KẾ hoạch hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi



tải về 46.99 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích46.99 Kb.
#39908

UỶ BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


XÃ HƯƠNG GIANG Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 179/KH-UBND Hương Giang, ngày 25 tháng 5 năm 2017


KẾ HOẠCH

Hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi

1. Thực trạng tình hình:

Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành vấn đề bức xúc, cần được quan tâm trên toàn quốc nói chung và địa bàn xã Hương Giang nói riêng, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường do nguồn chất thải, mùi hôi từ các hộ chăn nuôi gia súc. Đây là vấn nạn khó giải quyết đối với chính quyền và đối với các hộ chăn nuôi bởi hoạt động này đã và đang gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của cộng đồng. 

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nguồn chất thải trong chăn nuôi từ các hộ gia đình hầu hết chưa được xử lý đúng quy trình, đa số các hộ chăn nuôi đã có hệ thống xử lý bằng biogas, tuy nhiên do lượng chất thải lớn, trong lúc đó dung tích các bể biogas không thể xử lý hết đã ảnh hưởng xấu đến môi trường đất, nước và không khí. Một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống, chưa tích cực thực hiện các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm; công tác tuyên truyền, vận động của các tổ chức đoàn thể vào cuộc chưa mạnh. Chính quyền chưa thực sự quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp, các chế tài đối với các trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Một số cán bộ cốt cán có chăn nuôi chưa tích cực để hạn chế tình trạng ô nhiễm do chăn nuôi.

2. Mục tiêu:

Ngăn ngừa, hạn chế sự ô nhiễm, suy thoái môi trường trong quá trình phát triển chăn nuôi góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái.



3. Chỉ tiêu:

1. Đến năm 2018, tỷ lệ hộ chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường trên 70%, năm 2019 là trên 80%.

2. Đến năm 2018, trên 90% hộ chăn nuôi có biện pháp xử lý ô nhiễm.

3. Đến hết năm 2017, không có cán bộ, đảng viên chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường.



4. Các biện pháp hạn chế ô nhiễm do chăn nuôi:

- Ứng dụng công nghệ khí sinh học (biogas): Hiện nay tại địa phương đã có nhiều hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ này. Tuy vậy, tùy số lượng đàn để có số lượng bể, dung tích bể đáp ứng được lượng phân và nước thải tránh tình trạng nước và phân tràn ra ngoại.

- Ứng dụng đệm lót sinh học: Những năm gần đây, phong trào sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã được thử nghiệm và áp dụng theo các quy mô khác nhau ở nhiều địa phương. Biện pháp này góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải vật nuôi gây ra, tại một số nơi còn cho giá trị cao về hiệu quả kinh tế và năng suất chăn nuôi.

- Công nghệ ủ phân sinh học trong chăn nuôi: Những lợi ích từ ủ phân sinh học giúp tận dụng được các phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra phân bón tốt cho cây trồng, làm giảm chi phí đầu tư trong trồng trọt như chi phí phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; tiêu hủy các mầm bệnh có trong phân chuồng; phân hủy các hợp chất hữu cơ, khó tiêu thành dễ tiêu; làm tăng độ phì nhiêu của đất và có tác dụng cải tạo đất tốt…

Phân chuồng sau khi được lấy ra khỏi chuồng nuôi cần đánh thành đống. Trong quá trình đánh đống, phân được rải từng lớp một (mỗi lớp khoảng 20 cm) rồi rải thêm một lớp mỏng tro bếp hoặc vôi bột, cứ làm như vậy cho đến hết lượng phân có được. Sau cùng, sử dụng bùn ao hoặc nhào đất mịn với tạo thành bùn để trát kín, đều lên toàn bộ bề mặt đống phân.



Hoặc chọn chỗ đất không ngập nước, trải một lớp rác hoặc bã phế thải trồng trọt dày khoảng 20cm, sau đó lót một lớp phân gia súc, gia cầm khoảng 20-50% so với rác (Có thể tưới nếu phân lỏng, mùn hoai), tưới nước để có độ ẩm đạt 45-50% rồi lại tiếp tục trải một lớp rác, bã phế thải trồng trọt lên trên… đến khi đống ủ đủ chiều cao (Không sử dụng cỏ tranh, cỏ gấu để ủ); dùng tấm ni lông, bạt… đủ lớn để che kín đống phân ủ. Cứ khoảng một tuần thì đảo đều đống phân ủ và bổ sung nước cho đủ độ ẩm khoảng 45-50%, che ni lông, bạt kín lại như cũ. Ủ phân bằng phương pháp này hoàn toàn nhờ sự lên men tự nhiên. 

- Trồng cây xanh: Để tạo bóng mát và chắn được gió lạnh, gió nóng, ngoài ra cây xanh còn quang hợp hút khí CO2 và thải khí Orất tốt cho môi trường chăn nuôi. Nên trồng các loại cây như: nhãn, vải, keo dậu, muồng.

- Hồ sinh học: Được sử dụng đối với chất thải ở dạng lỏng. Có thể kết hợp nuôi cá và dùng một số loại cây thủy sinh như bèo tây, rau muống… Các yếu tố này làm sạch nước thải chăn nuôi.

- Công nghệ ấu trùng ruồi đen: Ấu trùng của loài ruồi này là loại côn trùng phàm ăn trong thế giới tự nhiên. Chúng có thể làm giảm khối lượng và thể tích của chất thải chỉ trong vòng 24 giờ. Chỉ trong 1 m2 ấu trùng ruồi, chúng có thể ăn tới 40 kg phân lợn tươi mỗi ngày. Và cứ 100 kg phân có thể cho 18 kg ấu trùng. Ấu trùng rất giàu các chất dinh dưỡng như protein (42%), chất béo (34%) và là nguồn thức ăn tốt cho lợn, gia cầm và cá.

- Công nghệ giun đất: Hai loại giun được sử dụng phổ biến ở nước ta là giun đỏ và giun quế. Chất thải của ấu trùng ruồi đen được dùng để nuôi giun đỏ hay giun quế. Giun đỏ nuôi trên chất thải của ấu trùng ruồi đen lớn nhanh hơn 2-3 lần so với nuôi trên chất thải là phân ủ. Ấu trùng ruồi đen ăn chất thải thối rữa mà đôi khi giun đỏ không ăn, trong khi giun đỏ lại có thể ăn những nguyên liệu giầu chất xơ mà ấu trùng ruồi đen không ăn. Hai loại côn trùng này phối hợp với nhau có tác dụng phân hủy rất tốt phân và các chất thải hữu cơ khác nhau.

5. Nhiệm vụ cụ thể:

- Triển khai kế hoạch này đến tận người dân, nhất là người chăn nuôi trước ngày 10/6/2017 (Bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn).

- Điều tra thực trạng các hộ chăn nuôi (số lượng, chủng loại gia súc, gia cầm; các biện pháp bảo đảm môi trường đã thực hiện) trước ngày 15/6/2017. Báo cáo tình hình chăn nuôi định kỳ vào ngày 15 hàng tháng (Thú y).

- Tổ chức tuyên truyền, vận động đến hộ chăn nuôi chọn, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường trong chăn nuôi trước ngày 10/7/2017. Phân công cốt cán vận động, đôn đốc các hộ thực hiện biện pháp đã chọn.

+ Thôn Tây Linh: Hội Phụ nữ, Hội CCB và tập thể cốt cán thôn.

+ Thôn Thuận Lộc: Đoàn Thanh niên và tập thể cốt cán thôn.

+ Thôn Phú Nhuận: UBMT và tập thể cốt cán thôn.

+ Thôn Phú Thuận: Hội Nông dân và tập thể cốt cán thôn.

- Báo cáo vào ngày 15 hàng tháng cho UBND xã (Trưởng cốt cán).

6. Phân công trách nhiệm:

6.1. Trách nhiệm của UBND xã:

- Phân công trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân phụ trách; chỉ đạo các tổ chức tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thông qua nhiều hình thức.

- Tiếp tục chỉ đạo ký cam kết đối với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm.

- Hướng dẫn, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, kiến nghị về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn theo quy định tại tại Luật Bảo vệ môi trường 2014. Hòa giải các tranh chấp về môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát sinh trên địa bàn.

- Phát hiện và ngăn chặn việc xây dựng các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trái phép.

- Phổ biến kịp thời các biện pháp chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường; biểu dương, khen thưởng kịp thời các điển hình tiêu biểu góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.



6.2. Trách nhiệm của UBMT, đoàn thể:

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trong đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các cuộc họp chi hội. Tích cực vận động đoàn viên, hội viên tự giác, gương mẫu trong chăn nuôi gắn với các biện pháp hạn chế ô nhiễm do chăn nuôi gây ra và bảo vệ môi trường. 



6.3. Trách nhiệm của Bí thư chi bộ, trưởng thôn:

- Đối với các chi bộ thôn: Tăng cường công tác chỉ đạo các tổ chức; nghiên cứu ra Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phân công trách nhiệm cụ thể, nêu cao vai trò gương mẫu chấp hành thực hiện của mỗi cán bộ, đảng viên trong chi bộ.

- Đối với trưởng thôn:

+ Triển khai kịp thời các văn bản quy định về bảo vệ môi trường, các giải pháp hạn chế ô nhiễm do chăn nuôi gây ra. Tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là thông qua các buổi họp thôn.

+ Phối hợp để hòa giải các tranh chấp về môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát sinh trong thôn.

6.4. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

- Phát huy vai trò gương mẫu trong việc bảo vệ môi trường, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ công chức xã khi chăn nuôi gia súc, gia cầm phải có hệ thống xử lý. Hệ thống phải đảm bảo hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm. Tích cực chuyển đổi và áp dụng hệ thống xử lý mới không gây ô nhiễm, không áp dụng hệ thống xử lý đã gặp và ảnh hưởng đến môi trường.



7. Các giải pháp tổ chức thực hiện:

- Tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo của đảng uỷ, sự phối kết hợp trong tổ chức thực hiện của các tổ chức đoàn thể.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các hộ chăn nuôi.

- Tích cực hướng dẫn, vận động các hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi thực hiện các biện pháp không để ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện cụ thể; từng bước vận động nhân dân không chăn nuôi gia súc trong khu vực trung tâm xã.

- Đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các hộ thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường trong chăn nuôi. Khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và sử dụng công nghệ sạch trong chăn nuôi có hiệu quả.

- Đề xuất quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, từng bước hạn chế chăn nuôi xen kẽ trong các khu dân cư./.
Nơi nhận: TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

- UBND huyện; CHỦ TỊCH

- BTV đảng uỷ;

- TT. HĐND xã;

- Các chi bộ thôn;

- Các đoàn thể; các thôn;



- Lưu: VT. Phan Chuyển




tải về 46.99 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương