Hiệu quả xã HỘi và MÔi trưỜng của mô hình luân canh tôM – lúA Ở ĐỒng bằng sông cửu long



tải về 87.27 Kb.
trang1/11
Chuyển đổi dữ liệu21.06.2022
Kích87.27 Kb.
#52427
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11
Bai tuyen tap VIFEP 2020 - Le Trung Dung (Final)


HIỆU QUẢ XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA MÔ HÌNH LUÂN CANH TÔM – LÚA Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
ThS. Lê Trung Dũng

TÓM TẮT


Nghiên cứu về hiệu quả xã hội và môi trường của mô hình luân canh tôm lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long là một phần trong kết quả nghiên cứu của dự án GRAISEA 2 thuộc chương trình ưu tiên của OXFAM nhằm tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 5-9/2020 tại ba tỉnh đại diện là Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình luân canh tôm – lúa đã mang lại những lợi ích thiết thực về mặt xã hội và môi trường: phù hợp với điều kiện tài chính, trình độ canh tác của đa phần nông hộ; không chỉ giúp nông hộ tăng thêm thu nhập mà còn góp phần đa dạng hóa và ổn định nguồn thu, giảm rủi ro thua lỗ, tạo tâm lý yên tâm sản xuất và hướng tới việc phát triển bền vững; giúp phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào hoạt động sản xuất, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi; có mức độ tái sử dụng tài nguyên sinh học cao, ít gây hại đến môi trường tự nhiên, phù hợp với các yêu cầu thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và thích ứng với biến đổi khí hậu… Mặc dù đã chứng minh được tính hiệu quả nhưng để mô hình luân canh tôm – lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện các giải pháp mang tính tổng thể và toàn diện.
Từ khóa: Tôm – lúa, tôm nước lợ, ĐBSCL, hiệu quả xã hội, hiệu quả môi trường.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ


Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc hạ lưu sông Mekong, là một trong những đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu ở Đông Nam Á, nằm trên địa hình tương đối bằng phẳng với tổng diện tích tự nhiên khoảng 40,6 triệu ha. Với trên 730 km chiều dài bờ biển cùng mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố dày đặc, ĐBSCL có tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nuôi tôm và trồng lúa. Nhiều năm qua, nơi đây luôn giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, là vùng sản xuất lương thực trọng điểm, không những tạo ra giá trị xuất khẩu lớn mà còn là cầu nối trong hội nhập kinh tế thế giới. Có được điều này phải kể đến những đóng góp không nhỏ mà ngành tôm mang lại. Trong suốt hai thập kỷ, tôm nước lợ luôn là đối tượng thủy sản nuôi và xuất khẩu chủ lực hàng đầu của Việt Nam cũng như ĐBSCL, là sinh kế của hàng triệu lao động tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng này.
Tuy nhiên, những tác động khôn lường từ biến đổi khí hậu (BĐKH) kết hợp với xu hướng giảm lũ và mực nước biển dâng cao khiến tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Việc gia tăng hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở thượng nguồn sông Mekong cũng góp phần làm giảm mực nước lũ ở hạ nguồn, giảm lượng nước ngọt để rửa mặn vào mùa khô cũng như không cung cấp đủ nước ngọt phục vụ trồng lúa. Trong khi đó, các hệ thống canh tác nông nghiệp – thủy sản theo hướng bán thâm canh/thâm canh đang lạm dụng quá mức vào vật tư đầu vào, chưa quan tâm tới tính tuần hoàn của tài nguyên đất, nước, dinh dưỡng, chưa chú trọng việc áp dụng công nghệ để tăng hiệu quả và hướng tới phát triển bền vững. Những tác động kép này ảnh hưởng rất lớn đến các hệ thống sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đe dọa đến sự phát triển bền vững cũng như sinh kế của hàng triệu người dân, từ đó ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến lược xuất khẩu nông nghiệp – thủy sản và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Vì vậy, phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, thông minh, thích ứng với BĐKH là cần thiết đối với khu vực ĐBSCL. Nông nghiệp tuần hoàn sẽ giúp cân bằng hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đầu vào, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, tránh lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải… Trên thực tế, người dân vùng ĐBSCL đã áp dụng một số biện pháp thích ứng như cải tiến kỹ thuật hoặc đa dạng các hệ thống canh tác phù hợp. Ở nhiều nơi có nước mặn xâm lấn theo mùa, người dân đã chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản hoặc luân canh giữa nông nghiệp và thủy sản. Trong đó, luân canh tôm – lúa được xem là phương thức sản xuất có tính tuần hoàn, thích nghi với điều kiện nhiễm mặn theo mùa tại các khu vực trồng lúa ven biển, bảo đảm hiệu quả kinh tế trong bối cảnh gia tăng tác động của ĐBKH cũng như phù hợp với khả năng đầu tư hạn chế của phần lớn người dân.
Mặc dù vậy, thực tế là các mô hình luân canh tôm – lúa ở ĐBSCL hầu như chưa phát huy hết tiềm năng vốn có, thiếu ổn định do hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao và chịu nhiều tác động từ BĐKH, nhất là sự trả giá về môi trường sẽ là nguy cơ đối với mục tiêu phát triển bền vững. Đến nay đã có nhiều nghiên cứu về mô hình này song chủ yếu tập trung vào hiệu quả kinh tế và khía cạnh kỹ thuật, hầu như ít đề cập đến vấn đề xã hội, môi trường – hai yếu tố không thể thiếu khi hướng tới phát triển bền vững. Trước thực trạng đó, dự án GRAISEA 2 thuộc chương trình ưu tiêu của OXFAM được triển khai tại 06 tỉnh ĐBSCL, tập trung vào hai ngành hàng chủ lực là lúa gạo và tôm nước lợ nhằm tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm. Trong đó, việc đánh giá hiệu quả xã hội và môi trường của mô hình luân canh tôm – lúa là nội dung quan trọng.

tải về 87.27 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương