Khánh Phương Thơ đương đại thế giới và Việt Nam



tải về 178.11 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu20.05.2018
Kích178.11 Kb.
#38836

Khánh Phương Thơ đương đại thế giới và Việt Nam


29.04.2008 | Thể loại: Tham Luận | Tác giả: bbt | 5 bình luận

Khánh Phương

Thơ đương đại thế giới và Việt Nam - Từ "ngoại vi" trở thành "trung tâm" *)

 

Biến chuyển quan trọng nhất trong hoạt động sáng tạo thơ ca và nghệ thuật từ nửa sau thế kỷ 20 tới nay, chính là sự thay đổi trong tư duy sáng tạo. Nếu như các tác phẩm trước kia, là phương tiện (được hiểu là ngôn ngữ và các hình thức biểu đạt đặc thù khác được sử dụng), để diễn tả tư duy, cảm xúc của nhà văn, nghệ sĩ về thế giới và con người, thì các tác phẩm của lối sáng tác đương đại chính là sự phát lộ trực tiếp quá trình tư duy, cảm xúc của người làm ra nó, khiến cho bạn đọc có thể theo dõi và cùng tham dự vào cấu trúc tư duy (tác phẩm) đó. Ngôn ngữ và "các phương tiện biểu hiện" khác được nhìn nhận trong những năng lực tự thân và những dạng thức biến hoá của chính nó. Đây là điểm quy tụ của những vấn đề chi phối tính chất và khuynh hướng của công việc sáng tạo hiện nay: "ngoại vi" và "trung tâm", "ổn định" và "thể nghiệm", "đa tạp" và "đơn nhất", vấn đề "trò chơi" hay các dạng thức bất thường của nghệ thuật và thơ ca… Bước chuyển biến này còn được gọi là độ không của lối viết, hay "sự phá bỏ các hình thức biểu hiện".



*

Kể từ khi triết học của Friedrich Nietzsche (1844-1900) khám phá, thế giới chỉ có thể được cảm nhận bằng năng lực chủ quan của cá nhân, không có hình mẫu về hiện thực duy nhất - đúng cho tất cả mọi người, những giá trị của thời hiện đại, hậu-hiện đại đã được khơi nguồn: Nhân đạo, Khai minh và Khai phóng.

Thế giới tự nhiên và đời sống, từ xa xưa, vốn là hỗn mang trong cái nhìn của con người, và kể từ sau nền văn minh Athene, để duy trì một xã hội thống nhất, có tổ chức, con người buộc phải nhìn nhận thực tại như một thể thống nhất của tâm trí. Nghĩa là chỉ có một cách nhìn, một Ý niệm đơn nhất, ổn định và trung tâm, từ bản thân con người phóng chiếu ra sự vật chung quanh; đồng thời các sự vật cũng chỉ "được phép" hiện lên như một khả thể được cảm nhận qua lối cảm nhận-duy nhất đó. Cái nhìn sơ khai này kéo dài từ thời trung đại cho tới hết thời kỳ cận đại ("cận đại" được hiểu từ thế kỷ 16 đến hết thế kỷ 19) với triết học duy lý và phép biện chứng-tinh thần của Dercartes và Hegel, bất kể những giá trị rực rỡ của nghệ thuật Phục Hưng và hệ thống giá trị tư sản phương Tây qua thế kỷ Ánh sáng.

Chỉ đến nửa đầu thế kỷ 20, khi những phát minh khoa học quan trọng và chấn động nhất được khơi nguồn và thực nghiệm, đem đến cho con người một thế giới… vỡ nát của bom neutron, khi thuyết tương đối của Albert Enstein mở ra chiều kích vô biên của vũ trụ và thời gian, con người mới thực sự đứng trước nhu cầu khẩn thiết, tự thân, nhu cầu hồ nghi tính khả thể duy nhất của sự vật được cảm nhận (nghĩa là sự vật " có quyền" hiện lên trong nhiều khả thể khác nhau) đồng thời hồ nghi chính hệ thống tư duy của mình. Mối hồ nghi lớn này đã sản sinh ra tâm thức và thực tại- được- cảm- nhận của toàn bộ thế kỷ hai mươi trở đi, trong nghệ thuật, thơ ca và triết học: tâm thức hiện sinh, tâm thức hậu- hiện đại, tâm thức "hiện thực huyền ảo"…



Jean Francois Lyotard (1924-1998), nhà tư tưởng thiên tài đã đề xuất sự hợp thức hoá các tri thức khoa học và xã hội bằng hình thức nghịch luận (para-logie), hàm ý chỉ có thể tiệm cận (-para) chân lý chứ không thể khẳng định, bản chất của sự vật chỉ có thể tìm hiểu và gần… đạt tới bằng những lập luận phản tư; đồng thời hướng tới một lối truyền thông dân chủ, công bằng, với vô vàn khả thể của ngôn ngữ và các hình thái biểu hiện (cái tiểu tự sự). Lyotard và những người cùng khuynh hướng với ông đã khiến cho triết học hậu-hiện đại (post-moderne) trở nên đáp ứng được yêu cầu tức thời của "mối hồ nghi lớn" trong tâm thức đương đại và trở thành sự kích hoạt khai phóng nguồn năng lượng sáng tạo vô bờ bến của nghệ thuật và thi ca đương đại. Hậu hiện đại đã cho cái "ngoại vi", "nghịch luận", "dị biệt" ( so với cái "trung tâm" là ý niệm đơn nhất và trật tự biện chứng) trở thành trung tâm của chính nó.

Cũng phải nói thêm rằng trong suốt chặng đường nghệ thuật-thi ca và tư tưởng, "chủ nghĩa hiện thực huyền ảo" của dòng sáng tác dân gian (folklore) hay truyền kỳ, chính là sự hồ nghi dai dẳng mà mạnh mẽ đối với cái thực tại- chính thống, "như một thể thống nhất của tâm trí".



*

Khi nghệ sĩ vĩ đại Marcel Duchamp (1887-1968) trình làng những tác phẩm đầy "báng bổ" vào năm 1917 (Fountain: chiếc bồn tiểu nam cao 60cm) và năm 1919, bánh trước xe đạp lắp trong càng xe lật ngược đặt trên chiếc ghế, ông đã công khai quan niệm dân chủ, từ chối sự biểu đạt tư duy và cảm xúc một chiều, bất biến (bút sa gà chết khi đã ra thành phẩm) bằng cây cọ, giá vẽ, để cho các thực thể thị giác lên tiếng, mà cảm nghiệm của con người đã gán cho chúng một ý nghĩa khác, ví như sự lựa chọn, ngạc nhiên hay nghi ngờ… về tồn tại của chúng, như những thực thể quen thuộc được lạ hoá. Thế giới được hình dung lại xem có đúng nó vốn như người ta hình dung và thành kiến từ trước tới nay, điều này hàm ý nhấn mạnh, con người đã "thổi" có khi là ý niệm chủ quan và cá nhân, hoặc trước đó, "cái tuyệt đối" để đặt nền móng cho "thế giới", cho "nghệ thuật", "luân lý", "tồn tại" của mình ra sao; tất nhiên, những điều này đã không còn là bất biến. Tác phẩm nghệ thuật không phải là cái gì duy nhất, trong dạng thức hoàn thành không thể thay đổi để truyền sứ điệp, mà là cái được người sáng tác xem là nghệ thuật - dù nó có kỳ quặc hay ảo tưởng tới mức nào đi nữa. Khuynh hướng Ý niệm (conceptual) này không thoả mãn một người khai sáng vĩ đại khác, Joseph Beuys (1921-1986)- một bậc thầy của sự khiêu khích, ông nhấn mạnh thụ cảm nghệ thuật là hành động, coi ý nghĩa của nghệ thuật chính là bất cứ hành động mạnh mẽ nổi bật nào của đời sống, ví như xây một toà nhà… nhìn nó trong diễn tiến thay đổi chuyển hoá không ngừng; Nỗ lực lớn lao nhất của Joseph Beuys là đồng nhất nghệ thuật với chính cuộc sống. Đây không phải sự "thực/ ích dụng hoá" nghệ thuật, mà là ý tưởng cực đoan, tối đa hoá sự quan tâm và tri thức của con người, cũng như đem cho các "ý niệm" một định hướng, hướng tới những gì có thể chứng giải, chứng nghiệm của hiện tại. Một đằng là trò chơi trí tuệ, một đằng, kiếm tìm góc độ trí tuệ cho mọi biểu hiện đời sống, hai vị chủ soái của phong trào avant-garde art đã khơi lên cuộc đua tranh hứng thú và sôi nổi nhất, đa tạp và biến hoá nhất suốt thế kỷ 20 cho đến thời điểm hiện tại, của sáng tạo nghệ thuật khai phóng con người và thế giới, trên tinh thần đương đại.

 

Việt Nam biết đến và làm quen với trào lưu nghệ thuật tiền phong khá muộn, vào những năm 90 thế kỷ trước. Nhưng dự báo cho tư tưởng dân chủ hoá và đa bội của thời kỳ "hậu hiện đại" lại được thể hiện từ rất sớm. Hình tượng Quán thế âm Nghìn mắt nghìn tay, thế kỷ 17, chùa Bút Tháp - tác phẩm điêu khắc tôn giáo với bố cục đậm tính siêu hình, diễn tả truyền thuyết Phật lo nghĩ về nhân sinh tới mức đầu… nổ tung thành nhiều chiếc đầu nhỏ, đức Adiđà phải dùng phép thuật vô biên để ghép các "mảnh" đầu lại, nghìn mắt nghìn tay (con số ước lệ) để cứu độ những nỗi khổ muôn hình vạn trạng của chúng sinh… Xét về mặt ý nghĩa, hình tượng Quán thế âm Nghìn mắt nghìn tay chính là biểu tượng hình hoạ đầu tiên của tinh thần dân chủ và khai phóng từ một triết học tôn giáo.



Coi tác phẩm như một sự phát lộ trực tiếp tư duy và cảm xúc của nghệ sĩ hoặc nhà thơ, nghệ thuật thị giác cũng như thơ ca đã choán đầy và đồng thời tích hợp mọi biểu hiện đa tạp của đời sống, điều mà không có thể loại sáng tác nào trước đây từng đạt được - anh hùng ca, bi kịch, thơ lãng mạn hay tiểu thuyết… - vì tính chất tự nhận thức một cách đơn lập của chúng. Nếu như nghệ thuật thị giác có thể mượn những phương cách và chất liệu trực tiếp của đời sống, thì thơ không thể như vậy. Thứ ngôn ngữ trừu tượng hoá của thơ đứng trước thách thức phải thiết lập một thế giới khác, hay thế- giới- theo- quan- niệm- khác so với trước đây, đồng thời với một "kênh truyền thông" mới đáp ứng được yêu cầu này. Kênh truyền thông chứ không phải hình thức biểu hiện.

"Trò chơi" từ trước vốn được hiểu là những gì không mang mục đích và lợi ích thực dụng, nằm sẵn trong bản năng con người, và chỉ có tác dụng thoả mãn thị hiếu thẩm mỹ hay khoái thú ngũ quan nhất định. Tính không mục đích hay "mục đích tự thân" của thơ ca nghệ thuật, cũng như của cái Đẹp, như Immanuel Kant (1724-1804) phát hiện, chính là phẩm tính "trò chơi" sẵn có trong việc sáng tác. Nhưng những hình thái trò chơi này chưa bao giờ đạt được dạng hoàn toàn của nó cũng như được phát triển một cách độc lập, vì luôn bị kìm hãm bởi chức năng "tự nhận thức" và điều chỉnh của ý niệm duy nhất, trước thời kỳ hiện đại. Nếu hiểu trò chơi là sự phá vỡ các nguyên lý có sẵn, hợp lệ và tất định (của ý niệm có trước), tựa như một đứa trẻ nghịch ngợm làm hỏng các đồ dùng có nguyên lý và chức năng trong nhà, để thoả mãn trí tò mò, thì chính sự phá phách "bung ra" đó đã trở thành phương tiện hữu hiệu nhất để nới rộng biên độ và phạm vi chứng nghiệm, truyền thông, tác động của nghệ thuật, thơ ca tới vô cùng. Nó luôn là những thể nghiệm, nhưng không phải vu vơ. Phương thức "trò chơi" trong tính bộc phát, trực tiếp và ngẫu nhiên của nó, khả dĩ đại diện cho lối sáng tác đương đại, nó được tiếp biến và đồng nhất với chính những cố gắng "nghiêm túc", "chính thức" để đa bội hoá khả năng "tự nhận thức" như tính năng chủ yếu của sáng tạo. Cũng như đứa trẻ, trong trò chơi phá phách và làm trái nguyên lý của mình, có sự giác ngộ về bản chất sự vật mà nó tác động tới để từ đó tìm ra quy tắc mới.

Có thể xem sự xuất hiện của "thơ-văn xuôi", một hiện tượng nổi bật trong sự phá vỡ các hình thức biểu hiện của thơ ca thế kỷ 20, là một dẫn chứng thú vị của thi pháp trò chơi. Mượn hình thức của lời nói thường, tính bộc trực, ngẫu hứng của mạch tư duy và cảm xúc đời thường, sự lan man và thiếu tập trung của nó cũng như tính tích hợp nhiều cấp độ miêu tả, trần thuật - nói tóm lại - là tính tự do và biến hoá vô hạn định của lời nói thường, được kích hoạt trong dụng ý cao nhất, để phát lộ trực tiếp dòng cảm nghiệm của người sáng tạo, đạt hiệu quả nhất. Mục đích tìm tòi của người viết ở đây hoàn toàn được bộc lộ nhờ dạng thức ngẫu nhiên bộc phát của lời nói thường.

 

Đi vào những hiện tượng cụ thể của thơ ca thế giới và Việt Nam, ta có được một chân dung vô cùng đa dạng của tinh thần đương đại và thi pháp trò chơi.



Khu vực năng động nhất của thơ thế giới chính là thơ Mỹ, và vùng ảnh hưởng của nó.

Thể hiện tập trung tinh thần của thơ đương đại là dòng thơ Dự phóng và Ngôn ngữ (Projective Verse and Language Poetry), và trường thơ NewYork (NewYork school). Xu hướng dịch chuyển, đồng hiện các hình ảnh, cảm giác - mà chủ yếu là cái siêu nghiệm (Xem I. Kant) - quy kết các suy luận… với những khái niệm trừu tượng có tính chất cao siêu, và quá trình ngược lại, như một thao tác phổ biến, khiến cho thơ Mỹ có nét rất dễ nhận của sự duy lý và cảm thức về cái rời rạc, nhiều mặt cắt của sự không nhất thể, sự đối chọi giữa con người và thế giới, cũng là đối chọi trong chính con người. Việc chối từ cách liên tưởng của thơ truyền thống để lại vệt đứt gãy trong mạch hình ảnh và cảm giác, khiến người đọc phải thức tỉnh về những phán đoán trực tiếp và khoảng trống suy lý, hơn là chờ đợi sự khái hoạt nhiều tầng lớp của cảm xúc. Tính duy lý trở nên toàn vẹn trong trường thơ ngôn ngữ, khi mỗi bài thơ là một cấu trúc của trí tuệ (sự theo đuổi đến cùng một lối nghĩ) và âm thanh; chứ hoàn toàn không mang yếu tố tâm hồn. Nhưng, cho dù là một cấu trúc tư duy trực tiếp hay một cấu trúc ngôn ngữ tự-thân (lối sáng tác của trường New York), thì bài thơ vẫn là một tồn tại mở, với rất nhiều khả thể của sự dịch chuyển tâm thức hay hình ảnh, cảm giác và trong trường hợp này nó tương đương với một tác phẩm nghệ thuật ý niệm (conceptual art).

Người đọc Việt trong nước hiện tại có thể cảm thấy lúng túng trước sự đồng nhất cái hoàn toàn huyễn tượng của tâm trí với cái thực thể hiển nhiên trong cùng một dòng quan sát và bình diện tồn tại, trong thơ của Robert Creeley  (1926), một thủ lĩnh kiệt xuất của trường thơ dự phóng:

Thằng bé hư/  Khi nó mang về nhà một con cá voi/ bà cười bảo đâu phải là cá thật/ Còn nếu nó trúng số độc đắc/ bà sẽ hỏi đêm qua mày ở đâu?/  Bây giờ mày ở đâu, còn chuyện gì nữa?/  Chẳng lẽ lúc nào tao cũng/ phải( bà nói) để mắt đến/ mày? Bà bảo,/ tao sẽ bắn bỏ mày/ nếu tao thấy như thế có thể tốt hơn cho mày/ thằng khùng, mày. Rồi bà vỗ vỗ mái tóc mình/ vào đúng nếp, và đợi/ Chú Jim dọn ra những lát cá voi nướng già, toàn mỡ/ những lát cá voi hoàn toàn giả tưởng



(Hoàng Hưng dịch)

Không có "thông điệp" thông thường nào, chỉ có sự bất ngờ lý thú khi cái logic thực thể đột nhiên chấp nhận và hoàn toàn chịu lùi bước trước cái huyễn tưởng đã thướng đoạt hoàn toàn dạng thức tồn tại của nó. Cái huyễn tưởng vượt lên cái "thực" bằng logic của chính cái thực.

Nhà thơ Mỹ gần gũi với cảm thức của người Việt hơn cả có lẽ là Allen Ginsberg  (1926-1997). Lướt qua những hình ảnh thực thể đầy ngẫu nhiên và xáo trộn trong một thế quân bình phóng túng của cả tưởng tượng, liên tưởng, gán ghép… ông bộc lộ dòng xúc cảm, rõ rệt nhất là nỗi đau buồn, tâm trạng bi tráng và tình yêu, những tình cảm "nguyên thuỷ" trong dạng thái trực tiếp. Sự cuồng phóng trong dòng liên tưởng mô phỏng cái thông tục:

Hồ lơ lại bầu trời sông Rhin, tẩy trắng những đám Mây cho tuyết lại trắng như tuyết/ nạo vét các con sông Hudson, Thames và Nectar, tháo hết cặn bẩn khỏi hồ Erie/ Sau đó tôi sẽ ném châu Á to bự vào một thùng chứa để rửa sạch máu cùng chất Da cam,/ Trút cả đống lộn xộn Nga - Tàu vào máy vắt,/ vắt kiệt thứ nước tẩy ba láp của nhà nước cảnh sát Trung Mỹ con đẻ của Hoa kỳ/ Và bỏ hành tinh vào máy sấy để trong 20 phút hoặc khoảng Thời gian Vô tận cho đến khi nó trở nên sạch sẽ.



(Hoàng Hưng dịch)

Một giọng hiện đại mà sâu lắng, siêu hình của thơ Mỹ, Louise Gluck (1943). Mời đọc bài Tháng Ba ở Phụ lục 1)

Bài thơ Tháng Ba đậm chất văn xuôi nhưng không rườm rà phức hợp, chỉ bao gồm một vài miêu tả, kể lại một vài hành động, dẫn đôi lời thoại gián tiếp, tất cả đều giản lược nhưng tỉ mỉ, sắc nét đầy chủ ý, mô thức sự biến hoá, ẩn hiện của các hình ảnh thực thể lặp đi lặp lại như nỗi ám ảnh, nhịp điệu và dòng chảy thơ lan toả chậm rãi liên hoàn; là sự phơi bày công nhiên chứng nghiệm sắc- không về tồn tại cũng như diễn tiến âm thầm, vi tế, độc địa mà sự chảy trôi siết dần quanh tâm trí con người.

Thơ ca Nga thế kỷ 20 cũng là thể hiện của một vùng tri thức gây ảnh hưởng lớn đối với thế giới, nhờ sự nối tiếp của tên tuổi thiên tài B. L. Pasternak (1890-1962) và I.A. Brodsky (1940-1996).

Xét trên góc độ tác phẩm- conceptual thì tiểu thuyết Doctor Zhivago của B. Pasternak chính là một bài thơ. ("Tiểu thuyết"- novel, novella, kể từ Gustav Flaubert thế kỷ 19, đã không còn là "câu chuyện" để trình bày một quan niệm duy nhất về đời sống, mà thực sự trở lại là những chuyện lan man, "kể" trên nhiều cấp độ, diễn đạt cái không phải suy đoán liền mạch, bất tri).

Mặc dù vẫn mượn một hình ảnh đời sống cụ thể nhất định, nhưng Doctor Zhivago là sự buông thả tuyệt vời của cái ngẫu nhiên, những cảm nghiệm cá nhân chủ quan, cảm tính làm biến dạng, biến đổi hoàn toàn thế giới chung quanh, tất cả cùng cuốn theo một dòng tráng lệ và vô biên của tồn tại và tri giác, không cần tới "luân lý", sự áp đặt lý tính cơ giới hay định chế tư tưởng nào. "Chất thơ", cho đến Doctor Zhivago, không chỉ là cái đẹp của thiên nhiên, sự trầm tư hay bi tráng, mà là sự dịch chuyển tới vô cùng của cảm xúc và tính bất định của mọi hiện tồn.

Thật khó khăn khi phải xếp một phong cách lớn nhuần nhị và biến hoá như I. A. Brodsky vào vùng ảnh hưởng của một lối tư duy hay quan điểm triết học nào. Hiếm có nhà thơ nào khai triển được vô vàn những kích cỡ khác nhau của cái bất an, dị thường, biến hoá trong cái trầm tư, mơ mộng và tinh khôi trong suốt không dụng ý được miêu tả như dạng tồn tại nguyên khởi của mọi hình thức hiện thực, như I. A. Brodsky. Chất phản tư, khi thì bộc lộ trong sự lật tẩy sắc bén, trực diện.



Một cái máy xúc khổng lồ đâm sầm vào nhà thờ,



một cục sắt tròn tung nhẹ phát ra, và thế là tức khắc

những bức tường lặng lẽ đổ xuống.

Không đổ xuống mới là chuyện lạ

với một bức tường trước một đối thủ như thế.

Hơn nữa, cái máy xúc có thể cho rằng

tường là một vật đã chết và không hồn và như thế,

ở mức nào đó, cũng như chính mình. Và trong

thế giới của những vật chết và vô hồn

sự kháng cự được xem là một hình thức xấu…

 

Khi là một cảm giác về bản thể được lật đi lật lại trong những chiều kích hiện sinh khác nhau…



(Mời đọc bài “Ta đây như Ulysse” ở Phụ lục 2)

Dòng cảm xúc trong thơ I. A. Brodsky không bị giấu kín hay kìm nén mà buông lỏng tự nhiên, nó luôn bộc lộ một trạng thái viên mãn, dù chỉ được gợi lên từ những kích thích rất nhỏ, tựa như những sự cố không đáng kể của thế giới thực thể. Cảm thức khá nhất quán trong thơ I.A. Brodsky là sự hướng tới cái huyền diệu và siêu hình, hyền diệu như một dạng tồn tại khác của bản ngã và cái thách thức bản ngã. Mỗi hình ảnh trong thơ ông là một sự phá bỏ cái định ước thông thường, hiện lên như một ý tưởng độc lập, sống động đầy mới mẻ về thế giới… Liên tưởng, đối với I. A. Brodsky không phải để hướng tới cái tương đồng mà hướng tới cái đột biến và bùng nổ….

.

Ta sinh ra, ta lớn lên trong những đầm lầy vùng Ban tích, gần

những ngọn sóng xám bạc lúc nào vỗ vào bờ cũng đi cặp đôi,

vì thế mọi vần thơ, vì thế tiếng nói âm ỉ kia

rì rào cuộn vào nhau như sợi tóc còn ướt đẫm,

nếu như quả nó có rì rào. Và, dựa chắc trên cùi chõ,

xoăn tai nghe không phải tiếng sóng dội,

mà là những tiếng đập của vải, của cánh cửa, của bàn tay, của nước

sôi trên bếp lò, nhiều hơn cả, là tiếng thét của chim mòng biển.

Và trong khoảng mênh mông kia, đó chính là cái giúp cho tim khỏi

phải nhìn ra sai lạc – chẳng có nơi nào trú thân, xa tít ngút ngàn.

Chỉ với âm thanh khoảng không mới là vật cản,

con mắt thì chẳng bao giờ than thiếu vắng một tiếng dội cho mình…

(Tất cả bản dịch thơ I. A. Brodsky trong bài là của Hoàng Ngọc Biên)

Tích hợp rất nhiều khuynh hướng tri thức trong một dòng chảy cảm xúc tuôn trào linh hoạt, hướng tới cái xa rộng và phóng khoáng, thơ I. A. Brodsky là đại diện của tâm hồn Nga cao thượng, vĩ đại, và tôn sùng cái dị biệt, độc đáo nhiều chiều của vẻ đẹp. Đó cũng là sự thể hiện đầy thuyết phục của một cá tính sáng tạo lớn lao trong dòng ảnh hưởng của các khuynh hướng văn hoá và triết học, và đến lượt nó, lại phát huy ảnh hưởng của mình.

Một hiện tượng không thể xếp vào dòng sáng tác đương đại, nhưng lại là sự dự báo sớm của tinh thần dân chủ và khai phóng thời hiện tại, cũng như gây ảnh hưởng lớn lao trong nhận thức văn hoá của thời kỳ tiếp sau, R. Tagore (1861-1941). Viết thơ bằng tiếng Anh, tiếp cận với cấu trúc tinh thần tự do và trực tiếp của lối truyền thông phương Tây, R. Tagore là một trong những nhà thơ sử dụng hình thái thơ văn xuôi và thơ không vần điệu sớm nhất; ông khám phá lại một thế giới của con người với cảm thức tự do và sáng tạo vô biên, được khơi gợi từ vẻ đẹp giản dị và nhân văn của những minh triết tôn giáo phương Đông cổ xưa, nhờ tinh thần phản tư và dân chủ. "Nghịch luận" của Tagore chính là ở sự phủ định một thế giới của vỏ bọc định chế xã hội, định chế tinh thần tầm thường, nguỵ tạo,(mà nếu chưa ý thức được điều này, sẽ "không thấy", "không biết" đến những dạng thức tồn tại khác) muốn đẩy lui nó để phát lộ phẩm tính tự nhiên của con người như điều chân thiện cao quý nhất.

anh đã để cuộc đời anh trần trụi trước mắt em/ anh không giấu em một điều gì/ chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh…

thật là em, em hãy đến/ đừng băn khoăn vì một màu áo/ đừng bận lòng/ nếu mái tóc em chưa thật thẳng đường ngôi…

"Dân chủ" của Tagore cũng chính là sự giải phóng con người khỏi sự lệ thuộc vào ý niệm áp đặt, và thiết thực hơn, khỏi giáo điều phương Đông ngự trị hàng ngàn năm, coi cái đẹp là sự "dâng tặng""hy sinh"; báo hiệu sự thức tỉnh của cá nhân, tinh thần độc lập, đa tạp và dị biệt.

Trong sân chầu vũ trụ / chiếc lá cỏ ngồi cùng hàng với ngôi sao sáng…

Thượng đế/ nơi giọt mồ hôi cực nhọc/ trên trán người làm đường…

nàng mù như hoa/ nàng không thể biết vẻ đẹp dường bao trong đoá hoa dâng tặng của nàng…

 

*

Dòng thơ sáng tác bằng tiếng Việt của người Việt trong phạm vi ảnh hưởng tinh thần đương đại, cũng là khu vực đem lại nhiều thành quả hơn cả trong tiến trình duy trì hoạt động sáng tạo cũng như đổi mới tư duy thơ. Riêng bộ phận thơ bằng tiếng Anh hoặc một vài ngoại ngữ khác của người Việt, bài viết này chưa thể khảo sát và đề cập đến.

Từ những năm 1970-1975, ở miền Bắc Việt Nam, một giọng thơ lạ lùng và dị biệt, chỉ được chính thức công bố và luận bàn từ sau năm 1990, đã thể hiện một bản lĩnh cách tân, phản tư quyết liệt và nổi bật như một phong cách mới mẻ trọn vẹn, thách thức lối viết minh hoạ giáo điều, lối tượng hình cũ kỹ sáo rỗng của thơ Việt đương thời, đó là Lưu Quang Vũ (1948-1988). Ông viết những bài thơ không vần trong thể thức của thơ-văn xuôi, dòng cảm xúc tràn đầy phóng túng phát lộ trực tiếp, phủ định những ràng buộc của thứ ngôn từ dè dặt ước lệ truyền thống, những liên tưởng thụ động và nhảm nhí; làm hiển lộ tầng tầng lớp lớp những biến động và bước đầu chạm tới cái bí ẩn của tâm trí cũng như những chiều kích bóng dáng khác nhau của hiện thực:

Nửa đêm tới thành phố lạ gặp mưa những vòm cây cao và tối  chúng ta đã gặp nhau chúng ta đã tới đây  tất cả điều này có vẻ gì không thực đến bây giờ anh vẫn còn kinh ngạc  Em con tàu về cảng mưa đêm  ngã tư ngô đồng rụng lá  con sông mờ thân cầu đổ dẫy nhà hoang ống khói âm thầm….. ngày ấy em đâu mùa đông ấy mưa phùn hắn không có vẻ gì là thuỷ thủ nhưng hắn gợi cho người ta nhớ đến biển câu văn trong một cuốn sách cũ  quán rượu Đô đốc Bin- Bôn  vị chúa tàu ngồi cô đơn trong tuổi nhỏ  thành phố những giấc mơ vời vợi  chim yến bay về bãi sú hoang thành phố thời anh mười bảy tuổi viển vông cay đắng u buồn…

Thơ Lưu Quang Vũ ít tính duy lý, nên chính vì lẽ đó nó trở nên thuần nhất trong mạch cảm xúc và không khó định dạng. Vẻ rạng ngời, tinh khiết của một thứ niềm tin bị phụ bạc, trí tưởng tượng sôi động và phóng túng mở ra những mạch hình ảnh và cảm xúc tráng lệ tuy chưa hoàn toàn đạt tới cấp độ siêu thực lẫn siêu hình, (có lẽ là một sự tiếp thu nhuần nhuyễn ảnh hưởng của thơ ca Nga hiện đại) tất cả đủ để làm thành một cảm thức thẩm mỹ riêng biệt hướng tới cái rộng mở và vô biên. Bài thơ của Lưu Quang Vũ có thể được "cắt" hết sức ngẫu nhiên nhưng vẫn tồn tại được với tư cách một biểu lộ độc lập của tâm trí:

. em đừng thương anh nữa  anh đi lủi thủi trên đường đánh mất lòng tin tìm về bếp lửa xem trẻ mục đồng múa trong tượng gỗ những đôi vợ chồng cởi áo cho nhau ngẩng lên biền biệt mây cao…

người đàn bà không tên  đi suốt tuổi thơ tôi trống trải  đêm tối đen chiều hoang buồn tủi người đàn bà ấy đến bên tôi mắt mênh mông lặng lẽ ngón tay gầy giọt mưa lạnh chảy dài trên má  ngọn đèn vàng ô kính vỡ  con ngựa gầy phiêu bạt thảo nguyên xa  tôi lớn lên trong ngọn gió nhà ga  ngọn gió dữ của rừng già khắc nghiệt  bao giấc mộng gió đuổi vào dĩ vãng  chỉ thổi bùng nỗi nhớ về em  bao lưõi lê đỏ sẫm máu hoàng hôn  tường gạch đổ bao tờ lịch nát tôi bôi xoá rất nhiều thề ước đẹp  riêng với em tôi chẳng phản bao giờ người đàn bà chơ vơ đi vòng quanh chiếc đĩa hát khổng lồ trong bản nhạc đợi chờ của Gric gương mặt đẹp chập chờn sau lọ mực khi âm thầm tôi viết những dòng thơ  những dòng thơ giằng xé dày vò…

 

Ở miền Nam Việt Nam, những giọng thơ nổi bật với phong cách thẩm mỹ độc đáo như Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa… đều thể hiện một ý thức giác ngộ dân chủ của ngôn ngữ và tri thức, trong dòng trực cảm tiếng Việt trau chuốt và đẹp rạng rỡ.



Kể từ sau năm 1975, thơ ca tiếng Việt có một bộ phận nhận được ảnh hưởng trực tiếp của đời sống, ngôn ngữ và thơ ca phương Tây (dòng thơ Việt hải ngoại) bên cạnh dòng sáng tác trong nước đang vận động để phá bỏ những ước lệ chủ quan, áp đặt trong tâm thức sáng tạo, đạt tới sự chủ động và cái cao xa trong con mắt nhìn cái đẹp cũng như thế giới.

Phan Nhiên Hạo, Đinh Linh, Đỗ Kh. là ba gương mặt tiêu biểu trong số rất nhiều giọng thơ hải ngoại, tạo được dấu ấn trong hành vi thơ ca cũng như ngôn ngữ, tạo nên khuynh hướng khác biệt về thẩm mỹ. Một đặc điểm chung dễ nhận thấy ở cả ba phong cách thơ này là sự giảm thiểu dòng cảm xúc kiểu thơ truyền thống, hướng gần tới mức triệt tiêu hoàn toàn cảm xúc và tâm trạng (một sự gần gũi với thơ đương đại Mỹ), nhằm vào những nội dung xã hội trực tiếp hoặc những vấn đề tri thức văn hoá, với cảm thức cá nhân cực kỳ mạnh mẽ, cái độc đáo này đủ sức thay thế cho lối hành vi duy cảm thông thường.

Phan Nhiên Hạo phát lộ hành động thơ của mình bằng những đối chiếu hiển nhiên trên các sự kiện, vấn đề cụ thể, sự khác biệt căn bản, giữa hai nền văn hoá Mỹ, Việt mà ông đồng thời cảm thấy xa lạ với cả hai. Tối đa hoá những thông tin khách quan, mượn lối trình bày-sự vụ của báo chí… để đặt ra một cách trực tiếp những vấn đề ứng xử và thời cuộc, chủ thể trong thơ Phan Nhiên Hạo bộc lộ trong cái nhìn hài hước và phê phán, khi ý vị, khi trực diện, nhưng luôn lùi xuống hàng hai so với logic khách quan tự thân của sự việc. (Xin xem bài Hướng dẫn du lịch, Huế ở Phụ Lục 3). Mượn lối triển khai phóng túng và đứt gãy của liên tưởng, ông dễ dàng biểu đạt cảm thức về sự rời rạc, mất phương hướng, hỗn loạn trong thực tại đời sống.

 

Phở, sự thiết yếu

Tôi ăn khuôn mặt này

Vì nó ngon như phở, món làm cho chúng ta nổi tiếng khắp thế giới.

Tôi sống phía Bắc Los Angeles

Phải chịu khó đi xa mới ăn được quê hương

Từ đây đến Little Saigon cách hai giờ lái xe, đến Sài gòn cách mười tám giờ máy bay phản lực

Đến Hà Nội là nơi xa nhất

Từ đây đến tôi mất ba mươi mấy năm…

 

Nhưng điều sâu xa hơn cả trong chứng nghiệm và cái nhìn có phần khách quan duy lý của Phan Nhiên Hạo, là cảm thức về sự thôn tính, sự tiếp biến và mất đi ý nghĩa định danh của các thực thể đời sống, nó giống như biểu tượng của sự nhận chìm và "tha hoá" mà rất có thể là để bước tiếp vào một quá trình "chế tạo" lại thực tại khác…..



Đinh Linh, một người tìm thấy chất phản tư ngay trong chính thực tại ngôn ngữ. Đi từ đòi hỏi bình đẳng giữa hành vi thơ với ý nghĩa của những hành vi đời sống, ông hướng tới, trong niềm khoái thú dịch chuyển và phá phách, sự phá bỏ "ý nghĩa" của tất cả những hiện tồn, cái "vô nghĩa". Những kết hợp từ khác thường, kỳ dị và độc đáo tới mức quỷ quái của Đinh Linh đẩy việc viết và đọc tới vùng của cái cận-ý nghĩa, kích hoạt và phát lộ vùng mờ chồng đan xen của những ẩn ức, những siêu nghiệm, và cảm giác trần trụi khó chịu "không thể tả nổi" của sự tồn tại trong một thế giới đã bị tước đi vỏ bọc định danh vốn có, cũng như sự liền mạch có hướng của tư duy. (Mời đọc bài Việt tôi 39 Động từ ở Phụ lục 4)

Ngay cả cái "chủ thể" (trong vỏ bọc khái niệm quen thuộc) với Đinh Linh cũng là sự hiển lộ một thực tại khách quan khác, một bình diện chứng nghiệm bên ngoài chủ thể.



Một bộ ngực khiêm nhường, nhược tiểu, lép nhưng không lém, sòng phẳng, an phận.

Ngược lại, dương vật thì ù lì, với một khuôn khổ, kích thước mang máng nhi đồng, nặn hoài cũng vậy thôi, vừa tủi thân vừa láu cá, lăn lóc dưới gầm giường.

 

Đỗ Kh. là người ít bộc lộ hơn cả những tác động vào ngôn ngữ một cách cố ý, các thể nghiệm của ông gây cho người đọc cảm giác về cái tuôn chảy tự nhiên của một ngữ điệu thuần Việt, thay thế cho những dịch chuyển từ ngữ, dòng thơ và đoạn thơ. Gần như không để ý tới cái nhoè mờ của khái niệm hay phán đoán, suy nghiệm, như hai ngươì bạn thơ của mình, Đỗ Kh. mô phỏng một dòng chảy rõ ràng tường minh của sự vật và sự kiện, nhưng giống như một sự giễu nhại chính cái nguyên mẫu hiện thực đó ở ngoài đời. Ngoài ra ông còn giễu nhại thơ ca, tâm trạng, thái độ, quan niệm, các ngôn ngữ khác… như một kẻ không bao giờ từ bỏ chiếc mặt nạ hài hước, khơi gợi cho người đọc thứ tâm thức nhị trùng song diễn về thế giới. Khúc xạ qua cái Parody, thế giới khách quan không còn khả tín theo rất nhiều cách, và nhận thức của con người-chủ thể cũng luôn bị đặt vào toạ độ mở vô cùng của sự hồ nghi, từ bất cứ phương chiều nào. Kể thêm, Đỗ Kh. còn có một dòng thơ tình tứ đậm cảm thức về cái giễu nhại đùa bỡn, như sự tự ý thức về tính chất "bất khả tín" của tâm trạng, cảm xúc và các mối liên hệ đời thường.



(Về thơ của Đỗ Kh. đề nghị xem các trang mạng talawas.de, tienve.org hoặc maivanphan.com, vì các bài thơ quá dài không có điều kiện trích dẫn trong bài viết này).

Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn… là những giọng thơ với sự chuyển động mới mẻ ra khỏi quỹ đạo của cái tất định, hơn nữa, sự tất định trầm trọng đã và đang chặn đứng những bước tiến tự nhiên của dòng cảm xúc cũng như tri thức trong sáng tạo. Sự chuyển động mới mẻ này chỉ là bước đầu, nó vẫn còn cả một không gian mở phía trước để tìm ra tiếng nói bản ngã đích thực.

Trần Tiến Dũng là một giọng độc đáo mà ngay từ khởi thuỷ đã biết chối từ cái hấp dẫn của những chứng nghiệm và mô thức sách vở. Đời sống hiện lên trong thơ ông như cái rùng mình đột ngột khi người ta không sẵn có một chủ tâm nào, không thành kiến, không ám ảnh. Cái lộn xộn bát nháo không trật tự không dự báo cũng như vẻ hồn nhiên tận phóng, giống như ở trẻ thơ, trong cái nhìn của Trần Tiến Dũng đã nảy nở tới chỗ thiết lập nên một nguồn sinh lực kỳ diệu làm tan biến cả cái u trệ chướng ngại, tàn rữa, chết chóc mà bản thân ông cũng cảm thấy (nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc phát hiện sự tinh nghịch như một gam chủ đạo trong dòng cảm nghiệm Trần Tiến Dũng). Cái tự do gần như tuyệt đối của mỗi hình ảnh thơ, không lệ thuộc vào bất cứ sự kết hợp nào, cũng không phải kết quả của cái tù mù vô thức, khiến cho thơ của ông giống như chuỗi đồng hiện liên tiếp của chính sự sống mà người ta chỉ có thể cảm nhận trong khoảnh khắc phát lộ của nó. (Xin đọc bài Người độc thoại với cột đèn ở đường Bolsa - Phụ lục 5)

Ngẫu nhiên mà lại sâu sắc không ngờ bởi những mạch cảm xúc bất thần thông suốt phá vỡ thế quân bình khách quan được gán cho bề mặt sự vật. Trần Tiến Dũng nhạy với sự tổn thương, như một cảm thức thường trực, một tín hiệu của nhiều xung động đa âm khác.

Nguyễn Quang Thiều thổi vào thơ một hơi thở vâm váp của đời sống bản năng hoang dã và bí mật, mà trong đó đã bao hàm cả những linh cảm về cái đẹp đẽ và sự tàn ác, hạt mầm sự sống và cái huỷ diệt, trong hình thái tàn bạo khốc liệt của nó. Nhận chìm cả vũ trụ cũng như từng khoảnh khắc, sự vật hiện tồn cụ thể trong cái huyền diệu, Nguyễn Quang Thiều muốn đi tìm một lời giải đáp, một sự minh bạch hoá hiện thực trong cảm thức duy ngã siêu hình về con người và thế giới. Chịu một phần ảnh hưởng lối tạo hình ảnh và liên tưởng của I. A. Brodsky, thơ Nguyễn Quang Thiều là sự bùng nổ có tiết chế của bản năng phi thường hướng về cái trong trắng và tình yêu.

(Xem Bài ca những con chim đêm của Nguyễn Quang Thiều trên maivanphan.com)

Các sự vật lần lượt có mặt và hiện lên trong thơ Mai Văn Phấn, mỗi ngày một kỳ ảo, đa âm và biến hoá hơn, gắn liền với những bước giác ngộ trong tâm trí của chính nhà thơ. Dường như ông không có nhu cầu phải nhìn nhận tất cả cùng một lúc. Hiện thực với những phồn sinh và vận động riêng của nó là cái tham chiếu để nhà thơ làm rõ những xung động, nghịch lý và cả ẩn ức bên trong con người mình, để đạt tới một sự tồn tại song song hài hoà giản dị và trong sáng giữa chủ thể và thế giới. Liên tưởng mạnh, sự khúc triết và chân xác trong trải nghiệm cũng như trực cảm chính là con đường để nhà thơ phá bung sự cô lập của nội giới, đến với vẻ đẹp rạng rỡ và khách quan của dòng luân chuyển các hình thái sự vật. Thơ Mai Văn Phấn là sự hài hoà cân bằng giữa lý tính và cảm tính, nhưng cũng có khi là sự sáng chói bất ngờ của trực giác và cảm tính…

(Xin xem thơ của Mai Văn Phấn trên maivanphan.com)

*

 

Sự đa dạng nhưng vẫn có những quy luật chung của các hiện tượng sáng tác đã phân tích và nhận định ở trên, có thể khái quát như sau: các nhà thơ-nghệ sĩ, bằng cả trực cảm, xúc cảm, cũng như tri thức đa dạng, nhờ tính chất ngẫu hứng, kích hoạt, bất ngờ và vô biên (không ranh giới, phá vỡ nguyên lý có trước, hướng tới nguyên lý mới) của trò chơi, để phát lộ với người thưởng thức tư duy và bản ngã của mình, được xem như quá trình theo đuổi một lối tri giác hay cảm xúc, có mục đích không phải là sự đồng thuận và thống nhất một ý niệm nào đó, mà là cái vô biên, cái trải nghiệm mở cho thế giới và con người, mà chính người thưởng thức đã được cùng can dự vào đó từ đầu đến cuối. Vậy lối sáng tác Hậu hiện đại có thể có một hệ thống thi pháp ổn định tương đối không? Chắc chắn là có. Mặc dù "thi pháp lớn" của nó chính là quan hệ trò chơi, nghĩa là sự phủ định và phá bỏ liên tiếp, sự ngẫu hứng và không thể đoán định trước, nhưng khái niệm "thi pháp" lại cũng không phải là bất biến. Mỗi nhà thơ lớn đều khả dĩ tạo ra một thi pháp, ở đây được hiểu là cấu trúc cụ thể của quan niệm và tư duy, đặc thù cụ thể của cảm xúc. Không có sự phủ định nào lại không là bước đầu của một suy đoán khác cũng như sự định hình khác; hoặc trường hợp song song tồn tại cả hai giả thuyết. Cái đa bội không đồng nghĩa với cái không thể gọi tên, định dạng, và để có sự phủ định thì ít nhất phải có một sự ổn định tạm thời để làm cơ sở cho cái phủ định đó. Đơn giản là không một hành vi trí tuệ nào của con người mà con người lại không thể tự kiểm soát cũng như định dạng nó. Hậu hiện đại là một hệ thống chứ không phải sự hỗn loạn, nhưng là hệ thống mở.



Tương tự như vậy với giả thiết về sự bế tắc của chủ nghĩa hậu hiện đại. Sự phủ định của phủ định trong một hệ thống tương đối có thể sẽ không đưa đến một xác tín nào cụ thể. Nhưng ý nghĩa thiết thực của nó là sự giải phóng cá nhân, giải phóng cái dị biệt, chấp nhận sự nghi ngờ và phản tư. Đây chính là sự bùng nổ để lựa chọn điều gì khả thể hơn, trong mối tương tác nhiều chiều chứ không phải cái này phủ định cái kia như lối biện chứng siêu hình, tìm ra cái cận chân lý hơn cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Nó chính là sự tư duy lại tư duy, lý giải lại sự lý giải, như cách nói của Lyotard. Và cho đến thời điểm hiện tại thì hậu hiện đại vẫn là sự tiến bộ và cần thiết cho giai đoạn tự xem xét này của con người.

Với một hình thức truyền thông trực tiếp như đã nói trên, nghệ thuật và thơ ca đương đại có đầy đủ ưu thế trong việc choán lấy những nội dung xã hội và tâm trạng cụ thể của đời sống. (Nhớ lại quan điểm về nghệ thuật của Joseph Beuys). Sự dấn thân của các nghệ sĩ, các nhà thơ Mỹ, và một số nhà thơ hải ngoại và trong nước trước những vấn đề cấp thiết của xã hội, chính là sự phản tư bằng hành động cụ thể đối với khuynh hướng bảo thủ, tất định và độc đoán. Sự tư duy trực tiếp về con người và thế giới cũng bao hàm cả nội dung của những vấn đề xã hội, như nó vốn là. Gần đây nhất, các nghệ sĩ vùng sông Mekong và nghệ sĩ quốc tế đã đưa kiến nghị yêu cầu nhà nước Trung Quốc ngừng việc xây dựng các đập tràn ở đầu nguồn sông, và đã ngăn chặn được bước tiếp theo của kế hoạch này (số đập thuỷ điện giảm xuống từ 5 trong dự kiến, còn 2). Các dự án nghệ thuật phát triển cộng đồng được thực hiện một cách tự nguyện và lý thú trong nước.

Nghệ sĩ, nhà thơ, không làm chính trị, nhưng có bổn phận thực hiện nghĩa vụ cá nhân của mình đối với xã hội, với quê hương và đồng bào cũng như cộng đồng thế giới.

Và trong khi đời sống chung quanh còn đầy bất trắc, không đoán định, con ngươì sống với tâm thức phải thay đổi và biến chuyển từng thời khắc, thì chính sự không ổn định và phức hợp của thơ ca là một trong những cách để con người lấy lại sự xác tín đối với chính mình.

 

Hà Nội, tháng 4/2008

Khánh Phương

 

 *) Bài đã được tác giả gửi và đăng đồng thời trên trang mạng maivanphan.com



 

PHỤ LỤC

 

1– Louise Gluck



 

Tháng Ba

Ánh sáng neo lại lâu hơn trên trời, nhưng chỉ là một thứ ánh sáng lạnh,

nó chẳng đem lại chút khuây khoả nào từ mùa đông.

Người hàng xóm của tôi đăm đăm nhìn ra cửa sổ

Bà chuyện trò với con chó của mình. Nó đang khụt khịt đánh hơi trong vườn,

cố gắng đưa ra quyết định về những bông hoa tàn rữa.

 
Còn hơi sớm cho tất cả điều này. 


 
Mọi thứ đều rất trơ trọi 
 
tuy nhiên, ngày hôm nay đã có điều khác biệt với hôm qua. 
 
Chúng tôi có thể nhìn thấy ngọn núi: đỉnh núi hắt lên lấp lánh nơi mỏm băng bắt lấy ánh sáng.


Nhưng bên sườn núi, tuyết đã tan, phơi trần những tảng đá.

Người hàng xóm của tôi gọi con chó; bà bắt chước tiếng chó rất dở

Con chó lịch thiệp ngẩng đầu lên khi nghe tiếng gọi

Nhưng nó không nhúc nhích. Vì thế, bà gọi tiếp,

sự giả giọng kém cỏi của bà khiến tiếng gọi dần dần biến dạng thành tiếng người.

Suốt cả đời, bà đã mơ được sống bên biển

nhưng số phận chẳng đặt bà ở đó

Nó cười nhạo vào ước mơ của bà;

nó giam bà lại trên những quả đồi, nơi không ai trốn thoát nổi.

 
Mặt trời toả nhiệt xuống mặt đất, mặt đất bừng lên.



Và mùa đông nào cũng thế, như thể đá dưới lòng đất

dâng lên cao, cao mãi và mặt đất biến thành đá tảng, lạnh lẽo và cự tuyệt.

Bà bảo hy vọng đã giết chết cha mẹ bà, nó đã giết chết cả ông bà của bà.

Nó trỗi dậy mỗi mùa xuân cùng lúa mì

và chết giữa cái nóng của mùa hè và cái lạnh cắt da cắt thịt.

Cuối cùng họ cũng khuyên bà sống gần vùng biển

như thể một khác biệt nào có thể được tạo ra.

Đến cuối mùa xuân, bà sẽ lại nói nhiều, nhưng giờ bà chỉ có hai từ,

không bao giờchỉ có, để diễn tả cái cảm giác rằng cuộc đời đã lừa bà.



Chẳng bao giờ có tiếng kêu của lũ hải âu, chỉ có tiếng dế, tiếng ve vào mùa hạ.

Chỉ có mùi của cánh đồng, trong khi tất cả những gì bà muốn

là mùi của biển, của sự biến mất.

Bầu trời trên những cánh đồng đã ngả sang một sắc hồng hơi xỉn

khi mặt trời chìm khuất. Những đám mây là những dải lụa, đỏ tía và đỏ sẫm

Và khắp mặt đất đang kêu xào xạc; mặt đất không nằm yên

Và con chó cảm nhận được sự khuấy động này; hai tai nó rung rung.

 
Nó đi đi lại lại, mơ màng nhớ



cảm giác hưng phấn này từ những năm nào. Mùa của những sự khám phá

đang bắt đầu. Vẫn luôn là những khám phá ấy thôi, nhưng với con chó kia,

bao giờ chúng cũng đầy đam mê và mới mẻ, không hề dối lừa.

Tôi bảo người láng giếng rằng rồi chúng ta cũng sẽ thế này

khi chúng ta mất đi ký ức. Tôi hỏi bà đã bao giờ nhìn thấy biển

bà bảo, một lần, trong một bộ phim.

Đó là một câu chuyện buồn, chẳng đi đến đâu hết.

 
Những người tình chia tay nhau. Biển nện bờ, những dấu vết mỗi con sóng để lại



bị xoá sạch bởi con sóng tiếp theo.

không có bao giờ có sự chồng chất, không bao giờ sóng muốn tựa vào nhau

không có một hứa hẹn nào về nơi nương náu -

Biển không đổi thay như mặt đất;

biển không dối lừa.

Bạn hỏi biển xem, mi có thể hứa hẹn gì với ta

và nó sẽ nói sự thật; nó bảo sự tẩy xoá

Cuối cùng thì con chó cũng vào nhà.

Chúng tôi cùng ngắm mảnh trăng non

ban đầu rất mờ nhạt, rồi dần dần rõ hơn, rõ hơn

khi màn đêm sẫm lại.

Rồi chẳng mấy chốc bầu không này là sẽ là bầu trời xuân vừa chớm, giăng giăng trên những cây dương xỉ và violet bướng bỉnh

 
Không có gì bị bắt buộc phải sống. 


 
Mặt đất giờ đây như một liều ma tuý, như một giọng nói vẳng từ xa, 
 
một tình nhân hay ông chủ. Cuối cùng, bạn làm theo những gì mà giọng nói kia nói với bạn 
 
Nó bảo quên, bạn quên. 
 
Nó bảo bắt đầu lại, bạn sẽ lại bắt đầu.

(Hải Ngọc dịch)

 

2– I.A. Brodsky:



 

Ta đây như Ulysse

 

Mùa đông, mùa đông, ta đi suốt mùa đông,



ta đi dọc theo chiều dài tổ quốc ta nhìn thấy được,

hãy đuổi ta đi, hỡi nỗi bất hạnh, trên trái đất này,

cho dù phải bước giật lùi hãy đuổi ta về phía cuộc đời.

 

Đây là Matxcơva và những con hẻm phố Arbat,



nơi trú ẩn buổi sớm mai với những cánh buồm mở rộng,

và những kẻ đột nhập vẫn mơ như xưa kia

bên cạnh các cửa hàng băng giá tháng Giêng.

 

Màu vàng của những mảnh rời lẻ đôi



gương mặt ta tiếp tục chai cứng,

hãy đuổi ta đi như một hoàng tử Ganymède mới,

ta uống cạn mùa đông trong chén biệt xứ này,

 

vẫn cứ không hiểu nổi từ đâu ta bỏ trốn đến đây,



ta đi đến đâu, cách nào ta tan biến

trong thời gian, và ta lại lặp lại

trên đường đi của mình: trời hỡi, có sao đâu!

 

Trời hỡi, ta hầu như chẳng đòi hỏi gì,



trời hỡi, giàu hay nghèo,

mong mỗi ngày còn sống không khí ta hít thở

sẽ chắc hơn, dịu ngọt hơn và tinh khiết hơn.

 

Hãy dang ra, dân tộc này, hãy dang ra,



Ta đi tới và tìm cách tự an ủi mình

tự đuổi chính mình đi như Ulysse

nhưng mãi mãi ta vẫn cứ bước trên đôi chân mình.

 

Vậy thì hãy chờ kẻ đầu tiên đi qua đây



và hãy lặp lại lời hắn nói trong hăm hở dối trá

hãy đứng lên và hãy đau không tùy tiện

cái đau từ tình yêu hôm nay đến tình yêu ngày mai.

 

3—Phan Nhiên Hạo:

 

Hướng dẫn du lịch, Huế

 

Tỉnh Thừa Thiên có nhiều cửa biển được nhắc đến trong sử sách



như Thuận An có đền thờ cá voi

                                          hành cung vua

                                                    nhà cửa sầm uất,

người Pháp từng gọi nơi này là phố Thuận An.

Ngoài ra còn có cửa Tư Hiền

sóng dữ thường đánh đắm thuyền bè dân chúng.

Vua Lý Thần Tông tức giận sai binh sĩ

lấy súng thần công bắn hai phát vào sóng.

Một ngọn tử thương máu loang mặt biển,

một ngọn cuống cuồng chạy thoát ra khơi.

Từ đó bình yên thuyền bè qua lại.

 

Sau này vua Tự Đức cũng ra lệnh



bắn thẳng thần công vào tàu chiến Pháp…

Một ngọn sóng tử thương máu loang mặt biển,

một ngọn sóng cuống cuồng chạy thoát ra khơi.

Từ đó bình yên tàu Pháp tự do ra vào.

 

Xin quý khách lưu ý, vua Tự Đức là nhà thơ.

 

4— Đinh Linh:

 

Việt tôi

 

Sáng, việt tôi.

Chiều, việt tôi.

Việt tôi chỉa, hô,

Đôi khi lõm.

 

Cõng việt, tôi chạy.



Bồng việt, tôi bơi.

Ôm việt, tôi ngủ.

 

Giữa giấc, tôi thỏ thẻ việt.



Háo hức, tôi suýt việt việt.

Mở mắt, tôi lại thấy việt.

 

Đôi khi tôi sướt mướt việt.



Đôi khi tôi nguyền rủa việt.

Đôi khi tôi lờ việt, nhưng việt

Chưa từng lờ tôi. Việt vẫn việt,

 

Dù tôi chịu việt hay không.



Đôi khi, quá bực mình,

Tôi chỉ muốn bóp cổ việt.

Thấy việt hấp hối,

Tôi hô hấp việt.

 

(Tôi không cáu việt



Vì việt kém người, mà

Vì việt thua việt.)

 

Việt tôi là cái mạng.



Không, việt tôi là cái mùng.

Việt tôi là nguồn cháo tôi húp,

Tắm, lặn và bơi.

 

39 động từ 

 

Nhìn, chớp, mỉm cười,

Chào, hỏi thăm, liếm,

Xoa, thở dài, dựa,

Chu, vuốt, tặc lưỡi,

Nuốt, phỉnh, rung,

Thêu, vỗ, quyết định,

Bác, phì cười, phỏng,

Nấc, trù tính, chạm,

Nhủ, khen, chớp chớp,

Nổ, trích, giải thích,

Ra vẻ quan tâm, liếc, gãi,

Khều, địt, đằng hắng,

Ngáp, cạ cạ, thở dài……

 

5—Trần Tiến Dũng:

 

Người độc thoại với cột đèn ở đường Bolsa

 

Ông đứng trên đường Bolsa với những cột đèn vàng



từng cột đèn là bạn của một người lưu vong,

ông đến đây chỉ màu vàng là bạn

màu vàng cao và rộng.

Mỗi ngày ông ngước lên và nói:

Tôi về sớm nấu một nồi cơm,



hôm nay có lẽ chúng ta ra khỏi bóng đêm của rượu.”

 

Một phần xứ này quả thật thuộc về màu vàng



của nước đái bò và của những bụi cỏ cháy khét,

có quá nhiều những miếng thịt bò đã chết trong miệng,

có miếng da bò Mỹ đã làm ra thứ ánh vàng đắng nghét.”

 

Mỗi ngày ông ngước lên và nói:

 

Mà vì sao tôi



không thuộc về đâu cả

màu mỡ bò ở quán phở Hạnh

                              màu âm nhạc ở cà phê Ly Ly



không gì khác vẫn màu Mỹ vừa ngon vừa dễ chán.

Mỗi sáng tôi bước khỏi giấc mơ

co rúm và khô,

cái điện thoại không thể gọi người đàn bà ấy

chỉ có thể gọi màu vàng.

Mỗi tối tôi bước vào mùi rượu

tiếng tôi say trong đêm không thể gọi cô gái làng chơi,

tôi chỉ có thể nói chuyện với màu vàng và

sau câu chuyện rất dài

màu vàng trên đường Bolsa lại trải ra cái chăn rất dầy.”

 

Tôi từng tưởng tượng một màu vàng lạ,



nói cách khác tôi từng tin màu vàng là đôi cánh

đôi cánh bắt đầu từ nỗi đau ở phía đông

đôi cánh là nắng xoa dịu bao nhiêu chuyện buồn

mà vì sao tôi vẫn ngước lên.

Nỗi đau và chuyện buồn không xóa tan được nỗi sợ.

Tôi sợ mùi cộng sản, tôi sợ mùi bơ Mỹ.”

 

Tôi đứng đây cạnh cột đèn đường Bolsa



dang rộng tay như một con đại bàng,

không một loài đại bàng nào ở Mỹ có màu lông gà.

Tôi vẫn ngước lên.

Tôi vẫn yêu những con gà mà tôi lỡ bóp chết và vẫn

                                            khóc thương số phận gà con.



Tôi vẫn yêu cái màu vàng máu đã khô và linh hồn ngơ ngác ấy.”

 

Tôi vẫn ngước lên đây.



Không một loài đại bàng Mỹ nào có lông của loài gà.

Tôi sợ màu Mỹ, tôi sợ màu cộng sản.”

 

Tôi đứng đây trên đường Bolsa từ ngày cho tới đêm,



không một chút ảo tưởng

                             ở ngoài chính thể Mỹ

                                        ở ngoài sự săn đuổi của cộng sản.

Nỗi sợ của tôi nhìn thấu hết mọi thứ trừ màu biển.”

 

Tôi đến đây từ biển.



Biển là miệng một loài quái vật có đôi cánh tự do.

Tôi đứng đây với những cột đèn Bolsa

sợ nơi chốn dung chứa sợ nơi chốn trốn đi.

Tôi đứng trong bình minh biển

đối diện với nỗi sợ không bao giờ bị phân huỷ.”

5 phản hồi/comments


Comments feed for this article

30.04.2008 vào lúc 19:56 MDT

Lê Duy Hải

Đọc bài viết của chị Khánh Phương tôi thấy lạ quá. Sao những điều chị nói, cả những dẫn chứng trong bài viết nữa, không thấy báo chí trong nước đăng tải nhỉ? Nhiều đoạn tôi đọc thấy lạ tai, nhưng có lẽ phải đọc lại mấy lần nữa thôi. Tôi tin như chị Khánh Phương nói: Thơ Việt đã thay đổi rồi! Cảm ơn chị. -Lê Duy Hải

30.04.2008 vào lúc 21:51 MDT

Nam Dao


Đây là một bài biện luận giá trị, xin mừng cho Hội Luận Văn Học Việt Nam và cám ơn Khánh Phương. Mong sao những nhà phê bình đi con đường trí thức giúp bạn đọc đến với thơ một cách nghiêm túc. -Nam Dao

01.05.2008 vào lúc 21:48 MDT

Trần Thuý Lan

Tôi cảm thấy bài viết này khá nghèo, chủ quan, chung chung và hầu như… lạc đề.

Khánh Phương nói đến tư tưởng của Friedrich Nietzsche, Albert Enstein, Jean Francois Lyotard, Marcel Duchamp và Joseph Beuys một cách rất sơ lược và không ít lệch lạc. Thơ Mỹ đương đại bị tóm gọn qua Robert Creeley, Allen Ginsberg, Louise Gluck. Về thơ Nga, thì cuốn tiểu thuyết Doctor Zhivago của B. L. Pasternak bị Khánh Phương diễn dịch rất ngượng qua lăng kính conceptula art, và I.A. Brodsky thì bị diễn dịch rất chung chung. Ví dụ, nếu nói “thơ I. A. Brodsky là đại diện của tâm hồn Nga cao thượng, vĩ đại, và tôn sùng cái dị biệt, độc đáo nhiều chiều của vẻ đẹp”, thì có thể thay tên I. A. Brodsky bằng tên của một nhà thơ lớn khác của nước Nga thì cũng chẳng sai! R. Tagore cũng bị lướt qua chung chung như vậy.

Đến thơ Việt Nam, thì Khánh Phương viết về Lưu Quang Vũ khá dài, nhưng chỉ cho Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa vài chữ rất chung chung “đều thể hiện một ý thức giác ngộ dân chủ của ngôn ngữ và tri thức, trong dòng trực cảm tiếng Việt trau chuốt và đẹp rạng rỡ”!

Nói về thơ Việt hải ngoại, Khánh Phương cũng khái quát hoá đến độ tưởng như quá thiếu tài liệu: “Phan Nhiên Hạo, Đinh Linh, Đỗ Kh. là ba gương mặt tiêu biểu trong số rất nhiều giọng thơ hải ngoại”.

Về thơ trong nước, Khánh Phương cũng có cùng một thái độ như thế: “Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn… là những giọng thơ với sự chuyển động mới mẻ ra khỏi quỹ đạo của cái tất định.”

Đọc cái đầu đề “Thơ đương đại thế giới và Việt Nam - Từ “ngoại vi” trở thành “trung tâm” của Khánh Phương, tôi chưa thấy những gì Khánh Phương viết là chứng minh được cái việc từ “ngoại vi” trở thành “trung tâm” ở chỗ nào cả. Ngay câu kết luận, Khánh Phương cũng chẳng nói cái gì liên hệ đến cái đầu đề. Khánh Phương viết: “Và trong khi đời sống chung quanh còn đầy bất trắc, không đoán định, con ngươì sống với tâm thức phải thay đổi và biến chuyển từng thời khắc, thì chính sự không ổn định và phức hợp của thơ ca là một trong những cách để con người lấy lại sự xác tín đối với chính mình.”

Thế thì cái gì từ “ngoại vi” trở thành “trung tâm”???

Trần Thuý Lan



02.05.2008 vào lúc 11:24 MDT

Khánh Phương

Kính thưa quý bạn đọc Hội Luận!

Xin gửi lời cám ơn quý độc giả Hội Luận đã dành thời gian quan tâm đến các vấn đề của thơ đương đại, cũng như đã chia sẻ một số quan điểm trong bài viết này. Tôi muốn được giải thích với quý bạn đọc để tránh những hiểu lầm không đáng có.

Do phạm vi khảo sát khuynh hướng sáng tác đương đại là rất lớn, các hiện tượng thơ được đưa làm luận chứng cho bài viết này chủ yếu đáp ứng yêu cầu với những hiện tượng đã gây hứng thú với người viết nhất, đồng thời cũng dễ dàng làm chứng cứ thực nghiệm để bạn đọc nhanh chóng thấy được nét đặc sắc của vấn đề dân chủ hoá cảm thức và ngôn ngữ, vấn đề “trung tâm hoá”… trong thơ thế giới và thơ Việt.

Những đóng góp của các nhà thơ chưa có điều kiện được nhắc tới trong bài viết này, là vô cùng quan trọng, mà người viết chỉ dám hy vọng rụt dè một lúc nào đó có điều kiện sẽ viết được bài tổng hợp thật đầy đủ chi tiết và xứng đáng.

Đã là một bài viết có tham vọng từ nhận thức về khuynh hướng sáng tác thơ đương đại, nhận thức về cơ sở lý luận cũng như các hiện tượng văn học cụ thể bộc lộ rõ khuynh hướng đó, thì tất phải có sự mạch lạc nằm sẵn trong cách triển khai các luận điểm, luận cứ, luận chứng. Vì phạm vi khảo sát khá rộng, nên người viết chỉ có thể dừng lại ở một vài hiện tượng mà theo quan điểm cá nhân, là sự bộc lộ CẢM THỨC của người sáng tác, cũng như đặc thù về ngôn ngữ “đương đại” một cách rõ rệt và độc đáo nhất.

Nếu quý bạn đọc nào đòi hỏi sự phân tích chứng minh dàn đều, trải rộng


khắp các hiện tượng, thì có lẽ đành phải khất trong một công trình nghiên cứu của một Viện hàn lâm nào đó. Một số vấn đề ở đây chỉ có thể dừng lại ở các gợi ý, ví dụ chỉ ra một vài nét đặc trưng trong sự bộc lộ cái Tôi cá nhân độc đáo của nhà thơ vĩ đại I.A. Brodsky. Thêm nữa, vấn đề “tâm hồn Nga” ở bài này cũng không thể có sự định nghĩa như một “Bách Khoa Toàn Thư” để cho, ví dụ, những người chưa có tham chiếu nào định hình.

Nếu quý bạn đọc nào chờ đợi sự trích dẫn dài dòng các luận thuyết và sự phụ thuộc các luận thuyết đó một cách bất di bất dịch, thì cho Khánh Phương khất đến khi nào thật sự nghi ngờ sự sáng suốt của mình.

Một lần nữa xin cám ơn BBT Hội Luận đã dành một diễn đàn khách quan và rộng mở cho những trao đổi nhiều chiều quanh vấn đề “thơ đương đại” vô cùng lý thú này.

Quý bạn đọc nào thấy cần trao đổi với tôi, riêng về các triết học có liên quan hay các hiện tượng của avant-garde art, xin gửi thư về địa chỉ hoctagore@gmail.com.

Trân trọng
Khánh Phương

03.05.2008 vào lúc 10:07 MDT

Mai Văn Phấn

Bài viết này của Khánh Phương là một cách lý giải hiện tượng thi ca đương đại từ góc độ quan niệm sáng tác. Nó mang nhiều tính trực giác, cảm tính của người sáng tạo để hướng tới sự tường minh của cảm thức và lối viết, hơn là bới sâu vào những “xác chữ” của những luận thuyết đã nằm yên trong các thư viện. Những điểm xuyết từ khởi xướng của chủ nghĩa hiện đại, nêu một số gương mặt tiêu biểu của thi ca thế giới thế kỷ 20 đến cách lý giải một số hiện tượng thơ Việt đương đại như là những dẫn chứng.

Tác giả như ngụ ý thắp lên những đốm sáng trên khoảng không hút tối, để quý bạn đọc đủ hình dung về những chòm sao, tuỳ người xem có thể đoán gọi chúng là Thần Nông, Kim Ngưu hay Tiểu Hùng Tinh…

Có hay không dòng thơ Việt cách tân sau năm 1975? Những khởi nguồn và ảnh hưởng của nó trong đời sống văn học đương thời? Đó là những vấn đề không dễ lý giải và có cả những người không muốn lý giải… Nhưng, mạch thơ này ngày càng chảy xiết.

Xin giới thiệu cùng độc giả Hội Luận Văn Học Việt Nam, trong thời gian qua, trang mạng maivanphan.com đã đăng tải những thi phẩm đều ít nhiều đóng góp vào quá trình cách tân thơ Việt dưới ảnh hưởng của lối sáng tác đương đại, và cũng tạo ra những dư luận nhiều chiều xoay quanh dòng thơ này mà bài của Khánh Phương là một ví dụ.



Mai Văn Phấn





tải về 178.11 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương