KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 6.12 Mb.
trang43/86
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích6.12 Mb.
#1452
1   ...   39   40   41   42   43   44   45   46   ...   86

Trả lời: Tại công văn số 3027/BCA-V11 ngày 11/9/2014

Thời gian qua, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương huy động lực lượng, phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tổ chức công tác hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); trung bình mỗi năm, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, phát hiện và xử lý trên 5 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền nộp Kho bạc nhà nước trên 2.000 tỷ đồng; phối hợp bắt giữ hàng nghìn tên tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông. Kết quả trên đã góp phần tích cực kiềm chế, làm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông; năm 2012, 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, số người chết do tai nạn giao thông đã được giảm xuống dưới 10.000 người.

Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra nhiều, số người chết, bị thương vẫn ở mức cao. Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý của Nhà nước về giao thông còn lỏng lẻo, hệ thống cơ sở hạ tầng, công tác quy hoạch hệ thống giao thông còn nhiều bất cập, ý thức của người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế.

Để tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Bộ Công an tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, sử dụng, khai thác tối đa các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ việc phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

- Tổ chức các đợt cao điểm, xử lý vi phạm theo chuyên đề như: vi phạm chở quá tải; vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm TTATGT tại các tuyến đường giao thông nông thôn... để giải quyết tình hình phức tạp về TTATGT, đạt mục tiêu kiềm chế, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.

- Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình các tổ công tác phối hợp giữa Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113... tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, mang theo vũ khí khi tham gia giao thông và các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT nhằm tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội và nhân dân ủng hộ hoạt động tích cực của lực lượng chức năng đấu tranh với các hành vi vi phạm TTATGT.

- Xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm TTATGT có dấu hiệu tội phạm, nhất là các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

- Thông qua công tác đảm bảo TTATGT, phát hiện và kiến nghị với cơ quan chức năng khắc phục, giải quyết các bất hợp lý trong tổ chức giao thông, các nguy cơ gây mất an toàn giao thông và các “điểm đen” tai nạn giao thông.



41. Cử tri tỉnh Quảng Nam thành phố Hà Nội kiến nghị: Tình trạng xe quá tải, quá khổ với trọng tải hàng trăm tấn đi qua nhiều trạm kiểm tra, kiểm soát của lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông và các trạm cân lưu động của các tỉnh, thành phố dọc tuyến Quốc lộ 1A (như ngày 20/4/2014, xe 51C-178.99 kéo romooc chở hơn 100 tấn hàng từ Hà Nội vào đến Bình Thuận mới bị phát hiện và lập biên bản – Báo Pháp luật TPHCM...) nhưng không bị phát hiện, xử lý. Cử tri đề nghị Bộ Công an kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức ngành thiếu trách nhiệm trong vụ việc nêu trên.

Trả lời: Tại công văn số 3032/BCA-V11 ngày 11/9/2014

- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về tăng cường kiểm soát tải trọng xe ô tô trên đường bộ, Kế hoạch số 12593/KHPH/BGTVT-BCA, ngày 21/11/2013 của Bộ Giao thông vận tải - Bộ Công an phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải của xe ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ; trong 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra tại các trạm cân, phát hiện, lập biên bản 25.000 trường hợp vi phạm chở hàng quá trọng tải, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 77 tỷ đồng, tạm giữ 563 phương tiện, tước 14.000 giấy phép lái xe, xử lý hạ tải đối với 7.236 phương tiện vi phạm, 33.000 tấn hàng. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông đã chủ động kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 47.000 trường hợp vi phạm chở hàng quá trọng tải, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 106 tỷ đồng, tạm giữ 1.845 phương tiện, tước 23.000 giấy phép lái xe, xử lý hạ tải đối với 8.792 phương tiện vi phạm, với 27.000 tấn hàng. Việc đồng loạt ra quân xử lý xe ô tô chở quá trọng tải trong toàn quốc đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe trong việc chấp hành quy định về vận tải đường bộ và đã có chuyển biến tích cực, được dư luận xã hội đồng thuận, ủng hộ.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xe quá tải tránh né các trạm cân và lưu thông khi trạm cân dừng hoạt động, nguyên nhân là do thời gian đầu thực hiện việc kiểm soát trọng tải phương tiện, một số địa phương chưa thực hiện tốt việc kiểm tra liên tục 24h trong ngày, mà chỉ thực hiện vào giờ hành chính hoặc 01 ngày chỉ làm 8h; mặt khác, mỗi địa phương chỉ được trang bị 01 trạm cân lưu động, trong khi đó địa bàn rộng có nhiều tuyến đường đi qua nên không quán xuyến, kiểm soát triệt để được xe quá trọng tải qua địa bàn quản lý (khi cân ở khu vực này thì lái xe, chủ xe tìm cách né, tránh đi qua khu vực khác). Sau khi phát hiện những bất cập tồn tại này, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì báo cáo Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát tải trọng xe 24h trong ngày và 07 ngày trong tuần, do vậy, đã giảm hẳn việc xe ô tô dừng đỗ ở đầu trạm cân cũng như né tránh trạm cân.

- Về vụ việc chiếc xe 51C-17899 kéo rơmoóc chở hơn 100 tấn hàng từ Hà Nội vào đến Bình Thuận mới bị phát hiện và lập biên bản. Ngày 25/4/2014, Bộ Công an đã có Điện chỉ đạo Công an các địa phương dọc tuyến quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Đồng Nai khẩn trương kiểm tra, xác minh, báo cáo việc kiểm tra, xử lý đối với chiếc xe ô tô trên. Đây là thời gian đầu mới triển khai các trạm cân lưu động, công tác phối hợp chưa chặt chẽ, nên lái xe ô tô biển kiểm soát 51C – 17899 chở hàng quá tải trọng, di chuyển từ Hà Nội đến Bình Thuận, quá trình lưu thông trên đường lái xe đã tìm mọi cách để né, tránh các tổ tuần tra kiểm soát và các trạm cân, khi đến tỉnh Bình Thuận mới bị phát hiện, lập biên bản; do lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh Bình Thuận không bố trí đủ thiết bị hạ tải, bãi hạ tải nên mới chỉ lập biên bản vi phạm mà chưa buộc hạ tải, cho xe tiếp tục lưu hành; sau đó chiếc xe này đi đến địa phận tỉnh Long An thì lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Long An phát hiện, lập biên bản tạm giữ, yêu cầu lái xe, chủ xe phải chuyển tải bằng đường thủy về Thành phố Cần Thơ.

- Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Kế hoạch số 12593/KHPH/BGTVT-BCA, nhằm góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Bộ Công an đang chỉ đạo:

+ Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, xác định công tác kiểm soát tải trọng xe là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của ngành Giao thông vận tải triển khai đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên liên tục, lâu dài, đúng chức năng, nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch số 12593/KHPH/BGTVT-BCA. Chủ động tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của xe ôtô chở hàng quá trọng tải.

+ Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình các tổ công tác phối hợp giữa Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113... để tăng cường tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, nhất là phòng, chống tình trạng “cò”, “môi giới dẫn xe” chở hàng quá tải trọng đi qua các trạm cân, trốn tránh việc kiểm soát của các lực lượng chức năng.

+ Tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự nói chung, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói riêng; chỉ đạo các cơ quan ban, ngành địa phương phối hợp thống nhất thực hiện có hiệu quả Thông tư liên ngành về xử lý xe quá trọng tải, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

+ Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông vi phạm quy trình công tác, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ hoặc tiêu cực (dừng xe không kiểm soát, kiểm soát qua loa, bỏ qua vi phạm...), tùy theo mức độ sai phạm để có hình thức xử lý nghiêm minh, đồng thời xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo chỉ huy để cán bộ, chiến sĩ vi phạm theo quy định.

42. Cử tri tỉnh Sơn La kiến nghị: Đề nghị Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xem xét tham mưu trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách cụ thể trong hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho Công an các địa phương dọc biên giới được chủ động thực hiện các nội dung hợp tác với nước bạn Lào trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là phòng, chống tội phạm ma túy. Hiện nay, việc thực hiện công tác phối hợp phòng, chống tội phạm ma túy qua biên giới giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào (SH09), chủ yếu dựa trên hệ thống các văn bản pháp lý như các Hiệp định song phương được ký kết giữa 2 nước; Hiệp định hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam với Bộ An ninh Lào; Biên bản hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm giữa Tổng cục Cảnh sát Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát Lào; nội dung hợp tác toàn diện giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào... Tuy nhiên, đây chỉ là những văn bản ký kết mang tính định hướng, chưa có những nội dung cụ thể về cơ chế, chính sách, về hành lang pháp lý để lực lượng Công an triển khai thực hiện (ví dụ như quy định về việc cử cán bộ sang nước bạn Lào phối hợp thực hiện công tác phòng chống ma túy; định hướng xử lý các tình huống rủi ro xảy ra...).

Trả lời: Tại công văn số 3034/BCA-V11 ngày 11/9/2014

Thời gian qua, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào rất chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý về hợp tác trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm. Mặt khác, Việt Nam và Lào đang là thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương của Liên hợp quốc và khu vực về phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy như Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước thống nhất về các chất ma tuý năm 1961, Công ước về các chất hướng thần năm 1971, Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý, chất hướng thần năm 1988, Bản ghi nhớ giữa các nước tiểu vùng sông Mekong về hợp tác phòng, chống ma túy năm 1993, Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN năm 2004… Hai nước cũng tích cực tham gia các hoạt động của khu vực ASEAN hướng đến mục tiêu xây dựng ASEAN không ma túy vào năm 2014, tham dự các hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN về phòng, chống ma túy hay các chương trình hành động do Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức.

Đồng thời, hai nước đã ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về hợp tác kiểm soát ma túy, các chất hướng thần và tiền chất năm 1998, Hiệp định hợp tác giữa Bộ Công an nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ An ninh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 2001. Hàng năm, các cơ quan chức năng của hai nước đã thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp điều tra tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, trao đổi kinh nghiệm và ký kết các kế hoạch hợp tác cụ thể theo từng năm. Công an các tỉnh có chung đường biên giới với Lào đều ký kết các thỏa thuận hợp tác với các cơ quan chức năng của Bạn về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ngoài ra, Bộ Công an đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia phòng, chống ma túy, mại dâm và AIDS Việt Nam thành lập các Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) dọc tuyến biên giới Việt Nam – Lào, làm nơi tiếp nhận và xử lý nóng những thông tin liên quan đến tội phạm ma túy. Đến nay, trên toàn tuyến biên giới đã có 05 Văn phòng BLO được thành lập ở các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị; đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xây dựng quy chế biên giới, làm cơ sở cho việc quản lý công dân hai nước qua lại biên giới của các lực lượng chức năng hai nước.

Như vậy, hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác giữa lực lượng Công an Việt Nam với các lực lượng chức năng của Lào trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm liên quan đến ma túy là khá đầy đủ. Việc triển khai thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận đa phương và các thỏa thuận hợp tác song phương nêu trên cần phải kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện các quy định của pháp luật nước ta và áp dụng trong từng trường hợp cụ thể, dựa trên các điều kiện thực tế. Tổng kết công tác phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Công an của 08/10 tỉnh có biên giới chung với Lào với các lực lượng chức năng của Lào từ năm 2003 đến 2013 cho thấy, việc hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa hai nước đã đạt hiệu quả tích cực, cụ thể: Đã phối hợp điều tra, xử lý 305 vụ án hình sự, bắt giữ trên 500 đối tượng, trong đó có 156 vụ với trên 180 đối tượng liên quan đến tội phạm về ma túy.

Việc cử cán bộ trong lực lượng Công an nhân dân sang Lào phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống ma túy nói riêng và các chế độ, chính sách đối với cán bộ đi công tác nước ngoài áp dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước và của Bộ Công an. Đề nghị cử tri nêu rõ các vướng mắc cụ thể trong công tác phối hợp với Lào trong đấu tranh phòng, chống tội phạm để có cơ sở phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ bổ sung về cơ chế phối hợp cụ thể, hiệu quả hơn.



43. Cử tri tỉnh Sơn La kiến nghị: Đề nghị Chính phủ xem xét ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ lực lượng Cảnh sát tham gia công tác phòng chống tội phạm ma tuý, ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ đối với cán bộ chiến sỹ bị phơi nhiễm HIV và bị nhiễm HIV trong quá trình đấu tranh bắt giữ tội phạm ma tuý cũng như thu gom người tái nghiện ma tuý đi cai nghiện, đảm bảo quyền lợi và chế độ chính sách cho cán bộ, chiến sỹ trong trường hợp rủi ro nghề nghiệp. Hiện nay, chế độ phụ cấp đặc thù đối với lực lượng Công an được thực hiện theo Quyết định số 91/2009/QĐ-TTg ngày 06/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên chưa có chính sách đặc thù cho cán bộ, chiến sỹ công tác tại những địa bàn trọng điểm về ma túy và đặc biệt khó khăn như tỉnh Sơn La.

Trả lời: Tại công văn số 3034/BCA-V11 ngày 11/9/2014

Tại Quyết định số 265/2003/QĐ-TTg, ngày 16/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm HIV hoặc bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, trong đó đã quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV và bị nhiễm HIV trong quá trình đấu tranh, bắt giữ tội phạm ma túy, cũng như đưa người tái nghiện ma túy đi cai nghiện, trường hợp rủi ro nghề nghiệp.

Chế độ phụ cấp đặc thù đối với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy được quy định tại Khoản 3, Điều 1 Quyết định số 91/2009/QĐ-TTg, ngày 06/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân, trong đó quy định:

“3. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy:

a) Mức phụ cấp 20% áp dụng đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

b) Mức phụ cấp 15% áp dụng đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.”



Như vậy, cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy là một trong các đối tượng đã được hưởng mức phụ cấp đặc thù.

Mặt khác, căn cứ Kết luận số 63-KL/TW, ngày 27/5/2013 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” quy định: Từ nay đến khi Trung ương thông qua Đề án: Đối với đối tượng hưởng lương từ ngân sách, quy định mức lương cơ sở thay cho mức lương tối thiểu chung và từng bước điều chỉnh trên cơ sở khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Không bổ sung các loại phụ cấp ưu đãi, trách nhiệm, đặc thù theo ngành nghề”. Do đó, kiến nghị của cử tri về việc nghiên cứu chính sách đặc thù cho cán bộ, chiến sĩ công tác tại những địa bàn trọng điểm về ma túy, Bộ Công an ghi nhận để nghiên cứu, báo cáo Chính phủ vào thời điểm thích hợp.

44. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị sớm ban hành giải pháp giải quyết tình trạng một số người dân là Việt kiều Campuchia về sống tại Việt Nam chưa được cấp sổ hộ khẩu thường trú nên không được cấp Chứng minh nhân dân, làm giấy khai sinh nên ảnh hưởng đến việc đi học của các em học sinh, xin việc làm của một số người dân tại các công ty, xí nghiệp.

Trả lời: Tại công văn số 3035/BCA-V11 ngày 11/9/2014

Trong những năm gần đây, tình hình số hộ dân sinh sống tại Campuchia (đa phần là người gốc Việt, Việt kiều Campuchia) di cư tự do về Việt Nam sinh sống ở một số huyện của các tỉnh giáp biên giới có xu hướng gia tăng. Hầu hết những người này di cư về biên giới 10 tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia, như: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Phước, Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum. Một số ít di chuyển sâu vào TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau, Đồng Nai…; tại Tây Ninh có 768 hộ, 4.516 nhân khẩu là người Việt từ Campuchia di cư tự do về sống ở khu vực dọc biên giới.

Trước tình hình trên, để góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực biên giới giáp với Campuchia và bảo đảm cuộc sống cho những hộ dân Campuchia di cư tự do về Việt Nam sinh sống, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch 198/KH- BCA, ngày 19/6/2014 về việc giải quyết giấy tờ pháp lý cho Việt kiều Campuchia; thành lập tổ công tác đặc biệt giải quyết thường trú cho Việt kiều Campuchia; chỉ đạo Công an các tỉnh biên giới giáp Campuchia chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành tham gia rà soát, thống kê, phân loại số hộ dân Campuchia di cư tự do về Việt Nam sinh sống và hướng dẫn họ làm thủ tục cần thiết để được cấp các giấy tờ về nhân thân, cũng như hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các trường hợp này có cuộc sống ổn định.

Tại Tây Ninh, lực lượng Công an đã giải quyết đăng ký thường trú cho 249 hộ, 1549 nhân khẩu. Hiện nay, còn 2.970 nhân khẩu chưa được đăng ký thường trú vì số người này trở về Việt Nam bằng con đường không chính thức; trước khi về Việt Nam họ không đến cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia xin các giấy tờ chứng thực là công dân Việt Nam và không có khả năng trở về Campuchia hoặc về quê quán, nơi sinh xin xác nhận các loại giấy tờ chứng minh nhân thân, quốc tịch... Do vậy, khi trở về Việt Nam mặc dù chính quyền địa phương rất quan tâm, nhưng do không có nhà cửa, đất đai, nhiều hộ phải sống trên ghe, thuyền lưu động... nên Công an cơ sở gặp khó khăn trong việc cấp sổ hộ khẩu nói riêng, công tác đăng ký, quản lý cư trú nói chung.

Để chủ động giải quyết đăng ký thường trú cho các hộ dân Campuchia di cư về Việt Nam sinh sống, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng tiểu Đề án giải quyết các vấn đề quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu do Bộ Tư pháp chủ trì trình Chính phủ phê duyệt; đồng thời, chỉ đạo Công an các địa phương có chung đường biên giới với Campuchia tiếp tục phối hợp với các ban, ngành rà soát, thống kê, lập danh sách, phân loại số hộ di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống để có biện pháp giải quyết cụ thể.

45. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Xem xét, bổ sung tiêu chuẩn xét thăng cấp quân hàm đối với sĩ quan Công an nên có tiêu chí đức (đạo đức) và tài (mức độ hoàn thành nhiệm vụ), tránh tình trạng cứ đủ thời gian công tác sẽ được được thăng hàm là không hợp lý.

Trả lời: Tại công văn số 3035/BCA-V11 ngày 11/9/2014

Ngày 02/8/2007, Bộ Công an ban hành Thông tư số 10/2007/TT-BCA, về hướng dẫn thực hiện chế độ thăng cấp, nâng bậc lương hằng năm đối với sĩ quan, hạ sĩ quan trong lực lượng Công an nhân dân, trong đó đã quy định chặt chẽ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, mức độ hoàn thành nhiệm vụ và đủ điều kiện về thời gian xét phong, thăng cấp bậc hàm đối với sĩ quan Công an nhân dân.

Hằng năm, Bộ Công an đều có văn bản hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương rà soát kỹ các trường hợp cán bộ, chiến sĩ đến niên hạn thăng cấp bậc hàm, nâng lương, đối chiếu với tiêu chuẩn quy định, lập hồ sơ, tiến hành các thủ tục đề nghị xem xét, quyết định thăng cấp bậc hàm, nâng lương bảo đảm chính xác, kịp thời, đúng quy định. Ngoài ra, các cơ quan chức năng thường xuyên chú trọng kiểm tra việc thực hiện các quy định về phong và thăng cấp bậc hàm đối với sĩ quan Công an nhân dân, từ đó kịp thời khắc phục những sai sót, bất cập trong công tác này.

Việc phong và thăng cấp bậc hàm đối với sĩ quan Công an nhân dân đã đi vào nền nếp, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tạo không khí phấn khởi cho toàn lực lượng, động viên cán bộ, chiến sĩ phấn đấu, rèn luyện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.



46. Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Hiện nay, tình hình vi phạm trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông vẫn còn xảy ra nhiều và tiềm ẩn nguy cơ về sự gia tăng đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân; cử tri đề nghị có biện pháp cụ thể, kiên quyết hơn nữa để xử lý dứt điểm và đảm bảo tốt trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông trên phạm vi cả nước nói chung và tại các địa phương nói riêng.

Cử tri các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long kiến nghị: Đề nghị quan tâm chỉ đạo, có giải pháp khắc phục tình trạng mất an toàn xã hội, an ninh trật tự tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... Vì tại các nơi này gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng: giết người cướp của, mua bán người, mua bán ma túy, tai nạn giao thông.

Trả lời: Tại công văn số 3036/BCA-V11 ngày 11/9/2014

1. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lực lượng Công an nhân dân đã tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm, liên tục triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự của đất nước. Năm 2013, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 44.033 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt xử lý 88.259 đối tượng, đạt tỷ lệ 74,49% cao hơn 1,09% so với năm 2012; triệt phá 2.640 băng, nhóm tội phạm; phát hiện, bắt giữ 18.384 vụ, 28.534 đối tượng phạm tội về ma túy. Trong 6 tháng đầu năm 2014, đã điều tra, khám phá 22.002 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt xử lý 45.261 đối tượng, đạt tỷ lệ 75,58%, cao hơn 0,1% so với cùng kỳ năm 2013; triệt phá 1.469 băng, nhóm tội phạm; phát hiện, bắt giữ 9.347 vụ, 13.953 đối tượng phạm tội về ma túy... Điển hình như: băng, nhóm chuyên cho vay nặng lãi, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê núp bóng dưới vỏ bọc doanh nghiệp tư nhân do Trần Minh Tiến, tức Tiến “con” cầm đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh; 02 băng, nhóm chuyên khống chế, ép giá hàng nông, lâm sản, đòi tiền bảo kê buôn bán, vận chuyển bã mía trong nhà máy đường do Vũ Trung Kiên và Đỗ Công Bình cầm đầu ở Thanh Hóa...

Tuy nhiên, một số loại tội phạm vẫn diễn biến rất phức tạp, trong đó tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, cướp, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, tội phạm mua bán người, tội phạm ma túy... xảy ra với tính chất, mức độ nghiêm trọng, nhất là ở các thành phố lớn. Sáu tháng đầu năm 2014, phát hiện 29.111 vụ phạm tội về trật tự xã hội, tăng 2,21% so với cùng kỳ năm 2013 (trong đó, phát hiện 602 vụ giết người, 1.662 vụ cướp giật tài sản, 779 vụ cướp tài sản, 301 vụ mua bán người, lừa bán 451 nạn nhân, 9.347 vụ phạm tội về ma túy...); tại 05 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xảy ra 6.721 vụ phạm tội về trật tự xã hội, chiếm 23,09%. Hoạt động của đối tượng phạm tội về ma túy, cướp, cướp giật tài sản diễn ra manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng” gây án, chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, truy bắt; tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội xảy ra nghiêm trọng, hành vi gây án ngày càng dã man như giết nhiều người trong một vụ, giết người rồi cưa, cắt xác để phi tang; tội phạm mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em, mua bán người thông qua hình thức môi giới hôn nhân bất hợp pháp để bóc lột tình dục, ép làm vợ bất hợp pháp, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, cưỡng bức lao động, mua bán nội tạng diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân của tình trạng trên, chủ yếu là do: (1) Tình hình kinh tế còn khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục gia tăng kéo theo nhiều người lao động mất việc làm tạo áp lực lớn đến các vấn đề xã hội. (2) Đạo đức trong gia đình, nhà trường, xã hội, lối sống thực dụng, hưởng thụ, chạy theo lợi ích vật chất, nhất là trong thanh, thiếu niên rất đáng lo ngại. (3) Những mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt, cuộc sống trong nội bộ nhân dân, trong gia đình, mâu thuẫn giữa các băng, nhóm tội phạm hoặc lưu manh, côn đồ vẫn luôn tiềm ẩn. (4) Xu hướng giải quyết các mâu thuẫn xã hội bằng bạo lực có chiều hướng gia tăng trong nhân dân. (5) Tác động tiêu cực của ấn phẩm đồi trụy, trò chơi trực tuyến trên mạng Internet (game online) đối với thanh, thiếu niên đang trong độ tuổi phát triển về nhận thức, tâm, sinh lý. (6) Số người nghiện ma túy ngoài xã hội còn nhiều, tiềm ẩn yếu tố làm nảy sinh tội phạm. (7) Công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, công tác quản lý nhà nước trên một một số lĩnh vực còn nhiều sơ hở. (8) Ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của nhiều người còn hạn chế, chủ quan, sơ hở bị tội phạm lợi dụng. (9) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các công tác trọng tâm sau:

- Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới" gắn với thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13, ngày 23/11/2012, Nghị quyết số 63/2013/QH13, ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2015; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân; nắm tình hình mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và đề xuất giải quyết mâu thuẫn ngay từ cơ sở để phòng ngừa, ngăn chặn các trọng án do nguyên nhân xã hội, nhất là các vụ giết người, cố ý gây thương tích do mâu thuẫn, thù tức cá nhân; triển khai thực hiện các chương trình, nghị quyết, thông tư liên tịch nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, giáo dục các đối tượng có nguy cơ cao về tội phạm, vi phạm pháp luật hoặc bị tội phạm xâm hại; đẩy mạnh xây dựng các phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, như mô hình “tuần tra nhân dân”, “tổ an ninh xã hội”, “khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự”.

- Tham mưu chính quyền các cấp trong xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường các chương trình kiểm tra, giám sát phù hợp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đặc biệt là ở địa bàn cơ sở. Từ đó góp phần làm giảm nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển tội phạm.

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự. Tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình tổ công tác phối hợp 03 lực lượng (Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự) ở Công an các đơn vị, địa phương trong phòng, chống tội phạm, nhất là phòng, chống cướp giật, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ...

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định số 72/2009/NĐ-CP, ngày 03/9/2009 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; Chỉ thị số 08/CT-BCA, ngày 19/9/2013 của Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tiếp tục thiết lập, tổ chức hoạt động của các đường dây “nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm.

- Triển khai liên tục các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động đâm thuê, chém mướn, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, giết người, cướp, cướp giật tài sản, mua bán người, tội phạm về ma túy..., tập trung ở các thành phố lớn, các tuyến, địa bàn trọng điểm. Phối hợp chặt chẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo khách quan, nghiêm minh, không để tình trạng tội phạm hoạt động lộng hành. Điều tra khám phá nhanh các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe tội phạm.

- Tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

2. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 29/6/2007 về “Một số giải pháp cấp bách nhằm làm giảm tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông”; Nghị quyết số 88/NQ-CP, ngày 24/8/2011 về “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông”. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng Công an nhân dân, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT góp phần tích cực làm giảm TNGT và ùn tắc giao thông. Do đó, trật tự, an toàn giao thông đã có chuyển biến tích cực; tai nạn giao thông giảm về số vụ, số người bị thương. Năm 2013, xảy ra 31.337 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.851 người, bị thương 32.169 người; giảm 13,85% số vụ, tăng 0,13% số người chết, giảm 15,48% người bị thương so với năm 2012; trong 6 tháng đầu năm 2014, xảy ra 12.988 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.703 người, bị thương 12.849 người; giảm 16, 98% số vụ, giảm 7,91% số người chết, giảm 19,75% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, số người chết và bị thương do TNGT vẫn ở mức cao, nhiều vụ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng; vi phạm TTATGT vẫn xảy ra phổ biến, nhiều nơi tái diễn người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm; tình trạng tụ tập điều khiển xe lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép vẫn diễn ra như cử tri đã phản ánh.

Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông, Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp chấn chỉnh trật tự, an toàn giao thông, trọng tâm là:

- Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Nghị quyết số 88/NQ-CP, ngày 24/8/2011 của Chính phủ về “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông”...

- Tổ chức khảo sát xác định các “điểm đen” về TNGT, các điểm ùn tắc giao thông, các bất hợp lý về tổ chức giao thông để khắc phục. Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng phân luồng, phân tuyến, bố trí lực lượng hướng dẫn, điều khiển giao thông, làm tốt công tác phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông.

- Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các giải pháp cấp bách để kiềm chế tai nạn giao thông, tập trung vào các địa phương có số vụ TNGT tăng, xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, tình hình TTATGT phức tạp. Xây dựng và triển khai thực hiện các phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông tại các đô thị và trên các quốc lộ trọng điểm; tập trung tăng cường lực lượng thực hiện công tác chỉ huy, hướng dẫn, điều khiển giao thông vào giờ cao điểm, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

- Kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, chấn chỉnh khắc phục những sơ hở, hạn chế trong đào tạo, sát hạch, cấp bằng và chứng chỉ cho người điều khiển phương tiện giao thông.

- Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp các lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113 tham gia tuần tra kiểm soát bảo đảm TTATGT, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kịp thời ngăn chặn và trấn áp ngay các hành vi chống người thi hành công vụ.

- Tăng cường giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông nắm vững và chấp hành nghiêm quy trình, chế độ công tác, Điều lệnh Công an nhân dân, lễ tiết tác phong, thái độ, văn hoá ứng xử khi tiếp xúc với nhân dân và người vi phạm. Giao trách nhiệm cho lãnh đạo, chỉ huy Cảnh sát giao thông các cấp phải tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên mặt đường; phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, tiêu cực của Cảnh sát giao thông và xử lý trách nhiệm liên đới của Thủ trưởng đơn vị để cán bộ, chiến sĩ sai phạm.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền pháp luật về giao thông, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, lên án các hành vi chống người thi hành công vụ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.



47. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng chưa quy định về danh mục công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP, ngày 6/2/2013 của Chính phủ.

Каталог: userfiles -> files -> TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)

tải về 6.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   39   40   41   42   43   44   45   46   ...   86




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương