Hướng dẫn áp dụng Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước



tải về 63.31 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích63.31 Kb.
#24032


Hướng dẫn áp dụng Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả

thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Cục Bồi thường nhà nước – Bộ Tư pháp

Thực hiện Quyết định số 634/QĐ-BTP ngày 22/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Quyết định số 634/QĐ-BTP), Cục Bồi thường nhà nước hướng dẫn áp dụng Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN).



I. Triển khai áp dụng Bộ Tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 634/QĐ-BTP (Bộ tiêu chí)

1. Đối tượng

Khoản 1 Điều 11 Luật TNBTCNN quy định Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án. Do đó, Bộ tiêu chí được áp dụng đối với cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự trung ương và địa phương. Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường ngày 18/9/2015, trong năm 2015, việc áp dụng Bộ tiêu chí được thực hiện đối với cơ quan tư pháp địa phương (Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố).



2. Phạm vi

Quyết định số 634/QĐ-BTP được ban hành để áp dụng đối với hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả áp dụng thí điểm Bộ tiêu chí, đa số các Cục Thi hành án dân sự cho rằng việc áp dụng Bộ tiêu chí trong hoạt động thi hành án dân sự là không phù hợp. Bởi lẽ, Cục Thi hành án dân sự chỉ thực hiện 02/09 nội dung quản lý nhà nước về công tác bồi thường là theo dõi và đôn đốc hoạt động giải quyết bồi thường. Đối với 07/09 nội dung quản lý nhà nước về công tác bồi thường còn lại, chủ yếu do Cục Bồi thường nhà nước thực hiện. Vì vậy, nếu tiếp tục áp dụng Bộ tiêu chí tại các cơ quan thi hành án dân sự, chỉ phản ánh một phần nhỏ hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN. Từ đó dẫn đến kết quả đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN đối với hoạt động thi hành án dân sự là không đầy đủ theo yêu cầu của Bộ tiêu chí.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường ngày 18/9/2015, trong năm 2015, Bộ tiêu chí được áp dụng trong hoạt động quản lý hành chính trên phạm vi toàn quốc.

3. Cách thức

Căn cứ vào mục đích, yêu cầu áp dụng Bộ tiêu chí và kinh phí được giao thực hiện hoạt động này, Cục Bồi thường nhà nước tổ chức 01 Hội nghị tập huấn, hướng dẫn các cơ quan thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN. Đồng thời, xây dựng tài liệu hướng dẫn để đăng tải trên Trang tin thông tin về Bồi thường nhà nước – Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Trên cơ sở các tài liệu hướng dẫn, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc thu thập thông tin, số liệu làm căn cứ thực hiện việc tự đánh giá chấm điểm theo Bộ tiêu chí và Bảng chấm điểm ban hành kèm theo Quyết định số 1740/QĐ-BTP ngày 08/7/2013 về việc ban hành Bảng chấm điểm đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN (Quyết định số 1740/QĐ-BTP). Trên cơ sở các tài liệu thu thập được, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm và xây dựng Báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN. Sau khi hoàn thiện Báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố gửi Báo cáo cũng như các tài liệu kiểm chứng về Cục Bồi thường nhà nước để tổng hợp. Cục Bồi thường nhà nước trên cơ sở tổng hợp Báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm của địa phương, rà soát đối chiếu với báo cáo định kỳ, đột xuất của năm 2015, xây dựng báo cáo kết quả áp dụng Bộ tiêu chí, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt.



II. Hướng dẫn triển khai áp dụng Bộ tiêu chí

Để việc triển khai áp dụng Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) được thực hiện theo một quy trình và phương pháp thống nhất, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố căn cứ vào Chương III và Chương IV Bộ tiêu chí để triển khai áp dụng tại đơn vị, địa phương mình. Để giúp các đơn vị thực hiện đúng quy trình đánh giá, Cục Bồi thường nhà nước tóm lược các bước mà Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố cần thực hiện để đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN, cụ thể như sau:

Quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN được thực hiện thông qua các bước chủ yếu sau đây:

1. Sở Tư pháp tự đánh giá, chấm điểm

Để giúp Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố triển khai áp dụng Bộ tiêu chí một cách thống nhất, Cục Bồi thường nhà nước đã xây dựng tài liệu hướng dẫn và tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai áp dụng Bộ tiêu chí tại thành phố Hải Phòng, với thành phần mời tham gia là 27 tỉnh, thành phố phía bắc. Đối với các đơn vị không được tham dự Hội nghị, Cục Bồi thường nhà nước sẽ đăng tải tài liệu hướng dẫn trên Trang thông tin về Bồi thường nhà nước trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Đồng thời, có văn bản đề nghị các đơn vị thực hiện việc đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở hướng dẫn của Cục Bồi thường nhà nước, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố sẽ triển khai áp dụng Bộ tiêu chí tại địa phương mình theo quy trình được hướng dẫn dưới đây. Trong trường hợp các đơn vị gặp khó khăn trong quá trình triển khai áp dụng, đề nghị các đơn vị kịp thời liên hệ với Cục Bồi thường nhà nước để được hướng dẫn, giải đáp (chi tiết xin liên hệ đ/c Trần Thị Thu Hằng – chuyên viên Phòng Chính sách – Pháp luật, Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp. Điện thoại: 04.62739762).



a) Phân công thực hiện

Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố (cơ quan tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ bồi thường nhà nước) phân công công chức thực hiện việc thu thập thông tin làm căn cứ cho việc đánh giá, chấm điểm.



b) Thu thập tài liệu phục vụ cho việc tự đánh giá, chấm điểm

Về thời điểm chốt số liệu thống kê để đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN, hiện nay, có hai văn bản cùng điều chỉnh vấn đề này là Thông tư số 03/2013/TT-BTP ngày 31/01/2013 hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và Thông tư số 20/2013/TT-BTP ngày 03/12/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp (Thông tư số 20), với thời điểm chốt số liệu thống kê khác nhau. Ngày 29/9/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 13/2015/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2013/TT-BTP ngày 31/01/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/11/2015. Theo đó, thời điểm chốt số liệu để làm căn cứ đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN được tính từ ngày 01/10/2014 đến ngày 30/9/2015. Như vậy, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố thu thập tài liệu (kế hoạch, báo cáo, tài liệu tập huấn, công văn hướng dẫn nghiệp vụ, ...) liên quan đến bồi thường nhà nước để làm căn cứ cho việc tự đánh giá, chấm điểm trong khoảng thời gian từ ngày 01/10/2014 đến ngày 30/9/2015.

Việc thu thập các tài liệu kiểm chứng để chứng minh cho tính khách quan của điểm tự đánh giá, chấm điểm. Đồng thời các đơn vị phải tự chịu trách nhiệm về tính sát thực trong việc đánh giá của mình. Tùy theo tiêu chí đánh giá mà tài liệu kiểm chứng có thể là kế hoạch tập huấn, tài liệu tập huấn, bài báo đưa tin về việc tổ chức các lớp tập huấn, hồ sơ giải quyết bồi thường đối với các vụ việc (nếu có) báo cáo kết quả giải quyết bồi thường, công văn hướng dẫn nghiệp vụ, báo cáo kết quả kiểm tra .... Đối với trường hợp mà việc tập hợp, gửi các tài liệu kiểm chứng gặp khó khăn, các đơn vị có thể giải trình cho điểm mà đơn vị tự đánh giá, chấm điểm. Tuy nhiên, việc giải trình phải bảo đảm các yếu tố chính xác, đầy đủ và thuyết phục.

Trường hợp các đơn vị không có tài liệu kiểm chứng cũng như không có giải trình cho điểm tự đánh giá, thì điểm tự đánh giá của đơn vị sẽ không được chấp nhận.

Thời gian thực hiện việc phân công và thu thập tài liệu phục vụ cho việc đánh giá, chấm điểm được thực hiện trước ngày 30/10/2015.

c) Tự đánh giá, chấm điểm

Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm và điền kết quả vào Phụ lục kèm theo hướng dẫn này (Phụ lục về Bảng chấm điểm).



* Nguyên tắc chấm điểm

Việc tự đánh giá, chấm điểm của các Sở Tư pháp được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc sau đây:



Thứ nhất, trên cơ sở rà soát kết quả công tác của đơn vị từ ngày 01/10/2014 đến hết ngày 30/9/2015 (Việc áp dụng thời điểm chốt số liệu này, nhằm bảo đảm tính thống nhất của thời điểm chốt số liệu với hoạt động thi hành án và tố tụng. Đồng thời, để kịp thời có thông tin, số liệu để xây dựng báo cáo giúp Chính phủ, trình Quốc hội), các đơn vị đối chiếu các tiêu chí tương ứng với phần kết quả mà đơn vị đã thực hiện được. Đồng thời, ghi chú rõ theo từng tiêu chí các tài liệu mà đơn vị đã căn cứ vào để thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm đó. Ví dụ: đối với tiêu chí số 1 về tính kịp thời trong việc xây dựng Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật. Trường hợp tại đơn vị việc ban hành kế hoạch được thực hiện trước ngày 01/3 hàng năm, điểm tự chấm của đơn vị sẽ là 03 điểm. Như vậy, điểm tự chấm của đơn vị tại điểm a.1 mục a phần 1.1 tiêu chí số 1 là 03 điểm/06 điểm. Để chứng minh cho việc đánh giá đó là sát thực, đồng thời được cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường công nhận 03 điểm đó, đề nghị đơn vị ghi chú rõ số, ngày, nội dung của kế hoạch đó, đồng thời tổng hợp, gửi kèm theo báo cáo kết quả đánh giá, chấm điểm về Cục Bồi thường nhà nước.

Thứ hai, đối với các tiêu chí mà UBND các tỉnh, thành phố không có chức năng thực hiện (tiêu chí về xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành và tiêu chí về hiệu quả giải đáp vướng mắc về việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước) và tiêu chí đánh giá phải thực hiện thông qua kết quả điều tra/ khảo sát (khoản b tiêu chí thành phần 1.2 tiêu chí 1; điểm a.1 khoản a tiêu chí thành phần 4.1 tiêu chí 4 Bảng chấm điểm), đề nghị các Sở Tư pháp không chấm điểm cho tiêu chí đó. Như vậy, điểm tối đa mà Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố chấm là 346 điểm.

Thứ ba, Đối với Tiêu chí 2 về chất lượng, hiệu quả của hoạt động giải quyết bồi thường, việc tự đánh giá, chấm điểm thực hiện như sau:

- Trường hợp có phát sinh 01 vụ việc giải quyết bồi thường thì các Sở Tư pháp thực hiện tự đánh giá, chấm điểm theo các tiêu chí và tiêu chí thành phần trong Bảng chấm điểm ban hành kèm theo Phụ lục số I.

- Trường hợp có phát sinh từ 02 vụ việc giải quyết bồi thường trở lên thì đối với Tiêu chí về chất lượng, hiệu quả của hoạt động giải quyết bồi thường, điểm của Tiêu chí này được tính trên cơ sở trung bình cộng của các điểm đánh giá của các vụ việc.

Ví dụ: Tỉnh H có 02 vụ việc giải quyết bồi thường. Tiêu chí thành phần về Thủ tục thụ lý đơn yêu cầu bồi thường đối với vụ việc thứ nhất được 2 điểm, đối với vụ việc thứ hai được 0 điểm. Như vậy điểm tại mục này được tính là điểm trung bình cộng của 2 vụ việc ((2+0):2=1).

- Trường hợp không phát sinh vụ việc giải quyết bồi thường thì điểm tại Tiêu chí 2 về chất hiệu quả của hoạt động giải quyết bồi thường, việc tự đánh giá, chấm điểm thực hiện trên cơ sở kết quả điểm tự đánh giá, chấm điểm của Tiêu chí 1 về tổ chức triển khai thi hành pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Tiêu chí 3 về hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường, cụ thể như sau:



Tiêu chí 1

Tiêu chí 3

Từ 50 đến

68 điểm

Từ 30 đến

dưới 50 điểm

Từ 0 đến

dưới 30 điểm

Từ 70 đến 88 điểm

100 điểm

80 điểm

50 điểm

Từ 50 đến

dưới 70 điểm

80 điểm

60 điểm

40 điểm

Từ 0 đến

dưới 50 điểm

50 điểm

40 điểm

30 điểm

Ví dụ 1: Tại tỉnh C không có vụ việc yêu cầu bồi thường và điểm số tại Tiêu chí 1 về tổ chức triển khai thi hành pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được 52 điểm và điểm số tại Tiêu chí 3 về hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường được 71 điểm thì số điểm tại Tiêu chí về chất lượng, hiệu quả của hoạt động giải quyết bồi thường được 100 điểm.

Ví dụ 2: Tỉnh G không có vụ việc yêu cầu bồi thường và điểm số tại Tiêu chí 1 về hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường được 48 điểm và điểm số tại Tiêu chí 3 về hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường được 42 điểm thì số điểm tại Tiêu chí về chất lượng, hiệu quả của hoạt động giải quyết bồi thường là 40 điểm.

* Các tiêu chí được sử dụng để đánh giá, chấm điểm

Việc đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN được thực hiện trên cơ sở Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, tuy nhiên, các đơn vị chỉ thực hiện việc đánh giá đối với các tiêu chí có phạm vi liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, cụ thể các tiêu chí sau đây:

Tiêu chí số 1: tiêu chí thành phần số 1 (triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước), tiêu chí thành phần số 2 (khả năng tiếp cận thông tin pháp luật của cá nhân, tổ chức) và tiêu chí thành phần số 3 (các điều kiện bảo đảm thi hành pháp luật);

Tiêu chí số 2: tiêu chí thành phần số 1 (chất lượng của hoạt động giải quyết bồi thường), tiêu chí thành phần số 2 (tính kịp thời trong hoạt động giải quyết bồi thường và chi trả tiền bồi thường);

Tiêu chí số 3: tiêu chí thành phần số 1 (triển khai tập huấn, bồi dưỡng các văn bản pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước), tiêu chí thành phần số 2 (hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường), tiêu chí thành phần số 3 (hiệu quả trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường), tiêu chí thành phần số 4 (hiệu quả hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường thuộc thẩm quyền) và tiêu chí thành phần số 5 (nắm bắt tình hình công tác bồi thường nhà nước);

Tiêu chí số 4: tiêu chí thành phần số 1 (chuyển biến về nhận thức, ý thức và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức do tác động của Luật TNBTCNN), tiêu chí thành phần số 2 (chuyển biến về chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước do tác động của Luật TNBTCNN).

Các tiêu chí đánh giá nêu trên tương ứng với khoản 1 đến khoản 3 Điều 5, Điều 6, khoản 1 đến khoản 5 Điều 7 và Điều 8 Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá.

* Bảng chấm điểm

Trên cơ sở Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá được ban hành kèm theo Quyết định số 634/QĐ-BTP, Cục Bồi thường nhà nước đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp ký ban hành Quyết định số 1740/QĐ-BTP. Bảng chấm điểm được xây dựng trên cơ sở chi tiết hóa các tiêu chí và tiêu chí thành phần quy định tại Chương II Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, đồng thời gắn với từng tiêu chí, tiêu chí thành phần là số cơ số điểm xác định.

Bảng chấm điểm gồm 05 loại điểm: (i) Điểm tối đa; (ii) điểm tự đánh giá; (iii) điểm đánh giá từ phía cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp; (iv) điểm đánh giá của cơ quan quản lý; (v) tổng điểm. Các loại điểm này được hiểu cụ thể như sau:

- Điểm tối đa: là số điểm cao nhất được các đối tượng chấm cho từng cột điểm.

- Điểm tự đánh giá: là điểm do Sở Tư pháp tự đánh giá.

- Điểm đánh giá từ phía cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp: là điểm đánh giá của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thông qua khảo sát/ điều tra hoặc phỏng vấn về các tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN. Để thu thập thông tin, số liệu, ý kiến đánh giá để chấm điểm điểm đánh giá này, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố được lựa chọn áp dụng phải bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, qua phản ánh của các Sở Tư pháp đã được triển khai áp dụng thí điểm trong năm 2013 và năm 2014, việc bố trí kinh phí để triển khai nhiệm vụ này là rất khó khăn, đồng thời, cần có văn bản hướng dẫn từ đầu năm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để trên cơ sở đó, các địa phương có căn cứ để xây dựng dự toán, xin cấp kinh phí cho hoạt động này. Trong năm 2014, Cục Bồi thường nhà nước sẽ không đánh giá điểm này, do đó, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố được lựa chọn áp dụng không triển khai khảo sát/ điều tra để thu thập thông tin, đánh giá điểm từ phía cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

- Điểm đánh giá của cơ quan quản lý: là điểm do Cục Bồi thường nhà nước chấm trên cơ sở điểm đối chiếu giữa thông tin, số liệu của các báo cáo định kỳ, đột xuất gửi về Cục Bồi thường nhà nước với báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố được áp dụng thí điểm cùng với các tài liệu kiểm chứng gửi kèm.

- Tổng điểm: là trung bình cộng của 03 điểm: điểm tự đánh giá; điểm đánh giá từ phía cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp; điểm đánh giá của cơ quan quản lý. Trường hợp không có điểm đánh giá từ phía cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, tổng điểm là điểm trung bình cộng của 02 điểm: điểm tự đánh giá và điểm đánh giá của cơ quan quản lý. Trong năm 2015, do không chấm điểm đánh giá từ phía cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thông qua hoạt động khảo sát, nên tổng điểm là trung bình cộng của 02 điểm: điểm tự đánh giá của đơn vị (Sở Tư pháp) và điểm đánh giá của cơ quan quản lý (Cục Bồi thường nhà nước).

Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trên cơ sở Bảng chấm điểm (theo phụ lục về Bảng chấm điểm kèo theo hướng dẫn này), thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm cho từng tiêu chí, tiêu chí thành phần; đồng thời, cho điểm tương ứng với các tài liệu kiểm chứng hoặc giải trình của đơn vị. Để thống nhất việc tính tổng điểm đánh giá, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố chỉ thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm của cơ quan, đơn vị mình mà không tổ chức khảo sát/ điều tra để thu thập thông tin thực hiện việc chấm điểm, đánh giá từ phía cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

* Thời điểm hoàn thành

Thời gian thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm được thực hiện trước ngày 30/11/2015.

* Lưu ý: Trường hợp trên địa bàn có phát sinh vụ việc phải giải quyết bồi thường, Sở Tư pháp chủ động phối hợp với Sở, ngành hoặc Ủy ban nhân dân đã giải quyết bồi thường đề nghị báo cáo kết quả giải quyết vụ việc theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 3/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN, để có tài liệu đánh giá, chấm điểm cho tiêu chí này.

d) Xây dựng Báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm và gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp

Sau khi thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần quy định trong Bảng chấm điểm, các đơn vị xây dựng Báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm (theo mẫu Báo cáo ban hành kèm theo Quyết định số 634/QĐ-BTP) gửi về Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp để tổng hợp.

Báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm cùng các tài liệu kiểm chứng phải được gửi về Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp chậm nhất là ngày 15/11/2015. Quá thời hạn nêu trên (tính từ ngày trên dấu bưu phẩm) mà các đơn vị không gửi Báo cáo, tài liệu kiểm chứng, Cục Bồi thường nhà nước sẽ không tổng hợp kết quả tự đánh giá, chấm điểm của cơ quan, đơn vị.

2. Tổng hợp các báo cáo của địa phương và xây dựng Báo cáo kết quả áp dụng Bộ tiêu chí

Căn cứ vào báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm do các Sở Tư pháp gửi về Cục Bồi thường nhà nước, Cục Bồi thường nhà nước sẽ xem xét và đánh giá tính sát thực của điểm tự đánh giá của các đơn vị thông qua các tài liệu kiểm chứng, giải trình hoặc đối chiếu thông tin, số liệu với các báo cáo định kỳ, đột xuất. Đối với các đơn vị có gửi báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm về Cục Bồi thường nhà nước nhưng không gửi kèm các tài liệu kiểm chứng hoặc giải trình cụ thể về điểm tự đánh giá, chấm điểm, Cục Bồi thường nhà nước sẽ không chấm điểm cho tiêu chí, tiêu chí thành phần đó. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo và tài liệu kiểm chứng, Cục Bồi thường nhà nước xây dựng dự thảo báo cáo kết quả áp dụng và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt.

Trường hợp có vướng mắc trong quá trình tổng hợp, đánh giá, Cục Bồi thường nhà nước sẽ liên hệ trực tiếp với đơn vị để trao đổi. Vì vậy, đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố khi gửi Báo cáo và tài liệu kiểm chứng, cung cấp thông tin về đầu mối được giao việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ này tại đơn vị để thuận tiện trong việc liên hệ, trao đổi.

4. Một số lưu ý trong quá trình triển khai áp dụng Bộ tiêu chí

a) Về bộ công cụ

Bên cạnh Bộ tiêu chí và Bảng chấm điểm, Cục Bồi thường nhà nước đã nghiên cứu, xây dựng một bộ công cụ, gồm 03 mẫu phiếu khảo sát, nội dung phỏng vấn và biểu mẫu tổng hợp điểm đánh giá. Tuy nhiên, để bảo đảm căn cứ đánh giá thống nhất giữa các Sở Tư pháp, việc áp dụng Bộ tiêu chí sẽ được triển khai trên cơ sở kết quả tự đánh giá, chấm điểm của các Sở Tư pháp và điểm đánh giá của Cục Bồi thường nhà nước. Vì vậy, các Sở Tư pháp không sử dụng bộ công cụ này để triển khai áp dụng Bộ tiêu chí.



b) Về công tác phối hợp

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa ra kết quả chính xác, kịp thời là công tác phối hợp trong việc đánh giá, chấm điểm. Vì vậy, bên cạnh công tác phối hợp giữa các cá nhân, đơn vị tại Sở Tư pháp, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn tỉnh, thành phố, cũng như phối hợp với Cục Bồi thường nhà nước để trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai./.






tải về 63.31 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương