ĐIỀu lệ mttqvn khóa VIII



tải về 120.3 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích120.3 Kb.
#14301
ĐIỀU LỆ MTTQVN KHÓA VIII
Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, được thành lập ngày 18 tháng 11 năm 1930.

Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, Mặt trận không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc Việt Nam - một nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Kế tục và phát huy vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất


Việt Nam qua các thời kỳ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, quá khứ, ý thức hệ và chính kiến, miễn là tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh", góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Biểu trưng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hình tròn, nửa phía trên là hình tượng cờ đỏ sao vàng năm cánh, dưới là hoa sen trắng. Đường ngoài vòng cung màu vàng biểu hiện hai nhánh lúa vươn lên nâng dòng chữ


Mặt trận Tổ quốc trên nền cờ đỏ. Phía dưới cùng là hình tượng nửa bánh xe màu đỏ có dòng chữ Việt Nam.

Ngày 18 tháng 11 hằng năm là Ngày truyền thống của Mặt trận


Tổ quốc Việt Nam và là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chương I
THÀNH VIÊN CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM


Điều 1. Thành viên

Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp bao gồm tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Việc gia nhập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, tán thành Điều lệ và các quy định cụ thể của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp xem xét công nhận.

Điều 2. Quyền và trách nhiệm của thành viên tổ chức

1. Quyền của thành viên tổ chức

a) Thảo luận, chất vấn, đánh giá, kiến nghị về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

b) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chủ trì hiệp thương giữa các thành viên có liên quan, nhằm hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động nhân dân theo sáng kiến của tổ chức mình;

c) Giới thiệu người để hiệp thương cử vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;    

d) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức mình;

đ) Tham gia các hội nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

e) Được cung cấp thông tin về hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

2. Trách nhiệm của thành viên tổ chức

a) Thực hiện Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ, Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quy chế phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; các chương trình phối hợp giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên với cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan;

b) Tập hợp ý kiến, kiến nghị của thành viên, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân và kết quả thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động gửi Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

c) Tuyên truyền, vận động thành viên, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

d) Vận động các thành viên, đảng viên, đoàn viên, hội viên của tổ chức mình thực hiện đúng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc;

đ) Đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ những tổ chức, cá nhân chưa gia nhập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng có tinh thần hưởng ứng, ủng hộ, thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

e) Tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 3. Quyền và trách nhiệm của thành viên cá nhân

1. Quyền của thành viên cá nhân

a) Thảo luận, kiến nghị, chất vấn về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

b) Được mời tham gia thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc


Việt Nam liên quan đến lĩnh vực công tác; đề xuất các nội dung về chương trình công tác và chính sách cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

c) Thay mặt Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tham gia các hoạt động liên quan đến công tác Mặt trận khi được phân công;

d) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình;

đ) Được mời dự hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nơi mình cư trú;

e) Được cung cấp thông tin về hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

g) Được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tạo điều kiện để hoàn thành trách nhiệm của mình trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Trách nhiệm của thành viên cá nhân

a) Thực hiện Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ, Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; báo cáo kết quả thực hiện trách nhiệm của thành viên với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp theo quy định;

b) Tập hợp và phản ánh tình hình về lĩnh vực mình đại diện, hoạt động với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

c) Phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, động viên, đoàn kết nhân dân ở nơi cư trú và trong lĩnh vực hoạt động, công tác để thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc


Việt Nam chủ trì và phát động;

d) Tham gia các hoạt động khi được mời và góp ý các văn bản khi được yêu cầu;

đ) Lắng nghe, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân nơi mình công tác và cư trú với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

Điều 4. Quan hệ giữa các thành viên

Quan hệ giữa các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hợp tác bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động để cùng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Nhà nước và Chương trình Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.



Chương II
NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG


VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Điều 5. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động.

Khi phối hợp và thống nhất hành động, các thành viên của Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tuân theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình.

Điều 6. Hệ thống tổ chức

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức theo cấp hành chính:

- Trung ương;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh);

- Huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện);

- Xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã);

Ở mỗi cấp có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Dưới cấp xã có Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.



Điều 7. Đại hội

1. Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp là cơ quan hiệp thương cao nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó, 5 (năm) năm tổ chức một lần.

2. Số lượng, cơ cấu thành phần đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương thỏa thuận.

3. Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ:

a) Thảo luận và thông qua báo cáo nhiệm kỳ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình hành động của Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ mới;

b) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

c) Hiệp thương dân chủ cử ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

d) Thông qua nghị quyết đại hội.

4. Số lượng, cơ cấu thành phần đại biểu dự Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương do hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cấp đó thỏa thuận theo hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp. Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp nào do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó triệu tập, có nhiệm vụ:

a) Thảo luận và thông qua báo cáo nhiệm kỳ của Ủy ban Mặt trận


Tổ quốc Việt Nam và Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cấp mình nhiệm kỳ mới;

b) Góp ý kiến vào dự thảo báo cáo, Chương trình hành động của


Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp và sửa đổi Điều lệ Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam (nếu có);

c) Hiệp thương cử ra Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình;

d) Hiệp thương cử đại biểu đi dự Đại hội Mặt trậnTổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp;

đ) Thông qua nghị quyết đại hội.



Điều 8. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó.

2. Số lượng Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp nào, do đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó hiệp thương thỏa thuận và quyết định theo cơ cấu thành phần quy định tại Điều 13, Điều 22, Điều 24 Điều lệ này và hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp.

3. Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp đương nhiên không còn là Ủy viên trong những trường hợp sau đây:

a) Không còn là đại diện của tổ chức thành viên đã cử ra;

b) Không còn là đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới hoặc Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư;

c) Cán bộ Mặt trận chuyên trách chuyển công tác khác hoặc nghỉ hưu.

Việc cử người thay thế do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó quyết định.

4. Trong nhiệm kỳ đại hội, khi cần tăng thêm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp có quyền cử bổ sung một số Ủy viên Ủy ban nhưng không vượt quá 10% tổng số Ủy viên đã được đại hội cử ra.

Trường hợp đặc biệt vượt quá 10% do Ban Thường trực Ủy ban


Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét, quyết định.

5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có thể cử một số


Phó Chủ tịch không chuyên trách.

6. Trong nhiệm kỳ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nếu có sự thay đổi về đơn vị hành chính thì việc kiện toàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực ở cấp hành chính đó do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp thống nhất với các cơ quan có liên quan hướng dẫn.



Điều 9.  Việc cử các chức danh lãnh đạo của Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam

Việc cử các chức danh lãnh đạo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc


Việt Nam các cấp tại Điều 14, Điều 23 và Điều 24 của Điều lệ này được thực hiện theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, nếu không nhất trí được thì bầu bằng phiếu kín; người trúng cử phải được trên ½ (một phần hai) số Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp bầu tín nhiệm.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hướng dẫn cụ thể Điều này.



Điều 10. Chế độ làm việc của Ban Thường trực

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp làm việc theo chế độ tập thể bàn bạc và quyết định theo đa số, có phân công cá nhân phụ trách.



Điều 11. Tổ chức và cán bộ cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc


Việt Nam được quy định tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các văn bản pháp luật liên quan, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau khi thống nhất với cơ quan có thẩm quyền, quy định về tổ chức và cán bộ của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức và cán bộ của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm tổ chức việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất, nghiệp vụ cho cán bộ


Mặt trận theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Khi có sự thay đổi Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực,


Uỷ viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã giữa nhiệm kỳ, Ban Thường trực cấp đó phải báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp. Việc cử, bổ sung, công nhận chức danh đó tiến hành theo quy định tại Điều 20, Điều 23, Điều 24, Điều 25 Điều lệ này.

Điều 12. Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn, cộng tác viên

1. Hội đồng tư vấn ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, Ban Tư vấn ở cấp huyện và cộng tác viên ở mỗi cấp là tổ chức, cá nhân không chuyên trách, gồm: Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chuyên gia ở một số lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ giúp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,


Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

2. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành lập các tổ chức tư vấn, xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở cấp mình. Riêng các Hội đồng tư vấn ở cấp Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định thành lập.

3. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp hướng dẫn, bảo đảm điều kiện cho hoạt động của các tổ chức tư vấn, cộng tác viên của cấp mình.

Chương III
CÁC CƠ QUAN CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Ở CẤP TRUNG ƯƠNG


Điều 13. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (gọi tắt là Ủy ban Trung ương) do Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương dân chủ cử, là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ Đại hội, bao gồm:

1. Người đứng đầu của tổ chức thành viên cùng cấp. Trong trường hợp đặc biệt tổ chức thành viên mới cử đại diện lãnh đạo;

2. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

3. Một số cá nhân tiêu biểu trong các tổ chức, các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

4. Một số cán bộ chuyên trách ở cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.



Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Hiệp thương dân chủ ban hành chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm nhằm thực hiện chương trình hành động của Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

2. Hiệp thương dân chủ cử Đoàn Chủ tịch, cử, cử bổ sung, thay thế, cho thôi các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký, các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cử bổ sung, thay thế, cho thôi Ủy viên Ủy ban Trung ương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch;

3. Xét, quyết định công nhận, cho thôi làm thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

4. Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

5. Quyết định việc tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ tiếp theo.

Điều 15. Chế độ họp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp thường kỳ một năm một lần, họp chuyên đề hoặc bất thường theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch.

Chủ trì hội nghị Ủy ban Trung ương do Đoàn Chủ tịch quyết định.

Điều 16. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (gọi tắt là Đoàn Chủ tịch) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương dân chủ cử trong số Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là đại diện của  Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữa hai kỳ họp.

2. Đoàn Chủ tịch bao gồm các vị:

- Người đứng đầu hoặc đại diện lãnh đạo của tổ chức chính trị; người đứng đầu của các tổ chức chính trị - xã hội, một số tổ chức xã hội;

- Một số cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp xã hội, trong các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Một số vị Ủy viên Ủy ban Trung ương là cán bộ chuyên trách ở cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ở cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương;

- Số lượng Ủy viên Đoàn Chủ tịch do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định.

Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Chủ tịch

Đoàn Chủ tịch có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Quyết định những chủ trương, công tác để thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động và Nghị quyết của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

2. Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

3. Trình dự án luật; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ra trước Quốc hội;

4. Hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và tham gia công tác bầu cử theo quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;

5. Cùng với Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành và kiểm điểm việc thực hiện quy chế phối hợp công tác;

6. Khi cần thiết ra lời kêu gọi nhân dân hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với sự kiện trọng đại của đất nước; ra tuyên bố thể hiện chính kiến đối với sự kiện quan trọng trên thế giới;

7. Thực hiện chủ trương đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

8. Cho ý kiến về việc cử bổ sung, thay thế, cho thôi chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Uỷ viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước khi trình Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định;

9. Quyết định thành lập các Hội đồng tư vấn.

Điều 18. Chế độ họp Đoàn Chủ tịch

Đoàn Chủ tịch họp thường kỳ sáu tháng một lần, họp chuyên đề hoặc bất thường theo đề nghị của Ban Thường trực. Khi họp chuyên đề, Đoàn Chủ tịch có thể mời thêm một số Ủy viên Ủy ban và các chuyên gia có liên quan tham dự.

Chủ trì Hội nghị Đoàn Chủ tịch do Ban Thường trực quyết định.

Điều 19. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 

1. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương dân chủ cử trong số Ủy viên Đoàn Chủ tịch, là cơ quan đại diện của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương giữa hai kỳ họp.

2. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (gọi tắt là Ban Thường trực) gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký và các Phó Chủ tịch chuyên trách, là những người hoạt động chuyên trách.

Điều 20. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường trực

Ban Thường trực có những nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Chuẩn bị các hội nghị của Đoàn Chủ tịch và giúp Đoàn Chủ tịch chuẩn bị các hội nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

2. Tổ chức thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm của Ủy ban Trung ương; các nghị quyết của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch; chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

3. Thường xuyên tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước. Thay mặt Ủy ban Trung ương và Đoàn Chủ tịch để kiến nghị với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách pháp luật cần ban hành, sửa đổi;

4. Chuẩn bị các dự án luật để Đoàn Chủ tịch xem xét trình Quốc hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

5. Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

6. Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh; tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh hằng năm;

7. Xem xét công nhận việc cử, bổ sung hoặc thay đổi chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh;

8. Hướng dẫn, bảo đảm điều kiện hoạt động của các Hội đồng tư vấn và quyết định sử dụng đội ngũ cộng tác viên của Ủy ban Trung ương


Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

9. Tổ chức, chỉ đạo, quản lý bộ máy giúp việc ở cơ quan Ủy ban


Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

10. Giữ mối quan hệ phối hợp công tác với cơ quan nhà nước, tổ chức thành viên;

11. Ban hành và kiểm tra việc thực hiện các văn bản theo thẩm quyền;

12. Xét, quyết định việc khen thưởng, kỷ luật.



Điều 21. Chế độ họp Ban Thường trực  

1. Ban Thường trực họp thường kỳ mỗi tháng hai lần, họp chuyên đề hoặc bất thường khi cần thiết.

2. Chủ tịch chủ trì hoặc phân công người chủ trì các phiên họp của
Ban Thường trực.

Chương IV
CƠ QUAN CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC  VIỆT NAM
CÁC CẤP Ở ĐỊA PHƯƠNG


Điều 22. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) do Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện hiệp thương dân chủ cử, là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ đại hội, bao gồm:

a) Người đứng đầu của tổ chức thành viên cùng cấp; trong trường hợp đặc biệt tổ chức thành viên mới cử đại diện lãnh đạo; 

b) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới trực tiếp;

c) Một số cá nhân tiêu biểu trong các tổ chức, các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

d) Một số cán bộ chuyên trách ở cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện họp thường kỳ sáu tháng một lần, họp bất thường hoặc chuyên đề theo đề nghị của
Ban Thường trực cùng cấp.

Chủ trì Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp do


Ban Thường trực cùng cấp quyết định.

Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Thảo luận về tình hình và kết quả thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động thời gian qua; quyết định chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình thời gian tới;

2. Hiệp thương dân chủ cử, cử bổ sung, thay thế hoặc cho thôi các chức danh Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Thường trực, Ủy viên


Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

3. Xét, quyết định công nhận và cho thôi làm thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình;

4. Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

5. Hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp và tham gia công tác bầu cử theo quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;

6. Ra lời kêu gọi nhân dân địa phương hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với sự kiện quan trọng khi cần thiết;

7. Quyết định việc tổ chức Đại hội đại biểu cấp mình theo hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp.



Điều 24. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) do Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp hiệp thương dân chủ cử, là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ đại hội, bao gồm:

a) Người đứng đầu của tổ chức thành viên cùng cấp; trong trường hợp đặc biệt tổ chức thành viên mới cử đại diện lãnh đạo;

b) Một số Trưởng ban Công tác Mặt trận;          

c) Một số cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (nếu có) và các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

d) Một số cán bộ chuyên trách và không chuyên trách của Ủy ban


Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa trước.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, quy định tại Điều 23 Điều lệ này. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã còn có nhiệm vụ, quyền hạn: Quyết định thành lập Ban Công tác Mặt trận, công nhận Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; thảo luận và quyết định những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của


Ủy ban Mặt trận Tổ quốc do Ban Thường trực trình.

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã họp thường kỳ ba tháng một lần, họp bất thường hoặc chuyên đề theo đề nghị của Ban Thường trực.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch chủ trì hội nghị.         

Điều 25. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
cấp tỉnh, cấp huyện

1. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh,


cấp huyện (gọi tắt là Ban Thường trực) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam mỗi cấp hiệp thương dân chủ cử trong số Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó, là cơ quan đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp giữa hai kỳ họp.

2. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh,


cấp huyện gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch chuyên trách và các Ủy viên Thường trực, là những người hoạt động chuyên trách. Số lượng Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Ban Thường trực có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các hội nghị Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình;

b) Tổ chức thực hiện nghị quyết, chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm, sáu tháng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình và các chủ trương công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Uỷ ban nhân dân có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

c) Tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp và Ban Thường trực cấp trên trực tiếp;

d) Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Ban Thường trực Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới trực tiếp;

e) Xem xét công nhận việc cử, bổ sung hoặc thay thế chức danh


Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cấp dưới trực tiếp;

g) Tổ chức, chỉ đạo, quản lý bộ máy giúp việc cơ quan Ủy ban


Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình;

h) Giữ mối quan hệ phối hợp công tác với cơ quan nhà nước, các tổ chức thành viên;

i) Tổ chức, hướng dẫn, bảo đảm điều kiện hoạt động của các tổ chức tư vấn, cộng tác viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình;

k) Ban hành và kiểm tra thực hiện các văn bản theo thẩm quyền;

l) Xét, quyết định khen thưởng, kỷ luật.

4. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện họp thường kỳ mỗi tháng hai lần, họp bất thường khi cần thiết.

Chủ tịch chủ trì hoặc phân công người chủ trì các phiên họp của
Ban Thường trực cùng cấp.

Điều 26. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã

1. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ban Thường trực cấp xã) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hiệp thương dân chủ cử trong số Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là cơ quan đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc


Việt Nam cấp xã giữa hai kỳ họp.

2. Ban Thường trực cấp xã gồm có Chủ tịch, không quá hai Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực.

3. Ban Thường trực cấp xã có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Ủy ban


Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã;

b) Tổ chức thực hiện nghị quyết, chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm, sáu tháng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình và các chủ trương công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

c) Thường xuyên tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện;

d) Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở địa phương;

đ) Tổ chức thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân; các nhiệm vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng và củng cố chính quyền; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở; tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo ở địa phương;

e) Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Ban Công tác Mặt trận,


Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng;

g) Giữ mối quan hệ phối hợp công tác với chính quyền và các tổ chức thành viên cấp xã;

h) Hướng dẫn hoạt động của các tổ chức tư vấn, cộng tác viên của
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

i) Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản theo thẩm quyền;

k) Xét, quyết định khen thưởng, kỷ luật.

4. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã họp thường kỳ mỗi tháng hai lần, họp bất thường khi cần thiết.

Chủ tịch chủ trì hoặc phân công người chủ trì các phiên họp của
Ban Thường trực.

Điều 27. Ban Công tác Mặt trận

1. Ban Công tác Mặt trận được thành lập ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố ... (gọi chung là khu dân cư) có nhiệm kỳ là 5 (năm) năm.

2. Cơ cấu của Ban Công tác Mặt trận bao gồm:

a) Một số Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã cư trú ở khu dân cư;

b) Đại diện chi ủy;

c) Người đứng đầu của chi hội Người cao tuổi, chi hội Cựu chiến binh, chi hội Nông dân, chi hội Phụ nữ, chi đoàn Thanh niên, chi hội Chữ Thập đỏ...;

d) Một số người tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, trong các dân tộc, tôn giáo...

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã ra quyết định thành lập Ban Công tác Mặt trận, trong đó có chức danh Trưởng ban, Phó ban.

4. Khi có sự thay đổi Trưởng ban, Phó ban hoặc thay đổi, bổ sung thành viên Ban công tác Mặt trận, thì Ban Công tác Mặt trận tiến hành hiệp thương cử bổ sung, thay thế báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã ra quyết định công nhận.

5. Ban Công tác Mặt trận có chức năng phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên; phối hợp với Trưởng thôn (làng, ấp, bản...), Tổ trưởng dân phố để thực hiện nhiệm vụ:

a) Trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân; chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp;       

b) Thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ở khu dân cư với cấp ủy Đảng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã;

c) Động viên nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;

d) Phối hợp thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư.

6. Ban Công tác Mặt trận họp thường kỳ mỗi tháng một lần, họp bất thường khi cần thiết. Trưởng ban Công tác Mặt trận triệu tập và chủ trì cuộc họp.

Chương V
QUAN HỆ GIỮA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP, QUAN HỆ GIỮA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
VỚI  CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, VỚI NHÂN DÂN


Điều 28. Quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp

1. Quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên với


Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới là quan hệ  hướng dẫn, kiểm tra.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới thực hiện chủ trương, chương trình hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên; thực hiện chế độ báo cáo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên; kiến nghị với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên về các vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trao đổi kinh nghiệm, phối hợp và giúp đỡ nhau trong hoạt động.

Điều 29.  Quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan nhà nước

1. Quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan nhà nước là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

2. Quan hệ phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước được thực hiện theo quy chế phối hợp công tác do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan nhà nước hữu quan ở từng cấp ban hành.

Điều 30. Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp nhân dân, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, phát huy vai trò người tiêu biểu, xây dựng cộng đồng dân cư tự quản hoạt động trên cơ sở hương ước, quy ước; động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng và Nhà nước; thường xuyên tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước.



Chương VI
KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT


Điều 31. Khen thưởng

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt trận thì được khen thưởng.

Những cá nhân có quá trình công tác, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt trận thì được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc".

Điều 32. Kỷ luật

Thành viên nào làm trái quy định của Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vi phạm pháp luật thì tùy mức độ sai phạm sẽ bị khiển trách hoặc cảnh cáo hoặc không được công nhận là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.   

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp xem xét, quyết định hình thức kỷ luật thành viên ở cấp mình.

Chương VII
KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG, TÀI SẢN
CỦA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM


Điều 33. Kinh phí hoạt động

Nguồn kinh phí hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp bao gồm:

1. Kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp;

2. Kinh phí được cấp khi thực hiện các chương trình, dự án;

3. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh theo pháp luật;

4. Tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài ủng hộ.

Kinh phí của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp nào do Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Tài sản

Tài sản của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam các cấp bao gồm:

1. Tài sản Nhà nước giao;

2. Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài tặng cho.

Việc nhận, quản lý, sử dụng tài sản đó theo quy định của pháp luật.

Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH


Điều 35. Hiệu lực thi hành

Điều lệ này có hiệu lực từ ngày Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận


Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII thông qua.

Những quy định trước đây trái với Điều lệ này đều bãi bỏ.



Điều 36. Hướng dẫn thi hành và sửa đổi Điều lệ

1.  Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành Điều lệ này.

2. Chỉ có Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ.              

Điều lệ này đã được Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc


Việt Nam lần thứ VIII họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 9 năm 2014 nhất trí thông qua.




Каталог: home -> vanbanHD -> Nam%202014
Nam%202014 -> Ban thưỜng trực số: 471 /kh-mttw-btt cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Nam%202014 -> Ban thưỜng trực số: 03 /hd-mttw-btt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Nam%202014 -> Ban thưỜng trực số: 122/hd-mttw-btt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Nam%202014 -> Ban thưỜng trực số: 129/hd-mttw-btt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Nam%202014 -> Ban chấp hành trung ưƠng số 217-QĐ/tw đẢng cộng sản việt nam
Nam%202014 -> Ban thưỜng trực số: 28 /TTr-mttw-btt cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Nam%202014 -> NGƯỜi việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc Ưu tiên dùng hàng việt nam
Nam%202014 -> BỘ lao đỘng-thưƠng binh và XÃ HỘI, ban thưỜng trựC Ủy ban trung ưƠng mặt trận tổ quốc việt nam
Nam%202014 -> ĐOÀn chủ TỊch số: 596 /bc-mttw-đct cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 120.3 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương