Cụ thể là dự án Cảng vận tải Phan Thiết (phường Hưng Long, tp phan Thiết). Năm 2001, ubnd tỉnh có quyết định thu hồi hơn 50



tải về 68.4 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu01.05.2018
Kích68.4 Kb.
#37710

BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc





Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2010


ĐIỂM TIN BÁO CHÍ SÁNG NGÀY 25/01/2010

Trong buổi sáng ngày 25/01/2010, một số báo chí đã có bài phản ánh những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:

I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh phản ánh: Ngày 20-1, đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã trao quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Huỳnh Tấn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Theo kết luận thanh tra, với cương vị là phó bí thư Tỉnh ủy, bí thư Ban Cán sự Đảng, chủ tịch UBND tỉnh, ông Thành phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trong việc thiếu kiểm tra, giám sát để UBND tỉnh giải quyết giao đất một số dự án không đúng quy định.

Cụ thể là dự án Cảng vận tải Phan Thiết (phường Hưng Long, TP Phan Thiết). Năm 2001, UBND tỉnh có quyết định thu hồi hơn 50.000 m2 đất, giao Ban Quản lý công trình giao thông Bình Thuận (thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh) để xây Cảng vận tải Phan Thiết. Tỉnh đã chi gần 10 tỉ đồng để đền bù cho khoảng 200 hộ dân ở đây. Ban Quản lý công trình giao thông Bình Thuận cũng đầu tư khoảng 6 tỉ đồng và đang tổ chức đấu thầu các hạng mục công trình. Thế nhưng tháng 8-2008, chủ tịch UBND tỉnh lại cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Thép Trung Nguyên làm chủ đầu tư công trình Cảng vận tải Phan Thiết mà không qua đấu thầu theo quy định. Liên quan tới khu đất ven biển này, tháng 2-2004, chủ tịch UBND tỉnh có quyết định giao hơn 17.000 m2 đất ở khu vực cạnh dự án Cảng vận tải Phan Thiết cho Ban Quản lý khu du lịch Đồi Dương-Thương Chánh (thuộc UBND TP Phan Thiết) để đơn vị này xây khu du lịch Thương Chánh. Năm 2006, TP Phan Thiết đã chi hơn 4 tỉ đồng để bồi thường cho gần 100 hộ dân ở đây. Thế nhưng ngày 18-2-2009,  UBND tỉnh lại có quyết định giao  khu đất này cho  Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Quản Trung (Bình Thuận), cũng không đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Ngoài ra, gia đình ông Thành đã thuê Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Quản Trung xây nhà riêng tại phường Đức Thắng (TP Phan Thiết) là thiếu thận trọng, gây dư luận xấu; vi phạm trong việc ký biên bản họp hội đồng kỷ luật cán bộ trong khi không dự họp; để vợ làm chi hội trưởng chi hội từ thiện, nhận tài trợ của một số doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp được giải quyết dự án không đúng quy định…



2. Báo Đầu tư phản ánh: Tiến trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khó có thể hoàn thành đúng thời hạn (ngày 1/7/2010) theo quy định của Luật DN.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2009, cả nước chỉ cổ phần hoá được vỏn vẹn 60 DN và bộ phận DN, đạt 8,4% kế hoạch. Đây là năm mà tốc độ cổ phần hoá đạt thấp nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân chủ yếu, theo phân tích của các chuyên gia thuộc Nhóm tư vấn chính sách thực hiện Dự án Hỗ trợ phân tích chính sách tài chính do UNDP tài trợ (PAG), là do tình hình kinh tế suy giảm, thị trường chứng khoán liên tục đi xuống, nên việc phát hành cổ phiếu để tiến hành cổ phần hoá gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngoài nguyên nhân trên, còn có nguyên nhân từ bản thân chính sách, mà cụ thể ở đây là Nghị định 109/2007/NĐ-CP. Mặc dù có nhiều tiến bộ so với Nghị định 187/2004/NĐ-CP, nhưng Nghị định 109/2007/NĐ-CP đã bộc lộ hạn chế. Đó là không cho phép nhà đầu tư chiến lược được mua cổ phần phát hành lần đầu với giá ưu đãi như trước.

Theo quy định, nhà đầu tư chiến lược được mua cổ phần theo giá không thấp hơn giá đấu thành công bình quân, nhưng không được chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn tối thiểu 3 năm, kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trường hợp đặc biệt cần chuyển nhượng số cổ phần này trước thời hạn, thì phải được đại hội đồng cổ đông chấp thuận. Với quy định này, theo ông Ninh, khi thị trường chứng khoán tăng trưởng, giá cổ phần đấu giá được định giá rất cao, thì việc phải mua theo mức giá này, sẽ khiến cổ phần không còn hấp dẫn với nhà đầu tư chiến lược. “Nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia đấu giá cổ phần phát hành lần đầu khi cổ phần hoá không nhiều (có cuộc đấu giá chỉ 2-3 nhà đầu tư tham gia), nhưng họ mua tới 10-20% số cổ phần đem đấu giá, lại bị ràng buộc bởi thời gian chuyển nhượng cổ phần mà phải mua bằng giá với nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước là không công bằng và không hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược tham gia”, ông Ninh nói.

Vấn đề này cũng đã từng được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập và kiến nghị nên tổ chức đấu giá cho nhà đầu tư chiến lược trước khi thực hiện đấu giá phổ thông cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, quan điểm này đã không được chấp thuận, bởi nhiều khi, giá bán cho nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thấp hơn giá bán cho nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước. Điều này cũng được xem là không công bằng. “Cần xem lại quan điểm này”, ông Ninh nói và phân tích, hàng ngàn nhà đầu tư trong nước tham gia đấu giá, nhưng tỷ lệ cổ phần họ mua không nhiều, đặc biệt là họ chỉ nắm giữ một thời gian, chờ thị trường lên để bán nhằm thu chênh lệch và không có bất cứ trách nhiệm, ràng buộc gì với DN.

Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược mua một khối lượng lớn cổ phần, lại bị ràng buộc về thời gian chuyển nhượng, đồng thời khi tham gia đấu giá họ phải đáp ứng điều kiện có năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ mới, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; gắn bó lợi ích lâu dài với DN, thì bắt họ phải mua bằng giá bán với nhà đầu tư “lướt sóng” là không công bằng. Nếu thực hiện đúng theo Luật DN, thì ngày 1/7/2010, toàn bộ 1.546 DNNN sẽ phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, hoặc công ty cổ phần. Với tốc độ cổ phần hoá như năm 2009, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, khả năng hoàn thiện việc chuyển đổi DNNN đúng hạn là rất khó.

Ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, để bảo đảm thực hiện đúng Luật DN, cần phải đẩy mạnh chuyển đổi theo hình thức giao, bán, khoán cho thuê, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH nhà nước 1 thành viên, hoặc nhiều thành viên. “Trong trường hợp khó tìm được nhà đầu tư chiến lược cho các DN lớn, thì cũng phải cổ phần hoá, dù Nhà nước nắm tới 90-95% vốn điều lệ rồi mới tìm nhà đầu tư chiến lược khi có điều kiện”, ông Thanh nói và cho rằng, thực hiện theo phương án này không chỉ bảo đảm chuyển đổi DNNN theo đúng lộ trình, mà trong quá trình chuyển đổi cũng không bị thất thoát tài sản nhà nước.



3. Báo Nhân dân phản ánh: Ngày 24-1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tổ chức Hội nghị giao lưu, tọa đàm, và biểu dương các điển hình tiên tiến toàn quốc ba năm thực hiện Cuộc vận động. Thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, đồng chí Trương Tấn Sang, phát biểu ý kiến khai mạc nhiệt liệt chào mừng  68 tập thể, 144 cá nhân - những tấm gương tiêu biểu đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về dự hội nghị.

Các ông: Nguyễn Duy Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Huỳnh Phong Tranh, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế nằm trong số 144 cá nhân điển hình toàn quốc sau ba năm triển khai cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hội nghị cũng biểu dương 68 tập thể. Theo Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, đây là những đại diện cho rất nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong phạm vi cả nước.

Buổi chiều, đại diện 68 tập thể và 144 cá nhân điển hình tiên tiến đã chia thành mười đoàn đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với mười cơ quan, đơn vị của Trung ương và thành phố Hà Nội. Buổi tối cùng ngày, Hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến toàn quốc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được tổ chức trang trọng tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Ðình.

Hôm nay, 25-1, sẽ diễn ra Hội nghị tổng kết thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2009, triển khai nhiệm vụ năm 2010.



4. Báo Thanh niên phản ánh: Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã có thông báo kết luận về việc kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tiếp nhận, quản lý, phân bổ nguồn tiền ủng hộ thiên tai, người nghèo và các hoạt động từ thiện tại Ủy ban (UB) MTTQ tỉnh này.

Theo kết luận thì nhiều loại quỹ để giúp người nghèo, người bị thiên tai đã bị UB MTTQ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng, chi tiêu một cách vô tội vạ, gây bức xúc trong dư luận. Nghiêm trọng hơn là số tiền 6,9 tỉ đồng do các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ “Ủng hộ thiên tai, bão lụt”, lãnh đạo UB MTTQ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã không chi cho các nạn nhân bị thiên tai mà đem gửi vào quỹ tiết kiệm tại Ngân hàng NN-PTNT tỉnh, từ năm 2001 - 2002. Để số tiền này có lãi cao hơn, từ năm 2002, UB MTTQ tỉnh lại rút ra, đem gửi vào Ngân hàng đầu tư phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến ngày 15.8.2008, từ số vốn 6,9 tỉ đồng, số tiền lãi lũy kế đã trên 3,4 tỉ đồng. Số tiền này, UB MTTQ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã không thể hiện số tồn dư vào các báo cáo tài chính hằng năm.

Đối với Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và “Vì người nghèo”, đoàn thanh tra phát hiện, từ năm 2004 đến 2008, UB MTTQ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chi sai nguyên tắc lên đến gần 259 triệu đồng.

5. Báo Người lao động phản ánh: Sáng 25-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Hà Nội tham dự hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2010 tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ) từ ngày 25 đến 31-1, theo lời mời của Chủ tịch WEF Klaus Schwab. Đây là năm WEF sẽ kỷ niệm 40 năm hội nghị thường niên WEF Davos và cũng là một trong những sự kiện lớn nhất trong năm 2010 của thế giới.

Theo TTXVN, nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm, làm việc với Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva, Thụy Sĩ. Chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm thảo luận với các nhà lãnh đạo các nước về các vấn đề kinh tế, chính trị, môi trường và khoa học công nghệ toàn cầu; tiếp xúc và trao đổi ý kiến với lãnh đạo các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới; thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với Liên Hiệp quốc và WTO.



II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Trang web Vtv.vn có bài "Khi công chứng viên mất việc". Bài báo phản ánh: Sau 2 năm thực hiện Luật Công chứng, hàng loạt Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc hợp danh được thành lập, đã góp phần giải quyết tình trạng quá tải và cò mồi lâu nay. Tuy nhiên, tình trạng “mất cân bằng” đang diễn ra: Một quận có tới 10 tổ chức công chứng, trong khi huyện khác lại không phát triển được lấy 1. Vài chục Công chứng viên mới được bổ nhiệm không thể mở được Văn phòng công chứng, vì Bộ Tư pháp yêu cầu tạm dừng lại…Vì vậy, bên cạnh vấn đề sửa đổi - bổ sung Luật hiện hành, cần phải đẩy nhanh tiến độ quy hoạch mạng lưới Công chứng cũng như thành lập Hiệp hội Công chứng Việt Nam.

Những ngày này, ông Nguyễn Việt Cường, nguyên Chánh tòa lao động- Tòa án Nhân dân Tối cao đành phải trút tâm trạng trĩu nặng vào việc chăm sóc những cây cảnh, thay vì đi làm ở Văn phòng công chứng. Thời hạn được bổ nhiệm Công chứng viên chỉ có 2 năm, nay còn 11 tháng nữa là quyết định trên hết hiệu lực. Rất lo lắng vì lệnh tạm dừng cấp phép mở văn phòng công chứng, nhưng ông Cường cũng như vài chục Công chứng viên khác chỉ biết ngồi nghiên cứu tài liệu và chờ đợi. Cũng tương tự như ông Cường, ông Nghiêm Văn Nho – Công chứng viên quận Hà Đông, Hà Nội được Bộ Tư pháp bổ nhiệm Công chứng viên năm 2009, đã có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự… thế nhưng, cũng không thể mở được Văn phòng công chứng theo quy định của Luật Công chứng: “Văn bản của Bộ là thành phố tạm dừng việc mở VPCC từ tháng 9/2009, nhưng cho đến nay chưa có văn bản nào mới để hướng dẫn việc mở VPCC tại địa bàn Hà Nội, chúng tôi đang rất mong chờ”.

Yêu cầu tạm dừng cấp phép Văn phòng công chứng trên địa bàn Hà Nội kể từ tháng 9/2009 của Bộ Tư pháp đến nay, là can thiệp sâu vào công việc của địa phương; gây khó khăn cho việc hành nghề đối với những Công chứng viên đã được Bộ Tư pháp bổ nhiệm theo Luật Công chứng.

Ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp Hà Nội cho biết: “Việc chưa có đề án tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc mở văn phòng. Khi nào được phê duyệt Đề án thì chúng tôi sẽ tiếp tục nhận hồ sơ để cho các CCV thực hiện nghĩa vụ của mình”.

Trụ sở mới đang hoàn thiện, nhưng vẫn để đấy vì đợi giấy phép. Hơn 30 Công chứng viên mới được bổ nhiệm, đang phấp phỏng chờ Bộ Tư pháp giải tỏa “cấm vận”. Cơ quan quản lý trực tiếp là Sở Tư pháp Hà Nội, cũng chưa thể hỗ trợ được gì cho họ.

2. Báo điện tử Vietnamnet có bài Website Bộ Tư pháp đứng đầu các Bộ về lượt truy cập. Bài báo phản ánh: Khảo sát đánh giá trang thông tin điện tử của các Bộ và địa phương năm 2009 do Bộ TT&TT vừa công bố cho thấy số lượng dịch vụ công trực tuyến do các đơn vị cung cấp đang tăng mạnh, tạo nên những cuộc hoán chuyển thứ hạng ngoạn mục.

Theo Bộ TT&TT, ngoài 2 tỉnh Đắk Nông, Hoà Bình chưa thiết lập trang tin điện tử, và Ninh Bình đang nâng cấp Website, toàn bộ 60 địa phương đã tham gia cuộc khảo sát năm nay.

TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng tổng thể trang thông tin điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các địa phương. Hai vị trí tiếp theo thuộc về Hà Nội và Quảng Bình - lần lượt xếp thứ 4 và thứ 2 trong cuộc khảo sát năm ngoái. Bất ngờ lớn nhất là Quảng Ninh leo lên xếp thứ 4, tăng 49 bậc so với 2008. Thế vị trí thứ 53 của Quảng Ninh là Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh năm ngoái được xếp rất cao, ở vị trí thứ 7. Lý do của cuộc hoán chuyển này là Quảng Ninh từ không có điểm về mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến vào năm ngoái, năm nay đã được xếp ở vị trí thứ 2. Trong khi đó, cũng xét theo tiêu chí này thì Bà Rịa – Vũng Tàu từ thứ 8 xuống xếp ở vị trí 39.

Biến chuyển đáng kể nhất từ kết quả khảo sát năm nay là số lượng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 tăng mạnh cả về số lượng dịch vụ và số lượng đơn vị cung cấp, đặc biệt là tại các địa phương.  Nếu như năm 2008 chỉ có 6 tỉnh, thành phố cung cấp 30 dịch vụ thì năm nay có 18 tỉnh, thành phố cung cấp lên tới 254 dịch vụ. Trong đó, địa phương cung cấp nhiều nhất là Bình Phước và Lào Cai, với 38 dịch vụ. Tuy nhiên, theo Bộ TT&TT, số lượng như vậy vẫn còn rất ít so với số dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức độ 3 cần cung cấp của các đơn vị.

Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp tiếp tục lần thứ 2 dẫn đầu xếp hạng theo số truy cập trên toàn thế giới dù Bộ này chỉ xếp thứ 8 về mức độ cung cấp thông tin trên Website. Việc đánh giá này, theo Bộ TT&TT cho biết, được tính theo số truy cập trên toàn thế giới do Alexa cung cấp.

Xét theo tiêu chí quan trọng nhất là mức độ cung cấp thông tin, đứng đầu trong bảng xếp hạng năm nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo, thế chỗ của Bộ Tài chính – năm nay xếp thứ 6. Hai Bộ đứng ở vị trí thứ 10 và 11 trong năm 2008 là Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng năm nay cùng chia nhau vị trí thứ nhì.

Theo kết quả khảo sát, số lượng các dịch vụ công trực tuyến được các Bộ, cơ quan ngang Bộ cung cấp cũng tăng đáng kể. Đặc biệt, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dẫn đầu với gần 300 dịch vụ đã trực tuyến. Tuy nhiên, các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 vẫn chưa có nhiều. Duy chỉ có Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp tới 3 dịch vụ hành chính công mức 3, bao gồm đăng ký cấp phép tần số, đăng ký tên miền tiếng Việt, và thông báo sử dụng tên miền quốc tế.

Được biết, đây là năm thứ 2 Bộ TT&TT thực hiện khảo sát, xếp hạng trang thông tin điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đánh giá được dựa trên hai nội dung chính là cung cấp thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Website/Portal. Kết quả khảo sát được xem như yếu tố quan trọng xác định mức độ sẵn sàng và mức độ xây dựng Chính phủ điện tử.



3. Báo Tuổi trẻ online trên mục Ý kiến có bài Luật đang khuyến khích người trả nợ chậm trễ?. Bài báo phản ánh: Theo Bộ luật dân sự 2005 (BLDS), nếu các bên không có thỏa thuận khác thì lãi suất đối với nợ chậm trả sẽ bằng với lãi suất cơ bản (LSCB), tức mức lãi suất rất thấp, thậm chí còn thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn. Như vậy bên thiếu nợ tội gì phải trả đúng hạn làm chi.

Hiện nay, phần lớn giao dịch dân sự trong xã hội được thực hiện theo chữ “tín”, và nếu có lập thành văn bản thì cũng hiếm khi có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại do chậm thanh toán, trừ các thương nhân từng bị thiệt hại do chậm thanh toán và các ngân hàng chuyên cho vay. Thậm chí có rất nhiều giao dịch dân sự phải có công chứng chứng nhận như mua bán nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất... thì biểu mẫu hợp đồng của cơ quan công chứng cũng không tìm thấy điều khoản về “bồi thường thiệt hại do chậm thanh toán”.

Trong việc “bồi thường thiệt hại do chậm thanh toán”, BLDS lại quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo LSCB do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” (khoản 2 điều 305 của BLDS). Quy định này áp dụng để xác định thiệt hại cho hầu hết các giao dịch dân sự mà có phát sinh nghĩa vụ chậm trả tiền.

Theo quy định này thì phần thiệt sẽ do chủ nợ gánh chịu mặc dù lỗi phát sinh từ người thiếu nợ. LSCB của Ngân hàng Nhà nước thông thường thấp hơn lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn, do vậy người có nghĩa vụ trả tiền có thể tìm cách chiếm dụng vốn thay vì trả đúng hạn. Đối với các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người bán đất sẽ còn thiệt hại lớn hơn nhiều khi đất lên giá mà người mua đất không chịu trả tiền. Trường hợp này theo quy định của BLDS, thiệt hại mà người mua đất phải bồi thường cho người bán đất cũng chỉ là LSCB do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với số tiền và thời gian chậm thanh toán.

Đối với các bản án, quyết định có hiệu lực thi hành của tòa án hiện hành, thường có ghi nhận nội dung “kể từ ngày các đương sự có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người có nghĩa vụ trả tiền vẫn chưa thi hành thì phải chịu thêm tiền lãi đối với số tiền chưa thi hành theo LSCB do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thi hành án”. Như đã nói ở trên, người phải thi hành án không dại gì mà nhanh chóng thi hành án. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người phải thi hành án trả tiền thường chây ỳ chậm thực hiện nghĩa vụ.

Nhằm bù đắp thiệt hại cho người chủ nợ cũng như phạt lỗi chậm trả của người thiếu nợ, theo tôi, khoản 2 điều 305 BLDS nên quy định lại là: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức gấp ba lần (hoặc nhiều hơn nữa) LSCB do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Sở dĩ phải bồi thường theo mức gấp ba lần LSCB là vì khi chủ nợ vay tiền ngân hàng để bù đắp cho số tiền người thiếu nợ chậm trả thì lãi suất cho vay của ngân hàng và các chi phí hành chính hiện thời tương đương với hai lần LSCB. Một phần LSCB còn lại có thể xem như người thiếu nợ phải trả giá cho lỗi chậm thanh toán của mình. Chỉ quy định như vậy mới có thể chống lại hành vi chiếm dụng vốn và giảm bớt tranh chấp.



4. Báo Kinh tế và đô thị có bài Thị trường dịch vụ pháp lý: Nhỏ nhưng trọng yếu. Bài báo phản ánh: Mặc dù trong thương mại quốc tế các dịch vụ pháp lý không phải là dịch vụ đem lại những nguồn thu “kếch xù” cho đất nước như dịch vụ ngân hàng, tài chính hay viễn thông... nhưng muốn thu hút đầu tư nước ngoài hay đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, các nước thành viên của WTO trong đó có Việt Nam buộc phải quan tâm và phát triển dịch vụ này theo các cam kết chung.

Trong khuôn khổ WTO, các dịch vụ pháp lý được coi là một tiểu lĩnh vực chuyên môn thuộc lĩnh vực dịch vụ kinh doanh. Đây cũng là một loại hình dịch vụ đặc biệt do đối tượng cung cấp các dịch vụ này là luật sư - những người có tiếng nói, ảnh hưởng và thậm chí là "kiến trúc sư" cho nhiều quy định trong WTO. Nhiều người cho rằng, dịch vụ pháp lý chỉ đơn thuần là dịch vụ “ăn theo” các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư. Song xét thực tế thì dịch vụ này còn có vai trò như một chất xúc tác cho hoạt động kinh tế, vì bất kỳ nước nào muốn thúc đẩy kinh tế đối ngoại hay đầu tư nước ngoài đều cần phải thúc đẩy phát triển dịch vụ pháp lý, kể cả việc cho phép các nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài sử dụng luật sư theo nhu cầu riêng của họ. Xu thế chung trong các năm gần đây là các nước đều cam kết và mở cửa đối với dịch vụ pháp lý khi trở thành thành viên của WTO.

Đối với Việt Nam, việc cung cấp các dịch vụ pháp lý trở thành một nghề đích thực và có cơ hội phát triển kể từ khi đất nước ta thực hiện chủ trương đổi mới. Đáng chú ý là việc Việt Nam ban hành Pháp lệnh Luật sư 2001 và Luật Luật sư 2006 đã tạo ra khuôn khổ pháp luật thuận lợi cho hành nghề luật sư tại Việt Nam. Việc Nhà nước "đơn phương" mở cửa cho các tổ chức luật sư nước ngoài vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX là một bước tiến mới, tạo ra nhiều cơ hội cho nghề luật sư, trong đó có những cơ hội cho các luật sư Việt Nam học hỏi và cạnh tranh quốc tế.

Tất cả những điều này đã từng bước tạo ra những sự phát triển tích cực của nghề luật sư tại Việt Nam. Sức ép hội nhập kinh tế quốc tế và mở cửa thị trường dịch vụ pháp lý chỉ thực sự xuất hiện khi Việt Nam ký kết và thực hiện Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA). Kể từ khi thực hiện BTA và nhất là với việc ban hành Nghị định số 87/2003/NĐ-CP thì thị trường dịch vụ pháp lý thực sự đã rộng cửa hơn đối với các tổ chức luật sư và luật sư nước ngoài đến hành nghề tại Việt Nam.

Trở thành thành viên chính thức của WTO, thị trường dịch vụ pháp lý của Việt Nam được đánh giá là thông thoáng hơn nhờ những cam kết với quốc tế. Song một điểm đáng lưu ý là việc đàm phán gia nhập WTO về dịch vụ pháp lý được tiến hành trên cơ sở mức “sàn” là những cam kết trong BTA và pháp luật hiện hành ở thời điểm đó (tức Nghị định 87). Tuy nhiên, các quy định mới của Luật luật sư năm 2006 có nhiều điểm khác với các quy định của Nghị định 87. Do đó, theo ông Nguyễn Khánh Ngọc - Vụ phó Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp), đang tồn tại sự bất tương thích giữa các cam kết WTO và Luật luật sư 2006.

Ông Ngọc lấy ví dụ, quy định về hình thức hành nghề, Điều 69 của Luật luật sư 2006 có quy định tổ chức luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam dưới 3 hình thức là: Chi nhánh, công ty luật TNHH 100% vốn nước ngoài, công ty luật TNHH liên doanh. Trong khi đó, cam kết của WTO của Việt Nam lại cho phép tổ chức luật sư nước ngoài được hành nghề tại Việt Nam dưới 4 hình thức: chi nhánh, công ty con của tổ chức luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, và công ty hợp danh giữa tổ chức luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam. Một điều đáng lưu ý nữa la, trong các quy định pháp luật về doanh nghiệp chưa có quy định nào về hình thức công ty hợp danh của các tổ chức mà chỉ có quy định công ty hợp danh của cá nhân. Ngoài ra, một số quy định về phạm vi hành nghề, quyền tham gia tố tụng trước tòa án của luật sư nêu trong Luật và trong cam kết WTO của nước ta hiện cũng chưa tìm được tiếng nói chung.



Do đó, vấn đề cấp thiết đặt ra lúc này là phải sửa đổi, bổ sung Luật luật sư 2006 sao cho phù hợp với các cam kết WTO, góp phần phát triển mạnh mẽ thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam trong các năm tới.

Trên đây là điểm báo sáng ngày 25/01/2010, Văn phòng xin báo cáo Lãnh đạo Bộ./.


Nơi nhận:

- Bộ trưởng;

- Các Thứ trưởng;

- Lưu: TH.

VĂN PHÒNG BỘ





Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 68.4 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương