CÔng trình dự thi giải thưỞng “ sinh viên nghiên cứu khoa họC” NĂM 2010 Tên công trình



tải về 0.6 Mb.
trang1/6
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích0.6 Mb.
#18799
  1   2   3   4   5   6



CÔNG TRÌNH DỰ THI

GIẢI THƯỞNG “ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC”

NĂM 2010


Tên công trình:
TÁC ĐỘNG CỦA TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN, TIỀM LỰC TÀI CHÍNH

VÀ GIA CẢNH CÁ NHÂN ĐẾN QUYẾT ĐỊNH LỰA CHỌN

NGHỀ NGHIỆP: LÀM CHỦ HAY LÀM THUÊ
Thuộc nhóm ngành: Khoa học xã hội

HÀ NỘI, 2010

MỤC LỤC

Trang


DANH MỤC BẢNG

Trang

CHƯƠNG 1. GIỚI THIỆU ĐỀ TÀI

    1. Lý do nghiên cứu

Doanh nghiệp tư nhân đã trở thành một lực lượng chính cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Bên cạnh một số lượng lớn doanh nghiệp hộ gia đình (trong khu vực không chính thức), rất nhiều doanh nghiệp đăng ký mới trong thập kỷ qua là kết quả của sự ra đời Luật Doanh nghiệp trong năm 2000 và 2005. Theo đó, số doanh nghiệp tư nhân đăng ký mới đã tăng 160.000 doanh nghiệp trong suốt giai đoạn 2000 – 2005 (Tô Trung Thành và cộng sự, 2009). Sự bùng nổ của những doanh nghiệp tư nhân đã hấp thụ số lượng lớn số người thât nghiệp trong những thành phố lớn và những nông dân dư thừa ở khu vực nông thôn, do đó đã có những đóng góp tuyệt vời cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong những năm qua (Perkins và cộng sự, 2008).

Nhận thức được tầm quan trọng của những doanh nghiệp nhỏ đối với tăng trưởng kinh tế; chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, vẫn có sự thiếu hụt những chính sách đồng bộ nhắm tới những cá nhân đang phải đối mặt với sự lựa chọn việc trở thành doanh nhân (tự làm chủ) hay trở thành người làm công ăn lương.

Những yếu tố quyết định sự lựa chọn nghề nghiệp giữa việc tự làm chủ và làm thuê được đề cập nhiều trong lý thuyết nghiên cứu. Thành tựu giáo dục và các kênh truyền dẫn mà thành tựu giáo dục tác động đến xác suất trở thành doanh nhân, được đề cập nhiều trong những nghên cứu như Evans và Jovanovic (1989), De Wit (1993), Bernhardt (1994) và Lee (1999). Kinh nghiệm thị trường, tuổi tác thái độ đối với rủi ro, trạng thái hôn nhân, qui mô hộ gia đình, đặc điểm hộ gia đình và quá trình đào tạo… những nhân tố khác có tác động đến sự chọn lựa nghề nghiệp vủa cá nhân (Rees và Shah (1986), Dewit (1993), và Lee (1999)). Một số nhân tố như là nhóm dân tộc, tôn giáo, nhóm nhân tố nhập cư, cá nhân là người nhập cư hay người địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chọn lựa nghề nghiệp (Borjas và Bronars, 1989). Ngoài ra, không chỉ những nhân tố về vốn con người, biến vốn tài chính cũng là những nhân tố được phân tích trong nhiều lý thuyết việc làm, bao gồm Kidd (1993), Bernhardt (1994), Blanchower và Oswald (1998) và Constant và Zimmermann (2006).

Đề tài này không chỉ nghiên cứu trong lý thuyết, mà còn nghiên cứu thực nghiệm, đã có rất nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này. Tuy nhiên, hầu hết các công việc là những vấn đề tự làm chủ công việc của dân cư trong các quốc gia phát triển như Rees and Shah (1986), Borjas and Bronars (1989), Evans and Leighton (1989), Constant and Zimmermann (2006). Trong khi đó, lĩnh vực này vẫn còn đang được nghiên cứu ở các quốc đang phát triển nói chung và đặc biệt là ở Việt Nam.

Hiện thiếu hụt nghiêm trọng các nghiên cứu về những nhân tố đằng sau sự lựa chọn kinh doanh ở Việt Nam. Nghiên cứu của Vijverberg và Haughton (2002) là một trong những nghiên cứu hiếm hoi về chủ đề này, nhưng các tác giả tập trung vào sự tồn tại và tăng trưởng của những doanh nghiệp hộ gia đình, còn những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hoặc các doanh nhân không phải là trung tâm trong những nghiên cứu của họ. Do đó, các yếu tố quan trọng đằng sau sự quyết định tự kinh doanh hay là làm công ăn lương chỉ được thảo luận vắn tắt trong những nghiên cứu này. Sự thiếu sót trong những nghiên cứu thực nghiệm này ở Việt Nam đã dẫn đến sự thiếu kiến thức về sự chọn lựa của các cá nhân để trở thành doanh nhân và do đó chính sách hướng tới doanh nhân ở Việt Nam đã bỏ lỡ một khía cạnh quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Có kiến thức tốt về những yếu tố quyết định tới sự lựa chọn của các cá nhân này, các nhà chức trách có thể cung cấp thông tin phù hợp hơn, có sức thuyết phục và tập trung hỗ trợ cho những doanh nhân tiềm năng thực sự và do đó tạo ra nhiều cơ hội hơn cho họ để thành công trong kinh doanh.

1.2 Mục tiêu nghiên cứu

1.2.1 Mục tiêu tổng quát

Xác định vai trò quan trọng của khu vực việc làm tự chủ (self-employment) và khu vực doanh nghiệp trong thị trường lao động tại Việt Nam, nghiên cứu này cố gắng bổ sung những khoảng trống nghiêm trọng bằng việc nghiên cứu thực nghiệm và tập trung vào những yếu tố quyết định sự lựa chọn nghề nghiệp của những cá nhân giữa sự tự chủ việc làm hay doanh nhân với người làm công ăn lương. Kết quả của nghiên cứu này có thể sẽ rất hữu ích và quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách để thực hiện và đưa ra những chính sách phù hợp cho sự phát triển doanh nghiệp và doanh nhân.



1.2.2 Mục tiêu cụ thể

Với mục tiêu tổng quát ở trên, đề tài nghiên cứu này sẽ hướng vào các mục tiêu cụ thể sau:

  • Đánh giá chung các doanh nghiệp tư nhân và thị trường lao động Việt Nam,

  • Tìm hiều và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp của các cá nhân giữa việc trở thành doanh nhân và đi làm thuê,

  • Những yếu tố nào là quan trọng nhất tác động đến lựa chọn nghề nghiệp, và có mối liên hệ gì đến môi trường kinh doanh mà chính phủ xác lập,

  • Dựa trên các kết quả nghiên cứu để đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi ban đầu cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển.

1.3 Phương pháp nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu và số liệu

1.3.1 Phương pháp luận

Xem xét hành vi sự lựa chọn giải thích cho việc quyết định việc làm trong thị trường lao động tại Việt Nam để trở thành một doanh nhân. Và để đánh giá những yếu tố tác động đến xác suất quyết định lựa chọn tự làm chủ (làm thuê cho chính mình) hoặc làm thuê (làm công ăn lương) thì mô hình logit như của Hout M. và Rosen H. (2000) được sử dụng.



Hàm Logit sau được sử dụng :



Trong đó, biến phụ thuộc: SEi (SE = 1, nếu cá nhân quyết định tự làm chủ; SE = 0, nếu cá nhân quyết định làm công ăn lương). Nhóm các biến điều chỉnh trong mô hình (C); nhóm các biến đại diện cho trình độ học vấn (E); nhóm các biến đại diện cho tiềm lực tài chính (F); và nhóm biến đại diện cho gia cảnh cá nhân (H).

1.3.2 Phạm vi nghiên cứu.

Để có được kết quả ước lượng thuyêt phục nhất, chúng tôi sẽ cố gắng để thiết lập các mẫu là thuần nhất có thể. Vì vậy, chúng tôi tập trung vào hành vi tiền lương nhân viên toàn thời gian hoặc doanh nhân trong tất cả các khu vực đô thị, và do vậy loại trừ thu nhập từ tiền lương bán thời gian, cá nhân trong những khu vực nông thôn hoặc hoạt động trong nông nghiệp. Trên cơ sở mẫu đó, nghiên cứu sẽ tập trung vào hành vi của những cá nhân trong khu vực thành thị trong việc quyết định trở thành người làm công ăn lương (hưởng tiền lương toàn thời gian) hay là một doanh nhân (kinh doanh tự chủ).


1.3.3 Số liệu

Nguồn dữ liệu chính cho nghiên cứu này là cuộc khảo sát mức sống chuẩn hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) tiến hành năm 2008 bởi tổng cục thống kê (GSO) với sự hỗ trợ kỹ thuật bởi Ngân hàng Thế Giới (WB). VHLSS bao gồm mẫu đại diện là 9189 hộ gia đình tại tám khu vực địa lý của đất nước. Khảo sát này bao gồm một loạt các cá nhân và thuộc tính của các hộ gia đình như tuổi tác, giáo dục, tình trạng việc làm, ngề nghiệp, y tế, thu nhập và chi tiêu, tiết kiệm, nhà ở, tiếp cận với các dịch vụ công,... cũng như các đặc tính vật lý và nhân khẩu học cơ bản, hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng,… ở mức độ chung. Giữ liệu lấy từ cuộc khảo sát này thực sự là đầy đủ và rất hữu ích cho việc phân tích ước lượng.



1.3.4 Biến

Những biến được sử dụng trong nghiên cứu này được chọn dựa trên các đề xuất từ các nghiên cứu tổng quan như Bernhardt (1994), Evans và Jovanovic (1989), và Blanch_ower và Oswald (1998), Hout M. và Rosen H. (2000) và các dữ liệu có sẵn trong nguồn mà chúng tôi lựa chọn.

Các biến này có thể là cấp độ học vấn, kinh nghiệm làm việc trong thị trường lao động, vị trí, hoạt động kinh tế, trạng thái hôn nhân, số lượng và độ tuổi của trẻ em, giới tính, các nguồn tài chính (sở hữu nhà, những thu nhập từ lương, những thu nhập từ vốn, và thu nhập khác).

1.3.5 Cấu trúc của bài nghiên cứu

Cấu trúc của bài nghiên cứu theo như 7 chương sau:



Chương 1: Chương này sẽ cung cấp những lý do cho việc nghiên cứu. chương này cũng đề cập đến mục tiêu, phạm vi của bài nghiên cứu và mô tả ngắn gọn phương pháp luận và dữ liệu cho nghiên cứu. Một vài giả thuyết cũng sẽ được đề cập đến.

Chương 2: Chương này sẽ cung cấp hình ảnh về thị trường lao động Việt Nam, cả trong lĩnh vực tiền lương nhân viên và trong khu vực tự kinh doanh và khu vực doanh nghiệp. Chương này cũng sẽ cung cấp bối cảnh chung cho các nghiên cứu.

Chương 3: Lý thuyết và nhận xét phân tích thực nghiệm sẽ được đề cập đến trong chương này. Việc xem xét sẽ kiểm tra những thiếu sót trong lý thuyết và phân tích thực nghiệm sẽ được bổ xung trong nghiên cứu này. Ngoài ra, chương cũng khuyến cáo một số kỹ thuật, phương pháp luận và các biến ứng dụng trong nghiên cứu này.

Chương 4: Chương này được dành cho mô tả cẩn thận phương pháp luận, dữ liệu, biến đo lường cụ thể cho việc phân tích và kết quả ước lượng.

Chương 5: Chương này trình bày tóm tắt các kết quả ước lượng và khuyến nghị chính sách. Cuối cùng, các hạn chế của đề tài sẽ được nêu ra và phân tích kỹ lưỡng, đi kèm với hướng nghiên cứu đề xuất trong tương lai.

CHƯƠNG 2

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC

Sự thiếu hụt nghiên cứu về đề tài này ở Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến các tác giả thực hiện bài nghiên cứu. Đa phần các nghiên cứu mới được thực hiện ở các nước phát triển, như của Rees và Shah (1986), Blanchflower và Oswald (1990) hay Le (1999) về Liên hiệp Anh; Evans và Jovanovic (1989) nghiên cứu về Mỹ; Evans (1989) và sau đó là Kidd (1993) ở Australia; de Wit và Van Winden (1993) ở Hà Lan; Bernhardt (1994) tại Canada, Constant và Zimmermann (2006) về Đức. Trong khi đó, lĩnh vực này vẫn còn đang được nghiên cứu ở các quốc đang phát triển nói chung và đặc biệt là ở Việt Nam. Không có nhiều các nghiên cứu tương tự tại các nước đang phát triển, mà trong số ít này có Cunningham và Maloney (1999) về Mexico, Earle and Sakova (2000) về các nền kinh tế chuyển đổi hay của Destré và V. Henrard (2004) về Colombia, Tamvada (2010) về Ấn Độ. Nghiên cứu bởi Vijverberg và Haughton (2002) hay của Trang Do và Duchêne (2007) là hai bài viết hiếm hoi về chủ đề này ở Việt Nam. Sau đây, chúng ta sẽ cùng điểm lại các nghiên cứu trước để xem những vấn đề gì đã được giải quyết và nghiên cứu của chúng tôi có thể lấp khoảng trống học thuật nào.

Điểm qua một số lý thuyết về tự kinh doanh thì nhiều nghiên cứu xem xét sự khác nhau trong thái độ với rủi ro là nhân tố tác động chính đến quyết định lựa chọn này. Hamilton (1995) cho rằng việc tự kinh doanh vốn đã mang nhiều rủi ro hơn là làm thuê, vì vậy mà người ghét rủi ro sẽ tránh tự đứng ra kinh doanh. Phái tân cổ điển lại chỉ ra rằng di dân là nhóm người dám chấp nhận rủi ro để cải thiện thu nhập và cuộc sống của mình nên họ có nhiều khả năng tự làm chủ hơn các nhóm dân số khác. Một hướng tiếp cận khác là tập trung vào sự khác biệt trong khả năng quản trị doanh nghiệp, như Jovanovic (1982) nhận định người có kỹ năng quản lý – lợi thế tương đối để điều hành doanh nghiệp– có khuynh hướng mở doanh nghiệp từ khi bắt đầu sự nghiệp và cũng tồn tại được lâu hơn trong thương trường. Lý thuyết thứ ba nhấn mạnh vai trò của khả năng tài chính (Evans và Jovanovic, 1989), cho rằng việc thành lập và vận hành doanh nghiệp cần phải có đủ vốn, mà do nhiều lí do, không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận được.

Lý thuyết về những yếu tố quyết định sự lựa chọn và tiến hành kinh doanh đã được kiểm định trong thực tế. Phương pháp được sử dụng nhiều nhất là hồi quy mô hình probit dạng cấu trúc và rút gọn (như của Ree và Shah, 1986 hay Bernhardt,1994) để tính toán xác suất quyết định tự làm chủ của cá nhân. Cách làm này dựa trên giả định cá nhân sẽ tối đa hóa lợi ích của mình qua việc lựa chọn công việc có thu nhập kỳ vọng cao hơn trong tương quan với chi phí cơ hội, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác như trình độ giáo dục, sự tiếp cận nguồn vốn, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, thái độ đối với rủi ro, kinh nghiệm trên thị trường lao động, ...

Cá nhân (i) sẽ lựa chọn tự kinh doanh nếu mô hình probit cấu trúc sau được thỏa mãn:

Prob (Uei − Uwi > 0) = Prob (M> 0) = Prob [α1 + α2(lnYei − lnYwi) + α3lnCi + εi > 0]

với lnYei = Ziγe + εei, lnYwi = Ziγw + εwi (Z là vec-tơ các biến mang thông tin cá nhân).

Viết lại thì được công thức probit dạng rút gọn:

Prob (M > 0) = Prob (Xβ + ε0 > 0).

Le (1999) hay Destrés và Henrad (2004) đều thấy rằng các giá trị ước lượng của mô hình cấu trúc và mô hình rút gọn là tương đương nhau, vì vậy mô hình rút gọn cho ước lượng đáng tin cậy. Tuy nhiên, cách làm trên vướng phải thực tế hiển nhiên rằng các mức thu nhập kỳ vọng không thể quan sát được mà chỉ có số liệu về thu nhập trong trạng thái việc làm hiện tại. Parker (2003), Constant và Zimmerman (2006) đề nghị dùng mô hình hai thời kỳ của Heckman (1979) để ước lượng các mức thu nhập kỳ vọng này:



E(lnYei|Zi, M> 0) = λeZi + πeδeiei

E(lnYwi|Zi,M< 0) = λwZi + πwδwiwi

Destrés và Henrad (2004) trên cơ sở đó đã gợi ý sử dụng công thức của Thomas (2000) khi mà hàm phân phối bị gián đoạn. Các vấn đề liên quan đến chi tiết kỹ thuật của mô hình sẽ được thảo luận kỹ hơn ở chương 4. Các nghiên cứu sau đã phát triển quá trình thực hiện thành kỹ thuật 3 bước, gồm (1): hồi quy mô hình probit rút gọn về hành vi lựa chọn của cá nhân, sau đó (2): hồi quy ước lượng thu nhập kỳ vọng của mỗi cá nhân (dùng mô hình 2 thời kỳ của Heckman, 1979) và (3): sử dụng các giá trị ước lượng này để hồi quy mô hình probit cấu trúc.

Hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng mối quan hệ giữa tiềm lực tài chính và gia cảnh cá nhân có ảnh hưởng tích cực tới thiên hướng kinh doanh, nhưng ảnh hưởng của giáo dục tới xu hướng quyết định lựa chọn tự làm chủ hay việc làm lương lại không rõ ràng.

2.1. Tiềm lực tài chính

Liệu cá nhân phải tự cấp vốn cho công việc kinh doanh của mình (self-finance) hay thị trường sẽ cấp vốn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Frank Knight (1921), như Evans và Jovanovic (1989) đã dẫn, cho rằng thị trường vốn cung cấp không đủ vốn cho các cá nhân tự đứng ra kinh doanh do lo ngại rủi ro đạo đức cũng như lựa chọn ngược, chính vì vậy, cá nhân phải tự huy động vốn và tự chịu rủi ro khi công việc kinh doanh gặp bất trắc. Trong khi đó, Schumpeter (1934, 1950) , lại cho rằng doanh nhân chỉ phải tìm ra các cơ hội tìm kiếm lợi nhuận và đẩy rủi ro sang phía nhà tư bản nào sẵn sàng cấp vốn cho họ kinh doanh.

Các nghiên cứu tiêu biểu xem xét tiềm lực tài chính như là yếu tố quyết định đến lựa chọn nghề nghiệp của cá nhân (theo lý luận của Knight) có thể kể ra như của Evans và Jovanovic (1989), Bernhardt (1994), Blanchflower và Oswald (1998), hay Destrés và Henrad (2004), rồi Constant và Zimmermann (2006). Sử dụng các cách tiếp cận khác nhau, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng ràng buộc thanh khoản có vai trò quan trọng, nó vừa là tiền đề để các doanh nhân khởi nghiệp nhưng cũng trở thành rào cản cá nhân tự đứng ra kinh doanh.

Evans và Jovanovic (1989) khi nghiên cứu mẫu gồm 1839 nam giới da trắng ở Mỹ đã nhận thấy có mối tương quan dương giữa xác suất tự làm chủ với số tài sản sở hữu khi và chỉ khi có sự hạn chế về vốn: người có nhiều tài sản hơn có thể khởi nghiệp với mức vốn ban đầu hiệu quả hơn và đạt thu nhập cao hơn, còn người nghèo hơn phải dành nhiều hơn trong phần tài sản đã có cho công việc kinh doanh của mình. Tuy nhiên mối tương quan này giảm dần theo thời gian, khi các doanh nghiệp lớn mạnh hơn. Một điều đáng chú ý khác là các doanh nghiệp nhỏ hơn, đối mặt với ràng buộc thanh khoản chặt hơn thì lại có xu hướng phát triển ở tốc độ nhanh hơn, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi. Các tác giả cũng nhận thấy rằng việc chỉ lựa chọn một nửa trong tổng số quan sát để hồi quy, đi kèm với mô hình tĩnh giản đơn về ràng buộc thanh khoản là 2 hạn chế trong bài nghiên cứu này và đề xuất thực hiện mô hình có thêm nhiều biến mang đặc điểm cá nhân hơn để kiểm soát các yếu tố này.

Bernhardt (1994) sử dụng mô hình probit rút gọn và cấu trúc như Rees và Shah(1986) hay Borjas và Bronars (1989) khi nghiên cứu mẫu của Canada cũng cho các kết luận đáng lưu ý. Tác giả sử dụng 3 biến giải thích để phản ánh khả năng tài chính của một cá nhân: biến giả phản ánh thu nhập của vợ (=1 nếu vợ có việc làm), biến giả phản ánh sở hữu tài sản cố định (=1 nếu đang sở hữu ngôi nhà đang ở) và biến thu nhập từ đầu tư. Việc sở hữu tài sản có giá trị như ngôi nhà và vợ có việc làm hưởng lương một mặt giảm thiểu rủi ro do sự dao động trong thu nhập từ việc kinh doanh, mặt khác cải thiện khả năng huy động vốn. Holtz-Eakin, Joulfaian và Rosen (1994) ví von thu nhập của người vợ có vai trò như “tấm lưới an toàn” cho công việc có tính rủi ro cao của người chồng. Kết quả hồi quy cho thấy các biến đều có ý nghĩa thống kê cao. Destrés và Henrad (2004) khi áp dụng mô hình tương tự cho Colombia thì chỉ có biến thu nhập từ vốn không có ý nghĩa, do trong thống kê, giá trị của biến này trong 2 mẫu quan sát không khác nhau nhiều trong khi ở mẫu Canada, sự chênh lệch là 3,61 lần. Constant và Zimmermann (2006) khi nghiên cứu động lực đằng sau quyết định tự kinh doanh của 2 nhóm dân số là di dân và bản địa ở Đức đều thấy các biến như sở hữu nhà và sự quan ngại về tài chính dường như gia tăng khả năng trở thành doanh nhân của cả 2 nhóm. Với người đàn ông đã kết hôn thì xác suất làm chủ doanh nghiệp cũng tăng lên, song khi có con thì lại giảm đi do trách nhiệm phải có thu nhập ổn định để nuôi cả gia đình tăng lên.

Blanchflower và Oswald (1998) thì tiếp cận khả năng tài chính ở góc độ khoản thừa kế hay quà biếu mà cá nhân được hưởng. Nhận thấy các nghiên cứu trước của Evans và các cộng sự bỏ ngỏ khả năng ràng buộc tài chính còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, hai tác giả lập luận việc được thừa hưởng tài sản do người khác để lại cũng giúp cá nhân khởi nghiệp kinh doanh của mình. Như vậy, kể cả khi không bị ràng buộc trong vấn đề tài chính, vẫn có tương quan giữa tài sản sở hữu với xu hướng tự làm chủ của cá nhân. Việc được thừa hưởng sản nghiệp của gia đình cũng có thể dùng để giải thích mối tương quan này. Hai tác giả đi vào nghiên cứu tác động của việc thừa kế lên khả năng tự kinh doanh giữa các nhóm tuổi và đi đến kết luận rằng việc được nhận thừa kế có ảnh hưởng tích cực lên xác suất tự đứng ra kinh doanh của một cá nhân điển hình khi các yếu tố khác không đổi.



2.2. Hoàn cảnh gia đình

Nhân tố thứ hai tác động tới quyết định lựa chọn làm thuê hay doanh nhân là đặc điểm gia đình. Tình trạng hôn nhân, số trẻ em phụ thuộc hay công việc của vợ/chồng là những khía cạnh chính được xem xét đối với nhân tố này. Rees và Shah (1986) sử dụng số liệu từ General Household Survey 1978 với 11794 hộ gia đình và 4762 chủ hộ, áp dụng mô hình probit để xác định chênh lệch thu nhập kỳ vọng giữa làm thuê và làm chủ với giả định cá nhân sẽ lựa chọn công việc đem lại thu nhập cao hơn. Rhe và Sha cho rằng một người đã có gia đình sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn so với người chưa có gia đình. Đồng thời sự ủng hộ của gia đình có thể làm giảm đi những đòi hỏi khó khăn của lựa chọn là doanh nhân hơn là chưa có gia đình.

Không nhằm mục đích làm rõ sự khác biệt giữa hai lựa chọn (doanh nhân hay làm thuê), Christopher Dawson, Andrew Henley và Paul Latreille (2009) tìm hiểu mối quan hệ của lựa chọn doanh nhân với các động cơ dẫn tới lựa chọn đó, đồng thời xem xét tác động của yếu tố nền, nhân khẩu học của một cá nhân tới quyết định tự làm chủ. Bộ số liệu sử dụng được lấy từ United Kingdom Quarterly Labour Force Survey từ 1999 đến 2001, thực hiện với gần 59000 hộ và 138000 cá nhân trong mỗi lần. Quy mô số liệu lớn cung cấp cho các tác giả mẫu quan sát lớn, và thuận lợi cho việc phân tích các nhóm quan sát đặc biệt. Với kết quả điều tra từ các bảng hỏi chi tiết, các tác giả sử dụng mô hình ước lượng của Satori (2003) để thực hiện các kiểm định. Kết quả cho thấy, việc có trẻ phụ thuộc làm tăng xác suất lựa chọn doanh nhân. Cách giải thích chính xác cho mối quan hệ này thật sự không rõ ràng, nhưng có thể hiểu lựa chọn tự làm chủ trong trường hợp này nhằm hướng đến một thời gian làm việc linh hoạt hơn. Không có thống kê có ý nghĩa nào chỉ ra mối quan hệ giữa tình trạng hôn nhân và lựa chọn làm doanh nhân, nhưng các hệ số là đáng tin cậy: tiêu cực đối với người có gia đình và tích cực đối với người đã từng kết hôn (kể cả đã ở góa hay đã ly dị) và những người chưa kết hôn. Kết quả này trái ngược hẳn với Rees và Shah (1986) như nói ở trên.

Nếu trong hai nghiên cứu trên, đặc điểm gia đình chỉ là một phần trong phân tích tác động thì Hout M. and Rosen H.(2000) lại xem đó như là vấn đề trung tâm để phân tích. Sử dụng số liệu của General Social Survey (University of Chicago), từ 1973 đến 1996, mẫu quan sát chỉ bao gồm nam từ 25 đến 64 tuổi, làm việc ngoài khu vực nông nghiệp và có trên 15 giờ lao động 1 tuần. Mô hình logit được sử dụng cho phân tích. Kết quả cho thấy, nếu cha là một doanh nhân thì khả năng người con là doanh nhân cao hơn. Ảnh hưởng của cỡ hộ là không đáng kể, khi cỡ hộ lớn hơn sẽ làm giảm xác suất trở thành doanh nhân. Tương tự với cấu trúc gia đình, ảnh hưởng là không đáng kể, tuy nhiên cá nhân cá nhân sống thiếu cả cha và mẹ thì xác suất làm chủ thấp hơn (tương tư với ý kiến của Rhe và Sha về sự ủng hộ của gia đình). Tương tự, việc thử đưa thêm biến có con nhỏ cũng không ảnh hưởng nhiều đến xác suất. Người độc thân có xác suất thành doanh nhân thấp hơn cả. Tuy nhiên, đàn ông đã từng cưới – bất kể tình trạng hôn nhân bây giờ ra sao – lại có khả năng làm chủ doanh nghiệp cao hơn.

Qua một số nghiên cứu ta thấy rằng, tác động của mỗi nhân tố lại khác nhau với mỗi nghiên cứu. Trong khi Rees và Shah cho rằng có gia đình ảnh hưởng tích cực đến việc trở thành doanh nhân thì Henley và đồng nghiệp lại có ý kiến trái ngược, với kết luận của Hout M và Rosen H thì ảnh hưởng của tình trạng hôn nhân lại không rõ ràng. Sự sai khác đó có thể do chọn mẫu hay phương pháp khác nhau. Để có một đánh giá chính xác cho Việt Nam, chúng ta cần phải xem xét cụ thể.

2.3. Giáo dục

a. Giáo dục có tác động tích cực đáng kể tới người làm thuê (employee), nhưng không ảnh hưởng nhiều tới quyết định tự làm chủ (self-employment) như nghiên cứu của Carolona Castagnetti, Francesco Chelli và Luisa Rosti (2008). Bài nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của giáo dục ảnh hưởng tới thu nhập cá nhân quết định tự làm chủ. Tác giả xây dựng hàm hiệu suất giáo dục gồm các biến kết quả học tập cuối kỳ và thời gian mà sinh viên hoàn thành sự nghiệp học tập. Cũng như các bài nghiên cứu trước tác giả tiến hành hồi quy hàm thu nhập đối với người làm thuê toàn thời gian và người làm chủ bằng việc kiểm soát lựa chọn của cá nhân. Các tác giả ước tính mô hình lựa chọn mẫu bằng phương pháp 2 bước của Heckman (1979) tiến hành kiểm tra lại kết quả ước lượng bằng mô hình probit với biến nhị phân - nếu cá nhân có mức lương cao trong 2 trạng thái nghề nghiệp. Cuối cùng kết quả được chỉ ra giáo dục có tác động không đáng kể vào khu vực làm chủ nhưng có tác động đáng kể vào khu vực làm thuê.

b. Giáo dục có tác động đáng kể đến quyết định tự làm chủ doanh nghiệp

Nghiên cứu của Alba-Ramirez và San Segundo (1995) cung cấp kết quả ước lượng mô hình với số liệu ở Tây Ban Nha. Giáo dục được xét là số năm giáo dục và bằng cấp giáo dục cao nhất đạt được. Kết quả cho thấy tác động của giáo dục đại học là đáng kể và cao hơn đối với cá nhân quyết định tự làm chủ doanh nghiệp. Cho kết quả khác biệt hơn, nghiên cứu của Garcia-Mainar và Montuenga-Gosmez (2005) hỗ trợ tiếp kết quả nghiên cứu về Tây Ban Nha. Ảnh hưởng trở lại cấp giáo dục cao hơn là thấp hơn đối với cá nhân quyết định tự kinh doanh.

Rees & Shah (1986) sử dụng bộ số liệu General Household Survey 1978 của Anh với khoảng 11,794 hộ gia đình. Với mục đích xem xét sự tác động qua lại giữa tình trạng việc làm và thu nhập, mẫu quan sát chỉ bao gồm những người làm việc đủ thời gian (trên 30 tiếng/tuần), hồi quy probit với biến nhị phân đại diện cho quyết định lựa chọn nghề nghiệp cá nhân, chỉ ra sự khác nhau giữa hai quyết định bằng chênh lệch trong thu nhập đối với mỗi lựa chọn. Hai tác giả cho rằng giáo dục có ảnh hưởng tới tích cực đến lựa chọn tự làm chủ. Tác động có thể xảy ra theo hai cách. Thứ nhất, giáo dục đóng vai trò như một bộ lọc mà những người được đào tạo cao hơn sẽ muốn đồng bộ khả năng của họ. Thứ hai, họ cũng có xu hướng hiểu biết hơn và do đó đánh giá tốt hơn cơ hội tự làm chủ của mình. Kết quả hồi quy cho thấy các biến đặc trưng cho giáo dục tác động tích cực và đáng kể tới thu nhập của người tự làm chủ.

Justin van der Sluis, Mirjam van Praag và Wim Vijverberg nghiên cứu tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm trước đó đánh giá tác động của giáo dục chính thức về sự lựa chọn và tiến hành kinh doanh trong những quốc gia phát triển. Sử dụng phương pháp phân tích meta-analysis tác giả miêu tả ảnh hưởng chủ yếu được nhận thấy trong nghiên cứu và giải thích sự mâu thuẫn về kết quả qua nhiều nghiên cứu trước đó. Năm kết luận chính được chỉ ra từ phân tích meta-analysis là: Tác động của giáo dục đi đến quyết định lựa chọn kinh doanh là đáng kể; ảnh hưởng của giáo dục tới việc tiến hành kinh doanh là đáng kể; tác động biên của số năm giáo dục cho một doanh nhân là 6,1%; ảnh hưởng của giáo dục về thu nhập là nhỏ hơn cho các doanh nhân nhưng nhỏ hơn ở Mỹ; Tác động trở lại của giáo dục đến thiên hướng tự kinh doanh ở Mỹ là cao hơn châu Âu (xem thêm Van Der Sluis và cộng sự).

Peter van der Zwan, Ingrid Verheul, Roy Thurik và Isabel Grilo (2009) sử dụng dữ liệu năm 2007 khảo sát ở châu Âu về tinh thần kinh doanh, No.192” của hội nghị châu Âu gồm 20.674 quan sát gồm 25 nước thành viên và Norway, Iceland, US. Bằng cách sử dụng một mô hình logit tích lũy, mô hình cơ bản đánh giá tác động của các biến giải thích về sự chênh lệch (tỷ lệ hai xác suất) nghiên cứu về tiến trình kinh doanh bao gồm năm cấp độ nghiên cứu "không bao giờ xem xét mở doanh nghiệp", "tư duy về điều đó", "thực hiện các thủ tục", "đang kinh doanh dưới ba năm" và "đang kinh doanh trên ba năm". Kết quả thu được chỉ ra rằng tác động của giáo dục là tích cực và đáng kể cho sự chuyển đổi nhận thức đầu tiên ("không bao giờ nghĩ tới" đi đến "tư duy tự kinh doanh"), không đáng kể cho sự chuyển đổi tiếp theo ("tư duy" để "thực hiện các bước kinh doanh") và tiêu cực đáng kể khi đi đến các cấp độ quyết định kinh doanh tiếp theo nữa (nghĩa là "thực hiện các bước" tới “đang kinh doanh dưới 3 năm” và “đang kinh doanh sau 3 năm"). Giáo dục tinh thần kinh doanh xuất hiện thực sự quan trọng đối với việc có ý định tự kinh doanh ban đầu, nhưng không có hiệu lực vào quá trình chuyển đổi trong tương lai. Vai trò của người làm gương, cụ thể là thành viên trong gia đình sở hữu doanh nghiệp riêng ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng quyết định tự kinh doanh.

Nghiên cứu của Joern H. Block, Lennart Hoogerheide và Roy Thurik (2009) khi đo lường ảnh hưởng của trình độ học vấn đến xu hướng quyết định tự làm chủ doanh nghiệp gặp phải khó khăn là đưa biến đại diện cho trình độ học vấn vào mô hình như một biến nội sinh. Giáo dục xuất hiện như là biến nguyên nhân trong mô hình kinh tế trong khi nó có mối tương quan trong thực tế với sai sót trong mô hình (Van der Sluis và cộng sự, 2008). Sự tương quan này có thể qui cho nguyên nhân sai sót trong đo lường hoặc bỏ qua biến. Nguyên nhân khác bao gồm, tự hồi qui với khuyết tật tự tương quan và mẫu không ngẫu nhiên (Kennedy, 2008). Nghiên cứu của Joern H. Block Lennart, Hoogerheide và Roy Thurik (2009) lần đầu tiên đưa giáo dục vào mô hình như một biến nội sinh bằng cách sử dụng hồi qui biến công cụ và dữ liệu từ hơn 10.000 cá nhân ở 27 quốc gia châu Âu và Mỹ, chỉ ra rằng tác động của giáo dục tới quyết định thành lập doanh nghiệp, có tác động mạnh và tích cực. Cá nhân có cấp độ giáo dục cao hơn có khả năng lớn hơn khởi đầu một doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu của họ cũng chỉ ra rằng mô hình logit, probit chuẩn đánh giá không đúng mức tác động mạnh mẽ của giáo dục đến quyết định lựa chọn kinh doanh và có thể đưa đến kết quả sai lệch.

c. Giáo dục có tác động tiêu cực tới quyết định lựa chọn làm chủ:

Tamvada, Jagannadha Pawan, Max Planck (2010) tập trung vào lĩnh vực phi nông nghiêp, trình độ giáo dục cao làm giảm quyết định lựa chọn trở thành người làm chủ qua thời gian và tác động ngược lại trong lĩnh vực nông nghiệp. Tác giả đã tiến hành ước lượng mô hình với 2 khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp trong 2 năm 2000 và 2004. Tương tự như các nghiên cứu trước biến phụ thuộc là biến nhị phân, các biến tham số là giới, tình trạng hôn nhân, giáo dục, khu thành thị, tài sản, biến cấu trúc.

Trong lĩnh vực phi nông nghiệp biến giáo dục làm giảm xác suất của người làm chủ trong năm 2004, và nó có tác động đáng kể trong năm 2000 (tương tự, Lucas (1978) và Iyigun và Owen (1999)). Trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục làm tăng xác suất trở thành người làm chủ trong cả hai năm. Kết quả cuối cùng cho thấy, người có giáo dục cao dường như trở thành người làm chủ trong lĩnh vực phi nông nghiệp năm 2000, nhưng xác suất ít hơn trong năm 2004.

Tác giả chọn mẫu hẹp hơn là đàn ông đang làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp và nông nghiệp. Các biến thể hiện mức giáo dục cao hơn và giáo dục kỹ thuật tác động không đáng kể. Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, giáo dục phi chính thức giảm khả năng trở thành người làm chủ. Tác động của việc có bằng kỹ thuật là tiêu cực. Tiếp theo, tác giả tiến hành xây dựng mô hình với cá nhân làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở nông thôn, và làm phi nông nghiệp ở thành thị. Kết quả thực nghiêm cho thấy, giáo dục có tác động tiêu cực đáng kể. Tiến hành nghiên cứu cụ thể hơn với mẫu đàn ông ở thành thị, cho thấy tác động tiêu cực của giáo dục với việc lựa chọn làm chủ của cá nhân. Trong khu vực nông nghiệp, giáo dục lại có tác động đáng kể đến việc quyết định làm chủ của một cá nhân trong năm 2004, tác động này mạnh hơn so với năm 2000. Và đặc biệt tác động tới việc lựa chọn làm chủ cao nhất đối với khu vực giáo dục phi chính thức. Cá nhân có bằng cấp giáo dục trong lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng quyết định trở thành người làm chủ.

Anh T.Le (1999) nghiên cứu về những yếu tố tác động đến quyết định tự kinh doanh cá nhân người nhập cư ở Australia với dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu “Điều tra dân số và nhà ở Australia, 1981 và 1991”, chỉ ra ảnh hưởng tới việc tự kinh doanh bởi cả hai biến vốn con người và vốn phi con người (xem Le, 1999). Phân tích tập trung miêu tả nhóm dân số, nhóm 15-64 làm công ăn lương hoặc tự kinh doanh và thu nhập theo giờ. Với biến phụ thuộc là thiên hướng tự kinh doanh, sử dụng mô hình logit với 2 mô hình : MH1 bao gồm biến vốn con người, đặc điểm mối quan hệ công việc, địa phương người nhập cư, và tôn giáo, nơi sinh; MH2 bao gồm các biến trong MH1, nhưng biến enclave được tạo với biến ngôn ngữ của người nhập cư.

Kết luận được Le đưa ra từ bài nghiên cứu là hầu hết những biến ảnh hưởng quan trọng là giáo dục, kinh nghiệm thị trường lao động, thành thạo tiếng Anh, sở hữu nhà (yếu tố vốn), trạng thái hôn nhân, và trạng thái nghề nghiệp. Người không phải quốc tịch Australia tác động tích cực hơn so với người có quốc tịch Australia tới xu hướng quyết định tự làm chủ. Đặc biệt cá nhân có vợ chồng, sở hữu nhà cao hơn trong xu hướng tự kinh doanh. Trái lại, giáo dục làm giảm xu hướng tự làm chủ.

Guillaume Destrés và Valentine Henrad. 2004 thì sử dụng biến đại diện cho giáo dục là “no schooling” (không theo trường lớp), cấp 1, cấp 2 và đại học. Mẫu quan sát là đàn ông, từ 18-70 tuổi là chủ hộ lấy từ Điều tra Hộ gia đình ở Colombia (ENH) tháng 06/1996. Hai tác giả dùng mô hình cấu trúc như của Rees và Shah (1986) hay của Bernhardt (1994), trong đó quyết định lựa chọn làm chủ hay làm thuê phụ thuộc phần lớn vào chênh lệch thu nhập kỳ vọng giữa hai trạng thái. Giáo dục cho tác động âm, đối với cấp đại học thì ảnh hưởng âm còn lớn hơn, có thể là vì giáo dục đại học mang lại lợi ích lớn hơn cho người làm thuê như de Wit đã chỉ ra (1993).

d. Giáo dục không ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn của cá nhân:

Trang, Do và Duchêne (2007) sử dụng bộ số liệu Điều tra mức sống Việt Nam (VLSS) năm 2004. Mô hình hồi quy 3 bước: bước 1, hồi quy mô hình probit giảm; bước 2 ước lượng hồi quy thu nhập với 2 trạng thái nghề nghiệp; bước 3 ước lượng mô hình probit để xem xét chênh lệch lợi ích giữa 2 trạng thái. Biến giải thích đại diện cho giáo dục là số năm đến trường ở các mức (1-5, 6-9, 10-12) cấp giáo dục cao hơn là biến giả với mức ít nhất là có 15 năm giáo dục. Ngoài ra, còn biến giả những người có tham gia khóa đào tạo nghề. Kết quả được chỉ ra trong nghiên cứu là giáo dục ảnh hưởng tiêu cực tới xu hướng quyết định tự làm chủ của cá nhân.



tải về 0.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương