Johannes bobrowski



tải về 301.84 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích301.84 Kb.
#25789

JOHANNES BOBROWSKI

(1917-1965)

JOHANNES BOBROWSKI (1917-1965) là một nhà thơ Đức, được coi như người kế nghiệp của Klopstock, Hölderlin và Trakl với lối thơ trữ tình thật tinh khiết. Trong văn chương Đức hiện đại, ông là một nhà thơ lớn, rất gần Paul Celan.

 

Sinh ngày 9.4.1917 ở Tulsit, Đông Phổ, nơi thân phụ, Gustav, làm nhân viên hỏa xa, Bobrowski theo học trung học ở Königsberg và thường lưu trú tại nhà ông bà ở Lituanie. Năm 1934, trở thành hội viên một câu lạc bộ đọc Thánh kinh nơi sau này phát sinh một phong trào của người Thiên chúa giáo chống quốc xã. Tới năm 1937, theo gia đình trở về Berlin-Friedrichshagen.



 

Trong thời gian 1939-1945, Bobrowski làm lính trong quân đội Đức ở Ba-lan, Pháp, và Liên Sô. Bị thuyên chuyển về hồ Ilmen (1941), ông bắt đầu viết những bài thơ do cảnh trí Nga gợi hứng. Bắt đầu học lịch sử nghệ thuật ở Berlin (1941-1942), rồi lại bị đổi về hồ Ilmen.

 

Bobrowski lập gia đình với Johanna Buddrus (1943) và được 3 người con. Năm 1945, ông bị bắt, làm tù binh ở Liên Sô, lao động trong các mỏ than. Mãi đến 1949 mới dứt thời bị bắt làm tù binh, Bobrowski trở lại Đức, cư ngụ tại Đông Berlin. Một năm sau, ông trở thành người đọc và lựa bản thảo cho Lucie Groszer, trong ngành xuất bản sách cho trẻ em. Đến 1959, trở thành người đọc và lựa bản thảo cho nhà Union Verlag, Berlin.



 

Tập thơ đầu tay của Bobrowski: Sarmatische Zeit ra đời năm 1961, do nhà Deutsche Verlags-Anstalt, Stuggart ấn hành. Một năm sau đến lượt tập thơ thứ nhì, Schattenland Ströme, cũng ra đời ở Stuttgart: Giải thưởng của "Nhóm 47” ở Berlin. Bobrowski cũng là tác giả hai cuốn tiểu thuyết: Levins Mühle (1964), đoạt Giải thưởng Heinrich Mann ở (Đông) Berlin và giải thưởng quốc tế Charles Veillon ở Zurich; và Litauische Claviere (1966). Ông còn viết một số chuyện ngắn in thành tập Mäusefest (Klaus Wagenbach Verlag Berlin) và tập Boehlendorff (Deutsche Verlags-Anstalt, Stuttgart). Hai tập chuyện này được nhà Union Verlag Berlin cho in lại thành một.

 

Ngày 30.7.1965, vì bị “trúng phong”, hay sung huyết não (apoplexie / congestion cérébrale), Bobrowski phải vào nằm bệnh viện và tới ngày 2.9 cùng năm ấy thì mất, lúc đó mới 48 tuổi.



 

Tập thơ thứ ba của ông, Wetterzeichen, được nhà Union Verlag Berlin xuất bản năm 1966. Năm 1967 xuất hiện tập truyện Der Mahner của ông, do nhà Union Verlag Berlin xuất bản. Tập thơ cuối cùng của Bobrowski, Im Windgesträuch, do nhà Deutsche Verlags-Anstalt, Stuttgart ấn hành xuất hiện vào năm 1970. Tác phẩm toàn tập của Bobrowski, ấn bản Eberhard Haufe, gồm 4 cuốn, do hai nhà Union Verlag Berlin và Deutsche Verlags-Anstalt Stuttgart ấn hành, xuất hiện vào năm 1987.



____________

"Dạ khúc" và những bài thơ khác


(Thủy Trúc dịch)

Cánh ó


 

Cánh



cánh chim,

cánh cung trong khói, ánh sáng –

hãy vọt ra ngoài giấc ngủ,

hỡi mũi tên, lao vút trên

dòng sông, một vệt mưa bay

trong ánh lửa bên bờ.”

 

Hơi nước, trắng,



làm sẫm lại

bộ lông. Gió

làm ta gay gắt. Những cơn bão

trên đồng bằng. Xạm lại vì cỏ,

buổi chiều, những bụi rậm nước.

 

Dưới luồng khí



bên ngoài, không mơ mộng hắn đi

chú mục, tên giết mướn

đi cùng gió.”

 

A, được cuốn đi



cao hơn cả cội cây

lúc hoàng hôn, cao trong ánh sáng,

im lặng rì rào – vẫn hoài

ánh sáng, biển, tiếng sóng, những cánh buồm

bên trên nền trời, trên bóng

những cành rong, ta lướt qua ánh sáng –

lướt đi cùng với bão,

cao hơn nữa, bão săn với ngọn roi,

bão đêm, – lưỡi dao

hạnh phúc cắn trong răng.

 

Tia chớp



Kẻ tặng ta

cho cát

hay chỉ một vỏ sò,

cho cái cây

hay con ốc sên

trên chiếc lá đong đưa,

ta đâm bổ vào những đám cào cào,

ta vút qua bên cạnh

đàn chim,

 

kẻ đó cũng cho ta



một giấc ngủ như trong lửa,

một hơi thở của tuyết,

kẻ đó chỉ một con đường trống rỗng

chìm sâu trong không khí.

 

Ta vui vẻ lướt nhanh



trên những cánh rừng, lầm lì.

Ta không nghe,

kẻ đang nói không nghe.

Cho ta một chút nước,

y bảo,

ta bỏng cháy.

 

Lang thang trên bãi biển



Vẫn hoài

trên đồng sậy

ngọn lửa giữa trưa, trên

đụn cát

vẫn hoài không

tiếng rì rào bầy thiên nga, vẫn hoài

cỏ mặn

lặng lẽ,

đôi tay trong cát.

 

Khi chòm sao bay



trên eo biển,

giá băng nơi cánh,

khi những khu rừng từ tiếng dế

cất lên

trên hoang vắng,

nói bằng những cửa miệng trống không

rơi rụng ngoài khơi –

 

Tôi nghe tiếng người tới, người từ



vùng bóng mình bước ra, trút

gánh nặng từ trên vai

những mảnh trôi giạt, từ bàn tay

thoát ra ngọn lửa.

 

Tôi sẽ hỏi người:



Tên tôi là gì?

Tôi đang ở đâu?

Tôi còn ở lại đây

bao lâu nữa?

 

Đồng bằng



Hồ.

Mặt hồ.

Chìm ngập

bờ bến. Dưới mây

là cánh hạc. Trắng, sáng

những kẻ chăn nuôi

ngàn đời. Cùng với gió

 

tôi trèo lên sườn núi.



Nơi đây tôi sẽ ở. Tôi

một người thợ săn ngày trước, nhưng cỏ

đã thu phục tôi.

 

Hãy dạy ta nói, hỡi cỏ,



dạy ta chết và lắng nghe,

thật lâu, hãy dạy ta nói, hỡi đá,

hãy dạy ta tồn tại, nước ơi,

và mi, gió, đừng hỏi han ta gì hết.

 

Cô thủy thần



 

Từ những chiếc bóng của nàng

cất lên

lời không nói,

từ những chiếc lá

một cánh tay cong cong.

 

Em bước lên một cây cầu.



Em mang một đóa hoa trên đôi môi.

Em ẩn nấp dưới chân những ngọn tháp.

Em ném ra xa mảnh đá đánh thia lia.

 

Lửa, tôi không có.



Chim chóc ngủ trong rơm.

Nơi mái nhà nghe sống

tiếng cánh và tiếng kêu đói khát.

 

      Hỡi hơi thở



hãy mang ta theo.

      Hỡi bóng tối,



hãy nói cùng đôi tay này.

Một tiếng nước đào tổ

trong im lặng lông chim.

Dưới nước những ngôi nhà

để cửa mở,

những khung cửa sổ, những bậc cấp

từ đá nhô ra.

 

Giếng nước Lituanie



Những con đường cát của ta, trời

trên những khóm liễu.

Hỡi cần giếng, hãy vút lên cao

Hãy cho ta uống đất.

 

Rộng lớn như thời gian, hỡi sơn ca, khúc ca của mi,



cao hơn cả cánh diều.

Khi người gieo hạt nghe tiếng mi,

kẻ gặt lúa đã quên mi.

 

Kìa, nơi cánh đồng lật ngược



những cỗ xe đang tới, tiếng kêu của gió.

Hỡi cô gái của giếng khơi*, hãy nghiêng mình trong ánh sáng.

Hãy hát tới tái nhợt môi em.

------------------------------------------------

* Schopferin (người thiếu nữ của giếng nước), còn có nghĩa “người sáng tạo”, “tác giả”. (người dịch)

 

Quê hương của họa sĩ Chagall



Hãy còn vương quanh nhà

mùi hương rừng khô khỏng,

mùi nham lê và rêu đất.

Và áng mây Chiều

chìm dần quanh Vitebsk, vang vang từ chính vùng

tăm tối của mình. Trong đó

lác đác một tiếng cười, khi người tổ phụ

ngấp nghé trên mái

vào ngày hôn lễ.

 

Và chúng ta lơ lửng trong mơ.



Nhưng có điều gì khiến ta yên tâm

đã xoay quanh các thiên thể nơi quê hương các tổ phụ chúng ta,

râu ria như thiên sứ, và cửa miệng run run,

với những đồng lúa mì chấp chới.

 

Cận kề những gì sắp tới là tiếng



tù-và bỏng cháy này,

khi trời ngả tối, thị trấn,

rực đỏ, bơi qua những đám

mây.

Hương mộc đương hoa



Kía Babel, Isaac*

đã tới.

Ông nói: trong thời bị tàn sát

khi ta còn nhỏ,

con bồ-câu của ta

đã bị chúng bứng mất đầu.

 

Nhà cửa trên con đường nhà gỗ



có hàng rào, bên trên là hương mộc.

Ngưỡng cửa chùi trắng bóng

tới mãi tận bậc thang nho nhỏ ở dưới –

Bởi thế mà, mi hiểu –

vết máu.

 

Này các người, lời các người: quên lãng –



Kìa những người trẻ tuổi đã tới

tiếng cười như bụi hương mộc.

Này các người, hương mộc rất có thể

chết

vì sự lãng quên của các người.

---------------------------------------------------

* Isaac Babel (1894-1941?), nhà văn Do-thái Nga, tác giả “Kỵ binh đỏ”, “Chuyện Odessa”,... bị bắt năm 1939 và bị bắn chết có lẽ vào năm 1941. (người dịch)

 

Phương Đông



Tất cả những giấc mơ của tôi

đều băng qua những miền đồng bằng, lướt mau,

trong như hơi gió thoảng, tới trước

những cánh rừng chưa ai thám hiểm, những dòng sông

cô quạnh và lạnh lẽo, nơi

từ xa xa vang dội những tiếng gọi

của những ngườI chèo thuyền để râu dài—

 

Ở nơi xa xăm đó, tất cả những khúc ca



đều không cùng, cả đến sự vật nhỏ bé nhất

cũng có điều hiểm nguy, bí ẩn—

không thể bao hàm bằng tên gọi này

hay tên khác như đất cày

hoặc bãi lầy, khe sâu; bởi số mệnh

đã quật ngã chúng, và tồn tại, mãi mãi xa rời,—

ở đó chung quanh những ngọn đồi thấp

những lối mòn đều bỏ trốn.

 

Ngôn từ thành vô dụng.



Nhưng có một thứ vuốt ve mơn trớn, những bộ điệu chào hỏi,

tia mắt ngời dưới làn mi đang tối lại

và trong ngực là nỗi muộn phiền này:

còn mạnh hơn cả những vòng ôm siết.

 

Những người lái buôn từ xa tới. Những kẻ



sống giữa chúng ta, là khách lạ.

Ngập ngừng họ đi, hỏi han,

ngu ngơ dọc những con đường, lúc nào

cũng la cà trên những chuyến phà và những cây cầu,

như thể ở đó có một điều chắc chắn—

 

Nhưng chúng tôi quen biết nhau thật dễ.



Những lời nói của chúng tôi

thảy đều từ một cơ sở mà lên.

Và trong trông đợi vĩnh viễn

cư ngụ con tim của chúng tôi.

 

Với tiếng em



Với tiếng em

mãi trong đêm tối

bụi mây nói, những ánh sáng

bay chung quanh.

Cao, một bông hoa nước

vút qua tăm tối.

Với những loài thú của nó

dòng sông thở.

 

Giữa vùng lau sậy



tôi mang căn nhà đã bện.

Con ốc sên

lặng lẽ

đi qua trên mái.

Vẽ

trong long bàn tay tôi

tôi thấy khuôn mặt em.

  

Bờ



Những gì còn sống

trong cát lún

dưới những chiếc vây cũng là những chiếc cánh

của những con cá lớn, màu xanh lục

mờ nhạt đi, những cành rong, một lớp bọt biển,

đang lan trên vành trăng,

buổi sáng, khi trăng chìm đắm,

 

cũng tựa như một lời, không nói,



nghe trong hốc miệng,

trong ớn lạnh của thái dương,

trong tóc. Chúng ta bơi vào bờ,

với đôi tay tái nhợt — tình yêu,

màu trắng.

 

Vô đi em,



trời lạnh. Lắng nghe ta

là rơm, là chăn

bên trên tiếng thở dài, là vách ván

đang lách tách. Giấc ngủ, tiếng thì thầm

nằm bên ta.

 

Này đây



Này đây

hai bàn tay chúng ta đầy ánh sáng –

những tiết đoạn của đêm, những dòng nước xao động

lại chạm tới mép bờ,

giấc ngủ của loài thú trong lau sậy,

thô sơ, lìa ánh mắt,

sau vòng ôm siết – rồi

chúng ta lại đứng tựa trên sườn dốc

bên ngoài, tựa lên bầu trời

trắng, lạnh lẽo, từ bên kia núi

tới, vẻ lộng lẫy của thác nước,

và sững lại, giá băng

như từ những vì sao xuống.

 

Trên thái dương em



tôi muốn sống cái thời gian

nhỏ bé ấy, lặng lẽ, lãng quên

để mặc

dòng máu mình lang thang qua tim em.

 

Bài thơ tình



Trăng, chiếc bọt biển thấm dầu, ngọn đèn

Trăng – hay cỏ ngoài đồng,

trăng, hãy mờ đi,

trái dưa gang hay trái bầu trang sức

màu xanh, ta muốn

tự mình rọi sáng, một mình ta,

hỡi người bạn gái, tôi muốn

lụi tàn bên trên em,

không cao hơn một lá cỏ

bên trên em – trong một tàng cây

bên trên dòng sông,

khi ban mai tới,

ẩm ướt, tôi nằm đó

và còn thở.

 

Và tôi xin em,



em người đang nằm bên tôi,

nói vớI tôi về một vầng trăng,

vầng trăng hôm qua, khi trăng tàn – em

không đáp, một làn sáng

lướt qua đám mây, vang vọng

tiếng em.

 

Hôm qua –



tôi đã lụi tàn –

hôm nay –

tôi đã nghe tiếng em –

và tôi vẫn còn thở.

 

Dạ khúc



Hỡi chim, hãy tới,

chim màu lá cây xanh,

hãy tới từ chòm sao xa xăm,

dưới mái lá của ta, hỡi chim,

chúng ta sẽ nói cùng nhau

 

về mép bờ hít thở



những dòng sông, về đất đen

nơi đồng rừng,

về chỗ trú ngụ của thần linh,

 

ở nơi con người khởi sự,



bên trên mình hắn thấy ánh sáng,

thấy nơi con mắt

kẻ khác: và bởi thế hắn học hát.

 

Hỡi chim,



chim màu lá cây xanh,

dưới mái lá

chúng ta hãy nói về chuyện đó.

 

Tháng Chín



 Và giờ đây là một bóng tối,

rộng lớn,

buông trên thời khắc

hắt hiu. Em không muón bỏ đi.

Nhợt nhạt những bông hồng, rồi

bông thúy cúc

leo lên hàng rào,

xanh và đường viền

hoàng hôn.

 

Và chúng ta sẽ yêu nhau,



sáng sáng

chúng ta sẽ cất bước, chúng ta

sẽ hát những bài ca trắng của tuyết,

lớn tiếng

và ngực

đầy mùa hè,

những nụ hôn trên gáy, tiếng dế

trong tóc.

 

Lời



Cây

lớn hơn đêm tối

với hơi thở của những mặt hồ

với tiếng thì thào trên

im lặng

 

Những tảng đá



dưới chân

đường vân sáng rỡ

thật lâu trên cát bụi

mãi mãi

 

Lời



đã cạn hơi

với cửa miệng mỏi mệt

qua con đường không cùng

tới ngôi nhà của người kế cận.

 

Lửa và tuyết



Lửa,

gỗ phong,

cháy, từ làn sóng đen đen,

từ đám mây

khói dầy đặc

trào ra ngọn lửa,

điệu vũ man rợ của những ngọn lửa, sự quyến rũ

lướt trên da thịt, sự quyến rũ

ngọn lửa –

 

Trên biển



có một con đường, một con mắt to

của loài thú, đang khóc, rộng

mở, đường mi xanh lục

trên làn má của muối,

tươi mát, sự quyến rũ

tươi mát –

 

Cả hai



chàng trai trẻ,

sự quyến rũ ngọn lửa, sự quyến rũ

tươi mát, điệu vũ

trên đám mây, tươi mát

của muối hay tuyết, chàng trai trẻ

trong những giờ đầu tiên

của ngày, đẹp rã rời mỏi mệt,

mái tóc ghép

những chiếc bóng.

 

Trong hơi thở tôi,



lửa và tuyết, tôi sống.

Thế là mi đã tới trong lửa,

thế là mai này mi

sẽ tới trong tuyết.

 

Sappho*



Sappho, hỡi người bạn gái, những giấc mơ thiếu nữ này

những ca khúc của nàng: những chiếc đinh vàng nơi cánh cổng uốn vòm

của đêm nay, đêm đã từng là đêm của nàng và đêm đêm của chúng tôi

và vô tận.

 

Nàng hiến cho khách phiêu bạt lạ xa trên những bậc cấp thi ca



của nàng một khoảnh khắc, một nơi tạm trú; kìa, hãy nhìn coi, hắn

lại chệnh choạng lên đường, thoát cảnh hỗn mang

thời gian một hơi thở.

------------------------------------------------------

* Nữ thi sĩ Hy-lạp, sinh ở Lesbos (nay là Mytilène) vào đầu thế kỷ VI trước Tây lịch. Chín tập thơ của Sappho nay chỉ còn những mảnh, đoạn. (người dịch)

---------------------

Ghi chú của người dịch:

Các bài thơ của Johannes Bobrowski ở trên được dịch theo bản Pháp văn của Ralph Dutli và Antoine Jaccottet trong Johannes Bobrowski, Ce qui vit encore, sách song ngữ (Orphée/ La Différence, Paris, 1993). Xin mời bạn đọc xem thêm bài "Hãy dạy ta nói, hỡi cỏ" của Ralph Dutli về Johannes Bobrowski đăng song song trên Tiền Vệ.

"Trong sông" và những bài thơ khác


(Thủy Trúc dịch)
Kêu cầu

Vilna, cây sồi

mi—

cây phong của ta,

Novgorod—

xưa trong rừng bay lên

tiếng những mùa Xuân của ta, những ngày của ta

bước chân vang động bên trên dòng sông.

 

A, ấy ánh ngời



trong trẻo, thiên thể mùa hè

chan chứa, bên ánh lửa

người kể chuyện xưa ngồi xổm,

những kẻ suốt đêm từng lắng nghe ông, những chàng trai trẻ,

nay đã đi rồi.

 

Còn lại một mình, ông sẽ hát:



Trên đồng cỏ hoang

lũ sói lang thang, người đi săn

bắt gặp một tảng đá màu vàng,

tảng đá sáng ngời dưới ánh trăng.—

 

Bơi một làn khí thánh thiêng,



một con cá,

qua những lòng thung xưa, qua những lòng thung

đầy rừng cây, lời

tổ phụ còn vang lên:

Hãy đón chào những người xa lạ.

Cả mi nữa, mi cũng sẽ trở thành kẻ lạ xa. Chẳng bao lâu nữa.

 

Đường chim 1957



1

Trong mưa tôi đã ngủ,

trong lau sậy của mưa tôi đã thức.

Trước khi lá rụng, tôi thấy trăng thật gần,

tôi nghe tiếng chim thiên di,

tiếng kêu trắng, lắc lay

bầu khí làm tan tác nó.

 

Lẹ làng và chính xác



như loài sói đánh hơi,

hỡi người em gái, hãy lắng tai! Vai-nơ-moi-nen*

đang hát qua cơn gió,

ném chiếc cánh ra ngoài tuyết

xuống vai em, chúng ta vỗ cánh

phiêu bạt trong làn gió những khúc ca.

 

2



Nhưng lẻ loi dưới những tầng trời

bao la, những con đường

hoang vắng của

từng đoàn lũ chim đang mờ dần.

Thiêm thiếp theo làn gió

chúng lướt đi, một mặt trời mới

bừng bừng, ngọn lửa

quất lên, chúng bốc cháy

nơi cội tro.

 

Ở đó cũng nát tan



những tiếng hát của chúng ta nữa.

Hỡi người em gái, hai bàn tay em

tái nhợt, em ngủ trong tăm tối

tách lìa tôi—khi nào tôi sẽ phải

hát lên nỗi khắc khoải của loài chim? 

--------------------------------------

* Wainemoinen, nhân vật chính trong “Kalevala”, anh hùng ca thần thoại Phần-lan. (người dịch)

 

Tưởng niệm một ngư phủ



Luôn luôn

cùng với những đàn chim thước

khuôn mặt trắng của anh

được ghi trong bóng rừng.

Kẻ tranh cãi cùng con cá dưới đáy sâu,

gió trên bờ, lớn tiếng hỏi:

Ai sẽ buông lưới cho ta?

 

Không ai cả. Con cá ngạnh màu chim



luồn qua những mắt lưới,

tạo một cái tổ cho con cá giống,

bên trên hàm cá măng của những vùng thăm thẳm,

một ngọn đèn lồng,

nhẹ nhàng.

 

Và ai sẽ trét đáy cho ta,



con thuyền bảo, ai sẽ trò chuyện

cùng ta? Con mèo

rảo quanh cây cọc

gọi con cá bống của nó.

 

Phải, chúng tôi đã quên anh.



Nhưng gió vẫn còn tưởng nhớ.

Và con cá măng già

không còn tin tưởng. Trên bờ

con mèo kêu thật lâu:

Trời sụp!

 

Những ca khúc Lituanie



Đêm đêm, với đôi mắt của loài thú, tôi là

một bụi rậm, ban ngày một cội cây,

một dòng nước trong bóng trưa,

ngọn cỏ dưới nắng.

 

Rồi khi chiều tới



một giáo đường trên đồi, nơi người yêu,

một tu sĩ trắng toát,

thường tới và hát.

 

Xuyên qua thế giới



tôi yêu người, chắc tôi phải là

ánh trăng quanh khung cửa,

quanh ngôi nhà trong tăm tối rặng thông.

 

Một ngày kia tôi sẽ lao đi



cùng với những dòng thơ của chim chóc

lúc năm tàn, khi con tim chúng,

một hạt mưa đá, đã trắng.

 

Villon



Anh, khắp miền đất Touraine

đã rảo qua: mặt đá

của những thành phố lớn luôn luôn

ở dưới những bước chân, anh

không trở lại nữa.

 

Trăng



đằng sau anh, nghiêng,

phía trước đổ dài những chiếc bóng

từ những ngọn tháp và cây cối.

Có ai đang bước qua đó, huýt sáo.

Khoác lên vai y những đám mây nho nhỏ

qua mau—hàng dệt áo choàng ngắn—

là Thần Đạo chích, một người Hy-lạp, người ta bảo thế.

 

Hỡi anh đầu trọc lốc, hãy vẫy nón!



Hình ảnh anh trên những tấm gương sát nhân

của hết mọi mặt ao! Ở mạn Bắc đầy gió,

xa xôi, làng chài:

dưới chân tường, nơi mái

dốc, trong mù sương,

anh sẽ ngủ, sớm mai,

mọi người đi chài lưới trở về, đồ uống

đặt bên ánh lửa,

rồi nhảy vô chảo kẻ lặng lẽ

hy sinh, lấp lánh dầu mỡ,

con cá biển.—“Ấy đó là nơi ta sẽ ngủ.”

 

Máy xay gió



Ánh sáng,

ánh sáng sục sôi,

trên đồng bằng, dốc đứng,

ngọn núi của lộng lẫy, ầm ầm

tiếng gẫy đổ, những cơn bão lao đi,

hít thở những lằn chớp, bức vách khủng khiếp

leo mãi tới trời.

 

Trên đồi cát,



đến từ biển,

nơi vùng đất bồi không cây cối

tôi đã bước,

không những chiếc bóng, không những giắc mơ, tôi bước đi

cùng với đám thợ gặt, đây là cái máy xay gió

không lay chuyển và xưa. Kìa bằng những chiếc cánh xám

lúc này nó đã nắm bắt không khí.

Lặng lẽ cất lên trên vùng đất.

 

Cùng với những cánh diệc



nó ra đi, bát ngát trên bầu trời

trắng. Từ xa xa, man dại,

lóe lên ánh mắt mùa đông

còn liếc theo.

 

Cánh chim của băng giá, hỡi trái tim,



mi hãy làm tổ nơi hốc trống ấy

của những xương và vây cá

nơi dòng máu đang thì thầm.

 

Bên đám trẻ của đồng bằng, những bé gái và trai,



hãy ở lại, bên những chiếc bóng nho nhỏ

trong ca khúc và vũ điệu, mi

hãy giữ lấy một sợi cỏ tháng Một

để chống tuyết.

 

Ánh sáng mùa đông



Hỡi những dòng sông xa,

đêm nay, hướng tới các ngươi ta lắng tai,

hướng tới những băng giá đầu tiên của các ngươi,

thật lâu. Ta nghe cái tiếng cói

mảnh lướt ấy; thôn làng

ngủ yên.

 

Tuổi thơ, màu nâu nhạt, như một làn nước giếng



lạnh lẽo, sạn cát—

Cái thùng gỗ vẫn hoài

lao xuống đáy. Ai tới thế?

Ai đã tách nó ra từ sợi xích rỉ sét?

A, ai đã uống nước thế nhỉ?

 

Những lời hiền từ ảm đạm



dưới những mái tranh của chúng ta, những tiếng

dịu dàng nghẹn ngào tuyết,

tiếng thì thào của các mẹ đỡ đầu và tiếng kêu của con trẻ—

 

Thời gian màu hoa lilas



ngày xưa, khi trên bầu trời đang qua

lơ lửng những cánh chim, dưới ánh sáng

giảm lần; bầu trời

đứng yên,

sững lại trên mái vựa lúa, khiến

im lặng của bóng tối lại đầy thêm.

 

Mùa đông vẫn tới.



Với những cánh bồ-câu, bay bay ở dưới thấp

là màu xanh, chiếc mái

lửng lơ, soi dịu dàng

trên thế giới.

 

Và tiếng kêu của người thợ săn phóng tới



trên sườn dốc, đón tuyết

thầm lặng. Ôi màu đen

thẳm sâu! Trái tim mi

đầy ánh sáng.

 

Truyện



Cát trong, những dấu vết

xanh lục, và khu rừng bay

của những bóng tối, trên cao con cá bằng thép

len lỏi qua rặng cây,

vượt lên trên những đỉnh cao, tôi

chỉ đặt một bước

rồi một bước nữa.

 

Kitesh, thành phố,



có những ngọn tháp

và một con đường,

nơi tôi đang đứng,

 

không nhìn tôi thoáng thấy em,



tôi tiến lại phía em,

không một tiếng động,

tôi nói với em

không tiếng nói.

 

Hölderlin ở Tübingen



Cây ở cõi thế này, và ánh sáng,

nơi con thuyền đậu, có tiếng người gọi,

con sào cắm vô bờ, thoai thoải

triền dốc, trước cánh cửa này

chiếc bóng đã lướt qua, chiếc bóng

rơi trên một dòng sông

dòng Neckar, xanh lục, dòng Neckar,

bước ra

để bao quanh những đồng cỏ và rặng liễu.

 

Tháp,



ước chi trú ngụ được

như một ngày, sức nặng

những vách tường, sức nặng

áp trên màu lá,

cây và nước, phài cân nhắc

cả hai trong cùng một bàn tay:

tiếng chuông vang lên, rơi rơi

trên những mái nhà, đồng hồ

chuyển dịch, lay động

chiếc chong chóng gió bằng sắt.

 

Thời của cá măng



Hỡi những chiếc rễ,

hãy giữ ta lại,

hỡi những chiếc rễ tần-bì,

ta đang rơi từ mặt đất, tảng đá

có vân, mà cánh én

đã phớt qua! Hỡi én, ngực trắng,

hãy bay theo nẻo đường sương mù của mi.

 

Con cá măng cay đắng,



tôi đã giật nó lên từ dưới đáy,

tôi đã đập nó vào tảng đá,

và trước khi màu xanh lục của nó mở đi

quanh đám máu

tôi đã gấp những chiếc lá từ bụi ngưu-bàng.

 

Thuyền hỡi thuyền,



hãy đưa ta qua bờ bên kia.

Trời thì trắng. Một vòm cây

đầy những tiếng chim

ngước nhìn lên.

 

Trong sông*



Với chiếc bè lao xuống

trong màu xám trong trẻo nhất của bến bờ

xa lạ, đang lui dần, trong màu xám

những mặt phẳng nghiêng nghiêng, từ những tấm gương

phóng tới chúng ta ánh sáng.

 

Đầu Gio-an Tẩy giả**



nằm trên thái dương tan nát,

trong mớ tóc đã cắt bớt

một bàn tay với những chiếc móng xanh mờ, đã sút

còn bấu víu.

 

Khi tôi yêu em, và tim em bồi hồi



rối loạn, những thức ăn trên ngọn lửa

chập chờn, miệng, mở ra,

mở, dòng sông

là một cơn mưa bay bay

với những cánh diệc, lá

rụng và lấp kín lòng sông.

 

Chúng ta đã nghiêng mình trên những con cá



cứng đơ, phủ những vẩy cứng

tiến lại tiếng dế

qua đám cát, từ những chum lá

bên bờ, chúng ta đã

thiếp đi, Không-ai

đã rảo quanh chốn ẩn náu, Không-ai

đã tắt những tấm gương, Không-ai

sẽ đánh thức ta dậy

vào giờ của chúng ta.

-------------------------------------

* Nguyên tác: “Im Strom”. Bản Anh văn của Ruth & Matthew Mead dịch là “Giữa dòng”.

**Đầu (Jean) Baptiste - xin xem Tân ước - được dùng như một hình ảnh miêu tả cảnh chiều trên sông. (người dịch)

 

Kinh nghiệm



Những ký hiệu,

chữ thập và con cá,

ghi trên những vách hang.

 

Đoàn người lũ lượt



chìm vào lòng đất.

Mặt đất vồng lên,

cỏ, xanh lợt, mọc

qua những bụi rậm.

 

Đập vào ngực tôi



dòng sông chỗi dậy,

tiếng nói từ cát:

 

mở ra



ta không thể đi qua

những kẻ chết của mi

trôi giạt trong ta

 

Bút sậy*



Quán trong màn mưa

bay, một tiếng hú,

cơn gió nước.

Một con bồ-câu xanh

đã vươn đôi cánh

trên rừng.

Đẹp trong sắt gẫy

của những cành dương-xỉ

ánh sáng lướt qua

có đầu một con chim trĩ.

 

Hỡi hơi thở



ta gởi mi đi,

hãy tìm lấy cho mi một nơi ẩn trú,

hãy len vào qua một khung cửa, nơi tấm gương

trắng hãy nhận ra mi,

lặng lẽ chuyển mình,

một lưỡi gươm xanh.

--------------------------------------

* Calame: giống sậy mà người xưa dùng để viết. (người dịch)

 

Câu trả lời



Bên trên hàng dậu

những lời người nói:

Từ hàng cây trút gánh nặng,

tuyết.

 

Cả nơi cây hương mộc bị lật đổ



tiếng hót thoáng nhẹ của loài sáo, tiếng nói

dưới cỏ của dế

vạch những vết nứt nẻ trên tường, đàn én

bay dốc

ngược cơn mưa, những chòm sao

lướt qua trên trời

trong sương giá.

 

Những kẻ đã đặt ta xuống đất



dưới những rễ cây,

nghe thấy:

hắn nói

với cát

cát lấp đầy miệng hắn, – thế là

cát sẽ nói, thế là

đá sẽ kêu, thế là

nước sẽ bay.

 

Con cú nhỏ



Vào mùa hè, lúc chiều muộn, con cú nhỏ bay trên đường phố. Chúng tôi đứng dậy để bước ra cửa sổ. Ở đây tuy vậy chúng tôi cũng thuộc thành phố, có một nhà máy ở kế cận, xe lửa không xa lắm và, ở bên kia, là nghĩa trang, rồi đến sân trường học, ban chiều thật yên tĩnh, trên đường phố này những ngôi nhà đều có những mảnh vườn nho nhỏ.

 

Bên trên cây đèn đường, trong cây phong trước nhà, nó đậu lại một lúc, nó không còn kêu nữa, chúng tôi có thể nhìn thấy nó, nó bao giờ cũng đậu trên cùng một cành. Thế rồi con cú nhỏ bay đi xa hơn và lại bắt đầu kêu trong lúc đương bay. Và như thể, ở đó lúc này, chúng tôi vừa tỉnh dậy. Như thể trọn ngày hôm nay – chúng tôi đã mò ra ngoài, đã nói, viết, gọi dây nói, chạy đây chạy đó, như thể trọn ngày hôm nay chúng tôi đã ngủ vùi trước đó. Và giờ đây chúng tôi dỏng tai nghe ngóng: lũ dế ở trước cửa sổ, chúng tôi phân biệt những âm vực của các tiếng nói, những nhịp độ, có lẽ những tiết điệu. Chúng tôi thức dậy trong đen tối.

 

Con mèo nhảy lên mép cửa sổ và chuyện trò với chúng tôi bằng giọng nói trong trẻo như một bé trai của nó. Chúng tôi bảo nó: đi chơi với các em đi. Nó đi và lên nằm trên giường Ulrike, dưới chân bé.

 

Chúng tôi sống ở đây, mọi ngày, chúng tôi có con cái của chúng tôi, phần việc của chúng tôi ở đây, mọi ngày, và tất cả những chuyện đó đều thật nghiêm trọng, chúng tôi phải nghỉ ngơi vì chúng tôi mỏi mệt, nhưng giờ đây như thế đó – một con chim cất tiếng và chúng tôi nghĩ tới chỗi dậy. đột nhiên, những ca khúc Lituanie có trước mặt, giữa lúc ban ngày, bữa ăn trên bếp lửa, con trẻ sắp đi học về, và tôi đang ngồi đây để viết một điều gì đó, trong văn phòng, để nói với em. Hoặc là, cất lên cái điệu nhạc luôn luôn mơ hồ ấy, như Grass* đã nói, của dòng sông nhỏ bé Szeszupe. Này, chúng ta sống ở đây ra sao nhỉ? Có phải người ta thường mang theo quê hương dính sát với đế giày?

 

Ở đây chúng tôi cũng đã nghe, đằng sau đường xe lửa, tiếng chim chào mào, chim gõ mõ và chim cu gáy, mà vậy chớ không phải vậy. Và thêm, ở đây cũng có dòng sông. Nhưng khi em mơ, thiên hạ nói thứ tiếng gì nhỉ, đường xá trông ra sao, em từ căn nhà nào tới, em bước vô căn nhà nào?

 

Những ngôi nhà trong mơ đều bằng gỗ, nhưng không phải tất cả, mà vậy chớ cũng lại không phải vậy nữa. Và những con đường?

 

Một con đường mà mọi người đều đi. Không hố rãnh. Nó rộng lớn biết bao, có thể nói được chăng? Nó biến thành đồng cỏ. Hay ấy chính đồng cỏ ngừng lại. Hoặc biến thành đường. Sự thực ra sao nhỉ? Không có biên giới. Con đường không cùng tận. Và khởi đầu là đồng xanh. Chuyện đó không diễn tả được. Và ấy là trái đất nơi chúng ta đang sống.

 

(trích Đen và ít ánh sáng)



-------------------------

* Có lẽ là Gunter G.? (người dịch)

---------------------

Ghi chú của người dịch:



Các bài thơ của Johannes Bobrowski ở trên được dịch theo các bản Pháp, Anh của Ralph Dutli và Antoine Jaccottet (1993); Jean-Claude Schneider (1992, 1999); Ruth & Matthew Mead (1984). Riêng bài “Con cú nhỏ” trích trong tập truyện “rất thơ” của Johannes Bobrowski, nhan đề: Đen và ít ánh sáng (Noir et peu de lumière), Ludd, Paris, 1991, bản Pháp văn của Véronique Donnat. Xin mời bạn đọc xem thêm bài “Ánh ngời và sự huyền bí của Bobrowski” của A. Jaccottet đăng song song trên Tiền Vệ.

_______________


Ánh ngời và sự huyền bí của Bobrowski

  1. Jaccottet

(Thủy Trúc dịch)



Ánh sáng,

ánh sáng sục sôi,

trên đồng bằng, dốc đứng,

ngọn núi của lộng lẫy, ầm ầm

tiếng gãy đổ, những cơn bão lao đi,

hút thở những lằn chớp, bức vách khủng khiếp

leo mãi tới trời.

Điều có thể nhớ tới trước tiên, trong những bài thơ của Johannes Bobrowski, đó là tính cách tức thời, đột ngột, của thực tại mà chúng chỉ định. Bài thơ trước hết là một toan tính nắm bắt một thực tại mà ta cảm thấy rõ rệt rằng sự gặp gỡ nó có một tính cách phát hiện đột nhiên, đi trước mọi nghĩ suy. Người ta nghĩ tới kinh nghiệm về điều thánh thiêng, tới hình ảnh dòng sông như từng xuất hiện nơi một nhà thơ được ngợi ca trong tập thơ này: Hölderlin.



Và người ta hiểu rằng sự gọi tên một cách giản dị những yếu tố của quang cảnh là điều đầu tiên trong những bài thơ này nơi điều quan hệ trước tiên là trung thành với sự ghi chú cái khoảnh khắc ấy. Bởi đó mà có cái bút pháp gọi tên, không liên hệ lô-gích này, bởi đó mà có những sự lặp đi lặp lại này ["Ánh sáng,/ ánh sáng sục sôi... Hồ./ Mặt hồ..."] là những thứ hẳn đã cho phép ta vượt thoát khỏi thứ ngôn ngữ phân tích và phân tán, và ở lại nơi sự hiện diện tinh ròng của sự vật. Nói về André du Bouchet, người, trong số các nhà thơ Pháp hiện đại , chắc chắn là, cùng với (René) Char, gần gũi với Bobrowski hơn cả, Yves Bonnefoy gần đây có viết: "Cái tôi được nhân lên, bị làm bề bộn, văn minh hóa—bị thạch hóa—đã chấm dứt. Cái tôi ấy đã bị loại bằng những sự vật thô, ở nguyên trạng."(1) Và Bobrowski mà những bài thơ-phong cảnh, chúng ta sẽ thấy, còn lâu mới bị giảm thiểu vào việc gọi tên cộc lốc này nơi ngôn pháp vấp váp, đôi khi cổ xưa, đè nặng trên các từ để chúng giao nạp tất cả sức nặng của thực tại, chính ông đã kêu lên, trong bài "Đồng bằng": "Hãy dạy ta nói, hỡi cỏ! Hãy dạy ta nói, hỡi đá!"

Trong khi đó, nếu tiếng nói trữ tình xưa đã biến mất để trao lời cho các sự vật hay cho những phẩm chất sơ đẳng nhất của chúng—cái lạnh, cái hơi ấm, màu trắng—, chúng ta tuy thế vẫn đối diện với một ý thức đang tìm cách “nắm bắt” thế giới, đang tìm cách chiếm lấy nó. Bởi đó mà có những lời kêu gọi này, những sở hữu từ này:



Vilna, hỡi cây sồi

mi—

hỡi cây phong của ta

Novgorod...

Bởi đó mà có cái cách dấn mình rất thể chất—lại một cách khác nữa ngoài mọi thứ tình cảm, mọi nghĩ suy—tìm gặp những cảnh trí. Trong nhiều bài thơ, con người chỉ xuất hiện ở đoạn thứ nhì, thường là dưới hình ảnh của người cất bước "Trên đồi cát [...]/ Tôi đã bước,/ không những chiếc bóng, không những giấc mơ, tôi đã bước..." ("Máy xay gió"); "Cùng với gió/ tôi trèo lên những sườn núi...", ("Đồng bằng") hoặc của người đứng thẳng dậy đối diện với cái vô tận của thế giới "Tôi đứng đây. Hai buồng phổi tôi đầy / cõi xa xăm không dứt..." ("Joseph Conrad"). Tôi đã kể tới Hölderlin, thơ ông đối với chúng ta ngày nay có vẻ thật tân thời là vì sự gặp gỡ điều thánh thiêng được thực hiện ở đấy một cách tức thời, trong một cuộc đối diện với thực tại. Nhưng, nơi nhà thơ ở Tübingen, cuộc gặp gỡ này vẫn còn dựa vào một thứ thần thoại, vào sự môi giới của các vị thần Hy-lạp. Nơi Bobrowski, không có một thần thoại nào hay, nếu có, thần thoại ấy còn cổ xưa hơn nữa. Hoàng kim thời đại, thời hợp nhất với các sự vật, không còn là Hy-lạp (đã quy phục quá nhiều vào sự xa lìa của suy tưởng phân tán) mà, có lẽ, là cái tâm tình cổ sơ, điều mà nhà thơ biết về sự lãnh hội thế giới nơi người ban sơ—hay những gì còn tồn tại của suy tưởng này trong những truyện cổ của các xứ thời thơ ấu của ông (tôi nghĩ tới hình ảnh người kể chuyện xuất hiện ngay từ bài "Kêu cầu", nhưng cũng nghĩ tới "Cô thủy thần" và tới một bài thơ như "Sông Don" không được dịch ở đây, trong đó đã có ám chỉ về huân nghiệp của Igor). Cái sở thích đối với điều ban sơ này, đối với "chàng trai trẻ vào những giờ đầu tiên của ngày" như đã nói trong bài "Lửa và tuyết", sự tỏ lòng tôn kính đối với Paul Gauguin có lẽ có thể chứng thực điều ấy. Thế nhưng nó còn hiện diện, sâu xa hơn nhiều, trong phần lớn các bài thơ của Bobrowski. Khi tìm lại được một tư tưởng man dã, cổ xưa, nhà thơ có thể tự đồng hóa với những dấu hiệu của một hiện diện mà trước tiên ông đã hài lòng gọi tên ra, rồi tự buông mình cho chúng cuốn đi. Những bài thơ như "Cánh ó" hoặc "Tia chớp" nói lên niềm hạnh phúc đồng thời với cái hạn giới tột cùng của sự đồng hóa này, của bước nhảy vọt thi ca này:

A, được cuốn đi

cao hơn cả tàng cây

lúc hoàng hôn, cao trong ánh sáng...

Như Jean Starobinski đã viết khi nói về Char: "Bài thơ hãy nhảy vọt tới độ cao cao nhất—và có thể ở đấy nó có được tốc độ âm ba ngời sáng nhất—ở đấy nó thấy mình không được phong phú với điều thu hoạch cho bằng đói khát những gì nó thiếu và vẫn còn lẩn tránh."(2) "Hãy cho ta một chút nước", "Tia chớp" của Bobrowski nói với chúng ta, "ta bỏng cháy". Vậy thời dường như là chúng ta ở đó, đứng trước một ngưỡng cửa, dường như là cái lối lãnh hội thế giới này, cái đầu tiên đã thôi miên chúng ta nơi Bobrowski, đã tới giới hạn của nó ở đó. (Và cũng rất có thể là, chúng ta sẽ phải trở lại đấy, cái hạnh phúc này không phải là không có hiểm nguy. Ngọn lửa này, tới quá gần, có thể phỏng cháy. Con ó cũng là một "kẻ sát hại", vũ trang một "lưỡi dao". Cả ở đây nữa, cũng như ở Hölderlin, hình ảnh cất cánh bay bổng không được diễn ra thiếu cái hình ảnh trở lại mặt đất. Trong một bài thơ như "Máy xay gió", người cất bước đã để cho mình bị cuốn lên không trung và vào ánh sáng cùng với cái máy xay, tự thấy mình khẩn nguyện, ở cuối bài thơ, ở lại "bên đám trẻ của đồng bằng, những bé gái và trai / bên những chiếc bóng nho nhỏ / trong ca khúc và vũ điệu...")

Nhưng thứ thơ này có một bên sườn khác, có lẽ ẩn khuất hơn, và đề cập tới nó hẳn sẽ cho phép chúng ta lại gần nguồn gốc của nó hơn nữa. Vào lúc khởi sự cuộc đời của Bobrowski, để gợi dậy cảm thức thi ca của ông, đã có (ít ra là ta có thể tưởng tượng ra điều đó) cái cảnh trí của tuổi thơ ông (3) và trước hết là những miền đồng bằng bao la, những "cánh rừng chưa ai thám hiểm", một không gian vô tận và trống rỗng nơi mơ mộng có thể phóng tới:



Tất cả những giấc mơ của tôi

băng qua những miền đồng bằng, lướt mau,

trong như hơi gió thoảng, tới trước

những cánh rừng chưa ai thám hiểm, những dòng sông

cô quạnh và lạnh lẽo, nơi

vang dội xa xa những tiếng gọi

của những người chèo thuyền để râu dài

Phải, bình nguyên rộng lớn của nước Nga hẳn đã khiến nảy sinh nơi ông một cảm giác tựa như thứ mà Ungaretti còn nhỏ (4) đã cảm thấy trước vùng sa mạc ở Alexandrie nơi ông có thể nhận thấy, từ xa xa, những tiếng gọi của những người canh đêm.(5) Một kinh nghiệm đầu tiên về vô tận, về trống vắng, nhưng cũng là sự khám phá ra rằng có điều gì đó như một tiếng hát (những “tiếng gọi" này, hình ảnh đầu tiên của những gì hẳn sẽ trở thành những bài thơ?) có thể tạo lập một nơi chốn mà tâm hồn tìm được cách giãn khát. Chính trong cảnh trí của "Giếng nước Lituanie" đã xuất hiện mô-típ (kiểu thức) ca khúc, mô-típ sơn ca hay mô-típ người thiếu nữ. Và giếng nước lại xuất hiện trong một bài thơ về tuổi nhỏ, bài "Ánh sáng mùa đông", nơi nhà thơ tương lai canh thức, trong cõi sa mạc khác là đêm tối kia, rình rập từ dấu hiệu nhỏ nhất:

Trong đêm nay

hướng tới các ngươi ta lắng tai, hỡi những dòng sông xa,

hướng tới những băng giá đầu tiên của các ngươi,

thật lâu ta nghe cái tiếng mảnh lướt ấy

của lau sậy; thôn làng

ngủ yên.

Như thế, cảnh trí của tuổi thơ, nếu nó quả đã là nơi của những cảm giác sống động mà điều quan hệ sẽ là khiến cho sự tươi mát ấy hiện diện ["mùi hương rừng khô khỏng/ mùi nham-lê và rêu đất..."], mở ra, với một chiều kích khác, chiều kích của sự huyền bí và điều xa lạ—nhà thơ, "trong lúc đem lại cho hiện tại và cho sự hiện diện tất cả ánh ngời của chúng, bảo toàn sự nguyên vẹn của chốn xa và của sự vắng mặt" (6)—sự nguyên vẹn của thời gian. Chăm chú tới sự gặp gỡ những tiếng xôn xao mơ hồ từ xa xa trong lúc những người khác, những kẻ trưởng thành, buông mình vào lãng quên của giấc ngủ, đứa trẻ đã xuất hiện, theo kiểu Rousseau kiểu Hölderlin, như một trong những kẻ thông dịch được ánh sáng của một thời đại sắp tới chạm đến (tôi nghĩ đến bài thơ về Chagall: "Cận kề những gì sắp tới, cái tiếng tù-và nóng bỏng này...") hay được ánh sáng của một thời quá khứ đã mất chạm tới; một kẻ nhìn thấu suốt quá khứ vị lai đã hiểu được một ngôn ngữ cao hơn, ngôn ngữ của những dấu hiệu. (7) Sự lắng nghe (hay tiếng hát) tìm cách khuất phục một khoảng cách chính yếu là thời gian. Trong bài "Kêu cầu", cái hiện tại của bài thơ ["A! ấy ánh ngời trong trẻo, thiên thể mùa hè chan hòa..."] đã chinh phục được của một quá khứ ["Xưa, trong rừng..."]. "Không khí thánh thiêng" biến đổi cảnh vật thành hiện diện đã thu hồi được nhờ một lời có cùng một tính chất như nó. (Và chúng ta biết rằng Bobrowski đã khởi sự viết vào lúc mà, la một người lính Đức tù binh trên mặt trận Nga, ông tìm lại được cảnh trí của miền Đông-Phổ thời thơ ấu của ông.) Trong bài "Giếng nước Lituanie", cái giếng được nhớ lại mà nhà thơ đã xin nó cho mình được uống đất, uống thực tại, xuất hiện như một hóa thân của nỗ lực tưởng nhớ này. Thật tự nhiên, tiếng hót của con sơn ca tới biểu thị cùng một lúc cái khả năng của tiếng hát là băng qua được những khoảng cách xa, và sự khó khăn lớn hơn nhiều: phải vượt qua những khoảng xa cách ấy khi chúng thuộc về thời gian:

Rộng lớn như những giờ, hỡi sơn ca, ca khúc của mi

cao hơn cả cánh ó.

Khi người gieo hạt nghe tiếng mi,

kẻ gặt hái đã quên mi.

Nghĩa vụ của tiếng hát con người, lúc đó, là tiếp sức con chim và tự duy trì trong ánh sáng cho đến hơi thở cuối cùng của mình, đứng trước một thế giới thù nghịch, bị thời gian cuốn đi:



Hỡi người thiếu nữ của giếng khơi, hãy nghiêng mình trong ánh sáng,

hãy hát tới tái nhợt môi em.

Như thế thiên chức nhà thơ có lẽ đã phát sinh từ cuộc gặp gỡ với một thứ ngôn từ khác (ngôn ngữ của những dấu hiệu, tiếng hót của con chim, ca khúc), thứ ngôn từ, rẽ khỏi ngôn ngữ thường ngày nơi các từ, thường hơn cả, chỉ là một cuộc bỏ trốn, dùng để che giấu thực tại hay để "ngăn chận" nó, tự mở ra một cõi ngoài vô tận, huyền bí, hay mở ra một cõi thực mà các ý niệm không biết tới ["Bởi đó mà, mi hiểu,/ vết máu"]. Trong bài thơ thật đẹp nơi ông gợi lại "câu chuyện cái chuồng chim bồ-câu của tôi", một trong những Chuyện ở Odessa của Isaac Babel, Bobrowski đã chống lại một cách thật minh bạch cái khả năng quên lãng này của ngôn từ thông thường. Quên đi "cái vết máu" là liều mình khiến cho cây hương mộc phải chết. Khi mô tả, trong bài "Phương Đông" cái phong cảnh dùng làm khung cho các bài thơ của ông, Bobrowski cũng không làm gì khác hơn, trong thực tế, là mô tả ngôn từ thi ca:



Ở nơi xa xăm đó tất cả những khúc ca

đều không cùng, cả đến sự vật nhỏ bé nhất

cũng có điều hiểm nguy, bí ẩn—

không thể bao hàm bằng một tên gọi này

hay một tên gọi khác...

Và ở xa hơn nữa:



Ngôn từ thành vô dụng.

Nhưng có một thứ vuốt ve mơn trớn, những bộ điệu chào hỏi,

tia mắt ngời dưới làn mi đang tối lại...

"Ngôn từ thành vô dụng." Người ta không thể nào minh bạch hơn, đây quả là một ngôn ngữ khác, một phản-ngôn từ. Ở điều đó , Bobrowski thật gần với Paul Celan, người, khi viết:"Tôi không thấy sự khác biệt giữa một cái bắt tay và một bài thơ"(8), cả ông nữa cũng đã thu bài thơ vào một tiếng thán từ, vào một dấu hiệu đưa ra cho đồng loại. Bởi, ở Bobrowski cũng như ở Celan, ấy chính người khác, kẻ kế cận là nơi mà cái ý chí bày tỏ mãnh liệt, như chúng ta từng ghi nhận trong bài "Giếng nước Lituanie", đã được hướng tới. Một bài thơ khác xác nhận với chúng ta điều ấy, "lời / đã cạn hơi/ với cửa miệng mỏi mệt" luôn luôn ở trên đường, hướng tới người khác, "tới ngôi nhà của người kế cận" (9). Và chúng ta hiểu, tới mức độ nào, sức mạnh của công cuộc này níu bám vào chỗ chiều kích đạo đúc của nó, cả đến chính trị nữa (đề tài chuộc lại dĩ vãng Đức và hòa giải giữa các dân tộc khác nhau cư ngụ ở vùng Sarmatie xưa), không phải là đáp ứng một mối bận tâm về tinh thần được hời hợt dán lên một thứ thơ chính yếu hướng về thiên nhiên, hướng về phong cảnh. Không, ấy chính là cùng một chuyển động đã dẫn đưa Bobrowski tới chỗ chú ý tới thứ ngôn ngữ lạ xa là những dấu hiệu của thế giới, tới chỗ khước từ lãng quên và đón tiếp người xa lạ. Đối với kẻ đã hiểu rằng thời gian có thể được đồng hóa với một chiều kích khác của không gian, thì kẻ xa lạ không phải chỉ là người tới từ nơi khác, ấy cũng là người tới từ quá khứ và là người người ta đã quên. Trở thành "xa lạ" còn chính là "thân phận" của con người, kẻ sống trong thời gian. Cần phải hiểu như thế đó đoạn chót của bài "Kêu cầu" ["Hãy chào mừng những kẻ xa lạ / Cả mi nữa, mi cũng sẽ trở thành kẻ lạ xa. Chẳng bao lâu nữa"] và niềm xúc động của Bobrowski khi ông (trong một bài thơ, nơi chúng ta thấy trở lại, chung quanh Lorca, "đám người trai trẻ" đã từng rời bỏ người kể chuyện) chào mừng sự hồi sinh của tác phẩm của Góngora, bằng chứng là trong thơ "lời các tổ phụ" vẫn còn có thể vang lên.

Những bài thơ này, tuy nhiên, không phải chỉ bằng lòng nói ra niềm mong ước gặp gỡ người khác. Một số bài, trong số những bài đẹp nhất, toan tính thuật lại cái kinh nghiệm huyền bí là chính thơ, nơi sự hòa hợp được tìm thấy, không cần lời: "Không nhìn, tôi thoáng thấy em, tôi tiến lại phía em,/ không tiếng động,/ tôi nói với em không tiếng nói." Xuất hiện một tạo vật bí ẩn và man dại (như trong một vài Illuminations của Rimbaud) với sự vắn vỏi và nồng độ của một ngọn lửa:



Tôi nghe tiếng người tới, người từ

vùng bóng mình bước ra, trút

từ trên vai gánh nặng

những mảnh ván trôi giạt, từ bàn tay người

thoát ra một ánh lửa.

Một nồng độ mà duy có hình ảnh thơ mới có thể ngang bằng. Như đã viết như thế Pasternak, người mà hơn nữa Bobrowski đã dịch, "duy có hình ảnh mới có thể nhịp bước được với thiên nhiên."(10). Có những bài thơ khác (tôi nghĩ tới bài Bút sậy chẳng hạn) thay vì nhường chỗ cho một mình im lặng, đã lên tới tuyệt đỉnh dựa trên một hình ảnh. Trong bài "Thời của cá măng" mọi sự diễn ra như thể nhà thơ, trong một cuộc chạm trán hầu như tàn nhẫn với thực tại cụ thể nhất, cần phải tìm thấy lại những cử chỉ cổ sơ của người ngư phủ để, trong một chuyển động kép nơi sự sa xuống biến thành bay bổng, hình thành một khai mở, và đạt tới điều xa lạ. Trời lúc đó dường như một trang giấy trắng nơi có thể tới ghi vào đó cái hình ảnh tuyệt vời chót:

Thuyền hỡi thuyền,

hãy đưa ta qua bờ bên kia.

Trời thì trắng. Một vòm cây

đầy những tiếng chim

ngước nhìn lên.

Nhưng có thể xảy ra là tạo vật huyền bí không còn chỉ là "Cô thủy thần", cũng chẳng phải sự xuất hiện diệu kỳ tưởng tượng ra trong bài "Lang thang trên bãi biển", có thể xảy ra là kẻ xa lạ kia nhập thể và mang khuôn mặt của người đàn bà yêu dấu: "Vẽ,/ trong lòng bàn tay tôi,/ tôi thấy khuôn mặt em". Cố nhiên, chính là trong kinh nghiệm yêu đương say đắm mà người ta thấy mối quan hệ đối với tha nhân, mối quan hệ mà toàn bộ tác phẩm của Bobrowski hướng tới, được hoàn thành một cách tự nhiên hơn cả. Vậy thời người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy rằng chính trong những bài thơ tình của ông mà dường như Bobrowski đã tới gần cái tâm của mình nhất. Cái bên ngoài, cái cảnh trí dòng sông và đôi bờ hiện diện ở đó hơn bao giờ, thế nhưng, có lẽ là lần đầu tiên, cuộc "cưỡng hành"(11) mô tả trong bài Lời có thể chấm dứt. Cái khao khát nơi trú ẩn mà Bobrowski đã gán cho Villon bị đày ở Touraine ["Ấy đó là nơi ta sẽ ngủ"] rốt cuộc tìm được cách thực hiện. Nhà thơ có thể buông mình cho giấc ngủ ("Bờ"), và cả lãng quên nữa ("Này đây"). Tuy nhiên, sự lãng quên này ở về phía đối nghịch với kẻ mà ông đã đóng dấu bằng sắt nung trong bài "Hương mộc đương hoa" và kẻ mà ông có thể coi như chịu trách nhiệm về "vết máu". Sự khép lại biểu kiến đối với thế giới mà sự "ôm siết", cái quan hệ nồng nhiệt giữa hai con người, giả thiết, trong thực tế chính là một sự chú ý tới cực độ. Sự chú ý dành cho cuộc sống nơi những gì nhỏ bé nhất và quý báu nhất của nó: dành cho sự hô hấp, cho hơi thở, cho nhịp đập dưới thái dương—cái từ này, chỉ định nơi mà thân xác mong manh nhất và nơi mà máu dường như sẵn sàng phớt ngang, lại xuất hiện khá thường trong những bài thơ này. Cái gì trao đổi với nhau lúc đó, không từ ngữ, "cũng tựa như một lời, không nói,/ nghe trong hốc miệng,/ trong ớn lạnh của thái dương,/ trong mái tóc..." có cùng một tính chất với "những gì còn sống/ trong cát lún..." Sự truyền thông say đắm xác nhận sự hiện diện huyền bí nhận thấy trong cảnh trí và chính ngôn từ thơ. Người đàn ông và người đàn bà, thế giới và bài thơ hít thở bằng cùng một hơi thở ["với những loài thú của mình/ dòng sông thở."], những dấu hiệu của con người, và của thế giới trao đổi với nhau: "—em không đáp, một làn sáng/ phớt qua đám mây, nó vang vọng/ tiếng em."

Làn ánh sáng quá chói chang trên đó chúng tôi đã mở ra mấy nhận xét này, làn ánh sáng của "những tấm gương sát nhân", cả những người tình nữa cũng phải chạm trán với nó ["—rồi/ chúng ta lại đứng, tựa trên sườn dốc/ bên ngoài, tựa lên bầu trời/ trắng..."] nhưng họ đã biết thuần hóa nó "nơi con mắt kẻ khác" như bài Dạ khúc đã nói điều ấy với chúng ta một cách giản dị tuyệt vời. Chính lúc đó một ánh sáng khác ["tình yêu-màu trắng"] đã biến đổi tính chất thù nghịch và lạnh lẽo thành một sự hiện diện-sự vắng mặt ân cần, canh giữ giấc ngủ của họ:



... chúng ta đã

thiếp đi, Không-ai

đã rảo quanh chốn ẩn náu, Không-ai

đã tắt những tấm gương, Không ai

sẽ đánh thức ta dậy

vào giờ của chúng ta.

Và như thế, hai sinh vật dường như đã thu về với chính mình lại hòa hợp với thế giới bao la huyền bí. Nơi ẩn trú không bao giờ là một ngôi nhà đóng kín mà là cái chòi bằng mây-lác mà người ngư phủ mang trên lưng hay "căn nhà cây đang lách tách" và dường như sống cùng một cuộc sống với thiên nhiên. Cũng thế, cái "mùa nho nhỏ" này, cái khoảnh khắc ưu đãi nơi thời gian dường như ngừng lại này, không bao giờ có nghĩa một sự phủ định thời gian. Người đàn ông kẻ, trong hành động yêu đương, đã yêu cầu trăng nhường chỗ cho mình để có thể tự hủy diệt trong sự tan hòa làm một với người đàn bà yêu dấu ["Ta muốn / tự mình rọi sáng, một mình ta,/ hỡi người bạn gái, tôi muốn / lụi tàn bên trên em..."] cùng một lúc đã xác nhận, bằng sự so sánh mà anh ám chỉ, sự hòa hợp sâu xa của anh với một tiết điệu tự nhiên. Anh sẽ tái sinh cùng với thiên thể lại tái hiện:



trong một tàng cây

bên trên dòng sông,

khi ban mai tới,

ẩm ướt, tôi nằm đó

và còn thở.

Những chỗ ở làm bằng các từ và những nơi chốn mở ra cho phiêu bạt, những khoảnh khắc lơ lửng và sự diễn ra của thời gian, chính các bài thơ mang hình ảnh này. Ở đó nữa, nhà thơ giống như những người xa lạ mà ông mô tả (và sự mô tả này lập tức lại gợi ra cái bước vấp váp của dòng thơ ông):



Ngập ngừng họ đi, hỏi han,

ngu ngơ dọc những con đường, lúc nào

cũng la cà trên những chuyến phà và những cây cầu,

như thể ở đó có một điều chắc chắn—

Ngôn từ thơ của Bobrowski cũng là một ngôn từ mò mẫm, không có một điều chắc chắn nào khác hơn cái thiết yếu phải là một chỗ đi qua nơi những điều trái nghịch pha trộn, nơi con người và sự lưu lại ở trần thế của y vẫn hoài trao đổi "những chứng cớ hỗ tương", như Mallarmé đã nói. Nếu những bài thơ này cho chúng ta một cảm giác đúng đắn như vậy, và cảm giác một tiếng nói, tựa như tiếng kêu của người đi săn, khiến chúng ta thật sự đạt tới nhiều ánh sáng hơn ["Ôi màu đen thẳm sâu, trái tim mi đầy ánh sáng"], thì chắc chắn cũng là vì Bobrowski, nếu ông biết cái giá phải trả cho điều ấy, đã không bao giờ quên tính cách mong manh chính yếu của những gì mà nhà thơ—ở đây ông gợi lại Sappho nhưng chúng ta lập tức nghĩ tới ông—có thể cống hiến cho người đối thoại với mình:

Nàng hiến cho khách phiêu bạt lạ xa, trên những bậc cấp

thi ca của nàng một khoảnh khắc, một nơi tạm trú; kìa, hắn

lại chệnh choạng lên đường, thoát cảnh hỗn mang

thời gian một hơi thở.

-------------------------------

Chú thích của tác giả:

1. Yves Bonnefoy, "Thơ André du Bouchet", Critique, số 179, tháng tư 1962, tr. 292.

2. Xem Jean Starobinski, "René Char và định nghĩa bài thơ", Courrier du Centre International đ'Etudes Poétiques, số 66, 1968, tr. 8.

3. Người ta lại tìm thấy cùng một cảnh trí Lituanie trong cuốn sách kỷ niệm của Czeslaw Milosz, Trên bờ dòng Issa, Gallimard, 1956.

4. Xem Giuseppe Ungaretti - Jean Amrouche, Propos improvisés, Gallimard, 1972, tr. 9 và tiếp theo.

5. Cũng xem Hölderlin: "Tiếng chuông vang lên trong buổi hoàng hôn bình lặng / Và người canh đêm, kẻ trông coi giờ giấc, lớn tiếng kêu một con số..." “Le Pain et le Vin”, (bản dịch Pháp văn Gustave Roud) trong Oeuvres, La Pléiade, Gallimard, Paris, 1967.

6. Jean Starobinski, ibid., tr. 3.

7. Xem Jean Starobinski, Jean-Jacques Rousseau, la transparence et l'obstacle, Gallimard, 1971, tt. 26-27.

8. Paul Celan, trong một lá thư gửi Hans Bender được Emmanuel Lévinas trích dẫn trong "De l'être à l'autre", La Revue des Belles-Lettres, số 2/3, 1972, tr.193.

9. "Những bài thơ theo nghĩa này cũng đang trên đường, chúng lên đường hướng tới một điều gì đó" Paul Celan, "Discours de Brême" (Diễn từ ở Bremen), bản dịch Pháp văn của John E. Jackson, RBL, số 2/3, 1972.

10. Boris Pasternak, Sauf-conduit, những mảnh đoạn do André du Bouchet dịch sang Pháp văn, trong Cahiers GLM, mùa thu 1954.

11. Xem bài thơ của Reverdy mang tựa đề này trong Poèmes en prose năm 1915, in lại trong Plupart du temps I, Poésie/Gallimard, tr. 32.

-------------------------------

Chú thích của người dịch:

ANTOINE JACCOTTET sinh ở Thụy-sĩ năm 1954. Học tại Genève, Oxford, Paris. Sống tại Paris, Pháp từ 1981. Dịch giả Anh văn. Công trình thực hiện: ấn bản Pháp đầu tiên của Biographia Literaria của S. T. Coleridge.

Bài trên nguyên là một bài của Antoine Jaccottet đăng ở cuối tuyển tập thơ của Johannes Bobrowski, Ce qui vit encore, Orphée/ La Différence, Paris, 1993 do Ralph Dutli và Antoine Jaccottet soan chung.



Về những bài thơ mà A. Jaccottet trích của Johannes Bobrowski, xin mời bạn đọc xem thêm những bài đã đăng trên Tiền Vệ: "Dạ khúc" và những bài thơ khác và chùm thơ của Bobrowski, "Trong sông" và những bài thơ khác, đăng song song với tiểu luận này.

_______________


Hãy dạy ta nói, hỡi cỏ
(RALPH DUTLI)

(Thủy Trúc dịch)

Khi thày phù thủy truyền thông với thế giới của vị thần linh-tổ tiên ông, ông không bắt chước con chim, sự say sưa của ông không khiến ông nhái lại con thú: ông chính là con chim.



Trong một bài thơ như "Cánh ó", cuộc đối thoại với con chim đã được thiết lập khi người đọc bước vào bài thơ. Trong bài "Tia chớp", sự hòa nhập của nhà thơ với hiện tượng của trời này đã được thực hiện từ lâu, tự nhiên, không thể giản lược.'Ta vui vẻ lướt nhanh / trên những cánh rừng, lầm lì. / Ta không nghe, / kẻ đang nói không nghe.'

Ai, tia chớp? Nhà thơ?

Một thứ thơ trong đó những cử chỉ cổ xưa nhất hòa lẫn với một bút pháp dứt khoát là tân thời. Thế nhưng ai có thể nói đâu là nơi cái tân thời chấm dứt, và đâu là nơi cái cổ xưa xâm nhập? Những tiết điệu vấp váp, đột ngột, gần như giật giật từ chập, những lược từ này, những lối nói giản tiệp tự hạn định vào việc gọi tên, lại chẳng phải thuộc về thơ của thế kỷ này ngang với những câu thần chú mầu nhiệm, những nghi thức huyền bí, tiền sử (và tiền-văn chương), những lời khẩn nguyện của nhà phù thủy đấy ư?

Này đây một nhà thơ-và-một con người đang tìm kiếm bản thân, đang ra sức định vị cho mình trong sáng tạo, tìm lại ý nghĩa của mình trong vũ trụ:'Tôi sẽ hỏi người: / Tên tôi là gì? / Tôi đang ở đâu? / Tôi còn ở lại đây / bao lâu nữa?' ("Lang thang trên bãi biển").

Còn thường thấy hơn cả sự hỏi han này: mệnh lệnh cách. Ấy là một thứ thơ đưa ra những mệnh lệnh, điều khiển sự vật, nhưng – cử chỉ nghịch lý nơi kiêu hãnh và khiêm nhường cùng tham dự – để tuân phục sự vật hơn, tuân phục sự khôn ngoan của cỏ và của nước. Sự tuân phục tuyệt vời, sự học tập sinh tử...



Hãy dạy ta nói, hỡi cỏ,

dạy ta chết và lắng nghe,

thật lâu, hãy dạy ta nói, hỡi đá.

Hãy dạy ta tồn tại, nước ơi,

và mi, gió, đừng hỏi han ta gì hết.

                                                 ("Đồng bằng")



Biết bao là mệnh lệnh trong những bài thơ này! Những bài thơ không thể suy tưởng được nếu thiếu cuộc đối thoại liên lỉ này với tất cả những gì bao quanh và tất cả những gì tạo lập con người-nhà thơ:'Hỡi hơi thở, / hãy mang ta theo. / Hỡi bóng đêm, / hãy nói cùng đôi tay này.' ("Cô thủy thần"). Và lại trong bài "Cánh ó": 'Hãy vọt ra ngoài giấc ngủ, / hỡi mũi tên.' Hoặc, nói với "Giếng nước Lituanie": 'Hãy cho ta uống đất.'

Sarmatia—ấy là cái tên mà các nhà sử học và địa lý đã dành cho một miền xa lạ đối với họ và bởi đó còn huyền bí nữa: miền đất ở bên kia sông Vistule và rặng núi Carpates. Thời ở Sarmatie (Sarmatische Zeit)— tập thơ đầu tiên của Johannes Bobrowski, năm 1961, mang tựa đề như thế đó. Và tập thứ nhì, năm 1962: Xứ bóng Những dòng sông (Schattenland Ströme). Quả thật, cái phong cảnh thần thoại này có những dòng sông lớn chảy qua, thật sống động và làm sống động những gì nảy đập trong thứ thơ này.

Johannes Bobrowski sinh ngày 9 tháng Tư 1917 tại Tilsit, ở biên cảnh của vùng Đông-Phổ, và đã sống trải tuổi thanh xuân trên đôi bờ dòng Memel (ngày nay, người Nga gọi là Niemen). Chính nhà thơ đã nhấn mạnh tới đôi bờ (Đức và Lituanie) này và tới sự gần gụi của nhiều sắc dân khác nhau ở miền đất này: dân Lituanie, Đức, Ba-lan, Nga và Do-thái. Ở đây, người Đức có những tên Ba-lan, và người Ba-lan mang những tên Đức, như sau này ông sẽ viết trong cuốn tiểu thuyết Máy xay gió ở Levine, năm 1964 (được dịch sang Pháp văn năm 1966).

Ông lui tới trường trung học Königsberg, theo học lịch sử nghệ thuật ở Berlin và tham gia cuộc đối kháng của người Thiên chúa giáo chống quốc xã ("Bekennende Kirche"). Là binh nhì trong quân đội Đức vào thời chiến tranh, ông bị chuyển qua Nga. Ấy chính là phong cảnh Nga chung quanh hồ Ilmen đã gợi hứng cho những bài thơ đầu tiên của ông, vào năm 1941. Cho tới năm 1949 ông là tù binh chiến tranh ở Liên Sô. Sau khi được phóng thích, ông ngụ tại Đông-Berlin và làm việc với tư cách người đọc và tuyển lựa bản thảo cho một nhà xuất bản cho tới ngày ông mất sớm, ngày 2 tháng Chín 1965.



Nếu ta cảm thấy mình nghiêng về chuyện coi ông như nhà thơ "Nga nhất" trong các nhà thơ Đức, nếu ta thấy luân phiên thay đổi, trong thơ ông, những "mô-típ" Lituanie, Lettonie và Ba-lan cùng với những lời tôn kính thế giới Do-thái (trong tập này, các bài: "Quê hương của họa sĩ Chagall", "Esther", "Hương mộc đương hoa") – ta sẽ có thể thấy trước cái hoạch định của một nhà thơ mà tác phẩm không biết mỏi mệt phủ nhận những biên giới giữa các dân tộc ấy và phác thảo một tín điệp cảm thông lẫn nhau – tóm lại, một tín điệp của tình bằng hữu, và của một niềm trông đợi luôn luôn vững chãi bất chấp mọi thất vọng lịch sử (mà Bobrowski thừa rõ). Đây là đoạn chót bài "Phương Đông":

Nhưng chúng tôi quen biết nhau thật dễ.

Những lời nói của chúng tôi

thảy đều từ một cơ sở mà lên.

Và trong trông đợi vĩnh viễn

cư ngụ con tim của chúng tôi.

Có cần phải nhấn mạnh rằng thứ thơ tân-và-cổ thời này đồng thời cũng là một thứ thơ nhân bản và đạo đức phi thường. Một thứ thơ cam kết đối thoại, một thứ thơ tìm kiếm người đối thoại, và điều này không phải chỉ trong những bài thơ tình của Bobrowski – những bài không còn hoài nghi gì được kể trong những bài đẹp nhất hay nhất của thơ Đức hiện đại. ("Với tiếng em", "Này đây", "Bài thơ tình", v.v.) – không phải chỉ trong những bài ấy mà chữ Anh/Em, kẻ khác, người đối diện thấy mình được kêu gọi một cách nồng nhiệt. Ta hãy nhớ lại rằng trong bài "Dạ khúc" con người tìm thấy ánh sáng bên trên đầu mình (mặt trời) cũng như trong con mắt kẻ khác.'Thế nên hắn học hát', phần kế tiếp của bài thơ nói. Và Lời (trong bài thơ cùng tựa đề) 'với cửa miệng mỏi mệt' thế nhưng sẽ không biết mỏi mệt 'qua con đường không cùng' này, con đường dẫn 'tới ngôi nhà của người kế cận'.

Ấy cũng là một thứ thơ của những điều nghịch lý sinh tử, của những liên tưởng đối chọi và tươi mát nơi ánh sáng mang đầu một con chim trĩ, nơi một tiếng nước khoét sâu những chiếc tổ trong bộ lông chim của im lặng, và nơi cơn bão đêm cắn một lưỡi dao hạnh phúc giữa hai hàm răng. Như thể nó tìm kiếm sự tươi mát và sinh lực của mình trong tất cả những điều trái nghịch, trong lửa cũng như trong tuyết ("Lửa và tuyết").

Chăm chú biết bao, trong những bài thơ này, đối với tất cả những gì đang sống! Đối với hơi thở đang sống và làm cho sống động, dẫu là ở những nơi ẩn khuất nhất:'Dòng sông, với những loài thú của mình, / thở' ("Với tiếng em"). Sau khi đã tìm thấy cái hơi thở sinh tử này, và cả đến nơi những dòng sông, sau khi đã nhận thấy làn ánh sáng này trong con mắt kẻ khác (và là làn ánh sáng khiến ta hát lên), sau khi đã ngợi ca các tác phẩm của biết bao người đi trước và bằng hữu trong quá khứ (mà công trạng chính là ở chỗ cứu thoát cảnh hỗn mang trong thời gian một hơi thở, như Bobrowski quả quyết trong bài "Sappho") – nhà thơ dành được cái tự do đặt câu hỏi chót của mình (trong bài thơ về Gauguin): 'Cái chết, / làm sao còn đáng kể?'

---------------------------

Ghi chú của người dịch:

RALPH DUTLI, sinh năm 1954, là một nhà thơ, dịch giả và người viết tiểu luận người Thụy-sĩ, sống tại Paris, Pháp. Ông là tác giả hai cuốn sách về thi hào Nga Ossip Mandelstam mà tác phẩm đã được ông phiên dịch sang tiếng Đức.



Bài trên là bài mở đầu một tuyển tập thơ của Johannes Bobrowski, nhan đề: Ce qui vit encore, sách song ngữ (Orphée / La Différence, Paris, 1993), do Ralph Dutli và Antoine Jaccottet phiên dịch, viết tựa và bạt. Xin mời bạn đọc xem "Dạ khúc và những bài thơ khác" của Johannes Bobrowski đăng song song trên Tiền Vệ.









tải về 301.84 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương