HIẾn chưƠng hội thánh tin lành việt nam



tải về 140.05 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích140.05 Kb.
#6023

<HỘI THÁNH TIN LÀNH VN (MIỀN BẮC) HIẾN CHƯƠNG 2013

HIẾN CHƯƠNG

HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM

(MIỀN BẮC)

 -2O13- 



.

LỜI MỞ ĐẦU

Tin lành là đạo cứu rỗi của Đức Chúa Trời Ba Ngôi được rao truyền khắp thế gian. Thông qua Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (The Christian and Missionary Alliance), đạo Tin lành được truyền đến Việt Nam năm 1911. Trong quá trình hình thành phát triển, các tôi con Chúa tại Việt Nam đã thành lập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, độc lập về tổ chức với Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp và tồn tại đến ngày nay. Do hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt hai miền, để duy trì và phát triển công việc Chúa tại miền Bắc, Tổng Hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) đã được thành lập năm 1955. Dù phải hoạt động trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về nhiều mặt, nhưng hầu hết các Mục sư, Truyền đạo và các tín hữu vẫn giữ vững đức tin, đồng thời thể hiện lòng yêu nước, gắn bó với dân tộc, làm tròn nghĩa vụ của người công dân đối với đất nước. Bản Điều lệ đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) soạn thảo dựa trên nguyên tắc kế thừa bản Điều lệ 1936, tu chỉnh và tái ấn 1952, có sửa đổi lần cuối tại Đại hội đồng Linh tu lần thứ 8 (13-15/3/1962) và được phát hành vào ngày 30/6/1963. Vì vậy bản Điều lệ này còn được gọi là Bản Điều lệ 1963.

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) đã trải qua 33 kỳ Đại Hội đồng, đã biên soạn và sửa đổi bản Điều lệ của Hội Thánh làm nền tảng cho mọi hoạt động của tổ chức Giáo hội. Trong hoàn cảnh đất nước và Giáo hội ngày nay có những thay đổi, bản Điều lệ mới được Đại hội đồng lần thứ 32 (2005-2008) soạn thảo trên cơ sở kế thừa các Điều lệ trước đây, tiến tới thống nhất Hội Thánh Tin Lành Việt Nam trong cả nước, đồng thời phù hợp với Hiến pháp Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Bản Điều lệ này sửa đổi thành Hiến Chương của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), được thông qua tại Đại hội đồng lần thứ 34 tại Hà Nội (từ ngày 1-3/10/2013).

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

ĐIỀU 1 – DANH XƯNG

Danh xưng của Hội thánh là:

HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM (MIỀN BẮC).

ĐIỀU 2 – GIÁO HIỆU VÀ CON DẤU

Giáo hiệu của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) là hình chữ thập lớn, gồm: Quyển Kinh Thánh ở giữa, bốn góc là Thập tự giá, Mão triều thiên, Bình dầu và Ly tiệc thánh.

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) sử dụng hai khuôn dấu pháp lý ở cấp Tổng hội và cơ sở, khuôn mẫu con dấu như sau: Ở giữa là Giáo hiệu, nửa trên là hàng chữ “Hội Thánh Tin Lành Việt Nam”, nửa dưới là hàng chữ “miền Bắc” hoặc tên của Hội thánh cơ sở.

ĐIỀU 3 – MỤC ĐÍCH

Mục đích của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) là kết hợp những người cùng một lòng tin kính Đức Chúa Trời, được cứu chuộc bởi Đức Chúa Jêsus Christ, cùng một trách nhiệm trong quyền năng, ân tứ của Đức Thánh Linh để xây dựng Hội thánh và rao giảng Tin lành.



ĐIỀU 4 – TÔN CHỈ

Tôn chỉ của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) đặt nền tảng trên lời Chúa dạy: “Hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức kính mến Đức Chúa Trời và yêu người lân cận như mình” (Ma-thi-ơ 12:37-38; Mác 12:30-31).



ĐIỀU 5- ĐƯỜNG HƯỚNG.

Đường hướng hoạt động của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) là: Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc.



ĐIỀU 6 – TÍN LÝ

Tín lý của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) căn cứ trên Kinh Thánh (Cựu Ước và Tân Ước, gồm có 66 sách) là nền tảng cho mọi giải thích và thực hành đức tin như đã tóm tắt trong Tín lý (chương IX) của Hiến chương này.



ĐIỀU 7 – LỄ NGHI

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) có các Thánh Lễ & Lễ nghi sau đây:

1) Thánh Lễ Báp-Têm.

2) Thánh Lễ Tiệc Thánh.

3) Lễ Giáng Sinh.

4) Lễ Thương Khó.

5) Lễ Phục Sinh.

6) Lễ Thăng Thiên.

7) Lễ Ngũ Tuần.

8) Lễ Thành Hôn.

9) Lễ Dâng Con.

10) Lễ Tang.

11) Lễ Xức Dầu.

12) Lễ Tấn Phong Mục Sư.

13) Lễ Bổ Nhiệm.

14) Lễ Cung Hiến Đền Thờ.

15) Lễ Cảm Tạ.

ĐIỀU 8 – TRỤ SỞ

Trụ sở Tổng Hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), đặt tại số 2 phố Ngõ Trạm, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm thành phố Hà Nội. Việc thay đổi trụ sở phải do Đại hội đồng Tổng hội quyết định.



CHƯƠNG II

TỔ CHỨC

ĐIỀU 9 – HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA HỘI THÁNH

TIN LÀNH VIỆT NAM (MIỀN BẮC)

Tổ chức của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc), có hai cấp: Cấp cơ sở và cấp Trung ương.

1) Hội thánh và Hội nhánh (Điểm nhóm) là cấp cơ sở của Giáo hội.

2) Tổng hội là cấp trung ương của Giáo hội, bao gồm tất cả các Hội thánh và Hội nhánh (Điểm nhóm) trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) chiếu theo Hiến chương.



ĐIỀU 10 – CÁC CƠ QUAN, CÁC BAN NGÀNH CỦA

GIÁO HỘI

Ban Trị sự Tổng hội tuỳ theo nhu cầu lâu dài hay đột xuất của Giáo Hội mà lập các cơ quan, lập các Hội đồng, các tiểu ban chuyên môn của Giáo hội; Ban liên lạc các tỉnh miền núi phía Bắc.



ĐIỀU 11 – NGUYÊN TẮC CỦA GIÁO HỘI

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) là một Giáo hội được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ, công khai, bầu cử trực tiếp bằng phiếu kín. Nguyên tắc này được áp dụng cho tất cả các Đại hội đồng Tổng hội, Hội đồng của Hội thánh, Hội nhánh (Điểm nhóm).

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) là một tổ chức Giáo hội độc lập với các tổ chức, hệ phái Tin Lành trong nước và Quốc tế.

CHƯƠNG III

HỘI THÁNH CƠ SỞ

ĐIỀU 12 – QUYỀN CÔNG NHẬN HỘI THÁNH CƠ SỞ

Quyền công nhận Hội thánh cơ sở thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), do Ban Trị sự Tổng hội quyết định.



ĐIỀU 13 – PHÂN HẠNG HỘI THÁNH CƠ SỞ

Cấp cơ sở có hai hạng:

1) Hội Thánh Tự Lập: Là Hội thánh có từ 100 tín hữu trở lên, đủ khả năng chủ động về tài chính.

2) Hội Thánh Chưa Tự Lập: Là Hội thánh chưa đủ khả năng về tài chính.

Ngoài ra còn có các Hội nhánh (Điểm nhóm) trực thuộc Hội thánh cơ sở hoặc trực thuộc Tổng hội.

ĐIỀU 14 – NHIỆM VỤ CỦA HỘI THÁNH CƠ SỞ

- Hội thánh cơ sở có sứ mạng rao giảng Tin lành của Đức Chúa Jêsus Christ, tuân thủ Hiến chuơng của Giáo hội, quyết định của Tổng hội, và biểu quyết của Ban Chấp sự.

- Gây dựng ngân quỹ cho hoạt động của Hội thánh mình, và dâng hiến ít nhất 1/10 tài chính vào ngân quỹ của Tổng hội.



ĐIỀU 15 – QUYỀN HẠN CỦA HỘI THÁNH CƠ SỞ

  1. Hội Thánh Tự Lập:

-Hội thánh thực hiện công việc dưới quyền lãnh đạo của Quản nhiệm, Ban Chấp sự Hội thánh và Ban Trị sự Tổng hội; chủ động về tài chính; được quyền lưu hoặc mời Quản nhiệm, phó Quản nhiệm hoặc phụ tá Quản nhiệm, với điều kiện các ứng viên do Ban Trị sự Tổng hội giới thiệu.

-Trường hợp một Hội thánh tự lập không tổ chức Hội đồng lưu, mời Quản nhiệm theo nhiệm kỳ. Sau ba (03) tháng kể từ thời gian hết nhiệm kỳ, Ban Trị sự Tổng hội sẽ trực tiếp sắp xếp và bổ nhiệm. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho Hội thánh khuyết Quản nhiệm.

2) Hội Thánh Chưa Tự Lập:

-Điều hành công việc của Hội thánh dưới sự lãnh đạo của Quản nhiệm hoặc Truởng nhiệm, Ban chấp sự Hội thánh và Ban trị sự Tổng hội.

-Hội thánh chưa tự lập và Hội nhánh (Điểm nhóm) nhận sự phân công, bổ nhiệm Quản nhiệm hoặc Truởng nhiệm do Ban Trị sự Tổng hội quyết định.

ĐIỀU 16 – TÍN HỮU

-Tín hữu là người tin nhận Đức Chúa Jêsus Christ, thừa nhận tín lý và tuân thủ tổ chức của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), theo quy định của Hiến chương. Bao gồm tín hữu đã chịu Báp-têm và tín hữu chưa chịu Báp-têm.

- Tín hữu chuyển và nhập Hội thánh: Tín hữu muốn chuyển đi hoặc nhập vào Hội thánh đều phải có giấy giới thiệu và phải được Hội thánh cơ sở mới xem xét chấp thuận.

ĐIỀU 17 – BAN CHẤP SỰ HỘI THÁNH

- Chấp sự là một thánh chức, được Hội đồng của Hội thánh bầu cử bằng phiếu kín.

- Chấp sự phải là tín hữu chính thức trên 20 tuổi, đã chịu Báp-têm ít nhất từ ba (03) năm, thường xuyên sinh hoạt trong Hội thánh ít nhất là một (01) năm. Sốt sắng hầu việc Chúa và trung tín dâng hiến tài chính cho Hội thánh, có đủ phẩm chất như Kinh Thánh dạy và có đủ tư cách công dân.

- Số lượng Chấp sự tuỳ theo quy mô của Hội thánh, nhưng Ban Chấp sự có ít nhất năm (05) người trong đó có Quản nhiệm hoặc Trưởng nhiệm.

- Nhiệm kỳ của Ban Chấp sự là bốn (04) năm.

ĐIỀU 18 – THÀNH PHẦN BAN CHẤP SỰ HỘI THÁNH

- Ban Chấp sự Hội thánh gồm có: Thư ký, Thủ quỹ, và các uỷ viên. Trường hợp cần thiết, Ban Chấp sự Hội thánh có thể cử thêm Phó Thư ký và Phó Thủ quỹ.

- Thường trực Ban Chấp sự gồm có từ ba (03) đến năm (05) người, trong đó phải có chức danh Quản nhiệm, Thư ký, Thủ quỹ.

- Chức danh Thư ký và Thủ quỹ do Ban Chấp sự bầu cử bằng phiếu kín duới quyền chủ tọa của Quản nhiệm hoặc Truởng nhiệm.

- Thành viên Thường trực Ban Chấp sự phải có khả năng phù hợp với nhiệm vụ được giao.

ĐIỀU 19 - NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN

CHẤP SỰ

- Nhiệm vụ Ban Chấp sự là hoạch định đường lối phát triển Hội Thánh, điều hành công việc trong Hội thánh và chịu trách nhiệm trước Hội đồng của Hội thánh và Ban Trị sự Tổng hội.

- Ban Chấp sự có quyền miễn nhiệm các thành viên Ban Chấp sự khi có 2/3 Chấp sự chấp thuận.

ĐIỀU 20 – QUYỀN TRIỆU TẬP VÀ CHỦ TỌA CUỘC HỌP BAN CHẤP SỰ

- Quản nhiệm hoặc Trưởng nhiệm có quyền triệu tập và chủ toạ cuộc họp Ban Chấp sự.

- Trong trường hợp cần thiết khi có 2/3 Chấp sự yêu cầu họp, thì Quản nhiệm hoặc Trưởng nhiệm phải triệu tập và chủ toạ cuộc họp.

- Trường hợp khuyết Quản nhiệm thì Phó Quản nhiệm, có quyền triệu tập và chủ toạ cuộc họp Ban Chấp sự.

- Trường hợp khuyết Quản nhiệm, Phó Quản nhiệm hoặc Trưởng nhiệm thì Thư ký có quyền triệu tập và chủ tọa cuộc họp.

- Ban Chấp sự họp định kỳ ít nhất 3 tháng 1 lần, hoặc khi cần thiết.



ĐIỀU 21 – HỘI ĐỒNG CỦA HỘI THÁNH.

-Hội đồng của Hội thánh do Quản nhiệm triệu tập và chủ toạ, được tổ chức bốn (04) năm một lần vào quý 1, và được thông báo cho Hội thánh biết trước ít nhất 2 tuần lễ. Kết quả bầu cử Ban Chấp sự cần được báo cáo về Tổng hội bằng văn bản.



ĐIỀU 22–HỘI ĐỒNG BẤT THƯỜNG CỦA HỘI THÁNH

Hội Đồng bất thường của Hội thánh do Quản nhiệm hoặc Truởng nhiệm triệu tập và chủ toạ, được tổ chức khi có việc bất thường, quan trọng và cấp bách mà Ban Chấp sự không thể giải quyết được, và phải được thông báo cho Hội thánh biết trước 1 tuần lễ.



ĐIỀU 23 – HỘI ĐỒNG LƯU VÀ MỜI QUẢN NHIỆM

- Chỉ có Hội thánh tự lập mới có quyền lưu hoặc mời Quản nhiệm.

- Hội đồng lưu và mời Quản nhiệm, do Ban Trị sự Tổng hội cử đại diện triệu tập và chủ toạ, được tổ chức sau một nhiệm kỳ của Quản nhiệm, nhằm trưng cầu ý kiến tín hữu về việc lưu Quản nhiệm hoặc mời Quản nhiệm mới, và phải thông báo cho Hội thánh biết trước một (01) tháng.

ĐIỀU 24 – HỘI ĐỒNG BỒI LINH CỦA HỘI THÁNH

Hội Đồng bồi linh của Hội thánh nên tổ chức định kỳ mỗi năm một lần do Quản nhiệm hoặc Trưởng nhiệm triệu tập và chủ toạ, nhằm bồi linh cho Hội thánh; Hội nhánh (Điểm nhóm).



ĐIỀU 25 – TRƯỜNG HỢP HỘI THÁNH CƠ SỞ KHÔNG TỔ CHỨC CÁC HỘI ĐỒNG.

Trường hợp Hội thánh cơ sở không tổ chức các Hội đồng hoặc tổ chức không đúng theo Hiến chương, Ban Trị sự Tổng hội có quyền tìm hiểu lý do để kịp thời can thiệp và giúp đỡ Hội thánh cơ sở tổ chức các Hội đồng khi cần thiết.



CHƯƠNG IV

TỔNG HỘI

ĐIỀU 26 – CÁC ĐẠI HỘI ĐỒNG

1) Đại Hội Đồng Tổng Hội: Họp bốn (04) năm một lần.

2) Hội Đồng Lồi Linh Của Tổng Hội: Họp mỗi năm một lần do Ban Trị sự Tổng hội triệu tập và chủ toạ, nhằm bồi dưỡng linh vụ cho chức sắc, chức việc của các Hội thánh cơ sở.

3) Đại Hội đồng Bất thường: Được tổ chức khi có việc bất thường, quan trọng và cấp bách mà Ban Trị sự Tổng hội không thể giải quyết được, khi có 2/3 thành viên Ban Trị sự Tổng hội hoặc 1/3 tổng số Hội thánh cơ sở yêu cầu.



ĐIỀU 27 – ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI

- Ban Trị sự Tổng hội chịu trách nhiệm triệu tập Đại hội đồng Tổng hội.

- Đại Hội đồng Tổng hội là Đại hội Đại biểu có thẩm quyền cao nhất của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc), giữ quyền lập quy và điều hành của Giáo hội.

- Đại Hội đồng Tổng hội bầu cử và trao cho Ban Trị sự Tổng hội quyền điều hành công việc của Giáo hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Đại hội đồng.



ĐIỀU 28 – ĐẠI BIỂU ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI

1) Thành Phần:

- Thành viên Ban Trị sự Tổng hội đương nhiệm.

- Mục sư, Mục sư Nhiệm chức, Truyền đạo đương nhiệm.

- Đại biểu tín hữu do Hội thánh cơ sở cử.

2) Tiêu Chuẩn: Đại biểu Đại hội đồng phải là những người không bị kỷ luật của Giáo hội trong thời gian giữa hai (02) kỳ Đại hội đồng, có danh tiếng tốt trong Hội thánh và có đủ quyền công dân.

3) Nhiệm Vụ Và Quyền Hạn: Đại biểu Đại hội đồng có quyền ứng cử, bầu cử, phát biểu ý kiến, chất vấn Ban Trị sự Tổng hội, và có trách nhiệm tuân thủ Nội quy, Kỷ luật của Đại hội đồng.

ĐIỀU 29 – SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI.

- Hàng Giáo phẩm đương chức và Ban Trị sự Tổng hội đương nhiệm là đại biểu đương nhiên.

- Hội Thánh Tự lập: Cứ 25 tín hữu, được cử một đại biểu (tính số tín hữu đã chịu phép Báp-têm và thường xuyên tham gia sinh hoạt trong Hội thánh).

- Số lượng đại biểu của Hội thánh chưa tự lập và Hội nhánh (Điểm nhóm) do Ban Trị sự Tổng hội phân bổ.



ĐIỀU 30 – NHỮNG ĐỀ NGHỊ TRÌNH ĐẠI HỘI ĐỒNG

TỔNG HỘI

Các đề nghị trình Đại hội đồng Tổng hội xem xét phải được Ban Chấp sự Hội thánh cơ sở và Ban Trị sự Tổng hội thông qua. Trường hợp Ban Trị sự Tổng hội không thông qua, phải giải trình lý do.



ĐIỀU 31 – NHIỆM VỤ ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI

- Bầu cử chủ toạ đoàn và các tiểu ban chuyên môn phục vụ Đại hội đồng Tổng hội.

- Xem xét các báo cáo và giải quyết những vấn đề của Giáo hội.

- Hoạch định đường lối phát triển Giáo hội và ban hành những quyết nghị cần thiết.

- Bầu cử Ban Trị sự Tổng hội.

ĐIỀU 32 – QUYỀN HẠN ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI

Đại Hội đồng Tổng hội có thẩm quyền cao nhất, chấp thuận hoặc phủ quyết các vấn đề liên quan đến toàn Giáo hội, phù hợp với Hiến chương. Có quyền chất vấn, khiển trách hoặc miễn nhiệm các thành viên trong Ban Trị sự Tổng hội. Hoạch định phương huớng phát triển Hội thánh.



ĐIỀU 33 – CÁCH BẦU CỬ BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI

- Ban Trị sự Tổng hội được Đại hội đồng Tổng hội bầu cử từng chức danh bằng phiếu kín, theo nguyên tắc dân chủ.

- Ban Trị sự Tổng hội đương nhiệm và đại biểu chính thức có trách nhiệm giới thiệu ứng cử viên Ban Trị sự Tổng hội.

ĐIỀU 34 – THÀNH PHẦN BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI

1) Thành Phần Ban Trị Sự Tổng Hội Gồm:

- Hội Trưởng.

- Phó Hội Trưởng.

- Tổng Thư Ký.

- Tổng Thủ Quỹ.

- Các Uỷ Viên Chuyên Trách là Mục sư, Mục sư Nhiệm chức, Truyền đạo.

2) Chức Vụ Hội Trưởng, Hội Phó, Tổng Thư Ký, Tổng Thủ Quỹ cần chuyên trách trọn thời gian; các chức vụ khác kiêm nhiệm Quản nhiệm Hội thánh.

3) Số lượng thành viên Ban Trị sự Tổng hội nhiệm kỳ tiếp theo do Ban Trị sự Tổng Hội đương nhiệm đề xuất với Đại hội đồng.

ĐIỀU 35 – NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN TRỊ

SỰ TỔNG HỘI.

- Ban Trị sự Tổng hội thảo luận và đề cử các uỷ viên phụ trách các công tác, các cơ quan, các địa bàn của Hội thánh.

- Ban hành các văn bản thực hiện: Nội quy, Giáo luật, Kỷ luật và các Quy chế. Thi hành Hiến chương và các Quyết nghị của Đại hội đồng Tổng hội.

- Tấn Phong Mục sư, công nhận chức vụ Mục sư Nhiệm chức, Truyền đạo, Trưởng nhiệm.

-Bổ nhiệm trưởng cơ quan và Quản nhiệm Hội Thánh. Ngưng chức và cách chức hàng Giáo phẩm, Trưởng nhiệm, thành viên Ban Trị sự Tổng hội khi có 2/3 thành viên Ban Trị sự Tổng Hội chấp thuận.

- Phối hợp với Hội đồng Mục sư xác định các giáo phái Tin Lành, các tổ chức văn hoá, xã hội có thể hiệp thông hoặc tham gia làm thành viên.

- Chịu trách nhiệm chuẩn bị các Đại hội đồng, trả lời chất vấn của các đại biểu Đại hội đồng.

- Họp định kỳ sáu (06) tháng một lần, hoặc họp bất thường do thường trực Tổng hội triệu tập.



ĐIỀU 36 – NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN THÀNH VIÊN

BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI

1) Hội Trưởng: Lãnh đạo và điều hành công việc Giáo hội, đại diện cho Giáo Hội trước chính quyền và các Giáo Hội bạn, triệu tập và chủ tọa các Đại hội đồng, các cuộc họp của Ban Trị sự Tổng hội, Hội đồng Mục sư.

2) Phó Hội Trưởng: Phụ tá Hội Trưởng, tham mưu các vấn đề nội vụ, ngoại vụ, xử lý thường vụ khi được Hội Trưởng uỷ quyền.

3) Tổng Thư Ký: Tổ chức, điều hành văn phòng Tổng hội. Soạn thảo văn bản, quản thủ sổ sách của Giáo hội. Thừa uỷ nhiệm Hội Trưởng khi được Hội trưởng uỷ quyền.

4) Tổng Thủ Quỹ: Quản thủ tài chính, bảo quản sổ sách tài chính của Tổng hội.

5) Các Uỷ Viên: Phục vụ Giáo hội tuỳ theo trách nhiệm được giao.



ĐIỀU 37 – THƯỜNG TRỰC TỔNG HỘI

1) Thành phần thường trực Tổng hội phải là Mục sư gồm:

- Hội Trưởng.

- Các Phó Hội Trưởng.

- Tổng Thư Ký.

- Tổng Thủ Qũy.

2) Nhiệm Vụ: Thường Trực Tổng hội có nhiệm vụ triển khai các biểu quyết của Ban Trị sự Tổng hội, điều hành và giải quyết các việc cấp bách giữa hai (02) kỳ họp Ban Trị sự và chịu trách nhiệm trước Ban Trị sự Tổng hội.

3) Họp Định Kỳ: Mỗi tháng một lần, hoặc họp bất thường do Hội trưởng triệu tập.



ĐIỀU 38 – NHIỆM KỲ CỦA BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI

Nhiệm kỳ của Ban Trị sự Tổng hội là bốn (04) năm.



ĐIỀU 39 – TRƯỜNG HỢP BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI KHUYẾT THÀNH VIÊN

1/ Trường Hợp Khuyết Thành Viên: Trong nhiệm kỳ, nếu khuyết thành viên nào thì Ban Trị sự Tổng hội đề cử một trong các thành viên kiêm nhiệm cho đến khi có Đại hội đồng bất thường.

2/ Trường Hợp Khuyết Hội Trưởng: Phó Hội trưởng Thứ nhất đảm nhiệm chức vụ quyền Hội Trưởng cho đến khi Đại hội đồng bất thường.

ĐIỀU 40 – HỘI ĐỒNG MỤC SƯ

1/ Mục Đích: Hội đồng Mục sư chịu trách nhiệm các công việc mục vụ và tham mưu cho Ban Trị sự Tổng hội trong việc điều hành công việc.

2/ Thành Viên: Các Mục sư, Mục sư nhiệm chức, Nữ truyền đạo, Trưởng nhiệm đang làm việc tại các Hội thánh hoặc Điểm nhóm, các ban ngành Tổng hội. Trong trường hợp cần thiết, Ban Trị sự Tổng hội có thể mời thêm các vị Mục sư hưu trí, quả phụ Mục sư tham gia.

ĐIỀU 41 – TÀI CHÍNH TỔNG HỘI

- Thu từ các Hội thánh cơ sở dâng hiến ít nhất 1/10 tổng thu hàng tháng của Hội thánh và Hội nhánh (Điểm nhóm).

- Thu từ các khoản dâng hiến khác.

- Do kế hoạch tự túc.



CHƯƠNG V

CÁC CƠ QUAN CỦA GIÁO HỘI

ĐIỀU 42 – CƠ QUAN CỦA HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM (MIỀN BẮC)

Các cơ quan do Đại hội đồng Tổng hội hoặc Ban Trị sự Tổng hội thành lập, được gọi là cơ quan của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) gồm: Truờng Thánh kinh Thần học, các Trung tâm đào tạo nhân sự. Văn phẩm Cơ đốc và các cơ quan chuyên môn khác.



CHƯƠNG VI

QUYỀN PHONG CHỨC – BỔ NHIỆM – HƯU TRÍ – NGƯNG CHỨC – CÁCH CHỨC HÀNG GIÁO PHẨM

ĐIỀU 43 – QUYỀN TẤN PHONG MỤC SƯ

Ban Trị sự Tổng hội có quyền Tấn phong Mục sư theo quy chế riêng.



ĐIỀU 44 – QUYỀN CÔNG NHẬN, BỔ NHIỆM, NGƯNG

CHỨC, CÁCH CHỨC HÀNG GIÁO PHẨM.

-Ban Trị sự Tổng hội có quyền công nhận, phong chức, bổ nhiệm, ngưng chức, cách chức Mục sư, Mục sư Nhiệm chức, Truyền đạo, Nữ Truyền đạo thuộc hàng Giáo phẩm.

-Ban Trị sự Tổng hội có quyền phê chuẩn kết quả bầu cử của Hội nhánh (Điểm nhóm). Bổ nhiệm chức vụ Trưởng nhiệm theo đề nghị của Hội nhánh (Điểm nhóm). Có quyền công nhận hoặc không công nhận chức vụ Trưởng nhiệm.

ĐIỀU 45 – MỤC SƯ NHIỆM CHỨC, TRUYỀN ĐẠO,

NỮ TRUYỀN ĐẠO

Ban Trị sự Tổng hội xét công nhận và bổ nhiệm Mục sư Nhiệm chức, Truyền đạo và nữ Truyền đạo cho sinh viên tốt nghiệp Viện Thánh Kinh Thần Học hoặc Trường Thánh Kinh Thần Học.



ĐIỀU 46 – NGHỈ PHÉP VÀ HƯU TRÍ

1/ Hàng giáo phẩm đương chức đều được nghỉ phép hàng năm 15 ngày và được hưởng thêm một (01) tháng lương.

2/ Quy Định Tuổi Hưu Trí:

- Mục sư, Mục sư Nhiệm chức được Hưu trí tuổi 65.

- Nữ Truyền đạo được Hưu trí tuổi 60.

- Ban Trị sự Tổng hội xét đơn cho những trường hợp đã đến tuổi Hưu trí mà còn có khả năng và sự tín nhiệm làm việc trong Giáo hội.

- Mục sư, Mục sư Nhiệm chức, Truyền đạo, Nữ Truyền đạo hưu trí và quả phụ Mục sư cùng gia đình cần bàn giao công việc và tài sản chung cho Tổng hội và Hội thánh chậm nhất là ba (03) tháng sau khi hết nhiệm kỳ hoặc có quyết định của Tổng hội.

3/ Xét Định Hưu Trí, Quả Phụ:

- Ban Trị sự Tổng hội quy định chế độ trợ cấp hưu trí cho Mục sư, Mục sư Nhiệm chức, Truyền đạo, quả phụ Mục sư và Truyền đạo.

- Hội Thánh cơ sở cần quan tâm đến Mục sư, Mục sư nhiệm chức, Truyền đạo hưu trí và quả phụ Mục sư Truyền đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các tôi tớ Chúa tiếp tục cộng tác phục vụ.



CHƯƠNG VII

QUAN HỆ XÃ HỘI

ĐIỀU 47 – TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI XÃ HỘI

- Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) tôn trọng Hiến pháp và Luật pháp của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

- Giáo dục tín hữu về lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng Pháp luật, đoàn kết cùng toàn dân xây dựng đất nước, bảo vệ hoà bình.

ĐIỀU 48 – QUAN HỆ ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TIN LÀNH, CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI VÀ TÔN GIÁO KHÁC

- Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) đã thống nhất trên nguyên tắc, tiến tới thống nhất về tổ chức với danh xưng “Hội Thánh Tin Lành Việt Nam”.

- Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) hiệp thông với các hệ phái Tin Lành cùng tín lý, trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

- Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) tôn trọng các tổ chức xã hội và tôn giáo khác.



CHƯƠNG VIII

SẢN NGHIỆP GIÁO HỘI

ĐIỀU 49 – QUYỀN QUẢN TRỊ SẢN NGHIỆP CỦA HỘI

THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM (MIỀN BẮC)

1/ Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) là Giáo hội có tư cách pháp nhân, có quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất theo Pháp luật.

2/ Hội Đồng quản trị sản nghiệp của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) do Ban Trị sự Tổng hội đề cử, có quyền nhân danh Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) quản trị sản nghiệp của Giáo hội.

ĐIỀU 50– QUYỀN MUA BÁN VÀ CHUYỂN NHƯỢNG

1/ Hội Đồng quản trị sản nghiệp có quyền mua bán, tiếp nhận và chuyển nhượng tài sản theo Pháp luật, sau khi Ban Trị sự Tổng hội chấp thuận.

2/ Các hành vi thể hiện quyền quản trị sản nghiệp phải được công khai, theo đúng quy định của Pháp luật.

ĐIỀU 51 – QUYỀN THU HỒI TÀI SẢN

1/ Ban Trị sự Tổng hội có quyền thu hồi sản nghiệp thuộc quyền sở hữu và quyền sử dụng của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), đã được nhà nước công nhận mà bị chiếm dụng, sử dụng trái phép hoặc không tuân phục tổ chức của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc).

2/ Hội Đồng Quản trị sản nghiệp chịu trách nhiệm thi hành quyết định của Ban Trị sự Tổng hội, phù hợp với Pháp luật nhà nước.

CHƯƠNG IX

TÍN LÝ

ĐIỀU 52 – ĐỨC CHÚA TRỜI

- Chỉ có một Đức Chúa Trời Hằng sống, Vô hạn, Ngài là Đấng Tạo hoá.

- Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng Vinh hiển, Thánh khiết, Yêu thương, Nhân từ, Công chính, Thành tín và Quyền năng tuyệt đối, đáng được muôn loài thờ phượng và Tôn vinh.

- Ngài là Đức Chúa Cha, Đấng Tự hữu, Hằng hữu, Toàn thiện, Toàn mỹ, không có điểm bắt đầu và cũng không có điểm tận cùng (I Côr. 8:4-6; Giê. 10:10; Thi. 90:1; Khải 5:13-14; ITim.1:17; Rôm.16:27; Xuất.3:14; Giăng.3:16; I.Giăng 4:8).



ĐIỀU 53 – ĐỨC CHÚA JESUS CHRIST

- Đức Chúa Jêsus Christ là Ngôi Hai Đức Chúa Trời, cùng bản tính, cùng Quyền năng, Bình đẳng, Hằng hữu với Đức Chúa Trời.

- Đức Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Con, được thai dựng bởi Đức Thánh Linh qua trinh nữ Ma-ri (không hề có người nào được thai dựng giống như vậy).

- Ngài là Đấng Thần Nhân, tức là Đức Chúa Trời trọn vẹn và cũng là Con Người trọn vẹn, thánh khiết, vô tội tuyệt đối, là Cứu Chúa duy nhất của nhân loại. (Giăng 1:1-3; 3:16; 10:30, Phi-líp 2:5-8, Cô-lô-se 1:15, I Tim. 2:5).



ĐIỀU 54 – ĐỨC THÁNH LINH

- Đức Thánh Linh là Ngôi Ba Đức Chúa Trời, cùng bản tính, cùng quyền năng, bình đẳng, hằng hữu với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.

- Ngài tác động vào công cuộc sáng tạo, là Thần ngăn trở kẻ tội ác (ma quỷ) để ý chỉ và chương trình của Đức Chúa Trời Ba Ngôi được hoàn thành.

- Đức Thánh Linh là Thần thuyết phục, cáo trách và khiến tội nhân tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và sự phán xét.

- Đức Thánh Linh là Thần lẽ thật ban ơn Cứu rỗi, Tái sinh, Thánh hoá người tin và dẫn dắt Hội thánh.

- Đức Thánh Linh là Thần thông sáng, khai tâm mở trí người tin, dẫn dắt lẽ thật cách trọn vẹn.

- Đức Thánh Linh là Thần yên ủi, hỗ trợ, đưa dẫn và cứu giúp người tin đạt đến bậc thành nhân trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời và bảo hộ họ trong sự cứu rỗi trọn vẹn (Giăng 14:16, 17, 26; 16:7-14; Êph. 1:13-14; Giăng 1:12; Gal. 5:22; II Tê-sa-lô. 2: 13; I Côr. 1:30; 2:10-11, Châm. 8; Ê-sai 11:2).

ĐIỀU 55 – ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tin nhận Đức Chúa Trời Ba Ngôi: Đức Chúa Cha là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Con là Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời. Ba Ngôi hiệp một, bình đẳng, cùng bản tính, và hiệp lại làm một Đức Chúa Trời trọn vẹn (Sáng 1:3, 26; Giăng 14:23; II Côr. 13:13; Giu-đe 24; Khải. 22:16 -19).



ĐIỀU 56 – CÔNG CUỘC SÁNG TẠO

- Đức Chúa Trời Ba Ngôi đã hoàn thành công cuộc sáng tạo theo ý chỉ và chương trình trọn lành của Ngài.

- Cuộc sáng tạo này được ghi lại trong Kinh thánh hoàn toàn rõ ràng theo nghĩa đen và nghĩa tâm linh, không phải là ngụ ngôn hay nghĩa bóng.

- Loài người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và cuộc tạo dựng này không bởi sự tiến hoá hay do quá trình tiến hoá.

- Toàn thể vũ trụ đã được Đức Chúa Trời sáng tạo từ chỗ không không, theo quy luật riêng, để chúng sinh sản và phát triển “tuỳ theo loài”.

- Công cuộc sáng tạo biểu hiện vinh quang Đức Chúa Trời đem lại lợi ích, phục vụ cho cuộc sống nhân loại trên trần gian (Sáng. 1,2; Giăng 1:1-3; Thi. 8, 19; Hêb. 1:1-3; 2:6-7).



ĐIỀU 57 – CÔNG CUỘC CỨU CHUỘC

1/ Sự Sa Ngã.

- Loài người được tạo dựng từ buổi đầu rất tốt lành, nhưng đã sa ngã vì không thắng được sự cám dỗ trong cuộc thử nghiệm. Con người đã sa vào tội lỗi không phải do tình cờ mà do chính sự lựa chọn theo ý riêng.

- Con người bị hư hoại cả thân thể, tâm thần, linh hồn, và lưu truyền tính hư hoại ấy cho cả dòng dõi loài người.

- Vì sa ngã, con người bị nguyền rủa, bị định tội và không thể tự giải thoát. Do đó con người không bao giờ được giải cứu nếu không nhờ đến ân điển Cứu chuộc của Đức Chúa Jêsus Christ (Sáng. 1:26-28; 3:6-8, 13; Rôm. 5:12; IICôr.2:3, Êph. 2:1-3, 8-9; Giăng 1:14; 3:36).

2/ Sự Chuộc Tội.

Sự cứu rỗi hoàn toàn do ân điển, qua vai trò Trung bảo của Con Đức Chúa Trời là Đức Chúa Jêsus Christ, Đấng được Đức Chúa Trời ban sai. Ngài mang lấy hình thể yếu đuối như chúng ta, song không hề phạm tội. Theo ý Cha, Ngài vâng phục trọn vẹn và bởi sự đổ huyết của Ngài trên thập tự giá, trở nên giá chuộc tội cho chúng ta.

- Sự chết của Đức Chúa Jêsus Christ trên Thập tự giá không phải một hành động tuận đạo, song chính là một sự hy sinh tự nguyện. Ngài chịu đứng vào địa vị tội nhân thay thế cho chúng ta, sự công chính thay thế sự bất chính, trước luật thánh khiết và công chính tuyệt đối của Đức Chúa Trời.

- Đức Chúa Jêsus Christ đã sống lại từ cõi chết, và hiện nay ngồi bên hữu Đức Chúa Trời với vinh quang vốn có từ trước. Ngài là Chúa Cứu thế, luôn cảm thương và cầu thay cho chúng ta trong mọi cảnh ngộ (Rôm. 3:22,24,45; 8:30; Phi-líp 2:5-11; Côl. 5:19-21; Hêb. 4:14-15; 7:24-26; I Phi-ê-rơ 1:19).

3/ Ân Điển Và Sự Đổi Mới:

- Tội nhân được hưởng ơn cứu rỗi do tin nhận Đức Chúa Jêsus Christ, từng trải sự tái sinh, đó là việc tạo dựng thành người mới trong Đức Chúa Jêsus Christ, do sự sống bất diệt của Đức Chúa Trời, sự ban cho Đức Thánh Linh, hoàn toàn không do nỗ lực riêng và công đức của bất cứ ai.

- Đó là sự dựng nên mới vượt trên mọi sự hiểu biết của lý trí, không phải bởi sự nỗ lực riêng hay sự thay đổi về văn hoá, lối sống, không bởi ý người, song hoàn toàn do quyền năng của Đức Thánh Linh dẫn dắt bằng lẽ thật của Kinh Thánh. Sự cứu rỗi bảo đảm bởi quyền phép Đức Chúa Trời, và bởi đức tin bền vững của con người nơi Đức Chúa Jêsus Christ.

- Do ơn Thần hựu mà chúng ta được hưởng ơn Cứu rỗi, bởi lòng ăn năn và đức tin, khiến đời sống chúng ta đổi mới và bước đi trong sự thuận phục Đức Thánh Linh (Giăng 1:12-14; II Côr. 5:17; Giăng 10:28-29; Gal. 2:20; I Phi. 1:23-25; II Phi. 1:4; Êph. 2:8-9).

ĐIỀU 58 – KINH THÁNH

- Kinh thánh là lời thành văn của Đức Chúa Trời được Đức Thánh Linh soi dẫn, là Lẽ thật không sai lầm mà Đức Chúa Trời đã mặc khải và soi sáng cho các trước giả thời Cựu Ước và Tân Ước.

- Kinh thánh là sự bày tỏ ý chỉ và đường lối của Đức Chúa Trời cho loài người. Kinh thánh là mực thước cho đức tin và đời sống đạo đức của tín đồ. Do đó Kinh thánh là trọng tâm và là tiêu chuẩn tuyệt đối của đời sống người tin, là cơ sở mà Đức Chúa Trời sẽ phán xét mọi tư tưởng và hành vi của nhân loại.

- Kinh thánh gồm Cựu ước (39 sách) và Tân ước (27 sách), là bộ kinh điển không chỉ hàm chứa lời phán của Đức Chúa Trời, mà chính là Lời Đức Chúa Trời ban cho nhân loại.

- Khi nói Kinh thánh được hà hơi, nghĩa là được Đức Chúa Trời điều khiển các trước giả một cách siêu nhiên bởi Đức Thánh Linh, và tể trị mọi sự đến nỗi mọi điều họ viết nguyên bản đều được hướng dẫn cách chính xác và không sai lầm, dù trong bất cứ lãnh vực nào.

- Kinh thánh là nền tảng đức tin của tín hữu, Hội thánh có trọng trách tuân thủ và rao truyền khắp mọi nơi, mọi thời đại (Rôm.15:4; II Tim.3:15. I Phi. 1:22-25; Giăng 12:48; II Phi. 1:20-21; Khải 22:18-19).



ĐIỀU 59 – HỘI THÁNH

1/ Hội Thánh Hữu Hình.

- Hội thánh hữu hình bao gồm những người đã tin nhận Đức Chúa Jêsus Christ, hiệp nhau bởi giao ước đức tin nơi Phúc Âm. Tuân giữ các Thánh lễ do Chúa ban truyền và các Lễ nghi khác. Hội thánh hữu hình là một tổ chức được quản lý bởi Luật thánh của Chúa, thể hiện các ân tứ và đặc quyền theo lời Chúa dạy, được hướng dẫn bởi Mục sư.

- Hội thánh thực thi đại mạng lệnh của Chúa; môn đồ hoá muôn dân, làm Báp-têm cho mọi người tin trong Danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Linh, dạy họ giữ mọi điều Chúa truyền.

- Hội thánh địa phương tự lập để gây dựng và phát triển Hội thánh. Các Hội thánh địa phương cùng hiệp lại với nhau trong niềm tin, xác quyết qua Bản Tín Điều Các Sứ Đồ và tinh thần hỗ trợ truyền giáo (Math.28:18-19; Mác 16:15; I Côr. 1:1-3; I Phi. 1:22-25; Rôm. 10:8-17; Công. 2:42-47; Giăng 17:21-23; Êph. 2:19-22; 5:26-27; I Tim. 3:15-16; II Tim.4:1-5).

2/ Hội Thánh Vô Hình.

- Những người đã tin nhận Đức Chúa Jêsus Christ, được tái sinh bởi quyền phép Đức Thánh Linh, hiệp một trong Danh Đức Chúa Jêsus Christ, khắp mọi nơi, mọi thời đại, tạo nên một thân thể thiên liêng, mà chính Đức Chúa Jêsus Christ là đầu.

- Đức Chúa Jêsus Christ là Chủ của Hội thánh, bởi Đức Thánh Linh Ngài bày tỏ vinh quang của Đức Chúa Trời qua Hội thánh.

- Hội thánh vô hình thuộc về vương quốc Đức Chúa Trời, bao gồm cả thời kỳ Cựu Ước, thời kỳ Tân Ước và cõi lai sinh (Êph. 3:10; 5:22-27; Giăng 17:21-23; Công. 20:28; Hêb. 12:22-24; Khải 19:6-8; 22:17).

ĐIỀU 60 – ÂN TỨ CỦA ĐỨC THÁNH LINH

- Để kiện toàn Hội thánh, Đức Thánh Linh ban ân tứ của Ngài cho mỗi người tin, không phân biệt ai.

- Ân tứ là quà tặng đến từ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, nên không một ai có quyền phân biệt, ganh tị hay chiếm độc quyền; cũng không một ai có thể tự tạo hoặc truyền thụ cho người khác.

- Các ân tứ của Đức Thánh Linh bao gồm:

1) Chức Dịch: Sứ đồ, Tiên tri, Mục sư (Giám mục, Trưởng lão), Giáo sư, Thầy giảng Tin Lành, Chấp sự.

2) Công Việc: Dạy dỗ, khuyên bảo, cứu giúp, quản trị, chữa bệnh, đuổi quỉ.

3) Tri Thức Thuộc Linh: Lời nói khôn ngoan, sự thông biết, ơn Tiên tri, phân biệt các thần, nói ngôn ngữ mới, và sự thông giải.

Mọi ân tứ đều phải được thực thi theo nguyên tắc:

Có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Ðức Thánh Linh. Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Ðức Chúa Trời, là Ðấng làm mọi việc trong mọi người. Ðức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung. Vả, người nầy nhờ Ðức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Ðức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức. Bởi một Ðức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Ðức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh; người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy. Mọi điều đó là công việc của đồng một Ðức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người(I Cô-rinh-tô 12:4-11; Rôm.12:3-8; Ê-phê-sô 4:4-16; Công. 8:4-24).


ĐIỀU 61 – ÂN TỨ NÓI NGÔN NGỮ MỚI

VÀ CHỮA BỆNH

1/ Ân Tứ Nói Ngôn Ngữ Mới.

- Là Ân tứ được ban cho trong ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem với mục đích công bố và rao truyền ơn Cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho người Do thái, và sau là người ngoại bang, để hiệp họ nên một trong thân thể là Hội thánh Chúa trên đất (Công. 2:8, 14, 17; 10:44-47; 19:1-17).

- Là Ân tứ riêng được ban cho người tin để tự gây dựng chính mình. Khi cần bày tỏ cách chung, phải có người thông giải; nếu không, họ phải im lặng (I Cô-rinh-tô 14:7-28).

- Là một trong các loại ân tứ giới hạn theo I Cô-rinh-tô 13: 8 Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ”.

2/ Ân Tứ Cầu Nguyện Chữa Bệnh Và Phép Lạ.

- Là dấu hiệu về đặc quyền của 12 sứ đồ (Math. 10:1; Mác 3:14; Luca 9:1-2) và các môn đồ (Luca 10:9).

- Là ơn Chúa ban cho Hội thánh khi hiệp nhau xức dầu cầu nguyện (Gia-cơ 5:14-16).

- Mọi phép lạ đều do Đức Chúa Trời thực hiện và do lòng tin của người nhận. Tuy nhiên, phép lạ được ban cho hay không, đều hoàn toàn đến từ Đức Chúa Trời, tuỳ ý muốn và thời điểm của Ngài (Mác 9:18,28; Math. 12:38-45; Giăng 9:3; Math. 7:21-23).

3) Cảnh Giác Về Sự Lạm Dụng Các Ân Tứ.

- Ân tứ đến từ Đức Chúa Trời, song vẫn có trường hợp con người lạm dụng theo ý riêng và sự xúi giục của xác thịt (Công. 8:18-24, Math. 4:3-4; 7:21-23; Luca 4:3).

- Một số tín hữu Hội thánh Cô-rinh-tô đã lạm dụng ân tứ nói tiếng mới, gây nên kiêu ngạo, chia rẽ trầm trọng (I Cô-rinh-tô 12, 14).

- Nguyên tắc chấn chỉnh: Ðức Chúa Trời chẳng phải là Chúa của sự loạn lạc, bèn là Chúa sự hòa bình (I Cô-rinh-tô 14:33).

ĐIỀU 62 – ÂN TỨ VÀ BÔNG TRÁI LỚN HƠN HẾT: TÌNH YÊU THƯƠNG.

Hãy nôn nả tìm kiếm tình yêu thương” (I Cô-rinh-tô 12:31;13;14;1).



ĐIỀU 63 – BÔNG TRÁI CỦA ĐỨC THÁNH LINH

- Cơ Đốc Nhân là người có sự sống đời đời do lòng tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ.

- Sự sống đời đời là sự sống của chính Đức Chúa Trời Ba Ngôi ban cho. Khi có sự sống của Chúa sẽ kết quả bằng bông trái Đức Thánh Linh, được thể hiện qua nếp sống với mục đích tôn vinh Đức Chúa Trời, dắt đem tội nhân đến sự cứu rỗi.

- Bông trái Đức Thánh Linh tức là sự yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ (Ga-la-ti 5:22).

- Bông trái Đức Thánh Linh là kết quả đa diện và phong phú trong cuộc đời theo Chúa (I Phi-e-rơ 1:3-11; II Phi-e-rơ 1:3-9).

ĐIỀU 64 – THỜ PHƯỢNG VÀ TÔN VINH ĐỨC

CHÚA TRỜI

1/ Chủ Nhật: Chủ nhật là ngày thứ nhất trong tuần lễ mà Hội thánh đầu tiên đã nhóm lại thờ phượng Đức Chúa Trời Ba Ngôi, để kỷ niệm ngày Đức Chúa Jêsus Christ từ sự chết sống lại (Giăng 20:19; 16, Công vụ 2:1).

- Chủ nhật còn gọi là Ngày của Chúa, ngày yên nghỉ Thánh cho dòng dõi mới (Sáng. 2:3; Hê-bơ-rơ 4:1-10; 10:25; Khải. 1:10; I Côr. 16:2).

- Trong ngày chủ nhật, Hội thánh phổ thông trên thế giới nghỉ các công việc mình, tuỳ điều kiện hiệp lại để thờ phượng và tôn vinh Đức Chúa Trời, và bày tỏ ơn Cứu rỗi cho người chưa tin.

2/ Tại Nhà Riêng: Mỗi gia đình tín hữu nên giữ Gia đình Lễ bái, sự Thông công, sự Cầu nguyện, và hằng bước đi trong sự tin kính Chúa (Công. 2:46-47; 28:30-31; Ê-phê-sô 6:1-9; Cô-lô-sê 3:18-25).

ĐIỀU 65 – GIA ĐÌNH CƠ ĐỐC

- Mọi người phải tôn trọng Hôn nhân, chung thuỷ một vợ một chồng.

- Hội Thánh không chấp thuận việc ly hôn, ngoại trừ trường hợp ngoại tình.

- Người sống độc thân phải biệt riêng đời sống cho Chúa.

- Lời Chúa lên án những hình thức luyến ái như: Đồng tính, trước hôn nhân, ngoài hôn nhân, đa thê, loạn luân, vô luân.

- Vợ chồng, cha mẹ, con cái và mọi người trong gia đình phải có lòng hiếu thảo, vâng phục, yêu thương, trung tín, thuỷ chung và tôn trọng nhau (Hêb. 13:4; Math. 19:9; Sáng. 19:1-11; Ê-phê-sô 5:22-23; I Côr. 7:7-9, 32; Rôma 1:26;27).



ĐIỀU 66 – PHỤC VỤ HỘI THÁNH

- Trách nhiệm mỗi tín hữu là thường xuyên tham gia thờ phượng Chúa tại Nhà thờ, Nhà nguyện, các Điểm nhóm, Nhà riêng.

- Tham gia các sinh hoạt của Hội thánh bằng sự nhóm họp, thăm viếng, dâng hiến, ca ngợi Chúa, làm chứng, chia sẻ niềm tin, truyền giảng, và các công tác gây dựng và phát triển Hội thánh (Công. 2:42-47; Ê-phê-sô 5:19-20; Công. 1:8;8:9).

ĐIỀU 67 – RAO GIẢNG TIN LÀNH

- Nhiệm mạng trọng yếu mà Đức Chúa Jêsus Christ đã giao phó là mỗi người tin Chúa phải trung tín rao truyền đạo cứu rỗi cho mọi người.

- Ưu tiên truyền giáo, giảng Tin Lành dù thuận lợi hay không (Math.28:18-20; Mác 16:15; Công. 1:8; II Tim. 4:1-5; Math. 24:14).

ĐIỀU 68 – TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

1/ Yêu Thương Giúp Đỡ.

- Loài người cả nam nữ đều được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, nên mỗi Cơ Đốc Nhân kính Chúa thì phải yêu người.

- Mỗi Cơ Đốc Nhân có trách nhiệm xây dựng xã hội mình đang sống. Phải yêu thương, giúp đỡ mọi người trong hoàn cảnh khốn khó.

- Tham gia các công tác Xã hội tại địa phương, giữ tình đoàn kết, hết lòng phục vụ an sinh xã hội và cầu sự bình an cho mọi người (Sáng. 1:26-27; Gia-cơ 1:27, 2:14-17; Hêb. 12:14; I Tim. 2:1; Math. 22:37-39).

2/ Bổn Phận Công Dân: Vâng phục nhà cầm quyền vì họ do Đức Chúa Trời lập nên.

- Cầu nguyện cho các nhà cầm quyền để họ thi hành trật tự và công bằng Xã hội.

- Tôn trọng Luật pháp hiện hành, làm trọn mọi nghĩa vụ công dân hợp với Tín lý.

- Sự tự do của Cơ Đốc Nhân không làm vấp phạm cho người khác (Rôm. 13:1-7; I Phi-ê-rơ 2:13-17; Math. 17:24-27).

ĐIỀU 69 – MÔI TRƯỜNG SỐNG

- Thế giới và mọi vật trong thế giới được Đức Chúa Trời dựng nên và bảo tồn.

- Đức Chúa Trời ban cho loài người quyền quản trị muôn vật.

- Hãy cảm tạ, thụ hưởng và bảo vệ.

- Không vượt quyền Đấng Tạo hoá.

(Thi. 8:1-9; 96;97; 100; Mi-chê 6:8).



ĐIỀU 70 – SỰ TÁI LÂM CỦA ĐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST

- Vì Đức Chúa Jêsus Christ đã chết cho tội nhân, Ngài Phục sinh, Thăng thiên, ngự bên hữu ngai Đức Chúa Trời, làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Hằng sống Đời đời, cầu thay và biện hộ cho người được chọn.

- Từ khi Đức Chúa Jêsus Christ Giáng sinh cho đến khi Ngài Tái lâm là thời đại Ân điển. Do sự truyền bá Tin Lành, Đức Chúa Trời lựa chọn từ trong Thế gian những người được biệt riêng gọi là Hội thánh của Đức Chúa Jêsus Christ. Khi Tin Lành cứu rỗi được rao truyền khắp nơi và số người được chọn gia nhập vào Hội thánh đầy đủ, thì Đức Chúa Jêsus Christ sẽ thình lình từ trời trở lại trần gian này, theo thì giờ Đức Chúa Trời đã ấn định (không ai có thể biết trước) để tiếp rước Hội thánh lên không trung gặp Chúa.

- Sau đó Đức Chúa Jêsus Christ sẽ lập nước bình an trên đất, các Thánh đồ sẽ cùng đồng trị với Ngài (Khải. 2:1-6; Xa-cha-ri 14:1-4; Math. 24:14, 36; Luca 21:24; Công vụ 1:7; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-17; Khải. 21).



ĐIỀU 71 – SỰ SỐNG LẠI VÀ SỰ XÉT ĐOÁN.

- Mọi người sẽ sống lại theo thứ tự riêng. Người tin sống lại, đồng trị trong Vương quốc Thiên hi niên; người không tin sẽ sống lại sau Thiên hi niên để chịu phán xét.

- Cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự phán xét chung, người Công chính sẽ vào hưởng sự sống và phước hạnh đời đời trong trời mới đất mới, còn người khước từ ơn cứu rỗi sẽ bị khổ hình một cách có ý thức, trong hồ lửa, trong đó đã có ma quỷ và những quỷ sứ nó, cho đến đời đời (I.Tê-sa-lô-ni-ca 4:16; I Cô-rinh-tô 15:42-44,45; Công vụ 4:15; Giăng 5:28-29; Phi-líp 3:21; Khải. 20:10, 11-15; 21:1-8, 22-27).

ĐIỀU 72 – BÀI TÍN ĐIỀU CÁC SỨ ĐỒ

Tôi tin Đức Chúa Trời toàn năng là Cha, là Đấng dựng nên trời đất.

Tôi tin Đức Chúa Jêsus Christ là Con độc sanh của Đức Chúa Trời, là Chúa chúng ta; Ngài được thai dựng bởi Thánh Linh, sanh bởi nữ Đồng trinh Mari, chịu thương khó dưới tay Bôn-xơ-phi-lát, bị đóng đinh trên Thập tự giá, chịu chết và chôn; Ngài xuống âm phủ; đến ngày thứ ba; Ngài từ kẻ chết sống lại; Ngài thăng thiên, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời toàn năng là Cha; từ đó, Ngài sẽ trở lại để xét đoán kẻ sống và kể chết.

Tôi tin Đức Thánh Linh. Tôi tin Hội thánh phổ thông, sự cảm thông của thánh đồ, sự tha tội, sự sống lại của thân thể, và sự sống đời đời. Amen.

CHƯƠNG X

SỬA ĐỔI HIẾN CHƯƠNG

ĐIỀU 73 – CÁCH SỬA ĐỔI HIẾN CHƯƠNG

Sửa đổi Hiến chương do Ban Trị sự Tổng Hội đệ trình Đại hội đồng Tổng hội.



ĐIỀU 74 – QUYỀN SỬA ĐỔI HIẾN CHƯƠNG

Chỉ có Đại hội đồng Tổng hội mới có quyền sửa đổi Hiến chương của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc).



ĐIỀU 75 – TỔNG SỐ CHƯƠNG, ĐIỀU CỦA HIẾN

CHƯƠNG

-Hiến chương của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) gồm mười (10) chương, bảy mươi lăm (75) điều, đã đuợc Đại hội đồng Tổng hội lần thứ 34 thông qua tại Hà Nội từ ngày 2 đến ngày 3 tháng 10 năm 2013.

-Để thi hành Hiến chương còn có các văn bản: Nội Quy, Giáo Luật, Kỷ Luật và các Quy chế. Tuy nhiên, các văn bản này không được trái hoặc xa rời với Hiến chương.

-Hiến chương này có hiệu lực thi hành kể từ ngày được phê chuẩn của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

-Tất cả các văn kiện trước đây trái với Hiến Chương này đều không còn hiệu lực.

Hà nội, ngày 02 tháng 10 năm 2013.




- -


tải về 140.05 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương