I- suy niệm tm cn lễ chúa giêsu chịu phép rửA : cho ý cha thể hiện lời Chúa



tải về 221.84 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.12.2017
Kích221.84 Kb.
#34961

GIÁO XỨ TÂN TRANG

NHÀ THỜ THÁNH GIUSE

  


I- SUY NIỆM TM CN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA :

CHO Ý CHA THỂ HIỆN

Lời Chúa : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đang cúi xuống cởi quai dép cho Người.” (Mc 1,7)

Suy niệm : Công việc Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giê-su không đơn giản. Theo Tin Mừng Mát-thêu, đã có sự phân định tinh tế từ trong nhận thức giữa Gio-an Tẩy Giả và Chúa Giê-su. Gio-an Tẩy Giả biết rõ mình chỉ là người chuẩn bị cho Đấng đến sau, Đấng ấy cao trọng đến mức ông không đáng phục vụ cho Ngài, dù chỉ làm công việc của người nô lệ như cởi quai dép. Đấng ấy còn là Đấng Gio-an hằng trông đợi, nên Gio-an có lý do từ chối: “Chính tôi là người cần Ngài làm phép rửa.” Nhưng Chúa Giê-su đã cho Gio-an biết việc ông phải làm: “Hãy cứ làm như thế.” Như vậy, việc Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giê-su không phải tự ý của ông và việc Chúa Giê-su chịu phép rửa cũng là để thực hiện thánh ý Chúa Cha: Chúa Giê-su là Đấng thánh, nên Ngài chẳng cần sám hối; nhưng Ngài chịu phép rửa thống hối để gánh lấy tội lỗi nhân loại để đền bù. Tất cả đều là để cho ý Cha được thể hiện.

Mời Bạn : Bạn cũng được mời gọi tiếp nối sứ mạng liên đới của Chúa Giê-su trong hoàn cảnh của bạn: trong gia đình, xóm phố, nơi học hành, nơi làm việc... Sứ mạng này không phải là việc tuỳ ý để bạn thích làm hoặc không, mà là một bổn phận được lãnh nhận từ Thiên Chúa. Thiên Chúa chờ đợi bạn thi hành bổn phận này.

Sống Lời Chúa : Để sống tinh thần năm Tân Phúc Âm hóa giáo xứ, bạn mời gọi một người bạn trong giáo xứ cùng tham gia vào một hội đoàn hay phục vụ trong giáo xứ.

Cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su, xin cho con cam đảm nhận lấy công việc phục vụ Chúa và anh em, như Chúa dạy.

(Trích từ : www.5phutloichua.net)

II- NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ VÀ CÁC CỘNG ĐOÀN SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN :
CHỦ ĐỀ THÁNG 01/2015
Giáo xứ : Cộng đoàn hiệp thông để truyền giáo

Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

III- PHỤNG VỤ :

Tháng 01/2015

- Ý Chung : Cầu cho việc cổ võ hòa bình : Xin cho những người thuộc các truyền thống tôn giáo cũng như tất cả mọi người thiện chí biết cộng tác vào việc cổ võ hòa bình.

- Ý Truyền Giáo : Cầu cho đời sống thánh hiến : Xin cho trong năm nay dành cho đời sống thánh hiến, các tu sĩ nam nữ tái khám phá niềm vui bước theo Đức Kitô và nhiệt thành dấn thân phục vụ người nghèo.

Lịch Công Giáo trong tuần

NGÀY

CÁC LỄ

Chúa Nhật

11/01/2015



LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA.

Thứ Hai

12/01/2015



MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Ba

13/01/2015






Thứ Tư

14/01/2015






Thứ Năm 15/01/2015




Thứ Sáu

16/01/2015






Thứ Bảy

17/01/2015



Lễ nhớ Thánh Antôn, Viện Phụ.

Chúa Nhật

18/01/2015



CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIỀN A.

- Thánh Antôn Cả, Tu Viện Trưởng, (Khoảng 251-356), kính ngày 17/01 :

Cosma, một ngôi làng xinh đẹp với cảnh sắc thơ mộng của miền Ai Cập đã là nơi đón nhận Antôn vào cuộc sống. Antôn lớn lên giữa bầu khí đầm ấm của một gia đình quý phái. Nhưng rồi cha mẹ lần lượt khuất bóng và Antôn phải bảo bọc em gái. Hai người luôn thương yêu và nâng đỡ lẫn nhau.

Một buổi sáng, Antôn tới nhà thờ dự thánh lễ và đã nghe lời Phúc Âm: "Nếu con muốn trở nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, phân phát cho kẻ nghèo khó" (Mt 19, 21). Tưởng như Chúa đã phán bảo chính mình, Antôn đã quyết tâm thực hiện. Chàng chia ruộng đất cho bà con lối xóm, bán tất cả những cái đang có, lấy tiền bố thí cho người túng bấn, gửi em gái vào một cộng đồng trinh nữ, còn chàng một mình lên đường theo tiếng gọi của Chúa bên Ai Cập (khoảng năm 270).

Sau nhiều ngày lang thang, ngài đã gặp một vị tu hành và dựng lều gần vị ấy để học tập cuộc sống khổ hạnh. Nhân đức của chàng sáng chói và được các bạn hữu cùng lý tưởng quý mến. Trong thời gian này, ma quỷ dùng mọi nỗ lực để cám dỗ chàng, nhưng chàng đã dùng lời cầu nguyện và sự hy sinh như khí cụ để chiến thắng.

Năm 35 tuổi, Antôn vào sa mạc hầu được hoàn toàn kết hợp với Thiên Chúa. Danh tiếng ngài đồn xa. Khách thập phương kéo đến xin ngài chỉ dạy. Năm 305, ngài từ bỏ cuộc đời ẩn tu để thiết lập các tu viện và đã quy tụ được rất nhiều môn đệ.

Ngoài ra, ngài còn nuôi ước vọng tử đạo. Năm 327, hoàng đế Maximinô Dain ra sắc chỉ cấm đạo Công Giáo. Thánh nhân liền tới Alexandria để khích lệ những người sắp lãnh nhận cái chết vì danh Ðức Kitô, và ngài đã ở lại đó cho đến khi cơn bách hại chấm dứt. Từ đó, ngài dựng lều trên sườn núi Gokzin, suốt ngày tiếp đón mọi người và làm nhiều phép lạ: Chữa lành bệnh nhân, trừ ma quỷ và nói tiên tri.

Thánh nhân qua đời ngày 17/01/356, hưởng thọ 105 tuổi. Năm 561, xác ngài được đem về an táng trong nhà thờ thánh Gioan Tiền Hô tại Alexandria. Lòng sùng kính ngài phát sinh từ các giáo Hội Trung Ðông, tràn sang Âu Châu và Giáo Hội đã chính thức tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh.

IV- THÔNG TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ :

- Đại hội giới trẻ Taizé châu Âu năm 2015 sẽ diễn ra tại Valencia :

Hôm thứ Tư 31-12 vừa qua, tại Đại hội giới trẻ Taizé truyền thống của châu Âu diễn ra ở Praha, Cộng hòa Czech, Thầy Alois, bề trên tổng quyền cộng đoàn Taizé, cho biết Đại hội lần tới sẽ diễn ra vào cuối năm 2015 tại Valencia, Tây Ban Nha.

Việc chọn thành phố Valencia làm nơi tổ chức Đại hội đã được quyết định ngay sau khi Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức hồng y Cañizares Llovera làm Tổng giám mục Valencia vào cuối tháng Tám 2014. Đức hồng y đã bày tỏ “lòng biết ơn sâu xa” đới với cộng đoàn đại kết Taizé. Ngài khuyến khích các bạn trẻ hãy tham dự thật đông đảo.

Đức hồng y Cañizares nói: “Đó sẽ là một cuộc gặp gỡ của Giáo hội, một cuộc gặp gỡ để cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Đó cũng sẽ là cuộc gặp gỡ nhằm thúc đẩy lối sống của Giáo hội Valencia theo sát với những gì mà Taizé đem đến cho chúng ta”.

Đức hồng y khẳng định rằng toàn thành phố Valencia sẽ sẵn sàng vui mừng đón tiếp Đại hội quốc tế này, là biểu hiện của “một Giáo hội tin nơi Chúa Giêsu Kitô, một Giáo hội hiệp nhất. Một Giáo hội thực hiện ước muốn của Chúa: chúng ta hãy nên một để cho thế gian tin. Vì trong đức tin chúng ta có niềm hy vọng”.

Đại hội giới trẻ Taizé châu Âu 2014 diễn ra tại Praha với hơn 30.000 bạn trẻ tham dự đã kết thúc vào sáng hôm qua, thứ Sáu 02 tháng Giêng 2015, sau năm ngày cầu nguyện và suy niệm với chủ đề “Là muối đất. Sự hiện diện đầy nhiệt tâm và hân hoan của hàng ngàn người trẻ trong mười bảy nhà thờ nơi trung tâm lịch sử này là một chứng từ thật đẹp ngay giữa các nhóm khách du lịch và cư dân Praha.



- ĐGM Géry Leuliet, niên trưởng hàng giám mục thế giới, qua đời :

Đức cha Géry Leuliet, nguyên giám mục giáo phận Amiens, Pháp, từ năm 1963 đến 1985 và là niên trưởng hàng giám mục thế giới, vừa qua đời hôm thứ Năm, 1 tháng Giêng năm 2015, hưởng thọ 104 tuổi. Ngài sẽ mừng sinh nhật 105 tuổi vào ngày 12 tháng Giêng sắp tới. Tang lễ của Đức cha Leuliet sẽ được cử hành vào lúc 14g30 thứ Tư 07 tháng Giêng tại Nhà thờ chính tòa Amiens.



Đức cha Jacques Moïse Eugène Noyer, cũng là giám mục giáo phận Amiens và đã nghỉ hưu, kể lại: Đức cha Géry Leuliet qua đời trong khi ngài đang nghỉ trưa, sau khi ăn sáng với các cha ở nhà hưu dưỡng linh mục của giáo phận Arras”.

Đức cha Leuliet đã nghỉ hưu tại Arras –quê nhà của ngài– từ 20 năm nay, sau hơn 10 năm sống tại nhà tĩnh tâm Longuenesse, gần Saint Omer (Pas-de-Calais); tại đây ngài vẫn hoạt động với công việc yêu thích là chăm sóc vườn tược, giảng tĩnh tâm và đồng hành thiêng liêng với nhiều tín hữu.

Chịu chức linh mục năm 23 tuổi trong giáo phận Arras, cha Leuliet đã từng là giám đốc Trường St Pierre tại Calais, rồi làm quản đốc Nhà thờ Đức Bà, trước khi trở thành giám đốc phụ trách các Công trình của giáo phận và làm Tổng đại diện năm 1956.

Là người rất tích cực trong hoạt động công giáo tiến hành, cha Leuliet muốn phát triển mối quan hệ giữa Giáo hội và xã hội. Vì vậy mà từ khi Đức giáo hoàng Gioan XXIII bổ nhiệm ngài làm giám mục giáo phận Amiens ngày 14-02-1963, ngài đã rất tha thiết với Công đồng Vatican II, đã khai mạc từ một năm trước, và ngài đã tham dự 3 khoá họp cuối cùng của Công đồng.

Đức cha Noyer nói Đức cha Leuliet là một người rất năng động và dũng cảm. Ngài muốn xây dựng một Giáo hội giản dị và gần gũi với những người bé mọn. Ít lâu sau khi làm giám mục, Đức cha Leuliet đã cho bán những toà nhà lớn của giáo phận ở trung tâm thành phố mà theo ngài “nó có vẻ sang trọng” và cho xây một cơ sở có nhiều tiện ích hơn, ở phía bên kia sông Somme.

Đức cha Noyer kể tiếp: “Từ khi về nghỉ hưu ở Arras, Đức cha Leuliet vẫn cử hành thánh lễ mỗi ngày. Vì ngài bị điếc, nên ngài không đồng tế, nhưng ngài luôn dọn một bài giảng ngắn hằng ngày. Dịp mừng thượng thọ bách niên của ngài, ngày 12-01-2010, chính ngài đứng và giảng lễ”.

Từ 3 năm nay, sau khi vị niên trưởng hàng giám mục thế giới là Đức cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, nguyên giám mục Vĩnh Long, Việt Nam,  qua đời tại Nice hồi tháng 05-2012, hưởng thọ 106 tuổi, thì Đức cha Leuliet trở thành vị giám mục cao tuổi nhất thế giới. 

Hiện nay, vị niên trưởng hàng giám mục thế giới là Đức Tổng giám mục Peter Leo Gerety, nguyên Tổng giám mục Newalk, Hoa Kỳ, sinh ngày 19-07-1912.



- Đức Thánh Cha công bố danh tính các Tân Hồng y :

Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa nay Chúa nhật 04-01-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố danh tính mười lăm Tổng giám mục và Giám mục sẽ được ngài nâng lên hàng Hồng y vào ngày 14 tháng 2 sắp tới. Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng công bố rằng, năm vị Tổng giám mục và giám mục đã nghỉ hưu “có lòng bác ái mục vụ trổi vượt trong việc phục vụ Toà Thánh và Giáo hội” cũng sẽ được đặt làm Hồng y.

Sau đây là toàn văn công bố của Đức Thánh Cha, cùng với danh tính của các vị Tân Hồng y:

“Như đã thông báo, vào ngày 14 tháng Hai sắp tới, tôi sẽ vui mừng triệu tập Công nghị Hồng y, và sẽ đặt 15 Hồng y mới; các vị này thuộc 14 quốc gia của tất cả các châu lục, thể hiện sự liên kết bất khả phân ly giữa Giáo hội Rôma và các Giáo hội địa phương trên thế giới.



Chúa nhật 15 tháng Hai, tôi sẽ chủ tế Thánh lễ trọng thể với các Tân Hồng y, trước đó, ngày 12 và 13 tôi sẽ chủ toạ Công nghị Hồng y cùng với tất cả các Hồng y để suy tư về những định hướng và các đề nghị cải tổ Giáo triều Rôma.

Các vị Tân Hồng y là:

– Đức Tổng giám mục Dominique Mamberti, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Toà Thánh

– Đức Tổng giám mục Manuel José Macario do Nascimento Clemente, Thượng phụ Lisbon (Bồ Đào Nha)

– Đức Tổng giám mục Berhaneyesus Demerew Souraphiel, C.M., Tổng giáo phận Addis Abeba (Ethiopia)

– Đức Tổng giám mục John Dew Atcherley, Tổng giáo phận Wellington (New Zealand)

– Đức Tổng giám mục Edoardo Menichelli, Tổng giáo phận Ancona-Osimo (Italia)

– Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giáo phận Hà Nội (Việt Nam)

– Đức Tổng giám mục Alberto Suarez Inda, Tổng giáo phận Morelia (Mexico)

– Đức Tổng giám mục Charles Maung Bo, S.D.B., Tổng giáo phận Yangon (Myanmar)

– Đức Tổng giám mục Francis Xavier Kriengsak Kovithavanij, Tổng giáo phận Bangkok (Thái Lan)

– Đức Tổng giám mục Francesco Montenegro, Tổng giáo phận Agrigento (Italia)

– Đức Tổng giám mục Fernando Daniel Sturla Berhouet, S.D.B., Tổng giáo phận Montevideo (Uruguay)

– Đức Tổng giám mục Ricardo Blázquez Pérez, Tổng giáo phận Vallodolid (Tây Ban Nha)

– Đức Giám mục José Luis Lacunza Maestrojuán, O.A.R., giáo phận David (Panama)

– Đức Giám mục Arlindo Gomes Furtado, giáo phận Santiago de Cabo Verde (quần đảo Cape Verde)

– Đức Giám mục Soane Patita Paini Mafi, giáo phận Tonga (đảo Tonga)

Ngoài ra, tôi sẽ đưa thêm vào Hồng y đoàn năm Tổng Giám mục và Giám mục đã nghỉ hưu, các vị này trổi vượt về lòng bác ái mục vụ trong việc phục vụ Tòa Thánh và Giáo hội. Các ngài đại diện cho nhiều Giám mục, với lòng quan tâm mục vụ tương tự, đã làm chứng cho lòng yêu mến Chúa Kitô và yêu thương dân Chúa nơi các Giáo hội địa phương, ở giáo triều Roma, và trong ngành ngoại giao của Toà Thánh.

Đó là:

– Đức Tổng Giám mục José de Jesús Pimiento Rodriguez, nguyên Tổng Giám mục Manizales (Colombia)



Đức Tổng Giám mục Luigi De Magistris, nguyên Chánh án Toà Ân giải Tối cao

– Đức Tổng Giám mục Joseph Karl-Rauber, nguyên Sứ thần Tòa Thánh

– Đức Tổng Giám mục Luis Héctor Villaba, nguyên Tổng Giám mục Tucumán (Argentina)

– Đức Giám mục Júlio Duarte Langa, nguyên Giám mục Xai-Xai (Mozambique).

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Đức Tân Hồng y, để, nhờ được đổi mới trong tình yêu mến với Chúa Kitô, các ngài có thể làm chứng cho Phúc Âm của Người ở thành phố Roma và trên thế giới, và với kinh nghiệm mục vụ, các ngài có thể trợ giúp tôi nhiều hơn trong sứ vụ tông đồ của tôi”.

- Năm 2015: Một năm bận rộn của Đức Thánh Cha Phanxicô :

Năm 2015 sẽ là một năm bận rộn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Trước hết, có ít nhất ba chuyến tông du bên ngoài Italia. Vào tháng Giêng, Đức Thánh Cha đi Sri Lanka và Philippines. Sau đó, vào tháng Chín, đến Hoa Kỳ để tham dự Đại hội Thế giới các Gia đình ở thành phố Philadelphia. Có thể ngài cũng ghé thăm Washington D.C và New York.

Trong một cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha nói rằng ngài cũng dự định đến thăm châu Phi, ba nước ở châu Mỹ Latinh, và Pháp.

Đối với các vấn đề cụ thể, sẽ có ba vấn đề chính hàng đầu mà Đức Thánh Cha sẽ đề cập.

Trước hết là về gia đình. Giai đoạn hai của Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình sẽ diễn ra tại Vatican vào tháng Mười 2015. Các giám mục từ khắp nơi trên thế giới sẽ bàn về cách thức Giáo hội đáp ứng các thách đố của thời hiện đại mà các gia đình đang phải đối mặt.

Đề tài thứ hai là đời sống thánh hiến. Năm 2015 đã được chọn là Năm Đời Sống Thánh Hiến; sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ và hội thảo suy tư về mối liên quan, vai trò và tầm quan trọng của các tu sĩ nam và nữ.

Đề tài thứ ba là sinh thái. Đức Thánh Cha Phanxicô dự định ban hành thông điệp thứ hai của ngài về chính đề tài này. Thông điệp có thể sẽ được công bố trong những tháng đầu của năm 2015.

Đức Thánh Cha cũng sẽ đặt thêm một số tân Hồng y. Danh tính của các tân Hồng y đã được công bố vào Chúa nhật hôm qua, 04 tháng Giêng, trong buổi đọc kinh Truyền tin. Cụ thể, theo danh sách vừa được Đức Thánh Cha công bố, sẽ có thêm 20 Hồng y, trong đó có 15 Hồng y dưới 80 tuổi. Cải tổ Giáo triều Rôma cũng sẽ là một chủ đề thường xuyên trong năm 2015.



Khăn liệm cũng sẽ là đề tài được quan tâm. Mặc dù hiếm khi được trưng bày công khai, Khăn liệm sẽ được trưng bày trong cuộc triển lãm ở thành phố Torino của Italia từ ngày 19-04 đến 24-06.

Và cuối cùng như thường lệ, bất kỳ lần xuất hiện công khai nào của Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI chắc chắn cũng sẽ thu hút sự chú ý của công chúng. Theo lời mời của Đức giáo hoàng Phanxicô, Đức Bênêđictô XVI đã nhận lời tham dự một số buổi lễ công khai trong năm qua và có thể ngài cũng làm như vậy trong năm 2015.



- Đức Tổng giám mục Becciu nhận định về việc bình thường hoá quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ : “Không chỉ riêng cho người Cuba, mà còn cho cả Châu Mỹ La tinh”

Mới đây, trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo La Nueva Sardegna của Italia, Đức Tổng giám mục Giovanni Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Toà Thánh và là nguyên Sứ thần Toà thánh tại Cuba từ năm 2009 đến 2011, đã nói: “Chính Tổng thống Obama nói rằng, tiếp tục duy trì lệnh cấm vận đã trở nên vô nghĩa. Họ không thể làm được gì với lệnh cấm vận, mà chỉ làm cho dân chúng chết đói. Chế độ mà họ tẩy chay 50 năm qua và cố gắng đánh bại vẫn còn nắm quyền”. 

Trong khi chờ đợi bước ngoặt lịch sử trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba có hiệu lực, khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua lệnh bỏ cấm vận này, Đức Tổng giám mục Becciu đã nhận định về lời tuyên bố của Tổng thống Obama “Todos somos americanos” (Chúng ta đều là người Mỹ): “Chúng ta đang đối diện với một vấn đề sâu nặng đã kéo dài nhiều thập kỷ. Một vấn đề vượt khỏi biên giới Cuba, bởi vì toàn thể Châu Mỹ La tinh luôn quan tâm và hy vọng về một giải pháp cho những vấn đề của đảo quốc ở vùng Caribê này. Chấp nhận “Chúng ta đều là người Mỹ”, có nghĩa là chia sẻ lòng mong đợi và đáp lại niềm hy vọng không chỉ riêng cho người Cuba, mà còn cho mọi người dân Châu Mỹ La tinh nữa”.

Về sự hoà hoãn này, có điều gì đó vượt trên những lý do ngoại giao như Đức Tổng giám mục Becciu nhận định: “Trên tất cả, đó là đáp ứng những quyền lợi chính đáng của các dân tộc. Không được phép tước đoạt quyền sống về kinh tế và xã hội thường nhật của họ. Giáo hội luôn cổ võ đòi hỏi này. Chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã yêu cầu chấm dứt cấm vận với câu nói nổi tiếng: “Ước mong Cuba mở ra với thế giới và thế giới mở rộng với Cuba”, câu nói khẳng định những kỳ vọng cũng như giải pháp cho vấn đề này.

Đức Tổng giám mục Becciu nói thêm, hiện nay Tổng thống Obama đang nỗ lực trong khi chờ đợi Quốc hội Hoa kỳ biểu quyết. Rõ ràng là điều này làm sống lại niềm hy vọng của nhân dân Cuba và để không làm họ thất vọng, Chủ tịch Raul Castro cũng đã cam kết chuyển dần hệ thống kinh tế tập trung thành một hệ thống kinh tế tự do hơn. Tất cả những điều này có thể xảy ra, vì chính Chủ tịch Raul Castro đã công bố vài ngày trước, trong khuôn khổ hệ thống cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Sẽ có một số nghịch nguyên tắc, nhưng những vấn đề ấy cũng giải quyết được, tùy vào nhà cầm quyền”.

Đức Tổng giám mục Becciu cũng nhắc lại khi ngài làm sứ thần Toà thánh tại Cuba, đúng vào lúc Chủ tịch Raul Castro đã thực hiện một số cải cách kinh tế. Ngoài ra, ông còn trả tự do 120 tù nhân chính trị. Thật là một kỷ niệm đăc biệt và một thời điểm đáng nhớ. Qua Đức hồng y Ortega, Tổng giám mục Havana, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Cuba, Giáo hội Cuba đã trực tiếp được Nhà nước Cuba nhờ làm trung gian để phóng thích các tù nhân chính trị. Qua sự việc này, Nhà nước Cuba tái công nhận vai trò xã hội của Giáo hội, là vai trò đã bị phủ nhận trong thời kỳ cách mạng của Fidel Castro.

Đức Tổng giám mục Becciu hồi tưởng lại tầm quan trọng của chuyến viếng thăm lịch sử của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại Cuba; chuyến viếng thăm đã có những thúc đẩy đáng kể để các thành phần khác nhau ngồi vào bàn đối thoại và đặc biệt công nhận Lễ Giáng Sinh là một ngày lễ nghỉ dân sự của quốc gia. Cả chuyến viếng thăm Cuba của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI năm 2012 cũng giúp cải thiện quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước. Còn Đức Thánh Cha Phanxicô hiện nay thì “đúng là đóng vai chính, âm thầm nhưng hiệu quả” trong giai đoạn cuối của cuộc hoà hoãn này.
- Một phái đoàn Hồi giáo–Kitô giáo của Pháp viếng thăm Roma :

Theo thông cáo của Hội đồng Giám mục Pháp, một phái đoàn gồm các imam đang tham gia công cuộc đối thoại Hồi giáo–Kitô giáo sẽ viếng thăm Roma từ ngày 06 đến 08 tháng Giêng 2015.

Phái đoàn do Đức cha Michel Dubost, giám mục giáo phận Évry-Corbeil-Essonnes, Chủ tịch Hội đồng liên lạc liên tôn của Hội đồng Giám mục Pháp và cha Christophe Roucou, giám đốc Văn phòng toàn quốc liên lạc với Hồi giáo (SRI), hướng dẫn.

Thành phần phái đoàn gồm có ông Azzedine Gaci, trưởng đền thờ Hồi giáo Othman ở Villeurbanne, một trong những người khởi xướng “Lời kêu gọi của 110 nhân vật” ở Lyon, ông Tareq Oubrou, trưởng đền thờ Hồi giáo ở Bordeaux, ông Mohammed Moussaoui, Chủ tịch Hiệp hội các Đền thờ Hồi giáo Pháp, và ông Djelloul Seddiki, giám đốc viện Al Gazali của đại đền thờ Hồi giáo Paris.

Phái đoàn sẽ tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức giáo hoàng Phanxicô vào sáng thứ Tư 07-01 và ngày 08-01 sẽ làm việc với Đức hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn.

Phái đoàn còn đến thăm Chủng viện Pháp tại Roma, và gặp vị đại sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh. Ngoài ra phái đoàn cũng viếng thăm trung tâm lịch sử của Thành đô muôn thuở, Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, học viện Giáo hoàng về Ả Rập học và Hồi giáo học (PISAI).

Theo giải thích của Đức cha Dubost, chuyến viếng thăm này do Văn phòng phụ trách liên lạc với Hồi giáo của Hội đồng Giám mục Pháp tổ chức, nhằm làm chứng cho công cuộc đối thoại liên tôn ở Pháp, và “trong một thế giới ưa thích cảnh bạo lực, thì thật là tốt đẹp khi chúng ta cho thấy một sự cảm thông chân tình đang phát triển giữa đa số người Hồi giáo và đa số Kitô hữu tại Pháp. Chuyến viếng thăm Roma của những nhà lãnh đạo Hồi giáo này là một bằng chứng”.

Về phần Tiến sĩ Djelloul Seddiki, ông cầu mong “được lắng nghe, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ khoảnh khắc trang trọng này, khi cầu nguyện cùng Chúa, Đấng Allah, xin Người đón nhận sự đa dạng của chúng ta và đem những thụ tạo của Người lại gần nhau trong tình yêu thương, lòng kính trọng và niềm quý mến”.



- Đức Thánh Cha lên án vụ tấn công khủng bố tại Pháp :

Chiều thứ Tư 07-01, Đức Thánh Cha Phanxicô đã “mạnh mẽ lên án vụ tấn công kinh hoàng” nhắm vào toà soạn tuần báo Charlie Hebdo tại Paris, Pháp, xảy ra vào buổi sáng cùng ngày, làm ít nhất 12 người thiệt mạng, gieo rắc cái chết, làm cho toàn xã hội Pháp chìm trong thất vọng, khiến cho tất cả những người yêu hoà bình bàng hoàng, vượt ra ngoài biên giới của nước Pháp.

Qua Giám đốc Phòng báo chí Toà Thánh, Đức Thánh Cha nói ngài “hiệp thông cầu nguyện cho những người bị thương đang chịu đau đớn và nỗi buồn đau của các gia đình những người đã chết”; đồng thời Đức Thánh Cha cũng “xin mọi người dùng mọi cách chống lại việc gieo rắc hận thù và tất cả các hình thức bạo lực, về thể lý cũng như tinh thần, vốn phá hủy cuộc sống của con người, vi phạm nhân phẩm, xói mòn tận gốc rễ sự thiện nền tảng là việc chung sống hoà bình giữa các cá nhân và các dân tộc, bất chấp những khác biệt về quốc tịch, tôn giáo và văn hóa”.

Đức Thánh Cha nói tiếp, “dù xuất phát từ động cơ gì, việc giết người thật là khủng khiếp, không bao giờ là chính đáng; sự sống và phẩm giá của mỗi người chắc chắn phải được bảo đảm và bảo vệ, mọi kích động hận thù phải bị loại trừ, và phải vun đắp lòng tôn trọng người khác”.

Cuối cùng Đức Thánh Cha bày tỏ “sự gần gũi, liên đới thiêng liêng và nâng đỡ tất cả những ai, theo trách nhiệm của mình, tiếp tục dấn thân vì hoà bình, công lý và luật lệ, để chữa lành những nguyên nhân của hận thù từ trong sâu thẳm, vào giây phút đau thuơng thảm thiết này tại Pháp và ở tất cả các nơi trên thế giới đang có những căng thẳng và bạo lực”.

Trong khi đó, vào lúc xảy ra vụ tấn công khủng bố trên, bốn vị imam người Pháp vừa rời khỏi Thính đường Phaolô VI; tại đây họ đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi tham dự buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư cùng với Đức giám mục Michel Dubost và cha Christopher P. Roucou.

Họ không ngần ngại và hết sức mạnh mẽ lên án vụ tấn công này là một tội ác không thể tha thứ được: “Không có gì, tuyệt đối không gì có thể biện minh hay tha thứ cho tội ác này”.

Hội đồng Hồi giáo Pháp (CFCM) đã lên án vụ tấn công này là một “hành động dã man cực kỳ nghiêm trọng” và là “một cuộc tấn công vào nền dân chủ và tự do báo chí”.

CFCM bày tỏ “tình đoàn kết” với các nạn nhân và gia đình của họ, “trước thảm kịch này của quốc gia”.

CFCM nói thêm: “Trong bối cảnh chính trị đang có những căng thẳng quốc tế được nuôi dưỡng bởi những ảo tưởng của các nhóm khủng bố dựa vào Hồi giáo cách bất chính, chúng tôi kêu gọi tất cả những ai gắn bó với các giá trị của nền Cộng hoà và dân chủ hãy tránh những khiêu khích vốn chỉ đổ thêm dầu vào lửa”.

CFCM kêu gọi “Cộng đồng Hồi giáo hãy cảnh giác cao độ trước những lợi dụng có thể có của bất cứ nhóm cực đoan nào”.

Về phần mình, Liên hiệp các tổ chức Hồi giáo Pháp (UOIF), được coi là thân cận với Phong trào Huynh đệ Hồi giáo, đã mạnh mẽ lên án “vụ tấn công tội ác này”, và gọi đây là “cuộc tàn sát kinh hoàng”.

- Đức Thánh Cha gửi điện thư cho Đức hồng y Vingt-Trois :

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một điện thư chia buồn với gia đình các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố hôm thứ Tư 07-01 vừa qua ở Paris. Ngài hứa cầu nguyện cho các nạn nhân, những người thân yêu của họ, và cho toàn thể người dân Pháp. Điện thư mang chữ ký của Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh.

Sau đây là nội dung bức điện thư:

Kính gửi Đức hồng y André Vingt-Trois,

Tổng giám mục Paris

Nghe tin về cuộc tấn công kinh hoàng vào trụ sở của báo Charlie Hebdo tại Paris đã cướp đi sinh mạng nhiều người, Đức Thánh Cha Phanxicô hợp lời cầu nguyện với các gia đình đang đau khổ vì mất đi người thân và mọi người dân Pháp đang buồn sầu. Đức Thánh Cha phó thác các nạn nhân cho Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót, xin Chúa đón nhận họ vào ánh sáng của Người. Đức Thánh Cha bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc nhất với những người bị thương và gia đình họ; xin Chúa nâng đỡ và an ủi họ trong cơn thử thách. Đức Thánh Cha lặp lại lời lên án bạo lực đã gây ra quá nhiều đau khổ; ngài khẩn cầu Thiên Chúa ban tặng món quà bình an và xuống phúc lành của Người trên các gia đình nạn nhân và mọi người dân Pháp.



Hồng y Pietro Parolin
Quốc vụ khanh Toà Thánh

- Phân phát miễn phí sách Kinh Thánh chữ nổi cho người mù nghèo trên thế giới :

Trong số 285 triệu người khiếm thị trên thế giới, phần lớn sống ở các nước đang phát triển có ít cơ hội học hành hoặc thoát nghèo. Liên Hiệp Thánh Kinh Hội hy vọng sẽ đến với những người này.

Tổ chức Kitô giáo này có trụ sở tại Anh quốc, là nhà phiên dịch lớn nhất, đồng thời xuất bản và phân phối sách Kinh Thánh trên thế giới. Tổ chức này cũng dạy chữ nổi cho người khiếm thị và phân phối sách Kinh Thánh chữ nổi cho người khiếm thị trên toàn thế giới; điều này không những làm cho đức tin của họ được biến đổi, mà cả cuộc sống hằng ngày của họ nữa.

Một phụ nữ khiếm thị người Burkina Faso nói với Liên Hiệp Thánh Kinh Hội: “Việc học đọc chữ nổi làm cho cuộc sống của tôi thay đổi. Nó làm cho tôi trở nên độc lập và tôi nhận ra rằng tôi có thể làm được gì đó với cuộc sống của mình”.

In sách Kinh Thánh chữ nổi là một đòi hỏi cao – theo đúng nghĩa này. Bởi vì chữ nổi được in trên giấy dày hơn và chiếm nhiều không gian hơn bản in tiêu chuẩn. Trọn bộ Kinh Thánh chữ nổi thường gồm một chồng sách ít nhất 40 quyển, với tổng trọng lượng khoảng 40 kilogram.

Đó cũng là một nỗ lực khá tốn kém: để in được trọn bộ Kinh Thánh chữ nổi phải tốn khoảng 600 USD, gấp khoảng 50 lần chi phí in một bộ Kinh Thánh trên giấy thường. Liên Hiệp Thánh Kinh Hội phải dựa vào sự đóng góp để có thể cung cấp miễn phí sách Kinh Thánh chữ nổi, vì đa số người cần sách này thuộc số những người nghèo nhất trên thế giới.

Phiên bản “Kinh Thánh đọc” cho người khiếm thị đã sẵn có ở nhiều nơi. Thế thì tại sao lại phải chi phí quá nhiều để in phiên bản Kinh Thánh chữ nổi? Edson, một độc giả khiếm thị người Brazil đưa ra câu trả lời: “Đọc là điều gì đó cá nhân. Có một sự khác biệt rất lớn giữa nghe ai đó đọc Kinh Thánh và tự mình đọc Kinh Thánh”.

Hiện nay có các văn phòng về chữ nổi đang hoạt động thông qua Liên Hiệp Thánh Kinh Hội tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, với trọn bộ Kinh Thánh chữ nổi sẵn có trong hơn 40 ngôn ngữ. Còn bản chữ nổi một phần của Kinh Thánh thì đã có trong hơn 200 ngôn ngữ.

Mở rộng các ngôn ngữ của sách Kinh Thánh chữ nổi đang có là một mục tiêu của các hội Kinh Thánh, mặc dù phải đối mặt với hai khó khăn. Trước hết, nhu cầu của người khiếm thị trong Giáo hội thường bị hiểu sai hoặc bị bỏ qua, và nhiều ngôn ngữ vẫn chưa có một phiên bản chữ nổi.

Ngoài Kinh Thánh, Liên Hiệp Thánh Kinh Hội cũng cung cấp các tập sách nhỏ chữ nổi đề cập các chủ đề như HIV hoặc sự cô đơn. Các văn phòng của Hội đã cung cấp sách này cho hàng chục ngàn người khiếm thị mỗi năm.

Liên Hiệp Thánh Kinh Hội cũng in và phân phối bản Kinh Thánh tiêu chuẩn tại hơn 200 quốc gia, cùng với việc giúp ngăn ngừa bệnh AIDS và cứu trợ thiên tai. Liên Hiệp này là một nhóm gồm nhiều hệ phái Kitô, làm việc với nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế.



(Trích từ : www.hdgmvietnam.org)

V- THÔNG TIN GIÁO XỨ :

- Thứ ba 13/01/2015 : Ngày 13 ngày của Đức Mẹ Fatima

+ 10g30 : Chuông hiệu – Tập trung đọc kinh tại Đài Đức Mẹ.

+ 11g00 : Thánh Lễ kính Đức Mẹ tại Đài.

Kính mời cộng đoàn tham dự đông đủ.



- Chúa Nhật 18/01/2015 :


LƯU HÀNH NỘI BỘ


Có Cha Antôn Đoàn Minh Hải, Cha xứ 02 Giáo xứ Hoàng Mai và Tam Điệp, thuộc Giáo phận Phát Diệm, Ngài đến xin chúng ta chia sẻ trong công việc xây dựng Nhà Thờ Giáo xứ. Xin Quý Ông Bà và Anh Chị Em rộng tay chia sẻ. Xin cám ơn Quý Ông Bà và Anh Chị Em. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.



tải về 221.84 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương