Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu – một vùng có tính đa dạng sinh học quan trọng ở vùng ven biển cực nam Trung bộ Lưu Hồng Trường



tải về 91.86 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.06.2018
Kích91.86 Kb.
#39561
Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu – một vùng có tính đa dạng sinh học quan trọng ở vùng ven biển cực nam Trung bộ
Lưu Hồng Trường

Trung tâm đa dạng sinh học và phát triển (CBD)



Viện sinh học nhiệt đới

85 Trần Quốc Toản, Q. 3, TP Hồ Chí Minh

Tel/Fax: 08-9320355

Email: hongtruongluu@yahoo.com
Summary

This paper discusses about the need to pay more attention to the biodiversity conservation of Ta Kou Nature Reserve and the coastal most southern central of Vietnam based on recent findings on the biodiversity of the reserve.
Vùng 3-Phan trong vùng ven biển nam Trung bộ

Vùng ven biển thuộc hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, có thể gọi tắt là vùng 3-Phan vì có 3 đô thị Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết, nằm trong vùng ven biển cực nam Trung bộ. Nhiệt độ trung bình năm khá cao, nằm trong khoảng 26,1oC - 26,6oC. Tháng nóng nhất là tháng Năm với nhiệt độ trung bình khoảng 28,7oC. Không có mùa đông lạnh. Lượng mưa trung bình năm biến đổi từ 775 mm ở Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) đến 1.300 mm – 1.400 mm ở Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).


Phan Rang được coi là vùng khô hạn nhất ở Việt Nam, với 50-60 ngày mưa mỗi năm và mùa khô kéo dài đến 10 tháng (từ tháng 11 đến tháng Tám năm sau). Nhiệt độ biến động từ 12oC đến 38oC cho thấy một biên độ nhiệt tối đa là 24 độ. Độ ẩm không thay đổi nhiều giữa hai mùa, với độ ẩm tương đối trung bình năm là 71% - được coi là thấp nhất ở Việt Nam. Trong suốt ba tháng đầu năm, thời tiết rất khô, phần nào biểu hiện tính chất sa mạc.
Sự phát triển nông nghiệp là một trong những nguyên nhân chính tạo ra các dạng sinh cảnh hiện tại. Ngoài nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp là hoạt động chính tạo ra thu nhập cho người dân địa phương trong vùng 3-Phan. Các loại cây trồng chủ chốt là lúa, điều, nho và thanh long. Dân số lớn và sự phát triển nông nghiệp đã làm giảm và đang tạo ra các nguy cơ đe dọa các cánh rừng còn sót lại trong vùng 3-Phan, vốn chủ yếu nằm trong hai khu bảo vệ ven biển là Vườn quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu (tỉnh Bình Thuận).
Thuộc về vùng khí hậu khô ven biển mưa mùa, vùng 3-Phan gồm các vùng cảnh quan nguy cấp ưu tiên SA4 & SA7 – là hai khu vực ưu tiên trong hành động bảo tồn trong vùng Trường Sơn mở rộng theo WWF (http://www.panda.org/about_wwf/where_we_work/asia_pacific/our_solutions/greatermekong/greater_annamites_ecoregion/about_the_area/priority_places/southern_annamites/index.cfm). Các cảnh quan SA4 và SA7 được coi là “gồm một vài mảnh còn sót lại của rất độc đáo của quần xã rừng khô của đồng bằng ven biển trải dài đến phía Đông dãy Trường Sơn”. Tính chất khô hạn và sự tách biệt của vùng 3-Phan đã tạo ra các quần xã thực vật riêng biệt. Điều này đã được nêu ra bởi Schmid (1974), Trừng (1978, 1999) và tái khẳng định trong Vân và ctv (2000) rằng các cánh rừng rụng lá cây họ Dầu và các trảng cây bụi là đặc trưng và có thể thấy ở vùng đất thấp có lượng bốc hơi nước khoảng 600-800 mm/năm thuộc hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Cần lưu ý rằng theo báo cáo trên của WWF (website ở trên) thì mặc dù có thể không có các loài thú và chim đặc hữu cho vùng khô ven biển này nhưng nhiều loài nếu không muốn nói là tất cả các loài đặc hữu của các cánh rừng này có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng trong thời gian trước mắt và về lâu dài nguy cơ vẫn có thể còn duy trì ở mức cao” do vùng này có diện tích nhỏ và do các áp lực/mối đe dọa nói trên.
Cho đến nay hầu hết các nghiên cứu về đa dạng sinh học trong vùng 3-Phan chủ yếu tập trung vào phần thuộc tỉnh Ninh Thuận, nhất là vùng đồng bằng khô hạn xung quanh Phan Rang. Tụng và ctv (1965) đã có báo cáo về thực vật ở đồng bằng Ninh Thuận. Họ Ruabiaceae cũng được khảo sát bởi Tirvengadum vào năm 1984 (Cảnh, 2006). Thảm thực vật xung quanh Phan Rang được nói đến trong các công trình của Schnell (1962), Schmid (1974) và Trừng (1978;1999). Dựa trên các nghiên cứu này, một số tác giả đã cho rằng trong một vùng ven biển bán khô hạn như các vùng đất thấp của tỉnh Ninh Thuận thì lượng mựa thấp và không đều đặn cùng với tầng đất mặt nông không hỗ trợ cho sự hình thành một thảm thực vật có tính đa dạng cao. Tương tự như Rundel (2000), Bình (1996) cho rằng thảm thực vật nguyên thủy có thể là rừng khô nhiệt đới ưu thế cây họ Dầu, rồi nhanh chóng chuyển thành kiểu thảm cây bụi có gai như hiện tại sau khi rừng bị phá. Hòe và ctv (1997) cho rằng kiểu cảnh quan khô hạn với các trảng cỏ, bụi cây nằm xen lẫn với những khối đá trơ trọi, cô đơn, những dạng thực vật cằn cõi của savan là có một không hai cho cả khu vực Đông Nam Á. Kế thừa các tài liệu đã có và bổ sung bằng khảo sát thực địa, FIPI (1997) đã có báo cáo về tính đa dạng sinh học thực vật ở các rừng phòng hộ đầu nguồn của tỉnh Ninh Thuận, đồng thời kiến nghị cần phải nghiên cứu tiếp. Thực vật của VQG Núi Chúa cũng được khảo sát bởi Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (IEBR) và FIPI vào năm 2002, bởi IEBR và WWF năm 2003 và nghiên cứu thêm bởi IEBR năm 2004 (xem Cảnh, 2006). Báo cáo gần đây của Cảnh (2006) cung cấp thông tin một cách hệ thống và tổng hợp nhất về tính đa dạng sinh học thực vật và động vật của VQG Núi Chúa, bổ sung cho báo cáo Luận chứng kinh tế kỹ thuật của FIPI (2003). Sinh thái của loài Chà vá chân đen được nghiên cứu bởi Đức (2003), Đức & Baxter (2006a; 2006b; 2006c; 2006d) và Đức & Sâm (2005). Các báo cáo trên đã đóng góp vào sự hiểu biết về tính đa dạng sinh học của vùng 3-Phan nói chung và VQG Núi Chúa nói riêng, góp phần tạo cơ sở cho các chương trình bảo tồn nâng cao tính hiệu quả, ví dụ như chương trình bảo tồn Rùa biển do WWF/Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Ninh Thuận/VQG Núi Chúa triển khai. Hiện tại, lâm sản ngoài gỗ đang được Viện sinh học nhiệt đới nghiên cứu phát triển. Cần lưu ý rằng bài viết này không nhằm mục tiêu lên danh sách các kết quả của các công trình/dự án nêu trên mà chỉ muốn nêu ra tầm quan trọng của chúng đối với sự hiểu biết của chúng ta về tính đa dạng sinh học của toàn bộ vùng 3-Phan.
Khoảng trống trong vùng 3-Phan: Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu

Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tà Kóu được thành lập vào năm 1996. Đây là một trong hai KBTTN của tỉnh Bình Thuận, cách Phan Thiết khoảng 20 km và cách Hà Nội khoảng 1800 km. Theo FIPI (1996), KBTTN Tà Kóu nằm trong tọa độ 10041’28” - 10053’01” vĩ độ Bắc và 107052’14” - 108001’34” kinh độ Đông. Khu bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) gồm có núi Tà Kóu cao 697 m và rộng 1.104 ha và một diện tích ven biển rộng 10.762 ha gồm chủ yếu đất cát ven biển. Vùng đệm 5.957 ha bao gồm các hệ sinh thái nhân tạo và đất bỏ hoang nằm trong 15 thôn thuộc thị trấn Hàm Minh và các xã Tân Thành, Tân Thuận, Thuận Quý, Hàm Cường và Tân Lập. Tổng dân số trong vùng đệm là 3.215 khẩu/636 hộ (số liệu 2006). Nguồn thu nhập chính là từ canh tác thanh long (dành cho xuất khẩu) và lúa mặc dù có thể hàng trăm gia đình phụ thuộc ít nhiều vào tài nguyên rừng. Trong vùng đệm còn có 200 hộ đồng bào Chăm, trong đó có 50 hộ được giao khoán bảo vệ rừng (rừng Dầu cát) vốn là nơi bị đồng bào Kinh khai thác gỗ và nhựa dầu (oleoresin). Người Chăm tại đây cũng có tiếng về nghề thuốc cổ truyền sự dụng cây thuốc khai thác từ rừng cây họ Dầu cũng như từ núi Tà Kóu.


Đất cát ven biển và khí hậu khô là đặc trưng cho vùng và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và do đó nhiều hộ vẫn còn phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Sự suy giảm rừng đã làm cho tình hình thêm khó khăn. Nhựa dầu từ cây Dầu cát đặc hữu cho Việt Nam (Dipterocarpus cf. condorensis Pierre) là một lâm sản đặc biệt sử dụng trong việc “xảm ghe” cho ngư dân ven biển. Các cánh rừng khác gồm thảm cây bụi và một diện tích rừng ngập mặn đã bị tác động mạnh bởi hoạt động con người (phát triển du lịch, nuôi tôm và canh tác nông nghiệp). Nhiều loài cây thuốc bị khai thác không kiểm soát được. Bên cạnh lửa rừng, sự suy giảm rừng cây họ Dầu và việc khai thác quá mức tài nguyên được người dân địa phương cho là nguyên nhân chính đe dọa các cánh rừng còn lại và nhất là nguồn tài nguyên cây thuốc.
Núi Tà Kóu, vốn được coi như là một “núi sót” của dãy Trường Sơn (FIPI, 1996), nằm ở phía tây bắc của KBT. Đây chính là rừng đầu nguồn cung cấp nguồn nước cho các con suối và giếng nước – là nguồn nước duy nhất cho sinh hoạt và các hoạt động canh tác thanh long và nông sản khác trong vùng đệm. Trong KBT và vùng đệm không có sông lớn. Điều này cho thấy việc bảo tồn thảm thực vật núi Tà Kóu và vùng xung quanh núi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự bền vững về sinh kế của người dân địa phương vì nó bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và canh tác.
Công tác bảo tồn hiện được giao cho toàn bộ nhân viên của KBT gồm 21 người, kể cả ban quản lý, trong đó chỉ có 11 người thuộc lực lượng bảo vệ rừng được giao nhiệm vụ tuần tra bảo vệ (tỉ lệ >1.000 ha rừng/kiểm lâm). Số lượng này, được bố trí trong 5 trạm kiểm lâm thiết lập xung quanh vùng lõi, được coi là khá mỏng để có thể bảo vệ KBT vốn chịu áp lực và đe dọa cao từ tác động của con người. Ngoài ra, một diện tích rừng 1.917 ha cũng được giao cho 50 hộ đồng bào Chăm bảo vệ theo chương trình 661. Ngân sách cấp cho KBT trong năm 2006 khoảng 965.985.000 đồng, hầu hết sử dụng cho việc trả lương. Cho đến nay, không có các đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và nâng cao năng lực. Cũng chưa có các dự án nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tính đa dạng sinh học và tài nguyên rừng và nhằm lôi kéo cộng đồng địa phương tham gia quản lý rừng. Kết quả là, như thường thấy ở các khu bảo vệ khác của nước ta, một cơ chế đồng quản lý rừng vẫn chưa được triển khai. Trong khi đó, các vụ vi phạm lâm luật vẫn diễn ra mặc dù khó có số liệu thống kê chính xác.
Không như VQG Núi Chúa với số lượng đáng kể các chương trình nghiên cứu, KBTTN Tà Kóu – dù nằm trong vùng cảnh quan nguy cấp ưu tiên bảo tồn SA7 – vẫn chưa được các tổ chức bảo tồn chú ý đến. Điều này phản ánh sự thiếu quan tâm đến KBTTN Tà Kóu của các cơ quan bảo tồn trong nước và quốc tế cũng như các đơn vị quản lý lâm nghiệp mặc dù đây là nơi mà tài nguyên bị suy giảm đe dọa dọa nghiêm trọng đến thảm thực vật và nhiều loài. Đối với công chúng, cái tên Tà Kóu được biết đến như một nơi có nguồn cây thuốc chất lượng cao và thường được biết là một địa điểm du lịch và hành hương do có một số ngôi chùa nằm trên núi Tà Kóu. Công ty du lịch tỉnh Bình Thuận đã thiết lập một hệ thống cáp treo từ năm 2003 – được biết vận chuyển mỗi năm hơn 200,000 du khách. Các du khách này cũng gây nên áp lực cho nguồn môi trường tự nhiên của núi Tà Kóu. Nhìn chung, tính đa dạng sinh học của KBT được các cơ quan chức năng đánh giá là thấp, ví dụ thông tin trên trang web (http://www.kiemlam.org.vn/BaotonTT/RungDD/RDD_MN.htm, ngày 11 tháng 1/2007).
Thực ra, tính đa dạng sinh học và các mối đe dọa ở KBTTN Tà Kóu chưa được đánh giá đầy đủ. Điều này rõ ràng góp phần làm cho nhiều phía (cộng đồng địa phương, kiểm lâm, chính quyền và các tổ chức bảo tồn) thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của KBT và do đó có ít đầu tư và hiệu quả của các hoạt động bảo vệ rừng còn thấp. Các cộng đồng địa phương chưa nhận thức được sự nguy cấp của các nguồn tài nguyên mà họ đang khai thác sử dụng và do đó không tích cực tham gia bảo vệ KBT; điều này cũng có thể là một vấn đề ngay cả đối với lực lượng bảo vệ rừng. Hệ quả là tính đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên (nước, cây thuốc, lâm sản khác và các loài nguy cấp) tiếp tục bị suy giảm trong khi vẫn được cộng đồng địa phương sử dụng.
Tuy nhiên, cũng cần đưa ra một số thông tin quan trọng dựa trên các nghiên cứu của Trung tâm đa dạng sinh học và phát triển (Center for Biodiversity and Development - CBD) thuộc Viện sinh học nhiệt đới mặc dù công cuộc khảo sát tính đa dạng sinh học tại KBTTN Tà Kóu vẫn đang tiếp tục. Theo đó, vùng lõi có thể được chia thành hai khu vực có thảm thực vật chính:

  • Núi Tà Kóu: gồm ba kiểu rừng (rừng nhiệt đới thường xanh núi thấp,rừng nhiệt đới bán rụng lá núi thấp và rừng nhiệt đới lá rộng rụng lá mùa khô). Đây là nơi cung cấp một lượng lớn cây thuốc chất lượng cao nổi tiếng ở miền Nam. Kiểu rừng đầu tiên gồm các loài cây thường xanh chiếm ưu thế mà chủ yếu thuộc các họ Fagaceae và Lauraceae. Kiểu rừng kế tiếp ưu thế bởi các loài cây rụng lá và thường xanh mà loài đáng chú ý nhất là Lagerstroemia calyculata. Các loài thường xanh quan trọng là Linociera sangda, Syzygium oblatum, Syzygium petelotii. Kiểu rừng thứ ba gồm chủ yếu các loài cây rụng lá Lannea coromandelina, Erythrina variegata, Bombax ceiba, Markhamia stipulata var. pierrei. Các đặc điểm chính của ba kiểu rừng này đã được báo trong bởi Trường (2000; 2001) và Sâm & Trường (2007).

  • Khu vực đất bằng ven biển rộng 10,762 ha trong đó quan trọng là các cánh rừng ưu thế cây họ Dầu được coi là tiêu biểu cho vùng đất cát ven biển của nam Trung bộ. Các hệ sinh thái này là sinh cảnh của nhiều loài bị đe dọa và đặc hữu cần được bảo vệ hiệu quả vì chúng không chỉ có tính độc đáo mà còn là nguồn cây bản địa có thể sử dụng trong các chương trình trồng rừng và phục hồi rừng cho vùng ven biển trong khu vực vốn hiện bị hoang hóa sau phá rừng.

Trong KBT không có sông lớn. Trong mùa khô, các dòng suối nhỏ trong vùng đệm bị cạn nước và do đó các con suối bắt nguồn từ núi Tà Kóu và các giếng sâu đóng vai trò quan trọng như nguồn nước duy nhất phục vụ sinh hoạt, tưới thanh long và các cây trồng khác.


Hệ thực vật và hệ động vật của toàn bộ KBTTN Tà Kóu chưa được nghiên cứu đầy đủ mặc dù đã có một khảo sát ban đầu về khu hệ chim của CBD (Phong, 2000). Nghiên cứu này đã ghi nhận 94 loài chim thuộc 38 họ của 15 bộ. Nghiên cứu này cũng ghi nhận một số hoạt động săn bắt chim và động vật khác của người dân địa phương và người từ các tỉnh khác đến.
Các khảo sát trước đây của CBD chủ yếu tập trung vào hệ thực vật của núi Tà Kóu. Hệ thực vật của núi ước khoảng 1.000 loài thực vật có mạch trong đó đã ghi nhận hơn ¼ có thể sử dụng làm dược liệu. Một số các loài cây hữu ích đã được mô tả bởi Trường và ctv (2007). Các khảo sát gần đây nhất trên núi Tà Kóu cho thấy số lượng người thu hái thuốc đã giảm đi nhiều do trữ lượng cây thuốc bị suy giảm.
Mặc dù khu hệ động vật của KBT và thảm thực vật của khu vực ven biển KBT đang được khảo sát bởi CBD trong một dự án được NC-IUCN tài trợ (dự án VN CBD 600174), một số loài quí hiếm và nguy cấp dã được ghi nhận. Các loài động vật quí hiếm và nguy cấp được ghi nhận là đang tồn tại trong KBT nhưng tình trạng của chúng cần được nghiên cứu, bao gồm:

STT

Tên khoa học

Tên tiếng Việt

Tình trạng nguy cấp theo IUCN RedList (2007)

1

Lophura diardi

Gà lôi

NR

2

Pavo muticus

Công

VU (2001)

3

Polyplectron Germaini

Gà tiền mặt đỏ

NT

4

Treron seimundi modestus

Cu xanh Seimun

LC

5

Rheinartia ocellata ocellata

Trĩ sao

NT

6

Arborophila brunneopectus

Gà so

LC

7

Nycticebus pygmaeus

Cu li nhỏ

VU

8

Trachypithecus margarita

Voọc bạc Trường Sơn

DD

9

Pygathrix nigripes

Chà vá chân đen

EN

10

Macaca arctoides

Khỉ mặt đỏ

VU

Ít nhất có 15 loài thực vật nguy cấp ghi nhận ở KBTTN Tà Kóu:



STT

Tên khoa học




Tình trạng nguy cấp theo IUCN RedList (2007)

1

Afzelia xylocarpa

Gõ đỏ

EN

2

Alstonia scholaris

Hoa sữa

LR

3

Anisoptera costata

Vên vên

EN

4

Cratoxylum formosum

Thành ngạnh đẹp

LR

5

Dialium cochinchinensis

Xây

LR

6

Dipterocarpus alatus

Dầu rái

EN

7

D. intricatus

Dầu lông

LR

8

D. tuberculatus

Dầu loang

LR

9

Hopea cordata

Sao lá hình tim

CR

10

H. ferrea

Săng đào

EN

11

Irvingia malayana

Cầy

LR

12

Knema poilanei

Máu chó lá to

VU

13

Shorea roxburghii

Sến mủ

EN

14

Tetrameles nudiflora

Tung

LR

15

Zollingeria dongnaiensis

Giao linh

DD

Gần đây, Trí & Bauer (2008) mô tả mới loài thằn lằn đá Cyrtodactylus takouensis sp. nov. - được coi là đặc hữu cho phía Nam Việt Nam và mới chỉ tìm thấy ở núi Tà Kóu.


Mặc dù có thể sẽ có thêm nhiều loài nguy cấp được ghi nhận trong dự án do NC-IUCN tài trợ tại KBTTN Tà Kóu, những loài và các hệ sinh thái rừng nêu trên chính là những chỉ thị cho thấy tính đa dạng sinh học cao tại vùng 3-Phan nói chung, và do đó tái khẳng định tầm quan trọng của các vùng cảnh quan nguy cấp ưu tiên bảo tồn SA4 & SA7. Tầm quan trọng của KBTTN Tà Kóu và vùng 3-Phan trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia nên được xem xét đúng mức hơn. Điều này đòi hỏi cần phải có nhiều quan tâm và đầu tư hơn cho KBTTN Tà Kóu cũng như vùng 3-Phan. Trong đó, một cơ sở dữ liệu tin cậy về đa dạng sinh học và các nhu cầu của người dân sẽ rất hữu ích để có thể tích hợp hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội địa phương nhằm bảo đảm một sự phát triển bền vững trong toàn vùng. Điều này xem ra rất cấp thiết bởi vì đã có các báo cáo về tác động của sự biến đổi khí hậu đến vùng 3-Phan (Oxfam & Kyoto University 2007) và đến KBTTN Tà Kóu (Pilgrim 2007) và cũng bởi vì sự phát triển kinh tế mạnh mẽ đang tạo ra những áp lực ghê gớm lên tính đa dạng sinh học ở vùng 3-Phan.
Tài liệu tham khảo

Bình, N. N., 1996. Đất rừng Việt Nam. Nxb Nông nghiệp. Hà Nội.

Cảnh, Đ., 2006. Điều tra nghiên cứu tổng hợp tài nguyên sinh vật và hệ sinh thái bán khô hạn Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận. Báo cáo tổng kết đề tài.

Đức, H.M. & G. S. Baxter, 2006a. Distribution Patterns of the Black-Shanked Douc Langur in Nui Chua National Park and Phuoc Binh NR, Vietnam. International Journal of Primatology. 27 Supp. 1: Abstract # 549.

Đức, H.M. & G. S. Baxter, 2006b. Feeding Ecology of the Black-shanked Douc Langur in Nui Chua National Park and Phuoc Binh NR, Vietnam. International Journal of Primatology. 27 Supp. 1: Abstract # 231.

Đức, H.M. & G. S. Baxter, 2006c. The Present Status of the Black-Shanked Doucs (Pygathryx nigripes) in Nui Chua and Phuoc Binh National Parks, Ninh Thuan Province, Vietnam. Scientific report to Conservation International.

Đức, H.M. & G. S. Baxter, 2006d. Habitat Preferences and Feeding Ecology of the Black-Shanked Doucs (Pygathryx nigripes) in Nui Chua and Phuoc Binh National Parks, Ninh Thuan Province, Vietnam. Scientific report to Primate Conservation Inc.

Đức, H.M., 2003. Preliminary study on the present status and the diet of the black-shanked douc langur (Pygathryx nigripes) in Nui Chua NR, Ninh Thuan province, Vietnam. Scientific report to Primate Conservation Inc.

Đức, M.H. & L.N. Sâm, 2005. Distribution of the black-shanked douc langur in Nui Chua National Park, Ninh Thuan province, Vietnam. Australasian Primatology, 17, 11-19.

FIPI, 1996. Luận chứng kinh tế kỹ thuật Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu.

FIPI, 1997. Báo cáo điều tra các đặc trưng về đa dạng sinh học rừng phòng hộ đầu nguồn Ninh Thuận.

FIPI, 2003. Luận chứng kinh tế kỹ thuật Vườn quốc gia Núi Chúa.

Long, V.N., D. Đ. Phong, H. M. Đức, L.H. Trường, L.B. Thạch, 2001. Biodiversity of and social impacts to Nui Chua Nature Reserve. Scientific report to ITB and NAGAO Natural Environmental Foundation, Japan. 54 pages.

Oxfam in Vietnam & Kyoto University, 2007. Drought-Management Considerations for Climate- Change Adaptation: Focus on the Mekong Region. Report.

Phong, Đ.D., 2000. Khu hệ chim Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đông Nam bộ lần thứ 6. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Trang 172-173. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Pilgrim, J., 2007. Effects of Sea Level Rise on Critical Natural Habitats in Vietnam. Paper presented at the International Symposium on Biodiversity and Climate Change – Links with Poverty and Sustainable Development. Hanoi, 22-23 May 2007.

Rundel, P.W., 2000. Executive summary – forest habitats and floristics. In WWF: Briefing book for the ecoregion-based conservation in the forest of the lower Mekong – Biological assessment workshop. Phnom Penh, Cambodia, March 21-24, 2000.

Schmid, M., 1974. Végétation du Viet-nam + le massif Sud-annamitique et les régions limitrophes. Orstom. Paris.

Trí, N.V. & A. M. Bauer, 2008. Descriptions of two new species of Cyrtodactylus Gray 1827 (Squamata : Gekkonidae) endemic to southern Vietnam. Zootaxa 1715: 27–42.

Trừng, T.V., 1978. Thảm thực vật rừng Việt Nam trên quan điểm hệ sinh thái. Nxb Khoa học Kỹ thuật. Hà Nội.

Trừng, T.V., 1999. Các hệ sinh thái rừng Việt Nam. Nxb Khoa học Kỹ thuật. Hà Nội.

Trường, L.H., 2000. Kết quả điều tra hệ thực vật núi Tà Kóu, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, tỉnh Bình Thuận. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đông Nam bộ lần thứ 6. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Trang 169-171. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Trường, L.H., 2001. Phân bố các quần hệ thực vật trên núi Tà Kóu, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, tỉnh Bình Thuận. Tuyển tập các công trình nghiên cứu của Viện sinh học nhiệt đới. Nxb Nông nghiệp. 2001.

Trường, L.H., L.N. Sâm, N. V. Hiển, 2007. Thực vật hữu ích chọn lọc từ núi Tà Kóu, KBTTN Tà Kóu (Some useful plants on Mt. Ta Kou, Ta Kou Nature Reserve). Song ngữ Việt-Anh. 52 pages. Nxb Tổng hợp TPHCM.



Tụng, T.C., N.V. Vân, L.V. Hội, L.V. Hợi, 1964. Góp phần vào sự nghiên cứu thảo mộc thiên nhiên vùng đồng bằng Ninh Thuận. Bộ cải cách điền địa, VNCH. Sài Gòn.

Vân, N.K., N.T. Hiền, P. K. Lộc, N. T. Hiệp, 2000. Các biểu đồ sinh khí hậu Việt Nam. Đại học quốc gia Hà Nội. Song ngữ Việt Anh.
Каталог: data -> news -> 2012
2012 -> Chỉ thị số 09-ct/TW, ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới
2012 -> BỘ TÀi chính cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
2012 -> Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-cp ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
2012 -> ĐOÀn tncs hồ chí minh bch tp. HỒ chí minh
2012 -> THÔng báo số 2 V/v nhắc nhở cơ sở Đoàn tham gia Hội thi thực hiện đoạn phim giới thiệu sản phẩm, công trình “Tuổi trẻ làm theo lời Bác” năm 2012
2012 -> BÁo cáo v/v đánh giá thực hiện thông tư 23
2012 -> THỜi khóa biểU Áp dụng từ ngàY 24-9-2012
2012 -> THỜi khóa biểU Áp dụng từ ngàY 24-9-2012
2012 -> THỜi khóa biểU Áp dụng từ ngàY 24-9-2012
2012 -> Quy định số 47-QĐ/tw ngày 01/11/2011 của bch tw về Những điều đảng viên không được làm

tải về 91.86 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương