Khi doanh nghiệp tham gia “LÀm khoa họC” Nguyễn Trường An pgđ Sở khcn



tải về 73.87 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu25.09.2016
Kích73.87 Kb.
#32327

KHI DOANH NGHIỆP THAM GIA “LÀM KHOA HỌC”

Nguyễn Trường An - PGĐ Sở KHCN

Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật ương giống và nuôi thương phẩm cá tầm (Acipenser spp) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu”, thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, giai đoạn 2011 – 2015” của Bộ Khoa học và Công nghệ, được kỹ sư Vũ Văn Cảnh công tác tại Công ty Cổ phần thủy điện Chu Va, tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện từ tháng 4 năm 2012; với tổng kinh phí là 6.500 triệu đồng, trong đó: Nguồn kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương: 3.100 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 47,7%), nguồn đối ứng của Công ty Cổ phần thủy điện Chu Va: 3.400 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 52,3%).

Kết quả sau 03 năm triển khai thực hiện dự án đã xây dựng thành công ba mô hình, gồm: Mô hình ương giống với số lượng 63,583 vạn con, trọng lượng trung bình đạt 116,75g/con, tỷ lệ sống đạt trên 79%; mô hình cho cá Tầm sinh sản tại trại nuôi của đơn vị thực hiện được 4 đợt, thu được 8,5 vạn cá bột từ trứng sinh sản và thực hiện ương 5 vạn con giống có chất lượng tốt - đây là nội dung ngoài hợp đồng và thuyết minh dự án, mô hình sản xuất con giống cho lợi nhuận 3,5 tỷ đồng; mô hình nuôi cá thương phẩm với quy mô bể nuôi 2.300m2 trong thời gian 12 tháng, tỷ lệ sống đạt trên 90%, trọng lượng bình quân lúc xuất bán đạt 2,15 kg/con, năng suất bình quân đạt 22,7 kg/m2, tổng sản lượng đạt 52 tấn, cho lợi nhuận 3,577 tỷ đồng/2 năm; sản phẩm cá tầm giống và cá tầm thương phẩm được thị trường ưa chuộng và chấp nhận. Đồng thời dự án còn tổ chức đào tạo được 09 kỹ thuật viên có tay nghề cao, tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật ương và chăm sóc, nuôi dưỡng cá tầm cho 20 người.

Kết quả của dự án mở ra cho Tỉnh một ngành nghề mới, một sản phẩm mới mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương (Lai Châu có trên 60% diện tích tự nhiên nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, nếu giữ được rừng có nguồn nước là có thể nuôi được cá nước lạnh cho giá trị thu nhập rất cao, khoảng trên 3 tỷ đồng/ha mặt nước/năm). Kết quả này cho ta thấy với những sản phẩm hàng hóa đòi hỏi mức đầu tư lớn, hàm lượng khoa học công nghệ cao thì cần phải có doanh nghiệp tham gia, có như vậy kết quả dự án mới thành công; đồng thời chúng ta cũng thấy vai trò của sự liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý), và trong sự liên kết này vai trò nhà doanh nghiệp là then chốt, (doanh nghiệp có vốn; có kỹ thuật; có năng lực tổ chức, quản lý điều hành sản xuất, và có thị trường tiêu thụ sản phẩm).

Hiện nay đơn vị chủ trì đã tiếp thu hoàn thiện 10 quy trình kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc cá tầm phù hợp với điều kiện của Tỉnh, khắc phục những điểm yếu thường mắc phải trong quá trình sản xuất, đồng thời còn làm chủ được quá trình sản xuất cá tầm giống (đẻ trứng, ấp nở, chăm sóc nuôi dưỡng cá bột, cá thương phẩm) ngay tại cơ sở của mình. Thị trường tiêu thụ khá ổn định, với mức giá/1kg dao động từ 160 nghìn đồng/kg đến 250 nghìn đồng/kg, bước đầu tạo thương hiệu cho cá tầm Lai Châu. Hiện tại đã có một số tổ chức, cá nhân tại địa phương đầu tư nuôi cá tầm, và đơn vị chủ trì dự án cũng đang mở rộng mô hình nuôi cá thương phẩm ra lòng hồ thủy điện Bản Chát.

Để nghề nuôi cá nước lạnh tại Lai Châu nói riêng và cả nước nói chung phát triển bền vững rất mong các cấp, các ngành chung tay tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc như: Đối tượng cá tầm chưa được nằm trong danh mục các loài thuỷ sản được nuôi tại Việt Nam; đến nay con giống cá tầm chủ yếu vẫn là nhập khẩu với giá thành cao và không chủ động, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp chủ động sản xuất con giống trong nước, sau khi đã thử nghiệm sinh sản nhân tạo thành công trên địa bàn tỉnh Lai Châu; trong thời gian gần đây lượng cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc với giá thành thấp làm ảnh hưởng đến nghề nuôi cá nước lạnh tại Lai Châu nói riêng và cả nước nói chung.


Kinh nghiệm hỗ trợ hoạt động nghiên cứu cho DN nhỏ

Vai trò của khoa học và công nghệ rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Thanh Thủy

Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Viện Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc tổ chức ngày 7/10 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, nếu đầu tư cho nghiên cứu KH&CN, doanh nghiệp (DN) sẽ tạo ra những bước đột phá về công nghệ, về sản phẩm. Từ đó, không chỉ nâng cao giá trị gia tăng cho các dịch vụ, sản phẩm của mình mà còn cải thiện vị trí cạnh tranh và phát triển bền vững.

Điều này càng trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết đối với sự phát triển sản xuất, kinh doanh của hệ thống các DN vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những chiến lược lâu dài cho hoạt động KH&CN. Bên cạnh đó, việc đổi mới các cơ chế chính sách đang tạo ra “cú hích” rất lớn để hoạt động nghiên cứu KH&CN phát triển. Một minh chứng cụ thể là với việc triển khai dự án FIST, dự án ODA lớn nhất lĩnh vực KH&CN của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ giúp xây dựng Viện Nghiên cứu khoa học Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST) trong thời gian tới.

Đặc biệt, cuối tháng 8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cơ chế đặc biệt dành cho V-KIST. Theo đó, V-KIST sẽ được tự chủ về tài chính đặc thù bao gồm tự chủ về chi tiêu, quản lý tài sản. Đây là một trong những tiền lệ chưa từng có ở Việt Nam và điều này chắc chắn sẽ là đòn bẩy để các hoạt động nghiên cứu KH&CN phát triển.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ KH&CN) Phạm Ngọc Minh cho biết, bên cạnh một số DN đã có ý thức đầu tư cho hoạt động KH&CN thì đại đa số các DN Việt Nam, nhất là những DN vừa và nhỏ chưa thực sự coi đây là đòn bẩy để phát triển bền vững.

Cụ thể, các DN vừa và nhỏ của chúng ta chưa đầu tư hoặc đầu tư chưa xứng đáng cho hoạt động này. Nhiều DN còn chưa có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một vấn đề nan giải trong quá trình phát triển hoạt động nghiên cứu của DN.

Đặc biệt, do chưa nhận thức đầy đủ vai trò của KH&CN nên đa số các DN vừa và nhỏ còn sử dụng các công nghệ sản xuất lạc hậu. Điều này không chỉ hưởng đến năng suất lao động mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Vì vậy, bên cạnh các chính sách vĩ mô của Chính phủ đang tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu KH&CN trong thời gian qua thì việc học hỏi các kinh nghiệm trong lĩnh vực này từ nước phát triển sẽ góp phần thúc đẩy KH&CN Việt Nam phát triển hơn nữa.



Kinh nghiệm từ những nước phát triển

Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển các hoạt động nghiên cứu KH&CN, ông Park Jun Ho, Trưởng Văn phòng đại diện Viện Công nghệ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, cách đây 40 năm, Hàn Quốc cũng đã “vật lộn” để tìm cho mình hướng đi trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Do có sự đầu tư đúng hướng của Chính phủ, ý thức của các DN nên hiện nay Hàn Quốc được đánh giá là một trong những nước hàng đầu của thế giới về hoạt động R&D.

Ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Hàn Quốc đứng thứ 4 trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức. Nếu như năm 2012, Hàn Quốc chi 14 tỉ USD cho hoạt động R&D thì con số này năm 2014 đã lên tới 18 tỉ USD và năm 2015 dự kiến lên gần 20 tỉ USD.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã chuyển hướng mục tiêu nghiên cứu từ khoa học cơ bản của những năm trước đây sang nghiên cứu ứng dụng trong những năm gần đây để phục vụ sự phát triển của nền kinh tế.

Cụ thể, các viện nghiên cứu ở Hàn Quốc chỉ tập trung hỗ trợ cho những DN vừa và nhỏ và khi thành lập các viện, thường đi sâu vào một chuyên môn. Ví dụ, Viện nghiên cứu Kỹ thuật sản xuất Hàn quốc chỉ tập trung nghiên cứu các vấn đề trong sản xuất cho các DN. Hiện tại, Viện xây dựng 13 chương trình và xem đó là chiến lược xuyên suốt để hoạt động và phục vụ theo đơn đặt hàng của 3.700 DN vừa và nhỏ Hàn Quốc trong 27 năm qua.

Ông Park Jun Ho khẳng định, về lâu dài, nếu chỉ trông chờ vào đầu tư của Chính phủ thì sẽ tạo sự ỷ lại và khó tạo động lực cho DN phát triển hoạt động R&D. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, bản thân các DN phải coi R&D là một trong những mục tiêu phát triển của chính mình.

Giáo sư Anthony John Peacock, Giám đốc điều hành Hiệp hội các trung tâm nghiên cứu Australia cho biết, ngay từ những năm 1990, chính phủ đã thành lập Chương trình trung tâm nghiên cứu hợp tác (CRC) với mục đích kết nối ngành công nghiệp và các nhà nghiên cứu với nhau để cùng hợp tác, giải quyết những thách thức trong nghiên cứu KH&CN.

Theo đó, hoạt động của CRC được quản lý bởi một Ban giám đốc và chính phủ sẽ theo dõi tiến độ thông qua các báo cáo hằng năm.

Chính phủ Australia quan tâm đến việc hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ và có những chính sách ưu tiên để ươm tạo các DN công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN sâu rộng hơn nữa trong cả nước.

Tại Khu công nghệ Đổi mới Australia ở Sydney, bên cạnh việc nhận nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các DN, còn có đầy đủ cơ sở hạ tầng để cho DN thuê nhằm sản xuất thử. Khu công nghệ này thực sự là một vườn ươm công nghệ mà ở đó, các công ty với quy mô nhỏ sẽ được hỗ trợ ươm tạo từ 5-8 năm đối với lĩnh vực khoa học sự sống, và từ 3-6 năm đối với lĩnh vực phần mềm.



Theo Chinhphu.vn


MỘT SỐ VẤN ĐỀ VƯỚNG MẮC VỀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ XÁC ĐỊNH TỔ CHỨC KH&CN Ở ĐỊA PHƯƠNG

Nguyễn Thủy Trọng

Giám đốc Sở KH&CN Phú Thọ

Đảng, Nhà nước ta luôn coi Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là quốc sách, để KH&CN thực sự trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập hiện nay thì việc nâng cao chất lượng công tác quản lý và ban hành các chính sách phù hợp với thực tiễn để thúc đẩy KH&CN phát triển là hết sức cần thiết. Nhằm thực hiện tốt mục tiêu để KH&CN thực sự trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, Nhà nước đã xây dựng luật KH&CN, đồng thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động KH&CN đạt hiệu quả. Tuy nhiên trong công tác quản lý, thực thi pháp luật và các chính sách về KH&CN đã bộc lộ nhiều bất cập cần tháo gỡ. Dưới đây, trong khuôn khổ bài viết này xin trao đổi một số vướng mắc cần giải quyết về vấn đề nêu trên.

Thứ nhất, về phát triển doanh nghiệp KH&CN

Nghị định số 80/2007 quy định về doanh nghiệp KH&CN được ban hành nhằm mục tiêu tạo ra các điều kiện khuyến khích phát triển doanh nghiệp KH&CN. Bộ Khoa học và Công nghệ với các Bộ, ngành liên quan đã cùng ban hành Thông tư 06 hướng dẫn thực hiện Nghị định 80. Như vậy, cùng với việc thực hiện Nghị định 115/2005 ngày 5/9/2005 của Chính phủ, quy định cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập thì việc ban hành nghị định này giúp cho hoạt động KH&CN đi từ ý tưởng khoa học đến nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm để thương mại hóa hay hình thành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2012 về Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN, tổ chức KH&CN thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện chính sách về doanh nghiệp KH&CN còn rất nhiều bất cập, cụ thể như:

Điều kiện được hưởng ưu đãi chưa đồng bộ với luật chuyển giao công nghệ: Nghị định 80, Thông tư 06 quy định là doanh nghiệp KH&CN chỉ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi đáp ứng được tỷ lệ doanh thu theo quy định từ việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN. Trong khi quy định của Luật chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi khi có các hoạt động đầu tư về công nghệ theo quy định và việc hưởng ưu đãi trên hoàn toàn không phụ thuộc đến kết quả sản xuất kinh doanh hay là doanh thu của doanh nghiệp. Sự không đồng bộ trong chính sách trên giữa Nghị định 80, Thông tư 06 với Luật chuyển giao công nghệ sẽ dẫn đến tình trạng có doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ nếu được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN sẽ không được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế (do không đạt tỷ lệ doanh thu theo quy định), nhưng cũng doanh nghiệp đó nếu không đề nghị cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN lại được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ. Như vậy, việc ràng buộc về tỷ lệ doanh thu theo quy định hiện hành sẽ hạn chế việc hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN.

Ưu đãi cho DN KH&CN không cao hơn doanh nghiệp hoạt động theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP: Nghị định 69/2008/NĐ- CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường, quy định: áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động, cơ sở thành lập từ ngày Nghị định 69 có hiệu lực được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo. Trường hợp ở các địa bàn ưu đãi đầu tư còn được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo. Như vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực khuyến khích thuộc Nghị định 69 có sản phẩm đủ điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN thường sẽ không đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN để phải chịu các ràng buộc về doanh thu.

Quy định và chính sách hỗ trợ hình thành doanh nghiệp KH&CN còn bất cập: Để doanh nghiệp KH&CN hình thành và phát triển thì các dịch vụ chuyển giao công nghệ, tư vấn, đánh giá, định giá, giám định, xúc tiến chuyển giao công nghệ là rất cần thiết. Các dịch vụ này là cầu nối giữa bên cung và cầu công nghệ thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp KH&CN. Tuy nhiên, Nghị định 80 và Thông tư 06 chưa đề cập đến phát triển loại hình dịch vụ này. Để doanh nghiệp tiếp cận kho sáng chế, giải pháp hữu ích, các kết quả KH&CN thuộc sở hữu nhà nước hiện nay còn rất khó khăn do thiếu các tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp. Các giải pháp nhằm nâng cao vai trò công tác chuyển giao, cầu nối, ứng dụng tiến bộ KH&CN chưa được hình thành đồng bộ ở tỉnh. Các chương trình hỗ trợ phát triển của chính phủ còn chậm, khó tiếp cận, điển hình như Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN theo quyết định 592 của Thủ tướng chính phủ được ban hành từ năm 2012 nhưng đến nay các doanh nghiệp được thụ hưởng từ chương trình này rất ít. Mặt khác, doanh nghiệp đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng tự đổi mới hạn chế trong khi Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả, tạo sự gắn kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp nhận các kết quả KH&CN mới để hình thành các doanh nghiệp KH&CN. Trên đây là một số vấn đề vướng mắc trên đã cản trở việc hình thành doanh nghiệp KH&CN của cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng. Để tạo động lực phát triển doanh nghiệp KH&CN cần tiếp tục cải tiến chính sách hỗ trợ theo hướng thiết thực, đồng bộ. Cụ thể như: Hoàn thiện về cơ chế, chính sách về phát triển doanh nghiệp KH&CN; Đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông, phổ biến thông tin; Hỗ trợ thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN; Nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp và tổ chức KH&CN.

Thứ hai, về xác định tổ chức KH&CN công lập và đăng ký hoạt động KH&CN

Theo quy định tổ chức KH&CN là tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật (Khoản 11, Điều 3, Luật KH&CN); Trong thời hạn 10 đến 60 ngày, kể từ ngày được thành lập, tổ chức khoa học và công nghệ phải đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Khoản 1, điều 11, Nghị định 08).

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thành lập tổ chức KH&CN công lập của tỉnh (Quy định tại khoản 1 điều 3 nghị định 08); Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 để trở thành tổ chức KH&CN công lập thì điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập thực hiện theo Nghị định số 55/2012/NĐ-CP và Nghị định số 08/2014/NĐ-CP. Như vậy các đơn vị sự nghiệp công của tỉnh đã được thành lập theo nghị định 55 có chức năng theo quy định của Luật KH&CN để trở thành tổ chức KH&CN phải trình UBND tỉnh quyết định thành lập (Quy định tại: điều 6, Thông tư 03; điều 4 và điều 6, Nghị định 08). Các tổ chức KH&CN đã được UBND tỉnh xác định và quyết định thành lập thì phải thực hiện việc đăng ký theo quy định tại khoản 1, điều 11, nghị định 08.

Tổ chức KH&CN công lập do UBND tỉnh thành lập thuộc thẩm quyền cấp chứng nhận đang ký hoạt động KH&CN của Sở KH&CN. Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định các tổ chức sự nghiệp công lập ở tỉnh còn nhiều vướng mắc, cụ thể như:

Các tổ chức có chức năng theo quy định của luật KH&CN để được xác định là tổ chức KH&CN thì trong Quyết định thành lập phải nêu rõ là tổ chức KH&CN công lập, nhưng trong quyết định thành lập các tổ chức sự nghiệp trên địa bàn tỉnh đều không nêu rõ điểm này. Do đó các đơn vị muốn xác định là tổ chức KH&CN công lập cần thực hiện quy định thành lập theo hướng dẫn của điểm a, khoản 2, điều 6, Thông tư 03 và điều 6, Nghị định 08 và được UBND tỉnh nêu rõ trong quyết định thành lập. Trong công văn số 2781 ngày 5/8/2014 của Bộ KH&CN về việc xác định tổ chức KH&CN công lập trong việc đăng ký hoạt động KH&CN cũng đã chỉ đạo việc đăng ký hoạt động KH&CN đối với tổ chức KH&CN công lập phải xác định đúng theo quy định. Vậy đối tổ chức trong quyết định thành lập có chức năng phù hợp theo luật KH&CN nhưng không nêu rõ là tổ chức KH&CN thì có bắt buộc phải trình thành lập tổ chức KH&CN và đăng ký hoạt động KH&CN hay không? Nếu không đăng ký khi hoạt động KH&CN có bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ? Mặt khác các tổ chức trong quyết định thành lập có chức năng nghiên cứu nhưng không phải chức năng chủ yếu là nghiên cứu KH&CN thì có được thực hiện nghiên cứu KH&CN không? Các tổ chức có chức năng nghiên cứu nhưng không được xác định là tổ chức KH&CN có được đăng ký hoạt động KH&CN? Ngoài ra các đơn vị sự nghiệp công không thuộc đối tượng áp dụng của nghị định 55 (khoản 2, điều 2, nghị định 55) có phải thực hiện theo quy định tại điều 6 nghị định 08 hay chỉ thực hiện đăng ký hoạt động KH&CN với sở KH&CN?

Đây là những vấn đề vướng mắc trong việc xác định và đăng ký hoạt động khoa học công nghệ đối với tổ chức KH&CN công lập cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học ở các tổ chức sự nghiệp có chức năng nghiên cứu. Để thực hiện tốt việc đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức KH&CN, trong thời gian tới Bộ KH&CN cần ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể, đầy đủ trong hoạt động đăng ký, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học ở địa phương./




Tăng cường ứng dụng tiến bộ KHCN trong nông nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt đến các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân về quan điểm, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến, quyết tâm cao để đưa nông nghiệp lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao.



Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đồng thời, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới; thực thi các biện pháp quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo đột phá trong thực hiện tái cơ cấu; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học công nghệ mới tiên tiến; xây dựng mô hình mẫu với từng ngành để nhân ra diện rộng; khuyến khích liên kết giữa các tổ chức khoa học nhà nước với các doanh nghiệp.

Xây dựng chương trình đẩy mạnh nghiên cứu, thông tin thị trường, đặc biệt là thông tin về các cam kết thương mại hàng nông, lâm, thủy sản song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia, những cơ hội và thách thức để doanh nghiệp và người dân biết, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời phát triển thị trường và bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước; quan tâm phát triển thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông lâm thủy sản.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường trí thức trẻ cho hợp tác xã nông nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối với các địa phương đã phê duyệt Đề án hoặc Chương trình, Kế hoạch hành động cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Đối với các địa phương chưa phê duyệt Đề án hoặc Chương trình, Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt trong Quý IV năm 2015; lấy địa bàn xã làm cơ sở để chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã, trong đó ở cấp xã, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thực hiện kiêm nhiệm nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu rà soát quy hoạch sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương và ưu tiên nguồn lực, tập trung chỉ đạo để tạo chuyển biến rõ rệt về hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Phát hiện, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân sản xuất quy mô lớn theo chuỗi. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý giống, vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm các vi phạm để giảm bớt rủi ro cho nông dân, giảm chi phí sản xuất.

Các địa phương có trong quy hoạch xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao (theo Quyết định 575/QĐ-TTg ngày 4/5/2015 của Thủ tướng) cần triển khai mạnh mẽ, làm đầu tàu về phát triển nông nghiệp hiện đại, hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành rà soát, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ quyết liệt tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó lưu ý điều chỉnh, xây dựng các chính sách có tính đặc thù của các vùng, miền; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng huy động, phân bổ các nguồn lực để thực hiện Đề án cho giai đoạn 2016-2020.



Theo DNVN


5 tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động DNNN

Theo Nghị định 87/2015/NĐ-CP, có 5 tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước.

Ảnh minh họa

5 tiêu chí gồm: 1- Doanh thu; 2- Lợi nhuận sau thuế và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu; 3- Nợ phải trả quá hạn, khả năng thanh toán nợ đến hạn; 4- Chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, pháp luật về thuế và các khoản thu nộp ngân sách khác, quy định về chế độ báo cáo tài chính và báo cáo để thực hiện giám sát tài chính; 5- Tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.

Các tiêu chí nêu trên được xác định và tính toán từ số liệu trong các báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, báo cáo thống kê định kỳ theo quy định hiện hành của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập và của công ty mẹ.

Các tiêu chí 1, 2, 4, 5 nêu trên khi tính toán được xem xét, loại trừ các yếu tố tác động: Do nguyên nhân khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh và các nguyên nhân bất khả kháng khác; do đầu tư mở rộng phát triển sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm ảnh hưởng đến lợi nhuận trong hai năm đầu kể từ năm đưa công trình đầu tư vào sử dụng; do nhà nước điều chỉnh giá (đối với sản phẩm do Nhà nước định giá) làm ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp hoặc phải thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với doanh nghiệp được thành lập và thực tế hoạt động thường xuyên ổn định và chủ yếu là cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, việc xếp loại doanh nghiệp căn cứ vào từng tiêu chí 1, 3, 4 và tiêu chí 5 nêu trên.



Xếp loại doanh nghiệp

Căn cứ các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu giao các chỉ tiêu đánh giá, xếp loại phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp. Các chỉ tiêu này phải giao cho doanh nghiệp bằng văn bản trước ngày 30 tháng 4 của năm kế hoạch và không được điều chỉnh trong suốt kỳ thực hiện kế hoạch (trừ các trường hợp bất khả kháng lớn).

Kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính hằng năm của doanh nghiệp phải được lập căn cứ vào Kế hoạch chiến lược của doanh nghiệp, xu hướng phát triển của ngành, các thay đổi về mặt pháp lý, kết quả hoạt động của năm trước, các nhiệm vụ chiến lược hoặc các nhiệm vụ được giao trong năm kế hoạch, các điều kiện bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Kế hoạch hằng năm phải bao gồm các mục tiêu tài chính cụ thể.

Việc đánh giá hiệu quả và xếp loại doanh nghiệp thực hiện trên cơ sở so sánh giữa kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được cơ quan đại diện chủ sở hữu giao với kết quả thực hiện.



Kết quả đánh giá và xếp loại doanh nghiệp được phân loại: Doanh nghiệp xếp loại A, doanh nghiệp xếp loại B, doanh nghiệp xếp loại C theo mức độ hoàn thành các chỉ tiêu đánh giá do cơ quan đại diện chủ sở hữu giao cho từng doanh nghiệp.

Theo Chinhphu.vn



tải về 73.87 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương