I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 5 phục sinh năm c



tải về 243.94 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu01.05.2018
Kích243.94 Kb.
#37685

GIÁO XỨ TÂN TRANG

NHÀ THỜ THÁNH GIUSE

--------------






BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 17/2013

(Chúa Nhật 28/4/2013)

  



I- SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH NĂM C :

Lời Chúa : Đức Giêsu nói : “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng thương yêu nhau.” (Ga 13,35)

Suy niệm : Người ta nói nhiều – quá nhiều nữa là khác – về tình yêu. Thế nhưng, tình yêu là dấu hiệu nhận biết môn đệ Chúa Kitô lại không phải là một trong những thứ tình yêu đó. Có thứ tình yêu theo tính tự nhiên : yêu người vừa ý mình ; còn ghét người trái ý mình. “Cao cấp hơn”, Cựu Ước dạy “yêu đồng loại” như chính mình (Lv 19,18). Còn Chúa Giêsu dạy yêu bằng một tình yêu cao cả hơn nữa: phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu. Khi Giuđa ra đi để thực hiện âm mưu phản bội (c.31) lẽ ra Chúa phải chua chát cho tình nghĩa thầy trò, thế mà đó lại là lúc Chúa nói lời chan chứa yêu thương. Yêu thương theo cách của Chúa là thương yêu ngay chính lúc người thường không thể yêu; yêu chính điều người đời thường không thể yêu ; và yêu những người mà người thường không thể yêu.

Mời Bạn : Chúng ta dễ theo lối xói mòn của tính tự nhiên để yêu thương theo kiểu ‘có qua có lại mới toại lòng nhau’. Còn lời Chúa dạy “yêu kẻ thù” (Mt 6,44), “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13) thì sao mà khó quá ! Bạn cứ thử thực hiện yêu thương cách quảng đại ‘cho đi mà không cần tính toán’, rồi bạn hãy chia sẻ cho biết bạn cảm nhận thế nào khi đã làm được điều thầy Giê-su muốn như hôm nay.

Sống Lời Chúa : Hãy cảm nhận được niềm vui khi sống ‘Cho thì có phúc hơn là nhận’ (Cv 20,35).

Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương con bằng cách cho con tất cả cuộc sống của Chúa. Xin cho con dũng cảm yêu thương như Chúa đã yêu, để anh chị em con nhận ra được Chúa chính là Tình Thương. Amen.

(Trích từ : www.5phutloichua.net)

II- NĂM ĐỨC TIN :

+ Chủ đề của tháng 4/2013 :

MẦU NHIỆM PHỤC SINH CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ - BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới.” (Cl 3,2)



+ Chủ đề của tháng 5/2013 :

CHÚA THÁNH THẦN LÀ NGUỒN TƯƠI TRẺ - BÍ TÍCH THÊM SỨC

Hoa quả của Thần Khí là bác ái, bình an, nhân hậu, từ tâm…” (Gl 3,2)


HỌC GIÁO LÝ : (Trích từ : Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo. Bản Dịch của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc HĐGMVN.) (tt)

CHƯƠNG BA

TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN”



136. Hội thánh muốn nói gì khi tuyên xưng “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần” ?

Tin vào Chúa Thánh Thần là tuyên xưng rằng Ngài là Ngôi Thứ Ba của Ba Ngôi Cực Thánh ; Ngài xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con, và Ngài “được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con”. Chúa Thánh Thần được “sai đến…trong lòng chúng ta” (Gl 4,6) để chúng ta có thể nhận lãnh sự sống mới như những người con của Thiên Chúa. 



137.Tại sao sứ vụ của Chúa Con và sứ vụ của Chúa Thánh Thần không thể tách rời nhau ?

Trong Ba Ngôi không thể phân chia, Chúa Con và Chúa Thánh Thần phân biệt với nhau, nhưng không tách rời nhau. Thực vậy, từ khởi đầu cho đến cùng tận thời gian, khi Chúa Cha sai Con Ngài, thì cũng sai Thánh Thần của mình, Đấng kết hợp chúng ta với Đức Kitô trong đức tin, để với tư cách là dưỡng tử, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Cha” (Rm 8,15). Chúa Thánh Thần vô hình, nhưng chúng ta nhận ra Ngài qua tác động của Ngài, khi Ngài mạc khải Ngôi Lời cho chúng ta và khi Ngài hoạt động trong Hội thánh. 



138. Những tên gọi khác của Chúa Thánh Thần là gì ?

“Chúa Thánh Thần” là Danh xưng của Ngôi Ba. Đức Kitô cũng gọi Chúa Thánh Thần là Đấng An Ủi (Parakletos - Trạng sư) và Thần Chân Lý. Tân Ước còn gọi Ngài là Thánh Thần của Đức Kitô, của Đức Chúa, của Thiên Chúa, Thánh Thần của Vinh quang, Thánh Thần của Lời hứa. 



139. Những biểu tượng về Chúa Thánh Thần là gì ?

Có rất nhiều biểu tượng về Chúa Thánh Thần : nước hằng sống tuôn trào từ trái tim bị đâm thâu của Đức Kitô và giải cơn khát cho những người đã được Rửa tội ; việc xức dầu, đó là dấu chỉ của Bí tích Thêm sức ;  lửa biến đổi tất cả những gì lửa bén tới ; áng mây, mờ tối hay rạng ngời, trong đó vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện ; việc đặt  tay thông ban Chúa Thánh Thần ; chim bồ câu đã ngự xuống và ở lại trên Đức Kitô lúc Người chịu phép rửa. 



140. “Chúa Thánh Thần đã dùng các tiên tri mà phán dạy” nghĩa là gì ?

Từ “Các tiên tri” ở đây được dùng để chỉ những người được Chúa Thánh Thần linh ứng để họ nói nhân danh Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần đã làm cho các lời tiên tri trong Cựu Ước được ứng nghiệm hoàn toàn nơi Đức Kitô ; cũng chính Chúa Thánh Thần mạc khải mầu nhiệm Đức Kitô trong Tân Ước. 



141. Hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi thánh Gioan Tẩy Giả như thế nào ?

Chúa Thánh Thần đổ tràn trên thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước. Dưới tác động của Thánh Thần, ông được sai đi để “chuẩn bị một dân cho Chúa” (Lc 1,17) và để loan báo việc Đức Kitô, Con Thiên Chúa, ngự đến ; đó là Đấng mà ông đã thấy Thánh Thần ngự xuống và ở lại trên Người, Đấng “sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33). 



142. Đâu là công trình của Chúa Thánh Thần nơi Đức Maria ?

Mọi mong chờ việc Đức Kitô đến và sự chuẩn bị cho Người trong Cựu Ước được Chúa Thánh Thần hoàn thành tất cả nơi Đức Maria. Một cách độc nhất vô nhị, Chúa Thánh Thần đã đổ tràn ân sủng trên Đức Maria và làm cho đức trinh khiết của Mẹ nên phong phú, để Mẹ sinh hạ Người Con của Thiên Chúa trong thân xác. Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Maria trở thành Mẹ của “Đức Kitô toàn thể,” nghĩa là của Đức Kitô là Đầu và của Hội thánh là thân thể Người. Đức Maria hiện diện giữa nhóm Mười Hai ngày lễ Hiện Xuống, khi Thánh Thần khai mở “thời đại cuối cùng” với việc xuất hiện của Hội thánh. 



143. Trong sứ vụ trần thế, Đức Giêsu Kitô có liên hệ gì với Chúa Thánh Thần ?

Từ khi nhập thể, Con Thiên Chúa được thánh hiến trở thành Đức Kitô trong nhân tính của Người nhờ việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần. Đức Kitô mạc khải Chúa Thánh Thần trong giáo huấn của Người, hoàn thành lời hứa đã được ban cho các tổ phụ. Người trao ban Thánh Thần cho Hội thánh vừa khai sinh khi thổi hơi trên các Tông đồ sau khi Người Phục sinh. 



144. Điều gì dã xảy ra trong ngày lễ Ngũ tuần ?

Năm mươi ngày sau cuộc Phục sinh, vào lễ Ngũ tuần, Đức Giêsu Kitô vinh hiển đã đổ tràn Thánh Thần và mạc khải Ngài là một Ngôi Vị Thiên Chúa, qua đó Ba Ngôi cực thánh được mạc khải trọn vẹn. Sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần trở thành sứ vụ của Hội thánh, được sai đi công bố và loan truyền mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi. 

Chúng con đã thấy ánh sáng thật, chúng con đã lãnh nhận Thánh Thần Thiên Chúa, chúng con đã tìm được đức tin chân chính : chúng con tôn thờ Ba Ngôi bất khả phân ly, vì chính Ba Ngôi đã cứu độ chúng con” (Phụng vụ Byzantin,  Điệp ca lễ Hiện Xuống).  

145. Chúa Thánh Thần làm gì trong Hội thánh ?

Chúa Thánh Thần xây dựng, linh hoạt và thánh hóa Hội thánh : Là Thánh Thần Tình Yêu, Ngài làm cho những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội nhận lại được ơn giống Thiên Chúa đã bị đánh mất vì tội lỗi ; Ngài giúp họ sống trong Đức Kitô bằng chính Sự sống của Ba Ngôi cực thánh. Người sai họ đi làm chứng cho Chân lý của Đức Kitô và cắt đặt họ vào trong các phận vụ hỗ tương, để mọi người đem lại “hoa trái của Thánh Thần” (Ga 5,22).  



146. Đức Kitô và Thánh Thần của Người hoạt động như thế nào trong tâm hồn các tín hữu ?

Nhờ các Bí tích, Đức Kitô thông truyền Thánh Thần của Người và ân sủng của Thiên Chúa cho các chi thể trong thân thể Người. Ân sủng này mang lại hoa trái của đời sống mới theo Thánh Thần. Cuối cùng, Thánh Thần là Thầy dạy cầu nguyện.  



III- PHỤNG VỤ :

+ Tháng 4/2013 :

- Ý chung : Cầu cho việc cử hành và cầu nguyện công khai : Xin cho việc cử hành và cầu nguyện công khai trở nên nguồn suối của đời sống mới cho các tín hữu.

- Ý truyền giáo : Cầu cho các Giáo Hội tại các xứ truyền giáo : Xin cho các Giáo Hội tại các xứ truyền giáo trở nên dấu chỉ và khí cụ đem lại niềm hy vọng và ơn phục sinh.

+ Tháng 5/2013 : THÁNG HOA

- Ý Chỉ Chung : Cầu cho những người thi hành công lý, luôn hành động trong sự liêm chính và lương tâm ngay thẳng.

- Ý Chỉ Truyền Giáo : Cầu cho các Chủng viện, nhất là tại các nơi truyền giáo, đào tạo ra các mục tử noi gương Trái Tim Chúa Kitô, hoàn toàn hiến thân để loan báo Tin Mừng.

- Thứ hai 29/4/2013 : Lễ Nhớ Thánh Catarina Thành Siêna (1347-1380), Ðồng Trinh, Tiến Sĩ Hội Thánh : 

Catarina sinh năm 1347 trong một gia đình đạo hạnh. Từ lúc thiếu thời, Catarina đã thụ hưởng đức tính cương nghị của cha, lòng đạo đức và sự dịu hiền của mẹ. Ngài đã khấn dâng cuộc đời cho Chúa. Ðến tuổi thành hôn, nhiều người đến dạm hỏi, nhưng đều bị từ chối. Ý Chúa nhiệm màu đã giúp ngài vượt qua tất cả những thử thách cam go.

Sau khi được sự ưng thuận của gia đình, ngài xin vào dòng Ða Minh, với tên là chị Pénitence (Thống Hối) năm 1364. Ngài đã sống một cuộc đời khổ hạnh gương mẫu. Có lần thánh Ða Minh hiện ra an ủi khuyến khích ngài. Chính Chúa Giêsu nhiều lần hiện đến nói chuyện và dạy bảo ngài.

Ngài đã hòa mình vào cuộc sống hằng ngày để giúp đỡ những người đồng loại, thăm viếng các bệnh nhân, săn sóc, giúp đỡ những người yếu đuối. Ngài cũng đã hòa giải được bao gia đình đã chia rẽ nhau vì những mối thù truyền kiếp... nhưng rồi cũng có những kẻ manh tâm ghen tuông công việc của ngài, cho là ngài giả hình.

Ngài cũng rất băn khoăn cho vận mạng Giáo Hội: Chấn hưng lòng đạo đức đang bị sa sút, vận động dời Giáo triều về La Mã lúc đó bị lưu vong ở Avignon (nước Pháp), xin tổ chức đạo binh Thánh Giá để chống người Hồi Giáo. Ngài còn được triệu về La Mã làm cố vấn cho Giáo Triều. Ngài chết ngày 29/4/1380. 

Năm 1491, Ðức Giáo Hoàng Piô II đã tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh.



- Thứ tư 01/5/2013 : Lễ Nhớ Thánh Giuse Thợ :

Trước khi trở thành lễ lao động tại Âu Châu, ngày 01/5, từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, đã được ghi dấu bằng những phong trào tranh đấu để nâng cao đời sống thợ thuyền. Giáo Hội đã lắng nghe tiếng kêu cứu ấy. Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII và Piô XI đã mở ra những chân trời mới trong thế giới cần lao. Sau cùng đức Piô XII đã muốn nhuộm thắm ngày hôm nay với màu sắc Kitô Giáo, dưới sự che chở của thánh Giuse thợ. Ngài không phải chỉ là một người thợ mộc Nagiareth, mà còn là một mẫu gương sáng chói cho chúng ta noi theo ; suốt ba năm trường, ngài đã làm việc cho Chúa Giêsu và trong sự thân mật nghĩa thiết với Chúa Giêsu.

Xưởng thợ thánh Giuse còn chiếu tỏa một luồng ánh sáng mới trên công việc của chúng ta. Sự làm lụng công việc không phải chỉ là một phương tiện cải tạo bản thân và phụng sự cộng đoàn xã hội, mà còn giúp ta tham dự vào thân phận Con Thiên Chúa làm người, mời gọi chúng ta kết hiệp với những khổ đau của Ðức Kitô. Trong ý nghĩ ấy, sức lao động là một bước tiến tới cùng Thiên Chúa.

- Thứ năm 02/5/2013 : Lễ Nhớ Thánh Athanasiô (296-373), Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh :

Năm 311, khi cơn bách hại vừa chấm dứt, thì một bè rối nổi lên, làm lung lay nền tảng Giáo Hội; Tại Alexandria, Arius loan truyền giáo thuyết chối bỏ thiên tính của Chúa Giêsu. Năm 325, công đồng Nicée được triệu tập để lên án Arius và xác quyết rằng "Ðức Kitô là Thiên Chúa, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Ðức Chúa Cha".

Cơn khủng hoảng kéo dài hơn 50 năm, và trong những giờ đen tối nhất, nhiều người dường như không còn nhìn thấy ánh sáng đức tin. Nhưng Thiên Chúa quan phòng đã ban cho Giáo Hội những vị bênh vực đầy khôn ngoan mà thánh Athanasiô là vị nổi tiếng hơn cả.

Thánh Athanasiô không sợ uy quyền của hoàng đế, những ý kiến trái ngược của các vị Giám Mục khác chạy theo bè rối và những cực hình phải chịu. Suốt 45 năm trong chức vụ chủ chăn (328-373), ngài đã bị lưu đày năm lần. Với một đức tin sắt đá, ngài luôn sẵn sàng bảo vệ giáo lý chân chính. Ngoài ra, ngài còn viết nhiều bài giảng huấn ca tụng đức đồng trinh và bậc sống ẩn tu, diễn tả tình yêu nồng nhiệt đối với Ðức Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người để ban cho chúng ta quyền làm Con Thiên Chúa.



- Thứ sáu 03/5/2013 : Lễ Kính Thánh Philipphê và Giacôbê hậu, Tông Ðồ (thế kỷ I) :

Thánh Philipphê là người cùng quê với thánh Phêrô và Anrê sinh tại Betsaiđê, một làng trên bờ biển Tibêriát. Trước kia ngài theo thánh Gioan Tiền Hô và đã trở thành một trong những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Chính ngài đã bảo cho Nathan biết Ðấng Cứu Thế đã đến và dẫn ông ta đến gặp Chúa. Phúc Âm đã nói lên mối liên hệ mật thiết giữa ngài với Chúa Giêsu.

Trước khi làm phép lạ bách hóa nhiều, Chúa đã hỏi thử Philipphê tìm kiếm thức ăn cho mọi người. Cũng chính ngài đã được lương dân xúm lại hỏi han và yêu cầu cho xem Ðấng Cứu Thế. Rồi trong bữa tiệc ly, ngài đã xin Chúa Giêsu tỏ Ðức Chúa Cha cho mình và Chúa Giêsu đã trả lời: "Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha".

Sau khi đã nhận lãnh Thánh Thần, ngài đã đem đức tin lại cho toàn thể dân thành Sitti. Sau đó, ngài đến giảng dạy ở Hiêrapoli, xứ Rigie và chịu đóng đinh vì danh Chúa. Xác ngài được các tín hữu ở đó mai táng, sau được đem về Rôma đặt bên mồ thánh Giacôbê.

Thánh Giacôbê hậu (gọi ngài như thế là để phân biệt với thánh Giacôbê con ôngAlphê) là anh em họ với Chúa Giêsu. Ngài là Giám Mục đầu tiên cai quản thành Giêrusalem. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với ngài và chính ngài đã viết một bức thư còn lưu lại trong bộ Tân Ước.

Vì trung thành với đức tin, ngài bị bọn biệt phái và một số người cứng lòng tố cáo và kết án. Ngài bị chúng xô từ trên nóc đền thờ xuống và ném đá cho đến chết. Trước khi chết, ngài còn quỳ gối cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho kẻ thù của mình.



IV- THÔNG TIN GIÁO HỘI : (Trích từ : www.hdgmvietnam.org)

+ GIÁO HỘI KHẮP NƠI :

- Tập đoàn Allianz trao giải “Nhân vật truyền thông của năm” cho cha Federico Lombardi :

Tập đoàn Allianz, công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia của Đức, hoạt động tại trên 70 quốc gia và có hơn 78 triệu khách hàng trên toàn thế giới, đã trao giải “Nhân vật Truyền thông của năm” năm 2013 cho Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, SJ.

Giải thưởng đã được trao sáng 18/4, trong một Hội nghị các giám đốc truyền thông của công ty. Hội nghị được tổ chức mỗi năm một lần tại thủ đô của một nước châu Âu để phân tích các chủ đề và chiến lược gắn với thế giới truyền thông với sự trợ giúp của các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Trong các lý do trao giải năm nay, Tập đoàn Allianz nói rằng cha Lombardi “tiêu biểu cho chiếc chìa khóa để hiểu và giải thích Tòa Thánh với kinh nghiệm và sự tinh tế tuyệt vời, mà không tìm cách làm cho mình trở thành nhân vật chính”. Bản văn trao giải cũng cho biết thêm, Giám đốc Phòng Báo chí đã luôn “phục vụ truyền thông từ cả hai phía: người sở hữu thông tin cũng như người tìm kiếm thông tin”.



- Lời mời gọi của Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông Xã hội

Ngày 18/4, trang web của Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông Xã hội đã phổ biến thông báo sau đây, mời gọi chia sẻ tài nguyên mục vụ cho Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 47 :

Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông Xã hội hân hạnh mời gọi chia sẻ các nguồn tài nguyên mục vụ và các tài liệu về truyền thông chuẩn bị cho Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 47, tổ chức vào ngày 12/5 năm nay với chủ đề do Đức Thánh Cha đã chọn : “Mạng xã hội: cửa vào sự thật và đức tin; những không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng”.

Kính mời các văn phòng truyền thông của các Hội đồng Giám mục, các giáo phận và các Dòng tu gửi các tài liệu đã được chuẩn bị cho dịp này. Hội đồng Tòa Thánh sẽ chọn ra một số tài liệu để đăng tải trên trang web www.pccs.va.

Xin vui lòng gửi email với các chi tiết về địa chỉ : webmaster@pccs.va hoặc info@intermirifica.net

Xin cám ơn trước về sự tham gia của quý vị ; đây là dấu chỉ của một biên cương hiệp thông mới giữa các nhà truyền thông Công giáo.



- Giáo hội New Zealand phản đối luật hôn nhân đồng giới :

Ngày 17-04-2013, Quốc hội New Zealand đã thông qua luật cho phép hôn nhân đồng giới với 77 phiếu thuận và 44 phiếu chống. Đức cha John Dew, Tổng giám mục Tổng giáo phận Wellington kiêm Chủ tịch Hội đồng giám mục New Zealand, đã bày tỏ nỗi buồn sâu sắc trước sự kiện này đồng thời lên tiếng phản đối.

Đức Tổng giám mục Dew nói : “Chúng tôi thấy thật là kỳ cục khi quan niệm về hôn nhân vốn có nguồn gốc nơi bản tính con người và chung cho mọi nền văn hóa lại bị loại bỏ”.

Ngài cũng bày tỏ lo ngại rằng “hầu như tất cả những gì liên quan đến người chồng và người vợ cũng sẽ bị loại bỏ trong việc xây dựng luật pháp về hôn nhân”.

Ngài quả quyết : “Chúng tôi biết nhiều người New Zealand cũng đứng về phía chúng tôi trong vấn đề này”.

Với việc thông qua luật mới về hôn nhân, New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Thái Bình Dương và là nước thứ mười ba trên thế giới công nhận hôn nhân đồng giới.

Luật này do nữ dân biểu thuộc Đảng Lao động là Louisa Wall đưa ra, bà nói rằng luật này là cần thiết để bảo đảm “quyền bình đẳng”.

Dân biểu Maurice Williamson, người ủng hộ dự luật này, đã bác bỏ sự phản đối của giới Công giáo; ông nói rằng “những phản đối ấy là của người thề hứa độc thân suốt đời”.

Tuy nhiên, Đức Tổng giám Mục Dew nhấn mạnh rằng hôn nhân “được thiết lập trên sự khác biệt giới tính” và “phản ánh thực tại duy nhất này”.

Ngài nói : “Hôn nhân là định chế thiết yếu của con người, có trước tôn giáo và nhà nước. Đó là một liên kết giữa một người nam và một người phụ nữ, hướng tới việc sinh sản sự sống một cách tự nhiên”.

Ngài nói thêm : “Chúng tôi tin chắc rằng quyền tự do tôn giáo được giảng dạy và thực hành hôn nhân theo niềm tin tôn giáo của chúng tôi sẽ được bảo vệ, và chúng tôi tiếp tục đòi hỏi quyền tự do này phải được duy trì”.

Hà Lan là quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2001. Uruguay mới phê chuẩn luật hôn nhân đồng giới hồi đầu tháng Tư năm nay. Các quốc gia khác đã công nhận hôn nhân đồng giới gồm có: Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nam Phi, Na Uy, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Iceland, Argentina và Đan Mạch. Một vài quốc gia khác mới chỉ cho phép hôn nhân đồng giới giới hạn ở một số tiểu bang: Hoa Kỳ, Mexico và Brazil. Tại Pháp, Quốc hội hiện đang thảo luận về dự luật cho phép hai người cùng giới kết hôn và nhận con nuôi.



- Đức Thánh Cha Phanxicô phong chức linh mục : “Các con là mục tử, chứ không phải công chức

Vào lúc 9g30 sáng hôm qua, Chúa nhật thứ IV Phục Sinh, Chúa nhật Chúa Chiên lành và cũng là Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 50, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong chức linh mục cho 10 thầy phó tế. Thánh lễ cử hành tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức hồng y Agostino Vallini Giám quản giáo phận Roma, Đức Tổng giám mục Filippo Iannone Phó Giám quản, các giám mục phụ tá giáo phận Roma và các vị giám đốc Chủng viện của các thầy.

Các phó tế trong độ tuổi từ 26 đến 44. Có 6 thầy người Ý, 2 thầy Ấn độ, một thầy Croatia và một thầy Argentina.

Trước khi bắt đầu Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã làm các tiến chức rất ngạc nhiên khi ngài đến gặp các thầy trong phòng thánh. Theo thói quen vẫn làm khi còn là Tổng giám mục Buenos Aires, Đức Thánh Cha đã dành thời gian cầu nguyện chung với mỗi tiến chức, sau đó ngài phó dâng cho Đức Trinh Nữ Maria các tiến chức cùng với thừa tác vụ của họ.

Bài giảng của Đức Thánh Cha dựa trên bài huấn dụ trong sách Nghi thức phong chức linh mục, với một vài ý tưởng khác của ngài.

Đức Thánh Cha đã nhắc lại ý nghĩa của chức linh mục. Ngài mời gọi các tiến chức: “Các con đừng bao giờ mệt mỏi tỏ lòng xót thương, đừng xấu hổ khi phải ân cần với người cao tuổi. Hãy phân phát cho mọi người Lời Chúa mà chính các con đã vui mừng nhận lãnh”. Và Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Hãy nhớ đến mẹ và bà của các con, nhớ đến giáo lý viên của các con, là những người đã thông truyền cho các con món quà đức tin ấy”.

Đức Thánh Cha nhắc nhở các tân linh mục hãy siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa. Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sứ vụ linh mục: “Các con hãy chăm lo quy tụ các tín hữu trong một gia đình duy nhất (...) và  luôn ghi nhớ mẫu gương của Người Mục tử Nhân lành, Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất. Các con là mục tử, chứ không phải là công chức. Là người trung gian, chứ không phải người môi giới”.

Đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành bí tích Truyền chức thánh từ khi ngài đảm nhận thừa tác vụ Phêrô. Chúa nhật tuần sau 28-04, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ và ban bí tích Thêm sức tại Quảng trường Thánh Phêrô.



- Hai Tổng giám mục Chính thống giáo ở Syria bị bắt cóc :

Hôm thứ Hai 22-04, hai Tổng giám mục Chính thống giáo đã bị một nhóm vũ trang bắt cóc tại một ngôi làng thuộc tỉnh Aleppo, miền bắc Syria. Đó là Đức Tổng giám mục Yohanna Ibrahim, lãnh đạo Giáo hội Chính thống Syria và Đức Tổng giám mục Boulos Yazigi, lãnh đạo Giáo hội Chính thống Hy Lạp. Các ngài đã bị bắt cóc khi đang tiến hành các hoạt động nhân đạo ở làng Kafr Dael thuộc tỉnh Aleppo.

Chiếc xe của Đức TGM Ibrahim, do một phó tế lái, đi đón Đức TGM Yazigi ở làng Bab al-Hawa gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trên đường về, đến vùng ngoại ô Aleppo, một nhóm người có vũ trang đã chặn lại và buộc các giám mục xuống khỏi xe. Sau khi sát hại thầy phó tế lái xe, chúng đã bắt đi hai giám mục. Danh tính những kẻ bắt cóc vẫn chưa được xác định.

Ngày thứ Ba 23-04, Phòng Báo chí Tòa Thánh Vatican đã đưa ra thông báo về vụ bắt cóc này như sau:

“Vụ bắt cóc hai Tổng giám mục thuộc tỉnh Aleppo: Đức Tổng giám mục Yohanna Ibrahim của Giáo hội Chính thống Syria, và Đức Tổng giám mục Boulos Yazigi của Giáo hội Chính Thống Hy Lạp Antiokia, đồng thời sát hại tài xế của các ngài trong khi các ngài đang thực hiện một sứ mệnh nhân đạo, là một xác nhận đau lòng về tình hình bi thảm mà người dân Syria và các cộng đồng Kitô hữu ở đây đang trải qua.

Đức Thánh Cha đã được thông báo về biến cố mới hết sức nghiêm trọng này, làm cho bạo lực trong những ngày gần đây càng gia tăng và phạm vi tình trạng khẩn cấp về nhân đạo càng rộng lớn.

Đức Thánh Cha Phanxicô hiện đang rất quan tâm theo dõi các sự kiện này và ngài cầu nguyện hết lòng cho hai giám mục bị bắt cóc được mạnh khỏe và được giải thoát. Ngài cũng cầu nguyện, để nhờ sự cộng tác của mọi người, cuối cùng người dân Syria sẽ có được những giải đáp hiệu quả cho bi kịch nhân đạo này và niềm hy vọng thực sự về nền hòa bình và hòa giải sẽ ló rạng”.

- Pháp : Quốc gia thứ 14 hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới

Khi gần kết thúc phiên họp Quốc hội Pháp vào chiều hôm qua thứ Ba 23-04, ông Christian Jacob, chủ tịch đảng UMP (Liên minh Phong trào Nhân dân), đã đưa ra bản kháng nghị của hai đảng UMP và UDI (Liên minh dân chủ độc lập) trước Hội đồng lập pháp, trong đó các nghị sĩ thuộc phe đối lập chống lại việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và việc cho phép các cặp hôn nhân đồng giới nhận con nuôi.

Ông Christian Jacob giải thích: “Nước Pháp là một Nhà nước của pháp luật. Chừng nào mà luật chưa được ban hành, luật ấy chưa được áp dụng”.

Cuối cùng dự luật đã được Quốc hội thông qua ngay sau 17 giờ trong một bầu không khí rất căng thẳng, với 331 phiếu thuận và 225 phiếu chống.

Tại phiên họp, phát ngôn viên đảng UMP, ông Hervé Mariton, cáo buộc cánh tả đã “thắp lên ngọn bấc của chứng sợ đồng tính” và “chồng chất thêm khủng hoảng bằng cách tạo ra sự căng thẳng”. Thay mặt cho đảng UDI, ông Jean-Christophe Fromantin nhấn mạnh rằng “quý vị đã viện cớ bình đẳng cho người lớn để gây ra sự bất bình đẳng cho trẻ em, là những người bị tước mất quyền có một người cha và một người mẹ”.

Như vậy, Pháp trở thành quốc gia thứ 14 trên thế giới công nhận hôn nhân đồng giới, sau New Zealand – mới thông qua luật này vào ngày 17-04-2013 vừa qua.



- Đức Thánh Cha Phanxicô dâng Thánh lễ mừng bổn mạng :

Sáng thứ Ba 23-04, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng Thánh lễ mừng Thánh Giorgiô, bổn mạng của ngài, tại nhà nguyện thánh Phaolô. Đồng tế với ĐTC, có 50 hồng y đang có mặt tại Rôma. ĐTC ngỏ lời cảm ơn các Đức hồng y đã đồng tế mừng thánh bổn mạng của ngài.

Trong bài giảng Thánh lễ, ĐTC nhấn mạnh: “Căn tính của Kitô hữu không phải là một loại thẻ căn cước, nhưng phải thực sự thuộc về Giáo hội, thuộc về Hội Thánh mẹ”, bởi “Không thể tìm kiếm Chúa Giêsu bên ngoài Giáo hội”. ĐTC giải thích: “Muốn theo Chúa Giêsu mà lại ở ngoài Giáo hội, muốn yêu mến Chúa Giêsu mà không có Giáo hội, đó là sự nửa vời rất phi lý”.

Trong bài giảng ứng khẩu này, ĐTC đã nhấn mạnh: “Giáo hội mẹ ban cho chúng ta Chúa Giêsu và một căn tính không những in dấu mà còn khiến chúng ta thuộc về Hội Thánh: căn tính nghĩa là sự thuộc về. Được thuộc về Hội Thánh thì thật là tốt đẹp”.

ĐTC cũng đã đề cập tính chất truyền giáo của Hội Thánh, cuộc sống làm người Kitô hữu đích thực và cuộc sống thực sự của Hội Thánh luôn diễn ra “giữa những bách hại của thế gian và nguồn an ủi của Chúa”. ĐTC giải thích: “Nếu muốn ngả theo đường lối thế gian, thương lượng với thế gian như những người Macabê xưa kia, chúng ta sẽ không bao giờ được Chúa an ủi. Còn nếu chúng ta mong được thế gian an ủi, thì sự an ủi đó chỉ là hời hợt, bởi không phải sự an ủi của Chúa”.

“Nếu chúng ta không phải ‘đoàn chiên của Chúa’, đức Tin đích thực sẽ không đến, mà chỉ là thứ niềm tin thoang thoảng nước hoa, không có thực chất”. ĐTC nhắc lại: “Không thể tin vào Đức Giêsu mà lại không có Giáo hội, bởi chính Chúa đã nói trong Tin Mừng: Các ông không tin, bởi các ông không thuộc đoàn chiên của Tôi”.

Cuối Thánh lễ, tại Sân Thánh Đamasô, ban nhạc của Đội Vệ binh Thụy Sĩ đã trình tấu một số bài mừng lễ bổn mạng ĐTC.

- Đức Thánh Cha Phanxicô : “Giáo hội không phải là một cơ cấu hành chính mà là câu chuyện về tình yêu”

Giáo hội không phải là một cơ cấu hành chính, nhưng là câu chuyện về tình yêu. Nếu “Giáo hội lập ra các cơ quan và trở nên phần nào quan liêu, Giáo hội sẽ đánh mất bản chất chính yếu của mình và có nguy cơ biến thành một tổ chức phi chính phủ. Nhưng Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ”.

Đức Thánh Cha đã lặp đi lặp lại ý tưởng trên trong Thánh Lễ sáng thứ Tư 24-04 tại nhà nguyện của Nhà khách Thánh Martha. Trong số những người hiện diện, có các nhân viên của Viện Giáo vụ (IOR). Vì vậy Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Giáo hội là một câu chuyện về tình yêu ... Nhưng ở đây có các nhân viên IOR ... tôi xin lỗi, … có những thứ cần thiết, cần có các văn phòng... Vâng! Nhưng chỉ cần đến một mức độ nào đó: như một sự trợ giúp cho câu chuyện về tình yêu này. Nhưng khi tổ chức chiếm vị trí ưu tiên, tình yêu sẽ rơi xuống hàng thứ yếu và Giáo hội, đáng buồn thay, sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ. Và đây không phải là con đường đi tới”.

Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay kể lại câu chuyện cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên phát triển và gia tăng số môn đệ. Đức Thánh Cha nói, đó là điều tốt, nhưng điều đó có thể đẩy người ta đến chỗ “mặc cả” để có “nhiều người hơn tham gia vào liên doanh này”. “Thay vào đó, con đường mà Chúa Giêsu muốn cho Giáo hội của Người đi theo là con đường khác: con đường của những khó khăn, con đường thập giá, con đường của bách hại... Và điều này khiến chúng ta tự hỏi: Giáo hội này là gì đây, Giáo hội của chúng ta như thế chẳng có vẻ gì giống như một nghiệp đoàn của con người”. Giáo hội là “điều gì hơn thế nữa”. Không phải các môn đệ đã xây dựng Giáo hội. Họ chỉ là những sứ giả được Chúa Giêsu sai đi và Chúa Kitô cũng được Chúa Cha sai đi. Giáo hội được sinh ra từ trái tim của Chúa Cha, Đấng đã có ý tưởng này –hay đúng hơn, đã có tình yêu này– là câu chuyện về tình yêu, đã bắt đầu và cứ kéo dài mãi mà vẫn chưa kết thúc. Chúng ta đang ở giữa câu chuyện về tình yêu ấy: mỗi người chúng ta là một mắt xích trong chuỗi tình yêu ấy. Và nếu chúng ta không hiểu được điều này, chúng ta cũng chẳng hiểu gì về Giáo hội.

“Giáo hội không phát triển nhờ sức mạnh của con người: một số Kitô hữu đã có những sai lầm vì lý do lịch sử, họ đã đi sai, họ đã có quân đội, và họ tiến hành những cuộc chiến tranh tôn giáo: đó là một câu chuyện khác, không phải là câu chuyện về tình yêu này. Cả chúng ta cũng phải học –qua những sai lầm của mình– để biết câu chuyện về tình yêu diễn tiến ra sao. Nhưng diễn tiến thế nào? Như Chúa Giêsu đã nói: như hạt cải, nó lớn lên như men trong bột, chẳng ồn ào. “Giáo hội phát triển từ dưới lên, một cách tiệm tiến”.

Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Khi Giáo hội tự mãn về số lượng và cơ cấu hành chính, thiết lập các cơ quan và một cách nào đó trở thành bộ máy hành chính, khi đó Giáo hội đánh mất bản chất của mình và rơi vào nguy cơ trở thành một tổ chức phi chính phủ. Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ nhưng là câu chuyện về tình yêu.”

Đức Thánh Cha kể: “Một vị lãnh đạo quốc gia hỏi rằng đoàn vệ binh giáo hoàng to lớn như thế nào”; nhưng Giáo hội không phát triển “nhờ quân đội”, mà nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, vì Giáo hội không phải là một tổ chức. “Không, Giáo hội là một người mẹ. Ở đây có rất nhiều bà mẹ, trong Thánh Lễ này. Các chị em cảm thấy thế nào nếu có ai đó hỏi chị em: ‘Bà có phải là quản gia trong nhà bà không?’ ‘Không, tôi là người mẹ’. Giáo hội là Mẹ. Và chúng ta ở giữa một câu chuyện về tình yêu được kể bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần; và chúng ta, tất cả chúng ta cùng với nhau, là một gia đình trong Giáo hội Mẹ của chúng ta”.

- Thông cáo của Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình :

Ngày 25/4/2013, Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình đã đưa ra bản Thông cáo, tuyên bố rằng “thông tin do một số hãng thông tấn phổ biến nói rằng Tòa Thánh đang soạn thảo một tài liệu cho phép những người ly dị tái hôn được rước lễ, là không có cơ sở”.



- Đức Tổng giám mục Fisichella giới thiệu hai sự kiện mới trong Năm Đức Tin :

Ngày 24-04, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã tổ chức họp báo để giới thiệu hai sự kiện sắp diễn ra trong Năm Đức Tin: “Ngày bí tích Thêm sức” (27–28 tháng Tư) và “Ngày các Hiệp hội và Lòng đạo đức bình dân” (03–05 tháng Năm). Tham gia buổi họp báo có Đức Tổng giám mục Rino Fisichella - Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc âm hóa; và Đức giám mục Jose Octavio Ruiz Arena - thư ký Hội đồng.

Đức Tổng giám mục Fisichella cho biết hai sự kiện này sẽ được cử hành tại Roma, do Đức Thánh Cha chủ sự và mang một ý nghĩa chung là “làm nổi bật cuộc hành hương đến mộ Thánh Phêrô”. Đó là lý do vào ngày hôm trước sẽ có một cuộc rước mang tính biểu tượng từ Đài kỷ niệm tại quảng trường Thánh Phêrô đến mộ Thánh Tông đồ; tại đây, các tham dự viên sẽ đọc Kinh Tin Kính. Trên đường đi sẽ có một bài giáo lý ngắn để ôn lại ý nghĩa của các địa danh và ý nghĩa lịch sử của những nơi ấy đối với đức tin.

Sự kiện đầu tiên sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28 tháng Tư sắp tới, dành cho những người đã hoặc sẽ lãnh nhận bí tích Thêm Sức trong năm nay. Ban tổ chức cho biết đã có hơn 70.000 người ghi danh tham dự, bao gồm các bạn trẻ, cùng với các giáo lý viên và các linh mục đồng hành với họ. Con số này cho thấy sáng kiến tổ chức sự kiện này đã được nhiệt tình hưởng ứng đúng như sự mong đợi.

Lần đầu tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ban bí tích Thêm Sức cho 44 bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới, đại diện cho toàn thể Giáo hội. “Họ là những người trẻ trình bày khuôn mặt của Giáo hội lữ hành giữa sự sống và khổ đau, để đem đến niềm hy vọng và bảo đảm cho tương lai”. Tuy nhiên, sẽ không chỉ có giới trẻ tham dự sự kiện này mà thôi, vì không có quy định về độ tuổi lãnh nhận bí tích Thêm sức; do đó tham dự viên gồm tất cả những người từ 11 đến 55 tuổi.

Sự kiện quan trọng thứ hai, với hơn 50.000 người đã ghi danh tham dự, sẽ diễn ra từ ngày 03 đến 05 tháng Năm, dành cho các cử hành đạo đức bình dân. Các Hiệp hội, đặc biệt là từ các quốc gia có truyền thống vững mạnh nhất, sẽ nêu lên chứng từ về những truyền thống của địa phương vốn là hoa trái của lòng đạo đức được thể hiện qua nhiều thế kỷ với những sáng kiến và công trình nghệ thuật kéo dài đến tận ngày nay. Cao điểm của sự kiện này là Thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành lúc 10g sáng Chúa nhật 05 tháng Năm tại quảng trường Thánh Phêrô.

ĐHY Fisichella kết luận rằng “sự kiện này sẽ là một thời điểm mà đức tin tìm gặp được cốt lõi sâu xa nơi lòng người qua các cử hành đạo đức bình dân đơn sơ, đã thể hiện qua bao đời nay như một nhắc nhớ về chứng từ đức tin của nhiều thế hệ, và truyền thống này cần được minh chứng cách hăng say và can đảm”.

IV- THÔNG TIN GIÁO PHẬN :

- HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM ỦY BAN GIỚI TRẺ :

Thông báo về việc tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới 2013

Ngày Giới trẻ thế giới lần thứ XXVIII sẽ được tổ chức tại Rio de Janeiro, thủ đô Braxin từ ngày 23 đến ngày 28 tháng 7 năm 2013. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ hiện diện giữa các bạn trẻ đến từ khắp các châu lục trên thế giới. Để hòa chung niềm vui và sống tình hiệp thông với các bạn trẻ thế giới, các bạn trẻ Việt Nam được mời gọi tham dự biến cố trọng đại này. Quý linh muc, tu sĩ và các bạn trẻ muốn tham dự ngày Giới trẻ Thế giới xin mời ghi danh với các linh mục đại diện của Ủy ban Giới trẻ tại giáo tỉnh mình. Sau đây là địa chỉ liên lạc:

- Giáo tỉnh Hà Nội: linh mục Phêrô Đoàn Văn Khải, số điện thoại: 0987198298. Địa chỉ email: dckhai@yahoo.com.

- Giáo tỉnh Huế: linh mục Bênêđictô Ngô Văn Hài, số điện thoại 0905848809. Địa chỉ email: benngohai@gmail.com

- Giáo tỉnh Sài gòn: linh mục Phaolô Phạm Minh Tân, số điện thoại 0908348824. Địa chỉ email: paulminhtan@yahoo.com

Xin vui lòng ghi danh trước ngày 15 tháng 5 năm 2013. Theo thông tin của Công ty dịch vụ du lịch Carnival, chi phí trọn gói cho mỗi người khoảng từ 55.000.000 đ đến 60.000.000 đồng (sáu mươi triệu đồng).

Ngày 8-4-2013

+ Giuse Vũ Văn Thiên

Giám mục Hải Phòng

Chủ tịch Ủy ban Giới trẻ trực thuộc HĐGM Việt Nam

IV- THÔNG TIN GIÁO XỨ :

- Thứ năm 02/5/2013 : Thứ năm đầu tháng. Lúc 17g15 : Hội các Bà Mẹ Công Giáo chầu Mình Thánh Chúa.

- Thứ sáu 03/5/2013 : Buổi sáng, trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân.

Buổi chiều, lúc 15g : Cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót và lúc 15g30 : Thánh Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót. Kính mời Quý Ông Bà và Anh Chị Em tham dự đông đủ.

Và trước Thánh Lễ, lúc 17g15 : Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu chầu Mình Thánh Chúa.

- Thứ bảy 04/5/2013 : Thứ bảy đầu tháng. Lúc 11g : Đọc kinh ở Đài Đức Mẹ Fatima. Xin mời Quý Ông Bà và Anh Chị Em tham dự đông đủ.

Và buổi chiều :

+ 17g00 : Tập trung

+ 17g15 : Rước kiệu Đức Mẹ

+ 17g45 : Thánh Lễ

Và sau Thánh Lễ, cộng đoàn hiệp ý cùng các em dâng hoa lên Đức Mẹ.

- Chúa nhật 04/5/2013 : Chúa Nhật đầu tháng. Lúc 8g30 : Rửa tội cho các trẻ em trong Giáo xứ. Xin đăng ký trước nơi Trưởng mỗi Giáo Khu. Xin cám ơn.

LỊCH CỬ HÀNH PHỤNG VỤ TRONG GIÁO XỨ :


  • Giờ Lễ : + Chúa Nhật : Sáng : 05g00 và 07g30

Chiều : 17g00 và 18g15

+ Ngày thường : Sáng : 05g00

Chiều : 17g45


  • Giải tội : Trước hoặc sau mỗi Thánh Lễ.

  • Rửa tội cho trẻ em : Lúc 8g30 Chúa Nhật đầu tháng. Xin đăng ký trước nơi Quý Vị Trưởng của mỗi Giáo khu.

  • Trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân : Buổi sáng ngày thứ sáu đầu tháng.

  • Chầu Mình Thánh Chúa :

+ Thứ tư hằng tuần : Lúc 19g45 (Toàn Giáo xứ)

+ Thứ năm đầu tháng : Lúc 17g15 (Hội Các Bà Mẹ CGiáo)

+ Thứ sáu đầu tháng : Lúc 17g45 (GĐ Phạt Tạ Thánh Tâm)

+ Thứ bảy đầu tháng : Sau Thánh Lễ chiều (Toàn Giáo xứ)

+ Chúa Nhật hằng tuần : Lúc 16g30 (Toàn Giáo xứ)

+ Phiên Chầu lượt : Chúa Nhật thứ 1 Mùa Chay.



  • Lần Hạt Mân Côi tại Đài Đức Mẹ Fatima :

+ Lúc 20g – 20g30 : Chúa Nhật, thứ 2,5,6,7

+ Lúc 19g – 19g30 : Thứ 4

+ Lúc 11g00 : Thứ bảy đầu tháng

+ Riêng mỗi ngày 13 hằng tháng : Lúc 11g : Thánh Lễ Kính Đức Mẹ trong Nhà Thờ. Sau đó, tất cả cùng kính viếng Đức Mẹ tại Đài.



  • Cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót :

+ Thứ 6 hằng tuần : Lúc 15g00

+ Thứ 6 đầu tháng : Lúc 15g30, có TLễ Kính Lòng Chúa Thương Xót



  • Đọc kinh tại các Giáo Khu : Sau Thánh Lễ chiều thứ 3 hằng tuần.


ALLÊLUIA – ALLÊLUIA

M
LƯU HÀNH NỘI BỘ
ỪNG CHÚA PHỤC SINH



Каталог: sites -> default -> files -> Files -> 2013
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 2 MÙa vọng năm a : Lời Chúa
2013 -> GIÁo xứ TÂn trang nhà thờ thánh giuse
2013 -> BẢn tin hằng tuần số 28/2013 (Chúa Nhật 14/7/2013)
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhật chúa ba ngôi năm c
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 34 thưỜng niên năm c : LỄ chúa giêsu kitô vua vũ trụ Lời Chúa
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 31 thưỜng niên năm c : CỨu những gì ĐÃ HƯ MẤT
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 4 MÙa vọng năm a : Lời Chúa
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 17 thưỜng niên năm c
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 6 phục sinh năm c
2013 -> BẢn tin hằng tuần số 22/2013 (Chúa Nhật 02/6/2013)

tải về 243.94 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương