HỌ doãn việt nam một dòng họ VĂn hiến doãn Thị Đoan Trinh – Doãn Quốc Khoa



tải về 68.21 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích68.21 Kb.
#20248
HỌ DOÃN VIỆT NAM

MỘT DÒNG HỌ VĂN HIẾN

Doãn Thị Đoan Trinh – Doãn Quốc Khoa

Cho đến nay chưa có thống kê chính xác ở Việt Nam có bao nhiêu dòng họ và quy mô các dòng họ như thế nào ?. Tuy nhiên theo Lê Trung Hoa trong “Họ và tên người Việt Nam” (NXB Khoa học Xã hội  Hà Nội 2005) thì ở Việt Nam có 14 dòng họ lớn chiếm 90% dân số còn lại là các dòng họ nhỏ (số lượng khoảng trên dưới 200) chỉ chiếm 10% dân số.

Họ Doãn nằm trong số các dòng họ nhỏ đó.

Tuy là một họ nhỏ nhưng họ Doãn có lịch sử từ thời Hùng vương. Nơi khởi phát của dòng họ là Cổ định (xã Tân Ninh - Triệu Sơn -Thanh Hoá ngày nay). Thời các Vua Hùng có tên Chạ Kẻ Nưa, thời thuộc Hán gọi là Cá Ná giáp, Thời Tuỳ- Đường thường gọi là Kẻ Nưa, Thời Lý Trần đổi là hương Cổ Na, thời Lê Thái tổ đổi là Cổ ninh, Thời Lê Trung hưng đổi là Cổ định,

Văn tế thánh nghè giáp tại Cổ định còn ghi rõ sự tích về 10 vị tiên công khai phá dựng nên chạ Kẻ Nưa thời Hùng Vương, trong đó có 1 vị là người họ Doãn:

"...Sơ canh khai phá Viễn sơn nhi định

Thập vị tiên công Cận thuỷ tất thành

Lê, Hứa ,Nguyễn, Hoàng Thế thế quảng canh

Doãn, Phan, Ngô, Trịnh... Niên niên đại chúng…”

Từ Cổ Định, theo sự biến thiên của lịch sử, Họ Doãn dần phát tán đi các nơi tạo thành các chi họ Doãn ở khắp mọi miền đất nước. Cho đến nay theo thống kê sơ bộ của Ban Liên lạc họ Doãn, trên cả nước có gần 100 chi họ Doãn, tập trung chủ yếu ở miền Bắc và chỉ có 5 chi họ có số nhân khẩu trên một ngìn người còn lại đều có số lượng khá nhỏ, thậm chí có chi chỉ được 20 – 30 đinh. Tuy vậy, dù ở bất cứ đâu, hoàn cảnh nào, các chi họ cũng luôn liên hệ, tìm về cội gốc. Hàng năm vào ngày 19/3 âm lịch, đại diện các chi thông qua hệ thống gia phả các chi họ. Không kể những tài liệu đã bị thất lạc, những năm 1784, 1814, 1843, 1911, 1984, 1992 và gần đây là năm 2011 đều có những lần hợp biên gia phả các chi họ Doãn để thống nhất thành hợp phả chung trong toàn Họ.

Như vậy họ Doãn là một trong số ít dòng họ Việt Nam hình thành lâu đời và còn giữ được truyền thống chung cùng một cội gốc. Cho đến nay con cháu họ Doãn vẫn giữ được lời dạy của tổ tiên: người cùng họ Doãn không lấy nhau.

Đánh giá chung về dòng họ Doãn, tại hội thảo "Kỷ niệm 600 năm sinh Doãn Nỗ và họ Doãn trong lịch sử " do Hội Khoa học Lịch sử VN phối hợp với các Sở Văn hoá: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Hưng, Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hoá tổ chức ngày 15-12-1993 tại Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội, các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa đã kết luận: “họ Doãn là một dòng họ văn hiến, có truyền thống tốt đẹp, có nhiều người tài giỏi trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự, ngoại giao ... đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Dân tộc” .

Tại sao họ Doãn lại được đánh giá là một trong những dòng họ VĂN HIẾN của dân tộc Việt Nam ?.

Là người họ Doãn thời hiện tại nhưng có cơ duyên được tiếp cận với một số tư liệu lịch sử của dòng họ cũng như của đất nước, được tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Ban Liên lạc họ Doãn hơn hai chục năm qua, theo chúng tôi có 2 lý do để họ Doãn được đánh giá là dòng họ văn hiến: (1) qua những đóng góp của một số nhân vật họ Doãn vào lịch sử xây dựng bảo vệ đất nước trong lịch sử và (2) qua những di sản văn hóa của dòng họ Doãn để lại cho ngày nay.



  1. Những đóng góp của một số nhân vật họ Doãn vào lịch sử xây dựng bảo vệ đất nước trong lịch sử

a) Về lĩnh vực ngoại giao, họ Doãn có 3 nhân vật được cử đi sứ phương Bắc và đã có đóng góp to lớn trong quá trình xác lập nên quốc hiệu Đại Việt; ngăn chặn âm mưu xâm lược bờ cõi của dân tộc, giúp tránh được nạn binh đao, khói lửa; đồng thời, nêu cao vị thế, uy tín của nước ta, khẳng định nền độc lập, chủ quyền dân tộc.

Người thứ nhất là Doãn Tử Tư, làm quan triều Lý Thái Tổ, 2 lần được cử đi sứ nhà Tống. và đấu tranh được vua Tống công nhận tên nước là An Nam quốc, cho ấn vàng, có quốc hiệu (theo Việt sử tiêu án do Ngô Thời Sỹ)

Người thứ hai là Doãn Anh Khái (cháu Doãn Tử Tư) làm quan thời Lý Nhân Tông. Trong bối cảnh chiến tranh rình dập giữa 2 nước, Doãn Anh Khái đã đề xuất với vua Lý kế sách hòa hoãn thích hợp và thực hiện thành công khi được cử đi sứ sang Tống. Với tài trí của mình ông đã chỉ ra những khó khăn mà nhà Tống đang gặp phải, khiến Tống Thần Tông không dám cao ngạo, phải chấp nhận cầu hòa và không dám xâm phạm nước ta trong suốt hơn 200 năm. Ghi nhận những công lao to lớn đó của ông với đất nước trong việc bang giao, Doãn Anh Khái đã được vua Lý Nhân Tông phong chức Thượng thư và tước Quận Công.

Người thứ ba là Doãn Băng Hài. Ông là cháu bảy đời của Doãn Tử Tư, ra làm quan năm 1304 sau khi thi đỗ Đồng Tiến sỹ cập đệ thứ 8 dưới đời vua Trần Anh Tông. Trước khi đi sứ ông đã làm đến chức Tả thị Lang và Thượng thư Bộ hình, được liệt vào hàng Quân quốc trọng thần. Sau 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược, trước khả năng nhà Nguyên lại kéo quân sang trả thù, nhà Trần chủ trương giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình.  Thượng thư Bộ hình Doãn Bằng Hài được vua Trần tin tưởng giao làm Chánh sứ đảm nhận trọng trách đi sứ phương Bắc. Trước tài năng và lý lẽ của ông, vua nhà Nguyên đã chấp nhận hòa đàm. Sau thành công của chuyến đi sứ đó, ông được vua Trần phong tặng chức Thiếu phó cùng tước hiệu Hưng đình hầu và ban cho 100 mẫu đất ở huyện Đông Ngàn (nay là làng Doãn xá, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) để làm trang ấp...

Ngoài 3 vị trên còn có một số vị họ Doãn cũng được cử đi sứ và đều hoàn thành nhiệm vụ được TRiều đình ban thưởng. Thời Trần Minh Tông có cụ Doãn Ân Phủ được cử đi sứ năm 1317. Thời Lê Thánh Tông, cụ Doãn Hoằng Tuấn đỗ Tiến sĩ năm Mậu Tuất (1478), làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, được cử sang sứ nhà Minh (1480). Thời Doãn Mậu Khôi đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502), làm quan đến chức Thượng thư kiêm Trưởng Hàn Lâm viện, năm 1507 đi sứ nhà Minh khi về được vua ban tặng hàm Thái Bảo tước Hương Giang Công.

b) Về chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc, cũng như các dòng họ khác của toàn dân tộc, người họ Doãn cũng có đóng góp tích cực thông qua một số nhân vật tiêu biểu như:

Thượng tướng quân Doãn Nỗ sinh năm Quý Dậu (1393) tại Cổ Định trong một gia đình vọng tộc có nhiều đời làm quan triều Trần. Cụ nội Doãn Nỗ là Doãn Băng Hài (1272-1332) đã nêu ở trên. Ông nội của Doãn Nỗ là Doãn Định (1312-1363), thi Hội trúng tam trường, làm Giám sát ngự sử thời Trần Dụ Tông. Cha của Doãn Nỗ là Doãn Quyết làm Cung hiển Đại phu. Căm thù giặc Minh xâm lược, tàn sát dân lành, Doãn Nỗ đã sớm gia nhập nghĩa quân Lam Sơn ngay sau hội thề Lũng Nhai (1416). Năm 1418, khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, Ông là 1 trong 51 tướng đốc xuất đội quân thiết đột đối địch với quân Minh. Trải qua các trận chiến gian lao Ông lập nhiều chiến công và được phong Thượng tướng quân. Một trong những trận đánh mà Ông trực tiếp chỉ huy cùng với với một số tướng lĩnh khác là trận Tân Bình – Thuận Hóa. Chiến thắng Tân Bình – Thuận Hóa đã giải phóng một vùng hậu phương lớn rộng, từ đó tạo được bước ngoặt có lợi cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. (các sách Lam Sơn thực lục, Đại Việt thông sử đều có chép việc này).

Sau khi chiến thắng quân Minh, trong đợt xét công khen thưởng đợt đầu, tháng 2/1428, Thượng tướng quân Doãn Nỗ được xếp công hạng hai, hàm Trung lượng đại phu, tả Phụng thần vệ tướng quân, tước Đại trí tự, được liệt vào hàng ngũ Khai quốc công thần và được ban “quốc tính” (họ nhà vua: Lễ Nỗ). Sau khi giành được độc lập (năm 1428), Ông tiếp tục đảm đương nhiệm vụ dẹp giặc ở Hoà Bình, Tây Bắc, dẹp phỉ ở Mường Lễ, chinh phạt Chiêm Thành ở phương Nam và cuối đời, được giao làm Quản trấn đạo Sơn Nam (với địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình ... ngày nay). Năm Thiệu Bình thứ 6 (1439) Ông được thăng Tráng sĩ vệ đồng tri chư quân sự, tước Quang phục hầu. Sau khi Ông qua đời, các lần xét phong vào những năm 1440, 1454, 1464, Ông đều được xét truy phong đến Á hầu. Đền thờ và lăng mộ của Ông ở xã Phương Chiểu huyện Tiên Lữ Hưng Yên đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1995.



An Tây mưu lược tướng Doãn Uẩn (1795-1850) quê quán tại làng Ngoại Lãng - Thư Trì (nay thuộc xã Song Lãng - huyện Vũ Thư - tỉnh Thái Bình). Doãn Uẩn là một danh tướng, văn võ song toàn, phụng sự ba đời vua nhà Nguyễn liên tiếp: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đặc biệt, ông là một trong những trụ cột của triều đình, trấn giữ vùng biên cương tây nam, suốt những năm trị vì của vua Thiệu Trị. Thời gian này Doãn Uẩn được vua phong làm An Tây mưu lược tướng, giữ quyền Thượng thư Bộ Binh.Tới tháng 6 năm 1847, Doãn Uẩn được thăng Thượng thư Bộ Binh kiêm Đô ngự sử và Tổng đốc An Hà (An Giang và Hà Tiên) (hàm chính Nhị phẩm), được phong tử tước hiệu Tuy Tĩnh.

Do các công lao của mình, Doãn Uẩn đã được triều đình nhiều lần khen thưởng và ghi danh: Tháng 7 năm 1847, vua Thiệu Trị đúc 9 cỗ thần công, Doãn Uẩn được khắc tên vào cỗ thứ nhất Thần uy phục viễn đại tướng quân. Tháng 6 năm 1848, vua Tự Đức cho khắc bia ghi công các tướng thắng trận ở Trấn Tây, đặt tại Võ miếu, tên của ông được ghi hàng thứ 3/6 người gồm: Vũ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn, Đoàn Văn Sách, Nguyễn Văn Hoàng, Tôn Thất Nghị.



Tiến sỹ Doãn Khuê, tự là Bảo Quang, sinh ngày 15 tháng 10 âm lịch năm Quý Dậu (1813. Năm Mậu Tuất (1838) ông đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân (đứng thứ tám). Năm 1863, khi làm Chánh sứ Hải phòng sứ (tức là Tư lệnh Biên phòng vùng duyên hải Bắc bộ) kiêm Đốc học Định An (tỉnh Nam Định và Hưng Yên) Ông đã khuyến khích đấu tranh phản đối hòa ước giữa Triều đình ký với Pháp. Vì việc này mà Ông bị bãi chức Hải phòng sứ và giáng xuống bốn cấp. Ông xin cáo bệnh từ quan nhưng năm 1867, Ông lại được đề cử làm Thương biện Hải phòng tỉnh Nam Định (tức là Đô đốc hải quân). Với uy tín từng là Đốc học Định An và Hải phòng sứ, Doãn Khuê đã có những hoạt động tích cực trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lấn thứ nhất. Ông cùng một số sỹ phu như Phạm Văn Nghị, Đỗ Mậu Kiến ... tổ chức các đội nghĩa dũng và trực tiếp chỉ huy một số trận đánh góp phần tiêu hao lực lượng và đẩy lùi nhiều đợt tấn công bằng đường thủy của quân Pháp từ biển đánh vào và từ Hà Nội đánh xuống.

c) Về công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, người họ Doãn cũng có đóng góp trong nhiều lĩnh vực như khoa cử, hành chính, phát triển học hành, khẩn hoang mở mang đất đai ...

Về khoa cử và hành chính, trong thời kỳ nhà nước độc lập phong kiến, họ Doãn có 8 cụ đỗ Thái học sinh, Tiến sỹ và khá nhiều cụ đỗ thấp hơn như Tam trường (thời Lý, Trần, Lê) hoặc cử nhân thời Nguyễn ... Các vị đỗ đạt hoặc làm quan hoặc dạy học. Một số vị đã làm đến chức Thượng thư (tương đương bộ trưởng ngày nay) như cụ Doãn Băng Hài (đỗ Thái học sinh 1304) làm Thượng thư Bộ hình. Doãn Hoàng Tuấn (đỗ tiến sỹ 1478) làm Thượng thư bộ Lễ, Doãn Mậu Khôi (đỗ tiến sỹ năm 1502) làm Thượng thư bộ Lễ, cụ Doãn Uẩn (đỗ cử nhân 1828) làm Thượng thư bộ Binh. Các chức vụ khác không thể liệt kê hết. Trong những đóng góp hoàn thiện nền hành chính không thể không nhắc đến nhân vật Doãn Uẩn. Năm 1839, Ông cùng Thượng thư Võ Xuân Cẩn vào tỉnh Bình Định, làm sổ địa bạ, hoạch định quân điền, phân cấp ruộng công. Đây chính là một cuộc cải cách quản lý ruộng đất tiến bộ của thời đó. Cũng chính Doãn Uẩn, đã có đề xuất mang tầm chiến lược với Triều đình trong cuộc chiến tranh Tây Nam: mặc dù đã đánh thắng nhưng rút quân, không chiếm giữ vùng Trấn Tây của Cao Miên.

Về phát triển việc học, nhiều người họ Doãn trực tiếp dạy học hoặc đảm nhận chức đốc học của một địa phương. Tiêu biểu trong lĩnh vực này là tiến sỹ Doãn Khuê. năm 1847 ông bị bệnh, nên cáo quan về nhà dạy học. Trong vòng hơn 10 năm (1847-1861), ông đã đào tạo được nhiều học trò xuất sắc, vừa tài trí vừa yêu nước thương dân, như Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích (tức Ngô Quang Bích), Cử nhân Phạm Huy Quang, đều là lãnh tụ Phong trào Cần Vương chống Pháp về sau này. Tháng 9 năm 1858 ông làm Đốc học tỉnh Nam Định. Năm 1861, Triều đình điều ông lên Sơn Tây làm Đốc học và tổ chức kỳ thi Hương ở tỉnh này (ông làm quan Đề điệu (chủ khảo) kỳ thi Hương này). Năm 1863, vua Tự Đức bổ nhiệm ông làm Đốc học Định An (tỉnh Nam Định và Hưng Yên) kiêm Chánh sứ Hải phòng sứ.

Về khẩn hoang, phát triển đất đai, gia phả họ Doãn có ghi lại sự tích các vị tiền nhân họ Doãn đi khai khẩn, lập làng. Khởi đầu là cụ Doãn Hoàng (con trai thứ cụ Doãn Băng Hài) dẫn con cháu tiếp quản 100 mẫu ruộng mà Vua ban cho cụ Doãn Băng Hài, lập thành trang ấp mang tên Doãn Xá (nay là xã Đông Thịnh, Đông Xuân huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Xã Nghi Thái là một xã trù phú đông dân của Nghi Lộc Nghệ An ngày nay cũng được khai phá đầu tiên bởi hai anh em cụ Doãn Phi, Doãn Bật (là tướng của đô đốc Đặng Tiến Đông thời Tây Sơn) từ Cổ Định Thanh Hóa tránh nạn trả thù của triều Gia Long vào đây lập làng. Làng Hoành Lộ, hiện là một làng trù phú đông đúc của xã Hoành Sơn, Giao Thủy, Nam Định cũng được lập nên bởi La sơn hầu Doãn Đình Đống (đỗ tiến sỹ năm 1571) và người cháu là Doãn Đức Tông. Hai vị được dân làng thờ là Thành hoàng và đền thờ các cụ được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm 2009.

Ngoài hoạt động chống Pháp và đốc học, Tiến sỹ Doãn Khuê còn đóng góp trong công cuộc khẩn hoang mở rộng đất đai vùng Nam Định. Năm 1854, Ông cùng với con là Doãn Thúc Bình (tức Doãn Vị) chiêu mộ dân các nơi về đất phía Đông của trại Sĩ Lâm (ven biển Nghĩa Hưng) để khai hoang mở đất, và đặt tên cho làng mới là làng Thư Điền (với ý nghĩa mong cho dân làng được no ấm và học hành). Làng Thư Điền này, nhờ có nỗ lực của cha con Doãn Khuê cùng dân cư các nơi được Ông chiêu mộ, về sau vùng đất này phát triển thành xã Nghĩa Thành huyện Nghĩa Hưng. Dân làng đã tôn Ông là Thành hoàng làng và đền thờ Doãn Khuê tại đây đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm. Năm 1868, khi đang giữ chức Đốc học Nam Định kiêm Thương biện hải phòng sứ Nam Định, Doãn Khuê làm sớ tâu 7 điều lên vua Tự Đức trong đó có nội dung rất thiết thực về việc kết hợp giữa việc binh với việc khẩn hoang. Mặc dù không được Triều đình phê chuẩn nhưng Ông vẫn chủ động tự áp dụng, tổ chức mở rộng khai hoang đồn điền ở cả hai nơi: miền núi (Hưng Hóa) và miền biển (Nam Định), làm kế liên thủ lâu dài để phòng giữ Bắc kỳ. Năm 1869, ông xin thôi chức Đốc học chuyển sang làm Doanh điền sứ chuyên đi khuyên quyên, chiêu mộ người khai khẩn bãi cát ở ven biển, 3 năm thành điền, một phần làm ruộng công, 2 phần làm ruộng tư ... Doãn Khuê cũng bàn bạc với Tổng đốc Định-Yên (Nam Định, Hưng Yên) là Nguyễn Hiên tâu lên vua Tự Đức cho thi hành việc ngăn chặn nước mặn không cho tràn vào ruộng, khai thông luồng lạch đón lấy nước ngọt, tổ chức giao cho lính mộ khai khẩn các đất bãi nổi bỏ hoang ...


  1. Những di sản văn hóa của dòng họ Doãn.

Trong hành trình lịch sử chung, các thế hệ dòng họ Doãn dày công vun đắp tạo nên cốt cách người họ Doãn: biết ơn tiền nhân, nhân nghĩa, hiếu học, cần kiệm, yêu nước, thương dân, trung thực can đảm và liêm khiết.

Về tinh thần uống nước nhớ nguồn, luôn tâm niệm kế thừa và phát huy các truyền thống tốt đẹp của dòng họ được thể hiện qua bài tựa Gia phả năm 1816 (trích) “ ... thường nghĩ đến việc gìn giữ những điều gia huấn, noi theo nền nếp thanh cao, chẳng những để cho mình được lạm hưởng cái hương thơm danh giá của tiền nhân, mà điều mong muốn hơn tất cả là con cháu sau này xem đến phả như thấy được cha ông ở trước mắt, vừa nghiêm túc, vừa kính sợ mà nghĩ rằng sự nghiệp cha ông kiến tạo đã gian nan  thì đời sau không thể quên được việc thuật lại và lại càng phải cố công tu dưỡng về đạo đức, tiến bộ trong sự nghiệp ngõ hầu có thể làm rộng lớn gia môn ta, làm rạng vẻ tộc phả ta, từ trong nhà ra ngoài nước, họ tên được ghi trong sử sách”.

Tính nhân nghĩa trong đối nhân xử thế trong nội tộc và với xã hội của người Doãn được thể hiện trong lời giáo huấn của tiền nhân qua bài lược biên gia phả năm 1843: "...Trong nhà bố hiền từ, con hiếu thảo, anh tử tế, em ngoan ngoãn, chồng có nghĩa, vợ biết nghe. Trong gia đình thì giữ cho luân lý được ngay thẳng, trọng điều ân nghĩa, lại yên lòng làm điều thiện, vui vẻ sử sự có tình lý. Nói phải biết giữ uy tín, làm phải luôn nhắc mình cẩn thận ... người không lương thiện thì không giao du, vật mà phi nghĩa thì không giữ lấy. Không uỷ vào quyền thế, không cạnh tranh lợi lộc ..." (Trích)

Tinh thần hiếu học của họ Doãn có thể thấy qua lời tự sự răn dạy con cháu của cụ Doãn Thự và Doãn Duyện (ông nội và bác ruột của Doãn Uẩn) ghi trong bài tựa Gia phả năm 1784 : “Riêng ta phải ở xa quê, thường trải gian khổ, chỉ cố gắng đọc sách . Nhà ta đặc biệt không bao giờ sao nhãng sách sở thường hay khảo cứu cựu chí, thăm hỏi người trong họ, xin lược thuật như trên. Có người nào trong họ muốn phỏng theo người xưa, đem lý lẽ sách vở làm sáng tỏ cho gia môn thì đó là điều mong muốn nhất của ta”. Hoặc trong bài tựa Gia phả năm 1816 (trích): “Tổ tiên chúng ta đã lấy văn chương chiếm bảng vàng, lấy huân nghiệp giúp đất nước, lấy bút mực để lưu truyền tiếng thơm, làm rạng rỡ dòng dõi trâm anh cho đến nay thành danh gia vọng tộc. Có thể ghi hết được để làm gương cho con cháu mãi mãi soi chăng !”

Tinh thần trọng đức, hướng thiện, coi trọng việc giáo dục con cháu của họ Doãn được cô đọng trong 8 chữ, đó là “ Tích đức cầu địa - Giáo tử độc thư ” ghi trong gia phả họ Doãn năm 1784 (theo giải nghĩa của ông Doãn Quang Thái, Ban Liên lạc họ Doãn Việt Nam: ý nghĩa chữ “địa” ở đây được hiểu theo nghĩa là nền - vị thế, nền tảng để làm nên một gia đình, vị thế làm nên một con người - Tích đức để cầu mong có nền tảng gia đình tốt, dạy con đọc sách trong điều kiện xã hội hiện đại nên hiểu rộng ra là tạo điều kiện tốt nhất cho con cháu được học tập, kể cả học chữ học nghĩa và học nghề).

Cùng với hiếu học, nhân đức, cốt cách người họ Doãn còn cả đức tính cần cù và tiết kiệm. Truyền thống này được thể hiện qua đôi câu đối do cụ Doãn Thai (1769 – 1838) là bác ruột của Doãn Uẩn để lại cho con cháu tại nhà thờ chi họ DOÃN Song Lãng (Vũ Thư – Thái Bình)

Canh độc lưỡng đồ, độc khả vinh thân, canh khả phú

Kiệm cần nhị tự, cần năng sáng nghiệp, kiệm năng doanh”

(Theo giải nghĩa của ông Doãn Quang Thái: đọc sách (đi học) và canh tác (làm ruộng- hoạt động sản xuất căn bản của xã hội nông nghiệp) là hai vế vun đắp nên cái nghiệp của con người, đọc sách có thể mang đến cho con người sự vinh quang, canh tác có thể mang đến cho con người sự giầu có. Cần kiệm là hai điều quan trọng xử sự trong học tập và lao động. Cần cù mới làm nên sự nghiệp, tiết kiệm mới làm nên danh dự một con người.

Những giáo huấn mà tổ tiên dòng họ Doãn đã được các thế hệ cháu con tiếp thụ, chuyển hóa trong thực tiễn cuộc sống, tạo nên cốt cách của người họ Doãn, đó là: trung với nước, thương người, ngay thẳng, can đảm và liêm khiết.

Có trung với nước thì những vị sứ thần họ Doãn mới không làm nhục quốc thể, mới đấu tranh để Nhà Tống phải công nhận quốc hiệu và đối xử công bằng trong bang giao 2 nước. Có trung với nước thì mới hết mình trên chiến trường đánh giắc ngoại xâm, đảm nhận nhiều trọng trách nguy nan mà không e sợ như Thượng tướng quân Doãn Nỗ chống quân Minh, như ba cha con Doãn Trung, Doãn Phi, Doãn Bật chống quân Thanh, như Doãn Uẩn chống quân Xiêm và như Doãn Khuê chống quân Pháp. Có trung với nước thì Doãn Vị (1855-1910), con trai thứ ba của Doãn Khuê, mới trở thành nhà nho yêu nước hoạt động trong Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở tỉnh Thái Bình đầu thế kỷ 20. Ngoài ra còn bao người họ Doãn khác không thể kể hết đã góp phần xương máu và tính mạng cho độc lập, tự do của Tổ quốc trong các cuộc khởi nghia, chống xâm lược của kẻ thù phương bắc thực dân Pháp.

Có bản tính ngay thẳng, can đảm mới có tấm gương như Doãn Định, làm đúng chức phận của một Giám sát ngự sử, biết sẽ mất chức mà vẫn can gián khi Vua làm điều sai trái. Hoặc như Doãn Uẩn vào sinh ra tử trong chiến trận vùng biên giới Tây Nam.Hoặc như Doãn Khuê, trong lúc nhiều quan lại trong triều bạc nhược bàn hòa với Pháp, đã cùng các viên giáo thụ, giáo huấn, tri phủ, tri huyện ở Nam Định, làm mật tấu lên vua Tự Đức, hết sức nói việc nghị hòa là hỏng mà không sợ bị bắt tội. ...

Tiêu biểu cho đức tính thương dân và liên khiết của người họ Doãn là cuộc đời và sự nghiệp của An tây mưu lược tướng Doãn Uẩn. Đồng cảm với tình cảnh khổ cực của người dân thường, Doãn Uẩn đã có những việc làm thiết thực như cấp ruộng công cho ở Bình Định, trợ giúp miễn giảm thuế cho người dân vùng chiến sự hoặc bị thiên tai. Thật cảm động khi đọc lại bản điều trần của Doãn Uẩn và Nguyễn Tri Phương trước tình hình bão lụt ở An Giang: “Đấng thiên tử thể theo đức nguyên của trời, thường gặp tai biến mà biết sợ. Thế cho nên thấy mặt trời hoặc ngôi sao cảnh cáo còn phải nhận là lỗi mình, huống chi nay bão lụt khác thường, há lại cho rằng tuyền do khí vận ? Nhân xin điều trần 3 việc:



  1. Xin liệu giảm bớt thuế thanh tra

  2. Xin rút bỏ hư ngạch ở sổ các dân

  3. Xin tha cho thuế lệ còn đọng thiếu

.... “Lục tỉnh Nam Kỳ năm ngoái dịch lệ lưu hành, thóc lúa kém thu hoạch, xin đều cho tha thuế một năm để dần được hồi phục những nỗi khổ thì căn bản nước được vững vàn,g mà tuyệt được sự dòm dỏ của giặc ngoài”

Là một Tổng đốc hai tỉnh An Giang – Hà Tiên, phẩm hàm gần đến bậc cao nhất, vậy mà Doãn Uẩn vẫn giữ cuộc sống đạm bạc đơn sơ, hàng ngày vẫn dùng chiếc lược sừng trâu cụt cả răng. Vì liêm khiết, không hề nhận của biếu nên khi chết Ông không có chút tài sản gì thậm chí mang nợ như đoạn viết trong gia phả họ Doãn Song Lãng (Vũ Thư, Thái Bình): “Khi mở tráp của vị danh thần lừng lẫy tiếng tăm thấy một cuốn sồ "nhật kí" có ghi còn nợ của người 1.000 quan tiền...”. Vị Tổng đốc mới được bổ thay Doãn Uẩn đã phải tâu xin triều đình ban ơn ngoại lệ “Uẩn là người công bằng, trung thực, thanh liêm, cẩn thận, sau khi chết không có một chút tài sản gì, xin đặc cách gia ơn cho”. Cảm thương bề tôi thanh liêm, vua Tự Đức đã phải cấp thêm 500 quan tiền, 100 phương gạo để chi dùng về việc đưa đám và cho vợ con được no đủ hàng ngày.

Ngoài những giá trị về cốt cách con người, họ Doãn còn cả một gia tài khá lớn văn hóa vật thể và tinh thần khác. Đó là các ấn bản do người họ Doãn biên soạn. Tại Thư viện Viện Hán Nôm còn lưu 24 bản viết tay, bản in do người họ Doãn biên soạn (một số quyển đã được dịch ra tiếng Việt và phát hành như quyển Tuy tĩnh tử tạp ngôn của Doãn Uẩn và một số quyển gia phả). Ngoài số tài liệu trong Viện Hán Nôm nói trên, còn khá nhiều cuốn gia phả hoặc tài liệu riêng của các chi họ, gia đình họ Doãn trên cả nước. Một số cuốn gia phả còn ghi cả những quy ước về sinh hoạt dòng họ, ứng xử trong họ tộc mà đến nay đọc lại càng thấm thía ý nghĩa nhân bản. Việc duy trì cúng giỗ tổ của từng chi họ cũng như toàn dòng họ tụ hợp tham dự giỗ Tổ chung hàng năm chính là nét đẹp của người ho Doãn đóng góp vào truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Ngoài di sản văn hóa tinh thần, họ Doãn còn duy trì được hệ thống các di sản văn hóa vật chất như các đền thờ, từ đường, các hoành phi, câu đối và di vật thờ tự cũng như lăng mộ tổ tiên. Hầu hết các chi họ đều có nhà thờ chi họ, có những nhà thờ đã có vài trăm tuổi nhưng đa phần đã bị phá hoại trong thời gian chiến tranh và mới được con cháu chung sức phục dựng lại gần đây. Mỗi một lần tôn tạo xây dựng công trình nhà thờ, lăng mộ là một lần con cháu trong chi họ và người họ Doãn khắp nơi cùng mang tâm công đức, vừa thể hiện tấm lòng tôn kinh tổ tiên và là dịp giao lưu, gắn kết dòng họ.

Trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng đất nước thời hiện đại, người họ Doãn đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực như quân sự, chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật ... Một số tên tuổi tiêu biểu như: về quân sự có Trung tướng Doãn Tuế, Thiếu tướng Doãn Sửu và gần đây là thiếu tướng – chuẩn đô đốc Doãn Sở, tư lệnh vùng 5 Hải quân. Về văn hóa nghệ thuật là nhà văn hóa, Hà Nội học Doãn Kế Thiện – nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, là nhạc sỹ Doãn Mẫn, là nhạc sỹ Doãn Quang Khải tác giả bài hát Vì nhân dân quên mình, là nhạ sỹ Doãn Nho với nhiều ca khúc sống mãi với thời gian, nhà thơ Doãn Thanh Tùng và là NSND Doãn Hoàng Giang, nhà đạo diễn sân khấu nổi tiếng. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo cũng có sự góp mặt của nhiều thầy cô giáo người họ Doãn, một số người đã đạt được học vị, học hàm do nhà nước công nhận. Nhưng đóng góp của người họ Doãn đáng kể hơn chính là những người lao động, những người có cốt cách được kế thừa từ tổ tiên: cần cù, tiết kiệm, ngay thẳng, thương người và liêm chính, hàng ngày cần mẫn, tích góp cùng với người dân cả nước làm nên nền tảng của xã hội mới.

Lịch sử của mỗi dân tộc là tổng hòa lịch sử của các dòng họ, hay nói một cách khác, chính các dòng họ, trong mối quan hệ biện chứng với nhau đã tạo nên lịch sử của một dân tộc, một đất nước. Người họ Doãn tự hào là một dòng họ văn hiến, là một họ tuy nhỏ về số lượng nhưng đã có những đóng góp không nhỏ vào lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Người họ Doãn tự hào bởi những giá trị văn hóa truyền thống của dòng họ mình cùng đã góp phần bồi đắp tạo dựng nên văn hóa truyền thống đầy bản sắc và nhân bản của Việt Nam.



Hà Nội tháng 10/2012

Tài liệu tham khảo

  • Kỷ yếu hội thảo “Thượng tướng quân Doãn Nỗ và họ Doãn trong lịch sử” Hội khoa học lịch sử Việt Nam 1995.

  • Tài liệu hội thảo khoa học và lễ kỷ niệm Danh nhân Doãn Khuê tại bái đường Văn miếu quốc tử giám Hà Nội vào ngày 12 tháng 11 năm 2008.

  • Kỷ yếu hội thảo khoa học “ Danh nhân Doãn Uẩn với việc bảo vệ Biên cương vùng đất Tây Nam bộ vào nửa đầu thế ký XIX” do Hội KHLS An Giang, Sở KH&CN An Giang, Ủy ban Nhân dân Thị xã Châu Đốc và Ban LL Họ Doãn Việt Nam đồng tổ chức ngày 30/6/2011 tại Châu Đốc – An Giang.

  • Hợp phả Họ Doãn 1992 (tài liệu lưu hành trong Doãn tộc)


Каталог: images
images -> Hướng dẫn sử dụng Dropbox Để sử dụng được Dropbox
images -> BÀi thuyết trình cách xáC ĐỊnh và chế ĐỘ pháp lý CỦa các vùng biển theo công ưỚc của liên hiệp quốc về luật biển năM 19821
images -> Céng hßa x· héi chñ nghÜa viÖt nam Độc lập tự do hạnh phúc
images -> Lúa gạo Việt Nam Giới thiệu
images -> Trung Tâm kt tc-đl-cl
images -> Số: 105/2008/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
images -> ChuyêN ĐỀ ĐẠi số TỔ HỢP, XÁc suất kiến thức cơ bản Đại số tổ hợp
images -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh dưƠng kim thế nguyên thủ TỤc phá SẢn các tổ chức tín dụng theo pháp luật việt nam
images -> Review of Condor, Sun Grid Engine and pbs

tải về 68.21 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương