cho sự tăng trưởng và phát triển.



 

Cần có những yếu tố gì để nuôi dưỡng và phát triển tinh thần nghiệp chủ?

Tinh thần nghiệp chủ cũng cần phải có những điều kiện nhất định để phát triển. Tại nhiều quốc gia, nhiều chính phủ đã tiến hành các biện pháp khuyến khích và các chương trình hỗ trợ. Chúng ta sẽ gọi các yếu tố này là "Hạ tầng nghiệp chủ". Dưới góc độ các tổ chức, để tạo được tinh thần nghiệp chủ trong nội bộ tổ chức, cần quan tâm đến cơ cấu tổ chức.

 

Hạ tầng nghiệp chủ

Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách và các tập đoàn mong muốn khởi sự doanh nghiệp trong xã hội của mình cần cân nhắc là các yếu tố mà một số người đề cầp như là "hệ thống sinh thái doanh nghiệp" (enterprise eco-system). Xã hội ở đây có thể hiểu ở nghĩa rộng cũng như nghĩa hẹp là một tổ chức. Tôi và đồng nghiệp gọi nó là "hạ tầng nghiệp chủ". Với "hạ tầng nghiệp chủ" mà chúng tôi đề cập đến là các cơ sở vật chất cung cấp hỗ trợ đối với các nhà doanh nghiệp, những nghiệp chủ tiềm năng, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ và những doanh nghiệp ở quy mô vừa dưới hình thức: sự hỗ trợ với các nhiệm vụ mà các doanh nghiệp, các nghiệp chủ hoặc chủ các công ty nhỏ cần phải thực hiện; các nguồn lực cần thiết, cả về vật chất và tiền bạc; thông tin; và kiến thức cần thiết.

 


  • Các cơ sở vật chất  của hạ tầng nghiệp chủ có thể thuộc Nhà nước hay tư nhân. Đó là cấu trúc của những cơ sở vật chất hỗ trợ này và những dịch vụ mà họ cung cấp - trong một khu vực địa lý, tạo nên một cơ sở hạ tầng nghiệp chủ của một quốc gia, một khu vực hay một địa phương. Những cơ sở hạ tầng như vậy có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của cộng đồng. Bởi từ kết quả của sự kết hợp giữa việc ra quyết định và sự lãnh đạo, các cộng đồng có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động nghiệp chủ ở các cấp độ khác nhau trong khu vực của mình bằng cách ảnh hưởng đến những yếu tố trong hạ tầng nghiệp chủ (Bull và Winter, 1991).

  • Những công việc hỗ trợ. Những doanh nhân tương lai (những doanh nhân trẻ), chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người chủ tương lai của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và chính bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ có rất nhiều việc phải làm nếu họ muốn tạo dựng, phát triển và lớn mạnh. Sự trợ giúp cho các chủ doanh nghiệp và các công ty vừa và nhỏ có thể dưới hình thức các phương tiện hỗ trợ thuộc mạng lưới trợ giúp. Ở đây, mạng lưới trợ giúp được đề cập đến như cơ sở hạ tầng cho quá trình nghiệp chủ.

  • Các nguồn lực cần thiết. Để hoạt động hiệu quả, các chủ doanh nghiệp hay các công ty nhỏ cần có những nguồn lực hỗ trợ. Ví dụ, khi thành lập doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp tương lai phải có vốn và các trang thiết bị phù hợp. Mạng lưới trợ giúp chỉ hoạt động hiệu quả khi có các phương tiện hỗ trợ giúp cho các chủ doanh nghiệp đang mong mỏi có được vốn và các trang thiết bị phù hợp.

  • Thông tin. Chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có thông tin để thực hiện tốt công việc của mình. Ví dụ, các thông tin về môi trường. Nếu các chủ doanh nghiệp tương lai muốn đưa ra những quyết định đúng đắn thì họ cần phải có các thông tin như thông tin về nền kinh tế, thị trường, pháp luật, công nghệ... Những thông tin này có thể có được từ những phương tiện trợ giúp trong hạ tầng nghiệp chủ.

  • Tri thức. Các chủ doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có thể đạt được thành công cuối cùng nếu họ có được những tri thức phù hợp với những công việc mà họ phải hoàn thành. Những tri thức đó có thể có được qua bề dày kinh nghiệm và cả những lần vấp ngã. Tuy nhiên, những tri thức đó cũng có thể có được thông qua đào tạo bài bản theo các phạm vi nội dung và kỹ năng mà có thể áp dụng trực tiếp trong công việc kinh doanh. Khi có các phương tiện trợ giúp để khuyến khích việc chuyển giao các tri thức đó thì có thể nói các phương tiện đó là thành phần của hạ tầng nghiệp chủ.

Khích lệ và phát triển doanh nghiệp - Chìa khoá cho sự đột phá về Năng suất


Nguyễn Thị Bích Hằng

Trung tâm Năng suất Việt Nam

 

I. Vai trò của chủ doanh nghiệp và tinh thần nghiệp chủ:


1. Thế nào là chủ doanh nghiệp và tinh thần nghiệp chủ?

Mặc dù có thể phân chia doanh nghiệp thành nhiều loại hình khác nhau: theo nguồn vốn, quy mô lao động, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động... nhưng giới doanh nghiệp đề cập đến ở đây bao gồm toàn bộ các doanh nhân, thương chủ, những người sẵn sàng chịu rủi ro hoạt động trên thương trường. Định nghĩa một cách tổng thể thì họ là "những người khởi xướng và tiên phong trong hoạt động kinh doanh, có tinh thần làm chủ cao, tự đảm nhận trách nhiệm và luôn tìm tòi cái mới, biết chấp nhận và tìm cách chế ngự rủi ro trong quá trình kinh doanh, luôn có cái nhìn thống nhất và quyết đoán trước những khó khăn, trở ngại". Còn đi vào chi tiết, các chủ doanh nghiệp này thường được nhắc tới với 10 đặc tính nổi bật, đó là: (1) tạo sự khác biệt; (2) biết tận dụng tối ưu cơ hội; (3) biết huy động nguồn lực kịp thời; (4) biết tạo giá trị gia tăng từ những hoạt động thông thường; (5) có khả năng gây dựng tốt mạng lưới đối tác và nhân viên; (6) biết cách làm và biết ai có thể đảm đương công việc; (7) có khả năng huy động và tạo vốn; (8) biết xoay sở trước rủi ro; (9) quyết đoán trong hoàn cảnh bất lợi; (10) có tính sáng tạo và đổi mới.

 

Những đặc tính nêu trên phản ánh sâu sắc "tinh thần nghiệp chủ", thể hiện khả năng khơi dậy và nắm bắt các ý tưởng sáng tạo, biến chúng thành sản phẩm, dịch vụ mới. Ngoài ra, theo thống kê của trường Đại học Oxford - 2003, các chủ doanh nghiệp vật lộn trên thương trường vì 2 lý do cơ bản là chấp nhận thách thức (30%) và khẳng định sự tự chủ của mình (39%). Kinh doanh trở thành nhu cầu tất yếu, đáp ứng sở thích và sở trường cá nhân, như đã mang "nghiệp" kinh doanh trong bản thân mỗi chủ doanh nghiệp. Còn vấn đề kinh doanh vì "tiền" lại chiếm tỉ lệ không cao bằng các động lực khác (chỉ chiếm 19%).



 

Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp không chỉ là người đứng đầu, quản lý và đưa ra những quyết định xác đáng, mà hơn nữa họ phải xây dựng được một tổ chức trong đó "cơ cấu, bộ máy quản lý, quá trình hoạt động tạo điều kiện cho năng lực kinh doanh, tính sáng tạo của mỗi cá nhân được phát huy tối ưu". Khi tỉ lệ những người sinh ra đã có tố chất kinh doanh và những người trở thành doanh nghiệp do điều kiện môi trường, giáo dục... là 50/50 thì việc nuôi dưỡng, khơi dậy "tinh thần nghiệp chủ" có cơ sở và vô cùng cần thiết. Quá trình nuôi dưỡng và phát triển này trong doanh nghiệp không ai khác chính chủ doanh nghiệp phải khởi xướng và cam kết thực hiện.

 

2. Vai trò của chủ doanh nghiệp trong nền kinh tế đất nước:

Với những đặc tính nêu trên, giới nghiệp chủ ngày một đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế đất nước. Ở đây, xin tạm cập đến đóng góp của một vài doanh nghiệp nhưng đại diện cho biết bao nỗ lực và vai trò của giới nghiệp chủ Việt Nam. Chỉ riêng 10 gương mặt doanh nghiệp được giải thưởng Sao Đỏ năm 2002 đã có mức doanh thu là 2.014 tỷ đồng, tổng số nộp ngân sách nhà nước là 41,35 tỷ đồng (năm 2001) và tạo việc làm cho trên 6.300 lao động. Hay tại Tiền Giang, trong năm 2001, các doanh nghiệp trẻ đã đầu tư, liên doanh, liên kết, giúp đỡ nhau xây dựng nhiều nhà xưởng, đổi mới thiết bị, nâng cao năng suất lao động, tạo thêm nhiều sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, giải quyết công ăn việc làm thêm cho hàng nghìn lao động... Hay đời thường hơn là những nhà nông có cái nhìn kinh doanh như ông Võ Văn Tân ở một huyện miền núi tỉnh Đồng Nai. Câu chuyện về ông lão ngoài 60 tuổi này thì phải nghe từ bà con lối xóm nhưng đáng nói hơn cả là ông đã làm giàu từ mô hình nuôi ba ba ở vùng đất gò đồi và giúp cho hàng chục hộ dân trong ấp Phú Dõng thoát khỏi cảnh nghèo, vươn lên khấm khá. Các phong trào như trồng rau sạch trên cát trắng tại Nghệ An, tìm lối ra cho những hộ nuôi cá ba sa ở Đồng Tháp cũng cho thấy một bức tranh toàn diện hơn về "tinh thần nghiệp chủ".

 

Một vài hình ảnh vừa nêu, dù dưới nhiều hình thức và loại hình khác nhau đã khẳng định rằng họ là những người khởi xướng, luôn tìm ra hướng đi sáng tạo làm giàu cho cá nhân, cho tổ chức, làm giàu cho một vùng đất và rộng hơn là nền kinh tế đất nước. Chính họ đã góp phần khơi dậy sở thích kinh doanh cũng như đào tạo kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn cho các lớp doanh nghiệp kế tiếp. Vì thế, hơn bao giờ hết, việc khuyến khích, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp phải được ưu tiên thực sự trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay.



 

II. Khích lệ và phát triển doanh nghiệp:


1. Kinh nghiệm khích lệ và phát triển doanh nghiệp tại các nước trong khu vực:

Để khích lệ và thúc đẩy doanh nghiệp, các nhà hoạch định thường đề cập tới việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mạng lưới chia sẻ thông tin, đơn giản hoá hệ thống thuế và các thủ tục hành chính, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh những chính sách mang tầm vĩ mô đòi hỏi thời gian dài này, việc thúc đẩy và phát triển doanh nghiệp tại các nước tiên tiến trong khu vực còn được thực hiện bằng nhiều mô hình hữu hiệu khác.

 

Trước hết là việc đẩy mạnh dịch vụ phát triển doanh nghiệp bao gồm đào tạo các kỹ năng thiết yếu, tư vấn các phương thức quản lý tiên tiến, nâng cao hiệu quả của hệ thống hiện có, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiếp cận thị trường. Tại Thái Lan, nhờ chính sách hậu thuẫn và hỗ trợ của Chính phủ, một số lượng lớn các tổ chức đang cung cấp loại hình dịch vụ này, thu hút ngày càng đông số lượng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Singapore được coi là nước đứng đầu trong khu vực về chính sách đào tạo nhân lực. Quỹ Phát triển Kỹ năng (SDF), ra đời từ năm 1979 bao gồm nhiều chương trình khác nhau như Hỗ trợ đào tạo (giảm và miễn phí cho các công ty có kế hoạch đào tạo dài hạn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của Singapore), hay Phát triển nguồn lực (hỗ trợ tới 80% chi phí công ty phải trả cho dịch vụ tư vấn nhân lực)... Ngoài nguồn vốn ban đầu của Chính phủ, việc duy trì Quỹ dựa trên cơ sở các công ty sẽ đầu tư trở lại 1% số tiền trả lương cho nhân viên hàng tháng (áp dụng với mức lương trên 1000 đô la Singapore). SDF đã đóng góp tích cực đối với sự phát triển doanh nghiệp Sing. Vào năm 1986, tổng đầu tư cho đào tạo doanh nghiệp là 1% quỹ tiền lương toàn quốc gia thì giờ đây con số này đã lên tới 3,6%. Cũng vào năm 1986, chỉ có 77% số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ của Quỹ, thì từ năm 1999, 100% các doanh nghiệp này nhận được hỗ trợ kinh phí. Theo nhận định của BERI (phân tích số liệu điều tra rủi ro thị trường thế giới), chính lực lượng lao động với kỹ năng, kiến thức được đào tạo, nâng cấp là yếu tố quyết định việc tăng lương, giảm tỷ lệ thất nghiệp tại Singapore.



 

Ngoài ra, hoạt động của các tổ chức đóng vai trò đầu mối cung cấp, chia sẻ thông tin cũng là một kinh nghiệm hữu hiệu trong quá trình phát triển doanh nghiệp tại các nước. Chẳng hạn tổ chức Austrade của úc chuyên cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp và là bên thứ 3 đứng ra giải quyết tranh chấp kinh doanh bằng cơ chế trọng tài. Hay tại Mỹ, trung bình mỗi ngày Chính phủ bỏ ra hơn 1 triệu đô la để giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ gia nhập thị trường hoặc gặp khó khăn. Sự hỗ trợ về tài chính và thông tin này thực sự hữu hiệu cho sự phát triển doanh nghiệp.

 

2. Khích lệ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam:

Trong khi các phương thức phát triển, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tại các nước khu vực vẫn chưa được áp dụng phổ biến tại Việt Nam, thì chính các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xoay sở với nhiều hướng đi táo bạo.

 

Doanh nghiệp có thể chủ động áp dụng những mô hình khích lệ sức mạnh nội tại mà cốt lõi là phát triển khả năng luôn đổi mới, nắm bắt kịp thời nhu cầu và thời cơ của môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh hiện nay.



 

Bảng so sánh dưới đây có thể coi là một trắc nghiệm nhỏ để doanh nghiệp tự tìm hiểu phương thức quản lý của mình: Có thể thấy khi thị trường đầy sức ép, phương thức kinh doanh hiện đại mở ra cho doanh nghiệp nhiều cơ hội, dễ thích ứng, biết chập nhận và tạo lợi thế từ rủi ro. Các doanh nghiệp này không chỉ dựa vào các chính sách đào tạo, hỗ trợ truyền thống mà tự chuyển đổi, khơi dậy, khích lệ "tố chất kinh doanh" của các thành viên. Ở đây mọi ý tưởng kinh doanh sáng tạo của thành viên như những đốm lửa nhỏ, nhà quản lý chính là người thổi bùng lên tạo nên sức mạnh thống nhất.

 

 

Xin giới thiệu một mô hình được coi là một trong những cách thức hữu hiệu giúp chủ doanh nghiệp giải bài toán vừa nêu. Mô hình này xoay quanh 6 yếu tố cơ bản:



  1. Nhà quản lý: có vai trò quyết định trong việc khích lệ và phát triển nhân viên.

  2. Định hướng chiến lược: đổi mới" luôn được đặt mối ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, tạo tiền đề và khích lệ tính sáng tạo của các thành viên

  3. Quá trình: phân định rõ ràng ai, khi nào, bằng cách thức nào nhằm đảm bảo quá trình đổi mới diễn ra thuận lợi mà không đi ngược lại hướng kinh doanh đề ra

  4. Yếu tố con người và tổ chức: phân bổ nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, các chính sách đào tạo và tuyển dụng nhằm phát huy năng lực kinh doanh của nhân viên

  5. Yếu tố đánh giá, giám sát và đo lường: đảm bảo hệ thống vận hành và tạo giá trị, đánh giá trên các tiêu chí động như sự thoả mãn của khách hàng, thị phần tăng bao nhiêu phần trăm so với đối thủ cạnh tranh...

  6. Yếu tố văn hoá: quyết định mối quan hệ giữa các yếu tố trên, hình thành nét đặc trưng của toàn tổ chức

Để mô hình trên thực sự phát huy tác dụng, tổ chức phải xây dựng được văn hoá và cách thức giao tiếp hiệu quả. Quá trình chia sẻ thông tin, chuyển giao kiến thức sẽ là nền tảng để các ý tưởng dễ dàng đi vào thực tế. Về cơ cấu tổ chức, chính sách tuyển dụng và đào tạo nên chú trọng đa dạng hoá kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng để hoàn thiện mô hình "trí tuệ tập thể".

Khuyến khích tinh thần doanh nghiệp


Nguyễn Đức Thành

Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội

 

Phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo giờ đây không chỉ là khẩu hiệu mà trở thành khát vọng của hầu hết người dân Việt Nam, nhất là đối với tầng lớp thanh niên và doanh nhân trẻ, một động lực mới của xã hội.



 

Hiện nay, hầu hết các địa phương đều đang dốc sức biến các tiềm năng thành lợi thế nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích mọi nguồn lực để phát triển kinh tế. Nỗ lực này đã huy động được ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư trực tiếp phát triển kinh doanh; là nguồn tạo công ăn việc làm cho người lao động; đóng góp đáng kể vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Hàng loạt cuộc thi về "ý tưởng kinh doanh sáng tạo", "dự án khởi nghiệp kinh doanh” đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của hàng ngàn sinh viên khắp cả nước và từ đây nhiều ý tưởng đã trở thành hiện thực kinh doanh. Tất cả các hiện tượng nói trên chứng tỏ tinh thần kinh doanh đang được thức tỉnh, khuyến khích, cổ vũ. Song điều đó vẫn chưa đủ, đặc biệt đối với việc tham gia thị trường của các doanh nghiệp (DN) mới, DN nhỏ do những bất lợi về cạnh tranh, các rào cản thâm nhập thị trường, khó khăn khi tiếp cận các nguồn tài chính, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ DN, tiếp cận các hoạt động nghiên cứu và phát triển …

 

Nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn các nhà đầu tư, khuyến khích tinh thần kinh doanh trong xã hội, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, cần có sự đóng góp của toàn xã hội, của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, hiệp hội để có các chính sách phù hợp.



 

1. Hoạt động hỗ trợ khởi sự DN

  • Hoạt động tuyên truyền phổ biến Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan; tuyên truyền làm thay đổi nhận thức xã hội về địa vị xã hội của doanh nhân, giá trị của doanh nhân trong xã hội,

  • Hướng dẫn về cách thức thành lập DN, những yếu tố cơ bản cần có khi khởi nghiệp,

  • Phát triển dịch vụ phát triển doanh nghiệp: giúp đỡ kinh nghiệm thực hành chuyên về một ngành có liên quan đến lập kế hoạch kinh doanh, đào tạo kỹ năng quản lý, tiếp thị, tài chính…

  • Phát triển mạng tư vấn DN gồm các tổ chức, công ty hoặc chuyên gia tư vấn để hỗ trợ DN. Xây dựng mạng truyền thông trực tuyến (Internet, thoại, hội thảo nhóm…) để có thể cung cấp dịch vụ cho những khu vực chưa phát triển, hỗ trợ những hộ nông dân, thợ thủ công, nghề truyền thống có điều kiện chuyển đổi thành DN để tổ chức sản xuất với quy mô lớn hơn, sử dụng được công nghệ quản lý theo phương thức hiện đại... 

  • Xây dựng "Vườn ươm doanh nghiệp" tại các khu vực kinh tế.

2. Khuyến khích DN tham gia vào hoạt động chính sách và cải thiện môi trường kinh doanh

Thông thường, các DN nêu những khó khăn, bất cập về chính sách, thực tế kinh doanh để yêu cầu Chính phủ, các cơ quan Trung Ương, địa phương giải quyết. Những kiến nghị của DN có thể được trình bày tại các hội thảo, diễn đàn, có thể bằng văn bản hoặc thông qua hiệp hội, cơ quan báo chí. Trên thực tế, các cơ quan hữu quan giải quyết hoặc trả lời các kiến nghị này là hạn chế. Bên cạnh đó, các DN vẫn chưa coi trọng vai trò của chính DN trong việc tạo dựng và cải thiện môi trường kinh doanh thông qua hoạt động chính sách.  Do đó cần:



  • Tuyên truyền, động viên để DN, đặc biệt là các DN dân doanh không mặc cảm, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của DN;

  • Nâng cao hoạt động, vai trò của các tổ chức, hiệp hội để hỗ trợ DN, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho DN và tham gia tích cực vào hoạt động chính sách

  • Tạo mối quan hệ hiểu biết, tin tưởng giữa cơ quan Nhà nước và cộng đồng DN để cùng thảo luận, xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho kinh doanh;

  • Huy động sức mạnh tổng hợp về lý luận, kiến thức của các Viện nghiên cứu, chuyên gia trong nước và nước ngoài, đặc biệt là Việt kiều, về kinh nghiệm thực tế kinh doanh từ các doanh nhân cùng với các cơ quan Nhà nước tham gia vào công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội cho các ngành, các địa phương theo nhu cầu thị trường;

  • Động viên, khuyến khích DN tham gia hoạt động xã hội để nâng cao uy tín, vai trò và trách nhiệm của DN đối với xã hội.




Page of

Каталог: upload images
upload images -> 21. Cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp, người mẫu trong phạm vi địa phương
upload images -> 1. tcvn 2287-78. Hệ thống tiêu chuẩn an toàn lao động. Quy định cơ bản
upload images -> THÔng báo tạm ngừng cung cấP ĐIỆN ĐỘt xuất khu vực huyện bình chánh kính gửi: Quý Khách hàng
upload images -> Đấu giá thành công 1,8 triệu cổ phần Công ty Than Hà Lầm – tkv
upload images -> BẢng giá quảng cáo trên website
upload images -> Ubnd tỉnh bình phưỚC
upload images -> Ubnd tỉnh bình phưỚc cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
upload images -> Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11 và 11 tháng năm 2012
upload images -> BẢng giá quảng cáo truyền hình đÀi phát thanh truyền hình phú thọ
upload images -> Nguồn tư liệu thư TỊch phưƠng tây với tiến trình lịch sử thăng long – HÀ NỘI

tải về 67.15 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương