Jean rigauid



tải về 452.91 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu29.11.2017
Kích452.91 Kb.
#34782
  1   2   3
Jean Rigauid, OFM




Thánh Antôn Pađua

JEAN RIGAUID

KINH ÔNG THÁNH ANTÔN
Chúng con thân Lạy ông Thánh Antôn là thánh cả Đức Chúa trời đã chọn, cũng là con riêng Đức Bà yêu dấu. Để thông ơn phúc cho cả và thiên hạ, xưa ở đời này đầy lửa kính mến Chúa, hằng ước ao cho danh cha cả sáng, cùng ái mộ phần rỗi nhân loại, nên đã làm phép lạ cứu giúp muôn vàn người khỏi tai nạn phần hồn phần xác. Khi đã về cùng Chúa thì càng được thế lực mà làm nên ơn phúc càng nhiều, nhất là mấy năm nay thế gian đầy dậy tai ương khốn nạn, thì ông Thánh Antôn càng rộng tay làm phúc. Hễ ai túng rỗi chạy đến cầu xin Người, bất luận việc lớn bé thế nào, liền được ơn Người cứu giúp. Nay chúng tôi là dân nghèo nàn thiếu thốn phần hồn phần xác, dám dâng việc lành nầy để tỏ lòng tôn kính cậy trông.
Chúng tôi thân lạy ông thánh Antôn, xin ghé mắt thương xem chúng tôi khốn khó, cho mọi người trong họ chúng tôi được ơn Người phù hộ, hầu ở đời nầy giúp nhau giữ đạo cho nên và chung cuộc làm ăn hàng ngày đủ dùng, đến khi lâm chung, xin dắt dìu linh hồn chúng con lên hợp cùng ông thánh Antôn mà ngợi khen Chúa và Đức Mẹ chẳng cùng. Amen
Mừng 800 năm

ngày sinh thánh Antôn (1195-1995)

THÁNH ANTÔN PADUA
DẪN NHẬP
Thánh Antôn qua đời ngày 13-6-1231, được phong thánh một năm sau, ngày 30-5-1232.
Từ sau ngày phong thánh, trong hai thế kỷ 13,14; sách viết về người cũng ít. Các tài liệu gốc, hay gọi là nguồn không dồi dào. Để phác họa lại chân dung vị thánh hay làm phép lạ, vị thánh của đại chúng, chỉ có một số cứ liệu gom lại kê là ít. Đã ít mà còn, một đàng, thiếu độc đáo, tác giả sau cứ chép lại tác giả trước, đàng khác, thiếu độc đáo, nhiều sự kiện được kể đại cương lờ mờ.
Các nhà biên khảo phê bình hiện đại đã gần nhất trí với nhau phủ nhận giá trị lịch sử của các sách viết sau thế kỷ 14. Các vị đã đưa các tài liệu gốc, chính thức, viết ở hai thế kỷ 13,14, ra so sánh tỉ mỉ, nghiên cứu nghiệt ngã, cá vị vẫn chưa đồng ý với nhau về mức độ tin tưởng đặt vào giá trị thực sự của các tài liệu cổ ấy và các vị thường đi đến những kết luận không hoàn toàn với nhau. Tóm lại, sự hiểu biết của chúng ta về cuộc đời thánh Antôn vẫn còn là từng mảnh, ngổn ngang các điểm đang tranh luận và đầy những chỗ trống thường được lấp bằng các cố gắng của tưởng tượng. Các tài liệu gốc ít và nghèo nàn.
Về thế kỷ 13, ngoài vài trang ký sự có giá trị, liên quan đến thánh Antôn, của Thomas de Eccleston trong De Adventu Minorum In Angliam (Về Anh Em Hèn Mọn sang nước Anh), và của Rolando, chưởng kế ở Padova, mất năm 1276, sách cổ viết về thánh Antôn có:

Legenda prima (Truyện Một). Có một tên nữa là Legenda Assidua, vì sách khởi đầu bằng câu: Assidua Fratrum postulatione deductus... cho đến nay vẫn chưa biết tác giả là ai. Các nhà biên khảo đã tranh luận nhiều, để biết sách có phải do nhiều tác giả không. Giả thuyết này hiện nay bị bỏ. Một giả thuyết vững hơn được đưa ra, nghĩ rằng tác giả đã sử dụng nhiều nguồn khác nhau và đã sử dụng vũng về. Tác giả viết sách năm nào? Chính tác giả cho biết đã hỏi han Soerio II, giám mục Lisboa, mất năm 1232. Điều này chứng tỏ tác giả đã viết sách không lâu sau ngày phong thánh, ngày 30 tháng 5 năm ấy.
Một số thủ bạn sách Truyện Một có thêm Phụ Lục, chẳng hạn Thủ bạn phân khoa thần học Tin Lành ở Paris, nói đến phép lạ lưỡi thánh Antôn còn y nguyên, lúc cải táng hài cốt thánh nhân năm 1263, đem về táng tại thánh đường mới ở Padova, thủ bạn 74 ở thư viện thánh Antôn tại Padova, có phụ lục kể các phép lạ, mà người sưu tập nói là đã trích trong tập sách của tu sĩ Pierre Raymond de Saint- Rômain, viết năm 1293.

Truyện Một đã được dùng làm tài liệu để viết:
- Về thánh Antôn trong bộ Dialogus de Gestis Sano torum Fratrum Minorum (Đối thoại về các kỳ tích của các thánh dòng Anh Em Hèn Mọn).
- Legenda Secunda (Truyện Hai). Nhóm Bollandistes đã xuất bản sách này dưới nhan đề Vita auctore anonymo valde antiqua (Truyện rất cổ do tác giả khuyết danh). Delorme, nhà biên khảo Phan Sinh thời danh, đã chứng minh sách này là tác phẩm của Juliel de Spire, bằng cách so sánh sách này với bản kinh thần tụng cổ nhất dùng trong ngày lễ thánh Antôn, do Juliel de Spire. Truyện của Juliel de Spire được viết trước năm 1246. Bản kinh thần tụng đã được dùng trong dòng Anh Em Hèn Mọn một thời gian rồi, trước năm này. Thơ có trước văn xuôi.
- Legenda Florendina , thủ bản viết sau năm 1280, được giữ ở thư viện La Laurentienne tại Firenze, tóm lược Legenda prima Legenda của Juliel de Spire. Tác giả, khuyết danh, người đầu tiên đã vắn tắt kể chuyện thánh Antôn kể cho cá, truyện về sau được Những Bông Hoa Nhỏ vẽ vời thêm và phổ biến rộng rãi. Tác giả còn kể thêm một số phép lạ thánh Antôn đã làm lúc sinh thời, nhưng lại không nói đến nơi chốn.
- Legenda Raymundina, viết năm 1293, hẳn là do Pierre Raymon de Saint- Rômain . Trong đó có khẳng định: Thánh Antôn đã làm linh mục trước lúc vào dòng Anh Em Hèn Mọn.
- Truyện Thánh Antôn Padua , do Jean Rigauld, như sẽ nói sau.

Về thế kỷ 14 có sách:


- Legenda Benignitas, gọi tên như thế vì sách khởi đầu với câu: Benignitas et Humanitas Salvatoris nostri apparuit in hoc saeculo..., viết năm 1316, tác giả khuyết danh, đã chép lại Legenda Prima và thêm vào nhiều truyện mới. Nhưng những truyện này đáng tin đến mức độ nào? Những sự kiện có thể kiểm chứng được, ta thấy tác giả nói không đúng sự thực. Chẳng hạn kể rằng thánh Antôn đã thành lập phái cuồng tín đánh tội tập thể công khai, rằng thánh Antôn đã thuyết phục được bạo chúa Ezzelino da Romno.
- Một "chỉ dẫn" ngắn, xen vào sách Historia ab origine mundi

(lịch sử từ khai nguyên thế giới), của Pualin de Venise, Dòng Anh Em Hèn Mọn, mất năm 1244, vay mượn từ Legenda Prima và Legeda của Juliel de Spire. Điều đáng lưu ý là tác giả kể thánh Antôn làm giáo sư đầu tiên trong số Anh Em dạy thần học ở Bologna. Nhưng câu văn thiếu trong sáng, nên có thể hiểu sai, vì theo câu văn thì có phân khoa thần học ở Bologna, mà thực sự chưa có phân khoa này sinh thời thánh Antôn.

- Liber Miraculorum (Sách các phép lạ); được soạn sau năm 1367, vì ngày tháng có ghi trong sách. Tác giả sử dụng tất cả các tài liệu gốc, nhưng thường nhuận sắc và phóng đại các mẫu chuyện. Tác giả cũng kể một vài phép lạ riêng tác giả biết hoặc đã trích một sách nào đó ngày nay đã thất lạc.


- Chronique des XXIV Géneraux (Niên sử của 24 Tổng Phụng Vụ) Sách này không những ghi toàn bộ Sách các Phép lạ mà còn kể thêm nhiều truyện thần kỳ về thánh Antôn.
- De Conformitate Vitae beati Francíci ad Vitam Domini Jesu (Cuộc đời thánh Phanxicô giống cuộc đời Chúa Giêsu), thiên tràng giang đại luận của Barthélemy da Pisa, viết trước năm1399, trong đó nhiều trang được dành cho thánh Antôn. Tác giả đã sử dụng các tài liệu có trước và thường mâu thuẫn với các tác giả trước, nhất là về nơi chốn truyện xảy ra. Người ta gặp trong sách này, lần đầu tiên, truyện thánh Antôn tuyên báo cho ông chưởng khế ở Puy rằng ông sẽ được ơn tử đạo và truyện thánh Antôn về Lisboa một cách lạ lùng để cứu ông cụ thân sinh bị án oan.
Không nên kể thêm các sách viết sau thế kỷ 14. Thời đại nguồn gốc đã chính thức chấm dứt.
Riêng truyện thánh Antôn do Jean Rigauld, được dịch sang tiếng Việt sau đây, Delorme, nhà biên khảo, chuyên nghiên cứu lịch sử Phan Sinh, đã được vinh dự khám phá ra trong thủ bản 270, tại thư viện Bordeaux, nước Pháp, và đã xuất bản lần thứ nhất năm 1899.
Không kể chương 10, dành riêng cho các phép lạ của thánh nhân sau khi qua đời, 9 chương khác được chia làm hai phần.

Phần I, gồm các chương 1,2,3,4,9 và đoạn đầu chương 5 Jean Rigauld đã theo sát Truyện của Julien de Spire.



Phần II, từ đoạn sau chương 5 và các chương 6,7,8 tác giả đã thực sự độc đáo và giữ đúng lời hứa trong Lời Nói Đầu, tác giả kể một số phép lạ, do lời chuyển cầu của thánh nhân, lúc người ở Limousin bên nước Pháp, số phép lạ này tác giả không thấy kể trong các chép đã viết trước.
Delorme đánh giá: "Qua hai lần phê bình và xác định, tác phẩm này, xét về thời đại tác giả viết, thật đáng đặc biệt lưu ý... Không phải chỉ là một sưu tập lộn xộn các điều kỳ diệu như Sách Các Phép Lạ, nhưng là một tiểu sử chính thức, được sáng tác theo một bố cục hợp lý, có phương pháp, chủ trương trình bày cho chúng ta thấy tư cách, tính tình và các nhân đức của thánh nhân cũng như các hành vi hoạt động của người... Trong khi các Truyện trước, không đầy đủ, không cân đối, chỉ trường thuật chi tiết giai đoạn đầu cuộc đời vị thánh hay làm phép lạ và về cái chết, về cuộc lễ an táng người, thì tác phẩm của Jean Rigauld bao gồm toàn bộ tiểu sử người và đặc biệt lưu ý đến các sự kiện đánh dấu những ngày người ở trên đất Pháp".
Nói "toàn bộ tiểu sử người" có lẽ là một lời nói quá; vì tác giả đã không đề cập đến thời gian thánh nhân ở Montpellier, ở Toulouse và ở Puy bên nước Pháp.
Alexandre Masseron, một sử gia đã từng nghiên cứu các sách cổ Phan Sinh, nhận định: "Nếu được phép tiếc Jean Rigauld đã không mở rộng thêm phạm vi sưu tầm và cho một vài niên biểu chính xác rất quí đối với chúng ta, thì tác giả đã chuộc lại các thiếu sót ấy bằng chu đáo trong tìm tòi, trung thực, thành thực, phấn khởi, nhiệt tình, khâm phục và yêu mến thánh nhân, hơn ai hết tác giả đã đặc biệt chứng minh sức hấp dẫn mãnh liệt lôi cuốn quần chúng đông đảo đến chen chúc chung quanh toà giảng của thánh nhân.
Bố cục các sự kiện dưới những đề mục độc đáo, trong những chương đặc biệt là của bản thân, Jean Rigauld đã chú tâm giới thiệu người hùng của mình. Ở điểm này, tác giả đã thành công, chân dung do tác giả phác hoạ, nhìn rồi thật khó quên, không một chân dung nào, cũng linh động, cũng rắn rỏi như thế trong các truyện cổ".

T.P
Ở ĐÂY

KHỞI ĐẦU TRUYỆN THÁNH ANTÔN

DÒNG ANH EM HÈN MỌN

SÁNG TÁC DO

TU SĨ JEAN RIGAULD CÙNG DÒNG
Vào thời Thiên Chúa bắt đầu dùng lời khuyên dạy và gương mẫu của thánh Phanxicô, vị thánh cầm cờ hiệu đi trước Đức Kitô, để chiếu sáng thế gian, có một vị, cuộc đời đáng tôn kính, ai cũng xưng tụng nhân đức và quyền năng, khi là Kinh Sĩ Tại Viện, người có tên là Fernando, tên rửa tội, khi theo giữ Luật Dòng Anh Em Hèn Mọn, người có tên là Antôn. Ở hai giai đoạn đời nói trên, người được ơn Chúa ban như sương sa, như ta sẽ thấy, lúc đọc truyện người.
Hồi thánh Antôn ở hạt dòng Limousin và giữ chức Phục Vụ Hạt Dòng 1, nhờ lời người chuyển cầu, Thiên Chúa đã thương làm một số phép lạ tại đó. Hồi mới vào dòng, tôi đã được nghe những anh em đức độ rất cao kể lại, lời lẽ rất xác tín 2 và bởi vì tôi thấy các phép lạ ấy không được kể trong sách Truyện người, nên tôi muốn đích thân kể, không phải để tự đắc tự phụ, nhưng vì lòng mến Thánh nhân. Tôi làm việc này vì sợ các phép lạ ấy, nếu không sưu tập lại, sẽ bị quên lãng, Anh Em sẽ chẳng còn nhớ, lại nữa, vì muốn làm gia tăng lòng sùng kính Thánh nhân đối với những ai sẽ đọc truyện các phép lạ này.
Để mỗi giai đoạn được kể có thể dễ được nhận thấy ở đúng vị trí của nó, tôi xin chia truyện này thành 10 đoạn hay 10 chương ngắn.

Thứ nhất: Tôi thuật lại giai đoạn khi thánh nhận còn có thế gian.

Thứ hai: Giai đoạn khi người là Kinh Sĩ Tại Viện.

Thứ ba: Cách và lý do người đã quyết định chuyển sang Dòng Anh Em Hèn Mọn.

Thứ tư: Người đổi tên và đi sang nước Dân Ngoại.

Thứ năm: Đức khiêm nhường đáng cảm phục của người và Chúa đã chiều theo ước nguyện của người.

Thứ sáu: Đức nghèo rất cao của người và người được Chúa cung cấp nhu cầu cách kỳ diệu.

Thứ bảy: Người suy niệm cao sâu và được Chúa nhận lời xin theo sở cầu.

Thứ tám: Người là nhà thuyết giáo thời danh và được ơn làm phép lạ.

Thứ chín: Người qua đời và được phong thánh hay là được ghi tên vào sổ các thánh.

Thứ mười: Các phép lạ sau ngày người qua đời vinh hiển.

CHƯƠNG I
NHỮNG NGÀY THÁNH ANTÔN Ở THẾ GIAN
Rõ ràng Antôn đã xuất hiện giữa thế gian như sao mai giữa mây mù. Người ta xem quả biết cây, xem gốc biết rễ, do đó, như Gioan Tẩy Giả, em bé có cha mẹ, là người công chính trước mặt Chúa và bước đi trên đường các giới răn Người, không ai trách được gì. Hai ông bà chưa có người con nào và còn trẻ, khi sinh ra người con đẹp như bông hoa này.
Nơi Fernanđô sinh trưởng và học và học hành là điểm báo trước nhân đức cao độ sau này của em. Quả vậy, nước em có tên Portugal. Portugal nguyên ngữ là "ôm con gà" hay "nuôi con gà". Con gà đây là sứ giả truyền lệnh của chân lý Phúc âm sau này. Thành phố em tên là Lisboa, nơi sẽ cống hiến cho thế giới một 3.

Ulysse mới, minh mẫn sáng suốt, biết theo Chúa Giêsu như kiểu mẫu của lòng nhân từ 4.


Em học Kinh Thánh ở nhà thờ Đức Trinh Nữ trong thành, gần nhà cha mẹ em. Như thế, từ thuở còn thơ, Đức Mẹ đã là bà giáo của em, không bà giáo nào sánh bằng. Về sau, như ta sẽ thấy, Đức Trinh Nữ sẽ là bà mẹ uy quyền bảo vệ đời em cho đến hơi thở cuối cùng.
Dẫu thế gian phù du giả trá đem hết cách ăn chơi lôi cuốn em vẫn không buông thả theo các thú vui. Trắng trong và chuyên chú làm đẹp lòng Chúa, em hăng say thực hiện Lời Đấng Khôn Ngoan: "Tôi là một em bé bản chất tốt, tôi sẽ nhận phần chia một tâm hồn ngay thẳng, vì mỗi ngày mỗi nên tốt hơn, nên tôi đã giữ được thân tôi không tì ố."
CHƯƠNG II
NHỮNG NGÀY NGƯỜI TU TRÌ VÀ TRAO ĐỔI KIẾN THỨC TRONG DÒNG KINH SĨ TẠI VIỆN

Fernanđô thấy ở thế gian có biết bao người lạc vào con đường đầy thói hư nết xấu nguy hiểm. Fernanđô hiểu rằng những gì ở thế gian đều là dâm tà, tham của và kêu ngạo 5 . Fernanđô nhớ lại rằng thế gian, cũng như các ăn chơi vui thú của thế gian nay còn mai mất, nên ngay từ thuở ấu thơ, thuở sống đơn giản trong gia đình như ông tổ Jacob xưa, Fernanđô đã coi thường thế gian cằn cỗi và hương sắc thế gian gạt gẫm, Fernanđô quyết sống cuộc đời tốt đẹp, bảo đảm hoa trái tốt đẹp.


Biết rằng muốn nên người chiến sĩ hoàn hảo của Đức Kitô, phải ghét cha ghét mẹ, nên Fernanđô đã vội vã giã biệt người thân, từ bỏ gia nghiệp, xin vào một đan viện Dòng Kinh Sĩ Tại Viện, gần Lisboa, mặc áo dòng tại đó và lần đầu tại đó tuyên khấn giữ luật dòng thánh Augustinô 6 là người mang nặng trong lòng ước nguyện đạt tới tuyệt đỉnh khôn ngoan, Fernanđô đã trau dồi kiến thức đầu tiên trong trường học thánh Augustinô tiến sĩ, để theo sự hướng dẫn của người thưởng thức được vẻ ngọt ngào của Thiên Chúa và để cho người cha thượng trí là Augustinô có thể vui lòng vì có người con thông thái là Antôn.
Sở nguyện của Fernanđô là được yên tĩnh nội tâm, nhưng bè bạn thế giới thường lui tới viếng thăm rộn ràng, Fernanđô đã như ông Abraham xưa muốn xa quê hương, xa gia đình. Cũng khó khăn lắm mới xin được phép, vì các kinh sĩ ai cũng quí mến Fernanđô, Fernanđô rất thánh thiện và có nhiều giá trị hoạ hiếm. Sau khi xin được phép bề trên, Fernanđô đến ở một đan viện khác cùng dòng, tên là Đan Viện Thánh Giá tại Coimbre 7

để tu trì đắc đạo, hợp sở thích yên tĩnh tâm hồn nhất là để đặc biệt tôn sùng Thánh Giá. Sẵn có lòng mộ mến thiết tha đối với những gì có liên quan đến Chúa chịu đóng đinh và Thánh gía, Fernanđô đã vội vàng nhìn sâu vào các mầu nhiệm của thánh giá, tại một nhà dòng dâng kính Thánh Giá, đúng như dự định của Đấng vô cùng Khôn Ngoan.


Tại đây, Fernanđô tiến bộ nhiều trên đường nhân đức hoàn hảo. Được ơn soi sáng của Đấng giáo huấn không cần thời gian, Fernanđô nghiên cứu lý thuyết của các Giáo Phụ, như vũ trang khí giới, để có thể thuyết giảng chân lý đích thực của đức tin cho người lạc giáo và bảo vệ các chân lý chống lại người lạc giáo.

Chúa đã chọn Fernanđô và vì Chúa. Fernanđô đã coi thường tất cả, nên từ Chúa Fernanđô đã nhận được ánh sáng, Fernanđô đọc sách là nhớ hết và chỉ một thời gian ngắn người kinh sĩ trẻ tuổi này đã được dồi dào thần trí khôn ngoan 8.



CHƯƠNG III
CÁCH VÀ LÝ DO NGƯỜI XIN CHUYỂN SANG

DÒNG ANH EM HÈN MỌN
Thời ấy thánh Phanxicô, như mặt trời mới mọc, đã dùng gương tốt và lời khuyên dạy để soi sáng thế gian, cũng thời ấy, Dòng người mới lập, cởi bỏ con người cũ, đưa ra cho đời một mẫu người mới và phổ biến khắp nơi mẫu người toả hương nhân đức 9. Ngay từ thời ấy đã có nhiều Anh Em Hèn Mọn ao ước được tử đạo, anh em vượt biển sang nước các người Lương dân, mong dùng đức tin biến đổi lòng hung dữ hoặc nhờ tình yêu Đức Kitô, Đấng đã chịu chết vì chúng ta, hy vọng sẽ được thưởng cành thiên tuế tử đạo. Trong số có mấy anh em sang Maroc. Sau khi như những kiện tướng công khai rao giảng đức tin, mấy anh em này bị giết và được vẻ vang đổ máu vì Đức Kitô 10.
Dom Pedrô, một vị hoàng thân có quyền thế và đáng kính, đã loan tin cho cả nước Tây Ban Nha biết. Toàn dân tuyên dương diễm phúc của các vị tử đạo và các phép lạ được vua các Thánh
Tử Đạo làm trong cuộc khải hoàn vinh quang. Hoàng thân đã đem di hài anh em về nước với ông. Ông nói nhờ công nghiệp của anh em, ông đã thoát khỏi nhiều tai nạn hiểm nguy kinh khủng.
Tin đồn về cái chết, về cuộc chiến thắng lẫy lừng, cũng như các phép lạ do lời anh em chuyển cầu truyền đến tai mọi người. Kinh sĩ Antôn cũng đã nghe, nhưng không phải chỉ thoáng nghe, tin đồn đã ảnh hưởng nhiều trên tâm hồn kinh sĩ. Như con chiến mã sẵn sàng xông trận, như con voi say chiến lúc thấy máu, kinh sĩ quyết tâm khoác lấy chiếc áo Dòng Anh Em Hèn Mọn, để sống cuọc đời như các vị tử đạo và cuối cùng cũng được thưởng cành lá thiên tuế như các vị. "Tôi sẽ đổi áo, kinh sĩ nói, và tôi sẽ xông vào trận." 11
Lạy thánh Antôn, ngài đã có lòng ao ước được tử đạo, ngài đã phấn khởi biết bao khi đi tìm cái chết tử đạo! Nếu lưỡi gươm lý hình không đoạt được mạng sống mgài thì linh hồn vinh hiển ngài không vì thế mà mất đi cành thiên tuế tử đạo. Hỡi người chiến sĩ của Đức kitô, ngài xứng mọi lời chúc tụng, gươm lý hình đã không làm ngài khiếp sợ, trái lại ngài đã nhìn thẳng vào đó để hăng hái hơn xông vào tử đạo!
Một hôm, khi kinh sĩ Fernanđô đang suy nghĩ về dự định sắp thực hiển, bỗng có mấy Anh Em Hèn Mọn, mấy người nghèo của Đức Kitô, từ một nhà dòng ở gần Cọmbre 12, đến đan viện

Thánh giá xin bố thí. Thoáng thấy anh em, kinh sĩ không cầm lòng được, nên dẫn anh em ra riêng một nơi, bộc bạch tâm sự và xin được nhập dòng như anh em 13. Như thế thánh Phanxicô từ nay không phải lo lắng nhiều về việc đi giảng nữa, anh em thấy lời tiên tri Isaia đã được thực hiện giữa anh em: "Ta sẽ mặc cho ngài áo của người, ta sẽ làm cho ngài dũng mạnh nhờ thắt sợi dây của người."


Nghe kinh sĩ ngỏ lời, anh em mừng khấp khởi. Đàn chiên thêm số. Đến ngày đã định và sau khi đã khó khăn lắm mới xin được sự thoả thuận của viện phụ, anh em vui vẻ trở lại và ngay trong đan viện anh em mặc áo dòng Anh Em Hèn Mọn cho đầy tớ Chúa 14.
Con người đã mang sẵn trong lòng nguyện ước được chịu đóng đinh vì Đức Kitô, từ nay khoác lấy chiếc áo có hình thánh giá. Con người đã vì tình yêu Đức Kitô muốn thắt sợi dây tuân phục, từ nay sẽ thắt một sợi dây ngang lưng. Can đảm lên, hỡi Antôn, hỡi người lính dũng cảm, hãy mang lấy khí giới của Đức Kitô, vị vua bách chiến bách thắng. Hãy mang thánh giá Chúa trên áo ngài, với áo ấy ngài đã làm cho quyền lực địch thù tháo lui trốn chạy. Hãy thắt sợi dây làm đai lưng, dây sẽ thắt chặt ngài với Đưc Kitô dưới ách vâng lời.

Lúc Antôn, chiến sĩ của Đức kitô, vũ trang khí giới đạo binh thiên quốc, sắp bước theo các chiến hữu nhập trại khó nghèo có một kinh sĩ, trước từng thương mến Fernanđô nhiều, nay cay đắng trong lòng, đã kêu lên: "Đi, đi, một ngày kia có lẽ thầy sẽ trở thành một vị thánh." Đơn sơ như chim bồ câu và cũng vì có khiên hứng thần linh tiên tri, người của Chúa đáp: "Khi hay tin tôi là một vị thánh, hẳn là thầy sẽ ngợi khen Chúa." 15


Ở đan viện Thánh Giá tại Coimbre, như tôi đã nghe Anh Phục Vụ Hạt dòng thánh Giacôbê kể, có một cái giường, nơi thánh nhân nằm ở nhà ngủ, rất được sùng kính. Khách hành hương đến gần bê giường cầu khẩn thánh nhân, đã được hưởng phép lạ, do lời người cầu bầu. Thời gian sau ngày thánh nhân đã từ trần và đã được long trọng phong thánh, lúc hoàng hậu nước Tây Ban Nha chết ở một xứ xa triều đình, thánh Antôn đã hiện về tại đan viện này với một kinh sĩ đạo đức và thân mật báo tin cho kinh sĩ biết hoàng hậu đã qua đời. Thánh nhân hiện về cũmg gần đúng với giờ hoàng hậu chết. Tin này không những hữu ích cho đan viện mà còn gỡ đan viện khỏi nhiều phiền hà rắc rối.
Thánh nhân đã hiện về nơi đây, nơi người đã biết đến bộ áo dòng Anh Em Hèn Mọn, nơi người đã giã biệt các kinh sĩ để nhập đoàn với Anh Em Hèn Mọn.

CHƯƠNG IV
NGƯỜI ĐỔI TÊN

VÀ SANG NƯỚC CÁC DÂN NGOẠI
Nhà dòng, nơi Anh Em Hèn Mọn ở, gọi là nhà dòng thánh Antôn, do đó hẳn là người anh em mới đến muốn đổi tên, trước gọi là Fernanđô, sau được gọi Antôn 16
Trước có tên là Fernanđô, gọi như thế thật là thích hợp. Fernanđô có nghĩa là lòng nhiệt thành toả ra như hương thơm, Người đã khao khát được tử đạo, gương tốt của người được tỏa ra như hương thơm. Fernanđô còn có nghĩa là thắt một sợ dây ngang lưng, quí mến những tâm hồn siêu thoát, hướng dẫn người khác theo đường chân lý. Người đã thắt lưng với một sợi dây, sống đời trắng trong thanh khiết, người đã quí mến những ai khước từ tất cả để sống nghèo, người đã hướng dẫn người khác bằng cách dạy cho biết chân lý, bước đi vững vàng theo chân lý. Đó là lý do để đặt tên người trước đây.

Sau đó người có tên là Antôn. Gọi như thế cũng hợp lý. Antonius mghĩa là người la lối quát tháo trước người khác, trước anh em đồng thời trong dòng. Người đã như sấm sét, rao giảng chân lý cao siêu. Antonius còn có nghĩa là người chịu đựng đau khổ, người ăn nói mạch lạc rõ ràng. Hai điểm này cũng đúng sự thực, người đã hãm mình khắc khổ và đã thuyết giảng lừng danh. Antonius còn có nghĩa là thương gia trung thực, người làm chứng tận lực tận tâm, bởi người đã thực hành lời người đã giảng dạy, người cầu khẩn hết lời, bởi người nguyện xin tha thiết. Người môn đệ hữu ích, bởi người đã trung thành noi gương thánh Phanxicô.


Đơn sơ, khiêm nhường, người đã muốn đổi tên, để với một tên không ai biết đến, người tránh được khách khứa quấy rầy, và cũng để noi gương khiêm nhường thẩm sâu, người bỏ tên Fernanđô, tên trong nước người hàng quí tộc và con vua cháu chúa thường quen đặt. Người hân hạnh được bắt chước vị Thầy chí thánh đã tự xưng mình là Con Người, khi người ta xưng tụng Người là Đức Kitô, con Chúa Trời Hằng sống. Người cũng bắt chước thầy người là thánh Phanxicô, đã tuyên bố trước mọi người rằng người chỉ là ông Phêrô Bernađônê, khi đám đông ca tụng những việc lạ lùng của người.
Antôn ở một thời gian trong nhà dòng này với anh em, thực hành tất cả những gì liên quan tới đức nghèo, đức thanh khiết, đức vâng lời, hợp với luật Dòng Anh Em Hèn Mọn. Những gì người nghe, người đều khắc sâu vào lòng không quên, chẳng khác gì đất sét dẻo người in vào đó những lời giáo huấn thánh, để rồi khi cần, đem truyền lại cho những tâm hồn khao khát.
Ít lâu sau, thánh nhân theo đuổi dự định đã thai nghén trong tâm trí trước khi chuyển dòng, người xin được phép đi sang nước người lương dân, để công khai về Đức Kitô và để tự hiến

giữa lương dân như nhân chứng của đức tin và như của sát tế dâng lên Đức Kitô, Đấng đã tự hiến cho chúng ta nhờ trên bàn thờ thập giá 17


Nhưng sự khôn ngoan muôn đời của Đức kitô, sự khôn ngoan mãnh liệt thấu triệt mút cùng thế gian và êm đềm an bài mọi sự lại dự định khác, lại dành riêng người và chuẩn bị người để làm những việc lớn lao hơn. Đến nước Hồi giáo và lúc đang cố gắng chiếm cành thiên tuế tử đạo mong ước 18, người đã không thực hiện được ước nguyện, vì không phải là ý Chúa. Lâm bệnh trầm trọng và bệnh kéo dài lâu ngày, người hiểu không thể thực hiện được dự định, buộc lòng phải trở về nước công giáo. Nhưng sống với Đức Kitô và chết cho thế gian, người đã chịu một cuộc tử đạo liên lỉ, người tự trói vào thập giá đền tội với Đức Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá.

Dự định không thành, người trở về Tây Ban Nha. Gió ngược thổi bạt tàu vào Sicile 19. Lúc này Tổng Tu nghị dòng sắp họp ở Assisi 20


Vừa nghe tin ấy, thánh Antôn liền đi tới đó, mặc dầu đang bệnh và yếu nhược trầm trọng.
Tu nghị bế mạc, Anh em đâu về đó. Thánh Antôn tiến lại gần Anh Gratien, Phục vụ tỉnh dòng Romagna, với nhiệt tình và khiêm tốn, khẩn khoản xin anh nhận cho đi theo sau khi đã được sự đồng ý của Anh Tổng Phục Vụ 21, và dạy cho người biết giữ trọn các nhân đức của Dòng 22. Người đã trở nên hoàn hảo nhờ lời hướng dẫn của một Gratien, vì người đã ao ước được ân sủng ban cho tràn đầy 23.
Thánh Antôn xin anh Gratien chỉ định cho một nơi xa cách vắng lặng để sóng yên tĩnh và cầu nguyện. Anh Gratien đã cho người đến ở một ẩn viện, có tên là Monte-Paolo 24.
Chúa khôn ngoan đã dẫn người tới đó, để sống cuộc đời ẩn dật, học đức khiêm nhường và qua suy niệm,tu đức, học hành, thâu lượm được nhiều giống tốt, để sau này deo vãi khắp nơi trong các bài thuyết giảng. Ở đó, trong một túp lều xa vắng nhất, người tự hiến toàn vẹn phụng sự Chúa, chiến thắng hết các cám dỗ bằng cách khắc khổ nhiệm nhặt, bằng chìm sâu vào kinh nguyện sốt sắng và làm cho tâm hồn lớn mạnh trong tình yêu Chúa.

CHƯƠNG V
ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG

ĐÁNG CẢM PHỤC CỦA NGƯỜI

VÀ CHÚA ĐÃ ĐÁP ỨNG

CÁC SỞ NGUYỆN CỦA NGƯỜI
Thánh Antôn, người của Chúa, rất mực khiêm nhường, vì người hiểu khiêm nhường là nhân đức bảo vệ và trang trí tất cả các nhân đức khác. Tuy ở giữa Anh Em Hèn Mọn, người cũng đã muốn tỏ ra là người đáng khinh nhất, tầm thường nhất, nhỏ nhoi nhất.
Ai mang bảo vật đi công khai ngoài đường là cho thấy muốn bị cướp giật, biết thế nên thánh Antôn cố dấu diếm các nhân đức và các ân huệ người nhận được từ Chúa. Là người thông thái, nhưng người dấu kín, không cho thấy các kiến thức học vấn của người, người rất ít khi dùng đến tiếng Latinh. Người biết học vấn khoa trương, nên người muốn đi qua trước mắt mọi người như một kẻ thất học, ít chữ nghĩa, hơn nữa một người kiêu căng vì học thức là một người để cho ngọn gió hư danh đề cao và làm choi lung lay.
Khi nhận làm công việc tầm thường, người ta chứng minh được mình có lòng khiêm nhường. Khi thường xuyên lẩn tránh các công việc ấy, người ta không thể nghĩ rằng mình thực sự khiêm nhường. Thánh Antôn là người có lòng khiêm nhường, người đã muốn chuyên môn cáng đáng lấy các công việc khiêm tốn nhất.
Nhớ rằng Đức kitô xưa hạ mình chân các môn đệ, thánh Antôn rửa bát dĩa nồi niêu dưới bếp, rửa chân anh em và cung kính hôn chân anh em. Khi đồng hành với anh em, khi có thể và thuận tiện, người thường nhún nhường trước người anh em. Người nghĩ rằng một người có địa vị cao mà càng tự hạ, thì càng thâu tích được nhiều công trạng trước mặt Chúa. Khi giữ chức vụ cao cấp, người không tỏ ra là người cao cấp, nhưng là một người anh em, một bạn đồng hành. Người không muốn được vẻ vang vì chức vụ, người chỉ cố xử sự giữa anh em như một người anh em, hơn nữa như một người anh em nhỏ nhoi nhất.
Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai kiêu căng sẽ bị nhục nhã. Ai khiêm hạ sẽ được biểu dương. Thánh Antôn đã tự hạ, coi mình chẳng là gì trước mọi người, nên Chúa đã ban ơn rõ ràng, nâng người lên. Thánh Antôn đã tỏ lòng khiêm nhường qua bốn cách: dấu diếm kiến thức, luôn nhận công tác tầm thường, tự xoá nhoà trước người anh em đồng hành, càng được cử giữ chức vụ cao, càng tự hạ thấp. Chúa cũng đã qua bốn cách làm cho người được nổi danh, như ta sẽ thấy sau đây.
Vì khiêm nhường, người dấu diếm kiến thức dưới đáy thùng, nhưng Chúa không bao giờ để một ngọn đèn sáng chói như thể phải dấu kín lâu ngày. Chúa muốn phải được đặt lên chân đèn cao.
Nhân người được Anh Phục Vụ cử đi Forli 25 với nhiều anh em sắp chịu chức. Đến giờ truyền chức, anh Phục Vụ tu viện tha

thiết yêu cầu một vị trong số các Anh Em Thuyết Giáo hiện diện đứng lên nói vài lời khuyến khích với toàn thể Anh Em tập họp. Nhưng do Chúa sắp đặt, Anh Em Thuyết Giáo chối từ, viện lẽ chưa chuẩn bị sẵn sàng. Anh Phục Vụ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn quay về hướng thánh Antôn, người anh em không ai biết là đã học hành thông thái. Anh ngỏ lời và ra lệnh cho Antôn phải nói lên trước số Anh em tập họp những gì Chúa Thánh Thần soi sáng.


Là người thực sự mộ mến thiết tha đức khiêm nhường, muốn làm học trò hơn làm thầy, thánh Antôn có lời từ chối, viện lẽ không đủ khả năng giảng, không dọn trước, và làm hết cách để tránh một việc đối với người là một vinh dự, nhưng sau phải cúi đầu trước mệnh lệnh. Hướng về một anh em vô danh tiểu tốt, không ai nghĩ là thông thái, để yêu cầu đứng lên đột xuất giảng, đó là một chuyện thực ra cũng lạ. Chuyện này chứng tỏ không do thánh Antôn, nhưng do Chúa.

Sẵn có lòng kính sợ Chúa, nên thánh nhân mở lời rất đơn sơ. Sau nhờ ơn Chúa soi sáng, ký ức thay thế cho sách, với lời lẽ đầy hình ảnh, người biện minh các mầu nhiệm sâu xa của Kinh Thánh, hùng hồn và làm say mê thính giả, đúng như lời: miệng ngọt ngào thêm người bè bạn, môi duyên dáng vồn vã hỏi chào. Nghe những lời diệu kỳ người nói, thính giả cảm động ngây ngất và thốt lên: "Chưa ai đã nói như người này nói với chúng ta" thính giả công nhận chưa bao giờ nghe giảng hay như thế.


Bởi người đã chuẩn bị tâm trí để học hỏi cho thông hiểu, nên Chúa điều khiển lưỡi người. Bởi người đã trau dồi kiến thức với hậu ý tốt, nên người đã truyền đạt không tiếc gì. Bởi người mơ ước được trí tuệ thông minh, nên trí tuệ thông minh được ban cho người. Bởi người đã khẩn cầu thần trí khôn ngoan, nên thần trí khôn ngoan ngự vào người. Miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan và lưỡi người nói lời chính trực.
Anh Tổng Phục Vụ, không mấy chốc, đã nghe biết sự kiện xảy ra. Anh vội vã bắt buộc thánh nhân phải ra tiếp xúc với dân chúng bằng cách giao cho người nhiệm vụ đi giảng. Thánh Antôn quả là người có phúc, người đã không chủ động trong việc này, người đã không tự gán cho mình vinh dự này, người đã được cử như ông Aaron xưa. Khi nói đến tài danh thuyết giảng của người sau đây, ta sẽ thấy rõ kết quả rực rỡ người thâu lượm được.
Bởi thánh Antôn luôn nhận công tác tầm thường, nên Chúa đã tỏa sáng đức khiêm hạ của người qua các việc lạ thường.
Hồi người dự chức Phục Vụ Hạt Dòng Limousin, vào lúc nửa đêm, thứ Năm Tuần Thánh, người đang ở trong nhà thờ thánh Phêrô tại Queyroix, sau giờ Kinh Sách, đọc lúc nửa đêm, người giảng lời hằng sống cho dân chúng tụ họp quanh người. Cũng giờ ấy, tại tu viện Anh Em Hèn Mọn đang đọc giờ Kinh Sách, ngợi khen Chúa. Giờ này, như định trước, thánh Antôn, được cử đọc một bài sách. Nhưng người lúc ấy đang giảng ở nhà thờ thánh Phêrô rất xa nhà dòng. Khi anh em đọc giờ kinh, đến bài đọc đã được phân công cho người, bỗng có người ở giữa cung thánh, bắt đầu đọc và đọc hết bài 26.
Anh em hiện diện đều ngạc nhiên và cảm phục, vì biết rõ người đi giảng ở thành phố. Do quyền năng Chúa, cùng một lúc, ở cung thánh người có mặt giữa anh em, đọc một bài sách, ở nhà thờ trước dân chúng người giảng lời hằng sống. Tuy nhiên, lúc người đọc sách ở cung thánh tu viện, người lại nín lặng trước dân chúng ở nhà thờ. Đấng đã cho thánh Ambrôsiô đang ở Milanô, đồng thời có mặt dự lễ an táng thánh Martinô ở Tours, muốn rằng thánh Antôn cũng có mặt một lúc ở hai nơi, để giờ Thần Tụng khỏi bị gián đoạn vì sự thiếu mặt của người. Thánh nhân đã tự lúc làm công việc tầm thường, người xứng đáng được Chúa nâng lên trong công việc phận sự của người.
Lúc đi đường cũng như lúc ở nhà, người luôn nhún nhường trước anh bạn đồng hành, luôn như nhìn thấy viết rõ trước mặt lời tiên tri:
Lòng con chẳng dám tự cao

Mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!

Đường cao vọng chẳng đời nào bước,

Việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu,

Hồn con, con giữ trước sau,

An hoà thinh lặng là câu thanh bình.


Nên Đức kitô, vị Thầy dạy đức khiêm nhường, vị Thầy đã phán trong Tin Mừng: Hãy học cùng Thầy, vì lòng Thầy hiền hậu và khiêm nhường. Đức Kitô đã bảo vệ che chở người và các anh bạn đồng hành của người cách lạ lùng, khỏi bị xấu hổ, nhục nhã, tai tiếng.
Hồi còn giữ chức Phục Vụ Hạt Dòng Limousin, người từ xứ này, băng qua miền Provence, để sang nước Ý, lúc đến một xóm nhỏ kia, giờ ăn trưa đã qua lâu rồi, nhưng người và anh bạn đồng hành vẫn còn nhịn đói. Có một bà đạo đức, nhà chẳng giàu có gì, thấy cảnh hai anh em nghèo và đói, bà động lòng trắc ẩn, mời hai anh em vào nhà, dùng sơ sài vài thức ăn. Cũng như Marta, bà ân cần dọn bánh và rượu. Bà sang mượn người láng giềng thêm một cái ly có chân.
Chúa luôn chừa một lối thoát cho người bị thử thách. Chúa để bà, khi mở vòi lấy rượu trong thùng, đã quên khoá vòi lại, rượu chảy tràn lan dưới đất. Cũng lúc ấy anh bạn đồng hành của thánh Antôn cầm cái ly vụng về, đụng mạnh vào bàn, ly không vỡ tan, nhưng chân bị gãy, ly một nơi, chân một nẻo.
Cuối bữa ăn, muốn mời hai anh em uống rượu thêm, bà chủ nhà vào hầm rượu, thấy rượu chảy tràn lan dưới đất, gần hết thùng, bà hốt hoảng, chạy lên, thở vắn than dài, kể lể cho anh em nghe, vì sơ ý nên chảy mất hết rượu. Cảm động trước nổi buồn tiếc của bà chủ nhà, thánh Antôn gục đầu xuống bàn, hai tay úp mặt, tâm trí suy niệm lời thánh tông đồ: "Tôi kêu cầu với tinh thần và trí tuệ". Bà chủ nhà đứng lặng nhìn thánh nhân cầu nguyện và chờ xem kết quả ra sao. Lạ thay! Kìa cái ly, từ phía bên kia bàn, lăn đến, chắp vào cái chân phía bên này bàn. Hoảng hốt bà chộp lấy cái ly, lắc mạnh, bà nhận thấy nhờ quyền năng của lời cầu nguyện cái ly đã trở thành nguyên lành.
Bà thoáng nghĩ, quyền năng làm cho cái ly đã gãy liền cũng có thể trả lại rượu cho bà, bà vội chảy xuống hầm rượu, cái thùng chốc lát trước đây vơi đi một nửa, nay đầy tràn, rượu từ dưới thùng đùn lên, nóng như rượu mới, vì Chúa vừa tạo ra, để tránh cho thánh Antôn, là người khiêm nhường, khỏi bị ngượng ngùng, và Chúa đã làm phép lạ cho thấy sức mạnh phi thường của lời cầu nguyện. Phần thánh Antôn, con người rất mực thánh thiện, thấy được Chúa nhận lời, liền rời xóm ấy ra đi. Người là đồ đệ đích thực của đức khiêm nhường nên người đã tránh nơi đã xảy ra phép lạ, có thể làm cho người được vẻ vang và được ngợi khen 27.
Tuy giữ chức vụ cao cấp nhưng thánh Antôn đã muốn xử sự như một thuộc viên hơn là người có địa vị, do đó Chúa đã biến người thành một Phục Vụ Hạt Dòng ân cần chu đáo, đủ khả năng bảo vệ đàn chiên khỏi sói rừng và rắn rết cắn xé.
Lần kia, người nhận vào dòng một thanh niên quê ở Limoges, tên là Phêrô. Thanh niên này bị ma quỉ cám dỗ, muốn bỏ dòng rút lui. Được Chúa Thánh Thần soi sáng, thánh nhân gọi anh đến. Sau khi nghe anh kể, anh là mồi ngon của cám dỗ, người đưa tay cầm lấy miệng anh, mở ra, thổi hơi và nói:
"Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần." Lạ thay! Không những cám dỗ biến ngay, mà như anh đã thuật lại, suốt đời ở dòng, anh không bị cám dỗ như thế nữa 28.
Lạy vị thánh đích thực khiêm nhường! Người lo dấu diếm học vấn, Chúa đã gọi người đi giảng. Người chuyên làm những công việc tầm thường. Chúa đã cho người được vẻ vang trong công việc. Người đã muốn xử sự như người nhỏ nhất giữa anh em người, Chúa đã làm phép lạ, tỏ ra cho thấy người là người lớn nhất. Ở địa vị cao, người không muốn phô trương giá trị của người nên dưới sự săn sóc thận trọng của người, đàn chiên của người được bảo vệ khỏi nanh vuốt sói dữ.


tải về 452.91 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương