Đinh Tấn Thành



tải về 1.41 Mb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu19.04.2018
Kích1.41 Mb.
#36960
  1   2   3   4


LỜI TỰA

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thêm về lịch sử đạo Cao Đài của bổn đạo trong nước và khắp nơi trên thế giới, Thừa Sử Lê Quang Tấn (Thánh Thất Sài Gòn) cho phép chúng tôi xuất bản bản quyền Tiểu Sử Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc trên đất Mỹ này vào tháng 4 năm 1992 (Nhâm Thân).

Chúng tôi xin chân thành cảm tạ Thừa sử Lê Quang Tấn, đã bỏ rất nhiều thì giờ để viết lên quyển tiểu sử này.

Và đặc biệt cám ơn sự giúp đỡ tận tình của anh Huỳnh Hiệp Hòa đả sữa chữa và bổ sung để quyển tiểu sử này được hoàn hảo hơn.

Tôi chân thành cám ơn sự cộng tác, lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao cả của vợ tôi (Huỳnh Thị sắc), mẹ vợ tôi (Trần Thị Nga) và 2 ông anh vợ tôi ( Huỳnh Hiệp Hòa và Huỳnh Chánh Minh).

Việc ấn loát quyển Tiểu Sử Đức Hộ Pháp này, chúng tôi hoàn toàn tự túc về mọi mặt. Chúng tôi xin giới thiệu đến bổn đạo quyển Tiểu sử Đức Hộ Pháp này. Vì kinh nghiệm biên soạn còn kém, cho nên quyển Tiểu Sử Đức Hộ Pháp không tránh sự thiếu sót.

Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp và xây dựng của bổn đạo, để lần xuất bản sau này được tốt đẹp hơn.

Đinh Tấn Thành

933 Woodside Dr. Holland, Mi 49424

TIỂU SỬ ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC

GIÁO CHỦ ĐẠO CAO ĐÀI TÒA THÁNH TÂY NINH

Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng, đã trọn hy sinh cả kiếp nhân sanh cho nhơn loại, thể hiện một Thiên Chức của bậc vĩ nhân ở thế kỷ 20. Cảnh giác dục vọng của con người trên thế gian này, hướng dẫn nhân loại hợp nhất trong giống nòi, trong quốc gia, trong tôn giáo, đề xướng Chánh Sách Hòa Bình Chung Sống, để hòa giải 2 Miền Nam-Bắc Việt Nam, tránh cuộc phân tranh do ngoại bang áp đặt và dung hòa giữa 2 khối Cộng Sản và Tư Bản từng thề không đội trời chung, hãy sớm hiểu biết nhau, tương nhượng nhau, hầu có được Hòa Bình, Tự Do và Dân Chủ.

THÂN THẾ ĐỨC HỘ PHÁP

Ông Phạm Công Tắc sanh ngày mùng 5 tháng 5 năm Canh Dần (dl.21-6-1890) tại làng Bình Lập, Quận Châu Thành, Tỉnh Tân An (nay là Long An), là con thứ 8 của ông Phạm Công Thiện và bà La Thị Đường, nguyên quán tại An Hòa, Quận Trảng-Bàng, Tỉnh Tây-Ninh.

Thuở thơ ấu, Ông rất siêng năng học tập, chuyên cần cấp sách đến trường đúng giờ, được lòng yêu qúi của Thầy và các bạn đồng lớp. Trong gia đình, ông được nổi tiếng là một đứa con ngoan, hiếu thảo với cha mẹ, nhường nhịn và tôn kính anh, chị, em. Lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà bị lệ thuộc Pháp, ông đã sẵn có ý thức về nỗi thống khổ của một dân tộc vong-quốc. Vào năm 17 tuổi, đang học tại Trường Chasseloup-Loubat SàiGòn, ông cùng với các nhà Cách Mạng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Khắc Ninh, Gibert Chiếu v.v. . . hoạt động bí mật đưa người sang Nhật Bổn để mưu cầu phục quốc.

Cuộc xuất ngoại thành công trong 3 chuyến đi Nhật, đến chuyến thứ 4 thì Sở Mật Thám Pháp khám phá biết trong danh sách có tên ông, nên ông phải tạm lánh mặt trở về quê nhà Tây Ninh một thời gian.

Năm 1920, ông tùng sự tại sở Thương Chánh SàiGòn và lập gia đình với cô Nguyễn Thị Nhiều, sanh được 2 người con gái là Phạm Thị Cầm và Phạm Tân Tranh. Sau đó được đổi đi Cái Nhum, rồi Qui Nhơn, đến năm 1925 thì trở về lại SàiGòn.

Nhờ trí thông minh và đức tánh liêm khiết, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, luôn luôn giúp đỡ dân nghèo, không bao giờ lợi dụng chức quyền mưu đồ lợi ích riêng tư.

Đồng lương công chức lúc bấy giờ có giới hạn, với tinh thần đạo đức sẵn có, một hôm có người bạn là ông Trần Chơn Thành đến thăm và cho ông biết tại Khánh Hội, gần nhà ông có một gia đình nghèo rất đáng thương hại, gia đình ấy có 2 hai người con gái là Nguyễn Thị Cầm và Nguyễn Thị Hồng bị một mụ tú bà gạt gẫm bỏ nhà ra đi. Ông Thành gợi ý cho ông để tìm phương giúp đỡ gia đình khốn khổ ấy. Ông không ngần ngại đưa cho ông Thành một số tiền đã dành dụm từ lâu, với lời ân cần căn dặn là phải trực tiếp điều đình với mụ tú bà ấy để giải thoát cho 2 cô gái đó khỏi chốn lầu xanh, ông Phạm Công Tắc đã giúp đỡ 2 cô gái hoàn lương về sum hợp với gia đình, làm ăn lương thiện trở lại. Với đức tánh hiền hòa của ông, ông luôn nhiệt tình làm việc nghĩa, và cũng thường kêu gọi các bạn tri âm giúp đỡ tận tình, sẵn sàng hỗ trợ cho những người khốn khổ, hoạn nạn.

Ý chí của ông là lo lắng cho vận mạng non sông, cho nòi giống đang bị áp bức bởi những kẻ mua danh, bán lợi. Ai sống chết mặc ai, họ chỉ biết vinh thân phì da, vợ ấm, con no mà thôi.

Đời kim tiền đã làm cho thiên hạ chìm đắm trong ao tù vật chất. Chán chê cuộc sống phù du, ông bèn kêu gọi các bạn tri âm của ông để luận bàn về cơ bút, mời các vong linh nhập bàn họa thi và học hỏi nơi cỏi vô hình, hầu tìm quên lãng trong thú vui cao thượng, khi cung đàn, khi ngâm phú, lúc họa thi.

ĐẤNG GIÁO CHỦ CỦA ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Ông Phạm Công Tắc muốn tìm hiểu về huyền bí của cỏi vô hình nên mới xây bàn cầu cơ để học hỏi. Việc cầu cơ đã có từ lâu trên thế giới, nhưng chỉ khác nhau về mặt sử dụng, tùy theo phong tục, tập quán của mỗi dân tộc.

Cơ bút là giai đoạn cuối cùng của sự thông công của tạo hóa và người trên phương diện tâm linh. Đây cũng là phương tiện để các đấng vô hình giảng dạy, phổ biến chúng sanh, là ngọn đuốc quang minh để dẫn dắt con người đến chổ cao siêu. Cơ bút là con dao 2 lưỡi rất bén, phải biết sử dụng mới được, bằng ngược lại thật vô cùng nguy hiểm. Nếu Đồng Tử phò cơ thiếu sự hướng dẫn, thiếu công luyện tập, thiếu sự tin tưởng trong nhiệm vụ của mình hoặc lợi dụng trong một mưu đồ nào đó, thì sẽ sanh ra lắm chuyện tổn thương, dị hại về mọi việc, mọi mặt.

Việc cầu cơ, chấp bút đã xuất hiện vào thế kỷ thứ 18 bên Âu Mỹ và đã phát triển thành thuyết Duy Linh và Thần Linh (Le Spiritisme).

Vào tháng 9 năm 1853, bà Decibardin đến viếng thăm Nhà Đại Văn Hào Victor Hugo tại cù lao Jersey để cùng xây bàn tiếp chuyện với vong linh người chết, hầu giải buồn, tìm thú vui trong sự học hỏi nơi cỏi vô hình.

Đêm 13-9-1853, có một chơn linh giáng đàn xưng danh đấng vô hình nói chuyện với ông Victor Hugo rất tâm đắc, ban cho nhiều áng văn lưu loát và bảo rằng: "Hãy để đức tin vào thái cực!". Đây là một khái niệm vô hình học, gây nên một thế giới vô hình tại nước Pháp lúc bấy giờ (tài liệu trong quyển: Les tables tournantes de Jersey Chez Victor Hugo, trang 99 -135).

Tại Mỹ Quốc năm 1856, luật sư Edmond là người có danh tiếng, nhất là ông Napes, là một Giáo sư Đại Học Hàn Lâm Hoa Kỳ cũng xây bàn tiếp xúc với đấng Vô Hình và viết ra sách, cũng công nhận là có vong linh người chết nói chuyện với người sống, và đã đề cập trong quyển sách Traité de Méthaphysiques, đồng thời nhấn mạnh rằng: "Từ đây nền tảng khoa học mới nầy rất kỳ diệu mà ít ai thấu triệt được".

Lúc bấy giờ tại SàiGòn, lại nổi lên phong trào xây bàn và lan tràn cùng khắp thành thị và thôn quê. Nơi nào cũng có xây bàn, việc xây bàn rất huyền diệu vô cùng, như đàn cơ ở Thủ Dầu Một, Miếu Nổi ở Gò Vấp, chùa Ngọc Hoàng ở Đa Kao, chùa Hiệp Ninh ở cái Khế (Cần Thơ), Thạch Động ở Hà Tiên v.v...

Ông Phạm Công Tắc cùng với các ông: Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Đức, Cao Quỳnh Diêu, Võ Văn Nguyên hợp tại nhà ông Cao Hoài Sang đêm mùng 5 tháng 5 năm Ất Sửu (23-7-1925) để xây bàn mời các đấng vô hình về họa thi phú theo phương pháp Thông Linh Học của Tây Phương. Trong những buổi xây bàn có nhiều vong linh nhập bàn xưng danh tánh rõ ràng, cho nhiều bài thi rất hay, nhưng các ông chưa tin lắm, bởi còn hoài nghi lẫn nhau (nghi ngờ có người phá chơi). Song vì thích họa thi, vui với gió mát, trăng thanh, non nhàn nước trí, nhất là các ông hướng về mặt đạo đức, tu hành, làm lành, tránh dữ, nên mới hợp nhau cùng các bạn tri âm xây bàn cầu cơ như thế.

Vào đêm mùng 6 tháng 6 năm Ất Sửu (26-7-1925), có một vong linh nhập bàn tự xưng là Cao Quỳnh Lượng, gây nỗi vui mừng vô hạn cho qúi ông hiện đang có mặt, nhất là ông Cao Quỳnh Cư (bởi vì ông Cao Quỳnh Lượng gọi ông Cư bằng chú). Ông Cư liền hỏi thử: "Nếu phải là Cao Quỳnh Lượng thì biết các vị có mặt nơi đây". Vậy cháu cứ gọi tên mỗi người coi có đúng không? Ông Cư nói vừa dứt thì cơ liền gỏ trả lời: Diêu, Tắc, Sang, Đức, Nguyên, Hậu, được nghe Cao Quỳnh Lượng gọi đúng tên từng người (nhất là sự phân biệt lớn nhỏ thứ tự trong khi gọi tên), khiến cho ông Cư càng vững niềm tin nơi thế giới vô hình hơn nữa, sau đó ông Cư liền nhờ ông Lượng đi mời ông nội của cậu là Cao Quỳnh Tuân về nhập bàn (ông Cao Quỳnh Tuân là thân phụ của ông Cư).

Sau một thời gian nghỉ giải lao, quí ông tiếp tục xây bàn, ông Cao Quỳnh Tuân liền nhập bàn, gây sự kinh sợ cho qúi ông không ít, ông Cư kính cẩn đứng lên, khoanh tay thưa với vong linh rằng: Trong buổi thầy quá vãng, anh em con còn nhỏ dại, cho đến nỗi anh của con cũng còn nhỏ, nếu có thể tiện đây thầy cho chúng con một bài tự thuật hầu để lưu truyền về sau cho đàn con cháu tôn thờ làm kỷ niệm. Không chần chờ do dự, bàn cơ liền chuyển động cho 1 bài thi như sau:

Ly trần tuổi đã quá năm mươi,

Mi mới vừa lên ước đặng mười.

Tổng mến lời khuyên bền mộ chép,

Tình thương căn dặn lắm tâm đời.

Bên màn đôi lúc trao hồn phách,

Cõi thọ nhiều phen đặng thảnh thơi.

Xét nổi vợ hiền còn lụm cụm,

Gặp nhau nhắn nhủ một đôi lời.

Thầy xin kiếu!

Bài thi tự thuật của ông Cao Quỳnh Tuân, khiến cho các ông có mặt đều xúc động, riêng ông Cư không cầm được giọt lệ, và kể từ hôm ấy các ông không còn xem thường việc xây bàn nữa, không còn nghĩ là một trò tiêu khiển như trước, mà tất cả đều nghiêm trang, tôn kính mỗi khi xây bàn.

Vào một đêm thứ bảy ngày mùng 10 tháng 6 năm Ất Sửu (30-7-1925), qúi ông đến nhà ông Cao Hoài Sang để tiếp tục xây bàn cầu các vong linh về họa thi, thì bàn cơ chuyển động một cách nhẹ nhàng, nhanh chóng lạ thường, bàn cơ liền gỏ: "Thác vì tình", nghe được 3 tiếng thác vì tình, các ông đều hốt hoảng chỉ có ông Cao Quỳnh Cư trầm tĩnh hỏi: Đàn ông hay đàn bà? Vong linh liền đáp: "Đoàn Ngọc Quế, con gái".

Cả tên và họ Đoàn Ngọc Quế vừa xưng danh tánh đều đúng với tên họ một người bạn thân của ông Diêu, hiện đang có mặt. Ông Cao Quỳnh Cư liền xin vong linh một bài thi tự thuật. Bàn cơ chuyển động nhẹ nhàng cho một bài thi:

Nỗi niềm tâm sự tỏ cùng ai,

Mạng bạc còn xuân uổn sắc tài.

Những ngỡ trao duyên vào ngọc các,

Nào ngờ phủi nợ xuống tuyền đài.

Dưỡng sinh cam lỗi tình sông núi,

Tơ tóc thôi rồi nghĩa trúc mai.

Dồn dập tương tư quần một gánh,

Nỗi niềm tâm sự tỏ cùng ai.

Chính 2 bài thi của ông Cao Quỳnh Tuân và cô Đoàn Ngọc Quế đã tự thuật, có một trọng lượng đả phá mọi thành kiến nghi ngờ, phủ nhận của quí ông lúc bấy giờ, mà còn trợ lý giúp quí ông có đầy đủ niềm tin sùng kính quyền mầu nhiệm của thế giới vô hình hơn nữa. Vì là những thi văn nổi tiếng, các ông liền họa lại bài thi của cô Đoàn Ngọc Quế thật vô cùng lý thú, là người sống họa thi cùng một vong linh với lối văn chương vô cùng lưu loát, khiến cho các ông càng say mê xây bàn hàng đêm để học hỏi thêm về huyền bí ở cỏi vô hình. Nhất là được họa thi với một nữ vong linh giỏi về thi thơ như cô Đoàn Ngọc Quế, càng làm cho quí ông kính phục thêm.

Tuy nhiên qúi ông muốn tìm cho ra tông tích của vong linh Đoàn Ngọc Quế, người con gái "thác vì tình" này. Vong linh liền đáp: trước kia ở Chợ Lớn, học trường đầm.

Vào thượng tuần tháng 8 năm Ất Sửu (1925), quí ông xây đàn mời cô Đoàn Ngọc Quế giáng đàn để học hỏi thêm về thế giới vô hình theo sự mong muốn của mấy ông từ lâu.

Cô Đoàn Ngọc Quế giáng cơ chỉ dẫn cho mấy ông những bí ẩn về cỏi vô hình, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của mấy ông. Đồng thời, qúi ông đề nghị xin kết nghĩa anh em với nhau, cô Đoàn Ngọc Quế bằng lòng và thân mật gọi:

Ông Cao Quỳnh Cư là trưởng ca,

Ông Phạm Công Tắc là nhị ca,

Ông Cao Hoài Sang là tam ca,

Còn cô Đoàn Ngọc Quế tự xưng là tứ muội.

Được cùng nhau kết nghĩa huynh muội, ông Cao Quỳnh Cư không ngần ngại hỏi tên thật của cô Đoàn Ngọc Quế, nhưng cô không cho biết. Sau cùng, vì các ông cứ nài nĩ mãi nên cô Đoàn Ngọc Quế mới chiều lòng, bàn cơ liền gõ 3 chữ viết tắt: V.T.L.

Ông Cao Quỳnh Cư hỏi tiếp: Hiện giờ mồ mã cô Quế nằm tại đâu?

Cô Đoàn Ngọc Quế đáp: ngôi mộ hiện giờ nằm tại nghĩa trang Bà Lân (Bà Tổng Đốc Phương) tại ngã bảy Sàigòn.

Qúi ông nhất định phải truy tìm cho ra tông tích cô Đoàn Ngọc Quế với cái tên họ Bằng 3 chữ viết tắt V.T.L.

Để biết rõ thiệt hư, nhân ngày chủ nhật 3 ông Cư, Tắc, Sang đồng hẹn nhau đến nghĩa trang bà Tống Đốc Phương. Đúng 8 giờ sáng, ba ông giữ lời hứa đến nghĩa trang và đi thẳng vào thì gặp ngôi mộ cô Vương Thị Lễ. Đáp ứng sự hiếu kỳ của 3 ông là nhìn thấy ngôi mộ xây cất rất đẹp, trên mộ bia có ảnh của cô Vương Thị Lễ, trẻ đẹp, và dưới chân dung còn ghi rõ họ tên.

Không còn hoài nghi gì nữa, 3 ông đốt nhang khẩn nguyện vong linh cô Vương Thị Lễ xong rồi mới ra về, nhưng vẫn còn thắc mắc, muốn biết xem ban ngày các vong linh có thể về giáng đàn được không? Và cũng có vài điều thắc mắc cần hỏi cô Đoàn Ngọc Quế.

Trở về nhà thì các ông liền xây bàn cầu cơ vào lúc 9 giờ sáng, cô Đoàn Ngọc Quế liền giáng cơ mách bảo cho các ông biết rõ, ngôi mộ mà 3 ông đã đến viếng hồi sáng, đó là ngôi mộ của cô. Điều này khiến cho ba ông càng thêm kinh ngạc, vì chưa được phỏng vấn mà đã nghe cô Đoàn Ngọc Quế đáp ứng nguyện vọng của ba ông trong buổi cầu cơ này.

Một bằng chứng mà qúi ông không thể phủ nhận là người và vô hình trực tiếp liên hệ, nghĩa là các ông đã khám phá ra một việc mà ít người hiểu biết về huyền diệu của thế giới vô hình.

Để ung đức tinh thần và cũng cố niềm tin cho 3 ông, một hôm cô Vương Thị Lễ giáng đàn chỉ bảo về mặt đạo đức, tu hành và cố ý giới thiệu đến 3 ông 1 người bạn gái của cô rất giỏi thi văn tên là Hôn Liên Bạch. Được giới thiệu thêm một nữ thi văn, ông Cao Hoài Sang muốn thử tài của nữ thi sĩ này, nên liền xin phép đưa ra để thi "Tiễn biệt tình lang", chẳng chậm trễ một giây phút nào, cô Hôn Liên Bạch liền giáng cơ cho bài thi như sau:



Chia gương căn dặn buổi trường đình,

Vàng đá trăm năm tạc tấm tình.

Bước rẽ ngùi trông cơn ác xế,

Lời trao buồn nhớ lối trăng thanh.

Ngày chờ mây án ngàn dâu khuất,

Đêm bặt đường khuya một bóng hình.

Lần lứa cô phòng xuân thỏn mỏn,

Xa xuôi ai thấu buổi đinh ninh.

Đồng thời cô Hôn Liên Bạch cho tiếp một bài thi tựa là: "Hoài Lang"



Đông đình nhớ buổi tạm chia đường,

Đông đình nhớ buổi tạm chia đường,

Bốn giọt nhìn nhau lối rẽ cương.

Trời thảm mây giăng bao cụm ủ,

Biển sầu nước nhuộm một màu thương.

Cô thân chạnh nhớ vầy đôi bạn,

Tiệc ngọc nào khi hội nhất trường.

Mượn bạn lương nhân xin nhắn nhủ,

Vườn xưa tiếng nhạn luống kêu sương.

Hai bài thi của cô Hôn Liên Bạch giáng cơ cho vào ngày mùng 5 tháng 8 năm Ất Sửu (22-8-1925), khiến cho 3 ông vô cùng thích thú về thi thơ xướng họa giữa vô hình và thế tục, qúi ông hết sức say mê, ngưỡng mộ tâm hồn thanh thoát ở nơi cỏi tục này.

Lại thêm một việc hi hữu nữa là: tiếng đồn cô Vương Thị Lễ giáng cơ được loan truyền đi khắp nơi, khiến cho gia đình thân nhân cô Vương Thị Lễ tìm đến tận nhà ông Cao Quỳnh Cư để tìm hiểu sự thật về cô Lễ giáng đàn và yêu cầu được dự đàn cơ, qúi ông không thể từ chối được, 2 vị khách lạ tự xưng là thân nhân của cô Lễ xin được dự đàn cơ.

Khi cô Vương Thị Lễ giáng cơ thì ông Cao Quỳnh Cư liền hỏi: tứ muội có biết 2 ông khách lạ này là ai không? Cô liền nhanh nhẹn đáp:



"Đào Nguyên lạc lối buổi vong Hưng".

Hai ông khách lạ tên Nguyên và Hưng nghe đúng tên mình liền nhanh nhẹn đốt nhang khấn nguyện và đáp lại lằng câu thơ:



"Đốt nén hương xin tỏ Lễ mừng".

Cô Lễ tiếp nối bài thi:



"Tri kỷ còn nhiều ngày gặp gỡ".

Ông Nguyên và Hưng tiếp nối câu chót.



"Chạnh lòng nhớ đến buổi thanh xuân".

Thiết tưởng nguồn thi cảm rạt rào người phàm tục và vô hình được gặp nhau để sáng tác thành một bài thi tuyệt bút:



Đào Nguyên lạc lối buổi vong Hưng,

Đốt nén hương xin tỏ Lễ mừng.

Tri kỷ còn nhiều ngày gặp gỡ,

Chạnh lòng nhớ đến buổi thanh xuân.

Một sự huyền diệu, hiển linh như thế càng giúp cho quí ông Cư, Tắc, Sang thêm phần hứng chí về việc xây bàn cầu cơ. Những huyền diệu linh ứng do chính bản thân qúi ông tiếp nhận trong việc họa thi phú hàng đêm, khiến các ông không biết mệt mỏi, mà còn say sưa hâm mộ nữa là khác.

Vào hạ tuần tháng 7 năm Ất Sửu (1925), ông Phạm Công Tắc, cùng với các bạn tri âm của ông hợp lại để xây bàn, thì có một vong linh về nhập đàn, không chịu xưng danh tánh nhưng cho một bài thi như sau:

Ớt cay, cay ớt gẫm mà cay,

Muối mặn ba năm muối mặn dai,

Túng lúi đi chơi nên tấp lại,

Ai bòn chẳng chịu tấp theo ai.

Tiếp được bài thi, 3 ông Cư, Tắc, Sang cố nài nĩ vong linh cho biết qúi danh, song Đấng Vô Hình khước từ mà chỉ xưng danh là A.Ă.Â. mà thôi. Các ông vô cùng ngạc nhiên, cố tìm hiểu nơi đấng vô hình A.Ă.Â. này, nhưng ông ta không chịu tiết lộ danh tánh của mình, khiến cho 3 ông tự suy nghiệm, và cảm thấy là có điều gì kỳ lạ nơi Đấng vô hình này và kể từ đó không ai dám tò mò hỏi thêm về lý lịch của ông ta nữa. Cho đến thượng tuần tháng 8 năm Ất Sửu (1925), một lần nữa ông A.Ă.Ẩ. giáng cơ đến dạy bảo 3 ông Cư, Tắc, Sang là: đừng nên hỏi đến lai lịch của ông nữa và càng không nên hỏi đến chuyên quốc sự, thiên cơ, thì ông ta sẽ thường xuyên về họa thi phú cùng các ông. Đồng thời, ông A.Ă.Â. còn bảo qúi ông thiết "tiệc chay" vào đêm rằm tháng 8 năm Ất Sửu (1925), để thỉnh đức Diêu Trì Kim Mẫu và 9 vị tiên cô, cũng như tổ chức đãi tiệc những người phàm vậy, nhưng phải cho thanh tịnh và tinh khiết. Chẳng biết phải thiết tiệc theo nghi thức như thế nào, 3 ông Cư, Tắc, Sang hợp ý kiến xin thỉnh cô Vương Thị Lễ giáng cơ về hướng dẫn. Cô Lễ giáng đàn, chỉ bảo cả mọi việc, cùng phương pháp chưng dọn bàn ghế cho nghiêm trang, và còn cho 3 ông biết rõ cô là Thất Nương Diêu Trì Cung, là vị Tiên thứ 7 trong 9 vị Tiên tại Cung Diêu Trì, do Cửu Thiên Huyền Nữ cai quản, dưới quyền có 9 vị Tiên nương. Cô Lễ là 1 trong 9 vị Tiên cô đó.

Thất Nương giáng đàn hướng dẫn 3 ông phải thành tâm cầu nguyện giữ trai giới trong 3 ngày, trang hoàng nhà cửa, thịết lập buổi lễ cho khang trang để nghinh đón đức Diêu Trì Kim Mẫu. Ngoài ra còn bắt buộc qúi ông mỗi người đều phải làm 1 bài thi, nhất là phải cố gắng tìm cho được Đại Ngọc Cơ để thỉnh đức Diêu Trì Kim Mẫu giáng đàn.

Nghe đến tiếng Đại Ngọc Cơ, 3 ông còn chưa nhận định được hình dáng Đại Ngọc Cơ như thế nào, thất nương liền vẽ hình Đại Ngọc cơ cho 3 ông xem, và cũng giải nghĩa rõ nguồn gốc xuất hiện Đại Ngọc Cơ là trước kia lấy hình tượng ngôi sao Bắc Đẩu mà tạo thành, cùng hướng dẫn việc sử dụng Đại Ngọc Cơ.

Được tiếp nhận sự hướng dẫn chu đáo của Thất Nương, 3 ông rất nóng lòng trông đợi cho đến ngày rằm tháng 8, hầu biết thêm những điều mới lạ ở cỏi vô hình.

May mắn thay! Và cũng huyền diệu thay! Trong lúc 3 ông còn đang phân vân, chưa biết chạy tìm nơi nào để có được Đại Ngọc cơ để kịp ngày ấn định, thì tình cờ gặp được một người thố lộ cho các ông biết là ông Phan Văn Tỷ là người có Đại Ngọc Cơ. Hơn nữa, ông Tỷ thường đến nhà ông Cao Quỳnh Cư chơi và được biết việc xây bàn có phần chậm chạp hơn là cầu Ngọc Cơ, nhưng lúc đó ông Tỷ chưa dám có ý kiến.

Hôm nay có người đến hỏi mượn Ngọc Cơ, ông Phan Văn Tỷ vui vẻ chấp nhận, nhưng phải chờ ông đến nhà ông Âu Kích để lấy lại Ngọc Cơ mà ông đã cho mượn từ lâu. Một việc lo lắng, thắc mắc về Ngọc Cơ đã được ông Tỷ giải quyết một cách dễ dàng, và ông Tỷ đã đem Ngọc Cơ đến nhà ông Cao Quỳnh Cư đúng hẹn.

Có phải chăng mọi việc đều do quyền thiêng liêng đã an bày. Sau 3 ngày giữ trai giới tinh khiết, nhằm tiết trung thu, trăng thanh gió mát, rằm tháng 8 năm Ất Sửu, căn nhà ông Cao Quỳnh Cư được chưng dọn rất trang nghiêm.

Một cái bàn được trang trọng đặt ra giữa căn nhà, trên mặt bàn phủ một tấm mặt bàn trắng, và bông hoa đủ màu sắc xinh đẹp vô cùng. Chung quanh mặt bàn thì có 9 cái tách uống trà và 9 cái ly uống rượu trông rất lộng lẫy. Ngoài ra chung quanh bàn thì có 9 cái ghế bằng mây được phủ bằng vải trắng trông rất sang trọng. Nếu khách lạ đến nhìn thì cũng phải tự khen thầm là chủ gia tiếp đãi khách hết sức tươm tất, chớ ai có ngờ chủ gia sắp sửa tiếp đãi 9 vị tiên cô.

Gần tới 12 gìơ khuya ông Cao Quỳnh Cư, Phạm công Tắc, Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Diêu, Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Đức, Võ Văn Nguyên đều mặc áo dài đen, đầu bịt khăn đóng đen rất nghiêm trang đến đốt hương lên đèn thật vô cùng trọng thể.

Sau khi khấn nguyện xong, các ông bắt đầu đốt trầm hương và 2 ông Cư, Tắc ngồi xuống ghế để tiếp Ngọc Cơ. Ngọc cơ chuyển động mạnh và nhanh nhẹn, đức Diêu Trì Kim Mẫu giáng đàn, để lời chào mừng qúi ông có mặt, chỉ dạy về đạo đức, phương cách tu hành và hứa hẹn sẽ thường giáng đàn chi bảo thêm cho 3 ông Cư, Tắc, Sang.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu nhường cơ lại cho 9 vị Tiên Nương, và 9 vị Tiên Cô lần lượt giáng cơ chào mừng quí ông.

Đặc biệt là trước khi ngồi nhập tiệc thì Thất Nương giáng đàn chi dẫn cho 3 ông phải đem đàn ra hòa nhạc hiến lễ cho đức Diêu Trì Kim Mẫu và 9 vị Tiên Cô (bởi qúi ông đều giỏi về nhạc), an tọa nghe hòa nhạc và kế tiếp 3 ông ngâm lên bài thi đã làm sẵn.

Bắt đầu nhập tiệc, Thất Nương bảo 3 ông ngồi chung bàn để cùng dự tiệc với Tiên Nữ, nhưng 3 ông đều thối thác, không dám ngồi chung bàn. Thất Nương mời nhiều lần, bắt buộc các ông phải tuân theo và lấy thêm 3 cái ghế để sau 9 cái ghế đã có sẵn, rồi mới ngồi vào ghế cùng chung dự tiệc với 9 vị Tiên Nương.

Yến tiệc rằm tháng 8 năm Ất Sửu (1925), có thể nói là yến tiệc lần đầu tiên giữa người và 9 vị Tiên Nương, được gọi là Hội Yến Diêu Trì Cung, và hiện giờ theo thông lệ hàng năm đến ngày rằm tháng 8 thì Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh đều thiết đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung tại Đền thờ Phật Mẫu vô cùng trọng thể, và cũng để tưởng nhớ đến công ơn đức Diêu Trì Kim Mẫu và cửu vị tiên nương đã dày công dẫn dắt chức sắc Hiệp Thiên Đài trong buổi đầu khi nền đại đạo mới phôi thai.

Một điều hi hữu là cả thế giới, cùng các Tôn Giáo trước kia chưa có một buổi tiệc nào cùng vói đấng thiêng liêng tham dự, duy nhất chi có Tôn Giáo Cao Đài mà thôi.

Đây cũng là một đặc ân của dân tộc Việt Nam, được Đức Phật Mẫu, bà mẹ thiêng liêng dành riêng cho dân tộc Việt Nam. Nếu sau này bất luận các dân tộc nào trên thế giới biết đạo Cao Đài, nhập môn vào đạo Cao Đài rồi thì nhất định phải giữ ý nghĩa đại lễ Hội Yến Diêu Trì, để tỏ lòng tôn kính công ơn đức Phật Mẫu.

Thông cảm ước vọng của 3 ông Cư, Tắc, Sang, ông A.Ă.Â. giáng cơ hé mở từ từ cho 3 ông biết thêm về huyền bí màu nhiệm của thế giới vô hình, nhất là vận mạng tương lai của dân tộc Việt Nam, để đáp ứng nguyện vọng thiết tha của qúi ông bằng một lời hứa vô cùng đanh thép: "Sẽ dùng huyền diệu vô tận, vô biên để giải ách nô lệ cho dân tộc Việt Nam..." một lời hứa đầy đủ ý nghĩa ghi vào tâm trí 3 ông lúc bấy giờ

Những gì đến nhất định phải đến, vào đêm 27 tháng 10 năm Ất Sửu, Đức Diêu Trì Kim Mẫu giáng cơ chi dạy: 3 ông phải "Vọng Thiên Cầu Đạo", vào ngày 1-11-Ất Sửu (18-12-1925) gây sự ngạc nhiên cho 3 ông, bởi trong thời gian qua 3 ông chỉ biết thích thú say sưa trong cảnh người tiên thượng giới, kẻ phàm tục thế gian được họa thi tiếp nối đêm này qua đêm khác để học hỏi về thế giới vô hình. Hôm nay nghe đến danh từ "Vọng Thiên Cầu Đạo", cả 3 ông đều băn khoăn, lo sợ vô cùng, bởi 3 ông chưa bao giờ nghĩ sau này sẽ có trách nhiệm đi truyền đạo. Nhưng do sự hướng dẫn của ông A.Ă.Â.từ từ rèn luyện cho 3 ông thông suốt đạo đức để hữu dụng sau này.

Đêm 1-11-Ất Sửu (18-12-1925), tam vị mặc áp dài đen, khăn đóng đen, chỉnh tề trang nghiêm ra đứng giữa sân, cầm 9 cây nhang nguyện rằng ba chúng tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang vọng bái đứcThượng Đế ban ân diễm phúc cho 3 anh em tôi cải tà qui chánh, trước sự đông đảo đồng bào chung quanh đến xem. Khổ nổi đến giờ phút lập thệ như thế mà ông vẫn còn phân vân chưa nhận định được ông A.Ă.Â. là ai? Chỉ biết tuân theo lời phán dạy của ông A.Ă.Â. mà thi hành.

Đúng 12 giờ khuya, thời tý, 3 ông xông trầm cho tinh khiết, ngồi vào bàn cơ, Ngọc cơ rung chuyển, thanh thoát, rồi ông A.Ă.Â. giáng cơ phán dạy: "Ngọc Hoàng Thượng Đế Viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát", muốn được ta truyền đạo kể từ bây giờ phải gọi ta bằng "Thầy" cho tiện bề đối đãi, và ta gọi lại các con.

"Thầy muốn dùng các con mà hoằng khai nền đại đạo, các con dám lãnh trọng trách ấy không?". Ông Phạm Công Tắc bạch: Thầy dạy bảo thì chúng con tuân lịnh, nhưng trong các con từ bé chí trưởng chẳng ai thông đạo lý chi, duy nhờ Thầy dạy bảo bấy lâu, thì sự hiểu biết chứa đặng trong muôn một, e chẳng xứng đáng mà đảm nhận trọng trách lớn lao này.

Đức Cao Đài Thượng Đế phán: chi chi có Thầy gần bên các con, miễn là các con khứng chịu để trọn tấm lòng thành thì chẳng hề chi. Cả 3 ông đều vâng chịu và xin đức Cao Đài chỉ bảo về phương thức thờ phượng.

Sau buổi lễ "Vọng thiên cầu Đạo", 3 ông Cư, Tắc, Sang hết lòng tôn kính đức Cao Đài Thượng Đế, lo dưỡng tánh tu tâm, chuyên bề đạo đức rất ân cần.

Tiếng đồn vang dội khắp nơi là có đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng trần khai sáng nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Sự kiện này đã ghi thêm một bước tiến nới, hướng về Tôn Giáo Cao Đài được khai sanh trên vùng đất Việt Nam, một vinh dự lớn lao cho dân tộc Việt Nam là được nắm chủ quyền Tân Giáo Cao Đài, để thực hiện sự thương yêu và quyền công chánh mà đức Cao Đài đã phán dạy:

Chẳng quản đồng tông mới một nhà,

Cùng nhau một đạo tức một cha.

Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,

Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa.

Trước những huyền diệu mà đức Cao Đài đã thể hiện, hướng dẫn ông Cư, Tắc, Sang trong thời gian qua, tạo thành một niềm tin tuyệt đối, tôn kính đức Cao Đài.

Thắm thoát đến ngày lễ Noel (24-12-1925), 3 ông thiết lập đàn cơ thì đức Cao Đài Thượng Đế về chỉ dạy:

Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền,

Vui lòng tu niệm hưởng ân thiên.

Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,

Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.

Hôm nay các con phải vui mừng, vì là ngày Thầy đã xuống trần dạy đạo bên Thái Tây (Europe). Thầy cũng rất vui mừng mà đặng thấy các chư đệ tử kính mến thầy như vậy. Nhà này sẽ đầy ơn Thầy. Thầy sẽ làm cho các con thấy huyền diệu để các con kính mến Thầy hơn nữa. Bấy lâu nay Thầy vẫn tá danh A.Ă.Â. là để dìu dắt các con vào đường đạo đức, hầu chẳng bao lâu nữa đây, các con phải ra giúp Thầy mà khai đạo. Các con thấy Thầy khiêm nhường đến dường nào chưa? Các con nên bắt chước Thầy.

Đêm 18-1-1926, đức Cao Đài Thượng Đế giáng cơ phán dạy: ông Phạm Công Tắc và ông Cao Quỳnh Cư phải đem Ngọc Cơ vào tận nhà ông Lê Văn Trung, (Hội Đồng thượng Nghị Viện nhà ở đường Testard, Chợ Lớn) để phò cơ cho đức Cao Đài Thượng Đế về chỉ dạy cho ông Lê Văn Trung. Đây là một việc khó khăn cho 2 ông Cư, Tắc, bởi vì từ trước đến giờ 2 ông chưa từng quen biết với ông Lê Văn Trung, hơn nữa ông Trung là một công chức cao cấp, quyền thế mà đức Cao Đài bảo phải đem đàn cơ vào tận nhà ông Trung. Đức tin mạnh, khiến 2 ông phải tuân mạng lệnh của đức Cao Đài. Hân hạnh thay! 2 ông vừa bước vào nhà ông Trung thì được gia nhân vào phúc báo cho ông Trung hay là có khách lạ đến viếng. Ông Trung liền ra tiếp, mời khách vào nhà và an tọa. 2 ông Cư, Tắc bắt đầu thuật lại về việc đức Cao Đài Thượng Đế phán dạy là đem đàn cơ đến tận nhà ông để chỉ bảo ông. Vừa được nghe 2 tiếng Cao Đài, ông vô cùng hân hoan chăm chú nghe từng lời thuật một cách thích thú và tôn kính, ông liền chấp thuận cho thiết lập đàn cơ tại nhà ông mà không chút do dự.

Sau lần gặp gỡ và hội đàm thân mật, cùng với sự ân cần của ông Lê văn Trung, khiến cho ông Phạm công Tắc càng thêm tôn kính đức Cao Đài hơn. Thoạt đầu ông quá lo âu và hồi hộp trước khi bước vào nhà ông Trung, nhưng sau khi tiếp chuyện mới thấy rõ là ông Trung cũng rất sùng kính đức Cao Đài và còn rất thâm tình với 2 ông như tình huynh đệ với nhau.

Sau đó, ông Lê văn Trung liền trang trí nhà cửa, thiết lập bàn hương án, mua sắm nhang đèn, hoa, quả, trà, rượu đầy đủ, để chờ ngày cung nghinh đức Cao Đài Thượng Đế giáng lâm. Đến ngày rằm tháng chạp năm Ất Sửu (1925), đàn cơ được thiết lập tại nhà ông Trung vô cùng trọng thể với sự tôn kính tuyệt đối của ông đã được ung đức từ bấy lâu, nên đức Cao Đài Thượng Đế liền giáng cơ chỉ dạy: "Thầy đã cho Lý Thái Bạch đến dìu dắt các con ở đàn cơ Chợ Gạo bao lâu nay. Trung nhất tâm nghe con! Sống cũng nơi Thầy, thác cũng nơi Thầy, thành cũng nơi Thầy, con hãy lấy sự sáng của con mà suy lấy..."

KỆ RẰNG


Một trời, một đất, một nhà riêng,

Dẫn độ nhơn sanh đặng dạ hiền.

Cầm mối thiên cơ ra cứu chúng,

Đạo người vẹn vẻ mói là tiên.

Những lời phán dạy của đức Cao Đài Thượng Đế đã được ông Lê Văn Trung nghiêm chỉnh thi hành, và tạc dạ ghi lòng, không bao giờ xao lãng phận sự. Nhất là sự huyền diệu của đức Cao Đài đã ban cho ông Trung được sáng mắt. Nên nhớ đôi mắt của ông Trung bị mờ lòa từ lâu; Các danh y, bác sĩ đều tận tình chữa trị nhưng không hết. Hôm nay được sự huyền diệu đặc ân của đức Cao Đài cho được sáng lại như xưa. Đó là một huyền diệu thiêng liêng, một khích lệ lớn lao mà suốt đời ông Trung hằng ghi nhớ, nên đức Cao Đài Thượng Đế cũng đã để lời phán dạy: "Trung con hãy lấy sự sáng của con mà suy lấy…". Tin tưởng vào huyền diệu thiêng liêng của đức Cao Đài, ông Trung nhất định thu xếp việc nhà, đệ đơn xin từ chức hội đồng thượng nghị viện, tình nguyện phế đời hành đạo, một việc làm ít có xảy ra trong chốn quan trường, và cùng hợp tác với các ông: Phạm công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang đi khắp các tỉnh để phổ độ chúng sanh, và lần hồi ông Trung trở thành một chức sắc cao cấp đắc lực của Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh. Đồng thời, đức Cao Đài Thượng Đế còn phán dạy thêm: "Trung con phải xúc tiến việc khai mở đạo mới của Thầy giáng thế kỳ ba, mượn tên là Cao Đài, dùng biểu tượng Thiên Nhãn tượng trưng Thượng Đế, danh xưng là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ".

Tháng 2 năm 1926, ông Phạm Công Tắc và qúi ông Trung, Cư, Sang, Hậu, Đức đến nhà số: 110 đường Boudais SàiGòn để nhờ ông Ngô Minh Chiêu hướng dẫn thêm về cách thờ Thiên Nhãn mà đức Thượng Đế đã mặc khải cho ông Chiêu được nhìn thấy con mắt (Thiên Nhãn), biểu tượng đức Thượng Đế vào năm 1921 và đã họa thành bức tượng Thiên Nhãn để thờ và tôn kính. Do cơ bút hướng dẫn mà 2 nhóm môn đệ của đức Thượng Đế có dịp được gặp gỡ trong tình huynh đệ tại nhà ông Chiêu vô cùng thân mật, và cũng để phân chia trách nhiệm phổ biến nền Đại Đạo, đây cũng là ngày lịch sử của 12 môn đệ đầu tiên của đức Cao Đài Thượng Đế đã nhờ cơ bút hướng dẫn mới có dịp hội ngộ với nhau, tay bắt mặt mừng còn hơn anh, em ruột thịt cùng chung một nhà, để lo phương cách truyền bá nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Đức Cao Đài Thượng Đế là chúa tể càn khôn thế giới, yêu thương dân tộc Việt Nam là một dân tộc có đầy đủ đức tin vững chắc biết kính Trời, thờ Phật, bất cứ tôn giáo nào, từ đâu du nhập vào nước Việt Nam đều được dân tộc Việt Nam sùng kính thờ phượng. Do lòng hiếu để và ngưỡng mộ vô bờ bến đó, đức Cao Đài mới ưu ái, chiếu cố, chọn dân tộc Việt Nam mặc dù là một sắc dân nhỏ bé, hèn hạ, bị lệ thuộc ở hướng Á Đông mà giao nền chánh giáo trong tay, tự làm chủ. Đức Cao Đài dùng huyền diệu cơ bút giáng trần mà trực tiếp hoằng khai nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, còn được gọi là Đại Ân Xá Kỳ Ba, tức là đạo Cao Đài trên đất nước Việt Nam vào năm 1926. Điều cốt yếu là tạo cho giống nòi Việt Nam vãn hồi quốc vận lấy đạo đức nhơn nghĩa làm chuẩn, để gieo trồng nơi cửa đạo Cao Đài hột giống trường sanh bất tử, phục sanh hồn nước đã điêu tàn, sau 80 năm bị đô hộ, trong sự thương yêu và công bằng của đức Thượng Đế là Qui Tam Giáo, Hiệp Ngũ Chi, hầu đưa nhân loại đến đại đồng thế giới, sớm biết nhìn nhau là con một cha.

Nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tức đạo Cao Đài được khai sáng trên đất nước Việt Nam không phải là một chuyện ngẫu nhiên, mà do thiên cơ tiền định có một căn nguyên nhiệm mầu vô cùng bí ẩn, trí phàm không thể xét đoán được, mà chính các Tôn Giáo trước kia đã có lời tiên tri chứng minh là Thượng Đế chúa tể càn khôn vũ trụ sẽ sáng lập Tân Tôn Giáo Cao Đài. Chỉ có lòng thương yêu vô biên của đức Cao Đài mới tạo được hoàn cảnh tốt đẹp cho 2 nhóm Cao Đài, cùng chung một sự ung đức, rèn luyện từ lâu, được dịp hoan hỉ ngồi chung lại và tuyệt đối tuân lời phán dạy của đức Cao Đài.

Đêm giao thừa Tết Nguyên Đán năm Bính Dần (18-2-1926) tuân lịnh đức Cao Đài Thượng Đế phán dạy, ông Ngô Minh Chiêu cùng 2 ông Cao Quỳnh Cư và ông Phạm Công Tắc phải mang Ngọc Cơ thân hành đến từng nhà của các môn đệ đầu tiên để đức Cao Đài giáng cơ cho mỗi môn đệ một bài thi chúc xuân, tiên đoán đức tánh hành đạo của mỗi người. Trước hết là đến nhà ông Võ Văn Sang. Sau khi chủ gia thắp nhan đèn khẩn nguyện xong thì ông Tắc và ông Cư phò loan, đức Cao Đài liền giáng cơ cho một bài thi:



Tân dân hỉ kiến đắc tân niên,

Tam Kỳ Phổ Độ bá thế hiền.

Nhứt định chủ tâm chơn đạo lý,

Thăng thiên hoạt địa chỉ như nhiên.

Sau khi đức Cao Đài Thượng Đế giáng cơ cho bài thi xong thì ông Ngô Minh Chiêu ngõ lời chúc mừng năm mới đến gia đình ông Võ Văn Sang, rồi từ giả ông Sang để đi đến nhà môn đệ khác. Cứ thế 3 ông Chiêu, Cư, Tắc đến từng nhà các môn đệ để phò loan cho đức Cao Đài giáng cơ chỉ dạy cùng chúc xuân cho mỗi gia đình. Qúi ông phải đi cho đù 12 gia đình môn đệ của đức Cao Đài, mới được trở về nhà. Những gia đình môn đệ đều tiếp nhận những lời vàng tiếng ngọc của đức Cao Đài Thượng Đế phán dạy, và tiên đoán vận mạng tu hành của mỗi vị môn đệ ở buổi sau này, Bằng một bài thi ngắn gọn và đầy đủ ý nghĩa cao xa, thâm thúy.

Ngày 11 tháng 3 năm Bính Dần (24-4-1926), ông Phạm Công Tắc được đức Cao Đài Thượng Đế phong chức "Hộ Giá Tiên Đồng Tá Cơ Đạo Sĩ", cùng với qúi ông Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang v.v... đều được thọ phong chức sắc. Cả qúi ông Cư, Tắc, Sang, Diêu, Hậu, Đức v.v... đều phải tôn kính ông Lê Văn Trung là anh và phải tôn kính ông Ngô Minh Chiêu là anh cả. Và đức Cao Đài Thượng Đế có phán dạy:

"Chư đệ tử nghe!

Chiêu hôm trước hứa truyền đạo, cứu vớt chúng sanh, nay phải y lời mà làm chủ, dẫn dắt các môn đệ Ta vào đường đạo đức, đến buổi chúng nó lập thành. Chẳng nên thối thác! Thay mặt Ta mà dạy dỗ chúng nó, nghe và tuân lịnh.

Trung, Kỳ, Hoài 3 con phải thay mặt cho Chiêu mà đi độ người, nghe và tuân lịnh!

Bảng, Sang, Giảng, Quý lo dọn mình đạo đức để truyền bá cho chúng sanh, nghe và tuân lịnh!

Đáo con phải họp mặt vào đây để giúp đỡ Trung, nghe và tuân lịnh!

Ông Đáo bạch: bạch Thầy, con mắc lo vun tròn hội Minh Lý.

Đức Cao Đài Thượng Đế phán: cũng một gốc, tùy ý con định, sau chớ có trách Thầy!

Đức tập cơ, Hậu tập cơ, sau theo mấy anh đặng độ người, nghe và tuân lịnh!"

Phải chăng những lời phán dạy của đức Cao Đài Thượng Đế là một thiên lệnh bổ nhiệm những vị đầu tiên, phân công cho từng môn đệ, 2 đoàn thể Cao Đài được đức Thượng Đế đào tạo từ lâu, hiệp nhứt lại để cùng chung một trách nhiệm, truyền bá nền Đại Đạo hầu làm sáng tỏ thanh danh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Thật là một thiên lệnh thuyên bổ hi hữu của đức Cao Đài Thượng Đế. Các môn đệ đầu tiên không một lời thối thác, suy bì, mà chỉ biết tuyệt đối tuân hành theo huyền diệu thiêng liêng ban bố. Số người vào đạo Cao Đài lên gấp mấy lần, gây nhiều lo âu cho qúi ông vì chưa có nơi thờ phượng, và cũng cần phải được hợp pháp trong việc truyền đạo ở các tỉnh cho được dễ dàng. Do đó qúi ông mới thiết lập đàn cơ cầu xin sự chi giáo của đức Cao Đài Thượng Đế. Đức Cao Đài Thượng Đế phán dạy: "Các con vào chùa Giác Hải gặp hòa thượng Như Nhãn thì sẽ toại nguyện". Tiếp nhận lời dạy của đức Cao Đài, một phái đoàn Chức sắc Cao Đài được đề cử đến kiến diện Hòa Thượng Như Nhãn và được tiếp đón rất nồng hậu. Sau khi được trình bày cặn kẽ, Hoà Thượng Như Nhãn đồng ý chấp thuận cho nượn ngôi chùa Gò Kén (Từ Lâm Tự tại tỉnh Tây Ninh đang xây cất gần xong, chỉ còn tô vách, lót gạch, và sơn phết là sử dụng được). Trưởng huynh Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh đứng ra đảm nhiệm trọng trách tu bổ ngôi chùa Gò Kén do Hòa Thượng Như Nhãn cho tạm mượn để làm ngôi Thánh Thất Cao Đài. Đồng thời, các môn đệ đầu tiên của đức Cao Đài hợp nhau thảo luận viết đơn xin khai đạo để trình lên đức Cao Đài xem xét trước. Đức Cao Đài có phán dạy: "Thầy là chúa tể Càn Khôn thi còn đi xin phép ai? Nhưng vì các con quá sợ nên Thầy phải chiều lòng".

Ngày 29-9-1926, ông Phạm Công Tắc cùng các môn đệ đầu tiên gồm 27 vị đồng ký tên (thay mặt cho 247 vị hiện diện trong buổi họp) trong tờ khai Đại Đạo gởi lên ông Le Foy, Phó Soái Nam Kỳ. Thật ra thì tờ khai đạo đã được ông Lê Văn Trung và ông Lê Văn Lịch soạn thảo trước rồi, và đức Cao Đài đã duyệt lãm.

Thiết tưởng nền Đại Đạo lúc bấy giờ đang bị chánh quyền Pháp nghi kỵ. Mọi sự di chuyển của các chức sắc, khó lọt qua mắt của mật thám bủa vây khắp nơi. Ông Lê Văn Trung dám đương đầu, đứng mủi chịu sào đệ đơn xin khai đạo lên chính phủ Pháp là một việc làm không đơn giản và không kém phần nguy hiểm. Nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tuy mới phôi thai, nhưng 2 tiếng Cao Đài luôn luôn được đồng bào nhắc nhở tôn kính, nên mỗi khi có thiết lập bàn cơ bất luận nơi nào, dù xa xôi cách trở mấy đi nữa, đồng bào cũng nhiệt tình kéo đến tham dự rất đông đảo. Trước là tiếp thu, ghi nhận những chi dẫn về đạo đức, tu hành của các đấng thiêng liêng, sau là xin toa thuốc trị bệnh và xin nhập môn cầu đạo.

Chùa Gò Kén (Tây Ninh), bổn đạo ngày đêm lo tu sửa, sơn phết rất trang nghiêm cho kịp ngày lễ Khánh Thành Thánh Thất Cao Đài vào ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần (16-11-1926). Kể từ ngày mùng 1 tháng 10 năm Bính Dần, Hội Thánh Cao Đài ban lịnh cho tất cả Chức Sắc ở các tỉnh tạm ngưng việc truyền bá để qui tụ về Thánh Thất Cao Đài Gò Kén (Tây Ninh) để chung lo cho ngày đại lễ khánh thành Thánh Thất và kỷ niệm ngày hoằng khai nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Về việc kỷ niệm này đức Cao Đài Thượng Đế Giáng Cơ phán dạy:

"Các con! Thầy đã lập thành Thánh Thất, nơi ấy là nhà chung của các con! Hiểu à!



Thầy lại qui tam giáo, lập tân luật, trong rằm tháng 10 có đại hội cả Tam Giáo Thánh Thất! Các con hay à!

Sự tế tự sửa theo Tam Kỳ Phổ Độ, cũng nơi ấy xuất hiện mà ra! Rõ à!

Thầy nhập 5 Chi lại làm một là có ý qui tụ các con trong Đạo Thầy lại một nhà, Thầy là cha chưởng quản! Hiểu à!

Từ đây trong nước Nam duy có một Đạo nhà chân thật là đạo Thầy, Thầy đã đến lập cho các con gọi là Quốc Đạo! Hiểu à!

Thầy phải buộc các con hiệp chung trí mà lo việc đó! Nghe à! Từ đây các con sẽ cực nhọc hơn, vi Thầy phan phát phận sự cho mỗi đứa, chẳng vì vậy mà các con sanh nạnh nhau, tựa hồ chia phe, phân phái là đại tội trước mặt Thầy! Nghe à!

Các con phải ngưng mọi việc mà chung lo cho đại hội"

Tiếp được những lời vàng, tiếng ngọc của đức Cao Đài Thượng Đế dạy và hướng dẫn từng sự việc, người tín hữu Cao Đài muôn người như một, đồng nhận thức tầm quan trọng của ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần là ngày đại lễ kỷ niệm Đệ Nhất Chu Niên Hoằng Khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trên quê hương việt Nam. Đây là một danh dự lớn lao cho dân tộc Việt Nam ta, chánh thức có được mối đạo nhà, và cũng là ngày đại hội tôn giáo đầu tiên trên đất nước Việt Nam. Thật ra, trước nguồn dư luận của bàn quan thiên hạ bán tin, bán nghi đủ mọi mặt về những biến cố đã xảy ra trong ngày đại lễ, sự mầu nhiệm thiêng liêng của đức Cao Đài vẫn tỏ rạng trong việc giáng cơ thành lập xong bộ Pháp Chánh Truyền và bộ Tân Luật làm giềng mối căn bản cho tôn giáo Cao Đài. Cũng vì vậy mà hằng ngày tại Thánh Thất Gò Kén có trên 200 vị nhập môn cầu đạo.

Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc thường nhắc nhở với bổn đạo: đạo Cao Đài được khai mở cho dân tộc Việt Nam, cho đất nước Việt Nam, tức là ách nạn của đất nước ta được mãn. Phải giữ lòng trong sạch, lấy sự nhẫn nhịn làm gương, hướng dẫn nhơn loại đến đại đồng, trong tình thương yêu công bằng, giúp đỡ lẫn nhau như con một nhà. Một dân tộc như thế, lẽ dĩ nhiên phải có đủ đạo hạnh, đủ năng lực để đảm nhiệm việc hướng dẫn nền văn minh của nhơn loại sau này. Đức Cao Đài Thượng Đế đã phán dạy:, "Từ đây trong nước Nam duy có một đạo nhà chân thật là đạo Thầy, Thầy đã đến lập cho các con gọi là Quốc Đạo! Hiểu à!". Cũng vì danh xứng "Quốc Đạo" mà đức Hộ Pháp đã long trọng xác nhận: "Nghe tới 2 chữ Quốc Đạo, thật là vô giá, mà bần đạo tiềm tàng rồi mới hiểu. Khởi điểm biết thương nòi giống, biết thương tổ quốc, đeo đuổi mất còn với cái điều khao khát từ buổi thanh xuân đó vậy. Bần đạo tưởng đâu Phạm Công Tắc đã chết đi hồi 35 tuổi, tức là lúc bần đạo tự nguyện hiến cả thể xác cho Đức Chí Tôn, túc Đức Cao Đài Thượng Đế, làm con tế vật phụng sự cho nhân loại sau này". Huyền diệu thay! Lời thệ nguyện đã ứng nghiệm rõ rệt cho cuộc đời hành đạo của đức hộ pháp Phạm công Tắc. Ngày 17-5-1959, đức Ngài qui thiên trên giường bệnh tại bệnh viện Ca1mette Phnom Pênh, trong lúc đang lưu vong trên đất nước Cao Miên. Một tuần lễ trước khi rời khỏi cỏi đời, đức Ngài di ngôn: "xin tạm gởi thi hài (thể xác) tại nước Cao Miên, để cùng chung chịu cảnh chia đôi của đồng bào 2 miền Nam-Bắc Việt Nam".

Đức Hộ pháp đã trả lời một câu hỏi của đức Cao Đài Thượng Đế: "Thầy bảo con làm Lão Tử, hay Jesus con làm cũng không đặng, làm Thích Ca Mâu Ni cũng không đặng, con chỉ làm đặng Phạm Công Tắc mà thôi. Con nghĩ rằng bất tài vô đạo đức này, chỉ quyết theo Thầy không bỏ, những tưởng cũng chẳng ích chi cho Thầy".

Đức Cao Đài Thượng Đế phán dạy: "Tắc, thoảng như Thầy lấy tính đức Phạm Công Tắc lập giáo, con nghĩ sao?"

Đức Hộ Pháp bạch: "Nếu đặng vậy…"

Đức Cao Đài Thượng Đế phán dạy tiếp: "Thầy đến lập cho nước Việt Nam một nền Quốc Đạo".

Nghe xong, tâm tư Đức Hộ Pháp như phiêu lưu lên giữa không trung, nghe nói điều mà mình từng ước mong, đức Ngài không thể từ chối đặng, bởi 2 chữ Quốc Đạo có nhiều mãnh lực là tôn giáo Cao Đài thật sự của dân tộc việt Nam và chính người Việt Nam làm chủ. Đồng thời đức Cao Đài Thượng Đế có ban cho một bài thi:



Từ đây nòi giống chằng chia ba,

Thầy hiệp các con lại một nhà.

Nam, Bắc cũng rồi ra ngoại quốc,

Chủ quyền chơn đạo một mình Ta.

(1) - Chẳng phải chia nước Việt Nam: Nam, Trung, Bắc mà chia 3 đạo là: Nho Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo.

(2) - Thầy nắm chủ quyền, hiệp Tam Giáo tức nhiên nền Chơn Giáo Quốc Đạo, chẳng những của Việt Nam mà thôi, mà cả nhân loại thế giới.

(3) - Nền đại đạo được truyền bá Nam, Trung, Bắc thành tướng rồi mới truyền ra ngoại quốc.

(4) - Đức Cao Đài Thượng Đế vi chủ Đại Đạo, tín ngưỡng qui nhất.

Hội Thánh Cao Đài dự trù khánh thành Thánh Thất Gò Kén trong vòng 3 ngày, vì khả năng tài chánh có hạn, không dám mời nhiều khách. Hơn nữa, thực dân Pháp theo dõi cản ngăn lắm chuyện, nhưng Đại Lễ Khánh Thành mặc nhiên kéo dài trên 3 tháng. Đồng bào, nhân sĩ, trí thức, báo chí, đủ mọi giai cấp, mọi tín ngưỡng, mọi quan niệm lần hồi kéo về Thánh Thất Gò Kén để chiêm ngưởng lễ bái đức Cao Đài Thượng Đế, cùng chào mừng nền tân tôn giáo vừa được khai sáng trên đất nước Việt Nam. Giới nhân sĩ trí thức nhập môn trên 100.000 người, đã lôi cuốn một số đông đảo đồng bào ở các tỉnh qui tụ về làm công quả khiến cho thực dân Pháp đâm ra lo sợ vế sự phát triển quá nhanh chóng của đạo Cao Đài. Do đó vị Chánh Tham Biên Tỉnh Tây Ninh tìm cách gây áp lực bắt buộc Hòa Thượng Như Nhãn phải đòi chùa Gò Kén lại.

Đồng thời, thực dân Pháp xúi giục Phật Tử đệ đơn xin cấp bách trục xuất Hội Thánh Cao Đài ra khỏi chùa Gò Kén, cố tình đẩy số tín đồ này vô tận rừng sâu nước độc, đầy sơn lam chướng khí, tiêu hao lần hồi với ý đồ thâm độc, triệt hạ các mầm phản loạn có thể xảy ra sau này. Trước áp lực trục xuất khỏi chùa Gò Kén, Hội Thánh Cao Đài còn đang băng khoăng, không biết phải dời đi đâu thì đức Cao Đài Thượng Đế và đức Lý Thái Bạch giáng cơ phán dạy: "Hội Thánh đến Bàu Cà Na, xã Long Thành (Tây Ninh) tìm mua một vùng đất để xây cất Đền Thánh Cao Đài". Được sự hướng dẫn quá rõ ràng của Quyền Thiêng Liêng, đức Hộ Pháp cùng Trưởng Huynh Chánh Phối sư Thái Thơ Thanh và một số chức sắc ngồi xe đến thẳng Bàu Cà Na, thì được hướng-dẫn để mua phần đất 96 mẫu rừng cấm hoang vu của ông Aspar bán lại với gía 25.000 đồng.

Đức Lý Thái Bạch giáng cơ phán dạy: "Ngày nay Lão nhứt định bỏ chùa Gò Kén, vậy thì các con phải trả lại chùa này, song trước khi trả phải cất Thánh Thất cho xong y như lời dạy. Chư Đạo Hữu phải hiệp nhau lập cho thành Tòa Thánh. Chi chi cùng tại Tây Ninh này mà thôi, bởi vì nơi đây rộng rãi, đó là nơi tiếp giao với ngoại quốc". Hội Thánh liền đề cử Đại Huynh Cao Thượng Phẩm đứng ra huy động số công thợ và công qủa, tình nguyện chung tâm hiệp trí để cất chòi, đốn cây, bứng gốc khu rừng cấm 96 mẫu ngày đêm không nghỉ. Với 2 bàn tay trắng, không một cơ giới, chỉ một quyết tâm cùng nhiệt tình, vỏn vẹn trong vòng 3 tháng, người Tín Hữu Cao Đài đã san bằng khu rừng cấm 96 mẩu hoang vu, nhường cho ngôi Tòa Thánh tạm từ từ mọc lên. Tuy bằng gỗ, tranh, lá, nhưng ngôi Đền Thánh có đủ lầu chuông, lầu trống, có Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài, có Bát Quái Đài cao vòi vọi gần bên khu rừng thiên nhiên với lối kiến trúc phi thường và rất thẩm mỹ, làm cho khách viễn du kinh ngạc trước những công trình do Quyền Thiêng Liêng hướng dẫn cho đến ngày hoàn thành. Ngôi Đền Thánh Cao Đài tạm được kiến tạo khang trang cho nhân sanh thờ phượng đức Ngọc Hoàng Thượng Đế trong một thời gian ngắn ngủi. Đó là do công lao của đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, cùng các công thợ, công qủa nhiệt tình, ngày đêm dầm sương, trãi nắng để hoàn thành đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn thể Bổn đạo.



Nền Đại Đạo vẫn tiếp tục truyền bá ở các Tỉnh, và đức Hộ Pháp hướng dẫn, giáo hóa thêm một số chức sắc có đủ khả năng và tài đức để đi hành đạo các Quận, Tỉnh, luôn cả ở Lào và Cao Miên. Hân hạnh thay cho dân tộc Việt Nam, vào đêm 16 tháng 10 năm Mậu Thìn (27-11-1928), Bát Nương Diêu Trì Cung giáng đàn cho đức Hộ Pháp biết là: vào năm 1914, Trung Quốc có cho Thầy Địa Lý Lỗ Ban, người Triều Châu bí mật đột nhập vào nước Việt Nam mang theo cây Long Tuyền Kiếm đến tận núi Lan để dùng phép trù ếm dân tộc Việt Nam, làm cho Nhân Tài Việt Nam không xuất hiện được. Vì Trung Quốc lo ngại hòn núi Lan nổi lên thì có Trạng, Tướng, Nhân Tài sẽ xuất hiện ở nước Việt Nam. Đồng thời, Bát Nương Diêu Trì cung hướng dẫn và chỉ bảo cho đức Hộ Pháp biết rõ phương cách "Hóa giải phép trù ếm" của Trạng Trung Quốc. Cho đến ngày 27-2-Kỷ Tỵ (26-4-1929), đức Hộ Pháp và một số chức sắc gồm có: Đại Huynh Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, Trịnh Phong Cương ngồi xe xuống tận Thánh Thất Khổ Hiền Trang, xã Phú Mỹ, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tỉnh Tiền Giang), hiệp với chức sắc và bổn đạo tại Khổ Hiền Trang để đi tìm Long Tuyền Kiếm.

Buổi hội thảo về phương thức đi tìm Long Tuyền Kiếm do sự chỉ dẫn của Bát Nương Diêu Trì Cung, đi đến kết luận là: thành lập một phái đoàn gồm 36 vị chức sắc, chức việc và bổn đạo khỏe mạnh, tình nguyện sử dụng 12 chiếc xuồng ba lá. Đoàn tùy tùng có nhị vị Hiền Huynh Lê Văn Trung và Nguyễn Văn Chưởng (sau này là trưởng ban kinh tài châu đạo Mỹ Tho, còn ông Lê Văn Trung là Chưởng Quản Phước Thiện nam phái). Đúng 6 giờ sáng đức Hộ Pháp hướng dẫn cả phái đoàn vào Thánh Thất Khổ Hiền Trang, bái lễ đức Chí Tôn để trọn tâm khẩn nguyện sự ra đi tìm Long Tuyền Kiếm được kết quả tốt đẹp. Sau khi dùng điểm tâm xong, đúng 8 giờ sáng ngày 28-2-Kỷ Tỵ(27-4-1929), đức Hộ Pháp và phái đoàn xuống 12 chiếc xuồng ba lá trực chỉ theo con sông đi thẳng xuống chợ Thầy Yến rồi đến Láng Cát mới dừng lại. Cả phái đoàn cùng lên bờ, tự vạch các cây lau, cây sậy, cây bàng tạo thành một con đường để tiến tới hòn núi Lan vừa mới nổi lên khỏi mặt đất. Người hướng dẫn đi trước phải cầm một sợi dây luộc dài, để đoàn người đi sau bám lấy lần mò bước theo chân người đi trước, vì cỏ năng, bàng mọc khỏi đầu người nên không thấy nhau được. với một khoảng đường độ 700 thước (đường chim bay), mà phái đoàn phải vất vả vượt qua rất chậm chạp, phải lội qua một con bưng sình lầy, nước phèn trong vắt, mất cả tiếng đồng hồ phái đoàn mới đi đến gò đất hòn núi Lan. Đức Hộ Pháp ra lịnh tạm dừng chân nghỉ dưỡng sức, rồi bắt đầu chấp bút, còn cả phái đoàn thì thành tâm cầu nguyện Thần Linh phò trợ cho phái đoàn sớm tìm được nơi chôn dấu Long Tuyền Kiếm. Suốt cả giờ đồng hồ, đoàn tùy tùng vô cùng vất vả, tận lực đào sâu xuống đất, cho đến khi đụng phải phần đá cứng, vẫn quyết tâm đào thủng đá thì thu lượm được một cái Ghè, như cái bình vôi của mấy người ăn trầu, một lưỡi dao phai rĩ sét, 6 con cờ tướng làm bằng ngà, và 6 đồng tiền kẻm thuộc đời vua Minh Mạng, cả phái đoàn hết sức hân hoan phấn khởi, nhất định sẽ tìm cho được Long Tuyền Kiếm, nên không ai bảo ai, mọi người đều nổ lực đào sâu xuống thêm, sau cùng thì đụng phải một cái hòm bao chì, bề dài độ 9 tấc. Nỗi vui mừng không kể xiết, khi cái hòm được đem lên khỏi mặt đất, lau chùi sạch sẽ và đức Hộ Pháp phán dạy: Long Tuyền Kiếm trong đó, đức Hộ Pháp ra lịnh gói kỹ lại Bằng vải đỏ để đưa về Tòa Thánh. Đồng thời, đức Hộ Pháp chỉ định cho đoàn tùy tùng phải cố gắng đào một con kinh từ ngọn Tràm Sập băng ngang chót mũi Long Tuyền Kiếm cho bứt, đặng trừ tuyệt phép ếm của Thầy Lổ Ban Trung Quốc. Trong lúc đoàn tùy tùng đang đào kinh, đức Hộ Pháp phán dạy: "Nay là kỷ niệm nước Việt Nam, dòng giống Lạc Hồng được hữu phước nhờ đạo trời khai mở, gở nạn ách cho nhân loại và từ từ sẽ gở ách nô lệ cho dân tộc Việt Nam ta. Dòng dõi ta sẽ phục nghiệp, dân tộc sẽ xuất hiện nhân tài, phá tan xiềng xích chẳng còn bị lệ thuộc nữa, nếu chậm trễ là do nhân dân Việt Nam ta không biết tôn thờ đức Chí Tôn, không đủ thương yêu nhau, cứ tranh giành quyền lợi cá nhân. Lại nữa, tổ phụ ta đã gây ra nợ máu là Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn, nay vẫn còn dính dòng máu ấy, khi nào nợ máu ấy trả dứt rồi thì mới vãn hồi hoà bình, độc lập thật sự được". (Trích bài hóa giải Long Tuyền Kiếm của chơn nhơn Lê Văn Trung).

Thiết nghĩ trong vòng lệ thuộc Pháp năm 1929, mà đức Hộ Pháp đã làm một việc phi thường, thế gian hi hữu, là hướng dẫn một phái đoàn Cao Đài đi tìm Long Tuyền Kiếm tại núi Lan và long trọng cho biết trước rằng: Dân tộc Việt Nam sẽ có nhiều nhân tài xuất hiện, từ từ sẽ gỡ ách nô lệ, phá tan xiềng xích, chẳng còn bị lệ thuộc nữa. Lời tuyên bố của đức Hộ Pháp lúc bấy giờ đã bộc lộ tinh thần ái quốc nồng nàn trước mũi thực dân Pháp mà không ngần ngại hiểm nguy.

Tháng 6 năm 1927, đức Hộ Pháp lên đường sang Phnom penh để trợ lực cho hiền huynh Thượng Bảy Thanh thành lập văn phòng Hội Thánh Ngoại Giao trên đường Lalande De Callan Thủ Đô Phnom Penh. Chỉ trong vòng 7 tháng hành đạo tại Phnom Penh, đức Hộ Pháp đã nhiều lần phò loan cho ông Victor Hugo tự xưng là Nguyệt Tâm Chơn Nhơn. Sau này Hội Thánh Ngoại Giao được dẫn dắt dưới quyền điều khiển của đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, và chính Ngài đã độ dẫn đươc một số trí thức tên tuổi trên đất nước Cao Miên nhập môn vào đạo Cao Đài, gây nhiều sự chú ý của chính phủ Cao Miên hiện hữu.

Ngày 6-6-1928 tờ nhật báo Pháp ngữ Les Annales Coloniales có đăng bài của nghị sĩ Edward Neron, hạt Nauteloire nói về những biến chuyển như sau:"gần đây các Chức sắc Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh loan tin rằng: sẽ có một ông vua mới cho người Cao Miên xuất hiện tại Tây Ninh". Tin theo lời đồn đãi, người Cao Miên kéo đến Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh rất đông đảo, trên 10.000 người.

Ông De La Brosse, Thống Đốc Nam Kỳ và ông đại diện cho vua Monivong nước Cao Miên, cùng các viên chức chỉ huy ngành an ninh Nam Kỳ và ngành công an phối hợp đến tận Tòa Thánh Tây Ninh , ông Thống Đốc mời vị Chức sắc cao cấp nhất là đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhật (Lê văn Trung), buộc Ngài phải đính chánh tin đồn về việc một nhà vua Cao Miên mới sẽ xuất hiện tại Tây Ninh, và Ngài phải chịu trách nhiệm về những việc lộn xộn có thể xảy ra. Lịnh truyền được thi hành và không có việc gì đáng tiếc xảy ra làm rối trật tự.

Đây là thủ đoạn của thực dân Pháp tại Cao Miên, được biết đức Hộ Pháp mới tới hành đạo, Phổ biến nền đại đạo chỉ trong một thời gian ngắn mà đã được một số đông trí thức, nhân sĩ tại thủ đô Phnom Pênh nhập môn vào đạo Cao Đài trên lãnh thổ Cao Miên.

Ngày 1-7-1931, tờ báo Midi Colonial loan tin: Một nỗi nguy cơ thật sự cho nền trị an ở cõi Đông Dương (Un Véritable danger pour la sécurité de L'Indochine). Sau đó, ông Emey Oustrey Nghị Sĩ (nguyên Thống Đốc Nam Kỳ), đã viết bài đăng trên báo Midi Colonial ngày 18-7-1931 như sau: "Không ưa thích gì đạo Cao Đài, tôi đã để nghị đủ mọi cách, nhưng đến hôm nay thì tôi có thể nói rằng: Những tài liệu sai lạc cũng qúa đáng cho họ... đó là điều khiến tôi có thái độ khoan hồng để Tôn Giáo Cao Đài được tự do tín ngưỡng" (nguyên văn Pháp Ngừ: C'est ce qui m'a determine à leur declarer que j'étais décidé à reclaimer en leur faveur un régime de liberté pour la Religion qu'ils pratiquent). Một vị Nghị Sĩ Nam Kỳ của thực dân Pháp lúc bấy giờ như ông Emey Oustrey mà còn đủ can đảm nhìn nhận việc làm sai lầm của mình trong buổi ban đầu gây nhiều khó khăn cho Tôn Giáo Cao Đài.

Ngày 25-2-1932, đức Hộ Pháp để cử một phái đoàn Chức Sắc Cao Đài lên gặp ông Emey Oustrey nhờ can thiệp với chính phủ Pháp cho đạo Cao Đài được tự do tín ngưỡng đúng theo bài viết của ông đăng trên báo Midi Colonial ngày 18-7-1931.

Thậm chí lúc bấy giờ thực dân Pháp còn mưu đồ dàn dựng lên các chi phái khác như: Thông Thiên Đài, Thánh Thất Đồng Sen, Hòa Đông Thượng, Tỉnh Gò Công gồm những vị: Nguyễn Trung Thăng, Lê Quang Hộ, Quách văn Nghĩa, Nguyễn Văn Nhã v.v...Họ đã được thực dân Pháp ngấm ngầm yểm trợ đem về chiếm Tòa Thánh Tây Ninh, cố tình thay thế một ít Chức sắc Hiệp Thiên Đài, nhưng âm mưu bị chận đứng, kế hoạch bất thành trước sự phản ứng của Bổn Đạo trong vùng Thánh Địa Tòa Thánh Tây Ninh. Hơn nữa, đức Hộ Pháp có đủ quyền năng bảo thủ Chơn Truyền Luật Pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, không để cho tà quyền lấn áp, xâm nhập Tòa Thánh Tây Ninh được; bởi có bàn tay thiêng liêng ngăn chận, những kẻ tham quyền cố vị, và thù hận đều ra ngoài hết. Đức Hộ Pháp có đủ can đảm san bằng sự thù hận đặng bảo tồn hình thể đức Chí Tôn cho trọn thương yêu và đủ uy quyền phá tan mọi mưu đồ đưa chi phái về chiếm Tòa Thánh để phá rối, gây hoang man trong hàng Chức Sắc vùng Thánh Địa Tây Ninh. Ngoài ra, thực dân Pháp còn ngấm ngầm yểm trợ cho Giáo Sư Nguyễn Phan Long lãnh đạo chi phái Liên Hòa Tổng Hội về Tòa Thánh Tây Ninh liên hệ với một số chức sắc có thẩm quyền để triệu tập Hội Vạn Linh vào ngày 11-6-1933 chất vấn và hỏi tội đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhật và đức Hộ Pháp Phạm công Tắc trước sự hiện diện của những vị:

- Ông Bonvicini, báo Opinion.

- Ông Vabols , báo Courrier De Saigon.

- Phóng viên báo Đuốc Nhà Nam.

- Ông Trạng Sư Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Thế Phương.

Những mưu đồ đen tối ấy chưa kịp xung đột đến chánh giáo của đức Cao Đài Thượng Đế, thì nó đã bị bại trận bởi Thánh Thể của Ngài có người cầm luật oai nghiêm như đức Hộ Pháp gìn giữ nên hình được.

Ngày 9-10-Qúy Dậu (26-11-1933), lại thêm một màn màn kịch xuất hiện, được sự yểm trợ từ bên ngoài, giáo hữu Thượng Bộ Thanh tiếp tay vận động cho 800 đại biểu "ma" lập thành Đại Hội Nhân Sinh Bất Thường, với mưu đồ xin vào Đền Thánh lễ bái đức Chí Tôn để gây rối. Bổn Đạo đã ngăn chận không cho vào Đền Thánh, nên 800 vị đại biểu "ma" này đành cam chịu qùi ngoài sân lễ bái, mặc dù nhị vị Lễ Sanh Thượng Thích Thanh và Chánh Trị Sự Nguyễn Văn Hội hết sức nhiệt tình giúp đỡ mà cánh cửa Đền Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh vẫn khép kín, không cho "ma hồn" xâm nhập vào có phải chăng do Thánh Lịnh đề ngày 28-7-1933 của Hội Thánh Cạo Đài Tòa Thánh Tây Ninh ban hành ngưng quyền chức nhị vị Đầu Sư Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh nên mới có mưu đồ nẩy sanh ra việc khuấy động ngày 26-11-1933 của Giáo Hữu Thượng Bộ Thanh. Lễ Sanh Thượng Thích Thanh và Chánh Trị Sự Nguyễn Văn Hội, là những nạn nhân đáng thương hại, bị bàn tay phù thủy xúi giục mà toàn cả chức sắc và bổn đạo nơi Thánh Địa Tây Ninh đều am hiểu sâu sắc và tường tận. Đồng thời, lại thêm một ít chức sắc Hiệp Thiên Đài tự rút lui khỏi Tòa Thánh Tây Ninh trở về Sàigòn, trong lúc nền Đại Đạo gặp hồi thử thách khó khăn với thực dân Pháp, và nội bộ chức sắc đang bị phân tán. Nhưng đức Hộ Pháp vẫn điềm nhiên can đảm chịu đựng, lèo lái thuyền đạo vượt qua sóng gió bão bùng. Đông xung, tây đột, bảo thủ ngọn cờ Đại Đạo, uy quyền Hội Thánh không hề hấn gì trước mọi áp lực của các chi phái và thực dân Pháp, đang thẳng tay tiêu trừ Tòa Thánh Tây Ninh bằng mọi giá. Đức Hộ Pháp xem thường mọi thử thách, điềm nhiên như không có việc gì xảy ra, trọn tuân hành lịnh của đức Cao Đài, lo kiến tạo ngôi Đền Thánh cho sớm hoàn thành. Đền Thánh trước kia đã 3 lần tiếp nối xây cất, song đều bị đình trệ công tác, và đây là lần thứ 4 đức Hộ Pháp tiếp tục kiến tạo.

Trước tiên, đức Hộ Pháp ra lịnh kêu gọi 500 công thợ và công qủa tình nguyện, đặc biệt là gợi ý cho mọi vị phải lập tờ "Hồng Thệ" dâng lên Hội Thánh, dù cho thợ mộc, thợ sơn, thợ hồ và công quả, đồng tình nguyện không lập gia đình "thủ trinh” hầu được tinh khiết suốt thời gian kiến tạo Đền Thánh. Đức Hộ Pháp cho lịnh khởi công kiến tạo ngôi Đền Thánh trước sự vui mừng của Hội Thánh và toàn thể Bổn Đạo Nam Nữ vào ngày 1-11-Bính Tý (14-12-1936). Điểm đáng lưu ý trong công tác xây cất Đền Thánh là không có ngân khoản dự trù, không có sơ đồ thiết kế, không kiến trúc sư mà chỉ nhờ đức Lý Thái Bạch giáng bút chỉ dẫn cho đức Hộ Pháp từng bộ phận, rồi đức Hộ Pháp hướng dẫn lại cho số công Thợ và công Quả, lần hồi xây cất cho đến ngày hoàn thành. Thật là một việc hi hữu trong công tác xây cất lớn lao như thế mà chưa chuẩn bị tiền bạc trước, chưa có vật liệu, chỉ có khối đức tin vững chắc nơi đức Cao Đài Thượng Đế, nên đức Hộ Pháp và Hội Thánh lúc bấy giờ vấp phải nhiều khó khăn. Hội Thánh cho lịnh Hộ Viện mở tủ xem lại ngân qũy của đạo còn được bao nhiêu để lo mua vật liệu. Tuân lịnh, Hộ Viện mở tủ ra kiểm soát lại thì chỉ còn vỏn vẹn có một đồng sáu cắc bốn xu (lđ 64). Hội Thánh phải làm sao đây với số tiền qúa nhỏ nhoi này? Chẳng còn biết phương cách nào hơn đức Hộ Pháp phải thân hành đi xuống tận nhà đại tỷ Chánh Phối Sư Lâm Hương Thanh ở quận Vũng Liêm, tỉnh vĩnh Long để nhờ giúp đỡ cho tạm mượn số tiền về xây cất Đền Thánh. Đại tỷ Lâm Hương Thanh vui mừng niềm nở tiếp đón đức Hộ Pháp, đức Hộ Pháp trình bày nguyên nhân việc đến thăm đột ngột này không ngoài mục đích tạm mượn một số tiền về tiếp tục kiến tạo Đền Thánh. Đại tỷ hướng dẫn đức Hộ Pháp đi xem những vựa lúa đầy ấp chưa bán được, vì bị khủng khoảng kinh tế trầm trọng, gía lúa xuống qúa thấp, gía một giạ trước kia là hai đồng hai (2đ 20), hiện giờ chi bán có hai cắc một giạ (0đ 20), thì làm sao bán được, nên lúa vẫn còn đầy bồ. Đại Tỷ Lâm Hương Thanh nói với đức Hộ Pháp: "Qua nói thiệt với em trong mình qua hiện giờ không còn gi hết!". Sau một lúc suy nghĩ, Đại Tỷ đi thẳng vào phòng, mang ra một cái hòm sắt nhỏ, bên trong hòm đựng đầy vàng và hột xoàn (đồ nữ trang từ bà cụ cho đến cả thân quyến để chung trong hòm sắt đó), đưa cho đức Hộ Pháp với lời lẽ nhiệt tình: "Em đem về cầm đỡ để lấy tiền kiến tạo ngôi Đền Thánh". Nếu đem số đồ nữ trang vàng và hột xoàn đi cầm thế một nơi nào đó, thì nhất định sẽ có số tiền một trăm ngàn đồng, đức Hộ Pháp suy nghĩ, đem số nữ trang này đi cầm thì được rồi, nhưng đến khi chuộc thì biết lấy đâu ra tiền?. Biết có chuộc nổi hay không?. Nói vậy rồi 2 người cười xòa với nhau, Đại Tỷ để lời khích lệ đức Hộ Pháp: "Trên có huyền linh đức Chí Tôn, dưới có cả đức tin con cái của Ngài, Nam cũng thế, Nữ cũng thế, đâu em về cất bường coi, không cần lấy số đồ nữ trang này, cứ tin tưởng nơi đức Chí Tôn, em cứ tiếp tục xây cất coi có được hay không?".

Đức Hộ Pháp đành từ giã ra về với hai bàn tay trắng, song vẫn giữ vững niềm tin nơi đức Chí Tôn, tiếp tục chỉ bảo công thợ kiến tạo từng bộ phận và không quên nhắc nhở cả Chức Sắc, công Thợ phải chắt chiu từng đồng, từng cắt, tận dụng từng viên gạch. Nhờ sự cần kiệm vật liệu, gây thêm niềm tin của Bổn đạo. Nhất là ở các địa phương nhiệt tình hảo tâm đóng góp công, của, và đồng tâm hiệp trí chung lo kiến tạo ngôi Đền Thánh, nói lên tinh thần đại đoàn kết, hy sinh tuyệt đối vì Thầy vì Đạo. Cả Chức sắc và Công Thợ chẳng ngại gian lao, thiếu thốn, cơm chẳng đủ no, phải cháo rau qua ngày, không một lời than trách, quyết tâm hoàn thành ngôi Đền Thánh cho nhanh chóng, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhân sanh đang chờ đợi.

Thắm thoát 3 năm trôi qua, công trình kiến tạo Đền Thánh gần xong, thì toàn quyền Pierre Pasquier ra lịnh hạn chế mọi sự đi lại của người Tín Hữu Cao Đài, không cho cúng kiến, gây bế tắc việc truyền giáo và khó khăn trong việc xây cất Đền Thánh. Trước những áp bức bất công của nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương, đức Hộ Pháp và Hội Thánh gởi đơn khiếu nại thẳng lên ông Georges Mandel, Tổng Trưởng bộ thuộc địa, trình bày về vấn đề Tôn Giáo Cao Đài bị đàn áp, khủng bố, và yêu cầu ông Tổng Trưởng quan tâm đến, cho phép đạo Cao Đài được tự do truyền bá, tự do xây cất Đền Thánh, và tự do cúng kiến với danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đơn khiếu nại của đức Hộ Pháp có trọng lượng đáng kể, được ông Tổng Trưởng Georges Mandel chuẩn phê, chỉ thị cho Toàn Quyền Đông Dương tại Việt Nam cho Tôn Giáo Cao Đài được tự do tín ngưỡng. Tuân lịnh của thượng cấp, Toàn Quyền Pierre Pasquier buộc lòng phải để cho đạo Cao Đài được tự do tín ngưỡng. Song thâm tâm sâu sắc rất nguy hiểm "thua keo này bày keo khác", cố tâm diệt đạo Cao Đài cho thỏa lòng tự ái, vì đã bị Tổng Trưởng thuộc địa Georges Mandel quở trách vì hành động áp chế đạo Cao Đài. Toàn quyền Pierre Pasquier đã dùng thủ đoạn bí hiểm là tung tiền mua chuộc một ít Nhà Văn bán rẽ lương tâm, chạy theo danh lợi, không ngần ngại viết láo, vu khống, mạ lỵ, nói xấu Tôn Giáo Cao Đài, gây luồn dư luận hoàn toàn bất lợi cho Chức Sắc và Bổn Đạo trên toàn quốc, cố tình làm xáo trộn nội bộ Hội Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh. Ngoài ra, Toàn Quyền còn bí mật ra lệnh cho thuộc hạ tung tin xuyên tạc, nhằm bôi lọ thanh danh Chức Sắc Tòa Thánh Tây Ninh một cách quyết liệt, cùng mua chuộc một ít Chức sắc non lòng nhẹ dạ, vì danh lợi riêng tư và muốn cầu an. Họ đã vu khống một số Chức sắc làm chánh trị chống Pháp bằng hình thức gom góp một số tài liệu gọi là liên hệ đến chánh trị, phóng đại lên làm hồ sơ hội kín, và kèm theo bản phúc trình tố cáo là phản động, hầu xin chánh phủ Pháp Quốc triệt hạ Tôn Giáo Cao Đài để tránh mọi hiểm họa sau này. Số tài liệu vu khống ấy đã được Toàn Quyền Pierre Pasquier mang theo mình để đem về tâu trình với chính phủ Pháp. Chẳng may, chiếc phi cơ chở vợ chồng Toàn Quyền chưa kịp đáp xuống phi trường Pháp Quốc thì đã bị cháy trên không, cả 2 vợ chồng Toàn Quyền đều bị chết cháy trên phi cơ cùng với số tài liệu đó. "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" thật là một linh ứng nhãn tiền, hại người trời hại lẽ nào hơn.

Thiết nghĩ, Tôn Giáo Cao Đài làm gì nên tội, mà Toàn Quyền Pierre Pasquier lại cố tình trù dập, tiêu diệt để gánh lấy thảm họa đau thương như thế. Âu cũng là định mệnh, gieo giống nào nhất định phải gặt giống nấy. Định luật tự nhiên của tạo hóa đã an bày, không tài nào tránh khỏi. Thực dân Pháp nhìn vào vụ chết của Toàn Quyền làm bài học kinh nghiệm xử dụng uy quyền.

Ảnh hưởng của 2 thế lực, bắt buộc người Tín Hữu Cao Đài xa lần Tôn Giáo để khỏi bị khó khăn trong cuộc mưu sinh hằng ngày, còn Hội Thánh thì không được trọn vẹn liên hệ chặt chẽ với Bổn Đạo như trước kia, đó là thâm ý của thực dân Pháp áp dụng để phân hóa nền Đại Đạo, gây xáo trộn nội bộ Chức Sắc Toà Thánh Tây Ninh. Nhưng thực dân Pháp đã lầm, lầm một cách chua cay. Người Tín Hữu Cao Đài cam chịu ẩn nhẩn sống yên lặng, bởi họ thừa biết đạo Cao Đài là đạo do Thượng Đế đặt để ra, nhất định không có một quyền lực nào tiêu diệt được. Nếu khôn ngoan sớm cởi mở những sai lầm may ra chiếm lại được tình cảm của họ, bằng không thì việc gì đến thì định sẽ đến.

Đức Hộ Pháp đã can đảm gánh lấy cả thù hận đặng bảo thủ hình thể đức Chí Tôn tại thế này, thực hiện trọn vẹn sự thương yêu. Ai lấp lửng chạm đến Ngự Mã Thiên Quân thì rước lấy hậu qủa không sao tránh khỏi.

Ngày 19-12-1931, Nhật báo "Progrès Civique" đã khôn khéo nêu lên trang thứ nhất: "Sau nước Pháp là nước Đức đã tiếp đón đạo Cao Đài một cách nồng hậu và vì những lý lẽ đó ta không nên đá động họ". Không phải hành động như thế chỉ là theo nguyên tắc vì lòng nhân đạo và sự tôn trọng luật pháp nước Pháp, mà cũng vì một lối chánh trị khôn ngoan, bởi vì sự tàn sát giết hại họ chỉ làm nảy sanh ra một phong trào khác, không kém phần nguy hiểm hơn.

Nguyên văn Pháp Ngữ: "Après la France, L'Allemagne a été la premlère à faire un bon accueil au CAODAISME. Par consequent, il faut les laisser tranquilles, non pas settlement pour le principe par humanité et par le respect des lois frangaises mais aussi par sagesse pilitique, parce que leur persécution ne pourrait que faire naitre un autre mouvement qui, lui, risquerait d'etre dangereux".

Đức Hộ Pháp thường nhắc nhở Bổn Đạo: "Tôn Giáo Cao Đài không thể làm công cụ, không làm con cờ của bất cứ một ai. Cái thế của Tôn Giáo Cao Đài phải là cái thế trường tồn, trường cửu, đứng trên và đứng trước để hưóng dẫn đời, hướng dẫn nhân sanh theo 3 tiêu chuần: Từ Bi, Bác Ái và Công Bằng.

Biết trước nguy cơ sẽ đến cho Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh TâyNinh một ngày gần đây, ngày 12-6-Canh Thìn (16-7-1940), đức Hộ Pháp cho lệnh gọi Huynh Giáo sư Thái Khí Thanh (Lâm Tài Khí) gốc người Trung Hoa đến tận văn phòng Hộ Pháp Đường để Ngài huấn giáo về mặt đạo đức và thăng trầm tồn vong của nền Đại Đạo trong tương lai, nhất là phải ghi nhớ những lời chỉ dẫn quan trọng: "nếu chẳng may Hội Thánh gặp phải sự biến động, Hiền Đệ nhớ thượng cờ Đạo và cờ Trung Quốc lên các văn phòng, cùng dinh thự trong nội ô Tòa Thánh. Trong lúc Bần Đạo vắng mặt tại Thánh Địa Tòa Thánh Tây Ninh, Hiền Đệ hãy thay mặt Bần Đạo mà gìn giữ, bảo thủ sản nghiệp của đạo". Đồng thời, đức Hộ Pháp còn trao cho Hiền Huynh Giáo Sư một Thánh Lệnh với lời ân cần phán dạy: "khi nào hữu sự thì Hiền Đệ xuất trình Thánh Lệnh này". Vì biết trước Hội Thánh sẽ phải gặp nhiều khó khăn, thử thách của nhà đương qụyền thực dân Pháp, nên Ngài mới chọn Giáo sư Thái Khí Thanh là một chức sắc có đủ tánh nhẫn nhục, chịu đựng được để vượt qua mọi thử thách, áp đặt của họ. Thật ra lúc bấy giờ Hội Thánh còn nhiều Chức Sắc cao cấp Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài, nhất là trong hàng phẩm Giáo Sư còn nhiều vị có khả năng, đạo đức, nhưng đức Hộ Pháp lại chọn Hiền Huynh Giáo Sư Thái Khí Thanh, một chức sắc gốc người Trung Quốc để bổ nhiệm làm đại diện cho Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, và lại không nhìn nhận Giáo sư Thượng Vinh Thanh. Âu cũng một sự “tiên đoán” biết trước việc xảy trong nền Đại Đạo.

Ngày 16-6-1940, Toàn Quyền Đông Dương Decoux chỉ thị cho thực dân Pháp đóng cửa Tòa Thánh Tây Ninh và các Thánh Thất Cao Đài trên toàn quốc. Đồng thời tung tin là lính mật thám Pháp sẽ bắt đức Hộ Pháp, dụng ý của họ lúc bấy giờ là: "dụ hổ ly sơn", cố tình gây chấn động hoang man cho Bổn Đạo, để thỉnh cầu đức Hộ Pháp lánh mặt khỏi Tòa Thánh, đi ẩn tránh nơi khác, làm mất đi hậu thuẩn của Bổn Đạo để dễ dàng xuyên tạc. Vì cảm mến và tôn kính đức Hộ Pháp, có một số thân hữu trước kia ỏ SàiGòn và một số Chức sắc đến ngõ lời yêu cầu Ngài nên tạm lánh mặt một thời gian cho qua cơn sóng gió. Đức Hộ Pháp vui vẻ đáp lời: "Bần Đạo cám ơn các bạn lo lắng cho Bần Đạo, nhưng Bần Đạo không thể lánh mặt được. Bần Đạo là kẻ đứng mũi chịu sào, lãnh đạo Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, Bần Đạo đủ can đảm chấp nhận và chờ đợi thái độ lẫn hành động của cường quyền Pháp đối vói Bần Đạo như thế nào cho biết. Đức Chí Tôn bảo Bần Đạo ngồi nơi đây, ở nơi đây, sống chết vẫn nơi đây, ôm chân Ngài dầu cho mảnh thân này có phải bị tiêu diệt để bảo trọng nền Quốc Đạo, thì Bần Đạo cũng không bước ra khỏi đây một bước". Cao qúi thay! với đức tin vững chắc, tinh thần bất khuất, trong sáng, xem thường mọi hiểm nguy bất luận từ đâu đến, đức Hộ Pháp vẫn bình tĩnh và thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra vậy.

Sau khi đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhật qui thiên ngày 19-11-1934, biết bao nhiêu chuyện rối rấm liên tiếp diễn ra trong nội bộ Hội Thánh. Các chi phái dưới sự yểm trợ của thực dân Pháp, kéo về Toà Thánh áp đảo Hội Thánh đủ mọi mặt, song đức Hộ Pháp vẫn bình tĩnh lèo lái con thuyền Đại Đạo vượt qua mọi thử thách cho đến ngày Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hội Vạn Linh đồng yêu cầu đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc nắm quyền Chưỏng Quản Nhị Hữu Hình Đài, Hiệp Thiên và Cửu Trùng ngày mùng 6-11-Giáp Tuất (12-12-1934), trong thời kỳ nền Đại Đạo đang gặp hồi khó khăn, chức sắc Hội Thánh bị phân hoá trầm trọng do thực dân Pháp xúi giục và yểm trợ các chi phái.

Ngày 14-5-Tân Tỵ (4-6-1941) lính mật thám Pháp xâm nhập nội ô Tòa Thánh Tây Ninh bắt đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đưa đi an tri tại Djiring. Ngày 17-6-Tân Tỵ (11-7-1941) lính mật thám Pháp đột nhập nội ô Tòa Thánh lần thứ hai bắt thêm 5 vị Chức sắc cao cấp: Đại Huynh Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, Phối Sư Ngọc Trọng Thanh, Phối Sư Thái Phấn Thanh, Giáo Sư Thái Gấm Thanh, và Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển, cả 5 vị Chức Sắc đều bị dẫn giải về giam tại SàiGòn. Cho đến ngày 27-7-1941, đức Hộ Pháp và 5 vị Chức Sắc được đưa xuống tàu cùng 12 Chánh Trị Phạm tại bến cảng Nhà Rồng SàiGòn để đày sang Madagascar (Phi Châu).

Sau bao ngày đêm trôi nổi trên biển cả, 18 vị Chánh Trị Phạm Việt Nam được đưa thẳng tới trại giam Noay Leva Comores thuộc miền bắc Madagascar, khi đến nơi thì gặp thêm 11 vị Chánh Trị Phạm Việt Nam khác đã bị Pháp đưa đến đây trước một tháng, nâng tổng số tù Chánh Trị Việt Nam tại Noay Leva Ccoores là 29 vị. Ngoài 6 vị Chức Sắc Cao Đài, hầu hết thuộc Đảng Viên Cộng sản, trong đó có 2 vị thành phần đệ tứ quốc tế là Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Thế Song.

Vị Toàn Quyền Đông Dương lúc bấy giờ hóng hách tuyên bố: "Chẳng 1ẽ tôi đưa họ vào hàng Thánh Tử Đạo, thừa cơ hội có chuyến tàu sang Quân Cảng Diogo Saurez của nước Madagascar, tôi gởi ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc cùng đoàn tùy tùng của ông ta qua tạm nghỉ suốt đời tại đó". Lời biếm nhẻ ngạo nghễ của người cầm quyền đã trắng trợn bộc lộ chân tướng chánh sách tiêu diệt những Chức Sắc Cao Đài quá ư rõ rệt.

Cuộc sinh sống hàng ngày của 29 vị Chánh Trị Phạm Việt Nam tại trại giam Noay Leva Comores thể hiện tình người, không phân biệt Đảng Phái, Tôn Giáo, mà chỉ biết nhìn nhau là nạn nhân của cường quyền Pháp. Tuy nhiên trong hoàn cảnh tù tội mất tự do, tinh thần bị căng thẳng, nên không sao tránh khỏi những cuộc tranh luận lẫn nhau về Quốc Gia và Cộng Sản, nhưng mọi sự đều được kết thúc trong tình tương nhượng hoà nhã với nhau.

Đến cuối năm 1942, tình hình thế giới biến chuyển, số tù Chánh Trị Việt Nam được lệnh di chuyển về miền nam Madagascar. Ông Freydier, Trưởng Trại Noay Leva Comores truyền lịnh cho 27 vị Chánh Trị Phạm lên 2 chiếc xe vận tải, có lính hộ tống đưa thẳng về miền nam Madagascar (tổng số 29 vị Chánh Trị Phạm, chết 2 vị, còn lại 27 vị). Cuộc di chuyển 27 vị Chánh Trị Phạm từ trại miền bắc về miền nam Madagascar vô cùng vất vả, ròng rã suốt 5 ngày đêm không nghĩ. Mãi đến ngày thứ 6, sau khi qua một con phà, 2 chiếc xe chở 27 Chánh Trị Phạm và lính hộ tống mới tới một thung lũng đồn điền trồng mía và cà phê của một người Pháp, và đoàn xe được dừng lại trước trại giam Voutrouzou. Trại trưởng Freydier cho lệnh 27 Chánh Trị Phạm Việt Nam vào trại giam sau bao ngày mệt nhọc di chuyển từ bắc chí nam Madagascar.

Tháng giêng năm 1943, Trưởng Trại Freydier hướng dẫn đưa một phái đoàn sĩ quan Anh Quốc vào tận trại giam , thăm hỏi các Chánh Trị Phạm, tiếp xúc với các đảng viên cộng sản rất thân mật. Kế tiếp được tin một vị Tướng Pháp De Gaulie thành lập chánh phủ lưu vong và chánh quyền Pháp tại Madagascar chuyển giao cho chánh quyền Anh Quốc đến thay thế cai trị Madagascar. Ông Freydier Trưởng Trại Voutrouzou bàn giao trách nhiệm cai quản trại giam cho một Sĩ Quan Anh Quốc, và sự sinh sống của 27 Chánh Trị Phạm Việt Nam được phần dễ dàng thoải mái hơn những năm về trước.

Sau khi nghe tin quân đội Liên xô đánh bậc Đức Quốc Xã ra khỏi Leningrad, thi chỉ trong vòng 5 tuần lễ sau, có phái đoàn quân đội đồng minh, do một Sĩ Quan Anh Quốc làm trưởng đoàn vào trại giam Voutrouzou ân cần tiếp xúc với các Chánh Trị Phạm Việt Nam, Đảng Viên Cộng Sản anh Lê Giang, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Ngọc, Đinh Công Hoạt, Hoàng Đình Rồng, và sau cuộc tiếp xúc thân mật này, 4 anh đảng viên cộng sản được viên sĩ Quan Anh Quốc rước ra khỏi trại giam, để đi học khóa quân sự tại Calcutta (Ấn Độ). Được nghe lại, sau khi tốt nghiệp khóa quân sự tại Calcutta, 4 anh Đảng viên cộng sản: Lê Giang, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Ngọc và Đinh Công Hoạt được quân đội đồng minh đưa về Đông Dương vào tháng 9 năm 1944, cả 4 anh này được cho nhảy dù đột nhập xuống chiến khu thuộc tỉnh Cao Bằng (Miền Bắc Việt Nam) để liên lạc với nhóm kháng chiến chống Phát Xít Nhật Bổn tại vùng Cao Bằng để giải thoát số tù binh Pháp còn bị Nhật Bổn giam giữ trong rừng.

Sau này ông Lê Giang được để cử làm Giám Đốc Công An Nhân Dân đầu tiên của chánh phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Hà Nội năm 1945, và nghe đâu đến năm 1980, ông Lê Giang được vinh thăng lên tối cao Pháp Viện nước VNDCCH. Riêng phần số Chánh Trị Phạm Việt Nam còn lại tại trại giam miền nam Madagascar, mãi đến năm 1945, nước Madagascar được Anh Quốc trao trả chủ quyền độc lập tự do, chánh phủ Madagascar thông cảm hoàn cảnh tù đày của số Chánh Trị Phạm Việt Nam, nên khoan hồng phóng thích cho 23 người còn lại được tự do tạm trú sinh sống trên lãnh thổ Madagascar để chờ ngày hồi hương về cố Quốc. Trong số Chánh Trị Phạm Việt Nam còn tạm sống trên đất nước Madagascar, đức Hộ Pháp là người chánh quyền Madagascar chiếu cố và ưu ái nhất, bởi vì trong thời gian còn bị giam tại trại Voutrouzou, đức Hộ Pháp có sáng kiến giúp đỡ dân bản xứ ở chung quanh trại giam biết sử dụng cối xay lúa và cối giã gạo, vì dân tộc Madagascar lúc bấy giờ còn lạc hậu, chỉ biết giọt lúa, chớ chưa biết xay lúa theo phương pháp của người Việt Nam đã sử dụng từ lâu. Được sự hướng dẫn sử dụng cối xay lúa, đồng bào Madagascar vô cùng mừng rỡ, và cám ơn đức Hộ Pháp đã nhiệt tình giúp đỡ chỉ dẫn cho họ biết sử dụng cối giả gạo, làm cho hạt gạo càng trắng thêm, và còn được thêm một số cám nhuyễn để làm bánh in ăn hàng ngày. Hơn nữa, có một năm bị hạn hán, các giếng nước đều bị khô cạn, đồng bào Madagascar đang lâm nguy lo lắng, thì đức Hộ Pháp hướng dẫn lấy nước từ trong khe suối đưa về bằng những ống tre nối tiếp từ sườn núi chạy về tận thung lũng cho đồng bào có nước dùng, như thế đồng bào Madagascar được thoát qua cơn hạn hán.

Đồng bào Madagascar từng sống dưới cảnh lệ thuộc Pháp, rồi Anh Quốc cai trị, nên rất thông cảm cho 23 vị Chánh Trị Phạm Việt Nam đang tạm sống trên lãnh thổ Madagascar chờ ngày trở về quê hương. Sau khi chánh phủ Pháp lập bang giao với Madagascar, ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Madagascar liền đề cập với ông Đại Sứ Pháp tại Madagascar về vấn đề giao trả tự do cho 23 Chánh Trị Phạm Việt Nam mà chánh phủ Pháp đã đưa đến giam cầm Madagascar vào năm 1941 về Việt Nam càng sớm càng tốt. Nhờ sự nhiệt tình của ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Madagascar, nên ông Đại Sứ Pháp tại đây phải phúc trình về chánh phủ Pháp tại Paris lo phương tiện di chuyển 23 vị Chánh Trị Phạm về Việt Nam. Mãi đến giữa năm 1946, mới có một chuyến tàu buôn của Pháp cập bến Quân Cảng Diego Suarez để rước 23 chánh trị phạm do Đại Sứ Pháp đôn đốc sự chuyển vận, cùng chào tạm biệt, 23 Chánh Trị Phạm đều xuống tàu trở về Việt Nam bình yên. Nổi khổ tâm của đức Hộ Pháp lúc bấy giờ là trong 6 vị Chức sắc bị thực dân Pháp bắt đày qua Madagascar, hôm nay được trở về quê huương xứ sở đoàn tụ gia đình, mà lại vắng bóng 2 vị Chức sắc là Giáo Sư Thái Gấm Thanh và Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển, đã gởi nấm xương tàn trên lãnh thổ Madagascar, chỉ còn 4 vị Chức Sắc già nua, ốm yếu, tóc bạc phơ. Khi chiếc tàu buôn vừa cập bến Cap Saint Jacques Việt Nam (nay là vũng Tàu), thì chánh quyền Pháp tại tỉnh này cho lịnh rước đức Hộ Pháp lên bờ, còn lại 22 Chánh Trị Phạm thì cho di chuyển qua một chiếc tàu nhỏ hơn, rồi đưa thẳng vào bến Nhà Rồng Sàigòn.

Sau khi được đưa lên đất liền, tỉnh lỵ Cap Saint Jacques, đức Hộ Pháp được nhà cầm quyền Pháp lưu giữ lại 3 ngày, chờ có chuyến phi cơ để đưa về SàiGòn một cách âm thầm, không thông báo cho Hội Thánh, hoặc người trong gia đình biết. Đến khi chiếc xe hơi chở đức Hộ Pháp đến tận nhà ông Sĩ Tải Nguyễn Văn Hợi, đường Colonel GriMaud (nay là đường Cống Quỳnh), đức Hộ Pháp đi thẳng vào nhà thì gặp Hiền Huynh Giáo Sư Thượng Sách Thanh đang ngồi trong nhà, thình lình nhìn thấy đức Hộ Pháp bước vào nhà, Giáo Sư Thượng Sách Thanh liền chạy đến ôm chồm lấy đức Hộ Pháp, xúc động, nghẹn ngào, đổ lụy, không nói ra lời, sau 5 năm 3 tháng 2 ngày xa cách. Được nghe có tiếng vang động ở nhà trên, ông Sĩ Tải Hợi cùng một số chức sắc ở nhà dưới liền chạy lên thì gặp ngay đức Hộ Pháp, hết sức vui mừng không sao tả xiết. Đức Hộ Pháp phải tạm ở lại nhà ông Sĩ Tải Hợi 3 ngày để lo thủ tục trình báo tại SàiGòn, và sau đó được ông Sĩ Tải Hợi và Giáo sư Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh) đưa về Tòa Thánh Tây Ninh. Đức Hộ Pháp ngồi trên xe của Giáo sư Thượng Vinh Thanh, còn xe của ông Sĩ Tải Nguyễn Văn Hợi thì chở một số chức sắc tháp tùng chạy theo đoàn xe hộ tống của quân đội Pháp vừa chạy mở đường, vì lúc bấy giờ đường lưu thông SàiGòn-Tây Ninh rất khó khăn, thường bị Việt Minh ngăn chận, nên bắt buộc các loại xe tư nhân phải chờ đến ngày có xe quân đội Pháp chạy mở đường thì mới chạy theo. Một tuần lễ chỉ có 2 chuyến xe quân đội Pháp mở đường hộ tống, nên mãi đến ngày 22-6-1946, đức Hộ Pháp mới được đưa về tới Tòa Thánh Tây Ninh, trước hàng vạn Tín Hữu và Chức Sắc nam nữ, cùng binh sĩ Cao Đài ngưỡng vọng nghinh tiếp vô cùng trọng thể. Vừa bước chân tới Tòa Thánh thì đã có sẵn binh sĩ Cao Đài là nỗi bâng khuâng của đức Hộ Pháp trước làn tên mũi đạn của Việt Minh kháng chiến và quân đội Pháp, và nhất là đồng bào, cũng như Bổn Đạo Cao Đài đang sống bơ vơ không nơi nương tựa. Đức Hộ Pháp ngậm ngùi than rằng: "Còn thiếu 1 năm 10 tháng mới may ra giải khổ nạn ách cho dân tộc Việt Nam chấm dứt được, lẽ dĩ nhiên luật công bình thiêng liêng của tạo hóa, ta dầu muốn cũng không thể sửa cải được".

Cả Hội Thánh, Chức sắc và Bổn Đạo làm sao thấu rõ lời "tiên đoán" vận mạng của nước nhà sau 5 năm 3 tháng 2 ngày bị tù đầy ở Madagascar (Phi Châu), mới trở về cố quốc đã trở thành hiện thực buổi sau này. Có phải chăng đức Hộ Pháp đã "tiên đoán báo hiệu" cho Hội Thánh, Chức Sắc và toàn thể Bổn Đạo nam nữ biết trước rằng: đức Ngài còn phải chịu thêm một lần khổ hạnh nữa, phải lưu vong, rồi bỏ xác nơi đất khách quê người, cũng như Văn Vương phải chịu thọ nạn khổ hạnh 7 năm nơi Vũ Lý, đã gầy dựng sự nghiệp nhà Châu buổi nọ. Vào ngày 16-2-1956, đức Hộ Pháp một lần khổ hạnh nữa, tự nguyện lặng lẽ rời khỏi Tổ Đình Tòa Thánh Tây Ninh cùng với một số Chức Sắc thân tín lưu vong qua nước Cao Miên, nơi đây Ngài đã đề xướng Chánh Sách Hòa Bình Chung Sống, dung hòa 2 khối Cộng Sản và Tư Bản, cả hai đều là con cái của Thượng Đế, phải sớm biết nhau và tương nhượng nhau trong tình huynh đệ, để rồi đức Hộ Pháp thoát xác qui thiên ngày 17-5-1959 với lời di ngôn: "Bần đạo cùng chung chịu cảnh chia đôi của đồng bào 2 miền Nam Bắc Việt Nam, Bần đạo đã tiên liệu rồi, việc phải đến sẽ đến, nước nhà chưa thống nhất thì gấp gì mà hồi loan. Vậy phải bình tâm chờ một thời gian nữa sẽ thấy thiên cơ xoay chuyển có lợi cho Việt Thường về mặt tinh thần".

Đức Hộ Pháp thường nhắc nhở và phán dạy Bổn Đạo: Ngày nay đức Chí Tôn, đức Thượng Đế tối cao, tối trọng đến hoằng khai đạo Cao Đài. Nghĩa là đem đến đền thờ cao và đức tin lớn tại thế này để gây dựng nên nền Đại Đạo, mượn một sắc dân hèn hạ, nhỏ bé ở hướng Á Đông là Việt Nam cho lời tiên tri "Đạo Xuất Ư Đông", đúng với Thánh ý chìu lụy, hạ mình của Thầy, lập thành Hội Thánh Cao Đài làm hình thể của Thầy hầu cầm cho đặng dùi trống lôi âm dục vọng truy hồn, nắm cho chắc chày chuông Bạch Ngọc đặng trổi hơi định tánh, làm cho con cái Ngài thức tỉnh nhìn thấy nhau mà trở về quê cũ. Tuy Thầy hạ mình chìu lụy để làm gương cho Hội Thánh, xét ra quả nhiên thấy rõ ràng Thầy tránh khỏi mang xác thân hèn hạ của kiếp sanh làm người, đến thế với một thể thống vinh diệu thiêng liêng không hình mà làm cho chúng ta thấy, không nói mà chúng ta nghe, giao cho chúng ta giữ trọn quyền hành của Ngài nơi tay mà điều đình mối đạo. Cái oai quyền ấy có ảnh hưởng cho nền đạo biết là bao, Thầy dùng phép lương tâm, quyền tình ái làm cho cả nhân loại thấy rõ mặt Thầy, hầu nhìn lẫn nhau trong Thánh Đức của Thầy mà cộng yêu hòa ái: "Cộng Hòa! Cộng Hòa!" ấy là hai lời Châu Ngọc của Thầy để vào lòng của mọi người, mình biết cộng hòa mới làm cho cả xã hội quốc dân cộng hòa, rồi làm gương cho rực rỡ quang minh, mà truyền bá cả tư tưởng cao thượng ấy cho ra khắp toàn cầu, cho cả nhân loại đặng cộng hòa đại đồng thế giới. Ấy là phận sự tối cao tối trọng của Thầy đã phú thác cho chúng ta, nếu chúng ta không xem phận sự ấy trọng hệ, lại vì công danh, quyền lợi mà thù nghịch lẫn nhau, từ Thầy phản bạn, thì chúng ta có đáng làm con cái, tôi tớ của Thầy chăng?

Thầy thì sợ phàm tâm, tục tánh nên lập luật pháp rất nghiêm để buộc cả Hội Thánh kết hợp lại với nhau thành một đại gia đình. Luật thì có tân luật, pháp thì có Pháp Chánh Truyền, Quyền thì có Tòa Tam Giáo, ấy là cái còi, cây gậy, hàng rào thiêng liêng đang lùa cả đàn chiên của Thầy hợp chung lại với nhau làm một. Nhưng tiếc thay! Kẻ chăn chiên chẳng biết lóng tiếng còi, đoàn chiên không kiên ghê cây gậy, hàng rào thưa rịch thưa rang, để đến nỗi bầy sói lũ hùm bắt chiên Thầy phân thây xé thịt!

Tại Hội Thánh cũng chưa nên Hội Thánh, chức sắc thiên phong có cũng như không, có bóng không hình, làm cho thân Thầy không đủ quyền hành mà xoay chuyển thiên thơ (Plan Divin) hầu đối địch quyết thắng tà mưu nhiều hại. Cả Thánh Ngôn của Thầy dạy dỗ chúng ta từ buổi khai đạo đến chừ đã hiện thành chơn pháp, tân pháp, mà ngày nay chúng sanh còn chưa hiểu thấu. Phần nhiều người lạm dụng vào bậc thiên phong, lấy tà tâm bẻ bai biếm nhẻ, chớ chẳng chịu truyền bá lời lành làm cho kẻ đạo tâm xiêu đường lạc ngỏ. Nếu cơ đạo dường này thì chúng ta mong chi tận độ chúng sanh và thành lập thể đạo cho được. Đạo có thể pháp làm ngoại dung, và bí pháp làm nội dung, mà thể pháp tác thành 10 điều chẳng đặng 3, còn bí pháp thì chưa ai hiểu thấu. Điều này làm cho đạo mất giá trị trước mặt chúng sanh, đức tin càng ngày càng khuyết giảm, để cho các Tôn Giáo khác công kích chánh truyền mà hại cho người hết lòng vì đạo phải ngại ngại lo lo về điều hư thiệt. Bởi cớ nên biết bao Tiên, Phật đã giáng trần cùng khắp Thái Tây cho tiên tri về nền chánh giáo, những người bền vững cần tu mới mong giữ vẹn đức tin nhập vào cửa đạo. Cơ khảo đạo ngày nay xem quả vậy.

Bần đạo tưởng chúng ta đã nặng mang trách nhiệm nơi mình, mà nếu chúng ta không có đởm tâm liệu mình tự xử, thì mong minh đoán cùng ai? Bần đạo nói thẳng rằng, tại nơi lòng thành yếu ớt của chúng ta không dụng cả công tâm mà điều đình chánh giáo, lại để nể nể vì vì, làm gương xấu cho kẻ khác, tiếng bua danh, gây phe đảng, lập tư riêng làm nên thế lực, ngày nay đã có độc lập tự quyền cũng do bởi đó. Trong mình chúng ta có 2 người: một là Ta, hai là chức sắc thiên phong, nghĩa là tôi tớ của Thầy, với chúng ta dầu cho tan xương, nát thịt với một kiếp sống thừa này không chi rằng hại, duy hại là hại cho phận sự thiêng liêng. Nếu chúng ta không biết cao trọng mà giữ tròn trách nhiệm đặng bảo thủ cái cơ nghiệp chung của cả nhân sanh, là đạo ngày nay đây thì cái tội tình trước mắt Thầy tính coi bao lớn?

Vậy thì chúng ta nên chung công hiệp sức cùng nhau kể từ đây nhất định chẳng cho ai phạm quyền mình, vì quyền mình là quyền Thầy, dầu cho còn một mặt tín đồ đi nữa thì Hội Thánh cũng phải giữ quyền Hội Thánh, xúm xích nhau, mạnh yếu, tùy phương bảo thủ, cây Cờ Đạo của Thầy là Tòa Thánh. Gắng tạc thành sừng sửng tại miền cực đông nơi Nam Việt này một cái Cao Đài, đặng làm ngọn đèn soi sáng đến cảnh cộng hòa của toàn thế giới.

Thiết nghĩ đã trên 50 năm qua, đức Hộ Pháp đã để lời phán dạy: nhắc nhủ toàn cả chức sắc và bổn đạo nam nữ phải đoàn kết thương yêu, công bằng đối xử lẫn nhau để dành giữ bảo thủ cơ nghiệp Đại Đạo hôm nay trở thành hiện thực, và lời tiên đoán của Ngài mãi mãi ghi sâu vào tâm não của mỗi Tín Hữu đời đời kiếp kiếp ... Mục tiêu chánh yếu của đạo Cao Đài là lo cho toàn thiên hạ được tự do, hạnh phúc, vì lý do cao cả ấy mà đức Hộ Pháp phải trọn hy sinh. Vì lẽ bất công đương nhiên mà đức Chí Tôn đã giáng cơ phán dạy: "Ngày nào còn tồn tại một lẻ bất công trên mặt thế này thì đạo chưa thành".

Đức Hộ Pháp hằng hướng dẫn và huấn giáo chức sắc cùng cả Bổn đạo:

I - PHƯƠNG LUYỆN KỶ ĐẶNG VÀO CON ĐƯỜNG THỨ BA ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

- Phải biết thân thích cùng cả nhân vật, tức là tìm nguyên do của vạn linh cùng chí linh.

- Phải ân hậu và khoan hồng.

- Phải thanh nhàn đừng vị kỷ.

- Phải bình tĩnh, nghĩa là đừng chịu ảnh hưởng của họa phước buồn vui. Tập tánh không không, điềm nhiên, vui cũng vui, buồn cũng buồn, nhưng đừng để nọc buồn vui xâm nhập vào chơn tánh.

- Phải độ lượng khoan dung tha thứ.

- Phải vui vẻ điều hòa, tự chủ và quyết đoán.

- Phải giữ linh tâm làm văn bổn, hiếu hạnh với Chí Tôn và Phật Mẫu.

II - PHƯƠNG PHÁP TRỊ TÂM VÌ TÂM LÀ HÌNH ANH THIÊN LƯƠNG:

- Đức tin và khôn ngoan là kho chí bửu.

- Ai đã cố oán kẻ thù mình thì khó giữ thanh tâm công chánh cho đặng.

- Ai chẳng oán hận mới thắng được kẻ thù nghịch cùng mình.

- Sự cừu hận là khối thảm khổ đệ nhất của nhân sanh, nên người hiền thì không biết đến hay là từ bỏ cừu hận oán ghét.

- Thắng đặng khí nộ mình thì không chọc ai giận dữ.

- Lấy thiện mà trừ ác.

- Lấy nhân nghĩa trừ bạo tàn.

- Lấy lòng quảng đại mà cởi mở tâm lý hẹp hòi.

- Lấy chánh trừ tà.

- Ấy là đường thương huệ kiếm.

III - LUYỆN THÂN LUYỆN TRÍ:

- Ẩm thực tinh khiết.

- Tư tưởng tinh khiết.

- Tin tưởng mạnh mẽ nơi Chí Tôn và Phật Mẫu.

- Thượng yêu vô tận.

- Ấy là chìa khóa mở cửa Bát Quái Đài tại thế này.

Đức Hộ Pháp vì hạnh phúc của nhân loại mà quyết tâm thực hiện cho kỳ được bác ái, công bằng, vị tha và đại đồng thế giới. Người Tín Hữu Cao Đài đã trọn hy sinh xương máu từ thuở khai sinh đạo cho đến bây giờ cũng chỉ vì mục đích ấy. Muốn cho đạo Cao Đài có giá trị nơi mặt thế này mà đi chưa tới mục tiêu ấy, tức là công trình cấy lúa trên đá vậy! Trước hoàn cảnh hổn loạn của đất nước Việt Nam lúc bấy giờ, đồng bào đang tranh tối, tranh sáng, người Tín Hữu Cao Đài đang sống dưới 2 làn tên mũi đạn của quân đội Pháp và Việt Minh. Với trọng trách là Hộ Pháp, Chưởng quản Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng, đức Hộ Pháp triệu tập đại hội Nhân Sanh, hầu chấn hưng nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và phục quyền Vạn Linh.

Nhân ngày đại lễ vía Đức Chí Tôn, mùng 9 tháng Giêng năm Đinh Hợi (1947) đức Hộ Pháp long trọng nhắc nhở Chức sắc và phán dạy Bổn đạo: "Đừng để ngoại bang xâm nhập vào nội quyền Việt Nam đưa đến cảnh tương tàn, tương sát, và làm một món hàng cho các cường quốc đổi chác". Thể hiện tấm lòng ưu ái trước bao áp lực, đức Hộ Pháp để lời phán dạy: "Hồ Chủ Tịch đánh, Bần đạo đòi, kẻ đánh người đòi, nhất định nước Việt Nam sẽ độc lập, tự do", với chủ trương bất bạo động "Bất chiến tự nhiên thành" đức Hộ Pháp hằng giải thích cho Chức Sắc và Bổn Đạo biết rõ đường lối bất bạo động chủ trương có điểm đặc biệt là không chọc tức một ai! (Đường lối bất bạo động của Thánh Gandhi trước kia, đôi khi còn gây bực tức cho người Anh.) Người Tín Hữu Cao Đài mãi ghi nhớ lời phán dạy của đức Hộ Pháp: "Bần đạo lúc nào cũng không muốn giải quyết vận mạng nước nhà bằng quân lực, mà phải dùng phương pháp đạo đức đặng đem hòa bình hạnh phúc lại cho giống nòi".

Xét thấy sơ ước 6-3-1946 ký kết giữa Hồ Chủ Tịch và Sainteny thì chánh phủ Pháp không thật tâm giải quyết vấn đề Việt Nam trên bàn Hội Nghị, thay vì chánh phủ Pháp phải hội đàm với phái đoàn chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Hồ Chí Minh dẫn đầu diễn ra tại Paris, nhưng chánh phủ Pháp lại né tránh đưa Hội Nghị về Foutainebleau để thảo luận, và hiệp định Foutainebleau được ký kết ngày 14-9-1946 giữa Tổng Trưởng bộ ngoại giao M. Marius Noutet và Hồ Chí Minh Chánh Phủ Việt Nam Dân Chủ cộng Hòa. Tiếp theo là chánh phủ Pháp chỉ thị cho quân đội Pháp tại Việt Nam tấn công "đánh chiếm" Hải Phòng ngày 20-11-1946, gây cảnh tang tóc cho đồng bào Việt Nam. Mãi đến ngày 19-12-1946, đúng 8 giờ sáng, tiếng súng tổng tấn công của Việt Minh mới bắt đầu nổ trên toàn quốc. Bao thảm trạng thương tâm đã đến với đồng bào và bổn đạo Cao Đài, gánh lấy sự trả quả vô cùng tàn bạo của quân Pháp lúc bấy giờ, và lệnh "tiêu thổ kháng chiến" đã ban hành.

Không thể ngồi yên trước làn tên mũi đạn của Pháp và Việt Minh kháng chiến, đức Hộ Pháp có văn thư gởi đến cụ Chủ Tịch Hồ Chí Minh xin cứu xét lại lệnh "tiêu thổ kháng chiến" bởi bên Trung Quốc người đông đất rộng có thể áp dụng được, còn nước Việt Nam quá nhỏ bé! Ngày 12-8-Đinh Hợi (1947) đức Hộ Pháp đến viếng thăm trường Qui Thiện (Trí Giác Cung) do Hiền Huynh Đinh Công Trứ làm chủ trưởng, nhìn thấy trường Qui Thiện thượng lá cờ trắng (bạch kỳ) đức Hộ Pháp liền giải thích cho Hiền Huynh Đinh Công Trứ biết rõ ý nghĩa cà bạch kỳ "về ý nghĩa của lá cờ trắng là biểu tượng cho Hòa Bình, nhưng lá cờ trắng chỉ dùng khi nòi giống trong nước xô xác nhau, cốt nhục tương tàn khốc liệt, vô phương cứu chửa, thì ngày ấy mới đúng ý nghĩa của nó".

Đức Hộ Pháp nhắc lại lịch sử thuyết Nhan Hồi, tức ông Nhan Uyên, học trò của đức Khổng Phu Tử trước kia, để cho Hiền Huynh chủ trưởng trường Qui Thiện hiểu rõ thêm giá trị của lá cờ trắng, (và lá cờ trắng tại trường Qui Thiện được hạ xuống). Cầm bạch kỳ xông pha ra giữa chiến trường để giải thích cho đôi bên nghe, và hiểu điều hơn lẽ thiệt, giúp cho đôi bên thấu triệt đạo nghĩa, hầu lui binh, tránh cho nhân sanh khỏi thảm họa tiêu diệt lẫn nhau. Đó là chủ thuyết của Thầy Nhan Hồi mà đức Hộ Pháp vừa sơ lược "sử tích" để chỉ dẫn cho Hiền Huynh Đinh Công Trứ, chủ trưởng trường Qui Thiện, và cũng là một sự tiên ứng sau này. Đó là sau khi Hiệp Định Génève 20-7-1954 không được tôn trọng, đức Hộ Pháp đề xướng Bản Cương Lĩnh Chính sách Hòa Bình Chung sống ngày 26-3-1956. Chỉ định cho Trung Tá Lê Văn Thoại (nay là Hữu Phan Quân HTĐ) hướng đưa một phái đoàn mang bạch kỳ (cờ trắng) ra tận nhịp cầu thứ 2 của cây cầu Hiền Lương (Bến Hải) thuộc vĩ tuyến 17, là nơi ranh giới chia đôi Nam-Bắc Việt Nam, để thượng bạch Kỳ lên, hầu kêu gọi chánh phủ 2 miền Nam-Bắc đừng "tuân lịnh" ngoại bang xúi giục, mà gây cuộc tương tàn, nồi da xáo thịt, như thảm họa Chúa Nguyễn - Trịnh phân tranh trước kia vậy. Ngày 17-1-1949, đức Hộ Pháp có văn thư số: 115/HP-TTVP. gởi cho Thượng Sứ Pháp tại Đông Dương và Đại Tướng Blaizot, Tổng Tư Lịnh Quân Đội Pháp tại Viễn Đông biết rõ về đường lối trung lập của Tôn Giáo Cao Đài. Nội dung văn thư viết ...... sự hiện diện những tổ chức Quân Bị Cao Đài chúng tôi đã đến giai đoạn không cần thiết nữa, chúng tôi sẽ đứng Trung Lập, và đó là lập trường sau này của chúng tôi. Chúng tôi để cho nhà binh Pháp tự do định liệu ngày giờ chúng tôi giao hồi khí giới, ước mong được sớm ngày nào tốt ngày nấy. Còn đối với Việt Minh kháng chiến thì thuộc về nội bộ người Việt Nam chúng tôi tự giải quyết cùng nhau......

Vì lòng ái quốc thương sanh, vì sự tồn vong của tổ quốc và giống nòi, đức Hộ Pháp không thể điềm nhiên để cho ngoại bang mưu đồ áp đặt dày xéo đồng bào, nên sau khi nghe tin Pháp và Việt Minh ký hiệp ước chia đôi Hoàng Đồ Việt Nam tại bàn hội nghị Génève 1954, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Đức Hộ Pháp liền gởi một bức thư không niêm cho cụ Chủ Tịch Hồ Chí Minh, trình bày ý kiến và cho biết giống nòi Việt Nam không thể chia đôi, toàn cả Quốc Dân không chịu cuộc nội chiến do Ngoại Bang áp đặt, như nội chiến giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn thuở trước. Với trọng trách của đức Cao Đài Thượng Đế giao phó, đức Hộ Pháp có sứ mạng đặc biệt là làm thế nào giải ách lệ thuộc cho nòi giống, và bảo thủ Hoàng Đồ Việt Nam.

Đức Hộ Pháp biết trước mưu đồ của Ngoại Bang muốn áp đặt chia đôi đất nước Việt Nam nên vào đêm rằm tháng 4 năm Giáp Ngọ (17-5-1954) đứng trước Giảng Đài Đền Thánh, đức Hộ Pháp can đảm nhận lãnh trách nhiệm hướng dẫn cả Chức Sắc và Bổn Đạo làm một Giáo Sư hòa giải 2 khối Cộng sản và Tư Bản đang tranh giành quyền bá chủ, thề không đội trời chung, kẻ mất người còn. Đức Hộ Pháp có điện văn "phản kháng" gởi cho Tứ Cường tại Hội Nghị Génève đủ chứng tỏ lòng thiết tha yêu nước, yêu chủng tộc của một vị lãnh đạo Tôn Giáo, một đấng cứu thế kỳ ba đầy lòng bác ái, nhiệt tình lo phương cứu khổ cho nhân loại nói chung, cho nòi giống Việt Nam nói riêng. Kể ra chủ thuyết Trung Lập Việt Nam lúc bấy giờ do Tôn Giáo Cao Đài đề xướng không phải là một việc đơn giản đối với chánh quyền Pháp đang triệt để chống Cộng Sản.

Thiết nghĩ vào đầu năm 1949, đức Hộ Pháp đã có văn thư chánh thức bày tỏ cho Thống Sứ Pháp và Đại Tướng Blaizot biết rõ đường lối Trung Lập của đạo Cao Đài sau này, cùng giao trả vũ khí của Binh Sĩ Cao Đài sớm ngày nào tốt ngày nấy. Chứng tỏ lập trường Trung Lập cố hữu của Tôn Giáo Cao Đài, cũng là một hành động không kém phần nguy hiểm.

Được tin Pháp và Việt Minh bị áp lực phải tuân lệnh của Ngoại Bang chia đôi nước Việt Nam tại bàn hội nghị Génève, đức Hộ Pháp liền gởi cho Tứ Cường tại hội nghị Génève 1954 một bức điện văn "phản kháng" Ngoại Bang xâm nhập chủ quyền Việt Nam, cố tình áp đặt chia đôi nước Việt Nam. Trước khi gởi bức điện văn "phản kháng" tới Tứ Cường, đức Hộ Pháp có nhã ý yêu cầu Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đồng ký tên trong bản điện văn, nhưng Thủ Tướng Ngô Đình Diệm hồi đáp đức Hộ Pháp bằng một văn thư, là xin đức Hộ Pháp tự ký tên đặng gởi đi, chứ người không thể ký tên chung vào một điện văn với đức Hộ Pháp được.

Người tín hữu Cao Đài làm sao quên được lời tiên đoán phán dạy của đức Hộ Pháp. "Đức Chí Tôn đến lập một nền Chánh Đạo này tại cõi Đông Dương là cốt làm cho kẻ bị hiếp đáp được mạnh mẽ, kẻ hiền lương sẽ làm Thầy kẻ hung dữ, ấy là công bằng thiêng liêng của tạo hóa. Phải giữ đạo đức cho bền, còn sự chi nghịch với chơn đạo là mưu chước của Tà Quái. Hết phạt đến thưởng là thường lệ. Đức Chí Tôn đã cho họ hưởng cái quả mà họ đã có công gieo trồng và vun xới, khi hiểu rồi thì phạt là thưởng, thưởng là phạt. Tóm lại, chỉ là định luật, có công gieo cái gi thì được hưởng cái nấy".

Xã hội đại đồng không phải là ảo tưởng, chắc chắn phải được hình thành, được xây dựng nên bằng ý chí của Thượng Đế, không phải bằng vũ khí, bạo lực, sắc máu, mà nhờ sự hiểu biết, nhờ trình độ tiến hóa, đạo đức và tinh thần đại đồng của con người. Tất cả từ cội nguồn Phật, Chúa, Lão, Khổng, hay các Giáo Chủ khác đều được Thượng Đế giao sứ mạng xuống thế vào những thời kỳ khác nhau, ở những địa phương khác nhau để hoằng hóa mối đạo, mở trí khai tâm cho các sắc dân trên mặt địa cầu biết điều thiện lành, đạo đức, hầu tiến hóa trở về với Thượng Đế, bởi các đấng đã giáng trần khắp cả hoàn cầu. Hơn nữa là vào năm 1926, đức Chí Tôn đã giáng cơ chỉ dạy: "Chẳng những ngày hôm nay Thầy mới đến với các con, dân tộc Việt Nam nhỏ bé, mà Thầy đã cho nhiều chơn linh xuống thế, ngày nào được nghe tiếng còi thì các Chơn linh ấy sẽ về qui hiệp cùng Thầy".

Kỷ Nguyên Thánh Đức là ngươn của thế giới đại đồng, xã hội này được dựng lên bởi con người biết yêu thương kính trọng nhau, xem nhau như huynh đệ, không còn phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, giai cấp. Con người của xã hội này phải có trình độ cao về đạo đức tinh thần và lòng từ bi bác ái.

Với Tôn Giáo Cao Đài, hòa là tôn chỉ, chiến là mục tiêu phải sang bằng, nên đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc thường nhắc nhở Chức Sắc và Bổn Đạo nam nữ phải nêu cao ngọn cờ cứu khổ "bất chiến tự nhiên thành". Ngày nào Hội Thánh nam nữ còn tưởng nhớ đến Bần Đạo, thì Bần Đạo chỉ xin một điều là hợp sức với nhau chung lo gìn giữ tất cả các cơ quan chánh trị đạo để cùng nhau chuyển thế. Lời phán dạy đó phải chăng là một sự tiên đoán vận mạng nền Đại Đạo sau này? Nhưng than ôi! Hội Thánh không ra Hội Thánh! Vài chiếc áo Cửu Trùng làm sao cứu nỗi đại nạn này.

Ngày 18 tháng 4 năm Giáp Ngọ (20-5-1954) đức Hộ Pháp hướng dẫn một phái đoàn chức sắc Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất (SàiGòn) vào lúc 9 giờ sáng lên đường đi Paris để hội kiến với Tổng Thống Pháp René Coty tại điện Elysées. Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài đến Paris tạm nghĩ tại Hotel Georges V., nơi đây đức Hộ Pháp đã tiếp kiến với nhiều chánh khách Việt, Pháp đến vấn an trong tình thân mật thông cảm lẫn nhau. Vào lúc 14 giờ ngày 24-5-1954, Thủ Tướng Laniel tiếp kiến và hội đàm thân mật với đức Hộ Pháp tại điện Matignon (Paris).

Vào lúc 15 giờ ngày 27-5-1954, ông Bộ Trưởng Mecheri thay mặt Tổng Thống Pháp Réne Coty đến tận Hotel Georges V. chào mừng xã giao đức Hộ Pháp và chuyển đệ lời mời của Tổng Thống là: đúng 18 giờ 30' ngày 28-5-1954 Tổng Thống Réne Coty sẽ tiếp kiến đức Hộ Pháp tại điện Elysóes.

Chiều đến, đức Hộ Pháp và phái đoàn tùy tùng rời Hotel Georges V., lên xe đến thẳng điện Elysées, được ông Bộ Trưởng Mecheri tiếp đón (theo nghi lễ Quốc Khách) nồng hậu và mời đức Hộ Pháp cùng phái đoàn vào sảnh đường điện Elysées.

Đồng hồ trên tường vừa thánh thót đồ báo hiệu 18 giờ 30' thì Tổng Thống Réne Coty bước ra phòng khách bắt tay chào mừng đức Hộ Pháp và phái đoàn tùy tùng. Đồng thời Tổng Thống cho mời các cộng sự viên tại Tổng Thống Phủ đến chào mừng đức Hộ Pháp và tự giới thiệu từng cộng sự viên với phái đoàn Chức Sắc.

Cuộc hội đàm rất thân mật, Tổng Thống Réne Coty có hứa lời với đức Hộ Pháp là sẽ hội kiến với Thủ Tướng Lanniel để sớm ký kết hiệp ước Pháp-Việt, trao trả chủ quyền Độc Lập cho Quốc Gia Việt Nam.

Sau buổi hội kiến và đàm đạo trong tình thân mật, Tổng Thống mời đức Hộ Pháp và phái đoàn bước sang phòng tiệc tiếp tân dùng bửa cơm chay. Buổi cơm chay tại Tổng Thống Phủ rất đậm đà thân thiết Pháp-Việt kéo dài trên một tiếng đồng hồ, và cũng là cơ hội duy nhất để Tổng Thống Réne Coty biết rõ thêm về Tôn Giáo Cao Đài, một Tôn Giáo được khai sáng trên đất nước Việt Nam vào năm 1926.

Mặc dầu đã được Tổng Thống nhắc nhở, nhưng Thủ Tướng Laniel vô cùng tế nhị, khéo léo trì huởn, chờ cho đến ngày mùng 5 tháng 5 năm giáp Ngọ (4-6-1954) là ngày sinh nhật đức Hộ Pháp, Thủ Tưóng Laniel mới ký kết 2 hiệp ước trao trả chủ quyền độc lập cho quốc gia Việt Nam với Thủ Tướng Bửu Lộc, chánh phủ Cộng Hòa Việt Nam.

Đúng 19 giờ đêm 4-6-1954, các quan khách Pháp, Việt lần lượt đến dự lễ sinh nhật đức Hộ Pháp được tổ chức tại Hotel Georges V. Thủ Tướng Laniel trình bày cho đức Hộ Pháp rõ là ông ta đã ký kết xong 2 bản hiệp ước trao trả chủ quyền cho quốc gia Việt Nam, đúng như lời Tổng Thống René Coty đã hứa hẹn với đức Hộ Pháp tại điện Elysées 28-5-1954. Và bày tỏ với đức Hộ Pháp: sở dĩ việc ký hiệp ước trao trả chủ quyền cho quốc gia Việt Nam có phần chậm trể đến hôm nay là vì chánh phủ Pháp muốn làm món "quà kỷ niệm" chào mừng ngày sinh nhật của đức Hộ Pháp, một phương cách ngoại giao của chánh phủ Pháp vô cùng tế nhị đối với vị lãnh đạo Tôn Giáo Cao Đài, một đối tượng đáng ngại với chủ thuyết "Bất chiến tự nhiên thành".

Trước bối cảnh chánh trị của nước Việt Nam lúc bấy giờ vô cùng đen tối, ngoại bang định chia đôi nước Việt Nam trên bàn hội nghị Génève, đức Hộ Pháp biết rõ là Mỹ sẽ thay chân Pháp và đang còn thương lượng dàn xếp cho Ngô Đình Diệm thay thế Thủ Tướng Bửu Lộc, mà Đại Tá Edward Lansdale (Mỹ sẽ là cố vấn cho Ngô Đình Diệm sau này) đã nhận được chỉ thị mật, cần nhanh chóng chận đứng mọi ý đồ của Pháp tại Việt Nam, Ngô Đình Diệm sẽ về SàiGòn ngày 25-6-1954. Còn đang viếng thăm các cung điện tại Thủ Đô Paris, được tin ngoại bang định áp đặt chia đôi nước Việt Nam.trên bàn hội nghị Génève 1954, đức Hộ Pháp lo âu về nỗi thống khổ của một dân tộc đã từng bị chia đôi lãnh thổ Nam-Bắc giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn, nên đức Hộ Pháp và phái đoàn tùy tùng lên 2 chiếc xe Simca rời khỏi Paris, trực chỉ Génève để biết rõ thiệt hư. Khi xe của phái đoàn vừa tới ranh giới địa phận nước Thụy Sĩ, thì đã có sẵn anh Nguyễn An Mỹ (con trai cụ Nguyễn An Ninh) túc trực tiếp đón đức Hộ Pháp và phái đoàn, cùng hướng dẫn đưa về Hotel Régina. Riêng anh Nguyễn An Mỹ thì từ giả phái đoàn trở về trụ sở Versoix báo cáo.

Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ thì anh Nguyễn An Mỳ hướng dẫn ông Trần Thanh Hà, Tổng Thư ký liên lạc của phái đòan chánh phủ VNDCCH đến Hotel Régina chào mừng đức Hộ Pháp, và chuyển lời kính mời đức Hộ Pháp và phái đoàn đến trụ sở Versoix.

Theo lời mời của ông Trần Thanh Hà, Đại huynh Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa đến trụ sở Versoix được sự tiếp đón của Thiếu Tướng Thanh sơn (tức Nguyễn Văn Tây, một thành viên quân sự trong phái đoàn chánh phủ VNDCCH.) trước sự hiện diện của Luật Sư Phan Anh, Bác Sĩ Lê Văn Chánh. Một cuộc gặp gỡ hi hữu của Thiếu Tướng Thanh Sơn và Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa sau bao năm xa cách từ năm 1945 tại chiến khu Châu Đốc, Miền Tây Nam Bộ, hôm nay tình cờ lại được hội ngộ với nhau trên đất khách quê người, Thiếu Tướng Thanh Sơn và Đại Huynh Bảo Đạo vô cùng xúc động, ôm choàng lấy nhau thắm thiết và không cầm được hai hàng giọt lệ tự nhiên lăng chảy...

Không phải ngẩu nhiên mà đã có nhiều phiên họp thảo luận tiếp xúc giữa 2 phái đoàn: Chánh Phủ VNDCCH. và phái đoàn Cao Đài từ đêm 28-6-1954, do Luật sư Phan Anh và Đại Huynh Bảo Đạo làm trưởng phái đoàn, những phiên họp này do ông Trần Thanh Hà và Nguyễn An Mỹ khéo léo cho xe trực đón phái đoàn Cao Đài tại công viên La Perle Du Lac để đưa đến trụ sở Versoix dự các phiên họp, tránh sự theo dõi của Công An ngầm Thụy sĩ.

Phái đoàn Cao Đài và phái đoàn VNDCCH đã trải qua nhiều buổi họp sôi nổi kể từ ngày 28-6-1954 liên tiếp cho đến ngày 5-7-1954, tuy nhiên vẫn chưa hé mở điểm then chốt là việc phái đoàn VNDCCH, Hà Nội chỉ thảo luận với chủ nhân ông của Miền Nam lúc bấy giờ là Pháp, chớ không biết tới sự hiện diện của Bác sĩ Trần Văn Độ, Trưởng phái đoàn Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa, SàiGòn. vì thế mà suốt một tuần lễ liên tiếp "hội đàm" giữa 2 phái đoàn VNDCCH và phái đoàn Cao Đài không đạt được kết quả mong muốn. Đức Hộ Pháp chỉ định cho Luật sư Trần Văn Tuyến và Đại Tá Phạm Xuân Thái tìm chọn một nhà hàng sang trọng, để mời phái đoàn VNDCCH dùng một buổi cơm thân mật để đáp lễ lại phái đoàn Hà Nội trong những phiên họp vừa qua tại trụ sở Versoix đã đài thọ cho phái đoàn Cao Đài.

Ông Trần Thanh Hà Tổng Thư Ký liên lạc của phái đoàn VNDCCH đến Hotel Régina xin diện kiến đức Hộ Pháp, trình bày cho biết là Thủ Tướng Phạm Văn Đồng và phái đoàn VNDCCH không thuận tiện đến dự buổi cơm ngoài trụ sở Versoix xin đức Hộ Pháp thông cảm và xin chuyển đệ lời của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng mời đức Hộ Pháp đến dự buổi cơm thân mật với Thủ Tướng tại trụ sở Versoix. Đức Hộ Pháp tỏ lời cám ơn, và xin từ khước dùng cơm, nhưng chấp nhận đến hội kiến với Thủ Tướng Phạm Văn Đồng vào lúc 19 giờ đêm 5-7-1954 tại trụ sà Versoix (Hotel Le cèdre, do chánh phủ Thụy sĩ dành riêng cho phái đoàn Hà Nội).

Để tránh sự dòm ngó và theo dõi của công An đặc biệt Thụy Sĩ, đức Hộ Pháp và đoàn tùy tùng lên xe song mã tại Hotel Régina đến công viên La Perle Du Lac, thi đã sẵn có 2 chiếc xe du lịch của anh Trần Thanh Hà và cậu Nguyễn An Mỹ túc trực đón tiếp lên xe trực chỉ đến trụ sở Versoix. Hai chiếc xe vừa ngừng trước trụ sở Versoix vào lúc 21 giờ đêm 5-7-1954, thì mưa bắt đầu rơi hột, nhưng từ bên trong trụ sở Thủ Tướng Phạm Văn Đồng và phái đoàn Chánh Phủ Hà Nội ra tận xe chào mừng thân mật. Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ôm choàng đức Hộ Pháp và hướng dẫn cả phái đoàn vào phòng khách trụ sở Versoix. Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ngồi chung với đức Hộ Pháp trên một cái ghế dài, ngay bức chân dung của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Ông luật sư Phan Anh ngồi bên cạnh phía tay mặt của đức Hộ Pháp, ông Việt Phương ngồi lấy tốc ký và biên bản sau lưng luật sư Phan Anh. Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước, ngồi bên cạnh tay trái của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Ngồi vòng quanh đối diện ghế của Thủ Tướng và đức Hộ Pháp gồm có qúi ông: Trần Công Tường, Bộ Trưởng công thương, Bác sĩ Lê Văn Chánh, Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa, ông Trần Thanh Hà, Nguyễn An Mỹ, Đại Tá Phạm Xuân Thái, Luật Sư Trần Văn Tuyên (sau này là phó Thủ Tướng Miền Nam).

Mở đầu buổi họp, đức Hộ Pháp nói: "Đồng bào rất biết ơn công kháng chiến của Việt Minh, nhưng vấn để giải phóng Việt Nam phải cho trọn vẹn, không thể đuổi Pháp đi, rồi rước Tàu, Nga vào cũng như tháo bỏ cái gông, rồi mang cái cùm vào. Toàn dân sẽ phán đoán!" Thủ Tướng Phạm văn Đồng đáp lời: "Chúng tôi biết rất rõ điều ấy và không bao giờ có thể xảy ra được" và Đức Hộ Pháp cũng trình bày rõ với Thủ Tướng Phạm Văn Đồng rằng: "người Pháp không thể ở mãi tại Việt Nam để thi hành hiệp định Génève được, người Mỹ sẽ thay chân người Pháp, thì dù sao chánh phủ Miền Nam do Bác sĩ Trần Văn Độ làm trưởng đoàn, cũng là một thực thể của chánh quyền Miền Nam lúc bấy giờ, vấn đề Việt Nam phải do người Việt Nam quyết định. Hai chánh phủ Nam-Bắc Việt Nam cần bàn bạc thào luận cùng nhau tốt hơn là trực tiếp hội đàm với phái đoàn Pháp". Đó là lời đức Hộ Pháp ân cần trình bày lẽ thiệt hư, bất lợi cho đồng bào, chủng tộc với Thủ Tướng Phạm Văn Đồng và phái đoàn chánh phủ Miền Bắc tại Génève đêm 5-7-1954.

Buổi hội thảo tiếp diễn trong bầu không khí cởi mở. Trước khi bế mạc, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng mời đức Hộ Pháp và phái đoàn Hội Thánh Cao Đài sang phòng kế bên dùng tiệc cháo chay và bánh ngọt. Trong buổi tiệc thân mật đức Hộ Pháp có nói với Thủ Tướng: "Bần Đạo đã cho xây cất xong một phủ thờ Tông Đường họ Phạm ở Tòa Thánh Tây Ninh, chừng yên rồi ông nhớ về đó!" Thủ Tướng tươi cười đáp lời: "dạ, chừng đó tôi sẽ về".

Trước khi đức Hộ Pháp và phái đoàn kiếu từ ra về, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng còn ôm hôn đức Hộ Pháp đầy tình thân mật đậm đà. Phái đoàn chào từ biệt lên xe rời khỏi trụ sở Versoix về tới Hotel Régina gần 24 giờ.

Đúng 9 giờ sáng ngày 6-7-1954, ông phó phái đoàn Pháp tại hội nghị Génève đến viếng thăm đức Hộ Pháp tại Hotel Régina, suốt một tiếng đồng hồ đàm đạo, và chuyển lời của ông Chevaul Trưởng phái đoàn Pháp kính mời đức Hộ Pháp và phái đoàn Cao Đài vào lúc 12 giờ cùng ngày đến dùng buổi cơm chay. Theo lời mời, đức Hộ Pháp và phái đoàn được ông Chevaul tiếp đón vô cùng thân mật, nên đức Hộ Pháp thố lộ cho ông Chevaul biết: "Hồi đêm hôm tôi có hội kiến với Thủ Tướng Phạm văn Đồng trong tinh thần hiểu biết và cởi mở tốt đẹp". Đồng thời, đức Hộ Pháp còn khéo nhắc nhở ông Chevaul một câu: "NE METTEZ PAS VOS DOIGIS DANS LE PANIER DES CRABES". Và chú giải rất thâm thúy: "vấn đề Việt Nam chúng tôi rất khó khăn, tế nhị lắm, người Pháp các ông không nên nhún tay vào nội bộ Việt Nam của chúng tôi. Nếu các ông nhún tay vào, chẳng khác nào các ông thọc tay vào giỏ đựng cua, nhất định sẽ bị cua kẹp, thì không thể nào rút tay ra được". Ông Chevaul rất chú ý, và có lời cảm ơn đức Hộ Pháp, và hứa sẽ chuyển đệ những lời khuyến cáo về chánh phủ Pháp (Paris) rút thêm kinh nghiệm về vấn đề Việt Nam.

Thêm một việc hi hữu xảy ra tại buổi tái họp hội nghị Génève lúc 15 giờ ngày 6-7-1954, Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước được đức Hộ Pháp chỉ định đến tham dự buổi họp để biết thêm về sự diễn biến tại bàn hội nghị như thế nào. Thay vì đi dự họp theo thông lệ thường thì Ngài Bảo Thế phải mặc đạo phục Chức Sắc Hiệp Thiên Đài, như những buổi họp thảo tại trụ sở Versoix, song đặc biệt hôm nay, đến tham dự hội nghị Génève đức Hộ Pháp lại cho phép Ngài Bảo Thế mặc âu phục. Lần đầu tiên có một vị chức săc Cao Đài đến tham dự hội nghị Génève với tư cách là tham dự viên, mà lại mặc âu phục, nên ban tổ chức mới xấp xếp cho Ngài Bảo Thế ngồi bên cạnh phái đoàn chánh phủ Miền Nam Việt Nam. Thiết nghĩ, từ ngày khai mạc hội nghị Génève, đã trải qua nhiều buổi họp, mà cả hai phái đoàn chánh phủ Miền Bắc và Miền Nam chưa bao giờ chào hỏi nhau, coi nhau như người xa lạ, chứa bao giờ quen biết nhau. Hôm nay có Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước, một Chức sắc cao cấp của Đạo Cao Đài đến tham dự buổi họp, ngồi cạnh bên Bác sĩ Trần Văn Đô, Trưởng phái đoàn Chánh Phủ Miền Nam Việt Nam. Khi phái đoàn Miền Bắc do Thủ Tướng Phạm Văn Đồng hướng dẫn đến hội trường Génève, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng vừa bước vào phòng họp thì nhìn thấy Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước mặc âu phục mà lại ngồi cạnh bên Bác sĩ Trần Văn Đô. Ngài Bảo Thế nhìn thấy Thủ Tướng thì gật đầu chào, Thủ Tướng gật đầu đáp lễ lại, cả phái đoàn Miền Nam nhìn thấy Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gật đầu chào, liền gật đầu đáp lễ lại, và cả 2 phái đoàn Miền Nam, Miền Bắc đồng vui vẻ Cười với nhau.

Liên tiếp bao nhiêu buổi họp tại hội trường Génève, lần đầu tiên 2 phái đoàn Chánh Phủ Miền Nam-Bắc Việt Nam vui vẻ chào hỏi nhau, gây xôn xao chấn động cho các phóng viên, ký giả quốc tế hiện diện đang thi hành nhiệm vụ thông tin, bởi vì từ khi khai mạc hội nghị Génève cho đến bây giờ mới được vinh hạnh chứng kiến được một việc hi hửu này vào lúc 15 giờ ngày 6-7-1954. Đây cũng là một kỷ niệm khó quên được, do phái đoàn Cao Đài làm mô giới cho 2 phái đoàn Miền Nam và Miền Bắc Việt Nam có cơ hội tiếp xúc lẫn nhau sau này.

Luồng gió mát cởi mở chào mừng của 2 phái đoàn Nam Bắc Việt Nam thổi vào phòng họp, xua tan bầu không khí tẻ lạnh nặng nề của các buổi họp trước đây, gây ngạc nhiên cho toàn thể những người hiện đang có mặt trong phòng họp. Nhất là ông Chevaul, trưởng phái đoàn Pháp hết sức ngạc nhiên và chú ý, là vì vừa mới được nghe đức Hộ Pháp thuật cho biết việc tiếp xúc thân mật với phái đoàn VNDCCH hồi đêm hôm mà hiện giờ 2 phái đoàn Nam Bắc lại chào hỏi nhau.

Được biết ngoại bang mưu đồ bán đứng Việt Nam trên bàn hội nghị Génève, đức Hộ Pháp liền mở cuộc họp báo tại Génève vào lúc 17 giò ngày 18-7-1954 trước sự hiện diện của các phóng viên ký giả quốc tế để báo động trước về việc ngoại bang áp đặt chia đôi lãnh thổ Việt Nam. Tại buổi họp báo này, đức Hộ Pháp đã tuyên bố: "Nếu Việt Minh và Pháp tuân lịnh Ngoại Bang chia nước Việt Nam làm hai mà không có sự chấp thuận của toàn dân Việt Nam thì Bần Đạo chống cả hai hết". Lời tuyên bố của đức Hộ Pháp có một trọng lượng nhất định, tỏ rõ tinh thần ái quốc, yêu đồng bào vô bờ bến của đức Hộ Pháp đã bộc lộ trong lời tuyên bố, cương quyết giải thoát cho dân tộc Việt Nam khỏi nạn phân chia lãnh thổ, một thảm họa vô phương cứu chửa như thời Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn.

Sau khi phái đoàn Cao Đài rời khòi Génève trở về Miền Nam Việt Nam, tại SàiGòn lúc bấy giờ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm được cố vấn Mỹ là Đại Tá Lansdale hướng dẫn mưu lược triệt hạ các Tôn Giáo, Đảng phái đã từng cộng tác với Pháp gây mất tình dân tộc và làm suy yếu lực lương quổc gia.

Muốn cứu vãn tình thế nước nhà khỏi bị áp đặt của ngoại bang, đức Hộ Pháp không ngần ngại đứng ra kêu gọi các Tôn Giáo, Đảng phái thống nhất lại thành một khối, đủ trọn thẩm quyền trực tiếp thương lượng thẳng với Chánh Phủ VNDCCH tại Hà Nội do hiệp định Génève tạo thành 20-7-1954.

Biết rõ thảm họa đưa đến cho dân tộc Việt Nam là Thủ Tướng Chu Ân Lai (Trung Quốc) và Thủ Tướng Pháp Pierre Mendes (Pháp) bí mật hội kín với nhau, bán đứng nước Việt Nam trên bàn hội nghị Génève, bất chấp lời khuyến cáo của Thủ Tướng Anh Ọuốc Churchill và Tổng Thống Mỹ Quốc là Eisenhower đã họp nhau tại Tòa Bạch Ốc ngày 10-7-1954 kêu gọi Pháp: "Đừng nên chấp nhận việc ngưng bắn ở Đông Dương với giá quá cao".

Không thể khoanh tay ngồi chờ nạn tương tàn, tương sát đưa đến, bắt buộc vị lãnh đạo Tôn Giáo Cao Đài, đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc phải lên tiếng kêu gọi các Tôn Giáo và Đảng phái hiệp nhất lại thành lập: "MẶT TRẬN THỐNG NHẤT TOÀN LỤC QUỐC GIA" được gọi là mặt trận Cao Thiên Hòa Binh (Cao Đài, Thiên Chúa, Hòa Hảo, Bình Xuyên), tạo thành một khối duy nhất, để trực tiếp thương lượng thẳng với chánh phủ VNDCCH Hà Nội, hầu tránh mưu đồ áp đặt của ngoại bang đang xâm nhập nặng nề vào nội quyền Việt Nam.

"Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" ngoại bang đã xúi giục Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thẳng tay phá vỡ Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia, và thẳng tay triệt hạ các Tôn Giáo, đảng phái, gây mất tình đoàn kết dân tộc trầm trọng.


Каталог: booksv -> khaitam -> TIEU%20SU%20DHP%20-%20HC
TIEU%20SU%20DHP%20-%20HC -> Đinh Tấn Thành 933 Woodside Dr. Holland, Mi 49424 tiểu sử ĐỨc hộ pháp phạm công tắc giáo chủ ĐẠo cao đÀi tòa thánh tây ninh
khaitam -> Gigong Exercise Taught By His Holiness HỘ pháP
khaitam -> I/. introduction to caodai religion 3 ii/. Meaning of word "tao" in caodai religion 4
khaitam -> 1. Đêm 28 tháng 7 Canh-Dần (1950). 1 Phò Loan: Luật-sự: Khoẻ, Hưỡn
khaitam -> NHỮng lời tiên tri đẦy huyền diệu củA Ông phật sống là ĐỨc hộ pháp phạm công tắc mà Ít ngưỜi biếT ĐẾN
khaitam -> Thánh Thơ của Thượng Sanh. 1 Holy Letter of His Holiness Thượng San
khaitam -> Giải thích Đức Di Lạc cỡi cọp. Giải thích tám khuôn hình trước bao lơn Đền Thánh
khaitam -> Hình Tòa Thánh Picture of Holy See
khaitam -> I/. introduction to caodai religion 1 ii/. Meaning of word "tao" in caodai religion 2
khaitam -> 1. Đêm 28 tháng 7 Canh-Dần (1950). 1 Phò Loan: Luật-sự: Khoẻ, Hưỡn

tải về 1.41 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương