Hà nội, 2009 Mục lục Chương Tổng quan về Thương mại điện tử 7



tải về 2.96 Mb.
trang13/77
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích2.96 Mb.
#22291
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   77

1.2. Ký kết hợp đồng điện tử

1.2.1. Ký kết hợp đồng điện tử B2B


B2B là chữ viết tắt của Business-To-Business để chỉ mô hình giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Giao dịch B2B thường diễn ra tại các sàn giao dịch điện tử B2B (B2B emarketplace), trao đổi giao dịch qua thư điện tử hoặc mạng truyền tải dữ liệu điện tử (EDI). Theo website nghiên cứu thị trường - eMarketer (2003) và Công tư dữ liệu quốc tế - International Data Corporation (2004), tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử B2B đạt 1.400 tỷ USD trong năm 2003 và 2.400 tỷ USD trong năm 2004. Cũng theo tính toán của hai công ty này, tổng giá trị thương mại điện tử B2B toàn cầu năm 2008 đạt khoảng 10.000 tỷ USD. Tỷ lệ phần trăm giao dịch B2B dựa trên Internet trong tổng giá trị giao dịch thương mại B2B không qua Internet tăng từ 0,2% năm 1997 lên 2,1% năm 2000 và khoảng 10% năm 2005. Tỷ trọng các giao dịch thương mại điện tử B2B chiếm trung bình khoảng 85% tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử.

Thương mại điện tử B2B đã trải qua 5 giai đoạn phát triển tính từ năm 1995 đến nay, bao gồm:

- Giai đoạn 1 (1995-1997): Hiện diện trên web, quảng bá và xúc tiến;

- Giai đoạn 2 (1997-2000): Đặt hàng trực tuyến B2B;

- Giai đoạn 3 (2000-2001): Sàn giao dịch điện tử B2B, B2G;

- Giai đoạn 4 (2001-2002): Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP);

- Giai đoạn 5 (2002 - nay): Bán hàng tự động, dịch vụ trực tuyến, tích hợp hệ thống thông tin trong và ngoài doanh nghiệp, liên kết và phối hợp với đối tác thông qua hệ thống SCM và CRM.

Thương mại điện tử B2B đang bước vào giai đoạn thứ năm, trong giai đoạn này các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng các hệ thống thông tin tích hợp giữa nhà cung cấp và người mua, cải thiện dây chuyền cung ứng, nâng cao hiệu quả sản xuất bên trong và phân phối bên ngoài doanh nghiệp, xây dựng các hệ thống bán hàng và dịch vụ khách hàng thông minh, trực tuyến.

Thương mại điện tử B2B cũng được chia thành bốn loại hình cơ bản dựa trên quy trình giao dịch, đối tượng xây dựng cơ sở hạ tầng cho giao dịch điện tử và số lượng các bên tham gia sàn giao dịch điện tử . Các sàn giao dịch này bao gồm:

- Sàn của người bán: do người bán bán thành lập cho nhiều người mua.

- Sàn của người mua: do người mua thành lập cho nhiều người bán.

- Sàn của trung gian: cho nhiều người bán và nhiều người mua.

- Cổng thương mại điện tử tích hợp: do nhiều bên phối hợp nhằm chia sẻ thông tin và giao dịch giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý, các tổ chức.

Có nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử điển hình cho tất cả các mô hình trên như: Cisco - Sàn giao dịch của người bán; General Electric, Boeing, Marshall – Sàn giao dịch của người mua; Alibaba – Sàn giao dịch của trung gian hay Belero.net – Cổng thương mại điện tử. Cisco được coi là một trong những công ty đầu tiên đã xây dựng thành công sàn giao dịch điện tử B2B trên thế giới.


1.2.1.1. Kí kết hợp đồng trên sàn giao dịch thương mại điện tử của Cisco Systems


Cisco Systems (www.cisco.com) là nhà sản xuất bộ định tuyến (router), bộ chuyển mạch (switch), đây là nhà cung cấp dịch vụ liên kết mạng hàng đầu thế giới. Cisco đã không ngừng mở rộng trong vài năm gần đây và đã phát triển thành sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên cung cấp dịch vụ bán hàng trực tiếp cho các khách hàng là doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới. Từ năm năm 1994, Cisco đưa toàn bộ hệ thống kinh doanh của mình lên mạng và đặt tên là Kết nối Cisco trực tuyến (Cisco Connection Online - CCO).

Đến năm 2001, website này đã đón nhận khoảng 1.3 triệu lượt khách hàng và các đối tác trung gian truy cập để nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật, đặt hàng và kiểm tra tình hình thực hiện hợp đồng, hoặc download phần mềm. Dịch vụ này thu hút khoảng 85% các yêu cầu dịch vụ của khách hàng và 95% phần mềm cập nhật được thực hiện trực tuyến. Dịch vụ trên website B2B của Cisco được cung cấp bằng 14 thứ tiếng. Mô hình của Ciso được coi là một mô hình B2B thành công điển hình đầu tiên trên thế giới.



Ký kết hợp đồng điện tử B2B: Cisco xây dựng tất cả các sản phẩm của mình theo đơn đặt hàng của các khách hàng doanh nghiệp, vì thế có rất ít sản phẩm làm sẵn. Trước khi có hệ thống kinh doanh trực tuyến CCO, đặt hàng và quản lý các đơn đặt hàng là một công việc tốn thời gian, phức tạp và hay xảy ra lỗi, vì nó được tiến hành bằng fax hay thư truyền thống. Cisco bắt đầu ứng dụng các công cụ thương mại điện tử dựa trên nền tảng Web vào tháng 7 năm 1995, và trong vòng 1 năm, trung tâm sản phẩm Internet đã có thể cho phép khách hàng mua bất kỳ sản phẩm nào của Cisco trên Web. Ngày nay, một kỹ sư của khách hàng có thể ngồi tại một chiếc máy vi tính, thiết kế một sản phẩm và có thể phát hiện ngay lập tức nếu có bất kỳ một sai sót gì trong cấu hình đó thông qua hệ thống hỗ trợ thiết kế tự động của Cisco. Bằng việc cung cấp giá cả và các công cụ cho phép khách hàng tự cấu hình sản phẩm theo nhu cầu của mình, hầu hết các đơn hàng (khoảng 98% ) đều được đặt thông qua CCO, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả Cisco và khách hàng. Năm 1996, trong vòng 5 tháng đầu hoạt động đặt hàng điện tử, Cisco đã ghi nhận doanh thu bán hàng trực tuyến trên 100 triệu USD. Con số này tăng lên 4 tỷ năm 1998 và hơn 8 tỷ năm 2002.

1.2.1.2. Giao dịch trên cổng thương mại điện tử Bolero.net:


Mô hình sàn giao dịch điện tử quốc tế B2B được thành lập đầu tiên trên thế giới là Bolero.net, với mục đích triển khai vận đơn điện tử và tất cả các chứng từ điện tử trong quá trình giao dịch thương mại quốc tế. Đặc điểm nổi bật của mô hình này là sử dụng chữ ký số trong tất cả các giao dịch. Tại mỗi bước giao dịch, các bên đều sử dụng chữ ký số để mã hóa và bảo mật thông điệp dữ liệu trước khi truyền gửi. Chữ ký số cũng có thể được sử dụng tại các sàn giao dịch điện tử, tại đó các bên có thể sử dụng chữ ký số để ký, gửi, nhận, xác thực các bên và nội dung các chứng từ điện tử .

Toàn bộ quy trình giao nhận điện tử thông qua Bolero.net trong đó bao gồm cả quy trình phát hành vận đơn điện tử, chuyển quyền sở hữu từ người xuất khẩu sang người nhập khẩu, đến việc xuất trình cho đại lý người chuyên chở tại nước nhập khẩu để nhận hàng được minh hoạ qua 14 bước cụ thể như sau :



Bước 1: Người nhập khẩu đăng nhập vào Bolero.net và đặt hàng thông qua hệ thống xử lý thông điệp Trung tâm (BCMP - Bolero Core Messaging Platform);

Bước 2: Người xuất khẩu đăng nhập vào Bolero.net và nhận đơn đặt hàng của người nhập khẩu;

Bước 3: Người nhập khẩu gửi cho người xuất khẩu một thông điệp yêu cầu các chứng từ cần xuất trình sau khi giao hàng để được thanh toán;

Bước 4a : Người xuất khẩu gửi chấp nhận cho người nhập khẩu;

Bước 4b : Người nhập khẩu gửi tiếp thông điệp đến ngân hàng yêu cầu mở L/C;

Bước 5: Ngân hàng mở L/C thông báo cho người xuất khẩu thông qua Bolero.net và Người xuất khẩu thực hiện giao hàng như trong truyền thống;

Bước 6: Người xuất khẩu gửi các yêu cầu lấy các chứng từ cần thiết đến các cơ quan như Chứng nhận kiểm dịch, Chứng nhận xuất xứ, Chứng nhận chất lượng, Vận đơn đường biển, Bảo hiểm đơn…;

Bước 7: Các chứng từ điện tử được chuyển đến cho người xuất khẩu thông qua Bolero.net;

Bước 8: Người xuất khẩu gửi bộ chứng từ điện tử cho Trung tâm xử lý thanh toán (SURF - Settlement Utility for managing Risk and Finance) thuộc Bolero.net để tổ chức kiểm tra và tiến hành thanh toán;

Bước 9: SURF kiểm tra các chứng từ với L/C và thông báo cho người xuất khẩu và ngân hàng của người nhập khẩu;

Bước 10: Người nhập khẩu thanh toán cho Ngân hàng nhập khẩu, bộ chứng từ được chuyển cho người nhập khẩu;

Bước 11: Ngân hàng nhập khẩu thanh toán cho ngân hàng của người xuất khẩu;

Bước 12: Khi hàng đến cảng, đại lý của người chuyên chở thông báo hàng đã đến cảng cho người nhập khẩu;

Bước 13: Người nhập khẩu xuất trình vận đơn điện tử để đổi lấy lệnh giao hàng;

Bước 14: Người nhập khẩu dùng lệnh giao hàng để nhận hàng từ người vận tải.

Mặc dù phương thức giao dịch điện tử trên, đặc biệt là việc ký kết hợp đồng và sử dụng các chứng từ điện tử, đã được phát triển qua hơn 20 năm nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu giao dịch điện tử. Nguyên nhân là do trong thương mại quốc tế có rất nhiều bên tham gia vào quá trình giao dịch, vận tải, giao nhận, thanh toán, bảo hiểm...

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của ứng dụng công nghệ thông tin như hiện nay, khi các tổ chức này có đủ điều kiện về công nghệ và có một môi trường pháp lý đầy đủ đối với hợp đồng và các chứng từ điện tử; cùng tham gia một hệ thống các sàn giao dịch điện tử B2B tiêu chuẩn như Bolero hoặc tương tự thì việc ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử sẽ thực sự được áp dụng rộng rãi tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguồn: Tổng hợp


1.2.2. Ký kết hợp đồng điện tử B2C


Thương mại điện tử B2C hay Business-To-Consumer là mô hình giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với khách hàng cá nhân, điển hình là việc doanh nghiệp thông qua website bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Mô hình thành công nhất đến nay và cũng là một trong các mô hình thương mại điện tử đầu tiên về bán lẻ trực tuyến là Amazon.com. Khởi đầu bằng mô hình cửa hàng bán sách trực tuyến, đến nay đã phát triển thành cửa hàng trực tuyến lớn nhất thế giới. Amazon.com có tên đầy đủ là Amazon.com Inc., được thành lập năm 1994, có trụ sở tại Seattle, Washington, Hoa Kỳ. Doanh số bán hàng của Amazon.com năm 2007 là 14,84 tỷ USD, lợi nhuận ròng là 476 triệu USD với tổng số nhân viên 17.000 người. Mô hình ký kết hợp đồng B2C trên Amazon.com đã trở thành mô hình chuẩn để các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến tham khảo khi xây dựng quy trình bán lẻ của mình. Quy trình được thực hiện giữa một bên là khách hàng thực và một bên là hệ thống bán hàng tự động của Amazon.com thông qua Internet. Quy trình ký kết hợp đồng điện tử B2C trên Amazon.com gồm 10 bước, cụ thể như sau:

Bước 1. Tìm kiếm sản phẩm trên website của Amazon.com. Công cụ tìm kiếm (Search Engine) gồm nhiều chức năng tìm kiếm tinh tế để khách hàng có thể dễ dàng tìm được sản phẩm một cách nhanh chóng;

Bước 2. Cho phép khách hàng xem chi tiết sản phẩm. Tại bước này, khách hàng có thể xem các thông tin về nhà sản xuất, tác giả, thông tin chung về sản phẩm, đặc biệt là xem các bình chọn, đánh giá của khách hàng đã mua sản phẩm.

Bước 3. Thêm sản phẩm vào giỏ mua hàng (Add to Shopping Cart): Tại bước này, website tương tác của Amazon.com tự động gợi ý một số sản phẩm, đưa ra quảng cáo, khuyến mại liên quan đến sản phẩm đang mua sắm;

Bước 4. Nhập thông tin người mua hàng (buyer login): Tại bước này, website cho phép khách hàng tự đăng nhập hoặc đăng ký thông tin về mình để thuận tiện cho các giao dịch sau này;

Bước 5. Nhập vào địa chỉ nhận hàng (shipping address);

Bước 6. Chọn phương thức giao hàng: Tại bước này, khách hàng có thể lựa chọn các dịch vụ giao hàng với thời hạn khác nhau, khách hàng cũng có thể đăng ký các yêu cầu riêng về giao hàng với Amazon.com;

Bước 7. Chọn phương thức thanh toán: Khách hàng có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán khác nhau, bao gồm thanh toán bằng thẻ tín dụng, bằng lệnh chuyển tiền, giao hàng trả tiền;

Bước 8. Nhập vào địa chỉ người thanh toán;

Bước 9. Kiểm tra toàn bộ đơn hàng: Tại bước cuối cùng, khách hàng kiểm tra lại toàn bộ nội dung đơn hàng do hệ thống bán hàng của người bán tự tổng hợp và sau đó có thể xác nhận đơn hàng;

Bước 10. Hệ thống bán hàng gửi email xác nhận đơn đặt hàng đến địa chỉ email của người mua. Nội dung hợp đồng điện tử B2C này thường gồm các nội dung cơ bản như: Tên hàng, số lượng, đơn giá, tổng giá trị, phương thức thanh toán, địa chỉ thanh toán, địa chỉ giao hàng, phương thức giao hàng và một số nội dung khác như dịch vụ kèm theo, bảo hiểm…;

Về cơ bản, hợp đồng điện tử B2C được hình thành giữa một bên là khách hàng cá nhân và một bên là hệ thống thông tin tự động của doanh nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, trên thực tế hợp đồng điện tử có thể được hình thành một phần bằng giao dịch điện tử như trên và một phần bằng giao dịch truyền thống. Trong mười bước giao dịch trên đây, khách hàng có thể thực hiện các bước từ 1 đến 6 thông qua hệ thống giao dịch điện tử tự động trên website sau đó việc thanh toán có thể thực hiện bằng chuyển khoản, việc xác nhận hợp đồng có thể thực hiện qua fax, điện thoại hoặc email.


1.2. 3. Ký kết hợp đồng điện tử C2C


Mô hình giao dịch điện tử giữa cá nhân với nhau thường gọi là C2C hay Consumer-To-Consumer cho phép các cá nhân có thể tự chào bán các sản phẩm, thông qua quá trình đấu giá trực tuyến để lựa chọn người trả giá cao nhất. Website thành công điển hình của mô hình này là Ebay.com, khác với các cửa hàng bán lẻ hay siêu thị điện tử, Ebay là một website cho phép người mua và người bán gặp nhau để tiến hành các giao dịch đấu giá trực tuyến. Ebay.com cũng khác với Alibaba.com ở chỗ đối tượng tham gia Ebay chủ yếu các các cá nhân trong khi Alibaba.com thu hút đối tượng tham gia là các doanh nghiệp.

Quy trình khách hàng giao dịch và ký kết hợp đồng điện tử trên website của Ebay.com gồm các bước cơ bản như sau:



Bước 1. Đăng ký thành viên;

Bước 2. Tìm kiếm sản phẩm;

Bước 3. Lựa chọn cách thức mua hàng: Đấu giá, đặt hàng qua Ebay hoặc mua hàng trực tiếp từ Ebay;

Bước 4. Lựa chọn phương thức thanh toán;

Bước 5. Sử dụng My Ebay;

Bước 6. Liên hệ với các thành viên.

Ebay.com vẫn được coi là mô hình đấu giá trực tuyến C2C thành công nhất hiện nay. Tên đầy đủ là eBay Inc., công ty này được thành lập năm 1995, có trụ sở tại San Jose, California, Hoa Kỳ. Mô hình ban đầu là sàn đấu giá trực tuyến, sau này được mở rộng sang thanh toán điện tử - PayPal; thông tin trực tuyến – Skype; cửa hàng trực tuyến – Shopping.com; thuê xe trực tuyến – Rent.com; Quảng cáo trực tuyến – Kijiji.com; Bán vé điện tử - Stubhub.com; Mạng xã hội – StumbleUpon.com. Doanh thu của eBay năm 2007 đạt 7,67 tỷ USD. Tổng số nhân viên là 11.600 người.

Trên eBay, mọi người tham gia có thể đấu giá hầu như mọi thứ, eBay thu một khoản phí đăng tin đấu giá và trị giá giao dịch (1,25% đến 7,25% trị giá giao dịch). Quy trình đấu giá được bắt đầu khi người bán điền vào form thông tin về hàng hóa. Người bán cũng phải đặt mức giá tối thiểu và thời gian hiệu lực của chào bán. Trong thời gian này, người mua có thể trả giá tùy ý. Phiên đấu giá kết thúc khi hết thời gian do người bán quy định. Sau đó, người bán và người mua có thể thương lượng hình thức thanh toán, giao hàng, các điều khoản bảo hành, dịch vụ khác. Trên sàn giao dịch này, eBay đóng vai trò trung gian qua đó người mua và người bán có thể yên tâm hơn khi giao dịch.



tải về 2.96 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   77




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương