KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 6.12 Mb.
trang77/86
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích6.12 Mb.
#1452
1   ...   73   74   75   76   77   78   79   80   ...   86

Trả lời: Tại công văn số 470/TANDTC-DS ngày 29/8/2014

1. Về 06 vụ án dân sự chưa thi hành án được ở tỉnh Quảng Bình

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về 06 vụ án này. Ngay sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Tòa án nhân dân tối cao rút ngay hồ sơ các vụ án để nghiên cứu, xem xét, báo cáo lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng của Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình phối hợp với các cơ quan hữu quan của tỉnh Quảng Bình xem xét cụ thể lý do việc không thi hành án được (đối với các vụ án đến nay chưa thi hành án được) và tìm giải pháp khắc phục. Đến nay, kết quả giải quyết các vụ án này cụ thể như sau:

1.1. Vụ án “Ly hôn” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Phúc với bị đơn là ông Mai Xuân Thắm (bản án phúc thẩm số 06/2006/PTLH-PT ngày 28/02/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Theo Báo cáo số 81/BC.CCTHA ngày 26/7/2014 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình thì bà Nguyễn Thị Phúc (bên yêu cầu thi hành án) đã nhất trí phá dỡ một phần công trình xây dựng (nhà ngang, bếp và công trình phụ) trên phần đất mà bà Phúc được giao sở hữu, sử dụng để giao đất đủ diện tích đất cho ông Mai Xuân Thắm theo quyết định của bản án, nhưng do ông Thắm đi làm ăn xa không liên lạc được nên việc thi hành án phải tạm dừng. Như vậy, về cơ bản, người yêu cầu thi hành án đã tự nguyện thống nhất phương án thi hành án (đồng ý phá dỡ phần tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu,sử dụng của mình để giao đủ đất cho bên kia), không còn vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án.

1.2. Vụ án “Ly hôn” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Lợi với bị đơn là ông Phan Xuân Lai (bản án phúc thẩm số 27 ngày 29/10/1998 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Theo Báo cáo số 81/BC.CCTHA ngày 26/7/2014 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Ba Đồn, thì sau khi xét xử phúc thẩm, ông Lai đã xây dựng nhà bếp, công trình vệ sinh kiến cố trên phần đất được giao làm lối đi cho bà Lợi, nên không còn đất để mở lối đi; nhưng thực tế, bà Lợi đang sử dụng đường đi khác rộng hơn 03m (là lối đi chung của gia đình bà Lợi với gia đình ông Thắng là anh của bà Lợi), nên Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Ba Đồn phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ba Đồn, Ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn để các bên thỏa thuận thi hành án theo hướng mở lối đi cho gia đình bà Lợi theo con đường này; bà Lợi đồng ý mở lối đi này và yêu cầu ông Lai phải đền bù giá trị quyền sử dụng đất của bà (là phần đất mà bà Lợi được quyết định của bản án giao làm lối đi) mà ông Lai sử dụng, ông Lai đồng ý đền bù giá trị quyền sử dụng đất theo yêu cầu của bà Lợi. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn thì phần đất là lối đi này đã giao cho bà Mai Thị Hiến (là vợ của ông Thắng) nhận khoán để sản xuất nông nghiệp theo Nghị định số 64/CP, nên Chấp hành viên đang thuyết phục và thương lượng với gia đình ông Thắng về việc mở lối đi cho bà Lợi, nếu không được sẽ có văn bản báo cáo Tòa án nhân dân tối cao. Như vậy, về cơ bản, các đương sự đã thỏa thuận được phương án thi hành án, nên cơ quan thi hành án chỉ còn phải thuyết phục, thương lượng với gia đình ông Thắng (là anh của bà Lợi) về việc tiếp tục để bà Lợi sử dụng chung lối đi.

1.3. Vụ án “Ttranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Trần Văn Dũng, bà Trần Thị Liên với bị đơn là bà Trần Thị Tư (bản án phúc thẩm số 32/2007/DS-PT ngày 29/8/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Theo báo cáo số 808/BC.CCTHADS ngày 25/7/2014 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lệ Thủy thì các cơ quan hữu quan ở tỉnh Quảng Bình nhất trí cao là bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình là đúng pháp luật. Người phải thi hành án là bà Trần Thị Tư là hộ nghèo, đơn thân. Mặc dù cơ quan thi hành án và chính quyền địa phương đã nhiều lần thuyết phục, giáo dục, đưa ra các biện pháp hỗ trợ bà Tư tạo lập chỗ ở mới để bà Tư thực hiện trách nhiệm thi hành án, nhưng bà Tư cương quyết chống đối, không chịu thi hành án. Cơ quan thi hành án đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án nhưng bà Tư và một số người dân ở địa phương phản đối việc cưỡng chế thi hành án, nên không thực hiện được việc cưỡng chế. Để ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương, cơ quan thi hành án của tỉnh Quảng Bình đã đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy cấp đổi cho vợ chồng ông Dũng 01 lô đất khác thay thế cho lô đất mà bà Tư đang ở (lô đất mà bà Tư phải trả cho vợ chồng ông Dũng theo quyết định của bản án phúc thẩm). Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình đồng ý với đề xuất nêu trên của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình và vợ chồng ông Dũng cũng nhất trí với phương án này, cụ thể là: cấp đổi cho vợ chồng ông Dũng lô đất hiện đang do ông Trần Văn Bảy (trú tại thôn Thạch Bàn, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy) tạm sử dụng, giá đất theo khung giá do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình quy định năm 2013 là 119.700.000đ, vợ chồng ông Dũng đồng ý nộp 30.000.000đ/119.700.000đ để Nhà nước tạo điều kiện cấp đổi đất, Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy đồng ý phương án nêu trên, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chưa hỗ trợ được tiền thuế đất (phần còn lại) cho vợ chồng ông Dũng, nên đến nay bản án vẫn chưa thi hành xong. Như vậy, việc không thi hành án được là do đương sự chống đối, nhân dân địa phương không đồng tình, không phải là do bản án có sai sót, tuyên không rõ ràng; đến nay, đã có phương án về thi hành án là cấp đổi diện tích đất khác cho người được thi hành án (vợ chồng ông Dũng) nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chính quyền địa phương chưa hỗ trợ phần thuế đất còn lại cho gia đình ông Dũng (gia đình ông Dũng đã tự nguyện nộp 30.000.000đ/119.700.000đ tiền đất), nên bản án chưa được thi hành xong. Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục chỉ đạo Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình phối hợp với các cơ quan hữu quan của tỉnh Quảng Bình để giải quyết dứt điểm việc thi hành án.

1.4. Vụ án “Ly hôn” giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị Hạnh với bị đơn là ông Nguyễn Anh Tuần (bản án sơ thẩm số 68/2009/HNGĐ-ST ngày 17/9/2009 của Tòa án nhân dân huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình)

Theo Báo cáo số 163/BC-CCTHA ngày 25/7/2014 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, thì Chấp hành viên đã tiến hành xác minh tại địa phương nhưng cả bà Phạm Thị Hạnh và ông Nguyễn Anh Tuần đều bỏ đi làm ăn xa, không rõ địa chỉ, nên không thể giải quyết việc thi hành án. Ngày 12/3/2012, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quảng Trạch đã có Thông báo yêu cầu bà Hạnh cung cấp thêm các thông tin về thửa đất mà bà Hạnh được quyết định của bản án giao quản lý, sử dụng, nhưng hết thời hạn quy định trong thông báo, bà Hạnh vẫn không đến cơ quan thi hành án để cung cấp thông tin. Do đó, ngày 16/5/2012, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quảng Trạch đã ra Quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho bà Hạnh. Đến nay, bà Hạnh cũng không có thắc mắc, khiếu nại gì về Quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án.

1.5. Vụ án “Ly hôn” giữa nguyên đơn là ông Trương Duy Nguy với bị đơn là bà Đinh Thị Ninh (bản án phúc thẩm số 02/LHPT ngày 25/01/1994 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình)

1.6. Vụ án “Ly hôn” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Kim Xuyến với bị đơn là ông Trần Bá Hoài (bản án sơ thẩm số 124/STDS ngày 26/9/2003 của Tòa án nhân dân thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình)

Đối với 02 vụ án này (các vụ án có số thứ tự 1.5 và 1.6), khi giải quyết, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã xác định kích thước đất có tranh chấp chưa chính xác, nhưng đây chỉ là nhầm lẫn về kỹ thuật. Do đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đang chỉ đạo các đơn vị chức năng của Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan của tỉnh Quảng Bình tìm các giải pháp và tiến hành thuyết phục các đương sự thi hành án; đồng thời, chỉ đạo thu thập tài liệu, chứng cứ để xem xét theo thủ tục tái thẩm đúng quy định của pháp luật.



32. Cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị: Bà Nguyễn Thị Xuân, Thôn Mã, xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình tiếp tục kiến nghị: Bà đã nhận được Công văn số 197/TANDTC-DS ngày 28-8-2013 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời kiến nghị của bà về vấn đề liên quan đến vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Hoàng Thị Não, bị đơn là ông Hoàng Văn Thơi và bà Nguyễn Thị Xuân do Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình xét xử phúc thẩm tại bản án dân sự phúc thẩm số 12/DSPT ngày 31/5/2004, do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình chuyển đến. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được Tòa án nhân dân tối cao xem xét và giải quyết dứt điểm vụ việc. Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quan tâm giải quyết để bà khỏi bị thiệt thòi.

Trả lời: Tại công văn số 470/TANDTC-DS ngày 29/8/2014

Tại Công văn số 197/TANDTC-DS ngày 28-8-2013, Tòa án nhân dân tối cao đã trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình với nội dung: “Vụ án Tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Hoàng Thị Não với bị đơn là ông Hoàng Văn Thơi và bà Nguyễn Thị Xuân do Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình xét xử phúc thẩm tại bản án dân sự phúc thẩm số 12/DSPT ngày 31-5-2004. Trong thời hạn giám đốc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao không nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Xuân đề nghị xem xét lại bản án dân sự phúc thẩm nêu trên. Sau khi hết thời hạn giám đốc thẩm, thì Tòa án nhân dân tối cao mới nhận được Công văn số 16/GĐKT ngày 23-5-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình kiến nghị xem xét lại bản án dân sự phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 10-01-2008, Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 09/DS trả lời kiến nghị của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình. Sau khi nhận được kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện Ủy ban thường vụ Quốc hội chuyển đến (tại Công văn số 310/BDN ngày 21-6-2013), mặc dù đã hết thời hạn xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, tuy nhiên Tòa án nhân dân tối cao đã rút hồ sơ vụ án để xem xét lại vụ án, nếu phát hiện có tình tiết mới làm thay đổi bản chất của vụ án mà trước đây khi xét xử Tòa án chưa được biết thì sẽ giải quyết lại vụ án theo trình tự tái thẩm đúng quy định của pháp luật…”.

Hiện nay, Toà án nhân dân tối cao đang khẩn trương xem xét lại vụ án và tiến hành xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ, nếu các tài liệu chứng cứ thu thập được là tình tiết mới làm thay đổi bản chất và nội dung của vụ án thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao sẽ xem xét kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục tái thẩm. Khi có kết quả giải quyết, Tòa án nhân dân tối cao sẽ thông báo đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình để trả lời cử tri.



33. Cử tri tỉnh Yên Bái kiến nghị: Cử tri đề nghị xây dựng, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính, cụ thể: tại Điều 141 (hiệu lực thi hành) có quy định: “… các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2014 và Điều 12 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) quy định: “Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật”. Hiện nay, việc triển khai thực hiện xử lý vi phạm hành chính gặp khó khăn, chưa thực hiện được, do Tòa án nhân dân tối cao chưa ban hành văn bản hướng dẫn về các loại biểu mẫu.

Trả lời: Tại công văn số 469/TANDTC-KHXX ngày 29/8/2014

Đối với việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, theo quy định tại Điều 106 Luật xử lý vi phạm hành chính thì Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ngày 20-01-2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Để triển khai thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đã có công văn chỉ đạo các Tòa án phổ biến, quán triệt thực hiện đúng, thống nhất Pháp lệnh và ban hành một số mẫu văn bản của Toà án nhân dân trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành; ban hành sổ nghiệp vụ và biểu mẫu thống kê về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã xây dựng bộ tài liệu và tổ chức tập huấn về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân cho các thẩm phán, cán bộ Tòa án (đã tổ chức được 03 lớp tập huấn cho 600 Thẩm phán của các Tòa án). Trên cơ sở tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ giao các đơn vị chức năng thuộc Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, đề xuất xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các quy định của Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân để áp dụng thống nhất trong hệ thống Tòa án nhân dân.




TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Số: 471/TANDTC-TKTH

V/v trả lời kiến nghị

của cử tri tỉnh Bình Thuận



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2014


Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận


(chưa có câu) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhận được Cử tri tỉnh kiến nghị: cử tri tỉnh Bình Thuận (do Ban Dân nguyện Ủy ban thường vụ Quốc hội chuyển đến tại Công văn số 215/BDN ngày 26-6-2014) với nội dung: “Tình trạng vi phạm pháp luật, côn đồ chống người thi hành công vụ, đặc biệt là ở đối tượng vị thành niên có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ, tính chất vi phạm, nhưng khung hình phạt còn thấp, chế tài chưa đủ sức răn đe. Đề nghị có những biện pháp chỉ đạo xử lý kiên quyết, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, xét xử nghiêm đối với người có hành vi phạm tội trên”.

Trả lời: Tại công văn số 471/TANDTC-TKTH ngày 29 tháng 8 năm 2014

Về thực trạng người chưa thành niên phạm tội chống người thi hành công vụ, thống kê số liệu 3 năm gần đây (các năm 2011, 2012, 2013) như sau:

Năm 2011, các Tòa án đã xét xử sơ thẩm 728 vụ/1.234 bị cáo phạm tội chống người thi hành công vụ (trên tổng số 814 vụ/1.443 bị cáo đã thụ lý), trong đó có 14 vụ/25 bị cáo là người chưa thành niên, chiếm tỷ lệ 1,92% số vụ và 2,02% số bị cáo. Trong số 25 bị cáo là người chưa thành niên phạm tội bị đưa ra xét xử, có 03 bị cáo bị phạt cải tạo không giam giữ, 09 bị cáo cho hưởng án treo và 13 bị cáo bị phạt tù từ 3 năm trở xuống, không có bị cáo nào tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Năm 2012, các Tòa án đã xét xử sơ thẩm 964 vụ/1.529 bị cáo phạm tội chống người thi hành công vụ (trên tổng số 1.018 vụ/1.653 bị cáo đã thụ lý), trong đó có 39 vụ/48 bị cáo là người chưa thành niên, chiếm tỷ lệ 4,04% số vụ và 3,13% số bị cáo. Trong số 48 bị cáo là người chưa thành niên phạm tội bị đưa ra xét xử, có 04 bị cáo bị phạt cải tạo không giam giữ, 18 bị cáo cho hưởng án treo và 26 bị cáo bị phạt tù từ 3 năm trở xuống, không có bị cáo nào tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Năm 2013, các Tòa án đã xét xử sơ thẩm 991 vụ/1.537 bị cáo phạm tội chống người thi hành công vụ (trên tổng số 1.042 vụ/1.649 bị cáo đã thụ lý), trong đó có 36 vụ/44 bị cáo là người chưa thành niên, chiếm tỷ lệ 3,63% số vụ và 2,86% số bị cáo. Trong số 44 bị cáo là người chưa thành niên phạm tội bị đưa ra xét xử, có 05 bị cáo bị phạt cải tạo không giam giữ, 15 bị cáo cho hưởng án treo, 21 bị cáo bị phạt tù từ 3 năm trở xuống và 03 bị cáo bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm, không có bị cáo nào tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Đối với các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án về chống người thi hành công vụ, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao là khẩn trương đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật đối với người có hành vi vi phạm, nghiêm khắc trừng trị những kẻ chủ mưu, cầm đầu, côn đồ. Quán triệt chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, các vụ án về chống người thi hành công vụ về cơ bản đều được Tòa án nhân dân các cấp xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, nhất là những vụ án nghiêm trọng, phức tạp. (với tỷ lệ án bị hủy, sửa qua các năm chiếm tỷ lệ không lớn, lần lượt là: Năm 2011: hủy 0,5%, sửa 3,3%; Năm 2012: hủy 0,7%, sửa 5,4%; Năm 2013: hủy 0,7%, sửa 4,4%).

Đối với những vụ án có bị cáo là người chưa thành niên phạm tội, trong quá trình xét xử, các Tòa án đều áp dụng triệt để các chính sách hình sự, quy định của pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội, theo đó việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người công dân có ích cho xã hội. Theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Bộ luật hình sự, người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ... Qua số liệu về người chưa thành niên nêu trên cho thấy, hầu hết các bị cáo là người chưa thành niên phạm tội chống người thi hành công vụ đều phạm tội lần đầu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ; phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, không có trường hợp nào tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác xét xử các vụ án hình sự nói chung và các vụ án hình sự về chống người thi hành công vụ nói riêng, đặc biệt vụ án có bị cáo là người chưa thành niên, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục chỉ đạo Tòa án các cấp thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Trong công tác giải quyết, xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội, các Tòa án cần bố trí Thẩm phán, cán bộ có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giao dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm người chưa thành niên tham gia Hội đồng xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống người chưa thành niên phạm tội.

- Tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo bị cáo, đương sự, luật sư và những người tham gia tố tụng khác được quyền trình bày hết ý kiến của mình về những vấn đề có liên quan, nhằm làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án. Phán quyết của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên Tòa, trên cơ sở xem xét một cách khách quan, toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật.

- Tập trung làm tốt công tác đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho Thẩm phán, cán bộ Tòa án các cấp. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn theo chuyên đề cho Thẩm phán, trong đó tập trung vào những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn xét xử các vụ án về chống người thi hành công vụ.

- Chú trọng làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và rút kinh nghiệm công tác xét xử, đặc biệt là trong công tác xét xử các vụ án hình sự về chống người thi hành công vụ. Khi đơn vị có các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan thì lãnh đạo Tòa án đó phải tiến hành ngay việc rút kinh nghiệm đối với Hội đồng xét xử.

- Tăng cường công tác giám đốc việc xét xử của Toà án cấp trên đối với các Toà án cấp dưới, kịp thời phát hiện để uốn nắn, rút kinh nghiệm trong từng đơn vị cũng như toàn ngành về những sai sót trong hoạt động xét xử, đặc biệt là đối với các vụ án về chống người thi hành công vụ.

- Về lâu dài, tiếp tục nghiên cứu việc thành lập Tòa án Gia đình và người chưa thành niên để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết, xét xử các vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên, trong đó có vụ án liên quan đến việc người chưa thành niên chống người thi hành công vụ.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xin chân thành cảm ơn ý kiến góp ý của cử tri tỉnh Bình Thuận; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đối với công tác của Tòa án nhân dân, thông qua đó sẽ giúp Tòa án nhân dân các cấp đề ra các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mình.


TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Số: 483/TANDTC-TKTH

V/v trả lời kiến nghị

của cử tri tỉnh Long An



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2014



Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An


Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhận được Cử tri tỉnh kiến nghị: cử tri tỉnh Long An (do Ban Dân nguyện Ủy ban thường vụ Quốc hội chuyển đến tại Công văn số 215/BDN ngày 26-6-2014), với nội dung: “Thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác chống tham nhũng, nhất là những vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận, vì trong thời gian qua số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý còn ít so với thực tế, mức độ xử lý còn nhẹ, một số vụ tham nhũng xử lý chậm, kéo dài. Đề nghị nâng mức xử phạt để giáo dục, răn đe và công bố kết quả xử lý tham nhũng cho cử tri”.

Trả lời: Tại công văn số 483/TANDTC-TKTH ngày 29 tháng 8 năm 2014

1. Về nội dung các vụ án về tham nhũng được phát hiện và xử lý còn ít so với thực tế, mức độ xử lý còn nhẹ; đề nghị nâng mức hình phạt để giáo dục răn đe

Việc một số vụ việc tham nhũng được phản ánh, xử lý chưa phản ánh đúng tình trạng tham nhũng hiện nay xuất phát từ nguyên nhân các vụ tham nhũng chủ yếu bị phát hiện do công tác xác minh đơn thư tố giác của quần chúng nhân dân, từ các phương tiện thông tin đại chúng.

Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013; Nghị quyết số 01-NQ/BCS ngày 10/01/2014 của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao và Chỉ thị số 01/2014/CT-CA ngày 14/01/2014 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2014, trong đó xác định Tòa án các cấp phải đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, nhất là các vụ án hình sự lớn, trọng điểm, các vụ án tham nhũng; khắc phục triệt để tình trạng để các vụ án quá thời hạn xét xử và việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo không đúng pháp luật; áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản nhà nước... Việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo chỉ áp dụng đối với những bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đáng được khoan hồng đặc biệt, đúng với quy định của pháp luật và hướng dẫn của liên ngành tư pháp trung ương và Tòa án nhân dân tối cao.

Việc xét xử các vụ án hình sự nói chung và đặc biệt là đối với các vụ án tham nhũng, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao là các Tòa án cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, Viện kiểm sát và các cơ quan chức năng khác để khẩn trương phát hiện, điều tra, kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án từ Viện kiểm sát cùng cấp chuyển sang phải phân công Thẩm phán làm chủ toạ phiên toà khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và bố trí lịch xét xử để sớm đưa vụ án ra xét xử kịp thời. Cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước.

Quán triệt chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, nhìn chung các vụ án về tham nhũng đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra giải quyết, xét xử, đáp ứng yêu cầu đấu tranh đối với loại tội phạm này trong tình hình hiện nay, số lượng cụ thể như sau:

- Năm 2010, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết 367 vụ/916 bị cáo (xét xử 259 vụ với 570 bị cáo) trong tổng số 398 vụ/1.047 bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã thụ lý, đạt 92,2% số vụ/87,5% số bị cáo phải giải quyết;

- Năm 2011, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết 314 vụ/820 bị cáo (xét xử 220 vụ với 485 bị cáo) trong tổng số 338 vụ/902 bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã thụ lý, đạt 93% số vụ/91% số bị cáo phải giải quyết;

- Năm 2012, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết 328 vụ/749 bị cáo (xét xử 245 vụ với 513 bị cáo) trong tổng số 351 vụ/804 bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã thụ lý, đạt 93,4% số vụ/93,2% số bị cáo phải giải quyết;

- Năm 2013, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết 383 vụ/893 bị cáo (xét xử 281 vụ với 552 bị cáo) trong tổng số 418 vụ/1.019 bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã thụ lý, đạt 92% số vụ/88% số bị cáo phải giải quyết;

- 6 tháng đầu năm 2014, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết 140 vụ/419 bị cáo (xét xử 101 vụ với 295) trong tổng số 219 vụ/654 bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã thụ lý, đạt 64% số vụ/64,1% số bị cáo phải giải quyết.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, các vụ án về tham nhũng, chức vụ lớn, đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết và được Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình. Điển hình như: vụ án Vũ Việt Hùng, nguyên giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Đăk Lắk - Đắk Nông cùng các đồng phạm phạm tội “Nhận hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Đắk Nông, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng các đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, vụ án Nguyễn Thanh Huyền - nguyên Phó tổng giám đốc Vifon cùng các đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, vụ án Vũ Quốc Hảo - nguyên Tổng giám đốc, Chủ tịch hội đồng Công ty cho thuê tài chính ALCII cùng các đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, vụ án Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hình phạt mà các Tòa án áp dụng đối với các tội phạm về tham nhũng về cơ bản đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Trong số các vụ án tham nhũng mà Tòa án đã thụ lý thì các tội phạm xảy ra nhiều là: Tội tham ô tài sản (88 vụ/256 bị cáo), Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (52 vụ/173 bị cáo), Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (39 vụ/74 bị cáo), Tội nhận hối lộ (18 vụ/68 bị cáo). Trong số 295 bị cáo bị xét xử các tội về tham nhũng trong 06 tháng đầu năm 2014, các Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tử hình và tù chung thân đối với 06 bị cáo; xử phạt tù có thời hạn 245 bị cáo; xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo 44 bị cáo.

Đối với các vụ án về tham nhũng cơ bản đã được xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Đối với các đối tượng giữ vai trò là người tổ chức, cầm đầu, chủ mưu và thuộc các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì khi xét xử Tòa án quyết định hình phạt nghiêm minh và không cho các bị cáo này được hưởng án treo.

Về việc cho bị cáo được hưởng án treo, có thể thấy rằng từ năm 2013 việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo được giám sát rất chặt chẽ trong toàn hệ thống Tòa án, nhất là đối với các bị cáo phạm tội về tham nhũng, chức vụ. Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra về nội dung này tại các Tòa án địa phương; các trường hợp phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo đều phải gửi bản án cho Tòa án nhân dân tối cao để giám đốc việc xét xử và kiên quyết kháng nghị đối với những trường hợp cho hưởng án treo thiếu căn cứ. Các Thẩm phán có bản án cho hưởng án treo không đúng quy định phải kiểm điểm, giải trình, rút kinh nghiệm kịp thời. Trong năm 2013, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng thông qua Nghị quyết hướng dẫn bổ sung chế định án treo, theo hướng quy định chặt chẽ, cụ thể hơn các điều kiện cho hưởng án treo, đặc biệt là đối với các bị cáo phạm tội về tham nhũng, chức vụ. Quán triệt đường lối xét xử nêu trên, các trường hợp phạm tội về tham nhũng được Tòa án cho hưởng án treo đã có xu hướng giảm dần (năm 2011 tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo là 37%, năm 2012 là 30% và năm 2013 là 27%; trong 06 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được Tòa án cho hưởng án treo giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, với số bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo là 44 vụ, chỉ chiếm 15% trong tổng số các bị cáo đã xét xử) và về cơ bản việc cho hưởng án treo là có căn cứ pháp luật.

Tuy nhiên cũng còn một thức tế là vẫn còn tồn tại một số trường hợp các Tòa án cho bị cáo hưởng án treo chưa phù hợp với quy định của pháp luật (trong năm 2013, có 3/151 bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo bị Tòa án cấp trên hủy, sửa án; 6 tháng đầu năm 2014, không có bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo bị Tòa án cấp trên hủy, sửa án). Điều này xuất phát từ thực tế là trong các vụ án tham nhũng thường có nhiều bị cáo; ngoài một số bị cáo chủ mưu, tham gia với vai trò tích cực, thì cũng có nhiều bị cáo tham gia với vai trò thứ yếu, nhất thời phạm tội hoặc bị rủ rê, lôi kéo; có nhiều tình tiết giảm nhẹ (bị cáo hoặc gia đình bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả; bản thân hoặc gia đình có công với cách mạng…). Mặt khác, Nghị quyết số 01/2007/HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao khi hướng dẫn về chế định “án treo” chỉ đề cập tố yếu tố pháp lý của chế định này, chưa có các hướng dẫn chặt chẽ, cụ thể việc cho hưởng án treo đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng. Do đó khi xét xử, cũng có những Thẩm phán do mới chỉ chú trọng yếu tố pháp lý đơn thuần, chưa cân nhắc đầy đủ yêu cầu đấu tranh phòng, chống các tội phạm về tham nhũng trong tình hình hiện nay, nên khi bị cáo có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị quyết 01/2007/HĐTP thì quyết định cho bị cáo hưởng án treo. Vấn đề này đã được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao rút kinh nghiệm trong toàn ngành và mới đây Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06 tháng 11 năm 2013 hướng dẫn bổ sung chế định án treo, trong đó có các quy định chặt chẽ, cụ thể hơn các điều kiện cho hưởng án treo, đặc biệt là đối với các bị cáo phạm tội về tham nhũng, chức vụ. Không được áp dụng cho hưởng án treo đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội hoặc người tuy bị Tòa án quyết định hình phạt dưới 03 năm tù nhưng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

2. Về nội dung kiến nghị một số vụ án tham nhũng xử lý còn chậm, kéo dài

Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao là khẩn trương đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án hình sự nói chung, đặc biệt là các vụ án về tham nhũng, vụ án nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân. Do vậy, các Tòa án đều khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để sớm đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, các vụ án về tham nhũng là những vụ án rất phức tạp, thường có nhiều người tham gia và có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, kẻ phạm tội thường là người có trình độ nên thủ đoạn phạm tội cũng rất tinh vi. Trong khi đó, nhận thức pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong một số trường hợp còn có sự khác nhau khi đánh giá chứng cứ và xác định tội danh nên trong nhiều trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương thường phải có văn bản trao đổi nghiệp vụ với cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên. Mặt khác, thực tiễn xét xử các tội phạm tham nhũng cho thấy, cũng xuất phát từ nhận thức pháp luật chưa thống nhất nên số lượng các trường hợp Tòa án phải trả hồ sơ để yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung đối với các vụ án này là khá nhiều (năm 2010, các Tòa án xét xử theo thủ tục sơ thẩm 262 vụ, với 577 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì có 107 trường hợp phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; năm 2011, các Tòa án xét xử theo thủ tục sơ thẩm 220 vụ với 485 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì có 89 trường hợp phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; năm 2012, các Tòa án giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 245 vụ với 513 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì có 76 trường hợp phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; năm 2013, các Tòa án giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 281 vụ với 552 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì có 101 trường hợp phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; Trong 6 tháng đầu năm 2014, các Tòa án giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 101 vụ với 295 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì có 37 trường hợp phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung). Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp vụ án tham nhũng có nhiều bị cáo bị đưa ra xét xử nhưng bị cáo lại vắng mặt tại phiên tòa với lý do là đau ốm không thể tham dự phiên tòa; các Tòa án đã tiến hành xác minh và thấy lý do vắng mặt của bị cáo là chính đáng nên đã hoãn phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Đây là những nguyên nhân dẫn tới việc một số vụ án tham nhũng chậm được đưa ra xét xử hoặc bị tạm hoãn nhiều lần, đã gây dư luận chưa tốt của quần chúng nhân dân về việc các cơ quan tiến hành tố tụng cố tình kéo dài vụ án, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân trong công tác chống tham nhũng.

Để khắc phục tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự nói chung, trong đó có các vụ án về tham nhũng, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT -VKSNDTC -BCA – TANDTC ngày 27/8/2010 hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhằm tránh tình trạng kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

3. Các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác xét xử các vụ án về tham nhũng nhằm nhanh chóng đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án về tham nhũng, góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng

Trong thời gian tới, nhằm thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác chống tham nhũng, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục chỉ đạo Tòa án các cấp thực hiện tốt một số giải pháp để nâng cao hơn nữa trách nhiệm, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án tham nhũng, cụ thể như sau:

- Trong công tác chỉ đạo điều hành, lãnh đạo các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công tác của cán bộ, công chức; nắm chắc tình hình, kết quả thực hiện công tác xét xử hàng tháng để có kế hoạch, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ án; tiếp tục đổi mới các thủ tục hành chính tư pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc, đặc biệt trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê chính xác số lượng các vụ án quá hạn luật định để tập trung cán bộ giải quyết dứt điểm các vụ án này; rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm các cán bộ, Thẩm phán thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác dẫn đến để các vụ án quá thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các vụ án về tham nhũng.

- Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh cần chú trọng và làm tốt công tác điều động, biệt phái cán bộ, Thẩm phán để tăng cường công tác xét xử cho các Tòa án nhân dân cấp huyện có số lượng án tăng đột biến, nhưng số lượng cán bộ, Thẩm phán chưa đủ đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc.

Đặc biệt, đối với việc nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác giải quyết các vụ án về tham nhũng, các giải pháp được xác định là:

- Tòa án nhân dân tối cao sẽ phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương tập trung làm tốt việc hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật liên quan tới các tội phạm về tham nhũng, nhằm tháo gỡ những vướng mắc mà các cơ quan tư pháp địa phương đang gặp phải trong quá trình giải quyết các vụ án này.

- Đồng thời, chỉ đạo các Tòa án địa phương tăng cường sự phối hợp với các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án; bố trí các Thẩm phán có kinh nghiệm, năng lực tham gia giải quyết, xét xử các vụ án về tham nhũng; thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về hoãn phiên tòa và Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT -VKSNDTC -BCA – TANDTC ngày 27/8/2010 của liên ngành về hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

- Xét xử nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng. Việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo phải đảm bảo các căn cứ theo quy định tại Điều 60 BLHS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Chỉ thị số 01/2005/CT-CA ngày 30/8/2005 về công tác đấu tranh phòng, chống một số tội phạm hình sự trong tình hình hiện nay và Công văn số 134/TA-TKTH ngày 08/10/2010 về tăng cường kiểm tra việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

- Tăng cường công tác giám đốc, kiểm tra việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới, kịp thời phát hiện và khắc phục ngay đối với các sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết vụ án, trong đó có việc cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp. Đối với các vụ án về tham nhũng mà có bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ thì Tòa án đã xét xử phải gửi bản án về Tòa án nhân dân tối cao để giám đốc kiểm tra nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ công tác xét xử đối với loại tội phạm này.

- Đối với các trường hợp cho các bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật, thì sẽ phải kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm, nếu do lỗi chủ quan của Thẩm phán thì sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc.

4. Về việc công bố kết quả xử lý tham nhũng cho cử tri biết

Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật tố tụng hình sự: “Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”. Trong quá trình xét xử các vụ án về tham nhũng, các Tòa án đều tuân thủ nguyên tắc xét xử công khai theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, việc mở các phiên tòa xét xử đều được Tòa án nhân dân các cấp thông báo rộng rãi, công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông như Báo Công lý, Tạp chí Tòa án nhân dân, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao và các Trang thông tin điện tử của các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các phiên tòa xét xử các vụ án về tham nhũng đều được Tòa án mở công khai tại trụ sở Tòa án hoặc nơi xét xử lưu động để nhân dân được biết và tham dự. Ngoài việc xét xử tại trụ sở Tòa án, các Tòa án còn tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Năm 2013, Tòa án cấp sơ thẩm đã tổ chức 9.690 phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án, trong đó có 10 vụ án về tham nhũng được đưa ra xét xử lưu động.

Để cử tri nhanh chóng cập nhật tình hình, kết quả xét xử, giải quyết các vụ án về tham nhũng hơn nữa, trong thời gian tới trong công tác chỉ đạo điều hành, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công tác của cán bộ, công chức; tổ chức lên lịch xét xử, thông báo công khai tình hình, kết quả thực hiện công tác xét xử hàng tháng để người dân được biết. Đồng thời, tăng cường công tác xét xử lưu động các vụ án tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin truyền thông để kịp thời đưa tin về kết quả giải quyết, xét xử các vụ án về tham nhũng.


Каталог: userfiles -> files -> TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)

tải về 6.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   73   74   75   76   77   78   79   80   ...   86




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương