CUỘc họp kỹ thuật hội nghị CÔng vụ asean lần thứ 11 30-31 tháng 10 năm 2002, tại thành phố Hồ Chí Minh BÁo cáo cuộc họp kỹ thuậT



tải về 102.55 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.09.2016
Kích102.55 Kb.
#31776
CUỘC HỌP KỸ THUẬT HỘI NGHỊ CÔNG VỤ ASEAN LẦN THỨ 11

30-31 tháng 10 năm 2002, tại thành phố Hồ Chí Minh


BÁO CÁO CUỘC HỌP KỸ THUẬT

HỘI NGHỊ CÔNG VỤ ASEAN LẦN THỨ 11

30 - 31 tháng 10 năm 2002, Thành phố Hồ Chí Minh

Cuộc họp Kỹ thuật Hội nghị Công vụ ASEAN lần thứ 11 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ 30 – 31 tháng 11 năm 2002.


Chương trình cuộc họp được nêu trong Phụ lục 1.
Cuộc họp có sự tham gia của các đại biểu từ Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Ban Thư ký ASEAN. Một số quan sát viên đại diện cho các tổ chức cũng tham dự. Danh sách đại biểu được nêu trong Phụ lục 2.
Cuộc họp được tiến hành dưới sự chủ toạ của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Điều, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam.

LỄ KHAI MẠC VÀ DIỄN VĂN CHÀO MỪNG
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Điều, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam thay mặt cho Bộ Nội vụ và Chính phủ Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự cuộc họp Kỹ thuật của Hội nghị ACCSM lần thứ 11. Thứ Trưởng thông báo việc đổi tên Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ trước đây thành Bộ Nội vụ, song cơ quan vẫn giữ nguyên vai trò chính là xây dựng bộ máy hành chính nhà nước và quản lý nền công vụ. Toàn văn diễn văn chào mừng được nêu trong Phụ lục 3.
Chương trình Nghị sự của cuộc họp được nêu trong Phụ lục 1.
PHẦN 1: Thảo luận Tài liệu Tăng cường Giá trị Hợp tác ACCSM
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Điều, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam trình bày tài liệu Tăng cường Giá trị Hợp tác ACCSM do Việt Nam chuẩn bị, được nêu trong Phụ lục 4.
Cuộc họp bày tỏ sự ủng hộ Tài liệu Tăng cường Giá trị Hợp tác ACCSM, đó là cơ sở tốt để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, và để thảo luận sâu hơn nữa.
Với tư cách là nước chủ nhà của ACCSM lần thứ 11, Việt Nam mong muốn đề xuất tăng cường một số hoạt động củng cố các Trung tâm nguồn ASEAN như: (i) tăng cường hiệu quả và tính thích hợp của các hoạt động của Trung tâm nguồn giúp các nước thành viên ứng dụng các sáng kiến đưa ra tại các cuộc hội thảo và các khoá đào tạo của Trung tâm nguồn, và các Trung tâm nguồn cần chuẩn bị kế hoạch hành động cho cả nhiệm kỳ 2 năm của ACCSM; (ii) các trung tâm nguồn ASEAN cần hợp tác chặt chẽ và thường xuyên hơn nữa nhằm giảm chi phí hoạt động của trung tâm nguồn thông qua việc chia sẻ hoạt động và nguồn lực, và có thể chia sẻ chi phí nếu có thể; (iii) cần đưa lên mạng một cơ sở dữ liệu để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với danh sách các chuyên gia trong lĩnh vực công vụ theo từng chủ đề của trung tâm nguồn.
Trong bài trình bày về chủ đề Tăng cường Giá trị Hợp tác ACCSM, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Điều đã nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác song phương giữa các nước thành viên ACCSM, hợp tác ACCSM cần hướng tới hội nhập ASEAN và đề cập tới Dự án “Tăng cường Năng lực trong nền công vụ cho các nước CLMV”.
PHẦN 2: Trình bày của Ban Thư ký ASEAN về Dự án "Tăng cường năng lực cho nền công vụ của các nước CLMV"

Ông Pratap Parameswaran- Ban Thư ký ASEAN đã trình bày một số điểm về dự án "Tăng cường năng lực cho nền công vụ của các nước CLMV". Ban Thư ký ASEAN phối hợp thực hiện dự án kể cả đào tạo giảng viên cho các nước CLMV. Để đáp ứng đề nghị của Thái lan và Singapore, một danh sách các lĩnh vực ưu tiên đào tạo đã được cung cấp cho các đại biểu. (Toàn bộ phần này được nêu trong Phụ lục 7). Các nước CLMV cần đưa ra những nhu cầu chi tiết và cụ thể hơn của từng nước và sau đó gửi những đề xuất đào tạo lên Ban Thư ký ASEAN để xem xét. Vai trò của Ban Thư ký ASEAN là khuyến khích các nhà tài trợ tăng cường đào tạo theo yêu cầu của các nước CLMV. Sự hỗ trợ có thể sẽ từ ASEAN 6 và cũng có thể từ các đối tác ASEAN hay các tổ chức quốc tế khác.


Ông Pratap Parameswaran đã nhấn mạnh rằng Thái lan, Singapore và Philippines bày tỏ mong muốn sẵn sàng hỗ trợ các nước CLMV trong lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
PHẦN 3: Thảo luận về Tăng cường Giá trị Hợp tác ACCSM của đại biểu các nước
Cuộc họp đã bày tỏ rằng các nước ASEAN nhất định như Thái lan, Singapore, Philippines, Malaysia và Brunei Darussalam sẵn sàng hỗ trợ thông qua các dịch vụ đào tạo cho các nước CLMV trong chương trình hợp tác của các tổ chức đào tạo của nền công vụ.
Cuộc họp cũng bày tỏ rằng Lào chấp nhận đề xuất của Việt Nam rằng Lào sẽ là trung tâm cho các hoạt động phát triển nguồn nhân lực tại ASEAN, đặc biệt xây dựng năng lực cho nền công vụ các nước CLMV. Cần làm rõ vai trò chính của người liên lạc. Các thành viên của các nước ASEAN khác cũng nhất trí ý tưởng trên.
Cuộc họp đã ghi nhớ rằng Thái lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Brunei Darussalam sẽ gửi những đề xuất hỗ trợ của họ cho các nước CLMV tới Ban Thư ký ASEAN thông qua cơ quan Bộ Ngoại giao. Khả năng hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN là rất quan trọng.
PHẦN 4: Trình bày báo cáo cập nhật tình hình hoạt động trung tâm nguồn ASEAN, Dự án ACCSM và sáng kiến ACCSM
Cuộc họp đã nghe các nước thành viên trình bày báo cáo cập nhật tình hình hoạt động của trung tâm nguồn ASEAN, dự án ACCSM, và các sáng kiến ACCSM, nội dung được nêu trong phần Phụ lục 6.
BRUNEI DARUSSALAM
Ông Haji Sapawi bin Bolhassan đã trình bày 3 dự án/sáng kiến ACCSM của Brunei Darussalam: (i) Nghiên cứu so sánh về công nghệ thông tin, (ii) Hội thảo: Quản lý Chính phủ điện tử trong nền Công vụ ASEAN, và (iii) Hội thảo: Quản lý sự thay đổi trong việc thực hiện Chính phủ điện tử trong nền Công vụ. Hội thảo thứ nhất là sự tổng hợp các thực tiễn công nghệ thông tin ở khu vực ASEAN. Hội thảo thứ hai được tổ chức như một cuộc hội thảo của những nhà quản lý công nghệ thông tin. Hội thảo tiến hành song song với tiến trình công nghệ thông tin ở các nước ASEAN, đưa công nghệ thông tin vào chương trình quốc gia và với những nỗ lực hướng tới chính phủ điện tử.
Dự án thứ ba như đã đề cập ở trên liên quan đến thực tế là Chính phủ điện tử tạo điều kiện cho chính quyền làm việc gần gũi với khu vực tư và với công dân hơn, tạo khả năng nhất trí lớn hơn đối với ứng dụng Internet và chuyển giao dịch vụ. Các cơ quan chính quyền dần dần nhận thấy rằng xây dựng mạng thông tin nội bộ là không đủ đáp ưngs. Mạng thông tin của chính phủ tạo ra những mong muốn và yêu cầu mới đối với dịch vụ của chính phủ. Lãnh đạo thực hiện thành công chính phủ điện tử yêu cầu có sự kết hợp của kỹ thuật, kinh tế xã hội, các kỹ năng quản lý và kiến thức thực tế. Việc khởi xướng Chính phủ điện tử vì thế phải đặt trong bối cảnh của tiến trình biến đổi chính phủ rộng lớn mà trọng tâm là nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực, trong sạch và trách nhiệm của hoạt động chính phủ và sẵn sàng chia sẻ thông tin. Nhân tố thành công quan trọng trong chính phủ điện tử tuỳ thuộc vào việc quản lý sự thay đổi trong khi thực hiện. Dự án này dự định sẽ được thực hiện vào năm 2003.
CAMPUCHIA
Ông Sung Vinntik đã trình bày tóm tắt về việc thành lập Trung tâm nguồn ASEAN của Campuchia. Mặc dù có nhiều khó khăn, Campuchia đã cố gắng thành lập trung tâm nguồn ASEAN lấy tên là “Trung tâm nguồn ASEAN về Tăng cường Năng lực”. Trung tâm nguồn ASEAN của Campuchia đã được Chính phủ Hoàng Gia Campuchia thông qua, là một cơ quan Chính phủ đặt dưới sự giám sát của Uỷ Ban Công vụ Quốc gia và trực tiếp điều hành bởi Quốc Vụ viện bộ phận phụ trách về công vụ. Một số mục tiêu quan trọng nhất của Trung tâm nguồn ASEAN của Campuchia là hỗ trợ Campuchia và các nước thành viên ASEAN trong lĩnh vực công vụ, tạo điều kiện cho việc tăng cường năng lực và đào tạo cán bộ công chức của Campuchia, là trung tâm cơ sở dữ liệu để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với các nước ASEAN khác, và là đầu mối thực hiện và duy trì hỗ trợ trong lĩnh vực công vụ từ Chính phủ Hoàng Gia Campuchia, các nước thành viên ASEAN và các nhà tài trợ khác.
INDONESIA
Ông Sumaryono đã tóm tắt tại cuộc họp về tình hình hoạt động của Trung tâm nguồn ASEAN có tên gọi “ARCIE”. Đặt trong văn phòng của Cơ quan Tuyển dụng và Đào tạo Quốc gia, Trung tâm nguồn ASEAN đã thực hiện dự án “Trang Web của ARCIE”. Mục tiêu chính của dự án này là đảm bảo việc trao đổi thông tin, đặc biệt là những vấn đề công vụ giữa các nước ASEAN và được xem xét là khá hiệu quả.
LÀO
Ông Singthavone Dalavong đã trình bày về Trung tâm nguồn ASEAN của Lào với chủ đề “Quản lý thực thi công việc trong nền công vụ”. Trung tâm đã thực hiện một dự án về “Mô tả công việc”. Mô tả công việc được coi là vấn đề mấu chốt nhằm tăng cường quản lý trong nền công vụ, đặc biệt là tăng cường việc tuyển dụng. Trước đây, do không mô tả công việc đầy dủ, việc tuyển dụng chưa được các bộ tiến hành tốt, có ảnh hưởng không tốt đến việc bố trí và thực thi công việc sau tuyển dụng. Mục tiêu chính là tăng cường năng lực cán bộ, công chức, những người chịu trách nhiệm cải tiến chất lượng hoạt động của tổ chức và quản lý nhân sự. Những cuộc tập huấn ngắn hạn về viết mô tả công việc đã được tổ chức ở cả cấp trung ương và địa phương cho 360 người trong đó có 50 nữ. Các cơ quan thí điểm đã được xác định và những quy định thể chế nhất định đã được thiết lập để thực hiện mô tả công việc.
MALAYSIA
Ông Ghazali Bin Derahman đã tóm tắt việc thực hiện Trung tâm nguồn ASEAN của Malaysia về Nghiên cứu tình huống giao cho Học viện Hành chính Quốc gia INTAN từ năm 1995. Mục tiêu chính của Trung tâm nguồn ASEAN là dành cho cán bộ công chức khu vực ASEAN học cách viết và biên tập nghiên cứu tình huống vì mục tiêu giáo dục và đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức thông qua các nghiên cứu tình huống từ khu vực ASEAN và các nước khác, tiếp cận và sử dụng các nghiên cứu tình huống và các nguồn tài liệu khác thông qua Trung tâm nguồn ASEAN về Nghiên cứu tình huống trực tuyến trên mạng Internet (từ tháng 1 năm 1998), và sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống nhằm mục đích dạy và học. Tổng số 26 nghiên cứu tình huống đã được xây dựng, là kết quả của hai cuộc hội thảo về Nghiên cứu Tình huống, được tổ chức lần lượt vào năm 2001 và 2002.
Trang Web của Trung tâm nguồn ASEAN về Nghiên cứu Tình huống, có thể được tiếp cận thông qua trang chủ của INTAN theo địa chỉ http://www.intanbk.intan.my , và có thể được các nước ASEAN tiếp cận ở trang chủ: www.arcie-asean.org vào đầu năm 2003, cũng là một điểm đăng ký của các Nghiên cứu tình huống bao gồm những tóm tắt của tất cả các nghiên cứu tình huống cũng như thông tin khác liên quan đến tình huống. Ngoài các chương trình đào tạo về viết tình huống, Trung tâm nguồn ASEAN còn cung cấp các nghiên cứu tình huống tích cực trực tuyến trên mạng Internet. Từ năm 2003 trở đi, INTAN sẽ tổ chức Hội thảo về Nghiên cứu tình huống mỗi năm một lần dưới sự điều hành của MRCP.

MYANMAR
Ông U Wai Myint đã giới thiệu những Dự án Trung tâm nguồn ASEAN của Myanmar, bao gồm cả IAI " Dự án tăng cường năng lực trong công vụ của các nước CLMV". Ban Tuyển dụng và đào tạo Công vụ Myanmar hiện nay đang quản lý 2 tổ chức đào tạo nhân sự. Theo chương trình IAI, đã triển khai một hoạt động của chương trình đào tạo cấp trung. Đây là một dự án kéo dài trong nhiều năm và được thực hiện theo từng giai đoạn. Sẽ tổ chức một cuộc Hội thảo về tăng cường năng lực trong nền công vụ Myanmar vào 20-25 tháng 11 năm 2002, dưới sự tài trợ của CSSTB phối hợp với Quỹ Hoà Bình Sasakawa (SPF) Nhật bản. Các cán bộ nguồn từ Singapore, Malaysia, Thái lan và Myanmar sẽ tham dự hội thảo này, và 120 nhân sự bậc trung từ các cơ quan chính quyền cũng sẽ tham dự và được bồi dưỡng thông qua thảo luận nhóm và trình bày nhóm.


PHILIPPINES
Ông Nelson L. Acebedo đã tóm tắt với cuộc họp về những kiểm nghiệm Hệ thống chức nghiệp được áp dụng cho các ứng cử viên thích hợp cho Cấp bậc thứ ba. Các vị trí chức nghiệp được xếp theo thứ tự thấp dần như sau: (i) Thứ trưởng- vị trí thấp hơn Bộ trưởng, (ii) Trợ lý Bộ trưởng- phó của Thứ trưởng, (iii) Vụ trưởng, (iv) Trợ lý Vụ trưởng, (v) Trưởng ban, (vi) Trợ lý trưởng ban, (vii) Trưởng phòng, và (viii) những nhà quản lý khác của chính phủ và của các cơ quan trực thuộc chính phủ.
Trong hệ thống chức nghiệp, những chức danh đương nhiệm hay có triển vọng cần phải qua 2 kỳ thi có tên là: (i) kỳ thi nghiệp vụ do Ban Công vụ Philippine ra đề, và (ii) kỳ thi nghiệp vụ do Ban Nghiệp vụ ra đề. Trưởng ban Công vụ Philippine cũng kiêm luôn chức Chủ tịch Ban Nghiệp vụ. Vì vậy, tiêu chuẩn của 2 kỳ thi được đánh giá như nhau.
Kỳ thi do Ban Nghiệp vụ ra đề bao gồm: (i) bộ đề thi về khả năng quản lý; (ii) Đánh giá khả năng và năng lực quản lý- bộ bài tập về giả định quản lý; nếu qua kỳ thi này thì ứng cử viên đủ chất lượng cho bước 3; (iii) một người của Ban Nghiệp vụ phỏng vấn; và (iv) Sự phê chuẩn có khả năng quản lý thông qua phỏng vấn với những cán bộ cấp cao, cán bộ cấp dưới, cấp tương đương và một số khách hàng. Kỳ thi của Ban Nghiệp vụ gồm 2 giai đoạn: thi viết và thi nói. Chỉ những người qua được thi viết thì mới được thi nói. Thời gian thi nói thường được xếp lịch 2-3 tháng sau khi thi viết. Những người qua được kỳ thi viết được thông báo thời gian thi nói đồng thời với kết quả thi viết. Bài thi viết kéo dài 3 giờ đồng hồ với 220 đề mục. Điều này sẽ đánh giá được năng lực của tiềm năng quản lý trong Chính phủ trong những lĩnh vực sau: (i) nghệ thuật giao tiếp, (ii) suy luận logic và phân tích dữ liệu, (iii) nhận thức về quản lý và lãnh đạo, và (iv) hiểu biết về xã hội.
Để qua được kỳ thi, những người dự thi phải đạt được tổng số điểm ít nhất là tương đương với số điểm theo mức qui định. Bắt đầu từ ngày 18-11-2001, kỳ thi Nghiệp vụ do ban công vụ ra đề đã đặt ra tiêu chuẩn mới. Từ đó đến nay, một người dự thi được coi như đã qua giai đoạn viết bài nghiệp vụ khi người đó đạt tổng số điểm ít nhất là tương đương với số điểm theo qui định với mức không dưới 45% của tất cả 4 khả năng đã nêu ở trên. Tiêu chí thứ hai này đảm bảo cho Ban công vụ Philippine là các ứng cử viên cho giai đoạn phỏng vấn có sự cân bằng về 4 khả năng mà Ban Công vụ Philippine yêu cầu đối với những người có tiềm năng quản lý.
Giai đoạn phỏng vấn nghiệp vụ: tất cả các ứng cử viên của giai đoạn phỏng vấn là những người đã qua giai đoạn viết. Phỏng vấn đề đánh giá 4 khả năng sau: (i) khả năng lãnh đạo- kiến thức về khía cạnh điều hành hoạt động công việc và môi trường, và khả năng sử dụng mối quan hệ nhân sự bên trong để khuyến khích và hướng dẫn mọi người tiến tới đạt được mục đích của tập thể và của cá nhân; (ii) thực hiện giám sát hiệu lực và hiệu quả- khả năng làm việc với các cá nhân, với các nhóm và những người khác để đạt được mục tiêu tổ chức với hiệu quả và hiệu lực cao; (iii) hiệu quả nhân sự- đạo đức và chuẩn mục công việc; 9iv) kiến thức xã hội- nhận thức và nhạy cảm với vấn đề xã hội hay vấn đề ảnh hưởng đến nền công vụ và xã hội; và (v) kỹ năng giao tiếp bằng lời nói- khả năng hiểu những câu hỏi và diễn đạt của bản thân một cách logic, mạch lạc, thuyết phục và hiệu quả. Bước đột phá trong tương lai đó là sự đổi mới có thể thực hiện được nhất hiện nay cho Kỳ thi nghiệp vụ là xây dựng đề thi với sự hỗ trợ của máy tính, và như là một tiêu chuẩn nghiệp vụ, Ban Công vụ Philippine tin rằng những người có khả năng này cũng được chấp nhận sử dụng công nghệ hiện nay.
SINGAPORE
Ông Cheang Kok Chung đã giới thiệu với cuộc họp về hoạt động của Trung tâm nguồn ASEAN của Singapore với chủ đề “Diễn đàn Lãnh đạo Khu vực Công”. Diễn đàn gần đây nhất đã được tổ chức từ 27 – 30 tháng 8 năm 2001 tại Singapore. Với chủ đề “Tuyển dụng, duy trì và học hỏi”, diễn đàn này đã được Trường Công vụ Singapore và Trung tâm Phát triển Quản lý Canađa đồng tổ chức. Ông cũng thông báo kế hoạch tổ chức diễn đàn năm 2003 của Singapore (dự kiến tổ chức vào tháng 7) với chủ đề dự kiến là “Những thách thức của toàn cầu hoá đối với quản trị đất nước (governance) trong khu vực công”, và các tiểu chủ đề trong đó như tác động của toàn cầu hoá đối với sự gắn kết xã hội, tác động của những hiệp định đa phương như WTO, về quản trị chính quyền địa phương. Như thông lệ, các quan chức cấp cao trong khu vực công của các nước ASEAN và một số nước có lựa chọn trong khu vực sẽ được mời tham dự.
THÁI LAN
Ông Somphoc đã trình bày tóm tắt về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực giữa Văn phòng Ban Công vụ và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ Việt Nam thông qua Dự án “Tăng cường hiệu quả nền hành chính trong nền kinh tế chuyển đổi”. Trong khuôn khổ Dự án này, có bốn chuyến nghiên cứu khảo sát và khoá đào tạo đã được tổ chức cho các công chức của Việt Nam, tại Thái Lan, đó là Khảo sát về hệ thống cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, Đào tạo về thiết kế và tiến hành các chương trình đào tạo tại Trường Đào tạo của Thái Lan, Khảo sát về cải cách và quản lý sự thay đổi), và một khoá học đã được tổ chức tại Việt Nam, đó là khoá học giới thiệu về hệ thống đào tạo công chức của Thái Lan.
Ông Somphoc đã giới thiệu tại cuộc họp về Chương trình Đào tạo Thạc sĩ về Quản lý Khu vực Công (Khoá học dành cho quốc tế). Kết quả của sự hợp tác giữa Học viện Đào tạo Công vụ của Thái Lan với Trường Đại học Tổng hợp Mahidol, khoá học đầu tiên sẽ bắt đầu vào tháng 1 năm 2003. Khoảng 40 – 50 sinh viên sẽ được đào tạo hàng năm trong vòng 3 năm. Để duy trì cơ chế hoạt động cho chương trình này mỗi năm sẽ có thêm chương trình học bổng của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, hợp tác giữa Chính phủ – với Chính phủ để công chức có thể tham dự chương trình và hợp tác với các cơ quan tài trợ.
Ông Somphoc đã trình bày tóm tắt tại cuộc họp Chương trình “Phát triển Lãnh đạo Làn sóng Mới trong nền công vụ Thái Lan – 2002” bắt đầu từ năm 1998 nhằm tăng cường việc học tập cho các học viên. Chương trình giới thiệu những kỹ thuật học khác nhau như huấn luyện trong công việc, ứng dụng nghiên cứu tình huống, quản lý xung đột, học qua thực hành, kế hoạch phát triển sự nghiệp. Khoảng 120 nhà lãnh đạo tiềm năng trong nền công vụ đã tham gia chương trình này.
VIETNAM
Ông Phạm Văn Điềm đã trình bày trong cuộc họp về Dự án “Tăng cường Quản lý Nhân sự trong công vụ”. Dự án này do SIDA Thuỵ Điển tài trợ không chỉ cho các cơ quan quản lý nhân sự trung ương như Bộ Nội vụ mà còn mở rộng tới cả những cán bộ làm công tác quản lý nhân sự ở các tỉnh, thành phố, các bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ trên cả nước. Những lĩnh vực chính của dự án là chính sách nhân sự, tổ chức và phương pháp xác định biên chế, nhân sự, hệ thống đào tạo trong công tác và hệ thống thông tin quản lý nhân sự.
Ông cũng tóm tắt cuộc Hội thảo ASEAN về "Cách tiếp cận đào tạo và Phát triển của công chức ASEAN trong giai đoạn chuyển đổi" được tổ chức tại Hà nội vào 26-27 tháng 6 năm 2002.
PHẦN 5: Trình bày Bài chia sẻ kinh nghiệm
Cuộc họp đã nêu những bài trình bày chia sẻ kinh nghiệm của các nước thành viên trong phần Phụ lục 7.
Indonesia
Cơ quan Công vụ Quốc gia (NCSA) và Hệ thống Thông tin Quản lý Công vụ của Cộng hoà Indonesia (CSMISRI)
Ông Sumaryono, Trưởng phòng Kế hoạch và Kỹ thuật, Trợ lý Cơ quan Công vụ Quốc gia đã trình bày với Hội nghị về nhiệm vụ của NCSA (trước đây là Cơ quan Quản lý Công vụ Quốc gia-ANCSA). Về chính sách thể chế, theo chính sách quốc gia về Tự trị khu vực quy định trong Luật số 22 năm 1999, hầu hết các chức năng liên quan đến thể chế và thẩm quyền của trung ương đã được phân cấp cho Chính quyền khu vực và điạ phương, vì vậy một số chức năng trước đây của NCSA cũng bị ảnh hưởng và giảm đi, dẫn đến việc cơ cấu lại tổ chức nội bộ của NCSA. NCSA chịu trách nhiệm tăng cường khả năng nguồn nhân lực trong khu vực công thông qua việc thiết kế lại các chương trình đào tạo và giáo dục giúp cán bộ công chức có được bằng thạc sĩ và tiến sĩ ở các trường đại học của nhà nước, nhằm đạt mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn hoá trong khu vực công. NCSA cũng chịu trách nhiệm tăng cường và sử dụng tối ưu hệ thống CSMISRI thông qua một dự án do ADB hỗ trợ, bằng cách thay thế phần cứng và mở rộng hệ thống mạng.
NCSA dự kiến cung cấp dữ liệu nhanh và chính xác vì vậy CSMISRI chính là xương sống của hệ thống lưu và xử lý dữ liệu trong nền công vụ. Mục tiêu của CSMISRI là (i) đảm bảo độ chính xác của thông tin nhân sự, (ii) tạo điều kiện tiếp cận thông tin nhân sự, (iii) tăng cường đảm bảo dữ liệu nhân sự, (iv) tăng tốc độ xử lý dữ liệu nhân sự, và (v) phát triển cơ sở dữ liệu để có thể chia sẻ giữa các cơ quan chính phủ. Hiện tại, CSMISRI đang có những thách thức và cơ hội để phát triển hơn nữa trong tương lai.
Malaysia
Tăng cường năng lực của khu vực công Malaysia
Ông Md. Alias B. Hj. Kalil đã trình bày về Tăng cường năng lực khu vực công Malaysia. Bài trình bày được nêu trong Phụ lục 7. Chính sách phát triển quốc gia (Tầm nhìn năm 2020) của Malaysia với nguyên tắc nhấn mạnh vào việc xây dựng tính mềm dẻo và tính cạnh tranh. Vấn đề này bao gồm việc tạo dựng một xã hội phù hợp, duy trì tăng trưởng kinh tế, đáp ứng cạnh tranh toàn cầu, xây dựng một nền kinh tế tri thức, tăng cường phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo sự bền vững của môi trường. Thực tế thành công của Tầm nhìn năm 2020 là xoay quanh việc thực hiện thành công 9 thách thức của Malaysia, đó là: tạo dựng một quốc gia Malaysia thống nhất với danh tiếng chung và chia sẻ, xây dựng một xã hội Malaysia tự do và phát triển, khuyến khích và xây dựng một xã hội dân chủ nhân dân, xây dựng một xã hội có phẩm chất và đạo đức, xây dựng một xã hội tự do và bác ái, xây dựng một nền văn hoá khoa học và bảo tồn, đảm bảo một xã hội kinh tế phát triển, và xây dựng một xã hội thịnh vượng.
Kế hoạch phát triển thứ ba (OPP3) (2001-2010) và Kế hoạch phát triển thứ tám của Malaysia (2001-2005) đã nhấn mạnh vào những chiến lược, biện pháp (phát triển nền kinh tế tri thức), tăng cường quản lý, quản lý số lượng, tính ngay thẳng của trách nhiệm và quản lý, quản lý nguồn nhân lực, hợp tác khu vực công-tư, và các chiến lược tăng cường vai trò khu vực công.
Philippines
Tăng cường chuyển giao dịch vụ thông qua hệ thống truyền tin ngắn (SMS): Kinh nghiệm của Philippine
Ông Tomas L. Ramos đã trình bày tóm tắt hệ thống truyền tin ngắn (SMS) do Ban Công vụ Philippine sử dụng để tổng hợp những thông tin như là một công cụ để thu thập các phản hồi của công dân về dịch vụ chính phủ, và dự án của Ban Công vụ (TEXTCSC). Nguyên tắc chính của dự án này là cung cấp công cụ cho mọi người trao đổi công việc với bất kỳ một cơ quan chính quyền nào để (i) thực hiện, gưỉu báo cáo cho Ban Công vụ, và (ii) yêu cầu cung cấp thông tin về các cơ quan chính quyền và các chương trình và dịch vụ đối với Ban Công vụ. Dự án đã tạo điều kiện cho khách hàng có thể gửi thông điệp, yêu cầu trợ giúp. Dự án do một đơn vị đặc biệt trong Ban Công vụ Philippine điều hành có nhiệm vụ thu thập thông tin và phân loại thành (a) các vấn đề về chính sách, chwong trình và dịch vụ của Ban Công vụ Philippine và của các cơ quan chính quyền khác; (b) yêu cầu trợ giúp dịch vụ của một cơ quan chuyên trách; (c) khiếu nại về những sai lầm hay những bất hoà của nhân viên nhà nước; (d) những khuyến nghị đối với các cơ quan/người tuyển dụng; và (e) những gợi ý hay những ý tưởng tăng cường chuyển giao dịch vụ.
Việc kiểm nghiệm thí điểm dự án, báo cáo thực hiện, tóm tắt những báo cáo và thông tin thu được, việc thực thi theo báo cáo được thảo luận một cách chi tiết. Dự án đã được đánh giá tốt và phù hợp, tuy nhiên cũng có một số tồn tại. Hướng phát triển của dự án là tăng cường hơn nữa việc sử dựng TEXTCSC vì lợi ích của Ban Công vụ Philippine và của khách hàng.
Singapore
Phát triển tài năng trẻ trong khu vực công
Ông Koh Peng Jek đã chia sẻ kinh nghiệm của Singapore trong việc phát triển tài năng trẻ trong khu vực công. Lý giải việc thu hút tài năng trẻ trong nền công vụ và phát triển họ đã được giới thiệu trước đây, và Singapore có phương pháp tiếp cận và các chương trình để phát triển các cán bộ của Chính phủ trong thời gian họ còn đang học và trong quá trình công tác ban đầu.
Bài trình bày cũng nhấn mạnh những yếu tố lịch sử trong chương trình học bổng Chính phủ của Singapore. Những chương trình học bổng quan trọng đã được xây dựng kể từ khi Singapore dành được độc lập kể từ năm 1959 như Chương trình Học bổng Nhà nước Singapore, Học bổng Yang di-Pertuan Negara năm 1964 (sau đổi tên là học bổng của Tổng thống năm 1966), học bổng quốc tế như Học Bổng Colombo và Học bổng của Pháp, Đức và Nhật Bản dành cho Singapore. Một số học bổng quốc tế đã bị cắt giảm từ những năm 1970, và Singapore bắt đầu tập trung hơn nữa vào việc thành lập các Quỹ học bổng trong nước. Ví dụ như học bổng đào tạo ngoài nước của Lực lượng vũ trang được cấp đầu tiên vào năm 1971, học bổng của lực lượng cảnh sát áp dụng đầu tiên năm 1979, và học bổng nước ngoài dành cho những người có năng lực áp dụng từ năm 1979. Các học bổng của Chính phủ do Uỷ ban công vụ quản lý.
Hiện nay học bổng của Chính phủ vẫn do Uỷ ban công vụ quản lý. Mỗi năm Uỷ ban công vụ cấp khoảng 250 – 300 học bổng chủ yếu cho các sinh viên trẻ của các trường đại học. Các chương trình đào tạo và phát triển cho các cán bộ chính phủ của Singapore cũng được giới thiệu trong cuộc họp, trong đó có chương trình Quản lý bắt đầu từ năm 2002 trong đó có 4 năm nghiên cứu và một năm thực tế. Đáp ứng những thay đổi quan trọng có tác động đến hệ thống học bổng của Chính phủ, ví dụ như ngày càng có nhiều bên cạnh tranh để tuyển chọn những tài năng trẻ, những sinh viên có triển vọng không quan tâm nhiều đến học bổng, và ngày càng có nhiều gia đình Singapore có điều kiện cho con cái đi học ở các trường đại học tiếng tăm ở nước ngoài, khiến cho học bổng của chính phủ không còn hấp dẫn như trước, Chính phủ cần phải giải quyết vấn đề này và chủ động xem xét lại hệ thống học bổng để đảm bảo tính cạnh tranh.
Thái lan
Cải cách Khu vực Công của Thái Lan: Những bài học kinh nghiệm
Ông Somphoch Nophakoon và Bà Chutima Hanpachern đã trình bày về Cải cách Công vụ của Thái Lan. Bài trình bày được nêu trong Phụ lục 7. Điều quan trọng là phải đề cập đến tất cả các lĩnh vực chính trong cải cách khu vực công như đánh giá tình hình hiện tại của cả quốc gia/quốc tế và toàn cầu, chính sách của Chính phủ, trọng tâm của cải cách, nguyên tắc, mục tiêu cải cách, khu vực công mong muốn hướng tới, những nhiệm vụ đặc biệt của cải cách khu vực công, chiến lược cải cách khu vực công, các biện pháp cải cách khu vực công và những ích lợi của cải cách, và nâng cao đạo đức và chống tham nhũng ở khu vực công Thái lan.
Về chính sách của Chính phủ, cải cách cơ cấu, thay đổi vai trò từ kiểm soát sang hỗ trợ, ứng dụng công nghệ mới, đào tạo cán bộ, công chức hiệu quả và minh bạch hơn, cải cách ngân sách là những vấn đề cũng được đề cập đến trong cuộc họp. Trọng tâm cải cách bao gồm việc loại bỏ những công việc không cần thiết, ưu tiên những công việc chính yếu, cải tiến quy trình công việc linh hoạt hơn, thiết lập hệ thống đánh giá hoạt động ở tất cả các cấp, lập ngân sách chiến lược, thiết lập hệ thống trả lương trọn gói tạo sức hấp dẫn hơn, và thu hút nhiều người tham gia. Cải cách khu vực công ở Thái Lan dựa trên nguyên tắc ứng dụng mạng lưới chính phủ (sử dụng công nghệ thông tin và dịch vụ một cửa), quản lý dựa trên kết quả, công chức chuyên nghiệp, cải cách cơ cấu, quyết tâm chính trị mạnh mẽ, mở rộng mạng lưới cải cách khu vực công, tăng cường nhận thức về cải cách của công chúng, ban hành quy định và pháp luật phù hợp tạo điều kiện cho cải cách, quản lý tích cực.
Trong khi các chiến lược cải cách khu vực công là giữ lại những giá trị được đánh giá là tốt, tạo ra và bổ sung thêm những giá trị mới, việc phát triển cán bộ dựa trên hiệu quả và năng lực, thay đổi để đạt được sự bền vững và thu hút sự tham gia của người dân, mục tiêu của cải cách là đáp ứng yêu cầu cạnh tranh thế giới, kiểm soát chi tiêu công cộng, tăng cường khu vực công để khu vực công trở thành một cơ chế hiệu quả thúc đẩy sự phát triển đất nước. Những biện pháp cải cách khu vực công bao gồm phân cấp, phân quyền, hiện đại hoá quy trình công tác, tạo ra các tổ chức công linh hoạt hơn, tinh giản biên chế, tăng lương và thù lao trọn gói, thay đổi ý thức hệ đối với việc thực thi công việc, phát triển hệ thống quản lý dựa trên kết quả, ứng dụng Tiêu chuẩn Tổ chức Công, thiết lập hệ thống ngân sách chiến lược.
Nhằm nâng cao đạo đức và chống tham nhũng của khu vực công Thái lan, đã có nhiều quá trình khuyến khích được đưa ra bao gồm các lĩnh vực như (i) Trung tâm nâng cao đạo đức, (ii) Nghiên cứu, (iii) Đào tạo và phát triển trên cơ sở hoạt động công vụ, Tiêu chuẩn đạo đức và tuân thủ chương trình các nguyên tắc của Hoàng gia, (iv) Tổ chức minh bạch, (v) Quản trị tốt, (vi) Bảo vệ người thi hành công vụ, (vii) Hội thảo quốc gia, và (viii) Nâng cao đạo đức trong khu vực.

Thái lan
Dự án về Xây dựng năng lực cho nền công vụ cho các nước CLMVdo Tổ chức hội nhập ASEAN triển khai-IAI
Bài trình bày được nêu trong phần Phụ lục 7. Kế hoạch của IAI đã được xây dựng tập trung vào 4 lĩnh vực; cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin và giao tiếp, và hội nhập kinh tế khu vực. Thái lan sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN khác để thực hiện kế hoạch IAI để giúp các nước CLMV hoà nhập vào ASEAN. Thái lan vạch ra rằng nền công vụ là một trong những lĩnh vực trong kế hoạch IAI, đó là cơ chế chủ yếu để tăng cường năng lực các nước CLMV có thể đối đầu với vô vàn thử thách naỷ sinh trong quá trình hội nhập. Vì vậy, sau khi xem xét tiềm năng và khả năng, Xây dựng năng lực cho nền công vụ, một chương trình phát triển nguồn nhân lực đã được Thái lan chấp nhận để giúp các nước CLMV đáp ứng những thách thức. Kế hoạch đề xuất của chương trình sẽ gồm 2 hoạt động là tổ chức một cuộc hội thảo và tổ chức 4 khoá đào tạo.
Việt Nam
Những kết quả bước đầu khi thực hiện Khoán Biên chế và Chi phí Hành chính ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Bùi Thiện Tích, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trình bày về việc thực hiện khoán biên chế và chi phí hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh. Toàn văn bài trình bày được đăng trên Phụ lục 7. Thực tiễn triển khai giao chỉ tiêu biên chế và chỉ tiêu hành chính áp dụng cho các cơ quan trong khu vực công trong nhiều năm đã cho thấy một số những điểm yếu và khó khăn nhất định, như chất lượng thực hiện công việc kém, ý thức trách nhiệm kém, thiếu hiệu lực, hiệu quả, kém chủ động, tự chủ và lãng phí v.v... Để giải quyết những vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm khoán biên chế và chi phí hành chính từ cuối năm 2002.
Mục đích và mục tiêu của khoán biên chế và chi phí hành chính là (i) tạo động lực và khuyến khích các cơ quan trong khu vực công chủ động hơn trong việc cơ cấu lại và đơn giản hoá bộ máy hành chính, tổ chức lại lực lượng lao động và giảm biên chế; (ii) khuyến khích và tăng cường ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng công quỹ; và (iii) tăng thu nhập cho cán bộ công chức thực hiện khoán biên chế và chi phí hành chính.
Những kết quả ban đầu và những khó khăn, tồn tại cũng được nhấn mạnh trong trình bày về thực hiện khoán biên chế và chi phí hành chính tại thành phố Hồ Chí Minh. Vì Việt Nam trong lĩnh vực này chưa có tiền lệ, cần học hỏi nhiều từ kinh nghiệm thực hiện của các nước khác.
Việt nam
Xây dựng và ban hành Nghị định mới của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ - một bước quan trọng trong quá trình cải cách hành chính tại Việt Nam.
Toàn văn bài trình bày được đăng trên Phụ lục 7. Tiến sĩ Đinh Duy Hoà, Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính, Bộ Nội vụ, Uỷ viên Ban Thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách Hành chính của Chính phủ đã trình bày trong cuộc họp về cơ cấu lại tổ chức bộ máy nhà nước gần đây, việc thành lập các bộ mới và cơ quan ngang bộ, tách và nhập các bộ, chuyển giao một số chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa các bộ, và việc quan trọng nhất là xây dựng và ban hành nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ và cơ quan ngang bộ mới được cơ cấu lại và đổi tên.
Cơ cấu Chính phủ trước đây của Việt Nam có 23 bộ và 23 cơ quan trực thuộc chính phủ, như vậy có 46 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ. Hiện tại việc xây dựng và ban hành nghị định mới đang được thực hiện, nhiều sáng kiến đổi mới và ý tưởng cải cách đang được hiện thực hoá là kết quả của quá trình này.
Đổi mới cơ cấu tổ chức của Chính phủ là kết quả của một loạt những thay đổi và cải tiến căn bản, đó là sửa đổi Hiến pháp năm 2001, quy định lại chỉ có bộ và cơ quan ngang bộ có chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan trực thuộc chính phủ không còn chức năng này nữa; Luật tổ chức chính phủ sửa đổi năm 2001 quy định thêm hai chức năng mới cho bộ và cơ quan ngang bộ, như vậy bộ có 3 chức năng, đó là quản lý nhà nước ngành trên phạm vi toàn quốc, quản lý cung ứng dịch vụ trong ngành và đại diện sở hữu phần vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp. Quốc Hội khoá 11 thông qua cơ cấu chính phủ mới vào tháng 7-8 năm 2002, trong đó có 26 bộ và 13 cơ quan trực thuộc chính phủ, xác định và loại bỏ chồng chéo về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, phân cấp mạnh hơn nữa, tạo cơ hội xác định lại cơ cấu tổ chức nội bộ các bộ, cơ quan ngang bộ cả về tổ chức và nhân sự, biên chế.
PHẦN 6: Trình bày của Brunei Darussalam về việc chuẩn bị Hội nghị ACCSM lần thứ 12
Toàn văn bài trình bày được đăng trong phần Phụ lục 10. Brunei Darussalam với tư cách là nước chủ nhà của ACCSM lần thứ 12 mời tất cả các nước thành viên ACCSM tham dự Hội nghị tại Bandar Seri Begawan vào năm 2003. Chương trình dự kiến và địa điểm của cuộc họp như sau: (i) Cuộc họp trù bị ACCSM sẽ được tổ chức vào tháng 4 năm 2003 tại Khách sạn Centerpoint; (ii) Hội nghị ACCSM lần thứ 12 dự kiến tổ chức vào tháng 10 năm 2003 tại Khách sạn Empire Hotel và Country Club; cuộc họp Kỹ thuật và cuộc họp không chính thức những người đứng đầu công vụ của ACCSM 12 sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm 2004 và địa điểm chưa được xác định. Chủ đề đề xuất cho Hội nghị ACCSM lần thứ 12 là: "Chính phủ điện tử: Cơ hội phát triển quốc gia và hiện đại hoá khu vực công".
Một Ban Điều hành Hội nghị đã được thành lập chuẩn bị cho hội nghị ACCSM 12 do Dato Paduka Hj Hazair bin Hj Abdullah, Thư ký Thường trực Văn phòng Thủ tướng làm Trưởng ban. Ban Dịch vụ Quản lý được chỉ định là Ban Thư ký của Ban Điều hành. Địa Chỉ liên hệ là Trưởng Ban Quản lý, Bangunan Bahirah, Jalan Menteri Besar, Bandar Seri Begawan BB3970, Brunei Darussalam. Một số ban công tác đã được thiết lập nhằm theo dõi vấn đề tổ chức, chương trình nghị sự, làm tài liệu, hậu cần, chương trình hoạt động, lễ tân, đi lại, thăm quan, báo chi và các vấn đề đối nội khác.
PHẦN 7: Thông qua Báo cáo cuộc họp kỹ thuật ACCSM 11
Các đại biểu tham dự Hội nghị kỹ thuật ACCSM 11 đã xem xét và thông qua báo cáo.
Bế mạc
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Điều, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam đã tổng kết Hội nghị kỹ thuật ACCSM 11. Toàn văn diễn văn bế mạc được đăng trong Phụ lục 10.
Ngài Thứ trưởng chúc mừng thành công của Hội nghị trong việc thiết kế chương trình phù hợp đạt được sự đồng lòng cao và tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN. Ngài Thứ trưởng đánh giá cao những đóng góp và sự tham gia tích cực của các đại biểu.






tải về 102.55 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương