ĐẠI ĐẠo tam kỳ phổ ĐỘ TÒa-thánh tây-ninh chú giảI



tải về 1.6 Mb.
trang1/10
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.6 Mb.
#8421
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

TÒA-THÁNH TÂY-NINH




CHÚ GIẢI





THIÊN VÂN


Hiền Tài QUÁCH VĂN HÒA

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

TÒA-THÁNH TÂY-NINH

CHÚ GIẢI
KINH THẾ ĐẠO


THIÊN VÂN

Hiền Tài QUÁCH VĂN HÒA

大 道 三 期 普 度

西 寧 聖 座

_______

注 解
世 道 經
天 雲

賢才






TÒA THÁNH TÂY NINH


QUẢ CÀN KHÔN

THỜ ĐỨC NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ

TÒA THÁNH TÂY NINH




KINH THẾ ĐẠO

Trải qua hai thời kỳ Phổ độ, Tam Giáo đã truyền lại biết bao nhiêu là Kinh sách quí báu để giác ngộ người đời. Như ta đã biết, Kinh là nền tảng của một triết thuyết hay một Tôn giáo, nên từ ngàn xưa, các vị Giáo chủ của Tam giáo đã đắc lệnh của Đức Chí Tôn, giáng cơ mở Đạo để tùy thời, tùy căn cơ, tùy hoàn cảnh mà truyền những kinh sách quí báu, hầu khai hóa đạo tâm cho con người, đưa con người đến sự giác ngộ.

Về Nho giáo, Đức Không Thánh đã để lại một kho kinh sách quí giá như Tứ Thư, Ngũ Kinh, sau này các hàng Đệ tử và hậu Nho tiếp tục xiển dương hệ thống triết lý đó làm nền tảng về nhân sinh, đạo đức và phong tục cho xã hội con người Á Đông, mà hơn hai nghìn năm nay con người vẫn còn sùng thượng.

Về Lão giáo, từ hai quyển “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử và “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử làm cơ sở cho triết lý “Vô vi”, đến thời nhà Tống các nhà Nho đem lý thuyết Vô vi của Lão Trang phối hợp với Dịch Lý của Nho mà tạo thành một phong trào “Huyền học” hay “Lý học”. Phong trào nầy có công lớn trong việc phát triển học thuyết Lão Trang đến chỗ phồn thịnh nhứt vào đời Ngụy, Tấn, Lục Triều...Lão giáo được thành hình sau đó để hướng con người về với Đạo là thuận lẽ thiên nhiên vô vi tự tại. Vì vậy, thuyết Vô vi của phái Đạo Gia đã ảnh hưởng không nhỏ về Vũ trụ quan và Nhân sinh quan qua con người Việt Nam ta từ ngày xưa cho đến bây giờ.

Về Phật giáo, sau khi Đức Phật thành Đạo, Ngài đã đem điều chứng đắc để giác ngộ chúng sinh tìm về bản thể chơn như, hầu đưa chúng sanh theo con đường giải thoát. Đến khi Phật nhập diệt, các vị đệ tử mới đem những lời dạy của Ngài kết tập lại thành Tam Tạng Kinh. Từ đó, Kinh sách của Phật được phổ truyền theo muôn đường vạn nẻo để đem cái Giáo Pháp cao siêu của Đức Phật mà giác ngộ chúng sinh trong tam đồ, lục đạo.

Đến thời Tam Kỳ Phổ Độ, nhơn loại càng ngày càng đánh mất điểm thiên lương, nên tập nhiễm lợi danh, vật chất, tranh đấu giành giựt lẫn nhau, tương tàn tương sát vì chén cơm manh áo, vì quyền tước lợi danh, khiến phải chịu nhiều nỗi điêu linh, thống khổ.

Đã hai lần phổ độ mà sanh chúng vẫn bị mê mờ, mãi chìm sâu trong luân hồi biển khổ, nên lần này, Đức Chí Tôn không giáng Chơn linh, mà dùng huyền diệu cơ bút khai sáng nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, lập nên Chánh pháp Cao Đài, có tôn chỉ qui Tam Giáo, hiệp Ngũ Chi, tức là nhìn nhận các Tôn giáo từ một nguồn gốc mà sinh ra: Đó là Thượng Đế. Vì vậy, sau ngày khai Đại Đạo, Hội thánh được lịnh Ơn Trên dạy thỉnh Kinh nơi Phật Giáo hay các chi Minh Sư, Minh Lý...về tụng niệm.

Mãi đến năm 1935, tức là gần mười năm khai Đạo, các Đấng Thiêng Liêng mới giáng cơ ban cho Tân Kinh. Ấy là một giọt nước Cam Lộ của Đức Từ Bi rưới chan đặng gội nhuần cho các đẳng Linh hồn của toàn thế giới. (1)

Quyển Tân Kinh do Hội Thánh ban hành được chia làm hai phần: Kinh Thiên ĐạoKinh Thế Đạo.

Những bài kinh Thiên Đạo được tụng trong các thời cúng tại Thánh thất hay tư gia nhằm xưng tụng công đức của các Đấng Thiêng Liêng và các bài kinh siêu độ các Chơn linh của những người quá cố.

Còn các bài kinh Thế Đạo là những bài Kinh như Thuyết pháp, Nhập hội, Hôn phối...ngoài ra còn các bài Kinh dạy về nhơn luân và đạo đức cho con người, tức là những bài Kinh có nội dung tỏ cái ơn nghĩa và tình cảm của chúng ta đối với người quá cố: Vua, thầy, tổ phụ, cha mẹ...

Tất cả Kinh Thế Đạo gồm 19 bài (trừ bài Kinh Cứu Khổ), trong đó có:

*Mười bài Kinh do Đức Hộ Pháp đặt ra, có cầu Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn chỉnh văn lại. Mười bài Kinh đó là:

1.- Kinh Thuyết Pháp.

2.- Kinh Nhập Hội.

3.- Kinh xuất Hội

4.- Kinh Đi Ra Đường.

5.- Kinh Khi Về.

6.- Kinh Khi Đi Ngủ.

7.- Kinh Khi Thức Dậy.

8.- Kinh Vào Học.

9.- Kinh Vào Ăn Cơm.

10.- Kinh Khi Ăn Cơm Rồi.

*Một bài do Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho, đó là:

11.- Kinh Hôn Phối.

Và tám bài Kinh cúng tế trong tang lễ, do Bà Đoàn Thị Điểm giáng cơ ban cho và bài Kinh Cứu Khổ:

12.- Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà.

13.- Kinh Tụng Khi Thầy Qui Vị.

14.- Kinh Cầu Tổ Phụ Đã Qui Liễu.

15.- Kinh Cứu Khổ. (1)

16.- Kinh Tụng Cha Mẹ Đã Qui Liễu.

17.- Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng Cố Hữu Đã Qui Liễu.

18.- Kinh Tụng Huynh Đệ Mãn Phần.

19.- Kinh Tụng Khi Chồng Qui Vị.

20.- Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu.



CHƯƠNG THỨ NHỨT


KINH THUYẾT PHÁP (1)
I.-KINH VĂN:
Trường phổ tế khó khăn lắm nỗi,

Cậy Thánh tâm sửa đổi tánh phàm.

Dìu đời với sức không kham,

Mượn quyền thuyết pháp đặng làm cơ quan.

Đại Từ Phụ hồng ân rưới khắp,

Trợ giúp con đặng lập nên công.

Muốn cho thiên hạ đại đồng.

Lấy câu cứu khổ dụ lòng thương sanh.

Nguyện lời nói biến hình bác ái,

Nguyện chí thành sửa máy tà gian.

Nguyện cho khí tịnh thần an,

Nguyện xin thính giả hiểu đàng chơn tu.

Nguyện các Đấng đương chầu Bạch Ngọc,

Giúp thông minh lảu thuộc văn từ.

Cảm quang diêu động tâm tu,

Khai cơ giải thoát mở tù Phong Đô.


II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:
Kinh Thuyết Pháp do Đức Hộ Pháp đặt ra, có cầu Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ chỉnh văn lại.

Kinh Thuyết Pháp dùng để vị chức sắc thuyết pháp và đồng nhi tụng đọc trong một đàn thuyết giảng giáo lý cho các tín đồ nghe và học hỏi.

Thuyết pháp còn được gọi là thuyết đạo hay thuyết giảng giáo lý. Giáo lý của một tôn giáo được hiểu như là một phương tiện hướng dẫn thực tập của chư tín đồ, tựa như chiếc bè đưa người tu tập qua sông, mà không phải như một chủ thuyết hay một giáo điều triết học.

Sở dĩ con người cứ mãi đau khổ trong cuộc đời này là vì trí huệ thường hằng, thanh tĩnh của mình bị vô minh che lấp, nên giáo pháp của Đức Chí Tôn nhằm mục đích đem đến ánh sáng trí huệ để biết chọn con đường giải thoát.

Giáo lý là một Đạo học, nghĩa là không thể dùng trí mà phải dùng cả tâm để hiểu và sống với nó. Thánh giáo Đức Chí Tôn không phải chỉ là một đạo để học, mà phải là cái đạo để hành, để tập với cái điều mình đã hiểu, đã ngộ được.

Chúng ta là người tu học cần phải học hỏi và thực tập một cách khôn khéo, đừng cố chấp để không bị lầm lạc. Trong Kinh Viên giác dạy: Tất cả những giáo lý giảng giải trong Kinh sách đều là ngón tay chỉ mặt trăng. Chân lý coi như mặt trăng, giáo lý ví như ngón tay chỉ về mặt trăng, như thế ngón tay cũng như giáo lý chỉ là những phương tiện mà thôi, chính mặt trăng mới là cứu cánh mà ta cần đạt tới. Đừng lầm ngón tay với mặt trăng, tức là giáo lý với chân lý.

Ngoài ra chúng ta cần nên biết, kẻ hành giả chỉ mượn giáo lý để đưa qua sông mê, khi đã đến bờ giác rồi thì hành giả phải buông bỏ chiếc bè để bước lên giác ngạn. Đó là không chấp pháp.

Người thuyết giảng giáo lý cũng cần lưu tâm một điều là vào thời Hạ ngươn mạt Pháp, Đức Chí Tôn mở cơ tận độ nên giáo pháp được coi như những mầm giống thiện lương, đem rải khắp cho toàn sanh chúng, mình là người mang những hạt giống đó gieo truyền lại, thì chính mình cũng phải là hạt giống tốt, có thể sinh sôi nẩy mầm được. Người thuyết pháp phải học hỏi, tự sửa mình truớc rồi mới dạy người như lời Mạnh Tử đã nói: Mình cong queo thì không thể nào sửa cho người ngay thẳng được (Uổng kỷ giả, vị hữu năng trực nhân giả dã 枉 己 者, 未 有 能 直 人 者 也). Người thuyết Đạo có được một đức độ và một tinh thần thương yêu sanh chúng thì mới có một khả năng:



Cảm quang diêu động tâm tu,

Khai cơ giải thoát mở tù Phong đô.
III.-CHÚ GIẢI:
Trường phổ tế khó khăn lắm nỗi,

Cậy Thánh tâm sửa đổi tánh phàm.

Trường 場: Chỗ nhiều người tụ họp.

Phổ tế 普 濟: Phổ là rộng, khắp; tế là đưa qua đò, cứu giúp. Phổ tế là cứu giúp tất cả chúng sanh khắp mọi nơi. Phổ tế đồng nghĩa với Phổ độ 普 度.

Trường phổ tế: Hay cơ quan phổ tế hay cơ quan phổ độ là một cơ quan của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có nhiệm vụ phổ hóa chúng sanh, lo phần Đạo của Đạo, hay nói cách khác là đem Đạo vào đời để dìu dắt sanh linh nương về với Đạo đặng siêu rỗi tội tình hầu tiến đến phẩm vị trọn lành.

Khó khăn lắm nỗi: Nhiều nỗi khó khăn.

Từ khi khai Đạo, Chí Tôn truyền mở các đàn cơ và thành lập Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để phổ độ chúng sanh, song việc phổ độ này không được rộng khắp và gặp nhiều nỗi khó khăn như sau:

- Phải làm sao chọn được những vị Chức sắc thực sự phế thân hành Đạo, lãnh nhiệm vụ châu lưu cùng khắp vào chốn thôn quê sằn dã để đem chơn lý Đạo mầu thức tỉnh người đời hồi tâm hướng thiện.

- Phải thuyết phục một số người là con cái Đức Chí Tôn nhưng vì còn yếu ớt đức tin nên còn đứng ngoài vòng cửa Đạo.

- Phải tìm cách giác ngộ một phần đông số người còn đang mê mẩn trong vòng vật chất, mà xem rẻ rúng mối Đạo Trời, thành thử vẫn mịt mờ trong tăm tối.

Chính do những nỗi khó khăn đó, Đạo luật năm Mậu Dần 1938 mới thành lập cơ quan phổ tế và qui định cho cơ quan này là dẫn dắt người Đời vào trường học Đạo của Trời cho mau chóng, đặng sớm tầm con đường siêu rỗi cho nhơn loại.



Cậy: Nhờ vào, dựa vào, nương vào.

Thánh tâm 聖 心: Cái tâm chí thánh, cái tâm rất Thiêng liêng, tức là cái tâm thiện lương, chơn chánh.

Tánh phàm: Hay phàm tánh 凡 性: Cái tánh của kẻ phàm phu, tánh này thường xu hướng theo vật dục, nên có tính hẹp hòi ích kỷ.

Câu 1: Trường phổ tế chúng sanh gặp nhiều nỗi khó khăn vất vả.

Câu 2: Cậy nhờ vào những bậc có lòng chí thánh để sửa đổi tánh phàm tục của con người.

Tâm của kẻ phàm phu cũng do Trời phú cho, nhưng vì con người phàm phu thường xu hướng theo vật chất, nên tâm bị lôi cuốn theo, khiến cho tâm bị động. Khi tâm động thì phát xuất ra ý, ý mới hiệp với thức của thân ngũ uẩn mà có khuynh hướng dục vọng, đó là đầu mối của vô minh.

Người có Thánh tâm là người biết giữ cho tâm được thanh tịnh, chiêu minh, tức là giữ được bản thể của nó là tánh, do Trời phú cho, trở về với nguồn cội là Đại Linh quang Thượng Đế. Vì thế tâm sẽ trở nên thần minh, làm chủ nhục thân, hành động theo Đạo tự nhiên của Trời đất.

Do vậy, những bậc Thánh tâm là những người có đức háo sanh như Thượng Đế đầy lòng thương yêu, nên mong muốn sửa đổi cho tất cả chúng sanh những tâm phàm tánh tục trở lại với Thiên tánh.


Dìu đời với sức không kham,

Mượn quyền thuyết pháp đặng làm cơ quan.

Dìu đời: Dìu dắt người đời.

Kham 堪: Chịu được, chịu nổi.

Quyền 權: Tạm thay, tạm dùng đỡ.

Nho giáo chủ trương làm việc phải chấp kinh tùng quyền 執 經 從 權 nghĩa là vẫn theo đạo thường, nhưng cũng có lúc quyền biến.

Kinh 經 là đạo dùng khi thường, Quyền 權 đạo dùng khi biến.

Thuyết pháp 說 法: Giảng giải giáo pháp của một Tôn giáo, bao gồm thuyết giáo lý, thuyết kinh luật, thuyết đạo đức...

Cơ quan 機 關: Bộ máy quan trọng trong một tổ chức.

Câu 3: Sức dẫn dắt người đời vào cửa Đạo không thể nào làm nổi.

Câu 4: Nên phải mượn phương tiện thuyết pháp để làm cơ quan dìu dắt con người về đường đạo đức.

Muốn độ một con người trong thời Hạ nguơn này rất nên khó khăn, vì tâm ý mỗi con người mỗi khác nhau. Lại nữa, gặp những người có xu hướng theo vật chất, mãi mê về danh lợi thì có thời giờ đâu mà đọc kinh sách, nên dù có muôn kinh ngàn sách hay, họ cũng không đọc, mà không đọc thì làm sao hiểu được nguyên lý hay giáo pháp để tu hành.

Con người muốn tu thì phải học. Học để biết việc tu. Muốn học thì phải đọc ở các Kinh sách của Tam giáo. Ngoài ra, khi Đạo Cao Đài được khai sáng, thì có những bài Thánh giáo của Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng giáng cơ giáo hóa, do Hội Thánh ban hành, nhưng phần nhiều các tín đồ đã nhập môn, không để công tìm hiểu, đến nỗi Thánh giáo Chí Tôn phải than: “Phần nhiều trong các con chẳng để lòng thờ kính Thầy, tưởng cho đem thờ Thầy vào nhà là chủ ý cầu một việc lợi riêng chi cho gia quyến vậy thôi, chớ chẳng hiểu là nguồn trong sạch để rửa các lỗi phàm tục của các con.

Nhiều đứa lại còn mờ hồ, đã thờ Thầy mà chưa chắc ý rằng thờ đặng chi, và mở Đạo có ích gì?

Than ôi! Đã bước chân vào đường đạo hạnh mà chẳng để công tìm kiếm, học hỏi cho rõ ngọn nguồn, thì làm phận sự môn đệ như thế có ích chi cho nền Thánh giáo đâu?”.

Do sự lơ đểnh việc học hỏi về Kinh sách của chư môn đồ, Thầy đã dạy Hội Thánh mỗi đàn lệ phải thuyết Đạo để nhắc nhở và dìu dẫn chúng sanh về với đường đạo đức. Thánh giáo dạy: “Các Giáo hữu phải lo lắng về phần thuyết Đạo cho kịp mỗi đàn lệ, phải trích ra một bài Thánh ngôn dạy về đạo đức và đọc cho chúng sanh nghe. Như vậy thì lời Thánh giáo như còn vẳng bên tai các môn đệ, để giục bước đường của chúng nó chẳng sụt sè vậy”.


Đại Từ Phụ hồng ân rưới khắp,

Trợ giúp con đặng lập nên công.

Đại Từ Phụ 大 慈 父: Đấng cha lành. Đấng sinh hóa ra vạn linh, có lòng Đại từ Đại bi thương yêu con cái của Người là chúng sanh: Đó là Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Hồng ân 洪 恩: Hồng là to lớn. Hồng ân là ân huệ to lớn do Đức Chí Tôn ban bố cho vạn linh.

Trợ 助: Giúp đỡ.

Câu 5: Cầu xin Đức Đại Từ Phụ ban bố hồng ân rưới khắp cho toàn chúng sanh.

Câu 6: Và giúp cho con được lập nên công nghiệp.

Trong việc tu hành, muốn được giải thoát khỏi kiếp sinh nơi trần lao giả tạm này để về với ngôi xưa vị cũ thì người tu hành phải nhờ vào hai nguồn lực: Tự lực và tha lực. Tự lực là sức mạnh của mình, nhờ vào năng lực của chính mình để đạt đến giải thoát. Tha lực là sức mạnh từ bên ngoài, hay nương vào sức thiêng liêng của các Đấng để trợ giúp.

Tuy vậy trong ý nghĩa sâu xa hơn, tất cả chúng sanh đều sẵn thiên tánh, nên sự phân biệt tự lực hay tha lực cũng chỉ là phương tiện trong việc tu mà thôi. Nương nhờ tha lực cũng cần đến tự lực, tự lực là điều kiện cần thiết cho việc tu, có quyết tâm, cố gắng mới mong đạt thành như lời Thánh giáo Đức Chí Tôn đã dạy: “Nếu các con không tự lập ở cõi thế này, là cái đời tạm của các con, thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên cho đặng”.
Muốn cho thiên hạ đại đồng.

Lấy câu cứu khổ dụ lòng thương sanh.

Thiên hạ 天 下: Dưới Trời, chỉ nhơn loại, chỉ toàn thế giới.

Đại đồng 大 同: Có nghĩa là hết thảy đều như nhau. Đây chỉ một xã hội lý tưởng của Nho giáo, trong đó nhơn loại đều là anh em, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giai cấp. Mọi người đều sống bình đẳng, bác ái, chung nhau làm, chung nhau ăn, cuộc sống thanh bình, thánh đức.

Trong Kinh Lễ, thiên Lễ vận chép rằng Khổng Tử buồn bã, thở dài về việc Vua nước Lỗ cúng tế không đủ lễ, rồi nói với môn đệ là Tử Du rằng:

“Thực hành đại đạo cùng với các bậc anh tuấn đời Tam đại thì Khâu này không làm được, nhưng vẫn có chí đó.

Ở thời Đại đạo thực hành thì thiên hạ là của chung, người ta chọn kẻ hiền năng, giảng điều tín thực, sửa điều hòa mục. cho nên người ta không riêng thân cha mẹ mình, không riêng yêu con mình, kẻ già được nuôi dưỡng trọn đời, trai tráng có chỗ dùng, trẻ con được săn sóc đến trưởng thành; người ta thương kẻ góa, con côi, người già cô độc; người tàn tật được chu cấp, con trai có phận, con gái có nơi chốn để nương cậy. Người ta ghét của bỏ phế trên đất mà lượm lên, chứ không chủ ý lo lợi riêng cho mình. Vì vậy những ngón cơ mưu không thi thố được, kẻ trộm cắp, người làm loạn, làm giặc không nổi lên, cho nên cửa ngõ không cần đóng. Đó là thời Đại đồng.

(Đại đạo chi hành dã, dữ Tam đại chi anh, Khâu vị chi đãi dã nhi hữu chí yên.

Đại đạo hành dã, thiên hạ vi công, tuyển hiền dữ năng, giảng tín tu mục. Cố nhân bất độc thân kỳ thân, bất độc tử kỳ tử, sử lão hữu sở chung, tráng hữu sở dụng, ấu hữu sở trưởng, căng quả cô độc phế tật giả giai hữu sở dưỡng, nam hữu phận, nữ hữu quy. Hóa ố kỳ khí vu địa dã, bất tất tàng vu kỷ; lực ố kỳ bất xuất ư thân dã, bất tất vị kỷ. Thị cố mưu bế nhi bất hưng, đạo thiết loạn tặc nhi bất tác, cố ngoại hộ nhi bất bế. Thị vị Đại đồng.

大 道 之 行 也, 與 三 代 之 英, 丘 未 之 逮 也, 而 有 志 焉.

大 道 之 行 也, 天 下 為 公, 選 賢 與 能, 講 信 修 睦. 故 人 不 獨 親 其 親, 不 獨 子 其 子, 使 老 有 所 終, 壯 有 所 用, 幼 有 所 長, 矜 寡 孤 獨 廢 疾 者 皆 有 所 養, 男 有 分, 女 有 歸. 貨 惡 其 棄 于 地 也, 不 必 藏 于 己, 力 惡 其 不 出 於 身 也, 不 必 為 己. 是 故 謀 閉 而 不 興, 盜 竊 亂 賊 而 不 作, 故 外 戶 而 不 閉, 是 謂 大 同).



Cứu khổ 救 苦: Cứu giúp người thoát khỏi cảnh khổ.

Cứu giúp người thoát khỏi cảnh khổ bằng các hành động hay vật chất, cũng không thể làm cho người hết khổ. Nguyên nhân khổ đau, theo Phật là do bởi vô minh, do không hiểu thấu lý duyên khởi, lý vô thường, lý vô ngã của các pháp.

Do vậy, chủ trương cứu khổ của các Tôn giáo là dạy cho chúng sanh phá được vô minh, khiến cho họ giác ngộ theo đường tu tập để thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Đó mới thực là một phương pháp giải khổ.

Dụ 誘: Dỗ dành, dùng lời nói khéo khuyên người ta nghe theo mình, lấy đạo nghĩa khuyên người ta làm thiện.

Thương sanh 蒼 生: Là chúng sanh, bách tính, nhơn dân.

Câu 7: Để cho nhơn loại được sống trong một xã hội Đại đồng,

Câu 8: Lấy lẽ Đạo ra thuyết giảng hầu cứu khổ nhơn sanh và khuyến dụ lòng lành của nhơn sanh.

Thế gian là một biển khổ, con người sống trong cõi ấy, kẻ thì lặn hụp, người thì chìm đắm dưới những lằn sóng xao động giữa biển khổ mênh mông, bát ngát.

Giáo lý Cao Đài không đi xa thực tế với đời sống của con người thực tại. Sự mở Đạo của Đức Chí Tôn trong thời hạ nguơn này là mong muốn cho tất cả chúng sanh, dù đang mang theo cái nghiệp duyên tốt hoặc xấu do hành vi lành hoặc dữ của kiếp quá khứ tạo nên, ở kiếp này phải tự giải khổ bằng cách đền trả quả cũ, một mặt không gây nghiệp mới, mặt khác tự bản thân cố gắng tu thân lập hạnh và bồi công tạo đức để mọi người sống nơi thế gian đau khổ này đều hướng thiện, biết cư xử với nhau có tình nghĩa, có đạo đức, biết thương yêu nhau như anh em một nhà, con một cha, hầu tất cả mọi người có đời sống ấm no hạnh phúc, xã hội thái bình thạnh trị. Đây là mục tiêu cải tạo một xã hội đại đồng trên thế gian của nền Đại Đạo.
Nguyện lời nói biến hình bác ái,

Nguyện chí thành sửa máy tà gian.

Nguyện lời nói: Mong muốn cho lời nói.

Biến hình 變 形: Biến đổi thành hình thức.

Bác ái 博 愛: Lòng thương yêu rộng lớn, yêu thương tất cả mọi người, mọi vật.

Từ bi bác ái là lòng thương yêu tất cả chúng sanh của chư Phật, Tiên.

Ở Đạo Nho, Đức Khổng Tử cũng dạy lấy sự yêu thương làm trọng, sách Không Tử Gia ngữ có chép: Một hôm vua Cung vương nước Sở làm mất một cây cung, các quan xin vua cho người đi tìm, vua nói rằng: Vua nước Sở mất cung, người nước Sở nhặt được, có mất đâu mà đi tìm. Có người đem chuyện ấy thuật lại cho Khổng Tử, Ngài nói rằng: Tiếc thay cái ý vua còn hẹp! Phải chi nói: Người rơi mất cung, có người nhặt được, hà tất phải nói là người nước Sở.

Khổng Tử là người có lòng bác ái, nên ý Ngài muốn nói con người ở đâu cũng là người, việc gì phải lấy giới hạn một nước mà phân biệt nhau. Lòng nhân ái của con người phải bao trùm khắp thiên hạ, chứ không riêng cho một xứ nào, một nước nào.

Theo triết lý Cao Đài, con người sống ở thế gian, ai cũng bẩm thụ điểm Linh quang của Chí Tôn, cũng thọ cái Chơn thần của Đức Phật Mẫu, nên tất cả chúng sanh đều được xem như là anh em một nhà, chung một cha là Thượng Đế. Do vậy, mọi người phải biết thương yêu, biết lấy điều nhơn nghĩa mà cư xử với nhau, đó là lòng bác ái.

Chí thành 至 誠: Hết lòng thành thật.

Trong việc xử thế của con người điều trước tiên phải có lòng chí thành. Chí thành là thể hiện sự hết sức thành thật của chính cá nhân mình đối với mọi người trong xã hội.

Mạnh Tử 孟 子 nói về đức Chí thành như sau: Thành thực là cái Đạo của Trời, luyện tập để nên thành thực là cái Đạo của người. Hễ chí thành mà không cảm được thiên hạ, thì chưa hề có; không thành thực thì chẳng cảm động được ai cả. (Thành giả, thiên chi đạo dã, tư thành giả, nhân chi đạo dã. Chí thành nhi bất động giả, vị chi hữu dã; bất thành vị hữu năng động giả dã 誠 者, 天 之 道 也, 思 誠 者, 人 之 道 也, 至 誠 而 不 動 者, 未 之 有 也, 不 誠 未 有 能 動 者 也).

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Chí Tôn dạy về lòng chí thành như sau: Chí thành là mỗi việc lấy lòng thành thật mà đối đải trong đời và trong Đạo. Dù kẻ phú quí đến bực nào đi nữa mà không có lòng bác ái và chí thành thì không làm chi nên việc.



Máy: Do chữ Cơ 機 là cái máy, cái mối phát sinh ra.

Tà gian 邪 奸: Tà là cong vạy, gian là dối trá. Tà gian là giả dối, không chính đáng, không thành thật.

Máy tà gian: Cái mối sinh ra gian tà xảo trá.

Trong Hán Việt có từ Cơ tâm 機 心: Cái lòng biến trá khéo léo, giống như máy móc, tâm con người ẩn bên trong những mưu mô xảo quyệt để đối xử nhau, giết hại lẫn nhau, không chút thương yêu, không lòng đạo đức. Đấy là bản tâm con người trong thời hạ nguơn mạt Pháp, trong thời xu hướng theo văn minh vật chất, mà quên đi luân thường đạo đức.



Câu 9: Xin nguyện cho lời nói gây nên lòng bác ái.

Câu 10: Xin nguyện đem lòng chí thành để cải sửa mối tà vạy, gian xảo.
Nguyện cho khí tịnh thần an,

Nguyện xin thính giả hiểu đàng chơn tu.

Khí tịnh 氣 淨: Khí con người trong sạch. Khí là một trong tam bửu, đây là Chơn thần của con người.

Thần an 神 安: Thần của con người được yên tĩnh, không xao động, là một trong tam bửu, thần là Chơn linh của con người.

Thính giả 聽 者: Người nghe. Đây là người nghe thuyết pháp, hay nghe thuyết giảng giáo lý.

Chơn tu 真 修: Tu hành một cách chơn chánh. Tu theo chánh pháp, không cầu lợi danh, không theo mê tín, dị đoan.

Câu 11: Cầu xin cho khí (Chơn thần) được trong sạch, thần (Chơn linh) được yên ổn không xao động.

Câu 12: Nguyện xin các Đấng Thiêng Liêng hộ cho thính giả thông rõ chơn lý mà tu hành.
Nguyện các Đấng đương chầu Bạch Ngọc,

Giúp thông minh lảu thuộc văn từ.

Bạch Ngọc: Tức Bạch Ngọc Kinh 白 玉 京: Một tòa Thiên các, nơi ngự của Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có bài thi mô tả Bạch Ngọc Kinh như sau:



Một tòa Thiên các ngọc làu làu,

Liền bắc cầu qua nhấp nhóa sao.

Vạn trượng then gài ngăn Bắc Đẩu,

Muôn trùng nhiếp khảm hiệp Nam Tào.

Chư Thần chóa mắt màu thường đổi,

Liệt Thánh kinh tâm phép vẫn cao.

Dời đổi chớp giăng đoanh đỡ nổi,

Vững bền muôn kiếp chẳng hề xao.

Ngôi Bạch Ngọc Kinh bằng ngọc màu trắng cao vọi vọi, có cổng Huỳnh Kim Khuyết bằng vàng ròng xa mù mù như hai câu trong bài Ngọc Hoàng Kinh:

Diệu diệu Huỳnh Kim Khuyết,

渺 渺 黃 金 闕



Nguy nguy Bạch Ngọc Kinh.

巍 巍 白 玉 京



Các Đấng đương chầu Bạch Ngọc: Các Đấng Thiêng Liêng đang chầu Đức Chí Tôn nơi Bạch Ngọc Kinh.

Thông minh 聰 明: Thiên tư sáng suốt, trí óc sáng láng.

Lảu thuộc: Thuộc làu làu, học hiểu thông suốt.

Văn từ 文 詞: Văn chương chữ nghĩa.

Câu 13: Nguyện với các Đấng Thiêng Liêng đang chầu Đức Chí Tôn nơi Bạch Ngọc Kinh.

Câu 14: Giúp cho con được sáng suốt để học thông suốt văn từ trong kinh sách.
Cảm quang diêu động tâm tu,

Khai cơ giải thoát mở tù Phong Đô.

Cảm quang 感 光: Cảm là mối cảm xúc trong lòng, quang là ánh sáng. Cảm quang là ánh sáng hào quang (điễn quang) của chư Thiêng Liêng gây cảm xúc hay nói cách khác tác động vào con người.

Diêu động 搖 動: Hay dao động là lay động.

Diêu động tâm tu 搖 動 心 修: Làm thức tỉnh tâm tu hành.

Khai 開: Khai mở.

機: Có thể hiểu theo hai nghĩa: Cơ hội, hay cơ quan, cơ chế.

Giải thoát 解 脫: Cởi bỏ những trói buộc để thoát khỏi luân hồi sinh tử.

囚: Nhà giam người có tội, người bị án.

Phong Đô 酆 都: Địa ngục, A tỳ, cõi giam cầm và trừng trị các tội hồn gây nhiều ác nghiệp lúc còn sống nơi thế gian. Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát làm giáo chủ cõi Phong Đô, nên Ngài được gọi là Phong Đô Đại Đế.

Theo Phật, Địa ngục là một trong tam ác đạo, là cõi đầy khổ não, nơi thác sinh của chúng sanh đã tạo nhiều ác nghiệp (Địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh).

Theo Cao Đài, Phong đô hay Địa ngục chỉ là nơi để cho các Chơn hồn giải thân định trí, là một cái quan ải mà các Chơn hồn khi qui Thiên phải ngang qua đó, nơi đó được Đạo Cao Đài gọi là Âm quang.

Câu 15: Cầu xin các Đấng Thiêng Liêng cảm hóa, thức tỉnh tâm tu hành.

Câu 16: Mở ra một cơ hội giải thoát chúng sanh ra khỏi luân hồi sanh tử và mở cửa Phong Đô để thả các tội hồn trong thời ân xá của Chí Tôn.

Khi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được khai sáng, Chí Tôn ra lệnh đại ân xá kỳ ba cho tất cả chúng sanh, truyền đóng cửa Địa ngục, mở cửa Thiên đường mà các bài Kinh Cao Đài có viết:



Vô Địa ngục, vô quỉ quan,

Chí Tôn đại xá nhứt tràng qui nguyên.

(Phật Mẫu Chơn Kinh)

Hoặc:


Đóng Địa ngục, mở tầng Thiên,

Khai đường Cực Lạc, dẫn miền Tây phương.

(Kinh Giải Oan)

Nơi Bà Bát Nương Diêu Trì Cung giảng về cõi Âm quang có nói rằng: khiếm khuyết ánh sáng thiêng liêng là Âm quang, nghĩa là Âm cảnh hay là Địa ngục, Diêm đình của chư Thánh lúc xưa đặt hiệu.



Vậy thì chính lời nhiều tôn giáo, nơi ấy là những chốn phạt tù những hồn vô căn vô kiếp, nhơn quả buộc ràng, luân hồi chuyển thế, nên gọi là Âm quang, đặng sửa chữ Phong đô, Địa phủ của mê tín gieo truyền, chớ kỳ thật là nơi để các Chơn hồn giải thân định trí”.

Bà Thất Nương lại dạy rằng: “Vậy thì nơi ấy là nơi xét mình. Chớ chi cả nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác thì tự nhiên tránh khỏi Âm quang”.

Như vậy, hai câu kinh thuyết pháp trên cho ta hiểu rằng: Đạo Cao Đài đem cái Giáo pháp, hay chơn lý ra thuyết giảng, nếu người nghe hiểu được lẽ thật mà lo tu hành thì đương nhiên coi như mở tù Phong đô để được giải thoát. Hay nói rõ hơn, thuyết pháp là dùng lời nói để giác ngộ người đời, có nghĩa là mở tù Phong đô cho chúng sanh vậy.






tải về 1.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương