DƯƠng thị NỤ MỞ ĐẦU



tải về 2.34 Mb.
trang1/19
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích2.34 Mb.
#36770
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19
NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

TRONG DẠY KỸ NĂNG ĐỌC TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH

CHO SINH VIÊN KHÔNG CHUYÊN NGOẠI NGỮ

Ở ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TS. DƯƠNG THỊ NỤ *
MỞ ĐẦU

0.1. Lý do chọn đề tài nghiên cứu

Trước nhu cầu ngày càng lớn cần dùng ngoại ngữ để đi làm cho các tổ chức, công ty nước ngoài và để đi du học, các sinh viên Việt Nam đã thấy rõ tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ. Làm thế nào để học tiếng Anh tốt và có hiệu quả là vấn đề mà các nhà giáo dục rất quan tâm. Tại sao có hiện tượng, người học đã học 6-7 năm tiếng Anh phổ thông mà vẫn chưa thể sử dụng tiếng Anh để giao tiếp và để làm việc được? Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Ví như, chất lượng giáo viên, giáo trình, trang thiết bị giảng dạy, môi truờng học tập, cách học của sinh viên v.v... Một trong những yếu tố quan trọng nên được đề cập ở đây là thiết bị giảng dạy. Việc đổi mới thiết bị giảng dạy, việc tham gia hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập ngoại ngữ.

Công tác giảng dạy tiếng Anh sử dụng các phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng trở nên phổ biến và hữu dụng. Công nghệ máy tính đã “tạo ra môi trường học vừa có tính độc lập lại vừa có tính hợp tác trong đó học sinh có thể tiếp thụ và thực hành một ngôn ngữ” (Schoepp và Erogul, 2001, trích trong Lin, 2003).

Đặc biệt, đối với công tác giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành (TACN), việc sử dụng các phần mềm giúp cho các giáo viên có thể truyền đạt thành công được các thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu và khô cứng tới sinh viên một cách dễ dàng hơn, khiến việc ghi nhớ và áp dụng các thuật ngữ đó ở sinh viên trở nên dễ dàng hơn. Tăng hứng thú học tập của người học là một lợi ích được các tác giả khẳng định. “Việc sử dụng máy tính tạo động lực thúc đẩy người học học tập”. “Video, tranh ảnh và âm thanh trên máy tính sẽ cùng một lúc kích thích cả thị giác và thính giác của người học mà các tài liệu truyền thông không làm được” (Galavis, 1998). “Nếu người học được tham gia vào một chương trình học ngôn ngữ có kết hợp công nghệ máy tính thì chắc chắn họ sẽ có động lực hơn” (Schoepp & Erogul, 2001).

Các ứng dụng công nghệ trong dạy học ngoại ngữ là vô cùng phong phú và đa dạng: máy tính, phần mềm xử lý văn bản, internet (mạng toàn cầu, phần mềm đưa tin, thư điện tử), đĩa CD, VCD, DVD, máy chiếu, máy ảnh, máy quay, tivi, đài, truyền hình cáp. Một trong những ứng dụng phổ biến của CNTT là việc sử dụng tài liệu từ internet phục vụ dạy và học (David, 2000). Một ứng dụng khác được giáo viên ưa chuộng là các hoạt động dự án dựa trên việc tìm kiếm thông tin trên internet. Ngoài mạng toàn cầu, internet còn đem lại nhiều dịch vụ khác hữu ích cho việc dạy học như thư điện tử, các nhóm tin, phần mềm đưa tin, diễn đàn, mạng liên trường (Robertson, 2006). Ngoài ra, giáo viên có thể dựng các phần mềm thương mại phục vụ cho các hoạt động dạy học như phần mềm trình chiếu, phần mềm xử lí văn bản.

Có thể nói ứng dụng của CNTT trong dạy học ngoại ngữ là vô tận bởi nó không chỉ nằm trong phạm vi công nghệ mà phụ thuộc vào sự sáng tạo của người giáo viên. Ngoài những công trình nghiên cứu về việc ứng dụng CNTT trong dạy học, các nghiên cứu về vai trò của CNTT trong việc học ngôn ngữ cũng đã được quan tâm đến nhiều trong các công trình của các nhà nghiên cứu trên thế giới và trong trong nước.

Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về việc ứng dụng CNTT trong dạy và học ngôn ngữ nhưng cho đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu về việc ứng dụng CNTT hỗ trợ cho việc dạy học tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên không chuyên tiếng Anh ở Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Tác giả của đề tài này coi đây là lý do cơ bản để tiến hành nghiên cứu đề tài của mình trên cơ sở thừa kế những thành tựu khoa học của các nhà khoa học tiền bối. Việc thực hiện những ý tưởng và các chương trình ứng dụng CNTT vào giảng dạy ngoại ngữ còn gặp nhiều khó khăn, cả về phía người dạy, phía người học lẫn sự thiếu hụt về cơ sở vật chất (các thiết bị, phòng học Multimedia ...). Trên thực tế, cùng với sự phát triển về khoa học kỹ thuật, sự ứng dụng các thành tựu khoa học vào dạy học ngoại ngữ ngày càng được quan tâm. Trong chương trình đào tạo cử nhân tài năng của các trường thành viên và các khoa trực thuộc của ĐHQGHN, CNTT đã được giới thiệu và đưa vào sử dụng như một công cụ giáo dục hiện đại, góp phần đổi mới đáng kể phương pháp dạy của thầy và phương pháp học của trò theo chiều hướng có lợi hơn so với phương pháp dạy học truyền thống. Từ năm 2002 đến nay, các giáo viên khoa Ngoại ngữ chuyên ngành trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN luôn tìm cơ hội và có nhiều cố gắng đưa CNTT như một công cụ dạy học vào bài giảng ngoại ngữ các chuyên ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Kinh tế và Luật. Năm 2006 một đề tài đổi mới phương pháp dạy đọc hiểu TACN Công nghệ thông tin đã được tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm trên một lớp sinh viên. Kết quả cho thấy với sự hỗ trợ của CNTT, không những giáo viên có bài giảng hấp dẫn hơn, các hoạt động trong lớp được thực hiện dễ dàng hơn mà nhiều sinh viên đã tích cực tham gia vào việc học tập trên lớp cũng như việc tự học ở nhà. Có sự hỗ trợ của Powerpoint sinh viên có thể trình bày các nội dung chủ đề về chuyên ngành qua các bài tập đọc hiểu tự học ở nhà. Chia sẻ quan điểm với các nhà nghiên cứu về vấn đề này, tác giả của đề tài cho rằng giáo dục ngoại ngữ với sự hỗ trợ của CNTT đã trở thành nhu cầu không thể thiếu được, cần phải có nhiều công trình nghiên cứu và chương trình ứng dụng CNTT trong dạy học ngoại ngữ, đặc biệt trong môi trường đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành cho sinh viên không chuyên tiếng Anh ở ĐHQGHN.

Đề tài được chọn để làm nghiên cứu với những lý do chính sau đây:



  1. Do sự thúc bách của việc cải tiến phương pháp dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành: Phương pháp dạy và học ngoại ngữ sẽ là lỗi thời nếu chỉ dựa vào người thầy. Sự truyền đạt kiến thức trên lớp và người học thụ động ghi chép, sẽ là rất buồn tẻ và thụ động nếu chỉ dựa vào nội dung, khối lượng kiến thức ngôn ngữ và chuyên ngành trong cuốn giáo trình hay sách giáo khoa, sẽ là rất lãng phí nếu cả người thầy và người trò không tận dụng được các tiện ích của CNTT, vốn đã trở thành một công cụ hữu ích trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống con người hiện nay, để phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ. Lớn hơn cả là sự thiếu sót của người làm công tác giáo dục ngoại ngữ ở bậc đại học nếu không xây dựng cho người học phương pháp học tập độc lập, tự chủ, sáng tạo. ứng dụng được CNTT vào dạy-học ngoại ngữ sẽ giúp giải quyết không ít những khó khăn về phương pháp dạy học hiện nay. Phương hướng giáo dục bậc đại học coi trọng vấn đề lấy người học làm trung tâm của quá trình đào tạo và phương pháp học tích cực của sinh viên. Học tập với sự hỗ trợ của CNTT sẽ thúc đẩy việc học tập độc lập, sáng tạo của sinh viên.

  2. Do sự mong muốn của người dạy và người học:

  • Đối tượng tham gia vào đề tài nghiên cứu là sinh viên đang học TACN tại trường Đại học Công nghệ, trường Đại học Kinh tế và Khoa Luật thuộc ĐHQGHN. Họ có động cơ học tập ngoại ngữ chuyên ngành rõ ràng, có khả năng và mong muốn được sử dụng CNTT trong học tập, trong công việc và cuộc sống sau khi ra trường.

  • Đội ngũ giáo viên giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành trẻ, nhiệt tình, có khả năng và có nhiều mong muốn ứng dụng CNTT vào công việc giảng dạy của mình.

  • Chương trình dạy ngoại ngữ chuyên ngành chứa đựng nhiều nội dung về khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật chính xác, hiện đại và cập nhật, nếu được thực hiện trên hệ thống máy móc hiện đại sẽ giúp giáo viên và sinh viên dạy và học có hiệu quả hơn.

  • Cơ sở vặt chất (máy vi tính, phòng học tiếng Multimedia, hệ thống mạng internet ...) được nhà trường đầu tư và nâng cấp thường xuyên để phục vụ cho mục đích dạy và học.

  1. Do tính thời sự của đề tài, nó phù hợp với xu thế phát triển về CNTT và khoa học kỹ thuật của xã hội nói chung và của Việt Nam nói riêng trong quá trình hội nhập với thế giới. Học với sự hỗ trợ của CNTT giúp cho sinh viên làm quen với việc sử dụng CNTT trong công việc và trong cuộc sống sau khi ra trưòng.

0.2. Mục đích nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành nhằm



  • Tìm hiểu khả năng ứng dụng CNTT đối với việc day học TACN

  • Tìm hiểu những ứng dụng phổ biến của CNTT vào việc dạy học kỹ năng đọc TACN cho sinh viên không chuyên tiếng Anh ở ĐHQGHN.

  • Tìm hiểu ảnh hưởng của việc ứng dụng CNTT tới việc dạy học đọc TACN cho sinh viên không chuyên tiếng Anh ở ĐHQGHN.

0.3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là một số tiện ích của CNTT trong việc dạy và học tiếng Anh chuyên ngành và những tác động của việc ứng dụng CNTT vào việc dạy học kỹ năng đọc TACN, 38 giáo viên dạy TACN của khoa NNCN, 400 sinh viên năm thứ hai đang học TACN trình độ sơ cấp các chuyên ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Kinh tế và Luật.



Về phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu chỉ tập trung vào ứng dụng CNTT trong dạy kỹ năng đọc tiếng Anh các chuyên ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Kinh tế và Luật cho sinh viên năm thứ hai của 3 đơn vị: Đại học Công nghệ, đại học Kinh tế và khoa Luật thuộc ĐHQG Hà Nội. Những đề xuất chỉ dừng ở quy trình dạy đọc, thủ thuật ứng dụng và một số ứng dụng CNTT trong kiểm tra đánh giá, không có tham vọng xây dựng cụ thể một bài kiểm tra nào. Trong khuôn khổ của đề tài, nghiên cứu chỉ tìm hiểu một số ứng dụng CNTT phổ biến, dễ sử dụng, phù hợp với việc dạy TACN cho sinh viên ở trình độ tiếng Anh tiền trung cấp, không phải đi sâu ứng dụng một hình thức cụ thể nào.

0.4. Nhiệm vụ của đề tài nghiên cứu

  1. Tìm hiểu cơ sở lý luận của việc sử dụng CNTT trong dạy học kỹ năng đọc TACN

  2. Tìm hiểu về CNTT và những ưu thế của CNTT trong dạy học ngoại ngữ nói chung và TACN nói riêng

  3. Nghiên cứu phương pháp tự học đọc có sự hỗ trợ của CNTT

  4. Nghiên cứu thực trạng (trước khi thực hiện đề tài nghiên cứu) việc dạy học kỹ năng đọc TACN tại trường Đại học Công nghệ, trường Đại học Kinh tế và khoa Luật - ĐHQGHN: các vấn đề về quan điểm về việc dạy học kỹ năng đọc TACN, điều kiện cơ sở vật chất về phòng học, thiết bị dạy học có thể ứng dụng CNTT trong dạy học, đặc điểm về giáo viên và sinh viên, tài liệu giảng dạy, phương pháp và thủ thuật dạy học và nhu cầu học tập của sinh viên.

  5. Mô tả qui trình dạy học kỹ năng đọc TACN với sự hỗ trợ của CNTT

  6. Mô tả qui trình kiểm tra đánh giá kỹ năng đọc TACN với sự hỗ trợ của CNTT

  7. Xây dựng bài tập đọc hiểu bổ trợ giáo trình đang sử dụng với sự hỗ trợ của CNTT (cho 4 bài dạy đọc hiểu) cho các chuyên ngành CNTT, ĐTVT, Kinh tế và Luật

  8. Xây dựng bộ đề cương bài giảng cho 4 bài học mẫu

  9. Ứng dụng thử nghiệm dạy học kỹ năng đọc TACN trên 4 lớp sinh viên

  10. Xác định phương pháp, thủ thuật dạy học kỹ năng đọc TACN với sự hỗ trợ của CNTT

0.5. Ý nghĩa của nghiên cứu

  • Về mặt lý luận: Kết quả của nghiên cứu góp phần vào việc làm sáng tỏ lý luận dạy học ngoại ngữ với sự hỗ trợ của CNTT: phương pháp dạy học TACN và kiểm tra đánh giá; Nghiên cứu đã góp phần cải tiến phương pháp nghiên cứu khoa học theo chuyên đề dài hơi và huy động được đông đảo cán bộ giảng dạy tham gia vào nghiên cứu khoa học, chuyên môn hóa vấn đề theo các nhóm nghiên cứu.

  • Về mặt thực tiễn: Các kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao, đặc biệt đối với việc dạy TACN cho sinh viên không chuyên tiếng Anh ở ĐHQGHN; góp phần đổi mới phương pháp dạy học TACN; đóng góp bồi dưỡng giáo viên sử dụng CNTT trong day học, biên soạn chương trình, giáo trình và bài giảng điện tử TACN; phát huy vai trò độc lập sáng tạo trong học tập của sinh viên; đóng góp cho việc tăng cường hiệu quả sử dụng trang thiết bị dạy học của trường.

0.6. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu ứng dụng CNTT trong day học kỹ năng đọc TACN là một đề tài lớn, được nghiên cứu bằng sự kết hợp giữa các phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính, phương pháp qui nạp, diễn dịch và hành động thực nghiệm.

Những người tham gia vào nghiên cứu bao gồm 38 giáo viên dạy TACN của khoa NNCN, một số học viên cao học của trường ĐHNN, 400 sinh viên năm thứ hai đang học TACN trình độ sơ cấp các chuyên ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Kinh tế và Luật. Các cơ quan phối hợp bao gồm Trung tâm Multimedia trường ĐHNN - ĐHQGHN, các đơn vị phối hợp đào tạo: trường Đại học Công nghệ, Đại học Kinh tế, khoa Luật, bộ môn Ngoại ngữ trường Đại học KHXH &NV, trường Đại học Tự nhiên, Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ phần mềm - Đại học Công nghệ - ĐHQGHN.

Nghiên cứu được tiến hành với các thông tin, ngữ liệu được thu thập qua các công cụ: bảng câu hỏi điều tra, phỏng vấn, quan sát (dự giờ), dạy thí điểm.



Các nội dung của công trình nghiên cứu được tiến hành thông qua hình thức nghiên cứu chuyên đề theo nhóm, tổ chức hội thảo 6 chuyên đề, thực hành dạy thí điểm trên 4 lớp sinh viên các chuyên ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Kinh tế và Luật, thu thập thông tin phản hồi từ phía người dạy và người học, tổng kết đánh giá chung tại hội nghị nghiên cứu khoa học cấp khoa tổ chức tháng 4/2008 (Kỷ yếu nghiên cứu khoa học khoa Ngoại ngữ chuyên ngành 2008).

Nội dung 10 nhiệm vụ của đề tài được kết hợp, phân tích và trình bày trong 4 chương như được nêu trong bố cục của nghiên cứu dưới đây.

0.7. Bố cục của nghiên cứu

Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung của công trình nghiên cứu được trình bày trong 4 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận đề cập đến lý thuyết về CNTT, những ứng dụng CNTT trong dạy học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, phương pháp tự học kỹ năng đọc, lý thuyết về tiếng Anh chuyên ngành và ứng dụng CNTT trong mối liên hệ với môi trường dạy học đọc TACN ở ĐHQGHN.

Chương 2: Thực trạng việc dạy kỹ năng đọc tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên không chuyên tiếng Anh ở ĐHQGHN trình bày kết quả nghiên cứu thực trạng (trước khi thực hiện đề tài nghiên cứu) việc dạy học kỹ năng đọc TACN tại trường Đại học Công nghệ, trường Đại học Kinh tế và khoa Luật thuộc ĐHQGHN; các vấn đề về quan điểm về việc dạy học kỹ năng đọc TACN, điều kiện cơ sở vật chất về phòng học, thiết bị dạy học có thể ứng dụng CNTT trong dạy học, đặc điểm về giáo viên và sinh viên, tài liệu giảng dạy, phương pháp và thủ thuật dạy học và nhu cầu học tập của sinh viên.

Chương 3: Quy trình dạy đọc tiếng Anh chuyên ngành với sự hỗ trợ của CNTT mô tả quy trình dạy học kỹ năng đọc tiếng Anh chuyên ngành và quy trình kiểm tra đánh giá kỹ năng đọc TACN với sự hỗ trợ của CNTT.

Chương 4: Thủ thuật ứng dụng CNTT trong dạy đọc tiếng Anh chuyên ngành thảo luận một số ứng dụng phổ biến sử dụng CNTT như một phương tiện hữu hiệu hỗ trợ quá trình dạy học đọc TACN và một số kinh nghiệm về phương pháp, thủ thuật dạy học kỹ năng đọc TACN với sự hỗ trợ của CNTT. Chương 4 cũng nêu các ý kiến phản hồi từ phía người dạy và người học và một số bài học thí điểm có ứng dụng CNTT vào dạy học kỹ năng đọc TACN.



Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN

Nghiên cứu ứng dụng CNTT trong dạy học kỹ năng đọc TACN được tiến hành trên cơ sở lý thuyết về CNTT, về kỹ năng đọc, về TACN, và đặc biệt việc sử dụng CNTT trong học tập là điều không thể thiếu được nên bao gồm cả phần lý luận về phương pháp tự học của người học. Chương 1 sẽ lần lượt đề cập đến những nội dung cơ bản này.



1.1. Lý thuyết về công nghệ thông tin

Ngày nay không ai có thể phủ nhận rằng máy tính đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của con người. Theo Blain (2005) thì điều đặc biệt của máy tính nằm ở chỗ nó không phải là sáng tạo của một cá nhân mà là sản phẩm có được từ sự hợp tác của rất nhiều người. Trên thực tế, chiếc máy tính tinh vi mà chúng ta đang dùng ngày nay đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài với sự góp sức lao động của rất nhiều cá nhân.

Lí do khiến cho máy tính ngày càng trở nên hữu dụng có thể được giải thích bằng một loạt ứng dụng mà nó đem lại, trong đó xử lí dữ liệu là một trong những ứng dụng sớm nhất. Chiếc máy tính càng mạnh lên bao nhiêu thì ứng dụng mà nó đem lại càng tăng lên bấy nhiêu. Những ứng dụng đầu tiên của máy tính bao gồm xử lí văn bản, bảng tính, và cơ sở dữ liệu. Nhờ có những đột phá về phần mềm trong vòng hai thập kỉ qua mà một loạt những ứng dụng mới đã ra đời như phần mềm giáo dục, chế bản điện tử, thiết kế đồ họa, trò chơi, mô phỏng, các phần mềm giao tiếp và mạng (networking), thư điện tử, mạng toàn cầu, ảnh kĩ thuật số, các ứng dụng âm thanh, hình ảnh, thương mại điện tử, chia sẻ file, công cụ tìm kiếm và rất nhiều ứng dụng khác. Sự phát triển vượt bậc này của máy tính đã làm cho nó ngày càng trở nên thực dụng và phổ biến hơn (Significance, 2006).

Đã qua thời máy tính chỉ được dùng chủ yếu trong cộng đồng nghiên cứu khoa học và trong văn phòng làm việc của các công ty hay tập đoàn lớn. Phạm vi của máy tính giờ đây đã được mở rộng và ảnh hưởng tới hầu hết mọi người chứ không chỉ gói gọn trong cộng đồng của số ít người làm những nghề sử dụng nhiều máy tính. CNTT đã trở nên phổ biến trong các trường học, thư viện, gia đình, văn phòng, và các doanh nghiệp. Các cửa hàng bán đồ khô ứng dụng CNTT vào hàng loạt các giao dịch điện tử như ghi nợ và các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng. Các cửa hàng sửa chữa ô-tô thì ứng dụng CNTT vào việc phân tích các trục trặc của xe và tìm kiếm phụ tùng từ các nhà buôn. Các ứng dụng mới của CNTT vẫn đang phát triển rất nhanh, trong đó hệ thống giao tiếp trực tiếp qua phần mềm đưa tin là một ví dụ sống động (Significance, 2006).



1.1.1. Tóm tắt lịch sử ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ngoại ngữ

Theo Singhal (1997), việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy ngoại ngữ bắt đầu từ những năm 1960 và 1970 của thế kỉ trước với sự ra đời của một loạt phòng học tiếng trong các tổ chức giáo dục. Một seri cabin với mỗi cabin một cassette đi kèm với micro và một bàn điều khiển trung tâm cho giáo viên giám sát việc tương tác của người học là những gì làm nên một phòng học tiếng truyền thống. Theo đuổi lý thuyết cho rằng người học sẽ học một ngôn ngữ tốt hơn nếu như được làm mẫu và được củng cố, các hoạt động trong phòng học tiếng do đó xoay quanh mô thức gợi mở - phản ứng. Việc luyện tập nhiều lần sẽ giúp cho người học học ngôn ngữ thứ hai đó dễ hơn. Tuy nhiên công nghệ này sớm tỏ ra không hiệu quả. Lí do được đưa ra là các hoạt động thì nhàm chán và tẻ nhạt, tương tác giữa người học và người dạy bị hạn chế, hướng dẫn bị cá nhân hóa và không liên quan, phương tiện nghe thì lủng củng và dễ hỏng mà lại chỉ có mỗi chức năng thu nhận lời nói. Những yếu kém này của các phòng học tiếng đã dẫn đến việc chúng bị từ bỏ và mở ra nhu cầu về một đường hướng mới đối với việc giảng dạy ngoại ngữ. Đường hướng giao tiếp có tên là CALL (học ngôn ngữ với sự trợ giúp của máy tính, tiếng Anh là Computer Assisted Language Learning) đã ra đời.

Cùng với máy tính cá nhân và phần mềm CALL có chất lượng, CALL đã tỏ ra có hiệu quả trong việc làm cho hoạt động dạy và học trở nên dễ dàng hơn. CALL đã nhận được sự tán thưởng không chỉ bởi những ứng dụng rộng rãi như phần mềm học phát âm, học ngữ pháp, từ vựng; phần mềm kiểm tra chính tả; sách bài tập điện tử; các chương trình đọc và viết; và và các phần mềm bản quyền cho phép người dạy tự thiết kế bài tập bổ trợ cho các khóa học ngôn ngữ mà còn bởi những lợi ích vượt trội mà nó đem lại như làm tăng hứng thú của người học (Blake, 1987, dẫn trong Singhal, 1997), tính tương tác và các tính năng về đa phương tiện (Chun và Brandl, 1992 dẫn trong Singhal, 1997), phản hồi tức thì tới người học, họ được làm việc với tốc độ cá nhân, sự tích hợp của âm thanh, đồ họa, video, và ảnh động trong các phần mềm, thông tin trình bày dưới dạng phi tuyến tính cho phép người học có thể lựa chọn những bài tập hay những khái niệm bất kì mà họ mong muốn xem lại (Singhal, 1997).

Mọi thứ đều có hai mặt và CALL cũng không phải là một ngoại lệ. Mặc dù nhận được nhiều sự khen ngợi xong công nghệ mới này cũng gặp phải không ít những chỉ trích (Singhal, 1997). Theo Armstrong & Yetter-Vassot, 1994 (Singhal, 1997) thì nhiều người cho rằng “việc học và luyện tập các qui tắc ngữ pháp của ngoại ngữ thông qua việc làm các bài tập điền vào chỗ trống không có mấy tác dụng trong việc nâng cao khả năng sản sinh ra những phát ngôn đúng ngữ pháp”. Các tác giả cũng chỉ ra rằng “CALL có những sự cứng nhắc trong khi ngôn ngữ tự nhiên lại có tính phức tạp. Chẳng hạn một phần mềm thiết kế để luyện tập chia động từ tiếng Pháp thì cũng chỉ phục vụ cho duy nhất mục đích đó và không làm được gì khác nữa”.

Tuy nhiên Singhal (1997) cho rằng lĩnh vực phát triển phần mềm CALL thời gian gần đây đã bắt đầu có những chuyển biến đáng khích lệ và đầy hứa hẹn. Các hoạt động dựa trên nhiệm vụ mang tính giao tiếp và xác thực hơn được giới thiệu nhờ có sự ra đời của các phần mềm và video mang tính tương tác. Điều này cũng phù hợp với các quan điểm lý thuyết và sư phạm hiện hành về việc học tập.

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu như không nhắc đến tầm ảnh hưởng của một công cụ kĩ thuật rất hiện đại trong giảng dạy ngoại ngữ là internet. “Mạng internet là công cụ mới nhất trong hàng loạt các thành tựu công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực giảng dạy ngoại ngữ” (Singhal, 1997). Sự xuất hiện của mạng internet đã tạo ra ảnh hưởng lớn đối với việc dạy và học ngoại ngữ. “Không chỉ có máy tính và đĩa CD-ROM có thể giúp người giáo viên trong việc dạy ngôn ngữ hàng ngày mà cả những công nghệ giao tiếp mới mà internet mang lại như mạng toàn cầu, thư điện tử hay chat v.v…” (Board, 2006).



1.1.2. Lịch sử của CALL (dạy học ngoại ngữ với sự trợ giúp của máy tính)

Warschauer (1996) cho rằng cho đến tận gần đây thì CALL (dạy học với sự trợ giúp của máy tính) vẫn là một chủ đề chủ yếu liên quan đến những người quan tâm đến lĩnh vực này. Tuy nhiên gần đây máy tính đã trở nên phổ biến trong trường học và các gia đình và ứng dụng của nó đã mở rộng tới mức mà hầu hết các giáo viên ngôn ngữ bây giờ đã phải bắt đầu suy nghĩ về những tác động của máy tính đối với việc học ngôn ngữ.

Mặc dù CALL đã từng bước phát triển hơn 30 năm qua nhưng Warschauer (1996) chia sự phát triển này làm 3 giai đoạn rõ ràng mà ông gọi là CALL hành vi (Behavioristic CALL), CALL giao tiếp (Communicative CALL), và CALL hợp nhất (Integrative CALL) (Barson & Debski, 1996). Ông cho rằng sự xuất hiện của một giai đoạn mới không nhất thiết kéo theo việc phản đối các chương trình hay phương pháp của một giai đoạn trước đó mà thường thấy là cái cũ được sát nhập với cái mới. Ngoài ra, các giai đoạn không ngay lập tức giành được vị trí thống trị mà giống như tất cả các đổi mới khác, chúng có được sự chấp nhận một cách từ từ và không đồng đều.

CALL hành vi (Behavioristic CALL)

Giai đoạn đầu tiên của CALL, được nhận biết vào những năm 1950 và được ứng dụng vào những năm 1960 và 1970 và được bắt nguồn từ lý thuyết hành vi về học tập đang chiếm ưu thế thời bấy giờ. Các chương trình của giai đoạn này kéo theo các bài luyện ngôn ngữ lặp đi lặp lại và cũng có thể được xem như là “luyện tập và củng cố”.

Các phần mềm luyện tập và củng cố lấy máy tính làm người hướng dẫn (Taylor, 1980 dẫn trong Warschauer, 1996). Nói cách khác, máy tính phục vụ như là một phương tiện truyền tải tài liệu giảng dạy tới người học. Cơ sở lý thuyết đằng sau việc luyện tập và củng cố này không hoàn toàn không có lý giúp giải thích một phần cho việc các bài luyện tập CALL vẫn còn được sử dụng tới tận ngày nay. Nói một cách ngắn gọn thì cơ sở lý thuyết đó gồm những luận điểm sau:


  • Việc được tiếp xúc một cách lặp đi lặp lại với cùng một tài liệu sẽ có lợi và là thiết yếu cho việc học.

  • Máy tính là một công cụ lý tưởng cho việc thực hiện các bài luyện tập lặp đi lặp lại vì máy tính không biết nhàm chán với việc trình bày tài liệu lặp đi lặp lại và nó cũng cung cấp thông tin phản hồi ngay tức khắc mà không hề phán xét.

  • Máy tính có thể trình bày tài liệu trên cơ sở cá nhân, cho phép người học có thể làm việc theo tiến độ cá nhân và tiết kiệm thời gian trên lớp cho những hoạt động khác.

Dựa trên những ý tưởng này, một số lượng lớn các hệ thống dạy học CALL đã được phát triển cho những máy tính lớn thời bấy giờ. Trong số những hệ thống đó thì hệ thống tinh vi nhất phải kể đến PLATO chạy trên phần cứng PLATO đặc biệt của riêng nó, bao gồm máy tính trung tâm và các máy trạm. Hệ thống PLATO bao gồm các bài luyện từ vựng, các bài luyện ngữ pháp ngắn kèm với giải thích, các bài kiểm tra về dịch thuật (Ahmad, Corbett, Rogers, & Sussex 1985, trích trong Warschauer, 1996).

Vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 CALL hành vi đã bị suy yếu bởi hai yếu tố. Trước hết, các đường hướng tiếp cận hành vi đối với việc học ngôn ngữ đã bị phản đối ở cả cấp độ lý thuyết và sư phạm. Thứ hai, sự ra đời của máy tính cá nhân đã cho phép thực hiện nhiều hoạt động phong phú hơn. Và sân khấu đã được nhường lại cho một giai đoạn mới của CALL.




tải về 2.34 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương