HỘI ĐỒng giám mục việt nam giáo lý giáo hội công giáo biên soạN CHO giáo dân việt nam



tải về 1.61 Mb.
trang1/23
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.61 Mb.
#33085
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

GIÁO LÝ

GIÁO HỘI

CÔNG GIÁO
BIÊN SOẠN CHO

GIÁO DÂN VIỆT NAM
LỜI NGỎ
Trước khi bước vào nội dung, chúng tôi có đôi lời giới thiệu về tập sách được ghi chú là "Bản văn Giáo lý dành cho Giáo Lý Viên và Người Trưởng Thành".
Theo yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong khóa họp tháng 9 - 1993, một Tiểu Ban Giám Mục về Giáo Lý đã được thành lập với mục đích biên soạn một tài liệu giáo lý chung cho Giáo Hội Việt Nam, dựa trên nền tảng là Sách Giáo Lý Chung của Hội Thánh toàn cầu.
Một năm sau đó, Tiểu Ban đã đệ trình bản lược đồ phác thảo để xin góp ý. Trên mười giáo phận đã góp ý kiến và dựa vào những ý kiến đóng góp, nay Tiểu Ban đã hoàn thành hai tài liệu:
1.Tài liệu căn bản: thủ bản tóm tắt nội dung chính yếu của giáo lý, được viết theo thể hỏi / đáp, cho dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thuộc.
2.Tài liệu ứng dụng vào việc đào tạo Giáo Lý Viên và Người Tín Hữu Trưởng Thành.
Như vậy cuốn sách nầy là một phần trong công việc chung của Tiểu Ban Giáo Lý, với mục đích cộng tác với các linh mục, tu sĩ trong việc đào tạo giáo lý viên; đồng thời giúp người tín hữu đào sâu đức tin của mình.

Khi biên soạn cuốn sách này, chúng tôi theo sát lược đồ đã đề nghị, cũng là lược đồ Sách Giáo Lý Chung của Hội Thánh, vì nghĩ rằng như thế sẽ có nhiều thuận lợi cho người đọc:


- Người đọc có được cái nhìn chung và vững chắc về giáo lý Công Giáo, như Hội Thánh hôm nay mong muốn.
- Nếu cần, người đọc có thể tham khảo Sách Giáo Lý Chung cách dễ dàng để đào sâu vấn đề.
- Các giáo lý viên có thể dùng cuốn sách này làm tài liệu, giúp soạn giáo án khi dạy giáo lý (theo thủ bản chung).
Ở mỗi bài, chúng tôi cũng theo cách khai triển vấn đề trong Sách Giáo Lý Chung, nhưng tóm tắt lại và có thể sắp xếp lại cho sáng sủa và dễ hiểu hơn. Đồng thời ở phần cuối mỗi bài, chúng tôi đưa ra một vài gợi ý có tính mục vụ, nhằm mục đích đưa giáo lý vào đời sống cụ thể của người tín hữu. Ngoài ra, để trình bày giáo lý cho gần gũi với người tín hữu Việt Nam, trong một số bài, chúng tôi cũng thử khai triển vấn đề bằng cách liên hệ với những nét đặc trưng trong văn hóa dân tộc; cũng như có thêm một bài "Lược sử Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam".
Mặc dù đã cố gắng, chúng tôi ý thức rất rõ về những giới hạn của mình. Vì thế, kính mong Quý Độc Giả vui lòng chỉ giáo thêm và góp ý sửa chữa bản văn, để công việc loan báo Tin Mừng đạt được kết quả tốt đẹp như Hội Thánh mong muốn.
NHÓM BIÊN SOẠN


BẢNG CHỮ VIẾT TẮT
I. KINH THÁNH:
Chúng tôi theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV (Xem Tân Ước trang 9-10).
II. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II:
DT - Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống Dòng Tu: Perfectae Caritatis.
ĐP - Sắc lệnh về các Giáo hội Đông Phương: Orientalium Ecclesiarum.
ĐT - Sắc lệnh về Đào Tạo Linh mục: Optatam Totius.
GD - Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo: Gravissimum Educational.
GH - Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội: Lumen Gentium.
GM - Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục trong Giáo hội: Christus Dominus.
HN - Sắc lệnh về hiệp nhất: Unitatis Redintegratio.
LM - Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các Linh Mục: Presbyterorum Ordinis.
MK - Hiến chế tín lý về Mặc Khải của Thiên Chúa: Dei Verbum.

MV - Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay: Gaudium et Spes.
NK - Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo Ngoài Kitô giáo: Nostra Aetate.
PV - Hiến chế về Phụng Vụ Thánh: Sacrosanctum Concilium.
TD - Tuyên ngôn về Tự Do tôn giáo: Dignitatis Humanae.
- Sắc lệnh về Tông Đồ giáo dân: Apostolicam Actuositatem.
TG - Sắc lệnh về hoạt động Truyền Giáo của Giáo hội: Ad Gentes.
TT - Sắc lệnh về các phương tiện Truyền Thông xã hội: Inter Mirifica.
III. CÁC TÀI LIỆU KHÁC:
DS - Denzinger Schometzer, Enchiridion Symbolorum - Tuyển tập các tín biểu.
ĐCC - Thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
- Tông huấn Gia Đình của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô: Familiaris Consortio.
GL - Giáo Luật.
KHGD - Tông huấn Kitô Hữu Giáo Dân của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Chistifideles Larci.
LBTM - Tông huấn Loan Báo Tin Mừng của Đức Thánh Cha Phaolô VI: Evangelii Nuntiandi.

DẪN NHẬP
NHỮNG NỀN TẢNG

ĐỨC TIN CÔNG GIÁO

BÀI 1

CON NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG ĐÓN NHẬN

THIÊN CHÚA
(x. SGLC từ 0027 đến 0043)
"Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ; vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được, qua những công trình của Người". (Rm 1, 19-20).
"Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,

Không trung loan báo việc tay Người làm". (Tv 18A, ).


I. Con người khát khao hạnh phúc và sự sống.
"Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" (Mc 10, 17).
Câu hỏi của người thanh niên giàu có ngày xưa về ý nghĩa và mục đích đời sống vẫn là câu hỏi của con người hôm nay, như Hội Thánh nhận xét: "Trước sự tiến hóa hiện nay của thế giới, càng ngày càng có nhiều người hoặc đặt vấn đề, hoặc nhận thức cách sâu sắc mới mẽ về những vấn đề hết sức căn bản như: Con người là gì? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ và cái chết? Sao chúng còn tiếp tục tồn tại mặc dù đã có bao nhiêu tiến bộ? Bao nhiêu chiến thắng đạt được với giá đắt như thế có ích gì? Cái gì sẽ tiếp theo sau cuộc sống trần gian nầy?" (MV 10).
Người Kitô hữu xác tín rằng chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới gặp được chân lý trọn vẹn, đồng thời đạt đến hạnh phúc đích thực mà nhân loại không ngừng tìm kiếm.
II. Hạnh phúc ấy chỉ có nơi Thiên Chúa.
Sở dĩ như vậy, là vì con người đến từ Thiên Chúa và sẽ về với Ngài. Đến từ Thiên Chúa nên con người mang nỗi khát khao Chúa tận đáy sâu tâm hồn và chỉ nơi Ngài mới có hạnh phúc, bình an sâu thẳm, như thánh Âu-Tinh đã kêu lên: "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và lòng con khắc khoải cho tới khi tâm hồn con được an nghỉ trong Chúa".
Người ta có thể nhận ra chân lý ấy khi nhìn vào hiện tượng tôn giáo trong lịch sử nhân loại. Bên cạnh những tôn giáo lớn như Phật Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo, Kitô Giáo, còn có những hình thức thờ tự, cúng bái, khẩn cầu... đã xuất hiện từ rất lâu và ở khắp mọi nơi. Tất cả đều là những hình thức biểu lộ tâm tình tôn giáo. Hiện tượng nầy mang tính phổ quát đến nỗi có thể nói tâm tình tôn giáo đã ăn sâu vào bản tính và cuộc sống con người. Quả thật "Thiên Chúa không ở xa mỗi người chúng ta. Vì chưng trong Ngài, ta sống, ta chuyển động, ta hiện hữu" (Cv 17, 28).
III. Nhưng làm sao nhận biết được Thiên Chúa.
Như thế, giữa con người và Thiên Chúa có mối quan hệ thân thiết, sâu xa. Mối quan hệ nầy, không chỉ là một linh cảm chủ quan, nhưng còn dựa trên nền tảng vững chắc của lý trí.

Chiêm ngắm thế giới bao la xinh đẹp và trật tự hài hòa nhưng cũng chóng qua mau đổi, con người khám phá thế giới nầy vừa kỳ diệu vừa mong manh, và qua đó, có thể nhận biết Thiên Chúa như nguyên thủy và cùng đích của vũ trụ (x. Rm 1, 19-20).


"Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn:

Ai đã sáng tạo những vật đó?

Đấng tung ra toàn bộ đạo binh các tinh tú.

Người gọi đích danh từng ngôi một,

Khiến không một ngôi nào vắng mặt"

(Is 40,26).


Đồng thời, nhìn sâu vào lòng mình với tiếng lương tâm và lý trí tự nhiên, con người khám phá nơi chính mình "mầm sống vĩnh cửu không thể giản lược vào nguyên vật chất" (MV 18), nhưng còn là hồn thiêng bất tử nên chỉ có thể xuất phát từ Thiên Chúa tạo thành.
Chính vì thế, vũ trụ chung quanh và chiều sâu tâm hồn đã trở thành những con đường đưa dẫn con người tìm về Đấng là nguyên lý tiên khởi và cứu cánh tối hậu cho con người và mọi sự.
IV. Trách nhiệm của người Kitô hữu.
Giữa con người và Thiên Chúa có mối quan hệ thân thiết, sâu xa. Tuy nhiên, mối quan hệ nầy có thể bị lãng quên hay bị chối từ. Thái độ ấy có thể phát xuất từ nhiều nguyên nhân.

Có những nguyên nhân khách quan như tình trạng sự dữ trên thế giới, khiến nhiều người phủ nhận dung mạo Thiên Chúa tình thương. Hoặc ảnh hưởng không thuận lợi do những trào lưu tư tưởng nghịch tôn giáo và cả gương xấu của đời tín hữu (x. MV 19).


Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân chủ quan như quá bận tâm về của cải, hưởng thụ vật chất, và thỏa mãn lạc thú, khiến nhiều người thờ ơ lãnh đạm và trốn tránh tiếng gọi của Thiên Chúa. Trước tình trạng ấy, người tín hữu phải can đảm lên đường tìm kiếm Chúa với tất cả con người và cuộc sống của mình. Đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn người khác trong hành trình tìm kiếm.

BÀI 2
THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI

MẶC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA
(x. SGLC từ 50 đến 73)
“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (Ep 1,9). Nhờ đó loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô. Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (Ep 2, 18; 2Pr 1,4) - Trong việc mặc khải nầy, với tình thương chan chứa của Ngài. Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15; 1Tm 1,17) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (Xh 33,11; Ga 15, 14-15). Ngài đối thoại với họ (Br 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài. Công cuộc mặc khải nầy được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết với nhau". (MK 2).
I. Thiên Chúa muốn đến gặp gỡ và tỏ mình cho con người.
Chúng ta không thể hiểu và cảm thông với một người, nếu người đó không bày tỏ những tình cảm những lời nói cũng như bằng cử chỉ, thái độ. Đối với Thiên Chúa cũng tương tự như thế. Làm thế nào mà nhận biết Thiên Chúa vốn là "Thiên Chúa ẩn mình" (Is 45,15), "ngự trong ánh sáng siêu phàm. Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy" (1 Tm 6,16), nếu chính Thiên Chúa không đoái thương tỏ mình ra và ban mình cho con người? Vì yêu thương, Thiên Chúa tự ý đến với con người, gần gũi họ và ngỏ lời với họ, để họ có thể gặp gỡ, nhận biết và yêu mến Người, trở nên con cái Thiên Chúa mà được sống đời đời. "Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha. Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô" (Ga 17,3). Như vậy, mặc khải là hành động yêu thương của Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người, để con người tự ý đón nhận và hiệp thông với Thiên Chúa, mà được cứu độ.
II. Thiên Chúa mặc khải qua lịch sử cứu độ.
"Bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau" (MK 2), trong suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa mặc khải chính mình qua công trình tạo thành, đặc biệt là qua con người vốn là hình ảnh của Người.
Người đã sống thân mật với ông bà nguyên tổ, và sau khi ông bà phạm tội. Người vẫn tìm đến và hứa ban ơn cứu độ. Lời hứa cứu độ được Thiên Chúa nhắc lại và cũng cố, qua các giao ước với ông Noê, với tổ phụ Áp-ra-ham. Dân Ít-ra-en được tuyển chọn với giao ước tại Xi-nai, và nhờ các ngôn sứ. Người đã chuẩn bị họ đón nhận Đấng Cứu Thế được hứa cho toàn thể nhân loại. Bằng đường lối sư phạm tuyệt hảo, Thiên Chúa đã mặc khải chính mình dần dần theo thời gian, để con người có thể sẵn sàng đón nhận Đức Giêsu Kitô. Con Một Người đã mặc khải trọn vẹn. Phụng vụ thánh lễ nhắc lại chiều dài lịch sử của mặc khải như sau:
"Tuy con người mất tình nghĩa với Cha vì tội bất phục tùng. Cha cũng không đành bỏ mặc cho sự chết thống trị. Quả thế, Cha đã thương cứu giúp mọi người để những ai tìm Cha đều gặp Cha. Hơn nữa, nhiều lần Cha đã giao ước với loài người và dùng các ngôn sứ mà dạy cho biết đợi chờ ơn cứu độ" (Kinh Tạ Ơn IV).
III. Đức Giêsu đến bổ túc và hoàn tất mặc khải.
"Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách. Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ: nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử" (Dt 1, 1-2). Thiên Chúa tỏ mình ra cách trọn vẹn và dứt khoát nơi Người Con Một, là Lời duy nhất và hoàn hảo, đã làm người và trở thành Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nơi Đức Giêsu Kitô là cao điểm và trọn vẹn của mặc khải, Thiên Chúa đã lập Giao ước mới và vĩnh cửu, với toàn thể nhân loại. Con Thiên Chúa "đã đến bổ túc và hoàn tất mặc khải bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự sống lại vinh quang từ kẻ chết, sau cùng bằng việc phái Thần Chân Lý đến" (MK 4).
Vì Đức Giêsu Kitô là lời tròn đầy và sau cùng của Chúa Cha nói với nhân loại, nên sẽ không còn mặc khải chính thức nào nữa.


IV. Đón nhận mặc khải của Thiên Chúa.
Thiên Chúa vẫn không ngừng mặc khải cho con người và tiếp tục nói với nhân loại qua mọi thời đại. Lời Thiên Chúa sẽ còn vang lên mãi cho những ai biết chân thành lắng nghe và khao khát đón nhận. Vậy người tín hữu phải làm gì để có thể đón nhận lời mặc khải của Thiên Chúa?
1.Cần có một tâm hồn khiêm tốn để đón nhận Thiên Chúa.
"Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha" (Mt 11, 25-26).
"Phận nữ tÿ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới" (Lc 1,48).
2. Năng đọc và suy gẫm lời Chúa trong Kinh Thánh.
"Thực thế, trong các Sách thánh, Chúa Cha trên trời, bằng tất cả lòng trìu mến, đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ" (MK 21).
3.Biết đọc và nhận ra sứ điệp Chúa gửi tới
-qua các dấu chỉ thời đại (Lc 13, 1-5).
-qua thiên nhiên.
-qua những người gặp gỡ trong cuộc đời.
-qua những tôn giáo ngoài Kitô giáo.

-qua nghệ thuật, văn chương, triết học, những nền văn hóa, những tiến bộ khoa học, những phát minh kỹ thuật và qua những biến cố lịch sử đã và đang diễn ra.


"Dân Thiên Chúa, nhờ đức tin mà tin rằng mình được Thánh Thần Thiên Chúa là Đấng bao phủ mặt đất hướng dẫn, cố gắng nhận định đâu là những dấu chỉ thực về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi yêu sách và ước vọng mà họ dự phần với những người đương thời" (MV 11).


BÀI 3
CÁCH THỨC LƯU TRUYỀN

MẶC KHẢI
(x. SGLC từ 0074 đến 0095)
"Những gì Thiên Chúa đã mặc khải để cứu rỗi muôn dân. Ngài đã ân cần sắp đặt để luôn được bảo tồn và lưu truyền nguyên vẹn cho mọi thế hệ."

(MK 7).


I. Mặc khải chứa đựng trong Kinh Thánh và Thánh Truyền.
Trước khi về trời, Đức Giêsu đã truyền dạy các tông đồ "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ... dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt. 28,19-20).

Các tông đồ đã thi hành mệnh lệnh ấy cách trung thành bằng hai cách:


Trước hết là bằng lời nói. Lời nói ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm "Lời giảng dạy, gương lành và các thể chế các tông đồ đã thiết lập". Những điều đó, các Ngài "đã nhận lãnh từ Chúa Kitô khi chung sống với Người và thấy Người hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần gợi ý" (MK 7).
Đồng thời, ngoài lời nói, các tông đồ còn thi hành mệnh lệnh ấy bằng văn tự "Dưới sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh Thần, các tông đồ và những người phụ tá của các ngài đã viết lại Tin Mừng cứu rỗi" (MK 7).
Tiếp theo, để "Tin Mừng được giữ gìn toàn vẹn và sống động mãi trong Hội Thánh, các tông đồ đã để lại những người kế vị là các giám mục và trao lại cho họ quyền giáo huấn của các ngài" (MK 7). Nhờ đó, "những lời giảng dạy của các tông đồ được đặc biệt ghi lại trong các sách linh hứng, được bảo tồn và lưu truyền cho đến tận thế" (MK 8).
Sự chuyển thông sống động qua các thế hệ đó, chúng ta gọi là Thánh Truyền, phân biệt với Kinh Thánh, nhưng lại gắn bó mật thiết với Kinh Thánh. Nhờ Thánh Truyền "Hội Thánh bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin" (MK 8).
II.Tương quan giữa Kinh Thánh và Thánh Truyền.
Thánh Truyền và Kinh Thánh "liên kết, phối hợp mật thiết với nhau; vì cả hai phải xuất từ cùng một nguồn mạch và cùng hướng về một mục đích" (MK9). Nguồn mạch ấy là Thiên Chúa, Đấng "muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1. Tm. 2,4). Và mục đích ấy là để cứu độ con người.
Tuy nhiên Thánh Truyền và Kinh Thánh được phân biệt với nhau vì là hai cách lưu truyền mặc khải khác nhau. Một đàng trong Kinh Thánh "Lời Chúa được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần". Đàng khác trong Thánh Truyền, cũng là Lời Chúa, Lời mà Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho các tông đồ, rồi các tông đồ lưu lại toàn vẹn cho những kẻ kế vị các ngài, nhưng Lời ấy được lưu lại bằng gương sáng, thể chế và lời rao giảng.
Cả hai "họp thành một kho tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng lời Thiên Chúa" (MK 10). Vì thế, "cả Kinh Thánh và Thánh Truyền đều phải được đón nhận và tôn kính bằng một tâm tình quí mến và kính trọng như nhau" (MK 9).
III. Huấn Quyền
Lời Chúa được chứa đựng trong Kinh Thánh và Thánh Truyền là gia sản đức tin vô giá. Gia sản ấy được ủy thác cho toàn thể Hội Thánh, nghĩa là không chỉ cho hàng giáo phẩm nhưng cho tất cả Dân Thiên Chúa, trong đó "các giám mục và tín hữu hiệp nhất với nhau cách lạ lùng, cùng tuân giữ, thực hành và tuyên xưng đức tin lưu truyền" (MK.10).
Tuy nhiên "nhiệm vụ chú giải chính thức Lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền, chỉ được ủy thác cho Huấn Quyền sống động trong Hội Thánh, và Hội Thánh thi hành quyền đó nhân danh Đức Giêsu Kitô" (MK.10). Như thế nhiệm vụ giải thích Lời Chúa được trao cho các giám mục trong mối hiệp thông với Giám Mục Rôma là Đức Giáo Hoàng. Nhiệm vụ ấy được thể hiện cách đặc biệt khi Huấn Quyền xác định những tín điều và đòi buộc mọi tín hữu phải tin.

Như thế, phải chăng Huấn Quyền ở cả trên Lời Chúa? Không, Huấn Quyền "không vượt trên Lời Chúa nhưng thừa lệnh Chúa và với sự trợ giúp của Thánh Thần. Hội Thánh thành tâm lắng nghe, gìn giữ cách thánh thiện và trung thành trình bày Lời Chúa, phục vụ Lời Chúa, chỉ dạy những gì được truyền lại mà thôi" (MK.10).


IV. Thái độ của người tín hữu.
Ngày nay, trong Hội Thánh, người ta nói đến tình trạng khủng hoảng quyền bính. Nhiều người chủ trương tin vào Chúa Kitô nhưng không chấp nhận giáo huấn của Huấn Quyền trong Hội Thánh.
Người tín hữu Kitô đón giáo huấn của Huấn Quyền trong tinh thần đức tin: Tin rằng chính Chúa Thánh Thần tác động trên các tác giả viết Kinh Thánh, cũng chính Chúa Thánh Thần hoạt động trong truyền thống sống động của Hội Thánh, và cũng chính Chúa Thánh Thần đang tác động trên Huấn Quyền nhằm hướng dẫn các tín hữu và cứu rỗi các linh hồn (MK.10).


BÀI 4
KINH THÁNH
(x. SGLC: từ 0101 đến 0133)
"Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác sửa dạy giáo dục để trở nên công chính" (2 Tm 3,16).
"Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô"
(Thánh Giê-rô-ni-mô)
I. Đức Kitô, Lời duy nhất của Thiên Chúa.
Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn ngỏ lời với nhân loại, để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài (MK.2). Nhưng để con người hiểu biết, đón nhận và đáp trả lời mời gọi của Ngài, Thiên Chúa đã ngỏ lời với họ bằng chính ngôn ngữ của nhân loại cũng như sau này Lời của Chúa Cha hằng hữu đến với con người bằng cách trở nên giống như loài người, mang vào mình nỗi yếu đuối của xác thịt nhân loại (MK.13).
Kinh Thánh chứa đựng lời ngỏ của Thiên Chúa, trải dài trong suốt chiều dài lịch sử một dân tộc và được viết dưới nhiều hình thức khác nhau do nhiều tác giả nhân loại. Tuy nhiên, xuyên qua mọi lời được viết trong Kinh Thánh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời duy nhất, Chúa Kitô chính là LỜI DUY NHẤT của Thiên Chúa. Lời "Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu Người vẫn hướng về Thiên Chúa" (Ga. 1,1-2). Lời "đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga. 1,14), đến nỗi "ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha" (Ga. 14,9). Thánh Âu-tinh đã diễn tả chân lý đó cách tuyệt vời "anh em hãy nhớ rằng cũng một Lời đó của Thiên Chúa được trải ra trong toàn bộ Kinh Thánh, cũng một Lời đó vang dội trên môi miệng tất cả các văn sĩ Kinh Thánh, vì từ khởi thủy Lời là Thiên Chúa và ở bên cạnh Thiên Chúa".
Chính vì thế, Hội Thánh "luôn luôn tôn kính Kinh Thánh như chính thân thể Chúa, nhứt là trong Phụng Vụ thánh. Hội Thánh không ngừng lấy Bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu" (MK.21).
II. Linh ứng và Chân Lý Kinh Thánh
Nhìn từ bình diện nhân loại, Kinh Thánh là tổng hợp những tác phẩm của nhiều tác giả nhân loại. Họ là những con người cụ thể, sống trong một thời đại cụ thể, với những vấn đề của thời đại và có những khả năng riêng biệt. Tuy nhiên khi đọc Kinh Thánh, người tín hữu lại tuyên xưng "Đó là Lời Chúa" (1 Tx. 2,13). Vì họ xác tín rằng chính Thiên Chúa là Tác giả của Kinh Thánh.
Chính Thiên Chúa là Tác Giả của Kinh Thánh. Tuy nhiên, "để viết các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ, để khi chính Người hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thực, tất cả những gì Chúa muốn và chỉ viết những điều đó mà thôi" (MK.11). Hành động đó của Thiên Chúa được gọi là LINH HỨNG và "Những gì Thiên Chúa mặc khải mà Kinh Thánh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự lính hứng của Chúa Thánh Thần" (MK.11).
Vì thế nên "Phải công nhận rằng Kinh Thánh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa muốn Kinh Thánh ghi lại vì phần rỗi chúng ta" (MK.11).
III. Chúa Thánh Thần, Đấng minh giải Kinh Thánh.
Vì Kinh Thánh có tác giả là chính Thiên Chúa nhưng đồng thời Thiên Chúa lại sử dụng những con người cụ thể và ngôn ngữ nhân loại, nên để hiểu được Lời Kinh Thánh, người tín hữu phải quan tâm đến cả hai mặt: Một đàng, phải "tìm ra chủ ý của thánh sử" bằng cách quan tâm đến các thể văn được sử dụng, cũng như những cách thức cảm nghĩ, diễn tả, tường thuật được thịnh hành trong khung cảnh thời đại đó (MK.12). Đàng khác, phải đọc và giải thích Kinh Thánh trong Chúa Thánh Thần (MK.12) vì Kinh Thánh được viết ra dưới tác động của Chúa Thánh Thần và cũng chỉ có Ngài mới mở lòng trí ta ra để hiểu Lời Kinh Thánh (Lc 24-45).
Để đạt được mục đích này, Hội Thánh đưa ra ba tiêu chuẩn hướng dẫn người tín hữu khi đọc Kinh Thánh:
* Phải lưu ý đến "nội dung và sự thống nhất của toàn bộ Kinh Thánh", bởi vì tuy Kinh Thánh bao gồm nhiều tác phẩm nhưng lại duy nhất trong kế hoạch của Thiên Chúa và Chúa Kitô chính là tâm điểm của toàn bộ Kinh Thánh.
* Phải "dựa trên truyền thống sống động của toàn thể Hội Thánh", bởi vì Hội Thánh lưu giữ trong truyền thống sống động của mình, ký ức sống động về Lời Chúa và chính Thánh Thần hướng dẫn Hội Thánh trong việc giải thích Kinh Thánh.
* Phải quan tâm đến "sự tương hợp của Đức tin", nghĩa là sự nối kết giữa các chân lý đức tin với nhau và với toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa.
IV. Qui điển Kinh Thánh
Dựa vào truyền thống tông đồ, Hội Thánh ấn định danh mục những sách được nhìn nhận là Sách Thánh. Danh mục đó được gọi là Qui điển Kinh Thánh, gồm 46 sách Cựu ước và 27 sách Tân ước.
Các sách Cựu ước là thành phần thiết yếu của Kinh Thánh. Tuy "có nhiều khuyết điểm và còn tạm bợ" nhưng "các sách ấy minh chứng khoa sư phạm đích thực của Thiên Chúa" nhằm "chuẩn bị và tiên báo ngày xuất hiện của Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc muôn loài". Đồng thời "các sách ấy diển tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Ngài, những tư tưởng khôn ngoan và hữu ích về đời sống con người, những kho tàng kinh nghiệm tuyệt diệu, đồng thời ẩn chứa mầu nhiệm cứu rỗi" (MK.15). Vì thế, người Kitô hữu phải tôn kính các sách Cựu ước như Lời chân thật của Thiên Chúa.
Các sách Tân ước chứa đựng Lời Thiên Chúa "Lời được trình bày cách tuyệt diệu. Lời diễn tả quyền năng Thiên Chúa và là sức thiêng cứu rỗi mọi tín hữu" (MK.17). Tâm điểm của các sách Tân ước là Đức Giêsu Kitô. Con Thiên Chúa làm người: Hành động, giáo huấn, cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Ngài: cũng như giai đoạn đầu của Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.

Trong toàn bộ Sách Thánh "Các sách Tin Mừng xứng đáng chiếm địa vị ưu đẳng, vì Tin Mừng là chứng tá chính yếu về đời sống và giáo lý của Ngôi Lời nhập thể. Đấng cứu chuộc loài người" (MK.18). Vì thế Hội Thánh tôn kính sách Tin Mừng cách đặc biệt trong cử hành phụng vụ và Tin Mừng phải chiếm vị trí ưu tiên trong đời sống Kitô hữu.



tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương