KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 6.12 Mb.
trang17/86
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích6.12 Mb.
#1452
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   86

Trả lời: Tại công văn số 3126/BNV-CQĐP ngày 08/8/2014

1. Về tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ đối với cán bộ cấp xã

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng văn bản quy định chi tiết các quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 về quản lý cán bộ, trong đó có cán bộ cấp xã để thay thế các quy định đối với cán bộ cấp xã tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

2. Về chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ cấp xã

Thực hiện chủ trương tiếp tục tinh giản biên chế theo tinh thần Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, Bộ Nội vụ đang chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, trong đó có đề xuất áp dụng đối với cán bộ, công chức cấp xã như kiến nghị của cử tri.

3. Về tiêu chí 18 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới

Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, trong đó đã quy định cụ thể tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh ở cơ sở.

56. Cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị: Đề nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật cán bộ công chức năm 2008 và phân loại đơn vị hành chính cấp xã cần nghiên cứu, sửa đổi theo hướng: bổ sung thêm cho Văn phòng Đảng ủy xã 01 suất biên chế.

Trả lời: Tại công văn số 3125/BNV-CQĐP ngày 08/8/2014

Các chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã (đối tượng hoạt động chuyên trách hưởng lương) đã được quy định cụ thể tại Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Theo đó, việc bổ sung 01 suất biên chế cho Văn phòng Đảng ủy xã như kiến nghị của cử tri, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp báo cáo khi Quốc hội có chủ trương sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2008.



57. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Cử tri cho rằng, việc quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP theo loại đơn vị hành chính cấp xã (dựa vào 3 tiêu chí: dân số, diện tích và các yếu tố đặc thù) là chưa phù hợp. Cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 92/2009/NĐ-CP theo hướng: cần quy định hợp lý hơn về tiêu chuẩn, số lượng đối với cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp với đặc điểm KTXH của mỗi xã (phường, thị trấn) để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

Trả lời: Tại công văn số 3143/BNV-CQĐP ngày 11/8/2014

1. Về số lượng cán bộ, công chức cấp xã

Tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 159/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn đã quy định: “Trường hợp có biến động lớn về dân số, diện tích thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định điều chỉnh việc phân loại”. Như vậy, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã hiện nay là phù hợp.

2. Về tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã

a) Về tiêu chuẩn công chức cấp xã

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 về công chức xã, phường, thị trấn. Căn cứ Nghị định này, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn.

b) Về tiêu chuẩn cán bộ cấp xã

Hiện nay Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng văn bản quy định chi tiết các quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 về quản lý cán bộ, trong đó có tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp xã để thay thế các quy định đối với cán bộ cấp xã tại Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

58. Cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị: Cử tri tiếp tục đề nghị nghiên cứu, xem xét đưa hai chức danh Phó Công an xã và phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã vào ngạch công chức xã.

Trả lời: Tại công văn số 3229/BNV-CQĐP ngày 13/8/2014

Các chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã (đối tượng hoạt động chuyên trách hưởng lương) đã được quy định cụ thể tại Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Theo đó, việc bổ sung chức danh công chức cấp xã như kiến nghị của cử tri phải trên cơ sở sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp ý kiến của cử tri trình cấp có thẩm quyền khi Quốc hội có chủ trương sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2008.



59. Cử tri các tỉnh Lai Châu và Thái Nguyên kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức HĐND và UBND (Luật tổ chức chính quyền địa phương) nhằm nâng cao chất lượng của HĐND, ĐBHĐND các cấp theo hướng: Thường trực HĐND cấp huyện, cấp tỉnh gồm 1 Chủ tịch, 2 phó chủ tịch (bỏ chức danh Ủy viên Thường trực), Trưởng, phó các Ban HĐND cấp tỉnh, Trưởng Ban cấp huyện hoạt động chuyên trách. Đề nghị nhiệm kỳ tới: Tăng đại biểu hoạt động chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện và tăng cơ cấu đại biểu khối Đảng, Đoàn thể và cơ quan; giảm cơ cấu đại biểu khối cơ quan hành chính Nhà nước để tăng cường hoạt động giám sát của HĐND. Cấp xã: gồm 1 Chủ tịch, 2 phó chủ tịch, trong đó chức danh Thường trực HĐND xã là cán bộ chuyên trách.

Trả lời: Tại công văn số 3227/BNV-CQĐP ngày 13/8/2014

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII và năm 2014, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (thay thế Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003) để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII. Trong quá trình xây dựng Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của cử tri để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.



60. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Cử tri phản ánh, vị trí của xã Cam Cọn huyện Bảo Yên khá biệt lập với các xã của huyện Bảo Yên và cách thị trấn Phố Ràng (trung tâm huyện Bảo Yên) hơn 40Km, đường đi lại khó khăn, do đó không thuận lợi cho công tác quản lý của địa phương. Mặt khác, vị trí của xã Cam Cọn lại gần với các xã của huyện Bảo Thắng, cách trung tâm huyện Bảo Thắng hơn 10Km đường đi lại thuận lợi. Đề nghị Chính phủ điều chỉnh lại địa giới huyện Bảo Yên và Bảo Thắng, đưa xã Cam Cọn của huyện Bảo Yên trở thành một xã của huyện Bảo Thắng để thuận lợi cho công tác quản lý tại địa phương.

Trả lời: Tại công văn số 3230/BNV-CQĐP ngày 13/8/2014

Tại Thông báo số 299/TB-VPCP ngày 24 tháng 9 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: “trước mắt giữ ổn định đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã như hiện nay; chỉ điều chỉnh với từng trường hợp cụ thể khi xét thấy thật sự cần thiết và hợp lý. Tập trung xử lý cho việc điều chỉnh mở rộng, sáp nhập và thành lập mới do yêu cầu đô thị hóa nhưng không làm tăng đơn vị hành chính mới” và “Các trường hợp thụ lý mới, Bộ Nội vụ phải báo cáo xin chủ trương của Thường trực Chính phủ, nếu được chấp thuận thì hướng dẫn địa phương lập Đề án trình Chính phủ.” Theo đó, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai có báo cáo cụ thể về việc điều chỉnh địa giới hành chính đưa xã Cam Cọn của huyện Bảo Yên trở thành một xã của huyện Bảo Thắng để Bộ Nội vụ có cơ sở báo cáo Thường trực Chính phủ cho chủ trương lập Đề án điều chỉnh đơn vị hành chính xã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Hiến pháp năm 2013.



61. Cử tri tỉnh Tuyên Quang kiến nghị: Xem xét, tạo điều kiện để Bí thư chi bộ, Trưởng thôn được hỗ trợ một phần Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nghiên cứu để không chỉ thực hiện chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức công tác tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn (vùng 135) cho cán bộ là người nơi khác đến làm việc và sống tại nơi này không phân biệt công chức là người sở tại để đảm bảo sự công bằng.

Xem xét, tạo điều kiện cho những cán bộ trước đã công tác tại xã, nghỉ gián đoạn công tác một thời gian, sau đó tiếp tục công tác và đảm nhiệm chức vụ khác được cộng nối thời gian đã công tác trước đó, để tính Bảo hiểm xã hội.

Đề nghị có chính sách thu hút đối với cán bộ cấp xã công tác tại các xã không thuộc vùng đặc biệt khó khăn nhưng có 2/3 số thôn, bản là vùng đặc biệt khó khăn.

Trả lời: Tại công văn số 3232/BNV-CQĐP ngày 13/8/2014

1. Về chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đối với Bí thư chi bộ, Trưởng thôn

Bí thư chi bộ và Trưởng thôn là người hoạt động không chuyên trách (hưởng phụ cấp) ở thôn. Theo đó, căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, Điều 1 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thì Bí thư chi bộ và Trưởng thôn nếu còn trong độ tuổi lao động thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, (không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) và từ ngày 01/01/2010 thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

2. Về chế độ đối với cán bộ, công chức công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Tại Điều 2 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã quy định đối tượng áp dụng Nghị định này "bao gồm người đang công tác và người đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành." Theo đó, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP không có quy định phân biệt trong việc hưởng chính sách giữa người nơi khác đến và người sở tại công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Về việc cộng nối thời gian công tác để tính Bảo hiểm xã hội đối với cán bộ cấp xã

Tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã quy định:

“Cán bộ xã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ mà chưa hưởng trợ cấp một lần, thì thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội được tính là thời gian để hưởng bảo hiểm xã hội hoặc được cộng nối với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Đối với trường hợp cán bộ xã, phường, thị trấn đã được giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc hưởng trợ cấp một lần trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì không áp dụng quy định tại Nghị định này để giải quyết lại.”

4. Về chính sách đối với cán bộ cấp xã công tác tại các xã không thuộc vùng đặc biệt khó khăn

Cán bộ cấp xã không công tác tại các địa bàn quy định tại Khoản 2 Điều 1 và Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì không thuộc đối tượng áp dụng chính sách quy định tại Nghị định này. Những bất cập trong chế độ phụ cấp hiện hành đối với cán bộ, công chức (trong đó có cán bộ, công chức cấp xã), Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình cải cách chính sách tiền lương theo Kết luận số 63-KL/TW ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XI) về "một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020" vào thời điểm thích hợp.

62. Cử tri TP Hải Phòng kiến nghị: Cử tri phản ánh, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội liên quan đến rất nhiều công việc và nhiều nhóm đối tượng khác nhau, ngày càng nhiều và phức tạp như: Nghiện ma túy, mắc tệ nạn xã hội… nhưng hiện không được hưởng phụ cấp nguy hiểm trong khi phải thường xuyên tiếp xúc với đối tượng phức tạp trong xã hội. Từ sau năm 2008, chức danh cán bộ chính sách tại các xã, thị trấn không còn mà làm việc dưới danh nghĩa là cán bộ văn hóa 2 và bị cắt phụ cấp công việc. Cử tri đề nghị Bộ Nội vụ xem xét quy định lại chức danh cán bộ chính sách xã, thị trấn và bố trí phụ cấp công việc cho cán bộ chính sách tại các xã, thị trấn như trước năm 2008.

Trả lời: Tại công văn số 3235/BNV-CQĐP ngày 13/8/2014

1. Về quy định lại chức danh công chức cấp xã:

Các chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã (đối tượng hoạt động chuyên trách hưởng lương) đã được quy định cụ thể tại Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, theo đó Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp ý kiến của cử tri khi Quốc hội có chủ trương sửa đổi, bổ sung chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Luật Cán bộ, công chức.

2. Về bố trí công chức cấp xã chuyên trách theo dõi về Lao động, Thương binh và Xã hội và chế độ phụ cấp đối với công chức cấp xã:

Tại Khoản 4 Điều 18 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã quy định: “chức danh Văn hóa - xã hội được bố trí 02 người để bảo đảm có công chức chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội”.

Về chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã được thực hiện theo quy định tại các Điều 7,8,9,10 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP nêu trên. Những bất cập trong chế độ phụ cấp hiện hành đối với cán bộ, công chức cấp xã, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình cải cách chính sách tiền lương theo Kết luận số 63-KL/TW ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XI) về “một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”vào thời điểm thích hợp.



63. Cử tri tỉnh Kon Tum kiến nghị: Đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, cho thành lập mới 01 xã của huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum trên cơ sở tách 5 thôn phía Nam thuộc thị trấn Đăk Glei để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và có thêm điều kiện ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.

Trả lời: Tại công văn số 2924/BNV-CQĐP ngày 01/8/2014

Căn cứ Tờ trình số 08/TTr-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc xin chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính xã, thị trấn để thành lập mới 01 xã thuộc huyện Đăk Glei và 01 thị trấn thuộc huyện Kon Plông, Bộ Nội vụ đã có văn bản số 4283/TTr-BNV ngày 22 tháng 11 năm 2013 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương để Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum lập Hồ sơ Đề án trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.



64. Cử tri tỉnh Kon Tum kiến nghị: Đề nghị xem xét giải quyết dứt điểm đường địa giới hành chính giữa hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai.

Trả lời: Tại công văn số 2924/BNV-CQĐP ngày 01/8/2014

Thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 128/TB-VPCP ngày 25 tháng 3 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ về diện tích tự nhiên của tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum, Bộ Nội vụ đã có các Công văn số 966/BNV-CQĐP ngày 26 tháng 3 năm 2014, Công văn số 1089/BNV-CQĐP ngày 04 tháng 4 năm 2014, Công văn số 1308/BNV-CQĐP ngày 21 tháng 4 năm 2014, Công văn số 1993/BNV-CQĐP ngày 10 tháng 6 năm 2014 và Công văn số 2204/BNV-CQĐP ngày 19 tháng 6 năm 2014 đề nghị Ủy ban nhân dân hai tỉnh báo cáo bổ sung một số nội dung liên quan đến các khu vực tranh chấp. Sau khi nhận được báo cáo của hai tỉnh, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện văn bản báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội theo quy định.



65. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Hiện nay chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, địa bàn hoạt động lớn là quá thấp so với các tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển, địa bàn hoạt động thuận lợi. Do đó đề nghị Chính phủ điều chỉnh mức phụ cấp trên cho phù hợp với từng vùng, miền trên cả nước.

Trả lời: Tại công văn số 2925/BNV-CQĐP ngày 01/8/2014

Tại điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã quy định Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp “Quy định cụ thể về mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố từ nguồn kinh phí khoán quỹ phụ cấp của ngân sách trung ương và nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương, bảo đảm tương quan hợp lý với hệ số lương của cán bộ, công chức cấp xã và khuyến khích những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ”. Theo đó, việc quy định chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.



66. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Đề nghị các cơ quan liên quan rà soát để thống nhất các vùng còn đang tranh chấp ranh giới trên địa bàn cả nước theo chỉ thị 364 về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã.

Trả lời: Tại công văn số 2916/BNV-CQĐP ngày 01/8/2014

Căn cứ Dự án hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính đã được phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 785/QĐ-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 ban hành Kế hoạch triển khai Dự án giai đoạn 2012 – 2015 và Kế hoạch số 1289/KH-BCĐ ngày 18 tháng 4 năm 2014 về triển khai thực hiện Dự án 513 trong năm 2014. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát tính thống nhất về địa giới hành chính giữa thực tế quản lý với các loại tài liệu để có căn cứ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án giải quyết những khu vực tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp.



67. Cử tri các tỉnh Ninh Bình và Tây Ninh kiến nghị: Cử tri đề nghị Nhà nước nghiên cứu có chế độ nâng lương, trả lương tương xứng với sức lao động cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức cấp xã để đảm bảo cơ bản nhu cầu cuộc sống hàng ngày, phù hợp với mặt bằng chung để động viên cán bộ, công chức xã, phường phấn khởi, yên tâm công tác

Trả lời: Tại công văn số 3233/BNV-CQĐP ngày 13/8/2014

Hiện nay, cán bộ, công chức cấp xã đã được hưởng lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như đối với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên. Tuy nhiên, chế độ tiền lương hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm giải quyết, điều chỉnh nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Căn cứ Kết luận số 63-KL/TW ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khoá XI) về “một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó có vấn đề cử tri nêu để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.



68. Cử tri tỉnh Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị Nhà nước cần tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng về phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức tuyến cơ sở; quan tâm hơn nữa đến việc bố trí cán bộ sao cho phù hợp đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân ngày càng hiệu quả. Đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ nhằm lựa chọn được cán bộ đảm bảo có năng lực, đạo đức, trách nhiệm, vì dân, vì nước, có uy tín trước nhân dân.

Trả lời: Tại công văn số 3342/BNV- ĐT ngày 19/8/2014

1. Về nội dung: “Cử tri đề nghị Nhà nước cần tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng về phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức tuyến cơ sở”

a) Về nội dung đào tạo, bồi dưỡng:

Thực hiện Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức, ngày 12/8/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1374/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015. Trong Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã quy định về nội dung đào tạo, bồi dưỡng như sau:

“- Trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo chương trình quy định cho công chức các ngạch và theo chức vụ lãnh đạo, quản lý;

- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý chuyên ngành và vị trí việc làm theo chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm;

- Bồi dưỡng văn hóa công sở”.

Triển khai Nghị định số 18/2010/NĐ-CP, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tổ chức biên soạn và ban hành mới hệ thống chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn các ngạch công chức: Cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp; Chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý: Lãnh đạo cấp phòng, Lãnh đạo cấp sở và Lãnh đạo cấp vụ. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức biên soạn, ban hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng Lãnh đạo cấp huyện và cấp Thứ trưởng.

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", Bộ Nội vụ phối hợp với một số Bộ, ngành liên quan biên soạn và ban hành 26 bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng cho cán bộ, công chức xã. Sau khi hoàn thành việc biên soạn chương trình, tài liệu, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan biên soạn chuyển giao cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức bồi dưỡng.

Nội dung của các chương trình nêu trên tập trung vào việc bồi dưỡng, giáo dục đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Như vậy, quy định về nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã được quy định rõ, đầy đủ; hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã, đang được xây dựng và dần hoàn thiện.

b) Về trách nhiệm tổ chức thực hiện:

Theo phân cấp tại Nghị định số 18/2010/NĐ-CP, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo dục đạo đức, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, Lãnh đạo cấp phòng và các ngạch công chức: cán sự, chuyên viên và chuyên viên chính đã được giao cho các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc tổ chức bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp, chức vụ Lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp huyện và cấp Thứ trưởng do Bộ Nội vụ đảm nhiệm.

Với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức thực hiện, kiểm tra, hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định về đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Mặt khác, như đã trình bày ở trên, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo dục đạo đức, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, phần lớn đã được phân cấp cho Bộ, ngành và địa phương. Vì vậy, Bộ Nội vụ đề nghị Đại biểu quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long quan tâm, tạo điều kiện phát triển công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Qua đó, tăng cường bồi dưỡng, giáo dục đạo đức, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần vào công cuộc cải cách hành chính, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Về nội dung: “ … quan tâm hơn nữa đến việc bố trí cán bộ sao cho phù hợp đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân ngày càng hiệu quả. Đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ nhằm lựa chọn được cán bộ đảm bảo có năng lực, đạo đức, trách nhiệm, vì dân, vì nước, có uy tín trước nhân dân”

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và ban hành nhiều quy định, chính sách về công tác cán bộ nói chung và bố trí cán bộ nói riêng. Cụ thể:

- Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 04/7/2007 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 05/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI).

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đặt ra một trong những giải pháp là “... xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ ...” và nhiệm vụ này được giao cho Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan thực hiện.

Quán triệt quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý cán bộ, công chức, bao gồm:

- Luật Cán bộ, công chức năm 2008;

- Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 về quản lý biên chế công chức;

- Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;

- Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức;

- Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo.

Các văn bản nêu trên đã được xây dựng chặt chẽ, khoa học, khắc phục được những bất cập của các quy định trước đây, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ trong việc bố trí cán bộ, tăng cường năng lực quản lý đối với chính quyền cấp cơ sở của các địa phương còn nhiều khó khăn, như:

- Quyết định số 08/2011/QĐ-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường cán bộ cho các xã thuộc huyện nghèo để thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

- Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo;

- Quyết định số 1003/QĐ-BNN-KTHT ngày 18/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020;

- Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".

Như vậy, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm, ban hành nhiều chính sách, kế hoạch cụ thể để tăng cường bố trí cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân ngày càng hiệu quả.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ, Chính phủ cũng ban hành nhiều quy định, chính sách để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ, bao gồm:

- Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức". Trong đó có những nhiệm vụ liên quan đến việc chú trọng và nâng cao chế độ kỷ luật trong hoạt động công vụ để duy trì trật tự kỷ cương và phát huy tinh thần trách nhiệm trong hoạt động công vụ.

- Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong các năm qua, Bộ Nội vụ đã tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra về công tác cán bộ, công chức, viên chức tại một số bộ, ngành và địa phương. Cụ thể: năm 2013, Bộ Nội vụ đã tiến hành 7 cuộc thanh tra về công tác cán bộ, công chức, viên chức tại 7 bộ, ngành và địa phương, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tại 3 bộ, ngành và địa phương; năm 2014, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành 8 cuộc thanh tra chuyên ngành về cán bộ, công chức nhà nước tại 8 bộ, ngành và địa phương, kiểm tra việc kết luận thanh tra tại 4 bộ, ngành và địa phương.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ sẽ chấn chỉnh, hướng dẫn và đề xuất sửa đổi, thay thế những quy định, chính sách nhằm hoàn thiện, cố gắng lựa chọn được cán bộ có năng lực, đạo đức, trách nhiệm, vì dân, vì nước, có uy tín trước nhân dân.

Để công tác cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện hiệu lực, hiệu quả, Bộ Nội vụ đề nghị Đại biểu quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long quan tâm, tạo điều kiện để các chính sách, kế hoạch được triển khai thuận lợi; tăng cường công tác giám sát và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm ngày một hoàn thiện hơn các chính sách, kế hoạch.



69. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Đề nghị xem xét có chế độ trợ cấp đi học đối với cán bộ, công chức tự đi học nhằm động viên tinh thần tự học của đối tượng này.

Каталог: userfiles -> files -> TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
TAI%20LIEU%20KY%20HOP%20THU%208 -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)

tải về 6.12 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   86




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương