Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao



tải về 0.56 Mb.
trang1/10
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.56 Mb.
#30913
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10
Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật

Viên Thông Chương Sớ Sao

(dịch theo bản của Hoa Tạng Tịnh Tông Phật Học Hội,

ấn bản tháng Sáu năm Dân Quốc 80 (1991)

Ðời Thanh, Triết Giang, chùa Từ Vân, Hương Nghiêm hành giả sa-môn Quán Ðảnh Tục Pháp1 soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Minh Tiến và Huệ Trang

---o0o---



Nguồn

http:// www.niemphat.net

Chuyển sang ebook 27-11-2011

Người thực hiện : Nam Thiên – namthien@gmail.com

Link Audio Tại Website http://www.phatphaponline.org
Mục Lục

Lời Dẫn Nhập

I. Thông tự đại ý

1. Giải thích về tông chỉ, nghĩa thú:

1.1. Tông thú của pháp niệm Phật

1.2. Nêu bày những điều được giảng giải trong chương kinh này

1.3. Dẫn chứng lợi ích thù thắng để khuyên tu

2. Lược giải tựa đề của kinh

II. Giải thích kinh văn

1. Trình bày đại lược ý nghĩa chánh yếu

2. Giải thích tường tận ý nghĩa kinh văn

2.1. Giáo hưng

2.2. Tạng nhiếp

2.3. Tông thú

2.4. Thích đề mục (giải thích tựa đề kinh)

2.5. Giải thích kinh văn

III. Quy mạng hồi hướng



---o0o---

Quyển Thượng

Lời Dẫn Nhập


Nghĩ tới tiên sinh Đông Cao từ ngàn dặm gởi thư cho tôi, tự nói suốt năm qua một mực chú tâm nơi Tịnh Độ. Gió cảnh giới Sa Bà lồng lộng, Chân Như Triết, Thảo Đường Thanh đều chẳng khỏi lỡ bước, tiên sinh khuyên tôi gắng lưu tâm sự kiện này. Tôi ngẫu nhiên nhắc đến chuyện này với pháp sư Bách Đình (tức hòa thượng Tục Pháp), pháp sư cho biết đã có cuốn Thế Chí Niệm Phật Chương Sớ Sao để trên án sách. Hai người cùng mở sách ra xem lại, đều hết sức nồng nhiệt khen ngợi, cho rằng: “Tiên sinh dùng thân để thực hiện [những giáo nghĩa này], đúng là những lời lẽ chữa bệnh cứu vãn thời thế vậy”. Tôi bèn bảo con cái quyên mộ để khắc ra. Khắc xong, pháp sư lại bảo tôi viết lời dẫn nhập.

Tôi nghĩ rằng trong đại kinh Hoa Nghiêm, [khi Thiện Tài đồng tử tham học với các vị thiện tri thức], trước hết ngài Đức Vân tuyên dạy pháp Niệm Phật, Mã Minh Bồ Tát là vị tổ tạo luận coi trọng cả Niệm Phật lẫn Chỉ Quán. Lăng Nghiêm là sách luận bàn về Tánh, chương Thế Chí Niệm Phật được xếp vào phần Viên Thông, rõ ràng Thiền Tông chẳng thể chèn ép Liên Tông, bảo đấy chẳng phải là đường lối để trở về nguồn thấy tánh được! Nay những tác phẩm Di Đà Sớ Sao, Long Thư Tịnh Độ Văn v.v… được lưu truyền trong chốn Thiền lâm. Nghĩ tới chương Thế Chí chỉ được giảng giải kèm thêm trong chánh kinh, chưa từng được viết sớ giải chuyên biệt. Pháp sư giảng giải kinh văn, giải thích ý nghĩa, khắc thành sách đã ban thêm cho người trong cõi Chấn Đán (Trung Hoa) một chiếc bè vãng sanh nữa, há chẳng đáng gọi là bậc công thần trong Tịnh Độ ư? Điều này càng rõ ràng hơn nữa. Do vậy, tôi bèn đem ý này phúc đáp Cao tiên sinh, rồi lại nói mò rằng:

- Liên Trì đại sư bảo: “Niệm Phật một tiếng để thay thế tạp niệm trong trăm ngàn vạn ức kiếp. Niệm ấy chính là Không, Không chính là niệm, bản thể đành rành! Chẳng phải ở ngoài niệm lại tìm được Bồ Đề nào khác”. Lại nói: “Chấp trì danh hiệu đến mức nhất tâm sẽ khôi phục được cái Thể không tịch”. Lại nói: “Cần biết do Tịnh Độ duy tâm nên không có ngoại cảnh. Tự tánh trở về bản thể, chính là ý nghĩa nguyện sanh về cõi ấy”. Như vậy là ngài Liên Trì tuy cực lực chủ trương Tây Phương Tịnh Độ nhưng chẳng bỏ sót tông chỉ kiến tánh của Tông môn, rành rành như thế đó! Cho nên nói rằng: Kiến tánh là chỗ chỉ quy của Tịnh Độ, nhưng Tịnh Độ là đường để vào kiến tánh, chẳng mâu thuẫn nhau. Kiến tánh thì chạm tay vào chỗ nào cũng đều là Tịnh Độ, nhưng chẳng thể bỏ không nói đến đài sen. Chưa kiến tánh thì chưa thể hoàn toàn thấu hiểu Tịnh Độ được, nhưng cái nhân đã gieo chẳng hề lỡ làng. Do vậy, dù kiến tánh hay không đều chẳng thể xem thường niệm Phật tu Tịnh Độ được! Dường như nghĩa này chưa được chương Thế Chí Viên Thông này nhắc tới. Tôi đã đem ý này phúc đáp ông Cao, nay viết vào đây để hỏi người thật sự niệm Phật nghĩ như thế nào?

Năm Canh Thân (1680) niên hiệu Khang Hy, Đới Kinh Tăng sinh trưởng ở Tiền Đường kính ghi.

---o0o---

Ðại Phật Ðảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh

Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương

Đường Thiên Trúc sa-môn Bát Lạt Mật Đế dịch

Đại Thế Chí Pháp Vương Tử dữ kỳ đồng luân ngũ thập nhị Bồ Tát, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, nhi bạch Phật ngôn:

- Ngã ức vãng tích Hằng hà sa kiếp hữu Phật xuất thế, danh Vô Lượng Quang, thập nhị Như Lai tương kế nhất kiếp. Kỳ tối hậu Phật danh Siêu Nhật Nguyệt Quang. Bỉ Phật giáo ngã Niệm Phật tam-muội. Thí như hữu nhân, nhất chuyên vi ức, nhất nhân chuyên vong. Như thị nhị nhân, nhược phùng bất phùng, hoặc kiến phi kiến. Nhị nhân tương ức, nhị ức niệm thâm. Như thị nãi chí tùng sanh chí sanh, đồng ư hình ảnh, bất tương quai dị. Thập phương Như Lai, lân niệm chúng sanh như mẫu ức tử. Nhược tử đào thệ, tuy ức hà vi? Tử nhược ức mẫu, như mẫu ức thời. Mẫu tử lịch sanh, bất tương vi viễn. Nhược chúng sanh tâm, ức Phật, niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật, khứ Phật bất viễn, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai. Như nhiễm hương nhân, thân hữu hương khí. Thử tắc danh viết Hương Quang Trang Nghiêm. Ngã bổn nhân địa, dĩ niệm Phật tâm nhập Vô Sanh Nhẫn, kim ư thử giới, nhiếp niệm Phật nhân, quy ư Tịnh Độ. Phật vấn Viên Thông, ngã vô tuyển trạch, đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, đắc tam-ma-địa, tư vi đệ nhất.

Ðại Thế Chí Pháp Vương Tử cùng với năm mươi hai vị Bồ Tát đồng hạnh với Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân đức Phật, bạch Phật rằng:

- Con nhớ trong hằng hà sa kiếp xưa kia, có đức Phật xuất thế tên là Vô Lượng Quang. Mười hai vị Như Lai liên tiếp [xuất hiện] trong cùng một kiếp. Vị Phật cuối cùng tên là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Ðức Phật ấy dạy con pháp Niệm Phật tam-muội. Ví như có người, một người chuyên nhớ, một người chuyên quên. Hai người như thế dù có gặp nhau mà như chẳng gặp, hoặc có thấy nhau cũng như không thấy. Hai người nhớ nhau, hai cái nhớ ấy càng sâu. Như thế cho đến từ đời này sang đời khác như hình và bóng chẳng hề trái nghịch, sai khác nhau. Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con bỏ trốn dẫu nhớ để làm gì? Nếu con nhớ mẹ như khi mẹ nhớ con thì mẹ con trải qua nhiều đời chẳng xa cách nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa, chẳng cần đến phương tiện, tâm tự được mở mang. Như người nhiễm hương, thân thường có mùi hương. Ðấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Lúc con tu nhân vốn là dùng tâm niệm Phật để nhập Vô Sanh Nhẫn. Nay con ở trong thế giới này nhiếp người niệm Phật quay về Tịnh Ðộ. Phật hỏi pháp nào Viên Thông, con chẳng chọn lựa. Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Ðịa, đấy là bậc nhất.

Kinh Lăng Nghiêm chép: “Phật bảo A Nan: - Nếu như có kẻ thân phạm đủ [các tội] Tứ Trọng, mười Ba-la-di2, trong chớp mắt sẽ đọa vào địa ngục A Tỳ trong thế giới này lẫn thế giới khác cho đến đọa khắp [các ngục] Vô Gián trong tất cả mười phương, không ngục nào là chẳng bị đọa vào. Nếu trong thời mạt kiếp, có thể trong khoảng một niệm đem pháp môn này dạy cho người chưa được học đến thì tội chướng của người ấy sẽ liền tiêu diệt ngay trong niệm ấy, biến các nhân khổ sở trong địa ngục mà người ấy phải gánh chịu thành cõi yên vui”. Do vậy, chương kinh này thật đúng là lò luyện lớn lao đốt tan tội lỗi, là linh đan trị lành bệnh, là đường tắt để tu tâm, là phương cách trọng yếu để cầu vãng sanh. Nếu có thể thường thọ trì thì không khổ nào chẳng trừ, không niềm vui nào chẳng được hưởng, không nguyện nào chẳng thỏa, không quả nào chẳng đạt được. Phàm ai thấy nghe hãy đều nên suy đi nghĩ lại.

* Cách thức trì tụng hằng ngày:

Người có ba hạng:

1) Một là kẻ cực nhàn rỗi, hãy nên ngày đêm sáu thời trì kinh niệm Phật.

2) Hai là người nửa nhàn, nửa bận, mỗi ngày hãy nên hai thời sáng tối nhất tâm trì niệm.

3) Ba là người cực bận bịu, mỗi buổi sáng sớm hãy nên chuyên tâm trì niệm.

Pháp tắc trì tụng thì trước hết hãy xưng niệm Bổn Sư Phật ba lượt rồi đọc chương Thế Chí một biến, Vãng Sanh Chú ba biến, kệ Tán Phật một biến, niệm Phật mấy trăm câu, một ngàn câu hoặc một vạn câu tùy ý, niệm ba danh hiệu Bồ Tát mỗi danh hiệu ba lượt, rồi đọc kệ phát nguyện hồi hướng một biến. Trước khi tụng và sau khi tụng, đều phải đối trước thánh tượng chắp tay lễ ba lần. Nếu không có tượng Phật thì đối trước kinh hoặc hướng lên không trung lễ bái cũng được. Nếu có thể thường làm như thế không gián đoạn, ắt Phật thương xót, phàm có cầu nguyện chi không gì chẳng được toại ý, lúc lâm chung Phật và thánh chúng phóng quang tiếp dẫn, mau sanh về Cực Lạc. Hành giả hãy nên sanh lòng tín nguyện, chớ nên ngờ vực, coi thường!

Dưới đây là nói về cách thức tụng kinh và niệm Phật mỗi ngày. Nếu chỉ trì danh hiệu Phật và là người cực nhàn rỗi thì trừ sáu thời ra, hãy nên thời thời, khắc khắc niệm Phật không gián đoạn. Người nửa nhàn nửa bận thì hãy nên khi làm lụng xong xuôi liền niệm Phật ngay. Người cực bận bịu hãy nên tranh thủ lúc nhàn rỗi trong khi bận bịu, niệm Phật mười niệm. Cách này gọi là chẳng bỏ phí thời gian vậy. Trọn hết một đời này chẳng gián đoạn ngày nào thì tâm và miệng niệm Phật của chính mình ắt sẽ trở thành tâm và miệng của Phật. Kinh dạy: “Hạnh giống như Phật, mang khí phận của Phật, đích thân là con Phật”, chẳng phải đúng như thế hay sao?

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Tiếp đấy, tụng Thế Chí Chương xong, liền niệm tiếp Vãng Sanh Chú

Nam mô a di đa bà dạ, đá tha già đa dạ, đa địa dạ tha, a di rị đô bà tỳ, a di rị đá, tất đam bà tỳ, a di rị đá, tỳ ca lan đế, a di rị đá, tỳ ca lan đá, già di nị, già già na, chỉ đa ca lệ, sa bà ha.

Bất Tư Nghị Thần Lực Truyện chép: “Cách thức trì chú là thân thể sạch sẽ, súc miệng, thắp hương đối trước Phật, ngày đêm sáu thời, mỗi thời đều tụng hai mươi mốt biến, sẽ diệt được những tội như Ngũ Nghịch, báng pháp v.v… Tụng đủ ba mươi vạn biến sẽ thấy A Di Đà Phật”. Sách Di Đà Sớ Sao viết: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân tụng chú này thì A Di Đà Phật thường ở trên đỉnh đầu người ấy, ngày đêm ủng hộ không để cho oán gia có dịp thuận tiện [hãm hại] được, trong đời hiện tại thường được an ổn. Lúc mạng chung, tùy ý vãng sanh”.

Tiếp đấy đọc bài kệ tán Phật:

A Di Đà Phật thân kim sắc,

Tướng hảo quang minh vô đẳng luân,

Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di,

Cám mục trừng thanh tứ đại hải,

Quang trung hóa Phật vô số ức,

Hóa Bồ Tát chúng diệc vô biên,

Tứ thập bát nguyện độ chúng sanh,

Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi A Di Đà Phật (trăm, ngàn, vạn câu tùy ý)

Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát

Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát (mỗi danh hiệu mười lượt)

Sau đấy đọc kệ phát nguyện hồi hướng:



Ngã kim xưng niệm A Di Đà, chân thật công đức Phật danh hiệu. Duy nguyện từ bi ai nhiếp thọ, chứng tri sám hối cập sở nguyện. Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp, giai do vô thủy tham sân si. Tùng thân ngữ ý chi sở sanh, nhất thiết ngã kim giai sám hối. Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời, tận trừ nhất thiết chư chướng ngại, diện kiến bỉ Phật A Di Đà. Tức đắc vãng sanh An Lạc sát. Nguyện dĩ thử công đức, trang nghiêm Phật Tịnh Độ. Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ. Nhược hữu kiến văn giả, tất phát Bồ Đề tâm. Tận thử nhất báo thân, đồng sanh Cực Lạc quốc. Thập phương tam thế nhất thiết Phật. Nhất thiết Bồ Tát Ma Ha Tát, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.

(Con nay xưng niệm A Di Đà, danh hiệu Phật công đức chân thật. Kính xin từ bi thương nhiếp thọ, chứng biết con sám hối, nguyện cầu. Xưa kia đã tạo bao nghiệp ác, đều do vô thủy tham sân si. Từ thân - miệng - ý phát sanh ra, hết thảy con nay xin sám hối. Nguyện con vào lúc sắp lâm chung, trừ sạch hết thảy các chướng ngại, tận mặt thấy Phật A Di Đà, liền được vãng sanh cõi An Lạc. Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ. Trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường. Nếu có ai thấy nghe, đều phát Bồ Đề tâm. Hết một báo thân này, cùng sanh cõi Cực Lạc. Mười phương ba đời Phật, hết thảy Bồ Tát Ma Ha Tát. Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật).

Bài này nên quỳ đọc trước tượng Phật. Đọc xong, đứng dậy lễ ba lạy rồi lui ra.

Kệ rằng:


Một bữa vô thường đến,

Mới biết ta đang mơ,

Muôn thứ đành bỏ lại,

Riêng mình nghiệp theo thân.

Thế nào là “muôn thứ đành bỏ lại?” Quan tước, của cải, đồ quý giá, nhà cửa, ruộng vườn, quần áo, món ăn, cho đến vợ đẹp, con yêu, hễ vô thường xảy đến đều không mang theo được. Thế nào là “riêng mình nghiệp theo thân?” Các ác nghiệp tham, sân, si, mạn, Ngũ Nghịch, Thập Ác do con người đã tạo, các thiện nghiệp Giới, Định, Huệ, Ngũ Giới, Thập Thiện con người đã hành, hễ vô thường xộc tới, chúng đều theo quý vị cả. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Khi lâm chung, lúc hơi nóng chưa tan hết, sự thiện điều ác trong cả một đời đều cùng một lúc nhanh chóng hiện ra. Ác thì liền cảm khổ báo trong tam đồ. Thiện thì cảm quả báo vui trong cõi trời người”. Nếu trong thiện tâm lại còn kèm thêm tín nguyện niệm Phật cầu vãng sanh ắt sẽ hiện cảnh tướng cõi Cực Lạc của Phật. Phẩm [Phổ Hiền] Hạnh Nguyện dạy: “Khi người ấy chết, hết thảy các căn thảy đều hư hoại, hết thảy thân thuộc thảy đều bỏ lìa, hết thảy oai thế thảy đều biến mất, voi, ngựa, xe cộ, trân bảo, kho đụn, không còn thuộc về kẻ ấy nữa. Chỉ có nguyện vương này là trong hết thảy lúc thường dẫn đường trước mặt, trong một sát-na liền sanh về thế giới Cực Lạc, thấy A Di Đà Phật và các thánh chúng”. Đã là như thế, sao chẳng giành ngay lúc khỏe mạnh này nỗ lực siêng năng tu tập? Ngài Thiện Đạo nói: “Dẫu cho vàng ngọc đầy nhà, khó khỏi suy tàn già bệnh! Dẫu ngươi khoái lạc ngàn muôn, rốt cuộc vô thường xảy tới, chỉ có nẻo tắt tu hành, chỉ niệm A Di Đà Phật”. Nếu đợi lâm chung mới hối, dẫu hối còn kịp hay chăng? Kính khuyên mọi người hãy kịp thời tấn tu. Sanh tử là chuyện lớn, vô thường mau chóng, hãy hết sức cẩn thận đối với chuyện này, xin hãy gắng lên nhé!

Hơn nữa, người tu Tịnh nghiệp phải có đủ ba thứ tư lương:

1) Một là Tín: Tin luân hồi khổ nhất, tin niệm Phật mầu nhiệm nhất, tin rằng tu hành trong cõi này khó thể thành tựu đạo quả. Tin rằng nguyện sanh về cõi kia, thậm chí mười niệm, quyết được vãng sanh. Tin rằng với quả báo được sanh trong cõi trời người thì khi hết phước sẽ lại đọa. Tin rằng hễ sanh về cõi Cực Lạc, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển, sẽ thành Chánh Giác. Tin rằng hễ xưng danh hiệu Phật một tiếng sẽ diệt được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Tin rằng người niệm Phật được Phật Di Đà gia hộ, dắt dìu, khi bị bệnh sẽ được Ngài cứu vớt, che chở, khi lâm chung được Phật đến đón.

2) Hai là Nguyện: Nguyện tiêu nghiệp chướng, nguyện diệt các khổ, nguyện tâm mở mang, nguyện thấy Phật. Nguyện tịnh nghiệp thành tựu. Nguyện sanh về cõi An Dưỡng, nguyện được Phật thọ ký, nguyện độ sanh.

3) Ba là Hạnh: Thân lễ tượng Phật, miệng xưng danh, tâm quán tưởng, đều phải sao cho chuyên nhất, trọn chẳng tán loạn. Phải hiểu biết rằng khi tín nguyện chính là đã vun trồng hoa sen; khi chuyên niệm thì hoa sen bèn vượt khỏi mặt nước. Lúc công lao thành tựu, hoa sen bèn nở trên không. Nếu dấy lòng nghi ngờ, hối tiếc, hoa sen lại héo đi.

Do vậy, ngày đêm sáu thời không có một niệm nào tham luyến Sa Bà. Phàm đi đứng, ăn ở, ăn uống, nói năng, im lặng, động, tịnh, đều chẳng quên Tịnh Độ. Tới lúc lâm chung, hãy nên niệm Phật phát nguyện, chẳng được sợ chết, tham sống. Thường tự nghĩ rằng: Cái thân hiện tại của ta đây mọi thứ khổ chen nhau buộc ràng, những món bất tịnh tràn trề, nếu bỏ được cõi này, gởi thân nơi ao sen, hưởng vô lượng vui, mọi chuyện tột bậc vừa ý, như trút được cái áo hôi xấu, được mặc quần áo quý báu, sang cả, buông xuống vạn duyên, thân tâm giải thoát. Hễ vừa bị bệnh, chẳng cần biết là nặng hay nhẹ, liền nghĩ tới vô thường, một lòng đợi chết, liền dặn dò hết thảy mọi người: “Phàm ai đến gặp tôi đều niệm Phật cho tôi, chớ đừng nói tạp nhạp chuyện đời, tình cảnh gia đình hay dở!” Lại mời pháp sư nhiều lượt tới khuyên nhắc, nương theo kinh để chỉ dạy. Cho đến lúc bệnh nặng xả báo, người nhà thân thuộc chẳng được khóc lóc, thốt ra tiếng than thở buồn bã, áo não vì vẫn sợ làm cho tâm thần người sắp mất bị lầm lẫn, rối loạn, quên mất chánh niệm, chỉ lớn tiếng niệm A Di Đà Phật. Giữ như vậy cho đến khi người ấy tắt hơi, thần thức đã rời khỏi xác rồi mới được cất tiếng khóc. Nếu được như thế thì vạn người cầu, vạn người vãng sanh, ắt chẳng còn ngờ chi nữa!

Lại có kẻ gặp phải chướng nạn, chẳng thể chánh niệm vãng sanh, [chẳng hạn] như trúng phong, cấm khẩu, cuồng loạn mất trí, nước lửa, sét đánh, bị trùng thú quỷ ăn, trúng phải độc dược, chết trận, oán tặc, nạn vua, cũng phải sám hối sẵn, ắt sẽ được Phật che chở. Bởi lẽ người niệm Phật có sáu thứ lợi ích thù thắng:

1. Chư Phật, Bồ Tát hộ niệm. Đức Di Đà đứng trên đỉnh đầu phóng quang. Chư thiên, thần tướng ngày đêm ngầm gia hộ.

2. Ác quỷ, độc dược đều chẳng thể làm hại được.

3. Tam tai bát nạn3 thảy đều tiêu trừ. Chướng duyên đời trước tiêu tan, được thoát khỏi kẻ thù oán đòi mạng.

4. Khí lực sung mãn, không mắc phải các thứ bệnh tật ngang trái.

5. Đêm nằm mộng tốt lành, thấy hình tượng Phật. Không bị những thứ phi nhân đoạt mất tinh khí.

6. Trong hiện tại được hết thảy lễ kính, lâm chung Tam Thánh tiếp dẫn.

Do vậy, biết: Hằng ngày thường một dạ niệm Phật hiệu chính là pháp chuẩn bị sẵn để ngăn ngừa lo sầu. Như người vào thành làm việc, ắt trước hết phải kiếm chỗ an cư, ngõ hầu khi trời đêm tối om sẽ có chỗ để ngủ. “Kiếm chỗ để ở” chính là tu sẵn Tịnh nghiệp. “Khi trời đêm tối om” chính là khi đại hạn xảy tới. “Có chỗ để ngủ” chính là sanh trong hoa sen, chẳng gặp chướng ngại. Nếu con người y theo đó để dụng tâm, lúc lâm chung chắc chắn được vãng sanh. Đây lại là điều dặn dò thiết tha dành cho người tu Tịnh Độ vậy.

Chùa Từ Vân, Hương Nghiêm hành giả Tục Pháp thuật bày, kính khuyên.

---o0o---

Lăng Nghiêm Kinh Thế Chí Niệm Phật

Viên Thông Chương Sớ Sao

Quyển Thượng

Đời Thanh, tỉnh Chiết Giang, chùa Từ Vân,

Quán Đảnh sa-môn Tục Pháp soạn



Phần giải thích:

Một chương kinh này được chia thành ba ý lớn:

1. Những ý chánh trong phần Thông Tự.

2. Giải thích kinh văn.

3. Quy mạng, hồi hướng.

---o0o---




tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương