KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 6.12 Mb.
trang30/86
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích6.12 Mb.
#1452
1   ...   26   27   28   29   30   31   32   33   ...   86

Trả lời: Tại công văn số 8025/BCT-KH ngày 20/8/2014

Ngày 27 tháng 11 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2014. Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét ban hành Thông tư quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP nêu trên. Dự thảo Thông tư đã được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan có liên quan và trên trang thông tin pháp luật Công Thương. Hiện nay, Bộ đang trong quá trình tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Dự thảo và ban hành trong tháng 8 năm 2014.

Trong thời gian chưa có Thông tư hướng dẫn thi hành, trên cơ sở thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 19 tháng 3 năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn 2114/BCT-HC về việc triển khai thực hiện Nghị định số 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón (có bản sao Công văn kèm theo) để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực phân bón làm căn cứ thực hiện.

Tại Công văn trên, Bộ Công Thương yêu cầu các tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh phân bón, nếu chưa đáp ứng đủ điều kiện về sản xuất, kinh doanh phân bón theo Nghị định số 202/2013/NĐ-CP thì trong vòng 2 năm, tính từ ngày 01 tháng 02 năm 2014 phải bổ sung đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu thực hiện một số nội dung liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu phân bón, khảo nghiệm phân bón, chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy. 

61. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Cử tri phản ánh, tại văn bản số 3868/BCT-CNNg ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Bộ Công Thương về việc xuất khẩu đồng thô (Sten đồng) đã nêu rõ: “Đây là sản phẩm chưa có quy định cụ thể nào về việc cho phép xuất khẩu, các tiêu chí đánh giá hàm lượng, chất lượng chưa đăng ký hàng hóa và chưa có ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn...”. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước xuất khẩu Sten đồng ra nước ngoài, gây lãng phí, thất thoát tài nguyên của đất nước. Vấn đề này đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai có ý kiến với Bộ Công Thương tại các kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII về quy hoạch công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản tại tỉnh Lào Cai, đến nay vẫn chưa được thực hiện. Đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành quyết định quy hoạch về khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai và xem xét dừng xuất khẩu Sten đồng để tập trung cho việc đầu tư chế biến sâu trong nước, hạn chế thất thoát, lãng phí tài nguyên của đất nước.

Trả lời: Tại công văn số 8024/BCT-KH ngày 20/8/2014

1. Về việc sớm ban hành quyết định quy hoạch về khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai:

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc giảm nhanh tình trạng xuất khẩu nguồn tài nguyên, nguyên liệu thô, nhằm tập trung nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh việc đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản, hiện Bộ Công Thương đã và đang tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch khoáng sản chung cho cả nước như: quy hoạch titan, quy hoạch bôxít, quy hoạch apatit, quy hoạch quặng sắt, quy hoạch quặng chì kẽm... Các Quy hoạch khoáng sản được lập, điều chỉnh và phê duyệt là văn bản pháp lý quan trọng để thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, giúp định hướng phát triển công nghiệp chế biến, khai khoáng cho các địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm lập, rà soát, điều chỉnh và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của địa phương theo đúng quy định của Chính phủ và quy định tại Luật khoáng sản.

2. Về việc xem xét dừng xuất khẩu Sten đồng để tập trung cho việc đầu tư chế biến sâu trong nước

Đồng thô (hoặc Sten đồng) là sản phẩm trung gian trong dây chuyền sản xuất đồng kim loại từ tinh quặng đồng; thành phần chủ yếu là đồng (Cu), sắt (Fe), lưu huỳnh (S), trong đó hàm lượng đồng Cu ≥ 45%.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã có công văn gửi tới Bộ Công Thương đề nghị về việc hướng dẫn xuất khẩu đồng thô (Sten đồng) với nội dung: “Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai, Công ty cổ phần đầu tư VIDIFI Lào Cai đã thực hiện đầu tư Nhà máy luyện đồng có công suất đăng ký là 5.000 tấn đồng kim loại/năm và đến nay đã sản xuất ra đồng thô (Sten đồng) có hàm lượng Cu = 50%- 95%, là sản phẩm không tiêu thụ được trong nước nên Công ty cổ phần đầu tư VIDIFI Lào Cai đề nghị được xuất khẩu để giảm bớt khó khăn. Đây là sản phẩm chưa có quy định cụ thể nào về việc cho phép xuất khẩu, các tiêu chí đánh giá hàm lượng, chất lượng chưa đăng ký hàng hoá và chưa có ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn”.

Bộ Công Thương đã có Văn bản trả lời số 8368/BCT-CNNg ngày 18 tháng 8 năm 2010 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai với nội dung hướng dẫn cụ thể như sau:

- Sten đồng không phải là khoáng sản mà là sản phẩm trung gian của quá trình luyện kim màu và không chịu sự điều chỉnh của Thông tư số 08/2008/TT-BCT ngày 18 tháng 6 năm 2008 về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản (nay là Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương quy định về xuất khẩu khoáng sản).

- Theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 (nay là Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ) quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài thì mặt hàng Sten đồng nói trên không nằm trong Phụ lục I - Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; Phụ lục II - Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo Giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành, trong đó có Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo Giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành, nguyên tắc quản lý của Bộ Công Thương nói riêng.

- Mặt hàng Sten đồng có mã số thuế theo biểu thuế 7401.00.00.00 được phép xuất khẩu.

Như vậy, mặt hàng Sten đồng của Công ty cổ phần đầu tư VIDIFI Lào Cai được phép xuất khẩu. Tuy nhiên, Sten đồng là sản phẩm trung gian từ tinh quặng đồng để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng là đồng kim loại. Quặng đồng nước ta không nhiều, tập trung chủ yếu ở tỉnh Lào Cai. Hiện nay Lào Cai đã có Nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng công suất 10.000 tấn đồng kim loại/năm đã sản xuất và đang lập dự án mở rộng nâng công suất 30.000 tấn đồng kim loại/năm do Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm Chủ đầu tư và Dự án Nhà máy Luyện kim màu Bản Lầu, Lào Cai do Công ty cổ phần Đầu tư VIDIFI Lào Cai làm Chủ đầu tư với công suất điều chỉnh 10.000 tấn đồng kim loại/năm, vì vậy Bộ Công Thương cho rằng việc không nên xuất khẩu Sten đồng là cần thiết nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu cho các Dự án luyện đồng trong nước.

Trong thời gian qua, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai kiểm tra việc sản xuất và xuất khẩu Sten đồng tại tỉnh Lào Cai. Sau khi kiểm tra, Bộ Công Thương đã có Công văn số 4743/BCT-CNNg ngày 02 tháng 6 năm 2014 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai trong đó nêu rõ:

- Nhằm ngăn chặn việc thất thoát tài nguyên và thực hiện chủ trương chế biến sâu đến sản phẩm đồng kim loại đối với khoáng sản đồng khai thác trong nước, nhất trí với đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và cử tri tỉnh Lào Cai về việc không xuất khẩu Sten đồng được sản xuất từ nguồn quặng đồng trong nước. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu rà soát và bổ sung quy định cụ thể điều kiện xuất khẩu Sten đồng sản xuất từ nguồn quặng nhập khẩu và phế liệu; phối hợp với các Bộ ngành và địa phương liên quan tăng cường việc thanh, kiểm tra việc xuất khẩu khoáng sản.

- Đối với sản phẩm Sten đồng mà Công ty cổ phần đầu tư VIDIFI Lào Cai sản xuất từ nguồn nguyên liệu quặng đồng nhập khẩu, thu mua phế liệu đồng trong nước, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tiếp tục cho xuất khẩu số lượng Sten đồng đang tồn kho và duy trì sản xuất sản phẩm này trong giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư Dự án Nhà máy Luyện kim màu Bản Lầu theo kế hoạch.

62. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Về Dự án xây dựng Quốc lộ 28, đoạn tránh do ngập lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 thuộc địa bàn 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng có chiều dài là 15,3 Km, được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 476,846 tỷ đồng bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và vốn bồi thường của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (vốn Trái phiếu Chính phủ là 306 tỷ đồng, vốn của Tập đoàn điện lực Việt Nam là 170,846 tỷ đồng). Đến nay dự án đã thực hiện được 70% giá trị xây lắp và theo tiến độ sẽ hoàn thành trong năm 2014. Về vốn, đến nay được bố trí 401,569 tỷ đồng (vốn Trái phiếu Chính phủ đã bố trí đủ 306 tỷ đồng; vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bố trí 95,569 tỷ đồng, còn thiếu 75,277 tỷ đồng). Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam bố trí đủ số vốn còn thiếu trong năm 2014 để hoàn thành dự án theo tiến độ, đảm bảo lưu thông thuận lợi giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.

Trả lời: Tại công văn số 8060/BCT-KH ngày 20/8/2014

Tập đoàn Điện lực Việt Nam thống nhất với Bộ Giao thông vận tải chi phí cho đường tránh ngập Quốc lộ 28 là 320 tỷ, trong đó, tỉnh Lâm Đồng là 171 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông là 149 tỷ đồng. Giao cho Sở Giao thông vận tải của 2 Tỉnh làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chỉ thanh toán khi có hồ sơ khối lượng nghiệm thu thi công. Đến nay, phần tỉnh Lâm Đồng đã thanh toán được 104,429 tỷ đồng, giá trị còn lại 66,796 tỷ đồng. Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đã đăng ký thanh toán: trong Quý II năm 2014: 20 tỷ đồng; trong Quý III năm 2014: 20 tỷ đồng; trong Quý 4 năm 2014 sẽ thanh toán số còn lại. Ban Quản lý dự án cũng đã đăng ký với ngân hàng tiến độ giải ngân như trên. Trong thời gian tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng để thanh toán theo tiến độ thực hiện của Dự án.



63. Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị: Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh, cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu, sản xuất và giá bán lẻ xăng dầu đang bộc lộ nhiều bất cập, đã được cử tri kiến nghị nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung. Cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi những bất cập của Nghị định trên.

Trả lời: Tại công văn số 7966/BCT-KH ngày 19/8/2014

Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ năm 2013, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu vào tháng 9 năm 2013. Sau khi xem xét, lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì họp và yêu cầu Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành liên quan đánh giá, phân tích rõ thêm những hạn chế, bất cập trong thi hành Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, nhất là về sự vận hành của hệ thống đại lý kinh doanh xăng dầu; việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu; sự cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu và nhiều vấn đề khác... trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung Dự thảo Nghị định theo hướng tiếp tục kiên định đi theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện. Đồng thời, bổ sung vào Dự thảo Nghị định các quy định để thiết lập hệ thống phân phối xăng dầu theo phương thức mua đứt bán đoạn bên cạnh hệ thống đại lý kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP để tiếp tục tăng cường tính cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu; bổ sung các quy định để tăng tính công khai, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu và tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu (nhất là tổ chức hệ thống phân phối, bảo đảm cung ứng xăng dầu trong hệ thống…); bổ sung cơ chế khuyến khích việc kinh doanh, phân phối xăng sinh học E5 nhằm thúc đẩy thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo quy định của Thủ tướng Chính phủ…

Tuy nhiên việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP gặp nhiều khó khăn do lĩnh vực kinh doanh xăng dầu rất nhạy cảm, liên quan đến nguồn dự trữ, ngoài việc đảm bảo cho sản xuất, tiêu dùng trong nước còn liên quan đến nguồn đảm bảo cho an ninh năng lượng, đặc biệt quan trọng là mặt hàng này có tác động lớn đến nền kinh tế quốc dân và tâm lý người tiêu dùng, là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Vì vậy, đòi hỏi quá trình soạn thảo Nghị định phải hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm khắc phục được những hạn chế, bất cập của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, hướng hoạt động kinh doanh xăng dầu ngày càng vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao nhất trong xã hội.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong quá trình soạn thảo Nghị định, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nhiều lần rà soát, đánh giá để phân tích và đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp nhất. Mặc dù vậy, đến nay, các quan điểm khác nhau về một số nội dung, vấn đề quan trọng trong Dự thảo Nghị định vẫn được dư luận, các chuyên gia thảo luận công khai, càng đặt ra yêu cầu cao đối với việc soạn thảo Nghị định.

Hiện nay, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét phê duyệt.

64. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam sớm đầu tư dự án Nhà máy chế biến gỗ (giai đoạn II Nhà máy Giấy Bãi Bằng).

Trả lời: Tại công văn số 8031/BCT-KH ngày 20/8/2014

Đầu tư phát triển ngành sản xuất giấy vừa đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân, vừa là đầu ra tiêu thụ cho gỗ rừng. Để phát huy nguồn tài nguyên do rừng đem lại, ngoài đầu tư các nhà máy bột giấy phục vụ cho việc sản xuất giấy theo quy hoạch, cần tăng cường đầu tư nhà máy chế biến gỗ có công nghệ hiện đại, chất lượng cao, dần dần thay thế gỗ thiên nhiên, đây là biện pháp quan trọng giảm thiểu việc khai thác rừng trái phép.

Hiện nay, chủ trương của Chính phủ là quản lý chặt chẽ việc đầu tư các dự án sản xuất bột giấy; khuyến khích các nhà đầu tư chế biến làm gỗ công nghiệp với chất lượng cao. Do đó, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã tập trung vào đầu tư chế biến gỗ, sản xuất giấy. Ngày 24 tháng 3 năm 2014, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã có Tờ trình số 59/TTr-GVN.HN gửi Bộ Công Thương về việc trình duyệt danh mục dự án đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014; Báo cáo giải trình bổ sung danh mục đầu tư số 160/GVN-HĐTV.HN ngày 09 tháng 6 năm 2014 và số 171/GVN-HĐTV.HN ngày 16 tháng 6 năm 2014 trong đó đã đưa Dự án Nhà máy chế biến gỗ (giai đoạn II Nhà máy Giấy Bãi Bằng) vào trong danh mục dự án đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 5669/QĐ-BCT ngày 25 tháng 6 năm 2014 phê duyệt danh mục Dự án đầu tư nhóm A, B năm 2014 của Tổng công ty Giấy Việt Nam, trong đó có Dự án Nhà máy chế biến gỗ Bãi Bằng. Căn cứ Quyết định phê duyệt này, Tổng công ty Giấy Việt Nam chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các dự án đầu tư nhóm A, B có trong danh mục được phê duyệt theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả kinh tế trong thời gian tới.



65. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Đề nghị sớm hoàn thành dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ vào năm 2015. Hiện nay, việc chậm trễ trong triển khai dự án đã gây khó khăn rất lớn cho người dân trong vùng, nhất là các hộ dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng cây nguyên liệu phục vụ đầu vào cho nhà máy và gây lãng phí lớn về đầu tư.

Trả lời: Tại công văn số 8125/BCT-KH ngày 21/8/2014

Dự án Nhà máy sản xuất ethanol sinh học tại Tam Nông, Phú Thọ do Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) quản lý, có tổng vốn đầu tư: 2.484,93 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) (chiếm 39,76% vốn) và một số cổ đông khác. Công suất thiết kế của nhà máy là 79.000 tấn ethanol nhiên liệu/năm, với công nghệ của Applied Process Technologies Inc (APTI), Hoa Kỳ; các thiết bị chủ yếu được nhập khẩu từ Đan Mạch, EU/G7, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc. Sản phẩm chính của nhà máy là ethanol có độ tinh khiết 99,7% thể tích được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chính là sắn lát khô.

Nhà máy đã được khởi công xây dựng từ tháng 6 năm 2009 và dự kiến vận hành thương mại vào tháng 11 năm 2011. Tuy nhiên sau khi hoàn thành được 78% khối lượng công việc thì các bên tạm dừng thi công do các khó khăn như: phát sinh chi phí hợp đồng EPC, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, thu xếp nguồn vốn bổ sung, cơ cấu lại nguồn vốn vay… Vì vậy, các cổ đông đã thống nhất đánh giá lại toàn bộ Dự án, tính toán lại tổng mức đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh để có cơ sở xem xét quyết định phương án tối ưu. Nếu các cổ đông thống nhất được phương án triển khai tiếp theo thì thời gian để hoàn thành xây dựng nhà máy là 1 năm.

Do nguyên liệu chiếm 60% chi phí sản xuất của nhà máy và phụ thuộc vào thời vụ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chỉ đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam chủ động xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, cung cấp giống sắn mới có năng suất cao, phổ biến kỹ thuật canh tác tiên tiến, lập hệ thống thu mua nguyên liệu trực tiếp để cung cấp nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Tuy nhiên, do nhà máy chưa đi vào hoạt động nên việc thu mua nguyên liệu không thực hiện được. Vì vậy, dẫn đến tình trạng nguồn nguyên liệu sắn lát khô tại vùng nguyên liệu đã được quy hoạch và phát triển cho hoạt động của Dự án trở nên dư thừa, gây khó khăn cho các hộ nông dân trồng sắn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Để xử lý tình trạng này, Bộ Công Thương đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Dự án và yêu cầu các chủ đầu tư nhanh chóng tìm hướng tháo gỡ khó khăn về vốn, nhằm mục đích khẩn trương đưa nhà máy vào hoạt động, tạo ra nguồn cung ethanol ổn định và có chất lượng cho khu vực miền Bắc, góp phần thực hiện Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn, đồng thời giải quyết các vấn đề về dư thừa nguyên liệu của nông dân. Mặt khác, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ sản phẩm đầu ra cho các doanh nghiệp sản xuất cồn nhiên liệu.

66. Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương thông báo cho cử tri biết “giải pháp và lộ trình siết chặt quản lý nhà nước về công nghệ chế biến khoáng sản”, trước khi cấp phép xuất khẩu khoáng sản, vì hiện nay, việc chế biến khoáng sản trước khi xuất khẩu mới chỉ dừng lại ở “ít thô” và công nghệ chưa đảm bảo tính hiện đại, hiệu quả nhưng vẫn được phép khai thác.

Trả lời: Tại công văn số 8032/BCT-KH ngày 20/8/2014

Tài nguyên khoáng sản là nguồn lực vô cùng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và triển khai Luật Khoáng sản 2010, Bộ Công Thương đã báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Theo đó, coi khoáng sản là một nguồn tiềm năng rất quý cho phát triển kinh tế, công nghiệp của đất nước; phải sử dụng tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả, không được để xảy ra tình trạng khai thác và xuất khẩu khoáng sản thô mà buộc phải qua chế biến sâu. Quá trình khai thác khoáng sản phải đi đôi với các dự án chế biến sâu, nếu không có dự án chế biến thì không cho khai thác khoáng sản. Chỉ thị nêu rõ “Chế biến khoáng sản phải sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Các dự án khai thác, chế biến khoáng sản chỉ được xem xét cấp phép khi đã có dự án đầu tư và được Hội đồng thẩm định của các Bộ Công Thương, Xây dựng và Ủy ban nhân dân các địa phương thẩm định theo thẩm quyền, dự án phải áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đối với những khoáng sản chưa có công nghệ chế biến hiện đại, bảo đảm hiệu quả thì kiên quyết dừng lại chưa khai thác”.

Để thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát để điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch khoáng sản có các quy định cụ thể về sản phẩm sau chế biến, áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến; tập trung khai thác, chế biến sâu theo quy mô công nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội việc sử dụng tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; điều chỉnh, bổ sung chính sách, tiêu chuẩn xuất khẩu khoáng sản theo hướng quản lý chặt việc xuất khẩu khoáng sản, không xuất khẩu quặng thô, tinh quặng; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra thực hiện việc xuất khẩu khoáng sản.

Thực hiện chủ trương trên của Đảng và Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động như:

- Đối với hoạt động quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản: nhằm tập trung nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh việc đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản, hạn chế và không xuất khẩu quặng và tinh quặng, Bộ Công Thương đã và đang tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch khoáng sản như: quy hoạch titan, quy hoạch bôxít, quy hoạch apatit, quy hoạch quặng sắt, quy hoạch quặng chì kẽm... Các Quy hoạch khoáng sản được lập và phê duyệt là văn bản pháp lý quan trọng để thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, giúp định hướng phát triển công nghiệp khai khoáng cho các địa phương.

- Trong hoạt động thẩm định các dự án khai thác và chế biến khoáng sản: Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, thành lập các Hội đồng để thẩm định một số dự án khai thác, chế biến khoáng sản như: Dự án khai thác và chế biến Niken Bản Phúc; Dự án khai thác và chế biến xỉ titan tại các tỉnh Thái Nguyên, Bình Thuận, Bình Định; Dự án khai thác và chế biến bột đá hoa trắng tại các tỉnh Nghệ An, Yên Bái; dự án khai thác và chế biến quặng cromit Thanh Hóa, … bám sát các yêu cầu về công nghệ tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao và có hiệu quả kinh tế-xã hội. Trên cơ sở kết quả thẩm định của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định.

- Trong hoạt động tăng cường quản lý hoạt động xuất khẩu khoáng sản: Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và ban hành Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2012 thay thế Thông tư số 08/2008/TT-BCT ngày 18 tháng 6 năm 2008 quy định về xuất khẩu khoáng sản theo hướng xiết chặt việc quản lý xuất khẩu khoáng sản, không xuất khẩu khoáng sản thô, khoáng sản sơ chế, nhằm dành nguyên liệu cho việc chế biến sâu khoáng sản.

Tại Thông tư số 41/2012/TT-BCT đã nâng cao các yêu cầu về mức độ chế biến sâu đối với khoáng sản được phép xuất khẩu, đồng thời, giảm số lượng chủng loại khoáng sản xuất khẩu từ 22 loại khoáng sản được phép xuất khẩu quy định tại Thông tư số 08/2008/TT-BCT xuống còn 10 loại, trong đó có 5 loại là sản phẩm khoáng sản chế biến sâu, 5 loại là tinh quặng thuộc các trường hợp là sản phẩm cuối cùng (tinh quặng fluorit); có trữ lượng lớn, trong nước không tiêu thụ hết, hoặc không có nhu cầu (tinh quặng bismut), hoặc chế biến sâu không khả thi (tinh quặng Niken). Một số sản phẩm tinh quặng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo như tinh quặng đồng, vonfram đề nghị cho xuất khẩu đến hết năm 2015 để doanh nghiệp có thời gian lập và đầu tư dự án chế biến sâu và đảm bảo phù hợp với Giấy chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên, vẫn còn có một số doanh nghiệp trước đó đã được các cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản, những loại khoáng sản theo phân cấp do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác hay những loại khoáng sản, những mỏ khoáng sản theo phân cấp do chính quyền địa phương cấp phép khai thác đã khai thác trước ngày ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg không được phép tiếp tục xuất khẩu, nên đã tồn đọng một lượng khoáng sản dẫn đến tình hình tài chính, tình hình sản xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn, không tiêu thụ được sản phẩm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng.

Trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp và các địa phương, Bộ Công Thương đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép xuất khẩu một số loại khoáng sản tồn kho tại Thông báo số 407/TB-VPCP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ, bao gồm các loại tinh quặng: sắt, ilmenit, apatit, sulfua chì, kẽm, mangan và đồng chưa tiêu thụ được để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan kiểm tra kỹ, xác định khối lượng khoáng sản tồn kho thực tế của các doanh nghiệp và làm thủ tục xuất khẩu theo các tiêu chuẩn đã cho phép xuất khẩu.

Chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu một số loại khoáng sản tồn kho nêu trên được các Bộ, địa phương và các doanh nghiệp đánh giá là hợp lý, kịp thời, thực sự tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tiêu thụ khoáng sản tồn kho thông qua xuất khẩu đã giúp doanh nghiệp thu hồi vốn, trả nợ Ngân hàng, có đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, hạn chế tối đa được tình trạng xuất lậu khoáng sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang phục hồi, một số cơ sở luyện kim đang gấp rút hoàn thành việc đầu tư các cơ sở chế biến sâu, có nhu cầu lớn về khoáng sản thì việc giải quyết xuất khẩu một số loại khoáng sản tồn kho nêu trên được xác định chỉ là giải pháp tình thế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Như vậy, công nghệ chế biến khoáng sản hiện nay đã và đang thực hiện theo định hướng của Quy hoạch là công nghệ chế biến sâu, không phải là công nghệ sơ chế. Theo quy định hiện hành về xuất khẩu khoáng sản, không cho phép xuất khẩu khoáng sản thô, sơ chế. Đây cũng là chủ trương nhất quán của Chính phủ được Bộ Công Thương đã và sẽ thực hiện nghiêm túc.



67. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành thống nhất Bộ Quy chuẩn về khoảng cách an toàn của cửa hàng xăng dầu trong khu đô thị để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng và hoạt động cho các của hàng xăng dầu.

Каталог: userfiles -> files -> TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)

tải về 6.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   26   27   28   29   30   31   32   33   ...   86




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương