I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 4 MÙa vọng năm a : Lời Chúa



tải về 332.41 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.04.2018
Kích332.41 Kb.
#37635

GIÁO XỨ TÂN TRANG

NHÀ THỜ THÁNH GIUSE

  


I- SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM A :

Lời Chúa : Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm Lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” (Mt 1,22-23)

Suy niệm : Trong văn học Việt Nam, người ta ít biết chuyện chàng thanh niên tên Nguyễn Văn Thắng sau khi thi hương trượt, đã âm thầm đổi tên là Nguyễn Khuyến. Không biết có phải nhờ đổi tên hay không mà sau đó chàng đã đỗ đầu cả ba kỳ thi, được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Ông đã hoàn toàn đổi đời. Cái tên có ý nghĩa rất lớn trong đời người, đôi khi quyết định cả cuộc đời. Giuse được sứ thần Chúa báo tin phải đặt tên cho Con Chúa làm người là “Giêsu”, Thiên Chúa Cứu Chuộc. Ngài còn có một tên khác là “Emmanuen” nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Hai cái tên đặc biệt nói lên sứ mạng của Con Thiên Chúa : ở với chúng ta để cứu chuộc chúng ta. Claude Tessin nói : “Đây là tên gọi khởi đầu và hoàn tất Tin Mừng”, bởi vì trước khi về trời Đức Giêsu cũng nói với các môn đệ : “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Mời Bạn : Hãy tích cực cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa dù nó trái với dự định riêng của mình.

Sống Lời Chúa : Hãy có một hành động dấn thân tích cực trong công việc chung của giáo xứ của đoàn thể hay một việc làm vô vị lợi, một công tác thiện nguyện với ý hướng làm vì Chúa Kitô.

Cầu nguyện : Lạy Ngôi Hai Thiên Chúa, là “Giêsu-Emmanuen”, là “Thiên Chúa ở cùng chúng con” để “cứu chuộc chúng con”. Xin cho chúng con sống xứng với tên gọi “kitô hữu” : những người thuộc về Chúa Kitô, để cùng với Chúa Kitô cứu độ thế giới. Amen. (Trích từ : www.5phutloichua.net)

II- NĂM PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH :

1/ Chủ đề của tháng 12/2013 :

THÁNH GIA : CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA, THÁNH GIUSE

GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA

Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai,



người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel” (Mt 1, 23)

2/ Học Giáo Lý :

(Trích từ : Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo. Bản Dịch của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc HĐGMVN.) (tiếp theo…)

PHẦN THỨ TƯ

KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO

------------

ĐOẠN THỨ NHẤT

KINH NGUYỆN TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

534.  Cầu nguyện là gì ?

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay là dâng lời cầu lên Thiên Chúa để xin những ơn lành phù hợp với thánh ý của Ngài. Cầu nguyện luôn là một hồng ân của Thiên Chúa, Đấng đến gặp gỡ con người. Cầu nguyện theo Kitô giáo là một liên hệ cá nhân và sống động của con cái với Cha là Thiên Chúa vô cùng nhân lành, với Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong tâm hồn họ. 



CHƯƠNG MỘT

MẠC KHẢI VỀ CẦU NGUYỆN

535.  Tại sao mọi người đều được mời gọi cầu nguyện ?

Chỉ vì Thiên Chúa đã sáng tạo mọi sự từ hư không và vì con người, sau khi phạm tội, vẫn còn khả năng nhận biết Đấng Sáng Tạo của mình, nên vẫn khao khát hướng về Đấng đã tạo dưng nên mình. Mọi tôn giáo, và đặc biệt trong toàn bộ lịch sử cứu độ, làm chứng cho sự khao khát Thiên Chúa nơi con người. Nhưng chính Thiên Chúa đã đi bước trước, không ngừng lôi kéo mỗi người đến gặp gỡ Ngài cách huyền nhiệm trong việc cầu nguyện. 



MẠC KHẢI VỀ CẦU NGUYỆN TRONG CỰU ƯỚC

536.  Ông Ábraham là mẫu gương về cầu nguyện như thế nào ?

Ông Ábraham là mẫu gương về cầu nguyện bởi vì ông bước đi trước nhan Thiên Chúa, Đấng ông lắng nghe và vâng phục. Lời cầu nguyện của ông là một cuộc chiến đấu của đức tin, vì ngay khi bị thử thách, ông vẫn xác tín vào sự trung thành của Thiên Chúa. Ngoài ra, sau khi đón tiếp Chúa trong lều của mình và được Ngài cho biết các kế hoạch, ông cả dám chuyển cầu cho các kẻ tội lỗi với một lòng tin tưởng táo bạo. 



537.  Ông Môsê đã cầu nguyện thế nào ?

Lời cầu nguyện của ông Môsê tiêu biểu cho lời cầu nguyện chiêm niệm. Thiên Chúa, Đấng đã gọi ông từ Bụi Gai bốc cháy, thường xuyên tiếp xúc lâu giờ với ông, “mặt giáp mặt như hai người bạn với nhau” (Xh 33,11). Trong tình thân mật với Thiên Chúa, ông Môsê rút được sức mạnh để kiên trì chuyển cầu cho dân mình : như vậy, lời cầu nguyện của ông tượng trưng cho lời chuyển cầu của Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Giêsu Kitô. 



538.  Trong Cựu Ước, nhà vua và đền thờ có liên quan gì đến cầu nguyện ?

Kinh nguyện của Dân Thiên Chúa được phát triển dưới bóng Nhà Chúa – bên Hòm bia Giao ước, rồi nơi Đền thờ – nhờ sự hướng dẫn của các vị Mục tử. Trong số đó, có Đavít, là vị vua “được đẹp lòng Thiên Chúa”, là người mục tử cầu nguyện cho dân của mình. Lời cầu nguyện của ông là mẫu mực cho kinh nguyện của dân, vì lời này luôn gắn bó với lời hứa của Thiên Chúa, được dâng lên với lòng tin tưởng yêu kính đối với Đấng là Vua và là Chúa duy nhất.  



539.  Cầu nguyện có vai trò gì trong sứ vụ của các tiên tri ?

Nhờ cầu nguyện, các tiên tri tìm được ánh sáng và sức mạnh để thúc đẩy dân chúng tin tưởng và hoán cải tâm hồn. Các ngài sống trong sự thân mật sâu xa với Thiên Chúa và chuyển cầu cho anh em của mình, là những người được các ngài loan báo điều họ đã thấy và đã nghe từ nơi Thiên Chúa. Ông Êlia là tổ phụ các tiên tri, nghĩa là những người tìm kiếm Tôn nhan Thiên Chúa. Trên đỉnh Carmel, ông đã giúp cho dân chúng quay về với đức tin, nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng ông cầu khẩn : “Xin đáp lời con, lạy Chúa, xin đáp lời con” (1 V 18,37).  



540. Các Thánh Vịnh có tầm quan trọng thế nào trong kinh nguyện ?

Các Thánh Vịnh là tột đỉnh của kinh nguyện Cựu Ước : Lời Thiên Chúa đã trở thành lời cầu nguyện của con người. Vừa mang tính cá nhân, vừa mang có tính cộng đoàn, các Thánh Vịnh được Thánh Thần linh ứng, ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và trong lịch sử cứu độ. Đức Kitô đã cầu nguyện bằng các Thánh Vịnh và đã đưa chúng đến mức toàn hảo. Vì thế, các Thánh Vịnh là một yếu tố chính yếu và thường xuyên trong kinh nguyện của Hội thánh; chúng thích hợp cho con người trong mọi hoàn cảnh và qua mọi thời gian.  



TRONG CHÚA GIÊSU, VIỆC CẦU NGUYỆN ĐÃ ĐƯỢC MẠC KHẢI

VÀ THỰC HIỆN CÁCH TRỌN VẸN

541.  Chúa Giêsu đã học cầu nguyện với ai ?

Trong nhân loại, Chúa Giêsu đã học cầu nguyện từ Mẹ Người và từ truyền thống Do Thái. Nhưng lời cầu nguyện của Người còn phát xuất từ một nguồn mạch sâu thẳm hơn nữa, vì Người là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa. Trong nhân tính thánh thiện, Chúa Giêsu dâng lên Cha của Người lời kinh tuyệt vời trong tình con thảo.  



542.  Chúa Giêsu cầu nguyện khi nào ?

Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu thường xuyên cầu nguyện. Người thường lui vào nơi hoang vắng, kể cả lúc ban đêm. Người cầu nguyện trước những thời điểm quyết định cho sứ vụ của mình hay của các tông đồ. Thực ra, cả cuộc đời của Người là cầu nguyện, vì Người luôn sống trong sự hiệp thông tình yêu với Cha của mình. 



543.  Chúa Giêsu cầu nguyện như thế nào trong suốt cuộc khổ nạn ?

Trong cơn hấp hối nơi vườn Ghếtsêmani, cũng như qua các lời cuối cùng trên Thánh giá, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu mạc khải chiều sâu thẳm của lời cầu nguyện trong tình con thảo của Người. Chúa Giêsu chu toàn ý định yêu thương của Chúa Cha và mang lấy trên mình Người tất cả âu lo của nhân loại, tất cả mọi lời van xin và chuyển cầu của lịch sử cứu độ.  Người dâng lên Chúa Cha, Đấng đón nhận những lời cầu nguyện ấy và đáp lại một cách vượt quá sự chờ mong, bằng cách làm cho Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại.  



544.  Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện như thế nào ?

Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện không những với lời kinh Lạy Cha, nhưng còn dạy chúng ta cầu nguyện ngay cả lúc Người cầu nguyện. Với cách thức này, Người cho chúng ta thấy, bên cạnh nội dung của lời cầu nguyện, còn có những thái độ cần thiết cho việc cầu nguyện đích thực : tâm hồn thanh sạch đang tìm kiếm Nước Trời và sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù của mình; sự tin tưởng mạnh mẽ, đầy tình con thảo, vượt quá những gì chúng ta có thể cảm nghiệm và thấu hiểu; sự tỉnh thức giúp người môn đệ tránh được cơn cám dỗ.     



545.  Tại sao lời cầu nguyện của chúng ta mang lại hiệu quả ?

Lời cầu nguyện của chúng ta mang lại hiệu quả, vì được kết hợp với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong đức tin. Trong Người, lời cầu nguyện Kitô giáo trở thành sự hiệp thông tình yêu với Chúa Cha. Lúc đó, chúng ta có thể dâng những lời cầu xin lên Thiên Chúa và sẽ được nhậm lời : “Anh em hãy xin, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16,24). 



546.  Đức Trinh Nữ Maria đã cầu nguyện thế nào ?

Kinh nguyện của Đức Maria phát xuất từ niềm tin và việc quảng đại hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa. Mẹ của Chúa Giêsu cũng là bà Eva Mới, là “Mẹ của chúng sinh”. Mẹ đã cầu xin Chúa Giêsu, Con của Mẹ, cho những nhu cầu của loài người.

 547.  Trong Tin Mừng, có lời cầu nguyện nào của Đức Maria không ?

Ngoài lời chuyển cầu của Đức Maria tại Cana miền Galilê, Tin Mừng còn ghi lại kinh Magnificat (Lc 1,46-55), là lời ca tụng của Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Hội thánh, là lời tạ ơn trong hân hoan xuất phát từ tâm hồn của những người nghèo khó, vì niềm hy vọng của họ sẽ trở thành hiện thực khi Thiên Chúa thực hiện các lời hứa của Ngài. 



KINH NGUYỆN TRONG THỜI HỘI THÁNH

548.  Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem đã cầu nguyện như thế  nào ?

Khởi đầu sách Công Vụ Tông Đồ có ghi lại, trong cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem được Thánh Thần dạy cho biết cầu nguyện, “các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42). 



549.  Chúa Thánh Thần can thiệp như thế nào trong kinh nguyện của Hội thánh ?

Chúa Thánh Thần, bậc thầy nội tâm của kinh nguyện Kitô giáo, dạy Hội thánh đời sống cầu nguyện; Ngài hướng dẫn Hội thánh luôn đi sâu vào việc chiêm ngắm và kết hợp với mầu nhiệm khôn lường của Đức Kitô. Các hình thức cầu nguyện, như được trình bày trong các tác phẩm thời các Tông đồ và Tân Ước, vẫn luôn là mẫu mực cho kinh nguyện Kitô giáo. 



550.  Các hình thức chính yếu của kinh nguyện Kitô giáo là gì ?

Đó là chúc tụng và thờ lạy, xin ơn và chuyển cầu, tạ ơn và ca ngợi. Thánh lễ chứa đựng và diễn tả tất cả các hình thức cầu nguyện này.  



551. Lời kinh chúc tụng là gì ?

Lời kinh chúc tụng là lời con người đáp lại các hồng ân của Thiên Chúa. Chúng ta chúc tụng Đấng Toàn Năng, Đấng đã chúc lành cho chúng ta trước và ban tràn đầy hồng ân của Ngài cho chúng ta.  



552.  Việc thờ lạy là gì ?

Việc thờ lạy là sự phủ phục của con người, tự nhận mình là thụ tạo trước Đấng Sáng Tạo muôn trùng chí thánh của mình. 



553.  Những hình thức khác nhau của lời kinh xin ơn là gì ?

Đây có thể là một lời xin ơn tha thứ hay còn là một lời khiêm tốn và tin tưởng xin ơn cho tất cả mọi nhu cầu tinh thần lẫn vật chất của chúng ta. Nhưng điều trước hết phải nài xin, là cầu cho Nước Thiên Chúa mau đến. 



554.  Lời kinh chuyển cầu là gì ?

Kinh chuyển cầu là lời cầu nguyện xin ơn cho một người khác. Lời kinh này giúp chúng ta nên giống Chúa Giêsu, kết hợp chúng ta với kinh nguyện của Người, Đấng chuyển cầu lên Thiên Chúa cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người tội lỗi. Lời kinh chuyển cầu cần phải mở rộng đến cả kẻ thù của chúng ta. 



555.  Khi nào chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời kinh tạ ơn ?

Hội thánh không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, nhất là khi cử hành Thánh lễ, trong đó Đức Kitô cho Hội thánh tham dự vào hành động tạ ơn của Người dâng lên Thiên Chúa Cha. Đối với người Kitô hữu, mọi biến cố trong đời sống đều trở thành chất liệu để tạ ơn.  



556.  Lời kinh ca ngợi là gì ?

Lời kinh ca ngợi là kinh nguyện công nhận Thiên Chúa là Chúa một cách trực tiếp. Lời kinh này hoàn toàn vô vị lợi : ca ngợi Thiên Chúa vì chính Ngài, và tôn vinh Ngài vì Ngài hiện hữu. 



III- PHỤNG VỤ :

MÙA VỌNG

Tháng 12/2013 :

- Ý Chung : Cầu cho các trẻ em, nạn nhân của việc bỏ rơi và mọi hình thức bạo lực : Xin cho các trẻ em, nạn nhân của việc bỏ rơi và của mọi hình bạo lực tìm được tình yêu và sự bảo vệ mà các em cần.

- Ý Truyền Giáo : Cầu cho các Kitô hữu : Xin cho các Kitô hữu được sánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể soi sáng, biết chuẩn bị cho nhân loại đón Chúa Cứu Thế ngự đến.

Lịch Công Giáo trong tuần :

GIÁO HUẤN SỐ 4

THIÊN CHÚA THẬT VÀ NGƯỜI THẬT

Biến cố độc nhất vô nhị là việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa không có nghĩa là Chúa Giêsu Kitô một phần là Thiên Chúa, một phần là người ; cũng không có nghĩa Người là kết quả của một sự pha trộn lẫn lộn giữa hai bản tính thần linh và nhân loại. Người đã thật sự làm người, mà vẫn thật sự là Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Hội Thánh đã phải bảo vệ và làm sáng tỏ chân lý đức tin này suốt những thế kỷ đầu tiên, trước các lạc thuyết đã làm sai lạc chân lý đó.

Các lạc thuyết đầu tiên không phủ nhận thần tính của Đức Kitô, cho bằng chối bỏ nhân tính thật của Người (Ảo thân thuyết theo chủ trương Ngộ đạo). Ngay từ thời các Tông Đồ, đức tin Kitô giáo nhấn mạnh đến việc Nhập Thể thật của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trong xác phàm (x. 1 Ga 4,2-3 ; 2 Ga 7). Nhưng vào thế kỷ thứ III, để chống lại Phaolô Samosatênô, tại Công đồng họp ở Antiôchia, Hội Thánh phải khẳng định rằng : Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa do bản tính chứ không phải do được nhận làm nghĩa tử. Công đồng chung thứ I, họp tại Nicêa vào năm 325, tuyên xưng trong Tín biểu của mình rằng : Con Thiên Chúa “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha” (trong tiếng Hy Lạp là homousion) (Tín biểu Nicêa), và Hội Thánh đã kết án Ariô là người đã khẳng định rằng “Con Thiên Chúa đã xuất phát từ hư vô” (Công đồng Nicêa) và “có một bản thể hay yếu tính khác với Chúa Cha” (Tín biểu Nicêa).

(Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 464, 465).


DƯƠNG LỊCH

ÂM LỊCH

ÁO LỄ

CÁC BÀI ĐỌC

Chúa Nhật

22/12/2013



20/11

Tím

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM A.

Thánh vịnh tuần IV.

Is 7,10-14 ; Rm 1,1-7 ; Mt 1,18-24.



Thứ Hai

23/12/2013



21

Tím

Thánh Gioan Kêty, Linh Mục.

Ml 3,1-4.23-24 ; Lc 1,57-66.



Thứ Ba

24/12/2013



22

Tím

Sáng : 2 Sm 7,1-5.8b-12.14a.16 : Lc 1,67-79.

Trắng

MÙA GIÁNG SINH

Chiều : Lễ Vọng Giáng Sinh.

Is 62,1-5 ; Cv 13,16-17.22-25 : Mt 1,1-25.


Thứ Tư

25/12/2013



23

Trắng

MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

Lễ trọng với tuần bát nhật. Lễ buộc. Lễ cầu cho giáo dân.



Lễ đêm : Is 9,1-6 ; Tt 2,11-14 : Lc 2,1-14.

Lễ rạng đông : Is 62,11-12 ; Tt 3,4-7 ; Lc 2,15-20.

Lễ ban ngày : Is 52,7-10 ; Dt 1,1-6 ; Ga 1,1-18 (hay Ga 1,1-5.9-14).

Thứ Năm

26/12/2013



24

Đỏ

Ngày II trong tuần bát nhật Giáng Sinh. Lễ Kính Thánh Stêphanô, Tử đạo tiên khởi.

Cv 6,8-10 ; 7,54-60 ; Mt 10,17-22



Thứ Sáu

27/12/2013



25

Trắng

Ngày III trong tuần bát nhật Giáng Sinh. Lễ Kính Thánh Gioan, Tông Đồ, Tác Giả Sách Tin Mừng. 1 Ga 1,1 ; Ga 20,2-8.

Thứ Bảy

28/12/2013



26

Đỏ

Ngày IV trong tuần bát nhật Giáng Sinh. Lễ Kính Các Thánh Anh Hài, Tử đạo.

1 Ga 1,5–2,2 ; Mt 2,13-18.



IV- THÔNG TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI :

(Trích từ : www.hdgmvietnam.org)

- Đức hồng y Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo thăm nước Nga :

Hôm thứ bảy 14-12-2013, Đức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo đã bắt đầu chuyến viếng thăm nước Nga kéo dài năm ngày. Chuyến viếng thăm này được coi là một mốc quan trọng trên lộ trình hướng tới hoà giải giữa hai Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo Nga. Đức hồng y Koch sẽ lưu lại Sankt-Peterburg và Moskva, thăm viếng các cộng đồng Công giáo nhỏ tại đây, đồng thời gặp gỡ các giám mục, linh mục và chủng sinh Chính thống giáo Nga.

Vào ngày cuối, thứ Tư 18-12, Đức hồng y Koch sẽ hội đàm với Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga. Tại ngôi nhà thờ chính toà lịch sử của Moskva, Nhà thờ Chúa Kitô Cứu Thế, Đức hồng y Koch cũng sẽ gặp Đức Thượng phụ Kirill - Thượng phụ Moskva và toàn Nga; cùng với Trưởng giáo chủ Hilarion Alfeyev - Chủ tịch Ban đối ngoại của Toà Thượng phụ Nga.

Cùng đi với Đức hồng y Koch có cha Hyacinthe Destivelle, dòng Đa Minh, nguyên quản nhiệm Vương cung thánh đường Thánh Catarina ở Sankt-Peterburg và hiện đang đứng đầu Văn phòng liên lạc với Giáo hội Chính thống Nga thuộc Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo.

Ngoài các cuộc gặp gỡ, Đức hồng y Koch cũng sẽ chủ trì một Hội nghị về các quan hệ giữa Công giáo và Chính thống giáo từ sau Công đồng Vatican II tại Viện thần học Sankt-Peterburg, và đến thăm tu viện Alexander Nevsky, nhân dịp kỷ niệm 300 năm thánh hiến tu viện vào năm nay. Cuối cùng Đức hồng y Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo sẽ chủ sự lễ kỷ niệm Năm Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Catarina ở Sankt-Peterburg.

Cần nhắc lại rằng hồi tháng Ba 2011, Đức hồng y Koch đã gặp Đức Thượng phụ Kirill lần đầu tiên tại Moskva. Ngài bày tỏ sự hài lòng về việc các nhà lãnh đạo của hai Giáo hội đều có cùng một quan điểm ​​về các vấn đề luân lý.



- Đức Thánh Cha Phanxicô: “Giáo hội là ngôi nhà của niềm vui” :

“Sứ điệp Kitô giáo được gọi là “Phúc Âm”, nghĩa là “tin vui”, là loan báo niềm vui cho mọi người, Giáo hội không phải là nơi trú ngụ của những người buồn sầu, Giáo hội là ngôi nhà của niềm vui”.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng hôm qua, 15-12, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở rằng “ngày hôm nay còn được gọi là ‘Chúa nhật hãy vui lên’. Phụng vụ tràn đầy lời mời gọi hãy vui lên, để chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh với niềm hân hoan được đổi mới”.

“Tuy nhiên, niềm vui Phúc Âm không phải là bất kỳ niềm vui nào. Đó là niềm vui vì biết rằng mình được Thiên Chúa đón nhận và yêu thương. Bài đọc trong sách tiên tri Isaia cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng đến cứu rỗi chúng ta, và nâng dậy những ai tuyệt vọng. Tuy nhiên dù những giới hạn và thất vọng của chúng ta có to lớn thế nào, chúng ta cũng không được phép trở nên yếu nhược và dao động khi đối mặt với khó khăn và yếu đuối. Trái lại, chúng ta được kêu gọi trở nên mạnh mẽ, để có ‘đôi bàn tay cứng cáp, đầu gối vững vàng và lòng can đảm, để không sợ hãi, vì Thiên Chúa chúng ta luôn tỏ lòng thương xót cao cả của Người’. Được Người cứu giúp, chúng ta có thể bắt đầu lại, có thể vượt qua buồn thương và nước mắt để hát lên một bài ca mới”.

Đức Thánh Cha nói rằng: “Niềm vui Kitô giáo, cũng như niềm hy vọng, đặt nền tảng trên lòng thành tín của Thiên Chúa, trong niềm tin tưởng chắc chắn Người luôn giữ lời đã hứa. Isaia kêu gọi những ai lầm lạc, những ai tuyệt vọng, hãy tin tưởng vào sự thành tín của Chúa, vì ơn Chúa cứu rỗi sẽ nhanh chóng đến trong cuộc đời họ. Những ai tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ cảm nghiệm một sự bình an trong tâm hồn mà không ai và không có gì có thể lấy đi được. Niềm vui của chúng ta là Chúa Kitô. Có thể nói rằng một Kitô hữu buồn là người ở xa Chúa Kitô. Nhưng chính vì vậy, chúng ta không được để họ cô đơn, nhưng phải cầu nguyện cho họ, và giúp họ cảm nghiệm sự ấm áp của cộng đoàn”.

Kết thúc bài huấn từ, Đức Thánh Cha kêu xin Đức Trinh Nữ Maria “giúp chúng ta nhanh chân bước đến Bêlem, để gặp Hài Nhi được sinh ra cho chúng ta, là Đấng đem ơn cứu rỗi và niềm vui cho mọi người”.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chào mừng các nhóm hành hương khác nhau, trước hết là các thiếu nhi Roma. Theo một truyền thống từ lâu đời, các em đến Quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa nhật thứ ba mùa Vọng, đem theo tượng Chúa Hài Đồng trong máng cỏ để Đức Thánh Cha làm phép. Đức Thánh Cha nói: “Các con thân mến, khi các con cầu nguyện trước hang đá Giáng sinh của các con, hãy nhớ cầu nguyện cho cha, và cha cũng nhớ cầu nguyện cho các con. Cám ơn các con, chúc các con lễ Giáng sinh hạnh phúc!”

Đức Thánh Cha cũng chào mừng những người hành hương từ Roma, từ Italia, và từ khắp nơi trên thế giới, và đặc biệt là người hành hương từ Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Cuối cùng, Đức Thánh Cha chúc mọi người một ngày Chúa nhật hạnh phúc.



- Bộ Giám mục: nhiều thay đổi quan trọng :

Trong một tín hiệu rõ ràng về đổi mới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những quyết định thay đổi quan trọng về các thành viên của Bộ Giám mục là Bộ có nhiệm vụ xem xét việc tuyển chọn các giám mục ở châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương. Điều này chứng tỏ Đức Thánh Cha muốn có nhiều giám mục có tinh thần mục vụ hơn tham gia vào tiến trình tuyển chọn tân giám mục.

Có thể thấy được tín hiệu này không chỉ qua việc Đức Thánh Cha bổ nhiệm 12 thành viên mới, mà còn do việc ngài không tái bổ nhiệm 14 thành viên đương nhiệm, gồm cả một số hồng y cho đến nay vẫn rất có ảnh hưởng.

Bộ Giám mục là cơ quan của Toà Thánh gồm các hồng y và giám mục xem xét tiến trình tuyển chọn các ứng viên lên chức giám mục ở châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương, ngoại trừ các Giáo hội Đông phương. Các vị Sứ thần Toà Thánh tại nhiều nước khác nhau gửi tên của ba ứng viên về Bộ mỗi khi một giáo phận cần có một giám mục mới. Bộ sẽ xem xét kỹ các ứng viên được đề nghị và sau đó, trong một phiên họp toàn thể tổ chức mỗi hai tuần, hơn 30 thành viên của Bộ sẽ bỏ phiếu để chọn một ứng viên lên chức giám mục. Sau khi bỏ phiếu, Bộ trưởng Bộ Giám mục báo cáo kết quả cuối cùng cho Đức Thánh Cha, và Đức Thánh Cha –với quyền tự do quyết định–, thường phê chuẩn tên đầu tiên trong danh sách.

Theo thông báo ngày 16-12 của Toà Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái bổ nhiệm Đức hồng y Marc Ouellet (Canada) vào chức vụ Bộ trưởng. Đức hồng y Ouellet đã giữ chức vụ này từ năm 2010.

Cùng với việc bổ nhiệm 12 thành viên mới, Đức Thánh Cha đã tái bổ nhiệm 18 vị trong số 33 thành viên đương nhiệm của Bộ, trong đó có các Hồng y: George Pell (Australia), Leonardo Sandri (Argentina và Giáo triều Rôma), William Levada (Hoa Kỳ) và cả Đức hồng y Tarcisio Bertone (Italia) - mặc dù Đức hồng y Bertone sẽ mãn nhiệm khi tròn 80 tuổi vào tháng Mười Hai 2014.

Trong số các vị không được tái bổ nhiệm, có hai vị Hồng y của Hoa Kỳ: Burke và Justin Rigali, hai vị Hồng y của Italia: Mauro Piacenza và Angelo Bagnasco, và Đức hồng y Antonio Rouco Varela, Tây Ban Nha.

Đức hồng y Rigali, người mãn nhiệm Tổng giám mục Philadelphia vào năm 2011, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tuyển chọn các giám mục cho các giáo phận tại Hoa Kỳ trong suốt hai thập kỷ qua. Tương tự, Đức hồng y Burke, Chánh án Tối cao Pháp viện Toà Thánh, là nhân vật có ảnh hưởng nhất trong việc tuyển chọn các giám mục Hoa Kỳ từ khi được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm thành viên Bộ Giám mục vào năm 2009.

Việc không tái bổ nhiệm này là một tín hiệu rõ ràng cho thấy Đức Thánh Cha Phanxicô muốn có nhiều giám mục có tinh thần mục vụ hơn tham gia vào tiến trình tuyển chọn tân giám mục. Như Đức Thánh Cha đã nói trong buổi tiếp kiến chung các tân giám mục quy tụ về Roma ngày 19-09-2013, ngài muốn các giám mục phải là những mục tử phục vụ đoàn chiên, đồng hành với đoàn chiên và không mang tâm lý “của những ông hoàng”.

12 thành viên mới của Bộ Giám mục gồm có:

– Đức hồng y Franciso Robles Ortega, Tổng giám mục Guadalajara, Mexico;

– Đức hồng y Donald Wuerl, Tổng giám mục Washington, Hoa Kỳ;

– Đức hồng y Ruben Salazar Gomez, Tổng giám mục Bogota, Colombia;

– Đức hồng y Kurt Koch (Thuỵ Sĩ), Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo;

– Đức hồng y João Braz de Aviz (Brazil), Bộ trưởng Bộ Tu sĩ;

– Đức Tổng giám mục Pietro Parolin (Italia), Quốc vụ khanh Toà Thánh;

– Đức Tổng giám mục Benjamin Stella (Italia), Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ;

– Đức Tổng giám mục Lorenzo Baldisseri (Italia), Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục;

– Đức Tổng giám mục Vincent Nichols, Tổng giám mục Westminster, Anh Quốc;

– Đức Tổng giám mục Paolo Rabitti, nguyên Tổng giám mục Ferrara-Comacchio, Italia;

– Đức Tổng giám mục Gualtiero Bassetti, Tổng giám mục Perugia-Citta della Pieve, Italia;

– và Đức giám mục Felix Genn, Giám mục giáo phận Münster, Đức.



- Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh cho chân phước Pierre Favre :

Ngày 17-12-2013, Bộ Phong Thánh đã công bố sắc lệnh phong thánh cho chân phước Pierre Favre (1506–1546), một trong những vị đồng sáng lập Dòng Tên, và là người bạn của Thánh Inhaxiô Loyola.

Cũng như đối với Đức giáo hoàng Gioan XXIII vào hồi tháng Bảy vừa qua, hay với nhà thần bí người Ý Angela Foligno hồi đầu tháng Mười, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định miễn trừ một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của vị chân phước trong tiến trình tuyên thánh cho chân phước Pierre Favre.

Sinh tại Villaret, một ngôi làng thuộc thị trấn Saint-Jean-de-Sixt (miền Thượng Savoie, nước Pháp), Pierre Favre đã trở thành người bạn cùng phòng và sau đó là người giúp Inhaxiô Loyola ôn bài. Còn Inhaxiô lại trở thành người đồng hành thiêng liêng của Favre mà sau này Inhaxiô thừa nhận Favre là một trong những người giúp Linh thao xuất sắc nhất.

Cùng với thánh Phanxicô Xavier, ba người hợp thành những người “Bạn đường Chúa Giêsu” đầu tiên, là những người sáng lập Dòng Tên trong tương lai. Ngày 15-08-1534, tại nhà nguyện Thánh Denis de Montmartre, Pierre Favre –mới được thụ phong linh mục– đã dâng Thánh lễ và trong Thánh lễ này bảy tu sĩ Dòng Tên đầu tiên đã khấn dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa trong khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.

Sau khi dòng Tên được chính thức thành lập vào năm 1540, Pierre Favre bắt đầu đi truyền giáo trên khắp châu Âu. Từ Đức đến Bồ Đào Nha, qua Pháp và Italia, những chuyến đi liên tục đã tàn phá sức khỏe của ngài, và ngày 01-08-1546, đang khi chuẩn bị tham dự Công đồng Trentô với tư cách đặc sứ của Đức giáo hoàng, ngài qua đời tại Roma vì kiệt sức, trong vòng tay của người bạn của ngài là Inhaxiô Loyola. Ngài được Đức giáo hoàng Piô IX tuyên phong chân phước vào năm 1872.

Do sự gần gũi với đủ mọi loại người và những người nghèo nhất, Pierre Favre thường được những người viết về Đức Thánh Cha Phanxicô kể là một trong những mẫu gương của Jorge Mario Bergoglio.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn các tạp chí của dòng Tên hồi tháng Tám vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô tâm sự rằng chân phước Pierre Favre đúng là một trong nhiều nhân vật của dòng Tên mà ngài yêu thích. Đức Thánh Cha mô tả chân phước Pierre Favre là người “biết đối thoại với mọi người, cả với những người xa xôi nhất và những người thù nghịch với dòng Tên; một con người đạo đức đơn sơ, có lẽ có đôi chút ngây thơ, luôn sẵn sàng, chuyên chăm phân định nội tâm, những điều đó làm cho ngài vừa là người của những quyết định quan trọng và dứt khoát đồng thời cũng lại là con người rất đỗi hiền hậu...”



- Đức Thánh Cha Phanxicô mừng sinh nhật lần thứ 77 :

Ngày thứ Ba 17-12-2013, Đức Thánh Cha đã mừng sinh nhật lần thứ 77. Rất nhiều lời chúc mừng từ khắp nơi trên thế giới được gửi đến Đức Thánh Cha. Riêng tại sinh quán Buenos Aires của Đức Thánh Cha, các giáo dân thuộc giáo xứ Boca-Barrajas –một trong những khu vực bình dân nhất và rối ren nhất của thành phố– ăn mừng bằng cách quy tụ ở Plaza Constitucion, nơi đây một “căn lều truyền giáo” được dựng lên để đón tiếp những cư dân “vô hình” của thủ đô. Khu vực này có một nhà ga xe lửa lớn và bến xe buýt chính, là nơi tụ họp của những cư dân “vô hình”, đó là những người nhập cư, thất nghiệp, vô gia cư, gái điếm… nơi đây hằng năm Đức Tổng giám mục Bergoglio đều đến dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân của nạn buôn người.

Ở Italia, Tòa án Hiến pháp đã gửi một bức điện đến Đức Thánh Cha, qua Đức Tổng giám mục Quốc vụ khanh Pietro Parolin, chúc mừng Đức Thánh Cha về “rất nhiều công việc mục vụ có ý nghĩa của ngài trong việc bảo vệ phẩm giá của con người và vì nền hòa bình thế giới”. Hội đồng Giám mục Italia gửi đến Đức Thánh Cha lời chúc mừng “sứ vụ tông đồ không mệt mỏi của Đức Thánh Cha, đã đem lại những lời của sự sống và lòng thương xót, mở ra những con đường và gieo rắc niềm hy vọng”. Đức Thánh Cha cũng sẽ nhận được một món quà đặc biệt: đoàn đại biểu của đội bóng đá San Lorenzo, Buenos Aires mà Đức Thánh Cha ủng hộ, sẽ đến viếng thăm Đức Thánh Cha và tặng ngài phiên bản của chiếc cúp vô địch Inicial họ mới giành được hôm Chúa nhật tuần trước. Tại giáo xứ San Lorenzo ở Roma, nhiều nhóm bạn trẻ cùng với các Hiệp sĩ Đền thánh sẽ luân phiên chầu Thánh Thể suốt 24 giờ để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha.

Lễ mừng sinh nhật Đức Thánh Cha sẽ còn kéo dài... Thứ Sáu, 20-12, tại Vương cung thánh đường Nữ vương các Thiên Thần và các Thánh Tử đạo ở Roma sẽ diễn ra một buổi hoà nhạc để mừng Đức Thánh Cha, với sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ Italia và nước ngoài. Cùng với phần trình diễn âm nhạc, sẽ có phần đọc các trích đoạn văn kiện quan trọng của Đức Thánh Cha. Trong các tiết mục, có Misa Criolla của nhà soạn nhạc Argentina Ariel Ramirez, một trong những tác phẩm yêu thích của Đức Thánh Cha, do dàn hợp xướng Schola Cantorum của Nhà thờ chính toà trình diễn, có sử dụng các nhạc cụ thông dụng của Argentina, và với sự tham gia của giọng nữ cao người Chile Macarena Valenzuela.

Buổi sáng thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại Nhà nguyện của Nhà khách Santa Marta cùng các cộng tác viên gần gũi nhất của ngài và các nhân viên của Nhà khách, trong bầu khí gia đình. Đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Tổng giám mục Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh và Đức hồng y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng y đoàn. Đặc biệt 4 người vô gia cư do Đức Tổng giám mục Konrad Krajewski –đặc trách Văn phòng Bác ái của Giáo hoàng– giới thiệu, cũng được mời tham dự Thánh lễ này.

Bài Phúc Âm trong Thánh lễ về gia phả của Chúa Giêsu, với rất nhiều tên của tổ tiên Chúa Giêsu, là dịp để Đức Thánh Cha nhắc đến tên của các nhân viên tham dự Thánh lễ.

Sau Thánh lễ, mọi người đã hát mừng Đức Thánh Cha và sau đó cùng ăn sáng với ngài.

- Buổi tiếp kiến chung cuối cùng năm 2013: Thiên Chúa là Thiên-Chúa--cùng-chúng-ta” :

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành buổi tiếp kiến chung cuối cùng của năm 2013 để nói về mầu nhiệm giáng sinh của Chúa Giêsu, đó là “việc cử hành niềm tin và hy vọng, để chiến thắng những bất ổn và bi quan”. “Và đây là lý do để chúng ta hy vọng: Thiên Chúa ở cùng chúng ta, và vẫn còn tin tưởng chúng ta!... Ngài đến để sống với con người, Ngài chọn cư ngụ trên trái đất để ở lại với con người, để sống tại nơi con người vẫn sống trong niềm vui hay nỗi đau. Vì vậy, trái đất không còn là ‘thung lũng đầy nước mắt’ nữa mà là nơi mà Thiên Chúa đến cắm lều, là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người, là nơi Thiên Chúa liên đới với con người”.

Nhưng khi Thiên Chúa chia sẻ thân phận con người của chúng ta, còn ngạc nhiên hơn nữa là “Ngài không hiện diện giữa nhân loại ở một nơi an nhàn lý tưởng, nhưng ở trong thế giới thực này, với bao điều tốt đẹp và xấu xa, với những chia rẽ, sự dữ, nghèo đói, lạm dụng quyền lực và chiến tranh. Ngài chọn tham gia vào lịch sử của chúng ta như lịch sử ấy vốn thế, với tất cả gánh nặng của những giới hạn và bi kịch của nó.... Ngài là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta... Chúa Giêsu bao giờ cũng là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, và cùng chúng ta trong mọi nỗi khổ đau của lịch sử. Chúa Giêsu được sinh ra là minh chứng cho thấy Thiên Chúa đứng về phía con người, một lần và mãi mãi, để cứu chúng ta và nâng chúng ta lên khỏi bụi bặm của khổ đau, của khó khăn và tội lỗi chúng ta”.

Vì thế, món quà tuyệt diệu của Bêlem ấy là sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta không bị gục ngã dưới sức nặng của khổ nhọc, của tuyệt vọng và buồn phiền... Chúa Giêsu được sinh ra mang đến cho chúng ta tin vui rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng và yêu thương từng người một.

Khi hân hoan chiêm ngắm mầu nhiệm Con Thiên Chúa sinh ra cho chúng ta, chúng ta có thể rúr ra hai điểm:

Thứ nhất, Thiên Chúa cho thấy Ngài không phải là Đấng ngự mãi trên cao và thống trị vũ trụ, nhưng Ngài đã hạ cố xuống trái đất nhỏ bé và nghèo nàn của chúng ta... Nếu chúng ta muốn nên giống như Ngài, chúng ta cũng đừng đặt mình ở trên người khác, nhưng phải hạ mình xuống để phục vụ, trở nên bé nhỏ với người bé nhỏ và nên nghèo với người nghèo. Thật buồn khi thấy một Kitô hữu không muốn cúi xuống, không muốn phục vụ. Một Kitô hữu cứ đi loanh quanh không phải là Kitô hữu mà là người ngoại đạo!... Chúng ta hãy đoan chắc rằng anh chị em của chúng ta không bao giờ cảm thấy cô đơn.

Thứ hai, Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, đã hoà mình với nhân loại đến mức trở thành một người trong chúng ta, có nghĩa là bất cứ điều gì chúng ta làm cho anh chị em mình là chúng ta làm cho Chúa. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta điều này: ai cho một trong những người bé nhỏ và nghèo hèn nhất ăn uống, tiếp đón và thăm viếng họ là người ấy đã làm cho Con Thiên Chúa.

Gần đến ngày lễ Giáng sinh, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu hãy cầu nguyện để xin Đức Mẹ “giúp chúng ta... khi gặp gỡ những người chung quanh mình, nhất là những ai thấp kém và bị thiệt thòi nhất, biết nhận ra hình ảnh của Con Thiên Chúa làm người”.

Như đã nói ở trên, đây là buổi tiếp kiến ​​chung cuối cùng của năm 2013, vì là ngày thứ Tư cuối cùng trước lễ Giáng sinh. Kể từ khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có 30 buổi tiếp kiến ​​chung và Phủ Quản gia Giáo hoàng đã phân phối 1.548.500 phiếu tham dự. Nhiều lần số người tham dự vượt quá một trăm ngàn người, vượt quá sức chứa của Quảng trường. Khi ấy, ban tổ chức phải thiết kế những màn hình cực lớn tại Quảng trường Piô XII kế bên và đường Hoà giải trở thành khu vực cho người đi bộ.

- Các giám mục Mexico dâng lễ mừng Giáng sinh trong các nhà tù :

Ngày 18-12-2013, Đức hồng y Norberto Rivera Carrera, Tổng giám mục Mexico, đã khai mạc chương trình cử hành Thánh lễ trong mùa Giáng sinh tại nhiều nhà tù ở thủ đô Mexico.

Đức Tổng giám mục Pierre Christophe, Sứ thần Toà Thánh tại Mexico và sáu giám mục phụ tá của Tổng giáo phận Mexico cũng tham gia chương trình này.

Theo tin từ Tổng giáo phận, Đức hồng y Rivera vẫn cử hành Thánh Lễ tại các nhà tù vào dịp lễ Giáng sinh suốt 18 năm qua.

Ngoài ra năm nay còn có một Thánh Lễ vào ngày 18-12 tại một trung tâm giam giữ vị thành niên.

Đức Tổng giám mục Pierre sẽ cử hành Thánh lễ tại nhà tù Femenil Tepepan vào ngày 20-12 và ngài sẽ khởi đầu một dự án mới nhằm tiếp xúc với các tội phạm vị thành niên để khích lệ họ chia sẻ hy vọng và niềm vui đức tin cho các bạn tù.

Các tù nhân cũng sẽ được phát vòng hoa và chăn đắp.

Cha Francisco Javier Carreno Guzman, đặc trách mục vụ tù nhân, giải thích: “Mục đích là để khích lệ các tù nhân trong thời gian họ bị giam giữ, đặc biệt những người trẻ, là những người cần quan tâm hơn cả. Là Giáo hội, chúng ta mong muốn mang đến cho họ tình yêu, bình an và niềm vui; và còn ai tốt hơn các mục tử của chúng ta để thông truyền niềm vui Giáng sinh này cho anh chị em chúng ta?”

Tổng giáo phận Mexico (của nước Mexico) là giáo phận lớn nhất trên thế giới, với hơn 7 triệu tín hữu Công giáo.

- Tài liệu của Bộ Giáo dục Công giáo: Giáo dục về đối thoại liên văn hóa trong các trường Công giáo” :

Giáo dục về đối thoại liên văn hóa trong các trường Công giáo. Cùng nhau sống nền văn minh tình yêu là chủ đề của một văn kiện mới được Bộ Giáo dục Công giáo công bố.

Ngày 19-12, Đức hồng y Zenon Grocholewski, và Đức Tổng giám mục Angelo Vincenzo Zani – Bộ trưởng và Thư ký của Bộ, cùng với giáo sư Italo Fiorin thuộc Viện Đại học LUMSA của Roma, đã giới thiệu văn kiện này tại Tòa Thánh.

Đức hồng y Grocholewski cho biết Văn kiện này được Đức giáo hoàng Phanxicô phê chuẩn, nhằm đào sâu nền giáo dục về đối thoại liên văn hóa.

Ngài nhắc đến bối cảnh của giáo dục trong thế giới ngày nay, trong đó có “hơn một tỉ người trẻ  trong độ tuổi đi học, và hơn 58 triệu giáo viên tham gia giảng dạy”.

Đức hồng y cũng nhấn mạnh những thách đố hiện nay: “Theo số liệu của UNICEF (2013), có hơn 70 triệu trẻ em không được đến trường, hầu hết trong số đó sống tại các quốc gia đang bị xâu xé vì xung đột”. Ngoài ra, trên toàn thế giới “còn thiếu khoảng 1,7 triệu giáo viên”.

Từ năm 2008 đến 2011, ngài nói thêm, số trường Công giáo đã tăng thêm 6.000 trường, đặc biệt là tại châu Phi, châu Á và châu Đại Dương, với tổng số 209.670 trường.

Văn kiện mới kêu gọi trường học Công giáo “cung cấp cho các thế hệ trẻ những yếu tố cần thiết để phát triển một quan điểm liên văn hóa về việc chung sống với nhau”, bởi vì “hiện tượng di dân đã khiến cho thực tế của đa văn hóa và đa tôn giáo mang tính toàn cầu”.

Đức hồng y nhấn mạnh: Từ chủ chốt nối kết mọi khía cạnh được đề cập trong văn kiện này là đối thoại, vì “đó là hướng dẫn của Đức Thánh Cha, là cách ứng xử của Giáo hội trong mọi tình huống”.

Mục tiêu chính của giáo dục về đối thoại liên văn hoá là xây dựng một nền văn minh tình yêu, một xã hội bình an và liên đới, không phải một thứ liên đới mơ hồ, nhưng là tìm cách thể hiện “tình yêu Chúa Kitô”.

Bộ Giáo dục Công giáo kêu gọi “trở lại với căn tính của các trường Công giáo, mà nền tảng là Chúa Kitô”. Thật vậy, “để có thể đóng vai trò xây dựng, các trường Công giáo không được để cho căn tính của mình trở nên nhạt nhoà, nhưng trái lại phải củng cố căn tính ấy, và sứ vụ của trường học Công giáo không được tách rời khỏi Phúc-Âm-hoá”.

Văn kiện này trước hết gửi đến các bậc cha mẹ , các nhà lãnh đạo, nhà giáo dục và nhân viên các trường Công giáo, đến các Uỷ ban Giám mục, các dòng tu, các phong trào và hiệp hội có nghĩa vụ chăm sóc mục vụ giáo dục thường xuyên, và sau đó gửi đến tất cả những ai quan tâm đến việc giáo dục con người.

Văn kiện được ký ngày 28-10-2013, để kỷ niệm 48 năm công bố Tuyên ngôn Gravissimum Educationis của Công đồng Vatican II về giáo dục Kitô giáo, là tài liệu tham khảo của Bộ Giáo dục Công giáo.

V- THÔNG TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM :

- Giới thiệu sách mới: Gia đình sỐng LỜi Chúa hẰng ngày :

Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam đang hân hoan bước vào năm Phụng vụ 2014 với chủ đề “Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình”. Đây là nỗi thao thức của Hội đồng Giám mục Việt Nam, mong muốn các gia đình Công giáo canh tân đời sống trong thế giới tục hóa hôm nay.

Vì thế, trong Thư Chung 2013, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã viết: “Cùng với việc siêng năng tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của các vị chủ chăn kính yêu, Văn phòng thư ký HĐGMVN cùng với Chương trình Chuyên đề Giáo Dục của Ủy ban Mục vụ Gia Đình trực thuộc HĐGMVN, đã nhanh chóng biên soạn cuốn sách “Gia đình sỐng LỜi Chúa hẰng ngày” do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ biên.

Đây là cuốn sách thiêng liêng rất hữu ích, giúp các gia đình cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa ngay trong gia đình. Vì “Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng nhau cầu nguyện” (HĐGMVN, Thư Chung năm 2013).

Đây chính là cuốn cẩm nang sống đạo, góp phần Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình, làm cho Lời Chúa sinh hoa kết quả trong hành trình Đức tin của các Kitô hữu. Vì “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi” (Tv 119,105).

Những ưu điểm của “Gia đình sỐng LỜi Chúa hẰng ngày”:

– Tất cả các bài “Suy niệm và Cầu nguyện” đều hướng về Gia đình.

– Có mẫu Kinh Sáng, Kinh Tối và Kinh đọc theo ngày trong tuần.

– Có trên 100 câu trích dẫn xoay quanh chủ đề Gia đình.

Sách trình bày mỹ thuật: in màu, bìa cứng, 380 trang, giá bán 60.000 đồng một cuốn. Các giáo xứ và đoàn thể mua từ 1.000 cuốn trở lên sẽ được trợ giá.

 VI- THÔNG TIN GIÁO PHẬN :


- Học viện Mục vụ : Mở các lớp Học kỳ II, năm học 2013-2014 :


Thời gian nhận ghi danh (VP Học vụ KHÔNG nhận ghi danh qua E-Mail và điện thoại)

- Đợt 1 : từ thứ Hai 09/12 – thứ Ba 17/12/2013
- Đợt 2 : từ thứ Năm 26/12/2013 – thứ Năm 09/01/2014
(ngoại trừ thứ Tư, 01/01/2014, không làm việc)

Giờ làm việc:

Thứ hai đến thứ sáu :

+ Sáng : 08g00 – 11g30

+ Chiều: 14g00 – 17g30

Thứ bảy :

+ Sáng : 08g00 – 11g30

Học phí :



  • Thần học – Mục vụ : 200.000đ/Giảng khóa / Học kỳ

  • Thánh nhạc : 250.000đ/Giảng khóa / Học kỳ

  • Các lớp đàn : 700.000đ/Giảng khóa / Học kỳ (tối đa 15 học viên/lớp)

  • Anh văn : 500.000đ/ khóa (4 tháng, 2 buổi/tuần) – chưa kể tài liệu

Thi xếp lớp : (Lệ phí thi xếp lớp: 50.000đ/Học viên)

  • Đợt 1 : 10g-11g, thứ bảy 28/12/2013 tại phòng lớp A 203

  • Đợt 2 : 10g-11g, thứ bảy 4/01/2014 tại phòng lớp A 203

  • Đợt 3 : 10g-11g, thứ bảy 11/01/2014 tại phòng lớp A 203

Hồ sơ :

  • Phiếu ghi danh (Học viên cũ – mang theo Thẻ học viên khi đến ghi danh)

  • 1 ảnh 3x4 / File (nếu là Học viên mới)

  • Bản sao bằng tốt nghiệp PTTH / CĐ / ĐH (ngoại trừ Học viên các lớp Thánh Nhạc và đàn)

Hủy khóa học :

Việc chuyển đổi môn học có thể được thực hiện trước ngày khai giảng hoặc trong vòng 4 tiết học đầu tiên (1 tiết = 45 phút). Sau ngày khai giảng, học phí không được bảo lưu trong mọi trường hợp.

Khóa học :

Một khóa học có ít nhất 12 học viên. Nếu trước thời điểm khai giảng có quá ít học viên, Học viện được quyền thông báo hủy, hoặc sẽ giới thiệu một giảng khóa khác, hoặc trả lại toàn bộ tiền học phí cho học viên. Chỉ khi thời hạn ghi danh kết thúc, Học viện mới có thể xác định được số lượng học viên để có quyết định mở lớp, vì thế xin học viên vui lòng đăng ký đúng thời hạn!



VI- THÔNG TIN GIÁO XỨ :

- Chúa Nhật hôm nay 22/12/2013 : Có Cha Giuse Đỗ Quang Khả, Chánh xứ Giáo xứ Thánh Giuse, Giáo hạt Phú Thọ đến xin Quý Ông Bà và Anh Chị Em chia sẻ với Ngài trong việc xây dựng Giáo xứ. Xin Quý Ông Bà và Anh Chị Em rộng tay chia sẻ. Xin cám ơn Quý Ông Bà và Anh Chị Em.

- Thứ Ba 24/12/2013 :

+ Sáng : 5g00 Thánh Lễ như thường lệ.

+ Chiều : Không có Lễ chiều 17g45.

+ Lễ Đêm Mừng Chúa Giáng Sinh :

- 19g30 : Chuônghiệu – Chuẩn bị

- 20g00 : Hoạt cảnh canh thức Giáng Sinh.

- 20g45 : Rước Kiệu Chúa Giêsu Hài Đồng

- 21g00 : Thánh Lễ mừng Chúa Giáng Sinh

Trong Thánh Lễ, sau lời nguyện tín hữu, cộng đoàn tiến lên dâng lễ vật lên Chúa Hài Đồng “Quà Giáng Sinh cho người có hoàn cảnh khó khăn.”



- Thứ Tư 25/12/2013 : MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

+ 05g00 : Thánh Lễ rạng đông

+ 18g00 : Thánh Lễ chiều

Sau Thánh Lễ, lúc 19g00 Giáo xứ có tổ chức chương trình văn nghệ Mừng Chúa Giáng Sinh với chủ đề : Giáng Sinh Hòa Bình. Kính mời Quý Ông Bà và Anh Chị Em tham dự đông đủ.

- Thứ Sáu 27/12/2013 : Kính Thánh Gioan, Tông Đồ, Tác giả sách Tin Mừng thứ tư. Đây là Bổn Mạng của các em Thiếu Nhi Cung Thánh. Các em sẽ Mừng Lễ Bổn Mạng trọng thể vào Thánh Lễ chiều lúc 17g45. Xin Quý Ông Bà và Anh Chị Em hiệp ý cầu nguyện cho các em.

- Chúa Nhật 29/12/2013 : Lễ Kính Thánh Gia : Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse. Cầu cho Hôn nhân Gia đình, cách đặc biệt Năm nay được chọn chủ đề là Năm Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình.

Cách riêng Thánh Lễ 7g30 : Cầu cho các gia đình mừng kỷ niệm Hôn phối (25 năm và 50 năm). Các gia đình mừng kỷ niệm 25 năm và 50 năm Hôn Phối vui lòng đăng ký sớm nơi Quý Ban Chấp Hành các Giáo Khu.



- Chi phí cho việc tổ chức Đại Lễ Giáng Sinh : Chi phí này tốn kém nhiều. Xin Quý ông bà và anh chị em cũng rộng tay chia sẻ. Trực tiếp bỏ vào thùng xung quanh Nhà Thờ hoặc gởi nơi Cha xứ. Xin cám ơn Quý ông bà và anh chị em.

LỊCH CỬ HÀNH PHỤNG VỤ TRONG GIÁO XỨ :

  • Giờ Lễ : + Chúa Nhật : Sáng : 05g00 và 07g30

Chiều : 17g00 và 18g15

+ Ngày thường : Sáng : 05g00

Chiều : 17g45


  • Giải tội : Trước hoặc sau mỗi Thánh Lễ.

  • Rửa tội cho trẻ em : Lúc 08g30 Chúa Nhật đầu tháng. Xin đăng ký trước nơi Quý Vị Trưởng của mỗi Giáo khu.

  • Trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân : Buổi sáng ngày thứ sáu đầu tháng.

  • Chầu Mình Thánh Chúa :

+ Thứ tư hằng tuần : Lúc 19g45 (Giáo xứ)

+ Thứ năm đầu tháng : Lúc 17g15 (Hội Các Bà Mẹ CGiáo)

+ Thứ sáu đầu tháng : Lúc 17g15 (GĐ Phạt Tạ Thánh Tâm)

+ Thứ bảy đầu tháng : Sau Thánh Lễ chiều (Giáo xứ)

+ Chúa Nhật hằng tuần : Lúc 16g30 (Giáo xứ)

+ Phiên Chầu lượt/năm : Chúa Nhật I Mùa Chay.



  • Lần Hạt Mân Côi tại Đài Đức Mẹ Fatima :

+ Chúa Nhật, thứ hai, năm, sáu, bảy : Lúc 20g00 – 20g30

+ Thứ bảy đầu tháng : Lúc 11g00

+ Riêng mỗi ngày 13 hằng tháng có Thánh Lễ Kính Đức Mẹ trong Nhà Thờ lúc 11g00. Sau Thánh Lễ, cộng đoàn kính viếng Đức Mẹ tại Đài.


  • Đọc kinh tại Đài Thánh Giuse :

+ Thứ tư hằng tuần : Lúc 19g00 – 19g30 : Giới Gia Trưởng phụ trách.

  • Cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót :

+ Thứ sáu hằng tuần : Lúc 15g00

+ Thứ sáu đầu tháng : Lúc 15g30, có thêm Thánh Lễ Kính LCTX



  • Đọc kinh tại các Giáo Khu : Sau Thánh Lễ chiều thứ ba hằng tuần.

  • Sau Thánh Lễ chiều :

+ Thứ ba : Đọc kinh tại Đài Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

+ Thứ tư : Đọc kinh tại Đài Thánh Giuse.

+ Thứ bảy : Đọc kinh tại Núi Đức Mẹ Lộ Đức.


LƯU HÀNH NỘI BỘ




Каталог: sites -> default -> files -> Files -> 2013
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 2 MÙa vọng năm a : Lời Chúa
2013 -> GIÁo xứ TÂn trang nhà thờ thánh giuse
2013 -> BẢn tin hằng tuần số 28/2013 (Chúa Nhật 14/7/2013)
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhật chúa ba ngôi năm c
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 34 thưỜng niên năm c : LỄ chúa giêsu kitô vua vũ trụ Lời Chúa
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 31 thưỜng niên năm c : CỨu những gì ĐÃ HƯ MẤT
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 5 phục sinh năm c
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 17 thưỜng niên năm c
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 6 phục sinh năm c
2013 -> BẢn tin hằng tuần số 22/2013 (Chúa Nhật 02/6/2013)

tải về 332.41 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương