CN4 phục sinh b ga. 10,11-18 03-5-2009



tải về 0.99 Mb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu20.11.2017
Kích0.99 Mb.
#34472
  1   2






CN4 PHỤC SINH - B Ga. 10,11-18  03-5-2009
Tôi là mục tử nhân lành … ...…Lm. PX Vũ Phan Long, ofm 02

CN4 Phục Sinh – B .……..……..Lm Carôlô Hồ Bặc Xái 11

Ta là mục tử nhân lành. … ...…Lm. Mark Link, SJ 22

CN4 Phục Sinh – B ……..……...Lm Augustine, SJ 26

CN4 Phục Sinh – B ……..……...Lm Ignatio Hồ Thông 32

Mục tử với đoàn chiên ...……...Lm Ignatio Trần Ngà 42

Chúa chiên nhân lành ..............Lm Anphong Trần Đức Phương 45

Tôi là mục tử tốt lành….… ...…Lm. L.Gonzaga Đặng Quang Tiền 47

Vị mục tử nhân lành ……… …..Lm Giuse Đinh Lập Liễm 49

Mục tử tốt lành …………..……..Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR 59

Chiên ta thì nhận biết ta…........Lm Trần Bình Trọng 62

Ơn gọi phục vụ …………..……..Lm Giuse Nguyễn Hữu An 65

Chúa là mục tử, Chúa dắt …....Lm Giuse Phạm Ngọc Ngôn, Csjb 72

Mục tử thật, mục tử giả..….…..Lm Giuse Tạ Duy Tuyên 76

CN4 Phục Sinh – B ……..……...Lm Trần Đình Nhi 79

Mục tử nhân lành. ……….. ...…Lm. Nguyễn Thành Long 85

Mục tử và đoàn chiên ….……...Lm Ignatio Tạ Chúc 88

Ngày cầu cho ơn gọi…......…....Lm An Phong, OP 89

Sứ mệnh toàn cầu………….…..Lm Giuse Đỗ Vân Lực, OP 92

Người mục tử ….………...........Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng,OP 96

Mục tử nhân lành…… ……….. Manna 99

Người mục tử nhân lành… ....Gm. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm 103

BÀI ĐỌC THÊM……………………………………………………………….111

Việc làm chứng của người môn đệ Lm Giuse Phạm Thanh Quang..111

Hình thành kinh thánh tiếng Việt …Đỗ Hữu Nghiêm ………………….116

tôi là mục tỬ nhân lành

Ga. 10,11-18

Lm PX Vũ Phan Long, ofm    

I. NgỮ cẢnh

Bài Diễn từ về Cửa chuồng chiên và người Mục tử (Ga 10,1- 21) vừa chấm dứt các Diễn từ dịp Lễ Lều vừa đưa vào Diễn từ dịp Lễ Cung hiến Đền Thờ.

Bản văn có thể được phân bố tổng quát như sau:

      1) Các dụ ngôn (10,1-5);

      2) Phản ứng của người Do-thái (10,6);

      3) Các giải thích:

      a) Cửa (10,7-10),

      b) Người mục tử (10,11-18);

      4) Phản ứng của người Do-thái (10,19-21).

Hôm nay, chúng ta đọc phần giải thích Diễn từ về Người mục tử (10,11-18). 


II. BỐ cỤc

Bản văn có thể chia thành hai phần:

      1) Người mục tử đích thật (10,11-13);

      2) Người mục tử ưu việt (10,14-18). 


III. Vài điỂm chú giẢi

- nhân lành (11): Hy-ngữ có hai từ để nói là “tốt”: (1) agathos mô tả đức tính luân lý của một cá nhân được coi là tốt; (2) kalos, cũng có thể dịch là “đẹp”, thêm vào yếu tố “tốt” một nét nói lên sự thu hút và đồng cảm. “Từ “nhân lành” hay “tốt” ở đây là tính từ kalos.

- hy sinh mạng sống (11): Dịch sát là “đặt/hạ mạng sống xuống” (cc. 11.15.17). Đây là công thức của Gioan (13,37; 15,13; 1 Ga 3,16). Theo ngữ cảnh, công thức này tương đương với các công thức của Tin Mừng Nhất Lãm, “hiến mạng sống” (Mt 20,28; Mc 10,45).

- chiên của tôi (14): Đức Giêsu có thể nói các con chiên là của Người vì Chúa Cha đã ban họ cho Người (x. 6,37.44.65; 17,6-7).

- một đoàn chiên và một mục tử (16): Ghi chú một chọn lựa thú vị của cha R.E. Brown trong bản dịch Anh ngữ: có thể dịch “một đoàn chiên” là “a flock of sheep”, nhưng cha Brown dịch là “one sheep herd” đi với “one shepherd” để giữ cho tương ứng với poimnê (sheep herd, flock) và poimên (shepherd). 

- Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy (18): Chúng ta ghi nhận cách viết của tác giả nhằm nhấn mạnh: từ “quyền” được dùng hai lần và đặt ở đầu câu, tạm dịch là “quyền tôi có / để hy sinh mạng sống, và quyền tôi có / để lấy lại mạng sống”. 
IV. Ý nghĩa cỦa bẢn văn

Trong truyền thống Cựu Ước, hình ảnh mục tử và con chiên là một hình ảnh quá quen thuộc để nói về tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Ngài tuyển chọn, tức Israel. Người nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (cc. 11.14). Lời Thiên Chúa hứa đã nên hiện thực, nhưng vượt quá mọi chờ đợi. Đức Giêsu làm điều mà không mục tử nào làm, cho dù là mục tử tốt: “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (5 lần: cc. 11.15.17.18 [2x]). Giữa Người và đoàn chiên, có một sự hiểu biết hỗ tương chứng tỏ một dây liên kết rất thân tình giữa Đức Giêsu và đoàn chiên (c. 14) cũng như giữa Đức Giêsu cùng đoàn chiên với Chúa Cha (cc. 15.18).


Các lời Đức Giêsu nói về người mục tử tốt lành được triển khai tiệm tiến, đưa các độc giả đến chỗ có một cái nhìn rộng lớn về công trình của Đức Giêsu: mầu nhiệm Vượt Qua và sự hy sinh chính bản thân Người. 

* Người mục tử đích thật (11-13)

Đức Giêsu là “Mục tử nhân lành”, cũng có nghĩa là “Mục tử xinh đẹp”. Điểm này gợi ý rằng Đức Giêsu không chỉ là người làm việc có hiệu năng (điều hành) nhưng Người còn có một nhân cách xinh đẹp toàn diện và duyên dáng hấp dẫn. Cộng với tài lãnh đạo đầy uy lực và hiệu năng của Người, điều làm nên tư cách Mục Tử nhân lành của Người chính là tình yêu và khả năng đồng cảm của Người.


Người có một cảm thức về trách nhiệm: “các chiên thuộc về Người” (x. c. 12). Chính vì thế, Người đáng tin cậy, và sẽ chu toàn nhiệm vụ hết sức mình. Vào thời Đức Giêsu, người ta có thể nói “nghề chăn chiên” là một “ơn gọi” chứ không chỉ là một kế sinh nhai. Một người mục tử như thế thì không có mối bận tâm nào khác ngoài các con chiên; buổi sáng, khi thức dậy, người ấy vui sướng tìm đường đến với đoàn chiên. Còn những ai làm mục tử chỉ vì chẳng đặng đừng, họ không coi trọng trách nhiệm đối với đoàn chiên, họ chỉ là “người làm thuê” (c. 12). Ngược lại với người làm thuê, người mục tử nhân lành coi các con chiên như chính mình nên cũng không chờ đợi được trả công. Người nào làm việc chỉ để được trả lương dựa trên công việc của mình thì chỉ nghĩ đến tiền bạc, và khi không có tiền bạc hay thứ tương tự bù lại, thì họ bỏ việc. Còn ở đâu có cảm thức về sự “thuộc- về”, ở đó cũng có tình yêu, và ở đâu có tình yêu, ở đó người ta ui sướng làm việc dù không được trả công.
Động lực căn bản hướng dẫn người mục tử nhân lành là tình yêu, và người nào yêu thì trước tiên muốn ban tặng, chứ không muốn đón nhận. Tình yêu chân thật có nghĩa là sẵn sàng thâm chí hy sinh cả mạng sống mình (x. Ga 15,13).
Sự dấn thân không biên giới của người mục tử nhân lành nhằm đưa lại sự sống: “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (c. 10). Sự dấn thân này không có giới hạn: cách thức Người làm việc để có sự sống là Người ban tặng chính sự sống của Người: “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (c. 11). Người mục tử đích thực không ngần ngại chấp nhận những phiêu lưu, rủi ro, chấp nhận hy sinh cả mạng sống, để cứu con chiên khỏi bất cứ mối nguy hiểm nào đang đe dọa chúng. Điều này có nghĩa là người mục tử nhân lành không tháo lui, cho dù khi mạng sống của mình bị đe dọa. Người mục tử nhân lành yêu thương con chiên hơn chính mình, và tình yêu này thúc bách Người làm mọi sự cho chúng ta.
* Người mục tử ưu việt (14-18)

Đến đây, đề tài được đào sâu hơn nữa: phân đoạn này mô tả vẻ đẹp nơi nhân cách, hoặc đúng hơn, của linh đạo của người mục tử nhân lành, bí mật thâm sâu của Người, để trả lời cho các câu hỏi: Hy sinh mạng sống nghĩa là gì? Sự sống này hệ tại điều gì? Nó đưa tới đâu? Sự hiến mình của người mục tử dựa trên nền tảng nào? Nói cách khác, phân đoạn này triển khai nội dung của mối tương quan của người mục tử nhân lành với đoàn chiên.


Một tương quan đầy say mê (cc. 14-15). Tương quan của người mục tử nhân lành với con chiên là một tương quan không lạnh lùng, thể lý, vô ngã. Trái lại nó mang dáng vẻ một tương quan thân ái nhất, riêng tư nhất: tình hiệp thông của Chúa Cha và Chúa Con (x. Ga 1,1-3 và 1,18): “Như Chúa Cha biết tôi…” (c. 15). Thái độ của Đức Giêsu mang dấu ấn là tương quan của Người với Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa Con biết nhau sâu xa, sống một cuộc sống trong tin tưởng lẫn nhau, trân trọng nhau, yêu thương nhau thắm thiết. “Tôi biết chiên của tôi…” (c. 14): Nếu tương quan của Đức Giêsu với chúng ta là kiểu này, chúng ta có thể hiểu rằng tương quan của người mục tử là nồng nàn, say mê, bừng cháy. Và nếu đó là cách Người ở với chúng ta, thì chúng ta cũng phải quan hệ với Người như thế: “chiên của tôi biết tôi” (c. 14b). Tác giả nói đến “biết” thay vì tình yêu, bởi vì “tình yêu” hệ tại việc “biết” riêng. Đối với Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, chúng ta không phải là những con số; Người biết lịch sử đời ta, các vấn đề, các khiếm khuyết của chúng ta, nghĩa là tất cả các đặc điểm và phẩm chất của chúng ta. Bởi vì Người biết chúng ta, Người yêu thương chúng ta. Điều này có nghĩa là Người chấp nhận chúng ta trong hiện trạng, và đưa chúng ta vào hiệp thông trọn vẹn với Người. Nhưng cần phải thấy mặt bên kia: đối với chúng ta, “Giêsu” không được chỉ đơn giản là một cái tên; chúng ta phải càng ngày càng biết Người hơn, như “những con chiên tốt, đẹp”, và phát triển một tương quan với Người, một tương quan mang dấu ấn là một tình yêu sâu sắc và trung thực.
Tương quan với Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, là tương quan hiệp thông thâm sâu. Người mục tử nhân lành không giữ thế cách biệt với chúng ta; Người không muốn chúng ta cứ mãi bé nhỏ và thiếu chín chắn. Như thế, chúng ta cứ phải ngày càng nên chín chắn cho đến khi có thể đi vào hiệp thông riêng tư với Người.
Một tương quan dành chỗ cho mọi người (c. 16). Sự hiệp thông được thiết lập với Đức Giêsu bắt đầu dần dà nắm lấy mọi tương quan của chúng ta và có mục tiêu là một cuộc sống được kết hợp (với tất cả các dạng cũng như những nét phức tạp của nó) trong tình yêu của Đức Giêsu. Tình yêu giả thiết có “hiểu biết”, nhưng sau này, sẽ xuất hiện một sự hiệp nhất vượt trên các khác biệt, bởi vì tình yêu thì “kết hợp”.

Sự nhiệt thành và quan tâm của Đức Giêsu-mục tử không giới hạn vào dân Israel. Công việc Người đã nhận từ Chúa Cha là lo lắng chăm sóc toàn thể nhân loại, làm cho thành một đoàn chiên duy nhất, một cộng đoàn gồm những người tin vào Người. Nói cho cùng, đó chính là sứ mạng của Người. Không một ai bị loại khỏi sự quan tâm của Người, và như thế, sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa nơi Người là để cho mọi dân tộc. “Đoàn chiên duy nhất” này mang hai chiều kích lịch sử chính yếu: (1) chiều đứng liên kết quá khứ, hiện tại và tương lai (cộng đồng Israel, cộng đoàn Nhóm Mười Hai, cộng đoàn tất cả các tín hữu tương lai); và (2) chiều ngang, nối kết các nhóm tín hữu khác nhau trong Đức Kitô, nhưng cũng đi đến với tất cả những người không tin.


Qua Đức Giêsu, là Mục Tử duy nhất, và qua sự hiệp thông với Người, mọi dân tộc (và mọi cộng đoàn) được kêu gọi trở thành một cộng đoàn lớn duy nhất. Sự hiệp thông này là công trình của Người, chứ chúng ta, dù có tạo ra thứ liên minh nào, vẫn không đạt tới bằng sức của mình được. Chúng ta sẽ có khả năng sống thành cộng đoàn bao lâu chúng ta còn đưa mắt nhìn  vào Đức Giêsu, vị Mục Tử duy nhất. Tính chất cao quý của mỗi mục tử nhân loại sẽ được đo lường theo khả năng người ấy tạo được sự hiệp nhất tại nơi người ấy hiện diện – một sự hiệp nhất không tập trung quanh người ấy nhưng quanh Đức Giêsu.
Sự trung thành là gốc rễ của tình yêu mê say và hiệp nhất của người mục tử nhân lành (cc. 17-18). Những lời dạy về người mục tử nhân lành kết thúc với một cái nhìn chiêm ngưỡng sâu sắc về “mầu nhiệm Vượt Qua”. Buổi chiều cuộc đời người mục tử nhân lành, vinh quang cũng như sự viên mãn của thời khắc này là lễ dâng cuộc đời Người trên thập giá, vào giờ của lòng trung thành. Tiêu chuẩn cuối cùng này của sự ưu việt của người mục tử được liên kết với tiêu chuẩn trước (sự hiệp nhất). Chúng ta ghi nhận là đến cuối c. 15, có lời “tôi hy sinh mạng sống” để đưa sang c. 16 nói về mục tiêu của người mục tử nhân lành là kiến tạo một đoàn chiên duy nhất; rồi mở đầu c. 18, lại có lời “tôi tự ý hy sinh mạng sống”. Đây là cấu trúc “đóng khung” để nói rằng chính là khi hy sinh mạng sống trên thập giá, mà Đức Giêsu kiến tạo được “sự hiệp nhất vĩ đại” này. Bởi vì Người chết chắc chắn “không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).
Nhưng nếu chúng ta nhìn vào cc. 17-18, chúng ta lại ghi nhận rằng ghi chú về Thiên Chúa Cha “đóng khung” các câu 17 và 18: “Chúa Cha yêu mến tôi …” và “đó là mệnh lệnh của Cha mà tôi đã nhạân được”, trong đó nói ba lần đến việc “hy sinh mạng sống”. Tương quan của Đức Giêsu với Chúa Cha giải thích sự trung thành của Người và sự trung thành chính là nét làm cho Người là người mục tử ưu việt. Sự trung thành này được nâng đỡ bởi nền tảng là tình yêu của Chúa Cha, được sống cách tự do và được diễn tả ra trong sự vâng phục. Sự trung thành này nên hình nên dạng trong hành vi “hiến tặng [hy sinh]” và “đón nhận [lấy lại]”, trong sự “tự chủ” (tôi có “quyền”) và “trách nhiệm” (Người hành động cho, hành động nhân danh), và trong việc lắng nghe (= tuân giữ) mệnh lệnh và đáp trả (vâng phục: “tôi đã nhận được”).
Câu 18 có thể được coi như đỉnh cao của bản văn. Đức Giêsu nói: “Chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”, rồi Người nói tiếp: “Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy”. Nói cho cùng, “quyền” của Đức Giêsu (được dùng 2 lần để nhấn mạnh) được Người thực thi trong hành vi trách nhiệm là “hiến mình”. Như tất cả mọi điều khác, hành vi này được nâng đỡ bởi tình yêu làm nền của Chúa Cha, nơi Người Đức Giêsu nhận được mọi sự (sự sống luôn luôn là một điều nhận được) và là Đấng Người được liên kết với bằng một tình yêu duy nhất (gốc rễ của đời sống Người là một tình yêu chín muồi: tình yêu này là một với tình yêu của Đấng mà Người yêu mến). Đây là ý thức sắc bén của Đức Giêsu trên thập giá, ý thức Người có vào thời điểm cao vời khi mà Người hiến tặng “sự sống dồi dào” cho mọi con chiên. Mọi sự đều dựa trên chỗ này. 
+ Kết luận

Bản văn này, với giọng văn đơn giản nhưng chắc nịch, đã cho chúng ta khám phá ra Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, là Đấng mạc khải tình yêu tại nguồn, là Đấng đưa lại ơn cứu độ trọn vẹn, Đấng cung cấp ánh sáng và sự sống. Nơi bản thân Đức Giêsu, chủ đề cổ xưa về Thiên Chúa Mục Tử của Cựu Ước nay đã được trẻ-hóa cách tuyệt vời và được hoàn tất vượt quá mong ước mong.  


V. GỢi ý suy niỆm

1. Nói tới “mục tử” là nói tới tương quan. Trong xã hội Israel cổ thời, tương quan giữa mục tử và đoàn chiên không chỉ là một vấn đề lợi ích kinh tế, dựa trên các sản phẩm các con chiên cung cấp để mục tử sử dụng mà nuôi sống mình và gia đình: len, sữa, thịt, tiền bạc, v.v. Nói cách khác, đây không chỉ là một tương quan sở hữu. Trong thế giới Kinh Thánh, giữa mục tử và đoàn chiên có một tương quan hầu như riêng tư. Ngày qua ngày, các mục tử và đoàn chiên sống với nhau tại các nơi hoang vắng, chỉ có nhau chứ không có gì chung quanh. Do đó, chẳng mấy chốc, người mục tử biết rõ từng con chiên, và mỗi con chiên nhận biết tiếng nói của mục tử, và dễ dàng phân biệt với tiếng của người khác.


2. Chính vì tương quan giữa mục tử và đoàn chiên là một trong những tương quan gần gũi nhất mà một người Israel có thể thấy trong cuộc sống hằng ngày, ta hiểu vì sao Thiên Chúa đã sử dụng biểu tượng này để mô tả tương quan của Người với Dân tuyển chọn và với toàn thể nhân loại. Chúng ta nghĩ đến Tv 23. Kiểu tương quan này trở thành mẫu mực cho các nhà lãnh đạo (vua chúa, tư tế, ngôn sứ): như Thiên Chúa, họ phải chu cấp sự an toàn và che chở cho Dân. Chúng ta cũng có thể nhớ tới những lời Thiên Chúa trách các nhà lãnh đạo qua miệng ngôn sứ Êdêkien (ch. 34).
3. Trách nhiệm lớn của một mục tử là đời sống của con chiên. Tiêu chuẩn giúp phân biệt một mục tử tốt với một mục tử xấu là ý thức về trách nhiệm. Người mục tử bên Paléttina hoàn toàn chịu trách nhiệm về đoàn chiên của mình: nếu có chuyện gì xảy ra với dù chỉ một con chiên mà thôi, người ấy phải chứng minh là không do lỗi mình. Ý thức về trách nhiệm này được minh họa bởi hai đoạn Kinh Thánh: Am 3,12; Xh 22,9-13. Nói tóm, người mục sống hoàn toàn cho con chiên, anh chiến đấu dũng cảm để bảo vệ chúng khỏi thú dữ và còn sẵn sàng hy sinh mạng sống (x. Đavít: 1 Sm 17,34-35).
4. Lòng nhiệt thành của người mục tử chính là tình yêu làm tuôn trào sự sống. Như Tv 23 cho thấy, người tín hữu thời Kinh Thánh thấy nơi hình ảnh người mục tử dung mạo đích thật của Thiên Chúa: Tình yêu của Người, sự quan tâm, tình yêut hy sinh cho nhân loại. Nếu họ vững vàng đối phó với các thử thách của cuộc đời, là vì họ bám vững vào Thiên Chúa. Trong tâm trí và trong tim họ, họ xác tín rằng như mục tử tốt lành, Thiên Chúa dám làm mọi sự vì họ; Thiên Chúa luôn trông chừng trên họ, luôn luôn chiến đấu bên cạnh họ (x. Is 31,4; Ed 34,16).
5. “Tôi biết chiên của tôi …, như Chúa Cha biết tôi”. Con người phải đau khổ vì không được ai hiểu biết sâu xa. Thế mà Đức Giêsu lại nói rằng Người biết con người bằng một sự hiểu biết tương đương với sự hiểu  biết nhờ đó Chúa Cha biết Con. Đây lại là một sự hiểu biết trong tình yêu. Như thế, con người sẽ không còn cảm thấy cô đơn và sợ hãi vì Đấng biết họ trọn vẹn lại không kết án họ, nhưng yêu thương họ bằng một tình yêu trọn vẹn và cứu chuộc. Đã được yêu thương như thế, chúng ta có trách nhiệm đối với anh chị em chúng ta: chúng ta cũng phải yêu thương anh chị em mình đến mức sẵn sàng hy sinh mạng sống cho họ, theo gương Đức Giêsu. 
Lm PX Vũ Phan Long, ofm    

Tình yêu Thiên Chúa đỐi vỚi chúng ta

Lm Carôlô Hồ Bặc Xái
I. DẪn vào Thánh lỄ

Mỗi năm, Giáo Hội dành ngày Chúa nhật thứ IV mùa Phục sinh để nhắc cho chúng ta biết Ðức Giêsu là mục tử nhân lành rất yêu thương chúng ta là những con chiên của Ngài. Ngài chăm sóc chúng ta và dẫn chúng ta đến cuộc sống hạnh phúc muôn đời.


Ngày hôm nay cũng là ngày Giáo Hội trên toàn thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu.
Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta hiểu biết hơn về tình yêu của Ngài; đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho có nhiều người trẻ hiến thân làm Linh mục để tiếp nối sứ mạng Ðức Giêsu là làm mục tử chăm sóc đoàn chiên Ngài.
II. GỢi ý sám hỐi

Chúng ta là những con chiên được Ðức Giêsu là mục tử nhân lành dẫn dắt. Nhưng nhiều khi chúng ta không ý thức tình thương Chúa luôn bao bọc cuộc sống chúng ta.

Ðôi khi chúng ta còn tỏ ra là những con chiên bướng bỉnh không đi theo sự dẫn dắt của Chúa.

Chúng ta ít quan tâm đến việc khuyến khích và nuôi dưỡng các ơn thiên triệu.


III. LỜi Chúa

1. Bài đọc I: Cv 4, 8-12

Sau khi Phêrô chữa cho một người què được khỏi, ông bị bắt dẫn ra trước Thượng Hội Ðồng Do thái giáo cùng với bạn đồng hành là Gioan.


Trước Thượng Hội Ðồng, Phêrô xác nhận người què ấy được khỏi không phải do quyền phép gì riêng của ông mà chỉ nhờ danh thánh Ðức Giêsu.

Nhân dịp đó, Phêrô giảng về Ðức Giêsu: Ngài đã bị các thủ lãnh Do Thái giết chết, nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại và tôn vinh Ngài lên đến tuyệt định vinh quang. Nhờ danh Ngài mà mọi người được ơn cứu độ.


2. Ðáp ca: Tv 117 (như Chúa nhật I Ps)

Thánh vịnh này là tâm tình của người đã cảm nghiệm được tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Quyền năng và tình thương ấy đã chiến thắng tất cả, cho dù là khổ đau, là chết chóc. Tác giả muốn sống mãi để có thể ca tụng Thiên Chúa đến muôn đời.


3. Bài đọc II: 1 Ga 3, 1-2

Thánh Gioan nói đến mức độ to lớn vô cùng của tình yêu Thiên Chúa dành cho tín hữu:

Hiện nay Thiên Chúa cho chúng ta làm con của Ngài.

Sau này Ngài còn cho chúng ta được giống như Ngài.


4. Tin Mừng: Ga 10, 11-18

Ðức Giêsu xưng mình là mục tử tốt lành. Ngài cũng phân biệt mục tử tốt lành và người chăn chiên thuê:

Những đặc tính của Người mục tử tốt lành: a/ thí mạng sống vì chiên; b/ biết các con chiên và được các con chiên biết; c/ muốn quy tụ những con chiên khác ở ngoài vào đàn chiên mình, để rồi sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên.
Kẻ chăn chiên thuê chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Hắn ưu tiên lo cho bản thân nên khi gặp nguy hiểm thì bỏ mặc đàn chiên để chạy trốn.
IV. GỢi ý giẢng

* 1. Mục tử tốt lành

Dưới thời bạo Chúa Nêrô bắt đạo. Rôma ngập tràn máu lửa, biết bao tín hữu đã chết dưới tay ông vua điên loạn, bạo tàn.

Giáo hội non trẻ do Ðức Giêsu thiết lập như sắp rã rời tan tác. Phêrô là con chim đầu đàn, là trụ cột của Giáo hội. Các tín hữu tha thiết xin Phêrô trốn khỏi Rôma, để tiếp tục dẫn dắt đoàn chiên. Người anh cả một thoáng phân vân, chần chừ. Quả thật đoàn chiên đang nao núng vì sợ thiếu vắng đầu đàn, sao có thể giữ vững niềm tin? Thầy đã chẳng khuyên khi người ta bắt bớ chúng con ở thành này, thì hãy trốn sang thành khác sao? Phêrô xách bị gậy đi trốn. Ðụng Thầy ở cổng thành, Phêrô hỏi:


  • Quo vadis, Domine? Thưa Thầy, Thầy đi đâu?

  • Nếu con bỏ các Kitô hữu của Thầy thì Thầy sẽ quay lại để chịu đóng đinh cho họ một lần nữa.

Phêrô hiểu ngay lời Thầy, quay trở lại Rôma để an ủi khích lệ đoàn chiên, và để chịu đóng đinh thập giá như Thầy.
"Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì đoàn chiên" (Ga. 10, 11). Ðức Giêsu ví mình như một mục tử tốt lành khác với người chăn thuê, vì người đã dám hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Cái chết của Người không bất ngờ, cũng không đầu hàng bạo lực, nhưng là một cái chết tự hiến. Ðức Giêsu chết để nói nên lời yêu thương. Một tình yêu tột đỉnh, yêu cho đến cùng. Thánh Gioan viết: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình" (Ga. 15, 13).
Chính tình yêu đã tạo nên mối dây gắn bó giữa chủ chiên và từng con chiên, khiến Người nói: "Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta" (Ga. 10, 14-15). Ðó là sự hiểu biết nhau sâu xa, sự trân quí giữa mục tử và đoàn chiên.
Ðức Giêsu là mục tử duy nhất, tối cao và gương mẫu. Các mục tử khác chỉ là phụ tá giúp chăn dắt đoàn chiên của Người. Mọi mục tử phải noi gương Người, dám chết cho đoàn chiên được sống. Phêrô là người mục tử đầu tiên. Phêrô có thể trốn bắt bớ, tù tội, chết chóc. Nhưng chính khi đổ máu, Phêrô đã giữ vững đoàn chiên. Cái chết của Phêrô đã có sức thuyết phục hơn bất cứ lời rao giảng nào: "Thầy làm vững đức tin của con. Rồi đến lượt con, con sẽ làm vững đức tin của anh em con". Các mục tử tiếp bước Phêrô vui lòng nằm xuống để nên nhân chứng, và củng cố niềm tin cho các anh em.
Dụ ngôn người "Mục tử tốt lành" cho thấy tình yêu sâu sắc của Thiên Chúa. Người yêu thương mỗi người một cách cá biệt, không yêu cách chung chung. Người yêu thương vô điều kiện, ngay cả khi chúng ta lầm đường lạc lối. Người yêu thương bằng tình yêu vui mừng, chứ không la rầy khiển trách khi tìm thấy chiên lạc.

Ngày nay, Ðức Giêsu vẫn cần những vị mục tử tốt lành lo cho đoàn chiên trên thế giới. Người rất cần các bạn trẻ hiến thân cho sứ mạng mục tử này. Người mời gọi chúng ta hãy nhìn bằng trái tim yêu thương, để thấy những cơn đói Lời Chúa, đói tình thương, đói của ăn, đói ý nghĩa cuộc sống. Người kêu gọi chúng ta hãy tha thiết xin Cha cho nhiều mục tử tận tụy hơn, thanh khiết hơn, vô vị lợi hơn, và thánh đức hơn. Những mục tử sẵn lòng âm thầm chết từng ngày cho đoàn chiên.

*

Lạy Chúa, xin gởi đến cho chúng con những mục tử có trái tim của Chúa: luôn say mê Thiên Chúa và yêu thương con người, có tình bạn thân thiết với Chúa, dám hy sinh cho đoàn chiên, dẫn đưa chúng con về với Cha là nguồn hạnh phúc thật của chúng con. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")


* 2. Ngày cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục và Tu sĩ

a/ Ðối với người Việt chúng ta thì hình ảnh "chiên và người chăn chiên" không phải là một hình ảnh gần gũi, vì xứ sở chúng ta không thuộc vùng Cận Ðông với nghề chăn nuôi chiên cừu như Pa-lét-tin xưa. Hơn nữa trong khi cả đất nước đang nói đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện "đàn chiên với mục tử", thì e rằng chúng ta bị coi là những người lạc hậu! Nhưng nếu đi sâu vào ý nghĩa và biểu tượng tôn giáo của hình ảnh "chiên và mục tử" thì chúng ta lại chẳng thấy lạc hậu tí nào. Vì chưng những người tin ở Thiên Chúa đều xác tín rằng họ luôn được Thiên Chúa và Chúa Ki-tô quan tâm và tận tình chăm sóc, không chỉ về phương diện tâm linh mà về mọi phương diện con người, không chỉ ở đời sau mà ở cả đời này. Mối tương quan gắn bó giữa người chăn và con chiên là hình ảnh sống động, cụ thể của mối tương quan giữa Thiên Chúa và người tín hữu.

b/ Những nét đặc trưng của Vị Mục Tử nhân lành

Ðức Giêsu đã công bố Người là Vị Mục Tử nhân lành, với những nét đặc trưng sau đây:

Vị Mục tử nhân lành hết lòng yêu thương những người thuộc về mình. Vì yêu thương nên Người quan tâm đến mọi người và đến từng người. Càng quan tâm thì càng biết tường tận: biết họ muốn gì? họ cần gì? họ có thể gặp phải những nguy cơ cạm bẫy hay thử thách nào?

Vị Mục tử nhân lành luôn đi đầu, đi trước tức hướng dẫn, lãnh đạo đoàn chiên, tức đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi khổ cực cho người thuộc về mình. Vị ấy sẽ đem chiên đến những miền an toàn, có suối mát và cỏ xanh, để chiên được ăn uống no nê, được nghỉ ngơi thoải mái. Chiên sẽ tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng. Thậm chí vị Mục tử sẽ hy sinh mạng sống vì chiên.

c/ Lý do Hội Thánh lấy ngày chủ nhật Chúa Chiên Lành làm ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục tu sĩ:

Bản tin Hiệp Thông (tiếng nói của Hội đồng Giám Mục Việt Nam) số 11, ra ngày 15 tháng 02 năm 2002 (trang 8-9) cung cấp cho chúng ta những con số cụ thể và đáng chúng ta suy nghĩ trong ngày hôm nay:

(1): Tổng dân số của Việt Nam hiện là: 80. 489. 857 người (76. 683. 203 dân tộc kinh + 3. 806. 654 dân tộc thiểu số). (2): Tổng số công giáo của 25 giáo phận: 5. 324. 492 người (5. 065. 105 dân tộc kinh + 259. 387 dân tộc thiểu số). (3): Tổng số linh mục của 25 giáo phận: 2. 526 Lm (2. 133 triều + 393 dòng). (4): Tổng số tu sĩ trong 25 giáo phận: 11. 282 Ts (1. 524 nam + 9. 758 nữ). (5): Tổng số chủng sinh của 25 giáo phận: 1. 765 Cs (1. 044 đang học + 318 học xong + 403 dự bị). (6): Tổng số giáo lý viên của 25 giáo phận: 45. 858 Glv (671 giáo phu + 219 có lương + 44. 968 không có lương).

Nếu chia bình quân số giáo dân cho số linh mục (triều dòng, khoẻ yếu) thì một linh mục phải phục vụ 2. 107 giáo dân. Nếu chia bình quân tổng số dân Việt Nam cho số linh mục (triều dòng, khoẻ yếu) thì một linh mục phải phục vụ 31. 865 người. Nếu chia bình quân số giáo dân cho số tu sĩ (nam nữ, khoẻ yếu) thì một tu sĩ phải phục vụ 472 giáo dân. Nếu chia bình quân tổng số dân Việt Nam cho số tu sĩ (nam nữ, khoẻ yếu) thì một tu sĩ phải phục vụ 7. 134 người. Nếu chia bình quân tổng số người VN không công giáo cho tổng số người VN công giáo thì một người VN công giáo phải giúp cho 14 người VN không công giáo biết Chúa và gia nhập Giáo hội.


Nguyên nhìn vào những con số trên, chúng ta cũng đã thấy được nhu cầu to lớn về nhân sự của Giáo hội Việt Nam trong sứ mệnh sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng mà Giáo hội đã nhận được từ chính Chúa Giê-su. Ðã đành rằng ngày nay trách nhiệm sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng không chỉ của riêng các linh mục, tu sĩ mà của mọi Ki-tô hữu. Nhưng các linh mục, tu sĩ vẫn là lực lượng quan trọng nhất, là lực lượng nòng cốt và đầu tầu trong lãnh vực này. Thế nhưng ơn gọi linh mục, tu sĩ càng ngày càng giảm sút trong các Giáo hội địa phương, thậm chí giảm trầm trọng trong một số Giáo hội. Riêng tại Việt Nam, thì tình hình có mấy nét riêng sau đây: (1) Việc thanh niên nam nữ muốn vào chủng viện, dòng tu còn gặp nhiều cản trở từ những qui định của Nhà Nước. (2) Việc các Giám mục, Dòng tu gửi các linh mục, tu sĩ đến nơi cần gửi, đặc biệt đến vùng sâu vùng xa, cũng chẳng dễ dàng gì. (3) Ơn gọi tu trì đã có dấu hiệu sút giảm ở thành thị, nhất là ở các quận nội thành.

Vì thế cho nên chúng ta không chỉ cầu xin Thiên Chúa ban cho Giáo hội -nhất là Giáo hội Việt Nam- nhiều linh mục, tu sĩ tài đức thánh thiện, nhiệt thành mà chúng ta còn phải nài xin Thiên Chúa tạo thuận lợi cho các ứng sinh linh mục tu sĩ được đào tạo đến nơi đến chốn và cho các linh mục tu sĩ có điều kiện cần thiết để thực thi sứ vụ của mình. (Giê-rô-ni-mô Nguyễn Văn Nội).


3. "Tình yêu, con đường duy nhất để đến với thế giới bất tín".

"... Thánh nữ Têrêxa đã mở ra cho chúng ta con đường duy nhất để đến với thế giới những người không tin: đó là tình yêu. Không ai có thể sống thiếu tình yêu. Trước tấm thảm kịch của thuyết nhân bản vô thần, thảm kịch, vì do nhân danh một tư tưởng cao cả của nhân loại mà con người đã khước từ Thiên Chúa, mọi Kitô hữu, mọi Linh mục, mọi tu sĩ đều bồn chồn lo âu (...) thánh Phanxicô đệ Salê đã nói: "Tất cả đều dành cho tình yêu, đều ở trong tình yêu, đều vì tình yêu và đều phát xuất từ tình yêu trong Giáo hội". Nhưng cái chân lý cao cả ấy hầu như đã bị lãng quên, đã bị thuyết Jansénisme khô cằn ngăn chận. Chỉ có người nữ tu dòng kín trẻ trung thành Lisieux đã nhắc ta nhớ lại chân lý ấy trong nét tươi tắn của thái độ Ngài hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa. Hôn thê của Ðấng chịu đóng đinh và đã vì yêu mà tự nộp mình cho ta, chính thị cũng dâng hiến cho Người tình yêu vì tình yêu, như vị hôn thê dâng hiến cho hôn phụ. "Trong trái tim giáo hội tôi sẽ là tình yêu" thế là đã rõ, một xác quyết như thế đụng chạm tới tất cả mọi người ở thế kỷ XX của chúng ta vì chúng ta không biết yêu và được yêu trong chân lý (...)


Thánh Nữ Têrêxa luôn luôn là, tôi dám nói, một âm vang đích thực của Trái tim Thiên Chúa cho thời đại chúng ta, cho mỗi người chúng ta. Dù ta là ai, ta đã được tạo thành để sống tình yêu Thiên Chúa, tình yêu đã trao ban sự sống cho ta. Ta đến từ Thiên Chúa và ta lại trở về với Người, Người là Ðường là Sự Thật và là sự sống. Công đồng Vatican II đã mạnh mẽ nhắc lại điều này. Sử gia mai ngày có thể thắc mắc "Giáo hội thời Công đồng đã làm gì?" Ðức Phaolô VI đã trả lời họ ngay từ ngày 14. 9. 1965: "Giáo hội yêu, giáo hội yêu, yêu bằng trái tim mục tử, yêu bằng trái tim đại kết, yêu bằng trái tim rộng mở đón nhận mọi người kể cả những người bắt bớ giáo hội". Ta nên tìm lại cái trực cảm quan trọng ấy của Ðức Phaolô VI. Ðó cũng là trực cảm của thánh nữ Têrêxa thành Lisieux: "Giáo hội là Ðức Kitô và Ðức Kitô là tình yêu". Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương.
Thánh nữ Têrêxa đã khơi gợi hàng ngàn, hàng ngàn ơn gọi làm Linh mục trên khắp thế giới. Những Linh mục ấy đã tìm thấy nơi thánh nữ một tình yêu tuyệt đối dành cho Ðức Giêsu và tình yêu Giáo hội, một ý nghĩa sâu xa trong kinh nguyện và trong sứ mệnh truyền giáo trên khắp hoàn cầu, một sự kết hợp bằng chiêm niệm và hoạt động, một mẫu gương dùng con đường tình yêu bé nhỏ và phó thác, đường nên thánh trong cuộc sống hằng ngày. Ngày nay, thánh nữ Têrêxa vẫn tiếp tục làm phong phú tác vụ của các linh mục, đặc biệt là những linh mục trẻ bị cuốn hút bởi sứ điệp tình yêu giữa lòng Giáo hội (...)
Tất cả hành trình đức tin thâu tóm trong đức cậy và đức ái. Niềm tin là niềm hy vọng của tình yêu, tin là hy vọng vào tình yêu. Phải chăng vai trò đã được quan phòng của sứ điệp của thánh nữ Têrêxa, ở ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ 3, chính là trả lại cho ta tình yêu và niềm hy vọng? Con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Tình yêu là để yêu thương. Trong lãnh vực tình yêu, thánh nữ Têrêxa là bậc thầy linh đạo trong tình yêu, không có dè dặt, không có tính toán, không có trung dung, không có quân bình vì con người chẳng bao giờ có thể yêu Thiên Chúa cho xứng với tình Người yêu ta (…).
Một nữ tu hỏi thánh nữ Têrêxa: "Chị nói gì với Ðức Giêsu?" Chị thánh trả lời: "Em không nói gì hết, em yêu Người", Chỉ tình yêu là quan trọng. (Ðức Hồng Y P. Poupard, tài liệu cho ngày ơn thiên triệu. Trích dẫn bởi Fiches dominicales, năm B)).
4. "Trong trái tim Giáo hội, tôi sẽ là Tình yêu"

(Thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng, bản văn được trích dẫn trong tài liệu của Ủy ban quốc gia về ơn thiên triệu).

"... Sau cùng con đã tìm thấy sự an nghỉ... tìm trong thân thể mầu nhiệm của Giáo hội, con chẳng thấy mình trong bất cứ chi thể nào đã được thánh Phaolô miêu tả, đúng hơn con muốn có mặt trong tất cả những chi thể ấy... Ðức Ái đã cho con chìa khóa ơn gọi của con. Con hiểu rằng nếu giáo hội có một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, chi thể quan yếu nhất, cao cả nhất không thể thiếu được, con hiểu đó là Trái Tim và Trái Tim đó cháy đỏ Tình yêu. Con hiểu rằng chỉ có Tình yêu mới làm cho các chi thể của Giáo hội hoạt động và nếu tình yêu vụt tắt, các Tông đồ sẽ thôi không loan báo Tin mừng, các thánh tử đạo sẽ từ chối đổ máu... Con hiểu rằng Tình yêu phủ trùm lên mọi ơn gọi và tình yêu là tất cả, bao gồm mọi không gian và mọi thời gian. Tắt một lời, Tình yêu là vĩnh cửu!
Thế là, trong niềm vui tột đỉnh, con kêu lên: "Ôi Giêsu, Tình yêu của con... ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con chính là Tình yêu!...

Phải rồi, con đã tìm được vị trí của con trong Giáo hội. Chỗ ấy, ôi Lạy Chúa, chính Chúa đã ban cho con... Trong Trái Tim Giáo hội, thưa Mẹ, con sẽ là Tình yêu... như thế con sẽ là tất cả... như thể giấc mơ của con đã thành hiện thực!!!... "


V. LỜi nguyỆn cho mỌi ngưỜi

Chủ tế: Anh chị em thân mến, hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục và tu sĩ, chúng ta cầu xin Chúa sai đến đoàn chiên Chúa những chủ chăn tốt lành như lòng Chúa mong muốn.

1. Chúng ta hãy cầu xin cho mọi thành phần trong Hội thánh / đều tích cực quan tâm đến việc nâng đỡ, đào tạo và chọn lựa những người xứng đáng với ơn gọi làm Linh mục và tu sĩ.

2. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tất cả những ai đang thi hành trách nhiệm làm Mục tử trong Hội thánh / biết noi gương Ðức Giêsu là mục tử tốt lành / sẵn sàng hiến thân chăm lo cho đoàn chiên Chúa đã trao phó cho mình.

3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người trẻ biết lắng nghe tiếng gọi của Chúa / và quảng đại đáp trả tiếng gọi ấy / để dấn thân vào đời sống giáo sĩ và tu sĩ

4. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người làm cha mẹ trong họ đạo chúng ta / biết giáo dục và hướng dẫn con cái sống tinh thần Tin mừng / để cống hiến cho Hội thánh những mầm giống ơn gọi tốt lành.
Chủ tế: Lạy Chúa, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, xin cho chúng con biết rộng rãi góp phần vào việc đào tạo Linh mục và tu sĩ, bằng lời cầu nguyện, và bằng sự giúp đỡ nhiệt tình. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con.


Lm Carôlô Hồ Bặc Xái


TA LÀ MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Chủ đề: "Vị Mục Tử Nhân Lành tự hiến mạng sống mình để chia sẻ với chúng ta sự sống Phục sinh của Ngài"

Lm. Mark Link, S.J.

Laura Bell không phải là một mẫu sinh viên tốt nghiệp đại học, điển hình của quí bạn. Sau khi tốt nghiệp xong, cô chọn nghề chăn cừu tại Wyoming. một số bạn bè nghĩ rằng cô ta “khùng”. Nhưng vì muốn thách thức nên Laura đã chấp nhận nghiệp vụ ấy.


Mỗi ngày cô làm việc tới 18 tiếng đồng hồ và làm suốt cả 7 ngày trong tuần. Cô làm từ sáng sớm và chỉ nghỉ vào lúc mặt trời lặn. Suốt thời gian này cô hoàn toàn cô đơn chỉ biết bầu bạn với chú chó, chú ngựa và hai ngàn chú cừu. Mỗi tuần lễ một lần có người cưỡi ngựa băng qua đồi mang đến cho cô thực phẩm, thư từ và những băng đạn.
Công việc của Laura làm sao giữ cho đàn cừu ở chung một chỗ. Dẫn chúng đến chỗ có cỏ và nước, đồng thời bảo vệ chúng khỏi thú dữ. Cô nói; “Khi bạn hoàn toàn một mình ở ngoài ấy, thì chẳng có ai để sửa đổi lầm lỗi của bạn cả. Vì thế các bạn phải cảnh giác gấp đôi để coi chừng những hiểm nguy có thể xảy ra, chẳng hạn có những loài rắn cực độc, và cũng đừng làm điều gì khiến cho chú ngựa của quí bạn phải bực mình đấy nhé!”.
Laura nói rằng việc thay đổi thời tiết là một trong những niềm vui của nàng nhưng nó cũng gây cho nàng những cơn nhức đầu ghê gớm nhất. Thời tiết sẽ qui định những động thái của bầy cừu cũng như tính chất ngày làm việc của nàng. Một buổi sáng nọ, một nhóm cừu tự rời khỏi bầy chính, thế là Laura bỏ thời gian còn lại trong ngày lần theo dấu vết chúng; ngay khi nàng vừa tìm thấy chúng thì một cơn mưa bão dìm ngập nàng lẫn bầy cừu trong nước mưa, đêm ấy, nàng phải chịu rét run trong đống mền ướt sũng nước.

***

Câu chuyện của Laura Bell cho chúng ta thấy nghề chăn cừu thời nay khó khăn cực nhọc như thế nào.


Nhưng ngày xưa nghề chăn cừu còn cực khổ hơn thế nữa. Bởi vì họ chả có ngựa, chó hoặc súng để gíup họ thi hành công việc. Họ chỉ có chính bản thân họ thôi. Điều này khiến cho công việc của họ trở nên cực kỳ nguy hiểm.
Tôi xin dùng một thí dụ để làm sáng tỏ.

Câu chuyện trong sách Samuel quyển I kể lại cho chúng ta về chàng David trẻ tuổi đã tình nguyện giao đấu với Goliath tên khổng lồ người Philistine. Đức vua từ chối và bảo với chàng: “Chú mày chỉ là một thằng nhóc còn hắn thì cả một đời làm chiến binh chuyên nghiệp rồi!”. David trả lời: “Tâu Bệ Hạ, thần từng chăm sóc bầy cừu của phụ thân thần. Bất cứ khi nào có một con sư tử hay một con gấu cướp đi một con chiên, lập tức thần rượt theo, tấn công nó để cứu con chiên. Và nếu con sư tử hay con gấu ấy quay vào tấn công thần, thần xông đến chộp cổ họng nó và đánh nó cho đến chết. Thần đã giết nhiều sư tử và gấu, vậy thần cũng sẽ làm thế đối với gã Philistine ngoại đạo này” (1 Sm 17 : 34-36)


Tất cả chúng ta đều biết câu chuyện tiếp diễn ra sao. David đã đánh bại Goliath bằng cách dùng một cái ná; loại vũ khí mà người mục tử trước kia thường dùng này có thể sánh với khẩu súng hiện đại. Nhưng mạng sống các mục tử ngày xưa không chỉ bị đe doạ từ phía thú dữ mà còn từ phía những kẻ sống phi pháp và các tên thổ phỉ. Trong quyển sách viết về Thánh Địa mang tựa đề “Mảnh đất và quyển sách” (The Land and the Book) ; W.M. Thomson ghi lại câu chuyện bi đát này.

Một ngày nọ có chàng mục đồng trẻ tuổi dẫn bầy súc vật đi về vùng lân cận ngọn núi Tabor. Bỗng có ba tên cướp người Ả Rập Xuất hiện. Chàng thanh niên biết rõ điều chàng sẽ gánh chịu, thế nhưng chàng đã không bỏ trốn. Chàng kiên cường chiến đấu để giữ cho bầy súc vật của chàng khỏi rơi vào tay lũ thổ phỉ. Đoạn cuối được kết thúc bằng cái chết liều mạng của chàng thanh niên cho đàn cừu của chàng.



***

Ngày xưa, đề tài người mục tử xả thân cho bầy chiên là một nguồn hứng khởi cho các văn sĩ Thánh Kinh khiến họ mô tả Thiên Chúa như một Đấng Mục Tử. Thiên Chúa đã xả thân cho Israel không khác gì người Mục tử, vì thế tác giả Thánh Vịnh đã hát lên:

Đức Chúa là mục tử tôi,

tôi không hề thiếu chi…

Dù phải đi qua thung lũng tối đen

Tôi cũng không hề lo sợ” (Tv 23, 1-4)
Từ đó các nhà lãnh đạo tôn giáo của Israel thay mặt Chúa ở trần gian, cũng được ví như các vị mục tử. Tiếc thay, theo thời gian, vai trò lãnh đạo tôn giáo của Israel đã bị thoái hoá. Khi điều này xảy ra, tiên tri Ezechiel đã nhân danh Chúa nói lên: “Hỡi các mục tử của Israel, các ngươi đã bị băng hoại rồi! Các ngươi chỉ biết lo cho bản thân mình chứ chẳng hề nghĩ đến bầy chiên… các ngươi chẳng chăm sóc những con yếu đuối, chữa lành những con bệnh hoạn, băng bó những con bị thương tích, dẫn về những con lệch đường, hoặc tìm kiếm những con bị lạc mất. Vậy hỡi các chủ chăn, hãy nghe đây, Ta, vị Chủ Tể tối cao, ta tuyên bố rằng… Ta sẽ tách bầy chiên ra khỏi các ngươi… Ta sẽ giao chúng cho một vì vua giống như David tôi tớ ta để làm mục tử của chúng và Người ấy sẽ lo lắng chăm sóc chúng” (Ez 34 : 2-4, 9-10, 23)
Vậy chúng ta phải đọc bài Tin Mừng hôm nay trong bối cảnh này. Đức Giêsu nói: “Ta là mục tử nhân lành, sẵn sàng liều mạng vì đàn chiên… Chúng sẽ nghe tiếng Ta và chúng sẽ trở nên một đàn chiên dưới quyền một chủ chiên”.
Nói cách khác, Đức Giêsu chính là nhân vật mà ngôn sứ Ezekiel tiên báo. Giống như David người mục tử nhân lành, Ngài chăm sóc những con yếu đuối bơ vơ, chữa lành con nào bệnh hoạn, và đi tìm những con lạc đường mất lối. Đức Giêsu còn làm hơn thế nữa. Ngài tự hiến mạng sống cho đàn chiên của Ngài. Và Ngài lại còn làm hơn như thế. Ngài đã sống lại từ cõi chết và chia xẻ đời sống Phục sinh của riêng Ngài với đàn chiên.
Đây chính là điều thánh Phêrô nhắc nhủ trong bài đọc thứ nhất ngày hôm nay. Ngài nói với dân chúng rằng chính nhờ quyền năng Đức Giêsu mà người tàn tật ấy được chữa lành. Ngài mời gọi dân chúng tin vào Chúa Giêsu để được chữa lành phần hồn giống như kẻ tật nguyền được chữa lành phần xác. Đây cũng là điều thánh Gioan nhắc nhớ trong bài đọc thứ hai hôm nay; nhờ Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cha đã làm cho chúng ta trở nên con cái riêng của Ngài.
Chúng ta phải đáp lại tất cả những lời đó cách nào đây?

Trước hết, chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Giêsu, vì nhờ sự chết và sống lại của Người chúng ta được cứu khỏi phải chết đời đời để được sống vĩnh viễn.


Đây là điều thánh Gioan nhắm nói đến trong bài đọc thứ hai; “Các bạn thân mến, hiện giờ chúng ta là con cái Chúa, nhưng vẫn chưa bíêt rõ chúng ta sẽ trở nên thế nào, tuy nhiên chúng ta biết rằng khi Đức Kitô hiện ra, chúng ta sẽ nên giống như Ngài. Bởi vì Ngài thế nào thì chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài như vậy”.

Thứ đến chúng ta phải cởi mở tâm hồn mình với Đức Giêsu, vì Ngaì đang ở với chúng ta ngay lúc này để tiếp tục công việc cứu rỗi của Ngài


Ngài vẫn tiếp tục chăm sóc kẻ yếu đuối, chữa lành người đau ốm, băng bó người bị thương tích, đem người lầm lạc trở về và tìm kiếm những người đã lạc mất.
Đức Giêsu quả là Mục tử nhân lành mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Ngài không chỉ hiến mình vì chúng ta hơn 2000 năm về trước, mà vẫn còn tiếp tục cư ngụ giữa chúng ta và thông ban sự sống phục sinh của riêng Ngài cho chúng ta nữa.

Lm. Mark Link, S.J.

CN 4 PHỤC SINH

CẦu cho ơn thiên triỆu linh mỤc tu sĩ

Lm. Augustine, SJ
Hình ảnh người chăn chiên vùng Trung Ðông

Hình ảnh người chăn chiên của làng ấp vùng Trung Ðông thật là quen thuộc và dễ thương thời Ðức Giêsu. Cứ sáng sáng anh dẫn đàn chiên đi ăn cỏ, và chiều chiều lại dẫn chúng về uống nước nơi suối nước cũng là nơi anh giao chiên lại cho chủ.


Chủ chiên thực ra có thể là một tiểu nông tự mình chăm sóc đàn vật (Xh 34,15), hoặc giao chúng cho những người con trai (St 37,2) hoặc con gái (St 37,2) hay cho con rể (St 30,29.31.36.38.40; Xh 3,1).
Trường hợp đàn chiên đông đảo hoặc vì hoàn cảnh bó buộc, người ta sẽ phải thuê người chăn chiên (1Sb 27,29-31). Người này sẽ được trả công bằng tiền (Dcr 11,12), hoặc bằng một phần của sản phẩm do đàn vật mang lại (St 30,28-43; 1Cr 9,7).
Bổn phận người chăn chiên là tìm cho đàn vật được giao đồng cỏ để chúng tới gặm cỏ và suối nước để chúng tới uống (Tv 22,2-3). Ðiều quan trọng là phải bảo vệ đàn chiên khỏi thú dữ và khỏi kẻ trộm (1Sm 17,34-37; Ga 10,12). Do đó người chăn chiên phải mang sẵn cây trượng (Tv 22,4; Mi 7,14), cái chùy và cái ná (1Sm 17,41-50).
Thử hỏi trước hình ảnh hiện thực đó về người chăn chiên, Ðức Giêsu muốn nói gì khi tự xưng là Mục Tử nhân lành? Vì lý do gì Ðức Giêsu tỏ ra gay gắt với người chăn chiên thuê như kẻ chẳng thiết gì đến tính mạng của đàn vật trước sự xông đánh của thú dữ (c.13)?
Quả thật, bài Tin Mừng hôm nay không chỉ là chuyện nhắc lại hình ảnh của người chủ có tới 100 con chiên, thế mà chỉ có một con đi lạc, người ấy cũng sẵn sàng bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm chiên lạc đó (Mt 18, 12-13). Ta cũng không thấy ở đây hình ảnh một chủ chăn đã tìm thấy chiên lạc rồi nên mừng rỡ vác nó lên vai và mời hàng xóm láng giềng tới chung vui với mình như Luca kể lại (15,4-6). Ta thấy ở đây một Ðức Giêsu quyết liệt bảo vệ đàn chiên bằng chính mạng sống mình (cc.15.16 và 17).
Bài Tin Mừng hôm nay là một phần thuộc chương 10 của Tin Mừng Gioan, chủ yếu nói về vị Mục Tử nhân lành. Tại sao chương sách này được đặt liền sau trình thuật người mù từ khi mới sinh được Ðức Giêsu chữa lành? Xem ra không có gì liên lạc giữa câu chót của Gioan chương 9 và câu đầu của Gioan chương 10. Ðề tài vị Mục Tử nhân lành xem ra xuất hiện một cách đột ngột sau trình thuật về người mù được chữa lành, đến nỗi một số học giả muốn đặt nó vào một nơi khác của Tin Mừng Gioan. Nhưng nếu câu đầu của chương 10 không có liên lạc gì với người mù được chữa lành ở chương 9, thì câu 21 của chương 10 lại cho thấy mối liên lạc nổi bật với phản ứng của người Do thái khi nói: "Người bị quỉ ám đâu có nói được như vậy! Quỉ có thể mở mắt cho người mù được sao?"
Ðiều quan trọng hơn mối giây liên lạc vừa nói là sự đối chọi giữa Vị Mục Tử nhân lành và giới lãnh đạo Do thái giáo mù quáng và vô trách nhiệm đối với người mù được Ðức Giêsu chữa lành. Họ không những tỏ ra mê muội không nhìn nhận Ðức Giêsu là hiện thân của ánh sáng mà còn cố chấp trục xuất người được Ðức Giêsu ban cho sự sáng, là người mù được Người chữa lành. Do đó mới có lời nhận xét rằng: "Ðức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó, nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ." (Ga 10,6)
Vị Mục Tử được Cựu Ước loan báo

Ðiều thiết yếu cho việc phát hiện ý của tác giả là nhận ra ông có ý viết về Ðức Giêsu theo sách ngôn sứ Eâdêkiên chương 34. Trong chương sách này, ngôn sứ Eâdêkiên được linh ứng quở trách giới cầm quyền thời ông một cách thậm tệ. Họ đã trở nên những kẻ vô trách nhiệm, không những không lo chăm sóc dân mà còn trở nên những kẻ cướp bóc dân. Vậy Giavê Thiên Chúa sẽ cách chức họ. Chính Người sẽ đứng ra chăm lo cho dân Người. Cuối cùng Người sẽ cắt cử một Vị Mục Tử theo gương vua Ðavít xưa. Tất cả những điều tiên báo trong sách Eâdêkiên đều trở nên hiện thực nơi Ðức Giêsu.


Ðức Giêsu vừa là vị Thiên Chúa Mục Tử, vừa là vị cứu tinh Mêsia, vừa là Con Vua Ðavít. Vậy bài Tin Mừng hôm nay cho thấy một Ðức Giêsu dứt khoát đứng ra bảo vệ đoàn chiên. Người sẵn sàng hy sinh cho chúng. Hình ảnh ngược hẳn lại với hình ảnh mà Gioan chương 9 cho thấy về giới lãnh đạo Do thái giáo. Những người này đã tỏ ra thô bạo một cách mù quáng đối với kẻ thấp cổ bé miệng là người ăn xin nơi vệ đường, được Ðức Giêsu chữa cho khỏi mù.
Gioan chương 10 năng nhắc tới chiên được dễ dàng nhận ra là đoàn chiên được Ðức Giêsu dẫn tới đồng cỏ xanh tươi (c.9). Ðó là những chiên được Ðức Giêsu biết tên từng con một. Chúng nhận ra tiếng của Người (cc.3-4.14). Người đứng ra bảo vệ chiên khỏi bị trộm cướp quấy phá (cc.1.8.10). Người có ý quy tụ tất cả các chiên nghe tiếng Người gọi để thành một đoàn chiên dưới sự dẫn dắt của một chủ chiên. Tất cả những điều vừa nói đều cho thấy Ðức Giêsu quả là VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH (cc.11.14), vị mục tử được CHA yêu mến vì sẽ hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Hành vi hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, là điểm trung tâm được nhắc đi nhắc lại trong Gioan chương 10: trước hết ở câu 11 khi danh xưng Mục Tử nhân lành được giới thiệu; kế đến ở câu 15 và 17, cả hai lần đều cho thấy việc Ðức Giêsu hy sinh mạng sống cho đoàn chiên liên quan tới tương quan sâu thẳm giữa Chúa Cha và Ðức Giêsu: "Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên? Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại." Câu 18 còn nhắc lại hai lần nữa việc Ðức Giêsu tự ý hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

Cái mới nơi vị mục tử Giêsu là hy sinh mạng sống cho đoàn chiên

Vậy mặc dầu hình ảnh chủ chiên trong tương quan với đoàn chiên là hình ảnh không xa lạ với Kinh Thánh Cựu Ước, nhất là trong Eâdêkien chương 34, hình ảnh ấy trở nên hoàn toàn mới nơi Ðức Giêsu là Ðấng tự ý hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người là Mục Tử nhân lành chủ yếu vì lý do đó.


Trong những ngày sau tết Con Trâu Ðinh Sửu, câu truyện sôi động trên báo chí thành phố Sài Gòn là: "Bà mẹ gần 70 tuổi bán từng cọng rau để nuôi 4 người con điên!" Ðó là bà Nguyễn thị Tiền ở số nhà 1709.9A Hoàng văn Thụ, phường 9, Phú Nhuận. Bốn người con của bà đều mắc bệnh tâm thần: anh Dương 46 tuổi, chị Thanh 44 tuổi, anh Sơn 37 tuổi, và anh Dũng 34 tuổi. Hơn 30 năm về trước khi bà vừa sinh đứa con sau cùng là Dũng, thì chồng bà đã bỏ cả mẹ con bà mà đi, để mặc người vợ chưa đầy 40 tuổi ấy một mình nuôi năm đứa con. Người con gái lớn nhất là người duy nhất bình thường đã lấy chồng tuy cũng sống trong cảnh túng thiếu. Bà Tiền làm đủ mọi thứ việc: ở đợ, giặt đồ mướn, buôn gánh bán bưng? cốt chỉ để cho các con ăn học. Kết quả là năm 1975, chị Thanh đã đỗ bằng tú tài và đã là sinh viên trường đại học Văn Khoa. Nào ngờ, khoảng sáu bảy năm sau thì "tự nhiên sao chúng nó điên hết!" như bà kể lại với nét kinh hoàng còn hiện trên nét mặt của người mẹ đã gần 70 tuổi mà còn phải đi bán từng cọng rau để nuôi bốn người con điên!
Thực ra đã có lần bà Tiền đã mua mấy gói thuốc chuột, định bụng nấu nồi cháo cho mẹ con ăn lần chót. Nhưng sau nghĩ lại, bà Tiền đã vứt mấy gói thuốc ấy đi, để can đảm lao mình vào cuộc đời tần tảo nuôi con mò mẫm theo một đường hầm không tia sáng ở phía trước. Nay nhờ phóng viên Hoàng Chức Nguyên ánh sáng bỗng bật lên khiến nhiều người xúm lại giúp đỡ bà. Tính đến ngày 21.2.1997 bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã giúp bà Tiền trên 90 triệu đồng.
Bài Tin Mừng hôm nay tựa như một thiên phóng sự làm bật sáng lên sự hy sinh cao cả của Ðức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành không hề sợ hy sinh cho đoàn chiên khi nói "Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống tôi" cho đoàn chiên (Ga 10,18). Do đó đoàn chiên của vị Mục Tử Giêsu mỗi ngày một đông, nay đã lên tới con số 1,445,800,000 Kitô hữu, gồm Công Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành (theo thống kê của QIUD 1995).
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn hãy so sánh sự hy sinh của bà Tiền cho bốn người con điên và sự hy sinh của Ðức Giêsu cho gia đình nhân loại mà bài Tin Mừng hôm nay gợi ý cho thấy.

 2. Bạn nghĩ sự hy sinh của Ðức Giêsu đụng chạm tới sự sống của bạn như thế nào? Làm thế nào để bài Tin Mừng hôm nay như một thiên phóng sự làm bật sáng lên ý nghĩa của tình yêu liên đới giữa bạn là người Kitô hữu và mọi người trong gia đình nhân loại?




Lm. Augustine, SJ

CN 4 PHỤC SINH

Lm. Ignatiô Hồ Thông
Ba bài đọc của Chúa Nhật hôm nay có chung cùng một chủ đề: Đức Giê-su Ki tô là Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta. 

 
Cv 4: 8-12 



Khi bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng, thánh Phê-rô giải thích cho họ, những người đã kết án tử Đức Giê-su trước đây, rằng họ đã loại bỏ Đấng, chỉ ở nơi Ngài con người có thể được ơn cứu độ. 

 
1Ga 3: 1-2 



Trong thư thứ nhất của mình, thánh Gioan nhắc nhở rằng, được liên kết với Đức Giê-su, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa và được đảm bảo dự phần vào số phận vinh quang của Ngài. 

 
Ga 10: 11-18 



Tin Mừng hôm nay giới thiệu Đức Giê-su là Mục Tử nhân lành, chỉ mình Ngài mới có thể dẫn chúng ta vào ràn chiên của Thiên Chúa, vì Ngài hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên. 

 
BÀI ĐỌC I (Cv 4: 8-12) 

Việc thánh Phê-rô bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng là kết quả của biến cố mà chúng ta đã đọc câu chuyện vào Chúa Nhật vừa qua: sau khi chữa lành một người què trước cửa Đền Thờ, vị lãnh đạo của các Tông Đồ đã ngỏ lời với đám đông đầy kinh ngạc. 

Những lời phát biểu của thánh nhân đã làm xao xuyến các vị lãnh đạo Giê-ru-sa-lem và chắc chắn làm bực tức nhóm Sa-đu-xê-ô. 

 
Chúng ta biết rằng nhóm Sa-đu-xê-ô không tin vào sự phục sinh của thân xác; họ cho rằng quan niệm nầy xuất hiện rất muộn thời trong những tín ngưỡng của Ít-ra-en. Theo họ, sự tinh tuyền đạo lý đòi buộc người ta gắn bó với niềm tin tiền lưu đày; vì thế, họ cảm thấy chướng tai khi nghe nói về cuộc phục sinh của Đức Giê-su. 

 
Thánh Phê-rô và thánh Gioan bị bắt cùng nhau ở Cửa Đền Thờ khi lên Đền Thờ cầu nguyện và chữa lành người què. Họ là hai người bạn đồng hành gắn bó cùng nhau trong thời gian đầu tiên của các Tông Đồ, và cũng là như vậy trong thời gian sau cùng của sứ mạng Đức Giê-su: chính hai người được sai đi chuẩn bị lễ Vượt Qua; chính hai người, sau khi trốn chạy vào lúc Đức Giê-su bị bắt, trấn tỉnh lại và đi theo Ngài xa xa cho đến dinh thượng tế Cai-pha; cũng chính hai người cùng nhau chạy đến ngôi mộ vào sáng sớm Phục Sinh, vân vân). Họ qua đêm trong tù. Sáng hôm sau, họ bị điêu ra trước Thượng Hội Đồng, tức tòa thượng thẩm của Ít-ra-en, để bị tra hỏi. 

 
1. Nơi diễn ra phiên tòa. 

Hai vị Tông Đồ bị điệu ra trước những quan tòa mà, trước đây vài tuần, đã kết án Đức Giê-su: Thượng Tế đương nhiệm Cai-pha chủ trì Thượng Hội Đồng; Cựu Thượng Tế Kha-nan, bố vợ của ông Cai-pha, những kỳ mục và những kinh sư.  


Phiên tòa diễn ra cũng một nơi trước đây đã xử Đức Giê-su. Vào lúc Đức Giê-su bị bắt, trời đã tối nên các thành viên Thượng Hội Đồng tụ họp vội vàng trong dinh Thượng Tế Cai-pha. Dinh Thượng Tế Cai-pha có lẽ đã nhắc nhở thánh Phê-rô một kỷ niệm đau buồn. Nhưng thật là khác biệt biết bao giữa thái độ của người môn đệ sợ hãi của đêm bi thảm chối thầy mình, và vị Tông Đồ được ơn soi sáng của Biến Cố Phục Sinh và được đầy tràn Thần Khí của lễ Ngũ Tuần. 




2. Chứng từ của thánh Phê-rô trước Thượng Hội Đồng. 

Giờ của sự thật đã điểm. Thánh Phê-rô phục quyền Đức Giê-su mà họ đã kết án trước đây, buộc tội những kẻ giết Ngài và công bố sự phục sinh của Đấng chịu đóng đinh. Thánh nhân phát biểu bằng giọng nói dạn dĩ: "Vậy, xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng".  


Thật ra, người ta tra hỏi các ngài là nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà hai vị đã chữa lành người què nầy. Thánh Phê-rô quả quyết rằng chính nhờ danh Đức Giê-su Ki tô, người Na-da-rét. Thánh nhân chủ ý dùng thuật ngữ có một âm vang tiêu cực nầy như câu thành ngữ: "Từ Na-da-rét, làm sao có gì hay được?” (Ga 1: 46). "Chính nhờ danh Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người đứng trước mặt quý vị đây được lành mạnh". Và vị Tông Đồ còn cất cao giọng hơn nữa: "Chính Đấng ấy là viên đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường". 

 
Thật tốt đẹp biết bao khi sứ điệp về sự Phục Sinh được công bố trước hội đồng nầy, hội đồng đã lăng nhục và bêu xấu Đức Giê-su; thật tốt đẹp biết mấy khi những người đại diện chính thức của dân Chúa chọn nghe trực tiếp lời loan báo ơn cứu độ từ nay đạt được nhờ Đấng mà họ đã giết chết. Khi trích dẫn Kinh Thánh (Tv 118), vị Tông Đồ chứng minh rằng chân lý thuộc về phía của mình bởi vì các ngôn sứ đã báo trước rằng chính họ, những người thợ xây nhà Ít-ra-en đã loại bỏ đá tảng góc tường nầy. 

 
Hơn nữa, sự hiện diện của người què được chữa lành trước tòa án nầy không phải là lời chứng hùng hồn rằng Đức Giê-su là căn nguyên của ơn cứu độ sao? Chính sự hiện diện của người què được chữa lành nầy cũng đã cứu hai vị Tông Đồ: hai ông được thả ra, vì Thượng Hội Đồng sợ đám đông dân chúng "tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra" (4: 21). 


Nhưng chẳng bao lâu sau, bị bắt một lần nữa, thánh Phê-rô và thánh Gioan, lần nầy, bị đánh đòn và cấm không được nói đến danh Đức Giê-su; nhưng các ngài không thể nín lặng được và sẽ không bao giờ nín lặng.  

 
BÀI ĐỌC II (1Ga 3: 1-2) 

Đoạn trích thư thứ nhất của thánh Gioan hôm nay tập trung vào một chủ đề duy nhất: ơn làm con cái Thiên Chúa. Người Ki tô hữu là con cái Thiên Chúa ngay từ bây giờ, nhờ tình yêu của Chúa Cha. Nhưng ơn nghĩa tử nầy sẽ thăng hoa viên mãn chỉ khi chúng ta nên giống hoàn toàn với Con của Ngài vào ngày Ngài trở lại trong vinh quang. 
1. Ơn làm con cái Thiên Chúa: 

Thiên Chúa là tình yêu, đó là chủ đề hàng đầu của thần học Gioan. Thánh Gioan ngây ngất trước điều kỳ diệu nầy: Chúa Cha yêu thương chúng ta và gọi chúng ta là con cái của Ngài. Đó không chỉ là tước hiệu mà Ngài ban tặng cho chúng ta, nhưng một thực tại thâm sâu: "Anh em hãy xem Thiên Chúa yêu chúng ta dường nào: Người yêu chúng ta đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”. Theo văn hóa Do thái, một danh xưng diễn tả sự thật thâm sâu của con người: như vậy, Chúa Cha yêu thương chúng ta đến mức Ngài liên kết chúng ta vào Người Con của Ngài khi gọi chúng ta là con cái của Ngài. Phẩm vị nầy làm cho chúng ta khác với thế gian. "Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người". Những từ ngữ nầy vang dội lại những lời của Đức Giê-su cho các môn đệ của Ngài, được tường thuật chính xác trong Tin Mừng Gioan: "Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em" (Ga 15: 18). 


 
Toàn bộ bức thư nầy được cấu trúc theo lối phản đề; cuộc sống người Ki tô hữu đối lập với cuộc sống của những kẻ cứng tin hay những người lạc giáo. Ở đây, lối phản đề bao phủ một vùng rộng lớn: đó là thế gian, được hiểu theo nghĩa tiêu cực, thế giới của tội lỗi, bởi "vì thế gian đã không biết Thiên Chúa".

 
2. Sự biến đổi trong tương lai. 

Đoạn trích nầy có thể được đặt nhan đề: "Từ phép rửa đến sự biến đổi". Thật ra, từ ngữ không nói lên điều nầy, nhưng chính chuyển động của tư tưởng. 

 
Chúng ta đã được biến đổi rồi bởi cuộc sống làm con cái Thiên Chúa của chúng ta, nhưng đây chỉ là giai đoạn đầu tiên. Ơn làm con cái Chúa được hoàn thiện chỉ khi chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài; điều nầy sẽ chỉ xuất hiện vào thời chung cuộc. Bản văn có vẻ như muốn nói rằng được ngắm nhìn Con của Ngài trong vinh quang sẽ biến đổi chúng ta. Thật ra, đây không là ý tưởng mà thánh Gioan thật sự muốn diễn tả, vì sự biến đổi của chúng ta được ươm mầm rồi ở nơi phẩm tính con cái Thiên Chúa của chúng ta. 

 
Lời khẳng định của vị Tông Đồ là một lời khẳng định của đức tin, nhưng cũng dựa trên kinh nghiệm: thánh Gioan đã là nhân chứng của biến cố Biến Hình. Thánh nhân dường như ám chỉ đến kinh nghiệm nầy trong Tựa Ngôn: "Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy trần ân sủng và sự thật" (Ga 1: 14).  

 
Thánh Phao-lô cũng gợi lên sự biến đổi tương lai nầy trong thư gởi cho các tín hữu Phi-líp: "Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Pl 3: 20-21). 

 
TIN MỪNG (Ga 10: 11-18) 

Trong cả ba năm Phụng Vụ, Chúa Nhật IV Phục Sinh là Chúa Nhật "Chúa Chiên Lành". Mỗi năm Phụng Vụ chúng ta đọc một đoạn trích bài diễn từ của Đức Giê-su về “Người Mục Tử nhân lành” của chương 10 Tin Mừng Gioan. Vào năm A, chúng ta đã đọc phần đầu (10: 1-10); vào năm B nầy, chúng ta đọc phần tiếp theo (10: 11-18). 

 
Bài diễn từ nầy được Đức Giê-su công bố ở Giê-ru-sa-lem sau khi Ngài cho một anh mù được sáng mắt. Trong bài diễn từ nầy, Đức Giê-su tự nhận mình là người mục tử đích thật. Bài diễn từ nầy được ghi nhận trong cuộc xung đột giữa Đức Giê-su và các đối thủ của Ngài: họ là "quân trộm cướp", "những kẻ tiếm quyền mục tử". Những người Biệt Phái nầy đã trục xuất con chiên lẽ loi cô độc khỏi ràn chiên, tức là anh mù được sáng mắt. Đức Giê-su đã thu nhận anh, soi lòng mở trí cho anh vào ánh sáng đức tin…Như vậy chân dung của người mục tử nhân lành được nêu bật bởi sự đối lập nầy. 

 
Mặt khác, các vị lãnh đạo Ít-ra-en đặt vấn đề về Đức Giê-su và uy quyền của Ngài khi đòi hỏi Ngài thực hiện những điềm thiêng dấu lạ. Đức Giê-su gián tiếp trả lời cho họ khi tự nhận cho mình tước vị Mê-si-a Mục Tử mà các ngôn sứ đã loan báo.




1. Hình ảnh người mục tử: 

Hình ảnh người mục tử rất quen thuộc với một dân tộc không quên rằng cha ông của họ đã từng sống kiếp sống du mục và chăn nuôi. Kinh Thánh đã phác họa Đức Chúa là vị mục tử lý tưởng. Ẩn dụ cho phép diễn tả hai khía cạnh của mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài: uy quyền nhưng từ bi nhân hậu. Nhưng tước hiệu mục tử nầy được dành riêng đặc biệt hơn cho Đấng Mê-si-a tương lai. Nhất là ngôn sứ Ê-dê-ki-en – vào đầu thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên – vào thời điểm tai họa lớn lao (Kinh Thành Giê-ru-sa-lem bị đạo quân Ba-by-lon chiếm, Đền Thờ bị phá hủy, và dân chúng bị đưa đi lưu đày) đã tiên báo rằng rồi đến một ngày Thiên Chúa sẽ đòi lại đàn chiên của Ngài khỏi những mục tử chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên để giao lại cho Tân Đa-vít, không là vua, nhưng mục tử đích thật, tận tâm tận lực chăn dắt chúng (Ed ch. 34). Chính ở trong hàng dụ ngôn của vị ngôn sứ nầy mà dụ ngôn của Đức Giê-su được định vị. 

 
2. "Tôi là Mục Tử nhân lành". 

Trong phần thứ nhất của dụ ngôn (Ga 10: 1-10), Đức Giê-su đã phác họa những nét tiêu biểu của người mục tử nhân lành, nhưng chúng ta không thể ngộ nhận, chính là chân dung của Ngài. 

 
Phần thứ hai (10: 11-18), mà chúng ta đọc hôm nay, đưa chúng ta vào trọng tâm của sứ điệp: Đức Giê-su công khai tuyên bố Ngài là Mục Tử Nhân Lành, nhân lành không chỉ vì Ngài chứa chan lòng nhân ái đối với đàn chiên của mình nhưng vì Ngài là mục tử đích thật, vị mục tử duy nhất mà dân chúng mong đợi. Khi Đức Giê-su công bố: "TÔI LÀ", Ngài cho lời quả quyết nầy một giá trị tuyệt đối, loại trừ tất cả người khác: "Tôi là Đường, Sự Thật và Sự Sống", “Tôi là ánh sáng thế gian", "Tôi là cây nho đích thật", vân vân. Và luôn luôn những "tôi là" nầy mở ra một mặc khải liên quan đến con người của Ngài, chưa nói đến “TÔI LÀ” đứng một mình quy chiếu đến Thần Tính của Ngài. 

 
Khi tuyên bố mình là MỤC TỬ NHÂN LÀNH, Đức Giê-su thủ đắc cho riêng mình tước hiệu Mê-si-a. Và chính Ngài xác định vai trò Mê-si-a của Ngài: 



  • hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên; 

  • thiết lập những mối tương giao mật thiết giữa Thiên Chúa và con người; 

  • quy tụ tất cả những ai tin vào Ngài để chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. 

 
3. “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”: 

Đây là mặc khải cốt yếu gây xôn xao; mặc khải nầy mở ra và đóng lại toàn bộ đoạn văn nầy như kỷ thuật đóng khung.  


 
Đức Giê-su loan báo cái chết của Ngài và ý nghĩa của cái chết nầy với một sự trang trọng hết mức. Cũng chính sự trang trọng nầy mà Ngài sẽ bày tỏ trong suốt cuộc Khổ Nạn của Ngài và thánh Gioan sẽ nhấn rất mạnh trong bài tường thuật của mình. 

 
Đức Giê-su nghiêm túc đối mặt với cái chết nhưng cũng hoàn toàn độc lập đối với những kẻ gây ra cái chết của Ngài: các vị lãnh đạo Ít-ra-en hay viên Tổng Trấn Rô-ma: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”. Nếu Ngài phải chịu như vậy, chính vì Ngài muốn như thế. Đó cũng là lời mà Ngài nói với thánh Phê-rô vào lúc bị bắt: “Anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần!” (Mt 26: 53). 


Đức Giê-su dự kiến trước tất cả những giải thích sai lầm mà người ta có thể có về cái chết của Ngài: cái chết nầy sẽ không là hậu quả tất yếu của một sứ điệp gây xáo trộn, như cái chết của biết bao ngôn sứ, nhưng do ý muốn của chính Ngài. Đây là một sự tự nguyện hiến dâng với sự đồng thuận của Cha Ngài, trong một tình yêu nên một đối với đàn chiên trần thế. Đức Giê-su vén mở cho chúng ta một khía cạnh sâu xa của mầu nhiệm nầy: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình”. Vì thế, khi Chúa Cha bỏ mặc Con Ngài trong sự khốn cùng, chính lúc đó mà Ngài yêu Con Ngài nhất… 

 
Nhưng Đức Giê-su cũng loan báo cuộc Phục Sinh của Ngài: “Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy”. Những lời nầy âm vang biết bao trong thời gian sắp đến. Đức Giê-su đã lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ Lều, lễ diễn ra vào mùa thu. Vào mùa xuân sang năm, lễ Vượt Qua sẽ là lễ Vượt Qua của Ngài, từ Tử nạn đến sự Phục Sinh… 

 
4. “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”. 

Sự kiện người mục tử và đàn chiên quen hơi bén tiếng với nhau chiếm một chỗ quan trọng trong phần thứ nhất của dụ ngôn, ở đó Đức Giê-su nhấn mạnh: “Người giữ cửa cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ…” (10: 3-5). Việc quen hơi bén tiếng nầy cấu thành niềm tin tưởng và tình yêu. 
Trong phần thứ hai nầy, Đức Giê-su cho chúng ta nguyên mẫu của việc quen hơi bén tiếng nầy, chính sự hiểu biết nên một lòng một ý giữa Cha và Con. Đây là khuôn mẫu của những mối liên hệ mà Đức Giê-su muốn thiết lập giữa Ngài và con người. Thực hiện một mối tương giao sâu thẳm như thế là công trình của Ngài và giá máu của Ngài. Đây là ý nghĩa căn bản của dụ ngôn. 

5. Chỉ có một đàn chiên và một mục tử.  

Một niềm hy vọng lớn lao chạy xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh: giờ của Đấng Mê-si-a sẽ là giờ hiệp nhất dân Thiên Chúa. Các ngôn sứ đã ôm ấp giấc mơ nầy sau khi dân Do Thái bị phân chia thành hai vương quốc (thế kỷ thứ mười trước Công Nguyên). Những người lưu đày ở Ba-by-lon (thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên) đặt mọi niềm hy vọng của mình vào sự can thiệp của Đấng Mê-si-a, Đấng đến thực hiện công việc khó khăn, đó là quy tụ mọi con cái Ít-ra-en tản mác khắp nơi. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a hứa: “Đức Chúa sẽ quy tụ đoàn chiên của Ngài còn sót lại từ khắp mọi miền” (23: 3). Ngôn sứ Ê-dê-ki-en cũng hứa: “Sẽ chỉ có một mục tử duy nhất cho chúng hết thảy” (37: 24). Sự hiệp nhất sẽ là dấu chỉ của kỷ nguyên Mê-si-a và như bước khởi đầu của sự quy tụ cánh chung vĩ đại, vào thời sau hết, khi muôn dân muôn nước đều nghe tiếng gọi của Đức Chúa, vì Ít-ra-en là ánh sáng muôn dân. 

 
Đối với Đức Giê-su đây là một cách thế mới để khẳng định mình là Đấng Mê-si-a khi công bố mình là Đấng kiến tạo sự hiệp nhất của đàn chiên. Nhưng Đức Giê-su không chỉ nghĩ đến những con chiên của nhà Ít-ra-en chưa nhận ra Ngài, Ngài còn nghĩ đến cuộc hoán cải của thế giới lương dân. Khía cạnh Giáo Hội được diễn tả rất rõ rồi trong phần thứ nhất của dụ ngôn với hình ảnh ràn chiên. Trong phần thứ hai nầy, hình ảnh rộng mở; không còn một ràn chiên được rào chắn chung quanh với cửa đóng then cài, nhưng toàn thể thế giới. Chính Giáo Hội có sứ mạng hiệp nhất đàn chiên trong cùng một ràn chiên và dưới cùng một vị mục tử, Đấng đã sinh ra trong hang lừa máng cỏ và đã hiến dâng mạng sống mình cho đàn chiên.  
Lm. Ignatiô Hồ Thông



tải về 0.99 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương