HƯỚng dẫn học sinh đỌc hiểu văn bản sử thi trong nhà trưỜng người trình bày: Trần Hải Tú



tải về 53.91 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích53.91 Kb.
#29682
HƯỚNG DẪN HỌC SINH ĐỌC HIỂU VĂN BẢN SỬ THI TRONG NHÀ TRƯỜNG

Người trình bày: Trần Hải Tú

1. YÊU CẦU TẤT YẾU PHẢI ĐỌC HIỂU VĂN BẢN VĂN HỌC DÂN GIAN THEO ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI

- Lịch sử phát triển của văn học dân gian là sự nối tiếp, thay thế nhau giữa các thể loại. Trong văn học viết, sự ra đời của thể loại chưa hẳn là do nhu cầu của thực tại quy định, mà là do nhu cầu của nhà văn. Trong văn học dân gian, sự ra đời của thể loại là do thời đại quy định. Vì thế trong văn học dân gian có những thuật ngữ như: thời đại thần thoại, sử thi, truyền thuyết, cổ tích… Mỗi thể loại văn học dân gian ra đời trong một cơ sở xã hội khác nhau, phản ánh những phương diện thực tại có tính lịch sử, có hệ thống phương tiện, chất liệu khác nhau và số phận lịch sử khác nhau. Thần thoại ra đời trong lòng xã hội nguyên thủy, khi mà con người còn rất lạc hậu, đời sống còn phụ thuộc vào tự nhiên, chưa tách khỏi tự nhiên. Họ có khát vọng giải thích tự nhiên, khám phá quan hệ con người – tự nhiên nhưng sự giải thích đó còn mang tính thô sơ, xuất phát từ sự quan sát các hiện tượng tự nhiên thực tế. Sử thi ra đời ở thời cổ đại, khi các thành viên xã hội sống thành thị tộc. Chỉ có sống trong thị tộc, mỗi cá nhân mới thấy mình có đủ sức mạnh để làm lụng, chiến đấu và hưởng hạnh phúc. Họ có nhu cầu phản ánh mỗi quan hệ giữa cá nhân – cộng đồng.

- Sự phân biệt trong văn học dân gian không phải là phân biệt các tác phẩm, tác giả như trong văn học viết mà là phân biệt các thể loại. Các tác phẩm trong cùng một thể loại đều có chung những nét đặc trưng của thể loại đó. Các văn bản trích dẫn trong SGK chỉ là một ví dụ cụ thể cho một thể loại. Nhiệm vụ của GV khi hướng dẫn HS đọc hiểu 1 văn bản văn học dân gian là phải đặt văn bản đó trong một hệ thống các văn bản ở cùng thể loại, để tìm hiểu đặc trưng.

2. CÁCH ĐỌC HIỂU VĂN BẢN SỬ THI TRONG NHÀ TRƯỜNG (tập trung vào sử thi Đăm Săn)

Theo nội dung và đối tượng phản ánh, có 2 tiểu loại Sử thi anh hùng và Sử thi thần thoại. SGK tập trung giới thiệu cho các em tiểu loại Sử thi anh hùng, trong đó sử thi Đăm Săn của người Êđê với trích đoạn Chiến thắng Mtao Mxây là một ví dụ tiêu biểu.

Sử thi Tây Nguyên lộng lẫy và hùng tráng- như chính núi rừng cao nguyên hùng vĩ nơi đã sản sinh ra chúng- thực là một kho tàng quý báu và xứng đáng tiêu biểu cho sử thi của một cộng đồng dân tộc thống nhất mà đa dạng nhiều bản sắc. Tuy nhiên, căn cứ vào đối tượng tiếp nhận (học sinh lớp 10, đang học cách tư duy văn học), căn cứ vào thời lượng dạy học (Thời lượng đọc hiểu văn bản sử thi trên lớp đối với 10 ban A là 2 tiết, đối với 10 C, D là 1 tiết Cách đọc hiểu VBVHDG, 2 tiết đọc hiểu văn bản Chiến thắng Mtao Mxây), trong quá trình hướng dẫn HS, chúng tôi tập trung vào 2 vấn đề chủ yếu trong đặc trưng của thể loại sử thi. Đó là:

- Nhân vật trung tâm của sử thi là người anh hùng – mang sức mạnh, lí tưởng, khát vọng đại diện cho sức mạnh, lí tưởng, khát vọng của cả cộng đồng.

- Nghệ thuật sử thi: ngôn ngữ giàu nhạc điệu (ngôn ngữ giàu hình ảnh so sánh, phóng đại; ngôn ngữ trùng điệp; ngôn ngữ kịch), hình thức diễn xướng.

2.1. Tìm hiểu hình tượng nhân vật trung tâm – người anh hùng

2.1.1. Vẻ đẹp người anh hùng được miêu tả tập trung trong nhiệm vụ đánh giặc

Sách giáo khoa Ngữ văn 10 có nhận định: “Nhìn chung, sử thi anh hùng Tây Nguyên có ba đề tài chính là hôn nhân, chiến tranh và lao động xây dựng, đề tài chiến tranh là quan trọng hơn cả, là đề tài trung tâm của sử thi anh hùng và thu hút các sự kiện thuộc ba đề tài trên”. Theo giáo sư Phan Đăng Nhật: “Người anh hùng trong sử thi có ba nhiệm vụ chủ yếu: Lấy vợ, làm lụng và đánh giặc, trong đó đánh giặc là nhiệm vụ trung tâm". Đó là lí do SGK lựa chọn giới thiệu với HS về hình tượng người anh hùng Đăm Săn trong cuộc chiến đấu với Mtao Mxây.

- Đánh giặc là nhiệm vụ lớn nhất, bao trùm nhất của các anh hùng sử thi Tây Nguyên. Xét theo mục đích gần của việc đánh giặc có thể chia làm ba loại: Đánh giặc để đòi nợ (“Khinh Dú”); Đánh giặc để trả thù (“Chilơkôc”, “Mơ Hiêng”...); Đánh giặc để lấy vợ. Đằng sau các mục đích đó, có một mục đích sâu xa là bảo vệ sự giàu mạnh, yên vui và hòa bình của cộng đồng.

Trong truyện cổ tích thần kỳ, đánh giặc không phải là một “hoạt động thường xuyên”, chỉ là một vài biến cố xảy ra trong cuộc đời nhân vật, như Sọ Dừa vừa lấy vợ xong phải đi đánh giặc, người vợ ở nhà một mình bị hai cô chị hãm hại, Thạch Sanh phải đánh đoàn quân mười tám nước chư hầu đến cầu hôn công chúa Quỳnh Nga...

“Truyền thuyết có cái lõi là sự thật lịch sử”, truyền thuyết dựng lại hình ảnh của những vị anh hùng chống ngoại xâm trong lịch sử dân tộc từ thời Bắc thuộc đến thời phong kiến tự chủ như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi... Đó là những anh hùng vì nước vì dân, trung quân ái quốc, họ chiến đấu vì vận mệnh dân tộc trong khuôn khổ quốc gia phong kiến.

Trong sử thi, “lịch sử của sử thi là lịch sử tưởng tượng” (J.Nêru). Trong đó chiến tranh là “chức năng thường xuyên trong sinh hoạt của nhân dân”, là những cuộc chiến đấu diễn ra giữa “bộ tộc chúng ta” với “bộ tộc chúng nó” để hình thành nên một liên minh bộ tộc hùng mạnh, khác với chiến tranh trong truyền thuyết là những cuộc chiến xâm lược và chống xâm lược giữa dân tộc này với dân tộc khác, nhà nước này với nhà nước khác; Người anh hùng trong sử thi là hình ảnh của thủ lĩnh bộ tộc - “Người bảo vệ hùng cường” của buôn làng. Họ có thể chiến đấu vì những mục đích riêng tư như đòi nợ, trả thù, lấy vợ, nhưng sâu xa trong đó vẫn là cuộc chiến để mưu cầu sự giàu mạnh, yên vui và hòa bình cho toàn thể cộng đồng. Họ chiến đấu vì những lý tưởng chung của cộng đồng chứ không theo những một hệ tư tưởng trung quân ái quốc như những anh hùng trong truyền thuyết. Sở dĩ cùng phản ánh một đề tài mà lại có những khác biệt như vậy vì thời điểm lịch sử của mỗi thể loại không giống nhau: Sử thi ra đời trong xã hội tiền giai cấp, nhà nước chưa được hình thành nên chiến tranh là để tiến đến một hình thức xã hội cao hơn; còn truyền thuyết ra đời khi nhà nước đã xuất hiện, người anh hùng đấu tranh để bảo vệ nhà nước, bảo vệ quốc gia dân tộc dưới một hệ tư tưởng phong kiến chính thống.



- Trong cuộc chiến với kẻ thù, trước khi vào giao đấu, người anh hùng trong sử thi Êđê luôn biểu diễn động tác múa khiên. Múa khiên là điệu múa mà người anh hùng biểu thị trước kẻ thù. Xưa kia ở thời đại chiến tranh, theo phong tục thì trước lúc lao vào quyết chiến, hai bên địch thủ đều phải lần lượt múa khiên để “cho nhau xem” tài năng của mình. Vì vậy mà những cậu bé Êđê được học múa khiên từ rất sớm. Khiên, đao là loại vật dụng, là thứ vũ khí bất ly thân của những cậu bé anh hùng trong sử thi- khan. Mỗi lần chúng thể hiện tài năng của mình thì trời đất, vạn vật như cũng nghiêng mình chiêm ngưỡng. Chiếc khiên và hành động múa khiên đã trở thành phương tiện giao tiếp chứa đựng toàn bộ sức mạnh và quyền lực của những cậu bé anh hùng. Nếu như các chiến binh anh hùng dũng cảm trong sử thi Hy Lạp, Ấn Độ thường xuất hiện trong các cuộc giao tranh dữ dội và thể hiện sức mạnh qua hình ảnh mũi tên kỳ diệu và cây chùy chắc nịch thì những chàng trai anh hùng trong khan – sử thi giản dị, gần gũi hơn chỉ với chiếc khiên, đao như một thứ vũ khí thô sơ nhưng vẫn mang đầy uy lực. Trong trích đoạn Chiến thắng Mtao Mxây, sức mạnh phi thường, áp đảo của Đăm Săn so với kẻ thù được tập trung miêu tả ở động tác múa khiên. Đây là chi tiết khi đọc – hiểu, các em học sinh cần chỉ ra và phân tích ý nghĩa.

2.1.2. Vẻ đẹp người anh hùng được miêu tả với đặc điểm đẹp một cách lí tưởng, toàn diện, trong cái nhìn ngưỡng vọng tuyệt đối

Những nhiệm vụ làm lụng, lấy vợ, đánh giặc của người anh hùng cũng là những mục tiêu lý tưởng mà cả cộng đồng anh hùng hướng đến, và những hoạt động này luôn được đặt trong nguồn cảm hứng anh hùng ca bất tận - tức là chứa đựng sự hùng vĩ, thần kỳ và có tính toàn dân.



- Người anh hùng luôn đẹp toàn diện, lí tưởng. Hình tượng Đăm Săn là hình tượng của sự hội tụ mọi vẻ đẹp ưu tú nhất. Đăm Săn “hùng cường từ trong lòng mẹ”. Trong trích đoạn SGK, từ ngoại hình đến sức mạnh của Đăm Săn đều toát lên cái thần của một vị tù trưởng giàu mạnh. Hãy nhìn trang phục, dáng điệu của chàng mà xem: “Mình khoác một tấm áo chiến, tai đeo nụ, sát bên mình nghênh ngang đủ giáo gươm. Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy…Chàng Đăm Săn hiện ra là một trang tù trưởng đang tràn đầy sức trai, tiếng tăm lừng lẫy”. Đó chẳng phải là hiện thân của sự hoàn mĩ đó sao? Và Đăm Săn lại có sức mạnh phi thường. Chàng vừa là anh hùng quân sự (đánh thắng “kẻ thù bốn chân và hai chân"), vừa là anh hùng văn hoá (dạy dân làng làm rẫy, đốn cây). Ngay cả việc đi bắt Nữ thần mặt trời, mặc dù đã biết “cái chết là cầm chắc”, “bao tù trưởng khoẻ mạnh và cương quyết đã chết chỗ ấy”, nhưng Đăm Săn vẫn quyết “đi tới nơi mình muốn”. Vẻ đẹp ấy, sức mạnh ấy, lòng dũng cảm ấy chính là sự hội tụ mọi phẩm giá cao quý tuyệt đối của người anh hùng sử thi. Và sử thi Đăm Săn hùng tráng lại vang lên giữa ánh lửa nhà rông bập bùng, trong tâm thế cung kính của người nghe và kể sử thi. Điểm nhìn trần thuật lúc này bị chi phối bởi “khoảng cách sử thi”. Cả nghệ nhân lẫn người nghe kể khan đều nghe và kể về quá khứ của tổ tiên với sự ngưỡng vọng, thành kính. Họ ngồi im như những pho tượng, mắt đăm đăm nhìn vào ngọn lửa trước mặt… Họ đã làm sống lại quá khứ của tổ tiên bằng một “niềm tin tươi mát trong trẻo”.

- Giữa bản chất thật của Đăm Săn và những chi tiết ngoại hiện đều là sự đồng nhất hoàn toàn. Có thể thấy bản chất ngay thẳng của Đăm Săn bộc lộ trong mọi tình huống. Khi giao chiến với tù trưởng gian hùng M’Tao M’Xây, trong khi kẻ thù dùng mưu mẹo, lại hèn nhát thì Đăm Săn dõng dạc tuyên bố: “Tao không thèm đâm mày trước lúc mày xuống”. Chứng tỏ Đăm Săn muốn chiến thắng kẻ thù bằng sự tranh tài công bằng chứ không phải bằng những thủ đoạn tầm thường. Ngay cả trong lần đầu tiên H’Nhí, H’Bhí đến nhà Đăm Săn hỏi cưới chàng, Đăm Săn đã nói thẳng rằng chàng đã có người yêu là H’Bia. Một lần khác, khi thấy Đăm Săn ra đi, H’Nhí hỏi chồng đi đâu, Đăm Săn đã nói không ngần ngại nói rõ ý định là chàng đi bắt Nữ thần mặt trời. Điều đó cho thấy sự đồng nhất giữa bản chất nhân vật và sự biểu hiện bên ngoài.

- Người anh hùng xuất hiện trong sử thi Êđê không phải được xác định nhờ vào tiêu chí chính nghĩa- phi nghĩa, mà được định vị theo quan niệm “bộ tộc chúng ta- bộ tộc chúng nó”, người anh hùng là người đem lại no ấm, hạnh phúc, bảo vệ danh dự cho cả buôn làng. Vì vậy, không chỉ có Đăm Săn, Xinh Nhã, Khinh Dú là anh hùng, mà cả những tù trưởng chiến đấu với Đăm Săn như Mtao Anur, Mtao Ak, Mtao Grư, Mtao Kwăt… cũng là những anh hùng chiến đấu để bảo vệ danh dự cho cả cộng đồng. Tác giả sử thi dùng nghệ thuật tương phản để xây dựng các nhân vật anh hùng trong tác phẩm không phải là để phân ra anh hùng tốt, anh hùng xấu mà chỉ là niềm ngợi ca vô tư dành cho một hình tượng tuyệt đích.

Cách miêu tả của sử thi bộc lộ một quan niệm, một cách nhìn đối với quá khứ của cộng đồng: Trong thế giới của quá khứ ấy, mọi thứ đều là hoàn hảo, tuyệt đối, thiêng liêng.



2.1.3. Vẻ đẹp người anh hùng được miêu tả trong các mối quan hệ: với cộng đồng, thần linh và người phụ nữ châm ngòi chiến tranh, trong đó mối quan hệ với cộng đồng là mối quan hệ trung tâm

- Vẻ đẹp của người anh hùng đại diện cho vẻ đẹp của cả cộng đồng, số phận của họ gắn chặt với số phận cộng đồng. Ở các khúc ca trước đó, Đăm Săn đã thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì sự ổn định vốn có của cộng đồng, bằng cách lãnh đạo, tổ chức nhân dân làm lụng, xây dựng cuộc sống; bảo vệ luật tục của cộng đồng. Ở đoạn trích SGK, Đăm Săn thể hiện vai trò đánh giặc, bảo vệ cuộc sống cho dân làng. Đăm Săn chiến đấu với Mtao Mxây để giành lại H'Nhị. Người phụ nữ bị cướp mất- điều đó đồng nghĩa với việc danh dự của người anh hùng, danh dự của cả cộng đồng bị xúc phạm. Và người anh hùng trẻ tuổi quyết tâm phải chiến thắng bằng được kẻ thù, mục đích không chỉ là để giành lại người phụ nữ cho mình, cho dòng họ của mình, mà còn để giành lại danh dự, bảo vệ sự ổn định cho cả cộng đồng. Chính mối quan hệ chặt chẽ ấy đã khiến người anh hùng trở thành đại diện cho vẻ đẹp và sức mạnh của cả cộng đồng.

- Ngược lại, chính cộng đồng lại trở thành ngọn nguồn sức mạnh để người anh hùng chiến đấu với kẻ thù, lập nên những chiến công. Trong sử thi Đăm Săn, có chi tiết Đăm Săn ăn được miếng trầu của H'Nhị, sức mạnh tăng lên gấp bội. Trong các sử thi khác, những người anh hùng nhỏ tuổi hay được tiếp sức bởi dòng sữa mẹ, đứa trẻ đang trong cuộc đấu gay go ác liệt thì chạy về…tìm sữa mẹ. Như cậu bé Dăm Mlan trong sử thi Dăm Tiông, đang đánh nhau với anh em Dam Tiông, cậu há mồm để cho tôi tớ đút bầu sữa vào uống để có thêm sức mạnh. Những chi tiết này cũng thường xuất hiện đối với những cậu bé anh hùng trong sử thi Bana. Thực chất, trong xã hội mẫu hệ, người phụ nữ là hiện thân cho sức mạnh cộng đồng. Đăm Săn ăn miếng trầu từ tay H'Nhị thực chất là được tiếp thêm sức mạnh từ cộng đồng. Nó cũng chứng tỏ ở thời đại sử thi, mỗi cá nhân không thể tách rời thị tộc.

- Người anh hùng giải quyết các nhiệm vụ của cộng đồng với sự hỗ trợ của thần linh – thực chất là sức mạnh của tập thể (Bơ-ra Dam cũng được ông Gỗn bày mưu giúp đánh kẻ thù, Đăm Thí trước khi chiến đấu với Đăm Phu đã uống thứ thuốc mà ông Gỗn cho, Kdăm Jhong lại được Aê Diê cho chiếc búa). Có thể nói, mỗi bước đi trong cuộc đời của người anh hùng đều có sự song hành của thần thánh. Sự liên hệ mật thiết này thể hiện đậm nét trong các chặng đường đời: từ sự ra đời thần kì đến quá trình trưởng thành, thực hiện nhiệm vụ. Trong đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây, ông Gỗn bày cách cho Đăm Săn để chàng tiêu diệt được kẻ thù. Quan hệ này có đặc điểm: 1. Mối quan hệ gần gũi, thân tình (xưng "ông – cháu"); 2. Ông Trời cũng chỉ là người mách nước, còn quyết định vẫn là hành động trực tiếp của người anh hùng. Đăm Săn đã tự tay chặt đầu kẻ thù. Như vậy sự xuất hiện của thần linh không làm tầm vóc con người nhỏ bé đi (như trong thần thoại) mà càng làm tăng tầm vóc kì vĩ, phi thường trong chiến công của những người anh hùng. 3. Sức mạnh của người anh hùng được hỗ trợ từ ngọn nguồn thần thánh - thực chất vẫn chỉ là sức mạnh của tập thể con người mà thôi.

- Người anh hùng được sự ủng hộ của cả cộng đồng

Sau khi chiến thắng Mtao Mxây, Đăm Săn đã 3 lần gõ cửa nhà tôi tớ Mtao Mxây, lần nào dân làng cũng vui vẻ đồng ý đi theo Đăm Săn. Họ chỉ mong có một cuộc sống ổn định, trong một cộng đồng ngày càng đông hơn, mạnh hơn, thịnh vượng hơn. Mọi người đi theo Đăm Săn, tôn vinh chàng vì chàng đã giúp cho khát vọng của họ trở thành hiện thực.

Không có sự chênh lệch về điểm nhìn của nhân vật và của những người khác về chính bản thân nhân vật. Khắp nơi “người ta bàn tán không cùng, bàn rằng Đăm Săn quả thật là tù trưởng oanh liệt, dũng cảm, hùng cường”, đến cả thần linh cũng biết tiếng Đăm Săn. Đây chính là một minh chứng cho sự thống nhất giữa người anh hùng và cộng đồng trong sử thi: Người anh hùng Đăm Săn không chỉ cùng lao động, cùng chiến đấu với cộng đồng mà tất cả mọi người cùng đồng lòng, tôn vinh người anh hùng.

2.2. Tìm hiểu nghệ thuật sử thi

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào việc khắc hoạ hình ảnh người anh hùng nhỏ tuổi cũng như tạo nên âm hưởng riêng của sử thi chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ của khan là một thứ ngôn ngữ tổng hợp sắc màu của hoạ, âm thanh của nhạc, đường nét hình khối của điêu khắc, hành động thao tác và đối thoại của sân khấu.



2.2.1. Ngôn ngữ giàu hình ảnh so sánh, phóng đại

- Có thể nói rằng, một nét nổi bật gây ấn tượng sâu sắc, đặc biệt kì thú đối với những độc giả được tiếp xúc với sử thi Êđê là cách nói ví von, giàu hình ảnh, với các cấp độ:

+ so sánh tương đồng: "Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc"

+ so sánh tương phản: "Chàng chạy vun vút qua phía Đông, vun vút qua phía Tây. Còn Mtao Mxây thì bước cao bước thấp chạy hết bãi tây sang bãi đông"

+ so sánh tăng cấp bằng hàng loạt ngữ so sánh liên tiếp: "Tôi tớ mang của cải về nhiều như ong đi chuyển nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, như bầy trai gái đi giếng làng cõng nước".

Các cách nói ví von ấy cho thấy sự hơn hẳn về tài năng của người anh hùng so với kẻ thù, sự giàu có, đông đúc, tấp nập của cộng đồng.

- Để thể hiện tài năng, sức mạnh, danh tiếng của người anh hùng, nhân dân đã sử dụng triệt để biện pháp phóng đại. Phóng dụ cường điệu được sử dụng nhiều nhưng vẫn rất chân thành. Bởi cơ sở của sự phúng dụ là niềm tin, niềm ước vọng đối với tài năng và sức mạnh của con người.

2.2.2. Ngôn ngữ trùng điệp, kết cấu đối xứng

Cùng với đặc điểm phổ biến của tính hình tượng, để khắc hoạ hình ảnh người anh hùng nhỏ tuổi, sử thi còn sử dụng thứ ngôn ngữ trùng điệp, giàu nhạc điệu. Sự trùng điệp ấy được tạo nên chủ yếu từ kết cấu đối xứng.

- Về hình thức: đó có thể là đối xứng giữa các cụm từ "lươn trong hang/ giun trong bùn", "ếch nhái dưới gầm nhà/ kì nhông ngoài bãi", đối xứng giữa các vế trong câu "danh vang đến thần/ tiếng lừng khắp núi", "uống không biết no/ ăn không biết say/ chuyện trò không biết chán", đối xứng giữa các câu: "Các chàng trai đi lại ngực đụng ngực. / Các cô gái đi lại vú đụng vú".

- Có thể đó là sự đối xứng về hành động của người anh hùng: “Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh / Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô”. Cũng có khi là sự đối xứng về hình ảnh: “nghìn người đi trước/ vạn người theo sau”.

Sự hài hòa nhịp nhàng ở những vế, những câu, những hình tượng như vậy tạo nên những điệp khúc trong sử thi. Cách diễn đạt đặc sắc này của ngôn từ tạo nên âm hưởng nhịp nhàng uyển chuyển của một bản nhạc và kết cấu chặt chẽ của một mạch văn xuyên suốt bản sử thi. Khi đó nghệ nhân diễn kể khan có thể dùng lời ca hoặc lời nói thông thường qua âm điệu của nhạc để ca ngợi vẻ đẹp hào hùng của người anh hùng cũng như cuộc sống sung túc tấp nập của buôn làng.

2.2.3. Ngôn ngữ kịch

Ngôn ngữ hình tượng có tính khắc hoạ cụ thể, nhưng lại không tránh khỏi hạn chế bởi tính chất ước lệ, tượng trưng (thông qua các biện pháp ngoa dụ, ẩn dụ..). Còn ngôn ngữ nhạc điệu một mặt tạo sự hài hoà nhịp nhàng trong kết cấu tác phẩm, mặt khác lại gây âm hưởng trùng lặp có phần nặng nề. Chính ngôn ngữ kịch với ưu điểm của nó đã khắc phục những nhược điểm trên đây trong nghệ thuật thể hiện người anh hùng nhỏ tuổi của tác phẩm.

Dưới lời người kể chuyện, ngôn ngữ kịch thể hiện rõ rệt trong cách dựng lên tình thế tương phản. Trong trận chiến giữa Đăm Săn và Mtao Mxây, tình thế giữa hai nhân vật được miêu tả như sau: “Đăm Săn chạy vun vút qua phía Đông, vun vút qua phía Tây” – trong khi đó “Mtao Mxây thì bước cao bước thấp chạy hết bãi tây sang bãi đông”. Kịch tính trận đấu mỗi lúc một dâng cao khi lời kể dựng lên thế tương phản giữa hành động của hai nhân vật: “MTao Mxây tháo chạy. Hắn tránh quanh chuồng lợn, Đăm Săn phá tan chuồng lợn. Hắn tránh vào chuồng trâu, Đăm Săn phá tan chuồng trâu”. Có thể nói lúc này tương quan thế trận đã nghiêng về phía người anh hùng với sự nhanh nhẹn và sức mạnh dẻo dai, áp đảo kẻ thù.

2.2.4. Hình thức diễn xướng

Một trong những khó khăn khi HS tiếp cận sử thi Đăm Săn là các em chưa hòa nhập được với không gian văn hóa Tây Nguyên. GV có thể gợi mở hoặc cho các em xem clip ngắn về những đêm hát – kể sử thi. Sử thi Đăm Săn chỉ được kể trong các dịp cầu cúng, lễ hội. Sau mùa gặt hái, khi đêm tối vừa buông xuống, già trẻ gái trai, từ các nương rẫy khe suối trong buôn lũ lượt kéo nhau đến nhà rông. Vào lúc bếp lửa cháy rừng rực bập bùng thì cuộc kể khan bắt đầu… Nghệ nhân thường là một ông già tốt giọng, thuộc khan, có khi là người làng khác được mời tới, ngồi trên một tấm phản xưa nay vẫn để sẵn bên bếp lửa chính của mỗi nhà. Câu chuyện kể được trình diễn qua ngữ điệu bổng trầm, khi sôi nổi, khi sâu lắng, nhiều lúc qua cả cử chỉ điệu bộ của người kể. Người kể khan là người kể chuyện biết hết, thấy tất. Người ta gợi lại chuyện li kì hấp dẫn và hiển hách của các tù trưởng ngày xưa (là tổ tiên của họ), bày tỏ sự ngưỡng mộ về quá khứ vinh quang của ông cha và đồng thời thể hiện niềm mơ ước của mỗi thành viên trong cộng đồng ngày hôm nay được sống, được lập chiến công như ông cha. Chính hình thức hát – kể ấy đã chi phối nghệ thuật sử thi, đòi hỏi thứ ngôn ngữ giàu nhịp điệu, nhạc điệu.



2.3. So sánh hình tượng Đăm Săn với hình tượng Uy-lit-xơ và Ra-ma (đã có trong báo cáo chuyên đề của đ/c Cao Huệ, nên phần báo cáo này, chúng tôi không đi sâu trình bày).

tải về 53.91 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương