Kỹ sư Tai H. Do, dấu ấn vn trên phi thuyền con thoi Mỹ



tải về 13.24 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu20.01.2018
Kích13.24 Kb.
#36185
Kỹ sư Tai H. Do, dấu ấn VN trên phi thuyền con thoi Mỹ.

Đặng Ngọc Khoa.

Tôi gặp ông tại Đà Nẵng hôm phi thuyền con thoi Atlantis bắt đầu thực hiện sứ mệnh STS- 117 trên trạm không gian quốc tế ISS. Tại đỉnh Bàn Cờ cao ngất trên núi Sơn Trà, chỉ tay lên nền trời xanh thẳm, ông tiết lộ: “Có hai sản phẩm của công ty mình trên tàu con thoi, trong đó có một cái do mình sáng chế”. Ông là kỹ sư cao cấp Tai H. Do, chuyên gia tư vấn nhóm thiết kế công nghệ hàng không không gian của Tập đoàn Alcoa lừng danh tại Mỹ với các đối tác chiến lược như NASA, Lockheed, Pratt & Whitney, Boeing, Airbus...

 

Theo ông có khoảng 2.000 công ty trên toàn thế giới tham gia chương trình phi thuyền con thoi NASA, Mỹ. Tại một số công ty này, có khá nhiều kỹ sư, khoa học gia gốc Việt mà trường hợp của kỹ sư thiết kế Tai H. Do chỉ là một trong nhiều ví dụ- không có gì ghê gớm- theo cách nói khiêm tốn của ông. Theo học tại Pháp rồi sau 1975, ông sang Mỹ và được nhận làm việc ngay trong chuyên ngành của mình. Tính đến nay đã 32 năm, ông vừa về hưu non và được mời trở lại làm tư vấn công nghệ cho hãng cũ, mỗi tuần 10 tiếng, với tất cả tiêu chuẩn ưu đãi cho một chuyên gia 65 tuổi tư vấn công nghệ.



 

Về Việt Nam kỳ này, chủ yếu ông làm từ thiện, nhân dịp ghé Đà Nẵng thăm bán đảo Sơn Trà nổi tiếng của miền Trung. Tại đây, tôi may mắn gặp ông trong một quán cà phê đong đầy nhạc Trịnh Công Sơn. Do có một số thắc mắc của tôi về công nghệ hàng không vũ trụ, về phi thuyền con thoi, ông tranh thủ thời gian giải thích cho một người ham hiểu biết. Qua đó, tôi được biết ông là một trong những kỹ sư gốc Việt góp phần chính trong việc thiết kế 2 sản phẩm trên phi thuyền con thoi và 4 sản phẩm khác trên máy bay dân dụng Mỹ và châu Âu. Ông tham gia việc cải tiến phi thuyền từ đầu thập niên 1990 và có một sản phẩm được cấp bằng sáng chế năm 1992, trong tổng số bằng sáng chế của ông. Sản phẩm trên phi thuyền con thoi của ông đạt chuẩn quân sự Mỹ MIL-F-85421 và mang mã số AS 1986 trong chuẩn hàng không SAE của Hoa kỳ. Nó đã được công bố trên mạng, còn bằng sáng chế thì ông đã tặng cho con trai nhân ngày cháu ra trường tại California. Sản phẩm này là một bộ phận của hệ thống thủy lực (Hydraulic System) tên là Actuator/Adaptor, điều tiết một số lực truyền động trên phi thuyền. Nó đạt 15 tính năng kỹ thuật, trong đó có tính năng chịu nhiệt đến 435 độ C và vẫn hoạt động bình thường sau 56 ngày bị phun nước mặn. Ông nói: “Hiện tôi và các đồng sự vẫn tiếp tục tham gia cải tiến một số chi tiết trên tàu con thoi. Đây là công việc liên tục và bình thường trong chương trình cải tiến  phi thuyền của NASA”.

 

Ngoài phi thuyền con thoi, nhóm của ông còn tham gia việc định chuẩn nghiệm thu cho nhiều loại máy bay dân dụng và quân dụng Mỹ, châu Âu. Gần đây nhất, máy bay thân rộng A380 của hãng Airbus đã sử dụng cơ phận khóa khớp nối (Locking Coupling Device) do ông chủ trì sáng chế. Cơ phận này có thể chịu nhiệt đến 1.300 độ F (hơn 704 độ C), chịu rung 10 triệu chu kỳ với tần số 100 Hertz. Hiện ông có ý định đưa cơ phận này vào phi thuyền vũ trụ. Điều thú vị, theo kỹ sư Tai H. Do, là ngành cơ khí Việt Nam hoàn toàn có khả năng gia công theo mẫu thiết kế của cơ phận này từ hợp kim titanium tinh luyện 6Al- 4V. “Trong trường hợp chưa tinh luyện được 6Al- 4V, Việt Nam có thể mua nó tại các nước khác rồi tự mình gia công. Nếu các điều kiện thương thảo thuận lợi,, công ty của tôi sẽ đặt hàng gia công theo mẫu, lúc ấy người Việt mình có quyền tự hào về sản phẩm made in VN trên tàu con thoi!” Ông hào hứng nói rồi tỏ ra rất tiếc trước tình trạng khai thác “cát đen” thô ở nhiều nơi, nhất là ở miền Trung. “Hiện nay, theo tôi biết thì ta chỉ khai thác titanium ở dạng thô- Ilmenite, Rutile hoặc Titanium Dioxide- chứ chưa nghĩ đến chuyện tinh luyện sâu hơn. Việt Nam cần nhanh chóng có chiến lược phù hợp, có tầm nhìn kinh doanh lâu dài nhằm bảo vệ nguồn titanium mà ở Mỹ người ta xếp hạng khoáng sản quốc phòng, khoáng sản chiến lược cực kỳ hiếm quý”. Ông nói. Tuy nhiên, cũng theo ông có thể từ con đường vòng nào đó trong mối giao thương chằng chịt toàn cầu, cát đen Việt Nam, sau khi được nước ngoài mua về tinh luyện thành titanium 6Al- 4V, thông qua các hợp đồng cung cấp của 2.000 công ty đối tác của NASA, chúng có khả năng đã gián tiếp có mặt trên phi thuyền con thoi rồi! Ông thú vị nhắc đến một phạm trù nhà Phật “trùng trùng duyên khởi”.



Ông lại nói: “Việt Nam có titanium là điều rất đáng mừng, nên xem đó là vũ khí chiến lược về công nghệ và kinh tế. Không nên khai thác tuyệt tận để xuất khẩu quặng thô mà nên để dành một dự trữ chiến lược cho đến khi ta đủ khả năng tinh luyện thành hợp chất titanium. Có như vậy, một ngày nào đó, ta mới có thể dùng nguyên liệu trong nước làm ra sản phẩm cho các ứng dụng trên máy bay và tàu không gian”.

Ông tin rằng sau nhiều dò dẫm và thử thách, nói chung nền công nghiệp VN đã phát triển đúng hướng và bền vững, tuy từ đó có phát sinh sự phân hóa giàu nghèo đáng buồn và đáng lo. “Công nghiệp VN đang nổi lên như một ngôi sao mới trên bầu trời thế giới. Trên bầu trời ấy, không lý gì người Việt không thể trực tiếp đóng góp chất xám và nguyên vật liệu cho ngành công nghệ hàng không, vũ trụ”. Ông nói.



ĐNK.

tải về 13.24 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương