KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)


Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị



tải về 6.12 Mb.
trang78/86
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích6.12 Mb.
#1452
1   ...   74   75   76   77   78   79   80   81   ...   86

34. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri cho rằng, gần đây các vụ án tham nhũng lớn là một nguy cơ, đã ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, nhất là trong nhân dân rất bức xúc, nhưng xử lý còn chậm và còn nhẹ. Đề nghị thời gian tới tất cả các vụ án tham nhũng dù lớn hay nhỏ phải xử lý nhanh, không nên kéo dài và xử lý nghiêm minh có tính chất răn đe để ngăn chặn, cần ngăn chặn cán bộ, công chức khi thi hành nghiệm vụ nhũng nhiễu nhân dân để hối lộ.

Trả lời: Tại công văn số 477/TANDTC-TKTH ngày 29/8/2014



1. Về việc cử tri đề nghị thời gian tới tất cả các vụ án tham nhũng dù lớn hay nhỏ phải xử lý nhanh, không nên kéo dài và xử lý nghiêm minh có tính chất răn đe để ngăn chặn, cần ngăn chặn cán bộ, công chức khi thi hành nghiệm vụ nhũng nhiễu nhân dân để hối lộ

a) Về nội dung các vụ án về tham nhũng lớn là một nguy cơ, đã ảnh hưởng xấu đến nên kinh tế, nhất là trong nhân dân rât bức xúc, nhưng xử lý còn chậm

Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ án, đảm bảo giải quyết các vụ án trong thời hạn theo quy định của pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng đã được đề cập trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao khi chỉ đạo hoạt động của Tòa án các cấp trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao còn ban hành nhiều công văn nhắc nhở, đôn đốc, thành lập các đoàn kiểm tra việc chậm đưa vụ án ra xét xử ở một số Tòa án địa phương. Riêng đối với các vụ án tham nhũng, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao là các Tòa án cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các ngành Công an, Viện kiểm sát và các cơ quan chức năng khác để khẩn trương phát hiện, điều tra, kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án từ Viện kiểm sát cùng cấp chuyển sang phải phân công Thẩm phán làm chủ toạ phiên toà, khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và bố trí lịch xét xử để sớm đưa vụ án ra xét xử kịp thời.

Quán triệt chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, nhìn chung các vụ án về tham nhũng đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử, đáp ứng yêu cầu đấu tranh đối với loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.

- Năm 2010, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết 367 vụ/916 bị cáo (xét xử 259 vụ với 570 bị cáo) trong tổng số 398 vụ/1.047 bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã thụ lý, đạt 92,2% số vụ/87,5% số bị cáo phải giải quyết;

- Năm 2011, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết 314 vụ/820 bị cáo (xét xử 220 vụ với 485 bị cáo) trong tổng số 338 vụ/902 bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã thụ lý, đạt 93% số vụ/91% số bị cáo phải giải quyết;

- Năm 2012, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết 328 vụ/749 bị cáo (xét xử 245 vụ với 513 bị cáo) trong tổng số 351 vụ/804 bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã thụ lý, đạt 93,4% số vụ/93,2% số bị cáo phải giải quyết;

- Năm 2013, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết 383 vụ/893 bị cáo (xét xử 281 vụ với 552 bị cáo) trong tổng số 418 vụ/1.019 bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã thụ lý, đạt 92% số vụ/88% số bị cáo phải giải quyết;

- 6 tháng đầu năm 2014, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết 140 vụ/419 bị cáo (xét xử 101 vụ với 295) trong tổng số 219 vụ/654 bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã thụ lý, đạt 64% số vụ/64,1% số bị cáo phải giải quyết.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, các vụ án về tham nhũng, chức vụ lớn, đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết và được Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình. Điển hình như: vụ án Vũ Việt Hùng, nguyên giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Đăk Lắk - Đắk Nông cùng các đồng phạm phạm tội “Nhận hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Đắk Nông, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng các đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, vụ án Nguyễn Thanh Huyền - nguyên Phó tổng giám đốc Vifon cùng các đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, vụ án Vũ Quốc Hảo - nguyên Tổng giám đốc, Chủ tịch hội đồng Công ty cho thuê tài chính ALCII cùng các đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, vụ án Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Quá trình giải quyết các vụ án, khi phát hiện căn cứ cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội hoặc người phạm tội, Tòa án đã yêu cầu khởi tố vụ án hoặc khởi tố thêm bị can; đồng thời khi phát hiện có sự buông lỏng, sơ hở trong công tác quản lý là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các Tòa án đã kiến nghị với các cơ quan có liên quan để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý.

Tuy nhiên, các vụ án về tham nhũng là những vụ án rất phức tạp, thường có nhiều người tham gia và có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, kẻ phạm tội thường là người có trình độ nên thủ đoạn phạm tội cũng rất tinh vi. Trong khi đó, nhận thức pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong một số trường hợp còn có sự khác nhau khi đánh giá chứng cứ và xác định tội danh nên trong nhiều trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương thường phải có văn bản trao đổi nghiệp vụ với cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên. Mặt khác, thực tiễn xét xử các tội phạm tham nhũng cho thấy, cũng xuất phát từ nhận thức pháp luật chưa thống nhất nên số lượng các trường hợp Tòa án phải trả hồ sơ để yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung đối với các vụ án này là khá nhiều (năm 2010, các Tòa án xét xử theo thủ tục sơ thẩm 262 vụ, với 577 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì có 107 trường hợp phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; năm 2011, các Tòa án xét xử theo thủ tục sơ thẩm 220 vụ với 485 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì có 89 trường hợp phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; năm 2012, các Tòa án giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 245 vụ với 513 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì có 76 trường hợp phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; năm 2013, các Tòa án giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 281 vụ với 552 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì có 101 trường hợp phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; Trong 6 tháng đầu năm 2014, các Tòa án giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 101 vụ với 295 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì có 37 trường hợp phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung). Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp vụ án tham nhũng có nhiều bị cáo bị đưa ra xét xử nhưng có bị cáo vắng mặt tại phiên tòa với lý do là đau ốm không thể tham dự phiên tòa; các Tòa án đã tiến hành xác minh và thấy lý do vắng mặt của bị cáo là chính đáng nên đã hoãn phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Đây là những nguyên nhân dẫn tới việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án, đã gây dư luận chưa tốt của quần chúng nhân dân về việc các cơ quan tiến hành tố tụng cố tình kéo dài vụ án, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân trong công tác chống tham nhũng.

b) Về nội dung các vụ án tham nhũng xử lý còn nhẹ, gây bức xúc trong nhân dân

Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao là xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án hình sự nói chung, đặc biệt là các vụ án về tham nhũng lớn, vụ án nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân; trong đó cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước. Việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo chỉ áp dụng đối với những bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đáng được khoan hồng đặc biệt, đúng với quy định của pháp luật, cũng như hướng dẫn của liên ngành tư pháp trung ương và Tòa án nhân dân tối cao.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, trong thời gian qua, về cơ bản, các vụ án về tham nhũng được các Tòa án xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Đối với các đối tượng giữ vai trò là người tổ chức, cầm đầu, chủ mưu và thuộc các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì khi xét xử Tòa án quyết định hình phạt nghiêm minh và không cho các bị cáo này được hưởng án treo. Cụ thể: trong số 295 bị cáo bị xét xử các tội về tham nhũng trong 06 tháng đầu năm 2014, các Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tử hình và tù chung thân đối với 06 bị cáo; xử phạt tù có thời hạn 245 bị cáo; xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo 44 bị cáo.

Về việc cho bị cáo được hưởng án treo, có thể thấy rằng từ năm 2013 việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo được giám sát rất chặt chẽ trong toàn hệ thống Tòa án, nhất là đối với các bị cáo phạm tội về tham nhũng, chức vụ. Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra về nội dung này tại các Tòa án địa phương; các trường hợp phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo đều phải gửi bản án cho Tòa án nhân dân tối cao để giám đốc việc xét xử và kiên quyết kháng nghị đối với những trường hợp cho hưởng án treo thiếu căn cứ. Các Thẩm phán có bản án cho hưởng án treo không đúng quy định phải kiểm điểm, giải trình, rút kinh nghiệm kịp thời. Trong năm 2013, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng thông qua Nghị quyết hướng dẫn bổ sung chế định án treo, theo hướng quy định chặt chẽ, cụ thể hơn các điều kiện cho hưởng án treo, đặc biệt là đối với các bị cáo phạm tội về tham nhũng, chức vụ. Quán triệt đường lối xét xử nêu trên, các trường hợp phạm tội về tham nhũng được Tòa án cho hưởng án treo đã có xu hướng giảm dần (năm 2011 tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo là 37%, năm 2012 là 30% và năm 2013 là 27%; trong 06 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được Tòa án cho hưởng án treo giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, với số bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo là 44 vụ, chỉ chiếm 15% trong tổng số các bị cáo đã xét xử) và về cơ bản việc cho hưởng án treo là có căn cứ pháp luật.

Tuy nhiên, cũng còn một thức tế là vẫn còn tồn tại một số trường hợp các Tòa án cho bị cáo hưởng án treo chưa phù hợp với quy định của pháp luật (trong năm 2013, có 3/151 bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo bị Tòa án cấp trên hủy, sửa án; 6 tháng đầu năm 2014, không có bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo bị Tòa án cấp trên hủy, sửa án). Điều này xuất phát từ thực tế là trong các vụ án tham nhũng thường có nhiều bị cáo; ngoài một số bị cáo chủ mưu, tham gia với vai trò tích cực, thì cũng có nhiều bị cáo tham gia với vai trò thứ yếu, nhất thời phạm tội hoặc bị rủ rê, lôi kéo; có nhiều tình tiết giảm nhẹ (bị cáo hoặc gia đình bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả; bản thân hoặc gia đình có công với cách mạng…). Mặt khác, Nghị quyết số 01/2007/HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao khi hướng dẫn về chế định “án treo” chỉ đề cập tố yếu tố pháp lý của chế định này, chưa có các hướng dẫn chặt chẽ, cụ thể việc cho hưởng án treo đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng. Do đó khi xét xử, cũng có những Thẩm phán do mới chỉ chú trọng yếu tố pháp lý đơn thuần, chưa cân nhắc đầy đủ yêu cầu đấu tranh phòng, chống các tội phạm về tham nhũng trong tình hình hiện nay, nên khi bị cáo có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị quyết 01/2007/HĐTP thì quyết định cho bị cáo hưởng án treo. Vấn đề này đã được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao rút kinh nghiệm trong toàn ngành và mới đây Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06 tháng 11 năm 2013 hướng dẫn bổ sung chế định án treo, trong đó có các quy định chặt chẽ, cụ thể hơn các điều kiện cho hưởng án treo, đặc biệt là đối với các bị cáo phạm tội về tham nhũng, chức vụ. Không được áp dụng cho hưởng án treo đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội hoặc người tuy bị Tòa án quyết định hình phạt dưới 03 năm tù nhưng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

c) Các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác xét xử các vụ án về tham nhũng nhằm đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án về tham nhũng, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng

Trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục chỉ đạo Tòa án các cấp thực hiện tốt một số giải pháp để đưa ra xét xử nhanh chóng, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, cụ thể như sau:

- Trong công tác chỉ đạo điều hành, lãnh đạo các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công tác của cán bộ, công chức; nắm chắc tình hình, kết quả thực hiện công tác xét xử hàng tháng để có kế hoạch, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ án; tiếp tục đổi mới các thủ tục hành chính tư pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc, đặc biệt trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê chính xác số lượng các vụ án quá hạn luật định để tập trung cán bộ giải quyết dứt điểm các vụ án này; rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm các cán bộ, Thẩm phán thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác dẫn đến để các vụ án quá thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các vụ án về tham nhũng.

- Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh cần chú trọng và làm tốt công tác điều động, biệt phái cán bộ, Thẩm phán để tăng cường công tác xét xử cho các Tòa án nhân dân cấp huyện có số lượng án tăng đột biến, nhưng số lượng cán bộ, Thẩm phán chưa đủ đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc.

Đặc biệt, đối với việc nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác giải quyết các vụ án về tham nhũng, các giải pháp được xác định là:

- Tòa án nhân dân tối cao sẽ phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương tập trung làm tốt việc hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật liên quan tới các tội phạm về tham nhũng, nhằm tháo gỡ những vướng mắc mà các cơ quan tư pháp địa phương đang gặp phải trong quá trình giải quyết các vụ án này.

- Chỉ đạo các Tòa án địa phương tăng cường sự phối hợp với các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án; bố trí các Thẩm phán có kinh nghiệm, năng lực tham gia giải quyết, xét xử các vụ án về tham nhũng; thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về hoãn phiên tòa và Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA- TANDTC ngày 27/8/2010 của liên ngành về hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

- Việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo phải đảm bảo các căn cứ theo quy định tại Điều 60 BLHS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Chỉ thị số 01/2005/CT-CA ngày 30/8/2005 về công tác đấu tranh phòng, chống một số tội phạm hình sự trong tình hình hiện nay và Công văn số 134/TA-TKTH ngày 08/10/2010 về tăng cường kiểm tra việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

- Tăng cường công tác giám đốc, kiểm tra việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới, kịp thời phát hiện và khắc phục ngay đối với các sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết vụ án, trong đó có việc cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp. Đối với các vụ án về tham nhũng mà có bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ thì Tòa án đã xét xử phải gửi bản án về Tòa án nhân dân tối cao để giám đốc kiểm tra nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ công tác xét xử đối với loại tội phạm này.

- Đối với các trường hợp cho các bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật, thì sẽ phải kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm, nếu do lỗi chủ quan của Thẩm phán thì sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc.


VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
1. Cử tri các tỉnh Cà Mau, Hà Tĩnh, Lạng Sơn kiến nghị: Về sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan.

Trả lời: Tại công văn số 3248/VKSTC-V8 ngày 24/9/2014

- Về ý kiến liên quan đến tỷ lệ thương tích cấu thành tội phạm: quy định tỷ lệ thương tích 9% có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật hình sự. Hiện nay, Bộ Tư pháp là cơ quan được giao trách nhiệm chủ trì soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Do đó, vấn đề tỷ lệ thương tích sẽ được nghiên cứu cụ thể trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự.

- Về ý kiến liên quan đến việc nâng cao trách nhiệm, tính độc lập trong việc thực hiện quyền của các chức danh tư pháp: Tăng thẩm quyền cho những người trực tiếp tiến hành tố tụng là chủ trương quan trọng của cải cách tư pháp, được đề ra trong các nghị quyết của Đảng nhằm nâng cao trách nhiệm, tính độc lập của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán. Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) hiện đang được nghiên cứu, đề xuất xây dựng theo hướng: đối với những thẩm quyền tố tụng quan trọng, có tính chất đóng, mở một giai đoạn tố tụng, những thẩm quyền liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân giao cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định; những thẩm quyền nhằm phát hiện, làm sáng tỏ sự thật vụ án giao cho Điều tra viên, Kiểm sát viên quyết định, trừ thẩm quyền trưng cầu giám định, định giá tài sản, truy nã bị can, bị cáo; tăng thẩm quyền cho Thẩm phán được quyết định áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn xét xử, cấp và thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa.

- Về ý kiến liên quan trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện các yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát:

+ Điều 114 BLTTHS năm 2003 quy định: “Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát. Đối với những yêu cầu và quyết định quy định tại các điểm 4, 5 và 6 Điều 112 của Bộ luật này, nếu không nhất trí, Cơ quan điều tra vẫn phải chấp hành, nhưng có quyền kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị”. Nhằm tăng cường trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện các yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát, Dự thảo đề xuất sửa theo hướng: trường hợp hành vi của Điều tra viên có dấu hiệu tội phạm thì Viện kiểm sát quyết định khởi tố hoặc chuyển Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét khởi tố về hình sự. Đồng thời, nhằm tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra, Dự thảo bổ sung quy định: Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các yêu cầu, quyết định của mình.

+ Về trách nhiệm thông báo việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo cho Viện kiểm sát.

- Về ý kiến liên quan đến áp dụng biện pháp ngăn chặn: Nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất trong việc quy định các biện pháp tố tụng liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân và tạo điều kiện cho thực tiễn áp dụng, dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã thu hút toàn bộ các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự để điều chỉnh chung trong chương VI với tên gọi là “Những biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự”. Đối với biện pháp tạm giam, Dự thảo quy định rõ căn cứ tạm giam theo hướng: tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù và có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được hính xác nhân thân của bị can; có thể bỏ trốn; có thể cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử; có thể tiếp tục phạm tội. Bổ sung các quy định nhằm bảo đảm mọi biện pháp ngăn chặn phải có thời hạn cụ thể.

- Về ý kiến liên quan đến tạm đình chỉ điều tra: Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) ghi nhận ý kiến của cử tri để nghiên cứu đề xuất hướng xử lý vụ án tiếp theo đối với trường hợp đã hết thời hạn điều tra mà chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu mà đã hết thời hiệu điều tra.

- Về ý kiến liên quan đến khởi tố theo yêu cầu của người bị hại: Liên quan đến nội dung này, BLTTHS năm 2003 cũng đã có quy định tại khoản 2 Điều 105 như sau: “Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”. Dự thảo BLTTHS nghiên cứu để bổ sung một số quy định chống việc đe dọa, cưỡng bức người bị hại trong những trường hợp này.

- Về ý kiến liên quan đến giám định thương tích của người bị hại: Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã bổ sung quy định thời hạn giám định để tiến hành giám định tỷ lệ thương tích của bị hại nhằm xác định chính xác tỷ lệ thương tích, bảo đảm xử lý đúng đắn vụ án.

- Về các ý kiến liên quan đến mô hình tổ chức điều tra, thẩm quyền của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra:

+ Về mô hình tổ chức Cơ quan điều tra không chuyên trách, theo Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Dự thảo đã giữ nguyên mô hình, thẩm quyền của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đồng thời, đề xuất các cơ quan Thuế, Kiểm ngư cũng được giao thẩm quyền này.

+ Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã bổ sung quy định về trách nhiệm phát hiện tội phạm, khởi tố vụ án hình sự của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

+ Ngày 17/2/2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP hướng dẫn thực hiện việc bắt, tạm giữ hình sự và kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại các đồn biên phòng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/4/2014. Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) cũng đã bổ sung quy định về việc tăng thẩm quyền cho một số chủ thể thuộc Bộ đội Biên phòng có quyền áp dụng biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ.

+ Để bảo đảm cho Bộ đội Biên phòng và các cơ quan khác được giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra, Dự thảo sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ thẩm quyền tố tụng của cấp trưởng, cấp phó, trợ lý điều tra trong các cơ quan này.

+ Về các vấn đề khác liên quan đến việc bảo đảm sự đồng bộ giữa BLTTHS với Luật tổ chức cơ quan điều tra, tăng thẩm quyền điều tra cho những Cơ quan điều tra không chuyên trách, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xin ghi nhận để nghiên cứu, thể hiện trong Dự án BLTTHS.



- Về ý kiến liên quan đến nhập, tách vụ án hình sự:

+ Cùng với việc xây dựng Dự thảo BLTTHS (sửa đổi), VKSND tối cao cũng đang triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn, triển khai thi hành Bộ luật, trong đó có nội dung về nhập, tách vụ án hình sự.



+ Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) xin nghiên cứu tiếp thu ý kiến về thời hạn điều tra trong trường hợp nhập vụ án.

- Về các ý kiến liên quan đến giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự: Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) xin nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tăng thời hạn giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự và giao bản kết luận điều tra nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến về thời hạn xác minh những trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.

- Về ý kiến liên quan đến thẩm quyền của Tòa án:

+ Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đang thể hiện hai phương án để xin ý kiến các ngành, các cấp: phương án 1 giữ như quy định hiện hành; phương án 2 sửa đổi theo hướng bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Tòa án để tăng cường tính khách quan trong hoạt động xét xử của Tòa án.

+ Để bảo đảm tính độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án, dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật tại Điều 16 BLTTHS sự năm 2003 như sau: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”.

- Về ý kiến khác liên quan đến các nguyên tắc của BTTHS:

+ Nhằm hoàn thiện hệ thống những nguyên tắc cơ bản của BLTTHS đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã bổ sung và cụ thể hóa nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội; trên cơ sở nguyên tắc “Bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án” quy định tại Điều 19 BLTTHS năm 2003 đã xây dựng nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng, công bằng trong xét xử” nhằm cụ thể hóa “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” của Hiến pháp năm 2013.

+ Về ý kiến liên quan đến vấn đề bổ sung nguyên tắc “Bị can, bị cáo có quyền giữ im lặng trong mọi giai đoạn tố tụng”: Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau qua thảo luận. Do vậy, Dự thảo xây dựng hai phương án để xin ý kiến: phương án 1 bổ sung bị can, bị cáo có quyền im lặng và cơ chế cụ thể của quyền im lặng này; phương án 2 giữ như quy định hiện hành, bị can, bị cáo có quyền khai báo.

2. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Đề nghị VKS thực hiện chức năng kiểm sát tư pháp và thực hành quyền công tố tốt hơn đối với các vụ án tham nhũng đế giúp cho Tòa án xét xử nghiêm minh.


Каталог: userfiles -> files -> TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)

tải về 6.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   74   75   76   77   78   79   80   81   ...   86




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương