I. ĐẠI Ý kinh



tải về 51.93 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích51.93 Kb.
#22124
10. KINH BỐN PHÁP QUÁN NIỆM

(satipaṭṭhānasutta)

Thích Nhật Từ giới thiệu và chú giải


I. ĐẠI Ý KINH


Đức Phật khẳng định có một con đường thẳng tắt có khả năng làm cho chúng sinh trở nên thanh tịnh, chứng đắc được niết-bàn, tháo gở tất cả lòng tham đắm, cố chấp và khổ đau trên đời. Đó là bốn pháp quán niệm về thân thể, cảm xúc, tâm tưởng và đối tượng tâm tưởng như chúng đang là.

II. NỘI DUNG KINH


2.1. PHƯƠNG PHÁP QUÁN THÂN CHỈ LÀ THÂN

2.1.1 Hơi thở ra vào, dài và ngắn: Thở vào hơi dài, ý thức rõ ràng: “tôi đang thở vào một hơi thở dài.” Thở ra hơi dài, ý thức rõ ràng: “tôi đang thở ra một hơi thở dài.” Thở vào hơi ngắn, ý thức rõ ràng: “tôi đang thở vào một hơi thở ngắn.” Thở ra hơi ngắn, ý thức rõ ràng: “tôi đang thở ra một hơi thở ngắn.”

2.1.2 Cảm giác toàn thân về hơi thở ra vào: Khi thở hơi vào, ý thức toàn thân. Khi thở hơi ra, ý thức toàn thân.

2.1.3 Sự an tịnh trong hơi thở ra vào: An tịnh toàn thân, tôi đang thở vào. An tịnh toàn thân, tôi đang thở ra.

2.1.4 Quán niệm về bốn oai nghi: Hành giả đi biết mình đi, đứng biết mình đứng, ngồi biết mình ngồi, nằm biết mình nằm.

2.1.5 Quán niệm 10 động tác của thân: Hành giả ý thức rất rõ tư thế động tác của thân thể mình: đi tới đi lui, ngó qua ngó lại, co duỗi tay chân, cúi xuống ngẩn lên, mặc áo đắp y,1 cầm bát khất thực, ăn uống nhai nếm, đại tiện tiểu tiện, nói năng im lặng, ngay cả thức ngủ.

2.1.6 Quán niệm 32 thể trược của thân: Hành giả quán sát thân này, từ bàn chân lên cho đến đỉnh tóc, bao bọc bởi da, chứa đầy nhơ nhớp. Trong thân này có: tóc, lông, móng, răng; da, thịt, gân, xương; thận, tủy, tim, gan; hoành mô, lá lách; phổi, ruột, màng ruột; bụng, phân, mật, đàm; mủ, máu, mồ hôi; mỡ thịt, mỡ da; nước mắt, nước miếng; nước mủ, nước tiểu; và nước khớp xương. Phải quan sát rõ như người mắt sáng mở bao ngũ cốc, thấy rõ các loại: lúa gạo, mè, bột, đậu xanh đậu đen, hạt lớn hạt nhỏ.

2.1.7 Quán niệm bốn đại: Hành giả quán bản chất của đất= chất rắn, nước = chất lỏng, lửa= nhiệt lượng, gió = sự vận chuyển của không khí, như bốn yếu tố hình thành sắc thân của con người và động vật. Cũng giống như cách đồ tể khéo tay cắt từng chi phần của con bò lớn tại ngã tư đường, ai cũng thấy rõ.

2.1.8 Quán niệm chín giai đoạn tử thi: Hành giả quán sát thi thể người chết nằm trong nghĩa địa đã vài ba ngày. Thi thể trương xình, xanh rồi tím bầm, dần dần thối rữa. Cái thi thể ấy có thể sẽ bị quạ hay diều hâu, kên kên, chó sói, hay loài giả can hoặc các côn trùng ăn và cấu xé v.v. . . Cũng có tình huống thi thể còn nguyên, xương thịt gân da vẫn còn dính nhau. Cũng có trường hợp, chỉ còn bộ xương, thịt gân và máu đều đã rời rã, xương tay, xương chân, xương ống, xương chậu, xương sống xương sọ và xương bắp vế. Cũng có trường hợp, thi thể thành xương, trắng như võ ốc, hoặc tan thành bột, do để lâu năm. Hành giả thấy rõ bản chất thân này vốn là như vậy, như một quy luật, không thể khác hơn.

Đó là cách thức hành giả thực tập quán thân là thân ở trong ở ngoài,2 vừa trong vừa ngoài. Hoặc quán hiện tượng sinh khởi của thân. Hay quán hiện tượng hoại diệt của thân. Hay quán hiện tượng vừa sinh vừa diệt của thân thể này. Có thân thể này, hành giả an trú chánh niệm tỉnh thức, hướng về chánh trí, không hề chấp thủ vật gì trên đời.


2.2. THỰC TẬP QUÁN CẢM XÚC CHỈ LÀ CẢM XÚC

Hành giả nhận diện rõ ràng ba dòng cảm xúc: khổ đau, hạnh phúc, trung tính, thuộc thân và tinh thần. Đó là cách quán dòng cảm xúc ở trong ở ngoài, vừa trong vừa ngoài.3 Hoặc quán sinh khởi của dòng cảm xúc. Hay quán hoại diệt của dòng cảm xúc. Hay quán hiện tượng vừa sinh vừa diệt của dòng cảm xúc. Có cảm xúc này, hành giả an trú chánh niệm tỉnh thức, hướng về chánh trí, không hề chấp thủ vật gì trên đời.


2.3. THỰC TẬP QUÁN TÂM CHỈ LÀ TÂM

Hành giả nhận diện rõ ràng xem tâm có bị vướng tham, sân, si hay tâm thoát ba độc. Tương tự, hành giả áp dụng tuệ tri với các tâm lý: nhiếp phục, tán loạn, quảng đại, nhỏ nhoi, hữu hạn, vô thượng, an định hay động, giải thoát hay là chưa được giải thoát v.v… Đó là cách quán sát cái tâm ở trong ở ngoài, vừa trong vừa ngoài.4 Hoặc quán sinh khởi, hoại diệt của tâm. Hay quán hiện tượng vừa sinh vừa diệt của chính tâm ấy. Có cái tâm này, hành giả an trú chánh niệm tỉnh thức, hướng về chánh trí, không hề chấp thủ vật gì trên đời.


2.4. QUÁN PHÁP CHỈ LÀ PHÁP

Hành giả nhận diện rõ ràng bản chất của năm nhóm đối tượng tư duy sau đây:

a) Năm triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm thuỳ miên, trạo hối và nghi. Tuệ tri chúng trên các phương diện: trước nay chưa có nay mới sinh khởi, hoặc trước đã có nay được đoạn diệt, hoặc đã diệt rồi thì không tái hiện.

b) Năm thủ uẩn dưới góc độ bốn đế: Hành giả tuệ tri rõ ràng “đây là sắc thân, đây là nguồn gốc tạo ra sắc thân, đây là trạng thái vắng mặt sắc thân và đây là đường đưa đến tình trạng vắng mặt sắc thân.” Với cách quán này, hành giả thấy rõ bốn thủ uẩn khác: thọ, tưởng, hành, thức.

c) Sáu nội ngoại xứ: Hành giả tuệ tri: “mắt và hình sắc tiếp xúc với nhau, tai với âm thanh, mủi với các mùi, lưỡi với các vị, thân với xúc chạm, ý với các pháp, phát sinh kiết sử.” Hành giả biết rõ loại kiết sử nào, trước nay chưa có nay mới phát sinh, kiết sử đã sinh nay được đoạn diệt, kiết sử đã diệt không còn tái phát.

d) Bảy giác chi: Hành giả tuệ tri rõ ràng “với tâm có niệm, biết rõ ràng là tâm tôi có niệm; với tâm thất niệm, biết rõ ràng là tâm tôi thất niệm.” Hành giả biết rõ loại chánh niệm nào, trước nay chưa có nay mới phát sinh, chánh niệm đã sinh nay được thành tựu. Tương tự áp dụng sáu giác chi khác: trạch pháp, tinh tấn, hỉ và khinh an, định và hành xả.

e) Bốn thánh đế: Hành giả tuệ tri: “đây chính là khổ, đây là gốc khổ, đây là hết khổ và đây chính là con đường diệt khổ.” Như vậy, quán sát pháp chỉ là pháp, ở trong ở ngoài, vừa trong vừa ngoài. Hoặc quán sinh khởi, hoại diệt của pháp. Hay quán hiện tượng vừa sinh vừa diệt của các pháp ấy. Có các pháp này, hành giả an trú chánh niệm tỉnh thức, hướng về chánh trí, không hề chấp thủ vật gì trên đời.
2.4. THỜI GIAN TU TẬP VÀ CHỨNG ĐẮC

Đức Phật khẳng định trong cuối bài Kinh: ai tu tập được bốn pháp quán niệm trong vòng bảy năm, có thể chứng đắc: chánh trí hiện tại; nếu còn dư y, chứng quả Bất hoàn. Thực ra, thời gian tu tập quán sát có thể ít hơn, chỉ cần một năm, hoặc là bảy tháng, thậm chí bảy ngày, nếu đúng phương pháp, vẫn chứng đắc được hai quả vị trên.


III. NHẬN XÉT


Đây là một trong những bài kinh quan trọng nhất của truyền thống Phật giáo Nam tông. Bài kinh giới thiệu bốn phương diện hành trì chánh niệm liên hệ đến sắc thân, cảm xúc, tâm thức và đối tượng nhận thức của tâm. Tứ niệm xứ là một trong các nhóm pháp môn quan trọng của 37 phẩm trợ đạo. Trong bát chánh đạo, con đường dẫn đến niết-bàn và giải thoát thì tứ niệm xứ thuộc vào yếu tố niệm và định. Con đường chuyển hoá trong Kinh này chính là thực tập tứ niệm xứ đúng phương pháp và miên mật. Nói cách khác, thiếu tu tập tứ niệm xứ, hành giả không còn là hành giả mà chỉ là nhà kiến giải về kinh điển. Hành thiền tứ niệm xứ có thể giúp cho hành giả xa lìa tất cả mọi tham chấp và khổ đau ở đời, nhờ đó, sống vững chải, thảnh thơi, thong dong và tự tại.

Phương pháp thực tập trong Kinh Tứ Niệm Xứ bao gồm bốn nhóm sắc thân, cảm xúc, tâm và đối tượng nhận thức của tâm, qua hai phương diện. Phương diện thứ nhất là quán sát để như thật tuệ tri bản chất của các đối tượng quán niệm: bản chất của chúng như vậy là như vậy, không thêm không bớt, không hề mang theo chúng các thuộc tính và dĩ nhiên càng không có các phản ứng tiêu cực kéo theo. Phương diện thứ hai là quán sát hiện tượng sinh khởi, hoại diệt, không sinh không diệt và sự có mặt của tường đối tượng quán niệm, để thẩm thấu bản chất nhân quả của chúng, từ đó, có tinh thần trách niệm đạo đức với cuộc sống của bản thân. Nhờ đó, hành giả không còn trạng thái chấp trước bất cứ vật gì trên đời, sống thong dong và giải thoát.



Bản chất của chánh niệm ở đây không phải là cái biết của nhận thức phân biệt, kèm theo sau đó là phản ứng chấp thủ tiêu cực. Hành giả thiết lập cái biết chân chánh, cái biết đúng với bản chất của thân thể, cảm xúc, tam và đối tượng tâm trong mấu chốt hiện tại, như chúng đang là. Chánh niệm là yếu tố thứ bảy trong bát chánh đạo nhưng lại là yếu tố quyết định nội dung và giá trị của quá trình thực tập, chuyển hoá và hành trì của hành giả. Bản chất của chánh niệm giúp tâm xa lìa được các hoạt dụng xao lãng, vội vã, vọng động, hoài nghi, tham đắm và nói chung các yếu tố tiêu cực của tâm lý. Chánh niệm chính là chất keo hàn gắn tâm hành giả vào nội dung của công phu tu tập, nhờ đó, hành giả không còn lui sụt với con đường đạo đức và tuệ giác cần hướng về và đạt được.


IV. CHÚ THÍCH THUẬT NGỮ


Ba mươi hai thể trược của thân: Ba mươi hai yếu tố bao gồm lục phủ, ngũ tạng, xương da, thịt mở, lông tóc, nước tuỷ và nước dịch v.v… tạo nên phần cơ thể vật lý của con người và các loài động vật. Các chi thể này từ bàn chân lên cho đến đỉnh tóc, bao bọc bởi da, được quan niệm như các thể trược trong quán niệm, để giúp hành giả từ bỏ thái độ tôn sùng thân thể và chấp thủ chúng, dẫn đến đời sống chìm đắm trong vật dục. Ba mươi hai thể trược này là: tóc, lông, móng, răng; da, thịt, gân, xương; thận, tủy, tim, gan; hoành mô, lá lách; phổi, ruột, màng ruột; bụng, phân, mật, đàm; mủ, máu, mồ hôi; mỡ thịt, mỡ da; nước mắt, nước miếng; nước mủ, nước tiểu; và nước khớp xương.

Bốn đại: bốn yếu tố phổ quát hình thành nên thế giới vật chất, thân thể con người và các loài động vật. 1) đất hay tất cả những gì thuộc về chất rắn, 2) nước hay tất cả những gì thuộc về chất lỏng, 3) lửa nói chung là nhiệt lượng, 4) gió hay sự vận chuyển của không khí. Bốn đại là đối tượng quán niệm của hành giả Phật giả, nhằm thiết lập chánh niệm đối với thân thể vật lý như chúng đang là. Quán niệm như vậy, con người thoát khỏi chấp thủ về ngã và ngã sở hữu, từ đó, mọi tham ưu sẽ không có mặt.

Bốn điều quán niệm (Pali: satipaṭṭhāna): Hán thường dịch là “tứ niệm xứ” tức bốn đối tượng quán niệm: thân thể, cảm xúc, tâm thức và đối tượng của tâm, để duy trì dòng chảy của chánh niệm và tỉnh thức. Các phương pháp quán niệm này có thể được thực hiện ở rừng, cảnh trí thiên nhiên, nơi vắng vẽ, ngôi nhà thoáng mát. Hành giả phải ngồi trong tư thế hoa sen, giữ thẳng lưng và cột sống, duy trì chánh niệm và tỉnh thức trong từng hơi thở trong lúc quán niệm. Bốn pháp quán niệm này được quan niệm như con đường độc lộ có khả năng mang lại hạnh phúc, nhổ lên tận gốc khổ đau, chứng đạt niết-bàn, và chánh trí.

Bốn oai nghi: Bốn vận động căn bản nhất của con người trong sinh hoạt hàng ngày, có thể tạo nên sự oai nghi và tế hạnh cho người có chánh niệm và tỉnh giác. Cách đi đứng nằm ngồi theo Phật dạy không phải là phản ứng co duỗi sinh học thông thường của cơ thể,mà phải được sự hướng đạo của ý thức chánh niệm, nhờ đó, con người không bị dễ duôi trong các phản ứng khoái lạc giác quan. Để sự vận động đi đứng nằm ngồi có nội dung và giá trị, hành giả đi biết mình đi, đứng biết mình đứng, ngồi biết mình ngồi, nằm biết mình nằm. Ý thức rõ ràng vận hành của thân trong mọi động tác cũng như cử chỉ tạo ra phong thái nhẹ nhàng, thong dong và thoát tục.

Chín giai đoạn tử thi: Chín giai đoạn quan trọng của một tử thi mà hành giả thiền quán có thể thiết lập chánh niệm và để từ bỏ tâm tham dục lẫy lừng. Đối với người tại gia, quán niệm các giai đoạn của tử thi để không thần tượng thân thể, để không nô lệ vào chúng, để không hoa bướm và đùa giỡn trên thân xác của những người không có quan hệ hôn thú, để sống an lạc và thảnh thơi. Đối với người xuất gia, quán niệm tử thi để nhìn thấy mặt trái của thân thể, để sống xa lìa đời sống xa hoa vật dục, để tháo gỡ tận gốc rễ khuynh hướng tham dục và hưởng thụ các khoái lạc giác quan. Pháp quán niệm này bắt đầu bằng cách quán sát thi thể người chết nằm trong nghĩa địa từ vài ngày trở lên. Lúc đó thi thể sẽ rơi vào một trong chín trường hợp sau đây: 1) trương xình, 2) ngã màu xanh mét 3) ngã màu tím bầm, 4) dần dần thối rữa, 5) bị chim thú và côn trùng cấu xé ăn, 6) thi thể hư thối nhưng còn nguyên thể vóc, 7) các chi thể rã rời, 8) chỉ còn xương trắng như võ ốc, 9) xương đã bị tan thành bột. Khi quán tưởng như vậy, hành giả thấy rõ bản chất thân thể này vốn là như vậy, như một quy luật, không thể khác hơn. Để từ đó, xa lìa mọi tham dục và lo buồn, không một chút tiếc nuối và không chấp thủ cái gì trên đời.

Độc lộ (Pali: ekāyana magga): con đường duy nhất có khả năng chuyển hoá nhận thức, cảm xúc và hành vi của con người, từ khổ đau thành hạnh phúc, từ phàm thành thánh. Con đường này đòi hỏi hành giả phải một mình thắp đuốc lên mà đi, phải tự mình xây dựng hòn đảo tâm linh cho mình, trên lộ trình hướng đến thánh quả, giác ngộ và giải thoát. Con đường hành trì này không hề có ngã tẻ, không quanh co, không lòng vòng, không khúc khuỷ, mà rất thẳng tắt. Con đường đó chính là thiền quán về tứ niệm xứ.

Mười động tác của thân: Bên cạnh bốn vận động đi đứng nằm ngồi, con người còn có nhiều động tác vận hành, trong đó, mười động tác sau đây được kinh điển Pali nêu ra như tiêu chí xác lập chánh niệm và tỉnh giác, mang lại các giá trị an lạc cho cuộc sống. Mười động tác đó là: đi tới đi lui, ngó qua ngó lại, co duỗi tay chân, cúi xuống ngẩn lên, mặc áo đắp y, cầm bát khất thực, ăn uống nhai nếm, đại tiện tiểu tiện, nói năng im lặng, ngay cả thức ngủ. Hành giả phải ý thức rất rõ tư thế động tác của thân thể mình, để không buông lung và dễ duôi, ngược lại, thiết lập sự an lạc và vững chải trong sự vận hành của cơ thể.

Pháp (dhamma): trong ngữ cảnh của Kinh Tứ Niệm Xứ, pháp chỉ có nghĩa là đối tượng nhận thức, các ý niệm của tâm. Những gì tâm có thể hình dung được, nghĩ ngợi được, thậm chí những thứ không thể nghĩ đến được đều được xem là đối tượng nhận thức của tâm. Như vậy, pháp là đối tượng của tâm có thể là bất kỳ đối tượng tư duy nào của tâm. Trong Kinh Tứ Niệm Xứ, pháp đối tượng nhận thức đó được giới thiệu trong năm nhóm căn bản, để giúp hành giả thiết lập chánh niệm và tỉnh giác. Năm đối tượng đó là: 1) năm triền cái, 2) năm thủ uẩn, 3)sáu nội ngoại xứ, 4) bảy giác chi, 5) bốn thánh đế.

Quán pháp như là pháp: Phương pháp “quán pháp chỉ là pháp” thường được dịch là “quán pháp trên pháp.” “Pháp” ở đây không có nghĩa là mọi sự vật hiện tượng, mà chỉ chủ yếu là đối tượng tư duy hay nhận thức. Chúng là những ý niệm được hình thành khi các giác quan tiếp xúc với các đối tượng của chúng. Nhận diện rõ ràng các đối tượng của nhận thức để sống vượt thoát khỏi mọi chấp thủ trong đời. Trong kinh tạng Pali, pháp với nghĩa là đối tượng nhận thức của tâm được liệt kê với các nhóm thuật ngữ pháp số phổ biến như năm chướng ngại của tâm (ngũ triền cái), năm thủ uẩn, sáu nội ngoại xứ, bảy giác chi và bốn thánh đế. Mỗi nhóm đối tượng nhận thức vừa nêu có thể giúp cho hành giả giải phóng được các chấp thủ, để tâm được tự tại. Quán bản chất của năm triền cái để con đường thiền quán của hành giả dễ thực hiện được. Quán năm thủ uẩn để hành giả thấy được tính chất duyên khởi tương thuộc. Quán sáu nội ngoại xứ để thấy được nguyên lý tương tác giữa các giác quan và đối tượng trần cảnh, có thể trói buộc con người. Quán bảy giác chi để hành giả có thể thiết lập con đường giải thoát. Và quán bốn thánh đế, hành giả sẽ có được phương pháp chặt đứt vòng sinh tử luân hồi và khổ đau.

Quán tâm như là tâm: Phương pháp quán tâm chỉ là hay như là tâm thường được gọi là “quán tâm trên tâm.” Ở đây, hành giả nhờ quán tâm như là tâm, sẽ thấy được sự vận hành và bản chất của tâm ngay trong thời điểm tâm tư duy. Nếu tâm vướng vào các tâm lý âm tính như tham lam, sân hận, si mê, nhỏ nhoi, ích kỷ, thụ động, giải đãi, không bao dung, tán loạn, thiếu định tĩnh, hành giả phải tuệ tri rõ ràng, để thiết lập chánh niệm, hướng về chánh trí, chuyển hoá chúng. Nếu tâm không vướng bận các tính chất tiêu cực vừa nêu thì hành giả duy trì phát triển trạng thái an định của tâm, nhờ đó, con đường tỉnh thức sẽ mở ra, an lạc sẽ có mặt. Chỉ khi nào tâm lắng dịu các hoạt dụng phiền não, hành giả mới có cơ hội đạt đến trạng thái giải thoát.

Quán thân như là thân: Phương pháp quán thân như thân thường được dịch là “quán thân trên thân.” Thực ra, phương pháp quán niệm này không nhằm vị trí trên hay dưới của thân, mà nhằm thiết lập sự tuệ tri về bản chất như thị của thân: quán thân thể chỉ đơn thuần là thân thể. Ở đây, không có các phán đoán, nhận thức và đánh giá mang theo các danh từ đàn ông, đàn bà, người lớn, con nít, da trắng, da đen, da vàng, da đỏ, chủng tộc và quốc độ của thân thể đó. Cũng không có các nhận thức liên hệ đến các tính từ mập-óm, cao-thấp, đen-trắng v.v… Hành giả quán sát thân thể chỉ đơn thuần là thân thể; các chi phần của cơ thể, cơ chế hô hấp của cơ thể, các yếu tố hình thành nên cơ thể v.v… chỉ đơn thuần như chúng đang là. Trọng tâm của phép quán này là nhằm chấm dứt tất cả thái độ chấp trước về bản ngã và ngã sở hữu. Có tám bài thực tập quán niệm liên hệ đến thân thể. Mỗi bài thực tập có nhiều chi tiết, nhằm giúp hành giả có thể thiết lập chánh niệm và tỉnh thức trong cuộc sống. Ba bài tập đầu liên hệ đến hơi thở ra vào, dài và ngắn, phối hợp với ý thức song hành với hô hấp, đồng thời duy trì sự an tịnh của hơi thở trong thân. Bài tập thứ tư liên hệ đến bốn oai nghi. Bài tập thứ năm liên hệ đến mười động tác và cử chỉ căn bản của thân. Bài tập thứ sáu liên hệ đến 32 thể trược của cơ thể. Bài tập thứ bảy liên hệ đến bốn yếu tố hình thành sắc thể. Bài tập cuối cùng liên hệ đến chín giai đoạn của tử thi.

Quán thọ như là thọ: Phương pháp quán cảm xúc chi là cảm xúc thường được dịch là “quán thọ trên thọ.” Đây là phương pháp nhận diện bản chất của dòng chảy cảm xúc đang diễn ra trong thân thể vật lý cũng như tâm lý: khổ đau, hạnh phúc và trung tính. Ngay khi nhận diện được dòng cảm xúc đang là, hành giả sẽ không để quán tính thói quen sai sử mình qua các phản ứng cảm xúc tiêu cực kéo theo sau. Chẳng hạn, từ cảm giác đau nhức trong thân, con người có khuynh hướng cau có, bực dọc. Khi quán sát cảm xúc chỉ là cảm xúc như nó đang là thì các phản ứng kéo theo như vậy sẽ không có cơ hội bén rễ được. Nhờ vậy, hành giả sống an lạc và thảnh thơi.

Tham ưu: tham ái và sầu ưu. Tham ái là nhân. Sầu ưu là quả. Có tham ái tất có sầu ưu. Tham ái kết thúc thì sầu ưu sẽ chấm dứt. Con đường chấm dứt tham ưu theo Kinh Trung Bộ là con đường độc lộ (Pali: ekāyana magga) thông qua phương pháp quán chiếu tứ niệm xứ.

V. CÂU HỎI THẢO LUẬN


1) Hãy phân biệt sự khác nhau giữa cái biết thông thường của ý thức với cái biết của chánh niệm.

2) Hãy phân biệt sự xao lãng (thất niệm) với chứng bệnh đãng trí. Tác hại của thất niệm đối với hạnh phúc trong cuộc đời.



3) Tại sao hành giả cần phải áp dụng chánh niệm trong bốn đối tượng chính là thân thể, cảm thọ, tâm và đối tượng tư duy của tâm?

1 Nguyên tác là y tăng-già-lê (Sanghati).

2 Thường dịch là “quán thân trên nội thân hay quán thân trên ngoại thân.”

3 Thường được dịch sát nghĩa là nội thọ và ngoại thọ.

4 Thường được dịch sát nghĩa là nội tâm và ngoại tâm.





tải về 51.93 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương