KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 6.12 Mb.
trang44/86
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích6.12 Mb.
#1452
1   ...   40   41   42   43   44   45   46   47   ...   86

Trả lời: Tại công văn số 3035/BCA-V11 ngày 11/9/2014

Ngày 06/02/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng, trong đó quy định thẩm quyền trách nhiệm của các Bộ, ban, ngành trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng; Tại Khoản 4, Điều 48 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, quy định “Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng quy định về danh mục công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh”. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo xây dựng dự thảo Thông tư quy định danh mục công trình thuộc lĩnh vực an ninh; đến nay dự thảo Thông tư đang gửi xin ý kiến Bộ Xây dựng. Sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Xây dựng, Bộ Công an sẽ hoàn chỉnh nội dung dự thảo Thông tư để xem xét ban hành theo quy định.



48. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Bổ sung chế tài xử phạt đối với những đối tượng nam giới có hành vi bạo hành gia đình đối với nữ giới với hình thức lao động công ích.

Trả lời: Tại công văn số /BCA-V11 ngày 11/9/2014

Pháp lệnh số 15/1999/PL-UBTVQH10, ngày 03/9/1999 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định lao động công ích là “nghĩa vụ” của công dân. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 không quy định chế tài xử phạt bằng hình thức lao động công ích. Việc áp dụng chế tài xử phạt đối với những đối tượng có hành vi bạo hành gia đình được quy định tại Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, theo đó mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.



49. Cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị: Các tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự ở cơ sở ngày càng gia tăng và có tính chất phức tạp, trong khi đó lực lượng Công an viên phụ cấp ít, trang thiết bị thô sơ như hiện nay sẽ rất khó khăn khi làm nhiệm vụ. Cử tri tiếp tục đề nghị tăng chế độ phụ cấp và cung cấp các trang thiết bị chuyên dụng cho đội ngũ Công an viên của xã để kịp thời động viên khuyến khích lực lượng này trong việc đảm bảo an toàn, an ninh thôn, xóm.

Trả lời: Tại công văn số 3035/BCA-V11 ngày 11/9/2014

- Về chế độ phụ cấp cho đội ngũ Công an viên

Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Công an và Uỷ ban nhân dân các cấp rất quan tâm đến việc kiện toàn tổ chức, hoạt động của lực lượng Công an xã nhằm góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ở khu vực nông thôn. Chế độ, chính sách đối với Công an viên được quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 73/NĐ-CP, ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP, ngày 08/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP. Theo đó, Công an viên được hưởng chế độ lương, phụ cấp theo quy định của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn; được thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế; Công an viên có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng thì được hưởng trợ cấp 1 lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân phụ cấp hiện hưởng... Căn cứ vào điều kiện thực tế, các địa phương thực hiện chi trả phụ cấp cho lực lư­ợng Công an xã khác nhau, nhưng nhìn chung còn thấp so với yêu cầu thực tế.

Bộ Công an xin ghi nhận, tiếp thu và hoan nghênh ý kiến đóng góp của cử tri; đề nghị cử tri kiến nghị với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình để xem xét, điều chỉnh chế độ, chính sách và phụ cấp đối với Công an viên cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

- Về trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng Công an viên cấp xã

Để có cơ sở thống nhất trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng Công an xã, ngày 15/10/2013, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 43/2013/TT-BCA quy định về tiêu chuẩn, định mức trang bị cho Công an xã từ nguồn kinh phí hằng năm Nhà nước cấp cho Bộ Công an, gồm: súng trường (kèm theo cơ số đạn); súng tiểu liên (kèm theo cơ số đạn); súng bắn đạn cao su, hơi cay; dùi cui điện; đèn pin; bình xịt hơi cay; găng tay bắt dao; áo giáp; gậy nhựa; khóa dây trói; dùi cui cao su; khóa số tám; còi; loa pin; tủ đựng vũ khí; công cụ hỗ trợ; tủ hồ sơ nghiệp vụ. Các trang thiết bị khác (bàn làm việc; bàn họp; ghế; giường cá nhân; tủ cá nhân; văn phòng phẩm; điện thoại bàn; xe mô tô 100 - 150cc; máy vi tính + máy in; máy photo; máy fax...) do ngân sách địa phương đảm bảo. Căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức trang bị cho Công an xã, Công an cấp tỉnh đề nghị với Ủy ban nhân dân cùng cấp trình Hội đồng nhân dân quyết định trang bị cho Công an xã phù hợp với điều kiện ngân sách địa phương.



50. Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri phản ánh tệ nạn xã hội và tội phạm còn diễn biến phức tạp, đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp cụ thể để giảm tội phạm và tệ nạn xã hội. Cử tri phản ánh tình trạng trộm cướp gần đây xảy ra rất nhiều, chủ yếu do những thanh niên không có công việc ổn định gây ra, trong đó có nhiều phạm nhân vừa được ân xá. Cử tri kiến nghị Nhà nước phải nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, xem xét hỗ trợ tạo công ăn việc làm để họ hoàn lương, không trở lại con đường phạm tội như trước.

Trả lời: Tại công văn số 3038/3039BCA-V11 ngày 11/9/2014

Về giải pháp phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội nói chung, tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản nói riêng: Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lực lượng Công an nhân dân đã tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm, liên tục triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh, trật tự của đất nước. Năm 2013, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 44.033 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt xử lý 88.259 đối tượng, đạt tỷ lệ 74,49% cao hơn 1,09% so với năm 2012; bắt 7.980 vụ cờ bạc, 721 vụ mại dâm, 18.384 vụ phạm tội về ma túy; triệt phá 2.640 băng, nhóm tội phạm. Trong 6 tháng đầu năm 2014, đã điều tra, khám phá 22.002 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt xử lý 45.261 đối tượng, đạt tỷ lệ 75,58%, cao hơn 0,1% so với cùng kỳ năm 2013; bắt 4.569 vụ cờ bạc, 351 vụ mại dâm, 9.347 vụ phạm tội về ma túy; triệt phá 1.469 băng, nhóm tội phạm, trong đó có nhiều băng, nhóm tội phạm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Sáu tháng đầu năm 2014, tội phạm hình sự cơ bản được kiềm chế tốc độ gia tăng, hầu hết các loại án nghiêm trọng giảm, phát hiện 29.111 vụ phạm tội về trật tự xã hội, tăng 2,21% so với cùng kỳ năm 2013 (trong đó: giết người, cướp tài sản giảm 28,89%; giết người giảm 8,37%; cướp tài sản giảm 21,71%; cướp giật tài sản giảm 6,42%; chống người thi hành công vụ giảm 24,22%). Tội phạm cướp tài sản tuy được kiềm chế nhưng tính chất tội phạm vẫn nghiêm trọng, phức tạp; 50% số vụ do băng, nhóm gây ra; số vụ có sử dụng vũ khí và các loại hung khí nguy hiểm cướp tài sản chiếm 55%; 18,5% số vụ cướp tài sản do người chưa thành niên gây ra. Tội phạm trộm cắp tài sản vẫn diễn biến phức tạp (xảy ra 12.512 vụ, tăng 606 vụ, 5,09%), phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, có tính chuyên nghiệp cao, nhiều vụ “đầu trộm đuôi cướp” thậm chí là giết người; đối tượng gây án chủ yếu là thanh, thiếu niên độ tuổi dưới 30, có tiền án, tiền sự về tội trộm cắp, cướp tài sản... nhiều đối tượng nghiện ma túy; 11,06% số vụ trộm cắp tài sản do người chưa thành niên gây ra. Tình hình tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp, là nguồn phát sinh, phát triển tội phạm; tệ nạn cờ bạc dưới hình thức chơi “lô đề” diễn ra phổ biến ở các địa phương; tệ nạn mại dâm có xu hướng mở rộng về phạm vi, quy mô hoạt động và diện đối tượng tham gia; tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp trong các nhà hàng, vũ trường, bar, karaoke diễn ra phức tạp.

Nguyên nhân của tình trạng trên, chủ yếu là do: (1) Tình hình kinh tế còn khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục gia tăng kéo theo nhiều người lao động mất việc làm tạo áp lực lớn đến các vấn đề xã hội. (2) Đạo đức trong gia đình, nhà trường, xã hội, lối sống thực dụng, hưởng thụ, chạy theo lợi ích vật chất, nhất là trong thanh, thiếu niên rất đáng lo ngại. (3) Tác động tiêu cực của ấn phẩm đồi trụy, trò chơi trực tuyến trên mạng Internet (game online) đối với thanh, thiếu niên đang trong độ tuổi phát triển về nhận thức, tâm, sinh lý chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. (4) Số người nghiện ma túy chưa giảm, số người nghiện ma túy tổng hợp có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp, nhất là ở địa bàn các thành phố lớn, tiềm ẩn nhiều yếu tố làm nảy sinh tội phạm (cả nước hiện có trên 180.000 người nghiện ma túy). (5) Công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều sơ hở. (6) Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa được duy trì thường xuyên. (7) Ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của nhiều người còn hạn chế, chủ quan, sơ hở bị tội phạm lợi dụng. (8) Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội còn mỏng, tập trung điều tra các vụ trọng án nên công tác tổ chức điều tra, xử lý tội phạm trộm cắp tài sản còn hạn chế, tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án trộm cắp tài sản chưa cao.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các công tác trọng tâm sau:

- Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới” gắn với thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13, ngày 23/11/2012, Nghị quyết số 63/2013/QH13, ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2015; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân; triển khai thực hiện các chương trình, nghị quyết, thông tư liên tịch nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, giáo dục các đối tượng có nguy cơ cao về tội phạm, vi phạm pháp luật hoặc bị tội phạm xâm hại; đẩy mạnh xây dựng các phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc như mô hình “tuần tra nhân dân”, “tổ an ninh xã hội”, “khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự”.

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự. Tiếp tục duy trì và xây dựng các đội săn bắt cướp, nhân rộng mô hình tổ công tác phối hợp 03 lực lượng (Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự) ở Công an các đơn vị, địa phương trong phòng, chống tội phạm, nhất là phòng, chống cướp, cướp giật tài sản, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các vụ gây rối trật tự công cộng...

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định số 72/2009/NĐ-CP, ngày 03/9/2009 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; Chỉ thị số 08/CT-BCA, ngày 19/9/2013 của Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tiếp tục thiết lập, tổ chức hoạt động của các đường dây “nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm.

- Triển khai liên tục các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động đâm thuê, chém mướn, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, giết người, cướp, cướp giật tài sản; các băng, nhóm đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, các đường dây môi giới mại dâm, tàng trữ, vận chuyển, mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy... Phối hợp chặt chẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo khách quan, nghiêm minh, không để tình trạng tội phạm hoạt động lộng hành. Điều tra khám phá nhanh các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe tội phạm.

- Tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

* Thực hiện chủ trương, chính sách hình sự nhân đạo của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua Chủ tịch nước đã ký Quyết định về đặc xá và Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân, được dư luận Quốc tế và trong nước đồng tình, đánh giá cao (năm 2013, quyết định đặc xá cho 15.447 phạm nhân). Qua theo dõi số người được đặc xá về địa phương cơ bản chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, phần lớn số này đã cố gắng, tu chí làm ăn tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, còn một bộ phận nhỏ người chấp hành xong án phạt tù tái phạm. Qua công tác điều tra, khảo sát tình hình người được đặc xá về cư trú tại các địa phương từ năm 2002-2012 thì tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội chiếm 4,34% so với tổng số người được đặc xá. Nguyên nhân tái phạm tội chủ yếu là: Do bản thân người chấp hành xong án phạt tù chưa chịu cải tạo, bị tác động của bạn bè xấu, không có việc làm, thu nhập không ổn định, trong đó có phần thiếu sự quan tâm của chính quyền, gia đình, xã hội.

Nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, Bộ Công an đã tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2011/NĐ-CP, ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Theo chức năng được giao, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các địa phương thực hiện tốt chức năng tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.



51. Cử tri tỉnh Tuyên Quang kiến nghị: Đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy.

Trả lời: Tại công văn số 3037/BCA-V11 ngày 11/9/2014

Để triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã khẩn trương, tích cực xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Qua theo dõi của Bộ Công an, đến nay đã có 19 nghị định của Chính phủ, 01 chỉ thị, 08 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 07 thông tư, thông tư liên tịch và 01 nghị quyết liên tịch được ban hành để quy định chi tiết, hướng dẫn các Luật nêu trên. Các văn bản được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm ma túy; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.

Tuy nhiên, tội phạm ma túy luôn diễn biến rất phức tạp nên việc hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống ma túy phải được tiến hành thường xuyên. Hiện nay, các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này, như: Bộ Y tế đang xây dựng văn bản quy định về việc xác định người nghiện ma túy tổng hợp, Bộ Công an đang xây dựng văn bản về lấy mẫu ma túy để phục vụ giám định phòng, chống ma túy, về chế độ báo cáo, thống kê về phòng, chống ma túy… Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng, chống ma túy để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp, nhằm hoàn thiện pháp luật về công tác phòng, chống ma túy.

52. Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, cử tri đề nghị cần xem xét lại quy trình điều tra, tránh tình trạng đưa ra xét xử rồi lại phải dừng phiên tòa để điều tra bổ sung, hoặc vắng mặt bị cáo, hoặc đơn vị, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cử người không đủ thẩm quyền tham dự phiên tòa, làm mất đi sự trang nghiêm của phiên tòa, sự nghiêm minh của pháp luật.

Trả lời: Tại công văn số 3039/BCA-V11 ngày 11/9/2014

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lực lượng Công an nhân dân đã quán triệt, nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị và phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bộ Công an đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng; đồng thời, tập trung chỉ đạo đấu tranh quyết liệt với tội phạm tham nhũng và đạt được những kết quả tích cực. Năm 2013, lực lượng Công an đã phát hiện, khởi tố 272 vụ, 648 bị can, tăng 29 vụ, 128 bị can so với năm 2012; 06 tháng đầu năm 2014, phát hiện, khởi tố 131 vụ, 306 bị can, tăng 28 vụ (27,18%) so với cùng kỳ 2013. Quy trình điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng đã được Bộ Công an chỉ đạo, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng. Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân đã tăng cường phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tố tụng, nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, như: vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Vinalines; vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty cho thuê tài chính II... với các mức án rất nghiêm khắc. Quá trình xét xử các vụ án diễn ra công khai và được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân theo dõi, giám sát.

Tuy nhiên, quá trình điều tra, xử lý một số vụ án tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thời gian điều tra phải kéo dài, có vụ Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nguyên nhân chủ yếu là do:

- Tội phạm tham nhũng là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn, quan hệ rộng và có nhiều thủ đoạn tinh vi để che dấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra của các cơ quan chức năng.

- Các vụ án tham nhũng thường do nhiều đối tượng thực hiện có tổ chức, thời gian xảy ra khá lâu mới bị phát hiện, hành vi tham nhũng được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau. Các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, có nhiều đối tượng tham gia, có quan hệ chặt chẽ với nhau, thông tin khép kín trong phạm vi nhất định, nên rất khó phát hiện. Trong quá trình phạm tội, các đối tượng thường cất giấu tài sản, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ dẫn đến việc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ gặp nhiều khó khăn, thời gian điều tra phải kéo dài.

- Việc điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các nước mà Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp hoặc đã ký hiệp định nhưng chưa có hiệu lực hoặc có hiệu lực nhưng phía nước ngoài không hợp tác; việc thu thập thông tin, tài liệu ở nước ngoài qua hoạt động tương trợ tư pháp hình sự liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, dẫn đến thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến thời hạn điều tra vụ án.

- Công tác giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, kế toán, xây dựng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thời gian giám định dài, kinh phí chi trả giám định lớn. Một số cơ quan, cá nhân được trưng cầu giám định với nhiều lý do khác nhau đã từ chối giám định hoặc kéo dài thời gian giám định. Trình độ chuyên môn của một số giám định viên chưa đáp ứng yêu cầu, kết luận giám định không chính xác, phải quyết định trưng cầu giám định nhiều lần, dẫn đến thời hạn điều tra một số vụ án bị kéo dài, thậm chí có vụ không xử lý được.

- Các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn thiếu, chưa chặt chẽ, nhất là các văn bản hướng dẫn, dẫn đến khó khăn trong việc thống nhất đánh giá chứng cứ và đường lối xử lý giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, như: chưa quy định cụ thể thế nào là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng... dẫn đến phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng như sau:

(1) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37/2012/QH13, ngày 23/11/2012; Nghị quyết số 63/2013/QH13, ngày 27/11/2013 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng; Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

(2) Tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ công an, kịp thời phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng; tập trung lực lượng, biện pháp thúc đẩy tiến độ điều tra các vụ án đã khởi tố, nhất là các vụ án tham nhũng lớn được nhân dân quan tâm.

(3) Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát và các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng, tạo sự thống nhất trong việc đánh giá chứng cứ để đưa ra truy tố các đối tượng trước pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

(4) Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng và tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng. Trước mắt, tập trung đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, trong đó sửa đổi các điều luật quy định về tội tham nhũng theo hướng bổ sung một số hành vi tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng vào Bộ luật hình sự nhằm nâng cao tính răn đe, phòng ngừa tội phạm; xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh tài chính, kế toán, ngân hàng, xây dựng...; ban hành hướng dẫn áp dụng thống nhất các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”, “đất có diện tích lớn, rất lớn, đặc biệt lớn” trong các quy định về tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng của Bộ luật hình sự; hướng dẫn áp dụng các tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm, lợi ích vật chất khác, số lượng lớn, giá trị lớn, tư lợi hoặc động cơ cá nhân khác; xác định hành vi phạm tội của các tội phạm xâm phạm tài sản trong các doanh nghiệp có cổ phần của Nhà nước.

(5) Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng, nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng.

(6) Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; tham gia ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương trong lĩnh vực hình sự và dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam với các nước nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

(7) Để đảm bảo phiên tòa diễn ra trang nghiêm, quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, không bị gián đoạn, kéo dài, Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án các cấp trong quá trình chuẩn bị đưa các vụ án tham nhũng ra xét xử; nhất là công tác nắm tình hình, áp giải bị cáo đến phiên tòa; yêu cầu các đơn vị, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cử người có đủ thẩm quyền, trách nhiệm tham dự phiên tòa; triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án tham dự phiên tòa.



53. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Đề nghị sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự. Sớm có văn bản hướng dẫn trong từng lĩnh vực cụ thể, tránh sự nhận thức khác nhau giữa cơ quan thực hiện và cơ quan kiểm tra, giám sát.

Каталог: userfiles -> files -> TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)

tải về 6.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   40   41   42   43   44   45   46   47   ...   86




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương