ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học xã HỘi và nhân văn hoàng Thị Mỹ Nhị



tải về 160.05 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích160.05 Kb.
#35439
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN




Hoàng Thị Mỹ Nhị


MỸ CẢM “AWARE” TRONG VĂN HỌC NHẬT BẢN QUA TIỂU THUYẾT “TRUYỆN GENJI” CỦA MURASAKI SHIKIBU VÀ

NGÀN CÁNH HẠC” CỦA YASUNARI KAWABATA


Chuyên ngành: Văn học nước ngoài

Mã số: 62 22 02 45




TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC

Hà Nội – 2016
Công trình được hoàn thành tại:

Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn

Đại học Quốc gia Hà Nội

Người hướng dẫn khoa học: GS.TS Nguyễn Đức Ninh


Phản biện 1 : . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . . . .

Phản biện 2 : . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . . . .

Phản biện 3: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . . . .

Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp cơ sở họp tại . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . vào hồi giờ ngày tháng năm 20...
Có thể tìm hiểu luận án tại:

- Thư viện Quốc gia Việt Nam

- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội

DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC

CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
[1]. Hoàng Thị Mỹ Nhị (2011), “Cái đẹp trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á (7), tr.73-78.

[2]. Hoàng Thị Mỹ Nhị (2012), “Niềm bi cảm (aware) với vẻ đẹp thiên nhiên trong “Truyện Genji” của nhà văn Murasaki Shikibu”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á (8), tr.67-75.

[3]. Hoàng Thị Mỹ Nhị (2016), “Cảm thức thiên nhiên trong “Ngàn cánh hạc” của Kawabata Yasunari từ góc nhìn truyền thống”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á (3), tr.74-80.

[4]. Hoàng Thị Mỹ Nhị (2016), “Thế giới quan của Kawabata Yasunari nhìn từ cảm thức vô thường trong “Ngàn cánh hạc”, Tạp chí nghiên cứu Văn hóa và Nghệ thuật (383), tr.75-79.

[5]. Hoàng Thị Mỹ Nhị (2016), “Cảm thức Thiền của Kawabata Yasunari nhìn từ quan niệm về thế giới và con người trong “Ngàn cánh hạc””, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á (7), tr.74-78.



MỞ ĐẦU


  1. Tính cấp thiết của đề tài

Văn học Nhật sớm hình thành, phát triển và tiếp thu hết sức tài tình các nguồn văn hóa lớn ở Phương Đông và phương Tây kết hợp với mạch ngầm văn hóa dân tộc, đã sản sinh ra một nền văn học độc đáo. Trong đó, nhà văn Murasaki Shikibu và Yasunari Kawabata là hai tác gia lớn và nổi tiếng lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc, như là sự khởi đầu và sự tỏa sáng của aware, mang đến những xúc cảm tinh tế về nỗi buồn của vạn vật xứ Phù Tang. Đề tài luận án cho phép chúng tôi đi sâu nghiên cứu phạm trù mỹ học aware-niềm bi cảm một phạm trù nằm trong hệ thống mỹ học của Nhật Bản mà Murasaki và Kawabata là các tác giả biểu đạt thành công nhất. Cũng từ cơ sở này, có thể lí giải phần nào các hiện tượng, các đặc điểm riêng của mĩ cảm aware trong văn học Nhật Bản từ quá khứ đến hiện tại.

Hiện nay, các công trình nghiên cứu về văn học Nhật đặc biệt về các phạm trù mỹ học như aware, yugen, miyabi…ở Việt Nam vẫn còn rất ít ở Việt Nam, vẫn chưa tương xứng với tầm vóc của nền văn học này. Việc nghiên cứu văn học Nhật ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết, đặc biệt đối với các trường Đại học, Viện nghiên cứu và các cơ quan đối ngoại. Đề tài sẽ là tài liệu hữu ích, góp phần vào các thành tựu nghiên cứu văn học Nhật Bản ở Việt Nam.Từ đó góp phần vào việc tăng cường hợp tác toàn diện, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc Việt-Nhật.



  1. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

Đề tài có mục đích làm rõ sự vận động, kế thừa, tiếp thu mĩ cảm aware qua hai tác phẩm Truyện Genji Ngàn cánh hạc, một phạm trù mỹ học phát triển rực rỡ thời Heian và được tiếp tục tồn tại trong văn học hiện đại Nhật Bản ngày nay. Từ đó cho thấy quan niệm về cái đẹp, những biểu hiện của cái đẹp trong văn học Nhật Bản trung cổ và hiện đại làm nên tính duy cảm, duy mỹ độc đáo của người Nhật.

Để đạt được mục đích trên, nhiệm vụ của đề tài là khảo sát và phân tích các nhân vật trung tâm và quan hệ của nhân vật trung tâm với các nhân vật khác trong khung cảnh không thời gian của nước Nhật để làm bật lên mĩ cảm aware. Việc so sánh, đối chiếu giữa các yếu tố liên quan và tác động làm nên mĩ cảm aware là để thấy sắc thái bền vững và biến đổi của mĩ cảm aware trong văn học Nhật Bản.



  1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng của luận án là mĩ cảm aware, và sự tương đồng và khác biệt của aware trong hai tác phẩm Truyện GenjiNgàn cánh hạc.

Phạm vi văn bản được sử dụng trong luận án gồm: Murasaki Shikibu, Nguyễn Đức Diệu (Chịu trách nhiệm xuất bản), Truyện Genji (1991) NXB Khoa học xã hội; Murasaki Shikibu , (Edward G.Seidensticker translater), The Tale of Genji (1992), Published by David Campbell, London; Yasunari Kawabata Tuyển tập tác phẩm, Ngàn cánh hạc (2005), NXB Lao động và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây; Yasunari Kawabata (Edward G.Seidensticker translater), Thousand Cranes, (1984) Published by Charles E.Tuttle, Tokyo.



  1. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu liên ngành, đa ngành: phương pháp này dùng để sử dụng trong việc giải mã mỹ cảm aware trong mối quan hệ với văn hóa, xã hội, bối cảnh lịch sử của Nhật Bản.

Phương pháp thi pháp học lịch sử: sử dụng phương này nhằm đặt mỹ cảm aware trong lịch sử mỹ học Nhật cùng với chiều dài phát triển qua hai tác phẩm tiêu biểu nhằm đưa ra những đánh giá mang tính hệ thống.

Phương pháp phân tích-tổng hợp: phương pháp này giúp chúng tôi tiếp cận và khảo sát trực tiếp văn bản để đưa ra những luận điểm khái quát của luận án.

Phương pháp nghiên cứu tiểu sử: phương pháp nghiên cứu tiểu sử dùng để áp dụng trong việc lí giải và định giá những biểu hiện của aware trong mối liên hệ với cuộc đời nhà văn, xã hội và thời đại nhà văn đang sống.



  1. Đóng góp của luận án

Luận án đưa ra những luận điểm và minh chứng cho sự hình thành của aware, trình bày các đặc điểm cơ bản của mĩ cảm aware trong hai tác phẩm văn học tiêu biểu là Truyện GenjiNgàn cánh hạc, đồng thời làm rõ sự biến đổi của nó từ văn học cổ đại đến hiện đại.

Thông qua các con đường tiếp cận tác phẩm văn học khác nhau, luận án có những phân tích nhằm làm rõ hơn những lí do tồn tại của aware từ giai đoạn sớm của lịch sử văn học đến những năm đầu thế kỷ XX. Từ đó, thấy được vấn đề bản chất, tính độc đáo của toàn bộ nền văn học Nhật Bản so với các nền văn học khác trên thế giới.

Những năm gần đây, việc nghiên cứu, đào tạo và giới thiệu văn hóa và văn học Nhật Bản ở nước ta đã có những tiến triển nhất định song vẫn còn thiếu tư liệu, chuyên đề, sách chuyên khảo. Vậy nên, luận án góp phần bổ sung thêm nguồn tư liệu phục vụ cho quá trình nghiên cứu và giảng dạy văn hóa và văn học Nhật Bản tại các trường đại học, các viện nghiên cứu ở Việt Nam.


  1. Cấu trúc của luận án

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, cấu trúc luận án gồm có 04 chương.

Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu.

Chương 2: Cơ sở hình thành mĩ cảm aware.

Chương 3: Sắc thái tồn tại của niềm bi cảm qua Truyện GenjiNgàn cánh hạc.

Chương 4: Những biến đổi của niềm bi cảm qua Truyện GenjiNgàn cánh hạc.

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU


1.1 Các nghiên cứu về cơ sở hình thành mỹ cảm aware

1.1.1 Aware trong cội nguồn văn hóa và văn học Nhật Bản

Các công trình của Donald Richie, Nancy G. Hume, Michele Marra, Lauren Prusinski, Nhật Chiêu, Nguyễn Mai Liên, Khương Việt Hà, Trần Tố Loan, Hà Văn Lưỡng đã cung cấp những luận giải về aware. Đây là một quan niệm thẩm mĩ cơ bản của mĩ học, phạm trù cái đẹp độc đáo của người Nhật chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng phương Đông và quan niệm thẩm mĩ người Nhật có từ ngàn xưa. Bên cạnh đó, sự hình thành khái niệm còn chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xã hội Heian nhất là sự ảnh hưởng của tôn giáo và tín ngưỡng, truyền thống văn học trước đó. Đến thời Heian, aware được thể hiện tiêu biểu trong Truyện Genji. Trong văn học hiện đại, các sáng tác của Kawabata chịu ảnh hưởng của aware, tiêu biểu như trong Ngàn cánh hạc.


1.1.2 Đề cập đến mỹ cảm aware


Với các công trình nghiên cứu chuyên biệt về mỹ cảm aware, các tác giả Antanas Andrijiauskas, Masaharu Anesaki, Oonishi Yoshinori, Izutsu Toshiko, Graham Parkes, David Barnhill, William J. Puett, Minami Hiroshi, Momokawa Takahito, Lê Thị Thanh Tâm Dương Ngọc Dũng, Nhật Chiêu đã cung cấp nhiều luận cứ, biện giải để đi đến xác định khái niệm aware. Bên cạnh đó, các công trình chú ý đến nội dung biểu hiện cũng như sự ảnh hưởng của aware đối văn hóa Nhật Bản trong mối quan hệ với các quan niệm thẩm mĩ khác như công trình của Wm.Theodore.

    1. Về nghiên cứu mỹ cảm aware trong Truyện Genji

      1. Aware trước dòng chảy thời gian-cuộc đời

Suichi Kato cho rằng thời gian là dòng chảy chính trong quan niệm thẩm mĩ aware. Bên cạnh đó, Motoori Norinaga phân tích xúc cảm aware chính là một cảm giác mãnh liệt về thời gian cuộc đời. Ngoài ra, Nhật Chiêu đã phát hiện niềm bi cảm trong tác phẩm thể hiện rõ nhất qua yếu tố thời gian trong vòng đời của nhân vật. Cái chi phối toàn bộ hình tượng nghệ thuật của Genji là “mono no aware”-nỗi buồn sự vật.Tuy vậy, các tác giả vẫn chỉ đưa ra những nội dung cơ bản biểu hiện của thời gian trong tác phẩm mà chưa có những phân tích cụ thể nhằm làm rõ hơn những biểu hiện về thời gian của dòng đời và thời gian đã mất.

      1. Cảm thức vô thường của aware trong Truyện Genji

Dưới góc nhìn tôn giáo, J.Thomas Rimer, Seisuko Kojima và Gene A.Crane, W. Theodore đều cho rằng đạo Phật ảnh hưởng lớn đến quan niệm thẩm mĩ thời Heian và được thể hiện đậm nét trong quan niệm về nhân sinh trong Truyện Genji. Bên cạnh đó, N.I.Konrat khẳng định Truyện Genji tiểu thuyết truyền bá ngấm ngầm cho đạo Phật. Ngoài ra, vô thường là triết lí cơ bản nhất được thể hiện qua hệ thống nhân vật nhân vật đoản mệnh, thiên nhiên chóng tàn phai trong Truyện Genji. Từ những cách tiếp cận khác nhau, các công trình mới chỉ xác định sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với aware nhưng vẫn chưa có những phân tích làm rõ hơn luận điểm trên.

      1. Thân phận con người trong Truyện Genji

Từ cách tiếp cận lịch sử xã hội, các tác giả Pin Fang Su, W. Theodore, Leslie Inamasu, Doris G.Bargen, Uyên Minh đã có những lí giải về thân phận con người trong mối quan hệ với xã hội. Vương triều Heian diễn ra với sự hưng vong cũng như cuộc đời của Genji từ đỉnh vinh quang đến thời khắc suy tàn. Trong quãng đời dài đó, những mối quan hệ tình yêu, nhục cảm, cái chết, sự đọa đày giữa các mối quan hệ xã hội phức tạp. Như vậy, từ nhiều hướng tiếp cận khác nhau đối với Truyện Genji, các công trình nghiên cứu đã hướng đến việc khẳng định Truyện Genji là một kiệt tác văn học phản ánh hiện thực tâm lí và tình cảm, đặc biệt là tình yêu và tình ái của con người. Vấn đề nổi bật trong giá trị tư tưởng trong tác phẩm là thân phận con người thể hiện qua nhiều nhân vật tài hoa bạc mệnh. Vẫn chưa có sự lí giải sâu sắc nào về sự phản tỉnh, phản kháng của cá nhân trước hiện thực xã hội. Con người trong Truyện Genji chỉ dừng lại ở con người định mệnh, chưa vượt thoát khỏi cái nghiệm trong cảm quan Phật giáo.

1.2.4 Sự đột phá về mặt thể loại của Truyện Genji

Truyện Genji được xem là tiểu thuyết có giá trị của văn học thế giới là bởi sự đột phá về mặt thể loại vào thời điểm rất sớm thế kỷ mười một. Các công trình của Chieko Irie Mukhern, Sonja Arntzen, Konrat, Mai Chưởng Đức, Nguyễn Huệ Chi, Lê Huy Tiêu, Nguyễn Thị Lam Anh đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản về mặt thể loại thông qua nội dung tác phẩm, tập trung vào khai thác yếu tố tâm lí, laoij hình tự sự. Chủ đề chính của tác phẩm xoay quanh câu chuyện tình yêu, luyến ái. Vậy nên, đặc trưng của tiểu thuyết tâm lí đã là môi trường tốt cho xúc cảm “aware” được thăng hoa.

Như vậy, từ các quan điểm của các nhà nghiên cứu, có thể kết luận rằng: aware là mạch ngầm của chính lưu trong tác phẩm đồng thời thể hiện tư tưởng chủ đạo của nhà văn. Aware diễn tả nhiều cung bậc cảm xúc nhưng chủ đạo vẫn là nỗi buồn trước thời gian-cuộc đời. Để lí giải cho điều đó, vấn đề thời đại, văn hóa đặc biệt là tôn giáo-Phật giáo đã có ảnh hưởng lớn đối với quan niệm thẩm mĩ này. Truyện Genji mang lại thành công là nhờ những vỉa ngầm văn hóa bản địa tạo nên. Chính vì thế, Truyện Genji mang đậm tâm hồn và cốt cách của dân tộc Nhật. Từ những phát hiện chung và cơ bản đó có thể mở ra những ý tưởng cũng như hướng tiếp cận của tác giả luận án khi đi sâu vào quan niệm thẩm mĩ aware trong tác phẩm.

1.3 Về các nghiên cứu mỹ cảm aware trong Ngàn cánh hạc

1.3.1 Quan niệm thẩm mĩ Kawabata Yasunari

Các tác phẩm văn học của Kawabata thường hướng tới cái đẹp đậm chất triết lí, ẩn chứa chiều sâu tư tưởng. Cái đẹp không toàn vẹn, phảng phất nỗi buồn, dễ tan biến và đậm nữ tính là đặc trưng tư tưởng thẩm mĩ của Kawabata. Các tác giả Makoto Ueda, Khương Việt Hà, Hà Văn Lưỡng, Vũ Thị Thanh, Nguyễn Nam Trân, Đào Thu Hằng đều hướng đến đặc điểm chung đó của Kawabata. Bên cạnh đó, Đức Ninh, Nguyễn Thị Mai Liên đã cho rằng Kawabata là người luôn trân trọng, nâng niu và luôn tìm kiếm vẻ đẹp trong đời sống. Theo Fedorenko Hữu Ngọc và Huỳnh Quán Chi, vẻ đẹp ấy là sự kết tinh của tinh thần dân tộc có từ xa xưa như từ Truyện Genji qua aware và từ vô thường đến chất Thiền trong thơ Haiku.



1.3.2 Aware trong Ngàn cánh hạc

Hầu hết các công trình nghiên cứu được khảo sát đều cho rằng Ngàn cánh hạc tiếp thu những giá trị truyền thống dân tộc thể hiện qua xúc cảm aware thông qua tinh thần Trà đạo. Những khía cạnh biểu hiện của aware như vấn đề thời gian cuộc đời, quan niệm vô thường theo quan điểm của David Pollak, âm hưởng trầm buồn về sự tàn phai của Trà đạo theo Sisilia Novita Susanti. Qua Trà đạo, nhà văn phát biểu quan điểm của mình về thân phận con người trong xã hội qua các công trình của Thụy Khê, Gloria R. Montebruno, Harrington, David có những lí giải sâu sắc hơn những diễn biến tâm lí và xúc cảm trong cuốn tiểu thuyết này. Hơn thế, các công trình nghiên cứu về Kawabata còn đưa ra những luận điểm để lí giải về sự giải tỏa tâm lí cá nhân như Patrick J. Moore và Shang Jie về tính chất buồn của vẻ đẹp được biến chuyển qua thời hiện đại, nhấn mạnh ở các sáng tác mới của Kawabata mà Ngàn cánh hạc là một đại diện tiêu biểu cho sự tiếp biến mỹ học truyền thống aware.



1.3.3 Dòng ý thức trong Ngàn cánh hạc

Dưới sắc thái mới của aware, Ngàn cánh hạc có hình thức mới để chuyển tải các cung bậc biểu hiện của mĩ cảm. Setsuko Tsutsumi cho rằng dòng ý thức là công cụ hữu hiệu chuyển tải xúc cảm aware. Trong đó, biểu tượng là công cụ đặc biệt để biểu hiện nó. Theo Trần Tố Loan về biểu tượng có tính biểu trưng cao chứa đựng nhiều lớp nghĩa, mở ra thế giới giàu cảm xúc và suy nghiệm. Ngoài ra, David Pollak, Gloria R. Montebruno cũng xác nhận Ngàn cánh hạc mở ra thế giới bồng bềnh trong dòng ý thức nhân vật Kikuji.



13.4 Các nghiên cứu so sánh sự biến đổi của aware trong Truyện Genji Ngàn cánh hạc

Về cơ bản, Gwenn Boardman, Petersen, Thụy Khê đã có những lí giải về mối quan hệ giữa nỗi buồn nhân thế và xúc cảm thẩm mĩ aware xuất hiện từ rất sớm trong Truyện Genji và các tác phẩm của Kawabata với quan niệm cơ bản về cái chết và cuộc sống. Dấu ấn thời đại đã làm thay đổi nhãn quan và cảm xúc của con người, do vậy aware cũng có sự đổi khác.



Tiểu kết

Từ các công trình nghiên cứu khác nhau được khảo sát và phân tích đã cung cấp cơ sở lí luận, các yếu tố hình thành nên aware và các biểu hiện của aware trong Truyện Genji Ngàn cánh hạc. Từ đó, các công trình đưa ra những quan điểm cá nhân về sự so sánh sự giống và khác nhau của aware qua hai tác phẩm tiêu biểu trên. Bên cạnh đó, có thể thấy được những khoảng trống trong nghiên cứu so sánh về aware trong Truyện Genji và Ngàn cánh hạc.



CHƯƠNG 2. CƠ SỞ HÌNH THÀNH MỸ CẢM AWARE


    1. Aware trong cội nguồn văn hóa

      1. Tư tưởng phương Đông và quan niệm thẩm mĩ người Nhật

Thế giới quan bao trùm của triết học phương Đông là duy tâm, biện chứng và siêu hình dù có sự đan xen các yếu tố duy vật. Có thể xem quan niệm thẩm mĩ của người Nhật có hai đặc điểm chung nhất là duy mỹ và duy cảm. Mỹ cảm Nhật Bản hay còn gọi là cảm thức thẩm mĩ Nhật Bản là mối tổng hòa các nguyên lí thẩm mĩ, cái được tạo nên bởi quá trình phát triển của lịch sử xã hội được kết tinh trong vẻ đẹp của con người và thiên nhiên. Cảm thức thẩm mĩ này được thể hiện rõ trong các thành tố văn hóa, nghệ thuật và tôn giáo Nhật Bản, qua vẻ đẹp thâm trầm, huyền bí và hài hòa của tinh thần thẩm mỹ phương Đông. Từ xa xưa, người Nhật đã quen sống với tư duy mỹ thuật độc đáo, tín ngưỡng tôn thờ cái đẹp và xem cái đẹp là tiêu chí để đánh giá phẩm giá của con người. Quan niệm thẫm mỹ của người Nhật có nét độc đáo riêng biệt. Ảnh hưởng mạnh nhất đối với nghệ thuật là quan niệm về cái đẹp, cách cảm nhận cái đẹp và tạo nên cái đẹp của người Nhật

      1. Xã hội thời Heian

Sự thay đổi của chính quyền Nhật Bản đã tác động mạnh mẽ đến sự hình thành quan niệm thẩm mĩ của người Nhật thời Heian (794-1185). Sau khi dời kinh đô, Nhật Hoàng đã thay đổi chính sách của đất nước. Bởi chính sự đóng cửa đất nước với văn hóa ngoại lại chủ yếu từ Trung Hoa nên Nhật Bản có nền văn hóa phát triển đậm nét hơn trong mối tổng hòa các văn hóa ngoại nhập khác. Đây là khoảng thời gian được xem là thời đại “thuần Nhật”. Xã hội Nhật thời Heian hình thành nên những đặc điểm khác biệt. Một trong những đặc trưng của xã hội Heian là sự phát triển của năng lực thẩm mĩ thể hiện trong khả năng cảm thụ nghệ thuật tinh tế của người Nhật.
      1. Tôn giáo và tín ngưỡng


Những đặc trưng riêng biệt và sự hòa hợp giữa Phật giáo và Thần đạo là yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến nhân sinh quan và thế giới quan của người Nhật và cũng là cơ sở để hình thành và phát triển hệ thống mỹ học Nhật Bản, đặc biệt đối với aware. Phật giáo đã được truyền vào đây từ rất sớm (thế kỷ VI) và ảnh hưởng sâu sắc và nhiều phương diện của đời sốn xã hội Nhật Bản. Phật giáo tạo cho người dân niềm tin vào cuộc sống. dưới sự ảnh hưởng của Kukai thể hiện mục đích cốt lõi nhất là nghệ thuật phải hướng đến chân-thiện-mỹ. Nghệ thuật Phật giáo ở Nhật cũng đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến cảm quan thẫm mỹ người Nhật. Nhất là khi xã hội xem Phật giáo là quốc giáo, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của đế chế cai trị. Bên cạnh đó, quan niệm phi nhị nguyên của Đại Thừa về luân hồi và niết bàn biểu hiện dưới dạng cái đẹp trong đời sống thường nhật. Quan niệm về cái đẹp rất đơn giản nhưng rất khó biểu hiện. Chính vì vậy tất cả niềm bi cảm bị chi phối bởi thế giới quan Phật giáo, đậm đặc ở Thiền Zen, bắt nguồn từ ba nguyên lý: vô ngã, bất toại nguyện và quan trọng nhất là vô thường. Thấm đẫm tinh thần Thần-Phật, niềm bi cảm là sáng tạo vĩ đại của dân tộc Nhật Bản. Quan niệm đạo đức của Thiền trong Phật giáo đã quy định quan niệm thẩm mĩ người Nhật từ việc khẳng định thực tại có cả đúng và sai, thiện và ác. Và mọi giá trị đạo đức đều là tương đối. Đức hạnh không chỉ tuân giữ giới luật mà còn phải trải nghiệm, thức tỉnh nội tâm mà thành. Như vậy, Thiền tông đã đề cao sự vận động nội tại của bản thể con người-tính hướng nội.

2.1.4 Aware trong truyền thống văn học Nhật Bản

Nhật Bản thư kỉ (Nihonshoki) được hoàn thành vào ăm 720 dưới sự giám sát biên tập của Hoàng tử Toneri. Đây là bản ghi chép khá đầy đủ lịch sử Nhật Bản cổ đại. Trong đó, những huyền thoại đầu tiên của người Nhật được ghi chép đầy đủ về quá trình hình thành dân tộc và lập quốc. Tập sách bắt đầu với nhiều huyền thoại giải thích nguồn gốc thế giới và bảy thế hệ đầu tiên của thần thánh. Thông qua đó, có thể thấy cảm quan thẩm mĩ của người Nhật được bắt đầu từ thời tiền sử về tinh thần duy mỹ, duy cảm của xứ sở quốc đảo này.


Vạn diệp tập (Manyoshu)tập thơ phản ánh xúc cảm của con người được trải nghiệm thể hiện với nhiều tình huống rất đặc biệt có thể là cảm giác của con người trước cái chết, trước những tình huống oái oăm của cuộc tình, trước vẻ đẹp thâm u của thiên nhiên…Tất cả đem lại tiếng nói đa thanh cho tập thơ và trong đó bao gồm những âm thanh buồn, dịu dàng phảng phất những nỗi sầu muộn khôn tả trước thời thế, nhân sinh; tạo nên một nguồn sống mới cho cảm thức thẫm mĩ aware.

Vào thời Heian, Cổ kim tập, đề tài tình yêu chiếm lĩnh chủ đạo, sự ám ảnh của tàn phai và u tịch, đượm buồn và ảo mộng. Cùng thời còn có trào lưu văn học nữ Heian và đỉnh cao Truyện Genji Trong đó, Truyện Genji là đỉnh cao của văn chương nữ giới. Tác phẩm đã được hư cấu để diễn tả đầy đủ cội nguồn tâm lí đa dạng, phức tạp của con người. Bên cạnh đó, tập tuỳ bút “Sách gối đầucó cách xử lí không kém phần tinh tế và trau chuốt, đi sâu vào thế giới mỹ quan với bối cảnh là sinh hoạt cung đình thời Heian.


Thơ Haiku-xúc cảm thâm trầm trong cảm thức Thiền Haiku thể hiện trong xúc cảm với thời gian, trước cuộc đời con người và với vẻ đẹp lãng mạn xuất hiện trong mỗi khoảng khắc của hình ảnh thiên nhiên. Vượt lên khỏi giới hạn của ngôn từ, những gì còn lại của Haiku là thế giới của miền suy tưởng thú vị mang đậm dấu ấn Thiền. Vậy nên, thơ Haiku có thể xem là thể loại văn học của trầm mặc. Theo chiều dài lịch sử từ huyền thoại lập quốc đến văn học thời Nara đến Heian đến Edo “aware đã có những biến đổi bất ngờ và mãnh liệt của nó trong quá trình sáng tạo và thưởng thức văn chương nơi người dân xứ anh đào”. [70]

    1. Mỹ cảm aware và một số quan niệm thẩm mĩ khác

      1. Khái niệm aware

Thuật ngữ aware dùng để chỉ quan niệm thẩm mĩ của người Nhật thời Heian. Nghĩa gốc của aware là một cảm thán từ dùng biểu lộ cảm xúc của con người. Đầu thời kỳ Heian (thế kỉ XI) câu này biến thành một danh từ để chỉ một kiểu cảm xúc nào đó phụ thuộc vào từng hoàn cảnh. Sau đó, dùng để chỉ những rung động tinh tế và sâu sắc trong cảm xúc của con người được thể hiện cô động trong từ này, đó cũng là thể hiện cảm xúc hầu như bị dồn nén cao độ và bột phát ra bên ngoài. Cho đến thế kỷ thứ mười tám, nhà nghiên cứu Morinaga đã cụ thể hóa quan niệm thẩm mĩ này bằng cách đưa ra thuật ngữ mới thay thế “mono no aware”, đấy chính là “niềm bi cảm trước sự vật”. Theo lý thuyết nghĩa của “mono no aware” mang tính bao quát, toàn diện như toàn bộ dải cảm xúc của con người và có thể xem là một giá trị nhân văn, nhưng trong thực tế sử dụng, thường tập trung vào vẻ đẹp của sự phù du và tâm hồn nhạy cảm có khả năng hiểu được cái đẹp ấy. Đặc điểm nổi bật của niềm bi cảm là yếu tố nữ tính thể hiện qua sự dịu dàng, kín đáo của vẻ đẹp tiềm ẩn từ bên trong, vẻ đẹp mà chỉ cảm nhận, khó nắm bắt và gọi tên. Âm hưởng của niềm bi cảm nỗi buồn dịu nhẹ, man mác. Vì thế, có rất nhiều định nghĩa về aware nhấn mạnh yếu tố nữ tính hàm nghĩa trong các dạng thức biểu hiện của cảm xúc. Trước hết, aware thể hiện sự hòa hợp, tương thông và đồng cảm với tự nhiên của Thần đạo. Đấy chính là sự đề cao xúc cảm bên trong, là trái tim biết thấu hiểu vạn vật. Ngoài ra, quan niệm thẩm mĩ chịu ảnh hưởng của tinh thần Phật giáo chủ yếu là Thiền Tông thể hiện trong triết lí “vô thường”. Trước sự viên mãn của cái đẹp dự báo trước sự tàn phai bởi tất cả sự vật trên thế gian này đều nằm trong quy luật sinh-trụ-hoại-diệt nên vạn vật phù du như định mệnh.

      1. Một số quan niệm thẩm mĩ khác

Bênh aware còn thấy xuất hiện các thuật ngữ mỹ học khác cũng mang những đặc điểm, mối liên quan chung và riêng cùng nằm trong hệ thống mỹ học của Nhật Bản. Okashi, miyabi, yugen, sabi và wabi, iki và sui, kawai. Như vậy, xuyên suốt từ cổ đến kim, văn học và văn hóa Nhật lấy quan niệm thẩm mĩ làm trung tâm cho sự sáng tạo nghệ thuật. Dù thời kỳ nào, sự sáng tạo của người Nhật cũng đều hướng đến cái đẹp trong từng dạng thức biểu hiện riêng làm nên những giá trị truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.


    1. Murasaki và Kawabata từ cuộc đời đến tác phẩm

2.3.1 Từ cuộc đời Murasaki đến Truyện Genji

Từ hoàn cảnh nhiều biến động và xuất thân có nhiều mất mát, nhà văn Murasaki đã để lại dấu ấn chính cuộc đời mình trong tác phẩm Truyện Genji. Murasaki Shikibu là người có khả năng sáng tạo nghệ thuật và chữ viết thiên bẩm. Bà là người được xem sớm bộc lộ tài năng học vấn của mình nhất là khi bà tiếp xúc với các kiến thức văn hoá đến từ Trung Hoa, đã có công ghi lại sự phát triển của chữ viết dân tộc Nhật được gọi là chữ viết từ phụ nữ. Chứng kiến cảnh sống cung đình, sớm mẫn cảm với cuộc đời, nhà văn đã có cách cảm nhận về cuộc sống rất sâu sắc. Hơn nữa, do tác động của các yếu tố văn hoá, cùng với kiến thức sâu rộng của mình, nhà văn đã để lại những trăn trở về cuộc đời mang hơi thở thời đại.



2.3.2 Kawabata với cuộc đời bi ai đến Ngàn cánh hạc

Nhà văn Kawabata có tuổi thơ đầy bất hạnh. Kawabata mất hết người thân khi ông mới 15 tuổi và được chú gửi vào nội trú. Từ cuộc đời với nhiều bất hạnh, bước vào văn học, tác giả đã để lại nhiều trang văn thấm đẫm nỗi bi ai. Trong Nhật ký tuổi mười sáu (1914), Kawabata đã thể hiện sâu sắc tâm hồn bị tổn thương nặng nề khi chứng kiến cái chết cận kề bên dường bệnh của ông ngoại. Sau đó, lúc mới 21 tuổi, Kawabata gặp phải mối tình tan vỡ với người vợ sắp cưới Hatsuyo Ito. Suốt một đời cống hiến cho văn học, Kawabata có những ảnh hưởng lớn cả từ văn học cổ điển Nhật Bản, quan niệm thẩm mĩ của người Nhật và văn học Phương Tây. Ông say mê Truyện Genji, thơ Haiku và chịu ảnh hưởng lớn trong các tác phẩm văn học. Chính vì thế, nhà văn đã không ít lần khẳng định trong bài phát biểu nhận giải Nobel văn học năm 1968 rằng Genji monogatari là đỉnh cao văn xuôi Nhật tất cả mọi thời đại và chính bản thân ông rất thích cũng như chịu ảnh hưởng từ tiểu thuyết này. Giá trị của sự nghiệp văn học của Kawabata là đã giữ gìn hồn cốt dân tộc qua hàng trăm trang sách chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần người Nhật hàng ngàn đời.



Tiểu kết

Trong lịch sử mỹ học Nhật Bản, niềm bi cảm là thuật ngữ thẩm mĩ cơ bản nhất và đặc trưng nhất cho cả hệ thống mĩ học Nhật. Quan niệm thẩm mĩ này chịu sự chi phối bởi xã hội, tôn giáo và tín ngưỡng, phong tục tập quán và thị hiếu thẩm mĩ và đặc biệt là văn học truyền thống. Trong đó, Truyện Genji đánh dấu sự hình thành niềm bi cảm và được thăng hoa trong các sáng tác của Y. Kawabata. Dưới cảm quan thẩm mĩ gần một ngàn năm lịch sử được thắp sáng lại bởi ngọn lửa huyền hồ mới của nhà văn tân cảm giác đa tài tạo nên một thế giới hư ảo phản ánh đầy đủ về con người và cuộc sống đương đại Nhật Bản.



CHƯƠNG 3. SẮC THÁI TỒN TẠI CỦA NIỀM BI CẢM QUA TRUYỆN GENJI NGÀN CÁNH HẠC

3.1 Niềm bi cảm trước vòng xoay của thời gian-cuộc đời

3.1.1 Cuộc đời mãi trôi theo dòng thời gian


Từ những ảnh hưởng của văn hóa và văn học truyền thống và đặc biệt là tinh thần Phật giáo Đại Thừa, thời gian trở thành đối tượng đặc trưng của quan niệm thẩm mĩ truyền thống niềm bi cảm. Thời gian chính là cuộc đời và cuộc đời chính là một giai đoạn của vòng đời hay vòng luân hồi của vạn kiếp. Mỗi cuộc đời của con người đều nằm trong qui luật sinh rồi diệt như thuộc về thời gian-khoảnh khắc là di biến. Thời gian trôi chảy theo dòng đời các nhân vật trong tác phẩm Truyện GenjiNgàn cánh hạc báo hiệu những số phận con người đang trôi vô định giữa nhân gian. Dường như, thời gian không ngừng trôi kéo theo sự đổi thay của cuộc sống. Mỗi bước đi của thời gian mang lại dự cảm về cuộc đời trong cảm xúc của mỗi nhân vật chính trong tác phẩm.

3.1.2 Thời gian-cuộc đời đã mất

Thời gian không ngưng nghĩ, chỉ có cảm xúc ngưng đọng trong tâm hồn mỗi con người. Mỗi khoảng khắc qua đi bỗng chốc đã trở thành quá khứ. Thời gian đã mất đang nằm trong thời gian hiện tại. Chỉ có những dự cảm của con người mới có thể cảm nhận được những bước đi của thời gian thuộc về quá khứ. Trong Truyện Genji Ngàn cánh hạc thời gian đã mất cuốn theo mỗi cuộc đời, chuyện tình thấm đẫm nỗi sầu bi nhân thế.


3.2 Niềm bi cảm trước vẻ đẹp vô thường của con người


3.2.1 Vẻ đẹp viên mãn tỏa sáng

Niềm bi cảm mang đến những xúc cảm tinh tế trước cái đẹp của vạn vật. Trong Truyện Genji Ngàn cánh hạc, vẻ đẹp đang hiện hữu, tỏa sáng thì bản thân nó có một uy lực, sức mạnh khiến nhân gian luôn phải xao xuyến, cúi đầu. Vẻ đẹp có sự quyến rũ, lôi cuốn mãnh liệt và say mê. Vẻ đẹp đang tồn tại là vẻ đẹp nhất thời và thoáng qua nhưng nó có quyền năng đặc biệt khiến con người luôn khao khát hướng tới. Người Nhật nhìn thấy vẻ đẹp trong trải nghiệm của một trái tim chân thành, hướng ngoại, trong tâm hồn có xúc cảm, đồng cảm đối với khách thể. Sự cảm kích trước cái đẹp như là một trạng thái nhất thời và không nắm bắt được. Và vẻ đẹp không mất đi khi tâm hồn còn biết lay động với cuộc đời.

3.2.2 Vẻ đẹp chóng tàn phai theo thời gian


Cái đẹp không chỉ mang lại sự cảm kích, vui sướng mà còn có tính gợi buồn bởi cái đẹp đi qua ngắn ngủi, phù du như ảo ảnh. Trong tác phẩm Truyện Genji Ngàn cánh hạc, hầu hết những người phụ nữ xinh đẹp xuất hiện khi đang độ xuân tràn, khoảng thời gian đẹp nhất của người con gái. Sự ra đi lạnh lùng và tàn nhẫn, sầu muộn và khổ hạnh của người đẹp khiến xã hội cũng héo hắt, rơi rụng như lá mùa thu đang độ thu tàn. Các mỹ nhân như kiếp phù du mong manh và vô định trong cõi nhân gian. Con người tồn tại trong vô thường, phải sống theo cái nghiệp, không một sự giải thoát, bí bách và bi ai.

3.3 Niềm bi cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên

3.3.1. Thiên nhiên trước cuộc đời luân chuyển


Thiên nhiên thấm đẫm tâm trạng trong Truyện GenjiNgàn cánh hạc thể hiện trong những hoàn cảnh khác nhau tập trung vào các cuộc chia li như người đi kẻ ở, trước cái chết, trước sự đoạn tuyệt với cõi trần. Trong những hoàn cảnh như thế, thiên nhiên vần vũ, rong ruổi khắp nơi minh chứng cho những mảnh vỡ tâm hồn đang còn ở lại. Cảm giác bất ổn vương vấn từ đầu tác phẩm đến chương cuối cùng với quá nhiều cuộc chia ly và biến cố xoay quanh các nhân vật chính. Âm hưởng buồn man mác, sầu bi lớp lớp không vơi như một bản nhạc trầm buồn còn quấn quýt mãi trong lòng người đọc một cảm thức sâu xa khó gọi tên. Trước mảnh đời hay tâm trạng nhân vật, thiên nhiên thường rất mềm mại, mang nỗi buồn dịu nhẹ và thâm trầm đậm chất nữ tính.

3.3.2. Vẻ đẹp vô thường của thiên nhiên


Trong cảm quan thẩm mĩ của nghệ sĩ Nhật Bản thiên nhiên cũng có sinh mệnh riêng của nó. Như những hiện thân của cái đẹp trong cuộc sống, thiên nhiên trong Truyện GenjiNgàn cánh hạc tỏa sáng rực rõ và chóng tàn. Vẻ đẹp thoáng qua trong chốc lát của thiên nhiên lòng người không khỏi rung động và xuyến xao trước sự mong manh, u buồn và tiếc nuối. Như thực thể sống có tâm hồn, tình cảm; thiên nhiên vần vũ với cuộc đời, tồn tại và ra đi nhanh chóng trong cõi vô thường, đã gợi nên niềm bi cảm nhân thế.

Tiểu kết

Truyện Genji là tác phẩm đặc trưng nhất cho những biểu hiện của niềm bi cảm và cũng là tác phẩm khởi nguồn cho dòng chảy văn học dân tộc về sau như Ngàn cánh hạc của Kawabata. Dấu ấn thời gian-cuộc đời là đặc điểm cốt lõi, Bên cạnh đó vẻ đẹp vô thường của con người và thiên nhiên theo quan niệm Phật giáo. Từ Truyện Genji đến Ngàn cánh hạc gặp gỡ nhau trong triết lí về nhân sinh này thông qua sự tác động mạnh mẽ của Thiền Tông. Sự hội tụ mỹ cảm Thiền đã mang lại niềm đam mê cho hai nhà văn dù đã cách xa nhau gần mười thế kỷ vẫn say sưa nói về cái đẹp và nỗi buồn dâu bể từ ngàn đời nay vẫn đang tồn tại trong hồn thiêng sông núi đất trời Phù Tang.

CHƯƠNG 4. NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA NIỀM BI CẢM QUA TRUYỆN GENJINGÀN CÁNH HẠC

4.1 Niềm bi cảm với thân phận con người

4.1.1 Con người trước nghịch cảnh của số mệnh


Cũng giống như Truyện Genji, Ngàn cánh hạc tập trung vào sự phản ánh con người gánh chịu những nghịch cảnh số mệnh, khép kín trong nỗi cô đơn và bị ám ảnh về nỗi cô đơn và cái chết định mệnh. Nếu thời Heian, niềm bi cảm thấm đẫm trong tinh thần Phật giáo với thế giới vô thường thì đến thời hiện đại Nhật Bản sau thế chiến thứ hai, tính bất ổn của xã hội mới cũng được phản ánh chân thực trong trực cảm mới qua sự giao hòa giữa cảm thức Thiền và tinh thần hiện sinh. Nghịch cảnh của con người được ẩn dấu trong tình yêu và tuyệt vọng của đa số nhân vật nữ trong Truyện Genji. Cảm giác cô đơn trong cuộc sống nhàn hạ và bị bỏ rơi trong nỗi nhớ nhung sầu muộn nên con người muốn tìm đến cái chết. Điều này khác với những câu chuyện của những cá nhân xã hội hiện đại trong Ngàn cánh hạc với những tâm hồn đang nhìn thấy cái chết trong sự cô đơn. Như vậy, niềm bi cảm trước cảnh hưng vong của triều đại trong Truyện Genji cho đến sự suy vi của xã hội Nhật Bản sau thế chiến đã được hình tượng hóa trong Trà đạo.

4.1.2 Con người với khát khao khẳng định cái tôi cá nhân


Các nhân vật trong Truyện Genji tự khẳng định cái tôi cá nhân của mình trong niềm tin tôn giáo. Rất nhiều nhân vật nữ tự từ giã cõi trần bằng cái chết, đi tu để quay lại với cuộc sống hiện tại. Lí giải những hành động này, Murasaki đã đưa ra các quan điểm về cõi vô thường, về quan niệm cái đẹp vĩnh hằng…Trong Ngàn cánh hạc, những khát khao cá nhân mang dấu ấn của văn học hiện thực hơn. Cho dù ý thức về thân phận, con người trong Ngàn cánh hạc luôn khao khát vượt ra khỏi vòng luân lí xã hội, khẳng định bản thể tự nhiên. Nếu con người luôn vượt thác, ngược dòng để nắm lấy tình yêu-tuyệt đỉnh của cái đẹp cảm xúc khó nắm bắt thì con người ngay thẳng với bản năng thể hiện sự hiện diện của con người phi lí tính và luân lí. Tư tưởng hiện sinh chú trọng con người tự ngã và bản năng khác với con người vô ngã trong văn học cổ. Kawabata đã rất nhẹ nhàng và tinh tế đưa con người hiện sinh trung thực vào trong Ngàn cánh hạc. Cái thực trong các tác phẩm của Kawabata luôn được phản ánh qua cái ảo. Sự thật tiềm ẩn trong vô thức và thế giới thực tại của cái thực và hư luôn tồn tại không chỉ trong Ngàn cánh hạc khiến đời sống con người thực không thể thực hơn. Bên cạnh chịu sự ảnh hưởng bởi tinh thần Thiền Tông, dưới góc nhìn hiện sinh về thế giới, ngòi bút Kawabata đã hướng Ngàn cánh hạc vào thế giới trầm mặc với những điều kì ảo qua những cung bậc tình yêu.

4.1.3 Con người luôn tìm kiếm cuộc sống đích thực


Trong Truyện Genji, con người luôn kiếm tìm cuộc sống đích thực trong tình yêu, thõa mãn với những gì đã có, sống hết mình với hiện tại. Đối với Ngàn cánh hạc, hình bóng con người đang hành thiền giữa cõi tục, an nhiên với thực tại và cũng xuất hiện con người luôn vươn tới khẳng định mình và vươn lên trên mọi cảnh huống để kiếm tìm niềm đam mê với cái đẹp. Đấy chính là con người hiện sinh tự thức tỉnh, chủ động trong cuộc sống, vươn lên khỏi hoàn cảnh định mệnh khắc nghiệt và đương đầu với nó. Trong xã hội hiện đại, con người không chỉ ẩn mình trong thế giới riêng để sống mà còn phải luôn có những phản tỉnh để chống lại sự ảnh hưởng của nguy cơ bị tha hóa và biến chất. Đó cũng chính là cách làm để nhà văn bảo vệ cái đẹp khỏi những vươn tỏa của cái xấu trong xã hội nhố nhăng. Chính vì sự phản tỉnh đó, con người đồng thời thể hiện những khát vọng cá nhân tích cực.

4.2 Nghệ thuật đặc trưng thể hiện niềm bi cảm

4.2.1 Dòng chảy nội tâm trong Truyện Genji


Thời gian đảo lộn và dung hợp trong dòng ý thức của nhân vật làm nên thế giới nội tâm phức tạp của Genji. Dòng hồi tưởng trải dài theo sóng gió của cuộc đời với những chuyện tình lãng mạn và không ít khổ đau của Genji. Sự hoài nhớ đó luôn trào dâng khi có những sự vật, sự việc làm chàng gợi nhớ. Thỉnh thoảng, chàng sống lại những khoảnh khắc khi buồn đau, khi day dứt, hối tiếc, cũng có khi hân hoan, sôi nổi. Những hình ảnh mang tính tượng trưng và khơi gợi tạo nên dòng chảy nội tâm cho các nhân vật chính Genji. Trong tác phẩm Truyện Genji, Murasaki Shikibu đã mang đến cho độc giả nhiều bất ngờ với nhiều thành tựu đáng kể cho tiểu thuyết hiện đại.

4.2.2 Kỹ thuật “dòng ý thức” trong Ngàn cánh hạc


Cho đến các sáng tác của Kawabata, dòng ý thức đã trở thành kỹ thuật hữu dụng cho việc thể hiện xúc cảm aware. Trong Ngàn cánh hạc, phương thức xây dựng tác phẩm nhằm phát huy tối đa những lợi thế nhằm mang đến một thế giới tràn đầy cảm xúc. Kỹ thuật dòng ý thức được biểu hiện qua độc thoại nội tâm, kỹ thuật đồng hiện, thủ pháp tượng trưng. Những đoạn độc thoại nội tâm ý thức và vô thức diễn ra với tần suất liên tục trong dòng ý thức nhân vật trong tác phẩm. Với dòng chảy chủ đạo trong tiểu thuyết là khai thác chiều sâu tâm lí, coi trọng cảm giác, thế giới vô thức là điểm mạnh Kawabata thể hiện khá rõ qua lời thoại. Trong Ngàn cánh hạc, qua việc tái hiện lại không gian và thời gian của quá khứ, hiện tại và tương lai trong cùng một thời điểm làm cho dòng chảy tâm tư, lí trí và cảm xúc hòa quyện với nhau. Với tâm điểm liên quan đến Trà đạo, các sự việc, biến cố xuất hiện xoay quanh bằng những dòng hồi tưởng của các nhân vật chính. Tác phẩm không có cốt truyện rõ ràng mà là sự lắp ghép kỳ công với phiến đoạn của dòng ý thức nhân vật qua năm chương sách. Ngoài ra, thủ pháp tượng trưng được sử dụng kỳ công qua hệ thống biểu tượng mang lại thế giới giàu cảm xúc và suy nghiệm.

Tiểu kết

Thân phận con người dưới ánh sáng của niềm bi cảm là nội dung tư tưởng lớn nhất trong toàn bộ tác phẩm Truyện GenjiNgàn cánh hạc, chịu sự ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội. Dưới cảm quan Phật giáo Heian, Murasaki đã thể hiện quan niệm về thân phận con người trong mối quan hệ với sự hung vong của triều đại Heian. Cho đến Kawabata, dưới sự ảnh hưởng của Thiền và tư tưởng hiện sinh phương Tây, thân phận con người thể hiện trong dạng thức khác. Suy cho cùng dù ở mức độ nào, các tác giả luôn hướng đến cái đẹp cuộc sống. Bên cạnh đó, với đặc trưng tiểu thuyết tâm lí, chú trọng cảm xúc, Truyện Genji đã có sự đột phá trong việc khai thác nội tâm nhân vật trong dòng chảy vô thức và ý thức, từ sự đảo lộn trật tự thời gian đến các biểu tượng giàu ý nghĩa. Cho đến Kawabata, với sự đề cao cảm giác mới trong sáng tạo nghệ thuật, chịu ảnh hưởng bởi phương pháp sáng tạo tiểu thuyết hiện đại của phương Tây, nhà văn đã thể hiện kỹ thuật dòng ý thức chủ đạo trong hầu hết các tác phẩm của mình. Đối với Ngàn cánh hạc, kỹ thuật này là phương tiện hiệu quả để khai thác triệt để đời sống nội tâm của nhân vật qua độc thoại thoại nội tâm, kỹ thuật đồng hiện và thủ pháp tượng trưng. Sự đổi mới kỹ thuật viết tiểu thuyết của Kawabata mang lại những tác động sâu sắc đối với rung động thẩm mĩ của người đọc, khơi gợi niềm bi cảm nhân sinh.


KẾT LUẬN


Có thể nhận rõ sự ảnh hưởng mạnh mẽ của quan niệm thẩm mĩ đối với văn học Nhật Bản rất cao. Từ thế kỷ mười một, người Nhật đã tạo nên phong cách đặc trưng cho dân tộc khi sáng tạo nghệ thuật. Mỹ cảm aware xuất hiện nhằm thể hiện cô đọng nhất mọi cảm quan thời cổ đại Nhật Bản qua Truyện Genji. Trải qua mười thế kỉ, trong văn học hiện đại, aware vẫn có sức sống mãnh liệt. Những giá trị của mỹ cảm độc đáo này được bảo tồn và tiếp biến vi diệu qua ngòi bút tài tình Kawabata.

  1. Mỹ cảm aware xuất hiện đầu tiên so với các quan niệm thẩm mĩ cơ bản khác của mỹ học Nhật Bản. Quan niệm thẩm mĩ aware chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, được xem là đặc trưng cho văn hóa vương triều. Trong quá trình hình thành khái niệm aware chịu sự ảnh hưởng của thể chế Heian, văn hóa Nhật cổ đại, đặc biệt là tôn giáo và văn học. Từ một cảm thán từ ban đầu, aware đã trở thành một khái niệm dùng để chỉ quan niệm thẩm mĩ Nhật Bản được định hình vào thời Heian. Về sau, khái niệm aware được định nghĩa cụ thể hơn mono no aware, tuy thế những đặc điểm cơ bản nhất của mỹ cảm vẫn được duy trì và lưu giữ. Cùng thời Heian, vẫn còn xuất hiện các quan niệm thẩm mĩ khác như okashi, miyabi. Sau đó, các quan niệm thẩm mĩ như yugen, wabi-sabi, iki-sui và hiện nay là kawai. Hầu hết các quan niệm thẩm mĩ về sau đều mang dấu ấn của aware. Chính vì thế, mỹ cảm này được xem là quan niệm thẩm mĩ bao trùm mọi thời đại ở Nhật. Việc nghiên cứu aware trong hai tác phẩm văn học của Murasaki và Kawabata là cách khám phá thế giới tâm hồn và chiều sâu văn hóa Nhật Bản.

  2. Vấn đề cốt yếu nhất của niềm bi cảm được các nhà văn ghi lại qua các sáng tác của mình thể hiện rõ đời sống tâm hồn và dấu ấn thời đại Nhật Bản. Ý thức về sự tồn tại của con người với thời gian-cuộc đời, trong cõi vô thường, được soi chiếu qua sinh mệnh của cái đẹp. Nếu cuộc đời con người là hữu hạn thì vẻ đẹp tồn tại vĩnh hằng giữa lòng nhân sinh. Trước sự tồn vong của cái đẹp, con người có những xúc cảm bi ai trần thế. Khát vọng được sống hết mình, được yêu và tỏa sáng trong phút giây ngắn ngủi đường trần đã dệt nên âm điệu trầm buồn đối với toàn bộ tác phẩm thấm đẫm niềm bi ai trong từng nhân vật và cảnh sắc thiên nhiên. Như vậy, dù cách xa hàng ngàn năm so với Truyện Genji, Ngàn cánh hạc vẫn còn lưu giữ tinh thần niềm bi cảm với thái độ trân trọng và giữ gìn những gì đẹp đẽ nhất của tinh hoa văn hóa dân tộc. Từ niềm bi cảm có thể thấy quan niệm độc đáo về cái đẹp Nhật Bản, vẻ đẹp bên ngoài với sự duyên dáng, mềm mại, thuần khiết, tao nhã kết hợp với nét trầm buồn gợi nên từ những rung động sâu xa của chủ thể cảm thụ về cái đẹp nhất thời, thoáng qua. Vẻ đẹp không mang lại sự bi hùng hay bi lụy mà gợi nên dư tình, trở nên sâu lắng giữa lòng nhân sinh. Từ cảm thức tôn giáo đến quan điểm nghệ thuật, Murasaki và Kawabata đã thổi hồn vào tác phẩm sắc màu của tinh thần dân tộc đạt đến chủ nghĩa duy mỹ trong nghệ thuật biểu hiện.

  3. Những tiếp biến rõ nét nhất của niềm bi cảm thể hiện từ thân phận con người trong thế giới quan Phật giáo đến cảm thức Thiền giao hòa với con người hiện sinh. Thế giới của niềm bi cảm nhân sinh từ Truyện Genji đến Ngàn cánh hạc được thể nghiệm từ con người nhập thế đến con người thân phận, từ sự trải nghiệm dấn thân đến con người hiện sinh trung thực, từ con người vô ngã đến con người chủ thể. Bên cạnh đó, niềm bi cảm được chảy trôi trong dòng ý thức nhân vật trong Truyện Genji và được nâng lên thành kỹ thuật “dòng ý thức” hiện đại trong Ngàn cánh hạc. Từ sự cách tân về kỹ thuật thể hiện chiều sâu tâm lí, xúc cảm aware được khai thác đa chiều và có tính biểu đạt cao. Chính vì thế, những rung động của tâm hồn trước cái đẹp cuộc sống có sự khác biệt. Nếu thời Heian, niềm bi cảm thấm đẫm trong tinh thần Phật giáo với thế giới vô thường, đến thời hiện đại khoảng thời gian sau thế chiến thứ hai tính bất ổn của xã hội mới cũng được phản ánh chân thực trong trực cảm mới-tinh thần hiện sinh. Từ những cảm xúc bi ai nhất thời trong Truyện Genji đã trở thành những xúc cảm thâm trầm và lắng sâu trong Ngàn cánh hạc . Chính vì thế, dòng ý thức được khai thác triệt để nhằm biểu lộ những cung bậc của cảm xúc trước cái đẹp, con người và xã hội. Như vậy, aware là mỹ cảm đắc địa nhất cho dòng chảy cảm xúc trong tâm lí nhân vật. Sử dụng aware cho tác phẩm hiện đại tức là nhà văn đã có sự kết hợp giữa yếu tố cổ điển và hiện đại tạo nên một phong cách mới có chiều sâu văn hóa phù hợp với hiện tại. Một thời đại khủng hoảng niềm tin, cái đẹp đang trên đà suy tàn, nhân cách đạo đức cũng trên con đường suy đồi, bại hoại trong một xã hội bị o bế. Tinh thần aware trong Ngàn cánh hạc nằm ở thái độ sống, cách sống và niềm tin tôn giáo sâu xa trước hoàn cảnh. Không chỉ dừng lại ở việc cảm thụ cái đẹp, nhà văn còn biết trân trọng, giữ gìn vẻ đẹp truyền thống cũng như thiên lương trước thời cuộc vần xoay. Tác giả không ngừng tìm kiếm những mầm sống còn sót lại trong thế giới u uẩn - vẻ đẹp kiếm tìm. Với việc kiếm tìm vẻ đẹp hư ảo từ Ngàn cánh hạc bay, nhà văn như lữ khách độc bước, trong cảm giác u buồn và hoài vọng. Tuy vậy, một chút hồn trong sáng hướng đến cái đẹp tuyệt đích còn lại ở nhà văn đủ để nhen nhóm niềm hi vọng trong xã hội đầy mất mát và đau thương.

  4. Từ việc làm rõ các nội dung cơ bản và tiếp biến của aware qua các tác phẩm văn học cổ đại và hiện đại, luận án vẫn chưa khảo sát hết toàn bộ sự vận động của mỹ cảm này trong suốt chiều dài lịch sử của nó. Do đó, luận án mở ra những nội dung nghiên cứu khác trong tương lai. Từ aware có thể hướng đến các nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến các tác phẩm khác như “Truyện kể heike”, Kịch Nô, thơ Haiku và sau này có các sáng tác của Haruki Murakami. Nếu aware được nghiên cứu toàn diện theo từng tá phẩm theo thời kỳ văn học sẽ đem đến kết quả nghiên cứu toàn diện và sâu sắc hơn.

Каталог: userfile -> User -> songtran -> files
files -> Phan thành nhâm quan niệm về nhà NƯỚc và XÃ HỘi dân sự trong triết học pháp quyền của g. W. F. Hegel
files -> Chuyên ngành: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam Mã số: 62 22 56 01
files -> TRẦn thị ngọc thúY ĐẢng lãnh đẠo cuộc vậN ĐỘng quốc tế chống đẾ quốc mỹ XÂm lưỢc việt nam
files -> Mã số: 62. 22. 50. 05 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ SỬ HỌC
files -> Mã số: 62. 32. 01. 01 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ BÁo chí
files -> ­­­­­­­­­­­­ nguyễn công oánh nhân học kitô giáo và vai trò CỦa nó trong đỜi sống đẠO
files -> TRƯỜng đẠi học khoa học xã HỘi và nhân văN ­­­­­­­­­­­­ nguyễn thúy thơM
files -> HÀ NỘI – 2015 CÔng trình đƯỢc hoàn thàNH
files -> Mã số : 62 22 03 08 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ triết họC
files -> Mã số : 62 22 03 08 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ triết họC

tải về 160.05 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương