It takes 2 to tango. Se necesitan dos para bailar tango. “Cần phải có hai người mới nhẩy được Tango”



tải về 32.64 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích32.64 Kb.
#30686
IT TAKES 2 TO TANGO.

SE NECESITAN DOS PARA BAILAR TANGO.

Cần phải có hai người mới nhẩy được Tango”.

Nói đến Argentina, giới một điệu bóng đá nghĩ ngay tới Agentina đã ba lần đoạt giải túc cầu thế giới, nghĩ ngay tới đội tuyển Boca Junior, nghĩ ngay tới cầu thủ lừng danh của Argentina là Diego Maradona. Nói đến Argentina, những người sành điệu ăn uống nghĩ ngay tới những món thịt nướng, nghĩ ngay tới beef steak bò đi bộ Argentina.   Nói đến Argentina, về lịch sử, ta nghĩ tới Evita, một cô gái giang hồ trở thành một vị nữ tổng thống của dân nghèo, “Don’t Cry For Me, Argentina”…

Và còn rất nhiều nữa. Nhưng nói tới Argentina, giới nhẩy nhót ăn chơi không thể không nghĩ tới Tango Argentino. Đến Argentina  không thể không nghe nói tới Tango. Đến Buenos Aires là đến với Tango, đến với Las Tanguerías de Buenos Aires.

Tango là cái Không Khí Trong Lành (Buenos Aires) mà người porteños (cư dân Buenos Aires) hít thở suốt đời. Tango diễn tả lời than van sầu não của kiếp người, cái khắc khoải của tình yêu. Tango thăng trầm, nổi trôi với đời người và vận nước Argentina. Đã có lần chính quyền cấm nhẩy Tango nhưng người dân Argentina vẫn nhẩy Tango trong trái tim mình, trong thớ thịt mình. Tango diễn đạt cái nền móng văn hóa Argentina. Tango là niềm kiêu hãnh quốc gia, dân tộc của Argentina.

Dĩ nhiên chúng tôi cũng không thể cầm… chân lại được, không thể không tìm đến với Tango Argentino. Chúng tôi tìm đến show Tango El viejo Almacén. Show này đã được liệt kê trong quyển sách Một Ngàn Nơi Phải Xem Trước Khi Chết (1.000 Places To See Before You Die) của Patrica Schultz. Bên cạnh những show biểu diển thật điệu nghệ  mang tính chất nghệ thuật siêu tinh tế này, Tango tung bước khắp nơi. Nếu muốn thơ mộng, tình tứ, lãng mạn, riêng tư hơn để thưởng thứcTango với người thân thì có thể tìm tới những bar rượu với cảnh trí thiên nhiên, dưới ánh đèn mờ, vào lúc nửa khuya về sáng, một trong những bar rượu được ưa chuộng nhất là Bar Sur (299 calle Estados Unidos, San Telmo, ĐT 54/1-4362-6086). Muốn tìm thấy cái linh hồn đích thực chân chất của Tango thì tìm đến các hang cùng ngõ hẻm, đầu đường, xó phố, chợ trời… ở Buenos Aires gỗ đá cũng mang sắc mầu Tango. Hãy lấy một ví dụ, ngay ở bến cảng cũ Puerto Madero cũng có một cây cầu mang tên Tango do kiến trúc sư Santiago Calatrava họa kiểu, xây năm 2001. Chiếc cầu xoay mang hình bóng một cặp nam nữ đang nhẩy Tango.





Cầu Tango ở Puerto Madero, Buenos Aires.

Cầu có phần sàn cầu uốn cong mang hình ảnh của một vũ công nữ đang rướn cong người lên và phần nọc nhọn đâm nghiêng lên trời biểu tượng cho vũ công nam đang đứng nghiêng người nâng người nữ.  Quí độc giả nhìn cầu có mường tượng ra được không? Để giúp cho dễ hình dung ra, xin đối chiếu cây cầu Tango này với hình một cặp vũ công đang nhẩy Tango dưới đây:





Cặp vũ công mang hình ảnh cây cầu Tango ở Puerto Madero (ảnh của tác giả).

Tango gợi tới hình ảnh một người nam một người nữ quấn chặt vào nhau trong một điệu nhẩy hết sức gợi cảm.



(ảnh của tác giả).

Người nữ mặc váy ngắn xẻ cao tới háng, đi giầy cao gót, áo ngắn, có hay không có khăn quàng cổ. Người nam trước đây thường là dân bản địa, nghèo, thích đội mũ bẻ cụp vành xuống, khăn quàng cổ buông lỏng, đong đưa, giầy cao gót, dao dắt tòng teng bên thắt lưng. Về sau người nam thường đóng bộ, mặc vét ngược đời không theo thời trang đương thời.

(ảnh của tác giả).

Lịch sử Tango có từ hơn một thế kỷ qua nhưng nguồn gốc thật sự của Tango không biết rõ, có nhiều giả thuyết. Có giả thuyết cho rằng giới trẻ thượng lưu ở Rio de la Plata (còn gọi là Dòng Sông Bạc, dòng sông rộng nhất thế giới, chẩy qua Buenos Aires) nhái lại điệu nhẩy của những nô lệ da đen đến từ châu Phi. Danh từ Tango có thể có gốc từ ngôn ngữ châu Phi có nghĩa là «chỗ thân cận» hay «nơi được dành riêng». Hoặc có gốc từ tiếng Bồ Đào Nha có nguồn cội từ Latin tanguere, có nghĩa là «tiếp xúc», được các nô lệ người Phi châu dùng. Dù cho là nguồn gốc thế nào đi nữa thì Tango cũng chỉ chỗ những người gốc châu Phi tụ tập lại với nhau để nhẩy nhót.

Vào cuối năm 1800 và đầu năm 1900, có những đợt di dân ồ ạt tới Argentina. Năm 1869 Buenos Aires chỉ có dân số khoảng 180.000 người. Đến năm 1914, dân số tăng lên một triệu rưỡi. Sự pha trộn văn hóa của người châu Phi, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Nga và dân sinh đẻ tại Argentina dẫn tới một thứ văn hóa «thập cẩm». Những điệu nhẩy truyền thống  polkas, waltzes (valses) và  mazurkas pha trộn với điệu nhẩy phổ thông habanera của Cuba và nhịp điệu candombe từ châu Phi (Susan August Brown, Argentine Tango: A Brief History http://www.tejastango.com/tango_history.html).

Vì thế mà cũng có giả thuyết  tin vào sự hòa hợp giữa điệu nhẩy Tây Ban Nha và Cuba như Tango andaluz và habanera.

Riêng về valse thì cặp khiêu vũ Tango ôm nhau trông giống như trong một điệu valse nhưng dù dẫu cho đó có đúng sự thật làTango đã tiếp thu những nét  từ valse đi nữa thì Tango vẫn có nhiều điểm khác biệt với valse ví dụ như nhiều lúc cả hai người nhẩy ôm ghì sát nhau quay cuồng như những bước valse nhưng có lúc giữa dòng nhạc, một trong hai người ngừng bước đứng lại trong khi người kia vẫn tiếp tục nhẩy.



(ảnh của tác giả).

Dù gì thì thật sự Tango cũng thành hình ở những quán rượu, phòng nhẩy, ổ điếm và ở những khu giải trí bình dân tại những xóm nghèo, khu ổ chuột ở Buenos Aires, nhất là ở khu lò sát sinh Corrales Viejos,  nơi các di dân mới tới làm việc và vùng La Boca (Miệng, Cửa Sông), vùng Cửa Sông Rio de la Plata, nơi tiếp nhận đầu tiên di dân từ khắp nơi đến Argentina (vì thế đội bóng đá nổi tiếng của Argentina mới lấy tên theo địa danh này là Boca Junior). Ngày nay khu La Boca này vẫn cố giữ lại những nét đặc thù của ngày xưa.



Một tú bà (madame) đang chào mời khách lên lầu… vàng  (mầu Tango) «nhẩy Tango» ở khu Ngõ Hẹp Caminito, tại La Boca (ảnh do bà xã tác giả chụp).

Chính những nơi này nhịp điệu châu Phi đã gặp nhạc milonga (Polka với bước nhanh) rồi sau đó những bước mới được sáng tạo mang thêm gia vị cho Tango.

Và rồi Tango nở rộ trong các hang cùng ngõ hẹp ở Buenos Aires.

Điệu nhẩy mới này được gọi là Tango trước khi có điệu nhạc được gọi tên là Tango. Lúc đó giới thượng lưu kết án Tango là một điệu nhẩy của gái điếm, ca ve, ma cô và của bọn con cái nhà giầu bị sa ngã vào chốn ăn chơi hoang đàng.

Nhưng vào khoảng năm 1911, khi một số con cháu những gia đình người Argentina giầu có qua ở Paris và bắt đầu trình diễn Tango thì Tango sau đó nở rộ tại đây. Tới năm  1913, Tango trở thành một hiện tượng thế giới ở Paris, London và New York. Có cà  trà Tango, du hành bằng xe lửa Tango, mầu Tango (mầu cam)…

Vì thế khi Tango trở về lại Argentina thì Tango đã chiến thắng vinh quang, đè bẹp những lời phê phán, công kích cho Tango là đồi trụy, vô luân và cuối cùng Tango được các giới đạo đức thừa nhận.

Vào những năm của thập niên 1920, ca sĩ Carlos Gardel đã làm cả nước Argentina cuồng loạn cho tới khi ông bị tử nạn máy bay vào năm 1935.

Tango thăng trầm với cuộc đời người dân và vận nước Argentina.

Khoảng thập niên 40- 50,  không có một hộp đêm hay một câu lạc bộ thể thao nào, không có một phòng khiêu vũ ball room nào ở Buenos Aires mà không có mặt Tango, với những điệu nhạc cuồng nhiệt. Nhưng sau những năm tháng huy hoàng đó Tango bắtt đầu tàn lụi. Lác đác chỉ cỏn một vài milongueros nhẩy Tango ở vài hộp đêm hoang vắng. Giới trẻ Argentina ùa theo nhịp điệu Rock and Roll và Twist. Tango trong cơn hấp hối. Tango tưởng chừng như đã chìm dần vào quên lãng.

Nhưng gần sáu mươi năm sau Paris lại chính là nơi làm Tango sống dậy. Tháng 11 năm 1983, tại hí viện Châtelet, Paris, bên bờ sông Seine khai mạc một đêm âm nhạc mới Tango Argentino do hai nghệ sĩ Argentina là Claudio Segovia và Hectór Orezzoli tạo dựng và điều khiển đã thu hút quần chúng Paris và rồi Âu Châu, sau đó New York và cuối cùng cả thế giới. Tango lại cuồng nhiệt bừng sống dậy.

Tại New York, vũ sư Virulazo và người bạn nữ Elvira được tán thưởng, hoan nghênh nhiệt liệt.

Sau khi Tango Argentino thành công khắp thế giới, Tango trở về thành phố cũ quê nhà  thì Tango bừng sống dậy hơn bao giờ hết. Tango trở thành một hiện tượng sống phi thường. Phẩm chất và tính chất của Tango đã được nâng cao thêm trong những thập niện qua. Bên cạnh không biết bao nhiêu những show biểu diển thật điệu nghệ  mang tính chất nghệ thuật siêu tinh tế, Tango đi vào đời sống thường dân Buenos Aires.  Bẩy ngày trong tuần, mỗi ngày từ xế trưa cho tới nửa khuya về sáng, khắp hang cùng ngõ hẻm Buenos Aires chuyển động theo nhịp  bước Tango.

Có không biết bao nhiêu là thể loại Tango cho mọi tầng lớp xã hội: Tango cho người già, Tango cho giới trẻ bình dân, Tango êm dịu, Tango nóng cháy, Tango cho người cùng giới tính, Tango ngoài trời, Tango ở các câu lạc bộ tư vương giả…



Tango của người già trên vỉa hè tại khu phổ ổ chuột Caminito cũ ở La Boca, Buenos Aires, Argentina.

Vì thế Tango phản ánh mọi khía cạnh của tâm hồn của những người di cư, của dân nô lệ châu Phi và rồi của cả dân tộc Argentina. Tango là âm nhạc, là tiếng lòng, là ngôn từ thơ, một tập hợp của tất cả.

Thoạt khởi đầu những người di dân xa quê hương thường là phái nam độc thân bỏ xứ ra đi, tha phương cầu thực, mong kiếm được đủ tiền bạc rồi trở về Âu châu hay mang gia đình đến Argentina. Ở đất khách quê người thiếu đàn bà họ hay đến giải sầu nơi các quán rượu bình dân nên Tango lúc đầu thường là phái nam nhẩy với nhau.

(ảnh của tác giả).

Tango là nỗi nhớ quê hương vời vợi.Tango phản ánh cái tình cảm sâu đậm của sự chia ly và nhớ thương những người thân yêu và quê hương xứ sở đã lìa xa.

(ảnh của tác giả).

Tango là tuyệt vọng, khắc khoải, quằn quại.

(ảnh của tác giả).

Tango là đau khổ và khổ đau:

(ảnh của tác giả).

Tango là đam mê:

(ảnh của tác giả).

Tango là nhục tình cuồng loạn:

(ảnh của tác giả).

Tango là tình nồng đắm say:

(ảnh của tác giả).

Tango là bay bổng thăng hoa:

(ảnh của tác giả).

……

Tất cả diễn tả trong điệu nhẩy và người nhẩy qua những bước lả lướt, những vòng quay cuồng loạn, những đường múa sắc bén chém gió ngọt như dao kiếm Nhật Bản, những cú đá móc như tia chớp  xọet giữa hai chân làm giật thót… cả bụng dưới !…



Tango ngày nay khắp thế giới mê say, giới mộ điệu cuồng nhiệt ước mong được tới Buenos Aires như một tín đồ Hồi giáo mong ước được đặt chân tới Mecca.

Để chấm dứt xin nói tới một điều là Tango đã trở thành một ngạn ngữ:



IT TAKES 2 TO TANGO.

SE NECESITAN DOS PARA BAILAR TANGO.

Cần phải có hai người mới nhẩy được Tango”.

tải về 32.64 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương