I- thông tin liên quan đẾn công tác tư pháP



tải về 59.68 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích59.68 Kb.
#28702


BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2014

ĐIỂM TIN BÁO CHÍ CÁC NGÀY 25, 26/10 VÀ SÁNG NGÀY 27/10/2014

Trong các ngày 25, 26/10 và đầu giờ sáng ngày 27/10/2014, một số báo đã có bài phản ánh những thông tin liên quan đến công tác tư pháp như sau:


I- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Thi hành án chậm, người dân ‘bắt vạ’. Bài báo phản ánh: Theo bà Phạm Thị Kim Hoa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), ba năm trước bà được tòa tuyên thắng kiện trong một vụ đòi nợ hơn 5,5 tỉ đồng. Đến cuối năm 2011, bà nộp đơn yêu cầu thi hành án (THA).

Bà Hoa cho biết dù phía bị THA có nhà cửa đàng hoàng nhưng không hiểu vì sao Chi cục THA dân sự huyện Thống Nhất lại quá chậm trong việc cưỡng chế, bán đấu giá tài sản để THA. Nhiều lần mỏi mòn đi lên đi xuống trụ sở THA huyện bà cũng chỉ nhận được câu... “chờ chỉ đạo”. Bà thắc mắc chờ chỉ đạo gì nhưng không ai trả lời.

Đến giữa năm 2014, THA huyện Thống Nhất thông báo với bà Hoa rằng phía bị THA có căn nhà hơn 6,5 tỉ đồng. Để giải quyết rốt ráo vụ việc, đồng thời giúp bên bị THA thi hành các bản án khác, bà nên lấy căn nhà này để cấn trừ nợ. Muốn vậy bà cần nộp thêm 1 tỉ đồng. Thấy cách này cũng vẹn đôi đường, bà Hoa đồng ý.

“Tôi đóng tiền xong, THA dân sự huyện Thống Nhất hứa sẽ giao nhà ngay. Tôi mừng và hy vọng lắm vì đã chờ đợi vất vả ba năm rồi. Tuy nhiên, tôi lại chờ mãi mà không nhận được gì. Số tài sản của tôi là rất lớn nhưng cơ quan THA lại làm việc theo kiểu rùa bò khiến gia đình tôi lâm vào cảnh khốn đốn. Tôi lên gặp lãnh đạo THA để hỏi cho rõ thì vẫn tiếp tục nhận được câu trả lời quen thuộc là phải chờ ban chỉ đạo THA… chỉ đạo” - bà Hoa kể.

Ngày 15-9, vì quá bức xúc với cách làm việc của Chi cục THA dân sự huyện Thống Nhất, bà Hoa đã quyết định mang quần áo, chăn màn đến trụ sở THA để “bắt vạ”, gây áp lực buộc cơ quan THA phải THA. Sau khi cán bộ THA hứa sẽ giải quyết sớm bà mới chịu dọn đồ về nhà.

“Tôi biết cách này là không hay nhưng tôi không có cách lựa chọn nào hơn. Tôi bị thiệt hại thì không ai đoái hoài gì đến. Những gì thuộc quyền lợi chính đáng, hợp pháp của tôi thì THA phải bảo vệ cho tôi chứ. Nhưng giờ thú thực là tôi rất buồn, tôi đã làm đến mức đó mà hiện THA cũng không có động tĩnh gì để thực hiện lời hứa” - bà Hoa bức xúc.

Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Thống Nhất, giải thích việc chậm THA là do gặp phải rất nhiều khó khăn, nhùng nhằng về các thủ tục. Bản án của bà Hoa cũng có liên quan đến một số người được THA khác nên Chi cục THA huyện Thống Nhất phải chờ công văn hướng dẫn của Tổng cục THA dân sự. Công tác kê biên, định giá để bán đấu giá căn nhà trước đó cũng không suôn sẻ, mất rất nhiều thời gian. Thời gian đầu, THA còn động viên người bị THA tự nguyện giao tài sản, tuy nhiên đến nay đã quá lâu nên THA quyết định sẽ cưỡng chế để giao nhà.

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Tổng cục Thi hành án theo dõi, kiểm tra thông tin, chỉ đạo xử lý dứt điểm.

2. Báo Hà Nội mới có bài Chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng: Còn nhiều băn khoăn. Bài báo phản ánh: Xu hướng mô hình công chứng trong năm 2015 và những năm tiếp theo sẽ như thế nào? Đây là vấn đề mà đại bộ phận cán bộ, nhân viên các phòng công chứng (PCC) trên địa bàn Hà Nội lo lắng. Bởi theo đề xuất của Bộ Tư pháp, sẽ có những thay đổi về nhân sự khi đổi PCC (công) thành Văn phòng công chứng (VPCC) tư theo phương thức đấu giá, bắt đầu từ thời điểm Luật Công chứng có hiệu lực 1-1-2015.

Có thể nói, việc chuyển đổi từ mô hình PCC công sang mô hình VPCC tư là xu hướng tất yếu, nhất là trong bối cảnh các VPCC đã dần khẳng định được vai trò, uy tín của mình, được nhiều người dân, doanh nghiệp tín nhiệm lựa chọn. Tuy nhiên, theo các tổ chức hành nghề công chứng, song song với việc chuyển đổi cần phải tính toán xem nên quy định thế nào để bảo đảm quyền lợi cho công chức, viên chức đang làm việc tại các PCC, trong đó có những người đã gắn bó gần cả cuộc đời với nghề công chứng.

Ngoài những băn khoăn về chuyển đổi PCC công thành VPCC như thế nào cho hiệu quả, nhiều cán bộ, nhân viên các PCC trên địa bàn Hà Nội cũng tỏ ra băn khoăn khi dự thảo chưa rõ định lượng về kết quả xã hội hóa hoạt động công chứng tại địa bàn. Nếu thiếu những thông số chi tiết này, có thể dẫn đến cách hiểu, vận dụng trái ngược giữa cơ quan quản lý và đơn vị chịu trách nhiệm thi hành…

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Cục Bổ trợ tư pháp theo dõi.

3. Báo Đầu tư có bài Lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật quy mô nhất. Bài báo phản ánh: Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý vừa cho biết, sau khi được các đại biểu xem xét, cho ý kiến, Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) từ tháng 1 đến tháng 3/2015.

4. Báo Thời báo kinh tế Sài Gòn có bài Nỗi lo mang tên... thông tư. Bài báo phản ánh: Quy trình tiền kiểm thông tư, nếu được áp dụng, cũng không thể nào chặt chẽ hơn quy trình “tiền kiểm” luật, nghị định. Nếu cứ thả gà ra bắt thì sẽ bắt không xuể!

Điều đáng nói là những quy định vượt quyền, gây khó cho doanh nghiệp như được dẫn ở trên đã từng bị dư luận lên tiếng phản ứng ngay từ giai đoạn dự thảo hoặc khi mới ban hành. Đính chính là việc phải làm, nhưng nếu như chúng không được ra đời để không phải đính chính thì tốt hơn. Bởi lẽ, trong thời gian đã “lỡ” có hiệu lực đó, biết bao hệ lụy đã xảy ra. Nhưng như vậy cũng còn may, vì không thể biết có bao nhiêu thông tư “có vấn đề khác” đang tồn tại.

Vấn đề là vì sao như vậy? Vì việc xây dựng, ban hành thông tư hiện nay đang theo một “chu trình khép kín” trong phạm vi nội bộ mỗi bộ.

Có thể nhìn từ một thống kê khác, của TS. Nguyễn Minh Tuấn, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: riêng trong năm 2013, các cơ quan nhà nước ở trung ương đã ban hành một Hiến pháp sửa đổi, 17 luật, 22 nghị quyết của Quốc hội; 3 pháp lệnh, 8 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 215 nghị định của Chính phủ; 703 thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 106 thông tư liên tịch.

Con số khổng lồ của các thông tư trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay phản ánh điều gì? Trên thực tế, không có thông tư thì hầu như không thể thực hiện được luật, nghị định vì tính chất “khung”, “ống” của nó. Đối với người dân hay doanh nghiệp, thông tư mới là... luật vì nó điều chỉnh trực tiếp các đối tượng, hành vi.

Điều đó khiến cho TS. Tuấn đặt câu hỏi về thẩm quyền “lập pháp nguyên gốc” của Quốc hội và hệ quả của việc “ủy quyền lập pháp” tràn lan xuống các bộ như hiện nay.

Đó không chỉ là hệ quả của tình trạng luật ban hành ra mà chưa thể thực thi do tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn (theo báo cáo tổng kết, trung bình chỉ 60% văn bản được ban hành đúng hạn, thời gian nợ phổ biến là...sáu tháng). Hiện nay, nhiều văn bản hướng dẫn của cấp dưới còn trái với nội dung văn bản cấp trên hoặc làm phát sinh quy định mới gây khó cho đối tượng thực hiện.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Một cách chung nhất, do năng lực soạn thảo thông tư của các bộ yếu kém. Nhưng bóc tách ra, “còn có cả yếu tố lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, ngành và cũng không loại trừ có tiêu cực tham nhũng chi phối mà tôi hay nói là lobby đen”, theo đúc kết của TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, sau 10 năm hoạt động của cục này.

Nếu muốn hạn chế việc ban hành thông tư hướng dẫn, việc căn bản đầu tiên là phải nâng cao năng lực làm luật, nghị định một cách chi tiết.

II- THÔNG TIN KHÁC

1. Trang Quốc hội đưa tin Ngày làm việc thứ sáu, kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIII: Tội phạm được kiềm chế nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Bài báo đưa tin: Ngày 25-10, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIII tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường. Các đại biểu QH đã nghe: Báo cáo công tác phòng, chống vi phạm pháp luật; Báo cáo công tác của: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo về công tác thi hành án; Báo cáo thẩm tra các báo cáo nêu trên. Các đại biểu QH đã thảo luận về những nội dung này.

2. Báo Điện tử Chính phủ có bài Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 20-24/10/2014:

- Phạt tiền tỷ với VPHC trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng

Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa mới được ban hành, từ ngày 12/12, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này sẽ bị phạt nặng với mức phạt lên tới hàng tỷ đồng.

Các mức phạt tiền quy định trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

- Tạo thuận lợi trong đăng ký xác định quốc tịch Việt Nam

Chính phủ đã ban hành Nghị định 97/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam, trong đó quy định đăng ký để được xác định quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam.

Cụ thể, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 1/7/2009 mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, nếu có yêu cầu thì đăng ký với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam theo trình tự, thủ tục quy định (gọi là Người yêu cầu xác định quốc tịch).

Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (Cơ quan đại diện), nơi Người yêu cầu xác định quốc tịch đang thường trú, thực hiện tiếp nhận và giải quyết yêu cầu xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam.

- Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở giáo dục đại học công lập

Chính phủ đã đã hành Nghị quyết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017.

Việc thí điểm này nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giảm chi cho Ngân sách nhà nước, đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách.

- Ban hành hướng dẫn thành lập tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tại DN

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2014/NĐ-CP quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay, việc thành lập tổ chức chính trị (tổ chức Đảng), các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã được quy định trong các bộ luật chung và luật chuyên ngành nhưng đa số các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn ngước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, việc thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội còn rất hạn chế.

- Khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KHCN

Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.

Theo đó, doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

- Phạt đến 30 triệu đồng nếu vi phạm quy định về ứng dụng KHCN

Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Trong đó, vi phạm quy định về ứng dụng, phổ biến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng thay vì mức 20 triệu đồng như trước đây.

- Thay đổi mức đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai

Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về việc thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai; trong đó quy định mức đóng góp vào Quỹ thay cho mức cũ đã được áp dụng từ cách đây nhiều năm.

Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp. Còn người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng. Người lao động khác thì đóng 15.000 đồng/người/năm.

- Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ

Trong giai đoạn 2018 - 2020, Đề án "Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ và nguồn nhân lực có tay nghề cao tại các cơ sở dạy nghề trong Quân đội đến năm 2020" sẽ đào tạo từ 7000 đến 8000 nhân lực có tay nghề cao hằng năm.

Trong giai đoạn 2014 - 2017, hằng năm Đề án sẽ đào tạo nghề cho 60-65% bộ đội xuất ngũ và đào tạo từ 5000 đến 6000 nhân lực có tay nghề cao. Trong giai đoạn 2018 - 2020, hằng năm đào tạo nghề cho 65-70% bộ đội xuất ngũ và từ 7000 đến 8000 nhân lực có tay nghề cao.

- Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu phấn đấu là đạt tốc độ tăng sản lượng sản phẩm apatit các loại (quặng nguyên khai và quặng tuyển) bình quân khoảng 9 - 10%/năm giai đoạn đến năm 2020 và duy trì sản lượng ổn định ở các năm tiếp theo, đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất phân bón và hóa chất trong nước...

- Quyết liệt giảm số người chết vì TNGT

Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2014.

- Không kiến nghị dùng ngân sách xử lý nợ xấu

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đưa kiến nghị về việc xem xét dành một phần chi ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước vào báo cáo trình Quốc hội.

3. Báo Đầu tư chứng khoán có bài Thông tư hướng dẫn Luật Hải quan, đừng làm khó thêm cho doanh nghiệp. Bài báo phản ánh: Nhiều DN và chuyên gia luật bày tỏ quan ngại dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về phân loại hàng hóa, danh mục hàng hóa và trị giá hải quan sẽ làm tăng thêm thủ tục cho DN, đi ngược lại với mục tiêu cắt giảm thủ tục hải quan mà ngành này đang nỗ lực thực hiện.

4. Báo Điện tử Chính phủ đưa tin Bắt Hà Văn Thắm Chủ tịch HĐQT Oceanbank. Bài báo phản ánh: Công văn số 1284/C46-P11 của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C46) gửi Cổng TTĐT Chính phủ về bắt, khám xét đối với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Oceanbank nêu rõ: Căn cứ vào kết quả điều tra của C46 và tài liệu thanh tra của NHNN đến nay có đủ căn cứ xác định Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) phạm tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự.

Ngày 21/10/2014 Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng và Lệnh khám xét đối với Hà Văn Thắm về tội danh trên.

Ngày 24/10/2014, Viện KSNDTC đã phê chuẩn, cùng ngày Cơ quan cảnh sát điều tra đã thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Hà Văn Thắm.

5. Báo Điện tử Chính phủ có bài Vốn FDI vọt lên 13,7 tỷ USD. Bài báo phản ánh: Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/10/2014 cả nước có 1.306 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 9,95 tỷ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Bên cạnh đó, còn có 469 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,74 tỷ USD, bằng 60,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Như vậy, tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong 10 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 13,7 tỷ USD, bằng 71,2% so với cùng kỳ năm 2013.

6. Báo Điện tử Chính phủ có bài 21 nước châu Á thành lập ngân hàng phát triển hạ tầng. Bài báo phản ánh: Ngày 24/10, tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, 21 quốc gia châu Á đã ký Bản ghi nhớ về việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), với vốn điều lệ lên tới 100 tỷ USD.

Với số vốn ban đầu 50 tỷ USD, AIIB dự kiến nhận vốn từ các thành viên và có thể mở rộng hoạt động trong tương lai. Nguồn tài chính và tỷ lệ đóng góp của các đối tác sẽ do các thành viên sáng lập AIIB đề ra thông qua các cuộc tư vấn và đàm phán. 

Các thành viên tham gia sáng lập gồm: Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kuwait, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Uzbekistan và Việt Nam.

7. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Nga bắt đầu sản xuất vắc xin phòng chống Ebola. Bài báo phản ánh: Thông tấn xã Itar – TASS (Nga) ngày 24-10 đưa tin, Nga đã thử nghiệm thành công vaccine Ebola mang tên Triazavirin. Dự kiến, vắc xin này sẽ được gửi đến châu Phi trong những ngày tới nhằm chứng thực lần cuối hiệu quả của thuốc.


Trên đây là thông tin báo chí trong ngày 23/10 và đầu giờ sáng ngày 24/10/2014, Văn phòng Bộ xin báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo./.

Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Các Thứ trưởng (để báo cáo);

- Lưu: LTQHCC.



VĂN PHÒNG BỘ



Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 59.68 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương