Hội nghị An toàn giao thông hàng không quy hoạch phát triển giao thông hàng không việt nam



tải về 22.02 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích22.02 Kb.
#28137


Hội nghị An toàn giao thông hàng không

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG HÀNG KHÔNG VIỆT NAM
Phòng Vận tải hàng không-Cục HKVN
TÌNH HÌNH CHUNG

Việt Nam nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực có số lượng dân cư đông nhất, tiềm lực kinh tế mạnh và đặc biệt là khu vực có các hoạt động kinh tế năng động và phát triển nhất trên thế giới. Với lợi thế nằm trên trục giao thông Đông - Tây và Bắc - Nam, một trong những trục giao thông quan trọng và đông đúc nhất trên thế giới, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về giao thông, đặc biệt là giao thông hàng không. Dân số Việt Nam tính đến nay là hơn 94 triệu người được phân bố tập trung tại các khu vực đồng bằng sông Hồng, duyên hải Trung bộ và đồng bằng Nam bộ. Trong các năm qua, mặc dù có những thời điểm Việt Nam chịu không ít ảnh hưởng, tác động từ khủng hoảng kinh tế khu vực cũng như bất ổn về chính trị, dịch bệnh trên thế giới nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì bước tăng trưởng vững chắc với tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2010-2015 ổn định ở mức 5-7%/năm.



HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG GIAI ĐOẠN 2010-2015

Thị trường vận tải hàng không Việt Nam giai đoạn 5 năm qua vẫn tăng trưởng nhanh, ở mức hai con số trong bối cảnh quốc tế và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2015 là 13,4% về hành khách và 12% về hàng hoá. Dự kiến năm 2015, tổng thị trường vận chuyển sẽ đạt 39,5 triệu hành khách và hơn 800 nghìn tấn hàng hóa, tăng tương ứng 19,3% về hành khách và 8,8% về hàng hóa so với năm 2014.

Mạng đường bay của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài khai thác đi/đến Việt Nam bước đầu đã đáp ứng nhu cầu đi lại giữa các vùng miền của đất nước cũng như giao thương giữa Việt Nam và quốc tế. Hiện tại, 52 hãng hàng không nước ngoài (tăng 8 hãng so 2010) thuộc 25 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 5 quốc gia so 2010) khai thác đi/đến Việt Nam với 54 đường bay từ 34 điểm đến Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Nha Trang. Thị trường hàng không Việt Nam có sự tham gia của hầu hết các hãng hàng không lớn trong khu vực và trên thế giới như Singapore Airlines, Thai Airways, Japan Airlines, Cathay Pacific, Korean Air, United Airlines, Air France, Emirates, Qatar Airways... Bên cạnh các hãng hàng không truyền thống, thị trường hàng không Việt Nam đã có sự tham gia của hàng loạt các hãng hàng không chi phí thấp như AirAsia, Jetstar Asia, Tiger Airways, Thai AirAsia, Cebu Pacific, Lion Air...

Đối với Việt Nam, có 4 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác thị trường là Vietnam Airlines (VN), Jetstar Pacific Airlines (BL), VASCO và VietJet Air (VJ), trong đó BL và VJ khai thác theo định hướng chi phí thấp (LCC) đồng thời VJ là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, sở hữu hoàn toàn thuộc về tổ chức, cá nhân Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam hiện đang khai thác 70 đường bay quốc tế (tăng 30 đường bay) đến trên 30 thành phố (tăng 4 thành phố) của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ và 48 đường bay nội địa (tăng 15 đường bay) nối Hà Nội, Đà Nẵng và Tp Hồ Chí Minh với 18 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục-nan rộng khắp toàn quốc. Ngoài 3 CHKQT cửa ngõ, Việt Nam đã nâng cấp và chính thức công bố thêm các cảng hàng không quốc tế mới tại các thành phố, địa phương lớn của Việt Nam như Phú Bài (Huế), Cam Ranh (Nha Trang), Cần Thơ (Cần Thơ), Phú Quốc (Phú Quốc)...



Lực lượng vận tải hàng không Việt Nam đã có sự phát triển đột phá với việc các nhà đầu tư tư nhân quan tâm đầu tư thành lập hãng hàng không kinh doanh vận chuyển hàng không và hàng không chung, phù hợp với các quy định mới của Luật HKDD Việt Nam 2006. Tính đến thời điểm hiện nay, lực lượng vận tải hàng không Việt Nam gồm 10 hãng hàng không, trong đó 4 hãng kinh doanh vận chuyển hàng không và 6 hãng kinh doanh hàng không chung.

Chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng không từng bước được nâng cao theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Đội tàu bay được phát triển đúng hướng, đi thẳng vào công nghệ, kỹ thuật hiện đại, đồng bộ. Tính đến nay, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đạt 127 chiếc gồm các chủng loại tàu bay thế hệ mới là A320, A321, A330, A350, B777, B787, ATR72, Cessna 208B-EX với độ tuổi trung bình 5,7 tuổi; số lượng tàu bay sở hữu là 50 chiếc, chiếm 40,3% tổng đội tàu bay với độ tuổi trung bình là 5,8 tuổi.

HẠ TẦNG CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY

Ngành hàng không Việt Nam đang quản lý, khai thác hệ thống 22 Cảng hàng không (trong đó có 21 Cảng đang có hoạt động khai thác) với tổng công suất thiết kế tính đến nay là 67,7 triệu lượt hành khách và 1,36 triệu tấn hàng hóa. Năm 2014, CHKQT Tân Sơn Nhất đứng thứ 65 và CHKQT Nội Bài đứng thứ 86 trong top 100 CHKSB có lưu lượng thông qua lớn nhất thế giới.



HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG

Chỉ với trên 20 Hiệp định hàng không song phương được ký kết đến năm 1993, tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 67 Hiệp định hàng không song phương (tăng 7 Hiệp định so với năm 2010) với các quốc gia, vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục từ châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ đến châu Úc, châu Phi, đồng thời mở rộng phát triển quan hệ hàng không đa phương với việc ký kết 06 Hiệp định đa biên về vận tải hàng không (tăng 4 Hiệp định so với năm 2010). Về cơ bản, các Hiệp định hàng không được đàm phán ký kết đều theo hướng tự do hóa, áp dụng các điều khoản mẫu của ICAO trong bối cảnh tự do hoá vận tải hàng không toàn cầu.



ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG GIAI ĐOẠN 5 NĂM TIẾP THEO

1. Thực hiện chính sách nhằm phát triển vận tải hàng không theo hướng tự do hóa với các nội dung cụ thể:

- Không hạn chế việc chỉ định hãng hàng không khai thác đi/đến Việt Nam;

- Không yêu cầu đệ trình giá cước vận chuyển hàng không quốc tế để phê duyệt;

- Không hạn chế về đường bay khai thác;

- Không hạn chế về tải cung ứng được phép; Cho phép các hãng hàng không nước ngoài khai thác thương quyền 5.

- Cho phép khai thác thông qua các hình thức hợp tác liên danh, vận tải đa phương thức; khai thác thuê chuyến; khai thác kết hợp nhiều điểm, bay tam giác; sử dụng tàu bay thuê; thay đổi tàu bay.

- Duy trì chính sách giảm giá dịch vụ để khuyến khích hoạt động bay quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là các CHKQT mới;

- Duy trì chính sách phát triển thị trường nội địa theo hướng bình đẳng giữa các doanh nghiệp, cấp quyền vận chuyển theo nhu cầu của các hãng hàng không.

- Xây dựng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích các hãng hàng không tăng cường, phát triển các đường bay đến các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa có nhu cầu thiết yếu về vận chuyển hàng không công cộng.

2. Tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu vận tải hàng không đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt với các mục tiêu chính:

a) Tăng tỷ trọng vận tải hàng không trong cơ cấu chung của ngành giao thông vận tải, đặc biệt trên các hành trình đường dài, quốc tế.

b) Đẩy mạnh phát triển thị trường vận tải hàng không, phấn đấu đạt vị trí thứ 5 trong ASEAN.

c) Vận tải hàng không trở thành loại hình giao thông phổ biến, có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các các vùng kinh tế trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo.

d) Nâng cao năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không Việt Nam, thông qua việc hiện đại hóa đội tàu bay, mở rộng mạng đường bay, tăng cường chất lượng dịch vụ.

e) Tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh cho hoạt động của các hãng hàng không. Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng hàng không Việt Nam, nâng cao trách nhiệm xã hội của tất cả các hãng hàng không Việt Nam.

g) Đảm bảo 100% các vụ việc liên quan đến tranh chấp về quyền và lợi ích chính đáng của hành khách được xử lý theo quy định của pháp luật.

h) Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không.


TRÂN TRỌNG CẢM ƠN!
~~~ *** ~~~



tải về 22.02 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương