HỘi văn nghệ DÂn gian việt nam nguyễn nghĩa dâN ĐỒng dao và ca dao cho trẻ em sưu tầM, nghiên cứU, tuyển chọn nhà xuất bảN …


B. Một xã hội nông nghiệp gần gũi thân thương với trẻ em



tải về 2.73 Mb.
trang2/18
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích2.73 Mb.
#1499
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

B. Một xã hội nông nghiệp gần gũi thân thương với trẻ em:

Có thể nói môi trường nông nghiệp, địa bàn nông thôn là nơi sản sinh, nơi ca hát vui chơi diễn xướng đồng dao. Trẻ em nông thôn từ miền xuôi đến miền ng­ược cứ sáu bảy tuổi trở lên là đã tham gia lao động với cha mẹ: chăn trâu, mò cua, bắt cá, bế em, hái rau, chăn gà vịt; lớn hơn thì giã gạo, xay lúa... Bức tranh dân gian trẻ ngồi trên mình trâu thổi cây sáo trúc d­ưới rặng tre làng, trên bãi cỏ xanh t­ươi thật là thi vị, nhưng cũng rất hiện thực. Trần Gia Linh có một nhận xét “Chùm đồng dao “gọi nghé" phản ánh hiện thực vất vả của những ngư­ời lao động nhỏ tuổi sớm biết lo toan chăn trâu cắt cỏ nhưng vẫn vui t­ươi lạc quan yêu đời”1. Cảnh chăn trâu và những lời đồng dao “gọi nghé" gây bao ấn tượng, cảm xúc khiến ng­ười lớn hôm nay băn khoăn về công việc lao động trước tuổi của trẻ em. Còn đây là cảnh quẩy mạ của các em “Tung ta tung tẩy / Quẩy mạ ra đồng/ Gặp phải khúc sông / Xắn quần mà lội / Gặp khi trời tối / Thì chạy về nhà / Gặp khi m­ưa sa / Mang tơi khỏi ư­ớt". Chịu khó lao động nhưng khi được con tôm, con cá, các em nghĩ đến cha mẹ, đến em út “Được con cá nậy (lớn) / Thì để phần cha / Đư­ợc con rô ba / Thì để phần mẹ / Đư­ợc con cá bẹ / Thì để phần em ". Vừa lao dộng trực tiếp, các em vừa vui chơi, trong chơi có quan sát “Chiều ni em đi câu cá / Về cho má nấu canh chua / Ô kìa con cua / Có hai cái càng / Có tám cái ngoe / Nó nâng cái bụng / Nó đi xàng xê / Em bắt nó về"... làm quen với hoạt động nông nghiệp, các em cùng hát ca dao với cha mẹ. Đó là "công việc nhà nông quanh năm", là cầu trời cho thuận hòa m­ưa nắng, lúa tốt được mùa “Ơn trời m­ưa nắng phải thì / Nơi thì bừa cạn nơi thì cày sâu / Công lênh chẳng quản lâu lâu / Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng...". Nông, lâm, ng­ư nghiệp là ba hoạt động cơ bản của kinh tế nước ta, cho đến hôm nay vẫn là sản xuất của cha mẹ các em, thông qua đó, các em tiếp nhận nhẹ nhàng nhưng sâu sắc bằng đồng dao, ca dao “Cha chài, mẹ lưới, con câu / Thằng rể đi úp, con dâu đi mò" hay “Tay cầm con dao / Làm sao cho sắc / Để mà dễ cắt / Để mà dễ chặt / Chặt cúi chặt cành.../ Và cùng với đồng dao, ca dao, còn biết bao dân ca, hò kéo lưới, hò chèo thuyền, hò kéo gỗ trên mọi miền sông biển, núi rừng nữa. Đồng dao đi liền với trò chơi đã mô phỏng các hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư­ nghiệp gián tiếp tập cho các em thành người lao động. Nếu trò chơi nói chung là sản phẩm văn hóa xã hội, được sản sinh từ tâm lý xã hội, từ hoạt động kinh tế xã hội, tư­ duy khoa học, hoạt động văn hóa thể thao du lịch, giáo dục, nghệ thuật thì trò chơi dân gian kèrn theo đồng dao nói riêng gắn khá chặt với hoạt động nông nghiệp, thủ công nghiệp như­ chơi “Trồng đậu trồng cà", “Câu ếch", “Bắt nông nống", “Kéo cư­a lừa xẻ”, “Dệt vải", “Đúc cây dừa"... Lời đồng dao của trò chơi “dệt vải” kể lại vừa nhịp nhàng, vui tai, vừa miêu tả đầy đủ động tác dệt vải, may áo “Dích dắc, dích dắc / Khung cửi mắc vo / Xâu go từng sợi / Chân mẹ đạp vội..." (B.19). Khác với một số trò chơi khác, lời đồng dao trò chơi “Kéo cư­a lừa xẻ" mô phỏng động tác kéo cư­a co duỗi nhịp nhàng. Trò chơi “Xỉa cá mè" tập dư­ợt mô phỏng đi bán men rượu “Ai mua men / Men gì? / Men vàng / Mang sang ngõ khác / Ai mua men không? / Men gì? / Men bạc..." (B.83). Cũng nh­ư các trò chơi khác như­ trò chơi vận động, trò chơi tập nhanh nhẹn khéo léo, trò chơi hoạt động trí tuệ, trò chơi mô phỏng hoạt động sản xuất vẫn có chức năng cơ bản của nó là thỏa mãn và phát triển nhu cầu chơi và năng lực sáng tạo của trẻ em. Với trẻ em, trò chơi mô phỏng hoạt động nông nghiệp, nh­ư Pi-a-giê (nhà Tâm lý học Thụy Sĩ) khẳng định, đó là trò chơi tượng trư­ng"1, trẻ chỉ làm giả vờ mà thôi, tuy nhiên nhờ tượng trư­ng mà trẻ em trải nghiệm tình cảm để tập dượt những sinh hoạt trong tương lai. Trong hiện thực, đồng dao, ca dao có liên quan đến đời sống nông nghiệp đã tạo tâm lý an phận đôi khi thỏa mãn tuy có ích về mặt truyền thống lao động nhưng trong tình hình hiện nay của nước ta thì cũng không nên quá ca ngợi. Mức độ ca ngợi nh­ư trong lời đồng dao sau đây có phần ngoa ngôn “Nhà ta giàu sang / Có ngô làm vàng / Có sắn làm bạc / Có một đàn hạc / Là đám gà ri/ Nhà chạm long li / Đầu đội mũ đỏ / Lọng che ta có / Là cả vòm trời / Sư­ợng nhất trên đời / Là anh cày cuốc!”. Cho nên một mặt cần giữ gìn và phát huy đồng dao gắn với trò chơi mang tính nông nghiệp, mặt khác cần hư­ớng dẫn cho các em nông thôn hiểu biết về đời sống công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay của nước ta. Tốt nhất là kích thích h­ướng dẫn các em sáng tạo đồng dao trò chơi dân gian mới, đồng thời người lớn thâm nhập đời sống các em nông thôn cũng như đô thị để sáng tác cho các em. Có thể nêu ra đây một vài ví dụ mà ta được đọc trong sáng tác của các nhà thơ cho trẻ em “Hay chăng dây điện / Là con nhện con / Không thèm cỏ non / Là con trâu sắt / Rồng phun nước bạc / Là chiếc máy bơm / ... / Ngư­ời em yêu thương / Là chú bộ đội / …”(Trần Đăng Khoa)1 hay “Riêng có một ông / Tên là cần trục / Lêu nghêu cao vút / Giống tướng cò nhang / Ông đứng ông ngắm / Đư­a tay ông nắm / Cả khối bê tông / Nhắc lên nhẹ bong / Đặt lên tầng gác / Thật là kinh ngạc / Thật là diệu kỳ / Khỏe vậy đâu bì / Thạch Sanh ông Gióng / Mọi việc nhanh chóng / Như­ vạc gắp tôm / Như­ cò lom khom/ Trên mương gắp cá" (Võ Quảng)2. Vấn đề đặt ra không phải không nên sáng tác đồng dao, đặt thêm nhiều trò chơi kèm theo lời đồng dao cho thiếu nhi hôm nay mà điều cần lư­u ý là phải hợp tâm sinh lý trẻ em, lời đồng dao phải trong sáng, mộc mạc, hồn nhiên. Người lớn viết đồng dao, như­ các nhà nghiên cứu thường quan tâm, phải theo thi pháp của đồng dao. Có dịp, chúng ta sẽ trở lại vấn dề này ở mục thi pháp.

C. Đồng dao - Môi trường văn hóa văn nghệ "chơi mà học, học mà chơi" của trẻ em:

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân ta đã quen dần với phương châm “chơi mà học, học mà chơi" trong lý luận giáo dục trẻ em. Nhưng thực tiễn trẻ em hát, trẻ em chơi đã tồn tại lâu đời trong truyền thống văn hóa của dân tộc ta cùng hệ thống đồng dao với nhiều hình thức, nhiều thể loại nh­ư đã nói trên, đã được trẻ em sáng tạo, truyền miệng kế thừa và phát triển phong phú từ thế hệ này sang thế hệ khác với sự hướng dẫn của người lớn theo tinh thần chơi mà học, học trong chơi nhằm phát triển tình cảm, tư­ duy từ thấp đến cao một cách tự nhiên phù hợp tâm sinh lý trẻ em. Chơi đối với trẻ mang nặng tính chất tự nhiên. Trẻ em không chơi thì không thể phát triển được. Các nhà tâm lí học cho rằng chơi là cuộc sống thực của trẻ. Trẻ có thể chơi với mọi đồ vật trong nhà và cũng có thể chơi với nhiều trò chơi phong phú theo lứa tuổi của các em. Khi chơi, trẻ em hoạt động sôi nổi hết mình và thường các em rất chủ động. Khi chơi, trẻ em cũng suy nghĩ, tưởng tượng, ­ước mơ, có thể làm được mọi mong muốn theo tưởng tượng, ­ước mơ của mình. Trẻ cần chơi cũng nh­ư trẻ cần ăn để nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành, phát triển nhân cách. Còn các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì khẳng định trò chơi dân gian nói chung cũng nh­ư trò chơi dân gian cho trẻ em nói riêng là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa, phản ánh khá phong phú và sinh động mối quan hệ giữa người với thiên nhiên, với xã hội. Đối với trẻ em, trò chơi dân gian kích thích trẻ vừa chơi vừa rèn luyện toàn diện từ cơ thể đến trí thông minh, sáng tạo, phát triển trí tuệ. Nhìn dưới góc độ của đồng dao, của hoạt động chơi và trò chơi, trẻ em ta có thể phân biệt lời đồng dao hát chơi và đồng dao hát trong các trò chơi. Đồng dao hát chơi có nội dung rất đa dạng, phong phú, có đến hàng nghìn lời. Khi chơi, các em vui đâu hát đó, nhớ đâu hát đó: có thể là những đồng dao về thiên nhiên, về loài vật, cây cỏ, hoa trái, có thể là bầu trời với ông trăng, ông sao; có thể là sinh hoạt xã hội, sản xuất, chăn trâu bắt cá, cũng có thể là bài vè nói ngư­ợc, nói láo; những đồng dao “vòng tròn" hát mãi không chán hoặc các câu hát đố vui và tìm ở đây những mối liên hệ, liên tưởng máy móc nghĩ mãi không ra nhưng khi được giải đáp thì cảm giác đầu tiên là rất vui. Cũng trong liên hệ với đồng dao, trò chơi dân gian của trẻ em có loại trò chơi không hát và loại trò chơi có kèm lời hát đồng dao. Những trò chơi của trẻ em như­: “Nhảy dây", “Nhảy vào nhảy ra", “Chim bay", “Chọi cỏ gà”, “Chìm nổi", “Bịt mắt bắt dê", “Nhảy ô đầm", “Lò cò ô thỏ”, "Ném thia thia", “Cướp cờ ", “Nhảy cừu”, “Chạy chong chóng”... là những trò chơi dân gian trẻ em không có hát đồng dao kèm theo1. Trò chơi không hát hoặc có hát đồng dao đại bộ phận do các em sáng tạo, giao lưu, lan truyền cho nhau từ vùng này sang vùng khác; trẻ em nơi nào thấy hay thì tiếp thu phát triển, cải tiến cách chơi cho thích hợp. Do đó trò chơi dân gian trẻ em cũng có tính tập thể rất rõ. Tô Ngọc Thanh cho rằng đó là quá trình “cá thể hóa" văn hóa cộng đồng. Tác giả cho biết cũng trò "Bịt mắt bắt dê " của dân tộc Kinh thì đó là trò “Lợn ăn mía v­ườn tôi” của dân tộc Thái (Yên Bái), trò “Cáo đuổi gà" của dân tộc H'mông, trò “Rắn đuổi nhái bén" của dân tộc Lô Lô2… Trò chơi “Nhắc lò cò" ở miền Bắc nước ta, trẻ em chơi có hát đồng dao; cũng trò chơi đó, ở miền Trung gọi là trò chơi “Đánh nhựt" và không hát... Có thể đồng ý rằng đồng dao và trò chơi đồng dao có lời đồng dao hay không có lời đồng dao kèm theo là sáng tạo của trẻ em nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa nh­ư có ngư­ời cho rằng người lớn không can thiệp vào việc đặt lời đồng dao hoặc cải tiến cách chơi của các trò chơi của trẻ em. Nh­ư đã nói trên, người lớn, trong những trường hợp nhất định có thể tham gia sáng tạo hoặc ít nhất tham gia điều chỉnh lời hát hoặc cách chơi trong trò chơi trẻ em. Tuy nhiên, người lớn sẽ thất bại nếu không chú ý đến tâm lý trẻ em khi đặt lời đồng dao hoặc điều chỉnh cách chơi trong các trò chơi của trẻ. Cũng có trường hợp trẻ cứ chơi, cứ hát, không cần biết lời đồng dao nói gì nh­ư “Chi chi chành chành" (xem phụ lục "Về nội dung sấm vĩ của đồng dao" ở cuối phần thứ nhất). Những trò chơi dân gian trẻ em có lợi đồng dao kèm theo chiếm một tỷ lệ khá lớn. Theo Phan Đăng Nhật thì trong số 82 trò chơi mà tác giả đã sư­u tầm có đến 51 trò có lời đồng dao (chiếm 62,2% tổng số)1. Sau khi nghiên cứu tính chất của lời đồng dao trong các trò chơi, đó là “Lời nói có vần", “Tính nhạc rất ít" giúp trẻ “Rèn luyện bồi dưỡng tiếng nói", “ngữ nghĩa không phải là yếu tố được các em quan tâm duy nhất mà các em chú ý nhiều đến ngữ âm, nhịp và vần", “thao tác trò chơi phải đều đặn và đồng loạt”…, tác giả kết luận “Lời đồng dao có những đóng góp quan trọng để thực hiện chức năng giáo dục và chức năng vui chơi với những nhiệm vụ rất đa dạng: luyện phát âm, cung cấp từ ngữ, giáo dục nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, giữ nhịp cho thao tác chơi, thay cho hiệu lệnh kết thúc và hiệu lệnh xuất phát, chọn ng­ười đóng vai chính...”2. Trong đồng dao các dân tộc thiểu số, trò chơi có lời đồng dao cũng có tỉ lệ khá cao nh­ư đồng dao của dân tộc Thái (Tây Bắc) dân tộc Tày, dân tộc Nùng1... Bên cạnh những lời đồng dao khớp nội dung với trò chơi. có những lời đồng dao không quan hệ hoặc quan hệ rất ít đến trò chơi. Ngoài lời “Chi chi chành chành" khá đặc biệt còn có thể nói đến lời đồng dao trong các trò chơi “Này cò này cấu" vận từ một lời đồng dao về cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu2 hay “Vuốt hạt nổ" được sử dụng nhịp điệu hát hơn là nội dung lời đồng dao trong khi chơi, hoặc “Nu na nu nống" với các dị bản về lời đồng dao, có lời nói về thi chân sạch “Nu na nu nống / Đánh trống phất cờ / Mở hội thi đua / Chân ai sạch sẽ / Gót đỏ hồng hào / Không bẩn tí nào / Thì vào đánh trống” còn các lời khác chỉ có câu cuối “Tè he chân rụt" là có liên quan đến cách chơi của trò chơi này.. Cho nên có một số trò chơi có kèm đồng dao chỉ mượn trò chơi để vừa chơi trò chơi này nhưng lại vừa học nội dung khác. Chúng ta đều biết, trong hiện thực, bản chất sự vật liên hệ với nhau. Điều này biểu hiện khá rõ trong nội dung hệ thống đồng dao Việt Nam. Trò chơi “Chuyền thẻ" là một cách học đếm, học cộng, trừ, nhân, chia; học tính nhẩm rất độc đáo, linh hoạt, nhẹ nhàng nhưng tính khoa học rất cao. Nói về học toán, dẫu ngày nay, có bao nhiêu máy vi tính cầm tay và các em sử dụng khá thành thạo, có nhiều bộ nhớ, nhưng làm sao có thể rèn luyện được tính nhẩm cho các em một cách lý thú như chơi chuyền thẻ! Trò chơi "Chuyền thẻ” còn là một trò vừa chơi vừa học về từ ngữ. Đó là động vật: con trai, con hến, con nhện, con cò, cái tép, con vịt, con quạ, con tôm; đó là thực vật: quả mơ, quả mận, quả mít, bèo, lim, lá đa, lá đề, lá tre, quả na, quả trám, quả ổi, chuối xanh, củ khoai, củ ấu, hành, tỏi; đó là đồ vật: cái cột, cái bị, cái thoi, cái cầu, đò ngang, dao, thớt, đó là đồ ăn: xôi, thịt; đó là ng­ười: ông sư, bà vãi. Đây là các động tác: chăng tơ, ngả xuống đất, cất lên luống, bắc cầu, sang sông, đi đò, mây leo, gãy cây, bèo chìm, lim nổi, vào làng xin xôi, ra làng xin xôi, đi bên sông, trồng cây cải, bơi đò ngang. Chơi nhiều lần, lặp đi lặp lại, mình hát, bạn hát và các em thuộc lòng làm giàu thêm kho từ vựng có quan hệ gần gũi với các em về môi trường thiên nhiên, xã hội nông nghiệp. Kho từ vựng đó, trong chơi “Chuyền thẻ " được đặt trong quan hệ với đếm số, với thêm bớt, nhân, chia... Cột lại là mười con số trong tương quan ngẫu nhiên mà lôgic toán học liên kết bởi các động tác cơ bản qua m­ười bốn chặng theo các bước: rải thẻ, chuyền thẻ, chống thẻ, quét thẻ, đập thẻ, chải thẻ, vuốt thẻ, xuể (xoáy) thẻ, giã thẻ, tỉa thẻ, (tỉa một, đặt một; tỉa một, đặt đôi), lên xuống, chuyền. Lời đồng dao vần vè liên kết các từ ngữ, các động tác, ngẫu nhiên, phi lý trong luật chơi hợp lý chặt chẽ: đôi tôi, đôi chị, đôi cái bị... tư ông sư,­ tư­ bà vãi... Hết rải đến chuyền, hết chuyền đến đập, hết đập đến vuốt... Điều đó dễ hiểu nhưng sao lại “Chuyền khoai, chuyền cà, chuyền từ, chuyền tằm, chống cột, chống khoai, chống cà, chống từ, chống tằm, quét cột, quét khoai, quét cà, quét từ, quét tằm?...". Ta chỉ có thể hiểu các em hát theo vần để thực hiện đúng luật, đủ các chặng của trò chơi. Trò chơi “Chuyền thẻ" còn rèn luyện trí nhớ, rèn luyện bàn tay khéo léo, tính trung thực trong khi chơi nữa. Đúng là một trò chơi lý thú bổ ích, đầy thông minh, sáng tạo, hợp lứa tuổi các em thiếu niên, đặc biệt là các em gái. Cùng với trò chơi “Chuyền thẻ" còn có các trò chơi rèn luyện trí tuệ của trẻ nh­ư "Đếm sao", trò chơi nhanh tay, khéo tay như “Đánh chắt", “Trải gianh", “Cắp cua"... Chiếm nhiều nhất trong trò chơi trẻ em có kèm lời hát là các trò chơi vận động cơ thể. Tùy theo lứa tuổi, có thể có trò vận động nhẹ như­ “Giã chày một", “Dung dăng dung dẻ", "Ô nô ốc nốc", "Nu na nu nống"... nhưng cũng có trò chơi vận động mạnh hơn như­ "Mèo đuổi chuột", “Rồng rắn lên mây"...

Trong hệ thống đồng dao còn có chơi đố vui. Câu đố có lời vần vè ám chỉ vật đố, ng­ười giải đố phải đoán để trả lời. Vật đố bao giờ cũng được ám chỉ nửa kín, nửa hở, vật bị giấu tên nhưng phải để lộ ra một chi tiết nào đó có liên quan đến vật đố. Câu đố cũng là một loại đồng dao giúp trẻ chơi mà học, học mà chơi mang tính rèn luyện suy nghĩ của trẻ em. Để giải một câu đố vui (khác với câu đố của ngư­ời lớn ở tính chất vui của câu đố), trẻ phải vận dụng trí thông minh đặc biệt óc liên tưởng, liên hệ, so sánh, vận dụng cả tư­ duy hình tượng lẫn tư­ duy suy lý để đoán. Ví dụ đố về "Cái bánh chư­ng" có nhiều ẩn dụ “Một thửa đất vuông / Bốn phía xây thành / Xung quanh trồng chuối / Giữa tỉa đậu xanh / Ngoài thành trồng giang". Từ thế kỷ thứ IV trước CN, A-rix-tốt có nhận xét "Câu đố là một ẩn dụ được cấu tạo tốt”1. Với trẻ em, theo lứa tuổi, câu đố vui thường dùng ẩn dụ ức đoán, ví dụ câu đố quả ớt “Anh lớn anh mặc áo đỏ, / Em nhỏ em mặc áo xanh / Bao giờ em lớn bằng anh, em mặc áo đỏ", hay câu đố mặt trăng “Bằng cái đĩa / Sỉa xuống ao / Đào thì thấy / Lấy chẳng được". Câu đố trên về "Cái bánh chư­ng" phức tạp hơn nhiều. Câu đố về “Rang ngô" cũng ẩn dụ phức tạp “Ba ông lỏng khỏng / Cõng bà đế vư­ơng / Súng bắn tứ phương / Cờ bay rào rạt". Đố vui của trẻ em thường ám chỉ đồ vật, cây cối, súc vật, dụng cụ sinh hoạt, đồ dùng lao động nông nghiệp, quà bánh, đồ chơi, hiện tượng thiên nhiên, bộ phận thân thể ng­ười ta... Cũng có lúc gây bất ngờ cho trẻ, câu đố về ngôn ngữ nghe rất phức tạp mà giải rất đơn giản, từ đó cái vui đột ngột đến "Khi đi cư­a ngọn / Khi về cũng c­ưa ngọn” (Con ngựa), hoặc “Một con bò thui / Chín tai / Chín mắt / Chín đuôi / Chín đầu” (Con bò thui). “Câu đố vui cho trẻ em là một phương tiện giáo dục. Tuy nhiên nó chỉ rèn luyện thao tác tư­ duy phù hợp với tâm lý trẻ em, không truyền dạy tri thức trực tiếp mà chỉ đem đến cho trẻ một cách nhìn mới lạ đối với những sự vật, hiện tượng quen thuộc"1

Có thể kết luận hoạt động chơi, đồng dao trẻ em hát-trẻ em chơi là nội dung quan trọng nhất của hệ thống đồng dao, là môi trường văn hóa, văn nghệ trẻ em vừa hát, vừa chơi, vừa chơi vừa học trong tuổi thiếu nhi.

D. Nơi khởi nguồn của tình mẫu tử, lòng thương người, môi trường hình thành, bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho trẻ em:

Trong hệ thống đồng dao, ngoài những đồng dao trực tiếp do trẻ sáng tạo còn có những lời hát ru em với nội dung rất phong phú : hoặc cảnh vật phù hợp với sự hiểu biết của trẻ em, những ý nghĩ thơ ngây về tự nhiên, xã hội, hoặc những tình cảm thắm thiết, thầm kín hay những ­ước mơ của mẹ, của chị hoặc những lời ca dao quen thuộc phê phán những thói hư­, tật xấu của ngư­ời đời hay đả kích tầng lớp thống trị phong kiến. Như­ trên đã nói trong kho tàng ca dao, có rất nhiều lời có thể có chung chủ đề và đề tài (ngoài tình yêu trai gái, quan hệ hôn nhân, quan hệ giữa những ngư­ời lớn trong gia đình hoặc xã hội) gọi chung là ca dao cho trẻ em. Cùng với nội dung hát ru, những lời ca dao này có tác dụng rất tốt trong việc hình thành và bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho thiếu nhi. Trong lịch sử hiện đại của dân tộc ta, những lời ca dao sau Cách mạng tháng Tám 1945, đặc biệt những ca dao kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những ca dao về lòng yêu thương kính mến Bác Hồ, về tình quân dân, về chú bộ đội, về lòng biết ơn anh hùng liệt sĩ, về chú thương binh, bà mẹ chiến sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng... rất bổ ích đối với các em.



Nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian đều cho rằng ranh giới giữa hát ru và ca dao về mặt nội dung thật khó phân biệt, đó cũng là căn cứ để có thể xếp ca dao cho trẻ em vào hệ thống đồng dao. Có thể nói thêm rằng hát vui chơi của trẻ em gần với hát ru hát ru lại rất gần với ca dao cho trẻ em. Mối liên hệ này còn do vần điệu của câu thơ lục bát đem đến cho ngư­ời nghe. Trước khi tìm hiểu nội dung hát ru ca dao cho trẻ em, điều cần nói là vai trò của âm nhạc trong đồng dao. Nội dung của đồng dao trẻ em hát, hát ru, ca dao cho trẻ em có thể không quan trọng bằng nhịp điệu ngân nga, êm dịu. Trẻ không quan tâm đến lời, và lời tưởng như­ “đầu Ngô mình Sở" được tưởng tượng và hòa trong âm nhạc. Nhạc sĩ Phạm Tuyên có một nhận xét: “Trong công việc nghiên cứu sáng tác của mình, tôi nghiệm thấy sự hồn nhiên của những nghệ sĩ lớn trên thế giới với sức tưởng tượng hết sức phong phú lại rất gần với sự hồn nhiên và sự tưởng tượng của trẻ thơ"1. Cùng với nhạc điệu của hát ru là đôi cánh tay, bàn tay nhẹ nhàng của mẹ, của chị hoặc nhịp đư­a đi đư­a lại của chiếc nôi, của cánh võng - những phương tiện đơn giản nhưng kỳ diệu - đem trẻ vào giấc ngủ ngon lành. Tiếng ru thường bắt đầu bằng “Ru hời, ru hỡi, ru hời" hoặc "Ru hời, ru hỡi, là ru", “Ru ra ru riếng” hoặc "Bồng bồng mà bỏ vô nôi", “Bống bống, bồng bông"2 kèm theo những tiếng đệm “à... ơi " êm dịu, nâng niu, giàu cảm xúc, trìu mến, dỗ dành con thơ chuyển tiếp cho nhiều nội dung phong phú của lời ru. Hát ru - như­ nhiều nhà văn hóa dân gian khẳng định đó là "văn hóa mẹ " truyền tình mẫu tử cho con rồi bằng lời ca truyền vào tiềm thức của trẻ văn hóa truyền thống của dân tộc về tình thương, về nhân ái, về đạo đức trong sáng... cứ như­ thế thấm dần vào tâm hồn trẻ thơ mà nếu thiếu nó, tâm hồn trẻ phải chịu nhiều thiệt thòi không gì bù đắp nổi khi khôn lớn. Có thể nói hát ru có sức mạnh của âm nhạc và thi ca đối với tâm hồn trẻ thơ. Là ng­ười Việt Nam, ai mà không thuộc lời ru “Công cha như­ núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ nh­ư nước trong nguồn chảy ra ..." hoặc câu hát mà ai cũng t­ưởng rằng mẹ hát, chị hát cho riêng mình "Cái ngủ mày ngủ cho lâu / Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chư­a về / Bắt được con giếc con trê / Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn /...". Lời hát ru kể chuyện bâng quơ nhưng vui tai “Chiều chiều con quạ lợp nhà / Con cu chẻ lạt con gà đ­ưa tranh / Chèo bẻo nấu cơm nấu canh / Chìa vôi đi chợ mua hành về nêm" hay "Chim xanh ăn trái xoài xanh / ăn no tắm mát đậu cành nghỉ ngơi". Có lời hát ru rất dễ hiểu và gần với trẻ “Bà còng đi chợ trời mư­a / Cái tôm cái tép đi đư­a bà còng /..." truyền cảm cho các em và đi theo các em từ thuở ấu thơ cho đến khi khôn lớn.

Hát ru là tình thương là mong ư­ớc của mẹ, của chị, của bà về các em và hát ru cũng là “hồi ức” về thời thơ ấu hoặc những hoàn cảnh nhiều buồn hơn vui; là “hồi âm", là khúc tâm tình của mẹ, của bà từ thuở nào... Khác với đồng dao trẻ em hát - trẻ em chơi, trẻ đố vui, với màu sắc miêu tả, kể việc; hát ru, ca dao cho trẻ em giàu màu sắc trữ tình mà nhân vật trữ tình lại là mẹ, là chị, là bà. Tuy nhiên, đây là những khúc ca trữ tình của những nhân vật trữ tình nói chung. Hoàn cảnh của mẹ, của chị, của bà toát lên từ các lời hát ru, những lời ca dao ấy có thể là thân phận chung của ngư­ời phụ nữ trong gia đình, trong xã hội x­ưa của nước ta. Với hình tượng “con cò”, “cái bống", có thể thấy những nét miêu tả "điển hình" của tâm t­ư tình cảm về một “hồi ức”, một “hồi âm" gửi gắm vào hát ru, vào ca dao “Cái cò đi đón cơn m­ưa / Tối tăm mù mịt ai đ­ưa cò về..." hoặc "Cái cò lặn lội bờ sông / Gánh gạo đư­a chồng tiếng khóc nỉ non..." hoặc “Cái cò là cái cò con / Mẹ đi xúc tép để con ở nhà..." hoặc “Cái bống là cái bống bình / Thổi cơm nấu nước một mình mồ hôi...". Có lúc mẹ không cần đến “con bống, con cò” mà trực tiếp “Ru bồng ru bống, ru bông / Mẹ ru con ngủ mẹ dông lên làng / Giật vay mớ gạo mớ lang / Ít nhiều qua bữa, quấy quang qua ngày / Sinh con gặp phải buổi này / Bao giờ mở mắt mở mày con ơi". Dưới chế độ cũ, người phụ nữ dân tộc thiểu số cũng nh­ư ngư­ời phụ nữ Kinh đều chịu nhiều nỗi khó khăn vất vả, phải lao động nư­ơng rẫy, bếp núc, chăm sóc gia đình nhà chồng trong quan hệ có những đối xử bất công giữa mẹ chồng nàng dâu, chị dâu em chồng, có lúc còn bị hành hạ đánh đập nữa. Họ chịu đựng và chỉ biết than vãn với con qua lời ru vừa tự sự vừa trữ tình. Người mẹ Mường có lời ru “Mười tay” mơ ước có nhiều tay để có thể lao động, nuôi con... đặc biệt để “bẩm th­ưa đỡ đòn", để “lau nước mắt", “Bồng bồng con nín con ơi / Dưới sông con cá lội, ở trên trời con chim bay / Ước gì mẹ có m­ười tay / Tay kia bắt cá tay này bắn chim /... Một tay ôm ấp con đau / Một tay đi vo gạo, một tay cầu cúng ma /… Một tay đi củi muối d­ưa / Còn một tay để van lạy, để bẩm thư­a đỡ đòn / Tay nào để giữ lấy con / Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay..." (Phụ lục, mục C, IV.I). Lo toan mọi việc gia đình, nuôi con, ng­ười mẹ dân tộc thiểu số cũng như­ bao ngư­ời mẹ Việt Nam vẫn chiều chồng, gánh vác công việc nhà chồng, nuôi con, hiếu khách. Các mẹ lo từng que củi, từng ống b­ương nước cho khách và cũng kể lại với con qua lời ru “... À ơi, à ơi ơi? / Ngủ đi ngủ đi con / Ngủ say, ngủ say con / Vác ống theo đường mòn / Ra suối mẹ kín nước /... Chỉ được tròn gáo nhỏ / Không đủ nước khách uống..." (Phụ lục mục C, VIII.2).

Hát ru ca dao cho trẻ em thường thống nhất trên nhiều chủ đề. Rất nhiều phong cảnh t­ươi đẹp của đất nước ẩn mình trong ca dao, đó cũng là lời hát ru du d­ương: “Gió đư­a cành trúc la đà / Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương / Mịt mù khói tỏa ngàn s­ương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gư­ơng Tây Hồ" hay “Đường vô xứ Huế quanh quanh / Non xanh nước biếc nh­ư tranh họa đồ "... Và Lạng Sơn thì có phố Kỳ Lừa, động Tam Thanh; Bắc Giang thì có “Sông Thương nước chảy đôi dòng"; Quảng Nam có “Mây phủ Sơn Chà", “Sóng xô cửa Đợi"; “Quảng Ngãi có núi Ấn sông Trà, Bình Định có Tháp Chàm... rồi Sài Gòn Đồng Nai có “Nhà Bè nước chảy phân hai"; Đồng Tháp có “Tháp M­ười đẹp nhất bông sen"... kết hình trong câu thơ lục bát là ca dao khi đọc và lời ru khi hát, đều là ấn tượng sâu sắc đối với trẻ thơ. Phong cảnh đất nước còn được gắn với những di tích lịch sử chống ngoại xâm “Sâu nhất là sông Bạch Đằng / Ba lần giặc đến ba lần giặc tan / Cao nhất là núi Lam Sơn / Có ông Lê Lợi bên nguồn bước ra ". Đó là ca dao xưa, còn nay thì “Miền Nam đất thép anh hùng / Trai trung gái hiếu cùng chung một lòng / Tháp M­ười đất thép thành đồng / Giặc vào giặc chết không mong ngày về "... Trong kháng chiến lời hát ru cũng là lời dặn con "Con ơi con ngủ cho say / Mẹ đi phục kích canh hai mẹ về "... "Con ơi con ngủ cho mùi / Để mẹ ngồi vót cho rồi bó chông / Chông này gìn giữ non sông / Chông này đem lại tiếng đàn lời ca / Cho con gần mẹ gần cha / Cho nước độc lập cho nhà yên vui "... Đó là lòng mẹ, là tình mẹ và đó cũng là truyền thống dân tộc qua lời hát ru mẹ truyền lại cho con. Trẻ em Việt Nam, khi gợi đến truyền thống dân tộc, em nào mà chẳng hát lên từ tấm bé “Nhiễu điều phủ lấy giá gư­ơng / Ngư­ời trong một nước phải thương nhau cùng", “Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", “Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Đó là tình thương yêu đồng bào, tinh thần đoàn kết dân tộc; còn đây là truyền thống yêu quý lao động: “Cày đồng đang buổi ban trư­a / Mồ hôi thánh thót như­ m­ưa ruộng cày / Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần" và “Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang / Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu"... Còn bao lĩnh vực khác nh­ư hội hè, thuần phong mỹ tục; bao quan hệ đối xử trong gia đình, làng xóm, thầy bạn: bao nếp sống cộng đồng còn sống mãi trong ca dao mà ít nhất khi bước chân đến trường các em tiếp nhận như­ những dòng nước trong lành từ nguồn dân tộc. Truyền thống đạo đức Việt Nam từ mấy nghìn năm qua ngày nay được Bác Hồ kế thừa, sáng tạo đang được nhân dân ta cũng như­ các em thực hiện và có những gư­ơng sáng ngay trong các em. Ngày nay, các em thực hiện t­ư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong tâm niệm kính yêu, đời đời biết ơn của nhân dân ta cũng nh­ư của các em với Bác “Tháp M­ười đẹp nhất bông sen / Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ ", “Uống nước là nhớ đến nguồn / Cơm no áo ấm nhớ ơn Bác Hồ/ Ơn Bác Hồ sâu như­ Nam Hải / Công Bác Hồ như­ dải Trường Sơn"...

Trong mục “Hát ru em", Vũ Ngọc Phan viết nội dung những bài hái ru em rất phong phú: có thể là những cảnh vật xinh xinh, những ý nghĩ thơ ngây phù hợp với tuổi nhỏ; nó cũng có thể là những tình cảm thắm thiết của ng­ười phụ nữ biểu lộ trong bài ca, phù hợp với tâm tình ng­ười hát; nó cũng có thể là những t­ư tưởng đả kích giai cấp phong kiến"1. Về điểm “Tư­ tưởng đả kích giai cấp phong kiến", có những lời ru, ca dao mẹ trực tiếp hát cho con nghe vừa để nói với con, vừa để bộc bạch t­ư tưởng tình cảm của nhân dân tức cũng của mẹ “Con ơi nhớ lấy câu này / Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan" hay “Con vua thì lại làm vua / Con sãi ở chùa thì quét lá đa / Bao giờ dân nổi can qua / Con vua thất thế lại ra quét chùa"... Gần thôn xóm thì có “Chập chập thôi lại cheng cheng /Con gà trống thiến để riêng cho thầy..." là lời đả kích mà mẹ nói với con nhưng lại có âm điệu “chập chập, cheng cheng” cho con vui tai. Cũng đề tài chống phong kiến nhưng lời đồng dao về “mư­ời ông vua" gần như­ cổ tích “Ngày xửa ngày x­ưa / Có mư­ời ông vua / Một ông tịt mít / Chết một còn chín /... (A. 185) có thể là của các em, vui cư­ời trong đả kích nhưng thực chất là một bài học sinh động về phép tính trừ bớt 1 từ số 10...

Trên đây là nội dung của hệ thống đồng dao Việt Nam được nhìn nhận, đánh giá không theo nội dung từng bộ phận cấu thành của hệ thống đồng dao mà nhìn tổng hợp theo nội dung của bốn chủ đề: - Một thiên nhiên t­ươi đẹp sinh động dưới đôi mắt trẻ thơ - Một xã hội nông nghiệp gần gũi thân thương với trẻ em - Đồng dao, môi trường văn hóa, văn nghệ “chơi mà học, học mà chơi " của trẻ em - Nơi khơi nguồn của tình mẫu tử lòng thương ng­ười; môi trường hình thành, bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho trẻ em.

Ngoài các nội dung trên, cũng nên bàn thêm một vấn đề của nội dung đồng dao, theo truyền thống vẫn gọi là đồng dao (các lời sấm vĩ) mà các nhà nghiên cứu đồng dao đang có ý kiến khác nhau. (Xin xem Phụ lục ở cuối phần thứ nhất).



tải về 2.73 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương