CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam sở NÔng nghiệp và ptnt độc lập Tự do Hạnh phúc



tải về 142.85 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích142.85 Kb.
#1500


UBND TỈNH TÂY NINH CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: /BC-SNN Tây Ninh, ngày tháng 01 năm 2009



BÁO CÁO

Thực hiện năm 2008 và kế hoạch năm 2009
ngành Nông nghiệp và PTNT



Phần I

KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2008
A. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM, THỦY SẢN (xem biểu 1)

Giá trị sản xuất (GTSX) nông, lâm, thủy sản ước đạt 5.304 tỷ đồng, đạt 102% so với kế hoạch (KH), tăng 7,8% so với năm 2007, trong đó GTSX ngành chăn nuôi đạt 699 tỷ đồng, chiếm 13,18% giá trị sản xuất nông nghiệp.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã được triển khai thực hiện một cách hiệu quả, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Trong năm tuy dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước nhưng với sự tập trung nỗ lực, chỉ đạo sản xuất của ngành và sự hỗ trợ, nhiệt tình tham gia của bà con nông dân nên dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng (LMLM) gia súc, bệnh Marek trên gia cầm…trên địa bàn tỉnh không xảy ra và đã khống chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rầy nâu gây ra trên cây lúa. Công tác tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm được tập trung thực hiện.

1. Trồng trọt

Tổng diện tích gieo trồng năm 2008 đạt 366.277 ha, bằng 99,8% so với KH và bằng 101,4% so với năm 2007. Hầu hết diện tích các loại cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch, cây lúa đạt 152.223 ha, bằng 108,7% so với KH, bằng 106,8% so với năm 2007, cây mì đạt 48.058 ha, bằng 120,1% KH, bằng 107,9% so với năm 2007, cây cao su ước đạt 65.248 ha, bằng 112,5% KH, bằng 107,5% so với năm 2007, riêng cây mía ước đạt 21.328 ha, bằng 71,1% so với KH, bằng 64,6% so với năm 2007; cây thuốc lá: 2.596ha, chỉ bằng 43,3% so với KH, bằng 70,3% so với năm 2007.



2. Chăn nuôi

Năm 2008, tổng đàn gia súc của tỉnh đạt 381.778 con, đạt 88% KH, bằng 96,3% so năm 2007, trong đó: đàn bò 133.124 con, bằng 91,5% so năm 2007; đàn trâu 24.990 con, đạt 89,3%KH, bằng 89,9% so với năm 2007; đàn heo 223.664 con, đạt 86% KH, bằng 100,2% so năm 2007; tổng đàn gia cầm ước đạt 2.408.000 con, đạt 104,7% KH, tăng 112,4 % so năm 2007. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh LMLM, dịch cúm gia cầm (CGC)…xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước nhưng nhìn chung tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh phát triển ổn định, các dịch bệnh nguy hiểm LMLM gia súc, dịch cúm gia cầm, bệnh Marek gia cầm chưa phát sinh trên địa bàn tỉnh, có được kết quả này là do ngành đã tăng cường công tác phòng, chống dịch; việc tiêm phòng, giám sát dịch bệnh, tiêu độc sát trùng, việc kiểm tra, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật được chú trọng; công tác thông tin tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, nguy cơ dịch bệnh đến tận cơ sở chăn nuôi, đến người dân…được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ theo chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phòng chống dịch (BCĐ PCD) cúm gia cầm và LMLM gia súc tỉnh

Giá heo hơi và heo giống dao động thất thường (đầu năm giá thấp, đến tháng 5 giá tăng cao): heo hơi từ 28.000 đồng/kg – 43.000 đồng/kg; giá heo giống thương phẩm 43.000-70.000 đồng/kg. Hiện nay, giá heo hơi đã giảm rất thấp, còn 26.000-27.000 đồng/kg (bình quân, người chăn nuôi lỗ khoảng 200.000 đồng/tạ heo xuất chuồng). Giá gà ta: 60.000-90.000 đồng/kg (tăng cao nhất vào dịp tết Nguyên đán), hiện nay:70.000 đồng/kg; trứng gà ta: 2.000-2.700 đồng/trứng. Vịt thịt: 27.000-32.000 đ/kg (hiện nay: 26.000-27.000 đồng/kg), trứng vịt: 1.500-1.700 đ/trứng. Giá thịt bò hơi dao động: 20.000 đ/kg-24.000 đ/kg. Giá sản phẩm gia súc, gia cầm tăng, giảm không ổn định, cộng với giá thuốc thú y, giá nhân công, giá thức ăn gia súc, gia cầm tăng nhanh nên người chăn nuôi không an tâm đầu tư sản xuất.

Hiện nay xu thế của các hộ chăn nuôi là chuyển từ chăn nuôi bò lai Sind sang chăn nuôi bò sữa, giá Bò Zêbu giống vẫn còn thấp và khó tiêu thụ. Phong trào chăn nuôi bò sữa ở huyện Trảng Bàng tiếp tục phát triển do giá thu mua sữa khá ổn định ở mức 7.700 đồng/kg, người chăn nuôi bò sữa có thu nhập cao, tuy nhiên việc phát triển đàn bò sữa vẫn gặp khó khăn do giá giống cao và khó chọn mua được bò giống tốt. tổng đàn bò sữa năm 2008 ước đạt 1.407 con, quy mô chăn nuôi phổ biến từ 03 con trở lên/hộ.



3. Thủy sản

GTSX thủy sản ước đạt 72,3 tỷ đồng, bằng 100,5% so với KH, tăng 3% so với năm 2007. Ngành đã phối hợp với các huyện, thị sử dụng có hiệu quả diện tích các đê bao tiểu vùng nuôi trồng thủy sản kết hợp nhằm tăng diện tích và sản lượng nuôi trồng, đồng thời tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn chỉnh thủ tục để tiến hành nuôi cá tra tập trung theo chủ trương đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tổng sản lượng thủy sản năm 2008 đạt 7.273 tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản đạt 3.772 tấn, tăng 4,7% so với năm 2007; khai thác thủy sản đạt 3.602 tấn, tăng 1,3% so với năm 2007. Sản lượng khai thác thủy sản có chiều hướng tăng ổn định, do công tác thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng được thực hiện đều đặn từ năm 2005 đến nay và việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các ngư cụ cấm khai thác thủy sản trái phép được thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo nguồn lợi thủy sản được tái tạo. Năm 2008, ngành đã tiếp tục thả 797.000 con cá giống vào hồ Dầu Tiếng.



4. Các chương trình hỗ trợ phục vụ sản xuất

a) Về công tác khuyến nông, sản xuất và cung ứng giống

Trong năm 2008, ngành đã triển khai thực hiện công tác khuyến nông với một số kết quả như sau: Triển khai mô hình trình diễn sản xuất đối với cây trồng tổng cộng 266 ha, bao gồm: cây lúa 160 ha, cây bắp 10 ha, cây mãng cầu 10 ha, dưa leo 13 ha, khổ qua 14 ha, nhân giống lạc 45 ha, cây mía 14 ha; trình diễn các mô hinh chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường, bao gồm: gà 5.500 con, heo nái 30 con, bò sữa 19 con; mô hình thủy sản với tổng cộng 1,4 ha gồm ba ba, cá thát lát còm, cá bống tượng, cá lăng nha…

Ngoài ra, ngành đã trình diễn mô hình 03 máy gặt đập liên hợp, xuất bản 10.000 tài liệu bướm, 4.000 tập san khuyến nông, 20 chuyên mục “Nông nghiệp và nông thôn” trên Đài Phát thanh và Truyền hình, tổ chức 10 cuộc hội thảo với 520 người tham dự, 03 lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông cơ sở, 02 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm, tổ chức cho nông dân tham dự hội chợ triển lãm ILDEX về ngành chăn nuôi, tham dự diễn đàn khuyến nông @ về công nghệ chăn nuôi gia súc năm 2008 tại Đà Lạt.

Trong năm 2008, ngành đã tổ chức sản xuất, dự phòng, luân chuyển 100 tấn giống lúa các loại, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, đạt 100% so với KH; sản lượng sản xuất heo giống đạt xấp xỉ KH năm (825 con). Ngành đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các đề tài như: Nghiên cứu, chọn lọc giống và xác định biện pháp kỹ thuật tổng hợp nâng cao năng suất, chất lượng mãng cầu Tây Ninh; tuyển chọn và phát triển giống đậu phọng ngắn ngày, năng suất cao thích hợp cho tỉnh Tây Ninh; khảo nghiệm cơ bản các giống mì.



b) Về công tác bảo vệ thực vật

Nhìn chung đa số bệnh hại có tăng về diện tích bị nhiễm so với CK, tuy nhiên hầu hết còn ở mức nhẹ, mật số thấp ảnh hưởng không nhiều đến sinh trưởng của cây trồng; riêng rầy nâu, bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá đã giảm mạnh. Một số đối tượng gây hại đáng chú ý như: Rầy nâu so với CK tuy có giảm về diện tích bị nhiễm nhưng đã gia tăng mức độ hại (37.163 ha, trong đó nhiễm nặng 4.423 ha), phát sinh chủ yếu ở vụ Đông xuân 2007-2008, diện tích bị nhiễm nặng tập trung tại các huyện Châu Thành (2.278 ha), Bến Cầu (1.736 ha); vụ Hè Thu diện tích bị nhiễm ít, mật số thấp, không có diện tích bị nhiễm nặng; riêng trong tháng 7, diện tích bị nhiễm rầy nâu trên cây lúa tăng mạnh với 3.213ha, tăng hơn 2 lần so với tháng trước, tăng 79,4% so với cùng kỳ; bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá diện tích bị nhiễm 89ha, giảm 95% so với CK (trong đó nhiễm rất nặng 56,8ha mức độ 30-60% tại huyện Gò Dầu, Dương minh Châu).



*Công tác phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá: Ngành đã phối hợp với Ban chỉ đạo phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá các cấp ra quân trừ rầy ở những cánh đồng có mật số cao và trên diện rộng của 23 xã, thị trấn thuộc 5 huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành, Tân Biên, Dương Minh Châu với diện tích đã được phun xịt 10.283 ha; tổ chức 27 lớp tập huấn cho nông dân; cử cán bộ kỹ thuật bám sát cánh đồng, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình rầy nâu; hoàn thành, đưa vào sử dụng các hệ thống bẫy đèn. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện 3 chuyên mục về phòng trừ rầy nâu, chăm sóc lúa Đông Xuân; thường xuyên thông báo trên đài tình hình diễn biến rầy nâu và các biện pháp phòng trừ hiệu quả đến bà con nông dân.

c) Về công tác thú y

Trong năm 2008, đàn gia súc, gia cầm của tỉnh an toàn dịch bệnh. Các bệnh truyền nhiễm trên gia súc chỉ xảy ra rải rác, được phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời. Riêng bệnh tai xanh trên heo (PRRS) xảy ra tại Trung tâm Giống nông nghiệp (từ ngày 12/9/2008-26/9/2008) đã được phát hiện sớm, áp dụng các biện pháp chống dịch kịp thời, khẩn trương, nên bệnh đã được khống chế, dập tắt hoàn toàn. Ngành tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh. Ngành đã tham mưu UBND tỉnh, BCĐ PCD CGC và LMLM gia súc tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Mặt khác, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành đã hỗ trợ một số vật tư thú y cho tỉnh KôngPôngChàm gồm: 10.000 liều thuốc tụ huyết trùng (THT) trâu bò, 1.000 liều thuốc LMLM, 100 lít Benkocid..



*Công tác tiêm phòng:

+ Gia súc: Kết quả tiêm phòng đợt 1/2008 được 323.657 liều vắc xin các loại (LMLM, THT, phó thương hàn (PTH) và dịch tả), tỉ lệ tiêm phòng các loại vắc xin THT, PTH và dịch tả đều vượt cao hơn so cùng kỳ năm trước và đạt hơn 90% so tổng đàn. Riêng tỷ lệ tiêm phòng vắc xin LMLM gia súc giảm so với cùng kỳ và so với tổng đàn, nguyên nhân là do Cục Thú y phân bổ vắc xin LMLM chưa kịp thời so kế hoạch tiêm phòng định kỳ (đối với trâu bò chỉ đạt 35,06% tổng đàn và 31,91% kế hoạch). Tiêm phòng đợt 2/2008 được 278.742 liều, đạt trên 90% tổng đàn.

Riêng Chương trình khống chế và thanh toán bệnh LMLM thuộc chương trình quốc gia (05 huyện biên giới) tiêm phòng được 91.695 liều (80.439 liều trâu bò đạt 60,1% tổng đàn, 11.256 liều heo, đạt 92,1% tổng đàn).

+ Gia cầm : Kết quả tiêm phòng cúm gia cầm đợt 1/2008 với 1.200.931 gia cầm, tỉ lệ tiêm phòng đạt 91,39% tổng đàn (trong đó : 581.373 gà, đạt 87,52% tổng đàn ; 619.558 vịt , đạt 95,34% so tổng đàn). Tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt 2/2008 được 1.031.609 gia cầm, đạt 82,42% tổng đàn.

+ Tiêm phòng dại chó: thực hiện tiêm phòng được 27.265 con, đạt tỷ lệ tiêm phòng 88,93% tổng đàn.

* Công tác tiêu độc sát trùng:

Ngành đã tổ chức 02 đợt tiêu độc sát trùng trong năm 2008 đối với 32.990 hộ chăn nuôi, 13 điểm giết mổ gia cầm, 116 trại chăn nuôi tập trung, 63 chợ buôn bán gia cầm ở nông thôn và 199 nơi công cộng, tổng diện tích sát trùng tiêu độc là 1.795.022 m2, đã sử dụng các loại thuốc: FAM-30: 5 lít, Benkocid: 470 lít, Ucarsan sanitizer: 495 lít.



* Công tác bắt chó chạy rong: Từ ngày 04/3/2008 đến ngày 11/10/2008 đã bắt được 347 con chó với 22 chuyến. Ước năm 2008 bắt được 480 con với 36 chuyến.

* Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ:

Ngành đã tăng cường công tác kiểm dịch gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật vận chuyển xuất nhập tỉnh, kiểm dịch tại các cửa khẩu (Phước Tân, Xa Mát) và tại các đầu mối giao thông nhằm ngăn chặn dịch bệnh từ Campuchia lây lan sang, đến nay, chưa phát hiện gia cầm hoặc sản phẩm gia cầm nhập lậu từ Campuchia sang.

Thực hiện Quyết định 1405/QĐ-TTg ngày 16/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thuỷ cầm, ngành đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra các cơ sở ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thuỷ cầm về vệ sinh thú y, môi trường, tiêu độc khử trùng…qua kiểm tra có 17/17 cơ sở chăn nuôi gia cầm đều đạt điều kiện, chỉ có 05/12 cơ sở ấp trứng gia cầm đạt yêu cầu theo qui định, đoàn kiểm tra đã hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở thực hiện theo đúng các hướng dẫn của ngành chức năng về chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, trong năm ngành đã triển khai thực hiện dự án Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam tỉnh Tây Ninh thuộc nguồn vốn viện trợ, các nội dung triển khai trong năm 2008 bao gồm: triển khai công tác giám sát huyết thanh, virus và mua vật dụng tiêu hao kiểm dịch tại các chợ và vùng biên giới, nâng cao nhận thức người dân, tập huấn cho hộ chăn nuôi về tăng cường báo cáo dịch bệnh, tổ chức diễn tập chống dịch, vận hành thử nghiệm phương pháp tiêm phòng bao vây ổ dịch, hỗ trợ thú y huyện và hợp đồng thú y xã giám sát các ca bệnh được báo cáo; hỗ trợ Trạm Thú y huyện tổ chức tập huấn và họp thú y xã, tổ chức triển khai công tác lấy mẫu và xét nghiệm mẫu tại các trai chăn nuôi, làm việc với đối tác Thú y Vương quốc Campuchia tại nước bạn và tại Việt Nam.



II. LÂM NGHIỆP (xem biểu 4,5)

1. Công tác bảo vệ rừng

Diện tích bảo vệ rừng ước thực hiện năm 2008 là 42.599 ha đạt 101% so với kế hoạch, bao gồm: rừng tự nhiên: 35.190 ha (các DA661: 33.140 ha; các huyện: 2.050 ha); rừng trồng: 7.409 ha (các DA661: 6.930 ha; các huyện: 479 ha). Diện tích khoanh nuôi tái sinh tự nhiên thực hiện 10.551ha, đạt 97,4% so với kế hoạch, trong đó: các dự án cơ sở: 8.015 ha; các huyện: 2.536ha.

Nhìn chung diện tích rừng của tỉnh được bảo vệ và phát triển khá tốt, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có của tỉnh đều được giao tổ chức và nhóm hộ nhận khoán bảo vệ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng còn diễn biến phức tạp, nạn trộm lậu lâm sản, lấn chiếm đất rừng ở những khu rừng gần dân, khu vực giáp ranh tỉnh Bình Phước, giáp biên giới Campuchia vẫn còn xảy ra với quy mô nhỏ lẻ, thủ đoạn tinh vi rất khó kiểm soát; tình trạng các hộ nhận khoán tự ý chặt phá rừng trồng ngày càng gia tăng, một số hộ xin thanh lý rừng trồng để trồng lại cây cao su. Tính đến tháng 12/2008, toàn tỉnh đã xảy ra 348 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, đã điều tra xử lý 310 vụ, xử lý tịch thu 69,5 m3 gỗ tròn, 20,2 m3 gỗ xẻ, 616 con động vật rừng.

2. Công tác trồng rừng

Diện tích trồng mới rừng năm 2008 được nghiệm thu đạt 192 ha, trong đó các Ban quản lý Rừng đặc dụng, Rừng phòng hộ trồng được 102 ha đạt 102 % so với kế hoạch và các huyện ước trồng 90 ha (Tỉnh đội trồng tại Đảo Nhím 73 ha, Di tích lịch sử Bời Lời trồng 17 ha). Riêng diện tích hỗ trợ trồng rừng sản xuất chưa thực hiện được, do các đơn vị chậm lập dự án đầu tư để cấp có thẩm quyền phê duyệt.



3. Công tác chăm sóc, phòng chống cháy rừng

Công tác chăm sóc, phòng chống cháy rừng được quan tâm thực hiện, ngành đã tiến hành chăm sóc phòng chống cháy lần 2 được 331ha rừng trồng (trong đó dự án 661:306,5ha), đạt 98,1% so với kế hoạch, Mùa khô năm 2007-2008, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 vụ cháy rừng trồng với diện tích 14,7ha, so với cùng kỳ tăng 01 vụ nhưng diện tích giảm 2,5 ha.

Ngoài ra, trong năm 2008, ngành Nông nghiệp và PTNT đã gieo ươm 275.500 cây lâm nghiệp các loại để cung cấp các tổ chức, đơn vị và nhân dân trồng phân tán, bên cạnh đó Công ty liên doanh thuốc lá BATV đã hỗ trợ cho tỉnh 450.000 cây keo các loại, 10.000 cây Dầu con rái 2 năm tuổi để trồng phân tán.

Ngành đã phối hợp với Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam bộ xây dựng dự án Quy hoạch Vườn Quốc gia giai đoạn 2, xây dựng dự án đầu tư các dự án cơ sở giai đoạn 2006-2010.

Tính đến nay, các đơn vị đã được phê duyệt thiết kế khai thác tận dụng, tỉa thưa rừng trồng với tổng diện tích 1.889ha (trong đó diện tích rừng trồng là 1.852ha và rừng tự nhiên 37ha), sản lượng 25.911m3, trong đó: gỗ là 21.089m3 và củi 97m3.

Hiện nay, trước tình trạng giá cả tăng cao, đời sống của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng đang gặp nhiều khó khăn, với mức khoán 100.000 đồng/ha, thu nhập của các hộ nhận khoán rất thấp, lực lượng quản lý bảo vệ rừng chưa an tâm công tác, hiệu quả bảo vệ rừng không cao, nhiều hộ nhận khoán đã ngưng hợp đồng để chuyển sang làm bảo vệ cho các nông trường cao su để có thu nhập cao hơn, ngành đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ tăng mức khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng từ nguồn ngân sách tỉnh thêm 50.000 đồng/ha/năm.



III. THỦY LỢI

Ngành đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và những định hướng đến năm 2020, quy định tạm thời về một số biện pháp thực hiện chính sách miễn thu thủy lợi phí của Chính phủ; trình UBND tỉnh hồ sơ thống kê số hộ, diện tích trong diện miễn thu thủy lợi phí trên địa bàn tỉnh; lập đề án trình UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT xin chủ trương phát triển thủy lợi khu hữu sông Vàm Cỏ Đông từ dự án thủy lợi Phước Hòa vào công trình trọng điểm giai đoạn 2010-2015; có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo an toàn hồ chứa trước mùa mưa lũ năm 2008. Phối hợp với Công ty Cổ phần đường Biên Hòa, các ngành liên quan chuẩn bị đầu tư lập dự án Trạm bơm Thành Long phục vụ tưới vùng nguyên liệu mía đường; phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Tây Ninh (KTCTTL TN) triển khai kế hoạch điều tra diện tích tưới tiêu và hiện trạng hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Tân Châu; phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế Thị Xã kiểm tra thực tế, lập kế hoạch triển khai thực hiện đề án quản lý, khai thác các hệ thống kênh tiêu ngoài vùng tưới hồ Dầu Tiếng.

Ngành đã tham gia cùng Đoàn kiểm tra của Cục Thủy lợi khảo sát tình hình quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia.

* Về công tác phục vụ tưới

Trong năm ngành đã phối hợp với Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng (KTTL DT) điều tiết nước tưới luân phiên, hợp lý, tiết kiệm trên các kênh chính Đông, Tây và kênh Tân Hưng, tổ chức bơm tưới trên khu vực các trạm bơm điện; vận hành điều tiết hợp lý hệ thống tưới tự chảy Tân Châu bảo đảm an toàn sản xuất cho nhân dân. Ngoài ra đã tổ chức duy tu bảo dưỡng công trình thường xuyên, kết hợp kiểm tra các vùng có khả năng ngập úng cục bộ trong mùa mưa bão nhằm đảm bảo tốt nhất cho hệ thống. Mặt khác đã triển khai phương án kiện toàn tổ chức và đổi mới hoạt động quản lý khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra.

Năm 2008 diện tích tưới là 105.000ha, đạt 100% so với KH, tăng 3,2% so với năm 2007, trong đó: Vụ Đông Xuân: 50.000ha, vụ Hè Thu: 32.000ha, ước vụ Mùa: 23.000ha. Ngoài ra, hợp đồng phục vụ nước cho các nhà máy chế biến công nghiệp như: Công ty Cổ phần Mía đường Bourbon-SBT, Nhà máy Tinh bột sắn HinhChang, Nhà máy mì TAPIOCA. Năm 2008, ngành đã ký hợp đồng tưới 81.739ha/89.311hộ đạt 121,3% kế hoạch và tăng hơn 2,3 lần so với năm 2007.

2. Công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT)

Trong năm, ngành đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác PCLB-GNTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2007, phương hướng, nhiệm vụ năm 2008, trình UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ huy PCLB, TKCN năm 2008. Phối hợp với Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Tây Ninh thông tin về tình hình thời tiết để nông dân chủ động sản xuất và có biện pháp phòng tránh kịp thời; phối hợp với Công ty KTTL DT, Công ty Quản lý dịch vụ thủy lợi TP.HCM họp bàn các biện pháp tưới tiết kiệm, thường xuyên kiểm tra mực nước hồ Dầu Tiếng, kênh chính Tây để có kế hoạch phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp và thông báo tình hình nguồn nước rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong năm 2008, thiên tai đã làm chết 03 người, bị thương 1 người; thiệt hại về tài sản: sập và tốc mái 134 căn nhà; ngã đỗ 31.330 cây cao su và 118 cây trồng khác; gãy 58 cây ăng ten, 01 trụ điện, thiệt hại 281,1 ha cây thuốc lá, trong đó: thiệt hại 50% là 92 ha, thiệt hại 60% là 66,4 ha, thiệt hại 80% là 90,1 ha, thiệt hại 90% là 8 ha, thiệt hại 100% là 24,60 ha. Ước giá trị thiệt hại hơn 25 tỷ đồng.

IV. XÂY DỰNG CƠ BẢN - PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

1. Xây dựng cơ bản (XDCB)

Trong năm 2008, ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện khối lượng vốn XDCB đạt: 23.428 triệu đồng, bằng 89,8% KH, vốn cấp năm 2008: 22.956 triệu đồng, đạt 88% KH vốn được giao (Chưa kể nguồn vốn NSTT hỗ trợ có mục tiêu thực hiện Chương trình MTQG Nước sạch và VSMTNT; Dự án Thủy lợi Phước Hòa; Tiểu dự án Hiện đại hóa HTTL Dầu Tiếng), gồm :

a) Vốn ngân sách tập trung

Kế hoạch vốn: 11.098 triệu đồng, khối lượng thực hiện: 8.384 triệu đồng, đạt 75,55% KH, vốn cấp năm 2008: 7.912 triệu đồng, đạt 71,29% KH.

b) Vốn Trái phiếu Chính phủ

Kế hoạch vốn: 15.031 triệu đồng, khối lượng thực hiện: 15.031 triệu đồng, đạt 100% KH, vốn cấp năm 2008: 15.031 triệu đồng, đạt 100% KH.



(Xem biểu số 2 kèm theo).

2. Phát triển nông thôn

a) Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG)

Trong năm 2008, tổng giá trị khối lượng thực hiện Chương trình MTQG đạt: 7.864,3 triệu đồng, bằng 76% KH vốn, trong đó: (Xem biểu số 3)

- Chương trình MTQG Giảm nghèo 281,2 triệu đồng, đạt 43% KH vốn, bao gồm: Dự án khuyến nông, lâm, ngư: 281,2 triệu đồng, đạt 84% KH. Ngành phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT và chính quyền địa phương xây dựng các mô hình khuyến nông hướng dẫn, hỗ trợ người nghèo phát triển chăn nuôi bò sinh sản tại 03 huyện: Gò Dầu, Châu Thành và Tân Biên; dự án phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn: ngành đã xây dựng các mô hình sản xuất, phát triển nghề sản xuất bánh tráng tại xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu và nghề sản xuất mây tre đan tại xã Trường Đông, huyện Hòa Thành và xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên với kinh phí 200 triệu đồng (chuyển sang năm 2009 thực hiện).

- Chương trình MTQG Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NSVSMTNT): 7.583,1 triệu đồng, đạt 78,2% KH vốn, trong đó :

+ Ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện 409,5 triệu đồng đạt 90,3% KH: Trong năm 2008, ngành đã quyết toán khối lượng hoàn thành 09 hệ thống cấp nước tập trung năm 2006-2007, thực hiện công tác truyền thông, tập huấn và thí điểm điều tra, đánh giá chất lượng nước trên địa bàn tỉnh, ngành đã thực hiện quyết toán khối lượng hoàn thành đề án khai thác nước đất.

+ Nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thị xã: tổng giá trị khối lượng thực hiện 7.173,6 triệu đồng, đạt 77,6% KH .

Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh năm 2008 ước đạt 80%, tăng 5% so với năm 2007, trong đó tỷ lệ đạt tiêu chuẩn nước sạch 60%, tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh ước đạt 55%, tăng 5% so với năm 2007.

b) Về kinh tế hợp tác và hợp tác xã (HTX)

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 42 HTX nông nghiệp, trong đó có 30% HTX đạt loại khá, 50% HTX hoạt động trung bình, 20% HTX hoạt động kém, ngành đang phối hợp với các huyện, thị củng cố hoạt động của các HTX hoạt động kém, đồng thời xem xét, giải thể một số HTX hoạt động không hiệu quả theo quy định của Luật HTX. Ngoài ra, thường xuyên phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị tuyên truyền, vận động để phát triển các tổ hợp tác, liên kết sản xuất, thành lập HTXNN. Trong năm 2008 đã thành lập mới 09 HTX nông nghiệp và đã giải thể 09 HTX nông nghiệp hoạt động yếu kém.


V. VỀ TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ, CHẾ BIẾN


1. Tình hình đầu tư mía đường

Trong năm, ngành đã hoàn thành và thông qua UBND tỉnh báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch, sản xuất, chế biến và chính sách phát triển vùng nguyên liệu mía tỉnh Tây Ninh đến năm 2020; tham gia với đoàn công tác của HĐND tỉnh khảo sát tình hình thu hoạch mía ở hai huyện Châu Thành, Tân Châu; tổ chức hội thảo tình hình phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh; tổng kết 3 năm thực hiện hỗ trợ lãi suất tiền vay mía trồng mới; tổ chức hội nghị tổng kết tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ mía đường vụ 2007-2008 và kế hoạch vụ 2008-2009.

Vụ mía 2008-2009, ba nhà máy đã đầu tư diện tích mía nguyên liệu được 17.201 ha, giảm 32,7% so với diện tích đầu tư vụ ép 2007-2008. Trong đó, diện tích mía vùng cao là 3.929 ha, giảm 30% so diện tích cùng kỳ niên vụ 2007-2008. Mía đất thấp 13.272 ha giảm 34% so diện tích đất thấp vụ 2007-2008.

Nguyên nhân diện tích mía đầu tư giảm là do chi phí vật tư phân bón, công thu hoạch tăng cao; đặc biệt là trong khâu vận chuyển mía về các nhà máy đường rất khó khăn (thiếu phương tiện vận chuyển, cũng như các phương tiện vận chuyển đòi tiền bù giá cước vận chuyển). Do trồng mía đầu tư cao mà thu nhập thấp, thậm chí còn bị lỗ nên người trồng mía chuyển sang trồng cây trồng khác có thu nhập cao hơn. Với diện tích 17.200 ha mía hiện có, sản lượng mía vụ này chỉ đáp ứng khoảng 47% công suất thiết kế của các nhà máy.



2. Tình hình chế biến mì

Khối lượng củ mì đưa vào chế biến cả năm 2008 khoảng 1.750.000 tấn; sản xuất được 459.000 tấn bột, tăng 6,6% so với năm 2007 (trong đó chế biến công nghiệp khoảng 1.000.000 tấn củ).

Tình hình tiêu thụ tinh bột mì rất thuận lợi trong những tháng đầu năm 2008 do giá tăng liên tục nên đã đẩy giá thu mua củ mì tươi tăng 500–600 đồng/kg so với năm 2007, ở mức 1.400 đồng/kg. Từ giữa tháng 7-2008 đến nay do ảnh hưởng của tình hình biến động thị trường trong và ngoài nước, nên tình hình tiêu thụ bột gặp khó khăn và giá tiêu thụ giảm khoảng 2.000–2.500 đ/kg, dẫn đến giá thu mua củ mì tươi giảm mạnh (hiện chỉ còn khoảng 600 đồng/kg). Năm 2008, lượng bột tiêu thụ khoảng 400.000 tấn, trong đó lượng bột xuất khẩu là 100.000 tấn.

3. Tình hình đầu tư thuốc lá

Vụ sản xuất thuốc lá Vụ 2007-2008, các đơn vị đã ký hợp đồng đầu tư trồng thuốc lá được 2.605 ha, giảm 36,15% so với diện tích ký hợp đồng cùng kỳ Vụ 2006-2007. Sản lượng thu hoạch đạt khoảng 4.700 tấn giảm 32,86% so với vụ 2006-2007. Tình hình sản xuất thuốc lá giảm mạnh là do nhiều vùng đất hiện còn đang nhiễm bệnh ở các năm trước nên người dân không mạnh dạn ký hợp đồng đầu tư trồng thuốc lá sợ bị lỗ.



VI. VIỆC THỰC HIỆN CÁC ĐỀ ÁN, DỰ ÁN THEO KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG SỐ 296/KH-UBND CỦA UBND TỈNH

1. Tình hình và phương hướng xử lý lấn chiếm đất lâm nghiệp

Ngành đã báo cáo thông qua UBND tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh ủy tình hình và phương hướng xử lý tình trạng bao chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích. Hiện UBND tỉnh đang chờ ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT để tổ chức thực hiện.



2. Dự án Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến năm 2020

Ngành đã phối hợp với Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp hoàn thành dự án Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đọan 2007-2015 và định hướng đến năm 2020; dự án đã thông qua UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có ý kiến thỏa thuận, ngành đã trình UBND tỉnh phê duyệt.



3. Dự án Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 43/2008/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2008 về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, ngành đã tổ chức công bố quy hoạch.



4. Báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch và chính sách phát triển vùng nguyên liệu mía và nhiệm vụ đến năm 2010

Ngành đã hoàn thành báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch, sản xuất, chế biến và chính sách phát triển vùng nguyên liệu mía tỉnh Tây Ninh đến năm 2010, đang trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.



5. Dự án Quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2008-2010.

Ngành đã xây dựng dự thảo Báo cáo Quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2008-2010, đã lấy ý kiến góp ý của các Sở, ngành, UBND các huyện, thị; dự án đã được UBND tỉnh cho chủ trương chuyển thành Kế hoạch sắp xếp các cơ sở giết mổ theo hướng tập trung giai đoạn 2008-2010.

6. Báo cáo kết quả phát triển chăn nuôi và kế hoạch đến năm 2010

Ngành đã hoàn thành báo cáo kết quả phát triển chăn nuôi và kế hoạch đến năm 2010 thông qua UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hiện đang trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.



7. Các dự án chương trình giống giai đoạn 2006-2010

Sau khi rà soát theo hướng dẫn của Liên tịch Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài chính, ngành đã lập 03 dự án chương trình giống giai đoạn 2008-2010, bao gồm: Dự án Cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò sữa tỉnh Tây Ninh; dự án Cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò lai Zê-bu, bò thịt tỉnh Tây Ninh; dự án Xây dựng và phát triển vùng sản xuất lúa giống. Hiện nay, ngành đã trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt 02 dự án: Cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò sữa tỉnh Tây Ninh; Cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò lai Zê-bu, bò thịt tỉnh Tây Ninh; riêng dự án Xây dựng và phát triển vùng sản xuất lúa giống đang hoàn chỉnh theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT (bổ sung hỗ trợ hộ nông dân tham gia sản xuất lúa giống) để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.



VII. CÔNG TÁC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH

Trong năm 2008, do biến động bất thường về giá và chất lượng phân bón, vật tư nông nghiệp trên cả nước, nên ngành đã tập trung công tác thanh tra chuyên ngành, kết quả như sau :

- Ngành đã tiến hành thanh tra 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón; Phân tích chất lượng 20 mẫu phân bón của 18 Công ty sản xuất (gửi phân tích chất lượng tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 Thành phố Hồ Chí Minh), kết quả: Vi phạm 9/20 mẫu, xử phạt vi phạm hành chính thu nộp Kho bạc nhà nước 61.000.000 đồng đối với 7 Công ty sản xuất phân bón. Xử phạt bổ sung buộc cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón tái chế 92 tấn và 97 lít phân bón kém chất lượng.

- Thanh tra nhãn mác, chất lượng, điều kiện vệ sinh thú y, tình hình sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN) và thuốc thú y (TTY), thủy sản: ngành đã kiểm tra 40 mẫu, trong đó gồm 22 mẫu TACN và 33 mẫu TTY, thủy sản, gửi giám định chất lượng tại Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương II Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả: TACN có 2/22 mẫu vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 6.000.000 đồng; TTY có 5/33 mẫu vi phạm xử phạt 28.000.000 đồng.

- Ngành đã tổ chức Đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra đột xuất tình hình sản xuất kinh doanh phân bón tại cơ sở sản xuất phân bón Thabico xã Trường Đông, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đã kiến nghị cấp thẩm quyền tạm đình chỉ hoạt động của Thabico trong thời hạn 9 tháng để cơ sở tự khắc phục tồn tại theo kết luận thanh tra. Thanh tra đột xuất về giống bắp nếp lai F1 286 tại huyện Hoà Thành của Công ty liên doanh hạt giống Đông Tây theo chỉ đạo của Cục Trồng trọt, qua thanh tra đã phát hiện giống bắp nếp lai F1 268 không có trong danh mục được phép sản xuất kinh doanh theo quy định, xử phạt vi phạm hành chính 6.000.000đồng.

- Ngành đã tổ chức thanh tra điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với tổng số 9 cuộc tại 450 cơ sở kinh doanh, trong đó lấy 15 mẫu thuốc BVTV phân tích chất lượng, vi phạm 2 mẫu, xử phạt 12.000.000 đồng; 14 cơ sở vi phạm bị xử lý cảnh cáo.

- Về thanh tra thú y: trong năm 2008, Thanh tra chuyên ngành Thú y đã xử phạt vi phạm hành chính 527 vụ, trong đó: kiểm dịch vận chuyển 109 vụ, phòng chống dịch 43 vụ, kiểm soát giết mổ 3 vụ, vệ sinh thú y 20 vụ, kinh doanh thuốc thú y 02 vụ, tiêu độc sát trùng 03 vụ và bắt chó chạy rong 347 vụ với tổng số tiền xử phạt là 48.513.000 đồng.

Ngành đã tiến hành 11 cuộc thanh tra ngư cụ cấm khai thác trên hồ Dầu Tiếng và sông Vàm Cỏ Đông, đã xử phạt tịch thu và hủy tại chổ 03 lưới (290 m) không đúng quy định, 204 cái dớn (2.640 m), xử phạt một chủ ghe 250.000 đồng. Ngành đã phối hợp với Công ty Khai thác Công tình thủy lợi và các cơ quan liên quan thanh tra vi phạm quy chế khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đã lập biên bản 89 vụ vi phạm về trồng cây lấn chiếm lưu không, bờ kênh, lấn chiếm lòng kênh, mái kênh.

Ngoài ra, ngành đang kết hợp với Thanh tra tỉnh thanh tra Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại Chi cục Thủy lợi Tây Ninh.

B. NHỮNG MẶT CÒN TỒN TẠI, NGUYÊN NHÂN

Tình hình dịch bệnh trong nông nghiệp còn diễn biến phức tạp (rầy nâu, BVL-LXL trên cây lúa, bệnh héo đốm cà chua do virus trên cây thuốc lá), mặc dù ngành đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng trị, nhưng do tập quán sản xuất, do điều kiện lây nhiễm từ các địa phương khác cho nên việc ngăn ngừa tái nhiễm chưa thật sự hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con nông dân.

Vụ 2008-2009 diện tích ký hợp đồng đầu tư trồng mía của các nhà máy tiếp tục giảm so với kế hoạch. Niên vụ mía đường 2007-2008 năng suất mía không được cải thiện do thời tiết không thuận lợi, đầu tư thấp, giống thoái hóa dần, làm giảm thu nhập của người trồng mía, do đó họ phá mía gốc, không trồng mới mía và chuyển sang cây trồng khác có thu nhập cao hơn.

Việc chuẩn bị các đề án, dự án thông qua UBND tỉnh hoàn thành chậm theo tiến độ, nhất là các dự án thuộc Chương trình giống, dự án Quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nguyên nhân do việc điều chỉnh, bổ sung theo quy định mới của Trung ương gặp nhiều khó khăn và trình độ năng lực chuyên môn của một số đơn vị xây dựng dự án còn hạn chế.

Tình trạng trộm lậu lâm sản vẫn còn xảy ra, tuy với quy mô nhỏ lẻ nhưng thủ đoạn tinh vi rất khó kiểm soát. Tình trạng các hộ nhận khoán tự ý chặt phá rừng trồng ngày càng gia tăng, một số hộ xin thanh lý rừng trồng để trồng lại cây cao su. Mặt khác, trước tình hình giá cả nông sản, giá đất lâm nghiệp tăng cao đã kích thích người dân tại vùng dự án tham gia chặt phá rừng trồng, lấn chiếm đất rừng (trạng thái Ic, Ib) để trồng cao su, tình hình hiện nay diễn ra rất phức tạp. Diện tích hỗ trợ trồng rừng sản xuất chưa thể triển khai được do người dân không thích trồng cây lâm nghiệp.

Tiến độ triển khai thực hiện các dự án khởi công mới thuộc nguồn vốn XDCB năm 2008 chậm, một số dự án, chương trình chưa triển khai thực hiện, giá trị giải ngân đạt thấp (các dự án trạm bơm, Chương trình bảo vệ và phát triển rừng, Chương trình bố trí dân cư, Chương trình Giống…)

Việc thực hiện nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thị thực hiện chương trình MTQG NS và VSMTNT, chương trình 135 (giai đoạn II) triển khai chậm, chế độ báo cáo tình hình thực hiện giữa các huyện, thị và ngành Nông nghiệp và PTNT chưa kịp thời, công tác phối hợp chưa hiệu quả.

Phần II


MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ CÁC GIẢI PHÁP

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2009
A. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Năm 2009 là năm thứ tư triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển KT - XH 2006-2010 và năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ VIII Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2005-2010). Do vậy, kế hoạch phát triển nông nghiệp cần hướng tới một nền nông nghiệp chất lượng cao. Đảm bảo đủ lương thực cho tiêu dùng. Thực hiện các giải pháp không để dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xảy ra trên diện rộng; đảm bảo đủ giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho cây trồng, nhất là đối với lúa, phấn đấu sản lượng lương thực và năng suất lúa cao hơn năm 2008. Phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững và an toàn. Khuyến khích phát triển và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung công nghiệp, bán công nghiệp gắn với xử lý chất thải.


Trên cơ sở kết quả ước thực hiện năm 2008, trong năm 2009, ngành Nông nghiệp và PTNT tập trung chỉ đạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chủ yếu sau:


I. VỀ NÔNG NGHIỆP

Duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững của toàn ngành trên cơ sở tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Chú trọng công tác tuyển chọn, áp dụng giống mới; đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất và hiệu quả đầu tư. Phấn đấu đạt mục tiêu GTSX nông lâm thủy sản tăng 6,5% so với năm 2008.

Triển khai kế hoạch của ngành thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch số 72-KH/TU ngày 31/10/2008 của Tỉnh Ủy về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng khai thác lợi thế của từng vùng, sản xuất gắn với thị trường, nâng cao chất lượng nông sản, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, luân canh tăng vụ nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Tiếp tục khuyến khích nông dân sử dụng giống mới, thích hợp, kỹ thuật canh tác tổng hợp để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành. Thực hiện công khai, minh bạch, thu hút rộng rãi ý kiến đóng góp của cộng đồng. Công bố rộng rãi các chiến lược và quy hoạch đã được phê duyệt cho nhân dân biết để các thành phần kinh tế tự quyết định lựa chọn hình thức đầu tư, kinh doanh thích hợp.

- Về trồng trọt: Tập trung đầu tư chiều sâu, chú trọng thâm canh tăng năng suất và sản lượng lúa để đảm bảo đủ lương thực cho tiêu dùng, phát triển bắp ở những nơi có điều kiện để làm thức ăn chăn nuôi. Tập trung phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có thị trường tiêu thụ thuận lợi, các cây làm thức ăn chăn nuôi; chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Hướng chính vẫn là đẩy mạnh thâm canh. Xây dựng kế hoạch triển khai chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo phát triển bền vững, chất lượng.

- Về chăn nuôi: Phát triển nhanh chăn nuôi theo hướng hiệu quả, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bảo đảm về giống, kỹ thuật, chủ động nguồn thức ăn và các điều kiện cần thiết để khôi phục và phát triển nhanh đàn gia súc, gia cầm. Tạo điều kiện phát triển các cơ sở chăn nuôi, giết mổ theo hình thức gia trại, trang trại, nuôi công nghiệp. Bảo đảm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các phương án chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, bệnh LMLM, tai xanh ở gia súc.

- Về thủy sản: Rà soát lại diện tích nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh. Mở rộng diện tích nuôi trồng. Triển khai Quy hoạch được duyệt, lập các dự án đầu tư, tăng cường quản lý, nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống chất lượng, sạch bệnh, đủ cho sản xuất. Tăng cường bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản hồ Dầu Tiếng, đồng thời với bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bền vững; có chính sách hỗ trợ vốn và tiêu thụ sản phẩm; chú ý phát triển nuôi trồng thủy sản ven sông Vàm Cỏ Đông.



II. LÂM NGHIỆP

Trên cơ sở kết quả rà soát Quy hoạch 3 loại rừng đã được duyệt, cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng các cấp; khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có khả năng đầu tư phát triển mạnh rừng sản xuất theo hướng thâm canh, hiệu quả; thu hút đầu tư trong, ngoài nước trồng rừng sản xuất, chế biến lâm sản; tiếp tục đầu tư trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh theo mục tiêu, nhiệm vụ của dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng.

Tiếp tục tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển rừng. Sắp xếp và tăng cường lực lượng kiểm lâm để đảm bảo tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, vừa phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác giao đất, giao rừng, khuyến nông, lâm.

Tiếp tục củng cố các Ban quản lý dự án cơ sở; bổ sung, tăng cường cán bộ kỹ thuật, đảm bảo biên chế được duyệt của các dự án, đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ các dự án cơ sở để có đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, đầu tư trang bị thêm phương tiện, thiết bị chuyên dùng.

Tiếp tục giao khoán diện tích rừng bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh cho hộ gia đình để bảo đảm tính ổn định lâu dài trên cơ sở gắn quyền lợi với nghĩa vụ và hưởng lợi từ lượng tăng trưởng của rừng.

Phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục giải quyết tốt tình trạng đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng sai mục đích.



III. THỦY LỢI

Phát triển thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu, đảm bảo cho thâm canh tăng năng suất, điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm bảo đảm tưới an toàn cho sản xuất, phát triển thủy sản bền vững, cung cấp nước cho chế biến công nghiệp và sinh hoạt, đồng thời phục vụ tưới tốt cho khu vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước, mang lại hiệu quả cao, chú trọng công tác tiêu thoát nước, nâng cao hiệu suất của các công trình thủy lợi là ưu tiên hàng đầu.

- Trên cơ sở dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và những định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư.

- Tập trung hoàn thành các công trình chuyển tiếp, nhất là các công trình bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; đầu tư mới để nâng cấp các công trình hiện có; đảm bảo an toàn hồ chứa.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác các công trình thủy lợi. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thiết kế, xây dựng và quản lý các công trình thủy lợi.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác duy tu, sửa chữa công trình kịp thời, hạn chế sự cố công trình trong thời gian cấp nước tưới, tiết kiệm vốn đầu tư.

- Nâng cao khả năng phòng tránh, ứng cứu kịp thời và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, xây dựng các phương án chủ động phòng chống; tăng cường công tác thường trực phòng, chống lụt, bão; kiểm tra phát hiện sớm các sự cố đối với hệ thống hồ, đập, các công trình thủy lợi; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

IV. XÂY DỰNG CƠ BẢN VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

1. Đầu tư XDCB, quản lý đầu tư

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả vốn đầu tư phát triển trên cơ sở xem xét các chương trình, dự án đầu tư mang lại hiệu quả thiết thực, không đầu tư các dự án chưa thật sự cần thiết, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm giai đọan 2006-2010, nhất là các công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, Tiểu dự án Hiện đại hóa Hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng..., Tiểu dự án Khu tưới Tân Biên thuộc dự án thủy lợi Phước Hòa.

Tăng cường quản lý, giám sát công tác đầu tư XDCB sử dụng vốn nhà nước, chống lãng phí, thất thoát, nâng cao chất lượng công trình, kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm quy định về quản lý đầu tư.

Đầu tư XDCB phải tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa và hiệu quả sản xuất.



2. Về phát triển kinh tế nông thôn, thị trường và đổi mới tổ chức quản lý sản xuất

Thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hộ gia đình, tư nhân, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu tại chỗ và tham gia xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tạo thành mạng lưới tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ, hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn nông thôn.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG, Chương trình 135; lồng ghép với các chương trình phát triển của ngành và chương trình phát triển KTXH của tỉnh.

Tập trung làm tốt công tác thông tin, dự báo thị trường, để đáp ứng yêu cầu định hướng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nông dân, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các loại vật tư nông nghiệp.

Tiếp tục sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hoàn thành việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết sử dụng đất của các công ty nông nghiệp, đặc biệt là xác định rõ những diện tích đất cụ thể cần bàn giao cho địa phương để giao cho các hộ dùng làm đất sản xuất, cải thiện đời sống.

V. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ - ĐÀO TẠO

Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện phát triển KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Khuyến khích việc áp dụng, chuyển giao các tiến bộ KHCN nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Triển khai rộng khắp tiến bộ kỹ thuật 3 giảm 3 tăng; đưa nhanh các giống mới, công nghệ canh tác, bảo quản, chế biến vào sản xuất.

Tăng cường hệ thống khuyến nông, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao, nâng cao năng lực ứng dụng các tiến bộ KHCN (công nghệ sinh học, sản xuất sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm…).

Có kế hoạch tổ chức đào tạo nông dân, cán bộ cho các HTX; nâng cao trình độ cán bộ thuộc các chuyên ngành kỹ thuật, quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập.

Tăng cường công tác thú y, BVTV; hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm nông sản, vật tư nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác dự báo tình hình dịch bệnh, sâu hại; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả dịch bệnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nhằm nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

VI. HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Để chuẩn bị hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện một số nội dung như sau:

- Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi, chương trình công nghệ sinh học, hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai.

- Tăng cường đầu tư cho công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, kinh phí phòng chống, kiểm soát dịch bệnh.

- Xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng trong bối cảnh hội nhập, ưu tiên phát triển những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh.

- Tiếp tục thực hiện các chương trình tổng thể hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh; Chương trình quốc gia hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp (xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến nông sản).

- Triển khai các hình thức hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp.

- Tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định, quản lý thực thi các chính sách.

- Nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, từng bước áp dụng các quy trình, công nghệ sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, chú trọng tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản của tỉnh có tiềm năng xuất khẩu.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng khai thác lợi thế của từng vùng, sản xuất gắn với thị trường, nâng cao chất lượng nông sản, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp.



B. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

I. NÔNG NGHIỆP


- GTSX nông lâm thủy sản phấn đấu đạt: 5.650 tỷ đồng, tăng 6,5% so với TH năm 2008.

1. Trồng trọt

Tổng diện tích gieo trồng: 353.752ha, bằng 96,6% so với TH năm 2008, cụ thể một số cây trồng chính như sau:

- Cây lúa: 130.000ha, năng suất 46 tạ/ha, sản lượng 598.000 tấn.

- Cây bắp: 7.000ha, năng suất 50 tạ/ha, sản lượng 35.000 tấn.

- Cây mì: 40.000ha, năng suất 260 tạ/ha, sản lượng 1.040.000 tấn.

- Cây mía: 25.000ha, năng suất 700 tạ/ha, sản lượng 1.750.000 tấn.

- Cây thuốc lá: 4.000ha, năng suất 19,7 tạ/ha, sản lượng 7.880 tấn.

- Cây đậu phọng: 22.000ha, năng suất 34 tạ/ha, sản lượng 74.8000 tấn.

- Cây cao su: 65.500ha, diện tích cho sản phẩm 43.000ha, sản lượng mủ khô 90.300 tấn.

2. Chăn nuôi

Tổng đàn gia súc, gia cầm năm 2009: đàn trâu: 27.000 con, đàn bò: 135.000 con (trong đó bò sữa 1.600 con), đàn heo: 260.000 con.



3. Thủy sản: năm 2009, tổng sản lượng thủy sản đạt 8.538 tấn. Trong đó: nuôi trồng thủy sản: 4.936 tấn, khai thác thủy sản: 3.602 tấn.

II. LÂM NGHIỆP

Tiếp tục bảo vệ chăm sóc tốt diện tích rừng hiện có, trồng mới rừng theo quy hoạch được phê duyệt, một số chỉ tiêu chủ yếu như sau: bảo vệ rừng: 42.733ha, khoanh nuôi tái sinh rừng: 10.551ha, trồng rừng tập trung: 400ha, chăm sóc rừng trồng: 361ha.



III. THỦY LỢI

- Diện tích tưới phục vụ sản xuất năm 2009 dự kiến đạt 105.000ha, bằng 100% so với năm 2008, đảm bảo đủ nước phục vụ chế biến công nghiệp và sinh hoạt.



C. KẾ HOẠCH VỐN NĂM 2009

Năm 2009, ngành Nông nghiệp và PTNT được giao kế hoạch vốn thực hiện cụ thể như sau:



Tổng vốn được giao: 111.332 triệu đồng, trong đó:

- Vốn đầu tư XDCB (Ngân sách tỉnh): 13.000 triệu đồng.

- Vốn trái phiếu Chính phủ: 24.686 triệu đồng (xây dựng 02 trạm bơm Bến Đình, Long Hưng).

- Dự án Thủy lợi Phước Hòa : 10.000 triệu đồng.

- Tiểu dự án Hiện đại hóa Hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng (VWRAP) : 39.000 triệu đồng.

- Dự án HTTL phục vụ tưới vùng mía Thành Long : 800 triệu đồng (chuẩn bị đầu tư).

- Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng: 14.246 triệu đồng (Vốn Trung ương: 10.319 triệu đồng, Vốn ngân sách tỉnh: 3.927 triệu đồng).

- Chương trình MTQG: 9.600 triệu đồng.

+ Chương trình MTQG Giảm nghèo: 800 triệu đồng.

+ Chương trình MTQG NSVSMTNT : 8.800 triệu đồng (Vốn Trung ương: 7.800 triệu đồng, Vốn ngân sách tỉnh - XDCB: 1.000 triệu đồng).

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009 tập trung thực hiện các dự án, công trình trọng điểm: các trạm bơm: Long Phước A, Long Hưng, Bến Đình, dự án Thành phần III KCHKM và một số dự án, công trình khác: kênh tiêu TT5 Thạnh Bình, Tân Biên; An Thạnh - An Phú; ... .

Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn: ưu tiên đầu tư hoàn thành các trạm cấp nước chuyển tiếp; sửa chữa, nâng cấp và xây mới một số trạm cấp nước; hỗ trợ xây dựng các công trình vệ sinh môi trường nông thôn (hố xí hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi xử lý bằng túi biogas) và giếng khoan tay.

Phấn đấu đưa tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh lên 83%, đồng thời đảm bảo 65% số hộ dân nông thôn có hố xí hợp vệ sinh.

D. KIẾN NGHỊ

- Kiến nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh tăng định suất bảo vệ rừng, kinh phí hỗ trợ phòng chống cháy rừng: bổ sung kinh phí bảo vệ rừng thêm 50.000 đồng/ha từ ngân sách tỉnh (ngoài 100.000 đồng/ha, kinh phí TW), tăng mức hỗ trợ kinh phí phòng chống cháy rừng bình quân 400.000 đồng/ha (hiện nay bình quân 330.000 đồng/ha).

- Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ tăng định suất trồng mới, chăm sóc rừng trồng; có văn bản hướng dẫn về việc giao, nhận khoán rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (Nghị định 135/2005/NĐ-CP chỉ quy định đối với rừng sản xuất)./.
GIÁM ĐỐC

Nơi nhận:

- Bộ NNPTNT;

- Bí thư T.U, Chủ tịch UBND tỉnh;

- TT.Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;

- VP Tỉnh ủy, Sở KHĐT, Cục Thống kê;

- UBND, phòng KT các huyện, thị;

- Đảng ủy, Công đoàn ngành, BGĐ Sở;

- Công ty TNHH KTTL TN, VQG LG-XM;

- Các đơn vị, phòng ban thuộc Sở;

- Lưu: VT, PKHĐT.





tải về 142.85 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương