Đại sư Ngẫu Ích toát yếu kinh



tải về 1.17 Mb.
trang1/14
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích1.17 Mb.
#30362
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14
Đại sư Ngẫu Ích

TOÁT YẾU KINH

ĐẠI BÁT NHÃ

Định Huệ dịch

PHẦN MỘT

PHẨM THỨ 1: DUYÊN KHỞI


Đức Phật cùng với một nghìn hai trăm Bí-sô, năm trăm Bí-sô ni, vô lượng ô-ba-sách-ca, ô-ba-tư-ca, vô lượng vô số Bồ-tát ở trên đỉnh núi Thứu Phong. Đức Thế Tôn tự trải tọa cụ trên tòa sư tử, rồi ngồi kiết già, nhập tam-ma-địa vi diệu Đẳng Trì Vương. Ngài xuất định quan sát mười phương, từ hai chân cho đến tướng lông trắng giữa chặng mày, tất cả lỗ chân lông, mỗi mỗi đều phóng ra sáu mươi trăm ngàn muôn ức tia sáng, mỗi tia sáng chiếu khắp Đại thiên thế giới cho đến thế giới của các đức Phật ở mười phương nhiều như số cát sông Căng-già. Người nào gặp được ánh sáng này đều đắc Vô thượng Bồ-đề. Lại diễn biến thành thường quang hiện tướng lưỡi rộng dài, phóng ra ánh sáng nhiều màu, hiện hoa sen báu, trên hoa có Hóa Phật đang giảng nói Bát-nhã, người nghe đều đắc Vô thượng Bồ-đề.

Đức Phật nhập Sư Tử Du Hí Đẳng Trì khiến cho Đại thiên thế giới cho đến cõi nước Phật ở khắp mười phương chấn động sáu cách, những kẻ đang ở trong ba đường khổ khốc liệt đều được thoát khổ, sinh vào trong trời, người và đồng đến pháp hội Phật.

Đức Phật dùng thần lực hiện ra sắc thân khiến cho các hữu tình trong Đại thiên thế giới này đều trông thấy. Chư thiên rải hoa, hoa biến thành đài hoa to bằng Đại thiên thế giới, cõi Ta-bà này trang nghiêm giống như Cực Lạc. Từ mặt đức Phật phóng ra ánh sáng chiếu đến cõi nước mười phương khiến cho các hữu tình ở các cõi nước ấy được trông thấy nhau.

Bồ-tát Phổ Quang chỗ Phật Bảo Tính ở phương Đông, Bồ-tát Ly Ưu Kiến chỗ Phật Vô Ưu Đức ở phương Nam, Bồ-tát Hạnh Huệ chỗ Phật Bảo Diệm ở phương Tây, Bồ-tát Thắng Thụ chỗ Phật Thắng Đế ở phương Bắc, Bồ-tát Ly Trần Dũng Mãnh chỗ Phật Thắng Đức ở phương Đông Bắc, Bồ-tát Liên Hoa Thủ chỗ Phật Liên Hoa Thắng Đức ở phương Đông Nam, Bồ-tát Nhật Quang Minh chỗ Phật Nhật Luân Biến Chiếu Thắng Đức ở phương Tây Nam, Bồ-tát Bảo Thắng chỗ Phật Nhất Bảo Cái Thắng ở phương Tây Bắc, Bồ-tát Liên Hoa Thắng chỗ Phật Liên Hoa Đức ở phương dưới, Bồ-tát Hỉ Thụ chỗ Phật Hỉ Đức ở phương trên và các vị Bồ-tát đứng đầu ở khắp tất cả thế giới đều vâng lời Phật đem hoa sen sắc vàng ngàn cánh dâng lên, Đức Phật Thích-Ca nhận các hoa sen này rồi đem rải qua các cõi nước Phật khác ở khắp mười phương. Trong các đài hoa đều có Hóa Phật nói Đại Bát-nhã, người nghe đều đắc Vô thượng Bồ-đề.

Bấy giờ, cõi Ta-bà này thanh tịnh như thế giới Chúng Liên Hoa là tịnh độ của Đức Như Lai Phổ Hoa.

PHẨM THỨ 2: HỌC QUÁN


Phật dạy Xá-lợi Tử: “Bồ-tát muốn giác ngộ bình đẳng tất cả tướng nơi tất cả pháp thì phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa, nghĩa là dùng vô trụ làm phương tiện an trụ Bát-nhã, vì sở trụ và năng trụ đều không thể thủ đắc; dùng vô xả, vô hộ, vô thủ, vô cầu, vô tư, vô trước làm phương tiện viên mãn sáu ba-la-mật, vì kẻ bố thí, người nhận, vật thí đều không thể thủ đắc, vì tướng phạm giới và không phạm giới đều không thể thủ đắc, vì tướng động và bất động đều không thể thủ đắc, vì thân tâm siêng năng và lười biếng đều không thể thủ đắc, vì có thiền vị và không thiền vị đều không thể thủ đắc, vì tính tướng các pháp đều không thể thủ đắc.

Lại dùng vô sở đắc để làm phương tiện viên mãn ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát, bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, chín tưởng, mười biến xứ, mười tùy niệm, mười tưởng, mười một trí, ba tam-ma-địa, ba vô lậu căn, bất tịnh xứ quán, biến mạn xứ quán nhất thiết trí trí, xa-ma-tha, tì-bát-xá-na, bốn nhiếp sự, bốn thắng trụ, ba minh, năm nhãn, sáu thần thông, sáu ba-la-mật-đa, bảy thánh tài, tám đại sĩ giác, chín hữu tình cư trí, đà-la-ni môn, tam-ma-địa môn, mười địa, mười hạnh, mười nhẫn hai mươi tăng thượng ý lạc, Như Lai mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, mười tám pháp bất cộng, ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hảo, pháp vô vong thất, hằng trụ tính xả, nhất thiết trí, đạo tướng trí, nhất thiết tướng trí, nhất thiết tướng vi diệu trí, đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả, và vô lượng vô biên Phật pháp khác, tất cả các pháp ấy đều không thể thủ đắc”

Xá-lợi Tử hỏi: “Tu hành Bát-nhã ba-la-mật đa như thế nào để biết đúng như thật về sáu độ, do vì phương tiện thiện xảo nên viên mãn được sáu độ?”

Phật dạy: “Dùng vô sở đắc làm phương tiện viên mãn được sáu độ. Bồ-tát muốn được tất cả các công đức chẳng thể nghĩ bàn đều phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa, biết tất cả các pháp đều chỉ có giả danh, chẳng sinh chấp trước hoặc mười hai xứ, hoặc mười tám giới, hoặc xúc, hoặc thụ, hoặc sáu giới (đại), hoặc bốn duyên và pháp được sinh ra, hoặc mười hai chi, hoặc sáu độ, hoặc hai mươi không, hoặc ba mươi bảy phẩm trợ đạo, hoặc ba giải thoát môn, hoặc bốn thánh đế, hoặc bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, hoặc tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, hoặc đà-la-ni môn, tam-ma-địa môn, hoặc mười địa như Cực hỉ địa…, hoặc mười địa như Chánh quán…, hoặc năm nhãn, sáu thông, mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ bi hỉ xả, mười tám pháp bất cộng, hoặc ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hảo, hoặc vô vong thất pháp, hằng trụ tính xả, hoặc nhất thiết trí, đạo tướng trí, nhất thiết tướng trí, nhất thiết trí trí, hoặc nhổ hẳn tập khí, hoặc bốn quả, Độc giác, hoặc tất cả hạnh Bồ-tát, hoặc Vô thượng Bồ-đề của chư Phật. Tóm lại, các pháp thế gian và xuất thế gian, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, mười sáu tri kiến đều chỉ có giả danh, thật ra không thể thủ đắc. Bồ-tát đối với giả danh và sở danh đều vô sở đắc, vì không trông thấy, không chấp trước. Trí huệ như thế hơn cả trí huệ Thanh Văn, không thể tỉ dụ vì có khả năng thành tựu việc thù thắng. Trí huệ Thanh Văn như ánh sáng đom đóm, trí huệ Bồ-tát như ánh sáng mặt trời. Bồ-tát từ lúc mới phát tâm cho đến Bồ- đề thường làm phước điền đích thật cho hàng Nhị thừa, đã báo ân các thí chủ.

PHẨM THỨ 3: TƯƠNG ƯNG

Vì tất cả uẩn, xứ, giới cho đến Vô thượng Bồ-đề tương ưng với không, cho nên tương ưng với Bát-nhã Ba-la-mật-đa, cũng chẳng thấy tương ưng hoặc chẳng tương ưng.

Lại nữa, đối với tất cả pháp, chẳng chấp hữu, chẳng chấp phi hữu, chẳng chấp thường, vô thường, chẳng chấp khổ, vui, chẳng chấp ngã, vô ngã, chẳng chấp tịch tĩnh, không tịch tĩnh, chẳng chấp không, bất không, vô tướng, hữu tướng, vô nguyện, hữu nguyện.

Lại chẳng vì tất cả pháp mà tu hành Bát-nhã, chẳng thấy có Bát-nhã để tu. Như vậy khéo an lập hữu tình nơi cõi Niết-bàn, ma không tìm được cơ hội khuấy phá, phiền não bị hàng phục, chư Phật, Bồ-tát đều cùng hộ niệm. Nếu có tội nghiệp nặng cũng được chuyển thành hiện báo nhẹ. Bồ-tát như vậy chẳng thấy không cùng các pháp tương ưng, chẳng thấy các pháp cùng với không tương ưng. Đây là bậc nhất cùng với không tương ưng, rốt ráo chẳng khởi tâm xan tham, phạm giới, sân khuể, giải đãi, tán loạn, ác huệ chướng ngại, sáu độ tự nhiên hiện tiền không có gián đoạn.

PHẨM THỨ 4: CHUYỂN SINH
Xá-lợi Tử hỏi: “Bồ-tát an trụ Bát-nhã từ chỗ nào chết rồi sinh về đây và từ chỗ này chết rồi sinh về đâu?”

Đức Phật giảng nói cặn kẽ cho ngài Xá-lợi Tử nghe.

Vô Lượng chúng Đại Bí-sô đem y sạch sẽ mới may dâng lên cúng Phật và phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Đức Phật thụ ký Bồ-đề cho họ.

Lại có vô lượng hữu tình nguyện sinh về tịnh độ ở mười phương, Đức Phật cũng thụ ký cho họ.

PHẨM THỨ 5:

NGỢI KHEN CÔNG ĐỨC THÙ THẮNG


Xá-lợi Tử, Đại Mục-liên, Đại Ẩm Quang, Thiện Hiện… đồng ngợi khen Bát-nhã của Bồ-tát, Đức Phật ấn chứng điều đó.

PHẨM THỨ 6: HIỆN TƯỚNG LƯỠI


Đức Phật lại hiện tướng lưỡi rộng dài phóng quang chiếu đến cõi nước ở khắp mười phương, Bồ-tát ở khắp mười phương đến nhóm họp để cúng dường, chư thiên cũng đến cúng dường. Phật biến hóa các đồ cúng dường hợp thành một cái lọng che khắp cõi Phật, trăm nghìn muôn ức chúng ngộ vô sinh nẫhn, được thụ ký thành Phật.

PHẨM THỨ 7: GIÁO GIỚI GIÁO THỤ


Phật bảo Thiện Hiện nói pháp tương ưng Bát-nhã cho các Bồ-tát nghe.

Thiện Hiện nói với Xá-lợi Tử: Đệ tử của chư Phật giảng nói giáo pháp đều phải nhờ sức oai thần của Phật, chẳng phải do sức trí huệ biện tài của mình. Nhân đó mới hỏi Phật: “Pháp nào gọi là Bồ-tát? Pháp nào gọi là Bát-nhã?”

Phật dạy: “Bồ-tát chỉ có giả danh, Bát-nhã cũng chỉ có giả danh. Hai tên gọi này chỉ có giả danh. Giả danh này chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng trong, chẳng ngoài, chẳng ở chặng giữa vì không thể thủ đắc. Ví như mười sáu kiến chấp về ngã, nhân… cho đến sắc… chỉ là giả danh vì không thể thủ đắc. Bồ-tát phải nên học đúng đắn về tất cả pháp, danh giả, pháp giả và giáo thụ giả. Lại nữa, chẳng nên quán sắc… hoặc thường, hoặc vô thường, hoặc lạc, hoặc khổ, hoặc ngã, hoặc vô ngã, hoặc tịnh, hoặc bất tịnh, hoặc không, hoặc bất không, hoặc hữu tướng, hoặc vô tướng, hoặc hữu nguyện, hoặc vô nguyện, hoặc tịch tĩnh hoặc không tịch tĩnh, hoặc viễn ly, hoặc không viễn ly, hoặc hữu vi, hoặc vô vi, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc sinh, hoặc diệt, hoặc thiện, hoặc phi thiện, hoặc hữu tội, hoặc vô tội, hoặc có phiền não, hoặc không phiền não, hoặc thế gian, hoặc xuất thế gian, hoặc tạp nhiễm, hoặc thanh tịnh, hoặc thuộc sinh tử, hoặc thuộc Niết-bàn, hoặc bên trong, hoặc bên ngoài, hoặc ở giữa, hoặc có thể thủ đắc, hoặc chẳng thể đắc, Bồ-tát đối với tất cả pháp, trụ vô phân biệt thì có khả năng tu sáu độ, trụ hai mươi không và chân như…, có khả năng tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, trụ bốn thánh đế, tu mười hai môn thiền cho đến ba giải thoát, mười địa và ba trí… Chẳng thấy có Bồ-tát và danh từ Bồ-tát, chẳng thấy có Bát-nhã và danh từ Bát-nhã, chỉ tinh tấn cầu nhất thiết trí trí. Vì sao? Vì khéo thông đạt thật tướng, biết rõ tất cả pháp không có nhiễm tịnh.

Lại nữa, đã giác ngộ đúng như thật và danh giả thiết lập, pháp giả thiết lập rồi, chẳng chấp sắc… cho đến chẳng chấp phương tiện thiện xảo, vì tất cả pháp đều vô sở hữu thì năng chấp, sở chấp, thời gian chấp, không gian chấp đều không thể thủ đắc.

Lại hỏi Thiện Hiện: Ngay nơi sắc… có phải là Bồ-tát chăng? Khác với sắc… có phải là Bồ-tát chăng? Trong sắc… có Bồ-tát chăng? Trong Bồ-tát có sắc… chăng? Lìa sắc… có Bồ-tát chăng? Câu hỏi nào Thiện Hiện cũng đều đáp là: “Không phải”.

Lại hỏi: “Ông xét theo nghĩa nào mà nói ngay nơi sắc… chẳng phải là Bồ-tát cho đến chẳng phải lìa sắc… có Bồ-tát chăng?

Thiện Hiện đáp từng câu hỏi, rằng: Hoặc Bồ-đề hoặc tát-đỏa, hoặc sắc… còn rốt ráo chẳng thể thủ đắc vì tính chẳng phải có, huống là có Bồ-tát. Sắc… chẳng phải có thì làm sao nói ngay nơi sắc… là Bồ-tát v.v…

Phật ngợi khen và ấn chứng điều ấy.

Lại hỏi: Chân như của ngay nơi sắc… có phải là Bồ-tát chăng? Cho đến chân như của lìa sắc… có phải là Bồ-tát chăng?

Thiện Hiện đều đáp là không.

Lại hỏi: Ông xét theo nghĩa nào mà nói chân như của ngay nơi sắc… chẳng phải Bồ-tát? Cho đến chẳng phải chân như của lìa sắc… có Bồ-tát chăng?

Thiện Hiện đáp từng câu hỏi, rằng: Hoặc sắc… còn rốt ráo chẳng thể thủ đắc vì tính chẳng phải có, huống là có chân như của sắc… Chân như lúc này chẳng phải có thì làm sao nói chân như của ngay nơi sắc.. là Bồ-tát v.v…

Phật ngợi khen và ấn chứng điều ấy.

Lại hỏi: “Lời nói tăng ngữ ngay nơi sắc…, lời nói tăng ngữ… sắc… là thường, vô thường, đó là Bồ-tát chăng?

Thiện Hiện đều đáp là không.

Lại hỏi: Ông xét theo nghĩa nào mà nói lời tăng ngữ ngay nơi sắc… chẳng phải là Bồ-tát, cho đến nói lời tăng ngữ sắc… hoặc có thể thủ đắc hoặc chẳng thể thủ đắc chẳng phải Bồ-tát?

Thiện Hiện đáp từng câu hỏi, rằng: “Hoặc sắc…, hoặc sắc… thường, vô thường cho đến có thể thủ đắc, chẳng thể thủ đắc… còn rất rốt ráo chẳng thể thủ đắc, vì tính chẳng phải có, huống là nói lời tăng ngữ có sắc… cho đến có thể thủ đắc, không thể thủ đắc… .Lời nói tăng ngữ này đã chẳng phải có thì làm sao có thể nói lời tăng ngữ ngay nơi sắc cho đến nói lời tăng ngữ ngay nơi sắc… hoặc có thể thủ đắc, hoặc không thể thủ đắc là Bồ-tát.

Phật ngợi khen và ấn chứng điều đó.

Kế đến nói về các pháp chẳng thấy các pháp, các pháp chẳng thấy pháp giới, pháp giới chẳng thấy các pháp, pháp giới chẳng thấy pháp giới .Cho đến chẳng phải lìa hữu vi thiết lập vô vi, chẳng phải lìa vô vi thiết lập hữu vi. Đối với tất cả pháp, đều vô sở kiến, tâm người ấy không kinh, không hãi, không sợ, đối với tất cả các pháp, tâm chẳng lui sụt cũng chẳng lo âu hối tiếc.

PHẨM THỨ 8: KHUYẾN HỌC


Thiện Hiện bạch Phật: Bồ-tát muốn thành tựu trọn vẹn sáu độ, muốn biết hết tất cả pháp, muốn dứt hẳn tất cả pháp ác, muốn tu tập tất cả pháp thiện, muốn được tất cả pháp Phật, muốn làm thỏa mãn tâm nguyện của tất cả hữu tình, muốn thành tựu trọn vẹn căn lành thù thắng thì phải học Bát-nhã.

Xá-lợi Tử hỏi về Bồ-tát đảnh đọa.

Thiện Hiện đáp: “Không có phương tiện thiện xảo trụ ba môn giải thoát rồi khởi ý tưởng chấp trước. Đấy là thuận đạo pháp ái, như ăn thức ăn cách đêm có thể gây ra tội lỗi. Nếu chẳng thấy chẳng đắc hai mươi môn không, hoặc quán như thế thì được gọi là nhập vào chính tính ly sinh của Bồ-tát. Lại nữa, đối với tất cả pháp và tất cả danh đều nên biết và chẳng nên chấp là tâm, là chẳng phải tâm, vì bản tính tịnh, cùng với tất cả pháp chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, không đổi khác, không phân biệt.

Xá-lợi Tử hỏi: Như tâm không đổi khác, không phân biệt, tất cả pháp sắc… cũng không đổi khác, không phân biệt chăng?

Thiện Hiện đều đáp các câu hỏi ấy bằng: “Đúng thế”.

Xá-lợi Tử khen: “Người muốn học Thanh văn địa, Độc giác địa, Bồ-tát địa, Như Lai địa đều nên lắng nghe, học tập, đọc tụng, thụ trì, tư duy đúng lý Bát-nhã thì sẽ đạt đến chỗ cứu cánh. Vì sao? Vì Bát-nhã nói rộng và chỉ dạy pháp ba thừa. Bồ-tát nếu học Bát-nhã chính là học khắp hết ba thừa và cũng được phương tiện thiện xảo đối với pháp ba thừa.

PHẨM THỨ 9: VÔ TRỤ
Thiện Hiện bạch Phật: Con chẳng đắc, chẳng thấy tất cả pháp hoặc tập hợp, hoặc phân tán. Danh nghĩa của các pháp đã vô sở hữu, cho nên danh từ sắc… đều vô sở trụ, cũng chẳng phải chẳng trụ. Tại sao Ngài lại bảo con dùng pháp tương ứng Bát-nhã chỉ dạy các Bồ-tát, chắc chắn sẽ có hối tiếc? Các pháp nhân duyên hòa hợp lập bày giả danh, đối với uẩn, xứ, giới cho đến Phật, Bồ-tát, Thanh văn tăng… đều không thể nói. Lại nữa tất cả pháp hoặc hữu danh, hoặc vô danh đều không có chỗ để nói. Nếu lúc Bồ-tát nghe pháp này, tâm không lui sụt, không buồn rầu hối tiếc, không kinh, không hãi, không sợ thì phải biết là Bồ-tát này đã trụ địa vị Bất thoái lấy vô sở trụ làm phương tiện để trụ.

Lại nữa, Bồ-tát tu hành Bát-nhã chẳng nên trụ sắc, chẳng nên trụ thụ, tưởng, hành, thức… Vì sao? Vì sắc, tính của sắc là không; thụ, tưởng, hành, thức, tính của thụ, tưởng, hành, thức là không. Sắc này là sắc chẳng phải không, sắc này là không chẳng phải sắc, sắc chẳng lìa không, không chẳng lìa sắc, sắc tức là không, không tức là sắc; thụ, tưởng, hành, thức cho đến tất cả đà-la-ni môn, tất cả tam-ma-địa môn cũng như vậy, vì thế chẳng nên trụ.

Nếu Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo bị chấp ngã và ngã sở trói buộc nên tâm trụ sắc…, vì gia công tu tập nơi sắc… nên không thể tu hành viên mãn Bát-nhã ba-la-mật đa, chẳng thể thành tựu nhất thiết trí tướng. Vì thế, chẳng nên chấp lấy tất cả pháp. Đã chẳng nên chấp lấy thì chẳng phải tất cả pháp như sắc… Vì sao? Vì bản tính không, nên cũng chẳng chấp lấy sự tu hành Bát-nhã ba-la-mật đa. Đã chẳng chấp lấy thì chẳng phải là Bát-nhã ba-la-mật-đa, vì quán tất cả pháp bản tính không. Lúc quán như thế thì tâm không phan duyên tất cả pháp. Đây gọi là tam-ma-địa Vô sở nhiếp thụ vi diệu thù thắng, rộng lớn vô lượng , có khả năng tập hợp vô lượng vô biên tác dụng, nó thành tựu nhất thiết tướng trí, cũng không nên chấp lấy. Đã không nên chấp lấy thì chẳng phải nhất thiết tướng trí vì nội không cho đến vô tính, tự tính không. Nhất thiết tướng trí này chẳng phải chấp tướng mà tu đắc. Những kẻ chấp tướng đều là phiền não. Phạm chí Thắng Quân do sức hiểu biết ưu việt, đối với tất cả pháp không thủ, không xả, vì trong pháp thật tướng không thủ, không xả. Bồ-tát không chấp lấy tất cả pháp nên có khả năng từ bờ bên này qua đến bờ bên kia. Nếu có một chút chấp lấy các pháp thì không thể nào qua đến bờ bên kia. Tuy không chấp trước, nhưng vì bản nguyện nên không ở giữa chừng mà bát niết-bàn. Tuy viên mãn tất cả pháp Phật mà cũng chẳng thấy tất cả pháp Phật, vì tất cả pháp là chẳng phải pháp, chẳng phải chẳng phải pháp, tuy chẳng chấp tất cả pháp mà có khả năng thành tựu tất cả các sự nghiệp.

PHẨM THỨ 10: HÀNH TƯỚNG BÁT-NHÃ


Thiện Hiện bạch Phật: Bồ-tát tu hành Bát-nhã quán sát kỹ lưỡng nếu pháp vô sở hữu, chẳng thể thủ đắc chính là Bát-nhã thì ở trong vô sở hữu, chẳng thể thủ đắc thì đâu bị Phật quở trách.

Xá-lợi Tử hỏi: “Pháp nào là vô sở hữu, chẳng thể thủ đắc?

Thiện Hiện đáp: “Đó là sáu độ: Bát-nhã… vô sở hữu, chẳng thể thủ đắc, do vì nội không, cho đến vì vô tính, tự tính không. Lại nữa, uẩn, xứ, giới, xúc, thụ … cho đến pháp Bồ-tát, pháp Như Lai, hoặc thường, hoặc vô thường cho đến hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc chặng giữa, mỗi mỗi đều như thế. Bồ-tát lúc quán sát tất cả các pháp đều vô sở hữu, chẳng thể thủ đắc mà tâm không lui sụt, không lo âu hối tiếc, chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng sợ thì nên biết Bồ-tát này thường không lìa bỏ Bát-nhã vì biết đúng tất cả pháp, vì lìa tự tính tất cả pháp.

Xá-lợi Tử hỏi: Cái gì là tự tính của Bát-nhã cho đến tự tính của tất cả pháp?

Thiện Hiện đáp: Vô tính là tự tính của Bát-nhã cho đến vô tính là tự tính của tất cả pháp. Lại nữa, Bát-nhã lìa tướng của Bát nhã cho đến tất cả pháp lìa tướng của tất cả pháp, tự tính cũng lìa tự tính, tướng cũng lìa tướng, tự tính cũng lìa tướng, tướng cũng lìa tự tính, tự tính tướng cũng lìa tướng tự tính, tướng tự tính cũng lìa tự tính tướng.

Xá-lợi Tử nói: Bồ-tát học pháp này thì có thể thành tựu được nhất thiết trí tướng.

Thiện Hiện nói: Đúng thế! Đúng thế! Vì Bồ-tát biết tất cả pháp không sinh, không thành tựu.

Xá-lợi Tử hỏi: Do nhân duyên nào mà tất cả pháp không sinh, không thành tựu?

Thiện Hiện đáp : Vì sắc… không cho nên không thể thủ đắc sinh, thành tựu. Bồ-tát học như thế thì gần với nhất thiết tướng trí, được thân, ngữ, ý thanh tịnh, được tướng thanh tịnh, chẳng đọa thai sinh, chẳng sinh ác đạo cho đến Bồ-đề thường chẳng xa lìa Phật.

Thiện Hiện bạch Phật: Nếu Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo hoặc hành sắc, hoặc hành tướng của sắc là chẳng phải hành Bát-nhã; hoặc hành sắc thường, vô thường…, hoặc hành tướng của sắc thường, vô thường… là chẳng phải hành Bát-nhã. Nói rộng ra, tất cả pháp cũng như vậy, cho đến hoặc nghĩ “Ta hành Bát-nhã, ta là Bồ-tát, người kia hành Bát-nhã, người kia là Bồ-tát.” Đều là hành tướng hữu sở đắc, chứ chẳng phải hành Bát-nhã.

Thiện Hiện lại nói với Xá-lợi Tử: Nếu trụ tưởng thắng giải về sắc rồi khởi gia hạnh nơi sắc. Do vì khởi gia hạnh nên chẳng thể giải thoát sinh, lão, bệnh, tử và các thứ khổ vị lai, cho đến đối với Độc giác, Bồ-tát, Như Lai và pháp của các Ngài cũng như vậy. Đây gọi là Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo.

Nếu Bồ-tát có phương tiện thiện xảo thì chẳng hành sắc, chẳng hành tướng của sắc, chẳng hành sắc thường, vô thường, chẳng hành tướng của sắc thường, vô thường… cho đến tất cả pháp cũng như vậy. Đối với tất cả pháp, chẳng chấp hữu, chẳng chấp phi hữu, chẳng chấp cũng hữu cũng phi hữu, chẳng chấp phi hữu, phi phi hữu. Đối với chẳng chấp cũng không chấp, vì tự tính của tất cả pháp chẳng thể thủ đắc, vì vô tính là tự tính. Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng chấp hành , chẳng chấp bất hành, chẳng chấp cũng hành cũng bất hành, chẳng chấp phi hành phi bất hành. Đối với chẳng chấp cùng không chấp vì tự tính của Bát-nhã chẳng thể thủ đắc, vì vô tính là tự tính. Đây gọi là tam-ma-địa không chấp trước tất cả pháp, hằng trụ tam-muội này không bỏ thì sẽ mau chứng Vô thượng Bồ-đề. Ngoài ra, còn có tam-ma-địa Kiện Hành … nói sơ lược có một trăm năm mươi bảy tên gọi. Lại có vô lượng vô số môn tam-ma-địa, môn đà-la-ni, nếu khéo tu học cũng sẽ mau chứng Bồ-đề. Bồ-tát tuy trụ các tam-ma-địa nhưng chẳng thấy, chẳng chấp, cũng chẳng nghĩ: “Ta đã nhập, hiện đang nhập, sẽ nhập, chỉ có ta mới có khả năng nhập, ngoài ra không ai có thể nhấp được”. Những suy nghĩ phân biệt như vậy đều không hiện hành, vì trong vô sở hữu không có lý do gì để khởi lên ý tưởng phân biệt.

Đức Phật ngợi khen và ấn chứng điều đó, rồi khuyên các Bồ-tát nên học như thế.

Xá-lợi Tử hỏi: “Có phải Bồ-tát này học đúng Bát-nhã cho đến học đúng Nhất thiết trí tướng chăng?

Phật đáp: Đúng thế!

Lại hỏi: Lấy vô sở đắc làm phương tiện thì pháp nào chẳng thể thủ đắc?

Phật đáp: Ngã chẳng thể thủ đắc, vì rốt ráo thanh tịnh, hữu tình, mạng giả… cho đến Như Lai đều chẳng thể thủ đắc, vì rốt ráo thanh tịnh. Các pháp chẳng sinh ra, chẳng chết mất, không nhiễm, không tịnh, vô đắc, vô vi, đó là nghĩa của rốt ráo thanh tịnh. Lúc học như thế, đối với tất cả pháp đều không có học gì hết. Nếu không thông đạt pháp vô sở hữu thì bị gọi là vô minh. Do vô minh và sức mạnh của ái mà phân biệt chấp trước hai bên đoạn, thường, chẳng biết, chẳng thấy tính các pháp vô sở hữu rơi vào trong hạng phàm phu ngu tối, chẳng thể ra khỏi ba cõi, chẳng thể thành tựu ba thừa, chẳng thể tin nhận tất cả pháp không, chẳng thể trụ trong các pháp ba mươi bảy phẩm trợ đạo, sáu độ… Vì thế, muốn học Bát-nhã, muốn thành tựu Nhất thiết trí, đạo tướng trí, nhất thiết tướng trí, phải nên lấy vô sở đắc làm phương tiện, Bồ-tát cần phải học như thế.

PHẨM THỨ 11: THÍ DỤ


Thiện Hiện cùng Đức Như Lai hỏi đáp để nói về tất cả pháp chẳng khác huyễn, huyễn chẳng khác tất cả pháp, tất cả pháp tức là huyễn, huyễn tức là tất cả pháp. Nếu không có phương tiện thiện xảo thì không được bạn lành tiếp nhận nghe nói đến Bát-nhã sâu xa, tâm của họ có kinh sợ. Nếu dùng tâm tương ưng với nhất thiết trí trí quán tướng tất cả pháp thường, vô thường… chẳng thể thủ đắc là có phương tiện thiện xảo, tâm người ấy không có kinh sợ.

Kế đến, nói về tướng của bạn lành, tuy nói tất cả pháp chẳng thể thủ đắc mà khuyên người y theo pháp này siêng tu căn lành, chẳng dạy hồi hướng Nhị thừa, chỉ khiến cho chứng đắc Nhất thiết trí trí. Nếu lìa tâm tương ứng với Nhất thiết trí trí thì tu hành tất cả pháp sẽ có sở đắc, có chỗ nương gá. Vì lấy hữu sở đắc làm phương tiện nên nghe nói Bát-nhã sâu xa sinh tâm kinh sợ.

Kế đến, nói về tướng của bạn ác, nếu dạy bảo người chán bỏ pháp tương ưng với Bát-nhã…, nếu chẳng nói cho người học biết về việc ma và tội lỗi của ma thì người này là bạn ác, phải nên gấp xa lìa.

PHẨM THỨ 12: BỒ-TÁT


Thiện Hiện bạch Phật: Bồ-tát là có nghĩa gì?

Phật dạy: Bồ-đề là không sinh, Tát-đỏa là phi hữu cho nên nói “không” là nghĩa của Bồ-tát như dấu chim trong hư không, việc huyễn, sắc tướng Như Lai…, phải biết tất cả đều là nghĩa vô sở hữu, cũng chẳng thể thủ đắc. Nghĩa Bồ-tát cũng như vậy. Bồ-tát cần phải học, cần phải biết tất cả pháp đều vô sở hữu, vô ngại, vô trước.

Kế đến, Phật vì Thiện Hiện mà phân tích giải thích về pháp thiện, pháp bất thiện, pháp hữu ký, pháp vô ký, pháp thế gian, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp cộng, pháp bất cộng. Bồ-tát chẳng thể nên chấp trước pháp tự tướng không mà phải nên dùng “không hai” làm phương tiện giác ngộ tất cả pháp, vì tất cả pháp không có tướng động.

PHẨN THỨ 13: MA-HA-TÁT


Phật đáp Thiện Hiện: Bồ-tát phát tâm Kim Cương Dụ, phát tâm rộng lớn thù thắng, phát tâm không thể khuynh động, phát tâm lợi ích an lạc, ưa pháp, thích pháp, hân pháp, hỉ pháp, lấy vô sở đắc làm phương tiện, cũng không tự ỷ thị mà sinh kiêu mạn cho nên chúng Đại Bồ-tát nhất định được làm người đứng đầu.

Lại nữa, Bồ-tát dùng vô sở đắc làm phương tiện an trụ hai mươi không, bốn tĩnh lự…, cho nên chúng Đại Bồ-tát nhất định được làm người đứng đầu.

Xá-lợi Tử, Thiện Hiện, Mẫu Từ Tử mỗi vị cũng đều nói về nghĩa Ma-ha-tát.

PHẨM THỨ 14: ÁO GIÁP ĐẠI THỪA


Phật đáp Thiện Hiện: Bồ-tát mặc giáp Đại thừa, đó là sáu độ, mười hai thiền, ba mươi bảy phẩm trợ dạo, hai mươi không, năm nhãn, sáu thông, mười lực, vô úy, vô ngại, đại từ, bi, hỉ, xả, mười tám pháp bất cộng, ba trí, thân tướng, các công đức… Bồ-tát mặc giáp như thế phóng ánh sáng chiếu soi khắp khiến cho các thế giới ba lần bị chấn động sáu cách, dứt khổ ba đường ác, vì họ mà ngợi khen Tam bảo để cho họ được sinh lên trời, trong loài người, gặp Phật nghe pháp giống như nhà ảo thuật tuy có làm ra các việc nhưng không có một điều gì là thật. Các pháp tính không vì đều như huyễn.

Thiện Hiện bạch Phật: Bồ-tát chẳng mặc giáp công đức chính là mặc giáp Đại thừa vì tự tướng của tất cả pháp là không.



tải về 1.17 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương