HƯỚng dẫn môn học lịch sử nhà NƯỚc và pháp luật bình dưƠNG, NĂM 2014



tải về 193.94 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích193.94 Kb.
#19406
  1   2   3
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÌNH DƯƠNG




HƯỚNG DẪN

MÔN HỌC LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT

BÌNH DƯƠNG, NĂM 2014

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN

MÔN LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT BAO GỒM

  1. Nội dung 15 bài ghi âm

  2. Đĩa thu âm nội dung bài giảng

  3. Sổ đánh giá tự học


PHÂN ĐOẠN 1

Lời đầu tiên tôi xin gởi lời chào thân thương đến các học viên của hệ chương trình đào tạo từ xa của trường Đại học Bình Dương, chuyên ngành luật.

Trong chương trình học hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về môn học lịch sử nhà nước và pháp luật nói chung. Hiện nay tại các trường đại học hay chuyên ngành luật của một số trường đại học có hai môn học: một là môn lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, hai là môn lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam. Trong phạm vi môn học này, chúng ta sẽ tìm hiểu một phần về lịch sử nhà nước và pháp luật trên thế giới và một phần về lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam. Riêng về phần lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam chúng ta không tìm hiểu sâu chi tiết, chỉ tìm hiểu một số nội dung có liên quan đến lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới.

Về phần tài liệu học tập, các bạn tìm đọc Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới và Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam của Trường đại học luật TP.HCM.

Sau đây chúng ta sẽ đi tìm hiểu chi tiết về môn học này.

Trong môn học này chúng ta sẽ nghiên cứu về nguồn gốc, quá trình hình thành, đặc điểm của nhà nước và pháp luật nói chung. Nghĩa là sẽ có hai đối tượng mà môn học này sẽ nghiên cứu đề cập đến, đó là nhà nước và pháp luật. Bên cạnh đó, chúng ta cũng tìm hiểu một số kiểu nhà nước và pháp luật mà xã hội loài người đã trải qua cũng như hiện nay còn đang tồn tại.

Phương pháp nghiên cứu đối với môn học này tùy thuộc vào góc độ nhận thức của mỗi người. Trong phạm vi bài giảng này, việc nghiên cứu sẽ chia ra thành hai phần riêng biệt. Đó là phần về nhà nước và phần về pháp luật. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết từng nội dung.

Phần 1 chúng ta sẽ tìm hiểu về NHÀ NƯỚC

Chương 1: Chúng ta sẽ tìm hiểu về Nguồn gốc, quá trình hình thành nhà nước. Đặc điểm của nhà nước. Các kiểu nhà nước trong xã hội loài người.


  1. Nguồn gốc, quá trình hình thành nhà nước.

Trong phần một này chúng ta sẽ tìm hiểu về nguồn gốc và quá trình hình thành nhà nước. Chúng ta cũng cần hiểu rõ hơn về hai khía cạnh này. Nguồn gốc là chúng ta tìm hiểu về cội nguồn, cái gì hình thành nên nhà nước. Còn về quá trình hình thành là chúng ta tìm hiểu về quy trình, tiến trình hay những bước phát triển của xã hội để hình thành nên nhà nước.

  1. Về nguồn gốc nhà nước

Từ thời kỳ xa xưa, con người mà cụ thể là các nhà tư tưởng-xã hội đã tiếp cận và đưa ra những kiến giải khác nhau về nguồn gốc của nhà nước. Các nhà tư tưởng theo thuyết thần học cho rằng: Thượng đế là người sắp đặt trật tự xã hội, do đó nhà nước là do thượng đế sáng tạo ra để bảo vệ trật tự chung trong xã hội.

Các nhà tư tưởng theo thuyết gia trưởng thì cho rằng nhà nước là kết quả của sự phát triển của gia đình, là hình thức tổ chức tự nhiên của cuộc sống con người, vì vậy nhà nước có trong mọi xã hội và quyền lực nhà nước về bản chất cũng giống như quyền gia trưởng của người đứng đầu gia đình.

Còn các học giả tư sản ( ở thế kỷ 16, 17, 18) theo thuyết khế ước xã hội, lại cho rằng nhà nước ra đời là dưới hình thức một khế ước, là sản phẩm của một khế ước (hợp đồng) được ký kết giữa những người sống trong trạng thái tự nhiên không có nhà nước. Do đó, nhà nước phản ánh lợi ích của các thành viên trong xã hội và mỗi thành viên đều có quyền yêu cầu nhà nước phục vụ họ, bảo vệ lợi ích của họ.

Ngược lại, các học giả tư sản theo thuyết bạo lực thì cho rằng nhà nước xuất hiện trực tiếp từ các cuộc chiến tranh xân lược chiếm đất, là việc sử dụng bạo lực của thị tộc này đối với thị tộc khác mà kết qủa là thị tộc chiến thắng đặt ra một hệ thống cơ quan đặc biệt – nhà nước – để nô dịch kẻ chiến bại.

Ngoài ra, một số học giả tư sản theo thuyết tâm lý thì giải thích nhà nước xuất hiện do nhu cầu về tâm lý của con người nguyên thủy luôn muốn phụ thuộc vào các thủ lĩnh, giáo sĩ, tù trưởng… nghĩa là nhà nước là tổ chức của những siêu anh hùng, người của trời, của siêu nhân có sứ mạng là lãnh đạo xã hội và được những người nguyên thủy sùng kính.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin thì nhà nước không phải là những hiện tượng xã hội vĩnh cửu và bất biến. Nhà nước chỉ xuất hiện khi xã hội loài người đã phát triển đến một giai đoạn nhất định. Nó luôn vận động, phát triển và sẽ tiêu vong khi những điều kiện khách quan cho sự tồn tại và phát triển của nó không còn nữa. Xã hội loài người đã trải qua năm hình thái kinh tế-xã hội là cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa (tư sản) và xã hội chủ nghĩa (cộng sản hiện đại). Nhà nước xuất hiện từ sự tan rã của chế độ cộng sản nguyên thủy. Nhà nước chỉ xuất hiện khi trong xã hội đã tồn tại chế độ tư hữu và có sự phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng. Nhà nước là sản phẩm tất yếu những đối kháng giai cấp không thể điều hòa được.



  1. Về quá trình hình thành nhà nước

Như đã nói ở trên, xã hội loài người đã trải qua năm hình thành kinh tế xã hội. Trong hình thái kinh tế xã hội đầu tiên là cộng sản nguyên thủy thì xã hội chưa có giai cấp và đấu tranh giai cấp nên nhà nước chưa hình thành. Tuy nhiên, chính trong hình thái kinh tế xã hội này những mầm mống để hình thành nhà nước đã xuất hiện, khi xuất hiện những điều kiện để cho hình thái kinh tế xã hội này tan rã thì cũng chính là lúc nhà nước xuất hiện. Vì vậy, việc tìm hiểu về xã hội cộng sản nguyên thủy sẽ là cơ sở để giải thích nguyên nhân, quá trình hình thành nhà nước.

Trong chế độ cộng sản nguyên thủy thì cơ sở kinh tế của nó là chế độ sở hữu chung về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động. Do trình độ của lực lượng sản xuất thấp kém, công cụ lao động thô sơ, con người chưa có nhận thức đầy đủ về thiên nhiên và bản thân mình nên luôn sống trong tình trạng hoảng sợ và bất lực trước những quy luật tự nhiên của thiên nhiên, cho nên con người không thể sống riêng biệt mà phải sống dựa vào nhau, cùng chung sống, cùng hưởng thụ những thành quả lao động chung. Cũng chính vì vậy mà sự cùng hưởng thụ những thành quả lao động được đặc trưng bằng nguyên tắc bình quân. Mọi người đều bình đẳng trong lao động và hưởng thụ, không ai có tài sản riêng, không có người giàu kẻ nghèo, không có tình trạng người này chiếm đoạt tài sản của ngước khác.

Trong chế độ cộng sản nguyên thủy thì đã tồn tại sự phân công lao động nhưng chỉ là sự phân công lao động tự nhiên giữa đàn ông và đàn bà, giữa người già và trẻ nhỏ…để thực hiện các công việc khác nhau chứ chưa mang tính xã hội, tính giai cấp.

Trong chế độ cộng sản nguyên thủy tế bào cơ sở của xã hội là thị tộc, không phải là gia đình nhỏ. Thị tộc là một tổ chức lao động và sản xuất, một đơn vị kinh tế xã hội, được hình thành do kết quả cộng cư ổn định của những nhóm người cùng huyết thống. Thị tộc được tổ chức theo huyết thống. Ở giai đoạn đầu, do những điều kiện về kinh tế, xã hội, hôn nhân và đặc biệt là xác định theo dòng máu người mẹ nên thị tộc được tổ chức theo chế độ mẫu hệ. Dần dần, sự phát triển của công cụ lao động, lực lượng lao động đã làm thay đổi quan hệ trong đời sống hôn nhân của thị tộc. Người đàn ông đã giữ vai trò chủ đạo trong đời sống thị tộc và chế độc thị tộc mẫu hệ đã chuyển thành chế độ thị tộc phụ hệ.

Mặc dù trong xã hội cộng sản nguyên thủy có tự do và bình đẳng thực sự, xã hội được tổ chức rất đơn giản nhưng đã tồn tại quyền lực và hệ thống quản lý các công việc của thị tộc. Tuy nhiên, quyền lực ở đây mới chỉ là quyền lực xã hội, chưa mang tính giai cấp và hệ thống quản lý xã hội hết sức đơn giản bao gồm: Hội đồng thị tộc, tù trưởng và các thủ lĩnh quân sự.

Hội đồng thị tộc là tổ chức quyền lực cao nhất của thị tộc, trong đó mọi người lớn tuổi không phân biệt đàn ông hay đàn bà đều là thành viên của hội đồng thị tộc. Hội đồng thị tộc có quyền quyết định tất cả các vấn đề quan trọng của thị tộc như tổ chức lao động sản xuất, tiến hành chiến tranh, các nghi lễ tôn giáo, giải quyết các tranh chấp nội bộ… Các quyết định của hội đồng thị tộc thể hiện ý chí chung của tất cả mọi thành viên, các thành viên có quyền bàn bạc dân chủ và cùng đưa ra những quyết định tập thể một cách bình đẳng. Quyết định đó có tính chất bắt buộc chung đối với mọi người, mọi người có trách nhiệm tự giác chấp hành. Mặc dù trong thị tộc chưa có các tổ chức cưỡng chế đặc biệt như tòa án, cảnh sát… nhưng quyết định đó vẫn được đảm bảo dưới hình thức cưỡng chế cộng đồng. Nghĩa là người vi phạm sẽ bị đưa ra trước cộng đồng thị tộc để phán xét, họ có thể bị giết chết hay bất kỳ hình thức xử phạt nào đó do cộng đồng thị tộc biểu quyết nêu ra.

Hội đồng thị tộc bầu ra người đứng đầu thị tộc như tù trưởng, thủ lĩnh quân sự,… để thực hiện quyền lực và quản lý các công việc chung của thị tộc.

Thị tộc là một cộng đồng xã hội độc lập nhưng cùng với sự phát triền của xã hội, do nhiều yếu tố khác nhau tác động, trong đó có sự tác động của chế độ ngoại tộc hôn, đã đòi hỏi các thị tộc phải mở rộng các quan hệ với các thị tộc khác, dẫn đền sự xuất hiện của các bào tộc, bộ lạc và liên minh bộ lạc.

Bào tộc là liên minh gồm nhiều thị tộc hợp lại. Tổ chức quyền lực của bào tộc thể hiện sự tập trung cao hơn thị tộc, đó là hội đồng bào tộc. Hội đồng bào tộc bao gồm các tù trưởng, thủ lĩnh quân sự của các thị tộc hợp lại. Mặc dù phần lớn các công việc trong bào tộc vẫn do hội nghị tất cả các thành viên của bào tộc quyết định, nhưng trong nhiều trường hợp chỉ do hội đồng bào tộc quyết định.

Bộ lạc bao gồm nhiều bào tộc hợp lại với nhau. Tổ chức quyền lực của bộ lạc cũng giống như của thị tộc và bộ lạc, cũng vẫn mang tính chất xã hội, chưa mang tính giai cấp.

Khi xã hội phát triển thì cũng là lúc những mầm mống tan rã của chế độ cộng sản nguyên thủy xuất hiện. Lịch sử đã trải qua 03 lần phân công lao động xã hội lớn mà mội lần xã hội lại có những bước tiến mới làm sâu sắc thêm quá trình tan rã của chế độ cộng sản nguyên thủy.

Lần phân công lao động thứ nhất, chăn nuôi trở thành ngành kinh tế độc lập tách khỏi trồng trọt. Sau lần phân công lao động này, xã hội đã có những biến đổi sâu sắc. Con người đã tạo ra nhiều của cải hơn mức cần thiết để duy trì cuộc sống của chính bản thân họ. Do đó xuất hiện những sản phẩm dư thừa và nảy sinh khả năng chiếm đoạt những sản phẩm dư thừa ấy. Xã hội bắt đầu xuất hiện chế độ tư hữu, bắt đầu xuất hiện kẻ giàu người nghèo.

Lần phân công lao động thứ hai, thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp. Sự phân công lao động lần thứ hai này đã đẩy nhanh quá trình phân hóa xã hội, làm cho sự phân biệt kẻ giàu người nghèo, giữa chủ nô là nộ lệ ngày càng sâu sắc, mâu thuẫn ngày càng gia tăng.

Lần phân công lao động thứ ba, buôn bán phát triển và thương nghiệp ra đời. Lần phân công này xuất hiện một gia cấp không còn tham gia vào sản xuất nữa, mà chỉ làm công việc trao đổi sản phẩm, đó là giai cấp thương nhân.

Qua ba lần phân công lao động, những yếu tố mới xuất hiện đã làm đảo lộn đới sống thị tộc, chế độ thị tộc tỏ ra bất lực. Đứng trước những biến đổi đó, những cộng động thị tộc vốn là những tổ chức khép kín và có đặc quyền không thể đứng vững được.

Nếu như trước kia thị tộc là tế bào cơ sở của xã hội thì nay gia đình nhỏ tách ra khỏi thị tộc và trở thành đơn vị kinh tế độc lập, công xã nông thôn xuất hiện thay thế công xã thị tộc. Những chuyển biến đã khiến xã hội phân hóa thành các nhóm người khác nhau: nhóm nhứ nhất là các gia đình quý tộc, thương nhân và tăng lữ giàu có; nhóm thứ hai bao gồm đông đảo gia đình nông dân, thợ thủ công có chút ít tài sản; nhóm thứ ba bao gồm tù bình bị bắt, người phạm tội, những người nghèo khổ không có tài sản. Xã hội đã phân chia thành các giai tầng khác nhau, xuất hiện những lợi ích của giai tầng mới. Bên cạnh những lợi ích mà thị tộc phải bảo vệ từ trước, nay xuất hiện những lợi ích của những gia tầng mới, lợi ích của những tần lớp người khác nhau, không những xa lạ với chế dộ thị tộc mà còn đối lập với chế độ thị tộc về mọi phương diện. Chính những lợi ích đó đòi hỏi phải có những cơ quan, tổ chức mới hình thành ở bên cạnh, ở bên ngoài tổ chức thị tộc. Cơ quan, tổ chức đó phải có đủ sức để điều hòa lợi ích của các tầng lớp người khác nhau và nó phải phục vụ cho tầng lớp có quyền lực. Tổ chức đó chính là nhà nước.

Đó chính là quá trình hình thành nhà nước.


  1. Đặc điểm, bản chất của nhà nước

Khi đã biết được nguồn gốc và qúa trình hình thành nhà nước, chúng ta cũng phải tìm hiểu xem bản chất nhà nước là như thế nào và những đặc trưng cơ bản của nhà nước ra sao.

  1. Bản chất nhà nước

Bản chất của nhà nước là toàn bộ những mối liên hệ, quan hệ sâu sắc và những quy luật bên trong quyết định những đặc điểm và khuynh hướng phát triển cơ bản của nhà nước. Theo quan điểm của Mác – Lenin thì bản chất của nhà nước có hai thuộc tính là: tính giai cấp và tính xã hội.

Tính giai cấp (hay bản chất giai cấp) của nhà nước là nhà nước thể hiện ý chí và lợi ích của giai cấp, mà cụ thể là của giai cấp nào nắm quyền lực xã hội.

Tính xã hội của nhà nước được thể hiện thông qua việc nhà nước phải chăm lo những ý chí chung, lợi ích chung của toàn xã hội.

Từ đó ta có khái niệm về nhà nước như sau: nhà nước là một tổ chức chính trị có quyền lực công cộng đặc biệt, được hình thành và bị quyết định bởi nhu cầu trấn áp giai cấp và nhu cầu quản lý các công việc chung của xã hội.



  1. Đặc điểm (đặc trưng của nhà nước)

Nhà nước có những đặc trưng sau:

- Nhà nước thiết lập quyền lực công cộng đặc biệt tách rời khỏi xã hội và áp đặt với toàn xã hội.

- Nhà nước quản lý dân cư theo sư phân chia lãnh thổ.

- Nhà nước có chủ quyền quốc gia.

- Nhà nước ban hành pháp luật và quản lý xã hội bằng pháp luật.

- Nhà nước thu các khoản thuế dưới dạng bắt buộc.



  1. Các kiểu nhà nước trong xã hội loài người

Kiểu nhà nước là tổng thể những đặc trưng cơ bản của nhà nước thể hiện bàn chất giai cấp, vai trò xã hội, những điều kiện phát sinh, tồn tại và phát triển của nhà nước trong một hình thái kinh tế xã hội.

Xã hội loài người đã trải qua năm hình thái kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nhà nước lại không tồn tại trong hình thái kinh tế xã hội đầu tiên là công sản nguyên thủy. Tương ứng với những hình thái kinh tế xã hội có giai cấp thì nhà nước có các kiểu nhà nước tương ứng.

-Kiểu nhà nước chiếm hữu nô lệ

-Kiểu nhà nước phong kiến

-Kiểu nhà nước tư sản

-Kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa



  1. Đặc điểm riêng của quá trình hình thành nhà nước phương đông.

Như phần trên đã trình bày về nguồn gốc và quá trình hình thành nhà nước, nhưng chỉ là những tìm hiểu về nguồn gốc và quá trình hình thành nhà nước ở phương tây vì ở nơi đó quá trình hình thành nhà nước rõ ràng, có những nhà nước cụ thể rõ ràng. Còn ở phương đông do đặc thù của nền kinh tế nên quá trình hình thành nhà nước không như ở phương tây. Ở đây chúng ta chỉ nói về quá trình hình thành nhà nước ở phương đông, còn về nguồn gốc thì đều giống nhau.

Ở phương đông các nhà nước thường được hình thành từ lưu vực các con sông lớn. Điều kiện thiên nhiên đã chứa đựng sẵn trong đó hai mặt đối lập: ưu đãi và thử thách. Nên bất cứ một cộng đồng dân cư nào ở đây cũng phải tiến hành công cuộc trị thủy và thủy lợi. Chính công cuộc trị thủy và thủy lợi không chỉ là yếu tố duy trì chế dộ công hữu về ruộng đất mà còn lá một yếu tố thúc đẩy nhà nước ra đời sớm. Nhà nước ra đời sớm, sớm cả về mặt thời gian và không gian, do điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế xã hội đặc biệt của phương đông so với phương tây. Đây là đặc thù thứ nhất của con đường hình thành nhà nước ở phương đông.

Đặc thù thú thứ hai của quá trình hình thành nhà nước ở phương đông là các tầng lớp quý tộc (tù trưởng, thủ lĩnh quan sự…) trong thị tộc lúc ban đầu vốn thực hiện “chức năng xã hội” đảm bảo lợi ích chung của cả cộng động, sau đó họ chuyển sang địa vị độc lập đối với xã hội và dần vươn lên thành kẻ thống trị đối với xã hội. Họ là thủ lĩnh quân sự để tiến hành các cuộc chiến tranh chinh phục. Yếu tố này cũng góp phần hình thành nên nhà nước. Ngoài ra, yếu tố tâm linh cũng ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành nhà nước của phương đông, đó là con trời, thiên mệnh.

PHÂN ĐOẠN 2

Trong buổi học lần trước, chúng ta đã tìm hiểu về nguồn gốc nhà nước và quá trình hình thình thành nhà nước, bản chất và một số đặc trưng cơ bản của nhà nước. Trong buổi học hôm nay vàc các buổi học tiếp theo, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về quá trình hình thành các kiểu nhà nước trong lịch sử xã hội loài người. Đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về nhà nước chiếm hữu nô lệ ở phương tây trong bài học hôm nay.

Khi tìm hiểu về nhà nước chiếm hữu nô lệ ở phương tây thời kỳ cổ đại thì hai nền văn minh lớn nhất và phát triển nhất là Hy Lạp cổ đại và La Mã cổ đại (Rô ma).


  1. Nhà nước Hy Lạp cổ đại

Hy Lạp cổ đại gồm lục địa Hy Lạp ngày nay, các đảo thuộc biển Êgiê và vùng đất xâm thực ven bờ Tây tiểu á. Trong đó miền lục địa có tầm quan trọng trong lịch sử Hy Lạp.

Lịch sử hình thành nhà nước Hy Lạp cổ đại trải qua các thời kỳ khác nhau. Đầu tiên phải kể đến là thời kỳ nhà nước tối cổ Crét – Myxen (hay còn gọi là văn minh Crét- Myxen). Crét là một đảo lớn nằm ở phía nam biển Êgiê, còn Myxen là một địa danh thuộc đồng bằng Pêlôpônê. Cư dân Crét giỏi nghề dệt, trồng trọt và buôn bán với Ai Cập và Tiểu Á. Do đó, đã có sự phân hóa giai cấp diễn ra, một số quốc gia chiếm hữu nô lệ được hình thành và tồn tại độc lập với nhau. Sau đó các tiểu nhà nước này hợp nhất thành một nhà nước với hình thức quân chủ chuyên chế như ở phương Đông. Còn ở Myxen mặc dù nhà nước được hình thành sau Crét nhưng có những đặc điểm chung giống với Crét. Quan hệ chiếm hữu nộ lệ ở Crét và Myxen chưa pháp triển lắm. Nô lệ chủ yếu được dùng vào việc hầu hạ chủ. Đến thề kỷ XI TCN thì tộc người Hy Lạp đến từ phía bắc Châu âu tràn xuống chinh phục. Họ tự nhận mình là con cháu thần Hêlen, nên tộc người của họ được gọi là Henlát, phiên âm là Hy Lạp. Nói cách khác, Hy Lạp là tên của tộc người vốn là chủ nhân của vùng đất mà sau này các quốc gia thành bang được xây dựng, không phải tên của một quốc gia. Khi tộc người Hy Lạp chiếm đóng các tiểu quốc gia Crét và Myxen và do tộc người này vẫn còn trong thời kỳ công xã nguyên thủy nên hai nhà nước Crét và Myxen trở về trạng thái công xã thị tộc mạt kỳ.

Sau thời kỳ nhà nước Crét và Myxen bị tộc người Hy Lạp chiếm đóng và trở về thời kỳ công xã nguyên thủy nhưng cũng bắt đầu tan rã. Ngoài công cụ lao động phổ biến bằng đồng thì công cụ lao động bằng sắt đã xuất hiện, tạo điều kiện cho cho kinh tế phát triển, thủ công nghiệp tách ra khỏi nông nghiệp với một số ngành nghề như: rèn, đóng tàu thuyền…Trong xã hội dần dần có sự phân hóa giai cấp, vai trò của hội nghị nhân dân dần giảm sút, những công việc quan trọng hầu như do các quý tộc thị tộc quyết định. Chế độ nộ lệ đã hình thành nhưng mang tính gia trưởng. Giai đoạn này nhà nước chưa xuất hiện nhưng đã xuất hiện các điều kiện cho sự ra đời của giai cấp và nhà nước, là giai đoạn chuẩn bị và chuyển tiếp từ chế độ công xã nguyên thủy sang xã hội có giai cấp và nhà nước. Đây được coi là thời kỳ Hôme (thế kỷ XI –IX TCN) vì các nhà nghiên cứu dựa vào hai bộ sử thi là Iliát và Ôđixê mà tương truyền do tác giả là nhà thơ mù Hôme biên soạn.

Thời kỳ tiếp theo của nhà nước Hy lạp cổ đại là thời kỳ các thành bang (thế kỷ VIII IV TCN). Đây là thời kỳ mà kinh tế phát triển mạnh mẽ. Do kinh tế phát triển mạnh mẽ nên xã hội đã có sự phân hóa giai cấp rõ rệt, bao gồm: chủ nô, nô lệ, nông dân và thợ thủ công. Các quốc gia chiếm hữu nô lệ đã xuất hiện ở hầu hết các nơi trên lãnh thổ Hy Lạp. Các quốc gia này đều lấy một thành thị làm trung tâm, bao quanh là những cánh đồng, do vậy người ta gọi là các quốc gia thành bang. Nổi lên trong các quốc gia thành bang đó là nhà nước cộng hòa quý tộc chủ nô Xpác và nhà nước cộng hòa dân chủ chủ nô Aten.

Sau thời kỳ hưng thịnh của thành bang trong nhà nước Hy Lạp, thì đến khoảng thế kỷ IV TCN, Hy Lạp bị nhà nước Makêđônia tấn công và thống trị. Makêđônia là một vùng đất thuộc Nam Âu, tiếp giáp biên giới phía bắc của Hy Lạp. Nhà nước Makêđônia ra đời muộn hơn các nhà nước ở Hy Lạp, khi các nhà nước chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp đã bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ thì Makêđônia vẫn trong giai đoạn mạt kỳ của chế độ công xã nguyên thủy. Sau khi thống trị Hy Lạp và mở rộng biên giới sang Ai Cập, Lưỡng Hà và một phần Ấn Độ thì vua Alếchxăngdrơ của đế quốc Makêđônia qua đời, sau đó các tướng lĩnh đã chia cắt đất nước thành nhiều quốc gia nhỏ để trị vì nhưng cuối cùng cũng bị đế quốc La Mã thôn tính. Kết thúc thời kỳ nhà nước Hy Lạp cổ đại trong lịch sử.

Như đã nói ở phần trên, trong thời kỳ hưng thịnh của nhà nước thành bang ở Hy Lạp cổ đại nổi lên hai nhà nước điển hình là nhà nước cộng hòa quý tộc chủ nô Xpác và nhà nước cộng hòa dân chủ chủ nô Aten.



  1. Nhà nước cộng hòa quý tộc chủ nô Xpác

a.1. Về sự ra đời của nhà nước Xpac

Xpác nằm ở miền nam Hy Lạp, giữa vùng đồng bằng La-cô-ni màu mỡ được tạo nên bởi con sông Ơ-rô-át. Đất đai và sông ngòi ở đây rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Ngoài ra Xpác còn có trữ lượng sắt rất lớn để phát triển thủ công nghiệp.

Quá trình hình thành nhà nước Xpac đồng hành với quá trình xâm lược và thiết lập ách thống trị của người Đô-riêng ở Xpac. Từ thế kỷ XII – XI TCN tộc người Đô-riêng ở phương bắc tràn xuống chiếm đồng bằng La-cô-ni của người A-kê-ăng và thiết lập nên nhà nước Xpac. Vào thế kỷ VIII – VII TCN người Đô-riêng tiếp tục tổ chức xâm chiếm thêm vùng đồng bằng bên cạnh của người Hi-lốt và biến toàn bộ dân cư ở đây thành nô lệ.

Xã hội trong nhà nước Xpac đã hình thành nên ba giai cấp khác nhau, khá hoàn chỉnh. Giai cấp chủ nô thống trị là người Xpac (gồm Đô-riêng và một số người A-kê-ăng đã được Đô-riêng hóa). Toàn bộ ruộng đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Ruộng đất được chia thành nhiều thửa bằng nhau và giao cho các gia đình Xpac sử dụng nhưng không được bán hoặc chia thành thửa nhỏ hơn, ngược lại họ được để lại ruộng đất này cho con cháu. Nguồn sống chính của chủ nô là tô ruộng đất. Họ không làm các nghề thủ công hay buôn bán.

Giai cấp nô lệ là người Hi-lốt bị bắt trong chiến tranh và một ít người A-kê-ăng. Nô lệ ở nhà nước Xpac cũng là nô lệ tập thể, không thuộc quyền sở hữu riêng của từng chủ nộ. Nhà nước chia cho mỗi gia đình người Xpac một số nô lệ nhất định. Chủ nô không được quyền bán hoặc giết nô lệ. Khi nhà nước giao những thửa đất cho gia đình Xpac thì cũng giao luôn một số lượng nô lệ nhất định để họ canh tác.

Giai cấp bình dân là người Pi-ri-e-cơ (gồm cư dân vùng La-cô-ni tức người A-kê-ăng bị chinh phục không bị biến thành nô lệ và những người từ nơi khác đến) có một ít ruộng đất và làm nghề thủ công, buôn bán. Tuy là người tự do nhưng họ không dược tham vào việc nhà nước, không được hưởng các quyền chính trị. Họ phải nộp thuế cho nhà nước và đi lính.



a.2. Về tổ chức bộ máy của thành bang Xpac

Đứng đầu nhà nước Xpac là hai vua, có quyền ngang nhau. Họ vừa là thủ lĩnh quân sự, vừa là tăng lữ tối cao, vừa là người xử án. Hai vua là thành viên trong hội đồng trưởng lão. Họ có quyền lực không lớn lắm, không giữa quyền lực tuyệt đối như các vua ở phương đông do bị hạn chế bởi hội đồng năm quan giám sát. Hình thức hai vua là một tàn dư của chế độ công xã nguyên thủy, khi tràn xuống phía nam hai mươi tám liên minh bộ lạc bầu ra hai thủ lĩnh.

Hội đồng trưởng lão gồm 28 vị trưởng lão và 02 vua. Trưởng lão là những người từ 60 tuổi trở lên được lựa chọn trong hàng ngũ quý tộc danh vọng nhất. Hội đồng trưởng lão có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia như chiến tranh hay hòa bình.

Hội nghị công dân bao gồm mọi nam công dân tự do của Xpac từ 30 tuổi trở lên. Hội nghị này có quyền thông qua hay phản đối những quyết định của Hội đồng trưởng lão bằng những tiếng thét mà không được thảo luận hay góp ý gì. Khi biểu quyết những vấn đề quan trọng, những người dự hội nghị xếp hàng theo hai phía đồng ý hay không đồng ý và bằng cách ấy người ta biết được bên nào đa số. Còn những vần đề không quan trọng khác được biểu quyết bằng những tiếng thét. Hội nghị công dân là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng mang tính hình thức. Hội nghị công dân do vua triệu tập nên nó không phải là cơ quan thường xuyên của nhà nước. Đây là hình thức biểu hiện của dân chủ nhưng lại là dân chủ hình thức, không có thực quyền.

Hội đồng năm quan giám sát. Trong quá trình thực hiện quyền lực, xung đột giữa hội đồng trưởng lão và hội nghị công dân ngày càng trở nên trầm trọng, do đó một cơ quan có quyền hạn rất lớn được thiết lập là hội đồng năm quan giám sát. Hội đồng này là đại biểu của tập đoàn quý tộc bảo thủ nhất, bao gồm năm đại biểu của tầng lớp quý tộc bảo thủ. Chức quan giám sát được bầu hàng năm. Hội đồng này có quyền giám sát vua, hội đồng trưởng lão, triệu tập và chủ trì hội nghị của hội đồng trưởng lão, hội nghị công dân, có quyền giải quyết các công việc ngoại giao, tài chính, tư pháp và kiểm tra tư cách công dân.

Ngoài ra nhà nước Xpac cũng xâ dựng và tổ chức quân đội hùng hậu và quy củ, được huấn luyện công phu và tổ chức chặt chẽ.



  1. Nhà nước cộng hòa dân chủ chủ nô Aten

b.1. Về sự ra đời của nhà nước Aten

Aten là một quốc gia thành bang nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng Át-tích, miền trung Hy Lạp. Vùng đồng bằng này có địa hình nhỏ hẹp, đất đai khô cằn, không màu mỡ, lại có nhiều đồi núi, khí hậu ít mưa nên không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Ngược lại, vùng này có nhiều khoáng sản, đá quý nên thuận tiện cho việc phát triển thủ công nghiệp. Ở bờ biển phía tây của Aten có nhiều vịnh, bãi biển thuận lợi cho việc mở hải cảng, phát triển buôn bán hàng hải.

Cũng như nhiều vùng khác ở Hy Lạp cổ đại, vào thế kỷ VIII – VI TCN, Aten bước vào thời kỳ xã hội có giai cấp và nhà nước. Trên vùng đồng bằng Át-tích này có bốn bộ lạc đang sinh sống ở bốn khu vực khác nhau, mỗi bộ lạc có ba mươi thị tộc, đứng đầu mội bộ lạc là một hội đồng quý tộc và một thủ lĩnh quân sự. Khi kinh tế phát triển, mối quan hệ huyết thống của các bộ lạc trở nên lỏng lẻo và cùng với sự giao lưu kinh tế giữa các bộ lạc, bốn bộ lạc này đã hình thành nên một liên minh bộ lạc trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng.

Cũng nhờ kinh tế phát triển mà Aten thống nhất được cả vùng Át-tích, bốn bộ lạc ở đây được chia thành 12 khu vực hành chính và dân cư tự do được chia thành ba tầng lớp (trừ nô lệ): quý tộc chủ nô, nông dân và những người làm công thương nghiệp (chủ xưởng, chủ thuyền, thương nhân - tầng lớp chủ nô mới). Xã hội ở Aten bắt đầu có sự phân chia giai cấp và chế độ thị tộc bắt đầu tan rã, nhường chỗ cho sự xuất hiện của nhà nước. Đại hội nhân dân – cơ quan quyền lực cao nhất trong bộ lạc bị thay thế bởi hội đồng trưởng lão – cơ quan đại biểu của tầng lớp quý tộc. Khi mới ra đời, Aten là nhà nước có hình thức chính thể cộng hòa quý tộc chủ nô. Chính tầng lớp những người làm công thương nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển chính thể cộng hòa dân chủ chủ nô sau này ở Aten.

Do sự độc quyền thống trị trong nhà nước của tầng lớp quý tộc chủ nô, nên trong xã hội ở Aten bên cạnh mâu thuẫn gay gắt giữa chủ nô và nô lệ, còn có mâu thuẫn giữa tầng lớp quý tộc công thương nghiệp mới với tầng lớp qúy tộc chủ nô cũ. Trong cuộc đấu tranh gay gắt này những thắng lợi đã thuộc về tầng lớp quý tộc mới, họ từng bước hạn chế và thủ tiêu đặc quyền chính trị của tầng lớp quý tộc cũ, mở ra một khuynh hướng chính trị mới: dân chủ hóa bộ máy nhà nước. Ngoài ra, quá trình chuyển hóa từ hình thức chính thể cộng hòa quý tộc chủ nô sang hình thức chính thể cộng hòa dân chủ chủ nô của nhà nước Aten còn có sự đóng góp của một bộ phận dân cư tự do, là những người từ nơi khác đến.

Quá trình chuyển hóa của nhà nước Aten từ chính thể cộng hòa quý tộc chủ nô sang hình thức chính thể cộng hòa dân chủ chủ nô được thể hiện thông qua các cuộc cải cách do tầng lớp chủ nô công thương nghiệp khởi xướng, thực hiện. Các cuộc cải cách đó là: cải cách của Xô-lông, cải cách của Clixten, cải cách của Ephiantet và cải cách của Pê-ric-lét.



b.2. Về tổ chức bộ máy

Chính thể cộng hòa dân chủ chủ nô Aten được xác lập và bộ máy hoàn thiện nhất vào thời Pê-ric-lét.

Hội nghị công dân là cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước, gồm toàn thể nam công dân Aten từ 18 tuổi trở lên, có cha và mẹ đều là người Aten. Hội nghị này cứ khoảng 10 ngày họp một lần. Trong những kỳ họp này, mọi công dân đều có quyền thảo luận và hội nghị sẽ đi đến quyết nghị những vần đề lớn của quốc gia như chiến tranh, hòa bình, giám sát cơ quan nhà nước, xét duyệt những việc quan trọng nhất của tòa án, có quyền ban hoặc tước quyền công dân. Hầu hết các chức vụ quan trọng, cao cấp của nhà nước do hội nghị công dân bầu. Cách thức quyết định của Hội nghị công dân là bổ phiếu hoặc biểu quyết.

Hội đồng năm trăm người giữ vai trò rất quan trọng sau hội nghị công dân, được bầu bằng cách bỏ phiếu. Mỗi bộ lạc được bầu 50 ngườicủa mình từ 30 tuổi trở lên tham gia vào Hội đồng. Hội đồng chia thành 10 nhóm, mỗi nhóm 50 người. luân phiên nhau làm việc trong một năm với thời gian 1/10 năm. Hội đồng năm trăm có trách nhiệm thi hành các quyết định của hội nghị công dân, giải quyết các công việc hàng ngày, quyết định các công việc giữa hai kỳ họp của hội nghị công dân, đại diện về mặt đối ngoại của nhà nước, có quyền quản lý tài chính, giám sát các công việc của nhân viên nhà nước, thảo luận sơ bộ các vấn đề quan trọng trước khi trình ra hội nghị công dân.

Hội đồng mười tướng lĩnh do hội nghị công dân bầu ra hằng năm bằng cách biểu quyết giơ tay. Thành viên của hội đồng có thể được bầu nhiều nhiệm kỳ. Mỗi thành viên đại diện cho một bộ lạc. Hầu hết họ là những người giàu có nên họ làm việc không lương. Hội đồng thực hiện chính sách đối ngoại, chỉ huy quân đội và chịu kiểm soát của hội nghị công dân.

Tòa bồi thẩm gồm 6.000 thành viên, được bầu hàng năm bằng cách bỏ phiếu ở hội nghị công dân. Tất cả công dân từ 30 tuổi trở lên có quyền ứng cử làm thẩm phán.

Quân đội ở Aten được trang bị tốt và có lực lượng hải quân mạnh mẽ cùng với Cảnh sát là lực lượng bảo vệ trật tự xã hội.



  1. tải về 193.94 Kb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương