Cập nhật đến ngày 01/10/2006 kodekc mátxcơVA, 2006 BỘ luật tố TỤng hình sự liên bang nga



tải về 2.43 Mb.
trang8/27
Chuyển đổi dữ liệu07.06.2018
Kích2.43 Mb.
#39612
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   27

Chương V

YÊU CẦU VÀ KHIẾU NẠI

Mục 15

YÊU CẦU




Điều 119. Những người có quyền yêu cầu


1. Người bị tình nghi, bị can, người bào chữa của họ, người bị hại, người đại diện hợp pháp và người đại diện của người bị hại, tư tố viên, người giám định cũng như nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của những người này có quyền đưa ra yêu cầu về việc tiến hành các hoạt động tố tụng hoặc các quyết định tố tụng để xác định những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người đưa ra yêu cầu hoặc của người đại diện cho họ.

2. Yêu cầu được đưa ra đối với Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán.

3. Công tố viên nhà nước cũng có quyền đưa ra yêu cầu trong giai đoạn xét xử.

Điều 120. Đưa ra yêu cầu


1. Yêu cầu có thể được đưa ra vào bất kỳ thời điểm nào của quá trình tố tụng đối với vụ án. Đối với yêu cầu bằng văn bản thì được đưa vào hồ sơ vụ án, còn đối với yêu cầu bằng miệng thì được đưa vào biên bản hoạt động điều tra hoặc biên bản phiên toà.

2. Nếu yêu cầu bị từ chối thì người yêu cầu vẫn có quyền tiếp tục đưa ra yêu cầu.


Điều 121. Thời hạn giải quyết yêu cầu


Yêu cầu phải được xem xét và giải quyết ngay. Trong những trường hợp mà việc đưa ra quyết định đối với yêu cầu trong quá trình điều tra không thể thực hiện được ngay thì yêu cầu đó phải được giải quyết trong thời hạn không quá 3 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu.

Điều 122. Giải quyết yêu cầu


Việc chấp nhận yêu cầu cũng như từ chối toàn bộ hoặc một phần yêu cầu phải được thể hiện trong quyết định của Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Toà án, quyết định này được gửi cho người đưa ra yêu cầu. Quyết định giải quyết yêu cầu có thể bị khiếu nại theo thủ tục quy định tại Mục 16 Bộ luật này.

Mục 16

KHIẾU NẠI HÀNH VI VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN VÀ NHỮNG NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG




Điều 123. Quyền khiếu nại


Hành vi và quyết định của Cơ quan điều tra ban đầu, Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán có thể bị khiếu nại theo thủ tục quy định tại Bộ luật này bởi những người tham gia tố tụng hoặc những người khác, nếu hoạt động tố tụng hoặc quy định tố tụng hạn chế đến lợi ích của họ.

Điều 124. Thủ tục giải quyết khiếu nại của Kiểm sát viên


1. Kiểm sát viên giải quyết khiếu nại trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trong những trường hợp đặc biệt, nếu để kiểm tra nội dung khiếu nại cần phải có những tài liệu bổ sung hoặc cần áp dụng những biện pháp khác thì cho phép giải quyết khiếu nại trong thời hạn 10 ngày và phải thông báo cho người khiếu nại biết.

2. Căn cứ kết quả xem xét khiếu nại, Kiểm sát viên ra quyết định về việc chấp nhận toàn bộ hoặc một phần nội dung khiếu nại hoặc không chấp nhận khiếu nại.

3. Người khiếu nại phải được thông báo ngay về quyết định giải quyết khiếu nại và thủ tục khiếu nại tiếp theo của họ.

4. Trong những trường hợp quy định tại Bộ luật này, Điều tra viên, Dự thẩm viên có quyền khiếu nại đối với hành vi và quyết định của Kiểm sát viên lên Viện kiểm sát cấp trên.


Điều 125. Thủ tục giải quyết khiếu nại của Toà án


1. Quyết định của Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên về việc không khởi tố vụ án hình sự, đình chỉ vụ án cũng như những hành vi khác có khả năng gây thiệt hại đến các quyền và tự do hiến định của những người tham gia tố tụng hoặc gây khó khăn cho công dân trong hoạt dộng tư pháp có thể bị khiếu nại đến Toà án cấp quận nơi tiến hành hoạt động điều tra.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 92/LLB ngày 4 tháng 7 năm 2003)

2. Người khiếu nại, người bào chữa của họ, người đại diện hợp pháp hoặc người đại diện có thể trực tiếp hoặc thông qua Điều tra viên, Dự thẩm viên hoặc Kiểm sát viên khiếu nại lênToà án.

3. Thẩm phán tiến hành kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của hành vi và quyết định của Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên trong thời hạn không quá 5 ngày kể từ khi nhận được khiếu nại với sự tham gia của người khiếu nại và người bào chữa của họ, người đại diện hợp pháp hoặc người đại diện nếu những người này tham gia vào vụ án, những người khác mà lợi ích của những người này có liên quan, đồng thời phải có sự tham gia của Kiểm sát viên. Việc những người đã được thông báo kịp thời về thời gian giải quyết khiếu nại nhưng không có mặt và không yêu cầu giải quyết khiếu nại với sự tham gia của họ không cản trở tới việc giải quyết khiếu nại tại Toà án. Khiếu nại được xem xét, giải quyết công khai, trừ những trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều 241 Bộ luật này

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 161/LLB ngày 8 tháng 12 năm 2003)

4. Khi bắt đầu phiên toà Thẩm phán công bố nội dung khiếu nại, giới thiệu những người có mặt tại phiên toà, giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia phiên toà. Sau đó người khiếu nại, nếu họ tham gia phiên toà đưa ra căn cứ của việc khiếu nại, tiếp đó những người khác tham gia phiên toà phát biểu ý kiến. Người khiếu nại có thể tham gia tranh luận.

5. Căn cứ kết quả xem xét khiếu nại, Thẩm phán ra một trong những quyết định sau:

1) Công nhận hành vi hoặc quyết định của những người có thẩm quyền là trái pháp luật hay không có căn cứ và xác định nghĩa vụ của họ trong việc khắc phục vi phạm;

2) Không chấp nhận khiếu nại.

6. Bản sao quyết định của Thẩm phán được giao cho người khiếu nại và Kiểm sát viên.

7. Việc đưa ra khiếu nại không dẫn đến việc tạm đình chỉ tiến hành các hoạt động hoặc thi hành các quyết định bị khiếu nại nếu Cơ quan điều tra ban đầu, Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán thấy rằng không cần thiết phải tạm đình chỉ.

Điều 126. Thủ tục chuyển khiếu nại của người bị tình nghi, bị can đang bị tạm giam


Cơ quan thi hành việc giam giữ người bị tình nghi, bị can phải chuyển ngay cho Kiểm sát viên, Thẩm phán khiếu nại của người đang bị tạm giam.

Điều 127. Kháng cáo và kháng nghị bản án, quyết định của Toà án


1. Kháng cáo và kháng nghị đối với bản án, quyết địnhh của Toà án cấp sơ thẩm và cấp chống án, cũng như kháng cáo và kháng nghị đối với các quyết định của Toà án đã ban hành trước khi xét xử vụ án được thực hiện theo thủ tục quy định tại các Mục từ 43 đến 45 Bộ luật này.

(Khoản này được sửa đổi theo Luật liên bang số 58/LLB ngày 29 tháng 5 năm 2002)

2. Kháng cáo và kháng nghị đối với các quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật được thực hiện theo thủ tục quy định tại các Mục 48 và 49 Bộ luật này.





tải về 2.43 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   27




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương