Hà nội, 2009 Mục lục Chương Tổng quan về Thương mại điện tử 7


Thực trạng của hoạt động thanh toán



tải về 2.96 Mb.
trang20/77
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích2.96 Mb.
#22291
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   ...   77

2.4.2. Thực trạng của hoạt động thanh toán

2.4.2.1. Lượng tiền mặt lưu thông còn cao


Thanh toán bằng tiền mặt còn rất phổ biến trong các giao dịch hàng ngày của người dân. Tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực doanh nghiệp và người tiêu dùng cá nhân. Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước về thực trạng thanh toán năm 2003 tại 750 doanh nghiệp trên cả nước (trong đó doanh nghiệp nhà nước chiếm hơn 80%), đối với những doanh nghiệp lớn có trên 500 công nhân, khoảng 63% số giao dịch của doanh nghiệp được tiến hành qua hệ thống ngân hàng; doanh nghiệp có ít hơn 25 công nhân thì tỷ lệ này chỉ còn 47%. Đối với hộ kinh doanh, 86,2% hộ chi trả hàng hoá bằng tiền mặt. Kết quả điều tra cho thấy việc sử dụng tiền mặt trong giao dịch của doanh nghiệp, đặc biệt là giao dịch với người tiêu dùng còn ở mức rất cao.

Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây, hoạt động thanh toán trong ngân hàng đã có những dấu hiệu khả quan với sự ra đời của nhiều phương thức thanh toán mới. Những dịch vụ này đã phần nào giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020, tỷ trọng tiền mặt so với tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần. Năm 1997 tỷ trọng này là 32,2%, nhưng đến năm 2001, con số này giảm xuống còn 23,7%, năm 2004 là 20,3%, năm 2005 là 19% và đến đầu tháng 3 năm 2006 còn 18,5%.

Tuy tỷ trọng tiền mặt so với tổng phương tiện thanh toán trong các năm vừa qua có giảm nhưng vẫn còn ở mức khá cao, trung bình chiếm khoảng 20% tổng giá trị thanh toán trên các phương tiện nói chung. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có biến chuyển song Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn cần nỗ lực hơn nữa trong việc hạn chế lưu lượng tiền mặt trong giao dịch hàng ngày, tiến tới sử dụng hệ thống thanh toán điện tử toàn diện.

2.4.2.2. Số tài khoản cá nhân ngày càng tăng


Trước đây chỉ doanh nghiệp và người có thu nhập cao sử dụng các dịch vụ thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Đại đa số người lao động làm việc tại doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc khu vực chính phủ đều chưa tiếp cận với phương thức thanh toán này. Thời gian thực hiện lâu và chi phí cao đã khiến các dịch vụ thanh toán ngân hàng không thể phổ cập trong hoạt động giao dịch hàng ngày của người tiêu dùng. Tuy nhiên, môi trường pháp lý trong lĩnh vực thanh toán đang được cải thiện với xu hướng tạo điều kiện cho các phương thức thanh toán điện tử ra đời và phát triển. Thanh toán điện tử liên ngân hàng đã đạt được những hiệu quả ban đầu. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại đã đầu tư thích đáng để phát triển cơ sở hạ tầng, đa dạng hoá tiện ích nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhờ có cải tiến trong kỹ thuật, số lượng giao dịch thanh toán được xử lý điện tử chiếm tỷ trọng ngày một cao, giúp giảm bớt chi phí và tiết kiệm thời gian. Với nỗ lực không nhỏ từ phía ngân hàng cũng như cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động thanh toán đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Việc gia tăng số tài khoản cá nhân là một trong những hệ quả khá rõ ràng.

Từ năm 2000 đến nay, số tài khoản cá nhân trong toàn hệ thống ngân hàng đã có bước phát triển nhảy vọt. Tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm vào khoảng 150% đối với số tài khoản cá nhân và 120% đối với số dư tài khoản. Số lượng tài khoản tăng nhanh là một dấu hiệu đáng mừng cho ngành ngân hàng trong việc phát triển các dịch vụ thanh toán. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để giảm lượng tiền mặt sử dụng trong thanh toán thời gian tới. Do đó, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán điện tử trong bối cảnh lượng tài khoản cá nhân ngày càng nhiều.


2.4.2.3. Mở rộng đối tượng tham gia cung ứng dịch vụ thanh toán


Thị trường dịch vụ thanh toán đang trở nên cạnh tranh hơn khi đối tượng tham gia cung ứng dịch vụ không chỉ giới hạn ở ngân hàng mà được mở rộng sang các tổ chức khác như Công ty Dịch vụ tiết kiệm bưu điện, các công ty cung cấp giải pháp thanh toán, v.v... Vì vậy, cạnh tranh không chỉ diễn ra trong ngành ngân hàng mà còn giữa ngân hàng với các tổ chức làm thanh toán khác. Mức độ cạnh tranh ngày một tăng khiến các đơn vị phải nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như giới thiệu thêm nhiều dịch vụ mới, nhờ đó nhu cầu đa dạng của khách hàng sẽ ngày càng được đáp ứng tốt hơn.

Xu hướng liên doanh, liên kết giữa các ngân hàng đã bắt đầu hình thành. Lợi ích của xu hướng này là giúp các ngân hàng thương mại nhỏ vượt qua được những hạn chế về vốn đầu tư cho trang thiết bị công nghệ phục vụ việc hiện đại hoá hệ thống thanh toán, đặc biệt là hình thức thanh toán thẻ. Chính nhờ mối liên kết giữa các ngân hàng riêng lẻ mà tính tiện ích trong thanh toán được cải thiện, tạo đà cho thanh toán điện tử phát triển tại Việt Nam.

Như vậy, hoạt động thanh toán thời gian qua đã có những bước tiến khá rõ nét. Việc sử dụng tiền mặt trong giao dịch vẫn cao nhưng đã có xu hướng giảm dần. Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán buộc phải tự cải tiến dưới sức ép của môi trường cạnh tranh cũng như yêu cầu của khách hàng ngày càng cao cả về chất và lượng. Thanh toán điện tử được coi là chìa khoá của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại công nghệ và hội nhập như hiện nay.

2.4.3. Tiền đề của hệ thống thanh toán điện tử tại Việt Nam

2.4.3.1. Sự phát triển của thị trường thanh toán thẻ


Thanh toán thẻ được coi là giải pháp bước đầu cho hệ thống thanh toán điện tử tại Việt Nam. Ứng dụng công nghệ và đầu tư trang thiết bị hạ tầng cở sở phục vụ cho thanh toán ngân hàng phát triển mạnh kể từ năm 2002. Trong đó, công nghệ cho thanh toán thẻ là hoạt động được ưu tiên triển khai. Sau 5 năm, các ngân hàng đã hình thành một mạng lưới máy giao dịch tự động ATM và đơn vị chấp nhận thẻ khá rộng. Số lượng thẻ phát hành năm 2006 chỉ đạt khoảng 4 triệu thẻ thì đến năm 2007 con số này đã tăng gấp đôi (hơn 8 triệu thẻ). Số lượng máy ATM cũng tăng mạnh từ 2.500 máy năm 2006 lên hơn 4.000 máy năm 2007.

Theo Quyết định số 32/2007/QĐ-NHNN ngày 03/7/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng có thể phát hành một loại thẻ thanh toán mới, đó là thẻ trả trước vô danh với hạn mức 5 triệu đồng. Hình thức thẻ này ra đời với mục tiêu giảm lượng tiền mặt trong thanh toán. Hơn nữa, hai lợi ích cơ bản bao gồm tiết kiệm thời gian và chủ động trong chi tiêu cũng là ưu điểm của loại hình thẻ thanh toán nói trên. Thanh toán bằng thẻ trả trước vô danh đóng vai trò như một phương thức bổ sung cho hoạt động thanh toán điện tử mà hệ thống ngân hàng đang chú trọng đẩy mạnh.




tải về 2.96 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   ...   77




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương