ĐÔI ĐIỀu suy nghĩ VỀ Âm nhạc cổ truyền trong đÀo tạo hiện nay ts. Hà Thị Hoa



tải về 43.91 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích43.91 Kb.
#23529
ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

VỀ ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN TRONG ĐÀO TẠO HIỆN NAY
TS. Hà Thị Hoa

Trưởng khoa VH-NT

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
Âm nhạc dân tộc cổ truyền (ANDTCT) trong kịch hát truyền thống hay trong ca hát dân ca Việt Nam vốn là cốt cách, nguồn sống, sự tồn tại và phát triển của chính các loại hình nghệ thuật đó. Nó là vấn đề khá trăn trở của nhiều nhà nghiên cứu và những người hoạt động nghệ thuật trong lĩnh vực đào tạo.

Hiện nay, những giá trị văn hoá nghệ thuật cũng như vai trò, vị trí của ANDTCT trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc rất cần các cơ sở đào tạo quan tâm và có định hướng đúng đắn.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa VIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì từ các nhà khoa học, quản lý đào tạo nghệ thuật nói chung cho đến những người trực tiếp tham gia giảng dạy bộ môn ANDTCT nói riêng đều rất quan tâm. Trao đổi, bàn về những giá trị của ANDTCT, cách bảo tồn và phát huy nó như thế nào trong công tác đào tạo hiện có những quan điểm rất khác nhau:

Loại ý kiến thứ nhất, cần bảo tồn nguyên vẹn cả hình thức lẫn nội dung¸ cũng như không gian trình diễn của ANDTCT.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, thực hiện theo cách làm trên là cổ hủ, không phù hợp thời đại, không hội nhập với thế giới, không phát triển được ngành âm nhạc... Dạy - học theo kiểu đó là bảo thủ, cực đoan; cần phải dân tộc hóa, lấy âm nhạc châu Âu làm trụ chính để chi phối và bao quát cho âm nhạc dân tộc học theo, làm theo...

Loại ý kiến thứ ba lập luận rằng, ANDTCT là nối tiếp, không đứt đoạn, như một dòng chảy tất yếu khách quan. Không có một thứ nhạc cụ /nghệ thuật nào hiện nay là nguyên gốc; tương tự như vậy, cách chơi đàn, ứng tấu, tòng theo hát, ... cũng không đứng im. Vì vây, tự thân nó (ANDTCT) đã thích ứng (phát triển) để phù hợp với thời đại.

Thực tế, chúng ta chứng kiến hôm nay còn có hàng nghìn bài dân ca - làn điệu của các loại hình nghệ thuật dân gian dân tộc mang bản sắc văn hóa riêng các tộc người khác nhau trong một thể thống nhất của văn hóa Việt Nam là nhờ các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, quần chúng nhân dân (khán thính giả) bồi đắp mà thành.

Với quan niệm “sính ngoại”, “sùng bái” “hiện đại”, rập khuôn nhạc 5 dòng kẻ, sáng tác theo lối châu Âu mấy chục năm nay của một số các nhà giáo dục và đào tạo âm nhạc ở ta đã làm thay đổi nhiều diện mạo ANDTCT. Do nhận thức về ANDTCT là dân gian, thiếu bài bản, ít tính chuyên nghiệp, kém sang trọng, bộc lộ cái nghèo nàn... nên, không ít các cơ sở đào tạo về lĩnh vực này đều lấy nhạc 5 dòng kẻ của châu Âu làm mẫu mực, thực hiện đối với tất cả các môn thuộc ngành học âm nhạc (trong đó kể cả nhạc cụ dân tộc) như các môn ký xướng âm, nhạc cụ, dân ca, phân tích tác phẩm, lịch sử âm nhạc... Cũng từ quan điểm đó mà, những môn học dành cho việc tìm hiểu về các trường phải, thân thế sự nghiệp của các tác giả, tác phẩm âm nhạc trên thế giới (châu Âu) được coi trọng, chiếm số tiết khá nhiều. Và ngược lại, số tiết học dành cho việc tìm hiểu về cội nguồn, lịch sử, giá trị... của ANDTCT là không đang kể, thậm chí có nơi còn xem nhẹ.

Chúng tôi thấy, tiếp cận, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại trên thế giới là đúng đắn, tuy nhiên, tiếp nhận phải có chọn lọc, chứ không phải rập khuôn và sùng bái, như vậy sẽ dễ dẫn đến thái quá. Bởi lẽ, địa môi sinh ở phương Đông khác hoàn toàn với địa môi sinh ở phương Tây. Nếu như văn hoá phương Tây ta ví là mặt trời, thì văn hoá phương Đông là mặt trăng vậy. Âm nhạc cũng nằm trong địa môi sinh ấy. Âm nhạc của phương Tây là 7 âm, âm nhạc phương Đông, trong đó có Việt Nam ta, phổ biến là nhạc 5 âm. Thế nên, lối thể hiện, “cách chơi” nhạc cụ của châu Âu thiên về tính bài bản cố định, còn lối “chơi” nhạc cụ của ta thường thiên về ngẫu hứng (dân gian). Bàn về vấn đề này, tác giả Tô Vũ, trong tập Sức sống của âm nhạc truyền thống, NXB Âm nhạc, trang 73, có đoạn:

Đối với truyền thống cổ điển phương Tây, nhận thức về bài bản luôn gắn chặt với quan niệm về tính cố định của hình thức biểu hiện: qua khâu sáng tạo của nhạc sĩ, mỗi một bài bản phải có một giai điệu nhất định (bao gồm tuyến âm thanh và nhịp điệu) kèm với một lời ca nhất định (nếu là bài bản thanh nhạc) và phần phụ học hoà âm nhất định. những cáí đó, nghệ sỹ biểu diễn, khi “tái tạo” hay trình bày, không thể tuỳ tiện thay đổi, sửa chữa thêm bớt”. “ Bài bản theo tinh thần truyền thống dân tộc thì lại không như vậy. Nó không có một giai điệu cố định như trong quan niệm phương Tây, mà chỉ có một cái tương đối cố định là lòng bản”.

Thực tế, chúng tôi quan sát về “cách chơi” nhạc của các nghệ nhân thì thấy có một “kiểu” rất riêng, đó là cách sáng tạo, ngẫu hứng, tòng theo hát tại chỗ của các nghệ nhân ANDTCT.

Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ trao đổi về cách thức/ lối/ phương pháp đào tạo âm nhạc ANDTCT. Bàn về vấn đề này là dựa trên cơ sở thực tiễn 30 năm làm nghề của mình. Cha ông ta đã để lại cho chúng ta một kho tàng âm nhạc dân gian hết sức quý giá để hôm nay chúng ta có hàng ngàn bài dân ca, hàng trăm loại nhạc cụ. Tất yếu phải bằng nhiều phương pháp để giữ gìn và phát huy âm nhạc cổ truyền. Nhưng có một phương pháp căn bản nhất, trọng yếu nhất là phương pháp truyền khẩu, truyền ngón.

Những bản nhạc ký âm nhạc 5 dòng kẻ về các bài, các làn điệu dân ca của ta hiện có chủ yếu là những lòng bản mà thôi. Còn những luyến láy, mang phong cách vùng - miền, kỹ thuật - kỹ xảo, lối hát, phong cách riêng của từng vùng miền, từng tộc người, từng nghệ nhân... thì khó có thể ký âm trên giấy nhạc 5 dòng kẻ hết được.

Chúng tôi cho rằng, nếu không sử dụng nhạc 5 dòng kẻ hiện đang thịnh hành trên thế giới thì chúng ta sẽ lạc hậu, nhưng quá lạm dụng và sùng bái nó thì bản sắc dân tộc lại dễ mờ nhạt. Cho nên trong đào tạo, giảng dạy, cần có sự dung hòa cả hai phương thức trên, nghĩa là phải coi trọng bản sắc, coi trọng cách dạy truyền ngón của cha ông ta. Nên sử dụng hệ thống chữ nhạc Hò, xự, xang... Song song với lối đó, thì cần phải có phương thức ký âm nhạc 5 dòng kẻ để ghi chép những lòng bản. Như vậy mới thực là tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và bảo tồn những giá trị bản sắc nghệ thuật dân tộc.

Bàn thêm về vấn đề này, chúng tôi nói về: hình thức diễn tấu, sáng tác phối khí và phương thức giảng dạy nhạc cụ dân tộc (NCDT) như một ví dụ để minh chứng làm sáng thêm ý kiến của mình.

+ Hình thức diễn tấu NCDT

Là một hình thức biểu diễn trọn vẹn giữa cái hồn của tiếng đàn và cách thể hiện tiếng đàn trước công chúng. Nếu tạm cho rằng: hồn tiếng đàn là nội dung và hình thức phải hài hoà với nhau. Nói về đạo đức nghề nghiệp thì người nhạc công dù có thể hiện ở bất cứ không gian nào (rạp hát lớn hay một phòng nhỏ hoặc sân của lễ hội hay cánh gà... thì vẫn không thể xem nhẹ sự hài hoà giữa nội dung và hình thức. Có ý kiến cho rằng, chỉ cần tiếng đàn hay, không cần hình thức biểu diễn đẹp, bởi vì âm nhạc hiệu quả cuối cùng là chất lượng âm thanh, có vẹo vò, thậm chí xấu xí về hình thức một chút cũng chẳng chết ai. Quan điểm này chưa đạt tới đúng nghĩa của từ “nhã nhạc”. Nói như GS.TSKH Tô Ngọc Thanh thì ông cho rằng, dàn bát âm chính là tám ông tiên. Như vậy cả nghĩa bóng và nghĩa thực của NCDT mà ông đã khẳng định chính là về “cái thiêng” của nhạc, có lẽ cũng vì “cái thiêng” của nó nên, các nghệ nhân và dân gian nhắc đến nhiều từ “nhạc có hồn”. Hồn là cái gì đó ta không thể nhìn thấy, sờ thấy mà chỉ nghe được ở đó là quê hương, là mẹ, là cha, là chất liệu dân tộc được chưng cất đến mức tinh tuý.

Trong vấn đề này, không thể không nhắc tới vai trò đào tạo. Trong phương pháp giảng dạy, "hiện đại" hay “cổ truyền” đều cần phải thống nhất một cách toàn diện về nội dung và hình thức, chứ không đơn thuần chỉ đạt yêu cầu ở một vế (chỉ cần tiếng đàn hay không cần hình thức đẹp). Quan niệm đào tạo theo kiểu một vế, sẽ lâm vào tình trạng đào tạo kém thẩm mỹ, mà bản thân âm nhạc lại đòi hỏi tính thẩm mỹ rất cao. Tiếng đàn (nội dung) và hình thức biểu hiện phải hài hoà và ăn nhập với nhau. Nếu không sẽ tạo sự ức chế, ảnh hưởng tới tâm lý, do thói quen đã làm, do thiếu những nguyên căn cơ bản tối thiểu của một người biết “chơi nhạc” như: Tư thế ngồi, thế tay, nét mặt và thái độ đã tạo nên phong cách văn hoá. Và ngược lại giữa nội dung và hình thức không ăn nhập, tình trạng ấy kéo dài, dẫn đến kết quả không như mong muốn.

+ Phương pháp giảng dạy NCDT

Khí nhạc cổ truyền Việt Nam chủ yếu đệm cho hát, vì vậy kỹ xảo chơi NCDT có quan hệ chặt chẽ với thanh điệu, ngữ điệu, lời ca của hát, cho nên đặt trọng tâm vào các ngón nhấn, lướt, chùn, vê, nhún... Tức là âm nhạc của ta thiên về lèo láy (âm mềm) có tính chất trữ tình sâu lắng. Còn âm nhạc phương Tây thì ngược lại thiên về tốc độ, hoà âm, chuyển điệu. Độc đáo của NCDTCT không phải là ở chỗ hào nhoáng, hùng hồn. Thế nên, học ngón đàn, kỹ xảo của tiếng đàn sao cho ra “chất” của nó là cả một vấn đề đòi hỏi người học, người dạy, người thể hiện... phải có kinh nghiệm, hiểu thấu cả về văn hoá, phong cách và các loại hình âm nhạc dân gian của dân tộc. Phương thức (phương pháp) giảng dạy truyền nghề vẫn cần được khai thác triệt để. Bởi chỉ có phương pháp này người thày mới trao truyền cho người học cái tinh tuý của ngón đàn, như những nốt luyến, láy, vỗ, rung, vê, vuốt, rung, nhún, chùn... Nếu chỉ sử dụng phương pháp ký âm, ít làm mẫu, hoặc làm mẫu theo kiểu đánh kỹ thuật tuân thủ nghiêm ngặt theo lối học “hiện đại” của châu Âu (không sáng tạo lèo láy) thì “hồn”- “chất” của tiếng đàn nói riêng, của các phong cách (chèo, tuồng, cải lương, ca huế, ca trù, hát văn...) chỉ dừng ở mức lờ mờ, không ra phong cách riêng, mà ngược lại hiệu quả tiếng đàn (phong cách) nghe na ná giống nhau.

Đương nhiên nói như vậy không có nghĩa là cự tuyệt việc tham khảo học tập âm nhạc phương Tây. Rất cần học tập cách ký âm bằng hình thức 5 dòng kẻ đồng thời có thể sử dụng một số ký hiệu ký âm tạo cách ghi ngắn gọn, dễ hiểu. Nhưng nhất thiết, ký âm chỉ là những ký hiệu có tính chất quy định tương đối, như những khung, những tuyến âm thanh giai điệu mà thôi. Người học đàn (NCDT) của tộc người nào thì phải hiểu về phong cách văn hoá của tộc người đó, đặc biệt về cách “chơi” nhạc cụ của họ, chưa kể tiếng đàn của mỗi nghệ nhân, nghệ sĩ mỗi thời, mỗi lúc cũng có khác nhau.

Lại nữa, âm nhạc của ta chủ yếu là gắn với lời thơ. Tuyến giai điệu cũng phụ thuộc khá nhiều về ngữ âm. Vì ý của thơ và nhạc thường gắn chặt với nhau, nên người học đàn/nhạc cụ nếu không được học hát thì mới chỉ hiểu được một nửa nội dung của bài hát, làn điệu,ca khúc. Theo khảo sát của chúng tôi, thực tế đã chứng minh là người đàn hay thường họ hát cũng hay,và ngược lại người đàn chưa hay một phần lý do là họ chưa biết hát hoặc không biết hát (biết hát ở đây ý nói nắm được cái hồn của bài hát, chứ không phải là kỹ thuật hát). Kết quả là nhạc cụ (nhạc công) đệm tòng cho hát, nhưng lại không biết giai điệu, tiết tấu, nhịp phách, ý thơ, cũng như trổ mở (đoạn mở), trổ thân (đoạn chính), trổ kết (đoạn kết) của bài hát/làn điệu/ tác phẩm thì họ sẽ bị động, rồi tất phải dựa dẫm, khó sáng tạo, thêu dệt đệm tòng cho người hát những tiếng đàn hay được.

Do tính chất đặc thù ANDTCT của ta, nên người học đàn không chỉ học thuần tuý nhạc cụ, mà họ phải được học bài bản về hát, hiểu về cấu trúc, giai điệu, tiết tấu của tác phẩm. Như vậy, nhạc công đệm hát cho dân ca, chèo, tuồng, cải lương... thì nhất thiết không thể không biết hát. Đồng thời học ký xướng âm 7 âm để tham khảo cho hiểu biết phong phú vốn kiến thức âm nhạc, để hoà nhập thế giới. Ký xướng âm bằng nhạc “chữ” theo lối 5 âm dân tộc phải được xem là cốt yếu, không thể thiếu trong suốt quá trình học tập của người học đàn/ nhạc cụ.

Đây là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau. Qua thực tiễn, chúng tôi đã thực hiện thể nghiệm trong đào tạo với đối tượng học NCDT ở một số trường thuộc các tỉnh như: Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội... và kết quả cho thấy, người học đàn/nhạc cụ được học hát những bài/làn điệu trước khi thực học trên nhạc cụ thì tiếng đàn của họ chủ động, tự tin, sâu sắc, chắc chắn cả về cao độ và trường độ. Đó là tiền đề, là cơ hội rất tốt cho người học sáng tạo (ngẫu hứng) đệm cho người hát có hiệu quả thực mà ta gọi là “phong cách”, là “chất”, là “hồn” của tiếng đàn. Đây chính là cái đích, là kết quả trong đào tạo chuyên ngành NCDT cần đến.



+ Về phối khí NCDT

Tiếng đàn của người nghệ nhân, nghệ sỹ chính là những dính kết bó bện, tạo nên sự hoàn thiện một cơ thể sống bất tận. Phối khí sáng tác cho NCDT cần phải tạo khoảng trống để người “chơi” nhạc cụ có cơ hội sáng tạo. Đó là cách trình diễn nhạc cụ độc đáo, mang tính sáng tạo ngẫu hứng. Có như vậy, người sáng tác (phối khí) mới đồng sáng tạo cùng nhạc công, tạo cho tiếng đàn của họ được lan toả trong mọi phương diện trình tấu.

Trong phối khí trong hoà thanh theo phương thức hiện đại (châu Âu) có khác tương đối với phối khí hoà thanh theo phương thức dân tộc, ở chỗ: ở mỗi ca khúc hiện đại, tác giả sáng tác các bè cho các nhạc cụ rất cụ thể, rõ ràng, người nghệ sĩ phải thực hiện nghiêm túc những kỹ thuật sắc thái đã ghi sẵn trên bản nhạc, tính ngẫu hứng là rất ít trong đó. Còn trong NCDT của ta thì các nghệ sĩ có thể ứng tác, phối khí tại chỗ; nghĩa là họ sáng tác tức thì, có biểu hiện “chất” tài tử... Những chồng âm quãng 2, quãng 3, quãng 4, quãng 5 rất hợp lý, nghe thuận tai đệm “tòng” cho người hát một cách điêu luyện như những bản nhạc mà trên tay họ đã thuộc lòng. Họ có thể hoá thân cùng người hát để liên tục sáng tạo ở lúc này- lúc khác, nơi này- nơi khác trong cùng một bài hát - làn điệu. Chính nhờ có những giai điệu (lòng bản) mà nghệ nhân đã thăng hoa những ngón đàn “xuất thần”. Nhưng để có được những ngón đàn “thăng hoa” ấy thì, tất thảy đều phải là khổ luyện nghề, thiết tha với nghề và cả tâm hồn , kinh nghiệm nghề của họ nữa.

Điều quý giá, khó lý giải nhất là: Tại sao cùng một giai điệu ấy, vẫn người ấy, nhạc cụ ấy, không gian ấy... mà chỉ trong vài giây phút họ có thể sáng tạo tức thì một phong cách “tòng” nghe đến lạ tai, rất điêu luyện, huyền diệu, chứa đựng những luyến láy của tiếng đàn, tả nỗi thầm kín nhất của lòng người mà khi ngôn ngữ bất lực. Nói tới đây, tôi lại thấy ở một góc độ nào đó, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói đúng, anh cho rằng: “Đó là phong cách văn hoá dân gian dân tộc của ta. Mỗi khi họ (nghệ nhân) ngẫu hứng sáng tạo tại chỗ về cách chơi nhạc “tòng”, thì ta không ký âm hết được những nốt luyến láy...”.



Các tộc người chung sống ở Việt Nam ta có tới 54 tộc (chỉ đứng sau Trung Quốc), thế nên văn hoá của ta là vô cùng phong phú. NCDT cũng theo đó mà có màu sắc đa âm. Đó là cái rất khác của âm nhạc Việt Nam với âm nhạc phương Tây (nếu như âm nhạc của ta là đa âm, thì âm nhạc phương Tây là đơn âm /chồng âm hoà cùng lúc). Mỗi cơ sở đào tạo, mà trực tiếp là những người thày giảng dạy về NCDT có lẽ cần thấm nhuần điều đó. Việc hiểu thấu tính năng nhạc cụ, phong cách “chơi nhạc tòng” của cha ông ta đã làm và thành công thì không có cớ gì thế hệ sau lại coi là cổ hủ, cực đoan, bảo thủ...

Thiết nghĩ, khai thác được những giá trị nghệ thuật cũng như giá trị văn hoá của NCDT nói riêng, ANDTCT nói chung mà chúng tôi đã trình bày ở trên, chắc sẽ góp phần làm giàu thêm cho bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đáng kể chất lượng đào tạo giáo dục nghệ thuật.
Каталог: App Upload -> FCKEditor Upload
App Upload -> Tên thương nhân CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam số: Độc lập Tự do Hạnh phúc
App Upload -> Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan
App Upload -> Hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí trong lĩnh vực xây dựng
App Upload -> ĐƠN ĐỀ nghị ĐIỀu chỉnh giấy phép thành lập văn phòng đẠi diệN/chi nháNH
FCKEditor Upload -> THỜi khóa biểu các lớP Ôn thi tiếng anh đợt 3 Khai giảng: Ngày 29/10/2011
App Upload -> Mẫu ah1 CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 43.91 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương