Hoạt động công chứng và thừa phát lại không "giẫm chân" nhau



tải về 52.29 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu12.01.2018
Kích52.29 Kb.
#35976

BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2014

ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 29/12 VÀ SÁNG NGÀY 30/12/2014

Trong ngày 29/12 và đầu giờ sáng ngày 30/12/2014, một số báo đã có bài phản ánh những thông tin liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Hà Nội mới có bài: Hoạt động công chứng và thừa phát lại không "giẫm chân" nhau. Bài báo phản ánh: Tại cuộc giao lưu trực tuyến "Thừa phát lại - Vai trò trong đời sống xã hội" do Báo Pháp luật và Xã hội tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đặt câu hỏi, việc lập văn bản (vi bằng) về hành vi giao nhận tiền, bàn giao nhà đất, bàn giao giấy tờ... theo yêu cầu của khách hàng do văn phòng thừa phát lại thực hiện có chồng chéo với hoạt động của văn phòng công chứng? Đại diện Tổng cục THADS khẳng định, hai hoạt động này không "giẫm chân" nhau.

Công chứng là việc công chứng viên thay mặt Nhà nước để chứng kiến và công nhận tính xác thực, hợp pháp của các văn kiện giấy tờ, các hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng tại văn phòng công chứng. Còn lập vi bằng là việc TPL lập văn bản, trong đó ghi nhận những sự kiện, hành vi mà đích thân TPL trực tiếp chứng kiến một cách trung thực, khách quan.

Như vậy, trong hoạt động công chứng, công chứng viên đưa ra xác nhận về tính xác thực, hợp pháp của các văn kiện giấy tờ, các hợp đồng dân sự; còn trong hoạt động lập vi bằng hoàn toàn không có việc đưa ra nhận định đúng, sai mà chỉ là ghi nhận sự kiện làm căn cứ cho tòa án phán xét nếu cần.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Tổng cục Thi hành án dân sự theo dõi.



2. Báo Petro Times có bài: Mang thai hộ hay đẻ thuê? Bài báo phản ánh: Bắt đầu từ năm 2015, mang thai hộ sẽ được phép thực hiện theo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa mới. Tuy nhiên, rất nhiều người đang nhầm lẫn giữa việc mang thai hộ và đẻ thuê.

Đối với người vô sinh, phải xin tinh trùng hay noãn của người khác để thụ thai (thụ tinh ống nghiệm) thì đây lại là vấn đề cần được tư vấn của các chuyên gia y tế ở những nơi được phép hỗ trợ các cặp vợ chồng cần người mang thai hộ và chuyên gia pháp lý để không xảy ra những bất trắc của việc mang thai hộ. Bộ Y tế quyết định 3 cơ sở là Viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ em (tên gọi cũ là Bệnh viện Phụ sản Trung ương), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ được phép thực hiện việc mang thai hộ.

PGS.TS Nguyễn Viết Tiến còn cho biết: “Tính tổng số ở 3 cơ sở được phép thực hiện các thủ tục, kỹ thuật mang thai hộ thì mỗi năm có khoảng 500-700 người có nhu cầu nhờ người mang thai hộ”.

Tuy nhiên, xung quanh chuyện cho phép mang thai hộ vẫn còn một số vấn đề đặt ra là: chỉ được phép mang thai hộ một lần, người mang thai hộ phải là người trong dòng họ, bảo đảm hoàn toàn tính trong sáng và nhân đạo của việc mang thai hộ… Vậy đối với điều Luật chỉ được phép mang thai hộ một lần chẳng hạn: nếu trong lần mang thai hộ duy nhất ấy nếu không được thì như thế nào? Vì mang thai để thành công không phải là chuyện đơn giản. Và hiểu rõ thực tế này, trong số những hồ sơ nhờ người mang thai hộ gửi đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhiều cặp vợ chồng đã “chuẩn bị” sẵn phương án có đến 3 người mang thai hộ, hay: Chỉ được người cùng dòng họ mang thai hộ, nếu trong dòng họ không có ai là phụ nữ thì sao… Đây là những câu hỏi mà các nhà thực hiện cũng chưa biết cách nào để giải quyết cho thấu đáo.


Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực theo dõi, đề xuất hoàn thiện thể chế.


3. Báo Hà Nội mới có bài: Cải cách việc nộp báo cáo. Bài báo phản ánh: Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp mới đây, đại diện Bộ TN-MT, Bộ KH-ĐT đã đề nghị Bộ Tư pháp cần cải cách ngay chính việc yêu cầu nộp báo cáo.

Theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, Bộ Tư pháp cần gương mẫu đi đầu, bởi tính ra mỗi năm, Bộ KH-ĐT phải làm tới 14 báo cáo về các nội dung khác nhau liên quan đến lĩnh vực pháp chế. Mà mỗi một lần làm báo cáo là phải lấy ý kiến các đơn vị trong bộ nên rất mất công sức và thời gian. Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN-MT) cũng cho rằng: "Bộ Tư pháp yêu cầu quá nhiều báo cáo trong một năm nên bộ phận pháp chế các bộ, ngành rất vất vả về công tác xây dựng báo cáo gửi về Bộ Tư pháp. Mỗi cục, vụ lại yêu cầu có báo cáo riêng, trong khi đó bộ phận pháp chế của các bộ ngành thì không nắm được hết thông tin các lĩnh vực vì vậy, lại phải có văn bản yêu cầu các đơn vị trong bộ, ngành gửi báo cáo về rồi từng đơn vị trong bộ lại phải xây dựng báo cáo để chúng tôi tổng hợp. Như vậy là riêng công văn chuyển đi chuyển lại đã nhiều và công tác tổng hợp cũng phải làm rất vất vả". Đại diện 2 bộ này kiến nghị nên cải cách theo hướng lồng các nội dung thành một báo cáo chung về các lĩnh vực, như vậy sẽ chỉ cần có 1 lần gửi công văn tới các phòng ban, sau đó, các phòng ban gửi báo cáo thì bộ phận pháp chế tổng hợp, trình lãnh đạo bộ ký; đồng thời, nên quy định định kỳ 6 tháng một lần, cùng lắm là 1 quý một lần thay vì phải liên tục làm báo cáo như hiện nay.

Cần cải cách công tác làm báo cáo là vấn đề không mới, song, đáng ngạc nhiên là lại đang tồn tại ở chính Bộ Tư pháp - bộ được giao nhiệm vụ theo dõi công tác cải cách TTHC và quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC. Còn nhớ, trước đây Bộ Nội vụ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đôn đốc các đơn vị nộp báo cáo định kỳ và các đơn vị cũng "than phiền" là phải nộp quá nhiều báo cáo. Trước thực tế đó, từ năm 2012, Bộ Nội vụ đã yêu cầu 3 tháng một lần các đơn vị địa phương thực hiện nộp báo cáo theo biểu mẫu; 6 tháng và 1 năm mới nộp báo cáo bằng văn bản. Theo đó, nhiều sở nội vụ cũng yêu cầu các quận, huyện nộp báo cáo quý bằng biểu mẫu nên đã từng bước bảo đảm việc nộp báo cáo đúng thời gian và đúng nội dung báo cáo theo quy định.

Hằng năm, khối lượng về kiểm soát TTHC rất lớn với nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Xây dựng và hoàn thiện thể chế; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC; truyền thông về kiểm soát TTHC... Nên chăng, Bộ Tư pháp cũng tính đến việc xây dựng báo cáo theo biểu mẫu và nộp định kỳ để các đơn vị dễ thực hiện, khắc phục tình trạng hiện nay.



Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Cục Kiểm soát thủ tục hành chính theo dõi.

4. Báo Điện tử Chính phủ có bài: Năm 2015, cần giải quyết nhiều văn bản nợ đọng. Bài báo phản ánh: Theo Bộ Tư pháp, đến thời điểm này, tình trạng nợ đọng văn bản đã giảm đáng kể, xuống chỉ còn 18 văn bản nhưng còn 82 văn bản quy định chi tiết thi hành 12 luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015 chưa được ban hành. Dự báo đến ngày 1/1/2015, số văn bản nợ đọng sẽ tăng lên 100 văn bản.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 206 văn bản quy định chi tiết (87 nghị định, quyết định và 119 thông tư, thông tư liên tịch). Trong đó có 71 văn bản còn nợ từ năm 2013 chuyển sang và 135 văn bản mới phát sinh trong năm 2015. Từ ngày 1/1- 27/12/2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành 106 văn bản, giải quyết được 56 văn bản nợ ban hành của năm 2013 và 50 văn bản phát sinh trong năm 2014. Số chưa ban hành là 100 văn bản, trong đó có 18 văn bản ở trong tình trạng nợ đọng - Đây là số lượng văn bản nợ đọng thấp nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, còn 82 văn bản (29 nghị định, 4 quyết định, 38 thông tư, 11 thông tư liên tịch) quy định chi tiết thi hành 12 luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015 chưa được ban hành. Đến ngày 1/1/2015, số văn bản nợ đọng sẽ tăng lên rất lớn (100 văn bản so với 71 văn bản nợ đọng đầu năm 2014).

Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2015, dự báo nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết là rất nặng. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ ngoài việc tổ chức triển khai thi hành 18 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, cần xây dựng khoảng trên 100 văn bản quy định chi tiết 18 luật này bảo đảm chất lượng, tiến độ, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Bên cạnh đó sẽ phải tổ chức triển khai thi hành và xây dựng các văn bản quy định chi tiết các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Cùng với đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân người đứng đầu để xảy ra tình trạng chậm ban hành, văn bản không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi, không phù hợp với thực tiễn gây bức xúc dư luận.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo dõi.

5. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài: Chồng bị kiện vì tự ý xài tiền chung. Bài báo phản ánh: Mâu thuẫn ở riêng, chồng rút hết tiền tiết kiệm chung ra xài, vợ kiện chồng đòi trả một nửa. Tòa tuyên vợ thắng kiện, chỉ có điều chồng không có tiền trả, tài sản chung thì chỉ có một chiếc xe máy cũ mèm. Vậy việc thi hành án sẽ diễn ra như thế nào?

Chị H. (ngụ xã An Điền, Thạnh Phú, Bến Tre) nêu trong đơn khởi kiện nộp cho TAND huyện Thạnh Phú rằng chị và anh T tổ chức cưới vào năm 2013. Theo chị H., trong thời kỳ hôn nhân, ba mẹ chồng có cho vợ chồng chị một chiếc xe máy Wave Alpha do anh T. đứng tên trên giấy tờ. Vợ chồng tiết kiệm, gói ghém dành dụm được 50 triệu đồng và thống nhất để anh T. đứng tên đem gửi ngân hàng vào ngày 7-2-2014. Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, đúng ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), anh T. đã tự ý đến ngân hàng rút hết tiền để tiêu xài riêng mà không được sự đồng ý của chị. Nay chị khởi kiện, yêu cầu anh T. phải trả cho chị 25 triệu đồng, tức phân nửa số tiền tiết kiệm chung của hai vợ chồng. Còn về hôn nhân, chị không yêu cầu tòa giải quyết vì chị còn thương anh T., muốn hàn gắn lại tình cảm vợ chồng.

Do hòa giải không thành, mới đây TAND huyện Thạnh Phú đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của chị H. Theo tòa, việc chị H. yêu cầu anh T. giao trả 25 triệu đồng là phù hợp. Bởi lẽ số tiền 50 triệu đồng là tài sản chung của hai vợ chồng, được thống nhất gửi ngân hàng. Sau đó anh T. tự ý đi rút hết và tiêu xài hết mà không được sự đồng ý của chị H. Việc làm này ảnh hưởng đến quyền lợi của chị H. nên chị H. khởi kiện yêu cầu anh T. phải trả một nửa là đúng quy định tại Điều 29, Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.

Theo đó, cơ quan THA vẫn phải tiến hành thủ tục xác minh tài sản riêng, thu nhập riêng của anh T, nếu có thì sẽ bán đấu giá để trả cho chị H. Nếu anh T. không có tài sản riêng, thu nhập riêng thì sẽ xử lý tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Theo thông tin thì ba mẹ chồng có cho anh chị một chiếc xe Wave Alpha do anh T. đứng tên chủ sở hữu nên cơ quan THA sẽ kê biên, xử lý tài sản này theo tỉ lệ mỗi người hưởng một nửa giá trị, sau đó khấu trừ phần tiền phải THA của anh T. Nếu số tiền anh T. được hưởng từ việc bán chiếc xe máy không đủ THA thì phải xử lý các tài sản chung khác như nhà, đất, đồ dùng sinh hoạt gia đình đáng giá (nếu có).

Trong trường hợp hai vợ chồng không còn tài sản chung nào khác đáng giá thì cơ quan THA không còn cách nào khác là trả đơn yêu cầu THA theo Điều 51 Luật THA dân sự. Khi nào chị H. phát hiện ra anh T. có tài sản khác hoặc vợ chồng tạo lập được tài sản khác mà chị H. yêu cầu thì cơ quan THA sẽ cho THA trở lại.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Tổng cục Thi hành án dân sự theo dõi.

II- THÔNG TIN KHÁC

1. Báo Dân trí có bài: Nhiều quy định có hiệu lực từ 1/1/2015. Bài báo phản ánh: Từ ngày 1/1/2015, nhiều Luật sửa đổi, bổ sung một số điều; nhiều Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu có hiệu lực:


- Áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới

Theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng. Cụ thể vùng 1: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng); vùng 2: 2.750.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng); vùng 3: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng) và vùng 4: 2.150.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).

Nghị định 103/2014/NĐ-CP quy định rõ người lao động đã qua học nghề, bao gồm: người đã được doanh nghiệp đào tạo hoặc tự học nghề và được kiểm tra, bố trí làm công việc yêu cầu phải qua đào tạo nghề; người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ nghề của cơ sở nước ngoài; người có chứng chỉ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề hoặc hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề và người đã được cấp bằng nghề, trung cấp nghề… theo quy định tại Luật Giáo dục 1998, Luật Giáo dục 2005 và các quy định liên quan. Mức lương của những đối tượng nêu trên phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng.

- Nghỉ ốm 14 ngày/tháng không phải đóng bảo hiểm y tế

Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2015. Theo Nghị định này, mức đóng hàng tháng của người lao động trong thời gian nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội bằng 4,5% tiền lương tháng trước khi nghỉ thai sản.

Người lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.

Người lao động bị tạm giam, tạm giữ sẽ đóng bảo hiểm y tế bằng 50% mức đóng bình thường, nếu sau khi có kết luận là không vi phạm pháp luật thì phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.



- Cho phép chuyển nhượng văn phòng công chứng

Luật Công chứng 2014 có hiệu lực từ 1/1/2015 thay thế Luật Công chứng 2006. Luật mới mở rộng thêm quyền cho công chứng viên như: quyền công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại; quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản; tăng thời gian đào tạo công chứng viên lên 12 tháng; tăng thời gian hành nghề lên 5 năm đối với thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư, đồng thời phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề trong 3 tháng mới được miễn đào tạo nghề; Tổ chức hành nghề công chứng có quyền cung cấp dịch vụ công chứng ngoài ngày, giờ làm việc hành chính nhà nước, có quyền ký hợp đồng với công chứng viên. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Đáng chú ý, Luật Công chứng 2014 cho phép được phép chuyển nhượng văn phòng công chứng.



- Phạt chủ xe chở quá tải

Theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2015, người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 100% sẽ bị phạt tiền từ 7 đến 8 triệu đồng (hiện tại cao nhất là 7 triệu). Đồng thời, phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi phát hiện vi phạm. Người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 tháng. Đáng chú ý, chủ xe ô tô để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia trên 100% sẽ bị phạt tiền từ 32-36 triệu đồng đối với tổ chức, 16-18 triệu đồng đối với cá nhân (trước đây không có quy định này).

Trường hợp tái phạm đối với cùng một phương tiện mà phương tiện đó có thùng xe không đúng theo quy định hiện hành còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và Tem kiểm định của phương tiện trong thời hạn 1 tháng. Đồng thời, phải thực hiện điều chỉnh thùng xe theo đúng quy định hiện hành và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông.

Bên cạnh các Luật, Nghị định, Quyết định nói trên, từ ngày 1/1/2015, còn một số Luật sửa đổi, bổ sung, một số Nghị định, Quyết định khác cũng có hiệu lực thi hành, như Luật sửa đổi các luật về thuế, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hải quan, Luật Đầu tư công, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật xây dựng, Luật Phá sản...


2. Báo Vnexpress có bài: Phát hiện đám cháy trong khu vực tìm kiếm máy bay AirAsia. Bài báo phản ánh: Công cuộc tìm kiếm máy bay QZ8501 của AirAsia đã nối lại trong ngày thứ ba, với phạm vi được mở rộng cả trên biển lẫn trên đất liền. Khoảng 30 tàu, 15 máy bay đã được huy động.


3. Báo Vnexpress có bài: Bí thư Đà Nẵng bác tin ông Nguyễn Bá Thanh qua đời. Bài báo phản ánh: Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ khẳng định tin đồn về "ông Nguyễn Bá Thanh qua đời tại Mỹ" những ngày qua là không đúng. Nhiều người thân cận khác cho hay ông đã qua cơn nguy kịch.

Trên đây là thông tin báo chí trong ngày 29/12 và đầu giờ sáng ngày 30/12/2014, Văn phòng Bộ xin báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo./.



Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Các Thứ trưởng (để báo cáo);

- Lưu: LTQHCC.



VĂN PHÒNG BỘ





Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 52.29 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương