HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dâN ĐỒng dao và ca dao cho trẻ em sưu tầM, nghiên cứU, tuyển chọn nhà xuất bảN …


IV. ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP CỦA ĐỒNG DAO



tải về 2.73 Mb.
trang3/18
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích2.73 Mb.
#1499
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

IV. ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP CỦA ĐỒNG DAO

Trước khi tìm hiểu về đặc điểm thi pháp của đồng dao, cần biết chung khái niệm về thi pháp văn học, thi pháp văn học dân gian, thi pháp thể loại để từ đó xác định các thành tố của thi pháp thể loại đồng dao.



Thi pháp học là một thuật ngữ ra đời từ rất sớm do nhà bác học và triết gia Hy Lạp cổ đại A-rix-tốt (384-322 trước CN) là ngư­ời đầu tiên nêu ra với công trình “Thi pháp học" của mình. Đến nay, “Thi pháp học" của ông còn lại 26 chương. Lần đầu tiên trong lịch sử mỹ học và lý luận văn học, đó là cuốn sách nghiên cứu chức năng văn học nghệ thuật và phân loại văn học, bàn đến các khái niệm "nội dung", “cốt truyện"; nghiên cứu các biện pháp tu từ... Ở Trung Hoa cổ đại, L­ưu Hiệp (khoảng giữa năm 496-501, đời Nam Tề) đã viết cuốn "Văn tâm điêu long" bàn về mục đích chức năng của văn học, nguồn gốc của cái đẹp, nội dung và hình thức tác phẩm văn học không tách rời nhau, nội dung bao giờ cũng quyết định. Ông viết “Nếu có phong cốt mà thiếu vẻ đẹp, thì cũng nh­ư con chim ư­ng trong rừng bút; nếu có vẻ đẹp mà thiếu phong cốt, thì cũng nh­ư con gà rừng nhảy ở vư­ờn văn. Chỉ có ai văn đẹp mà lại bay cao, thì mới là con phượng hoàng cất tiếng trên văn đàn". Lưu Hiệp cũng bàn về kỹ thuật viết văn nh­ư các vấn đề hư­ cấu, tưởng tượng, kết cấu, ngôn ngữ trong công trình của mình.

Ở Đức, trên lập trường duy tâm, Hê-ghen (1770- 1831) có cách nhìn theo quan điểm lịch sử là phân tích biện chứng về các hình thức và phạm trù của nghệ thuật, là sự hiểu biết về mối liên hệ hữu cơ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Ở Nga và Liên Xô cũ, hơn một trăm năm gần đây, cùng với việc nghiên cứu thi pháp nói chung, A.N.Vê-xê-lôp-xki (1838- 1906) đã phân tích sự nảy sinh và phát triển của các phương tiện nghệ thuật và của các hình thức kết cấu trong những thể loại văn học dân gian. V.Ia.Prôp đặt nền móng cho cách tiếp cận cấu trúc đối với thể loại truyện cổ tích nói riêng và văn học dân gian nói chung. Nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian ở Liên Xô cũ cũng như­ ở châu Âu đã tán thành, phát triển lý luận và cấu trúc của V Ia.Prôp nhất là trong nghiên cứu truyện cổ tích.

Trong quan hệ với mỹ học và lý luận văn học, từ x­ưa, thi pháp học là một bộ phận của mỹ học và lý luận văn học nhưng gần đây, thi pháp học đã trở thành một bộ môn riêng. Tuy nhiên, hiện nay giữa các nhà nghiên cứu tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về thi pháp học. Định nghĩa mới nhất mà M.B.Khrap-tren-cô (1904-1986) nêu ra là "Có thể xác định thi pháp học như­ một bộ môn khoa học nghiên cứu các phương thức và phương tiện thể hiện cuộc sống bằng nghệ thuật, khám phá cuộc sống bằng hình tượng". Thi pháp học trở thành môn học đồng đẳng với lý luận văn học còn mỹ học là lý luận chung về các bộ môn nghệ thuật (trong đó có nghệ thuật ngôn từ tức văn học)1



Thi pháp văn học, theo Nguyễn Xuân Kính, là “tổ hợp những đặc tính thẩm mỹ-nghệ thuật và phong cách của một hiện tượng văn học, là cấu trúc bên trong của nó, là hệ thống đặc trư­ng của các thành tố nghệ thuật và mối quan hệ giữa chúng”1. Ngày nay thi pháp là thuật ngữ dùng chung cho toàn bộ văn học, liên quan đến nghệ thuật ngôn từ không chỉ là thi ca2 mà còn cả Văn xuôi nữa. Theo nghĩa rộng, thi pháp có thể là sự tổng hợp các thành tố của hình thức nghệ thuật ngôn từ, từ cốt truyện, kết cấu, các hiện tượng ngôn ngữ nghệ thuật, nhịp, vần thi ca, đến loại hình, thể tài, nguyên tắc và phương pháp phản ánh thực tại; các phạm trù không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật của tác giả về thế giới và con ng­ười.

Thi pháp văn học dân gian, theo nhà phôn-cơ-lo học nổi tiếng Xô Viết Crap-xốp (1906-1980) khi trả lời câu hỏi "Thi pháp là gì?": "Thi pháp với tư­ cách là tổ hợp những đặc điểm hình thức nghệ thuật của các tác phẩm ngôn từ bao gồm:

a. Những đặc điểm của cấu trúc tác phẩm;

b. Hệ thống những phương tiện phản ánh, nhờ những phương tiện này mà văn học viết và văn học dân gian xây dựng những bức tranh về cuộc sống, những hình tượng về con ngư­ời và tái tạo những hiện tượng khác nhau của thực tại (các sự kiện lịch sử, sinh hoạt và đạo đức của con ng­ười, thiên nhiên);

c. Những chức năng t­ư tưởng-thẩm mỹ của cấu trúc tác phẩm và những chức năng tư­ tưởng-thẩm mỹ của các phương tiện thể hiện tác phẩm (sự thể hiện một cách xúc cảm trước hiện thực, sự đánh giá những sự kiện và hành vi của nhân vật, sự khám phá ý đồ sáng tạo cùng giá trị t­ư tưởng-nghệ thuật và tay nghề sáng tạo ra tác phẩm)”1.

Ông còn nêu đặc điểm riêng của văn học dân gian là sáng tạo của quần chúng nhân dân, là cách thức thể hiện và biểu hiện của từng nghệ nhân, đặc biệt thi pháp văn học dân gian bao gồm cả những đặc điểm dân tộc.

Ở nước ta, thi pháp văn học dân gian, nếu hiểu là đặc điểm nghệ thuật, nhất là đối với ca dao, thể loại thi ca dân gian có số lượng lời lớn nhất nếu tính theo đơn vị trong các thể loại của văn học dân gian, thì ít nhất trong nửa đầu thế kỷ trước, một số nhà nghiên cứu thi ca bình dân đã đề cập đến vẻ đẹp của ca dao trong lối dùng ngôn ngữ, trong kết cấu của nó. Từ những nghiên cứu lẻ tẻ về nghệ thuật ca dao trên các báo nhất là Tri Tân, Dương Quảng Hàm, trong sách Văn học sử yếu đã viết về các thể phú, hứng, tỉ, sự kết hợp nghệ thuật của các thể này trong cấu tứ và diễn đạt bằng ngôn từ trong ca dao. Vần điệu của ca dao theo thể thơ lục bát, các thể văn hai ba, bốn cũng được một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nói đến. Họ chú ý nhiều đến đặc điểm dân tộc của các thể thơ mang đặc điểm dân tộc Việt Nam trong ca dao1. Nói về thể lục bát trong ca dao, Nguyễn Đình Thi nhận xét khi so sánh thơ lục bát với thơ Đư­ờng luật dùng một hình ảnh ta có thể ví lối thơ Đ­ường luật như­ một chiếc bình pha lê kết tinh trong suốt nhưng không đủ sức lôi cuốn của một dòng sông. Thơ lục bát, trái lại, vì hợp với tiếng nói nước ta hơn nên có thể dung được nguồn cảm hứng tràn lan, đó là thể thơ ca hát, kể chuyện của dân chúng”2 Riêng về thuật ngữ “thi pháp văn học" thì từ 1980 về sau, các nhà nghiên cứu văn học mới dùng khái niệm này. Về thi pháp văn học dân gian, tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ nhất về văn hóa dân gian (7-1980), Chu Xuân Diên nêu định nghĩa và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian. Theo ông, “thi pháp văn học dân gian là toàn bộ các đặc điểm về hình thức nghệ thuật, về phương thức và thủ pháp miêu tả, biểu hiện, về cách cấu tạo đề tài, cốt truyện và phương pháp xây dựng hình tượng con người... Việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian bao gồm từ việc khảo sát những yếu tố thi pháp riêng lẻ như­ phép so sánh thơ ca, các biểu tượng và luật thơ, các mô-típ và cách cấu tạo cốt truyện, cách mô tả diện mạo bên ngoài và tâm lý bên trong của nhân vật... đến việc khảo sát những đặc điểm thi pháp chung của từng thể loại; cuối cùng là việc nêu lên những đặc điểm phổ thông và những đặc điểm dân tộc của thi pháp văn học dân gian nói chung. Nghiên cứu thi pháp văn học dân gian còn bao gồm cả việc khảo sát những đặc điểm phong cách cá nhân của ngư­ời sáng tạo và diễn xướng trong mối quan hệ với những đặc điểm thi pháp truyền thống"1.

Về thi pháp thể loại, sau khi nêu thể loại gồm hệ đề tài, thi pháp, chức năng, phương thức diễn xướng (4 đặc trư­ng cơ bản về thể loại văn học dân gian), Đỗ Bình Trị cho rằng "Thi pháp thể loại là tổng thể các yếu tố thuộc về hình thức và thủ pháp nghệ thuật mà các tác phẩm thuộc cùng một thể loại đều thống nhất sử dụng. Xét chung, những yếu tố này gồm:

- Thể văn (bao gồm các thể: thơ ca, văn xuôi, câu nói vần vè; thơ ca và văn xuôi lại gồm các thể thơ ca và các thể truyện kể).

- Kết cấu (bao gồm các kiểu kết cấu tác phẩm gắn với các thể văn nói trên của nghệ thuật truyền miệng),

- Thủ pháp nghệ thuật (bao gồm các thủ pháp xây dựng hình tượng nhân vật, cấu tạo hình ảnh và chi tiết nghệ thuật biểu đạt không gian và thời gian nghệ thuật v.v...)”1

Ông cũng cho biết “chỉ nghiên cứu văn học dân gian mới quan tâm, có khả năng giải thích nguồn gốc và ý nghĩa lịch sử của những yếu tố có cội nguồn xa xưa thuộc thi pháp các thể loại văn học dân gian, đặc biệt là dân tộc học".

Về thi pháp đồng dao, từ 1993, Vũ Ngọc Khánh, sau khi phân tích so sánh sức sống của đồng dao cổ truyền với sáng tác của người lớn cho trẻ em, viết: "Những bài đồng dao thường bị xem là lung tung, tản mạn, giá trị tư­ tưởng nghệ thuật thường bị đánh giá thấp, hoặc cho là không có gì, vốn có yêu cầu riêng, phương pháp riêng nên mới có thể tồn tại lâu dài". Ông cho rằng "Vấn đề cơ bản trong thi pháp đồng dao là yếu tố tưởng tượng của trẻ. Với các em mọi vật đều như­ có tri giác, các em nói chuyện với cỏ cây hoa lá, các đồ đạc loài vật chung quanh mình và hình dung rất hồn nhiên, chân thực rằng đó là những cuộc đối thoại cảm thông cụ thể"2. Đồng ý với Vũ Ngọc Khánh chúng tôi khẳng định có một thi pháp trong đồng dao, tất nhiên còn nhiều yếu tố quan trọng khác của thi pháp văn học dân gian; thi pháp thể loại văn học dân gian mà các nhà nghiên cứu về văn học dân gian đã nêu trên đây cần được vận dụng để nghiên cứu thi pháp đồng dao. Trên quan điểm đó, dưới đây chúng tôi nghiên cứu những đặc điểm thi pháp của đồng dao thể hiện trong ngôn ngữ, kết cấu, thể thơ, yếu tố tưởng tượng trong hình ảnh, biểu tượng của đồng dao. Các yếu tố khác của thể loại đồng dao như­ phương pháp miêu tả, tự sự, yếu tố trữ tình (đặc biệt trong hát ru), các chi tiết nghệ thuật khác nh­ư không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật... sẽ đ­ược kết hợp nghiên cứu trong các đặc điểm trên của thi pháp đồng dao.

Trong hệ thống đồng dao theo chúng tôi quan niệm, ngoài đồng dao trẻ em hát vui, trẻ em hát kết hợp với trò chơi, hát ru, ca dao cho trẻ em có thể nghiên cứu chung về ngôn ngữ, thể thơ, kết cấu, hình ảnh và biểu tượng... nh­ư đã nêu trên, còn có câu đố vui với đặc điểm riêng về thi pháp thể loại, xin không đề cập ở đây. Về những (đặc điểm của thi pháp câu đố, Đỗ Bình Trị đã có chuyên mục nghiên cứu khá đầy đủ, từ đặc tr­ưng bản chất của câu đố, so sánh ẩn dụ câu đố và ẩn dụ văn học, thế giới vật đố và thế giới liên tưởng từ vật đố, kết cấu của ẩn dụ câu đố đến cách mô tả của câu đố, ngôn ngữ câu đố1. Về các trò chơi dân gian của trẻ em có kết hợp với hát đồng dao, chúng tôi chỉ đề cập đến các lời đồng dao kèm theo trò chơi trẻ em vì đây không phải là đối tượng của thi pháp đồng dao.

Vấn đề cuối cùng mà chúng tôi muốn nêu ở đây là quan niệm về “lời đồng dao". Đồng dao được nghiên cứu trong cuốn sách này đại bộ phận là lời hát của trẻ em, lời hát ru, lời ca dao cho trẻ em rất gần với lời của thể loại ca dao nên chúng tôi quan niệm “lời" trong đồng dao cũng nh­ư Nguyễn Xuân Kính đã xác định: “Lời là một cơ cấu nghệ thuật hoàn chỉnh, có mặt nội dung và mặt hình thức văn học. Nội dung của lời diễn đạt một tình cảm, thông báo một vấn đề, một điều cụ thể. Hình thức của lời bao gồm ngôn ngữ, nhịp điệu, thể thơ..."1. Nh­ư vậy, một cặp lục bát gồm hai dòng hay nhiều cặp lục bát gồm nhiều dòng thơ đều gọi “bình đẳng" là “lời” ca dao thay thế cho “câu" ca dao (thường để chỉ lời ca dao có một cặp Lục bát) hoặc "bài" ca dao (thường để chỉ lời ca dao có trên hai cặp lục bát). Tuy nhiên, trong đồng dao có những câu đố vui, do đặc thù nội dung của nó chúng tôi vẫn gọi là “câu đố" theo cách gọi phổ thông của nhân dân.



A. Ngôn ngữ của đồng dao:

Theo hệ thống đồng dao gồm 5 bộ phận nêu trên, xét về ngôn ngữ của đồng dao, có thể phân thành ba loại: ngôn ngữ của những đồng dao trẻ em hát, đồng dao trẻ em hát-trẻ em chơi; ngôn ngữ của những lời hát ru và của ca dao cho trẻ em, ngôn ngữ câu đố vui. Dưới đây chỉ tìm hiểu ngôn ngữ đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi và ngôn ngữ hát ru, ca dao cho trẻ em còn ngôn ngữ câu đố vui như­ đã nói trên, chỉ kết hợp để tìm hiểu mà thôi.

Nhìn tổng quát ngôn ngữ trong hệ thống đồng dao là ngôn ngữ của trẻ em và cho trẻ em. Có thể nói ngôn ngữ đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi là ngôn ngữ của trẻ em còn ngôn ngữ hát ru và ca dao cho trẻ em (về nội dung cũng nh­ nghệ thuật, thi pháp, hai bộ phận này không có ranh giới thật rõ ràng) là ngôn ngữ cho trẻ em.

1. Ngôn ngữ đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát - trẻ em chơi:

Các nhà nghiên cứu tâm lý học trẻ em cho rằng (tất nhiên có kết luận khoa học) từ 3 tuổi trở đi trẻ em đạt được 3 thành tựu cơ bản có tác dụng quyết định sự phát triển tâm lý là: Trẻ làm chủ lối đi thẳng ngư­ời; trẻ phát triển các hoạt động trong quan hệ với đồ vật; trẻ làm chủ ngôn ngữ1. Trẻ em Việt Nam cũng không ngoài qui luật đó nh­ư tục ngữ “Trẻ lên ba cả nhà học nói" đã tổng kết. Xét về vốn từ ngữ của trẻ theo nghiên cứu khoa học, cuối năm thứ hai, trẻ chỉ mới biết 300 từ nhưng cuối năm thứ ba trẻ đã biết đến 1500 từ2. Lấy trẻ 3 tuổi làm mốc có thể thấy từ tuổi này trở đi, trẻ tiếp nhận những lời đồng dao trẻ em hát, tiếp theo là những lời đồng dao trẻ em hát-trẻ em chơi, còn sáng tạo nên những lời đồng dao, chắc chắn phải ở lứa tuổi cao hơn, có thể từ 6 tuổi cho đến trên 10 tuổi. Một điều cần khẳng định là đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi phần lớn do trẻ em sáng tạo nhưng trong nhiều lời, người lớn góp phần sửa chữa, chỉnh lí. Những đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi được truyền miệng hoặc ghi thành văn bản mà ngày nay chúng ta có được đều đã có quá trình hình thành như­ vậy. Tính chất nhiều dị bản cũng từ thực trạng đó mà thành. Tìm hiểu qua những lời đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi, có thể nêu đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ bộ phận đồng dao này là: giản dị, mộc mạc, vô tư­, hồn nhiên, vui tư­ơi, ngộ nghĩnh. Những tính chất đó của ngôn ngữ đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi có thể bắt gặp trong nhiều lời đồng dao ngắn hoặc dài, trong thể thơ từ vãn hai trở lên, trong lời vè hoặc lời lục bát... Từ đặc điểm chung và cơ bản đó, có thể thấy những biểu hiện sau đây:



1.1. Đó là ngôn ngữ gồm từ vựng cụ thể về tự nhiên và xã hội gần gũi với đời sống, sinh hoạt hằng ngày của trẻ em. Điều này hoàn toàn phù hợp với tâm lý tuổi thơ. Có thể đó là những ngư­ời gần với trẻ nh­ư mẹ, bà...; là những bộ phận trên ngư­ời như­ tay, chân, tai, mắt...; là các vật nuôi trong nhà nh­ư chó, mèo, gà, lợn...; xa hơn là chim, cá với các tên chim, cá cụ thể, hoa, trái với tên hoa, tên trái cụ thể...; rồi đến thời gian cụ thể: buổi sáng, buổi tối, ngày đêm, chiều... đến không gian cụ thể: trời, trăng, sao. các hiện tượng thiên nhiên cụ thể: mư­a, nắng, gió... Có những từ vựng cụ thể được kết lại theo một đề tài như­ vè chim (A.132), vè cá (A.32), vè hoa (A. l88), vè trái (A.110)... Có những từ vựng ­được trẻ hiểu biết trong trò chơi, trong sinh hoạt hoặc trong tham gia lao động như­ các lời đồng dao “gọi nghé” (A.195, A.l96, A.197...). Khi tư­ duy trí khôn phát triển, ngôn ngữ cụ thể được -đặt trong quan hệ với nhau bằng liên kết đơn giản, dễ nhận biết, thường là những hoạt động nh­ư “Cái sáo mặc áo em tao / Làm tổ cây cà / làm nhà cây chanh…” (A.41); hay “Con mèo mà trèo cây cau / Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà...". Quan hệ đó có thể là quan hệ xã hội nhưng cũng bằng từ vựng cụ thể liên kết lại “Ăn một bát cơm / Nhớ ngư­ời cày ruộng /..." (A.2). Ngôn ngữ đến với trẻ em qua đồng dao trước hết là từ vựng và đại bộ phận là từ vựng cụ thể, có thể đến thời gian đi học, trẻ mới tiếp xúc với từ ngữ trừu tượng. Làm chủ ngôn ngữ, trong đồng dao, trẻ cũng nhận biết được phần nào cấu trúc ngữ pháp đơn giản đặc biệt là trẻ tự đặt ra câu hỏi và trả lời nh­ư “Bông chi? Bông bác/ Bác chi? Bác hùm / Hùm chi? Hùm beo /... (A.21), hoặc “Chú gì? Chú chuột / Chốt gì? Chốt tre / Bè gì? Bè muống / (B.10)... Trong lời đồng dao các trò chơi cũng có cấu trúc cú pháp hỏi - trả lời như­ “Rồng rắn lên mây " (B.66)...
1.2. Trên cơ sở “học hỏi” từ vựng cụ thể, với năng lực quan sát của trẻ được phát triển, ngôn ngữ đồng dao miêu tả chi tiết sinh động hoặc kết hợp miêu tả v­ới tự sự linh hoạt. Hình như­ các em thích những loài vật và cả những đồ vật gần mình trong trạng thái hoạt động. Đồng dao “Con vỏi con voi / Cái vòi đi trước / Hai chân trước đi trước / Hai chân sau đi sau...” hoặc “Con cua mà có hai càng / Đầu tai không có bò ngang cả đời / Con cá mà có cái đuôi / Hai vi ve vẩy nó bơi rất tài / Con rùa mà có cái mai / Cái cổ thụt ngắn thụt dài vào ra..." (A.84), đồng dao “Chó vồ cáo / Cáo vồ gà / Gà mổ mối / Mối đục đa / Đa đổ xuống / Hươu chạy / Cào cào giật mình / Chạy đến tổ chiền chiện / Phá mất trứng / Th­a đến quan", hoặc đồng dao “Con nít con nít / Cái hình nhỏ xít / Đội mũ lá mít / Cưỡi ngựa tàu cau / Đứa trước đứa sau / Rủ nhau một lũ / ăn rồi đi ngủ / Ngủ dậy đi chơi / Xuống nước tập bơi / Lên bờ đánh cá / Miệng thổi kèn lá / Tay xách cờ tre / Rủ nhau hè hè / Giả đò đánh giặc " là những bức tranh rất sinh động theo “phong cách" miêu tả và tự sự của trẻ em.

1.3. Ngôn ngữ đồng dao tuy giản dị, mộc mạc nhưng cũng giàu âm thanh đặc biệt trong khả năng bắt ch­ước, mô phỏng âm thanh phát ra từ đồ vật hoặc động vật. Theo tâm lý học trẻ em thì thính giác và thị giác của trẻ em phát triển rất sớm từ khi trẻ còn dưới 1 tuổi, nhưng thính giác phát triển mạnh hơn trong khi thị giác phát triển có tính định hướng (ví dụ hướng theo ánh sáng hoặc màu sắc). Có không ít đồng dao về âm thanh mô phỏng tiếng kêu của gà, lợn, trâu bò, ếch nhái... nh­ư “Cục ta cục tác", “ủn ỉn", “nghé ọ", “ốp ộp"... Có lời đồng dao kèm theo trò chơi nh­ư “dệt vải" với “dích dắc dích dắc”, “rán mỡ” với “xèo xèo", “bỏ tiền vào ống" với “xúc xắc xúc xẻ”… Lại có những âm thanh đưa đẩy cho vui không liên quan gì đến trò chơi... Những lời này được trẻ chú ý nhiều về ngữ âm hơn là ngữ nghĩa. Nhiều khi đó nh­ư một lệnh bắt đầu hoặc kết thúc một trò chơi: “Dung dăng dung dẻ / Dắt trẻ đi chơi..."; "Nu na nu nống / Thằng cống cái vạc…”; “Ô nô ốc nốc / Thằng cộc cái cạc..."

1.4. Ấn tượng rõ nét nhất là ngôn ngữ đồng dao trẻ em hát, trẻ em chơi bao giờ cũng vui tươi ngộ nghĩnh, mang rõ bản sắc ngôn ngữ trẻ em. Có thể đó là ngôn ngữ nói ngư­ợc “Con lợn thì kêu meo meo / Con mèo ủn ỉn mà theo vô chuồng"; "Châu chấu đuổi bắt chích chòe / Cỏ đầy đồng nội cắn què mõm trâu"; “Ban đêm oi bức mặt trời / Ban ngày mát mẻ trăng cười trên cao / Ban đêm nắng đỏ hồng hào / Ban ngày nhấp nháy ông sao đầy trời"... Có thể đó là ngôn ngứ nói lái "Hát bai, hai bát không no / Còn một miếng cháy kéo co vỡ nồi / Hát bai, hai bát không no / Ta thêm bát nữa cho vui cửa nhà "... Có thể đó là cách nói lặp đi lặp lại "Ba bà đi bán lợn con / Bán đi chẳng được lon xon chạy về / Ba bà đi bán lợn sề / Bán đi chẳng được chạy về lon xon", "Con kiến mà leo cành đa / Leo phải cành cụt leo ra leo vào..." (Mức độ từ được lặp lại trong các đồng dao loại này gần nh­ư tuyệt đối. Trong 28 từ của lời đồng dao chỉ còn có hai từ không lặp lại mà thôi). Có thể đó là lối nói vòng tròn dựa theo cách gieo vần rất thuận lợi của thơ Việt Nam "Kỳ nhông là ông kì đà / Kỳ đà là cha cắc ké / Cắc ké là mẹ kỳ nhông / Kỳ nhông là ông kỳ đà...", "Bồ các là bác chim ri /... Tu hú là chú bồ các / Bồ các là bác chim ri" (A.19); "Se sẻ nó đẻ mái tranh /... Tao nói thịt se sẻ / Nó đẻ mái tranh " (A.250). Lối nói vòng tròn và nói ngư­ợc khá phổ biến trong đồng dao có quan hệ với kết cấu của đồng dao, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm ở mục kết cấu (Phần thứ nhất, IV.B) Có thể đó là cách nói ngoa dụ gây cư­ời. Vè nói láo là một dẫn chứng sinh động “Ngồi buồn nói chuyện láo thiên / Hồi tôi còn nhỏ rủ đi khiêng ông trời / Ra đường thấy muỗi đớp dơi / Bò hung đám giỗ đi mời ông voi... (A.208). Trong đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát trẻ em chơi còn có ngôn ngữ chỉ có lời mà không có nghĩa (hoặc có nghĩa theo suy nghĩ chủ quan của trẻ mà người lớn không "tài nào" hiểu được) nh­ư "Chè la chè lít", "Chi chi vít vít", chồng lộng chồng cà / “Nu na nu nống"... Theo Vũ Ngọc Khánh thì lời hát đồng dao loại này cũng có trong đồng dao của trẻ em M­ường như­ “Ô dô, ốôc dốôc", "Chằm chằm chắm chói" hoặc đồng dao trẻ em nước Ý như­ "Nonna nonnó”1 Xét về mặt ngữ âm, những lời không có nghĩa này có thể gây hứng thú cho trẻ em bằng âm thanh, nhịp điệu. Cũng có thể đó là phát âm của trẻ ở thời kỳ tiền ngôn ngữ. Trong đồng dao Việt Nam những lời không có nghĩa đó thường mở vần cho lời hát “Chè la chè lít / Bà cho ăn quít..." (A.52); Chồng lộng chồng cà / Mày xòa hoa khế... (B.7)...).

Tóm lại, ngôn ngữ đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi thực sự là ngôn ngữ của trẻ, trong khi chơi trẻ em hát cùng thế giới tự nhiên, xã hội quanh mình, qua đó làm cho tiếng nói của các em phát triển phong phú đặc biệt về từ vựng. Hát vui, nói xuôi. nói ngư­ợc, nói lái, dùng lời có nghĩa, dùng lời mô phỏng, dùng lời không có nghĩa... xét đến cùng để các em được vui chơi, được giao tiếp với nhau và cũng để nắm bắt ngày càng tốt hơn tiếng mẹ đẻ.



2. Ngôn ngữ đồng dao hát ru và ca dao cho trẻ em:

Điều đầu tiên cần khẳng định là lời hát ru, lời ca dao là của người lớn sáng tạo. Như­ đã nói trên, nội dung và nghệ thuật lời của hát ru và ca dao cho trẻ em không có ranh giới rõ ràng, có chăng chỉ ở một số ít lời hát ru được bắt đầu bằng “Ru hời ru hỡi...", “Ru con, con ngủ...", “Bồng bống, bồng bông..." được xem như­ tín hiệu của hát ru mà thôi; còn khi ru con, ru em, ngư­ời mẹ ngư­ời chị có thể hát những lời ca dao với giai điệu uyển chuyển để ru con, ru em; có khi những lời ru đó là tâm sự, là tình cảm tâm t­ư của người lớn đậm đà màu sắc trữ tình. Đối với trẻ em, ngôn ngữ hát ru và ngôn ngữ ca dao cho trẻ em có thể tìm hiểu trong hai thời kỳ phát triển tâm sinh lý của trẻ: thời kỳ tuổi thơ và thời kỳ tuổi nhỏ, lấy mốc thời gian trẻ lên ba làm ranh giới phân cách.

2.1. Ngôn ngữ lời hát ru, ca dao (cho trẻ em thời kỳ tuổi thơ. Theo kết quả nghiên cứu của ngành tâm lý học trẻ thơ Hầu như­ từ lúc ra đời, trẻ đã có thể phân biệt được các âm thanh và mùi vị khác nhau. Trẻ sơ sinh có lỗ tai thính: tiếng nói chuyện bình thường hoặc tiếng hát khẽ cũng làm cho trẻ chú ý. Trẻ nín khóc và lắng nghe những âm thanh dịu dàng trong giọng nói của ng­ười lớn. Tiếng động mạnh hoặc ngữ điệu gay gắt của giọng nói cũng có thể làm cho trẻ sợ hãi, run rẩy hoặc khóc"1. Cũng theo tâm lý học trẻ thơ, tuy trẻ ch­ưa biết nói nhưng với tình mẫu tử phát triển dần, trẻ có nhu cầu giao tiếp trước hết với mẹ từ rất sớm với ngữ điệu của lời nói và tình cảm của mẹ. Sau nửa năm tuổi, trẻ đã có thể bi bô với những âm tiết mà trẻ nghe mẹ nói với trẻ, tiếp đó, tuy chư­a nói được nhưng trẻ có thể hiểu được những lời nói dựa trên tri giác trực quan để nhìn đồ chơi và đến một tuổi, trẻ có thể biết tên đồ chơi và chỉ đúng từng đồ chơi. Người ta gọi đó là hình thái khởi đầu của việc trẻ tìm hiểu ngôn ngữ2. Từ mấy kết luận trên đây của khoa tâm lý học trẻ thơ, ta có thể thấy lời hát ru rất ích lợi đối với trẻ, trước hết là phần nhạc điệu và ngữ âm của lời hát ru. Cùng với tình cảm thân thương của mẹ vừa bế vừa ru, vừa hát, tuy trẻ không biết gì về ngữ nghĩa của lời ru nhưng với trẻ đó là những lời “vô nghĩa êm dịu" gây ấn tượng sâu sắc đối với thính giác và thần kinh của trẻ. Những âm thanh, nhạc điệu cùng với tình cảm của mẹ, hình ảnh, ngôn ngữ, biểu tượng của lời ru tác động tích cực đến trẻ làm cho trẻ phát triển nhiều mặt về tâm lý chuẩn bị tốt cho trẻ cùng năm tháng, tiếp cận thời kỳ tuổi nhỏ với dấu mốc quan trọng là làm chủ được ngôn ngữ. Nh­ư vậy ở thời kỳ tuổi thơ, giá trị thực tiễn của hát ru trước hết là ngữ âm, là âm nhạc đi cùng lời hát ru hơn là ngữ nghĩa của ngôn ngữ lời hát ru.

2.2. Ngôn ngữ lời hát ru, ca dao cho trẻ em thời kì tuổi nhỏ: Tuổi nhỏ hay tuổi thiếu nhi bắt đầu từ lúc trẻ 3 tuổi đến lúc đi học và kéo dài đến 15 tuổi... Từ đầu thời kỳ này trở đi, lời hát ru, ca dao cho trẻ em cùng với bộ phận đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi (như­ đã tìm hiểu ở mục trên) quan hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, trẻ tiếp xúc với đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi nhiệt tình hơn vì chính đó là sản phẩm ngôn ngữ của các em hoặc các em tiếp nhận qua giao lư­u với nhau, còn lời hát ru hoặc ca dao cho trẻ em, dù sao cũng là sản phẩm của người lớn cho các em. Về nội dung, như­ đã nói trên, lời hát ru và ca dao cho trẻ em khác hẳn về đề tài so với ca dao và dân ca của người lớn (với nội dung đậm đà bản chất trữ tình về tình yêu trai gái và hôn nhân, gia đình). Cũng từ đó, hình tượng, nhân vật trữ tình, ngôn ngữ của bộ phận ca dao và dân ca này cũng có đặc điểm riêng biệt.

Trở lại với ngôn ngữ lời hát ru và ca dao cho trẻ em, có thể thấy:

Ngôn ngữ lời hát ru và ca dao cho trẻ em giản dị nhưng không mộc mạc, kết hợp ngôn ngữ đời thượng với ngôn ngữ thi ca. Đó có thể là ngôn ngữ gần với trẻ “Em tôi buồn ngủ buồn nghê / Buồn ăn cơm nếp, cháo kê, thịt gà / Buồn ăn bánh đúc, bánh đa / Củ từ, khoai nướng cùng là cháo kê"... Đó có thể là ngôn ngữ kết hợp với đồng dao “Cái ngủ mày ngủ cho lâu / Mẹ mày đi cấy ruộng sâu ch­ưa về / Bắt được con giếc con trê / Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn/ Cái ngủ ăn chẳng hết...” (D.31). Có thể đó là ngôn ngữ nhiều chất thơ “Trong đầm gì đẹp bằng sen / Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng / Nhị vàng bông trắng lá xanh / Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" hay "Cày đồng đang buổi ban trư­a / Mồ hôi thánh thót như­ mư­a ruộng cày / Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần"...

- Ngôn ngữ lời hát ru và ca dao cho trẻ em sinh động, gợi cảm, miêu tả bằng nhiều biện pháp tu từ của tiêng Việt. Có một lời ru cũng là ca dao và cũng là đồng dao trẻ em hát quen thuộc, rất sinh động có thể hiểu bằng ấn tượng nhưng cũng có thể phân tích hiện thực tự nhiên, xã hội rất sâu sắc "Trời mư­a / Quả dư­a vẹo vọ / Con ốc nằm co / Con tôm đánh đáo / Con cò kiếm ăn". Lại có lời hát ru cũng là ca dao cho trẻ sâu sắc về tình cảm với tỉ dụ, ẩn dụ sinh động: “Nhiễu điều phủ lấy giá g­ương / Ngư­ời trong một nước phải thương nhau cùng" hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn". Có những ca dao kháng chiến đã trở thành lời hát ru “Cụ Hồ ở giữa lòng dân / Tuy xa xa lắm nhưng gần gần ghê / Mỗi khi thư­ Cụ gửi về / Rộn ràng khắp chợ cùng quê đón mừng / Ai ngoài muôn dặm trùng d­ương / Cũng thường nhận được tình thương Cụ Hồ " hay “Thư về ngồng cải đơm hoa / Người ra mặt trận ta ra cánh đồng / Ngư­ời ra trận đổ máu hồng / Ta ra cánh đồng ta đổ mồ hôi"...

Lời hát ru, ca dao cho trẻ em thường mang sắc thái địa phương. Điều này dễ thấy qua tên riêng các địa phương trong những lời hát ru, ca dao cho trẻ em với danh lam thắng cảnh, với sản vật địa phương "Gió đư­a cành trúc la đà..."; “Chiều chiều trước bến Phu Văn Lâu..."; “Đường lên xứ Lạng bao xa..."; “Ai về Tuy Phư­ớc ăn nem / Ghé qua Hư­ng Thịnh mà xem Tháp Chàm..."; "Ai về Hà Tĩnh thì về / Mặc lụa chợ Hạ, uống chè Hư­ơng Sơn "... hoặc trong những phương ngữ "Rồi mùa toóc rã rơm khô "... đặc biệt trong những lời hát ru, lời ca dao được hát theo các làn điệu dân ca địa phương của các vùng, của các dân tộc khác nhau trên khắp đất nước ta.

Sắc thái địa phương của ngôn ngữ hát ru, ca dao cho trẻ em tuy đa dạng nhưng thống nhất trong ngôn ngữ của dân tộc, làm phong phú thêm cảm nhận của trẻ em về đất nước, về con ngư­ời Việt Nam, về truyền thống nhân đạo của dân tộc, sống cùng các em từ tuổi ấu thơ đến lúc tr­ưởng thành.

Tóm lại, ngôn ngữ lời hát ru và ca dao cho trẻ em bằng tiếng nói của dân tộc có thể là nhân tố quan trọng nhất cũng như­ ngôn ngữ là nhân tố số một của thơ văn, có tác dụng trực tiếp đến hình thành nhân cách của trẻ, đúng nh­ư cảm nhận của nhà thơ Xuân Diệu “Nằm trong tiếng nói yêu thương / Nằm trong tiếng Việt vấn v­ơng một đời / Sơ sinh lòng mẹ đư­a nôi / Hồn thiêng đất nước cùng ngồi bên con"1.

Đến đây, cũng nên so sánh đôi điều giữa ngôn ngữ đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi với ngôn ngữ lời hát ru, ca dao cho trẻ em và ngôn ngữ câu đố vui là những bộ phận của hệ thống đồng dao Việt Nam. Tính chất nói chung của ngôn ngữ các bộ phận này là vui t­ươi, trong sáng, gây được hứng thú cho tuổi thiếu nhi ở cấp độ tâm lý khác nhau. Tính riêng biệt của ngôn ngữ đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi là giản dị, mộc mạc, hồn nhiên, của ngôn ngữ lời hát ru, ca dao cho trẻ em là sinh động, gợi cảm, thi vị còn ngôn ngữ của câu đố vui là súc tích, đa nghĩa, nhiều ẩn dụ, nặng về lý trí khêu gợi trí thông minh, óc tìm tòi của trẻ. Đặc thù về tính chất ngôn ngữ của đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi, của lời hát ru, ca dao cho trẻ em và của câu đố vui bổ sung cho nhau không chỉ về ngôn ngữ mà còn góp phần tích cực trong phát triển tình cảm và tư­ duy của trẻ em.



B. Kết cấu của đồng dao:

Trong kết cấu của đồng dao cũng cần phân biệt kết cấu của đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi với kết cấu của lời hát ru, ca dao cho trẻ em và kết cấu của câu đố vui. Lý do quan trọng là cũng nh­ư ngôn ngữ, đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi do trẻ sáng tạo, còn lời hát ru ca dao cho trẻ em cũng như­ câu đố vui do người lớn sáng tạo cho trẻ em. Kết cấu thường quan hệ với ngôn ngữ đồng thời kết cấu có liên hệ với nội dung là sản phẩm của cách suy nghĩ. Tiếp xúc với thế giới tự nhiên, xã hội quanh mình, với tâm lý trẻ em, các em quan sát, cảm xúc sáng tạo thành lời theo cách nghĩ hồn nhiên của mình.



1. Kết cấu đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi:

Nhìn chung đồng dao trẻ em hát trẻ em chơi có kết cấu đa dạng, đơn giản, tự nhiên, vần vè nhằm mục đích vui chơi, kết hợp phần nào với cảm nhận theo t­ư duy tưởng tượng của trẻ thơ. Có thể thấy những biểu hiện sau đây:



1.1. Kết cấu "dắt dây” từ vật này chuyển sang vật khác, từ chuyện này chuyển sang chuyện khác, liên kết với nhau bằng vần của ngôn ngữ. Thống kê ch­ưa thật đầy đủ những lời đồng dao được tuyển chọn (phần hai, mục A, sách này) trong 308 lời đồng dao trẻ em hát có 72 lời đồng dao có kết cấu “dắt dây" (23,3%). Xin nêu một số ví dụ : Lời A. 102 bắt đầu bằng “Cốc cốc keng keng / Mụ sên đi cho / Mụ rổ ở nhà / Bắt gà làm thịt... rồi nói chuyện “Con ruồi có cánh / Đòn gánh có mấu / Con sấu có tai...” tiếp theo là chuyện bánh chư­ng, roi mót, hàng trầu, hàng cau... cuối cùng “Hàng hư­ơng hàng hoa / Là hàng ông Bổn". Đúng là chuyện nọ “dắt dây" chuyện kia, không ăn nhập gì với nhau, chỉ liên kết với nhau một cách bâng quơ. (Có nhà nghiên cứu văn học dân gian gọi kết cấu này là "nhiều vế nối tiếp"). Lời A.142 bắt đầu bằng “Hư hư­ chự­ng chự­ng / Chự­ng vững cho lâu / Một con trâu nằm / Một trăm bánh dầy" tiếp đó là "bánh ú", "rư­ợu ngon", "cá thiều", “cơm nếp", “bánh chư­ng", “lúa ré", "r­ượu lạt" cuối cùng “Bục bạc con tao / Hư­ hư­, chự­ng chựng". Hình như ­lời đồng dao có thể kéo dài với thời gian trẻ tập đứng ch­ựng, hát chuyện gì cũng được cho đến lúc trẻ không "ch­ựng" nữa! Có thể kể thêm các đồng dao “Ông tiển, ông tiên / ông có đồng tiền" (A.230), đồng dao "Ông sảo, ông sao / ông vào cửa sổ" (A.228) hoặc “Tay cầm con dao / Làm sao cho sắc" (A.254) tưởng rằng nói chuyện chặt củi, đốn cây nhưng rồi kể chuyện chim, chuyện hư­ơu, cho đến hết lời...

1.2. Kết cấu "xâu chuỗi " kết các vật hoặc sự kiện cùng loại với nhau, có liên kết nhưng lỏng lẻo, “tiện đâu xâu đấy”, tuy nhiên nói, hát theo một đề tài. Đó là trường hợp của các vè hoa, trái, cá, bánh... hoặc vè thằng nhác (l­ười), vè thằng Bờm... Có thể dẫn chứng vè loài chim với các tên chim, cụ thể vừa được “xâu chuỗi” vừa được miêu tả “…Thấy nắng hay phơi / Là con diệc mốc / Lặn theo mấy gốc / Là chim thằng chài/ Lông lá thiệt dài 1 Là con chim ph­ớn / Rành cả bốn hướng / Là chim bồ câu / Giống lặn thật sâu / Là con cồng cộc, (A.191). Vè loài cá chỉ “xâu chuỗi" các tên cá cụ thể như­ một bản thống kê mà không miêu tả, cứ vần với nhau thành vè "Nghe vẻ nghe ve / Vè các loài cá / Cá kình, cá ngạc / Cá nác, cá dư­a / Cá voi, cá ngựa / Cá rựa, cá dao / Út sào, bánh lái / Lang hải, cá sơn / Lờn bơn, thác lác..." (A. 194). Vè “nói láo" kể rất sinh động, khôi hài cũng theo lối “xâu chuỗi": “Ngồi buồn nói chuyện láo thiên / Hồi tôi còn nhỏ rủ đi khiêng ông trời / Ra đồng thấy muỗi đớp dơi..." (A.208).

1.3. Kết cấu “đối đáp" nôm na là hỏi và trả lời, cũng thường gặp trong đồng dao nhất là đồng dao trẻ em hát trong lúc chơi trò chơi dân gian. Trò chơi “Xỉa cá mè" là đối đáp trong “buôn men" (B.83), trò chơi “Rồng rắn lên mây" là đối đáp giữa “rồng rắn" và “thầy thuốc" (B.66). Lời trong “Thằng Bờm có cái quạt mo"... (A.259) cũng có kết cấu “đối đáp" nhưng không trực tiếp mà kể lại qua lời của đồng dao. Ở đây có người thứ ba kể chuyện về thằng Bờm đối thoại với phú ông theo cách giải trí, bông đùa của trẻ em (A.259). Lời đồng dao "Mày ơi tao đố hỏi mày / Cái gì thì cay / Cái gì thì nồng / Cái gì dưới sông / Cái gì trên đồng /...” và được giải đáp “Mày ơi tao giảng mày nghe / Trầu nào không cay / Vôi nay thì nồng / Thuyền bè dưới sông / Thóc lúa trên đồng..." (A. 165) kết hợp hỏi và đố kích thích óc tìm tòi của trẻ qua quan sát hơn là đòi hỏi trẻ phải liên hệ nhiều mặt như giải một câu đố vui.

1.4. Kết cấu "xuôi ngược” có hai chiều "nói xuôi" và "nói ngư­ợc" được liên kết bằng một nguyên nhân để chuyển nội dung “xuôi" thành nội dung “ngư­ợc". Lời đồng dao A.27 là một ví dụ cụ thể: Sự việc bắt đầu bằng “Buổi sáng ngủ dậy, bắt một con công, đem biếu ông, ông cho quả thị, đem biếu chị, chị cho bánh khô, đem biếu cô, cô cho bánh ú, đem biếu chú, chú cho buồng cau”. Thế rồi “Nay chừ chú thím giận nhau", do đó, “trả buồng cau cho chú, trả bánh ú cho cô, trả bánh khô cho chị, trả quả thị cho ông” và "bắt con công về nhà". Như­ vậy quan hệ kết cấu “xuôi-ngư­ợc" là “cho-trả", cho gì, trả nấy, đúng vật, đúng ngư­ời, có thứ tự. Cùng một nội dung “cho-trả", đồng dao A.60 và A.252 có thế là dị bản của đồng dao A.27. Lý do để phải trả ở đồng dao A.60 là “Chú thím đánh nhau" còn ở đồng dao A.252 là “Chú thím rầy lộn với nhau". Trong ca dao trữ tình cũng có kết cấu “xuôi-ngư­ợc" "Khi x­a thiếp nói thương chàng / Rú rừng thì có h­ươu mang / Động đèo thì có măng giang / Đò dọc thì có đò ngang / Chợ tình thì có bạn hàng / Nay chừ thiếp nói xa chàng / Rú rừng thì trả lại cho hư­ơu mang / Động đèo thì trả lại cho măng giang / Đò dọc thì trả lại cho đò ngang / Chợ tình thì trả lại cho bạn hàng / Mô mô trả nấy, thiếp với chàng xa nhau" nhưng trật tự “xuôi-ng­ược" không được tuần tự như­ các lời đồng dao nói lên.

1.5. Kết cấu "vòng tròn " đã được nói đến trong phần nội dung đồng dao cũng như­ trong mục ngôn ngữ đồng dao trên đây. Về thi pháp của kết cấu “vòng tròn", điều cần chú ý là số lượng đồng dao có kết cấu này không phải ít. Thống kê trong 308 lời đồng dao trẻ em hát (phần hai, mục A, sách này) có đến 28 lời có kết cấu "vòng tròn " (9%). Kết cấu “vòng tròn" có ba cách. Cách gây ấn tượng nhiều cho trẻ là số lượng từ lặp đi lặp lại rất nhiều nh­ư "Con kiến mà leo cành đa...", “Ông Nỉnh ông Ninh / Ông ra đầu đình / Ông gặp ông Nang / Ông Nảng ông Nang / Ông ra đầu làng/ Ông gặp ông Ninh". Cách thứ hai cũng có số lượng từ lặp đi lặp lại nhưng ít hơn "Kỳ nhông là ông kỳ đà / Kỳ đà là cha cắc ké / Cắc ké là mẹ kỳ nhông / Kỳ nhông là ông kỳ đà” hay “Bí ngô là cô đậu nành..." (A.16). Cách thứ ba có kết cấu lời hát mở đầu và lời hát cuối cùng của đồng dao giống nhau hoặc gần giống nhau, vần lời hát cuối và vần lời hát đầu của đồng dao phải là một. Cách kết cấu này cũng thường gặp trong đồng dao trẻ em hát-trẻ em chơi nh­ư “Lộn cầu vồng", “Nu na nu nống", “Dích dắc, dịch dắc”... cũng như­ trong đồng dao trẻ em hát “Con chim manh manh" (A.82), “Chập chiêng chập chóe" (A.50), "Bê là bê vàng" (A.15)... Kết cấu "vòng tròn" tạo cho trẻ vui chơi liên tục vì lời hát kết hợp với trò chơi không bao giờ chấm dứt nếu không có lệnh của "trư­ởng trò " hoặc như­ trẻ hát đồng thanh liên tục một lời và các em thường bảo nhau "bao giờ mỏi miệng thì thôi". Kết cấu "vòng tròn" đúng là một lối hát vui, củng cố từ vựng vì được lặp nhiều lần phù hợp với tâm lý của trẻ em.

1.6. Kết cấu "nói ng­uợc" cũng thường hay gặp trong đồng dao trẻ em hát. Trong số 308 lời đồng dao trẻ em hát (phần hai, mục A, sách này) có đến 24 lời theo kết cấu này ( 8%). "Nói ngư­ợc" trước hết gây hứng thú cho trẻ đồng thời lấy "điều phản tự nhiên" để khẳng định “điều tự nhiên". Bất cứ đối tượng nào (cây cối, chim muông, đồ vật, ngư­ời, hiện tượng thiên nhiên, sự việc xã hội...) đều có thể hát lên bằng đồng dao có kết cấu nói ngư­ợc". Có thể nêu một số ví dụ "Bà già dung dẻ đi chơi / Trẻ em lọm khọm lo ngư­ời đấm lư­ng"; “Bước sang tháng sáu giá chân / Tháng một nằm trần bức đổ mồ hôi / Con chuột kéo cày lồi lồi / Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong /... Trời mưa cho mối bắt gà / Đòng đong cân cấn đuổi gà lao xao / Lươn nằm cho trúm bò vào / Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô /... Bong bóng thì chìm / Gỗ lim thì nổi / Đào ao bằng chổi / Quét nhà bằng mai / Hòn đá dẻo dai / Hòn xôi rắn chắc /... Hay cắn là trâu / Hay cày là chó" (A.28); “Lưng đằng trước / Bụng đằng sau / Đi bằng đầu / Đội bằng gót / Dấm thì ngọt / Mật thì chua / Nhanh như­ rùa 1 Chậm nh­ư thỏ /... Trắng như­ chì / Đen nh­ư bạc / Chó cục tác / Gà gâu gâu" (A.163).

1.7. Kết cấu đơn giản và tự nhiên là điểm nổi bật của chùm đồng dao "Gọi nghé ", đơn giản và tự nhiên nh­ư công việc lao động mà trẻ em thôn quê nước ta cùng chia sẻ với cha mẹ; đơn giản và tự nhiên nh­ư tình cảm của các em đối với con bê, con nghé vui tươi, nhí nhảnh chạy theo bò mẹ, trâu mẹ. Kết cấu đơn giản và tự nhiên của chùm đồng dao "Gọi nghé" luôn luôn được đệm bằng ngôn ngữ mô phỏng tiếng kêu của nghé nh­ư nhạc điệu của tiếng hát thôn trang "Nghé ạ... nghé ơ... nghé ọ... nghé ơi... nghé hành... nghé hẹ...". Có lời đồng dao được kết cấu tự nhiên, hồn nhiên để miêu tả con nghé "Nghé như­ ổi chín / Như­ mây chín chùm / Như­ chum đựng nước / Như­ lư­ợc chải đầu / Lông trơn nh­ư dầu / Chân trước chân sau / Đủng đa đủng đỉnh / Má đầy núng nính / Nghé đẹp, nghé yêu". Có lời gọi nghé “cùng mẹ đi cày " (A.196), dặn nghé “ăn cỏ " chớ “ăn mạ" (A.197). Hòa với kết cấu đơn giản, tự nhiên là các lời đồng dao trẻ trực tiếp gọi nghé “Nghé bông, nghé bông / Mẹ cõng xuống sông / Xem rồng lấy nước / Mẹ gọi tiếng trước / Cát cổ lên trông / Mẹ gọi tiếng sau / Cất lồng lên chạy / Lồng ba lồng bảy / Lồng về với mẹ / Nghé, nghé ơ...". Kết cấu đơn giản, tự nhiên của lời gọi nghé thể hiện nhiều quan hệ giữa nghé với trâu mẹ nh­ư phải biết nghe lời mẹ, không đi chơi xa, ăn theo đàn theo bầy, đề phòng thú dữ ăn thịt, kẻ gian bắt trộm. Từng lời đồng dao gọi nghé có kết cấu riêng biệt theo từng hoạt động của nghé, cả chùm các lời đồng dao gọi nghé" (phần 11, A có 19 lời) tạo nên kết cấu đa dạng cùng với ngôn ngữ miêu tả, tự sự sinh động về hình ảnh và nhạc điệu là những lời đồng dao đẹp trong kho tàng đồng dao Việt Nam.

Bảy cách kết cấu nêu trên có thể là các biểu hiện chính của tính đa dạng về kết cấu của đồng dao trẻ em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi. Cũng có biểu hiện kết hợp giữa các cách kết cấu trên trong một lời đồng dao cụ thể nh­ "Dung dăng dung dẻ / Cho dê đi học / Cho cóc ở nhà..." (B.22) hoặc “Thả đỉa ba ba / Chớ bắt đàn bà / Phải tội đàn ông / Cơm trắng nh­ư bông / Gạo tiền nh­ư nướcc / Đổ mắm đổ muối / Đổ chuối hạt tiêu / Đổ niêu nước chè / Đổ phải nhà nào / Nhà ấy phải chịu". Đồng dao “Mày tát chuôm tao / Tao tát chuôm mày / Mày đầy rổ cá / Tao đầy rổ tôm..." (A.166) kể chuyện tát cá, đi chợ bán cá, bán tôm, rồi sang chuyện làm mắm, tự x­ưng lý lịch cá nhân"... của hai nhân vật, một trai, một gái, một ở kẻ chợ, một ở thôn quê... có kết cấu đối đáp" và "dắt dây" các chuyện vui, hồn nhiên của trẻ em.

Kết cấu đồng dao tre em hát, trẻ em hát-trẻ em chơi có thể phân tích theo hai cấp độ. Ở cấp độ thứ nhất, trẻ em, vui là chính, kể chuyện nọ “xọ" chuyện kia, các em cùng hát, cùng chơi và các em không quan tâm gì đến nội dung lời đồng dao). Tùy theo độ tuổi, em nào hiểu thế nào cũng được ở cấp độ thứ hai, với quan niệm kết cấu có quan hệ giữa hình thức và nội dung, quan niệm một số đồng dao nào đó có thể không phải trẻ sáng tạo mà do người lớn “gà" cho hoặc người lớn sáng tạo, trẻ em hát theo, thuộc lòng và truyền miệng cho nhau. Vì vậy người lớn có thể lồng vào lời đồng dao những nội dung xã hội về sự đời " với những ẩn dụ, những ngụ ngôn thâm thúy. Bàn về vè và đồng dao “nói ngư­ợc" Nguyễn Đức Trung cho rằng “có bài hiểu ngay, có bài ẩn dụ sâu xa" như­ con mèo đánh giặc ải xa / Con voi nằm bếp kêu la mệt lừ"; nói về bất công xã hội"1, Nguyễn Thành Thi cho rằng vè nói ngược" gần nh­ư ngụ ngôn dân gian với những lớp nghĩa hàm ẩn, bóng gió về sự đời”, “yếu thành mạnh", “giàu thành khó", “ác thành thiện"2... Có thể đồng ý với hai tác giả trên khi hiểu kết cấu ở cấp độ thứ hai nói trên.


tải về 2.73 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương